Áp dụng ảo hóa trong các hệ thống IT

(ICTPress) - Ảo hóa (Virtualization) theo đánh giá của Gartner là 1 trong số 10 công nghệ IT trọng điểm của năm 2008 trên thế giới. Bài viết sẽ trình bày bức tranh tổng quan về ảo hóa, phân tích những lợi ích mà ảo hóa mang lại, đồng thời tóm lược các kết quả khảo sát về ứng dụng của công nghệ ảo hóa trong các hệ thống IT. 

Công nghệ ảo hóa trong bức tranh IT

Ảnh minh họa: blogspot

Trong những năm gần đây, nhu cầu tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên IT nhưng đồng thời vẫn bảo đảm sự thuận tiện trong quản trị hệ thống và sự bảo mật an toàn của các ứng dụng đang trở nên thiết yếu trong hoạt động của nhiều doanh nghiệp (DN) và tổ chức. Để đáp ứng nhu cầu như vậy, bộ phận IT của DN có thể chọn phương án dễ dàng là đề xuất trang bị mới nhiều thiết bị phần cứng có hiệu năng mạnh (như máy chủ có bộ vi xử lý tốc độ cao, thiết bị chuyển mạch tốc độ cao, các tủ đĩa lưu trữ có dung lượng lớn vv.) và tính bảo mật tốt. Xu hướng thực tế là các thiết bị phần cứng với những tính năng cải tiến, hiệu năng mạnh xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường và giá thành có chiều hướng ngày càng rẻ hơn, dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên, phương án đầu tư thiết bị mới như vậy nhiều khi không được ban lãnh đạo DN phê duyệt. Vì đi cùng với những thiết bị mới sẽ là sự phát sinh công việc và sự phức tạp về tích hợp hệ thống, về bảo đảm bảo mật thông tin, bảo trì và vận hành. Tựu trung lại đó chưa hẳn đã là phương án có tính kinh tế cao, nếu xét trên quan điểm tổng thể về giá thành sở hữu và vận hành.

Vì thế trong nhiều trường hợp, nhiều khả năng yêu cầu mà ban lãnh đạo DN đặt ra cho bộ phận IT sẽ là trước hết hãy tận dụng tối đa tài nguyên IT sẵn có, tìm giải pháp có tổng chi phí sỡ hữu (Total Cost of Ownership) hợp lý để có thể đáp ứng linh hoạt nhu cầu sử dụng của DN. Điều này càng trở nên có lý và dễ hiểu, khi thực tế phân tích hệ thống IT của nhiều DN đã đưa ra kết luận rằng hiệu suất sử dụng của các máy chủ ở mức dưới 5% không phải là hiếm gặp, và phổ biến cũng chỉ là 10-15%  [1].

Với yêu cầu và thực trạng như vậy, hiện đang có một giải pháp khác có thể sẽ phù hợp hơn. Đó là sử dụng các công nghệ ảo hóa để nâng cao hiệu năng sử dụng, đồng thời vẫn đảm bảo sự quản trị thuận tiện và tính bảo mật của hệ thống, giảm thiểu chi phí đầu tư và vận hành. Không phải ngẫu nhiên mà công ty nghiên cứu và tư vấn IT có uy tín Gartner đã đánh giá rằng ảo hóa là một trong 10 hướng công nghệ nóng nhất của năm 2008 [2]. Và nếu chúng ta cùng theo dõi những tiến triển, kết quả về công nghệ và động thái đầu tư, quảng bá để thúc đẩy các giải pháp ảo hóa từ các hãng lớn như Intel, IBM, HP, Cisco… trong thời gian qua, thì nhận định của Gartner là hoàn toàn có cơ sở.

 Khái niệm ảo hóa

Trước khi tiếp tục phân tích sâu thêm về ảo hóa, chúng ta hãy cùng xây dựng một cách nhìn chung để giải đáp câu hỏi ảo hóa là gì? Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để giải thích khái niệm ảo hóa và nhiều khi nhận thức của chính bộ phận IT trong các DN về thế nào là ảo hóa cũng không hoàn toàn thống nhất. Trong cuộc thăm dò ý kiến do tổ chức Strategic Counsel thực hiện năm 2007 [3], các ý kiến đưa ra cho câu hỏi về khái niệm ảo hóa máy chủ được tổng hợp như trong Hình 1 (cuộc khảo sát được thực hiện với 969 công ty, tổ chức trên thế giới hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, truyền thông. Tất cả các công ty này đều có nhiều hơn 500 nhân viên, trong đó 26% có nhiều hơn 10000 nhân viên). 80% số câu trả lời coi ảo hóa máy chủ đồng nghĩa với ảo hóa phần cứng hoặc hệ điều hành (hardware/OS virtualization), 62% cho rằng ảo hóa là sự phân chia tách bạch máy chủ thành các phần độc lập (hard partitioning), 59% cho rằng các giải pháp cluster cũng được coi là ảo hóa.

Hình 1. Khái niệm ảo hóa máy chủ trong nhận thức của các DN

Độc lập với những ý kiến cụ thể như trên, chúng ta có thể hiểu một cách khái quát và đơn giản khái niệm ảo hóa. Ảo hóa (virtualization), theo đúng nghĩa của từ này, là làm cho một sự vật có bản chất A dường như trở thành một sự vật khác có bản chất B từ góc nhìn của người sử dụng (NSD) sự vật đó. Nói cách khác, NSD chỉ biết đến và chỉ nhìn thấy bản chất B của sự vật, đối với họ bản chất A được ảo hóa thành bản chất B.

Áp dụng cách tiếp cận khái niệm ảo hóa như trên, trong trường hợp ảo hóa phần cứng/máy chủ, NSD/các ứng dụng nhận biết máy chủ ảo giống như một máy vật lý độc lập có đủ các tài nguyên cần thiết (bộ vi xử lý, bộ nhớ, kết nối mạng…). Trong khi thực tế là các máy chủ ảo không hề có những tài nguyên độc lập như vậy. Máy ảo chỉ sử dụng các tài nguyên đã được gán cho chúng từ máy chủ vật lý gốc (thường được nhắc đến với thuật ngữ hosting server hay hosting machine). Ở đây, bản chất A là máy ảo sử dụng các tài nguyên của máy chủ gốc. Bản chất B là máy ảo có thể hoạt động như một máy vật lý độc lập. Trong trường hợp các giải pháp cluster, NSD/các ứng dụng nhận biết rằng ứng dụng dường như đang chạy trên một máy chủ duy nhất. Bản chất A là ứng dụng đang được phân tải về nhiều máy chủ vật lý khác nhau trong cluster. Điều đó được ảo hóa thành bản chất B là ứng dụng dường như chỉ chạy trên một nguồn tài nguyên vật lý duy nhất.

Phân loại ảo hóa

Khi đã có được cách tiếp cận khái niệm ảo hóa, chúng ta cùng phân loại một cách có hệ thống những áp dụng ảo hóa trong lĩnh vực IT. Nếu phân loại dựa trên mục đích, ảo hóa có thể được chia thành những trường hợp như sau.

Dùng các công cụ ảo hóa để hợp nhất nguồn tài nguyên hệ thống. Khi trong hệ thống IT có nhiều thiết bị vật lý riêng rẽ, độc lập với nhau về mặt vật lý (ví dụ các card mạng khác nhau, các máy chủ khác nhau, các tủ lưu trữ khác nhau), áp dụng ảo hóa sẽ cho NSD/ứng dụng nhìn thấy một nguồn tài nguyên chung, duy nhất được hợp thành từ những thiết bị độc lập. Không những chỉ nhìn thấy, NSD/ứng dụng còn được trao cho khả năng chia sẻ theo ý muốn nguồn tài nguyên hợp nhất đó mà không cần quan tâm đến vị trí vật lý thật sự của nguồn tài nguyên.

Dùng các công cụ ảo hóa để tạo môi trường làm việc quen thuộc cho NSD đầu cuối. Trường hợp áp dụng ảo hóa này bao gồm hai cách thể hiện khác nhau. Trong cách thứ nhất, NSD cài đặt các máy ảo lên máy tính (máy chủ) vật lý của mình. Máy ảo có cách sử dụng, giao diện sử dụng và quản lý giống hệt như một máy tính (máy chủ) vật lý thông thường. Máy ảo dường như cũng có một cách độc lập bộ vi xử lý, bộ nhớ, kết nối mạng vv. Nhưng tất nhiên đó là những tài nguyên được gán (được ảo hóa) từ các tài nguyên vật lý của máy vật lý gốc.

Trong cách thứ hai, môi trường làm việc (như các ứng dụng, hệ điều hành) được cài đặt về mặt vật lý tại các máy chủ lớn. Áp dụng các công nghệ ảo hóa, NSD đầu cuối có thể dùng các ứng dụng trên máy trạm/laptop cá nhân giống như khi các ứng dụng được cài đặt ngay tại máy của họ. Nói cách khác, ảo hóa đã làm cho NSD “nhìn thấy” rằng các ứng dụng đang được cài đặt và hoạt động trên máy cá nhân của họ, trong khi thực chất chúng được cài đặt trên các máy chủ tại trung tâm dữ liệu hay phòng máy chủ.

Khi ứng dụng và các dữ liệu liên quan được cài đặt, lưu trữ và xử lý tập trung tại các máy chủ đặt tại phòng máy chủ hoặc trung tâm dữ liệu, các thiết bị đầu cuối được giải phóng khỏi nhiệm vụ lưu trữ dữ liệu và xử lý dữ liệu của ứng dụng. Điều này trước hết đảm bảo các dữ liệu mang tính bảo mật cao không thể bị truy cập tại các máy trạm đầu cuối. Nói một cách khác, vấn đề bảo mật thông tin được nâng lên một mức cao hơn. Ngoài ra, việc xử lý dữ liệu được đưa về các máy chủ cũng có nghĩa là các tài nguyên mạnh của máy chủ được tận dụng, thay vì phải dùng những tài nguyên hạn chế của các máy trạm. Những ưu điểm này có được mà không ảnh hưởng đến môi trường làm việc của NSD đầu cuối. Đối với họ, các ứng dụng hoạt động không khác gì chúng được cài đặt tại các máy trạm cá nhân, mặc dù trên thực tế, các ứng dụng chạy trên các máy chủ đặt cách xa. Tất cả các thao tác của người dùng đầu cuối để điều khiển ứng dụng (nhấn chuột, đánh bàn phím…) được truyền về máy chủ qua giao thức đặc biệt và được thực thi tại máy chủ (Hình 2). Nói cách khác, một môi trường trong đó các ứng dụng được ảo hóa được thiết lập tại các máy trạm.

Đây chính là cơ sở tạo nên một xu hướng mới cho các DN. Đó là thiết lập hệ thống IT trong đó NSD đầu cuối chỉ cần được trang bị những máy trạm với cấu hình phần cứng rất cơ bản gọn nhẹ. Tất cả các ứng dụng và dữ liệu liên quan được cài đặt, lưu trữ, xử lý tại các máy chủ đặt tập trung với mức bảo mật cao tại phòng máy chủ hoặc trung tâm dữ liệu. Mô hình này thường được nhắc đến với tên gọi Thin Client Architecture, là kiến trúc có thể được thiết lập với các máy trạm gọn nhẹ (Thin Client Desktops) và các phần mềm ảo hóa ứng dụng từ các hãng phần mềm (như XenApp của Citrix, Softgrid của Microsoft).

Hình 2. Ảo hóa ứng dụng tại thiết bị đầu cuối trong mô hình Thin Client Architecture

Từ một cách phân loại khác dựa trên đối tượng được ảo hóa, có thể chia công nghệ ảo hóa thành các mảng chính như sau.

Ảo hóa (hệ thống) máy chủ. Ảo hóa máy chủ là khi chúng ta thực hiện việc tách rời sự lệ thuộc giữa hệ điều hành và phần cứng cho hệ điều hành đó. Điều này cho phép nhiều hệ điều hành có thể hoạt động độc lập (tức là nhiều máy ảo được thiết lập) trên một nền tảng phần cứng chung.

Xét về kiến trúc hệ thống, các mô hình ảo hóa máy chủ có thể là host-based hoặc hypervisor-based. Trong mô hình host-based, để thiết lập máy ảo, NSD sẽ cài phần mềm ảo hóa trực tiếp vào máy vật lý. Đây là cách mà hiện nay hầu hết chúng ta quen dùng để thiết lập máy ảo. Việc phân chia các máy ảo được thực hiện trên hệ điều hành của máy chủ gốc (Hình 3, bên trái).  Trong mô hình hypervisor-based, một lớp ảo hóa (virtualization layer) chung được tích hợp thẳng vào phần cứng nền tảng x86. Các máy ảo sẽ được thiết lập trên lớp ảo hóa chung này (Hình 3, bên phải).

Hình 3. Hai mô hình ảo hóa do VMware áp dụng: host-based và hypervisor-based [4]

Ảo hóa (hệ thống) lưu trữ. Toàn bộ hệ thống lưu trữ của DN có thể bao gồm nhiều thiết bị vật lý khác nhau, được ảo hóa thành một nguồn lưu trữ chung duy nhất từ góc nhìn của các máy chủ, ứng dụng trong hệ thống. Việc chia sẻ và phân chia nguồn lưu trữ này được quản lý tập trung. Ngoài ra, ảo hóa lưu trữ còn là các trường hợp dùng tủ đĩa vật lý nhưng cho phép các máy chủ và ứng dụng nhìn nhận tủ đĩa đó như các thiết bị băng từ. Giải pháp như vậy thường được nhắc đến với tên gọi tape virtualization.

Ảo hóa lưu trữ là giải pháp mà các hãng công nghệ quan tâm và phát triển thành sản phẩm, ví dụ như SFS (Storage Area Networks File System), SVC (Storage Area Network Volume Controller) của hãng IBM. Hình 4 khái quát giải pháp SVC của IBM. Mạng lưu trữ gồm các thiết bị, tủ đĩa khác nhau được SVC ảo hóa thành một nguồn lưu trữ hợp nhất. Các động thái sao chép hay dịch chuyển dữ liệu bên trong nguồn lưu trữ hợp nhất đó được các ứng dụng tiến hành thuận tiện. Các ứng dụng tại các máy chủ hoàn toàn không “nhận thấy” được nguồn lưu trữ hợp nhất thật ra được tạo nên bởi các thiết bị vật lý độc lập.

Hình 4. Mô hình ảo hóa mạng lưu trữ SVC của IBM

Ảo hóa kết nối mạng: Cho phép ảo hóa các đường kết nối mạng, tạo ra một nguồn chung của các kết nối mạng có thể được gán một cách linh hoạt cho các máy tính, máy chủ và các thiết bị trong mạng mà không cần phải thay đổi các kết nối vật lý.

Ảo hóa ứng dụng: Ảo hóa ứng dụng là khi chúng ta tách rời sự lệ thuộc vật lý giữa ứng dụng, hệ điều hành và nền tảng tài nguyên được dùng để tải ứng dụng đó. Một ví dụ về ảo hóa ứng dụng chính là khi ảo hóa được áp dụng để thiết lập mô hình Thin Client Architecture.

Bảng 1 tổng hợp sự phân loại ảo hóa và sự liên hệ tương ứng giữa các loại hình ảo hóa vừa được trình bày ở phần trên.

Bảng 1. Tổng hợp các loại hình ảo hóa và sự liên hệ tương ứng

Công cụ để thực hiện ảo hóa

Từ khía cạnh thực thi, ảo hóa có thể được thiết lập bằng cách sử dụng phần mềm chuyên dụng hoặc dùng các phần cứng có tích hợp sẵn tính năng ảo hóa được kích hoạt.

Ví dụ cho trường hợp thứ nhất là khi NSD cài đặt phần mềm như VMware, Virtual PC, Virtual Server của Microsoft, phần mềm Citrix XenApp. Đối với người dùng đầu cuối thông thường (PC, laptop), đây là cách tạo môi trường ảo hóa đã khá quen thuộc.

Hiện trên lĩnh vực ảo hóa máy chủ đang có những giải pháp chính là ESX Server của hãng VMware và XenServer của hãng Citrix. Công ty VMware hiện đang dẫn đầu trong công nghệ ảo hóa với các sản phẩm, giải pháp nhiều tính năng, hoạt động ổn định. Tuy nhiên, giá thành bản quyền của VMWare khá cao, và tốc độ hoạt động chưa được nhanh như mong đợi của người dùng. VMware cung cấp giải pháp ảo hóa dựa trên cả hai mô hình host-based (thiết lập Workstation and VMware Server) và Hypervisor-based (kiến trúc ESX Server).

XenServer là sản phẩm của dự án phát triển mã nguồn mở Xen, được hãng XenSource thực hiện. Đến 2007, hãng Citrix mua lại XenSource và vì thế sản phẩm này trở thành của Citrix. Về công nghệ, khác với VMware sử dụng lớp ảo hóa “bare metal” Hypervisor, XenServer sử dụng công nghệ Paravirtualization, cho phép hệ điều hành của máy ảo (hay còn gọi là hệ điều hành guest OS) có thể tương tác với lớp ảo hóa để tăng hiệu quả và tốc độ của các máy ảo. Sử dụng paravirtualization có thể mang lại tốc độ hoạt động nhanh hơn, nhưng yêu cầu hệ điều hành của máy ảo phải có hỗ trợ một số tính năng liên quan đến ảo hóa.

Ngoài VMWare và Citrix, một hãng phần mềm lớn khác là Microsoft có giải pháp Virtual Server, giải pháp Hypervisor với tên gọi Hyper-V được tích hợp sẵn trong Window Server 2008 hoặc tồn tại dưới dạng sản phẩm độc lập.

Trong trường hợp thứ hai, tức là dùng các phần cứng có tích hợp sẵn tính năng ảo hóa, NSD (có thể là quản trị hệ thống hoặc người dùng máy tính thông thường), kích hoạt các tính năng có sẵn của các thiết bị phần cứng hoặc sử dụng các phần mềm hệ thống để thiết lập các tính năng ảo hóa. Ví dụ khi người quản trị hệ thống sử dụng các máy chủ IBM dòng p System với bộ vi xử lý dòng Power 5, Power 5+, hoặc Power 6, họ có thể kích hoạt các tính năng LPAR (Logical Partitioning), chia sẻ CPU (processor sharing) cho các phần máy (partition) khác nhau, phân chia tải (workload partition), hay Ethernet ảo (integrated virtual Ethernet). Một số ví dụ khác là khi sử dụng máy chủ dòng Integrity của HP, NSD có thể thiết lập môi trường VSE (Virtual Server Environment), cho phép tạo ra một nguồn chung chứa các máy chủ ảo. Hoặc khi sử dụng phân hệ HP Virtual Connect, một module phần mềm cho máy chủ phiến (blade server), cho phép tạo ra nguồn tài nguyên kết nối mạng chung cho tối đa 64 máy chủ.

Lợi ích của ảo hóa và xu hướng áp dụng

Hiểu về ảo hóa và nắm rõ các loại hình của ảo hóa, câu hỏi tiếp theo cần được giải đáp là tại sao nên áp dụng ảo hóa? Một cách khái quát, lợi ích của việc áp dụng các công nghệ ảo hóa có thể tóm gọn trong những điểm chính như sau.

Ảo hóa mở ra khả năng tận dụng một cách tối ưu nguồn tài nguyên hệ thống, hay nói cách khác là tăng hiệu suất sử dụng của hệ thống. Việc các nguồn tài nguyên vật lý riêng rẽ được hợp nhất thành một nguồn chung nhờ áp dụng ảo hóa cho phép sự phân bổ và chia sẻ linh hoạt tài nguyên cho các đối tượng sử dụng nguồn tài nguyên hợp nhất. Sự bất hợp lý về hiệu suất sử dụng (tức là trường hợp một nguồn tài nguyên vật lý có hiệu suất thấp, trong khi một nguồn tài nguyên vật lý khác lại có tải quá cao) sẽ được giảm thiểu.

Ảo hóa giúp giảm chi phí đầu tư và vận hành. Với việc áp dụng công nghệ ảo hóa, sẽ cần ít thiết bị phần cứng hơn, kéo theo giảm bớt diện tích sử dụng để lưu chứa các thiết bị phần cứng (phòng máy chủ, trung tâm dữ liệu), và như vậy nhu cầu và chi phí năng lượng như nguồn điện, chi phí làm mát để bảo đảm điều kiện hoạt động cho các thiết bị phần cứng cũng sẽ giảm đi. Hơn thế nữa, trong nhiều trường hợp, sử dụng các máy (máy chủ) ảo có thể làm giảm số bản quyền phần mềm cần mua so với khi dùng máy vật lý, tạo ra sự tiết kiệm chi phí bản quyền.  

Ảo hóa mở ra khả năng linh hoạt cao của hệ thống. Ảo hóa cung cấp các môi trường độc lập cho thử nghiệm, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới. Các máy chủ ảo có thể dùng làm môi trường thử nghiệm. Điều này cho phép tận dụng nguồn tài nguyên của các thiết bị vật lý có sẵn mà vẫn không làm ảnh hưởng đến môi trường hoạt động chính, vì các máy ảo được hoạt động một cách hoàn toàn độc lập.

Ảo hóa góp phần tăng cường tính liên tục trong hoạt động (business continuity) và bảo mật của hệ thống các ứng dụng. Ví dụ, việc sao lưu các máy ảo có thể thực hiện dễ dàng vì thông thường máy chủ ảo là một tập tin (file) trên máy chủ vật lý gốc, chỉ cần sao lưu tập tin này là đủ. Các tính năng ưu việt của các phần mềm ảo hóa cũng cho phép thiết lập sự kết hợp các máy ảo cài đặt trên các máy chủ vật lý khác nhau. Nếu một trong các máy chủ vật lý gặp hỏng hóc, máy chủ ảo trên máy vật lý còn tốt sẽ tự động bước vào hoạt động thay thế cho máy chủ ảo nằm trên máy vật lý bị hỏng.

Những lợi ích thu được khi áp dụng ảo hóa đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng này trong các hệ thống IT. Kết quả khảo sát từ nhiều tổ chức khác nhau đều đã xác nhận vị thế của xu hướng ảo hóa. Theo khảo sát của InformationWeek [5], khoảng 90% chuyên gia IT khẳng định rằng công ty của họ đã triển khai hoặc có kế hoạch triển khai công nghệ ảo hóa (Hình 5). Và câu trả lời tại sao ảo hóa được đưa vào sử dụng cho thấy 88% hướng tới mục đích hợp nhất hệ thống máy chủ, 55% cho mục đích phục hồi thảm họa, 50% cho mục đích thử nghiệm phần mềm, 26% cho mục đích quản trị hệ thống lưu trữ, và 5% cho các mục đích khác (Hình 6).

Hình 5. Xu hướng áp dụng công nghệ ảo hóa trong các hệ thống IT
Hình 6. Động lực để các DN áp dụng công nghệ ảo hóa (khảo sát của InformationWeek)

Một khảo sát khác được Tạp chí CIO thực hiện với gần 300 CIO (Chief Information Officer) cũng cho kết quả tương tự [6]. Theo khảo sát này, động lực để áp dụng ảo hóa của các DN một lần nữa khẳng định những lợi ích đã phân tích của ảo hóa. 81% số câu trả lời hướng tới giảm thiểu chi phí nhờ vào sự hợp nhất hệ thống máy chủ bằng công nghệ ảo hóa. 63% hướng tới hoàn thiện các giải pháp sao lưu và phục hồi thảm họa qua các giải pháp ảo hóa.

Bảng 2. Động lực để các DN áp dụng công nghệ ảo hóa qua khảo sát của tạp chí CIO (Người trả lời được chọn tối đa 3 câu trả lời)

Lời kết

Áp dụng ảo hóa trong các hệ thống IT mang lại những lợi ích thiết thực như đã được phân tích trong bài viết. Với NSD đầu cuối, việc tạo máy ảo (ví dụ với VMware) trên các máy cá nhân (PC, laptop) đã không còn xa lạ và nhìn chung họ đều trực tiếp trải nghiệm được những lợi ích mà áp dụng ảo hóa mang lại.

Tuy nhiên khi tiến ra quy mô lớn hơn cho một hệ thống IT của DN, tổ chức, việc áp dụng các công nghệ ảo hóa vẫn cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên đánh giá thực trạng hệ thống và nhu cầu sử dụng, cũng như đường hướng phát triển của DN, tổ chức. Trong nhiều trường hợp, quyết định có áp dụng ảo hóa trong hệ thống IT của DN hay không bao hàm thách thức mang tính tổ chức và chính sách nhiều hơn là thách thức về mặt công nghệ. Lợi ích của ảo hóa chỉ thực sự được phát huy khi ảo hóa được áp dụng trong các hoàn cảnh phù hợp.

        TS. Trần Tuấn Hưng

Tài liệu tham khảo

[2]. www.gartner.com

[3]. Global Server Virtualization Survey – Summary Report, The Strategic Counsel, June 2007.

[4]. Virtualization overview, VMWare white paper

[5]. The Reality of Going Virtual, InformationWeek journal, Feb. 12, 2007, pp. 49-52.  

[6]. Virtualization in the Enterprise Survey: Your Virtualized State in 2008, Laurianne McLaughlin, CIO, January, 2008.

Tin nổi bật