Tin tức ICTPress
PV Báo BĐVN nhận bằng khen tác phẩm xuất sắc của Hội Nhà báo
Submitted by nlphuong on Mon, 03/10/2011 - 16:29(ICTPress) - “Tư tưởng của Bác qua những con tem” của nhà báo Vũ Hoàng Huệ nhận bằng khen tác phẩm báo chí xuất sắc viết về chủ đề “Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010.
(ICTPress) - “Tư tưởng của Bác qua những con tem” của nhà báo Vũ Hoàng Huệ vừa được Hội Nhà báo Việt Nam trao giấy khen cho tác phẩm báo chí xuất sắc viết về chủ đề “Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010.
Nhà báo Vũ Hoàng Huệ (Bút danh Huệ Anh) là Hội viên của Liên chi hội Nhà báo Thông tin và truyền thông, hiện đang công tác tại Báo Bưu điện Việt Nam.
“Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc qua những con Tem” là tác phẩm giới thiệu về nhà sưu tập tem Vũ Văn Tỵ và gần 500 con tem trong bộ sưu tập tem “Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc” sau hơn 5 năm vất vả sưu tập.
Một gia tài tem lớn nhưng điều đặc biệt nhất của bộ sưu tập này, ngoài phần thể hiện chính về Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, trên mỗi con tem, mỗi bì thư là các ấn phẩm bưu chính đều có hình ảnh bản đồ Việt Nam
Nét độc đáo tiếp theo của bộ sưu tập tem là tác giả đã trích dẫn chính những câu nói nổi tiếng của Người để làm lời thuyết minh cho bộ tem. Điều này đã dẫn dắt người xem như đi vào một cuốn chuyện có cốt truyện rất đa dạng từ những địa danh lịch sử Trường Sa, Hoàng Sa, những chiến công, nước mất chủ quyền, người dân nô lệ… Tìm đường cứu nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc; Nhân dân miền Nam đấu tranh, Thống nhất đất nước; Xây dựng đất nước theo định hướng XHCN; Thực hiện mục tiêu Dân giàu - Nước mạnh - Xã hội Công bằng Dân chủ Văn Minh… Tất cả đều được minh hoạ bằng những con tem quý như Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ; Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc; Hà Nội - Huế - Sài Gòn kết nghĩa; Nhân dân miền Nam anh Hùng nhất định thắng; Những con tem của nhân dân Cu Ba và các nước XHCN ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam…
Đặc biệt, bộ sưu tập tem có rất nhiều con tem về sự kiện Giải phóng hoàn toàn miền Nam, Việt Nam mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử như con tem của nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà về Hiệp định Paris về Việt Nam (ngày 27/1/1973); con tem Thống nhất 4 xu của Bưu chính Việt Nam… Từng con tem như lật lại từng sự kiện, dẫn dắt người xem đi vào một cuốn chuyện có phần mở đầu, thân và kết. Và bao trùm lên tất cả là tư tưởng lớn của Người trên con đường đi tìm đường cứu cước, độc lập dân tộc…
Gần 5 năm xây dựng và phát triển, bộ sưu tập tem Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc đã được đem trưng bày, giới thiệu nhân dịp 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2009), 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2009); sự kiện phát hành bộ tem 80 năm Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/2010) được giới chơi tem và bạn tem gần xa khen ngợi.
Trong cuộc họp ngày 21/7/2009 tại Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Tỵ đã thay mặt Hội Tem Việt Nam báo cáo về việc Hội phát động phong trào cả nước xây dựng những bộ sưu tập hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và giới thiệu bộ tem của mình. Đồng chí Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã đánh giá: Hội Tem Việt Nam rất sáng tạo, đã tìm ra một hình thức tổ chức học tập độc đáo, gắn với đặc trưng của con tem bưu chính cách mạng và hoạt động của phong trào sưu tập tem, lôi cuốn được đông đảo hội viên tham gia.
Chia sẻ cảm xúc về quá trình lên ý tưởng và viết bài báo này, nhà báo Vũ Hoàng Huệ nhớ lại khi báo chí và toàn ngành có cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh": là một nhà báo tôi nghĩ ngay phải làm một việc gì đó và tự nhiên ý tưởng viết bài báo về Bác ra đời. Nhiều năm làm việc trong Ngành, nhà báo Vũ Hoàng Huệ thấy con tem có tư tưởng truyền đạt tốt nên tìm chủ đề về tem Bác Hồ.
Bạn đọc có thể xem toàn bộ bài viết "Tư tưởng của Bác qua những con tem" tại đây.
Bảo Ngọc
Thành lập ban hỗ trợ ứng cứu VietNamNet
Submitted by nadung on Fri, 30/09/2011 - 17:39Với sự cố tấn công DDoS báo Vietnamnet trong thời gian hơn một tháng với sự tham gia gồm hàng chục ngàn máy tính, Bộ TT&TT đã thành lập ban hỗ trợ để việc ứng cứu Vietnamnet được hiệu quả hơn.
Với sự cố tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) báo Vietnamnet trong thời gian hơn một tháng với sự tham gia gồm hàng chục ngàn máy tính, Bộ TT&TT đã thành lập ban hỗ trợ để việc ứng cứu Vietnamnet được hiệu quả hơn.
Theo ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm VNCERT (Bộ TT&TT), trước tình hình Báo Vietnamnet và các chuyên trang: Tuần Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam xuất hiện tình trạng khó truy cập do bị quá tải và kéo dài trong hơn một tháng qua, Bộ TT&TT đã thành lập một ban hỗ trợ ứng cứu báo điện tử Vietnamnet với sự tham gia của các đơn vị liên quan.
Trước đó, VNCERT cũng đã hỗ trợ tham gia ứng cứu Vietnamnet trong các cuộc tấn công DDoS nhưng do sự cố kéo dài liên tục và theo từng đợt nên VNCERT đã phải thành lập một ban hỗ trợ để việc ứng cứu được được hiệu quả, kịp thời hơn.
Đội ngũ kỹ thuật VietNamNet vẫn liên tục phải chống đỡ các cuộc tấn công DDoS lớn chưa từng có. Ảnh: VietNamNet. |
Vietnamnet đã có thông báo trên trang chủ của mình ngày 23/9 về sự cố bị tấn công DDoS từ ngày 15/8 cho đến nay. Thông báo chỉ rõ, lượng truy cập khổng lồ vào website này được thực hiện bởi một mạng lưới botnet gồm hàng chục ngàn máy tính cá nhân bị nhiễm virus chiếm quyền điều khiển và huy động vào cuộc tấn công. Các đơn vị nghiên cứu về an toàn thông tin đã tiến hành phân tích mẫu virus này và nhận thấy đây là loại virus được thủ phạm viết với mục đích từ đầu là để tấn công từ chối dịch vụ vào các website trong nước như Báo Vietnamnet.
Do là loại virus được viết tinh vi, không phá hoại ngay máy tính bị nhiễm mà ẩn náu vào các chương trình hay được người dùng trong nước chia sẻ nhiều trên Internet như Unikey, Acrobat Reader... nên có khả năng lây lan rất rộng mà không bị các phần mềm diệt virus phổ biến của thế giới phát hiện. Hiện Báo Vietnamnet vẫn đang tiếp tục nỗ lực cùng các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn khắc phục sự cố. Tuy nhiên do lượng dữ liệu của botnet tấn công quá lớn nên vẫn ảnh hưởng đến khả năng truy cập của độc giả vào Báo Vietnamnet và các chuyên trang.
Ngoài sự ứng cứu của các đơn vị đối tác truyền thống như VDC, VTC, Zing, CMC TI, CMC Infosec, AQTech..., Báo Vietnamnet đang tiếp tục nhờ đến sự hỗ trợ của các đơn vị có hạ tầng lớn hơn như FPT Telecom, cũng như thử nghiệm các phương án khắc phục khác.
Được biết, từ cuối năm 2010 cho đến đầu năm 2011, Vietnamnet đã "tiếp nhận" không ít các cuộc tấn công từ phía hacker, trong đó có những cuộc tấn công từ chối dịch vụ với cường độ kỷ lục với 1,5 triệu kết nối tại cùng một thời điểm (vào ngày 27/1/2011).
Thế Phương
Theo ICTNews
Báo BĐVN, VnMedia thực hiện tốt tuyên truyền hoạt động Ngành
Submitted by nadung on Thu, 29/09/2011 - 22:34(ICTPress) - "Việc đưa thông tin kịp thời của các báo đã góp phần định hướng dư luận về một trong những hoạt động quan trọng của Ngành".
(ICTPress) - "Việc đưa thông tin kịp thời của các báo đã góp phần định hướng dư luận về một trong những hoạt động quan trọng của Ngành", Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng.
Tại giao ban báo chí ngành TT&TT tháng 9 diễn ra chiều qua (28/9), Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng biểu dương các cơ quan báo chí Ngành, đặc biệt là Báo Bưu điện Việt Nam và Báo điện tử VnMedia đã thực hiện tốt định hướng tuyên truyền của cơ quan quản lý báo chí. Đặc biệt, hiệu quả định hướng thể hiện rõ đối với loạt bài viết đính chính vụ lỗ của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (BCVN).
Sự việc "lỗ 1.026 tỉ đồng" của BCVN mà nhiều báo ngoài Ngành thông tin chưa chính xác đã được các cơ quan báo chí Ngành làm rõ đó thực chất là khoản kinh phí Nhà nước sẽ thanh toán cho BCVN vì đã thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích do Nhà nước đặt hàng. Đây cũng là chủ đề mà ICTPress đưa thông tin đậm và rõ nét trong tháng qua.
"Việc đưa thông tin kịp thời của các báo đã góp phần định hướng dư luận về một trong những hoạt động quan trọng của Ngành", Thứ trưởng nói.
Đánh giá chung, Thứ trưởng cho rằng các cơ quan báo chí Ngành đã tiếp tục bám sát tốt các hoạt động thời sự của Bộ và toàn ngành TT&TT, kịp thời thông tin các vấn đề, sự kiện nổi bật trong Ngành trên tất cả các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT, báo chí, xuất bản.
Cụ thể là các chủ đề nóng như ban hành Nghị định Quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, hạ ngầm cáp viễn thông, quy chế quản lý Game Online, việc Bưu chính Việt Nam không lỗ 1000 tỷ đồng như các cơ quan báo chí đưa tin, quản lý truyền hình trả tiền và hoạt động xuất bản trên Internet...
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như việc tuyên truyền các vấn đề lớn của đất nước còn hạn chế; trích dẫn nguồn tin chưa chính xác; miêu tả tội ác quá tỉ mỉ, trái với thuần phong mỹ tục; một số vi phạm về nội dung vẫn chưa được khắc phục mặc dù đã bị nhắc nhở nhiều lần, đặc biệt là đối với VTC.
Khánh Hà
Tạp chí Xã hội thông tin giới thiệu về ICTPress
Submitted by nadung on Wed, 28/09/2011 - 08:53Hôm qua (27/9), Tạp chí Xã hội thông tin điện tử có bài giới thiệu về ICTPress trong mục Web hay với tiêu đề "Website của những người làm báo ngành TT&TT".
Hôm qua (27/9), Tạp chí Xã hội thông tin điện tử có bài giới thiệu về ICTPress trong mục Web hay với tiêu đề "Website của những người làm báo ngành TT&TT".
Dưới đây là nội dung bài viết (xem bài gốc tại đây):
Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là hội của những người làm báo ngành TT&TT. Từ 109 hội viên (năm 2002) hiện nay Liên chi hội đã phát triển lên gần 280 hội viên công tác trong các cơ quan báo viết, báo hình, báo mạng, sinh hoạt trong 11 chi hội thành viên của Liên chi. Liên chi hội cũng là nơi quy tụ được đầu tiên và sớm nhất đủ các loại hình báo chí trong cả nước, đặc biệt là báo điện tử.
Việc xây dựng và đưa vào hoạt động báo điện tử của Liên chi hội nhà báo TT&TT www.ictpress.vn làm cầu nối tốt hơn nữa giữa hội viên, các chi hội, đẩy mạnh hoạt động, chia sẻ nghiệp vụ báo chí, chuyên ngành, làm cho xã hội hiểu được nghề báo và những người làm báo, đặc biệt là báo chí ngành TT&TT.
Trang web của những người làm báo sẽ cập nhật các hoạt động sôi nổi của các nhà báo ngành TT&TT, các bài viết, tin tức ICT nóng hổi qua các mục "Thời sự ICT", "Chuyển động ngành".
Nhân loại đang trong kỷ nguyên Internet. Thế giới có đang thực sự được làm phẳng bởi công nghệ www hay ngay trong Internet cũng ẩn chứa những "cơn sóng thần" và "động đất"? Nghề báo (báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử) đang đối mặt với những thách thức to lớn. Mời các bạn hãy chia sẽ những kinh nghiệm và tri thức nghề nghiệp cùng với chuyên mục "Nghề báo" và góp phần làm chuyên mục này ngày càng phong phú bổ ích
hơn.
"Đã mang lấy nghiệp vào thân", nghiệp báo khiến người cầm bút khi đi đâu, nhìn thấy gì đều suy ngẫm và muốn cầm bút viết ra. Viết ra để chia sẻ với người khác và có khi viết ra chỉ để một mình mình đọc. "Chuyện dọc đường" là các câu chuyện mà những người cầm bút đã gặp, đã thấy, đã cảm nhận và muốn chia sẻ với bạn đọc. Mời các đồng nghiệp hãy chia sẻ và cùng làm đầy lên kho tàng thông tin từ những điều thú vị trên dọc đường tác nghiệp.
Mời bạn ghé thăm và đóng góp ý kiến!
Minh Minh
Theo XHTT
Báo điện tử VnMedia giải thích sự cố khó truy cập
Submitted by nadung on Tue, 27/09/2011 - 10:02(ICTPress) - Từ sáng qua (26/9), độc giả cho biết việc truy cập vào Báo điện tử VnMedia bị chập chờn, và một số tin trên trang bị lỗi phông chữ.
(ICTPress) - Từ sáng qua (26/9), độc giả cho biết việc truy cập vào Báo điện tử VnMedia bị chập chờn, và một số tin trên trang bị lỗi phông chữ.
Truy cập vào Báo điện tử VnMedia bị chập chờn do đang nâng cấp giao diện. Ảnh chụp màn hình. |
Được biết, Báo điện tử VnMedia đang có kế hoạch nâng cấp giao diện mới nhằm hiển thị được nhiều tin bài hơn tại các vị trí nổi bật và giúp độc giả theo dõi dễ dàng hơn.
Báo điện tử VnMedia cũng ra thông báo cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do Báo đang thực hiện chỉnh sửa một số chi tiết trên giao diện.
Theo VnMedia, đến 2 giờ chiều qua, việc truy cập đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, đến thời điểm hiện tại truy cập vào VnMedia vẫn khá khó khăn.
Với sự cố này, Báo điện tử VnMedia gửi lời xin lỗi và mong tiếp tục nhận được sự theo dõi của độc giả.
Lê Nguyên
"ICTPress cần phát triển nhanh và chất lượng"
Submitted by nadung on Sun, 04/09/2011 - 09:40(ICTPress) - Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng sau khi nghe Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TT&TT Nguyễn Huy Luận báo cáo Trang thông tin điện tử ICTPress đã chính thức hoạt động trên mạng Internet.
(ICTPress) - Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng sau khi nghe Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TT&TT Nguyễn Huy Luận báo cáo Trang thông tin điện tử ICTPress của Liên chi hội đã chính thức hoạt động trên mạng Internet.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng (giữa): ICTPress cần phát triển nhanh và chất lượng. Ảnh: MIC. |
Tại buổi giao ban báo chí ngành TT&TT tháng 8/2011, Chủ tịch Nguyễn Huy Luận cho biết việc xây dựng và khai trương trang thông tin điện tử của Liên chi hội là một nỗ lực rất lớn với sự đóng góp của nhiều hội viên nhà báo Ngành để kịp thời kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống ngành Bưu điện (15/8/1945 - 15/8/2011).
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã chúc mừng hoạt động, nỗ lực tích cực này của Liên chi hội và mong muốn ICTPress sẽ phát triển nhanh và chất lượng.
Về thông tin trên báo chí Ngành trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo cần tuyên truyền đậm nét các hoạt động kỷ niệm 66 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đặc biệt nêu bật những thành tựu của đất nước, của các ngành, địa phương; tiếp tục tuyên truyền văn kiện XI của Đảng đi vào cuộc sống và 03 năm thực hiện Nghị quyết 27 của TW và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị; công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo; tuyên truyền cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền về việc các cấp, các ngành triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cho các trang, cổng thông tin điện tử; tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng...
Giao ban báo chí ngành TT&TT là hoạt động hàng tháng giữa các cơ quan báo chí trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, với mục đích để các cơ quan báo chí trong Ngành có dịp trao đổi, hợp tác với nhau, cùng hướng tới mục tiêu cơ quan báo chí của "Ngành quản lý báo chí cả nước" phải trở thành hình mẫu trong hoạt động báo chí.
Lê Nguyên
Điều còn mãi 2011: Lời núi sông vang dội
Submitted by nadung on Sat, 03/09/2011 - 12:18Tất cả những tác phẩm đã vang lên trong buổi hòa nhạc Điều còn mãi 2011 là tiếng lòng của lớp lớp những thế hệ Việt Nam, từ quá khứ lịch sử hào hùng đến tương lai đầy hy vọng của dân tộc.
Tất cả những tác phẩm đã vang lên trong buổi hòa nhạc Điều còn mãi 2011 là tiếng lòng của lớp lớp những thế hệ Việt Nam, từ quá khứ lịch sử hào hùng đến tương lai đầy hy vọng của dân tộc.
Khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội đã không còn một chỗ trống vào lúc 14h00 ngày mùng 2/9/2011, ngày Quốc khánh của nước CNXH chủ nghĩa Việt Nam - ngày mùa thu lịch sử mà cách đây 66 năm, trên quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập.
Khán phòng Nhà hát lớn trang trọng và lộng lẫy không còn một chỗ trống |
Có mặt tại buổi hòa nhạc Điều còn mãi 2011 là những gương mặt nhân sĩ, chí sĩ và những người làm nghệ thuật đầy tâm huyết với truyền thống vẻ vang và sự phát triển của nước nhà. Có những đại diện của thế hệ đi trước, có những đại diện của thế hệ đi sau, đều là những gương mặt ưu tú, là niềm tự hào và hy vọng.
Đó là nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Văn Ký, nhà thơ Việt Phương, nhà thơ Dương Tường, nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Hoàng Dương, nhạc sĩ Phó Đức Phương, giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà báo Hữu Thọ - nguyên TBT báo Nhân Dân, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn - Nguyên tổng biên tập báo VietNamNet, nhà thơ Bùi Sỹ Hoa - Tổng biên tập báo VietNamNet, giám đốc nghệ thuật của chương trình-nhạc sĩ Dương Thụ, giám đốc Trung tâm văn hóa Đức, đại diện ĐSQ Nhật Bản...
Tất cả đều chờ đợi giây phút đồng hồ điểm 14h00 để bắt đầu lắng nghe những giai điệu của quê hương, hồn thiêng của dân tộc. Toàn bộ khán giả trong khán phòng Nhà hát lớn đã xúc động đứng dậy nghiêm trang làm lễ chào cờ khi dàn nhạc cử Quốc ca.
Trong phần khí nhạc mở đầu buổi biểu diễn, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Mạnh Duy Linh vinh dự là tác giả có tác phẩm được trình diễn đầu tiên, Concerto grosso cho violin, piano, bộ gõ và dàn dây đã gây ngạc nhiên lớn cho người nghe bởi sự trưởng thành và sáng tạo của một thế hệ những nhà soạn nhạc trẻ tuổi của Việt Nam. Đây là một Concerto tinh tế, khá phức tạp với ngôn ngữ âm nhạc hiện đại và mới mẻ. Những nét giai điệu đa chiều và gãy gọn trong tác phẩm này cho thấy một bước tiến mới về sự thông minh và sáng tạo trong sáng tác, khắc họa rõ nét dấu ấn cá nhân của tác giả. Đặc biệt nghệ sĩ violin Bùi Công Duy đã thể hiện xuất sắc và gần như hoàn hảo phần solo dành cho violin. Concerto này cũng là sáng tác giúp Nguyễn Mạnh Duy Linh tốt nghiệp Thạc sĩ Sáng tác âm nhạc loại xuất sắc tại Nhạc viện Quốc gia Magnitogorsk (Nga).
Bùi Công Duy trong tác phẩm Concerto grosso cho violin, piano, bộ gõ và dàn dây |
Lần lượt các tác phẩm mang âm hưởng dân ca và âm nhạc truyền thống được đưa tới khán giả bằng những cách thức chuyển soạn khác nhau. "Trở về đất mẹ" - tác phẩm kinh điển và vô cùng quen thuộc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từng được biểu diễn thành công bởi dàn nhạc giao hường, nay lại được thể hiện đầy tính tự sự với cây đàn cello - nhạc cụ được mệnh danh là gần gũi nhất với giọng người.
Là nét riêng không thể thiếu trong hòa nhạc thường niên Điều còn mãi, tác phẩm dân ca chuyển soạn "Bèo dạt mây trôi" đã không còn là một bài dân ca quen thuộc mà đã dày dặn hơn, nhiều bè nhiều lớp hơn để trở thành một tác phẩm khí nhạc mang tính chất thính phòng, sánh ngang với các tác phẩm khí nhạc quan trọng khác. Bên cạnh Bùi Công Duy, violinist Xuân Huy đã chơi tác phẩm "Hát ru" của nhạc sĩ Hoàng Dương vừa tinh tế vừa sâu lắng và đầy xúc cảm.
Violinist Xuân Huy đã chơi tác phẩm "Hát ru" |
Bên cạnh các tác phẩm khí nhạc có phần thuần nhất, "Bóng" của Phó An My và nhạc sĩ Tuệ Nguyên lại là sự pha trộn đương đại vô cùng rõ nét khi một nhạc cụ cổ điển phương Tây lại được đối thoại với giọng hát chầu văn của Việt Nam. Cuộc đối thoại mang nhiều màu sắc tưởng chừng như khó cảm đãnhận được sự cổ vũ vô cùng hào hứng từ khán giả.
Được chờ đợi nhất có lẽ là Giao hưởng thơ "Lệ Chi Viên" của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - tác phẩm đã chinh phục những thánh đường âm nhạc Đức năm 2009. Không phụ lòng mong mỏi của khán giả, ngay từ những nét giai điệu đầu tiên đã có thể thấy tính kể chuyện, tính tự sự và những nét giai điệu rất Việt Nam thấp thoáng hiện lên. Càng đi về chủ đề chính, về mâu thuẫn và sự xung đột, các giai điệu lại càng chồng lên nhau dữ dội hơn, mạnh mẽ hơn, lớp lớp như sóng tràn, như tinh thần quật cường và ý chí của người anh hùng dân tộc, cũng như những oan khuất không thể tỏ bày. Với Lệ Chi Viên, Trần Mạnh Hùng đã kể một câu chuyện nhiều tính tiết, có sự hào sảng, có sự đau đơn, có nghĩa khí và tầm vóc.
Phần thanh nhạc của Điều còn mãi được mở đầu bằng tác phẩm giàu lòng yêu nước - hợp xướng "Việt Nam muôn năm" của nhạc sĩ Hoàng Vân. Đọan lĩnh xướng: "Ôi, Tổ quốc giang sơn hùng vĩ/ Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi/ Hãy kiêu hãnh: trên tuyến đầu chống Mỹ/ Có miền Nam anh dũng tuyệt vời" đã khiến cho nhiều khán giả có mặt trong khán phòng nổi da gà vì xúc động.
Trong phần thanh nhạc, các giọng ca nữ tỏ ra nổi trội với phong cách biểu diễn đa dạng, thể hiện nhiều kĩ thuật thanh nhạc và vocal, đặc biệt phải kể đến là Mỹ Linh Trên đỉnh phù vân, Nguyên Thảo - Họa mi hóa trong mưa. Hồng Nhung bất ngờ như trở lại thưở 18 với cách hát biểu cảm đẹp đẽ mà không quá cầu kì, với tính trữ tình mềm mại và những xúc cảm nữ tính, mong manh. Có một sự chuyển đổi thú vị khi Hồng Nhung hát thành công Hoa sữa của Thanh Lam còn Nguyên Thảo thì thành công với Họa mi hót trong mưa của Hồng Nhung. Thảo hát rất mềm ở tone thấp, ngọt ở khu trung và biểu cảm mãnh liệt ở những nốt cao. Họa mi hót trong mưa đã hoàn toàn ghi dấu ấn của Nguyên Thảo.
Trên đỉnh phù vân là một trong những ca khúc được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí cầu kì nhất, khó nhất cho giọng hát. Đoạn nhạc dạo cũng được làm rất kĩ để thể hiện được khung cảnh mờ ảo đầy sương phủ trên đỉnh núi cao ngất và xa thẳm. Cái khó nhất mà Mỹ Linh phải là được, đó là ăn nhập giọng hát của cô với lối tả cầu kì, hư ảo của những nhạc cụ xung quanh. Và Mỹ Linh đã làm được điều này một cách tuyệt vời. Phần vocal khó có thể tốt hơn, như thể đó không còn là giọng mà thực sự là những âm thanh vang vọng từ đỉnh núi. Mỹ Linh trên đỉnh phù vân 2011 không còn là Mỹ Linh của năm 1997, mà đã sâu lắng hơn, đầy đặn hơn, kĩ thuật hơn... và đẳng cấp hơn nhiều..
Hồng Nhung tươi trẻ |
Mỹ Linh rực rỡ |
Nguyên Thảo ghi dấu ấn mới với "Họa mi hót trong mưa" |
Ca sĩ Đăng Dương khiến người nghe nổi da gà với "Việt Nam muôn năm" và "Những ánh sao đêm" |
Đăng Dương, Trọng Tấn đã hát những tác phẩm quen thuộc nhưng sự trở lại hùng tráng cùng dàn nhạc giao hưởng của những giai điệu được phối khí tinh tế và lay động lòng yêu nước của khán thính giả như chiều 2-9 thì thực sự là những cảm xúc đặc biệt không thể nào quên. Những ánh sao đêm, Tình em, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người... khi vút lên đã khiến khán giả rưng rưng xúc động. Có mặt trong khán phòng, giáo sư Ngô Bảo Châu tâm sự, anh thấy thật may mắn được thưởng thức "Điều còn mãi" và trong lòng anh lúc đó thật bồi hồi hai tiếng "Việt Nam".
Đại hợp xướng "Việt Nam quê hương tôi" với sự góp mặt của Dàn hợp xướng ĐHSPNT Trung ương, Dàn hợp xướng cung thiếu nhi Hà Nội, toàn thể nghệ sĩ và ca sĩ đã kết thúc những phút giây đẹp đẽ và những xúc cảm tuyệt vời của hòa nhạc Điều còn mãi 2011.
Hồ Hương Giang
Theo VietNamNet
Người mê sưu tầm tư liệu Bác Hồ, tướng Giáp
Submitted by nlphuong on Fri, 02/09/2011 - 22:38Đó là tài sản vô giá mà người cựu binh không hết tự hào khi chúng tôi tìm về thăm ông trong những ngày tết Độc lập 2/9.
Ông là Đào Thông (60 tuổi) ở thôn Sa Động, Bảo Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình). Bộ sưu tập những tư liệu, bài viết, hình ảnh về Bác Hồ của ông hiện có hơn 3.000 cái. Bộ sưu tập về Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiện có trên 1.000 ảnh và tư liệu. Ngoài ra, ông còn có gần 1.000 con tem sưu tầm từ những năm 1968 đủ các thể loại…
Đó là tài sản vô giá mà người cựu binh không hết tự hào khi chúng tôi tìm về thăm ông trong những ngày tết Độc lập 2/9.
Cuốn phim bằng hình ảnh tĩnh
Năm 1971, ông Thông nhập ngũ. Cuộc đời binh lửa của ông kéo dài đến năm 1976. Những chiến trường ông đi qua có lẽ còn dài hơn tuổi đời mình.
Ông kể: “Khoảng những năm 76, tôi đang ở bên Lào, Bác Hồ đã đi xa nhưng niềm nhớ của những người lính như tui thì da diết lắm. Trong những tờ báo tôi được đọc, thình thoảng có in hình Bác Hồ, thế là tui cất giữ nó như một kỉ vật, dần dần, bộ sưu tập dày lên…”.
Ông Thông bên những bộ sưu tập ảnh, tư liệu về Bác Hồ ... |
và Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Sau khi xuất ngũ, ông Thông về làm cán bộ tổ chức ở Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, rồi ở Bệnh viện Hữu nghị Cu Ba – Đồng Hới. Trong quãng thời gian đó, vừa lo công việc cơ quan, ông vừa tranh thủ xây dựng bộ sưu tập của mình.
Khoảng năm 2006, qua quá trình tích cóp tư liệu, ông bắt đầu đóng thành tập bộ sưu tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp. Hai cuốn sổ dày cộp với hơn 3.000 tư liệu, hình ảnh là cả một kì công của ông về quá trình sinh thành, quãng đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch.
Có những bức ảnh rất quý như hình ảnh Bác Hồ vẫy tay chào trong một hội nghị, phía sau Bác, có cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí khác, bức ảnh được in trên giấy nứa- là bức ảnh đầu tiên trong đời sưu tầm của ông.
“Bác đi ở mô là tui cố gắng tìm kiếm tư liệu về chỗ đó”, ông Thông cho biết. Bộ sưu tập rất công phu về quãng đời hoạt động cách mạng của Bác, về những nơi bác từng đến, những cuộc gặp mặt với các Nguyên thủ quốc gia trên thế giới, về những lần bác thăm hỏi ở khắp các vùng miền về đất nước.
Có một câu chuyện khiến ông không hết tự hào và đầy cảm động. Ấy là một lần các cháu nhỏ học ở trường cấp I gần nhà, trong một lần tham quan thực tế được cô giáo dẫn về nhà ông để chiêm ngưỡng bộ sưu tập.
Trong những trang sách lịch sử mà các em học có một bài về việc Bác Hồ đi ngoài trời giá lạnh, tối về, Bác dùng một viên gạch để sưởi ấm. Nhiều em thắc mắc về viên gạch này, hình thù và kích thước ra sao.
Thế là ông giở ngay trong bộ sưu tập của mình bài viết và hình ảnh về viên gạch này. Lúc đó, các cháu mới mường tượng ra và hết sức thán phục cho sự chịu đựng gian khổ của Người.
Cùng niềm vui được khám phá của các cháu, ông Thông cũng như vui lây: “Tui sưu tầm những tư liệu này chỉ mong có được chút gì lưu lại để cho con cháu mai sau được biết đến quãng đời cách mạng của những vị lãnh tụ kính yêu”.
Hồ hởi với bộ sưu tập kì công của mình, ông tiếp tục giới thiệu cho tôi bộ ảnh và tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xúc động lật từng trang giấy sắp xếp hình ảnh theo thời gian của vị Đại thần khai quốc tròn trăm tuổi, ông chia sẻ:
“Nhiều người thắc mắc vì sao tôi không sưu tầm những cái khác, tôi nói, chúng tôi là những người lính cụ Hồ, trải qua bom đạn, những người anh, người cha như Bác Hồ, bác Giáp luôn tạo được niềm tin yêu trong chúng tôi, họ không những sánh tầm vĩ đại với quốc tế mà còn rất tình cảm và thân thiện với những người lính, người dân nên tôi muốn lưu lại một cái gì đó về họ cho con cháu”.
Ông còn nhớ, khoảng năm 1973 giặc phao tin Đại tướng bị hi sinh trong một làn thăm kho đạn. “Lúc đó anh em chúng tôi buồn bã lắm. Nhưng rất bất ngờ khi từ Bắc gửi vào cho anh em chúng tôi mỗi người 1 cái kẹo Hồng Hà, một bì thư, 1 điếu thuốc là quà của Đại tướng. Ai cũng sung sướng đến ngây ngất. Và tôi, y như có một luồng điện chạy qua người khi được cầm những món quà rất ý nghĩa của người anh cả”, ông chưa hết xúc động.
Đến dịp lễ, tui lại “hăng say” đọc báo
Từ những tình cảm thương mến giữa người lính với người lãnh đạo như thế, ông dành hết tâm huyết để lưu lại một chút gì đó cho mình, cho con cháu mình và cho những đồng đội, để mỗi lần đến dịp kỉ niệm, cả nhà lại được quây quần ôn lại truyền thống hào hùng.
Những ngày lễ, kỉ niệm là lúc ông chạy nhiều nhất để tìm các tư liệu, hình ảnh |
Ông kể: “Những dịp lễ như những ngày này, tui phải chăm chú quan sát, tìm kiếm trên các báo tìm những bài viết, tư liệu mà mình đang còn thiếu, bỏ qua là mình tiếc lắm”.
Cũng từ đam mê của ông, bà Nguyễn Thị Nem (vợ) cùng các con như bị 'nhiễm' và luôn tìm cách giúp đỡ chồng mình. Có những tư liệu, hình ảnh quý nào, bà và các con đều gom lại đưa về cho chồng. Cháu ngoại ông vừa tròn hai tuổi, mỗi lần ông ngoại giở bộ sưu tập ra lại chìa tay chỉ: “ông Giáp, ông Giáp”.
Ông cười mà thấy vui khi con, cháu vẫn biết đến những người tiền bối.
Để có được những hình ảnh, trang viết này, ông phải lặn lội đi xe lên các bưu điện, các nhà sách, thư viện để tìm tòi. Trong cái nắng gắt của những ngày hè, hễ nghe báo đài có bài viết nào mình còn cần là ông lại xách xe đi tìm cho bằng được.
“Có khi tui phải lục tung cả thư viện mới tìm được số báo đó, rồi photo ra mang về”.
Tỉ mẩn sắp xếp rất cẩn thận những tư liệu thu thập được |
Trong cao hứng của câu chuyện, ông còn mang ra cho tôi một bộ sưu tập tem gần 1000 cái có từ những năm 1968. Đáng chú ý trong bộ sưu tập này là hình ảnh của các vị lãnh tụ trong Đảng, Nhà nước như: Hồ Chủ Tịch, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập…
Bà Nem xuýt xoa về chồng: “Từ khi nghỉ hưu, ngày nào ông cũng cặm cụi bên những bộ sưu tập. Thấy chồng làm việc có ý nghĩa nên tui cũng động viên con cháu giúp ba nó”.
Những ngày này, căn nhà bên dòng Nhật Lệ của ông Thông thỉnh thoảng lại rộn lên những tiếng cười của sự họp mặt. Bạn bè từng chiến đấu ở các chiến trường trong xóm ông nay còn khoảng hơn 20 người.
Cứ đến ngày lễ, họ lại tụ tập ở nhà ông để được ôn lại quá khứ qua những bức ảnh, qua những trang viết mà ông giữ lại được. Ai cũng xuýt xoa khen ngợi ông bởi để làm được một bộ như thế này không phải ngày một ngày hai, mà là cả một sự kỳ công và tinh mẫn, bởi nếu không nhớ kỹ sẽ rất lộn xộn trong việc sắp xếp và lưu trữ.
Cũng vì muốn có được những kí ức ngày càng dày, bạn bè ông vẫn thường tìm tòi và mang về giúp ông. Có được một bức ảnh quý, những người lính già lại quây quần bên nhau mà bàn tán, mà ôn lại. Những câu chuyện về thời lửa đạn vì thế không lúc nào nguội đi trong thâm tâm họ.
Còn với ông Thông, một ước muốn đơn giản lúc nào cũng canh cánh trong lòng: “Những bức ảnh, những trang viết này, những người muốn biết về quá khứ hào hùng của ông cha, như tôi, như chú thì đó là cả một gia tài đáng quý. Tôi sẽ cố gắng gìn giữ và sưu tầm thêm nhiều nữa để sau này, bậc con, bậc cháu có cái mà tìm về, mà hình dung…”.
Sỹ Tứ - Duy Tuấn
Chuẩn bị tổ chức Hội nghị về chính sách an toàn thông tin Việt Nam năm 2011
Submitted by nadung on Tue, 30/08/2011 - 10:13Dự kiến trung tuần tháng 10/2011, tại Đà Nẵng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Báo Bưu điện Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị về chính sách an toàn thông tin Việt Nam năm 2011.
Dự kiến trung tuần tháng 10/2011, tại Đà Nẵng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Báo Bưu điện Việt Nam thuộc Bộ TT&TT sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị về chính sách an toàn thông tin Việt Nam năm 2011. Chủ đề hội nghị là "Đảm bảo an toàn thông tin trong phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam".
Cán bộ Phòng an toàn an ninh thông tin - Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng kiểm soát thông tin trên mạng. Nguồn: hoaphuongdo.vn |
Dự kiến sẽ có 250-300 đại biểu tham dự hội nghị bao gồm lãnh đạo Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, Ban chỉ đạo CNTT của các cơ quan Đảng, lãnh đạo và các đơn vị liên quan thuộc các cơ quan Trung ương, các đơn vị chuyên trách về CNTT của các bộ, ngành, Sở TTTT, các hội, hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp liên quan, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu.
Nội dung hội nghị sẽ xoay quanh Kế hoạch và chiến lược triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và những thách thức về an toàn thông tin; Quy hoạch an toàn thông tin số quốc gia, an toàn thông tin khi phát triển đề án Chính phủ điện tử tại địa phương. Hội nghị cũng mở ra diễn đàn thảo luận với các chủ đề: Quy hoạch an toàn thông tin số, công tác điều phối ứng cứu, chính sách, vai trò của nhà quản trị an ninh thông tin (CSO - Chief Security Officer), phát triển nhân lực, chế độ chính sách cho chuyên gia.
Hội nghị cũng sẽ nghe báo cáo của các chuyên gia về vấn đề an toàn thông tin đối với các Chính phủ tại châu Á; nguy cơ bảo mật đối với dữ liệu Chính phủ trong môi trường Internet và những giải pháp tại một số quốc gia. Một số doanh nghiệp cũng sẽ có báo cáo về hỗ trợ xây dựng chính sách an toàn thông tin cho Chính phủ, quan hệ giữa doanh nghiệp – Chính phủ đảm bảo an toàn thông tin cho website và cổng thông tin điện tử; hướng dẫn về thông tư điều phối, công tác điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin, các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cho cổng thông tin điện tử hoặc báo cáo kinh nghiệm xử lý ứng cứu...
Thúy Hòa
(Theo MIC)
"Điều còn mãi" - tình yêu nhân loại sẽ vượt ra ngoài Việt Nam
Submitted by nadung on Tue, 30/08/2011 - 09:19Sẽ có một ngày, chương trình hòa nhạc tôn vinh các sáng tác và tài năng âm nhạc đất Việt vang xa mãi, vượt ra ngoài biên giới địa lý, đến với những đồng điệu và rung cảm nghệ thuật trên khắp thế giới.
Sẽ có một ngày, chương trình hòa nhạc tôn vinh các sáng tác và tài năng âm nhạc đất Việt vang xa mãi, vượt ra ngoài biên giới địa lý, đến với những đồng điệu và rung cảm nghệ thuật trên khắp thế giới.
Niềm hy vọng cháy lên cùng bạn bè thế giới
Điều đó có thể khó khăn trong một tương lai gần, nhưng để "Điều còn mãi" đến được với người yêu nhạc và bạn bè thế giới, để thế giới hiểu thêm về Việt Nam, về nền văn hóa, nền âm nhạc, nghệ thuật của chúng ta chính là tâm nguyện của những người đã dầy công xây dựng chương trình.
Nguyên TBT VietNamNet - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí. |
Một trong những thành viên sáng lập và điều hành hòa nhạc Điều còn mãi - nguyên TBT báo VietNamNet, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn cam kết sẽ góp phần tâm huyết cùng BTC, tìm cách đưa hòa nhạc Điều còn mãi ra nước ngoài, để những giai điệu tôn vinh các tài năng âm nhạc Việt Nam được đến với công chúng yêu nhạc trên thế giới.
Ông tâm sự, hôm 10/8 vừa rồi, đứng giữa khán phòng John Hancok – Back Bay, trung tâm tổ chức nhiều sự kiện lớn và trang trọng của vùng với 2.000 chỗ ngồi (Massachusetts,Mỹ), nghe những giai điệu của hòa nhạc Hòa giải yêu thương được dàn nhạc New Philharmonia Orchestra lần lượt chơi những tác phẩm đỉnh cao của âm nhạc thế giới, Slavonic Dance của Dvorak, Violin Concerto Số 4 của Mozart, Symphony số 5 của Tchaikosky... với tinh thần được nhạc trưởng và BTC nhấn mạnh là tiếp nối ý tưởng và hoạt động mà báo VietNamNet khởi xướng và tổ chức năm 2010, ông thấy vô cùng tự hào và yêu mến hai tiếng: Việt Nam.
Tổng biên tập Bùi Sỹ Hoa - trưởng ban tổ chức "Điều còn mãi" chia sẻ với báo giới |
Ông Nguyễn Anh Tuấn mong ước Điều còn mãi sẽ không chỉ cháy lên tình yêu quê hương, đất nước ở quốc gia chúng ta mà một ngày nào đó sẽ được vang vọng ở nhiều quốc gia khác trên thế giới để bạn bè thế giới hiểu tình yêu cháy bỏng hướng về nhân loại và về nền hòa bình của người Việt Nam. "Nếu làm được điều gì, tôi sẽ sẵn đồng hành góp phần là hạt cát, là viên gạch trong lộ trình đó để Điều còn mãi đi ra thế giới, như Hòa giải và yêu thương đã đến được cái nôi văn hóa của nước Mỹ xa xôi" - Nguyên Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn tâm sự chân thành rằng, những hình ảnh, âm thanh, sự xúc động còn in sâu trong tâm khảm của ông về buổi chiều 2/9 hai năm trước đã, đang và sẽ theo mãi cùng ông suốt cuộc đời. Ông bày tỏ sự vui mừng khi người đồng nghiệp kế nhiệm Tổng biên tập báo VietNamNet Bùi Sỹ Hoa, các anh em đồng nghiệp, các nhạc trưởng, nhạc sĩ, nghệ sĩ... đã tiếp tục thắp lửa để duy trì chương trình hết sức ý nghĩa này.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi |
Nhạc trưởng Lê Phi Phi - người đã đồng hành cùng chương trình Điều còn mãi 2010 chia sẻ rằng sẽ tiếp tục đồng hành với Điều còn mãi 2011 và tất cả những chặng đường tiếp theo ở các năm sau. Chỉ huy danh tiếng từng làm việc với rất nhiều dàn nhạc trên thế giới cho biết rất xúc động vì nhiều khi cũng có những chương trình hòa nhạc có biểu diễn tác phẩm của Việt Nam, nhưng toàn bộ chương trình là tôn vinh các tác giả và tác phẩm Việt Nam thì Điều còn mãi là đầu tiên và duy nhất. Nhạc trưởng cũng vô cùng mong muốn sẽ có cơ hội nào đó để nếu không phải là Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đi ra thế giới biểu diễn Điều còn mãi thì là một (hay nhiều) dàn nhạc thế giới nào đó sẽ biểu diễn chương trình.
Hy vọng vươn ra thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng trước hết, để khắc phục được tình trạng chỉ có năm bẩy trăm khán thính giả đến tận khán phòng mới được thưởng thức chương trình, Điều còn mãi đã luôn luôn phối hợp với các kênh truyền hình để khán thính giả cả nước và thế giới có thể được dự khán từ xa một cách rộng rãi. Năm đầu tiên - 2009, Điều còn mãi được truyền hình trực tiếp trên VTC1, năm thứ hai - 2010 trực tiếp trên kênh VTV 1, còn năm nay, chương trình sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV 3.
Nhạc sĩ Dương Thụ và những trăn trở cho "Điều còn mãi" |
Điểm mới ở Điều còn mãi 2011
Chương trình được chia làm hai phần khí nhạc và thanh nhạc. Phần khí nhạc có các điểm nhấn là bản giao thưởng thơ "Lệ Chi Viên" của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, Concerto cho violon, piano, bộ gõ và dàn dây của Nguyễn Mạnh Duy Linh. Những tác phẩm ngắn viết cho cello chọn Trở về đất mẹ (Nguyễn Văn Thương), tác phẩm Hát ru cho violon & dàn nhạc của Hoàng Dương. Bên cạnh đó còn chuyển thể tác phẩm "Bèo dạt mây trôi" cho dàn nhạc giao hưởng. Cuối cùng là tác phẩm có tính chất thể nghiệm là trích đoạn tác phẩm "Bóng" (trích đoạn giá đồng thứ 4).
Phần thanh nhạc chia ra hai đề tài, hợp xướng và ca khúc nghệ thuật. Hợp xướng chọn 3 tác phẩm, đó là "Việt Nam muôn năm" hợp xướng một chương với dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Hoàng Vân,Tiếng hát từ thành phố mang tên Người của Cao Việt Bách, phổ thơ: Đăng Trung và Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận) do dàn hợp xướng ĐH Sư phạm Văn hóa nghệ thuật cùng dàn hợp xướng Cung văn hóa thiếu nhi thể hiện...
Nhạc trưởng Lê Phi Phi và ca sĩ Nguyên Thảo trên sân khấu Điều còn mãi 2010 |
Ngoài ra còn có 6 ca khúc phối với dàn nhạc giao hưởng: Ngọc lan (Dương Thiệu Tước) - do Hà Phạm Thăng Long thể hiện, Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu) do Đăng Dương trình bày, Tình em (Huy Du) - Trọng Tấn thể hiện, Hoa sữa (Hồng Đăng) với sự góp mặt của giọng hát Hồng Nhung, Trên đỉnh Phù Vân (Phó Đức Phương) do Mỹ Linh hát phối theo phong cách thính phòng giao hưởng, Họa mi hót trong mưa (Dương Thụ) do ca sĩ Nguyên Thảo trình bày.
Đặc biệt, phần mở màn chương trình sẽ là tiết mục truyền thống "Quốc ca" do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn và kết là ca khúc "Việt Nam quê hương tôi" được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí theo phong cách thính phòng, do các ca sĩ trình bày cùng hai dàn hợp xướng, để tất cả khán giả ai thuộc cũng có thể cùng hát với các nghệ sĩ. Theo Tổng đạo diễn Dương Thụ, với tư cách là người viết kịch bản ông không muốn đây sẽ là cuộc mít tinh về âm nhạc nhưng rất mong tất cả người Việt Nam cùng đồng lòng nói lên tình cảm, tâm hồn của mình.
Ca sĩ Mỹ Linh trong những phút thăng hoa cùng Điều còn mãi 2010 |
(Theo VietNamNet)