Thời sự ICT
CEO Huawei: không có liên quan nào đối với các vấn đề an ninh mạng của Mỹ
Submitted by nlphuong on Thu, 09/05/2013 - 17:20(ICTPress) - Ông Nhiệm Chính Phi (Ren Zhengfei), Tổng Giám đốc (CEO) và là người sáng lập tập đoàn Huawei hôm nay 9/5 tại New Zealand cho biết Tập đoàn Huawei cam kết để mang đến giá trị và đóng góp cho nền kinh tế số của New Zealand.
Ông Nhiệm Chính Phi tại New Zealand |
“New Zealand là một trong những thị trường chiến lược quan trọng nhất của Huawei và thực sự rất giá trị đối với chúng tôi. Huawei đã được lựa chọn để giúp xây dựng các mạng 4G/LTE và mạng Băng rộng Siêu nhanh (UFB - Ultra-Fast Broadband) tại New Zealand. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai những công nghệ truyền thông tiên tiến, đẳng cấp thế giới tại đây, để xây dựng các hệ thống mạng tiên tiến nhất và an toàn nhất cho quốc gia này”, ông Nhiệm Chính Phi phát biểu.
Trong tháng 4/2013, Huawei đã được lựa chọn để xây dựng mạng 4G/LTE của Telecom New Zealand, hệ thống mạng dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10/2013. Hợp đồng này là sự tiếp nối của việc lựa chọn Huawei là nhà cung cấp chính trong sáng kiến Băng rộng Siêu nhanh (UFB) của New Zealand năm 2011 - 2012. Huawei cũng đồng thời là nhà cung cấp thiết bị chính cho các nhà khai thác viễn thông lớn khác của quốc gia này. Cam kết nâng cao chất lượng sống cho người dân thông qua truyền thông và sáng tạo, Huawei cũng giới thiệu chiếc điện thoại thông minh (smartphone) sử dụng ngôn ngữ Maori (Maori là một dân tộc bản xứ tại New Zealand) đầu tiên trên thế giới thông qua mạng di động của quốc gia này.
Hiện nay, Huawei tại New Zealand có 120 nhân viên, trong đó 90% là các nhân viên bản địa và dự định sẽ tuyển dụng thêm nhiều nhân viên và tăng cường đầu tư vào New Zealand và cùng phát triển với quốc gia này. Trong 3 năm qua, tổng đầu tư trực tiếp của Huawei vào New Zealand là 139 triệu đô la New Zealand.
Bên cạnh đó, ông Nhiệm Chính Phi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết một trong những thách thức lớn trong việc phổ cập mạng băng rộng tại cả New Zealand và trên toàn cầu là vấn đề an ninh mạng (cyber security). “Chúng ta cần đảm bảo một hệ thống mạng ổn định trong bất kỳ tình huống nào, đặc biệt là khi xảy ra động đất, sóng thần hay những tình huống khẩn cấp khác. Đây là trách nhiệm xã hội tối thượng của các nhà sản xuất hạ tầng mạng. Và không chỉ có vậy, là một công ty lớn trên toàn cầu, Huawei rất coi trọng vấn đề an ninh mạng”, ông Nhiệm Chính Phi phát biểu.
Khi đối mặt với thách thức an ninh mạng của Hoa Kỳ, ông Nhiệm Chính Phi cho biết: “Thiết bị Huawei gần như không có trên các hệ thống mạng hiện nay đang hoạt động tại Mỹ. Chúng tôi chưa bao giờ bán bất kỳ một thiết bị lớn nào cho các nhà khai thác lớn của Mỹ, cũng như chưa bán bất kỳ thiết bị nào cho bất kỳ một cơ quan chính phủ nào của Mỹ. Huawei không có bất cứ liên quan nào đối với các vấn đề an ninh mạng của nước Mỹ trong quá khứ, hiện tại và tương lai”.
X.T
Bất ngờ với số liệu truy cập Bkav vượt Google và Facebook
Submitted by nadung on Tue, 07/05/2013 - 13:59(ICTPress) - Thông tin được Bkav thông báo sáng nay (7/5) tại sự kiện ra mắt phiên bản phần mềm diệt virus mới Bkav 2013 và lập tức thu hút được nhiều sự quan tâm.
Theo đó, số liệu thống kê trong Báo cáo Tài nguyên Internet cuối năm 2012 của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, Bkav có tên miền được truy vấn nhiều nhất tại Việt Nam, lớn hơn cả tổng lượng truy vấn của Google và Facebook cộng lại.
Cụ thể, theo số liệu tháng 10/2012, tên miền bkav.com.vn đạt hơn 2,6 tỷ lượt truy vấn, trong khi đó google.com và facebook.com lần lượt có 1,4 tỷ và 1,0 tỷ lượt truy vấn (tên miền google.com.vn có xấp xỉ 280 triệu lượt truy vấn).
Đây là thông tin gây bất ngờ bởi trước nay khi đề cập tới lượng truy cập, người dùng Internet tại Việt Nam thường chỉ chú ý tới các dịch vụ Web với các số liệu, xếp hạng của Alexa hay Google Ad Planner.
Các tên miền được truy vấn nhiều nhất tại Việt Nam (số liệu tháng 10/2012). Nguồn: VNNIC. |
Lý giải về lượng truy vấn lớn này, ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Bkav cho biết, người sử dụng chỉ truy cập vào Google hay Facebook khi có nhu cầu, trong khi phần mềm diệt virus của Bkav hoạt động thường trực, liên tục kết nối tới máy chủ của Bkav thông qua công nghệ điện toán đám mây khi máy tính người dùng gặp các nguy cơ.
"Mỗi ngày, trung bình một máy tính sử dụng Bkav truy cập tới máy chủ khoảng 50 lần", ông Sơn cho biết.
Cũng theo số liệu của VNNIC, một phần mềm diệt virus khác là Kaspersky cũng đạt hơn 1 tỷ truy vấn trong tháng 10/2012.
Ngoài ra, theo ông Sơn, một lý do quan trọng khác là Bkav đã đạt số lượng người dùng lớn, với khoảng 12,5 triệu người sử dụng bản Bkav Pro và Home Plus, chiếm 75% thị phần khối doanh nghiệp, và 85% khối người dùng cá nhân.
Ông Sơn cũng cho biết, sau nhiều lần "trễ hẹn" tham gia thị trường quốc tế thì cuối năm nay Bkav sẽ tiếp tục tung ra phiên bản 2014, đây là phiên bản chủ lực để Bkav tấn công ra thị trường toàn cầu.
An Du
Chỉ có 16 Nữ Bộ trưởng ICT trên toàn thế giới
Submitted by nlphuong on Fri, 26/04/2013 - 19:05(ICTPress) - Hàng năm vào ngày thứ Năm tuần thứ tư của tháng 4, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và cộng đồng ngành viễn thông toàn cầu tổ chức ngày “Ngày của Phụ Nữ trong ngành CNTT&TT” (“Girls in ICT Day”).
Ý tưởng này ra đời từ năm 2010 và tính riêng năm 2012 đã có tổng số 1.300 sự kiện diễn ra ở 90 quốc gia trên thế giới. Sáng kiến này nhằm tạo cơ hội cho nữ giới tham gia và đóng vai trò tích cực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học và giúp họ thấy rõ một tương lai phát triển đầy tiềm năng và cơ hội.
Năm nay, sự kiện này diễn ra vào ngày 25/4/2013, Tổng thư ký ITU TS. Hamadoun Toure cho biết “Dù đã có nhiều chuyển biến nhưng mới chỉ có 21 trong số 500 công ty trong bảng xếp hạng của Fortune được điều hành bởi người phụ nữ. Chỉ có 16 Bộ trưởng lĩnh vực ICT là nữ giới trong tổng số 193 quốc gia thành viên tham gia ITU. Và chỉ có 10% các tổ chức ICT độc lập có phụ nữ nắm vai trò điều hành”.
ITU dự đoán còn thiếu khoảng 2 triệu chuyên gia lĩnh vực ICT và nếu như năm 1985 có 35% tỉ lệ nữ giới trong lĩnh vực này thì năm 2010, tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 18%.
Một thế giới hiện nay khi có hơn 95% công việc có yếu tố liên quan đến kỹ thuật số và còn thiếu rất nhiều kỹ năng trong lĩnh vực ICT thì việc có thêm nữ giới trong lĩnh vực này là vô cùng cần thiết.
Các loại hình nghề nghiệp liên quan đến ICT trở nên rất đa dạng và nhiều nghề mới vì hàng ngày có ngày càng nhiều người sử dụng Internet, máy tính, ứng dụng trong học tập, làm việc, mua sắm, ngân hàng và giải trí. Ví dụ như nghề quản lý truyền thông các trang mạng xã hội, thiết kế các sản phẩm đồ họa số, và các nghề trực tuyến như xuất bản, thương mại điện tử, marketing qua kênh truyền thông đa phương tiện. Thậm chí, chỉ cần bạn biết cách tìm kiếm từ Google hay YouTube bạn có thể tạo ra một tác phẩm hay. Bạn có thể sử dụng mạng xã hội để nổi bật và thu hút sự chú ý và thậm chí bạn có thể dùng ICT để quản lý cuộc sống của mình thông minh trong việc lưu trữ dự liệu, tương tác, mạng xã hội. Việc ứng dụng phần mềm cho các lĩnh vực khác, từ ngành nông nghiệp, chăn nuôi cho tới quản lý doanh nghiệp hay ngành hàng không cũng tạo ra nhiều nghề mới bên cạnh các nghề ICT cơ bản truyền thống như kỹ sư lập trình, viết ứng dụng, thiết kế phần mềm.
Hưởng ứng hoạt động này, Ericsson đã tổ chức hoạt động tại 8 quốc gia trong đó có 2 nước châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc bao gồm tổ chức các chuyến thăm quan môi trường làm việc tại các cơ sở nghiên cứu phát triển cho nữ sinh viên học sinh và chia sẻ về những cơ hội việc làm trong lĩnh vực ICT và cách thăng tiến trong sự nghiệp bên cạnh sự cân bằng với yếu tố gia đình. Hiện tại số lượng nữ trong Ericsson chiếm 22%.
Minh Anh
Phần mềm nguồn mở không còn là câu chuyện của nước khác
Submitted by nlphuong on Fri, 26/04/2013 - 14:45(ICTPress) - “Năm 2013 nổi lên vai trò của Chính phủ trong việc đi đầu ứng dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) với 35,1% ứng dụng do Chính phủ hỗ trợ (15% y tế, 9% tài chính). Hơn 2.000 dự án, nhiều hoạt động trong lĩnh vực y tế trong nhiều mảng khác nhau sử dụng PMNM”.
Hội thảo "Ứng dụng và Phát triển PMNM" được tổ chức hôm nay 26/4 tại đầu cầu Hà Nội và Đà Nẵng |
Ông Nguyễn Thế Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng cho biết về kết quả khảo sát hàng năm do BlackDuck và North Bridge thực hiện về hiện trạng ngành PMNM và phân tích các xu hướng tương lai được sự hỗ trợ của 30 công ty dẫn đầu ngành PMNM và các tổ chức cộng tác với sự tham gia mở của toàn bộ cộng đồng nguồn mở.
Năm 2012 số người tham gia khảo sát này đã tăng gấp đôi là 822 người so với năm 2011 là hơn 400 người, trong đó 42% từ các nhà cung cấp giải pháp, còn lại là 58% người sử dụng gồm cả các CIO, CEO...
Các yếu tố để đưa ra quyết định ứng dụng PMNM theo khảo sát cho biết là chất lượng, bảo mật, chi phí, khả năng nâng cao năng lực kỹ thuật trong nội bộ. Như vậy, đã có sự đột phá - PMNM được thừa nhận bởi chất lượng.
Một sự thay đổi quan trọng nữa là năm 2013 có 62% người trả lời khảo sát cho biết 5 năm tới sẽ mua khoảng 50% PMNM để sử dụng, trong khi đó năm 2009, con số này chỉ có 26%. PMNM có sự chuyển mình rất lớn do sự sáng tạo vì khi môi trường mở cho phép giao diện mở để có thể tích hợp, cùng làm việc với nhau (28% cho biết sẽ dùng trong 2 tháng tới, chỉ 8% không sử dụng giao diện mở).
Khảo sát về sự cộng tác giữa các đối thủ cạnh tranh cũng cho thấy một sự thay đổi lớn 57% những người được khảo sát nói công ty sẽ cộng tác với đối thủ cạnh tranh để làm PMNM xảy ra ở các lĩnh vực quan trọng. Ví dụ hàng không có quỹ nguồn mở với sự tham gia của nhiều đơn vị cạnh tranh; Tài chính cũng có quỹ để xây dựng PMNM;…
Những chiều hướng sẽ quan trọng đối với PMNM theo khảo sát này sáng tạo, tri thức và học thuật hàn lâm; đưa PMNM vào những lĩnh vực không liên quan đến kỹ thuật.
North Bridge cũng cho biết năm 2012 có sự đột phá về số tiền đầu tư cho PMNM là 553 triệu USD, số khoản đầu tư giảm nhưng số lượng tiền của mỗi khoản lại tăng thêm. Đã qua giai đoan làm rộng, bắt đầu đi sâu. Trung bình 15 triệu USD/khoản chứ không còn 1 vài trăm nghìn hoặc vài triệu USD như trước.
PMNM đang xâm chiếm thế giới phần mềm dựa trên những chức năng rất cạnh tranh, dựa trên chất lượng của PMNM, và vì vấn đề an ninh bảo mật.
Các nhà cung cấp có cơ hội tăng doanh thu với mô hình mới, thu hút đầu tư phát triển PMNM. Người sử dụng cũng nhìn thấy sự tăng trưởng từ các vùng kỹ thuật như ô tô, y tế, tài chính,…
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết Việt Nam là một số ít trong các nước sớm có chính sách PMNM.
Ngày 3/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 50/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý Chương trình CNPM&NDS cùng với Chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT của Bộ TT&TT đã tạo ra sự thay đổi lớn cho PMNM: Với sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, cùng với sự nỗ lực của địa phương, kết quả ứng dụng PMNM đã có chuyển biến rõ rệt: Nâng cao nhận thức, Tạo nguồn nhân lực, Ứng dụng thông dụng trên máy trạm, Ứng dụng các giải pháp PMNM trên máy chủ.
Hầu hết các địa phương đều sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách trung ương để tổ chức đào tạo sử dụng PMNM. Tổng số 7.356 lượt người được đào tạo, điển hình: Ninh Thuận có 1200 lượt người, Lai Châu là 1180, Bắc Giang 698, Cần Thơ 400, Trà Vinh 375, Long An: 360.
Cài đặt PMNM tính đến 2011 có 21/46 địa phương đã OpenOffice và Ubuntu tại ít nhất 1 đơn vị, điển hình: Bắc Giang 16 đơn vị, 50% máy tính tại UBND tỉnh; Đồng Nai: 48 đơn vị, 51/240 máy chủ cài đặt PMNM, 2917/5120 máy trạm đã cài đặt PMNM… Một số điển hình về ứng dụng PMNM như: Bắc Giang, Quảng Nam, TP. HCM, Đà Nẵng, Bình Định, Vĩnh Long, Yên Bái…
Đánh giá về hiện trạng ứng dụng PMNM, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết nhận thức về PMNM đã được nâng lên một bước, không phải là câu chuyện của nước khác.
Bên cạnh đó, trước sự quan tâm của thị trường CQNN, PMNM và các dịch vụ đi kèm cũng được phát triển mạnh hơn: Sản phẩm tốt hơn, dễ sử dụng hơn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ PMNM ngày càng nhiều hơn, mạnh hơn. Cộng đồng hỗ trợ PMNM lớn mạnh, đặc biệt với sự thành lập và phát triển ngày càng mở rộng của Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở VFOSSA.
Đặc biệt trong năm 2012, Bộ TT&TT đã phối hợp với một số địa phương trong cả nước triển khai thành công dự án “Hỗ trợ địa phương xây dựng, hoàn thiện một số sản phẩm PMNM theo Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 20/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ”. Theo đó, 7 sản phẩm PMNM thông dụng, có khả năng triển khai nhân rộng trong các CQNN đã được phát triển, xây dựng và cài đặt vận hành tại một số địa phương như "Phần mềm cổng thông tin điện tử nguồn mở; Phần mềm thư điện tử đa cấp nguồn mở; Phần mềm thư điện tử cấp tỉnh nguồn mở; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các sở, ngành; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các quận, huyện; Phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cho các sở, ngành; Phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cho các quận, huyện. Điều này một lần nữa khẳng định những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Bộ TT&TT về mặt chủ trương kết hợp các nguồn lực trong xã hội nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đánh giá việc ứng dụng PMNM tại Hội thảo trực tuyến ứng dụng và phát triển PMNM 2013 được Bộ TT&TT và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức sáng nay 26/4 tại Hà Nội cho biết mặc dù đầu tư Nhà nước còn khiêm tốn, với nỗ lực của nhiều địa phương và bộ, ngành, trong 2 năm qua, PMNM đã từng bước trở thành quen thuộc, được sử dụng ngày một nhiều hơn trong các công tác quản lý nhà nước ở các địa phương, đặc biệt là cả những địa phương nghèo. Một số doanh nghiệp cũng đã lựa chọn PMNM như là một hướng phát triển mới.
“Những kết quả đạt được là rất đáng khích lệ tuy vẫn còn những hạn chế, tồn tại, khó khăn cần được xem xét, tìm giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác, ứng dụng phát triển PMNM trong thời gian tới”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề nghị.
Hiện nay, việc ứng dụng và phát triển PMNM đang diễn ra rất mạnh mẽ và đang là một xu thế ứng dụng phần mềm trên thế giới, đặc biệt là trong các cơ quan, tổ chức nhà nước bởi các nhu cầu chủ yếu như: tiết giảm chi phí cho quản lý cũng như SXKD, đồng thời chủ động trong việc sở hữu bản quyền phần mềm, quan trọng hơn là việc tăng cường bảo đảm các vấn đề an toàn an ninh thông tin trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, việc đẩy mạnh PMNM sẽ góp phần nâng cao tính chủ động và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực CNTT và đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT.
HM
Chủ tịch Yahoo từ chức đúng lịch trình
Submitted by nlphuong on Fri, 26/04/2013 - 06:00(ICTPress) - Chủ tịch Yahoo Fred Amoroso sẽ từ chức nhanh chóng đúng như lịch trình, công ty Internet đang phải nỗ lực rất lớn này cho biết ngày 26/5.
Amoroso sẽ được giám đốc Maynard Webb Jr. đảm nhiệm vai trò chủ tịch tạm thời cho tới cuộc họp cổ đông hàng năm của công ty vào ngày 25/6.
Amoroso, là người cũ của IBM, sẽ vẫn ở trong ban Giám đốc cho tới cuộc họp này, Yahoo cho biết.
Trong thông báo hôm 25/4, Amoroso cho biết ông đã thông báo cho Hội đồng quản trị của Yahoo khi ông trở thành chủ tịch hồi tháng 5/2012 là ông dự định chỉ ở cương vị này 1 năm “để giúp Yahoo vượt qua thời gian chuyển đổi quan trọng”.
Kể từ lúc đó, ông cho biết công ty đã tuyển dụng người cũ của Google là Marissa Mayer làm giám đốc điều hành, đã làm mới đội ngũ lãnh đạo và tung ra các sản phẩm mới.
Các cổ phiếu của Yahoo đã tăng gần 60% kể từ khi Mayer làm CEO, giảm 8 cent xuống còn 25,12 USD sau giờ bán ngày 25/4.
Yahoo đã từng là một trong những công ty thành công nhất của Web, đã chứng kiến việc đóng băng doanh thu trong những năm gần đây khi các khách hàng và quảng cáo chuyển sang ủng hộ các đối thủ như Google và Facebook.
Sau khi Amoroso kết thúc nhiệm kỳ tại cuộc họp cổ đông hàng năm, Ban điều hành của Yahoo sẽ còn lại 10 thành viên, Yahoo cho biết.
HY
Nguồn: Reuters
Nhà mạng Mỹ tìm cách tăng trưởng do thuê bao tăng chậm
Submitted by nlphuong on Thu, 25/04/2013 - 08:10(ICTPress) - Các công ty thông tin di động Mỹ đang bắt đầu nhận thấy họ cần không chỉ là số thuê bao để tiếp tục tăng trưởng.
Các cổ phiếu của nhà mạng AT&T giảm 5% vào ngày 24/4 sau khi nhà mạng di động thứ 2 này của Mỹ đã làm thất vọng các nhà đầu tư với báo cáo sụt giảm 69.000 thuê bao điện thoại trong quý I/20013. Nhà mạng này đã phụ thuộc vào người sử dụng máy tính bảng để tăng trưởng.
Sprint Nextel, nhà cung cấp di động thứ 3 của Mỹ, cũng cho thấy tăng trưởng thấp hơn mong đợi ở dịch vụ lõi. Nhà mạng này cho biết việc bán máy tính bảng đã chậm lại so với các đối thủ lớn hơn của mình, về các vấn đề liên quan tới việc ngừng mạng Nextel iDen cũ hơn, làm khách hàng rời mạng.
Ngay cả nhà mạng dẫn đầu Verizon Wireless cũng phụ thuộc vào người sử dụng máy tính bảng do có thêm 300.000 thuê bao, gần một nửa 677.000 tổng thuê bao trong toàn quý, theo nhà phân tích Jonathan Schildkraut, New York cho biết.
Để tiếp tục tăng trưởng, Sprint cho biết hy vọng các nhà mạng xem xét đến những vấn đề như các dịch vụ máy tới máy mà kết nối di động thiết bị như các máy đo điện tử hay xe ô tô, hay thu hút các thuê bao hợp đồng, hay còn gọi là thuê bao trả sau, với các thiết bị khác ngoài điện thoại.
“Mô hình kinh tế sẽ thay đổi, và sẽ như thế nào nếu thuê bao trả sau sẽ không chiếm khống chế về mặt thúc đẩy tăng thu cho nhà mạng như đã từng trong thập kỷ qua”, CEO Sprint Dan Hesse cho các nhà phân tích biết trong cuộc họp quý của Sprint.
Hesse cũng dự báo các cơ hội để tăng doanh thu và tăng sự trung thành bằng cách bán nhiều thiết bị cho các khách hàng di động.
“Khi mỗi cá nhân và gia đình sở hữu nhiều thiết bị hơn và khi các thiết bị trở nên phức tạp, thì thường có sự tranh cãi để chuyển nhà mạng”, Hess echo Reuter biết trong một cuộc phỏng vấn.
Các mô hình kinh doanh mới
Các đối thủ lớn hơn AT&T và Verizon Wireless, liên doanh Verizon Communications và Vodafone Group Plc, đã tăng doanh thu từ các khách hàng hiện nay bằng tính cước dựa trên bao nhiêu dữ liệu họ sử dụng trên điện thoại của họ.
Hesse không mong muốn đi theo mô hình này bởi vì nhà mạng Sprint đã thực hiện sự khác biệt bằng cách tăng cước sàn hàng tháng cho sử dụng dữ liệu. Nhưng Hesse cho biết ông có thể tăng cước hàng tháng trong tương lai nếu cần tăng doanh thu.
“Cước không giới hạn có thể thay đổi”, Hesse cho Reuters biết thêm.
AT&T và Verizon Wireless đã thành công hơn Sprint trong việc tăng các kết nối di động cho các máy tính bảng như iPad của Apple.
Nhưng doanh thu dịch vụ từ máy tính bảng thường thấp hơn nhiều các cước phí tháng cho smartphone, do đó các nhà mạng sẽ thấy tăng trưởng doanh thu chậm nếu các nhà mạng không nhanh chóng bổ sung các thiết bị khác, theo các nhà phân tích.
Các nhà mạng đã tích cực tăng kết nối di động từ mọi thứ từ vòng cổ của chó và thiết bị y tế đến xe ô tô và các hệ thống an ninh, nhưng các nỗ lực này chưa làm các nhà mạng lớn hài lòng.
Schildkraut của Evercore dự báo các dịch vụ gọi là máy-tới-máy, gồm các kết nối di động tới các thiết bị như máy đo điện tử, hiện tại chiếm “chưa tới 10% doanh thu và khả năng ít hơn 5%”.
Do vậy, Schildkraut cho biết điều này làm các nhà đầu tư lo lắng khi thấy các nhà mạng như AT&T thông báo sụt giảm thuê bao điện thoại trong quý vừa qua nơi các đối thủ nhỏ hơn Sprint và T-Mobile USA, một đơn vị của Deutsche Telekom đang mất dần các thuê bao.
Áp lực sẽ lớn hơn vào cuối năm nay khi T-Mobile USA kết thúc việc hợp tác với MetroPCS, và nếu Sprint thành công trong việc kết thúc một thỏa thuận với bất cứ đối tác phù hợp nào, SoftBank của Nhật Bản hay Dish Network.
"Khi Sprint và T-Mobile USA hợp nhất như bất cứ công ty nào, có thể diễn ra vào nửa cuối năm nay, thì thị trường sẽ chắc chắn cạnh tranh hơn”, Schildkraut cho biết.
HY
Tin tặc Syria tấn công tài khoản Twitter World Cup
Submitted by nlphuong on Tue, 23/04/2013 - 06:35(ICTPress) - Các tài khoản Twitter chính thức của Cúp Bóng đá thế giới - World Cup và Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) Joseph Blatter đã bị các tin tặc Syria tấn công.
Chiều thứ Hai ngày 21/4, cả hai tài khoản @FifaWorldCup và @SeppBlatter bắt đầu gửi đi những tweet kỳ lạ nói bóng gió cho biết các tin tặc đã kiểm soát các tài khoản này. Và nhanh chóng sau đó mọi việc được làm rõ khi các thông điệp gửi đăng tải này không phải từ những chủ nhân tài khoản thực sự.
Cả hai tài khoản này đã bắt đầu gửi các tweet về Joseph Blatter đã phải từ chức do những tham nhũng từ vụ việc điều tra của FIFA ảo cho thấy Qatar đã hối lộ Blatter để thuyết phục FIFA chọn Qatar làm nước chủ nhà World Cup 2022.
Nghi ngờ nào về tính chính xác của các tweet cuối cùng đã được làm rõ khi có người đằng sau vụ tấn công đã lên tiếng nhận trách nhiệm.
Nhóm chịu trách nhiệm vụ tấn công này là Quân đội điện tử Syria (Syrian Electronic Army), một nhóm các tin tặc ủng hộ ông Assad bí ẩn và khá tích cực. Đây cũng là nhóm đã tấn công tài khoản Twitter của đài phát thanh NPR (National Public Radio) tuần trước, và một loạt các vụ tấn công vào các Twitter của các nhân vật nổi tiếng đã xuất hiện trên BBC, và gần đây là trên CBS.
Trong các tweet nhận trách nhiệm tấn công, nhóm quân đội điện tử Syria cũng đề cập tới tài khoản Twitter chính thức mới nhất là @Official_SEA6. Như trang blog an ninh mạng Naked Security đưa tin, Twitter đã kiểm soát chặt chẽ các tài khoản trước đây của nhóm này như @SyrianCyberArmy hay @SEA_Official3, đã bị treo lại.
Vào lúc cấp bách, các tweet giả mạo vẫn xuất hiện trên hai tài khoản này và @Official_SEA6 đã không hề bị treo.
HY
Tin tặc lợi dụng sự kiện đánh bom ở Boston để lây nhiễm mã độc
Submitted by nlphuong on Mon, 22/04/2013 - 20:45(ICTPress) - Chuyên gia Kaspersky Lab mới phát đi cảnh báo về việc tin tặc phát tán chương trình độc hại nhân sự kiện đánh bom kinh hoàng ở Boston.
Trong phát hiện mới nhất của mình, Michael, chuyên gia bảo mật Kaspersky Lab, đã thông báo về kiểu tấn công mới của tin tặc nhằm lây nhiễm "Trojan-PSW.Win32.Tepfer.*"
Các chuyên gia đã nhận được email chứa các liên kết dẫn về những địa chỉ độc hại như “news.html”. Những trang này chứa các clip của Youtube về cuộc đánh bom. Sau 60 giây, xuất hiện một liên kết khác dẫn đến tập tin thực thi. Nếu người dùng tải tập tin đó về máy tính, chương trình độc hại sẽ được kích hoạt. Chương trình độc hại này khi chạy trên máy tính bị nhiễm sẽ cố gắng kết nối với địa chỉ IP của máy chủ tại Ukraine, Argentina và Đài Loan.
Cách thức tin tặc lan truyền chương trình độc hại bằng các sự kiện nổi bật trên thế giới đã không còn xa lạ. Cuối tháng 5/2011, tin tặc cũng đã lợi dụng tin tức về đám cưới của Hoàng Gia Anh và cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden để phát tán thư rác chứa các chương mã độc.
Người dùng cần luôn cảnh giác và tuyệt đối không click vào bất kỳ đường dẫn trong email được gửi từ địa chỉ lạ. Trang bị một chương trình diệt virus uy tín, nâng cấp trình duyệt thường xuyên cũng góp phần phát hiện những mối đe dọa cho máy tính.
Minh Thiện
Kiến nghị đưa IPv6 vào chương trình đào tạo chính quy
Submitted by nlphuong on Wed, 17/04/2013 - 07:16(ICTPress) - Đây là một trong những đầu mục cần được ưu tiên triển khai trong Giai đoạn 2 mà Ban công tác thúc đẩy phát triển quốc gia về IPv6, Trung tâm Internet Việt Nam kiến nghị tại Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 ngày 16/4 tại Hà Nội.
Ban công tác cho biết cần phải làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đưa nội dung về công nghệ IPv6 vào chương trình đào tạo chính quy của các trường sau khi Nghị định “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP để làm sở cứ pháp lý cho công tác hỗ trợ thúc đẩy IPv6 được ban hành.
Đây cũng là ý kiến đề xuất thực hiện trong Giai đoạn 2 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 của TS. Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Quản lý mạng VinaREN, mạng nghiên cứu đào tạo Việt Nam do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý vận hành và ông Vũ Tuấn Lâm, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông (PTIT), Tập đoàn VNPT.
Ông Vũ Tuấn Lâm cho biết hiện nay Học viện đã đưa nội dung IPv6 vào trong một số môn học của các khoa chuyên ngành Điện tử - Viễn thông, Công nghệ thông tin và An toàn thông tin của Học viện nhưng chưa có môn học riêng.
Tuy nhiên, khi đưa đào tạo IPv6 vào chương trình đào tạo chính quy Học viện đề xuất chủ động xây dựng thành các bài thí nghiệm thực hành hành, đặc biệt các bài mô phỏng nội dung IPv6 do Học viện là đơn vị thuộc Tập đoàn VNPT nên có thực tiễn đang triển khai đưa IPv6 vào trong mạng lưới. Điều này rất hữu ích cho các em sinh viên sau khi ra trường có kỹ năng thực hành luôn về IPv6. Ví dụ, các bài lab IPv6 như cấu hình địa chỉ, công nghệ truyền tải IPv4 và IPv6, dual stack được thực hiện dưới dạng thực tiễn hoặc mô phỏng.
"Đặc biệt, Học viện đã hợp tác với các hãng Cisco, Jupiter, Huawei áp dụng IPv6 vào các sản phẩm để giới thiệu cho sinh viên. Ngoài ra, Học viện cũng hướng dẫn các em làm đồ án về vấn đề này", ông Vũ Tuấn Lâm cho biết thêm.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết việc đào tạo IPv6 mới dùng ở trường đại học lớn nên cần phải mở rộng vì có mấy chục khoa đào tạo Điện tử - Viễn thông, CNTT ở các trường trên cả nước.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề nghị Ban công tác phải làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có hướng dẫn đào tạo cho các khoa CNTT, Điện tử - Viễn thông và mở rộng phạm vi đào tạo IPv6 trong môi trường học đường.
Trong giai đoạn đầu chuyển đổi IPv4 sang IPv6, công tác đào tạo về IPv6 rất quan trọng. Do vậy, Ban công tác Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 đã rất chú trọng thực hiện công tác này, trước tiên là đào tạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, sau đó dần phổ cập chương trình đào tạo IPv6 tới cộng đồng Internet Việt Nam.
Trong giai đoạn 1 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (2011 - 2012), Thường trực Ban công tác đã chuẩn hóa chương trình đào tạo về IPv6 và triển khai được 14 khóa đào tạo trực tiếp cho tổng cộng gần 400 cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp Internet. Số học viên này sau khi hoàn thành khóa học đã có thể chủ động thực hiện việc đấu nối, triển khai địa chỉ IPv6 với các ứng dụng cơ bản (Web, Email, DNS…) cho mạng Internet của đơn vị mình. Đồng thời, với kiến thức kỹ thuật chuyên môn đã được đào tạo, những cán bộ kỹ thuật này có thể tự nghiên cứu phát triển thêm các ứng dụng cụ thể trên nền IPv6 phù hợp với điều kiện của từng đơn vị.
Các doanh nghiệp trong 2 năm qua đã có chương trình trực tiếp với Ban công tác như Tập đoàn VNPT đã triển khai 6 khóa đào tạo IPv6 cho các cán bộ kỹ thuật trên phạm vi cả nước. Công ty SPT đã triển khai 3 khóa đào tạo IPv6 cho nhân lực chủ chốt. Viettel đã triển khai 2 khóa đào tạo cho cán bộ kỹ thuật chủ chốt. Công ty EVN, Công ty NetNam, Công ty Truyền hình cáp Saigon Tourist (SCTV), Công ty Cổ phần công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT), Công ty CMC Telecom cũng đã thực hiện những chương trình đào tạo.
Đối với hình thức đào tạo trực tuyến, từ năm 2008, Thường trực Ban công tác đã cung cấp tại website www.IPv6.vn một chương trình đào tạo cơ bản về IPv6. Mới đây, chương trình đào tạo IPv6 chuẩn 4 ngày đã được chuyển thể thành chương trình đào tạo trực tuyến. Khóa đào tạo đầu tiên được triển khai cho doanh nghiệp trong tháng 1/2003.
HM
Những thách thức đối với các nhà mạng trong giai đoạn sắp tới
Submitted by nlphuong on Fri, 12/04/2013 - 10:25Tại Hội nghị Thông tin di động thế giới năm 2013 (MWC 2013) tổ chức tại Barcelona từ tháng 2/2013, từ góc độ nhà sản xuất, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ericsson đã giới thiệu 5 xu hướng chính của công nghệ viễn thông sẽ phát triển trong năm 2013 và những năm sắp tới.
Từ góc độ của một nhà khai thác thông tin di động với mạng thông tin có số thuê bao lớn nhất thế giới (tính đến hết năm 2012 là 710 triệu thuê bao), ông Hề Quốc Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị của China Mobile đã trình bày những thách thức của các nhà khai thác viễn thông trong thời gian tới. Để có cái nhìn toàn diện từ hai phía: cả của nhà sản xuất và cả của nhà khai thác. Dưới đây là các ý chính trong bài phát biểu của ông Hề Quốc Hoa tại MWC 2013 để bạn đọc tham khảo.
Xét ở bình diện toàn cầu, cùng với sự phát triển kỹ thuật của điện thoại thông minh (smartphone) và điện toán đám mây cùng các kỹ thuật khác trên lĩnh vực ICT đang diễn ra một cuộc biến đổi thực sự về chất to lớn, tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của các nhà mạng.
Một là nhà mạng đã tiến vào thời đại kinh doanh về lưu lượng. Sự phát triển nhanh chóng của điện thoại thông minh đã trở thành phương thức chủ yếu nhất để truy nhập mạng Internet. Đi kèm với nó là sự biến đổi rõ rệt về kết cấu của các dịch vụ. Lưu lượng về dữ liệu tăng đột biến, doanh thu về lưu lượng đã trở thành nguồn thu chủ yếu nhất (Năm 2012, lưu lượng về dữ liệu của China Mobile tăng 187%). Các nhà khai thác phải tính toán xem nên dùng mạng lưới và thiết bị đầu cuối như thế nào, lựa chọn mô hình kinh doanh nào, tiêu chí tính lãi như thế nào để đáp ứng được thực tế đó. Nhà khai thác phải nhanh chóng chuyển từ kinh doanh điện thoại sang kinh doanh lưu lượng.
Hai là nhà khai thác đang đối mặt với 2 tầng cạnh tranh. Một mặt cuộc cạnh tranh giữa các nhà mạng cùng dịch vụ ngày càng khốc liệt để chiếm lĩnh phần thị trường còn lại và một phần thị trường đã được phân chia trước đây. Mặt khác, do sự phát triển của Internet và tác dụng của các dịch vụ giá trị gia tăng, cho nên giá trị kinh doanh của nhà khai thác đang dần từ chùm kênh chuyển sang nội dung, từ mạng viễn thông chuyển sang mạng Internet, từ dịch vụ âm thoại sang dịch vụ thông tin. Đối với nhà mạng mà nói, cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp (DN) Internet sẽ gay gắt và khốc liệt hơn nhiều so với cuộc cạnh tranh truyền thống giữa các công ty viễn thông với nhau.
Ba là cuộc canh tranh giữa các DN sẽ chuyển sang canh tranh giữa chuỗi sản xuất kinh doanh. Thiết bị, mạng lưới, thiết bị đầu cuối, nội dung v.v… và các khâu then chốt khác của chuỗi sản xuất kinh doanh tạo thành một hệ thống sinh thái hoàn chỉnh và cũng hình thành một cộng đồng có chung lợi ích. Cạnh tranh sẽ không còn là cạnh tranh giữa các DN riêng lẻ với nhau mà là cạnh tranh giữa các hệ thống sinh thái (Chuỗi sản xuất - kinh doanh) với nhau. Nhà khai thác nếu không chú ý đến điều này và có biện pháp cần thiết sẽ luôn bị động trong cạnh tranh.
Bốn là mức độ phổ cập cao tạo ra áp lực đáng kể đối với các nhà mạng. Hiện nay, kinh tế thế giới đang trong thời kỳ điều chỉnh, mức độ phổ cập của điện thoại di động không ngừng nâng cao, mô hình phát triển dùng số thuê bao mới để thúc đẩy không còn linh nghiệm nữa. Lấy thí dụ của Trung Quốc, thuê bao di động đã vượt quá 110 triệu, độ phổ cập điện thoại di động năm 2013 sẽ vượt qua con số 120%.
Sự đổi mới của ICT đem lại nhiều thách thức nhưng cũng đem lại nhiều cơ hội cho các nhà khai thác. Nếu nhà khai thác muốn thể hiện khả năng của mình trong lĩnh vực mạng Internet di động thì không thể đi theo lối mòn của các nhà khai thác truyền thống, cũng không thể dùng sách lược bám đuổi đơn giản. Chỉ có đổi mới một cách chủ động mới thích ứng được với sự thay đổi của tình thế.
China Mobile cũng đã xây dựng chiến lược mới để kinh doanh mạng Internet di động: “Chùm kênh thông minh + Quầy giao dịch mở + Dịch vụ đặc sắc + Mặt giao tiếp thân thiện”.
Về kiến tạo chùm kênh thông minh: Mạng lưới là gốc rễ cho sự tồn vong và phát triển của nhà mạng, là cơ sở cho sức cạnh tranh nòng cốt. Để kiến tạo được chùm kênh thông minh dễ sử dụng và sử dụng tốt, thỏa mãn được yêu cầu truy nhập nhanh chóng, tiện lợi, hiệu suất cao của các thuê bao di động, căn cứ vào tình hình thực tế của mình, China Mobile đang thúc đẩy 4 mạng 2G/3G/LTE/WLAN cùng hợp đồng phát triển hình thành một mạng vô tuyến có độ phủ sóng rộng, chất lượng cao, tốc độ cao. Toàn thế giới đang ra sức phát triển LTE, đặc biệt là TD-LTE với đặc điểm là hiệu suất sử dụng tài nguyên tần số cao. Ở Trung Quốc, băng tần 2,6 GHz đã được quy hoạch toàn bộ cho băng tần TDD. Các dịch vụ kết hợp công nghệ TD-LTE/LTE FDD đã được triển khai ở Hồng Kông. Đến cuối năm 2013, mạng TD-LTE sẽ phủ sóng trên 100 thành phố ở Trung Quốc, số lượng thiết bị đầu cuối TD-LTE đặt mua đã vượt quá một triệu chiếc.
Về xây dựng Quầy giao dịch mở: Quầy giao dịch là cốt lõi để nhà khai thác triển khai mạng Internet di động. Thông qua việc xây dựng một quầy giao dịch tích hợp về nội dung và có năng lực mở, tạo ra một mô hình kinh doanh cùng giành phần thắng, hướng chuỗi sản xuất kinh doanh cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ hơn với chất lượng cao hơn. Chợ ứng dụng di động (Mobile Market) do China Mobile sáng lập đã trở thành siêu thị ứng dụng phần mềm tiếng Trung lớn nhất thế giới. Tổng số các loại ứng dụng trên quầy giao dịch này đã vượt quá con số 1,57 triệu cái, lũy kế số lượng tải về (download) lên tới 1920 tỷ lượt.
Về tạo lập các dịch vụ đặc sắc: Các sản phẩm về dịch vụ là mấu chốt để nhà khai thác triển khai mạng Intrent di động. Tạo lập được các dịch vụ đặc sắc không những thu được các giá trị của thuê bao mà còn nhận được các giá trị của sản phẩm… Những năm gần đây, China Mobile đưa ra hàng loạt các dịch vụ mới như: Đọc lướt, trò chơi, xem phim trên máy di động, thanh toán qua điện thoại, xác định địa chỉ, v.v... được khách hàng nhiệt tình ủng hộ.
Về thiết lập mặt giao tiếp thân thiện: Lấy khách hàng và máy đầu cuối là chỗ dựa vững chắc, cung cấp cho thuê bao mặt giao tiếp và đầu cuối thân thiện, tạo ra môi trường trải nghiệm tốt nhất cho thuê bao. China Mobile tích cực hướng dẫn nhà sản xuất máy đầu cuối nghiên cứu và phát triển các giá trị của thuê bao để tích hợp tốt nhất vào điện thoại thông minh.
Năm nay dự kiến ở Trung Quốc sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 1,2 tỷ máy điện thoại đầu cuối TD-SCDMA. Một máy điện thoại đầu cuối khác TD-LTE tương đối chín muồi hơn, có khả năng thương mại hóa cũng sẽ ra mắt thị trường vào khoảng quý III năm nay... Bản thân China Mobile cũng sẽ sản xuất máy điện thoại TD-SCDMA của mình.
Nguyễn Ngô Hồng
Tài liệu tham khảo: Chủ tịch HĐQT China Mobile Hề Quốc Hoa: Trên lĩnh vực ICT đang xuất hiện những biến đổi to lớn, Vu Lệ Lệ , www.Cnii.com.cn ngày 26/2/2013