Syndicate content

Thời sự ICT

Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 trao đổi sâu về công nghệ số cho những điều tốt đẹp

Với chủ đề “Công nghệ số cho những điều tốt đẹp”, Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 (VIF 19) diễn ra trong 2 ngày 20 - 21/3/2019 nhằm thảo luận cách thức công nghệ số có thể giúp xây dựng một xã hội sáng tạo, cởi mở và bền vững. 

VIF 2019 do Đại sứ quán Thuỵ Điển và UBND TP. Hà Nội đăng cai tổ chức. Các đơn vị đồng tổ chức và đối tác quan trọng khác bao gồm Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO), Đại học Lund (Thuỵ Điển) và Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA).

Diễn đàn Internet Việt Nam là diễn đàn để đại diện cơ quan chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, giới học thuật, doanh nghiệp xã hội, tổ chức phi chính phủ và các nhà đầu tư kết nối, bàn luận về cách thức Internet có thể đóng góp cho một xã hội tiến bộ và sáng tạo.

Đại sứ Thuỵ Điển Pereric Hogberg khai mạc Diễn đàn

Đại sứ Thuỵ Điển Pereric Hogberg khẳng định tầm quan trọng của Internet và công nghệ số hoá trong việc cải thiện đời sống của người dân và xây dựng thương hiệu về tính cạnh tranh của một quốc gia.

“Hai yếu tố quan trọng nhất trong xã hội Thuỵ Điển là sự cởi mở và tính minh bạch. Ngày nay, 94% người Thuỵ Điển sử dụng Internet với tốc độ kết nối nhanh nhất thế giới. Việc ứng dụng rộng rãi ông nghệ và Internet đã giúp Thuỵ Điển thúc đẩy văn hoá cởi mở, tiếp cận thông tin, đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp, nhờ đó tạo ra những phát minh, sự tăng trưởng và thịnh vượng cho đất nước Thuỵ Điển ngày hôm nay. Mạng xã hội thông minh chỉ có thể đạt được khi có những công dân thông minh và am hiểu công nghệ”.

Đại sứ bày tỏ ấn tượng về sự phát triển Internet của Việt Nam và Việt Nam có rất nhiều người sử dụng Internet từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, xa. Việt Nam có thể đạt được thành tựu như Thuỵ Điển nhờ kết nối Internet, sự hội nhập của Việt Nam và công nghệ IoT.

Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn

Việc phát triển kết nối Internet sẽ thúc đẩy việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 (SDG). Trong 17 mục tiêu SDG, mục tiêu thứ 9 nhắm tới việc “Gia tăng khả năng kết nối và truy cập thông tin của những công nghệ liên lạc để có được dịch vụ Internet toàn cầu, giá rẻ tại những đất nước kém phát triển vào năm 2020”. Nói chung, Internet sẽ là một phần thiết yếu trong việc triển khai và giám sát các kế hoạch SDG.

Thay mặt cho UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Quyền đại diện thường trú cho biết: “Trên khắp thế giới, chính những thanh niên mong muốn đổi mới sáng tạo là những người đã ứng dụng công nghệ mới và mạng Internet trong xây dựng xã hội. Kết nối thanh niên đổi mới sáng tạo là chìa khoá giúp chúng ta đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030”.

Đại diện cho Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký cho biết: “Bước sang năm thứ 22 Internet có mặt tại Việt Nam, bên cạnh sự phát triển đáng ghi nhận về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ các nhu cầu kết nối cơ bản cho một thị trường với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người và tỷ lệ sử dụng Internet chiếm hơn 60%, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc nhận diện và hài hoà một số vấn đề xã hội và pháp lý phát sinh từ các ứng dụng công nghệ mới trên nền tảng Internet.

Trong khi đó, đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Micheal Croft cho biết trong thế giới số chúng ta sống ngày nay có rất nhiều thuận lợi để tiếp cận thông tin nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Ví dụ, công nghệ đã cho phép sản xuất video, hình ảnh tốt hơn nhưng qua các hình ảnh sẽ rất khó xác định nguồn. Các nhà báo thừa nhận đây là thách thức để họ giữ gìn sự liêm chính, chính trực, xác định video đó đâu là giả, đâu là thật. Theo đó, tại Diễn đàn lần này, UNESCO giới thiệu cuốn cẩm nang cho các nhà báo xác định tin thật, tin giả.

Nói về vai trò của Internet, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết ngày 27 – 28/2/2019, Việt Nam đã tổ chức tốt sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Từ sự kiện này, những thông tin tốt đẹp từ Hà Nội, Việt Nam được các phương tiện truyền thông gửi đi khắp thế giới. Mọi thông tin được cập nhật từng phút cho thấy vai trò của Internet. Internet là một phần không thể thiếu của cuộc sống.

Diễn đàn VIF năm nay sẽ tiếp tục bàn thảo các chủ đề như: Chính phủ điện tử vì những điều tốt đẹp; Thành phố thông minh, kết nối và bền vững; Công dân số sử dụng công nghệ một cách an toàn và trách nhiệm; Công nghệ - Đổi thay; Thúc đẩy tác động xã hội thông qua công nghệ mới…

Mỹ Bình

Phát hiện lỗ hổng zero-day trên Windows

Kaspersky Lab mới đây đã phát hiện ra một lỗ hổng mới trên Microsoft Windows, đã được sử dụng trong các cuộc tấn công của ít nhất hai nhóm tin tặc, trong đó có SandCat.

Đây là lần thứ tư lỗ hổng zero-day được phát hiện bởi công nghệ Automatic Exploit Prevention của Kaspersky Lab. Kaspersky Lab đã báo cáo lỗ hổng mang mã hiệu CVE-2019-0797 cho Microsoft để phát hành bản vá ngay sau đó.

Lỗ hổng zero-day là thuật ngữ để chỉ những lỗ hổng chưa được công bố hoặc chưa được khắc phục. Những tay hacker có thể lợi dụng những lổ hổng này để để xâm nhập vào hệ thống mạng và thiết bị của người dùng.

Theo các chuyên gia từ Kaspersky Lab, các nhóm tin tặc tận dụng lỗ hổng trên hệ thống Microsoft Windows để tạo sự leo thang đặc quyền và toàn quyền kiểm soát quyền truy cập trên thiết bị của người dùng. Mẫu phần mềm độc hại này nhắm vào các phiên bản Windows 8 đến Windows 10.

Trong nhiều nhóm tin tặc tấn công, có thể có FruityArmor và SandCat. Được biết, FruityArmor đã từng tấn công qua lỗ hổng zero-day trong quá khứ, trong khi SandCat chỉ mới khai thác lỗ hổng này gần đây.

Ông Anton Ivanov, chuyên gia bảo mật tại Kaspersky Lab cho biết: “Phát hiện cho thấy nhiều nhóm tin tặc vẫn đang rất quan tâm đến lỗ hổng zero-day, và các tổ chức cần có giải pháp để chống lại những mối đe dọa do lỗ hổng này gây ra. Điều này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác giữa ngành công nghiệp bảo mật và nhà phát triển phần mềm: phát hiện thông tin kịp thời và vá lỗi nhanh chóng là cách tốt nhất để giúp người dùng chống lại các mối đe dọa vừa xuất hiện.

Lỗ hổng được phát hiện bởi công nghệ Automatic Exploit Prevention của Kaspersky Lab, được tích hợp trong hầu hết các sản phẩm của công ty.

Các sản phẩm của Kaspersky Lab có phả năng phát hiện lỗ hổng bảo mật như: HEUR:Exploit.Win32.Generic; HEUR:Trojan.Win32.Generic; PDM:Exploit.Win32.Generic

Kaspersky Lab khuyến nghị người dùng nên thực hiện các biện pháp bảo mật như cài đặt bản vá của Microsoft càng sớm càng tốt. Người dùng cũng cần đảm bảo cập nhật tất cả phần mềm thường xuyên, nhất là ngay sau khi bản vá bảo mật mới được phát hành. Các sản phẩm bảo mật có tính năng Đánh giá lỗ hổng và Quản lý bản vá có thể giúp tự động hóa các quy trình này.

Bên cạnh đó, cần chọn giải pháp bảo mật như Kaspersky Endpoint Security, được trang bị khả năng phát hiện lỗ hổng dựa trên hành vi của người dùng để bảo vệ hiệu quả dữ liệu trước các mối đe dọa chưa hoặc đã được phát hiện.

Người dùng có thể sử dụng các công cụ bảo mật nâng cao như nền tảng KATA (Kaspersky Anti Targeted Attack) của Kaspersky nếu doanh nghiệp đòi hỏi các biện pháp bảo mật tinh vi hơn.

QA

Facebook khôi phục sau sự cố toàn cầu, thách thức chồng thách thức

Facebook vừa cho biết đã khôi phục dịch vụ cho ứng dụng chính và Instagram, sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới bị sự cố ngừng hoạt động khiến người dùng thất vọng trên toàn cầu trong khoảng 24 giờ.

Facebook cũng cho biết họ đang xem xét liệu có nên hoàn trả cho các nhà quảng cáo vì đã mất liên lạc do gặp sự cố, mà qua theo dõi cho thấy người dùng bị ảnh hưởng nằm ở Châu Âu, Nhật Bản, Bắc và Nam Mỹ.

“Ngày hôm qua, một vấn đề cấu hình máy chủ khiến người dùng khó truy cập các ứng dụng và dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi đang sao lưu và vận hành 100% và xin lỗi vì bất kỳ sự bất tiện nào. Chúng tôi vẫn đang điều tra tác động tổng thể của vấn đề này, bao gồm khả năng hoàn lại tiền cho các nhà quảng cáo”, một phát ngôn viên của Facebook cho biết.

Facebook thu hàng chục triệu USD doanh thu quảng cáo mỗi ngày.

Tuyền thông trước đó cho biết hàng triệu người dùng đã bị ảnh hưởng và hàng ngàn người đã lên Twitter vào thứ Tư và thứ Năm để khiếu nại với hashtag #facebookdown.

Trang web DownDetector - một trong những nguồn về các con số được sử dụng nhiều nhất trên Internet - cho thấy số lượng khiếu nại đã lên đến hơn 12.000, dần dần giảm xuống còn khoảng 180 vào lúc 11 giờ sáng ngày 14/3 giờ địa phương.

BBC và một số cơ quan truyền thông khác cho biết đây là lần ngừng hoạt động lâu nhất từ trước đến nay của Facebook.

Một cách riêng biệt, New York Times đưa tin hôm thứ Tư rằng các công tố viên liên bang Mỹ đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự về các thỏa thuận dữ liệu mà Facebook thực hiện với hơn 150 công ty công nghệ như Amazon và Apple.

Facebook đang phải đối mặt với một loạt các vụ kiện và yêu cầu pháp lý về thực tiễn bảo mật của mình, bao gồm các cuộc điều tra đang diễn ra của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch và hai cơ quan nhà nước ở New York.

Một phát ngôn viên của mạng xã hội này cho biết Facebook đang hợp tác với các nhà điều tra trong nhiều vụ việc điều tra liên bang, mà không đề cập cụ thể đến cuộc điều tra của bồi thẩm đoàn.

QM (Theo Reuters)

Thủ tướng khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia

Chiều 12/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Dự Lễ khai trương có: Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và các vị khách quốc tế...

Bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trục liên thông văn bản quốc gia là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số.

Ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay văn bản giấy; trong đó, lần đầu tiên vai trò của Trục liên thông văn bản quốc gia được định nghĩa chính thức, cùng với các nguyên tắc, yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử được quy định đầy đủ. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: "Đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử".

Khẩn trương thực hiện quyết định nêu trên của Thủ tướng, ngay trong tháng 7/2018, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai gồm 13 nhiệm vụ thuộc các nhóm nội dung: Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia; hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; xây dựng, hoàn thiện các văn bản, quy định phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống và sao lưu văn bản điện tử; tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Hoàn thành kết nối với 95 cơ quan Trung ương, địa phương

 

Đến nay, nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia cùng với các điều kiện đi kèm như thể chế, hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực vận hành đã bước đầu hoàn thành và thử nghiệm thuận lợi.

95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước (trong vòng 1 tháng đầu năm nay có 8.315 văn bản gửi và 19.296 văn bản nhận điện tử).

Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia là minh chứng thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua và cụ thể hoá chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử: “nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.

Đây là một trong những bước đi chuẩn bị cho việc triển khai ở giai đoạn tiếp theo nền tảng tích hợp, chia sẻ quốc gia kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia, mỗi năm tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian được tính toán theo WB…) sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ của VNPT.

Ảnh VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng; lãnh đạo UBND các tỉnh: Cà Mau; Cao Bằng, Quảng Ninh; lãnh đạo Tập đoàn VNPT, Viettel... bày tỏ vui mừng trước sự kiện khai trương Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia bước khởi đầu quan trọng, tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số.

Các ý kiến tham luận khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống, phối hợp với các cơ quan liên quan để ứng dụng hiệu quả việc gửi nhận văn bản điện tử phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành; đồng thời các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đúng 15.00', Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương, đại diện các vị khách quốc tế... đã thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điện tử. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan, chuyên viên Nguyễn Đình Lợi, bộ phận văn thư Văn phòng Chính phủ đã thực hiện quy trình trình ký, ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Cổng dịch vụ công quốc gia trên hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng. 

Sau khi văn bản được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký bằng chữ ký số, văn thư Văn phòng Chính phủ thực hiện quy trình phát hành văn bản, đại diện các địa phương, lãnh đạo tỉnh Nam Định, Sóc Trăng cho biết đã nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và giao các cơ quan chức năng triển khai thực hiện.

Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký duyệt đề án Cổng dịch vụ công quốc gia bằng hệ thống điện tử đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành để phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả nhất.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử của ASEAN

Để phát huy những kết quả đã đạt được, với mong muốn xây dựng, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia thông suốt, thống nhất, trơn tru, an ninh, an toàn và hiệu quả; góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử của ASEAN, phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt một số việc sau:

Thứ nhất, nghiêm túc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia theo đúng quy định.

Thứ hai, huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tập trung nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý văn bản nội bộ và triển khai hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, khắc phục tình trạng tại một số cơ quan văn thư nhận văn bản giấy nhưng không nhận được văn bản điện tử, dẫn đến việc phải đợi bản điện tử để tiếp nhận, xử lý…

Thứ ba, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, trước mắt là các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đăng ký doanh nghiệp, đất đai quốc gia, hộ tịch điện tử và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, để trong giai đoạn 2020 - 2025 sẵn sàng kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được phát triển trên nền Trục liên thông văn bản quốc gia.

Thứ tư, bảo đảm tối đa an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức; không được để lộ, lọt dữ liệu và thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Đây là vấn đề trọng yếu, sống còn của Trục liên thông văn bản quốc gia.

Thứ năm, tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia nói riêng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước nói chung.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và hệ thống chính trị, đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, tập trung chỉ đạo, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra… 

Nguồn: chinhphu.vn

Gia tăng nguy cơ tấn công trực tuyến đối với người dùng Việt

Trong kỷ nguyên số, những mối đe dọa về vấn đề an ninh mạng ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, Việt Nam sẽ phải đối mặt và chịu nhiều ảnh hưởng bởi những thay đổi phức tạp của an ninh mạng.

Theo số liệu từ Kaspersky Security Network, Việt Nam thường xuyên nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất năm 2018. 

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc của Kaspersky Lab khu vực Đông Nam Á cho biết mới đây, trong quý IV năm 2018, 21,5% người dùng Việt Nam phải đối mặt với các mối đe dọa về các cuộc tấn công trực tuyến. Về phát hiện lây nhiễm được cập nhật liên tục trên mỗi giây, Việt Nam luôn nằm trong top 3 các quốc gia bị lây nhiễm nhiều nhất. Trong Quý 4/2018, cũng ghi nhận có 992.952 cuộc tấn công trực tuyến xuất phát từ Việt Nam.

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc của Kaspersky Lab khu vực Đông Nam Á

Ông Yeo Siang Tiong cho biết: “Xã hội hiện đại càng phụ thuộc vào công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) thì các mối đe dọa an ninh mạng sẽ càng bùng nổ và phát triển. Kaspersky Lab tin rằng việc tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và chính phủ để bảo vệ không gian mạng là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Thay vì phân chia trách nhiệm và dựa vào năng lực của từng cá nhân, tổ chức để chống lại tội phạm mạng, chúng ta có thể cùng nhau hợp sức bảo vệ an ninh mạng.

Chúng tôi nhận thức rằng sự tin tưởng này phải được xây dựng dựa trên sự hợp tác, tính minh bạch và trách nhiệm giữa các tổ chức doanh nghiệp.  Kaspersky Lab sẵn sàng hợp tác với chính phủ Việt Nam để cùng nhau chống lại tội phạm an ninh mạng.”

Theo đó, tháng 1 vừa qua, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam (NCSC) và Kaspersky Lab đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm đưa ra các giải pháp cho những thách thức về an ninh thông tin trong nước, cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực bảo mật mạng của chính phủ Việt Nam. Trước đó, năm 2018, Kaspersky Lab đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) với Ban Cơ yếu Chính phủ (VGISC) và Cục An toàn thông tin (AIS). Những sự hợp tác này sẽ giúp giải quyết các thách thức về an ninh thông tin trong nước, đồng thời giúp chính phủ tăng cường bảo đảm an ninh mạng quốc gia.

Kaspersky Lab cho biết trong thời gian tới, sẽ triển khai các giải pháp và dịch vụ an ninh mạng tiên tiến hơn để bảo vệ tối đa thông tin và dữ liệu của người dùng tại Việt Nam.

Với mong muốn thúc đẩy tính minh bạch trong ngành an ninh mạng, Kaspersky Lab đã đưa ra tiến trình Sáng kiến Minh bạch toàn cầu (Global Transparence Innitiative) vào năm 2018. Sáng kiến độc đáo này thể hiện cam kết của Kaspersky Lab, nhằm đảm bảo tính toàn vẹn và đáng tin cậy, bảo vệ khách hàng khỏi các cuộc tấn công có chủ đích và các cuộc tấn công không có chủ đích do tội phạm mạng gây ra.

Sáng kiến này cũng giúp Kaspersky Lab thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng bảo mật thông tin và các bên liên quan trong việc xác thực mức độ tin cậy của sản phẩm, quy trình nội bộ và hoạt động kinh doanh, cũng như giới thiệu các cơ chế trách nhiệm mà ở đó, công ty có thể chứng minh rằng họ đang thực hiện giải quyết mọi vấn đề bảo mật kịp thời và triệt để.

Ông Yeo Siang Tiong cho biết thêm: “Được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia nghiên cứu và phát triển sản phẩm, phát hiện phần mềm độc hại; các giải pháp bảo mật nền tảng endpoint và non-endpoint của chúng tôi được thực hiện thông qua Khung bảo mật thích ứng (Kaspersky Adaptive Security framework). Các giải pháp này giúp đối tác và khách hàng của Kaspersky Lab thực sự được an toàn khỏi các sự cố an ninh mạng: từ dự đoán, ngăn ngừa, bảo vệ đến phản hồi các sự cố. Chúng tôi mong muốn trở thành đối tác quan trọng với Việt Nam trong sứ mệnh củng cố an ninh mạng, và chúng tôi sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam hết mình như chúng tôi đã và đang thực hiện với các quốc gia khác trên thế giới”.

Năm 2018, Kaspersky Lab đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với mức tăng 400% trong phân khúc Doanh nghiệp lớn. Trên toàn cầu, hơn 400 triệu khách hàng đã tin dùng Kaspersky Lab để bảo vệ quyền riêng tư, tài sản dịch vụ số và các dữ liệu quan trọng khác khỏi các mối đe dọa an ninh mạng. Công ty cũng cung cấp giải pháp bảo mật cho hệ thống và quy trình dữ liệu của hơn 270.000 doanh nghiệp lớn, các tiện ích công cộng và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi ngày, Kaspersky Lab phát hiện hơn 310.000 tệp độc hại mới có khả năng gây mất an toàn bảo mật cho người dùng.

QA

Tấn công bằng mã độc trên smartphone tăng gấp đôi

Báo cáo nghiên cứu về mã độc trên di động năm 2018 (Mobile Malware Evolution 2018) của Kaspersky Lab ghi nhận ​​số vụ tấn công sử dụng mã độc trên di động tăng gần gấp đôi chỉ sau một năm - từ 66,4 triệu vào năm 2017 lên 116,5 triệu cuộc tấn công năm 2018.

Người dùng bị mã độc tấn công theo vùng địa lý

Số lượng người dùng bị ảnh hưởng cũng tăng đáng kể. Trong khi số lượng thiết bị bị tấn công ngày càng tăng, số lượng tập tin độc hại lại giảm, điều này cho thấy chất lượng của mã độc trên thiết bị di động đã trở nên tinh vi và hoạt động mạnh mẽ hơn.

Điện thoại di động ngày nay thực sự là một nền tảng toàn cầu, vai trò của smartphone trong kinh doanh và đời sống cho người dân thời công nghệ gia tăng nhanh chóng ở khắp nơi trên thế giới. Tội phạm mạng đã nhận thấy được tiềm năng từ lượng dữ liệu khổng lồ được lưu trữ trên điện thoại thông minh của người dùng, từ đó không ngừng cải thiện chiến lược phát tán phần mềm độc hại và các vector tấn công ngày càng tinh vi hơn.

Các kênh để phát tán và gây nhiễm mã độc cho thiết bị của người dùng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tấn công, bằng cách lợi dụng sơ hở từ người dùng không cài đặt bất kỳ giải pháp bảo mật nào trên thiết bị di động.

Thành công của chiến lược phát tán mã độc di động không chỉ thể hiện qua sự gia tăng các cuộc tấn công, mà cả số lượng người dùng gặp phải mã độc. Năm 2018 con số này đã tăng 774.000 người, lên 9.895.774 người dùng bị ảnh hưởng. Trong số các mối đe dọa gặp phải, sự tăng trưởng đáng kể nhất là việc sử dụng Trojan-Droppers với tỷ lệ tăng gần gấp đôi từ 8,63% lên 17,21%. Loại mã độc này được thiết kế đặc biệt để vượt qua các hệ thống bảo mật, từ đó lây nhiễm tất cả các loại mã độc từ Trojan ngân hàng đến mã độc tống tiền (ransomware).

Ông Victor Chebyshev, chuyên gia bảo mật tại Kaspersky Lab, cho biết: “Năm 2018, người dùng thiết bị di động đã phải đối mặt với những cuộc tấn công mạng được cho là hoạt động mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Trong suốt một năm, chúng tôi đã quan sát thấy nhiều kỹ thuật lây nhiễm mới lên thiết bị di động, chẳng hạn như DNS hijacking), cùng với sự gia tăng phát tán tiên tiến như spam SMS. Xu hướng này cho thấy nhu cầu đối với các giải pháp bảo mật di động được cài đặt trên điện thoại thông minh ngày càng tăng, để bảo vệ người dùng khỏi các nỗ lực lây nhiễm thiết bị, bất kể từ nguồn nào”.

Cũng theo báo cáo của Kaspersky Lab, 5,87% người dùng tại Việt Nam bị lây nhiễm mã độc di động vào năm 2018. Đứng đầu danh sách này lần lượt là Iran (44,24%), Bangladesh (42,98%) và Nigeria (37,72%)

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky Lab khu vực Đông Nam Á chia sẻ: “Khi người tiêu dùng mua máy tính để bàn hoặc Laptop, một trong những điều đầu tiên họ làm là cài đặt phần mềm chống virus. Tuy nhiên, việc này không phổ biến với các thiết bị như điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Hầu hết người dùng sẽ chỉ bảo vệ bên ngoài các thiết bị của họ bằng vỏ bảo vệ hay miếng dán màn hình, chứ không phải bằng các giải pháp an toàn và bảo mật.

Phân tích của chúng tôi cho thấy mã độc trên di động thực sự là mối đe dọa tốn kém trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngày nay, điện thoại thông minh và máy tính bảng đóng vai trò là ví kỹ thuật số và kho dữ liệu của người dùng, do vậy việc bảo vệ chúng khỏi tấn công mã độc là rất cần thiết.”

Những phát hiện khác trong Báo cáo nghiên cứu về mã độc trên di động năm 2018 của Kaspersky Lab cho biết trong năm 2018, các sản phẩm của Kaspersky Lab đã bảo vệ 80.638 người dùng ở 150 quốc gia chống lại ransomware di động, với 60.176 mẫu Trojan được phát hiện.

Năm 2018, những cuộc tấn công sử dụng công cụ khai thác tiền điện tử độc hại trên di động tăng gấp 5 lần. Năm 2018, 151.359 gói cài đặt Trojan ngân hàng đã được phát hiện, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2017.

Để bảo vệ thiết bị của bạn, các chuyên gia bảo mật của Kaspersky Lab khuyến cáo chỉ cài đặt ứng dụng di động từ các cửa hàng ứng dụng chính thức, chẳng hạn như Google Play trên Android hoặc App Store trên iOS; Chặn cài đặt chương trình từ các nhà cung cấp không rõ ràng; Không bỏ qua các điều khoản hạn chế trên thiết bị vì có thể cấp quyền cho tội phạm mạng để thực hiện tấn công mã độc.

Bên cạnh đó, người dùng cũng cần ;iên tục cập nhật hệ thống và ứng dụng ngay khi có thể - việc này giúp vá các lỗ hổng hiện tại và giữ cho thiết bị được bảo vệ. Các bản cập nhật hệ điều hành không được tải xuống từ các nhà cung cấp bên ngoài (trừ khi bạn đang tham gia thử nghiệm beta chính thức). Cập nhật ứng dụng chỉ nên được cài đặt thông qua các cửa hàng ứng dụng chính thức…

QA

Bộ TT&TT xử lý mạnh tay, tỷ lệ người dùng chuyển mạng thành công tăng vọt

Tính đến hết tháng 2/2019, tỷ lệ người dùng đăng ký thành công dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt với 2 nhà mạng là MobiFone (tăng từ 23,09% lên 31,8%) và Vietnamobile (từ 6,51% lên 29,9%).

Sáng 6/3, tại trụ sở Bộ TT&TT đã diễn ra buổi họp Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 2/2019. Tại đây, đã có nhiều thông tin quan trọng được chia sẻ liên quan đến lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin.

Theo đó, trong tháng 2 năm nay, Bộ TT&TT đã phát hiện và cảnh báo về 474 sự cố tấn công mạng, trong đó có 16 trường hợp nhằm vào tên miền .gov.vn Đồng thời, các đơn vị trong Bộ cũng đã phát đi cảnh báo và tiến hành ngăn chặn việc kết nối đến 52 máy chủ điều khiển các tập tin mã độc tấn công có chủ đích vào các tổ chức hạ tầng quan trọng quốc gia.

Trong tháng 2/2019, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã bước đầu triển khai rà quét, xử lý phần mềm độc hại trong một số cơ quan nhà nước quan trọng, tiến tới tiếp tục mở rộng rà quét toàn bộ các cơ quan, tổ chức nhà nước trên địa bàn thành phố.

Đối với lĩnh vực viễn thông, trong tháng vừa qua, Cục Bưu điện Trung ương đã phối hợp cùng Cục Viễn thông và Cục Tần số VTĐ hoàn thành tốt việc phục vụ thông tin liên lạc tại Trung tâm báo chí và các khu vực liên quan phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Chất lượng mạng viễn thông qua đó nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là công tác chấn chỉnh việc triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao của Bộ TT&TT.

Số liệu mới nhất về tình hình triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Nguồn: Cục Viễn thông.

Theo thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính đến 04/3/2019, tỷ lệ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao thành công của các doanh nghiệp viễn thông là 31,8% với MobiFone, 71,1% với VinaPhone, 85,1% với Viettel và 29.9% với Vietnamobile.

Như vậy có thể thấy, so với số liệu hồi đầu tháng 2/2019, tỷ lệ người dùng đăng ký thành công dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số đã tăng lên trông thấy, đặc biệt với 2 nhà mạng là MobiFone (tăng từ 23,09% lên 31,8%) và Vietnamobile (từ 6,51% lên 29,9%).

Để giải quyết dứt điểm tình trạng doanh nghiệp cố tình giữ chân thuê bao chuyển mạng giữ nguyên số, Cục Viễn thông và lãnh đạo Bộ TT&TT đã có buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ triển khai đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dùng gặp rắc rối về vấn đề chuyển mạng.

Mục tiêu của Cục Viễn thông trong tháng 3 là  thực hiện giải pháp nhằm nâng tỷ lệ thành công của chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao đạt tỷ lệ 90% trong tháng 3/2019.

Trong tháng 2 vừa qua, Bộ TT&TT cũng ghi nhận 3.976 lượt phản ánh tin nhắn rác. Số lượt phản ánh tin nhắn rác giảm 56,7% so với tháng 2/2018 (9.190 lượt phản ánh).

Phát biểu chỉ đạo về việc xử lý tin nhắn rác, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị trong ngành phải giải quyết dứt điểm tình trạng SIM rác trong tháng 3/2019, kiên quyết không để tình trạng này kéo dài.

Tình trạng xử lý SIM rác của Bộ TT&TT cũng đạt kết quả khá tích cực trong thời gian qua.

hỉ đạo chung cho lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng yêu cầu Cục Tần số VTĐ trong tháng 3 phải thực hiện đấu thầu tần số mới cho dịch vụ 4G.

 

Về vấn đề thanh toán điện tử, thẻ cào, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là việc cần phải làm nhanh, góp phần giảm gánh nặng, tạo ra không gian mới để doanh nghiệp phát triển.

Tại buổi họp giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc lại một số vấn đề mà Bộ TT&TT phải nắm vai trò dẫn dắt. Đó là việc triển khai roaming một giá cước cho khu vực ASEAN, các buổi hội thảo về 5G, tìm giải pháp biến Việt Nam thành trung tâm cyber security cho các nước Đông Nam Á, cùng với đó là việc đào tạo nhân lực ICT cho các nước ASEAN.

Bộ TT&TT trình Thủ tướng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Về tình hình thực thi pháp luật, trong tháng 2/2019, Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với báo điện tử Người tiêu dùng về hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài "Nhiều cấp dưới bị bắt giam và kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân "vào lò"?" đăng trên báo điện tử Người tiêu dùng ngày 27/12/18.

Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã tiếp nhận và đang xử lý kiến nghị do Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam gửi đến liên quan đến Quyền phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh tại Việt Nam mùa giải 2019-2022.

Về việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, Bộ TT&TT đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Trong tháng 2/2019, Bộ cũng đã triển khai vận hành tốt Trung tâm báo chí, truyền thông phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. 

Buổi họp Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 2/2019 của Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã và đang tích cực chỉ đạo các cơ quan báo chí nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo khát vọng về một Việt Nam hùng cường, hạn chế đăng các bài viết làm xói mòn sức mạnh, niềm tin của đất nước. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được Bộ quan tâm là việc nghiên cứu về tin giả (fake news) và các phương thức xử lý hành vi tung tin giả trên mạng xã hội.

Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, Bộ Công an và 3 doanh nghiệp VNPT, Viettel, FPT để làm việc với Facebook nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại, qua đó, đề xuất phương án phối hợp với các nhà mạng để ngăn chặn thông tin xấu độc trên Facebook, Google.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại một lần nữa về phương án hỗ trợ băng thông nhằm giảm bớt chi phí cho các cơ quan báo chí.

Về chủ trương đặt hàng báo chí mà Bộ đã và đang khởi xướng, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc hỗ trợ 30% thu nhập cơ bản cho nhóm đối tượng này chỉ chiếm 0,4 phần nghìn ngân sách. Trong khi đó, hành động này sẽ giúp các cơ quan báo chí giảm bớt khó khăn và cảm nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ để yên tâm phụng sự tổ quốc tốt hơn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý các đơn vị thuộc Bộ về việc theo dõi, tổng hợp thông tin mà các chuyên gia, báo chí và mạng xã hội đang nói về ngành. Theo Bộ trưởng, đây chính là nguồn dữ liệu đầu vào để các đơn vị thuộc Bộ thay đổi, cải cách thường xuyên. Bộ TT&TT sẽ lắng nghe ý kiến người dân bằng mọi cách.

Trọng Đạt/vietnamnet.vn


Phải chuyển đổi sang IPv6 để hỗ trợ triển khai 5G, IoT, thành phố thông minh

Ngày 5/3/2019, tại Hà Nội, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban công tác đã chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải cho biết tỷ lệ người sử dụng IPv6 của Việt Nam được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới là thành tích lớn của Việt Nam, của các doanh nghiệp (DN), tổ chức, đơn vị và Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia với nhiều hoạt động thúc đẩy IPv6 trong năm 2018. 

Theo Thứ trưởng, tình hình triển khai IPv6 trên thế giới có nhiều thay đổi như triển khai IPv6 only cũng còn chậm. Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã tích cực hoạt động, kết quả về lưu lượng và người dùng không kém với thế giới. Tuy nhiên, tốc độ triển khai IPv6 chưa đạt như mong muốn

Triển khai IPv6 là nhu cầu tự thân, các nhà mạng đã nhận thức được rằng muốn tồn tại, muốn cung cấp nhiều dịch vụ trong thời gian tới, an toàn và đơn giản chắc chắn phải chuyển đổi sang IPv6 nhất là trong bối cảnh việc triển khai 5G, IoT, dữ liệu lớn, thành phố thông minh ngày càng gia tăng.

Lúc đầu các nhà mạng Việt Nam cũng thận trọng và lo ngại ảnh hưởng đến cung cấp dịch vụ nhưng khi chuyển đổi sang IPv6 thì nhận thấy đây là một quá trình bình thường, không phức tạp, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và các nhà mạng đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. “Đây là kết quả quan trọng nhất trong thúc đẩy IPv6 quốc gia. Từ giờ trở đi, các nhà mạng phải hỗ trợ cho các đối tượng kết nối vào nhà mạng trên tinh thần sẵn sàng cho IPv6 để hướng tới tiếp cận các công nghệ mới…”, Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TTTT cho 3 tập thể là Ban Công nghệ mạng - VNPT, Tổng công ty hạ tầng mạng thuộc VNPT (VNPT-Net), Viettel và 2 cá nhân đã có thành tích trong triển khai IPv6 năm 2018

 

Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về triển khai IPv6

Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), thường trực Ban Công tác trong năm 2018, Việt Nam có kết quả triển khai IPv6 tốt. Tỷ lệ ứng dụng triển khai IPv6 tăng nhanh, đặc biệt trong khoảng thời gian cuối năm. Tính đến cuối tháng 12/2018, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 25,85% (tăng trưởng 258,5% so với cùng kỳ năm trước), đứng thứ 13 trên thế giới, thứ 6 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Mỹ, Malaysia, Đài Loan và Nhật Bản) đứng thứ 2 khu vực ASEAN, với hơn 14.000.000 người sử dụng IPv6.

Kết quả này vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2018 là tỷ lệ ứng dụng IPv6 đạt 20%. Việc cung cấp rộng rãi dịch vụ IPv6 tới người sử dụng đã góp phần đảm bảo cho hoạt động Internet Việt Nam bắt kịp với xu thế công nghệ mới”, VNNIC cho biết.

Về mở rộng cung cấp dịch vụ IPv6, Ban đã phối hợp chặt chẽ với các DN để thúc đẩy mở rộng việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng.

Đối với dịch vụ băng rộng cố định, Ban đã phối hợp với hai Viettel, VNPT mở rộng việc cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng FTTH. Năm 2018, có thêm 5,2 triệu thuê bao FTTH được cung cấp dịch vụ IPv6 (bởi Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT), bên cạnh đó là 1,3 triệu khách hàng FTTH IPv6 từ năm 2016 được duy trì bởi FPT Telecom.

Đối với dịch vụ băng rộng di động, tính đến cuối năm 2018, có tổng số 2.700.000 thuê bao di động (của Vinaphone, Viettel) được cung cấp dịch vụ IPv6. 

Đối với dịch vụ nội dung, Báo điện tử VnExpress hoạt động ổn định với IPv6. 34 website của cơ quan nhà nước hoạt động tốt với IPv6, trong đó có 14 website do VNNIC quản lý và 22 website của các đơn vị dưới “gov.vn”, tiêu biểu là website của Bộ TTTT (mic.gov.vn) và một số website là cổng thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, Nhà Xuất bản Tài chính, Ban Quản lý dự án Lâm nghiệp tỉnh Bình Dương. Việt Nam đã có trên 5.988 website dưới tên miền .vn hoạt động tốt với IPv6.

Trong năm 2018, hai DN tiêu biểu nhất và có đóng góp quan trọng cho kết quả tăng trưởng IPv6 Việt Nam là VNPT, Viettel. Tập đoàn VNPT hiện là DN dẫn đầu về kết quả triển khai IPv6 tại Việt Nam. Tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Tập đoàn đạt hơn 35%, đóng góp khoảng 56% cho kết quả triển khai IPv6 Việt Nam (nguồn APNIC).

Trong khi đó, Tập đoàn Viettel có kết quả tăng trưởng đột phá về triển khai IPv6. Tỷ lệ ứng dụng IPv6 trung bình đạt khoảng 25% (tăng 1195 lần so với cùng kỳ năm trước) và đóng góp hơn 22% vào tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam (nguồn APNIC).

Kết quả ứng dụng triển khai IPv6 chung của Việt Nam còn có sự đóng góp của những DN duy trì dịch vụ từ các năm trước là FPT Telecom - DN đầu tiên triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 (năm 2016); đang duy trì tốt dịch vụ IPv6 cho 1,3 triệu khách hàng FTTH, tỷ lệ IPv6 của FPT Telecom đạt khoảng 25%. FPT Online là DN cung cấp dịch vụ nội dung đầu tiên ứng dụng IPv6; đã chuyển đổi hỗ trợ IPv6 cho Báo điện tử tin nhanh VnExpress (năm 2017).

Đối với các đơn vị nhà nước, điển hình Trung tâm Thông tin - Bộ TTTT đã triển khai thành công hoạt động IPv6 cho cổng thông tin điện tử của Bộ TTTT từ năm 2013; triển khai IPv6 cho mạng WiFi; duy trì tốt các hoạt động truyền thông cho hoạt động của Ban Công tác trên chuyên trang của Bộ. Năm 2018, Trung tâm Thông tin đã thực hiện các công tác chuẩn bị, thử nghiệm triển khai IPv6 cho mạng Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của Bộ; hướng tới triển khai hỗ trợ IPv6 cho dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Kế hoạch năm 2019, Trung tâm Thông tin sẽ triển khai IPv6 cho hệ thống mạng lưới, dịch vụ công của Bộ hướng tới là đơn vị đi đầu trong công tác chuyển đổi IPv6 trong khối cơ quan nhà nước.

Trong khi đó, Cục CNTT và dữ liệu tài nguyên môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập kế hoạch, xây dựng phương án chuyển đổi IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến cũng như mạng ứng dụng CNTT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Năm 2018, Cục đã thử nghiệm thành công phương án cấu trúc lại hệ thống mạng sử dụng địa chỉ IPv4, IPv6 độc lập từ VNNIC, kết nối multi-home đa hướng đến các ISP, thử nghiệm IPv6 cho phân mạng riêng hướng tới chuyển đổi hệ thống chính sang IPv6 hoàn thành các mục tiêu theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Sở TTTT Đà Nẵng đã có các bước thử nghiệm quan trọng cho mạng Internet của Sở, bước đầu có chỉ số IPv6 trên hệ thống đo kiểm quốc tế. Các Sở TTTT Long An, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Bình Dương cũng đã được tư vấn, hỗ trợ để xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv6 tổng thể; đăng ký sử dụng địa chỉ IP độc lập từ VNNIC; thử nghiệm thành công phương án cấu trúc lại hệ thống mạng sử dụng địa chỉ IPv4, IPv6 độc lập, kết nối multi-home đa hướng đến các ISP, thử nghiệm IPv6 cho phân mạng riêng hướng tới chuyển đổi hệ thống chính sang IPv6.

Thường trực Ban công tác nhấn mạnh “Các kết quả thúc đẩy IPv6 năm 2018 có được nhờ hoạt động hiệu quả của Ban Công tác, sự hưởng ứng tích cực của các DN tiêu biểu như Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel và sự phối hợp hiệu quả giữa Ban Công tác và các đơn vị nhà nước, đặc biệt là các Sở TTTT trong công tác thúc đẩy triển khai IPv6, trên cơ sở bám sát Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2018 (ban hành theo Quyết định số 227/QĐ-BTTTT ngày 12/02/2018 của Bộ TTTT)”.

Lan Phuong/ictvietnam.vn

YouTube vô hiệu hóa bình luận theo đề xuất của một tạp chí

YouTube vừa cho biết đã vô hiệu hóa các bình luận về các video có trẻ vị thành niên, một tuần sau khi Tạp chí Wired báo cáo nền tảng này hiển thị quảng cáo bên cạnh các video cho thấy sự bóc lột của trẻ em.

"Trong tuần qua, chúng tôi đã vô hiệu hóa các nhận xét từ hàng chục triệu video có thể là đối tượng của hành vi lợi dụng", YouTube cho biết trong một bài đăng ở đây.

Báo cáo của Tạp chí Wired cho biết, quảng cáo chạy cùng với các video và bình luận xúc phạm đã khiến các công ty như nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống Nestle SA và nhà mạng AT&T tạm dừng quảng cáo trên YouTube vào đầu tuần này.

Trong khi chúng tôi đã xóa hàng trăm triệu bình luận vì vi phạm chính sách của mình, chúng tôi đã nghiên cứu một trình phân loại thậm chí hiệu quả hơn, sẽ xác định và xóa các bình luận lợi dụng, YouTube cho biết.

QA (Theo Reuters)

Tổng thống Mỹ muốn tiên phong 6G để không bị bỏ lại phía sau

Tổng thống Donald Trump vừa đăng tải trên Twitter về 6G và tầm quan trọng của công nghệ này đối với nước Mỹ. 

Trên đăng tải Twitter, Tổng thống Mỹ đã viết: "Tôi muốn công nghệ 5G, và thậm chí 6G ở Mỹ càng sớm càng tốt. Công nghệ mới sẽ mạnh hơn, nhanh hơn và thông minh hơn chuẩn hiện tại. Các công ty Mỹ phải tăng cường nỗ lực hoặc bị bỏ lại phía sau".

Như đã biết, dịch vụ 5G sẽ dần được triển khai tại Hoa Kỳ trong năm nay. Samsung vừa giới thiệu Galaxy S10 5G, sẽ ra mắt vào mùa hè này. 

Tốc độ tải dữ liệu 5G sẽ nhanh hơn gấp 20 lần so với 4G LTE. Tốc độ nhanh hơn sẽ cho phép tạo ra các dịch vụ và các công việc mới. Đối với 6G, thì đây là thời điểm quá sớm để nghĩ đến và chắc chắn chưa có tiêu chuẩn 6G tại thời điểm này. 

Một đăng tải tiếp theo, Tổng thống Trump đã viết: "Tôi muốn nước Mỹ giành chiến thắng thông qua cạnh tranh, không phải bằng cách ngăn chặn các công nghệ tiên tiến hơn hiện nay. Chúng tôi phải luôn là người dẫn đầu trong mọi việc chúng tôi làm, đặc biệt là khi nói đến thế giới công nghệ đầy sự thú vị!”.

Trong các trao đổi, Tổng thống Mỹ kêu gọi các công ty Hoa Kỳ cạnh tranh trong kinh doanh thiết bị mạng. Hiện tại, Huawei là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này cùng với Nokia, Ericsson và ZTE. 

QM (Theo phonearena)