Thời sự ICT
Cảnh giác trước chiêu lừa đảo mời sử dụng chứng thực chữ ký số, giao dịch bảo hiểm xã hội
Submitted by nlphuong on Fri, 25/05/2018 - 15:20(ICTPress) - Nhiều trường hợp giả mạo nhân viên bán hàng của VNPT mời người dùng sử dụng, gia hạn dịch vụ VNPT-CA, Giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử qua email, điện thoại, tin nhắn.
(ICTPress) - Thời gian gần đây, theo phản ánh của khách hàng, xuất hiện một nhóm người mạo danh Tập đoàn VNPT mời sử dụng dịch vụ và gọi điện nhắc nợ cước điện thoại nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, nhiều trường hợp giả mạo nhân viên bán hàng của VNPT mời người dùng sử dụng, gia hạn dịch vụ VNPT-CA (chứng thực chữ ký số), VNPT-BHXH (Giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử) qua các hình thức email, điện thoại, tin nhắn.
Một số địa chỉ email mạo danh có thể kể đến như: kimngan.cks.@gmail.com; hotrokekhai.tv1@gmail.com; dangky.vdconline@gmail.com; kekhaihotro.cks@gmail.com... Thậm chí, có đối tượng còn đăng ký tên miền, sử dụng logo của VNPT để lừa đảo như tên miền vnpt-bhxh.com.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn mạo danh nhân viên/đại lý của VinaPhone tại các tỉnh,thành phố làm giấy tờ hợp đồng, hóa đơn thu tiền để lừa gạt, yêu cầu thực hiện gia hạn hợp đồng... gây thiệt hại cho người dùng.
Tuy nhiên, VNPT cũng đã có chỉ đạo đến các Trung tâm kinh doanh ở các tỉnh, thành phố cần phải có những khuyến cáo cảnh báo kịp thời đến khách hàng của mình. Cần lưu ý với khách hàng về vấn đề email hoặc thư tay của Tập đoàn VNPT gửi đi, trong đó nếu là email sẽ có đuôi là …@vnpt.vn. Lãnh đạo VNPT cũng đề nghị CBCNV cần phải nâng cao cảnh giác và tuyên truyền tới các khách hàng để tránh bị lừa đảo.
Hiện nay vẫn còn hiện tượng một số đối tượng mạo danh nhân viên VNPT hoặc Tổng đài VNPT để nhắc nợ cước viễn thông để lừa đảo và chiếm đoạt tiền của nhiều khách hàng. Mặc dù, hình thức lừa đảo nhắc này xuất hiện trong một vài năm trở lại đây, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trái lại ngày càng nở rộ với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và lan rộng đến nhiều tỉnh thành trong cả nước.
QA
Apple thắng kiện Samsung về tranh chấp bản quyền kéo dài
Submitted by nlphuong on Fri, 25/05/2018 - 10:56(ICTPress) - Phiên tòa đã quyết định Samsung phải trả cho Apple 539 triệu USD về sao chép các tính năng smartphone...
(ICTPress) - Cuối cùng đã có phán quyết của tòa án Mỹ về vụ việc xâm phạm bản quyền kéo dài giữa Apple và Samsung.
Sau 5 ngày diễn ra, phiên tòa đã quyết định Samsung phải trả cho Apple 539 triệu USD về sao chép các tính năng smartphone đã được cấp bằng sáng chế, chấm dứt sự mẫu thuẫn nhiều năm giữa hai công ty công nghệ lớn của thế giới.
Cụ thể, tòa đã phán quyết Samsung sẽ phải trả cho Apple hơn 533 triệu USD về xâm phạm các bản quyền thiết kế của Apple và hơn 5 triệu nữa cho xâm phạm các bản quyền tiện ích.
Hai đối thủ smartphone hàng đầu thế giới này đã ra tòa về các bản quyền sáng chế kể từ năm 2011, khi Apple nộp hồ sơ kiện cáo buộc các smartphone và máy tính bảng của Samsung đã sao chép nhiều các sản phẩm của hãng này. Samsung đã buộc phải có trách nhiệm trong phiên tòa năm 2012, nhưng không thống nhất về số tiền phải trả cho xét xử hiện tại về những ảnh hưởng mà các tranh cãi đã chấm dứt vào 18/5.
Samsung trước đó đã trả cho Apple 399 triệu USD để đền bù cho Apple về xâm phạm một số bản quyền liên quan. Tính theo tín dụng hiện tại, thì Samsung phải thanh toán thêm cho Apple 140 triệu USD.
Trong một thông báo, Apple cho biết hài lòng với các thành viên bồi thẩm đoàn là “thống nhất Samsung phải trả cho việc sao chép các sản phẩm của chúng tôi”.
QM
Facebook giả mạo chiếm 60% số vụ lừa đảo mạng xã hội đầu năm 2018
Submitted by nlphuong on Thu, 24/05/2018 - 20:00“Tấn công lừa đảo không ngừng gia tăng nhắm vào mạng xã hội và tổ chức tài chính cho thấy người dùng cần phải nghiêm túc chú ý hoạt động trực tuyến của họ".
Trong quý I 2018, công nghệ chống lừa đảo của Kaspersky Lab đã ngăn chặn hơn 3,6 triệu lượt truy cập vào các trang mạng xã hội giả mạo, trong đó 60% là trang Facebook ảo. Theo như báo cáo “Thư rác và lừa đảo trong quý I 2018” của Kaspersky Lab, tội phạm mạng vẫn tiếp tục hoạt động để đánh cắp dữ liệu cá nhân.
Lừa đảo trên mạng xã hội là một hình thức của tội phạm mạng liên quan đến việc đánh cắp dữ liệu cá nhân từ tài khoản mạng xã hội. Tội phạm tạo ra một bản sao của các website (ví dụ như trang Facebook ảo), cố gắng dụ dỗ các nạn nhân không có sự đề phòng và buộc họ phải cung cấp thông tin cá nhân như tên, mật khẩu, số thẻ tín dụng, mã PIN và nhiều thứ khác.
Vào đầu năm nay, Facebook là một trang mạng xã hội phổ biến nhất để các tội phạm lạm dụng để đánh cắp thông tin cá nhân qua tấn công lừa đảo. Đây là một phần của xu hướng sẽ còn kéo dài khi trong Quý I 2017, Facebook trở thành một trong 3 mục tiêu về lừa đảo nói chung (8%), sau đó là Microsoft (6%) và Paypal (5%). Đến Quý I năm 2018, Facebook dẫn đầu trong danh mục lừa đảo mạng xã hội, tiếp theo đó là Vkontakte - một mạng xã hội trực tuyến của Nga, tiếp đến là Linkedln. Nguyên nhân là do hàng tháng có đến 2,31 tỉ người dùng Facebook thường xuyên, gồm cả những người đăng nhập vào ứng dụng không xác định bằng cách sử dụng tài khoản Facebook, từ đó cấp quyền truy cập vào tài khoản của họ. Điều này làm cho người dùng Facebook trở thành đối tượng thu lợi cho tội phạm tấn công giả mạo một cách bất đắc dĩ.
Tỷ lệ các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội phát hiện bởi Kaspersky Lab trong Quý I 2018 |
Tất cả những điều này củng cố sự thật rằng dữ liệu cá nhân rất có giá trị trong thế giới CNTT cho cả tổ chức hợp pháp và kẻ tấn công. Tội phạm mang liên tục tìm kiếm biện pháp mới để tiếp cận người dùng, vì vậy, điều quan trọng là cần có sự hiểu biết về công nghệ lừa đảo để tránh trở thành nạn nhân tiếp theo. Xu hướng gần đây là các email spam liên quan đến GDPR (Europe’s General Data Protection Regulation) - Luật bảo vệ dữ liệu người dùng ở Châu Âu, bao gồm đè nghị trả phí trên website để làm rõ luật mới, hoặc mời cài đặt phần mềm đặc biệt cho phép truy cập trực tuyến vào tài nguyên để đảm bảo tuân thủ các quy tắc mới.
Nadezhda Demidova, chuyên gia phân tích nội dung web tại Kaspersky Lab cho biết: “Tấn công lừa đảo không ngừng gia tăng nhắm vào mạng xã hội và tổ chức tài chính cho thấy người dùng cần phải nghiêm túc chú ý hoạt động trực tuyến của họ. Mặc cho các sự cố toàn cầu gần đây, người dùng vẫn tiếp tục click vào các địa chỉ không an toàn và cho phép các ứng dụng không rõ nguồn gốc truy cập vào dữ liệu cá nhân của mình. Bởi vì người dùng thiếu cảnh giác, một khối lượng dữ liệu khổng lồ đã bị mất hoặc rò rỉ bởi chính họ. Điều này có thể dẫn đến tấn công phá hoại và tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho tội phạm mạng.”
Bên cạnh đó, báo cáo còn một số kết quả quan trọng khác:
Lừa đảo:
Đối tượng chính của tấn công lừa đảo vẫn tương tự như cuối năm ngoái, chủ yếu là các cổng Internet toàn cầu và lĩnh vực tài chính, bao gồm các ngân hàng, dịch vụ thanh toán và các cửa hàng trực tuyến. Khoảng 35.000 USD đã bị đánh cắp thông qua một trang web lừa đảo xuất hiện để tạo cơ hội đầu tư vào Telegram ICO. Khoảng 84.000 USD đã bị đánh cắp sau một thư email lừa đảo duy nhất liên quan đến sự ra mắt của "The Bee Token" ICO.
Lừa đảo tài chính tiếp tục chiếm gần một nửa số vụ tấn công lừa đảo (43,9%), cao hơn 4,4% so với cuối năm ngoái. Các cuộc tấn công chống lại các ngân hàng, cửa hàng điện tử và hệ thống thanh toán vẫn nằm trong top 3, cho thấy tội phạm mạng không ngừng mong muốn truy cập vào tài khoản của người dùng.
Brazil là đất nước có tỉ lệ người dùng bị tấn công lừa đảo cao nhất trong Quý I 2018 (19%), tiếp theo là Argentina (13%), Venezuela (13%), Albania (13%) và Bolivia (12%).
Spam:
Trong quý 1 năm 2018, số lượng thư rác đạt đỉnh điểm vào tháng 1 (55%). Tỷ lệ thư rác trung bình trong lưu lượng email của thế giới là 52%, thấp hơn 4,6% so với con số trung bình của quý cuối cùng của năm 2017. Việt Nam có lượng thư rác cao nhất (9,22%), sau đó là Mỹ và Trung Quốc. Những nước khác trong top 10 gồm có: Ấn Độ, Đức, Pháp, Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Iran.
Đất nước bị tấn công nhiều nhất bởi mail độc hại là Đức. Nga đứng thứ 2, tiếp theo là Anh, Ý và Cộng đồng UAE.
Chuyên gia tại Kaspersky Lab khuyến nghị người dùng sử dụng những biên pháp sau để bảo vệ họ khỏi tấn công lừa đảo: Luôn kiểm tra địa chỉ đường dẫn và người gửi email trước khi click vào- để tốt hơn, đừng click vào link, hãy nhập tay đường link vào trình duyệt web.
Trước khi click vào bất kỳ liên kết nào, hãy kiểm tra xem địa chỉ liên kết được hiển thị có giống với liên kết thực tế (địa chỉ thực mà liên kết sẽ đưa bạn đến) hay không - điều này có thể được kiểm tra bằng cách di chuột qua liên kết.
Kaspersky Lab cũng khuyến nghị chỉ sử dụng kết nối bảo mật, đặc biệt là khi bạn truy cập vào website quan trọng. Phòng trường hợp xấu nhất, không sử dụng Wi-Fi công cộng hoặc Wi-Fi không rõ nguồn mà không có mật khẩu. Để được bảo vệ tốt nhất, sử dụng biện pháp VPN đã mã hoá lưu lượng. Và lưu ý nếu bạn sử dụng kết nối không an toàn, tội phạm mạng có thể dễ dàng chuyển hướng bạn đến một trang lừa đảo.
Ngoài ra, kiểm tra kết nối HTTPS và tên domain khi bạn mở một trang web. Điều này cực kì quan trọng khi bạn sử dụng website chứa dữ liệu nhạy cảm ví dụ như trang web cho ngân hàng trực tuyến, shop trực tuyến, email, trang mạng xã hội.
dữ liệu quan trọng, như tên đăng nhập và mật khẩu, thông tin tài khoản ngân hàng không bao giờ chia sẻ với một bên thứ ba. Công ty chính chủ sẽ không đòi hỏi dữ liệu như vậy qua email.
Sử dụng biện pháp bảo vệ đáng tin cậy với công nghệ ngăn ngừa hành vi lừa đảo, ví dụ như Kaspersky Total Security, để phát hiện và ngăn chặn thư rác và tấn công trực tuyến.
QA
Facebook không muốn đền bù cho người dùng châu Âu do lỗ hổng dữ liệu
Submitted by nlphuong on Thu, 24/05/2018 - 06:50(ICTPress) - Facebook không thể đền bù 2,7 triệu người sử dụng châu Âu bởi dữ liệu tài khoản ngân hàng nhạy cảm đã không được chia sẻ với công ty chính trị Cambridge Analytica.
(ICTPress) - Facebook không thể đền bù 2,7 triệu người sử dụng châu Âu bởi dữ liệu tài khoản ngân hàng nhạy cảm đã không được chia sẻ với công ty chính trị Cambridge Analytica, theo Reuters.
Ảnh: sputniknews |
Trang mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới đã trả lời các điều trần của Nghị viện châu Âu, đã không nhận được các câu trả lời từ CEO Mark Zuckerberg trong phiên điều trần này
“Đây rõ ràng là một lỗ hổng lòng tin. Tuy nhiên, điều quan trọng là không có chi tiết tài khoản, thông tin thẻ tín dụng hay số ID quốc gia nào được chia sẻ. Phần lớn thông tin truy cập được là thông tin hồ sơ chung của họ cũng như các thích trang, danh sách bạn bè và ngày sinh nhất. Các thông tin dạng này được phép chia sẻ”, Facebook cho biết trong một thông báo.
Facebook cho biết nhà phát triển ứng dụng liên quan đến lỗ hổng dữ liệu đã bán thông tin về người sử dụng Mỹ, không phải người sử dụng châu Âu, cho Cambridge Analytica.
Facebook và Cambridge Analytica đã là các mục tiêu của một khiếu nại của một công dân Maryland về khai thác dữ liệu người sử dụng Mỹ mà không được phép.
Trả lời các quan ngại của Nghị viện châu Âu về sử dụng dữ liệu của những người sử dụng không phải Facebook mà không biết, Facebook cho hay đó là điều rõ ràng về thông tin mà công ty này thu thập và hy vọng các trang web và các ứng dụng hiểu về dữ liệu và chính sách cookie của họ.
Facebook cho biết những người sử dụng không phải của Facebook có hỏi về loại dữ liệu đã được thu thập về họ thông qua trung tâm trợ giúp của Facebook nhưng Facebook không tạo các hồ sơ của họ.
Facebook đã từ chối các gợi ý là Facebook tách riêng dữ liệu cá nhân của người sử dụng giữa Facebook và WhatsApp, cho biết việc chia sẻ dữ liệu là cần thiết để tránh các nội dung lăng mạ, hay thông tin rác trên các dịch vụ của Facebook. Điều này cũng tương tự đề xuất tách Facebook Messenger và WhatsApp, được cho là một gói dịch vụ dành cho khách hàng.
Tại phiên điều trần của Nghị viện châu Âu, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã đưa ra lời xin lỗi về lỗ hổng của mạng xã hội Facebook trong việc bảo vệ các dữ liệu cá nhân của người dùng liên quan đến Cambridge Analytica khiến 87 triệu người dùng bị rò rỉ dữ liệu, không chặn được các thông tin sai lệch, lợi dụng can thiệp vào các cuộc bầu cử hay để bên thứ ba sử dụng thông tin cá nhân của người dùng với dụng ý xấu. Người sáng lập Facebook cũng thừa nhận trong vài năm qua tập đoàn này chưa làm hết khả năng để ngăn chặn tình trạng những công cụ mà họ đã tạo ra được dùng vào mục đích xấu.
CEO Facebook cũng khẳng định Facebook sẽ tuân thủ các quy định của EU (GDPR) sẽ có hiệu lực vào ngày 25/5 và nhấn mạnh cam kết của công ty tại châu Âu, nơi họ đang có kế hoạch tuyển thêm 10.000 vị trí trong thời gian từ nay tới cuối năm.
Sau vụ việc với Cambridge Analytica, Facebook đã dừng 200 ứng dụng từ các nền tảng của mình sau khi điều tra các ứng dụng của bên thứ ba có quyền truy cập vào nhiều dữ liệu của người dùng.
QM
Hơn 4000 cuộc tấn công mạng vào Việt Nam trong 5 tháng
Submitted by nlphuong on Wed, 23/05/2018 - 16:07(ICTPress) - Tình hình an toàn thông tin, tấn công mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng.
Ngày 23/5/2018, tại Hà Nội, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNICERT) - Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức cho các thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố, các đơn vị CNTT của các Bộ, ngành, tỉnh/thành trên toàn quốc tham gia Diễn tập quốc tế về an toàn thông tin (ATTT) ASEAN - Nhật Bản năm 2018.
Diễn tập với chủ đề "Tấn công DoS/DDoS và hoạt động phối hợp ứng cứu, xử lý sự cố” được tiến hành tại các địa điểm thuộc 3 khu vực miền Bắc (tại Hà Nội), miền Trung (tại Đà Nẵng) và miền Nam (tại TP. HCM), các đơn vị tham gia diễn tập theo sự điều phối chung của VNCERT. Có khoảng 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo, các cán bộ kỹ thuật an toàn mạng từ các đơn vị thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố, các cơ quan đơn vị nhà nước, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại cuộc diễn tập |
Phát biểu tại buổi Diễn tập, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, các cuộc diễn tập về chủ đề chống tấn công DoS/DDoS thường xuyên được tổ chức cho thấy tấn công DoS/DDoS đang ngày càng phổ biến với mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi. Thậm chí có những cuộc tấn công DDoS chiếm băng thông lên tới gần 2TB.
Bên cạnh đó, tấn công DoS/DDoS đang ngày càng trở nên dễ dàng. Tờ Independent (Anh) mới đưa tin, cảnh sát Anh và Hà Lan đã phối hợp bóc gỡ trang web cho thuê dịch vụ tấn công DDoS - webstresser.org. Trong năm qua, trang web này đã thực hiện hàng triệu cuộc tấn công nhắm vào các ngân hàng của Anh, gây ra những tổn thất lớn. Trang web này còn cho thuê dịch vụ tấn công DoS/DDos với giá rất rẻ, khoảng 25 Euro/tháng và người thuê hạ tầng để tấn công cũng không cần có kỹ năng gì.
Chính sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã khiến cho các cuộc tấn công DoS/DDoS ngày càng dễ dàng hơn trong thời gian tới. Đây là thách thức lớn cho những người làm công tác ATTT, Thứ trưởng lưu ý.
Về quy trình xử lý các cuộc tấn công này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, quy trình là cần thiết nhưng cứng nhắc quá thì không được. Cần phải có sự năng động, linh hoạt trong xử lý khi có các cuộc tấn công xảy ra.
Các thành viên tham gia diễn tập tại Hà Nội |
Cũng tại cuộc Diễn tập, ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc VNCERT nhận định, tình hình an toàn thông tin, tấn công mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng. Theo ghi nhận của VNCERT, năm 2017 đã có 13.382 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam theo cả ba loại hình: tấn công lừa đảo (Phishing), mã độc (malware) và thay đổi giao diện deface. Trong đó, tấn công mã độc (malware) là 6.400 trường hợp, tấn công thay đổi giao diện (deface) là 4.377 trường hợp và tấn công lừa đảo (Phishing) là 2.605 trường hợp. Tính đến ngày 19/5/2018, đã ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam, với 2.661 sự cố deface, 766 sự cố tấn công mã độc malware và 608 sự cố lừa đảo Phishing. Hàng ngày có khoảng gần 100 nghìn địa chỉ mạng của Việt Nam truy vấn hoặc kết nối đến mạng lưới máy tính ma botnet.
Mô hình diễn tập lần này bao gồm 3 cấp: cơ quan điều phối quốc tế, cơ quan điều phối quốc gia và các đơn vị hạt nhân. Trong đó, các đơn vị hạt nhân là nơi cần được bảo vệ nhất, nơi mà có thể gặp phải tình huống bị tấn công mạng trực tiếp hoặc gián tiếp; và đồng thời cũng là đơn vị nên tham gia hỗ trợ ứng cứu sự cố tấn công mạng cho các đơn vị khác nhằm phòng tránh lây lan đến đơn vị mình. Mô hình diễn tập này chính là cấu trúc của liên minh phối hợp quốc tế trong ứng cứu sự cố máy tính trong khu vực đang được áp dụng hiện nay. Do đó, khác với diễn tập APCERT và diễn tập ASEAN tập trung vào phân tích các loại hình tấn công mạng thì diễn tập ASEAN – Nhật Bản tập trung vào tạo lập cơ chế phối hợp, vận hành nhanh và chính xác các công đoạn chuyển giao thông tin giữa tất cả các đơn vị có liên quan khi có tấn công mạng xảy ra.
Kịch bản Diễn tập quốc tế ASEAN – Nhật Bản 2018 giả định có các cuộc tấn công mạng từ một nhóm tin tặc và gồm 3 giai đoạn kéo dài trong 3 ngày: Ngày 1 là giai đoạn cảnh báo, Nhật Bản phát hiện việc truy cập website và trao đổi email bị chậm lại đồng thời có các cuộc tấn công DDoS nhỏ xuất hiện; Ngày 2 là giai đoạn tấn công: xuất hiện cảnh báo một cuộc tấn công diện rộng và sau đó các cuộc tấn công quy mô lớn gây ra tắc nghẽn việc truy cập website và ngừng trệ việc gửi nhận email của các đơn vị nạn nhân. Do vậy, việc liên lạc bằng điện thoại được sử dụng; Ngày 3 là giai đoạn đỉnh điểm: sau khi dịch vụ email được khôi phục thì các email giả mạo có chứa mã độc được gửi đến máy tính của quan chức các quốc gia thành viên ASEAN làm máy tính những người nhận này bị nhiễm mã độc. Các email lừa đảo tinh vi này sau đó làm bùng phát mã độc không chỉ trong các cơ quan, tổ chức chính phủ mà còn lây lan ra cộng đồng.
"Yêu cầu đặt ra cấp quốc gia tham gia Diễn tập quốc tế ASEAN – Nhật Bản là bằng cách trao đổi các báo cáo tình huống về những gì đang diễn ra và cung cấp các thông tin cảnh báo có chứng cứ cùng với chiến lược giảm thiểu thiệt hại, đối phó với các tấn công, mỗi quốc gia cần làm cho cộng đồng nhận thức được mức độ nguy hại của tình huống đang diễn ra và có biện pháp đối phó kịp thời", ông Đường cho hay.
Minh Anh
Phổ biến điểm mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng
Submitted by nlphuong on Tue, 22/05/2018 - 20:30Nghị định số 27/2018/NĐ-CP cắt bỏ được 11 điều kiện đầu tư kinh doanh, 7 thủ tục hành chính, đồng thời cắt giảm được 20 thành phần hồ sơ liên quan đến thủ tục đầu tư kinh doanh.
Ngày 01/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2018.
Ngày 22/5/2018, tại Hà Nội, Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 27/2018/NĐ-CP. Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo đã chủ trì và phát biểu tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ TTTT, các Sở TTTT khu vực phía Bắc, các tổ chức doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CNTT và thông tin điện tử (TTĐT), các Nhà đăng ký (NĐK) tên miền, các địa lý NĐK tên miền khu vực phía Bắc, khu vực phía Bắc… Hội nghị nhằm phổ biến kịp thời và giải đáp các quy định mới của pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cho các cơ quan, đơn vị, DN, cá nhân.
Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết Nghị định số 27/2018/NĐ-CP xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, quản lý, sửa đổi bổ sung, tháo gỡ một số điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN. Hội nghị cần tập trung lắng nghe, trao đổi để nhận thức rõ các nội dung sửa đổi, bổ sung mới để đảm bảo đưa Nghị định sớm vào cuộc sống.
Tại Hội nghị, ông Võ Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã cho biết theo thống kê của Vụ, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP cắt bỏ được 11 điều kiện đầu tư kinh doanh, 7 thủ tục hành chính, đồng thời cắt giảm được 20 thành phần hồ sơ liên quan đến thủ tục đầu tư kinh doanh.
Phổ biến các điểm mới của Nghị định tại Hội nghị, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đã trình bày những điểm đáng lưu ý trong Nghị định 27/2018/NĐ-CP về quy định liên quan đến quản lý tên miền tại Việt Nam; Cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử (TTĐT); Hoạt động mã xã hội, hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi trên mạng.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc VNNIC thông tin về các điểm mới về quy định liên quan đến quản lý tên miền |
Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc VNNIC, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quy định liên quan đến quản lý tên miền tại Việt Nam có hai điểm mới, đó là đưa các nội dung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền ".VN" từ Thông tư lên Nghị định cho phù hợp quy định của Luật Đầu tư và bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi quốc gia Việt Nam trong đăng ký, sử dụng tên miền chung mới cấp cao (New gTLD).
Nghị định mới đã được đưa vào những nội dung liên quan đến điều kiện và thủ tục hành chính về kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.VN”; thủ tục hành chính liên quan tới báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế (TMQT) tại Việt Nam quy định tại Thông tư 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ trưởng Bộ TTTT; đồng thời bãi bỏ các nội dung quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh tại Thông tư để đảm bảo sự đồng bộ, đầy đủ và nhất quán với các quy định của Luật Đầu tư, Luật DN.
Trong khi đó, New gTLD là tên miền chung cấp cao nhất (gTLD) mà Tổ chức quản lý tên miền quốc tế (ICANN) mở rộng cấp phát trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân trên thế giới theo chương trình mở rộng đuôi tên miền dùng chung cấp cao nhất của ICANN (chương trình New gTLD). Việc phát triển Chương trình đăng ký tên miền New gTLD đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xung đột về quyền lợi và tác động tới chính sách quản lý của các quốc gia trong đó có Việt Nam như: xung đột quyền lợi quốc gia Việt Nam từ các tên miền New gTLD; khả năng xung đột quyền lợi quốc gia từ mở rộng cấp phát các tên miền cấp 2 dưới New gTLD.
Nghị định số 27/2018/NĐ-CP quy định các nội dung về tiêu chí, nguyên tắc là sở cứ pháp lý bảo vệ quyền lợi quốc gia Việt Nam trong đăng ký, sử dụng tên miền New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD, bao gồm: (a) Tên miền là tên quốc gia, mã quốc gia Việt Nam; (b) Tên miền có các cụm từ là tên gọi, tên viết tắt của Việt Nam qua các thời kỳ, thể hiện hình ảnh quốc gia của Việt Nam; (c) Tên miền là tên địa danh, tên các địa bàn thuộc khu vực biên giới biển, khu vực biên giới đất liền, khu vực biên giới trên không của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; (d) Tên miền là tên các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (đ) Tên miền là tên các địa danh của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; (e) Tên miền là tên di tích quốc gia và tên di tích quốc gia đặc biệt, tên bảo vật quốc gia, tên di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tên các biểu tượng văn hóa quốc gia, tên khu du lịch quốc gia Việt Nam; (g) Tên miền là tên gọi các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; (h) Tên miền có các cụm từ cần phải bảo vệ theo các quy định về an ninh, quốc phòng, ngoại giao của Việt Nam; (i) Tên miền là tên các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ của Việt Nam; (k) Các tên miền khác do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Theo đó, để thực hiện bảo vệ quyền lợi quốc gia liên quan tới tên miền New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD, bà Hiền đề nghị các Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan: Phối hợp Bộ TTTT thẩm định các yêu cầu đăng ký, sử dụng tên miền New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD và thực hiện phản đối tới ICANN trong trường hợp các tên miền có thể xâm phạm lợi ích quốc gia. Các bộ, ngành, tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước: Lập danh mục, theo dõi việc đăng ký, sử dụng các tên miền thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị theo các tiêu chí đã được quy định tại Khoản 1 Điều 12a; Đề xuất kinh phí để thực hiện việc đăng ký sử dụng tên miền cần bảo vệ trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước để thực hiện bảo vệ quyền lợi quốc gia; Tham gia thẩm định yêu cầu đăng ký, sử dụng tên miền New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD theo yêu cầu của Bộ TTTT.
Đối với các Sở TTTT cần tăng cường theo dõi, thanh, kiểm tra việc cung cấp thông tin trên mạng của các chủ thể tên miền trên địa bàn tỉnh, thành phố: Kiểm tra và xử lý vi phạm về việc đăng ký, sử dụng tên miền, hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền đối với các DN có cung cấp dịch vụ tại địa phương, đặc biệt là trong việc cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì TMQT; Tăng cường hiệu quả thực thi quy định quản lý về đăng ký, sử dụng cũng như cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì TMQT để hạn chế tình trạng hiện nay là các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung vào nhóm sử dụng TMQT.
Toàn cảnh Hội nghị |
Cũng tại Hội nghị, đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết liên quan đến tổ chức, DN được cấp giấy phép thiết lập trang TTĐT tổ chức theo Nghị định 27/2018/NĐ-CP, DN hoạt động trang TTĐT tổng hợp chủ động cân đối tỷ lệ thông tin đăng tải trên trang TTĐT tổng hợp, bảo đảm những thông tin tích cực là chủ đạo, thông tin tiêu cực, thông tin về mặt trái xã hội không chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số tin, bài được đăng tải. Tổ chức, DN được cấp giấy phép thiết lập trang TTĐT thực hiện nghiêm việc cung cấp thông tin trên trang chủ của trang TTĐT tổng hợp theo đúng quy định. Chân trang cần cung cấp đầy đủ thông tin. Trang TTĐT tổng hợp của các cơ quan báo chí chỉ cung cấp thông tin theo đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và theo đúng quy định của giấy phép được cấp, không được tự ý sản xuất tin bài như các báo điện tử, tạp chí điện tử.
Sở TTTT các tỉnh, thành phố khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép thiết lập trang TTĐT tổng hợp cần lưu ý thận trọng, kiểm tra mục đích hoạt động trước khi xem xét cấp phép đối với trang TTĐT tổng hợp có tên miền thuộc địa phương khác, có tên miền có từ ngữ nhạy cảm, có thể gây hiểu lầm là trang TTĐT tổng hợp của cơ quan báo chí, cơ quan nhà nước. Các Sở có thể xem xét thu hồi hoặc điều chỉnh cấp lại giấy phép đối với trang thông tin có tên miền không phù hợp; Cân nhắc năng lực quản lý của tổ chức, DN khi xin cấp giấy phép quá nhiều trang TTĐT tổng hợp, có hoạt động trang TTĐT tổng hợp và mạng xã hội trên cùng một tên miền; Nêu cụ thể lĩnh vực, nội dung thông tin dự kiến cung cấp lên trang TTĐT tổng hợp trên giấy phép, phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hoặc lĩnh vực hoạt động được ghi trong quyết định thành lập, đăng ký kinh doanh của tổ chức, DN được cấp phép.
Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, Cục PTTH&TTĐT lưu ý để tránh việc lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật, các DN thực hiện nghiêm các quy định về tài sản ảo, điểm thưởng trong trò chơi; tuyệt đối không được đổi thưởng, đổi tài sản ảo ra tiền mặt và các hiện vật có giá trị.
Đối với hoạt động thanh toán, hầu hết các DN đều sử dụng hình thức thanh toán qua thẻ cào viễn thông, hơn 80% doanh thu game trong nước thông qua hình thức thanh toán này chưa cụ thể, rõ ràng. Do đó, đề nghị các DN cần hết sức thận trọng khi sử dụng các hình thức thanh toán này và cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành trong hoạt động thanh toán.
Lan Phương/ictvietnam.vn
“Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội phải ngắn - gọn - rõ”
Submitted by nlphuong on Fri, 18/05/2018 - 22:14Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Thời gian qua, Bộ TT&TT đã liên tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật trong quản lý phát triển mạng xã hội...
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại Tọa đàm “Xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam” diễn ra sáng 18/5 ở Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ TT&T Trương Minh Tuấn chủ trì Tọa đàm. |
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có tọa đàm góp ý xây dựng dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ, hiệp hội liên quan, các cơ quan báo chí để góp phần xây dựng bộ quy tắc khả thi, vì một môi trường mạng phát triển lành mạnh.
Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Thời gian qua, Bộ TT&TT đã liên tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật trong quản lý phát triển mạng xã hội, đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc đấu tranh với những thông tin xấu, độc là một quá trình với nhiều khó khăn, thách thức.
“Thực tiễn cho thấy, việc ban hành các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước, cho dù có nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xoá bỏ mà chỉ có thể hạn chế nó. Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của nhà nước.
Đó có thể là những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử, để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng. Đó có thể là những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại nhiều quốc gia, kể cả ở cấp nhà nước hay ở phạm vi nội bộ trong một tổ chức, chúng ta có thể nhận thấy, việc ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận xét.
Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, việc nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử phải dựa trên quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, nhằm đem lại lợi ích lớn nhất và hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới xã hội, tổ chức và cá nhân.
Bên cạnh đó, Bộ Quy tắc không đi ngược lại với các cam kết của Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Và Bộ Quy tắc được xây dựng theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về xây dựng bộ quy tắc ứng xử nói chung, bộ quy tắc ứng xử trên truyền thông nói riêng, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng trong và ngoài nước.
“Mục đích của việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không phải hạn chế người sử dụng mà nhằm phát triển, mở rộng mạng xã hội hoạt động văn hóa, nhân văn, đạo đức. Việc xây dựng bộ quy tắc này là bộ quy tắc chung. Từ khế ước chung, quy tắc chung này, tùy từng đối tượng cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình đặc điểm riêng để xây dựng quy tắc riêng…”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý.
Nhiều nhà báo, đại diện hiệp hội, nhà mạng, và các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ TT&TT đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến góp ý cho việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tinh thần chung là mọi người đều thống nhất sự cần thiết phải sớm ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tại Việt Nam.
Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Viện Chiến lược TT&TT, đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tiếp thu các ý kiến góp ý.
“Xây dựng Bộ quy tắc chỉ cần 3 yếu tố: Ngắn – Gọn – Rõ để ai cũng có thể hiểu được. Bộ TT&TT tới đây phải xem xét ban hành thông tư để có chế tài cụ thể trên cơ sở Bộ Quy tắc ứng xử này”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Sau buổi tọa đàm lần đầu tiên này, đơn vị chủ trì soạn thảo “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, tổ chức thêm nhiều cuộc họp, hội thảo, tọa đàm về chủ đề này. Sau khi có dự thảo tương đối hoàn chỉnh mới lấy ý kiến rộng rãi của công chúng, trong đó sẽ đặc biệt chú trọng phương thức lấy ý kiến trên mạng xã hội của chính những người sử dụng mạng xã hội.
Nghị quyết số 55/2017/QH14 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã nêu rõ: “Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”.Thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ TT&TT đã chủ động nghiên cứu cơ sở lý luận, bài học thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế để làm căn cứ nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho Việt Nam. Hiện có khoảng 366 mạng xã hội đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, trong đó khoảng 360 mạng xã hội có hoạt động thực tế. Theo báo cáo mới nhất năm 2018 của tổ chức We are Social, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đạt khoảng 55 triệu người (chiếm tỷ lệ 57% dân số), trong đó lượng người sử dụng mạng xã hội qua điện thoại di động là 50 triệu người. Thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong 1 ngày của người sử dụng Việt Nam đạt tương ứng khoảng 7 giờ và 2,5 giờ. Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất, với tỷ lệ là 61% và 59%. Theo khảo sát của Chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) cho thấy, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung ở một số nội dung: Nói xấu, phỉ báng (61,7%), vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%), kỳ thị dân tộc (37,1%), kỳ thị giới tính (29,03%), kỳ thị khuyết tật (21,76%), kỳ thị tôn giáo (15,09%)… Các hành vi này thực tế đã được điều chỉnh ở rất nhiều văn bản khác như Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại điện tử, Luật Quảng cáo, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin và các văn bản hướng dẫn. Chế tài xử phạt cũng đã có tương đối đầy đủ và thực tế thời gian qua đã có nhiều trường hợp cá nhân bị xử lý vì các hành vi này. Tuy nhiên, số lượng vụ việc được xử lý theo pháp luật còn rất hạn chế so với thực tế vi phạm, hơn nữa, kể cả khi đã bị xử lý thì người bị hại cũng phải chịu các tổn thất nặng nề về mặt vật chất, tinh thần. |
Bình Minh/Infonet.vn
Facebook điều trần trước Nghị viện châu Âu về sự riêng tư dữ liệu
Submitted by nlphuong on Thu, 17/05/2018 - 07:42(ICTPress) - CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng sẽ gặp Tổng thống Pháp về các vấn đề quốc gia khởi nghiệp, thuế đối với doanh thu số...
(ICTPress) - CEO Facebook Mark Zuckerberg sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Nghị viện châu Âu để trả lời các câu hỏi về việc sử dụng hàng triệu dữ liệu của người sử dụng sai mục đích của công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica, khi Facebook vẫn tiếp tục tăng cường bảo vệ dữ liệu.
CEO Facebook Mark Zuckerberg |
Thông tin này được Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani vừa thông báo là người sáng lập và CEO Facebook đã chấp nhận lời mời của Nghị viện và sẽ sớm có mặt ở Brussels. “Chúng tôi vui mừng trước quyết định của vị CEO này xuất hiện tại cơ quan đại diện cho 500 triệu người dân châu Âu. Đây là một bước đi có định hướng đúng đắn để hướng tới khôi phục lòng tin”, Chủ tịch Antonio Tajani cho hay.
Một phiên điều trần cũng được tổ chức với Facebook và các bên liên quan để tiến hành một “phân tích sâu về các khía cạnh liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân và các tác động có thể đối với các quá trình bầu cử ở châu Âu”, Chủ tịch Tajani cho biết thêm.
Về phía Facebook, người phát ngôn của công ty này cũng khẳng định: “Facebook đã chấp nhận đề xuất của Chủ tịch Nghị viện châu Âu là sẽ gặp gỡ nghị viện và đánh giá cao cơ hội đối thoại, lắng nghe các quan điểm và chỉ ra các bước để Facebook thực hiện tốt hơn việc bảo vệ sự riêng tư của người sử dụng”.
Trước đó, Nghị viện Anh cũng đã yêu cầu Zuckerberg trả lời các câu hỏi của những nhà làm luật nhưng thay vào đó là Giám đốc công nghệ của Facebook đã tham dự phiên điều trần.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng vừa thông báo Tổng thống Pháp sẽ có những cuộc nói chuyện “thẳng thắn” với Mark Zuckerberg về thuế vào sự riêng tư của dữ liệu tại Paris.
Văn phòng của Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ gặp Zuckerberg và nhiều giám đốc điều hành công nghệ tại một Hội nghị thượng đỉnh “Công nghệ vì những điều tốt đẹp” sẽ hỗ trợ công ty Pháp nhưng cũng muốn theo đuổi về thuế của EU đối với doanh thu số và kêu gọi chống lại tin tức giả mạo.
Tổng thống Macron sẽ có một cuộc gặp trực tiếp với Zuckerberg, trong đó nhiều chủ đề sẽ được trao đổi một cách “rất thẳng thắn”, Văn phòng Tổng thống Pháp cho hay.
Tổng thống Pháp cũng gặp gỡ các CEO của IBM Virginia Rometty, Brian Krzanich của Intel và Satya Nadella của Microsoft.
Tổng thống Pháp mong muốn đưa nước Pháp trở thành “quốc gia khởi nghiệp” nhưng cũng muốn thúc đẩy các nỗ lực ở châu Âu để buộc các công ty trả thuế số tại nguồn nhiều hơn.
Hội nghị này diễn ra vào thời điểm Facebook đang chịu áp lực ở Mỹ và châu Âu về sự riêng tư của dữ liệu sau khi có vụ việc hàng triệu dữ liệu người sử dụng đã bị thu thập bởi công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica.
Trước phiên điều trần tại Nghị viện châu Âu, hồi tháng 4, Zuckerberg đã dự phiên điều trần 2 ngày của các nhà làm luật Mỹ về xử lý dữ liệu riêng tư. Các nhà làm luật châu Âu đang yêu cầu các câu trả lời và Nghị viện châu Âu đã yêu cầu Zuckerberg tham dự trước cuộc gặp này hơn 1 lần.
Trong một diễn biến khác, theo tờ New York Times, Bộ tư Pháp Mỹ và FBI đang điều tra Cambridge Analytica về việc công ty này sử dụng các thông tin người dùng Facebook.
QM (Tổng hợp theo Reuters/nytimes)
Phạt nặng với nhà thuốc không ứng dụng CNTT
Submitted by nlphuong on Wed, 16/05/2018 - 21:50Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các cơ sở bán lẻ thuốc được thực hiện theo lộ trình, đối với nhà thuốc từ 1-1-2019...
Ngoài xử phạt bằng tiền, nếu các cơ sở bán thuốc không chấp hành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện kết nối mạng có thể sẽ bị tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược.
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các cơ sở bán lẻ thuốc được thực hiện theo lộ trình, đối với nhà thuốc từ 1-1-2019, đối với quầy thuốc từ 1-1-2020, đối với tủ thuốc trạm y tế xã từ 1-1-2021. Đây là quy định bắt buộc để cơ quan quản lý kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra và chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn.
Quản lý chặt nguồn gốc thuốc
Hiện nay, trên toàn quốc có 41.394 cơ sở bán lẻ, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân; 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám, chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7.300 đại lý.
Theo Cục Quản lý Dược, việc quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện sẽ giúp thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Theo đó, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng sẽ bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.
Ngày 22-1-2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2018/TT- BYT quy định về Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc và Thông tư 03/2018/TT-BYT (ngày 9-2-2018) quy định về thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc (các Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26-3-2018), trong đó đưa ra quy định về việc tất các các cơ sở bán buôn thuốc phải có máy tính kết nối internet và thực hiện quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm vi tính.
Các cơ sở phân phối thuốc phải có cơ chế chuyển thông tin về việc phân phối thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà sản xuất với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý khi được yêu cầu. Đây cũng sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thuốc.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường, các cơ sở bán lẻ cũng bắt buộc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT với lộ trình từng năm một. Đối với nhà thuốc, đến 1-1-2019 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Các nhà thuốc phải có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.
Lộ trình này đối với quầy thuốc là từ ngày 1-1-2020 và đối với tủ thuốc trạm y tế xã là 1-1-2021.
“Việc triển khai thí điểm ứng công nghệ thông tin đối với nhà thuốc nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn”, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết.
Xử lý nghiêm cơ sở bán thuốc không chấp hành quy định
Cục Quản lý Dược cho biết, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra thẩm định định kỳ việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc ba năm một lần với các nhà thuốc. Ngoài ra, các nhà thuốc còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường… Vì vậy các nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý.
Hiện nay, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đang được sửa đổi. Bộ Y tế sẽ rà soát bổ sung những hành vi vi phạm về việc không chấp hành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện kết nối mạng với mức phạt đủ sức răn đe. Theo đó, ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, sẽ có hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược.
Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm ứng công nghệ thông tin đối với nhà thuốc tại bốn tỉnh Phú Thọ, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Nam Định, tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 4-1-2018.
Tuy nhiên, cũng theo Cục Quản lý Dược, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các nhà thuốc đang gặp khó khăn như nhiều nhà thuốc chưa có máy tính kết nối mạng, nhân sự chưa được đào tạo, tập huấn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ phát sinh thêm chi phí nên các đơn vị còn thiếu thiện chí. Một khó khăn nữa là việc triển khai kết nối trong lĩnh vực dược cần có sự đồng bộ với các lĩnh vực khác như thuế khoán, thanh kiểm tra.
Để có thể triển khai thành công việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với các nhà thuốc, rất cần có sự hỗ trợ, hợp tác, phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên liên quan, sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
“Do bước đầu triển khai dự án, nên các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để cho các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc yên tâm, tạo tâm lý hợp tác và phối hợp thực hiện. Việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin này sẽ có lộ trình và tiến dần đến việc công khai, minh bạch toàn bộ quá trình kinh doanh của đơn vị. Do vậy, các cơ quan, ban, ngành liên quan của các tỉnh, thành phố cần tạo điều kiện để các đơn vị triển khai, không bị xáo trộn trong hoạt động kinh doanh của các cơ sở”, Cục Quản lý Dược đề xuất.
Nguồn: Thiên Lam/nhandan.com.vn
Quy định về tiền ảo có hiệu lực ở Thái Lan
Submitted by nlphuong on Tue, 15/05/2018 - 20:55(ICTPress) - Quy định có 100 mục này định nghĩa tiền ảo là “các tài sản số và token số”, và chịu sự giám sát, quản lý của Ủy ban Chứng khoán...
(ICTPress) - Một khung pháp lý cho tiền ảo đã có hiệu lực theo một nghị định ở Thái Lan, theo Bangkok Post đưa tin.
Quy định có 100 mục này định nghĩa tiền ảo là “các tài sản số và token số”, và chịu sự giám sát, quản lý của Ủy ban Chứng khoán Thái Lan (SEC).
Bangkok Post trích lời Bộ trưởng Bộ Tài chính thái Lan Apisak Tantivorawong cho biết các biện pháp mới không phải để cấm tiền ảo hay ICO (hình thức huy động vốn từ các nhà đầu tư của các startup mới thành lập). Vị trí của Bộ là điều phối SEC, như đã ủng hộ ICO phát triển rộng rãi, đồng thời phải được quản lý.
Với việc Nghị định này có hiệu lực, những người bán các tải sản số hay các mã token phải đăng ký với SEC trong vòng 90 ngày. Người bán token số không được phép của SEC sẽ bị phạt không vượt gấp 2 lần giá trị giao dịch số hoặc ít nhất 500.000 baht. Ngoài ra, những người bán vi phạm cũng có thể phải đối mặt với án phạt tù lên tới 2 năm.
Bộ Tài chính và SEC sẽ mở rộng khung pháp lý và yêu cầu tất cả các sàn tiền ảo trong nước cũng như các nhà môi giới, người bán phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền được quy định trong Nghị định.
Bộ trưởng Tantivorawong nhấn mạnh rằng các biện pháp tập trung vào bảo vệ các nhà đầu tư, cũng như ngăn chặn việc sử dụng tiền ảo vào các hoạt động tội phạm, rửa tiền và trốn thuế.
Nghị định này đã trải qua nhiều lần sửa đổi kể từ khi lần đầu được giới thiệu bản nháp vào hồi tháng 3. Trước khi có quy định, để tránh những bất ổn, ngân hàng Trung ương Thái cấm các ngân hàng trong nước kinh doanh và đầu tư tiền ảo hồi tháng 2. Cũng trong tháng 2, sự bất ổn về quy định đó buộc Sàn giao dịch tài sản số Thái Lan (TDAX) dừng giao dịch ICO và đăng ký tạm thời. Các trao đổi tiền ảo đã được cho phép hoạt động tự do. Cuối tháng 3, Bộ Tài chính công bố khung thuế được thông qua sau nhiều thời gian trông đợi cho tiền ảo.
QM