Thời sự ICT
Sánh vai với cường quốc năm châu phải dựa vào nghiên cứu khoa học công nghệ
Submitted by nlphuong on Fri, 07/09/2018 - 20:40Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Đất nước ta muốn sánh vai cường quốc năm châu thì phải dựa vào công nghệ, vào nghiên cứu công nghệ. Chúng ta có lợi thế to lớn là sinh viên những người tuổi trẻ đầy khát khao lao động và cống hiến. Hãy coi tài sản lớn nhất của nhà trường là sinh viên”.
Ngày 07/9/2018, tại Hà Nội, Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) đã tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2018 - 2019. Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã đến dự và phát biểu tại Lễ khai giảng. Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, Chủ tịch Công đoàn ngành TTTT Chu Văn Bình, đại diện các doanh nghiệp Viettel, VNPT, Samsung Electronics, Ngân hàng Agribank… cùng các giáo viên, sinh viên của Học viện tham dự Lễ khai giảng.
Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu |
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Học viện công nghệ BCVT là ngôi trường duy nhất tại Việt Nam đào tạo chính quy, tập trung về lĩnh vực công nghệ ICT, BCVT. Đây là những ngành công nghiệp được kỳ vọng là cánh cửa để tạo ra sự phát triển đột phá cho đất nước trước cách mạng 4.0. Mỗi cuộc cách mạng sẽ tạo cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá lên so với mặt bằng thế giới trước đó. Việt Nam hoàn toàn có trong tay cơ hội này bởi cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng của việc sử dụng để công nghệ giải quyết các vấn đề của mình. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, chúng ta có nhiều bài toán cần tìm lời giải. “Sinh viên của Học viện đang thực sự có một cơ hội trực tiếp góp sức đưa đất nước bứt phá. Đất nước chúng ta có thể vươn lên hay tụt lại phía sau điều này phụ thuộc rất lớn ở các em”.
Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đánh trống khai giảng năm học mới |
Theo Quyền Bộ trưởng, những sinh viên sẽ là chủ nhân, người trong tương lai không xa - thậm chí có thể là ngay hôm nay, sẽ trực tiếp tham gia, dẫn dắt một ngành được lịch sử giao nhiệm vụ góp phần quyết định tương lai của đất nước:
Trước tiên là việc học, “Để trở thành một sinh viên xuất sắc không có nghĩa là phải luôn có điểm cao trong mọi môn học, mọi đồ án. Hơn thế, các em phải luôn kiên quyết và bền chí, phải làm việc chăm chỉ và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, chấp nhận môn học. Hãy luôn tò mò, luôn mạnh dạn khám phá những niềm say mê mới, xây dựng những kỹ năng mới, tự trang bị kiến thức và kỹ năng nhằm đạt được nghề nghiệp mà các em muốn. Các em càng làm nhiều thì các em càng sớm nhận ra điều gì làm cho bản thân trở nên hoạt bát, điều gì có khả năng khuấy động đánh thức bản thân, điều gì khiến các em hứng thú. Các em chỉ có thể biết mình thực sự hứng thú với điều gì, giỏi nhất ở lĩnh vực nào, sau khi các em thực sự bắt tay vào làm việc đó”.
“Hãy bắt đầu hành trình bằng sự thay đổi tâm thế và cách thức thực hiện hành trình ấy. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các em trách nhiệm với việc học tức là các em có trách nhiệm với chính bản thân mình, có trách nhiệm với tương lai của mình”.
Thứ hai, sinh viên cần phải đặt mình vào tâm thế tham gia giải quyết những vấn đề của đất nước ngay tại đây, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ngay tại năm học này.
Thứ ba là việc đối mặt với thất bại. “Người mạnh mẽ nhất không phải là người luôn thành công mà là người thành công khi đã từng thất bại” và cũng đừng ngại hỏi. “Người đặt ra câu hỏi không phải là một người yếu kém, trái lại, đó là một người cực kỳ tự tin và đang muốn mọi người giúp mình đạt được mục tiêu. Một câu hỏi đúng đã giúp các em giải được 70% vấn đề. Càng hỏi nhiều các em càng phát hiện nhiều vấn đề”.
“Tương lai của các em nằm trong tay các em. Cuộc sống của các em là cái mà các em tạo ra. Và chẳng có gì - hoàn toàn chẳng có gì - vượt ra ngoài tầm vươn tới của các em. Miễn là các em sẵn sàng dám mơ ước những điều lớn lao. Miễn là các em sẵn sàng làm việc chăm chỉ”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao các phần quà tuyên dương các em học sinh đạt kết quả cao của năm học 2017 - 2018 và các tân sinh viên trúng tuyển cao đầu vào năm học 2018 - 2019 |
Trao đổi với các giảng viên của Học viện, những người đồng hành của các sinh viên, Quyền Bộ trưởng yêu cầu các giảng viên cố gắng trang bị cho các sinh viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết, thái độ cần thiết để đào tạo sinh viên cho nền kinh tế thế kỷ 21, một nền kinh tế số. Không chỉ chuyên môn mà còn là khả năng vượt qua mọi nghịch cảnh, khả năng luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn, khả năng thích ứng nhanh với mọi thay đổi của cuộc sống. "Là một trường về công nghệ, hãy dạy cho các em biết cách giải quyết các vấn đề của mình bằng công nghệ".
“Các thầy cô cũng phải huấn luyện nhiều hơn, giao việc thực hành nhiều hơn cho sinh viên. Tạo môi trường trao đổi, tranh luận nhiều hơn cho sinh viên. Huấn luyện tức là để cho sinh viên tự học, tự làm nhiều hơn, nhưng có mục tiêu, có đích đến cần đạt được. Nếu chúng ta huấn luyện nhiều hơn thì sinh viên sẽ giỏi lên nhiều hơn. Để huấn luyện nhiều hơn thì các thầy cô cũng phải thực hành nhiều hơn”.
Theo Quyền Bộ trưởng, đối với Học viện, đầu ra của nhà trường chủ yếu là doanh nghiệp (DN). Vậy nhà trường phải gắn kết nhiều hơn với DN, phải hiểu DN nhiều hơn. Hãy tìm đến DN xem họ đánh giá sinh viên tốt nghiệp của mình thế này. Hãy hỏi họ xem tuyển kỹ năng gì, kiến thức gì.
Một trường đại học theo hướng nghiên cứu thì nguồn thu từ nghiên cứu cũng phải 30 – 40%. Đó là các nghiên cứu cho chính phủ, cho DN. “Đất nước ta muốn sánh vai cường quốc năm châu thì phải dựa vào công nghệ, vào nghiên cứu công nghệ. Chúng ta có lợi thế to lớn là sinh viên những người tuổi trẻ đầy khát khao lao động và cống hiến. Hãy coi tài sản lớn nhất của nhà trường là sinh viên”.
Quyền Bộ trưởng khẳng định cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ là cơ hội cho tất cả những ai đi đầu phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0. Không như các lần trước đây, công nghệ 4.0 sẽ làm thay đổi cách chúng ta làm việc, kinh doanh, dạy học. Thách thức lớn nhất là sự thay đổi, là sự sớm chấp nhận các mô hình mới về kinh doanh, quản trị và dạy học. Một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng công nghệ. Nhà trường không chỉ đưa công nghệ 4.0 vào giáo trình giảng dạy mà quan trọng hơn là thay đổi cách dạy học - dạy học thời 4.0.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với các giảng viên, sinh viên của Học viện |
Năm học 2018 - 2019: năm học khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới
Năm học 2018-2019 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm Học viện kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Bưu điện, đơn vị tiền thân của Học viện ngày nay, cũng là năm khởi đầu cho một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển của Học viện, mở ra một giai đoạn phát triển nhanh, mạnh và bền vững của Học viện. Uy tín của Học viện không chỉ là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, giảng viên mà còn là niềm tin vững chắc cho các em sinh viên, các bậc phụ huỵnh và xã hội về một ngôi trường đào tạo chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, Giám đốc Học viện Vũ Văn San chia sẻ.
Giám đốc Học viện Vũ Văn San phát biểu tổng kết năm học 2017 - 2018 |
Tổng kết năm học 2017 – 2018, Học viện đã xây dựng đề án mở ngành đào tạo Cử nhân Thương mại Điện tử và được Bộ GD&ĐT cấp phép, tuyển sinh ngay trong mùa tuyển sinh năm 2018; Thực hiện việc liên kết đào tạo đại học, thạc sĩ với các trường đại học CSI, Arizona (Mỹ), Aizu (Nhật Bản), Jeonju (Hàn Quốc). Về quy mô đào tạo năm học 2017-2018 của toàn Học viện là gần 15.000 sinh viên, học viên trong đó tập trung chủ yếu vào khối đào tạo dài hạn hệ Đại học chính quy, số lượng các sinh viên hệ phi chính quy nhìn chung giảm trong các năm gần đây. Tỷ lệ học viên, sinh viên đạt kết quả loại Khá - Giỏi trở lên chiếm 45%; Trung bình là 40%; Yếu và Kém là 15%. Kết quả học tập, rèn luyện của học viên, sinh viên là khá tốt, phản ánh đúng kết quả đào tạo của Học viện và trình độ năng lực của học viên, sinh viên.
Năm học 2017 - 2018, Học viện cũng đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT. Học viện cũng đã triển khai tổ chức nhiều khóa tập huấn, hội thảo về phát triển kỹ năng cho sinh viên và các hội thảo về tư vấn giới thiệu việc làm với hàng ngàn lượt sinh viên được tham dự. Năm 2017, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp đạt 68%, đúng ngành nghề đào tạo hoặc có sử dụng kiến thức chuyên môn được đào tạo trong nghề nghiệp đạt 84% trong tổng số 98% sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) các cấp của Học viện được triển khai đồng bộ, đúng quy định và có hiệu quả. Số đề tài NCKH sinh viên thực hiện là 144 đề tài được phê duyệt với trên 500 sinh viên đã trực tiếp tham gia công tác NCKH. Cụ thể năm 2017, Học viện có 4 đề tài đạt giải thưởng sinh viên NCKH của Bộ GD&ĐT, gồm 01 giải Nhất, 01 giải Ba và 02 giải Khuyến khích.
Về hoạt động hợp tác quốc tế, Học viện tiếp tục duy trì, triển khai các hoạt động hợp tác với hàng chục đối tác, trường đại học quốc tế khác mà Học viện đã ký MoU và có các thỏa thuận hợp tác trước đó, điển hình như: Viện NICT (Nhật Bản), Viện KAIST (Hàn Quốc), Viện Công nghệ Shibaura (Nhật Bản), Tổ chức REI (Mỹ), Tổ chức Almalaurea (Ý), Công ty Samsung (Hàn Quốc); Viện nghiên cứu Điện tử Viễn thông ETRI (Hàn Quốc), Công ty Motorola (Mỹ); Đại học Jeonju (Hàn Quốc); Đại học Busan (Hàn Quốc); Đại học Công nghệ Sydney (Úc), Đại học Aizu (Nhật Bản); Đại học Lille 1 (Pháp)..v.v.
Năm học 2018 - 2019, số lượng sinh viên Học viện tuyển được vẫn đảm bảo theo chỉ tiêu và với mức điểm trúng tuyển cao từ 19,05 - 22,00 điểm đối với Cơ sở Hà Nội và từ 16,50 - 20,25 điểm đối với Cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh, nằm trong top 3 các trường Đại học về ICT. Số lượng học sinh nhập học là 3.499/3050 đạt 101,4% so với chỉ tiêu.
Trao đổi với các tân sinh viên, Giám đốc Vũ Văn San khẳng định, những nỗ lực của các tân sinh viên trong những năm tháng dưới mái trường Học viện Công nghệ BCVT sẽ là kết quả trưởng thành trong tương lai của chính các em và hy vọng các tân sinh viên tự ý thức được và khai thác có hiệu quả thời gian và khả năng tiếp thu, lĩnh hội tri thức để đầu tư cho chính tương lai của mình.
Giám đốc Học viện Vũ Văn San đã trao tặng Giấy khen và quà tặng cho các sinh viên có thành tích trong năm học 2017 – 2018, các tân sinh viên trúng tuyển cao đầu vào năm học 2018 – 2019 và học bổng cho học sinh nghèo vượt khó |
Thay mặt cho các sinh viên của Học viện, tân sinh viên Phùng Thị Nguyệt, khoa CNTT đã xúc động hứa với các thầy cô sẽ đem hết trí lực, tâm lực để học tập, nghiên cứu, chứng minh, khẳng định với xã hội rằng sản phẩm nhân lực mà Học viện công nghệ BCVT đào tạo và cung cấp cho xã hội là sản phẩm có chất lượng tốt, tốt về nhân cách đạo đức, tốt về tư duy khoa học, tốt về kỹ năng nghề nghiệp. Đó là một cách tri ân với nhà trường và thầy cô.
Lan Phương/ictvietnam.vn
Thử nghiệm tấn công vào mạng DN qua các lỗ hổng ứng dụng web đạt tỷ lệ thành công 73%
Submitted by nlphuong on Wed, 05/09/2018 - 07:26Theo các phân tích và kết quả trong báo cáo “Đánh giá An ninh của hệ thống thông tin doanh nghiệp năm 2017” của Kaspersky Lab, tỷ lệ thử nghiệm tấn công bằng cách lợi dụng các điểm yếu lỗ hổng trên ứng dụng web thành công vào mạng lưới doanh nghiệp (DN) đạt gần 3/4 (73%).
Mỗi cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) đều mang một nét đặc trưng riêng, điều này khiến những cuộc tấn công nguy hiểm nhất khi nhắm vào các tổ chức này cũng rất riêng biệt. Hàng năm, bộ phận Dịch vụ bảo mật của Kaspersky Lab đều thực hiện một cuộc mô phỏng thực tế về các kịch bản tấn công có thể xảy ra để giúp các doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới xác định được các lỗ hổng trong mạng lưới của họ cũng như tránh được các thiệt hại về mặt tài chính, vận hành và uy tín.
Mục đích của báo cáo hàng năm về thử nghiệm thâm nhập là giúp các chuyên gia bảo mật CNTT nhận thức về các lỗ hổng liên quan, các tấn công chống lại hệ thống thông tin doanh nghiệp hiện đại, để từ đó tăng cường khả năng bảo vệ của tổ chức.
Kết quả của cuộc nghiên cứu năm 2017 cho thấy trong số các DN được phân tích, chỉ có khoảng 43% tổ chức có biện pháp bảo vệ chống lại các tấn công bên ngoài, tỷ lệ này được đánh giá là rất thấp. 73% là tỷ lệ thành công của các cuộc tấn công từ bên ngoài vào mạng lưới DN trong năm 2017 thông qua các lỗ hổng ứng dụng web. Một vector phổ biến khác dùng để thâm nhập là tấn công vào các giao diện quản lý có sẵn một cách công khai, có tính xác thực yếu hoặc mặc định.
Đánh giá an ninh mạng của Kapersky Lab năm 2017 qua những con số |
Trong dự án thử nghiệm thâm nhập từ bên ngoài, các chuyên gia Kaspersky Lab đã đạt được những đặc quyền cao nhất trong toàn bộ cơ sở hạ tầng CNTT đối với 29% các DN, bao gồm quyền truy cập cấp quản trị cho các hệ thống kinh doanh, máy chủ, thiết bị mạng và máy tính nhân viên, với tư cách là một 'kẻ tấn công' không hề có kiến thức về nội bộ tổ chức mục tiêu và ẩn náu trên Internet.
Tình hình bảo mật thông tin trong mạng nội bộ của các công ty thậm chí còn có những biểu hiện tệ hơn. Tỷ lệ bảo mật chống lại các tấn công nội bộ được xem là thấp hoặc cực kỳ thấp khi 93% các DN được khảo sát hoàn toàn không quan tâm điều này. Các đặc quyền cao nhất trong mạng nội bộ bị chiếm đoạt ở 86% các công ty được phân tích; và 42% trong số đó chỉ cần hai bước tấn công là có thể đạt được. Trung bình, với hai đến ba vector tấn công, các đặc quyền cao nhất có thể bị chiếm đoạt trong mỗi dự án. Một khi những kẻ tấn công có được đặc quyền trong hệ thống, chúng có thể toàn quyền kiểm soát toàn bộ mạng lưới bao gồm các hệ thống kinh doanh quan trọng.
MS17-010 – lỗ hổng đã bị khai thác rộng rãi trong các cuộc tấn công nhắm vào cá nhân và bởi ransomware WannaCry và NotPetya/ExPetr – được phát hiện ở 75% các công ty đã qua thử nghiệm xâm nhập nội bộ sau khi thông tin về lỗ hổng trên được công khai. Các tổ chức này đã không cập nhật hệ thống Windows của họ cả 7-8 tháng sau khi bản vá được phát hành. Nhìn chung, phần mềm lỗi thời đã được tìm thấy ở mạng lưới hoạt động của 86% các công ty được phân tích và trong mạng nội bộ của 80% các công ty này, điều này cho thấy việc thực hiện yếu kém các quy trình bảo mật CNTT cơ bản ở nhiều doanh nghiệp có thể khiến họ trở thành mục tiêu tấn công dễ dàng của bọn tội phạm.
Theo kết quả của các dự án đánh giá bảo mật, các ứng dụng web của những cơ quan chính phủ được xem là kém an toàn nhất, với nguy cơ có lỗ hổng cao, được tìm thấy trong mỗi ứng dụng (100%). Ngược lại, các ứng dụng thương mại điện tử được bảo vệ tốt hơn nhờ sự can thiệp khả thi từ bên ngoài, chỉ hơn một phần tư lỗ hổng chứa nguy cơ cao, khiến chúng trở thành những phần mềm an toàn nhất.
Ông Sergey Okhotin, Chuyên viên Phân tích An ninh Cấp cao về Phân tích Dịch vụ Bảo mật, Kaspersky Lab cho biết “Thực hiện các phân tích định lượng về biện pháp bảo mật đơn giản như lọc mạng và mật khẩu sẽ làm tăng đáng kể độ bảo mật mạng. Ví dụ, một nửa số vectơ tấn công đã có thể được ngăn chặn bằng cách hạn chế quyền truy cập vào các giao diện quản lý.”
Để cải thiện an ninh mạng, các công ty nên đặc biệt chú ý đến bảo mật ứng dụng web, cập nhật kịp thời các phần mềm dễ bị tấn công, mật khẩu bảo vệ và các quy tắc tường lửa; Thực hiện đánh giá bảo mật thường xuyên cho cơ sở hạ tầng CNTT (bao gồm cả các ứng dụng); Đảm bảo sự cố bảo mật thông tin được phát hiện càng sớm càng tốt; Phát hiện kịp thời các hoạt động và hành vi đe dọa ở giai đoạn đầu của cuộc tấn công và phản ứng nhanh chóng có thể giúp ngăn chặn hoặc giảm thiểu đáng kể thiệt hại gây ra.
Các tổ chức cần có các quy trình được thiết lập tốt để đánh giá bảo mật, quản lý lỗ hỏng và phát hiện các sự cố bảo mật thông tin, có thể xem xét việc kiểm định Red Teaming (cách xác định bất kỳ lỗ hổng nào có trong hệ thống phòng thủ, và giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng phòng thủ hiện tại). Các đánh giá này giúp kiểm tra xem cơ sở hạ tầng được bảo vệ tốt như thế nào đối với những kẻ tấn công có kỹ năng hoạt động tiềm tàng tối đa, cũng như giúp đào tạo dịch vụ bảo mật thông tin để xác định các tấn công và phản ứng với chúng trong điều kiện thực tế.
QA
Trung Quốc thanh kiểm tra toàn quốc các nền tảng gọi xe
Submitted by nlphuong on Sat, 01/09/2018 - 10:20(ICTPress) - Trung Quốc sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện trên tất cả các công ty dịch vụ gọi xe, Bộ Giao thông nước này vừa ra thông báo, sau khi một lái xe từ công ty gọi xe chủ đạo Didi Chuxing giết một hành khách 20 tuổi trong tháng này.
Việc kiểm tra, bắt đầu từ ngày 5/9, sẽ bao gồm kiểm tra tất cả các nền tảng dịch vụ gọi xe trên toàn quốc, Bộ Giao thông nước này cho biết trong một tuyên bố.
Didi cho biết họ hoan nghênh động thái này và sẽ hợp tác hoàn toàn để thực hiện các biện pháp cải thiện.
"Chúng tôi chấp nhận sự giám sát và sẽ cố gắng hết sức để cải thiện các dịch vụ của mình để đảm bảo sự an toàn của công chúng", Didi nói trong một tuyên bố được đăng trên tài khoản chính thức trên trang web Weibo giống như Twitter của Trung Quốc.
Vụ giết hại hành khách của lái xe Didi đã xảy ra tại thành phố phía đông Ôn Châu, và là vụ việc thứ hai liên quan đến Didi kể từ hồi tháng 5.
Vụ việc mới này đã làm dấy lên sự phẫn nộ và quan ngại về an toàn trong lĩnh vực gọi xe đang phát triển nhanh ở Trung Quốc, khiến công ty phải nói rằng họ sẽ tạm ngưng dịch vụ Hitch vô thời hạn cho đến khi có cơ chế an toàn được người dùng chấp nhận.
QM (Theo Reuters)
Việt Nam - Nhật Bản tập trung hợp tác về CPĐT, thành phố thông minh, ATTT
Submitted by nlphuong on Wed, 29/08/2018 - 20:14Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng đã phát biểu nhấn mạnh các doanh nghiệp (DN) ICT Việt Nam và Nhật Bản cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt tập trung cho các nội dung về Chính phủ điện tử (CPĐT), thành phố thông minh và bảo đảm an toàn thông tin (ATTT).
Ngày 29/8/2018, tại Hà Nội, Ngày CNTT Nhật Bản 2018 - Japan ICT Day lần thứ 12 đã chính thức được VINASA và CLB VJC tổ chức tại Tp. Hà Nội với chủ đề: “Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Đây là một chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được tổ chức hàng năm. Tham dự Chương trình có ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TTTT, ông Yuichiro Uchida, Bí thư Thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng trên 350 đại biểu trong nước và quốc tế trong đó có 8 đoàn đại biểu Nhật Bản với trên 80 đại biểu đến từ Nhật Bản và Quốc tế tham dự các hoạt động của chương trình trong 05 ngày từ 27 – 31/8/2018 tại Tp. Hà Nội và Đà Nẵng.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng phát biểu |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa khi năm 2018 là năm đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong lĩnh vực TTTT, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản liên tục được thúc đẩy, cả về cấp độ cơ quan quản lý, cũng như cấp độ doanh nghiệp (DN) với vai trò cầu nối tích cực của các Hội/Hiệp hội CNTT hai quốc gia. Bộ TTTT Việt Nam và Bộ Nội vụ Truyền thông Nhật Bản đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác toàn diện, trong đó có thể kể tới các thỏa thuận hợp tác về quản lý tần số vô tuyến điện, ATTT, bưu chính, và đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT. Đồng thời, hai bên cũng đang đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Năm 2017, nhóm công tác chung về CNTT đã được hai Bộ trưởng thành lập nhằm khai thác các nội dung đã được thống nhất trên tinh thần hợp tác, phát triển đôi bên cùng có lợi.
Trong lĩnh vực phần mềm, hiện nay, Nhật Bản vẫn là thị trường lớn của các DN Việt Nam. Hầu hết các DN phần mềm Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh khi tham gia vào các hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản. Việt Nam đã đứng trong nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm; doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng trung bình 15%/năm; trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn.
Nhật Bản là một quốc gia đi đầu, với nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, ứng dụng CNTT trên mọi lĩnh vực. Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết: “Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ đã được thống nhất giữa hai Bộ; hiện thực hóa các hoạt động của nhóm công tác chung, tập trung vào các nội dung xây dựng CPĐT, thành phố thông minh, bảo đảm ATTT….; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư CNTT-TT mở ra nhiều hơn nữa cơ hội hợp tác cho các DN Việt Nam và Nhật Bản”.
Thứ trưởng cho biết Ủy ban Quốc gia về CPĐT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch vừa được ký quyết định thành lập, theo đó, các DN CNTT của hai nước cần tham gia đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, Bộ TTTT trong việc xây dựng CPĐT Việt Nam. Bộ TTTT cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi số dự kiến sẽ trình duyệt và thực hiện trong thời gian tới đảm bảo Việt Nam bắt kịp cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên thế giới.
Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch VINASA |
hay mặt cho VINASA,ông Nguyễn Đoàn Hùng,, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) cho biết: “Cuộc CMCN lần thứ 4 với những xu hướng công nghệ mới như IoT, AI, Big Data, chuyển đổi số, sự thay đổi trong mô hình kinh doanh hợp tác và nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác lớn, có thể nói là tương lai của hợp tác CNTT giữa DN Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới. Theo khảo sát của VINASA và VJC, số lượng các dự án hợp tác sử dụng công nghệ mới đang tăng lên nhanh chóng. Nhiều DN nhỏ đang đầu tư xây dựng năng lực các mảng công nghệ mới này và đã có nhiều dự án hợp tác thành công”.
Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Yuichiro Uchida phát biểu |
Nhấn mạnh về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực CNTT giữa hai nước, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Yuichiro Uchida cho biết CMCN 4.0 mang lại những thay đổi to lớn và bảy tỏ tin tưởng kinh nghiệm và công nghệ của Nhật Bản sẽ hỗ trợ tích cực Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0. Nhật Bản cũng đang thiếu hụt kỹ sư CNTT và mong muốn hợp tác Việt Nam.
Trong khi đó, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - Jetro tại Hà Nội cho biết gần đây không chỉ các DN Nhật Bản sang đầu tư tại Việt Nam mà cũng có nhiều DN Việt Nam sang Nhật Bản đầu tư. CMC, FPT đã thành lập tư cách pháp nhân tại Nhật Bản. FPT đã có công ty con thứ 6 được thành lập tại Nhật Bản.
Đại diện cho Ủy ban Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JISA), ông Seicchi Ito cho biết các DN Việt Nam có thể quan tâm các lĩnh vực như phát triển offshore - thị trường vẫn còn rất nhiều và kỹ sư Việt Nam có thế mạnh về lĩnh vực này; Công nghệ quản lý, theo đó, các kỹ sư CNTT Việt Nam cần học thêm về cách quản trị. FPT Software và một số DN CNTT Việt Nam đã có một đội ngũ nhân lực nghiên cứu blockchain. Trong hai năm tới, ngành CNTT Nhật Bản cần nhân lực như vậy. Đội ngũ kỹ sư Việt Nam cũng có ý tưởng mới mẻ và độc đáo nếu hai bên hợp tác vẫn còn nhiều tiềm năng, cơ hội. DN CNTT hai nước cũng có thể liên doanh cùng phát triển và mở ra thị trường mới trên toàn cầu.
VINASA và Hiệp hội Hệ thống thông tin và Điện tử Kansai (KEIS), Nhật Bản ký kết hợp tác |
Trong khuôn khổ ngày CNTT Nhật Bản 2018, vấn đề Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong cuộc CMCN lần thứ 4 được đưa ra bàn thảo chi tiết tại 2 phiên tọa đàm: Cải thiện chất lượng hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản; và Thực tiễn hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong các dự án công nghệ mới. Những diễn giả trao đổi tại tọa đàm là lãnh đạo các công ty có uy tín hàng đầu Việt Nam và Nhật Bản: Luvina, Toshiba, Rikkeisoft, DTS Software Vietnam, Deha, NTT Data, FPT, JTS… Các diễn giả đều cho rằng tuy hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn nhưng hợp tác CNTT Việt - Nhật ngày càng khởi sắc.
Các đại biểu tham gia tọa đàm |
Bên cạnh hội nghị, hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, Japan ICT Day năm nay còn bao gồm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm trực tiếp hỗ trợ DN hai nước giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, và tìm kiếm cơ hội hợp tác như: Chương trình giao thương, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, giải pháp, hội thảo hợp tác tại Đà Nẵng, thăm các DN tại Đà Nẵng.
Nhân dịp Ngày CNTT Nhật Bản 2018 diễn ra cuộc thi Hackathon được tổ chức bởi Hiệp hội Phần Mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp cùng Câu Lạc Bộ Việt Nhật (VJC) và Hiệp hội Nội dung số tỉnh Okinawa của Nhật Bản (OADC) với chủ đề “Thành phố thông minh” kéo dài 17,5 tiếng đồng hồ trong 2 ngày 27- 28/8. Giải thưởng cho đội chiến thắng sẽ được trao vào chiều ngày 29/8/2018.
Lan Phương, Mạnh Vỹ/ictvietnam.vn
Sáp nhập 2 nhà mạng lớn của Mỹ gặp phản ứng
Submitted by nlphuong on Wed, 29/08/2018 - 07:12(ICTPress) - Các nhà cung cấp truyền hình cáp và vệ tinh của Mỹ Altice USA và Dish Network đã kêu gọi các cơ quan quản lý Hoa Kỳ không chấp thuận việc sáp nhập giữa T-Mobile US và Sprint ở dạng hiện tại, theo các hồ sơ được công bố hôm 28/3.
Thỏa thuận trị giá 26 tỷ USD giữa hai nhà mạng của Mỹ, sẽ thu nhỏ thị trường di động cho ba nhà mạng lớn thay vì bốn, sẽ phải đối mặt với đánh giá từ Bộ Tư pháp và Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC).
Trong đơn nộp FCC, Altice cho biết họ phản đối thương vụ sáp nhập này và kêu gọi cơ quan quản lý đưa ra các điều kiện trong thỏa thuận, bao gồm yêu cầu T-Mobile tôn trọng các hợp tác với Altice và các công ty khác dựa vào mạng lưới của mình, và thậm chí tước bỏ phổ tần di động mà các công ty có thể sử dụng.
Altice có kế hoạch bán lại dịch vụ di động của Sprint dưới thương hiệu riêng của mình vào năm tới, nhưng bị hạn chế bán các gói điện thoại của mình trên các thị trường hiện tại của nhà cung cấp cáp.
Trong khi thỏa thuận đó vẫn còn tồn tại, Altice cho biết họ lo ngại về việc T-Mobile sẵn sàng cho phép Altice mở rộng dịch vụ không dây trên toàn quốc và trong thời gian dài, vì hãng đã thực hiện “không cam kết hữu hình”.
Trong một hồ sơ riêng, Dish cho biết việc sáp nhập có thể sẽ làm tăng giá cho người tiêu dùng và T-Mobile và Sprint đã tuyến bố các nhà mạng cần kết hợp để xây dựng mạng 5G, mạng không di động kế tiếp dự kiến sẽ mang lại nhanh hơn tốc độ dữ liệu.
T-Mobile và Sprint trước đó đã trích dẫn các công ty cáp như Comcast Corp và Charter Communications, đang gia nhập ngành công nghiệp di động, như là bằng chứng về sự cạnh tranh ngày càng tăng.
Tổ chức công đoàn truyền thông của Mỹ, một công đoàn đại diện cho người lao động viễn thông, cũng cho biết trong một hồ sơ FCC riêng biệt hôm thứ Hai rằng việc sáp nhập sẽ dẫn đến hơn 28.000 mất việc làm
Để đối phó với các hồ sơ FCC, T-Mobile và Sprint cho biết trong một tuyên bố chung hôm thứ Ba rằng họ tin rằng việc sáp nhập sẽ tạo ra nhiều cạnh tranh hơn và tích cực cho người tiêu dùng.
“Những hồ sơ này là một phần của quy trình đánh giá mở bình thường của FCC và chúng tôi hoan nghênh cơ hội cho cuộc đối thoại quan trọng này. Chúng tôi mong muốn gửi phản hồi của chúng tôi trước ngày nộp đơn ngày 17/9”, hai công ty cho biết.
QM (Theo Reuters)
Bảo vệ tên miền trên Internet qua vụ việc tên miền bambooairway.com
Submitted by nlphuong on Mon, 27/08/2018 - 20:00Từ vụ việc tên miền bambooairway.vn tạo website và nội dung thông tin dễ gây nhầm lẫn với trang thông tin điện tử của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo airways), các doanh nghiệp (DN) Việt cần suy nghĩ trong việc đăng ký sử dụng tên miền “.vn” để bảo vệ thương hiệu trên Internet.
Tên miền mã quốc gia “.vn”: có ý nghĩa định danh, bảo vệ thương hiệu Việt trên Internet
Cùng với sự gia tăng theo cấp số nhân của các website thương mại điện tử, tên miền - điều kiện tiên quyết của một website, được ví là “chìa khóa cánh cửa” quan trọng đầu tiên để các doanh nghiệp bước vào nền kinh tế số và thị trường trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Logo tên miền “.vn”: Nâng tầm thương hiệu Việt |
Từ việc sử dụng tên miền “bambooairways.com” của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt và sự hiện diện của website sử dụng tên miền “bambooairway.vn” với việc sử dụng các từ khóa “Hàng không Tre Việt”, “Bamboo airways VietNam”, “Bamboo airline”, công cụ tìm kiếm trên Google đều cho kết quả hiển thị đầu tiên không phải trang thông tin điện tử “bambooairways.com” của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt mà là website của một chủ thể hoàn toàn khác dưới tên miền “bambooairway.vn”. Qua đây, có thể thấy rằng tên miền mã quốc gia có ý nghĩa lớn định danh nơi công ty cung cấp dịch vụ, là “thương hiệu số” trên Internet, là một loại tài sản vô hình của các cá nhân, tổ chức, DN.
Các DN nước ngoài rất chú trọng đăng ký sử dụng tên miền để bảo vệ thương hiệu. Bên cạnh việc sử dụng tên miền cấp cao dung chung, các công ty đa quốc gia rất quan tâm đến đăng ký sử dụng tên miền mã quốc gia nơi cung cấp dịch vụ, sản phẩm. Tại Việt Nam, các công ty đa quốc gia như Google, Facebook, Samsung,… đã tìm hiểu và đăng ký sử dụng tên miền “.vn” khi đến kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, không ít các DN trong và ngoài nước cũng đều gặp phải những rắc rối không mong muốn khi tên miền liên quan đến nhãn hiệu, sản phẩm của mình đã bị chủ thể khác đăng ký sử dụng trước đó,ví dụ như BMW.com.vn, IBM.com.vn. SAMSUNGMOBILE.com.vn…
Trong một sự việc liên quan có thể kể đến vụ tranh chấp tên miền ebay.com.vn năm 2017 giữa công ty eBay Inc là chủ sở hữu nhãn hiệu “eBay” nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ trên thế giới và với một công ty có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Theo thông tin trong đơn khiếu nại, eBay đã đăng ký trên 2.500 tên miền có chứa cụm từ “eBay”, trong đó 7 tên miền “.vn”, nhưng đáng tiếc trong số đó không có tên miền ebay.com.vn có ý nghĩa thương mại. Chính sơ suất này đã dẫn đến những khó khăn cho Công ty eBay khi triển khai hoạt động cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Mặc dù đang sử dụng tên miền ebay.vn để kết nối người dùng Việt Nam với thị trường trực tuyến toàn cầu. Và vụ việc này eBay phải theo đuổi vụ kiện để “đòi lại tên miền” trong thời gian dài.
Các DN Việt đã thực sự quan tâm đến bảo vệ thương hiệu Việt với tên miền “.vn”?
Theo nhận định của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ TTTT, đơn vị thực hiện quản lý tên miền tại Việt Nam, hầu như các cá nhân, DN chưa nhận thức hết tầm quan trọng của tên miền liên quan tới thương hiệu của mình trên cộng đồng mạng. Các DN thường cho rằng khi tên thương mại, thương hiệu, sản phẩm được bảo hộ về sở hữu trí tuệ thì đương nhiên được “bảo hộ” đối với tên miền trên Internet. Tuy nhiên các hiểu này là không chính xác. Việc đăng ký, sử dụng tên miền “.vn” theo “nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước được quyền sử dụng trước”. Do chưa nhận thức chưa đầy đủ như vậy dẫn tới các hệ lụy không đáng có, gây tốn kém về thời gian, công sức của các DN.
Có thể thấy được việc này qua một số vụ việc “bị mất tên miền” của các DN lớn tại Việt Nam như các tên miền bitis.vn, mhb.vn của Ngân hàng MHB Bank, habeco.vn của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, agribank.vn… và gần đây nhất là bambooairway.vn. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín, tên thương hiệu cũng như định hướng chính xác trong cung cấp dịch vụ của mình cho khách hàng.
DN bảo vệ thương hiệu Việt Nam với tên miền .vn bằng cách nào?
Để tránh xảy ra những tranh chấp quyền sử dụng tên miền hoặc tránh để những tên miền liên quan đến tên thương mại, sản phẩm, chỉ dẫn địa lý… của mình bị chủ thể khác đăng ký trước, gây ảnh hưởng đến hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu trên Internet, các cá nhân, tổ chức, DN cần chủ động đăng ký, sử dụng tên miền liên quan đến hoạt động kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu, sản phẩm, dịch vụ, chỉ dẫn địa lý…
Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng, việc sử dụng tên miền “.vn” để bảo vệ các thương hiệu Việt sẽ giúp các DN nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ cộng đồng và khách hàng để không bị thua thiệt ngay trên sân nhà như chính trường hợp Công ty TNHH Hàng không Tre Việt đang phải giải quyết.
Lan Phương/ictvietnam.vn
Kết nối, quản lý nhà thuốc: Càng sớm, càng lợi cho dân!
Submitted by nlphuong on Fri, 24/08/2018 - 19:49Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc góp phần bảo đảm chất lượng thuốc, tối ưu hoá việc kinh doanh của nhà thuốc, giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm dữ liệu, còn người dân khi mua thuốc biết được thuốc do ai sản xuất, hạn sử dụng, tác dụng ra sao, giá cả thế nào...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tham gia kết nối là nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội của các cơ sở cung ứng thuốc. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại điểm cầu thành phố Hưng Yên trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, với sự tham dự của hơn 16.000 đại biểu ở 775 điểm cầu.
Nhắc lại những bài báo “Nói và Làm” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết trên Báo Nhân dân đề cập đến những vấn đề thiết thực, cụ thể, nhưng “ích nước, lợi nhà”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc là một việc cụ thể trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
“Nghị quyết có rất nhiều việc cần làm, nhưng trong đó có 2 việc ‘cần làm ngay’. Thứ nhất là triển khai hệ thống y tế từ cơ sở trở lên để hướng tới sau một số năm chúng ta quản lý được sức khoẻ của từng người dân, lập hồ sơ sức khoẻ cá nhân gắn với hồ sơ bệnh án điện tử. Thứ hai là kết nối, quản lý toàn bộ hệ thống nhà thuốc”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm một nhà thuốc tư nhân ở thành phố Hưng Yên. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc đã thiết lập cơ sở dữ liệu về 22.000 loại thuốc nhằm khắc phục tình trạng “việc quản lý mua bán thuốc ở Việt Nam thuộc hàng lỏng lẻo’ nhất trên thế giới”.
“Ở đâu cũng có thể mua được thuốc kháng sinh vừa hại sức khoẻ cho người dân, vừa khiến Việt Nam là nước có tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao trên thế giới. Chưa kể, vì không có ai mặc cả khi mua thuốc nên rất khó quản lý giá thuốc, trừ một số loại thuốc đã được đấu thầu tập trung. Chỉ tính riêng những loại thuốc đấu thầu tập trung trong vài năm qua thì chúng ta đã giảm giá trung bình trên 10%/năm và hiện nay giá thuốc ở Việt Nam chỉ cao hơn 1 nước ở ASEAN và có thể giảm tiếp”, Phó Thủ tướng dẫn chứng để nhấn mạnh ý nghĩa của việc ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc góp phần bảo đảm chất lượng thuốc, tối ưu hoá việc kinh doanh của nhà thuốc, giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm dữ liệu, còn người dân khi mua thuốc biết được thuốc do ai sản xuất, hạn sử dụng, tác dụng ra sao, giá cả thế nào, thậm chí có thể so sánh giá, chỉ ra nhà thuốc gần nhất bán thuốc tốt nhất, giá cả hợp lý.
“Đây là nỗ lực, trách nhiệm rất lớn với xã hội của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thuốc. Chúng ta nói nhiều đến các thuận lợi, nhưng đừng quên khi đưa một biện pháp quản lý mới đòi hỏi sự thay đổi thói quen của rất nhiều nhà thuốc và cả người dân. Cũng như khi bắt đầu tin học hoá, sử dụng máy tính trong các cơ quan nhà nước. Chưa kể việc quản lý này gián tiếp, trực tiếp và dần dần tiến tới loại bỏ mọi hành vi kinh doanh không trong sạch, có tính gian lận”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Hưng Yên, Tập đoàn Viettel nhấn nút khai trương hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Theo Phó Thủ tướng, tham gia kết nối không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là trách nhiệm xã hội, vì sức khoẻ của người dân, các cơ sở cung ứng thuốc phải bước qua mọi lợi ích cục bộ. Vì vậy, Phó Thủ tướng đánh giá rất cao những nhà thuốc đã, đang và sẽ tích cực tham gia vào hệ thống.
“Chúng ta không loại trừ sẽ có một bộ phận không muốn, cố tình không tham gia. Bên cạnh việc hỗ trợ cũng cần xử lý nghiêm khắc theo quy định. Do đó rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của chính quyền các cấp. Không có lý do gì vì quản lý công khai minh bạch, theo đúng pháp luật, vì lợi ích của người dân mà các nhà thuốc lại không tham gia”, Phó Thủ tướng nêu rõ và đề nghị các cấp chính quyền địa phương quán triệt tinh thần này. Bên cạnh đó, ngành y tế cần hướng dẫn cụ thể, thuyết phục nhân viên y tế trong các cơ sở y tế tuân thủ việc kê đơn và những công việc liên quan khác.
“Đây là việc làm cụ thể đem lại lợi ích to lớn cho ngành y tế nên không có lý do gì không thực hiện. Chúng ta đặt mục tiêu đến hết năm 2018 triển khai kết nối tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc, năm 2019 là các quầy thuốc, nhưng tôi mong lộ trình này là muộn nhất, vì nếu thực hiện đồng loạt có thể làm rất nhanh như kinh nghiệm triển khai kết nối thanh toán bảo hiểm y tế đến tận các trạm y tế xã trên cả nước. Khó nhất là chỉ đạo đồng lòng, quyết liệt từ trên xuống. Lợi cho người dân ngày nào thì nên làm sớm ngày đấy, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, Phó Thủ tướng tin tưởng.
Sau khi nhấn nút triển khai hệ thống kết nối các nhà thuốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thị sát tại một số nhà thuốc tại thành phố Hưng Yên đang sử dụng phần mềm quản lý thuốc qua mạng.
Nguồn: Đình Nam/chinhphu.vn
Facebook, YouTube và Twitter sẽ bị phạt nặng ở châu Âu nếu không sớm gỡ nội dung khủng bố
Submitted by nlphuong on Wed, 22/08/2018 - 06:45(ICTPress) - Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch để quản lý các công ty công nghệ như Facebook, YouTube, và Twitter bằng cách áp đặt các mức phạt nếu các công ty này không loại bỏ các nội dung khủng bố khỏi các nền tảng mạng xã hội của mình một cách nhanh chóng và đầy đủ.
Ủy viên EU phụ trách an ninh Julian King cho tờ Financial Times biết trong quy định dự thảo sẽ được công bố vào tháng tới, EU sẽ thắt chặt các biện pháp đối với các công ty công nghệ.
Cho đến nay, EU đã thông qua một chính sách cho phép các công ty công nghệ tự điều tiết, nhưng Julian King cho biết EU "chưa nhìn thấy sự thay đổi lớn nào" từ các công ty công nghệ và sẽ thực hiện biện pháp mạnh hơn "để bảo vệ các công dân của EU hơn nữa".
Julian King cũng cho biết các chi tiết của quy định được đệ trình vẫn chưa được công bố nhưng các công ty công nghệ sẽ có 1 giờ để loại bỏ bất kỳ nội dung nào nào được cảnh sát hoặc cơ quan thực thi pháp luật liên quan khác đánh dấu là nội dung khủng bố. Nếu các công ty như Facebook, Google và Twitter không làm như vậy, họ sẽ bị phạt.
Đây sẽ là lần đầu tiên EU buộc các công ty công nghệ xử lý nội dung bất hợp pháp bằng các biện pháp trừng phạt mà EU đã phải đau đầu với các công ty công nghệ lớn.
EU đã muốn phạt nặng những đại công ty ở Thung lũng Silicon vì những vi phạm, chẳng hạn như khoản tiền phạt 5 tỷ USD cho Google vào tháng 7 vì lạm dụng sự thống trị của hệ điều hành Android của họ.
Julian King cũng tiết lộ dự thảo quy định lần này sẽ áp dụng cho tất cả các trang web, lớn hay nhỏ. "Sự khác biệt về quy mô và nguồn lực có nghĩa là các nền tảng có khả năng khác nhau để hành động chống lại nội dung khủng bố và các chính sách để thực hiện không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tất cả điều này dẫn đến nội dung như vậy tiếp tục lan tràn trên internet, tái xuất hiện sau khi xóa và lan rộng từ nền tảng này đến nền tảng khác".
Sau khi xuất bản, dự thảo quy định sẽ phải được chấp thuận bởi đa số 28 quốc gia thành viên của EU. Quy định mới có khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ như Thủ tướng Anh Theresa May trước đó cảnh báo các công ty công nghệ cần hợp tác hành động ứng phó với nội dung khủng bố. Đức đã đưa ra mức phạt lên đến 50 triệu euro (57 triệu USD) cho các công ty không loại bỏ được lời nói hận thù.
Một phát ngôn viên của Twitter nói với Business Insider rằng trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 7 đến hết ngày 31/12/2017, tổng số 274.460 tài khoản đã bị tạm ngưng vì vi phạm liên quan đến việc quảng bá chủ nghĩa khủng bố. Twitter cũng cho biết rằng 93% số người bị đình chỉ bao gồm các tài khoản được gắn cờ bởi các công cụ chống spam nội bộ và 74% tài khoản bị tạm ngưng trước tweet đầu tiên của họ.
QM
Google bị cáo buộc theo dõi người sử dụng điện thoại dù cài đặt sự riêng tư
Submitted by nlphuong on Tue, 21/08/2018 - 08:15(ICTPress) - Google đã bị cáo buộc trong một vụ kiện về việc theo dõi bất hợp pháp sự di chuyển động của hàng triệu người dùng điện thoại iPhone và Android ngay cả khi họ sử dụng một cài đặt bảo mật để ngăn chặn nó.
Theo một đơn khiếu kiện được gửi vào ngày thứ Sáu vừ qua, Google đảm bảo rằng mọi người sẽ không bị theo dõi nếu họ tắt tính năng "Lịch sử vị trí" trên điện thoại của họ thành "tắt" và thay vào đó vi phạm quyền riêng tư của họ bằng cách theo dõi và lưu trữ chuyển động của họ.
“Google đã tuyên bố rằng một người dùng “có thể tắt Lịch sử Vị trí (Location History) bất kỳ lúc nào. Khi tắt Lịch sử Vị trí, các địa điểm bạn đến không còn được lưu trữ nữa. 'Điều đơn giản này là không đúng sự thật ”, đơn khiếu nại được đệ trình tại tòa án liên bang San Francisco cho biết.
Bên nguyên đơn, Napoleon Patacsil ở San Diego, đang tìm kiếm trạng thái hành động đaị diện thay mặt cho người dùng Hoa Kỳ về điện thoại Android và iPhone của Apple, những người đã tắt tính năng theo dõi.
Napoleon Patacsil đang tìm kiếm những thiệt hại chưa được xác định cụ thể đối với những vi phạm cố ý của Google về các quy định riêng tư California và xâm nhập vào các vấn đề riêng tư của mọi người.
Patacsil tuyên bố rằng Google đã theo dõi bất hợp pháp người này trên điện thoại Android của mình và sau đó trên iPhone, nơi người nỳ đã tải xuống một số ứng dụng của Google.
Phần trợ giúp của trang web của Google hiện cho biết việc tắt Lịch sử Vị trí "không ảnh hưởng đến các dịch vụ vị trí khác" trong điện thoại và một số dữ liệu vị trí có thể được lưu thông qua các dịch vụ khác, chẳng hạn như Tìm kiếm và Bản đồ.
QM (Theo Reuters)
Thủ tướng dự lễ công bố Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam
Submitted by nlphuong on Sun, 19/08/2018 - 19:35Chiều 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - được kỳ vọng sẽ góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng bắt kịp, tiến cùng và vượt lên về khoa học, công nghệ và kinh tế.
Thủ tướng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Buổi lễ nằm trong khuôn khổ Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều cơ quan, đơn vị khác cùng một số địa phương, tổ chức.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cùng tham dự lễ công bố.
Trước buổi lễ, sáng 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài về nước tham dự Chương trình.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết lễ công bố hôm nay là một hoạt động quan trọng nhất của Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018.
Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó, xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo và huy động lực lượng nhân tài, trí thức trong lĩnh vực khoa học, công nghệ là nòng cốt.
Với sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo, đã có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho thế hệ tài năng, trí thức người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài hưởng ứng tham gia, cùng với hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong nước và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, cùng gặp gỡ, tạo mối liên kết, trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Các bộ, cơ quan của Chính phủ sẽ lắng nghe, tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các bạn trẻ tài năng về những giải pháp phát triển đất nước dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, để từ đó, tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược, thể chế, khuôn khổ pháp luật để hình thành một hệ sinh thái thông qua việc xây dựng, nhân rộng mô hình các Trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến và hiệu quả trong cả nước.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Bộ trưởng, các bạn trẻ tài năng trở về ngày hôm nay đều là những tài năng, trí tuệ, đều khát khao cống hiến, chung tay xây dựng đất nước, vì một Việt Nam thịnh vượng.
“Thông qua sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, các bạn sẽ kết nối nhiều hơn nữa những tài năng, trí tuệ Việt Nam trên toàn thế giới, kết hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tạo thành một sức mạnh mới, nguồn lực quan trọng, đưa đất nước ta không ngừng vươn lên, sánh vai cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới”, Bộ trưởng kỳ vọng.
Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao việc trở về của các bạn trẻ tiêu biểu cho các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ và trở thành cơ hội lớn, ngàn năm có một, đối với các nước đang phát triển như nước ta, để chuyển đổi nền kinh tế, đột phá phát triển, thu hẹp khoảng cách, tránh tụt hậu.
“Sự nhiệt huyết và quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đã truyền lửa và cảm hứng tới tất cả chúng ta đối với những tiến trình đổi mới và phát triển đất nước. Các bộ, cơ quan của Chính phủ cam kết sẽ nỗ lực tối đa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn về môi trường sống và làm việc tại quê hương, để các bạn thỏa sức sáng tạo, thỏa sức cống hiến”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan khác khẳng định quyết tâm, cam kết cùng với những hành động thiết thực để thúc đẩy Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày càng phát triển, phát huy hiệu quả để góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng bắt kịp, tiến cùng và vượt lên về khoa học, công nghệ và kinh tế.
“Buổi lễ hôm nay sẽ là dấu mốc quan trọng trong việc quy tụ các nhân tài phục vụ đất nước. Ngày hôm nay là một vài trăm tài năng, trí tuệ tiên phong, nhưng trong tương lai sẽ là hàng nghìn, hàng vạn tài năng, trí tuệ Việt Nam, cùng chung tay, góp sức xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh”, Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng.
TS Bùi Hải Hưng - nhà nghiên cứu của Google Deepmind, phát biểu tại buổi lễ. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại buổi lễ, đại diện các chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại nước ngoài đã có những chia sẻ về những mối quan tâm và nêu các kiến nghị để góp phần thúc đẩy phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo.
TS Bùi Hải Hưng - nhà nghiên cứu của Google Deepmind (Mỹ) cho hay, ngành AI (trí tuệ nhân tạo) thế giới tương đối “có duyên” với người Việt đang làm về công nghệ. Số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không phải là nhỏ, trong đó có những chuyên gia hàng đầu thế giới tại các môi trường hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft…, những giáo sư tại các đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt, có những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã tương đối thành công.
Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói, dấu mốc trên bản đồ AI thế giới. “Việt Nam nên làm gì? Theo tôi, nên tập trung xây dựng một trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Việt Nam và đây là cách hiệu quả nhất để thế giới biết đến Việt Nam trên bản đồ AI”, TS Bùi Hải Hưng kiến nghị. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo AI tại Việt Nam nên chú trọng đầu tư cơ sở điện toán đám mây.
Trong khi đó, PGS. TS Hồ Anh Văn từ Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản, cho rằng, công thức thành công của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là: Thành công = năng lực x nhiệt huyết x cách nghĩ. Và nếu các trí thức ở nước ngoài cần sự nhiệt huyết, thì Chính phủ cần có các chính sách cụ thể và các trí thức trong nước cần sự đón nhận sẵn sàng.
Còn diễn giả Trần Văn Hinh, thành viên Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp thì chia sẻ nguyên tắc chung để thành công của các quốc gia, đó là “lấy văn hóa làm nền tảng của sự kết nối giữa con người với con người, lấy tinh thần dân tộc, niềm tự hào, tự tôn dân tộc làm động lực dấn thân”.
Nguồn: Hà Chính/chinhphu.vn