Thời sự ICT
Nhà mạng Mỹ chuẩn bị gì cho lễ nhậm chức lần thứ 2 của Tổng thống Obama
Submitted by nlphuong on Sat, 19/01/2013 - 08:55(ICTPress) - Điều gì sẽ xảy ra khi 900.000 người tập trung tại một nơi và gọi điện thoại di động hay đăng tải lên Facebook? Sẽ là các tín hiệu báo bận, các cuộc gọi bị rớt và các tin ảnh và video không thể gửi được?
Đây là mối lo lắng của các nhà mạng Mỹ đang bận rộn chuẩn bị cho lễ nhậm chức tổng thống Obama nhiệm kỳ 2 ở Washington. Sự kiện này dự kiến diễn ra vào thứ 2 ngày 21/1 khi có thể có tới 900.000 người Mỹ tập trung tại Điện Capitol và National Mall để tham dự lễ tuyên thệ và diễu hành.
Số người dự kiến tham dự sự kiện này được cho là ít hơn cách đây 4 năm khi lúc đó có tới 1,8 triệu người tới dự, nhưng nay mỗi thuê bao lại nhu cầu dữ liệu lớn hơn đối với các nhà mạng ở Washington.
Kể từ năm 2009, nhiều người đã mua smartphone với các máy ảnh hiện đại lắp trong. 4 năm trước, smartphone chỉ chiếm 11% số lượng smartphone bán ra toàn cầu, theo Gartner. Trong quý 3 năm 2012, smartphone đã chiếm 39,6% số lượng điện thoại bán ra trên toàn thế giới.
Đối với nhiều người, điện thoại hiện đại hơn có nghĩa là cơ hội chia sẻ nội dung nhiều hơn với bạn bè không đã không thể tham dự sự kiện. Theo nhà mạng Verizon Wireless, sử dụng dữ liệu ở Washington D.C đã tăng gấp 12 lần kể từ bầu cử lần trước vào năm 2009.
Do đó để đáp ứng nhu cầu tăng, các nhà mạng lớn đang chi khá nhiều tiền để củng cố các mạng của mình ở thủ đô Washington.
“Chúng tôi đã tăng tổng công suất di động ở National Mall lên 200% trong thời gian lễ tuyên thệ được tổ chức”, đại diện của AT&T Mark Siegel cho biết.
AT&T đang triển khai các trạm di động tạm thời được gọi là COW (di động trên bánh xe - cell on wheel), và bổ sung các bộ khuếch đại công suất cao cho các anten trên đỉnh các trạm này, cho phép nhiều máy điện thoại hơn được kết nối tới mạng. (Mặc dù, đây là mạng di động, các tín hiệu thực tế đi qua các đường dây giữa các trạm, và AT&T đã tăng cường thêm nhiều cáp quang và cáp đồng để tăng các tốc độ dữ liệu).
Kể từ năm 2009, Verizon đã triển khai các mạng 4G LTE nhanh hơn ở Washington và công suất tại đây tăng gấp 2,5 lần, theo đại diện Melanie Ortel của Verizon. Công ty này cũng đã xây dựng hạ tầng mới và cũng sẽ triển khai các COW tạm thời dọc Mall và các khu vực xung quanh.
Sprint sẽ triển khai ba trong số các COW riêng của mình trong ngày này và đang tăng cường mạng cho các khách sạn lớn xung quanh thành phố để đáp ứng những đám đông. Nhà mạng này cho biết đã làm việc ở khu vực D.C kể từ tháng 4 năm ngoái, để tăng cường các trạm di động do đó mạng di động của công ty này có thể xử lý hơn 37% dữ liệu.
Cuối cùng, T-Mobile cho biết đang nỗ lực tăng cường vùng phủ ở D.C. Đây là một phần trong kế hoạch quốc gia của nhà mạng này có giá trị 4 tỷ USD. Tháng 11/2011, công ty này đã lắp đặt thiết bị mới ở Washington và các thành phố lân cận và củng cố sóng 4G để hỗ trợ số lượng máy điện thoại lớn.
Do đó nếu bạn ở thủ đô Washington để tham dự lễ nhậm chức - hoặc vì lý do nào khác - các nhà mạng Mỹ đã khuyến nghị một số cách để tăng cơ hội gửi và nhận tin nhắn từ điện thoại di động của bạn:
- Hãy thông minh về cách thức liên lạc bạn muốn thực hiện. Theo Sprint, một người có thể gửi 30 - 50 tin nhắn bằng trung bình 180 giây thực hiện một cuộc gọi.
- Không chia sẻ nhiều ảnh và video. Chia sẻ một bức ảnh hay video với gia đình sẽ áp lực nhiều tới mạng hơn là gửi một tin nhắn đơn giản. Một bức ảnh 2 megabyte sẽ cần nhiều băng thông hơn.
- Nếu bạn đơn giản muốn chia sẻ ảnh, thì sử dụng bất cứ thiết lập máy ảnh bên trong nào bạn có thể có để nén bức ảnh xuống kích thước nhỏ nhất có thể (nhiều công cụ như Instagram tự động giảm kích thước ảnh của bạn).
- Cách nữa, là lưu hình ảnh và đính vào tin nhắn văn bản, giảm nghẽn trên mạng và dễ được gửi đi hơn cả.
Các mạng di động không phải là lựa chọn duy nhất đối với những người tập trung ở Mall. Có rất nhiều trạm Wi-Fi miễn phí ở tuyến đường diễu hành và Washington có phủ Wi-Fi miễn phí. Để xem lộ trình các điểm nóng WiFi, thuê bao hãy kiểm tra ở trang web wifi.dc.gov.
Khi các cách này không được, thì Washington còn các điện thoại trả trước. Các điện thoại này rất dễ tiếp cận.
HY
Nhiều dự án ứng dụng CNTT quốc gia chậm tiến độ do không có vốn
Submitted by nlphuong on Fri, 18/01/2013 - 07:20(ICTPress) - “Các dự án quy mô quốc gia theo QĐ 1605/QĐ-TTg triển khai chậm tiến độ, chủ yếu do không có vốn (dưới 10% nhu cầu)”.
“Các dự án quy mô quốc gia theo QĐ 1605/QĐ-TTg triển khai chậm tiến độ, chủ yếu do không có vốn (dưới 10% nhu cầu)”.
Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT Nguyễn Thành Phúc cho biết đây là một trong những khó khăn hiện nay trong việc ứng dụng CNTT tại Hội nghị Hội nghị trực tuyến Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về phát triển hạ tầng thông tin do Bộ TT&TT vừa tổ chức.
Theo số liệu của Cục Ứng dụng CNTT có 56 dự án có tiến độ như sau: 4 dự án đã hoàn thành, 11 dự án đang được thực hiện đầu tư, 9 dự án được phê duyệt nhưng chưa được thực hiện đầu tư, 26 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, 6 dự án được đề xuất chuyển sang hình thức thuê dịch vụ.
Kiến nghị về nguồn kinh phí, Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc đề nghị ưu tiên tập trung ngân sách nhà nước triển khai giai đoạn 1 ba dự án quan trọng nhất tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT): Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư do Bộ Công an triển khai, CSDL quốc gia về tài nguyên và môi trường (TN&MT) do Bộ TN&MT triển khai và Hệ thống chứng thực điện tử và chữ ký số trong các cơ quan nhà nước do Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai.
Về dự án CSDL quốc gia về dân cư, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính và Trật tự An toàn xã hội, Bộ Công An kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt và cấp kinh phí để tổ chức thực hiện dự án quốc gia này, vì đây là dự án nền tảng trong xây dựng CPĐT.
“Mặc dù nguồn vốn cho Dự án là khá lớn nhưng việc ưu tiên đầu tư cho Dự án sẽ có hiệu quả về nhiều mặt, giảm nhiều chi phí xã hội, giảm kinh phí cho việc xây dựng các CSDL chuyên ngành, giảm lãng phí do một số bộ ngành và chính quyền địa phương tự xây dựng CSDL về dân cư không theo quy chuẩn quốc gia”, Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết.
Dự án CSDL quốc gia về dân cư được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2013 đến năm 2014, giai đoạn 2 từ năm 2015 đến 2016, và giai đoạn 3 năm 2017; trong đó cuối giai đoạn 2 dự kiến sẽ cung cấp điểm kết nối, giao tiếp với hệ thống thông tin với ngành Tư pháp, Bảo hiểm y tế và Thuế; giai đoạn 3 sẽ tiếp tục cung cấp điểm giao tiếp với các ngành khác theo yêu cầu và tổ chức triển khai cung cấp các dịch vụ công về dân cư trên hệ thống, đặc biệt là dịch vụ xác thực nhân thân cho các ngành tài chính, ngân hàng, viễn thông, các dịch vụ cơ bản khác.
Về dự án CSDL quốc gia về TN&MT, ông Nguyễn Hữu Chính, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ TN&MT cho biết tổng vốn đầu tư của chương trình CNTT cho Bộ TN&MT chưa đáp ứng đủ theo tinh thần Nghị định 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tiến độ giao vốn chưa đáp ứng được tiến độ triển khai kế hoạch dự án đã được phê duyệt. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ bị kéo dài, dự án chậm đưa vào sử dụng, dẫn đến hiệu quả đầu tư còn chưa đạt được như theo yêu cầu.
Cho tới nay, tổng kinh phí được giao so với kinh phí phê duyệt theo kế hoạch đạt 21% tổng mức đầu tư 370.469.239.000 đồng cho thời gian thực hiện đầu tư 2010 - 2014.
Cụ thể tình hình bố trí kinh phí được thực hiện cho tới nay được Cục trưởng Nguyễn Hữu Chính cho biết: Năm 2009 là 430 triệu đồng và năm 2010 là 7 tỷ đồng thuộc vốn ngành TN&MT; Năm 2011 là 40 tỷ đồng (vốn chương trình CNTT được cấp: 30 tỷ; vốn ngành bổ sung là 10 tỷ); Năm 2012 là 32 tỷ đồng (vốn chương trình CNTT: 17 tỷ; vốn ngành bổ sung là 15 tỷ).
Ông Chính kiến nghị tăng cường kinh phí ứng dụng CNTT cho Bộ TN&MT để triển khai các Dự án quy mô quốc gia theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg (Dự án "CSDL quốc gia về TN&MT”, “Mạng thông tin kinh tế hóa ngành TN&MT”, “Xây dựng các dịch vụ công ngành TN&MT) để đảm bảo thực hiện kế hoạch được duyệt.
Dự án xây dựng CSDL quốc gia về TN&MT có mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống CSDL quốc gia về TN&MT ở hai cấp: Trung ương (Bộ TN&MT) và địa phương (Sở TN&MT) nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu TN&MT, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế, các nhu cầu khác của xã hội và phát triển CPĐT tại ngành TN&MT.
Kiến nghị về phần kinh phí cho các dự án CNTT quốc gia, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT Nguyễn Thành Phúc cho biết nhà nước ưu tiên vốn cho các dự án đang thực hiện đầu tư và xem xét, bố trí vốn từ năm 2013 đến năm 2015 tối thiểu 1000 tỷ đồng để triển khai 3 dự án ưu tiên nói trên và cho phép một số dự án nêu tại Quyết định số 1605/QĐ-TTg được thực hiện theo hình thức khác nhằm huy động nguồn lực triển khai, cụ thể:
Các dự án triển khai theo hình thức hợp tác nhà nước - doanh nghiệp hoặc thuê dịch vụ, bao gồm các dự án: Hệ thống quản lý, theo dõi chương trình công tác của Chính phủ (Văn phòng Chính phủ - VPCP), Mạng thông tin điện tử phục vụ trao đổi thông tin giữa VPCP, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Mở rộng, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tích hợp các dịch vụ hành chính công trực tuyến trên Internet (VPCP); Hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc cho các cơ quan Chính phủ (Bộ TT&TT ), Hệ thống thư điện tử quốc gia (Bộ TT&TT).
Các dự án triển khai theo hình thức đối tác công - tư (theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 09/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư), bao gồm: Dự án Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ.
HM
Xây dựng cơ sở dữ liệu về Trường Sa và Hoàng Sa
Submitted by nlphuong on Thu, 17/01/2013 - 19:35Lá cờ Tổ quốc làm bằng gốm trên nóc nhà văn hóa của đảo Trường Sa lớn. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Thông tin này được GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam cho biết tại hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013, tổ chức ngày 17/1.
Theo GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, năm 2013, Viện sẽ đổi thành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đây là một bước ngoặt lịch sử trong lộ trình phát triển của Viện, là thành quả nỗ lực của các thế hệ cán bộ của Viện, là sự kiện hết sức có ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Viện, khẳng định vị thế của Viện trong hệ thống các cơ quan trực thuộc Chính phủ và các viện nghiên cứu của cả nước.
Để chuẩn bị cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22/2, các đơn vị trực thuộc rà soát lại nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị, nỗ lực hoàn thành các công việc được giao, chuẩn bị tốt và đồng bộ các công việc hành chính liên quan đến việc đổi tên Viện.
Trong năm 2013, Viện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình nghiên cứu tổng thể về Gia đình trong giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hóa đất nước, thực hiện đúng tiến độ Đề án khai quật khảo cổ đối với khu vực công trình nhà Quốc hội.
Trong năm 2012, Viện đã thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ gồm Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên,” “Nghiên cứu tổng thể tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa.”
Viện cũng chỉ đạo tiếp tục triển khai và bàn giao theo lộ trình dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, bảo quản và phát huy giá trị di tích Hoàng thành Thăng Long,” dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”... đồng thời hoàn thành 29 Chương trình cấp bộ và 49 đề tài thuộc các chương trình Tây Nguyên 3, Chương trình Nghị định thư, Quỹ Nafosted…
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng Viện Khoa học xã hội Việt Nam trở thành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo Nghị định số 109/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là dấu mốc khẳng định vị thế, tầm nghiên cứu cơ bản và chiến lược của Viện.
Nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những kết quả hoạt động trong năm 2012 của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh nêu rõ, Viện đã tập trung sức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác theo phương châm “Kỷ cương-trách nhiệm-chất lượng-hiệu quả.”
Đánh giá cao những nỗ lực của Viện trong đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và công tác tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh đây là những nhiệm vụ chính của Viện Khoa học xã hội Việt Nam và cũng là trách nhiệm của các nhà khoa học xã hội Việt Nam với phương châm nghiên cứu cơ bản phải xuất phát từ thực tiễn, tổng kết các vấn đề thực tiễn phát triển thành lý luận, đồng thời đưa các kết quả nghiên cứu cơ bản vào kiểm chứng qua thực tiễn, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Viện đã tham gia tư vấn cho Đảng và Nhà nước về nhiều vấn đề lý luận, cũng như tư vấn cho Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dựng và thẩm định nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, góp phần tích cực vào việc tổng kết, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và trở thành một địa chỉ tư vấn có uy tín đối với nhiều bộ, ngành và địa phương trong cả nước...
Ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, để có được những thành tựu và chuyển biến tích cực trong năm qua, một nhân tố rất quan trọng là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng ủy và các cấp ủy trực thuộc của Viện. Tổ chức Đảng phấn đấu làm tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo đơn vị về chính trị, tư tưởng, nắm chắc công tác tổ chức, cán bộ; triển khai kịp thời các nghị quyết và chỉ đạo của cấp trên, triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,” đoàn kết, tập hợp được sức mạnh của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong Viện, đề cao kỷ cương, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2012.
Tuy nhiên, ông Đinh Thế Huynh cũng chỉ ra những hạn chế mà Viện cần khắc phục để nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học, chất lượng và hiệu quả công tác tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước, xây dựng đội ngũ các nhà khoa học nồng nàn yêu nước, vững vàng về bản lĩnh chính trị, uyên thâm về trình độ chuyên môn, ngang tầm với chức năng nhiệm vụ và vị trí của một Viện Hàn lâm khoa học xã hội.
Xác định năm 2013 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và cũng là năm có sự kiện lịch sử quan trọng - kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Ban Sử-Địa-Văn - tiền thân của Viện Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay, ông Đinh Thế Huynh yêu cầu Viện Khoa học xã hội Việt Nam tập trung kiện toàn tổ chức của Viện theo tinh thần Nghị định 109/2012/NĐ-CP của Chính phủ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, nhất là gắn giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai, thực hiện tốt chức năng tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội.
Viện cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận chính trị, tổng kết và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận mới về chủ nghĩa xã hội, những nhận thức mới về đặc điểm của thời đại ngày nay; tham gia nghiên cứu tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới ở Việt Nam; tiếp tục làm rõ đặc trưng và phương thức đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam giai đoạn tới; cần đề xuất rõ hệ tiêu chí về một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và nước công nghiệp hiện đại đến giữa thế kỷ XXI.
Cùng với làm sâu sắc hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững, về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nghiên cứu về đổi mới thể chế phát triển, Viện nghiên cứu làm sâu sắc hơn các vấn đề về đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển văn hóa, xã hội, con người, phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Viện tiếp tục nghiên cứu, góp phần làm rõ 8 mối quan hệ cơ bản mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ ra; đồng thời tham gia tích cực vào việc chắt lọc các kết quả nghiên cứu cùng Hội đồng lý luận Trung ương xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học xã hội nói chung, về nghiên cứu lý luận chính trị nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả tư vấn của Hội đồng lý luận Trung ương cho Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đúng tầm của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học xã hội của đất nước./.
www.vietnamplus.vn
Đường sắt Nga kiện Apple xâm phạm logo
Submitted by nlphuong on Thu, 17/01/2013 - 12:40(ICTPress) - Apple đang phải đối mặt với vụ kiện khác, lần này là với Đường sắt Nga (Russian Railways) tại tòa án Moscow.
Công ty đường sắt này cho rằng hãng khổng lồ phần cứng này đã xâm phạm thương mại.
Công ty này đòi đền bù 65.000 USD về việc sử dụng logo trong một ứng dụng bên thứ ba là "Railway Tariff" được bán trên cửa hàng của Apple, RT cho biết. Railway Tariff cho phép người sử dụng theo dõi các chi phí và các lần chuyển phát hàng hóa bằng tàu thủy hoặc máy bay.
Trong một thông báo của Đường sắt Nga cho biết kiện bản quyền thương mại số 341333 của Apple đã sử dụng thương hiệu Đường Sắt Nga trên cửa hàng trực tuyến của Apple khi đăng tải các bức ảnh.
Đường sắt Nga cho biết tiếp tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt theo quyết định liên bang về bản quyền sở hữu trí tuệ đã được công nhận tại Nga.
Vụ kiện này diễn ra sau vụ kiện của công ty đường sắt Liên bang Thụy Sỹ vào tháng 9 năm ngoái kiện Apple sao chép thiết kế đồng hồ. Công ty Thụy Sỹ đã nhận được 21 triệu USD vào tháng 11/2012.
HY
"Nóng" vấn đề huy động nguồn lực cho CNTT
Submitted by nlphuong on Wed, 16/01/2013 - 13:45(ICTPress) - Huy động nguồn lực cho CNTT là nội dung “nóng” được nhiều đại biểu tại Hội nghị trực tuyến Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về phát triển hạ tầng thông tin do Bộ TT&TT tổ chức ngày 15/1 quan tâm và đặt nhiều câu hỏi.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng kết luận Hội nghị |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Minh Hồng kết luận Hội nghị đã trả lời nhiều câu hỏi thuộc nhóm kiến nghị này.
Về ý kiến của ông Lê Mạnh Hà, đại diện cho TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để giải quyết vấn đề nguồn lực về vốn cho CNTT, dòng tiền cần được huy động từ cả ba nguồn là ngân sách Trung ương, mà cụ thể là hàng năm cần có mục chi riêng cho CNTT, từ Quỹ Viễn thông công ích (VTCI), Bộ TT&TT và từ ngân sách khoa học công nghệ của các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết:
Mục lục ngân sách nhà nước được Luật hóa trong các văn bản hiện hành về Ngân sách nhà nước. Việc giải quyết ngay toàn bộ sẽ khó khả thi. Bộ TT&TT đang giải quyết các vấn đề cụ thể như kiến nghị sửa đổi Quyết định 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng Ngân sách nhà nước.
Liên quan đến việc sử dụng Quỹ VTCI, Bộ TT&TT đang chỉ đạo rất sát sao việc tổ chức lại và quản lý Quỹ Dịch vụ VTCI và Chương trình VTCI giai đoạn tiếp theo cho phù hợp với những gì mà thực tiễn đòi hỏi.
Về sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ cho ứng dụng CNTT tại địa phương, Bộ TT&TT nhất trí và mong có sự ủng hộ của Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính.
Về nguồn lực phát triển hạ tầng, Bộ TT&TT sẽ chủ trì xây dựng Đề án huy động vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng thông tin đến năm 2020.
Về nguồn lực cho triển khai ứng dụng CNTT, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết nhằm thu hút thêm các nguồn lực của doanh nghiệp cho triển khai ứng dụng CNTT, trong năm 2013, Bộ TT&TT dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án xây dựng, triển khai các hệ thống thông tin lớn, quy mô toàn quốc như hệ thống thư điện tử quốc gia, hệ thống trao đổi văn bản tích hợp trên toàn quốc theo hình thức hợp tác Nhà nước - Doanh nghiệp, thuê dịch vụ.
Bộ TT&TT cũng sẽ kiến nghị Chính phủ điều tiết từ 25 - 30% nguồn thu phí tần số, kho số để lại cho Bộ TT&TT để chi cho ứng dụng và phát triển CNTT.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào tình hình thực tiễn của mình, có những đề xuất cụ thể về các dự án có khả năng triển khai theo hình thức hợp tác Nhà nước - Doanh nghiệp.
HM
Tại sao Trung Quốc thích Apple
Submitted by nlphuong on Wed, 16/01/2013 - 06:35(ICTPress) - CEO Tim Cook trông đợi Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, trở thành thị trường số 1 của Aple.
Nhân viên Apple staff chào mừng khách hàng ở cửa hàng Apple mới ở khu kinh doanh WangFujin ở Bắc Kinh tháng 10/2012 |
Các đại gia công nghệ như Google hay Facebook chỉ có thể nhìn mà ghen tỵ. Không phải bởi họ thiếu nỗ lực để thành công như Apple ở Trung Quốc mà các công việc kinh doanh của hai công ty này quá khác biệt.
Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt tự do luồng thông tin đặc biệt áp dụng cho Internet. Truy cập Web bị lọc thường xuyên. Các trang web truyền thông xã hội như Facebook và Twitter bị chặn do chính phủ Trung Quốc xem các điểm nóng tiềm năng này là nhạy cảm chính trị hay về mặt xã hội có thông tin chưa phù hợp.
Trong khi, Google hoạt động ở Trung Quốc nhưng phải định tuyến tất cả tìm kiếm tới vị trí của mình tại Hồng Kông và việc truy cập thường bị gián đoạn. Do đó công bằng mà nói chính phủ Trung Quốc có lý do tại sao các công ty Google và Facebook sẽ không hoạt động vững vàng ở Trung Quốc.
Ngược lại, Apple chủ yếu bán phần cứng do đó không có bất cứ vấn đề nhạy cảm nào.
Người Trung Quốc thích đồ điện tử. Điện thoại di động ở mọi nơi. Apple được tin cậy vì sản phẩm hấp dẫn hơn nhiều và đắt tiền. iPhone nhanh chóng trở thành một sản phẩm biểu tượng về địa vị trong các tầng lớp xã hội Trung Quốc kể từ khi iPhone được tung ra. Tương tự, iPad cũng tham gia vào danh sách phải có cũng ngay khi xuất hiện.
Nếu ai đó muốn bôi trơn mối quan hệ với một người quan trọng, hai sản phẩm này thường được lựa chọn làm quà tặng. Trước khi iPad thâm nhập Trung Quốc, một doanh nhân ở Thượng Hải đã cho biết ở sau chiếc xe tải anh ta đã mua ít nhất 20 chiếc iPad, tất cả đều mua ở Hồng Kông. “Đây là quà tặng được công chức chính phủ ưa thích”, anh này cho biết.
Áp lực xã hội phải có một sản phẩm Apple là hết sức lớn, đặc biệt là khi tầng lớp giàu có thiết lập xu hướng. Nếu khách hàng tầng lớp trung lưu không thể mua một chiếc ô tô hay đồng hồ đắt đỏ, thì iPhone là sản phẩm khá phù hợp. Thậm chí khi tin tức ồn ào về Foxconn, nhà máy sản xuất chính các sản phẩm Apple, cũng không tác động đến sản phẩm bán ra của Apple là mấy.
Không nghi ngờ gì Trung Quốc sẽ là một thị trường quan trọng đối với Apple trong những năm tới. Trong số 3 công ty viễn thông lớn của Trung Quốc, China Mobile là nhà mạng duy nhất không bán sản phẩm iPhone mặc dù là nhà mạng lớn nhất với gần 700 triệu thuê bao. Nhiều khách hàng cao cấp của China Mobile vẫn dùng 2G vì mạng 3G của China Mobile không có iPhone. Nếu China Mobile mua phiên bản iPhone riêng như gần đây đồn đại thì sau đó China Mobile là hỗ trợ đắc lực cho Apple.
Thú vị là tăng trưởng của Apple ở Trung Quốc đều từ phần cứng.
Doanh thu từ cửa hàng iTunes của Apple từ các tải âm nhạc, video, sách hay ứng dụng đều không đáng kể. Điều này cũng không có vấn đề gì với chính phủ. iTunes không nhạy cảm ngoài cơ chế tự bảo vệ của Apple.
Doanh thu thấp từ iTunes cũng cho thấy thực tế người Trung Quốc quen không sẵn lòng trả bản quyền. Có một số thứ như nhiều trang web cung cấp những “bí kíp” để dễ dàng phớt lờ Apple và tải về miễn phí ở bất cứ đâu.
Có những đồn đại Apple có thể xem xét một phiên bản iPhone rẻ hơn cho thị trường Trung Quốc. Để tăng thị trường smartphone đang tăng trưởng nhanh, điện thoại rẻ hơn là đáng chú ý đặc biệt vẫn còn hàng triệu người Trung Quốc chưa thể mua một chiếc iPhone đắt đỏ với giá 5000 nhân dân tệ (khoảng 800 USD).
Nhưng Apple không nên để ý tới điều này.
Cũng không phải là hay khi phải hy sinh lợi nhuận để đổi lấy thị trường lớn hơn. Nếu thực hiện điều này có thể hình ảnh của Apple và tình yêu cũng như sự trung thành với thương hiệu sẽ sói mòn. Apple có thể học điều này chưa lâu trước đây khi Nokia thống trị thị trường Trung Quốc nhưng được biết đến là mất dần tiếng tăm. Nokia nỗ lực bằng một thương hiệu mới, Vertu để lôi kéo khách hàng nhưng đã không thành công.
Nhưng xây dựng nhiều cửa hàng bán lẻ hơn ở Trung Quốc, Apple chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng của mình. Nhưng thách thức là duy trì danh tiếng do đó các khách hàng sẽ không từ bỏ sự quan tâm và sẽ khao khát các sản phẩm mới.
Apple có thể suy nghĩ lại mô hình kinh doanh cửa hàng iTunes ở Trung Quốc do đó Apple có thể tăng lợi nhuận theo cách khác. Phần cứng đến và đi. Một ngày, các sản phẩm của Apple có thể và sẽ bị thay thế. Nhưng nhu cầu về sách, phim, âm nhạc và ứng dụng sẽ vẫn tiếp tục.
Liệu Apple có tìm cách tập trung vào khách hàng về mặt nội dung? Chúng ta cùng xem.
HY
Nguồn: CNN
Quán triệt CNTT là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển bền vững
Submitted by nlphuong on Tue, 15/01/2013 - 11:35(ICTPress) - “Các cấp, các ngành cần quán triệt vai trò về CNTT là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về phát triển hạ tầng thông tin do Bộ TT&TT tổ chức ngày 15/1.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Hội nghị |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị các ngành, các cấp: Đẩy mạnh đầu tư phát triển nguồn nhân lực CNTT, định hướng cho học sinh về nghề; Xây dựng nền CNTT trong nước, các doanh nghiệp CNTT chủ lực ngang tầm thế giới, các khu công nghiệp tập trung, ứng dụng CNTT hiện nay mới chỉ ở mức khiêm tốn; Huy động các nguồn lực để xây dựng hạ tầng thông tin, trong đó có nguồn vốn từ xã hội; Bộ TT&TT phối hợp liên ngành để thực hiện tốt và mở rộng hạ tầng thông tin trong nước; Vận động người Việt Nam dùng sản phẩm CNTT thương hiệu Việt.
Nghị quyết số 13 Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã xác định hạ tầng thông tin là một trong những hạ tầng quan trọng, cần ưu tiên đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Nghị quyết cũng nêu rõ quan điểm của Trung ương Đảng coi việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đây là một chủ trương lớn, xác lập vị thế mới của ngành TT&TT và đòi hỏi ngành TT&TT phải phát triển ở trình độ cao hơn.
Với những nội dung này, một mặt Nghị quyết tái khẳng định tầm quan trọng của các chương trình, đề án đã và đang được triển khai như Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT (được ban hành QĐ 1755/QĐ-TTg), Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2011-2015 (được ban hành QĐ 1605/QĐ-TTg), Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở (được Quốc hội khoá XIII thông qua) v.v…,.
Trước yêu cầu đó, ngày 08/6/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP và ngày 19/7/2012, Bộ TTTT cũng ban hành Quyết số 1293QĐ-BTTTT về Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 13 của Trung ương 4 để phát triển hạ tầng thông tin.
Hội nghị được Bộ TT&TT tổ chức cả ngày hôm nay thể hiện sự quyết tâm của các cấp, các ngành trong việc triển khai Nghị quyết TW số 13 Khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Năm 2013 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015.
Với vai trò Bộ quản lý ngành, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nêu một vài điểm rất cụ thể về nhận thức, vai trò của người đứng đầu và về việc huy động nguồn lực phục vụ yêu cầu thực hiện Nghị quyết:
Về nhận thức đối với dự án đầu tư phát triển TTTT nói chung và phát triển CNTT nói riêng: Thực tế cho thấy đa số các dự án đầu tư phát triển TT&TT, nhất là cho ứng dụng CNTT ở các địa phương, đều ở mức khoảng 10 - 15 tỷ đồng trở xuống. Với mức đầu tư này là rất khiêm tốn so với các dự án phát triển hạ tầng khác với tầm cỡ hàng trăm tỷ, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Đây chính là điểm khác biệt của các dự án phát triển hạ tầng TT&TT, một hạ tầng mềm, không sử dụng nhiều tài nguyên, nhiên liệu và nguyên liệu, mà phát triển trên nền khai thác tài nguyên, trí tuệ của con người. Tuy nhỏ, nhưng các dự án phát triển hạ tầng TT&TT, ứng dụng CNTT lại có hiệu quả lan tỏa rất lớn đối với công tác cải cách hành chính, nâng cao năng suất lao động, tạo ra các dịch vụ mới để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn kết và khai thác hiệu quả các hạ tầng khác.
Chính vì vậy, cần tiếp tục thay đổi nhận thức về các dự án phát triển hạ tầng TT&TT để có cơ chế, chính sách phân bổ kinh phí và quản lý phù hợp, khác biệt so với các dự án phát triển hạ tầng vật lý như giao thông, năng lượng, xây dựng,... là những dự án cần phải đầu tư nguồn lực tài chính rất lớn mới có thể thực thi được.
Về nhận thức đối với sản phẩm của các dự án phát triển hạ tầng TT&TT: phần mềm và nội dung số chiếm một tỷ trọng lớn trong các dự án phát triển hạ tầng TT&TT. Đánh giá giá trị sản phẩm và hiệu quả của chúng đối với xã hội không dễ và khó thấy ngay như đối với các dự án phát triển hạ tầng vật lý như đã nêu ở trên.
Tuy nhiên, kinh nghiệm phát triển trên thế giới và các bài học thành công tại Việt Nam đã khẳng định vị trí vai trò của hạ tầng TT&TT là không thể thiếu được trong nền kinh tế hiện đại. Do vậy, cũng cần tiếp tục thay đổi nhận thức để mạnh dạn đầu tư hơn nữa cho hạ tầng TT&TT, thì mới có thể góp phần thiết thực được mục tiêu hiện đại hoá nền kinh tế đất nước.
Về cam kết của người đứng đầu: kinh nghiệm triển khai ứng dụng CNTT trong thời gian qua cho thấy sự thành công luôn gắn liền với mức độ cam kết, ủng hộ của người đứng đầu. Với những đặc thù như vừa phân tích ở trên, trong bối cảnh khó khăn chung về ngân sách và cân đối các nhu cầu phát triển khác, phát triển hạ tầng TT&TT chỉ có thể dành được sự ưu tiên tương đối thông qua hành động ủng hộ quyết liệt của người đứng đầu.
Chính vì vậy, có thể khẳng định việc triển khai thành công của Nghị quyết sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu các cơ quan nhà nước, đặc biệt các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ. Bộ TTTT rất hiểu các khó khăn trong tình hình hiện nay, song rất mong các đồng chí lãnh đạo các cơ quan ở Trung ương và địa phương luôn dành sự ưu tiên cần thiết cho sự nghiệp phát triển hạ tầng thông tin theo tinh thần Nghị quyết số 13 của Trung ương 4.
Về nguồn lực: đây đang là nút thắt đối với sự nghiệp phát triển TT&TT, để khai thông nguồn vốn cho sự nghiệp thông tin, truyền thông Bộ TT&TT đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh việc khai thông các nguồn lực mới, với cơ chế chính sách và các giải pháp phù hợp chắc chắn hạ tầng TT&TT sẽ trở thành lĩnh vực đầu tư hấp dẫn hơn, định hướng lại luồng vốn của xã hội. Làm được việc này chính là chúng ta đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường tỷ trọng dịch vụ trong nền kinh tế; khẳng định vai trò quan trọng của hạ tầng thông tin đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
HM
Châu Âu: người sử dụng iPhone 5 “ngốn” nhiều dữ liệu nhất
Submitted by nlphuong on Mon, 14/01/2013 - 07:59(ICTPress) - Người sử dụng iPhone 5, thiết bị được tung ra vào tháng 9/2012, ở châu Âu sử dụng dữ liệu gấp 4 lần người sử dụng một iPhone 3G, theo một nghiên cứu của hãng phân tích dữ liệu di động Arieso.
Hãng này cho biết để có nghiên cứu này đã có hơn 1 triệu người sử dụng smartphone trên các mạng 3G châu Âu trong khoảng thời gian hơn 24 giờ để đo nhu cầu dữ liệu.
Nghiên cứu này cho thấy các smartphone, máy tính bảng và các thiết bị có các kích thước màn hình và khả năng được gọi là các “phablet” (điện thoại máy tính bảng) đang tạo ra các nhu cầu ngày càng lớn về dữ liệu, gây áp lực ngày càng tăng lên các mạng di động 3G.
“Một người sử dụng iPhone 5 có giá trị tương đương khoảng 4 người sử dụng iPhone 3G”, tác giả của báo cáo này là Michael Flanagan cho biết.
Báo cáo này cũng cho thấy những người sử dụng iPhone 5 yêu cầu hơn 50% dữ liệu so với người sử dụng iPhone 4S, mà cách đây một năm là những người sử dụng có nhu cầu cao nhất.
Số lượng dữ liệu được tải lên các dịch vụ như các trang mạng xã hội cũng đã tăng và hiện 1/6 dữ liệu được được tải xuống so với cách đây 1 năm là 1/7.
Galaxy SIII của Samsung đã vượt iPhone 5 về lượng dữ liệu trung bình tạo ra và được tải lên, ví dụ đăng ảnh lên Facebook.
HY
Nhà mạng phải chấm dứt hợp đồng với CSP phát tán tin nhắn rác
Submitted by nlphuong on Fri, 11/01/2013 - 07:25(ICTPress) - Ngày 9/1/2013, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ra Thông báo số 03/TB-BTTTT về kết luận của Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn tại Hội nghị Triển khai các biện pháp tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác được tổ chức cuối năm 2012.
Thông báo này được gửi cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel); Các đài phát thanh, truyền hình, cơ quan báo chí; các doanh nghiệp (DN) thông tin di động; các DN viễn thông; Các DN cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn (CSP, CP) yêu cầu các cơ quan, đơn vị, DN triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Theo đó, nhà mạng được yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ đối với các DN CSP, xử lý theo hợp đồng hoặc theo quy định nội bộ của DN, chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với các CSP phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, tin nhắn wappush.
Các công việc khác mà nhà mạng cần chủ động là: nghiên cứu, xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát tốc độ tin nhắn và nội dung tin nhắn nhằm phát hiện tin nhắn rác; Tạo điều kiện thuận lợi để các DN CSP đã được cấp mã số quản lý kết nối với hệ thống kỹ thuật của mình để cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn; Phối hợp với DN CSP không tính cước và hoàn trả lại cho người sử dụng đối với các tin nhắn lỗi, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ, tin nhắn do nhầm lẫn, tin nhắn do người sử dụng bị lừa đảo, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng.
Các nhà mạng cũng quản lý chặt chẽ, không để cán bộ, nhân viên lợi dụng sơ hở để sao chép cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động bán ra ngoài nhằm phục vụ cho mục đích phát tán tin nhắn rác hoặc các mục đích vi phạm pháp luật khác; Không khuyến mại tràn lan, phá giá thị trường, tạo kẽ hở cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng các gói cước nhắn tin giá rẻ phục vụ phát tán tin nhắn rác.
Nhà mạng cũng thực hiện nghiêm túc các quy định về khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động. Thông tin quảng cáo phải có nội dung rõ ràng, không được gây nhầm lẫn cho người sử dụng khi quảng cáo dịch vụ qua tin nhắn.
Cũng theo thông báo này, các đơn vị, DN CSP cũng được yêu cầu thực hiện các công việc:
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Bộ TT&TT khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn đồng thời triển khai các quy định về phòng ngừa và ngăn chặn tin nhắn rác tại Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 của Chính phủ về chống thư rác.
Cục Viễn thông, Bộ TT&TT sẽ là đầu mối liên hệ với Văn phòng Chính phủ xin ý kiến để sớm ban hành Nghị định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.
Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh DN CSP, cá nhân tham gia nghiên cứu, sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ nội dung một cách hiệu quả.
Thanh tra Bộ TT&TT tăng cường phối hợp với Trung tâm VNCERT, các cơ quan an ninh điều tra để triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm có liên quan tới hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm có liên quan tới hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trên địa bàn quản lý của Sở.
Các DN cung cấp dịch vụ nội dung CSP, CP khẩn trương thực hiện các thủ tục để đăng ký mã số quản lý; tên định danh (nếu có sử dụng) với TT&TT theo đúng quy định tại Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác.
Các cơ quan báo chí, các đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ tác hại của tin nhắn rác, không nhắn tin phản hồi hoặc làm theo hướng dẫn đối với các tin nhắn không rõ nguồn gốc, nội dung quảng cáo, mời chào hoặc mạo danh các DN, tổ chức, cá nhân.
Các báo, đài cũng khuyến cáo người dân không nhắn tin đến các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn nếu bản thân người sử dụng chưa hiểu rõ hoặc không nắm chắc thông tin về dịch vụ và giá cước dịch vụ.
Khi quảng cáo dịch vụ nội dung qua tin nhắn, dịch vụ nhắn tin trúng thưởng hoặc các chương trình bình chọn, quyên góp, ủng hộ, các báo, đài cũng phải niêm yết thường xuyên, liên tục, rõ ràng thông tin về giá cước, phải có lời thoại thuyết minh về giá cước.
HM
99% mối đe dọa thiết bị di động nhắm vào Android
Submitted by nlphuong on Fri, 11/01/2013 - 06:55(ICTPress) - Theo công bố gần đây của bản tin an ninh Kaspersky năm 2012, 99% chương trình độc hại di động mới được phát hiện nhắm vào hệ điều hành Android, chỉ một số lượng rất nhỏ hướng đến smartphone dựa trên nền tảng Java và Symbian.
2012 là năm thứ hai cho thấy sự tăng trưởng bùng nổ của phần mềm độc hại cho Android. Từ 8 chương trình độc hại duy nhất vào tháng 1/2011, tỷ lệ phát hiện trung bình hàng tháng phần mềm độc hại mới cho Android mới trong năm 2011 đã lên đến hơn 800 mẫu.
Trong năm 2012, Kaspersky Lab đã xác định trung bình 6.300 mẫu phần mềm độc hại trên thiết bị di động mới mỗi tháng. Nhìn chung, trong năm 2012 số lượng mẫu độc hại cho Android được biết đến tăng hơn 8 lần.
Đa số các phần mềm độc hại Android có thể được chia thành 3 nhóm chính dựa theo chức năng: "SMS Trojans" bòn rút tài khoản di động của các nạn nhân bằng cách gửi tin nhắn SMS đến các số điện thoại được đánh giá cao; “Backdoors” cung cấp truy cập trái phép vào smartphone, cài đặt các chương trình độc hại khác hoặc ăn cắp dữ liệu cá nhân của người dùng và cuối cùng là các phần mềm gián điệp nhằm mục tiêu thu thập trái phép dữ liệu cá nhân, chẳng hạn như sổ địa chỉ và mật khẩu (hoặc thậm chí hình ảnh cá nhân).
Trong nửa đầu năm 2012, Backdoors, tin nhắn SMS, Trojans và phần mềm gián điệp chiếm 51% các phần mềm độc hại cho Android mới được phát hiện. Trong bảng xếp hạng Top 10 phần mềm độc hại cho Android đã bị Kaspersky Mobile Security hoặc Kaspersky Tablet Security chặn, SMS Trojans là phổ biến nhất và các ứng dụng hiển thị quảng cáo không mong muốn cho người sử dụng ở vị trí thứ hai. Ít phổ biến rộng rãi nhưng nguy hiểm nhất là Trojans ngân hàng trên di động thường xuyên làm việc kết hợp với các máy tính để bàn, ví dụ như Carberp.
Nền tảng Android cho phép cài đặt phần mềm từ các nguồn không tin cậy và là một trong những cách dễ dàng nhất để lây nhiễm từ việc cài đặt các chương trình từ những trang web đáng ngờ. Tuy nhiên, phần mềm độc hại trên nền tảng phân phối ứng dụng chính thức Google Play là một xu hướng bắt đầu vào năm 2011 và tiếp tục trong năm 2012, bất chấp những nỗ lực của Google để làm giảm hoạt động tội phạm mạng. Một trong những ví dụ điển hình của phần mềm độc hại trên di động trong năm 2012 là "Find and Call", ứng dụng đã len lỏi được vào Google Play cũng như kho ứng dụng của Apple.
FakeRun không chỉ phổ biến rộng rãi tại Mỹ mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới. Trojan này không ăn cắp dữ liệu cá nhân của người dùng nhưng có thể kiếm được tiền cho tội phạm mạng từ quảng cáo hiển thị. Một chương trình độc hại cụ thể được biết đến là Trojan.AndroidOS.FakeRun.a xuất hiện trong Google Play buộc người sử dụng cung cấp cho nó một đánh giá năm sao và chia sẻ thông tin về các ứng dụng trên tài khoản Facebook của họ. Điều duy nhất mà người dùng nhận được là các quảng cáo gây phiền nhiễu.
Một trong những Trojan cho di động nổi tiếng tại châu Âu là Trojan.AndroidOS.Plangton.a. Bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của nó là những quảng cáo thỉnh thoảng xuất hiện và một số mục lạ trong phần bookmark của các trình duyệt web Android. Sau khi bị nhiễm, Trojan kết nối đến một máy chủ lệnh và sửa đổi các mục yêu thích trang web cũng như mở ra một trang web cho thấy nhiều người sử dụng để lừa đảo trực tuyến.
Hiện nay, Internet di động của Nga tràn ngập các tin nhắn SMS Trojans - chương trình độc hại gửi văn bản đến các số cao cấp nhằm đánh cắp tiền của người sử dụng. Ví dụ, Trojan-SMS.AndroidOS.Opfake.bo cải trang bản thân như một giao diện, nhưng trong thực tế, đăng ký người sử dụng đến một nội dung "nhận thưởng" tốn kém.
Nền tảng Android đang trở thành tâm điểm của tội phạm mạng có ý đồ khai thác mạng di động. Những loại mã độc khai thác lỗ hổng và lừa đảo trên Android gia tăng nhanh chóng. Người dùng nên vận dụng những phương pháp bảo mật để tự bảo vệ mình. Đặc biệt, người dùng không nên cài đặt những phần mềm lạ từ những trang web chưa được xác thực. Đồng thời, những phần mềm bảo mật sử dụng cho nền tảng Android rất phong phú có thể là trợ thủ đắc lực giúp người dùng chống lại tội phạm mạng.
Mạnh Vỹ