Thời sự ICT
Nóng chuyện quản lý trang tin điện tử và mạng xã hội
Submitted by nadung on Thu, 04/07/2013 - 13:20Từ các diễn đàn báo chí, vấn đề trang tin điện tử, mạng xã hội, an toàn an ninh thông tin lại trở nên "nóng rát" ngay tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển công tác 6 tháng cuối năm tại Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác quản lý, phát triển internet được thực hiện tốt. Triển khai IPv6, Bộ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết giai đoạn 1 Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam, thực hiện quy hoạch và chuyển đổi IPv6 mạng DNS quốc gia và VNIX.
Ngày 06/5/2013, chính thức khai trương mạng IPv6 quốc gia. Thực hiện nghiêm công tác quản lý, sử dụng và giữ chỗ tên miền có liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Công tác chỉ đạo điều hành về cấp phát, quản lý tên miền truyền thống ".vn" được duy trì tốt. Số lượng tên miền phát triển mới tăng ổn định.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son kết luận Hội nghị. (Ảnh: Mạnh Vĩ) |
Đồng ý với những đánh giá của báo cáo 6 tháng đầu năm nhưng đại diện các Sở cũng tham gia thêm rất nhiều vấn đề quanh việc quản lý nhà nước về thông tin internet.
Đại diện Giám đốc Sở TT&TT Vĩnh Long, ông Nguyễn Việt Thanh cho biết: "Các trang web đăng sai sự thật hoặc lấy tên miền giống tên các cơ quan địa phương, ví dụ baovinhlong. Vấn đề về các trường hợp lừa đảo trên mạng, người dân tố cáo... địa phương chưa có điều kiện, quy định hướng dẫn, chưa có biện pháp xử lý. Đề nghị Bộ có ý kiến hướng dẫn".
Cũng nói về vấn đề quản lý thông tin trên mạng Internet, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh phản ánh: "Vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin trên mạng internet, các mạng xã hội và các blog, 6 tháng đầu năm vấn đề này phát triển rất chóng mặt...".
Ông Hỷ kiến nghị: "Bộ nên tổ chức các hội nghị chuyên đề về vấn đề này trước khi Nghị định sửa đổi Nghị định 97 có hiệu lực, vì hiện nay vấn đề này ở địa phương rất phức tạp".
Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. Hà Nội nhấn mạnh hơn về vấn đề quy định quản lý trang tin điện tử. Ông cho rằng: "Do chưa có quy định về tên miền nên có một số cá nhân, tổ chức đăng ký tên miền gây nhầm lẫn với tên của các cơ quan báo chí, của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Ví dụ như tapchiphunu..., baodientu... là những tên miền dễ gây nhầm lẫn với trang tin điện tử như tôi báo cáo. Đề nghị Bộ có quy định xem xét hồ sơ, đồng thời cũng có chế tài xử lý đối với trường hợp các tổ chức doanh nghiệp được cấp phép trang thông tin điện tử thay đổi địa chỉ văn phòng mà không thông thông báo cơ quan chức năng có thẩm quyền".
Trả lời vấn đề quản lý trang tin điện tử, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục PTTH đưa ra quan điểm: "Đối với ý kiến của TP. Hồ Chí Minh, hiện nay chúng tôi đang chờ Nghị định sửa đổi Nghị định 97".
Ông Bảo cũng lưu ý: Sau khi Nghị định sửa đổi Nghị định 97 đi vào thực tiễn sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề về quản lý thông tin internet và mạng xã hội.
Trả lời vấn đề tên miền doanh nghiệp, cá nhân gây nhầm lẫn với tên miền cơ quan tổ chức Đảng, Nhà nước, ông Hoàng Minh Cường, Giám đốc VNNIC cho biết: "Theo Thông tư 09/2008/TT BTT&TT về tên miền dùng riêng cho tổ chức Đảng, Nhà nước, những đối tượng không phải đối tượng trong thông tư không được sử dụng tên miền này. Trong thực tế, VNNIC liên tục có những rà soát, tên miền gov.vn phải có điều kiện".
Ông Cường cũng nhấn mạnh làm rõ vấn đề nêu lên của các Sở TT&TT về tên miền doanh nghiệp giống cơ quan tổ chức nhà nước là gì. Ông cũng đề nghị các Sở gửi thông tin cụ thể để VNNIC phối hợp xử lý.
Riêng với 2 ví dụ mà Sở TT&TT Hà Nội nêu ra, ông Cường giải thích: "tapchiphunu.net là tên miền quốc tế, còn baodientu.vn không có cơ quan tổ chức Nhà nước".
Ông Cường cũng nhắc đến vấn đề phối hợp giữa Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử và các Sở với VNNIC trong việc cập nhật danh sách các tên miền được đăng ký trên địa bàn, quản lý tên miền không đúng đối tượng.
Thực tế, có các trang web "mạo danh" dùng những tên miền quốc tế (.net, .com, .org... - không có thêm .vn) đưa những thông tin sai sự thật về hoạt động của đất nước ta. Việc này khiến người dân nhầm lẫn, tuy nhiên, để xử lý những trang web có tên miền quốc tế như vậy lại không hề đơn giản.
Đây cũng là một nội dung quan trọng được Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhắc trong phát biểu kết thúc hội nghị: "Nội dung thứ 10 là thực hiện tốt, bảo đảm an toàn an ninh thông tin internet, các địa chỉ IP, số lượng mạng DNS, tên miền quốc gia (.vn) và liên quan đến chủ quyền biển đảo, đẩy nhanh tiến độ IPv6. Tinh thần này, chúng tôi đồng ý với ý kiến của các đồng chí và đồng chí Giám đốc Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh. Bộ sẽ nghiên cứu có hội nghị bàn giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thông tin, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 97 về quản lý cung cấp dịch vụ internet, thông tin trên mạng. Lộ trình xây dựng Nghị định này đã triển khai từ năm ngoái. Đến nay, chúng ta đã trình toàn văn lên Thủ tướng Chính phủ. Thời gian không còn xa nữa, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành nghị định này".
Bộ trưởng cũng chỉ đạo: "Sẽ tổ chức hội nghị quán triệt phổ biến Nghị định mới, bàn giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thông tin trên mạng, bảo đảm an toàn an ninh không gian mạng của chúng ta".
Vấn đề quản lý trang tin điện tử, vấn đề quản lý thông tin mạng internet đã trở thành vấn đề nóng của Hội nghị lần này. Nhiều cán bộ ngành thông tin mong mỏi sự ra đời của Nghị định sửa đổi Nghị định 97 để có những định hướng thích hợp nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp dịch vụ Internet, thông tin trên mạng.
Hồng Chuyên
(Theo Infonet)
Cha đẻ của chuột máy tính qua đời
Submitted by nadung on Thu, 04/07/2013 - 12:58Nhà phát minh ra chuột máy tính Dough Engelberg vừa từ trần trong đêm 2-7, hưởng thọ 88 tuổi.
Ông Engelbart phát minh chuột máy tính hồi thập niên 1960, lúc đó gồm lớp vỏ gỗ bao bọc hai bánh xe bằng kim loại bên trong. Ông đăng ký phát minh công cụ này rất lâu trước khi nó được sử dụng rộng rãi.
Dough Engelberg và phát minh quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin |
Viện Bảo tàng Lịch sử Máy tính bang California, tại TP Mountain View nơi ông đang cộng tác, đã nhận được thông tin đau buồn này từ người con gái của ông, bà Christina Engelbart. Theo đó, ông đã ra đi bình yên trong giấc ngủ.
Nhà khoa học Engelbart sinh ngày 30-1-1925 tại TP Portland, thuộc bang Oregon, là con của một người thợ sửa chữa radio.
Ông theo học chương trình kỹ sư điện tại ĐH bang Oregon và trở thành chuyên viên kỹ thuật ra-đa trong Thế chiến thứ II. Sau đó ông làm việc tại NACA - cơ quan tiền thân của Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) nhưng sớm rời nơi này để theo đuổi học vị tiến sĩ tại ĐH California, Berkeley.
Mối quan tâm về việc làm cách nào để máy tính có thể trợ giúp cho nhận thức của con người đã khiến ông đến với Viện Nghiên cứu Stanford (SRI) và sau đó lập phòng thí nghiệm riêng cho chính mình là Augmentation Research Center. Phòng thí nghiệm này đã hỗ trợ cho sự phát triển của hệ thống ARPA Net – một hệ thống nghiên cứu toàn nước Mỹ góp phần hình thành nên mạng Internet sau này.
Chuột máy tính được ông cho ra mắt đầu tiên tại TP San Francisco hồi năm 1968. Cùng với sự kiện này, ông tổ chức một cuộc họp truyền hình và giải thích lý thuyết liên kết của mình – những cơ sở hình thành nên cấu trúc của Internet sau này.
Ông không được nhận tiền từ phát minh chuột máy tính do bản quyền đã hết hạn trước khi công cụ này được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên SRI đã nhượng quyền cho công ty Apple với giá 40.000 USD.
Ông Engelbart nhận được giải thưởng Lemelson-MIT năm 1997 trị giá 500.000 USD và nhận huy chương Công nghệ Quốc gia Mỹ năm 2000 do "sáng tạo những nền tảng cho máy tính cá nhân".
Ông hiện sống với người vợ thứ nhì Karen O'Leary Engelbart và có 4 người con.
Tr. Lâm
(Theo NLĐ)
Huawei bổ nhiệm Phó Chủ tịch điều hành Nhóm Kinh doanh Huawei Consumer
Submitted by nadung on Thu, 04/07/2013 - 12:18(ICTPress) - Trong ngành công nghiệp thiết bị cầm tay, Giles được biết đến là một nhà lãnh đạo cao cấp, người đã tạo nên sự kết hợp độc đáo giữa sự am hiểu và tầm nhìn toàn cầu với kinh nghiệm sâu sắc tại thị trường Trung Quốc.
Tin từ Huawei cho hay, công ty này vừa công bố bổ nhiệm ông Colin Giles làm Phó Chủ tịch điều hành Nhóm Kinh doanh Huawei Consumer vào ngày 1/7/2013 vừa qua. Giles sẽ là nhân vật chịu trách nhiệm phát triển các hoạt động marketing toàn cầu, mở rộng kênh phân phối mở và bán lẻ.
Với tài năng đã được kiểm chứng qua các thách thức phát triển kênh phân phối và bán hàng, marketing thương hiệu thiết bị cầm tay, Huawei trông đợi việc bổ nhiệm Giles sẽ không chỉ thúc đẩy phát triển kinh doanh Nhóm Consumer của Huawei thành tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghiệp smartphone mà còn thúc đẩy hoạt động marketing toàn cầu của Huawei, góp phần vào mục tiêu đưa Huawei trở thành một thương hiệu tiêu dùng hàng đầu trên thế giới.
Trong những năm qua Huawei đã nhanh chóng được biết đến như đối thủ đáng gờm trên thị trường smartphone toàn cầu cùng với sự phổ biến khắp nơi về nhận diện thương hiệu. Trong năm 2012, riêng Nhóm Kinh doanh Huawei Consumer đã đạt doanh số kỷ lục 7,5 tỉ USD, với mức tăng trưởng đạt 60%/năm và tiêu thụ được 127 triệu đơn vị thiết bị trên toàn cầu, trong đó có 32 triệu smartphone. Trong Quý 1/2013, Huawei đã đứng thứ 4 về thị phần tiêu thụ smartphone, theo các báo cáo nghiên cứu thị trường từ Strategy Analytics và IDC.
Minh Phương
Các công ty TMĐT sẽ trở thành những công ty giá trị nhất thế giới
Submitted by nadung on Thu, 04/07/2013 - 11:53Trong 5 năm tới, các công ty thương mại điện tử có thể trở thành những công ty giá trị nhất thế giới.
Mười năm trở lại đây, thế giới được chứng kiến những công ty kinh doanh trên nền tảng internet từ những nhóm kỹ sư nhỏ làm chung dự án công nghệ, vươn lên thành những người khổng lồ trong giới tài chính và chứng khoán với khối lượng tài sản khổng lồ, ảnh hưởng lớn lên toàn nền kinh tế thế giới.
Trong nhóm 7 công ty hàng đầu, nước Mỹ có người khổng lồ tìm kiếm Google (giá trị vốn hóa 293 tỷ USD), các tập đoàn thương mại điện tử nổi tiếng Amazon (giá trị vốn hóa 125 tỷ) và eBay (giá trị vốn hóa 66 tỷ USD), và tất nhiên không thể không kể tới người khổng lồ mạng xã hội Facebook (giá trị 58 tỷ USD). Ngoài nước Mỹ, Trung Quốc cũng đóng góp ba tên tuổi lớn là Baidu (giá trị 33 tỷ USD), Alibaba và Tencent.
Theo đánh giá của giới quan sát, nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng như hiện tại, nhóm doanh nghiêp này sẽ vươn lên thành những công ty lớn nhất thế giới chỉ trong vòng 5 năm.
Trong thời gian đó, thế giới sẽ được chứng kiến những cuộc đối đầu ngoạn mục trong phân khúc trực tuyến, phân khúc có tốc độ tăng trưởng kinh ngạc trong những thập kỷ gần đây. Thị trường thương mại điện tử sẽ sớm thay thế thị trường truyền thống để trở thành thị trường quan trọng nhất của nền kinh tế.
Tăng trưởng ấn tượng
Tại Mỹ, doanh thu thương mại điện tử năm ngoái đạt 225 tỷ USD, chiếm hơn 5% doanh số bán lẻ. Ở Trung Quốc, thương mại điện tử có tiềm năng phát triển hơn nhiều so với Mỹ với rất nhiều con số ấn tượng.
Năm ngoái, doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc đạt 207 tỷ USD, ứng với 6% tổng doanh thu toàn ngành bán lẻ. Trong vòng năm năm tới đây, theo Jack Ma, nhà sáng lập website Alibaba, thương mại điện tử của Trung Quốc có thể vượt xa con số 6%, lên con số 30% tổng chi tiêu bán lẻ, tức là tăng gấp năm lần.
Là một trong những công ty đầu tiên thành công với mô hình thương mại điện tử, Amazon hoạt động hiệu quả với "chiến lược bổ dọc": bỏ vốn mua hàng dự trữ và cũng đồng thời điều hành một mạng lưới kho khổng lồ cũng như các trung tâm phân phối lớn.
Ngược lại, Alibaba hay các mô hình tương tự eBay hoàn toàn dựa trên thị trường trực tuyến, đóng vai trò phân phối cho một tập hợp lớn các nhà cung cấp đủ thể loại sản phẩm dịch vụ, dịch vụ kho bãi hậu cần cũng như các công ty phân phối.
Đối với đại đa số doanh nghiệp đang muốn bán sản phẩm trực tuyến tại Trung Quốc, cộng sinh với Alibaba là bước đi khôn ngoan hơn cạnh tranh rất nhiều. Mỗi ngày, Alibaba thu hút tới hơn 100 triệu lượt truy cập và có khối lượng mua bán lớn hơn cả Amazon và eBay cộng lại.
Trụ sở Alibaba tại Thượng Hải |
Hơn một nửa số bưu kiện được giao ở khắp đất nước Trung Quốc mỗi ngày là từ hệ thống bán lẻ này. Năm ngoái tổng doanh số hai cổng thông tin của Alibaba là 1,1 ngàn tỷ nhân dân tệ (170 tỷ USD), cao hơn cả eBay và Amazon cộng lại.
Alibaba là một ví dụ sống động cho sáng tạo và cạnh tranh kiểu Trung Quốc. "Ebay có thể là cá mập ngoài đại dương, nhưng tôi là cá sấu sông Dương Tử. Nếu đánh nhau ngoài biển, chúng tôi thua, nhưng đây là sông, nên tôi thắng", nhà sáng lập Alibaba Jack Ma từng nói.
Một số nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến của Trung Quốc đã theo đuổi mô hình Amazon và gặp khó khăn không nhỏ vì đòi hỏi vốn quá lớn, trong khi Alibaba lại cho thấy một cơ chế thông minh, gọn nhẹ và có xét về đường dài càng tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Thậm chí với Alibaba, người dùng còn tranh thủ tìm sản phẩm, dịch vụ phù hợp ngay trên trang mua sắm này, mà bỏ qua các cổng tìm kiếm chuyên dụng như Baidu.
Trang web thương mại điện tử cho phép thương gia kiếm lợi nhuận cao hơn mua bán trực tiếp, có thể đo lường được tác dụng của quảng cáo trên kết quả thực tế là doanh thu mang về chứ không chỉ tính lượt người xem đơn thuần.
Hiện nay, cả Amazon và eBay đều được coi là đang tích cực đầu tư vào một cỗ máy tìm kiếm thế hệ mới trong tương lai trên cơ sở các ưu điểm này.
Alibaba dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu (IPO) và đây sẽ là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất, tiếp sau sự kiện IPO của Facebook hồi năm ngoái. Nhiều người dự đoán giá trị của Alibaba sau khi IPO sẽ ở mức từ 55 tỷ USD đến hơn 120 tỷ USD.
Sự kiện IPO này sẽ khiến cả thế giới chú ý đến sự tăng trưởng vượt bậc của Alibaba. Và ngoài ra còn rất nhiều lý do khác để theo dõi nhà khổng lồ này.
Một trong đó là tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Nếu Alibaba có thể tránh được những sai lầm như Facebook thì chỉ trong vài năm nữa, họ có thể trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới.
Bên cạnh đó còn có lý do là một khi Alibaba mở rộng sang các thị trường mới thì họ có thể thay đổi cả nền kinh tế Trung Quốc. "Với đà phát triển này, chúng tôi có nhiều khả năng trong năm tới sở hữu giá trị hàng hoá giao dịch lớn hơn tất cả doanh nghiệp thương mại điện tử của Mỹ gộp lại", Jack Ma dự báo.
Phan Tâm
(Theo DNSG)
Tổng thống Mỹ không quân tâm tới Snowden vì còn cả núi việc phải làm
Submitted by nlphuong on Thu, 27/06/2013 - 23:10(ICTPress) - Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ không sử dụng máy bay quân sự để buộc máy bay chở Edward Snowden, người tiết lộ các thông tin của An ninh Mỹ, hạ cánh. Tổng thống Mỹ đã cho các nhà báo biết tại cuộc họp báo hôm nay 27/6 trước chuyến đi tới châu Phi.
“Tôi sẽ không sử dụng máy bay để đuổi bắt tin tặc 29 tuổi”, Tổng thống Obama cho biết khi trả lời một viễn cảnh giả thuyết được đặt ra cho ông.
Tổng thống Obama cũng cho các nhà báo biết cá nhân ông không gọi điện thoại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về Snowden.
“Cá nhân tôi đã không gọi điện cho Chủ tịch Tập Cận Bình hay Tổng thống Putin và lý do là, thứ nhất tôi không nên phải gọi”, Tổng thống Obama cho biết, theo Reuters đưa tin.
“Lý do thứ hai, là chúng tôi có nhiều việc làm với Trung Quốc và Nga, và tôi sẽ không để một người bị tình nghi mà chúng tôi đang nỗ lực dẫn độ bất ngờ sẽ bị nâng quan điểm ở nơi tôi bắt đầu giải quyết và trao đổi toàn diện một loạt các vấn đề khác”, Tổng thống Obama cho biết thêm.
Snowden đã bay đến Hồng Kông và ẩn náu trong một khách sạn ở thành phố này sau khi tiết lộ các văn bản về các chương trình theo dõi của An ninh Mỹ cho hai tờ báo Guardian và Washington Post. Snowden đã rời Hồng Kông đến Moscow sau nhiều ngày tiết lộ danh tính và chứng thực thông tin tiết lộ.
Snowden hiện nay được cho là ở một khu vực chuyển tiếp ở một sân bay Nga, là khu vực pháp lý số 0 không được coi là vùng lãnh thổ của Nga. Tổng thống Putin trước đó cho biết ông sẽ không dẫn độ Snowden bởi vì về mặt kỹ thuật Snowden không ở Nga và không phạm tội ở nước này. Trước đó, có những đồn đại cho biết Snowden đã đặt vé máy bay tới Ecuador quá độ qua Cu Ba, mặc dù vậy các nhà báo bay chuyến Moscow tới Havana cho biết chỗ ghế của Snowden bỏ trống.
Các công tố Liên bang Mỹ đã buộc tội Snowden là kẻ trộm tài sản chính phủ và hai tội danh hoạt động gián điệp.
HY
Hạn chế cấp phép, game lậu tung hoành
Submitted by nlphuong on Thu, 27/06/2013 - 07:15(ICTPress) - Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải tìm một biện pháp quản lý game online khác thay thế cho biện pháp "ngăn cấm" bởi nếu hạn chế cấp phép game mới thì sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp nội dung số rơi vào cảnh kinh doanh trái pháp luật.
Game lậu bùng phát
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 1/6/2006, những game trực tuyến có nhiều người chơi, bao gồm game trực tuyến nhập vai (MMOPRG) và game trực tuyến thông thường (Casual Game) phải được Bộ Văn hóa Thông tin (nay chức năng này đã được chuyển giao cho Bộ TT&TT quản lý - PV) phê duyệt nội dung kịch bản và có văn bản đồng ý cho phép phát hành ở Việt Nam.
Vua Bóng rổ, một trong số ít Casual Game mới được cấp phép trong thời gian gần đây |
Theo Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT, tính đến nay Bộ TT&TT đã cấp phép cho 114 game, nhưng đến thời điểm tháng 4/2013 chỉ còn 76 game đang hoạt động (còn 38 game đã thông báo đóng cửa).
Theo bà Nguyễn Thanh Huyền - Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Quản lý Phát PTTH&TTĐT), thị trường luôn tồn tại song song hai loại game (game được cấp phép và game lậu). Đáng báo động là các thể loại game không phép, game lậu những năm gần đây đang bùng phát với số lượng lớn tới mức khó có thể ước tính được là bao nhiêu. Mỗi một cổng game có tới vài trăm game trong đó có rất nhiều game thuộc thể loại phải xin cấp phép.
Do đặc điểm của môi trường trực tuyến nên việc phát hiện nhà phát hành game lậu vô cùng khó khăn, bởi các game lậu lẫn lộn giữa game được phát hành từ nước ngoài và game phát hành từ trong nước. Đa số nhà phát hành game lậu đều giấu nguồn hoặc đặt server ở nước ngoài nhưng vẫn có một cộng đồng game thủ trong nước rất lớn, người chơi có thể dùng thẻ game do các doanh nghiệp trong nước phát hành để chơi hoặc thanh toán qua các cổng thanh toán điện tử.
Bên cạnh đó, còn xuất hiện một số lượng rất lớn các game được cung cấp bởi kho ứng dụng của các mạng xã hội do các công ty nước ngoài như Facebook, Yahoo, Google và gần đây là một làn sóng của các mạng xã hội từ Hàn Quốc và Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam. Mà các game phát hành từ nước ngoài thì không bị thẩm định nội dung như game do các doanh nghiệp trong nước phát hành. Trong năm 2012, Cục Quản lý PTTH&TTĐT đã phát hiện và chuyển thanh tra xử lý hàng chục game không phép.
Theo ý kiến của nhiều người, những năm gần đây các nhà phát hành game có quy mô nhỏ mọc ra như nấm sau mưa, hầu hết những game do họ cung cấp đều không có giấy phép. Thanh tra chuyên ngành TT&TT đã kiểm tra xử phạt nhiều trường hợp nhưng thực tế game lậu vẫn đầy rẫy trên mạng. Thực tế thì thanh tra cũng chỉ xử lý những doanh nghiệp phát hành game có sai phạm nghiêm trọng về nội dung, mà chỉ xử lý được những "ông to", còn vô số các doanh nghiệp nhỏ thì chưa thể kiểm soát được.
Cấm cũng không "quản" được
Theo ý kiến của giới chuyên môn, sự bùng phát game lậu trong một vài năm trở lại đây có một phần nguyên nhân là do chính sách hạn chế cấp phép game của nhà nước. Bởi có những thời điểm gần 2 năm Bộ TT&TT dừng hoàn toàn việc thẩm định game và sau đó chỉ xem xét thẩm định rất hạn chế cho một số ít game. Số lượng game được cấp phép mới rất ít, nhưng nhu cầu người chơi thì có nhiều. Có cầu tất nhiên sẽ có cung, các doanh nghiệp do mục tiêu phát triển kinh doanh vẫn tiếp tục cung cấp những game đáp ứng thị hiếu của người chơi. Cùng với đó game lậu từ nước ngoài không bị hạn chế bởi các quy định quản lý trong nước thì vẫn liên tục phát triển mạnh mẽ trên thị trường. Và hệ quả là game lậu ngày càng hoành hành lấn át game đã được cấp phép cả về số lượng và chủng loại.
Phát biểu về vấn đề này, ông Dương Thế Lương - Giám đốc VTC Intecom (doanh nghiệp có thị phần game online đứng thứ 2 ở Việt Nam) cho rằng, chính sách hạn chế cấp phép game mới thực tế chỉ có thể điều chỉnh được những doanh nghiệp nhà nước và những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Chính sự hạn chế này dẫn đến thị trường game online đang bị phân nhỏ do các nhà phát hành mới khai thác bừa bãi, kinh doanh game lậu tràn lan. Do dịch vụ game online có vòng đời ngắn, rủi ro kinh doanh cao, việc khó ra dịch vụ mới khiến các doanh nghiệp như VTC Intecom ngày càng mất dần thị phần, hạn chế sức cạnh tranh, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng cao. Chưa kể đến các doanh nghiệp trong nước đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các công ty nước ngoài đang cung cấp dịch vụ nội dung số xuyên biên giới mà không bị ràng buộc bởi luật pháp Việt Nam.
Cùng ý kiến với ông Lương, lãnh đạo một số doanh nghiệp game cho rằng, nếu không hạn chế cấp phép thì các doanh nghiệp sẵn sàng làm đúng luật. Còn với chính sách hạn chế như hiện nay thì nhà nước chỉ điều chỉnh được vài doanh nghiệp "có tóc", còn một nhóm đông đảo các doanh nghiệp phát hành game lậu sẽ làm ăn tự do. Điều này sẽ làm hạn chế sức cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh đúng luật và mất dần thị trường về tay các đại gia nội dung số nước ngoài.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, các văn bản quản lý được xây dựng từ năm 2006 không điều chỉnh hết được các loại hình giải trí trực tuyến (mà chủ yếu là game online) trong thời điểm hiện nay. Chính sách chỉ quản lý được những game online chơi trên máy tính mà người chơi thanh toán phí trực tiếp, nhưng còn rất nhiều các game được cung cấp trên các mạng xã hội mà người chơi có thể chơi bằng nhiều thiết bị khác, thanh toán phí gián tiếp thì không bị quản lý. Điều này tạo ra một môi trường kinh doanh không công bằng giữa các doanh nghiệp. "Game lậu chính là hệ quả của chính sách không theo kịp sự phát triển của thị trường tạo ra", ông Lâm Thanh nói.
Ở một khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, game lậu tung hoành khiến dòng tiền chảy ra nước ngoài rất lớn, nhà nước thì thất thu thuế. Ngành nội dung số mang lại lợi nhuận rất lớn cho nhiều quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc... còn các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang có nguy cơ lép vế trước các đại gia toàn cầu bởi thiếu sự hỗ trợ về chính sách. Đã đến lúc nhà nước phải tìm một biện pháp khác thay thế cho biện pháp "ngăn cấm" và "xử phạt". Cần phải có chính sách "xây để chống", bởi nếu kéo dài việc hạn chế cấp phép game mới như hiện nay thì sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh kinh doanh trái pháp luật.
Minh Quyên
Snowden đã sao chép hầu hết thông tin An ninh Mỹ có?
Submitted by nlphuong on Wed, 26/06/2013 - 06:25(ICTPress) - Một cựu quan chức Mỹ cho biết các nhà phân tích An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tin rằng Edward Snowden có thể đã sao chép “hầu hết mọi thứ NSA tình báo được”, Ellen Nakashima và Greg Miller từ báo Washington Post cho biết.
Ngay cả tối qua các quan chức vẫn chưa biết Snowden đã lấy bao nhiêu thông tin từ nơi làm việc của NSA ở Hawaii, nơi Snowden từng làm hợp đồng.
“Họ nghĩ Snowden đã sao chép quá nhiều thứ - gần như mọi thứ mà NSA đã tình báo được”, một cựu viên chức chính phủ cho Washington Post biết “Mọi người lo lắng về những gì sẽ được tiết lộ tiếp theo”.
Tuần trước giám đốc NSA Keith Alexander cho Ủy ban chọn đặc biệt điều tra về tình báo của Hạ viện cho biết Snowden đã làm giả các chìa khó số cho phép anh này tiếp cận tất các khu vực vượt qua cả phạm vi cấp làm việc của mình và hệ quản trị.
Đầu tháng, này nhà báo Glenn Greenwald của Guardian (Báo Người Bảo vệ) cho New York Times biết Snowden đã đưa cho nhà báo này “hàng ngàn” văn bản, mà “hàng tá” trong số đó Greenwald cho biết là giá trị để đăng tải.
Snowden cho biết tờ South China Morning Post biết anh đã nhận được việc ở Booz Allen để “tiếp cận được các danh sách móc móc trên toàn thế giới mà NSA đã thâm nhập được”.
Glenn Greenwald cho biết thêm:
“Nếu tôi có thời gian xem qua toàn bộ thông tin này, tôi có thể cung cấp cho các nhà báo ở mỗi nước để có đánh giá riêng, độc lập với quan điểm của tôi, vì dù thế nào các thông tin của các hoạt động mạng của Mỹ chống lại con người ở nước đó nên được đăng tải”.
Greenwald gần đây cho CNN biết Snowden sở hữu hàng ngàn văn bản, mà nếu được xuất bản sẽ làm tổn hải lớn các khả năng và hệ thống theo dõi của Mỹ trên toàn thế giới”.
Lo lắng tình báo Trung Quốc và Nga có thể tiếp cận hoặc sẽ tiếp cận các tệp thông tin được phân loại mà Snowden có là có khả năng.
Chưa rõ là liệu các quan chức ở Hồng Kông hay ở Nga, nơi Snowden bay qua vào cuối tuần rồi có nhận được bất cứ tài liệu được phân loại nào. Một phát ngôn viên của tập đoàn WikiLeaks, cho biết chính phủ nhiều nước đã sao chép được các văn bản.
Snowden đã cung cấp các văn bản chi tiết về cách các tin tặc của NSA đã nhắm vào các máy tính các mục tiêu của người dân ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục có hệ thống 4 năm qua như thế nào.
Greenwald cho biết ông đã từng sẽ không đăng tải thông tin đó.
“Dù tôi có tiết lộ các địa chỉ IP cụ thể ở Trung Quốc và Hồng Kông mà NSA đang thâm nhập, tôi không nghĩ là tôi có thể”, Greenwald cho The Daily Beast biết. “Điều gì đã thúc đẩy sự rò rĩ thông tin mặc dù cần để lấy lòng những con người ở Hồng Koong và Trung Quốc”.
Matthew Rojansky, Phó Giám đốc Chương trình Nga và Âu Á ở Carnegie Endowment về hòa bình quốc tế ở Washington, cho David M. Herszenhorn của The New York Times biết Cơ quan an ninh Liên bang Nga, cơ quan kế tiếp của KGB, Liên Xô cũ muốn nói chuyện với Snowden.
“Snowden đã mang theo 4 chiếc laptop, công thêm một số ổ cứng, được biết là có chứa mọi loại thông tin khác. Bạn không thể bỏ qua một cơ hội như thế. Bạn không thể để anh ta đi ngang qua, trên đường tới Cuba”.
HY
Tiết lộ An ninh Mỹ từng nghe lén điện thoại của Tổng thống Obama
Submitted by nlphuong on Sun, 23/06/2013 - 06:30(ICTPress) - Russ Tice đã là một nhân viên của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) từ 2002 đến 2005, trước khi trở thành một nguồn thông tin cho bài báo của New York Times đoạt giải báo chí Pulitzer tiết lộ việc gián điệp trong nước.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, thượng nghị sỹ Barack Obama nói chuyện điện thoại với gia đình mình trong một chuyến xe bus chiến dịch bầu cử gần thành phố Sioux, Iowa ngày 17/12/2007 (Ảnh: REUTERS/Carlos Barria) |
Tuần này, Russ Tice đã xuất hiện trên Boiling Frogs Show và thông tin chi tiết làm thế nào ông có trong tay “thực chất của vấn đề, những chi tiết cần thiết” trong 20 năm là nhà phân tích tình báo Mỹ.
Tice cho biết ông đã giữ trong tay các yêu cầu nghe trộm điện thoại tập trung vào nhiều thành viên của chính phủ Mỹ, trong đó có một thượng nghị sỹ trẻ đến từ bang Illinois có tên Barack Obama.
“Vào mùa hè năm 2004, một trong những giấy tờ tôi có trong tay là về việc nghe lén nhiều cuộc điện thoại liên quan tới nghị sỹ khoảng 40 tuổi của Illinois. Bạn sẽ không thể ngờ “nhân vật” này hiện sống nhà Trắng rộng lớn ở Washington D.C. Đó là người NSA đã theo dõi. Tổng thống Mỹ hiện nay”.
Tice đã cho biết thêm ông cũng đã nhìn thấy nhiều lệnh theo dõi Hillary Clinton, các thượng nghị sỹ John McCain và Diane Feinstein, sau đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Colin Powell, tướng David Petraeus, và thẩm phán tòa án tối cao hiện nay.
Điều này giống như nhiều quy tắc mà NSA lạm dụng để quản lý tình báo. Và đó chính xác là cái Tice đã lên tiếng.
“Việc quá đà là phổ biến và bất cứ ai tảng lờ đi chưa từng xảy ra và không thể xảy ra… tôi biết [lạm dụng] bởi vì tôi có trong tay những giấy tờ cho những thứ kiểu như thế này: Họ theo dõi các quan chức quân sự cấp cao; các thành viên Quốc hội - Thượng viện và Hạ viện - đặc biệt là các ủy ban tình báo và các ủy ban quân đội, luật sư, hãng luật, thẩm phán, các viên chức bộ ngoại giao, một phần Nhà Trắng, các công ty đa quốc gia, các công ty tài chính, tổ chức phi chính phủ, và các nhóm dân quyền…”.
Tice đã cho chương trình phát thanh của Sibel Edmond biết năm 2005 NSA đã không có quyền xử lý, hạ tầng và lưu giữ để thu thập mọi thứ, nhưng một nguồn tin bên trong NSA hôm nay đã khẳng định với Tice rằng cả các khả năng đã được tăng lên cho phép cơ quan tình báo này sao chép “mọi thông tin trong nước, từng từ, nội dung, trao đổi điện thoại, mọi thư điện tử - họ thu thập được và đưa vào cơ sở dữ liệu”.
Đây là một công bố kinh ngạc. Và đây là bắt đầu, theo Tice “việc lạm dụng quá mức đã xảy ra và mọi thứ đều bị giấu nhẹm”.
Khi càng nhiều các văn bản bị rò rỉ, một khi những người huýt sáo như Russ Tice đã từng bị quên lãng sẽ ngày càng trở nên liên quan.
HY
Nguồn: Business Insider
Công tố Mỹ chính thức yêu cầu bắt giữ người lấy cắp thông tin của An ninh Mỹ
Submitted by nlphuong on Sat, 22/06/2013 - 07:05(ICTPress) - Các công tố viên Mỹ đã chính thức buộc tội người lấy cắp các thông tin của An ninh Mỹ (NSA), sau chưa tới hai tuần Edward công bố danh tính.
Các công tố viên cũng yêu cầu cơ quan Hồng Kông bắt giữ Edward.
Vừa được báo Washington Post thông báo, các công tố viên đã gửi một đơn kiện liên quan đến tội phạm lên Quận Đông của Virginia, cáo buộc Snowden tội gián điệp, ăn trộm và chuyển đổi các tài sản của chính phủ.
Snowden là nguồn gốc của những văn bản mật đã thông tin những chương trình điều tra không được biết đến trước đó như PRISM của NSA, hay Dự án Tempora của GCHQ. Khi phanh phui thông tin, Snowden đã biến mất nhưng vẫn được cho rằng là đang ở Hồng Kông.
Đơn kiện này mở đường cho các quan chức Mỹ yêu cầu Hồng Kông dẫn độ Snowden, một khi các quan chức đưa ra bản cáo trạng (các công tố viên có 60 ngày để làm việc này), và liệu Snowden sẽ bị bắt. Quá trình dẫn độ này có thể mất vài tháng, và chưa rõ các quan chức ở Hồng Kông liệu có tuân thủ. Sự dẫn độ truyền thống được xem như một phương pháp tấn công chính trị trong luật pháp quốc tế và các hiệp ước dẫn độ có các ngoại lệ để bảo vệ các hình thức mang tính chính trị.
Trong một thông báo cuối tuần trước, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Leung Chun-ying cho biết “Khi cơ chế liên quan được khởi động, Chính quyền Hồng Kông sẽ giải quyết vụ kiện Snowden theo các luật pháp và các quy trình thủ tục của Hồng Kông”.
Trong trả lời phỏng vấn Báo Người bảo vệ (The Guardian), Anh, Snowden cho biết anh đang suy nghĩ đến việc bay tới Iceland để tìm kiếm việc ẩn náu. Các thông tin cũng cho biết một doanh nhân của Iceland có liên quan tới vụ WikiLeaks đã có một máy bay sẵn sàng để đưa Snowden tới nước này.
Tuy nhiên, chưa rõ liệu Iceland có cho Snowden một cơ hội tốt hơn để tránh hệ thống pháp lý của Mỹ. Birgitta Jónsdóttir, một thành viên quốc hội Iceland đã làm việc với WikiLeaks về việc tung ra video ám sát bằng chứng thêm không mấy được biết đến cho biết Snowden không nên đến Iceland.
HY
Người đứng đầu các cấp, ngành phải chịu trách nhiệm ứng dụng hiệu quả CNTT
Submitted by nlphuong on Thu, 20/06/2013 - 10:59(ICTPress) - Tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2013 với chủ đề "CNTT là nền tảng của phương thức phát triển mới nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia" khai mạc sáng nay 20/6 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: M. Vỹ) |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết để CNTT thật sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu triển khai một số giải pháp nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm CNTT là một nền tảng của phương thức phát triển mới trong các cấp quản lý, các ngành kinh tế xã hội, trong mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội. Phát triển và ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh và quản lý hướng tới mục tiêu nâng cao cạnh tranh quốc gia,coi đây là con đường ngắn nhất để Việt Nam tiến kịp các nước, tiến cùng thời đại.
Hai là, xây dựng hạ tầng quốc gia, xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, ban hành chuẩn thông tin quốc gia, bảo đảm an ninh, kết nối liên thông, đồng bộ, chú trọng công tác an ninh, an toàn, bảo mật thông tin quốc gia.
Ba là, Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, làm chủ các bí quyết, giải pháp công nghệ mới, ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương doanh nghiệp và của cả quốc gia.
Bốn là, xây dựng cơ chế chính sách, tạo thuận lợi và hiệu quả cao nhất nhằm đảm bảo ứng dụng CNTT trở thành một yêu cầu tiên quyết trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư trong tiến trình phát triển.
Năm là, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường CNTT, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, tạo thị trường vững chắc trên thị trường trong nước và xây dựng năng lực cạnh tranh vươn ra thị trường ngoài nước.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động mọi nguồn lực đặc biệt là nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển CNTT.
Bảy là, phát triển và ứng dụng CNTT được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội. Người đứng đầu tất cả các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sự bùng nổ của CNTT với các nền tảng ứng dụng, điện toán đám mây, dữ liệu lớn đang hình thành nên xu thế phát triển thông minh trên mọi lĩnh vực từ hạ tầng thông minh, đô thị thông minh, y tế giáo dục thông minh, đến chính phủ, quốc gia thông minh. Từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp thích hợp để thúc đẩy ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trong đó xác định CNTT là một trong những động lực quan trọng nhất của phát triển góp phần làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Hơn 10 năm qua CNTT đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng hiệu quả cao, đóng góp trực tiếp gần 7% GDP của đất nước, đồng thời có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hạ tầng Viễn thông và dịch vụ viễn thông đang phát triển ngang tầm thế giới.
Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ CNTT thế giới, mức độ triển khai CPĐT vươn lên thứ 4 trong các quốc gia Đông Nam Á. Theo kết quả khảo sát của UNESCO Liên hợp quốc, năm 2012, Việt Nam xếp thứ 83 trên tổng số 190 quốc gia được thực hiện đánh giá. Với kết quả này Việt Nam tăng 7 bậc so với năm 2010. Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Brunei. Việt Nam đứng trong nhóm 10 nước về gia công phần mềm và trở thành đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã lọt vào danh sách 10 thành phố mới nổi về gia công phần mềm.
Tháng 6/2013, Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu dân cư 2013 - 2020 nhằm đổi mới căn bản tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho mọi giao dịch của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Từ thực tiễn phát triển, chúng ta cần khẳng định CNTT là trục kết nối chính, là yếu tố có ảnh hưởng quyết định để góp phần thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện thể chế phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Là khách mời của Diễn đàn, ông Yukio Hatoyama, Nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Viện Cộng đồng Đông Á đã phát biểu cho biết để biến Nhật Bản thành quốc gia CNTT hàng đầu, chính phủ đã hình thành chiến lược “Nhật Bản điện tử” (e-Japan), giảm phí truy nhập Internet còn một phần ba so với trước trong vòng 4 năm trong khi tăng số thuê bao Internet tốc độ cao lên 20 lần. Nói cách khác hạ tầng CNTT ở Nhật Bản được triển khai rất nhanh chóng.
Ông Yukio Hatoyama phát biểu tại Diễn đàn |
Ông Yukio Hatoyama nghĩ rằng vì Việt Nam hiện đang trải nghiệm tăng trưởng, kinh tế cao, nên rất đáng để tư vấn Việt Nam nên đồng thời tiến vào cái mà chúng tôi tạm gọi là chiến lược “Việt Nam điện tử” hướng đến một hạ tầng CNTT sẵn sàng và chiến lược “u-Vietnam” hướng đến xây dựng xã hội mạng phổ cập, phổ quát mọi nơi.
Tại Diễn đàn này Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng đã cho biết Bộ TT&TT đang thực hiện các chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng và Nhà nước để thúc đẩy ứng dụng CNTT để Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT.
Diễn đàn cấp cao CNTT - Truyền thông là diễn đàn cấp cao quốc gia để thảo luận và chia sẻ về tầm nhìn, xu thế phát triển, chiến lược và đặc biệt các giải pháp trong phát triển CNTT, đặc biệt là trong ứng dụng, phát huy CNTT trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững và thực hiện hiện đại hóa từng doanh nghiệp, cơ quan, ngành địa phương và đất nước.
Diễn đàn sẽ diễn ra trong hai ngày 20 và 21/6 tại Hà Nội với các tọa đàm về hạ tầng thông tin quốc gia - Vấn đề và giải pháp; CNTT - nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; CNTT - cải cách đào tạo đại học; CNTT - Cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô và trình diễn, giải pháp công nghệ.
HM