Nghề báo
Truyền thông Ấn Độ đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội
Submitted by nlphuong on Fri, 17/12/2021 - 20:29Báo Times of India nhận định Việt Nam là đối tác thân thiết nhất của Ấn Độ ở Đông Nam Á, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đã có một tầm vóc mới với lợi ích chung về chiến lược, chính trị, an ninh và kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla chứng kiến Lễ ký kết hợp tác trong lĩnh vực thư viện và truyền hình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Trong bối cảnh năm 2021 là thời điểm Việt Nam và Ấn Độ kỷ niệm 5 năm nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện và hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm sau, báo Times of India ngày 16/12 đã có bài viết, trong đó đánh giá chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mang theo một chương trình nghị sự đầy tham vọng bao trùm nhiều khía cạnh, không chỉ trong quan hệ song phương mà còn cả các vấn đề khu vực và quốc tế.
Trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ ba mục tiêu của chuyến thăm. Thứ nhất là tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước nói chung và quan hệ giữa các cơ quan lập pháp của hai nước nói riêng.
Thứ hai là tạo động lực mới cho quan hệ song phương, tạo cơ hội để hai bên hiểu thêm về chính sách phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của mỗi nước.
Thứ ba là so sánh quan điểm của hai bên về các vấn đề quốc tế và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu nhằm đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
[Chủ tịch Quốc hội kêu gọi các tập đoàn Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam]
Bài viết nhận định Việt Nam là đối tác thân thiết nhất của Ấn Độ ở Đông Nam Á. Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đã có một tầm vóc mới với những lợi ích chung về chiến lược, chính trị, an ninh và kinh tế.
Cả hai đều mong muốn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, cũng như tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương. Hai nước đều đang hoạt động trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách là ủy viên không thường trực, là thành viên của các diễn đàn nghị viện đa phương và hỗ trợ nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Bất chấp những hạn chế do đại dịch COVID-19 gây ra, quan chức hai nước vẫn duy trì trao đổi và tương tác.
Bài viết cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ mở ra một loạt cuộc đối thoại và thảo luận nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Chủ tịch Thượng viện kiêm Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Theo báo Times of India, chuyến thăm này diễn ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin và có ý nghĩa quan trọng, bởi cả Ấn Độ và Việt Nam đều có quan hệ rất thân thiết với Nga.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Putin, Ấn Độ và Nga đã thảo luận về khả năng hợp tác chung xây nhà máy điện hạt nhân ở các nước thứ ba như đã hoàn thành ở Bangladesh. Điều này mở ra khả năng hợp tác ba bên Ấn Độ-Nga-Việt Nam nhằm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
Do đó, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ là bước tiến quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ giữa hai nước, không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng mà cả kinh tế và an ninh hàng hải.
Bài viết nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch là một kỳ tích và Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng. Những yếu tố này khiến Ấn Độ coi quan hệ thương mại với Việt Nam là đặc biệt quan trọng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước, hai bên cần sớm triệu tập cuộc họp lần thứ 5 của Tiểu ban hỗn hợp về thương mại để tìm biện pháp tháo gỡ kịp thời các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường của nhau. Điều này cho thấy mối quan hệ đầu tư giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.
Theo bài viết, mối quan hệ chiến lược Việt Nam-Ấn Độ có tiềm năng to lớn trong việc đảm bảo hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây có thể là định hướng cho cuộc đối thoại nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=761562
Trao giải VIEWS Awards 2021 cho 16 tác phẩm viết về thiên nhiên hoang dã
Submitted by nlphuong on Thu, 16/12/2021 - 21:42Chiều ngày 16/12, lễ trao giải báo chí VIEWS Awards 2021 đã được diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, do CHANCE phối hợp cùng WildAid tổ chức, nhằm tôn vinh những phóng viên, nhà báo đã có những bài viết hay, “lột trần” được thực trạng mua bán động vật hoang dã (ĐVHD).
Sau 3 tháng phát động (từ ngày 28/7/2021-31/10/2021) với chủ đề “Truy vết đặc sản thú rừng”, 16 tác phẩm đã vượt qua hơn 160 bài tham dự ở hạng mục Báo chí và Mạng xã hội.
Loạt tác phẩm "Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng" đoạt giải Nhất báo chí. |
Ở hạng mục báo chí, giải Nhất thuộc về nhà báo Hoàng Văn Chiên – Đỗ Doãn Hoàng của báo Dân Việt với loạt tác phẩm điều tra về tình trạng công khai nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán ĐVHD ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới giáp Lào – Campuchia.
Giải Nhì thuộc về nhà báo Hoàng Đình Tưởng với tác phẩm được đăng tải trên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường. Loạt bài này tác giả đã điều tra và phản ánh về tình trạng buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kom Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.…
Chuỗi bài viết “Chung tay bảo vệ loài hoang dã tại Việt Nam” được đăng tải trên Thông tấn Xã Việt Nam của nhà báo Trần Diệu Thuý đã đoạt giải Ba. Bài viết truyền thông thay đổi hành vi, chung tay cùng các cơ quan thực thi cải thiện hệ thống pháp luật rõ ràng và hiệu quả, góp phần tăng cường các công tác bảo vệ ĐVHD.
Ba giải Khuyến khích thuộc về nhà báo Nguyễn Trường Sơn (có bài phóng sự phát trên kênh VTV24h), nhà báo Trần Minh Tích (có bài đăng trên Tạp chí Thương hiệu và Công luận) và nhà báo Nguyễn Thị Mai Hương (có bài đăng trên báo điện tử Đại biểu Nhân Dân).
Ban tổ chức trao giải Nhất, Nhì, Ba và 3 giải Khuyến khích cho hạng mục mạng xã hội. |
Theo Ban tổ chức, VIEWS Awards là giải báo chí thường niên do CHANCE khởi xướng, dành cho nhà báo và người dùng mạng xã hội, nhằm tôn vinh những cây viết bảo vệ môi trường, bảo vệ ĐVHD và tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng trong xã hội.
Năm nay, với chủ đề “Truy vết đặc sản thú rừng”, VIEWS Awards mong muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng và Chính phủ về vấn nạn tiêu thụ sản phẩm từ các loài động vật rừng tại Việt Nam, hiện đang đe doạ trực tiếp tới đa dạng sinh học quý báu của đất nước.
Việt Nam được các nước trên thế giới báo động về vấn nạn tiêu thụ và giết hại ĐVHD nhiều nhất. |
Theo CHANCE, thực trạng buôn bán ĐVHD tại Việt Nam tràn lan, các đầu mối tiêu thụ thịt rừng và các hành vi vi phạm pháp luật đã được “truy vết”, phơi bày rõ nét, chân thật qua các bài phóng sự, thước phim và hình ảnh trong hơn 160 bài dự thi. Sự tinh vi, phức tạp của những giao dịch liên quan đến động vật rừng trên không gian mạng cũng được bóc trần, phản ánh sâu sắc và đa chiều. Tất cả đều chung một mối quan tâm về vấn đề “nóng” như săn bắt, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái phép ĐVHD tại Việt Nam.
Ông Oliver Todd, Tổng lãnh sự Anh chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn và trân trọng tâm huyết của các phóng viên, nhà báo tại Việt Nam. Cho dù các bạn hoạt động chuyên nghiệp hay không chuyên, nhưng với những thông tin truyền tải trên báo, mạng xã hội cũng góp phần thay đổi hành vi, nhận thức của cộng đồng, cùng nhau bảo vệ thiên nhiên hoang dã”.
Giải báo chí "Giảm ô nhiễm nhựa đại dương" vinh danh tác giả xuất sắc
Submitted by nlphuong on Mon, 13/12/2021 - 20:54Qua 2 vòng chấm thi sơ khảo và chung khảo, Ban Giám khảo đã thống nhất chọn ra 13 tác phẩm xứng đáng nhất theo các tiêu chí về nội dung, chủ đề và hình thức để trao giải.
Trao giải Nhất cho đại diện nhóm tác giả của tác phẩm ''Chân dung cuộc sống: Cù lao xanh''. (Nguồn: VOV) |
Ngày 10/12, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Lễ trao Giải báo chí về "Giảm ô nhiễm nhựa đại dương" được tổ chức để vinh danh các tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất.
Giải là hoạt động nhằm ghi nhận và tôn vinh các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền về giảm ô nhiễm nhựa đại dương. Qua đó, phát huy vai trò chủ lực của báo chí trong công tác truyền thông giảm ô nhiễm nhựa đại dương, cải thiện chất lượng, hình thức các sản phẩm báo chí, truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa.
Sau gần 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hàng trăm tác phẩm từ 64 cơ quan báo chí, đơn vị, cá nhân trong cả nước, 206 tác phẩm đáp ứng điều kiện thể lệ cuộc thi đã được lựa chọn vào vòng sơ khảo.
Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho biết nhiều tác phẩm được trình bày hiện đại, công phu dưới dạng Mega Story, E-magazine, bài viết kèm các phóng sự truyền hình hấp dẫn… Một số tác phẩm đã thể hiện được sự dấn thân của tác giả để có những thước phim, hình ảnh ấn tượng, thông tin độc đáo.
Đặc biệt, tham dự giải có nhiều đơn vị báo chí đến từ những địa phương miền núi như Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang…, nhiều tác phẩm của các tác giả tự do, cho thấy tính tác động của Giải tới nhiều người, nhiều đơn vị và ngành nghề.
Qua 2 vòng chấm thi sơ khảo và chung khảo, Ban Giám khảo đã thống nhất chọn ra 13 tác phẩm xứng đáng nhất theo các tiêu chí về nội dung, chủ đề và hình thức để trao giải.
Giải Nhất được trao cho tác phẩm ''Chân dung cuộc sống: Cù lao xanh'' của nhóm tác giả thuộc Đài Truyền hình Việt Nam.
Hai giải Nhì được trao cho tác phẩm ''Ô nhiễm 'trắng' trên biển và đại dương: Nỗi lo không của riêng ai'' của báo Tuổi trẻ Thủ đô và loạt bài ''Đáy biển nổi sóng vì rác nhựa'' của Tạp chí điện tử Ngày nay.
Ba giải Ba được trao cho các tác phẩm ''Những bức tranh cổ động gây ám ảnh về rác thải nhựa đại dương'' của Báo điện tử VTC News; ''Chuyện chống rác thải nhựa ở vùng cao'' của Báo Tuyên Quang Online; ''Hành trình 'khó tin': 10 ngày du lịch không rác thải nhựa của gia đình Hà Nội'' của Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 5 giải Khuyến khích và hai giải phụ cho tác phẩm có tác động mạnh mẽ và tác phẩm có đề tài ấn tượng nhất.
Giải do Báo điện tử VTC News phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam và Ban Quản lý dự án về "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương" tại Việt Nam, tổ chức./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=760168
Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng chia sẻ bản thu âm Quốc ca với các tổ chức, cá nhân
Submitted by nlphuong on Fri, 10/12/2021 - 10:16Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: “Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng chia sẻ bản thu âm Quốc ca đến với các tổ chức, cá nhân sử dụng”.
"Tiếng nói Việt Nam" đã có 75 năm đồng hành cùng đất nước qua nhiều chặng đường lịch sử đầy gian nan, thử thách nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Đài TNVN trở thành "Tiếng nói của non sông", của độc lập - tự do, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người bạn tin cậy của bè bạn quốc tế.
Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức dàn dựng rất công phu 4 sản phẩm âm nhạc chủ đạo trong các hoạt động chính trị của đất nước. |
Ông Nguyễn Năng Khang, phó giám đốc Trung tâm sản xuất và lưu trữ chương trình - Đài TNVN cho biết: Vào năm 1997, Đài TNVN đã quyết định dàn dựng tác phẩm quốc gia để làm một bản ghi chính thức sử dụng trên làn sóng của Đài TNVN và cung cấp cho các đơn vị khi có nhu cầu. Sau này được Ban Tuyên giáo trung ương quyết định là bản ghi chính thức Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, để cho các đơn vị sử dụng.
“Với bản ghi này, Đài TNVN là đơn vị sản xuất, các nhạc sỹ phối khí, trình diễn là của Đài TNVN hoặc Đài TNVN mời cộng tác và được ghi tại studio M của Đài TNVN. Và hiện nay chúng tôi lưu giữ bản ghi đó tại Trung tâm sản xuất và lưu trư chương trình - Đài TNVN” , Ông Khang chia sẻ.
Còn theo NSƯT, nhạc sỹ Doãn Nguyên – Trưởng Ban Âm nhạc VOV3, Đài Tiếng Nói Việt Nam thì cho rằng: Với nòng cốt là dàn nhạc của Đài TNVN, dàn hợp xướng của Đài TNVN có mời thêm một số nhạc công của Nhà hát nhạc múa kịch và ở ngay studio M, 58 Quán Sứ được sản xuất và thu các bản nhạc lễ. Đây là những bản nhạc hết sức quy chuẩn, chính quy, đúng nghĩa là bản nhạc lễ chơi với một dàn hợp xướng với gần 100 nhạc công.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. |
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, 23 năm trước Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện thu thanh bản ghi Quốc ca và trải qua các thời kỳ, lãnh đạo Đài đã chỉ đạo Ban Âm nhạc cũng như Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức dàn dựng rất công phu 4 sản phẩm âm nhạc chủ đạo trong các hoạt động chính trị của đất nước.
Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh: "Với trách nhiệm là một cơ quan báo chí quốc gia có bề dày hoạt động về truyền thông, văn hóa, Đài Tiếng nói Việt Nam cảm thấy có trách nhiệm trong việc phổ biến những sản phẩm âm nhạc chính thống đến với công chúng. Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các tổ chức cá nhân để công bố, cho sử dụng rộng rãi sản phẩm thuộc bản quyền Đài Tiếng nói Việt Nam đến với công chúng cả nước và quốc tế trên mọi nền tảng".
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan công bố sản phẩm này trên nền tảng số của Đài, trên báo điện tử VOV.VN, VTC News… và các đơn vị khác của Đài để cho công chúng, các đơn vị, tổ chức cá nhân liên quan có thể sử dụng một cách rộng rãi những bản nhạc có chất lượng thu cao.
Những ngày qua, dư luận bức xúc trước sự việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận Việt Nam - Lào trên kênh YouTube tối 6/12. Đơn vị phát sóng trên nền tảng YouTube là Next Media giải thích: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ Chào cờ. Sau lễ Chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".
Nhạc sĩ Văn Cao là tác giả "Tiến quân ca" - Ảnh: VGP |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc bản ghi âm quốc ca, quốc thiều các nước có nhiều phiên bản được đăng ký bản quyền trên YouTube bởi nhiều đơn vị khác nhau.
Ngày 7/12, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Theo đó, Bộ VHTTDL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Cơ quan này nhấn mạnh rằng pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Công Hóa, nguyên trưởng Ban quản lý dự án Website Chính phủ (tiền thân của Cổng thông tin điện tử Chính phủ hiện nay), cho biết, từ khi Website Chính phủ, trang web chính thức của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet toàn cầu, ra mắt vào ngày 10/1/2006, Website Chính phủ đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chính thức chuyển giao, công bố chính thống Quốc ca Việt Nam trên mạng Internet toàn cầu.
Đây là một trong các dữ liệu chính thức về Nước, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet, gồm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Tuyên ngôn cũng như các văn bản pháp luật…
Nguồn: PV/congluan.vn
https://congluan.vn/dai-tieng-noi-viet-nam-san-sang-chia-se-ban-thu-am-quoc-ca-voi-cac-to-chuc-ca-nhan-post171328.html
"Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2021": Lan toả những câu chuyện đẹp, những bài học quý
Submitted by nlphuong on Tue, 07/12/2021 - 11:05Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo và Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, mang tới những câu chuyện sâu sắc, dung dị về Bác.
"Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2021" là chương trình về những tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2021" do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo và Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, mang tới những câu chuyện sâu sắc, dung dị về Bác, về những tấm gương được truyền cảm hứng từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó khơi gợi, lan toả những câu chuyện đẹp, những bài học quý đến khán giả truyền hình cả nước như lời Người đã dạy: "Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới".
Lấy cảm hứng từ những tác phẩm với những giá trị lịch sử và ý nghĩa văn chương sâu sắc, tinh thần lạc quan trước thử thách gian khó, chương trình thể hiện những câu chuyện, tiết mục nghệ thuật, sân khấu dưới dạng nhật ký của từng nhân vật trong hành trình đối mặt với những khó khăn, thử thách.
Đó là nhật ký chống dịch của trung úy Trần Văn Dũng - CSKV 18, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.Hồ Chí Minh; Nhật ký phương xa của Nguyễn Thị Diệu Linh - Chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa Séc; Nhật ký phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn của các chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 270, Quân khu 5; Nhật ký thanh niên của võ sĩ vô địch thế giới Nguyễn Thị Thu Nhi với câu nói đầy tự hào "I’m from Vietnam!"... Các nhân vật trong chương trình kể lại câu chuyện của chính họ được truyền cảm hứng từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tư tưởng xuyên suốt trong chương trình là những câu thơ của Bác về bài học làm người, lấy gian nan để rèn luyện ý chí tinh thần, nhắc nhở động viên chúng ta không nên lùi bước, nản lòng trước những khó khăn như: "Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công", hoặc "Kiên trì và nhẫn nại/Không chịu lùi một phân/Vật chất tuy đau khổ/Không nao núng tinh thần".
Những lời Bác tự động viên mình đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ. Tinh thần của Bác đã trở thành động lực phấn đấu và cống hiến, là kim chỉ nam cho hành động thực tiễn của chúng ta hôm nay - "Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân/Nghĩ mình trong bước gian truân/Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng".
Cùng với những vần thơ của Bác, chuyến hành trình năm 2021 mang tới chùm ca khúc đi cùng năm tháng viết về Người: Thăm Bến Nhà Rồng, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, Đất nước bên bờ sóng, Bác Hồ một tình yêu bao la, Như có Bác trong ngày vui đại thắng... với phần thể hiện của NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSƯT Phạm Phương Thảo, ca sĩ Đông Hùng, Bảo Trâm, các ca sĩ nước ngoài, các cụ già từng là thiếu sinh quân và các cháu thiếu nhi.
Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2021" được thực hiện trong một năm đầy ý nghĩa: Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, bắt đầu hành trình tìm con đường đi đến độc lập, tự do cho dân tộc ta; Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Trong bối cảnh đó, chương trình mong muốn truyền tải đến đồng bào chiến sĩ, cán bộ đảng viên cả nước tinh thần của Bác để lại cho chúng ta: tinh thần vì nước vì dân, tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn để quyết tâm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc phồn vinh và hạnh phúc.
Nguồn: vtv.vn
https://vtv.vn/truyen-hinh/ho-chi-minh-hanh-trinh-khat-vong-2021-lan-toa-nhung-cau-chuyen-dep-nhung-bai-hoc-quy-20211206063447725.htm
Nữ nhà báo và những câu chuyện khơi dậy tinh thần đoàn kết trong đại dịch
Submitted by nlphuong on Sat, 04/12/2021 - 21:25Muốn “Dựng nhà cần nhiều người, đánh giặc cần nhiều sức” đó là tinh thần xuyên suốt mà nhà báo Thu Thảo - Báo An Giang muốn truyền đạt qua loạt bài 5 kỳ “Đoàn kết, chung tay đánh bay Covid-19”. Loạt bài vinh dự nhận giải Khuyến khích – tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020.
Gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã khiến nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh phải đình trệ, nhiều công việc, nhiều nghề phải tạm ngưng… Thế nhưng, với những người làm báo, nhất là nhà báo, phóng viên tác nghiệp trong vùng dịch thì đây là thời điểm họ phải nỗ lực hơn, xông xáo hơn gấp nhiều lần so với bình thường để kịp thời đưa những thông tin nhanh nhạy, chính xác đến độc giả.
Phóng viên tham gia tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: nhà báo Thu Thảo |
Năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và các nước lân cận, nhất là ở Campuchia, nhiều người dân xa xứ đã tìm cách quay về quê hương. An Giang là tỉnh có gần 100km giáp biên giới Campuchia, có nhiều người dân sinh sống, làm việc, lao động ở đất nước bạn. Khi dịch bệnh phức tạp, người dân đã tìm cách quay về nước bằng con đường hợp pháp và cả trái phép. Khi trở về, có những người đã bị nhiễm Covid-19.
Không nằm ngoài cuộc chiến “chống giặc” Covid-19, An Giang phải vừa chống dịch bên ngoài lẫn bên trong. Là phóng viên phụ trách địa bàn giáp biên giới, nhà báo Thu Thảo đã tăng cường độ làm việc, không ngại hiểm nguy vào những khu cách ly tập trung, gặp gỡ, tiếp xúc, phỏng vấn… những người dân xa xứ trở về.
Luôn bám sát các vấn đề thời sự được nhiều độc giả quan tâm, chị đã theo chân các đoàn công tác của UBND tỉnh, các ngành, đoàn thể đến thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm căng mình chống dịch. Hay đi đến những chốt trực ở biên giới để cùng chia sẻ những khó khăn, khổ cực với các chiến sĩ biên phòng, công an, dân quân.
Nhà báo Thu Thảo tại Lễ trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 14, năm 2019 - 2020. Ảnh: nhà báo Thu Thảo |
Nhà báo Thu Thảo chia sẻ: “Xuất phát từ những lần đi thực tế tác nghiệp, tôi quyết định sẽ triển khai thực hiện loạt bài 5 kỳ để kịp thời thông tin đến độc giả về bức tranh tổng thể về cuộc chiến chống giặc Covid-19 mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân An Giang đang ngày đêm nỗ lực thực hiện”.
Thời gian qua, vượt qua những khó khăn thiếu thiếu, đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo An Giang đã nỗ lực để kịp thời thông tin đến độc giả một cách nhanh nhất, chính xác nhất về tình hình dịch bệnh. Trong đó có những chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Giống như nhiều đồng nghiệp, nhà báo Thu Thảo luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường, bên cạnh luôn có laptop, máy ảnh, điện thoại và không thể thiếu nước sát khuẩn, khẩu trang để bảo vệ mình và mọi người. Bất kể giờ giấc, ngày thứ bảy hay chủ nhật, đêm hay ngày khi có thông tin là chị và đồng nghiệp lại liên hệ, đi thực tế tác nghiệp.
“Có những chuyến công tác đột xuất, liên tục, ngoài giờ hành chính và cả ngày nghỉ. Chúng tôi có nhiều đồng nghiệp vất vả, cực khổ, vô cùng nguy hiểm khi vào những nơi cách ly, phong tỏa, những nơi thu dung, điều trị F0… nếu không cẩn thận thì có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Nhưng không vì nguy hiểm mà mọi người chùn bước. Ngược lại, ai cũng trách nhiệm, hết mình với công việc, với mục tiêu cuối cùng là cho ra đời những tác phẩm báo chí đúng, trúng, kịp thời, nhanh nhạy nhất để đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả” chị Thu Thảo tâm sự.
Các đoàn công tác của tỉnh đoàn An Giang đến thăm, tặng quà, đèn năng lượng mặt trời cho các chốt, tổ công tác của lực lượng biên phòng. Ảnh: nhà báo Thu Thảo |
Trong loạt bài, không chỉ nêu bật vai trò của lực lượng phòng, chống dịch tuyến đầu; ghi nhận những nghĩa cử cao đẹp, hành động thiết thực của các tổ chức, cá nhân, nhà báo Thu Thảo còn đi sâu gặp gỡ, phỏng vấn những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc, trẻ em cơ nhỡ, lao động bị mất việc vì dịch bệnh Covid-19…
Nhà báo Thu Thảo cho biết, tôi còn nhớ những câu nói chân tình, chân chất của nhân vật Aly, chú là người dân tộc Chăm, sau khi hết cách ly y tế tập trung. Khi trả lời phỏng vấn, chú rất thật thà cho biết: “Tôi học không nhiều nên chữ nghĩa chẳng bao nhiêu. Bao năm buôn bán cơ cực lo cái ăn, cái mặc nơi đất khách, quê người. Lúc hoạn nạn, khó khăn lại được Đảng, Chính phủ, chính quyền địa phương chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, từng cái bàn chải, khẩu trang… Lại được thoải mái hành lễ (tại phòng) theo phong tục của dân tộc mình. Tôi thật sự xúc động lắm!”.
Nói đến đây, giọng chú nghẹn lại, nhìn vào đôi mắt của chú, tôi thấy những giọt nước mắt lăn dài xuống đôi gò má đen sạm. Chú nhìn tôi rồi nói: “Không biết nói gì hơn, tôi nhờ cô giúp tôi chuyển lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền! Cảm ơn các cô chú trong ban điều hành khu cách ly đã chăm sóc tôi và mọi người như người trong nhà. Ơn này tôi ghi mãi”.
Hay anh S.K.Rin (dân tộc Chăm, ngụ Bình Di, Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) xúc động nói: “Không thể nói hết những tình cảm, những ân tình, những gì mà Nhà nước, chính quyền địa phương và các anh, chị trong khu cách ly này đã dành cho chúng tôi. Không có gì quý hơn những lúc khó khăn, Tổ quốc lại dang tay đón chúng tôi về nước”. Rồi anh để tay lên ngực nói: “Tôi yêu Việt Nam! Dù đi bất cứ nơi đâu, Việt Nam luôn trong trái tim tôi”.
Các đoàn công tác của tỉnh đoàn An Giang đến thăm, tặng quà, đèn năng lượng mặt trời cho các chốt, tổ công tác của lực lượng biên phòng. Ảnh: nhà báo Thu Thảo |
Đó là những câu nói, những tình cảm ấm áp, chân thành của những người con xa xứ khi được quê hương dang tay chào đón họ khi gặp khó khăn... tất cả họ luôn khiến chị ghi nhớ trong hành trình làm nghề của mình.
Nữ nhà báo tác nghiệp trong mùa dịch, bên cạnh sự cố gắng của bản thân thì gia đình luôn là nguồn động viên tinh thần lớn nhất để mỗi người vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu và cháy mãi ngọn lửa yêu nghề.
Nói về việc cân bằng giữa công việc và gia đình, nhà báo Thu Thảo tâm sự: “Tôi nghĩ, người thân của mỗi phóng viên, nhà báo cần biết sẻ chia, cảm thông với những đặc thù của nghề nghiệp mà chúng tôi đã – đang trải qua. Quan trọng nữa là gia đình cũng yêu mình, yêu công việc của mình để hỗ trợ, tạo điều kiện cho mình làm việc. Nhưng đáp lại những tình cảm đó, thì bản thân mỗi nhà báo, phóng viên phải biết sắp xếp công việc, thời gian làm việc của mình thật khoa học để san sẻ, dành thời gian rãnh rỗi để gần gũi và yêu thương gia đình. Có như vậy mới có thể cân bằng và hài hòa giữa công việc và gia đình”.
Nguồn: Vũ Phong/congluan.vn
Ông Trần Thanh Lâm giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Submitted by nlphuong on Fri, 03/12/2021 - 21:48Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao Quyết định, phát biểu chúc mừng và giao nhiệm vụ cho ông Trần Thanh Lâm, tân Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao Quyết định bổ nhiệm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho đồng chí Trần Thanh Lâm. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Chiều 3/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Ngọc Linh đã công bố Quyết định số 398-QĐNS/TW ngày 30/11/2021 của Ban Bí thư bổ nhiệm đồng chí Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao Quyết định, phát biểu chúc mừng và giao nhiệm vụ cho ông Trần Thanh Lâm, tân Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ năm 2021 - năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, là năm từng bước kiện toàn bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương. Đến nay, Ban Tuyên giáo Trung ương cơ bản hoàn thành một bước kiện toàn nhân sự.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Đạt được kết quả này, trước hết là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Ban Tuyên giáo Trung ương từ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá từ khi về công tác tại Ban Tuyên giáo Trung ương đến nay, ông Trần Thanh Lâm đã khẳng định vai trò, trách nhiệm và hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao; thường xuyên có ý thức rèn luyện năng lực, đạo đức, tác phong trong công tác; quản lý linh hoạt và kiên quyết; tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Ban về nhiều vấn đề.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng với trọng trách lớn, nhiệm vụ nặng nề, ông Trần Thanh Lâm sẽ tiếp tục học tập rèn luyện và làm việc xứng đáng với niềm tin của Đảng, Ban Bí thư và của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; tiếp tục nâng cao lập trường chính trị, bản lĩnh của một lãnh đạo ở cơ quan chiến lược, đặc biệt ở lĩnh vực nóng bỏng như báo chí.
Phát biểu nhận nhiệm vụ mới, ông Trần Thanh Lâm bày tỏ niềm vinh dự, tự hào được Ban Bí thư quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Trần Thanh Lâm khẳng định quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu nhận nhiệm vụ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Ông Trần Thanh Lâm, sinh ngày 11/9/1973; Quê quán: Hà Nam; Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ Quản trị thông tin.
Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Trần Thanh Lâm đã kinh qua nhiều vị trí công tác tại Trung ương Đoàn như Phó Chánh Văn phòng, Thư ký Bí thư thứ nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn; Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam.
Tháng 2/2017, ông Trần Thanh Lâm được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; tháng 8/2019, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương./.
“Trên tất cả, người làm phim tài liệu phải giữ được lửa nhiệt huyết trong tim”
Submitted by nlphuong on Fri, 03/12/2021 - 06:36Đó là đúc kết của nhà báo Nguyễn Quang Tuấn- một trong những thành viên của ê-kíp Bộ phim “Giặc nội xâm” - tác phẩm vừa đoạt giải Đặc biệt Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba. Báo NB&CL đã có cuộc trao đổi cùng nhà báo Nguyễn Quang Tuấn xoay quanh bộ phim tài liệu này.
Phòng, chống tham nhũng- những bài học lịch sử
+ Làm phim tài liệu luôn đòi hỏi chất lượng, sự sáng tạo cao, vậy “Giặc nội xâm” được xây dựng dựa trên ý tưởng, kịch bản nào thưa anh?
- Khi nhận nhiệm vụ từ Ban Tuyên giáo Trung ương để triển khai làm bộ phim về công tác phòng chống tham nhũng trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, chúng tôi đã xác định đây là một đề tài hóc búa và chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng rất may mắn, ngay từ lúc xây dựng và phát triển ý tưởng, chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ, góp ý rất nhiệt tình, sâu sắc của các chuyên gia của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh, Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương, từ đó hình thành kết cấu 3 tập phim trải theo chiều dài lịch sử ngàn năm của dân tộc.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Ðình Trạc trao giải đặc biệt cho nhóm tác giả đoạt giải. |
Ngay cả tên phim “Giặc nội xâm” - chữ của Bác Hồ dùng để chỉ nạn tham nhũng, lãng phí cũng là gợi ý của các chuyên gia. Hơn nữa, trong giai đoạn làm đề cương và kịch bản, các chuyên gia đã tham gia nhiều ý kiến quý giá, giúp chúng tôi hoàn thành nội dung kịch bản, cũng như xây dựng phân cảnh và phương án sản xuất. Thách thức lớn nhất với thể loại phim tài liệu luôn là việc thu thập tài liệu, tư liệu gốc, tổ chức các cuộc phỏng vấn nhân chứng, chuyên gia để phân tích, làm rõ các vấn đề cũng như đưa ra các giải pháp.
Điều này đặc biệt khó đối với bộ phim “Giặc nội xâm” vì thời lượng bộ phim lên tới 90 phút cho 3 tập, bối cảnh từ thời kỳ phong kiến đến thời điểm hiện tại, nội dung không chỉ bó hẹp trong việc chống tham nhũng mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của lịch sử, văn hóa, đời sống, xã hội. Nhờ có sự hỗ trợ rất nhiệt thành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chúng tôi đã vượt qua thách thức.
Về sử liệu thời phong kiến, chúng tôi được tiếp cận với những tư liệu, tài liệu gốc quý hiếm của Thư viện Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Với các tài liệu quý bằng chữ Hán Nôm, các chuyên gia đã dịch và chú giải chi tiết. Về sử liệu thời đại Hồ Chí Minh, chúng tôi được sự giúp đỡ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, các Ban của Đảng, cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao và nhiều địa phương.
+ Được biết, bộ phim đã được thực hiện trong các đợt dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, ê-kíp đã gặp những khó khăn như thế nào, thưa ông?
- Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Quá trình tác nghiệp của đoàn làm phim cũng gặp không ít khó khăn. Ví dụ quá trình di chuyển đến các địa phương, việc tiếp cận, phỏng vấn nhân vật trong đó có các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các nhà nghiên cứu, sử gia… cũng đều gặp khó khăn.
Tuy nhiên, đoàn làm phim đã linh hoạt trong việc tổ chức, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch ghi hình. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, đoàn làm phim chủ động tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có kỹ năng phòng chống dịch cá nhân. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các thành viên của đoàn cũng như những người mà chúng tôi tiếp xúc.
Nhà báo Nguyễn Quang Tuấn (bên trái) và đồng nghiệp thực hiện bộ phim tài liệu “Giặc nội xâm”. |
+ Được đánh giá là tác phẩm đồ sộ, công phu, có nội dung sâu sắc về công tác phòng chống tham nhũng trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, “Giặc nội xâm” mang đến những câu chuyện đã diễn ra trong lịch sử, vậy làm sao để nhắc về lịch sử mà vẫn đảm bảo được tính hấp dẫn?
- Phim tài liệu được cho là một loại hình khá khô khan và việc tạo ra một tác phẩm hấp dẫn, cuốn hút luôn là thách thức đối với tất cả các đạo diễn. Đối với đề tài chống tham nhũng thì thách thức ấy càng lớn. Chính vì vậy, chúng tôi đã phải họp bàn rất nhiều cuộc, thử nghiệm nhiều thủ pháp nghệ thuật, nhiều cách tiếp cận khác nhau để hóa giải khó khăn này. Sự chuẩn bị kỹ càng về nội dung, chắt lọc những nội dung quan trọng, kết hợp với cách kể các câu chuyện, sự xuất hiện các nhân vật một cách hợp lý, phương án kỹ xảo đồ họa, sử dụng âm nhạc tinh tế đã góp phần tạo ra tiết tấu, cũng như sự hấp dẫn của bộ phim.
Khơi dậy quyết tâm đấu tranh của ngày hôm nay
+ “Giặc nội xâm” không chỉ nêu những bài học ngày hôm qua mà còn thể hiện quyết tâm và hành động của ngày hôm nay, ê-kíp đã triển khai nội dung này như thế nào, thưa ông?
- Việc tiếp cận nguồn sử liệu, tư liệu quý hiếm, trong đó có cả các tài liệu liên quan đến các vụ án tham nhũng khiến cho bộ phim có nội dung rất phong phú. Hơn nữa, đoàn làm phim rất thuận lợi trong các cuộc phỏng vấn, bao gồm phỏng vấn lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, phỏng vấn nhân sĩ, trí thức, các nhà nghiên cứu và nhiều người dân. Chất lượng các cuộc phỏng vấn rất cao, không chỉ đúng trọng tâm mà còn khái quát, mở rộng mang tính dự báo. Điều này làm cho bộ phim vững chắc về nội dung, đồng thời đảm bảo tính thời sự, mang hơi thở cuộc sống đương đại.
+ Làm phim tài liệu chưa bao giờ là dễ dàng, ngoài những kỹ năng về phim ảnh, kỹ xảo, âm thanh còn phải rèn luyện tri thức, có sức sáng tạo, ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Làm phim tài liệu luôn là một thách thức, muốn thành công bạn cần có niềm say mê và tiếp cận một cách chân thành. Theo kinh nghiệm của tôi, điều kiện cần là không thể thiếu kỹ năng làm phim, nhưng điều kiện đủ là phải có phông kiến thức đủ sâu, rộng và luôn giữ sự nhạy bén nghề nghiệp. Với mỗi đề tài cần lựa chọn cho mình một cách tiếp cận, cách kể chuyện riêng. Lắng nghe ý của các chuyên gia luôn mang đến cho bạn những thông tin quý giá. Giống như nhà báo, những người làm phim tài liệu luôn cần đề cao đạo đức nghề nghiệp, trong đó sự trung thực luôn là điều kiện tiên quyết. Và trên tất cả là bạn cần luôn giữ được lửa nhiệt huyết trong tim.
+ Vâng, trân trọng cảm ơn anh!
Nguồn: Lê Tâm (Thực hiện)/congluan.vn
https://congluan.vn/tren-tat-ca-nguoi-lam-phim-tai-lieu-phai-giu-duoc-lua-nhiet-huyet-trong-tim-post169966.html
Báo Nga: Việt Nam là một đối tác tin cậy của Liên bang Nga
Submitted by nlphuong on Wed, 01/12/2021 - 06:40Bài viết của tác giả Grigory Trofimchuk khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy của Liên bang Nga không chỉ trong thời kỳ Liên Xô trước đây mà cả trong ngày nay.
Truyền thông Nhật Bản phản ánh đậm nét chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Submitted by nlphuong on Sat, 27/11/2021 - 15:12Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 22-25/11 đã được các hãng truyền thông lớn của Nhật Bản đưa tin đậm nét.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp ngài Suga Yoshihide, cựu Thủ tướng Nhật Bản và ngài Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật-Việt - Ảnh: VGP |
Với tiêu đề “Thủ tướng Việt Nam hội đàm với Thủ tướng Kishida tại Nhật Bản”, Đài NHK ngày 23/11 đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cho biết ông rất vinh dự khi trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng Kishida Fumio lên nắm quyền.
Tại các cuộc hội đàm, Thủ tướng Việt Nam bày tỏ hy vọng “quan hệ hợp tác kinh tế và an ninh giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam mong muốn đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở khu vực và hơn thế nữa.
Đài NHK cho biết trong bản tin rằng, trong chuyến thăm Nhật Bản 4 ngày, nhà lãnh đạo Việt Nam dự kiến có bài phát biểu tại một sự kiện do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức.
Trong một tin khác với tiêu đề “Cựu Thủ tướng Suga trao đổi với Thủ tướng Việt Nam: Khẳng định tăng cường mở rộng xúc tiến và trao đổi thương mại”, Đài NHK cho biết, cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Suga Yoshihide đã có cuộc gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và khẳng định sẽ tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại, mở rộng giao lưu nhân dân.
Phát biểu tại cuộc gặp, ông Suga nhấn mạnh “mối quan hệ Nhật Bản-Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển”.
Cũng trong ngày 23/11, hãng tin Kyodo đưa tin, cựu Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật-Việt, đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tokyo vào sáng cùng ngày.
Hướng đến bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, hai bên thống nhất việc tăng cường quan hệ hợp tác và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Trước đó, ngày 22/11, hãng thông tấn Jiji đưa tin Thủ tướng Kishida Fumio bày tỏ mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Hãng thông tấn Jiji dẫn nội dung trả lời phỏng vấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước thềm chuyến thăm khẳng định, Việt Nam hy vọng Nhật Bản sẽ chuyển giao công nghệ vaccine và dược phẩm để hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. Bài viết dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, cùng với việc hai nước có thể vun đắp niềm tin lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực.
Tuần trước, hãng thông tấn Kyodo đã đưa tin về sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm Nhật Bản. Bài viết trên Kyodo cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm, khi đánh dấu lần đầu tiên Thủ tướng Kishida đón tiếp một vị nguyên thủ nước ngoài kể từ sau khi nhậm chức.
Nhân dịp này, hãng thông tấn Kyodo dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno khẳng định, Việt Nam là một đối tác đóng vai trò trong nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở. “Chúng tôi hy vọng các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ và xây dựng niềm tin tưởng lẫn nhau”, ông Matsuno nói.
Ngoài ra, trong bài báo của mình, tờ Mainichi của Nhật Bản nhấn mạnh, Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. Trên lĩnh vực ngoại giao, quan hệ hai nước cũng rất phát triển khi vào tháng 10/2020, ông Suga Yoshihide khi đó vừa nhậm chức Thủ tướng đã chọn Việt Nam là nơi công du nước ngoài đầu tiên. Đương kim Thủ tướng Kishida Fumio nhân Hội nghị về biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Anh cũng đã tiến hành hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trong khi đó, báo Nikkei cho biết, hai bên sẽ thảo luận về tăng cường hợp tác ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời khẳng định, đối với Nhật Bản, khu vực ASEAN là đối tác quan trọng có chung mục đích với Nhật Bản, trong đó Việt Nam là đối tác có chung lợi ích mang tính chiến lược và rộng mở.
Ngoài các hãng truyền thông Nhật Bản, tờ LiveMint của Ấn Độ cũng có bài viết với tựa đề “Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính giúp mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hai nước”. Bài viết dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam nhấn mạnh, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ mở ra cơ hội để lãnh đạo hai nước tiếp tục thảo luận về các vấn đề đã nêu lên tại Hội nghị COP26 vừa diễn ra ở Anh, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ song phương, đồng thời đặt nền móng cho dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản vào năm 2023.
Nguồn: BT/baochinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Quocte/Truyen-thong-Nhat-Ban-phan-anh-dam-net-chuyen-tham-cua-Thu-tuong-Pham-Minh-Chinh/454007.vgp