1. Cuối năm 2016, anh Bùi Thanh- Tổng Thư ký tòa soạn báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề với tòa soạn và phóng viên: “Chúng ta đưa rất nhiều tin, bài nơi này sạt lở, nơi kia sạt lở do khai thác cát; nhà cửa, tài sản của người dân rơi xuống sông. Rồi mới đây có một số tin bài phản ánh tàu nước ngoài đến Việt Nam mua cát. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm hết trách nhiệm của nhà báo, đó là không biết tàu chở cát đi đâu, mua bán thế nào? Tôi đề nghị tổ chức một nhóm điều tra tới nơi, tới chốn để trả lời bạn đọc câu hỏi này…”.

Thời điểm khi tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ thực hiện đề tài này, thông tin về xuất khẩu cát trên mạng gần như không có. Tôi lên mạng lùng sục các mẩu quảng cáo của “cò” mua cát xuất khẩu từ những năm 2010 còn sót lại trên mạng, gọi các số điện thoại đó nhưng hầu hết họ đều bỏ nghề sau khi Chính phủ cấm xuất khẩu cát. Tôi tìm được một doanh nghiệp chuyên môi giới bán các sản phẩm từ Việt Nam cho khách hàng nước ngoài tại Hà Nội và tìm đến nhờ tìm thông tin đối tác muốn nhập khẩu cát, nhưng không có kết quả. Tôi đã tiếp tục tìm đến các doanh nghiệp lớn chuyên khai thác cát san lấp mặt bằng tại TP. HCM. Chủ một doanh nghiệp ở Quận 7 thừa nhận đã và đang nhập khẩu cát bán cho Singapore, nhưng công ty ông này bên Singapore nhập chứ còn công ty tại Việt Nam không tham gia. Tuy nhiên, ông từ chối cung cấp thông tin về việc xuất khẩu cát.

Nhà báo Vân Trường tác nghiệp tại vùng biển Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây có dự án khai thác cát xuất khẩu sang Singapore gây sạt lở khiến người dân phản ứng.

Rốt cục có một người từng tham gia xuất khẩu cát sang Singapore (nay đã bỏ nghề) đồng ý gặp tôi tại TP.HCM. Từ sự giới thiệu của ông, tôi về Cần Thơ tìm gặp một “đại gia” một thời đã từng xuất khẩu cả triệu mét khối cát sang Singapore. Mất hai ngày thuyết phục, ông mới đồng ý cung cấp một số hợp đồng và hóa đơn xuất khẩu cát cho các doanh nghiệp Singapore. Giá cả, hình thức thanh toán, chủng loại cát… trong hợp đồng là thông tin quý giúp tôi định hướng các công việc tiếp theo.

Tiếp đó, tôi ra đảo Phú Quốc - nơi thường xuyên có tàu nước ngoài đến nhận cát - bắt đầu hành trình tìm hiểu đường đi của cát Việt ra nước ngoài. Chuyến đầu ra đây không có tàu nào. Tôi nhờ người dân ở gần khu vực tàu hay ra vào giúp đỡ. Khi tàu vào, họ báo tin, tôi bay ra để tận mắt chứng kiến việc giao nhận; tìm hiểu doanh nghiệp nào bán cát, giá cả thế nào. Đây là công việc vô cùng khó khăn bởi vì Hải quan, Biên phòng, Cảng vụ đều từ chối cung cấp thông tin của doanh nghiệp. Phải bằng rất nhiều kênh, nhiều công văn thì tôi mới có được một số thông tin chung chung của các cơ quan chức năng cung cấp.

Song song với việc điều tra sản lượng, giá cả… tôi liên hệ với hoa tiêu hàng hải, các cảng vụ hàng hải để nắm thông tin tàu rời cảng. Tất cả thông tin nơi đến của tàu đều là Singapore, nhưng không có địa chỉ chính xác. Không thể lên tàu đi theo, làm thế nào để biết tàu chở cát đến đâu? Bằng các mối quan hệ, tôi được một chuyên gia hàng hải hướng dẫn cách theo dõi tàu biển quốc tế bằng cách truy cập trang www.marinetraffic.com. Theo dõi liên tục nhiều ngày thì tôi định vị được các tàu chở cát ở Phú Quốc đều cập vào đảo Tekong, Singapore.

Bằng cách này, tôi đã đến các nơi có dự án nạo vét cát tận thu xuất khẩu ở Nha Trang, Cam Ranh, Hà Tĩnh, Quảng Bình tìm thông tin tàu đã rời cảng trước đó và nhờ người dân theo dõi, cung cấp số hiệu tàu sắp đến lấy cát. Suốt thời gian báo nghỉ tết 2017 tôi ngồi trước màn hình máy tính, dán mắt vào trang www.marinetraffic.com bởi vì tàu vẫn đến nhận cát bình thường. Sau khi xác định điểm đến của gần 40 tàu đến Việt Nam chở cát, tôi liên hệ nhờ bạn làm việc tại Singapore tìm cách xác định xem có hay không việc các tàu này vừa cập cảng ở Tekong và gần sân bay quốc tế Changi? Thông tin phản hồi là: “Có”.

Nhà báo Lê Nam (trái) và nhà báo Vân Trường trong chuyến tác nghiệp điều tra đường đi của cát Việt sang Singapore.

2. Đến đây tôi đề nghị được đi Singapore điều tra tiếp. Ban Biên tập đồng ý ngay và gửi công văn đề nghị các bộ có liên quan và Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore hỗ trợ để được tiếp xúc, làm việc với các cơ quan chức năng nước này. Tuy nhiên, tất cả đều từ chối. Báo Tuổi Trẻ cũng gửi công văn cho Hải quan và Bộ Phát triển quốc gia Singapore (MND) đề nghị hỗ trợ cung cấp số liệu nhập khẩu cát từ Việt Nam và giá nhập khẩu, nhưng cũng không được phản hồi.

Đi một cách chính thống không được, Ban biên tập quyết định cử tôi qua Singapore phối hợp với phóng viên Lê Nam (đang thường trú tại đây) bằng mọi cách để điều tra phần còn lại của câu chuyện này.

Ngay khi chiếc tàu Yangtze Harmony (tải trọng 56.000 tấn) vừa rời Phú Quốc, tôi cũng bay qua Singapore để đến đảo Tekong “đón lõng”, cũng nhằm mục đích xác tín lại tàu chở cát từ Việt Nam sang đây đổ cát xuống chỗ nào. Lần theo bản đồ, tôi qua đảo Ubin - đây là đảo du lịch nổi tiếng - để cố nhìn qua đảo Tekong xem có thấy gì không bởi vì người dân địa phương nói Tekong là đảo quân sự, họ không qua đó bao giờ. Có một chuyến tàu từ Singapore qua Maylaysia đi ngang gần đảo Tekong. Tôi đến quầy vé để đi Malaysia, nhưng do biển động tàu không chạy. Từ đảo Ubin nhìn chỉ thấy lờ mờ, nên tôi quyết định thuê tàu của ngư dân qua đảo Tekong. Tuy nhiên người lái tàu không dám. Sau một hồi trao đổi, người này đồng ý chở đến gần rồi quay lại ngay vì sợ… Và sự mạo hiểm này đã giúp tôi chụp và quay được hình tàu Yangtze Harmony đang bốc dỡ cát xuống sà lan để san lấp lấn đảo Tekong.

Tôi và phóng viên Lê Nam tiếp tục đến Bộ Phát triển quốc gia và Hải quan Singapore nhắc lại việc báo Tuổi Trẻ có gửi công văn trước đó. Họ trả lời đã nhận được và đang chuẩn bị để trả lời. Tuy nhiên mãi cho đến thời điểm này họ vẫn… im lặng.

Tàu Yangtze Harmony đang bốc dỡ cát từ Phú Quốc uống đảo Tekong (V.TR.)

3. Chúng tôi đóng vai “cò” xuất khẩu cát từ Việt Nam sang tìm khách hàng để bán cát nhằm tiếp cận các công ty đang nhập khẩu cát tại Việt Nam thời điểm cuối 2016, đầu 2017. Đương nhiên, lúc này chúng tôi đã có trong tay danh sách toàn bộ doanh nghiệp trong nước được Bộ Xây dựng cấp phép xuất khẩu cát từ nguồn tận thu của các dự án nạo vét thông luồng. Các doanh nghiệp này xuất khẩu cho đối tác nào ở Singapore, giá khai báo hải quan bao nhiêu… đều được nắm chắc.

Trong chuyến đi này chúng tôi mang theo một tài liệu cực kỳ quan trọng, là “chìa khóa” cho toàn bộ tuyến bài, đó là hai bản hợp đồng bằng tiếng Anh ghi giá mua bán cát (giá thật) của doanh nghiệp Việt Nam và Singapore. Hợp đồng này ghi giá cao hơn gấp đôi giá ghi trong hợp đồng bằng tiếng Việt mà doanh nghiệp nộp cho hải quan. Bản hợp đồng tiếng Anh rất quý giá này chúng tôi lấy được tại Singapore, từ một tay “cò” có tiếng bằng các biện pháp nghiệp vụ báo chí.

Chúng tôi tìm đến tận văn phòng các công ty Singapore đang nhập khẩu cát từ Việt Nam với mục đích đối chất giá mà họ mua thực tế so với giá khai báo hải quan. Tuy nhiên chúng tôi chỉ thành công khi bất ngờ xuất hiện tại Công ty Singapore Hua Kai (đối tác của Công ty Đức Long tại Bà Rịa -Vũng Tàu). Với sự bất ngờ và chứng cứ là bản hợp đồng tiếng Anh bản gốc có đóng dấu màu xanh của Công ty Singapore Hua Kai, Giám đốc Công ty này không thể né tránh mà phải thừa nhận đây là hợp đồng thật.

Có lẽ bị động, nên sau đó chúng tôi đến hàng loạt công ty khác thì… không gặp ai. Thậm chí địa chỉ văn phòng ghi trong hợp đồng chỉ là “trạm liên lạc”, vì công ty khác đang làm việc tại đây. Nếu có thư từ gửi công ty đó thì họ sẽ cử người đến nhận.

Chúng tôi cũng đã có được nhiều thông tin quý từ việc đóng vai “cò”, tiếp xúc với các “cò”khác ở Singapore để khẳng định giá cát thực tế mà các doanh nghiệp Singapore mua của doanh nghiệp Việt Nam cao gấp đôi, gấp ba lần so với giá khai báo với hải quan.

Trở lại Việt Nam, chúng tôi đã đến tất cả các tỉnh có dự án nạo vét tận thu cát xuất khẩu để xác minh giá khai báo, nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp. Và thật bất ngờ, nhiều doanh nghiệp chỉ khai báo giá 0,8USD/m3 cát xuất khẩu trong khi giá xuất thực tế từ 4,6 USD/m3trở lên. Cũng như các đề tài điều tra khác, việc điều tra xuất khẩu cát vô cùng khó khăn bởi vì Tổng cục Hải quan từ chối cung cấp thông tin chi tiết về sản lượng, giá cả của các doanh nghiệp với lý do “đó là bí mật của doanh nghiệp”… Chúng tôi phải thực hiện rất nhiều biện pháp nghiệp vụ và kiên trì đeo bám để tìm cho được những thông tin, số liệu cần thiết. Và may mắn là chúng tôi đã được một vài nguồn tin rất nhiệt tình ủng hộ đề tài này, họ đã giúp đỡ rất nhiều thông tin hay. Nếu không có họ, chắc chắn loạt bài này sẽ không đủ sức thuyết phục như khi đăng lên mặt báo.

Thất thoát tài nguyên, gian lận để trục lợi từ việc xuất khẩu cát đã trực tiếp gây ra sạt lở, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn cùng, kiệt quệ. Nhìn cảnh đất đai, bờ biển của nước ta ngày càng thu hẹp, chúng tôi cảm thấy xót xa. Sau khi hoàn thành loạt bài điều tra, tôi viết bài bình luận “Cát là lãnh thổ” với mong muốn Chính phủ chỉ đạo dừng xuất khẩu cát để giữ tài nguyên, giữ sự toàn vẹn lãnh thổ.

Loạt bài được bạn đọc đón nhận, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc, đồng cảm và có những chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh. Ngay trong năm 2017, Thủ tướng có hai chỉ đạo quan trọng là dừng các dự án nạo vét và dừng tất cả hoạt động xuất khẩu cát ra nước ngoài.

Hiện tại, chúng tôi không còn nhớ rõ những khó khăn, vất vả trong ba tháng ròng rã đi điều tra vụ này. Là nhà báo điều tra, lúc nào chúng tôi cũng phải luôn chuẩn bị tâm thế cho những tình huống khó khăn, thậm chí là bế tắc. Đồng thời, chúng tôi cũng phải luôn nghĩ rằng bạn đọc Tuổi Trẻ đang mong chờ những bài viết mà Ban Biên tập, Tòa soạn đã giao cho chúng tôi để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Giải Báo chí Quốc gia năm nay đã có những đánh giá cao dành cho loạt bài điều tra “Đường đi của cát Việt ra nước ngoài” không chỉ là một sự ghi nhận của đồng nghiệp, mà còn là động lực to lớn cho cá nhân tôi và đội ngũ Tuổi Trẻ vững tin trên con đường đã chọn với bản sắc rất riêng: “Đỏ, Trẻ, Sài Gòn”.

                                                                                             Nguồn: Ngọc Lành (Ghi)/congluan.vn