Các nhà báo Đức, VN chia sẻ nhiều kinh nghiệm đưa tin về EU và ASEAN

(ICTPress) - Nhiều nhà báo của Đức và Việt Nam cùng chia sẻ các kinh nghiệm quý báu trong quá trình tác nghiệp của mình trong việc đưa tin về EU và ASEAN tại Đối thoại báo chí “Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về EU và ASEAN”.

Đối thoại do Hội Nhà báo Việt Nam, Đại sứ quán Đức phối hợp tổ chức ngày 9/11, tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham dự của nhiều phóng viên, đại diện một số cơ quan báo chí lớn của Đức và Việt Nam.

Toàn cảnh đối thoại

Tại cuộc đối thoại, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết: Hoạt động được tổ chức hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh Châu Âu (EU); kỷ niệm 60 năm ngày ký kết Hiệp ước Rome đánh dấu sự hình thành của một EU hòa bình, tự do, ổn định và thịnh vượng.

Theo ông Hồ Quang Lợi, trong bối cảnh ASEAN và EU đều đang đối mặt với những thách thức chung, báo chí truyền thông luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết thách thức ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Vì thế, những trao đổi trong cuộc đối thoại truyền thông Đức-Việt này sẽ giúp các nhà báo hai nước tìm hiểu cách thức đưa tin hiệu quả về ASEAN và EU; qua đó thúc đẩy các hoạt động giao lưu của các nhà báo, tạo tiền đề vững chắc cho sự kết nối 2 khối. Hội Nhà báo Việt Nam tin rằng, với sự nhiệt tình của các nhà báo tham gia, cuộc đối thoại sẽ đạt được kết quả tốt nhất, góp phần nâng cao hiểu biết về EU và ASEAN, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng lòng tin, thấu hiểu lẫn nhau để củng cố các mối quan hệ song phương.

Đối thoại báo chí “Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về EU và ASEAN” có 4 phiên thảo luận chính với những bàn thảo sâu về: Kinh nghiệm đưa tin về EU, về ASEAN, các cách đưa tin về EU và ASEAN hấp dẫn hơn. Tại các phiên thảo luân, các đại biểu cũng cùng nhau chia sẻ những ví dụ thực tế về cách đưa tin liên quan tới EU và ASEAN; cách dung hòa trong thông tin…

Các đại biểu đều nhất trí rằng ASEAN và EU là hai hình mẫu hội nhập khu vực nổi bật nhất hiện nay; tuy nhiên, cả hai đều được xây dựng trên những bối cảnh khác nhau, có tầm nhìn, nhiệm vụ khác nhau. Nhiều năm qua, ASEAN và EU đã rất tích cực đầu tư, củng cố các mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa. Hai khối đều có ảnh hưởng nhất định đối với sự hợp tác, ổn định khu vực, cuộc sống hàng ngày của công dân các quốc gia thành viên. Khi viết về EU hay ASEAN, các phóng viên, nhà báo nên có hiểu biết về thể chế chính trị, đời sống văn hóa của từng quốc gia, toàn khối; thể hiện sự tương quan giữa hai khối này với  nhau, với các thể chế kinh tế, chính trị, văn hoá ở khu vực khác trên thế giới…

Hiện là phóng viên tự do tại Đức, phóng viên Jon Worth cho rằng: Nếu là phóng viên theo dõi các hoạt động của EU, chúng ta có thể theo dõi ở trên mạng, không cần đến trực tiếp bởi sự minh bạch thông tin của EU rất tốt. Song vấn đề đặt ra là chúng ta tìm những thông tin chuẩn xác ở đâu bởi trên mạng có rất nhiều luồng thông tin. 

TS. Rodion Ebbighausen chia sẻ kinh nghiệm

Cùng chung quan điểm trên, biên tập viên tờ Deutsche Welle, TS. Rodion Ebbighausen cho rằng: Twitter là kênh truyền thông có thể tiếp cận nhiều với các chính trị gia còn Facebook chủ yếu dùng để tiếp cận với người dân. Bởi vậy tuỳ theo mục đích tuyên truyền, các nhà báo có thể sử dụng các trang mạng này một cách phù hợp để có thông tin chuẩn xác. Hơn nữa, ở mỗi  tòa soạn báo, sau khi phóng viên chuyển bài viết về, đội ngũ biên tập viên cũng phải đọc kỹ, kiểm tra một lần nữa sự chuẩn xác của thông tin trước khi đưa nó lên mặt báo.

Làm việc trong ban châu Á, TS. Rodion Ebbighausen luôn quan tâm đến việc làm thế nào để đưa các giá trị của EU đến với công chúng châu Á theo cách tiếp cận của độc giả Đức. Anh cho rằng khi đưa tin về mặt đối ngoại phóng viên cũng phải đưa thông tin một cách hài hòa; chú ý đến những mối tương quan, đến luật pháp quốc tế… Để làm được điều này, các nhà báo phải được đi lại tự do, tự do tiếp cận với người dân. Đặc biệt, khi tiếp nhận thông tin, các phóng viên cũng phải kiểm chứng thông tin trước khi muốn truyền tải đến công chúng.

Là người từng tham gia đưa tin về ASEAN, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), TS. Đinh Thị Thuý Hằng chia sẻ, bà nhận thấy rằng phóng viên Việt Nam chủ yếu đưa tin theo nền của vấn đề hơn là đi sâu vào con người. Với ASEAN, bà thường đưa tin, bài về những mặt tích cực, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chương trình hợp tác phát triển giữa các thành viên… Bên cạnh đó, khi đưa tin, phóng viên Việt Nam cũng như nhiều nước khác cũng quan tâm đến vấn đề tương quan trong các mối quan hệ và thực hiện đúng luật pháp quốc tế.

Từng có thời gian công tác 3 năm tại Cơ quan thường trú TTXVN tại Singapore cũng như tham gia đưa tin về các hội nghị cấp cao ASEAN tại Myanmar và Brunei, phóng viên Nguyễn Việt Hải, Phó trưởng phòng Media, Ban Thế giới, Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh: Trách nhiệm của các nhà báo ASEAN là lớn, song vấn đề đặt ra là liệu các nhà báo ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã sẵn sàng cho trách nhiệm này hay chưa? Tăng liều lượng thông tin phản ánh về ASEAN trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như tổ chức nội dung một cách chuyên nghiệp, nhất quán và xuyên suốt hơn là cần thiết nhưng chưa đủ.

Chắc chắn cần phải có nhiều hơn sự tiếp xúc, trao đổi nghiệp vụ giữa chính nhà báo các nước, để khi tác nghiệp về các vấn đề khu vực họ sẽ có thêm nhận thức về trách nhiệm và vai trò của mình trong tiến trình xây dựng cộng đồng, ông Hải chia sẻ thêm./.

MB

Tin nổi bật