Syndicate content

Nghề báo

Họp báo kết thúc kỳ họp thứ 8 Quốc hội: Băn khoăn chất lượng làm luật

Trước đây các dự án luật được thông qua thường có tỷ lệ phiếu cao, giờ rất thấp phải chăng do chất lượng biên soạn luật còn thấp...

Ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, chiều 28/11, tại Trung tâm báo chí của Hội trường Ba Đình đã diễn ra cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Báo cáo về kết quả kỳ họp, bà Phan Thị Toàn, Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 8 là kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ; kỳ họp đầu tiên diễn ra tại trụ sở Nhà Quốc hội được xây dựng trên nền Hội trường Ba Đình cũ; là kỳ họp thứ hai triển khai Hiến pháp nước CHXCN Việt Nam.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của báo chí (Ảnh: Quang Trung)

Quốc hội đã dành 2/3 thời gian để xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật (với 18 luật, 11 nghị quyết được thông qua, 12 luật được cho ý kiến) nhằm khẩn trương đưa các quy định của Hiến pháp vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Quốc hội cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả này sẽ giúp cho từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác. Đây cũng là một kinh nghiệm quý để Hội đồng Nhân dân các cấp tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu tại các địa phương trên toàn quốc trong thời gian tới. Việc lấy phiếu tín nhiệm được đồng bào, cử tri tin tưởng. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), dư luận cử tri rất hài lòng trước kết quả của kỳ họp thứ 8 đã diễn ra thuận lợi, hiệu quả, có nhiều đổi mới tích cực phù hợp với nguyện vọng của cử tri. Cử tri cũng hài lòng với vai trò giám sát của Quốc hội; đồng thời đánh giá công tác tuyên truyền của kỳ họp đã tạo bầu không khí lan tỏa rộng khắp, thu hút sự quan tâm của cử tri, gắn kết cử tri trên mọi vùng miền của đất nước hướng về kỳ họp.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Nông thôn ngày này về tình trạng trước đây các dự án luật được thông qua thường có tỷ lệ phiếu rất cao, thường khoảng 90%, giờ rất thấp, dẫn đến tình trạng này phải chăng do chất lượng biên soạn luật còn thấp hay có lợi ích nhóm? Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Cũng là vấn đề bình thường bởi khi thông qua một dự án luật có nhiều quan điểm, ví như Luật Giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa rõ sẽ giao cho Bộ Giáo dục – Đào tạo hay Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý Nhà nước, hoặc giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm phân công cho một bộ quản lý, tuy nhiên khi lấy phiếu thăm dò cả 3 phương án này đều có mức thống nhất rất thấp (dưới 5%). Vì vậy khi đưa ra biểu quyết đương nhiên sẽ có những quan điểm khác nhau, nên tỷ lệ phiếu cũng thấp chuyện dễ hiểu. Nhiều khi chỉ có một điều, một vấn đề làm ảnh hưởng đến toàn bộ dự án luật.

Phóng viên tham dự cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Quang Trung)

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thời báo Kinh tế Việt Nam, báo Tuổi trẻ về tình trạng đại biểu Quốc hội vắng mặt quá nhiều. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trong tổng số đại biểu Quốc hội chỉ có 25% là chuyên trách, phần lớn là kiêm nhiệm. Trong khi đó thời gian diễn ra một kỳ họp thường dài, hơn 1 tháng, nên việc bố trí thời gian để tham dự đầy đủ các phiên họp đối với nhiều đại biểu Quốc hội cũng có nhiều khó khăn bởi với những đại biểu đứng đầu các địa phương, nhiệm vụ, công việc nào cũng quan trọng cả. Quốc hội cũng đã yêu cầu các đại biểu phải cố gắng sắp xếp công việc hợp lý để đi họp. Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp tương đối nặng về khối lượng công việc (chưa có kỳ họp nào Quốc hội thông qua tới 18 dự án luật), các đại biểu cũng đã rất cố gắng để thu xếp thời gian tham dự. Cử tri có thể chưa hài lòng nhưng cũng nên thông cảm. Các đại biểu phải vắng mặt cũng có nhiều lý do ốm đau, bận việc này việc kia... không thể tránh được.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tính đến một vài phương án, trong đó có phương án tách đôi kỳ họp, họp 15 ngày rồi nghỉ, sau đó lại họp tiếp 15 ngày nữa, nhưng thấy không hợp lý vì chi phí bị đẩy lên nhiều gây tốn kém, và không liên tục.

Theo phóng viên Thời báo Kinh tế theo dõi, có những phiên họp đại biểu vắng gần 1/3, kể cả trong các cuộc họp tổ cũng vắng. Phóng viên đề nghị Quốc hội nên cách thức cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp, nên chăng bỏ các cuộc họp tổ, rút ngắn thời gian để kỳ họp có hiệu quả hơn./.

Nguồn: Thanh Hà/VOV.VN

VTV được mở kênh truyền hình Văn hóa

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cấp phép cho Đài Truyền hình Việt Nam mở kênh truyền hình Văn hóa (VTVcab20).

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép theo thẩm quyền và các quy định hiện hành.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc Đài truyền hình Việt Nam đầu tư một kênh chương trình truyền hình chuyên biệt để thông tin về chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về văn hóa; cung cấp các chương trình về văn hóa, nghệ thuật truyền thống, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam trong truyền thống, hiện đại, nhằm mục đích định hướng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của thế giới, tạo điều kiện cho sự hội nhập và phát triển của Việt Nam; phục vụ mục đích chính trị và nhu cầu xem truyền hình của nhân dân là cần thiết.

Đây cũng được coi là một kênh thông tin, tuyên truyền góp phần đưa các nội dung của Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đến với đông đảo quần chúng nhân dân và được triển khai hiệu quả trong thực tế cuộc sống.

Theo đề án, kênh Văn hóa (VTVcab20) có thời lượng phát sóng 18 giờ/ngày (bắt đầu từ 6h00 đến 24h00).

Nguồn: Phan Hiển/baodientu.chinhphu.vn

Truyền thông Nga đánh giá cao kết quả cuộc hội đàm Việt-Nga

Các phương tiện truyền thông Nga ngày 25/11 đã đưa tin trang trọng về chuyến thăm Liên bang Nga của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đồng thời đánh giá cao kết quả các cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo Liên bang Nga tại thành phố Sochi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin gặp gỡ và phát biểu với báo chí. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev đã có các cuộc thảo luận với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng về các dự án dầu khí và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan).

TASS dẫn lời Tổng thống Putin cho biết Nga và Việt Nam dự định tăng tổng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2020.

Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa Liên bang Nga và Việt Nam mang tính đối tác chiến lượng toàn diện và triển vọng tăng cường hơn nữa mối quan hệ này được phản ánh trong Tuyên bố chung về tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước được thông qua nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Tổng Bí thư Ban chấp hàn Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hội kiến với Thủ tướng Dmitry Medvedev với chủ đề là thực tế phong phú của đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Cũng theo Đài này, cùng với với những vấn đề quốc tế, trong chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao Nga-Việt còn có việc triển khai Khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan, hợp tác về năng lượng và đầu tư, trao đổi khoa học, giáo dục và văn hóa.

Cũng theo Đài Tiếng nói nước Nga, Tổng thống Putin tin tưởng rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nga sẽ mang nhiều đóng góp vào đà phát triển quan hệ giữa hai nước. Nguyên thủ quốc gia Nga đánh giá sự tương hỗ giữa hai nước Nga và Việt Nam là đầy triển vọng.

Đài này dẫn lời Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Chúng ta có những triển vọng tốt đẹp và tôi tin chắc rằng chuyến thăm của Ngài Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đóng góp lớn để phát triển mối quan hệ của hai nước.”

Tổng thống Nga cũng nhận định rằng quan hệ giữa Nga và Việt Nam đang phát triển thành công, có sự hỗ trợ ở cấp chính trị cao nhất, sự tương tác tích cực của các bộ ngành, sự thắt chặt tiếp xúc liên nghị viện và đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban liên chính phủ.

Cùng ngày, các kênh truyền hình Russia 24, 1TV.Ru, hãng tin RIA Novosti, trang thông tin điện tử Vesti.ru và nhiều tờ báo lớn của Nga đều phản ánh về kết quả cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với Tổng thống Nga Vladimir Putin với nhận xét chung rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo xung lực mới, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có tính chất đặc biệt giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Các tờ báo lớn của Nga dẫn lời Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định rằng Việt Nam luôn coi Nga là một trong những đối tác hàng đầu; đồng thời đánh giá cao những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực.

Cũng theo truyền thông Nga, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã ký kết ký kết 9 văn kiện hợp tác, trong đó có một số thỏa thuận hợp tác về dầu khí./.

Nguồn: vietnamplus.vn

Nhà báo tốt, xấu và sự công bằng của Hollywood

Rosewater, Kill The Messenger, Citizenfour, Nightcrawler, The Interview là những bộ phim thú vị, đều xoay quanh một đề tài chung là giới truyền thông và báo chí.

Các phim này, với nhân vật chính là nhà báo, đã hoặc sắp ra mắt trong năm 2014. Tuy nhiên điều khiến người ta quan tâm là tại sao giới truyền thông lại xuất hiện dày đặc trong điện ảnh Mỹ?

Từ anh hùng đến kẻ săn tin giật gân

Trong thời đại ngày nay, giới truyền thông từ chỗ bị ghét đã trở thành một nghề nghiệp được điện ảnh Mỹ mổ xẻ kỹ lưỡng và công bằng hơn. Hollywood ít nhất đã học được một nguyên tắc quan trọng của nghề báo, đó là cách đánh giá phải đa dạng, đa chiều.

Trong các bộ phim mới như Rosewater (ra mắt cuối tuần qua), Kill The Messenger, Citizenfour (kể về nhân vật tiết lộ tin tình báo mật Edward Snowden và những tờ báo đăng thông tin do nhân vật này cung cấp) đã mô tả nhà báo như những người dám mạo hiểm sự nghiệp và mạng sống để đưa sự thật đến cho công chúng.

Hai nhà báo xuất sắc do Robert Redford và Dustin Hoffman đóng trong All The President's Men

“Đó là điều đáng được bảo vệ, nhìn nhận và tôn vinh” - Jon Stewart, đạo diễn kiêm biên kịch của bộ phim Rosewater (Nước hoa hồng), nói trong một cuộc họp báo ra mắt phim ở New York. Phim của ông dựa trên một chuyện có thật về nhà báo Maziar Bahari (Gael Garcia Bernal đóng) bị bắt và tra tấn ở Iran.

“Lâu nay, công chúng chỉ trích giới báo chí vì thất vọng về một lý tưởng” - Stewart nhận định. Thái độ chỉ trích thường được thể hiện qua những lời châm biếm.

Trong phim The Interview (Cuộc phỏng vấn), sẽ ra rạp vào ngày 25/12, 2 nhà báo do James Franco và Seth Rogen đóng giả làm hề để thực hiện một nhiệm vụ của CIA.

Còn trong Nightcrawler (Kẻ săn tin đen), ra rạp cuối tháng 10, Jake Gyllenhaal đóng vai một nhà báo chuyên quay phim, đưa tin giật gân về các tai nạn và tội ác. Một chi tiết rất đắt giá trong phim là khi chính người bạn thân của nhân vật nhà báo gặp tai nạn, phản ứng đầu tiên của người này là cầm máy quay lên và ghi hình, chứ không phải cứu giúp bạn. Nghề nghiệp đã trở thành nỗi ám ảnh sâu sắc.

Chân dung nhà báo trong Kill The Messenger (Giết người đưa tin) có lẽ là phức tạp nhất. Nhà báo Gary Webb (Jeremy Renner đóng) từng đóng vai trò "người có công" khi kết nối thông tin giữa Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và phiến quân ở Nicaragua để thực hiện các hoạt động chống phá chính quyền Nicaragua. Về sau Webb lại trở thành mục tiêu công kích của cả Chính phủ Mỹ lẫn những nhà báo đồng nghiệp khi vụ việc bị phanh phui.

Những ví dụ trên cho thấy, giới truyền thông vào phim ảnh với cách phản ánh khá đa dạng, nhưng đều chứng minh được một điều, đó là hậu trường báo chí hiện trở thành chủ đề rất được quan tâm. Công chúng không chỉ tiếp nhận sản phẩm báo chí khi đã hoàn thành, họ còn quan tâm đến quá trình sản xuất ra chúng. “Nhà báo lấy tin từ nguồn nào, xử lý thông tin ra sao” là chủ đề dễ gây tò mò, hút khách.

8 thập kỷ mô tả nghề báo trên phim

Từ bộ phim All The President's Men năm 1976, hình tượng nhà báo đã được xây dựng với cảm hứng anh hùng. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thực, kể về những nhà báo giỏi, dũng cảm phanh phui vụ Watergate khiến Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức. Phim do Robert Redford và Dustin Hoffman đóng vai chính, đã thu được thành công vang dội.

All The President's Men và những phim ca ngợi nghề báo như Good Night, And Good Luck (2005) đã khiến nhiều người trẻ tuổi muốn theo học nghề báo, nuôi dưỡng một lý tưởng đẹp về nghề nghiệp này.

Nhưng lùi lại trước đó nhiều thập kỷ, vào năm 1931, phim The Front Page (Trang nhất) lại mô tả nhà báo như những kẻ khốn nạn đói thông tin, sẵn sàng thêu dệt và phạm tội để có tin giật gân.

Trong khi đó, những phim như Scandal Sheet (1931), Nothing Sacred (1937) và His Girl Friday (1940) lại phản ánh nghề báo ở góc nhìn ở giữa, gồm cả tốt lẫn xấu, cả yêu lẫn ghét, giống như Kill The Messenger. Các phim này có kịch bản do các cựu nhà báo viết.

Dù phản ánh giới truyền thông và báo chí dưới góc độ ra sao, các bộ phim đều có lý và không thiếu căn cứ từ thực tế.

Cảm hứng anh hùng không hề phiến diện bởi sự thực từ mấy chục năm trước hay bây giờ đều có những hình mẫu như vậy. Trong năm 2014, trên toàn thế giới đã có 42 nhà báo bị giết hại khi tác nghiệp trong điều kiện nguy hiểm, trong đó có vụ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chặt đầu 2 nhà báo James Foley và Steven Sotloff gây chấn động dư luận.

Ở góc độ ngược lại, hình ảnh nhà báo xấu cũng được củng cố bằng vô số kênh thông tin lá cải tràn ngập trong những năm qua.

Thiên thần hoặc ác quỷ

Hình tượng truyền thông và báo chí trong phim Mỹ ngày càng đa dạng, sát thực và đây là bước tiến thú vị. Theo Dennis Doros, đồng chủ tịch hãng phim độc lập Milestone, Hollywood đang biến nghề nghiệp này thành một chủ đề tương tự các nghề nghiệp khác mà họ từng mổ xẻ như nghề giáo, nghề luật sư, nghề cảnh sát.

“Người làm nghề đó có thể là thiên thần hoặc ác quỷ” - Doros nói. Kết quả từ tư duy này là phim ảnh Mỹ có nhà báo xấu và nhà báo tốt, có truyền thông ác quỷ và truyền thông lay động lòng người.

Đọc bài Khi truyền thông song hành cùng đời thực TẠI ĐÂY

Nguồn: Mi Ly/thethaovanhoa.vn

Báo Nhân dân và Bộ GTVT hợp tác tuyên truyền đẩy lùi tai nạn giao thông

(ICTPress) - Chiều nay 25/11, Báo Nhân dân và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ký thỏa thuận hợp tác tuyên truyền giai đoạn 2014 - 2016. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chứng kiến lễ ký.

Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký kết thỏa thuận hợp tác tuyên truyền dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. (Ảnh: Duy Khánh/nhandan.com.vn)

Theo bản thỏa thuận, Báo Nhân dân thường xuyên tuyên truyền các hoạt động của ngành GTVT trên 6 ấn phẩm gồm: Nhân dân hàng ngày, Nhân dân điện tử, Nhân dân cuối tuần, Nhân dân hàng tháng, Thời nay và Truyền hình Nhân dân.

Các ấn phẩm của Báo Nhân dân gồm cả Truyền hình Nhân dân sẽ mở chuyên mục nhằm giới thiệu, phổ biến, tuyên truyền, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực GTVT, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn doanh nghiệp, cán bộ và nhân dân thực hiện nghiêm túc các chủ trương về quản lý Nhà nước trên lĩnh vực GTVT; chuyên mục “An toàn giao thông” trên Báo Nhân dân điện tử, Kênh Truyền hình Nhân dân, cập nhật tình hình an toàn giao thông trên phạm vi cả nước, có bình luận, giải thích chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an toàn giao thông. Các chuyên đề: Bạn cần biết, Ý kiến người quản lý, ... sẽ phản ánh khái quát, tổng hợp công tác bảo đảm an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc…

Bộ GTVT sẽ chủ động, ưu tiên cung cấp sớm cho Báo Nhân dân các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với ngành giao thông vận tải, đặc biệt là các văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ GTVT đối với từng lĩnh vực trong ngành; chủ động cùng Báo Nhân dân xây dựng nội dung đề cương tuyên truyền (tháng/quý)…

Hai bên cũng thống nhất sẽ phối hợp tổ chức các hội thảo chuyên đề về đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo tinh thần Nghị quyết Trung uơng IV; về công tác bảo đảm tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, …

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Cùng với tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông, tình hình tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối trong xã hội, gây thiệt hại về người, tài sản của nhân dân. Việc ký kết giữa hai cơ quan hôm nay góp phần nâng cao chất lượng truyền thông, đóng góp đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là Chương trình quốc gia về an toàn giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí.

Cho rằng, báo chí không chỉ đơn thuần thông tin một chiều mà phải dự báo, định hướng dư luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng sau lễ ký kết này, Báo Nhân dân sẽ có các chuyên đề, chuyên mục, thông tin kịp thời, phân tích đầy đủ những sự kiện nổi cộm trong ngành giao thông, nhất là có các tác phẩm báo chí tác động đến toàn xã hội, từng người dân để người dân khi tham gia giao thông luôn tuân thủ luật lệ, cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa giao thông và chung sức ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tai nạn giao thông.

Mai Nguyễn

VietnamPlus nhận giải thưởng tại Bali cho bản tin bằng nhạc rap

Ngày 24/11, Báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam chính thực được trao giải nhất cho sản phẩm báo chí sáng tạo RapNewsPlus hướng đến giới trẻ của Hiệp hội các Nhật báo và Nhà xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA).

Đại diện VietnamPlus vinh dự nhận giải thưởng tại Bali, Indonesia (Nguồn: Vietnam+)

Cùng đoạt giải năm nay còn có 20 sản phẩm từ nhiều cơ quan báo chí thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ: Áo, Bỉ, Brazil, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Hà Lan, Singapore, Nam Phi, Đài Loan, Anh, Mỹ. Từng đại diện cho các đơn vị đoạt giải đã trình bày trước khoảng 150 đại biểu tham dự hội nghị về sản phẩm của mình.

Những người tham dự hội nghị rất thích thú khi xem các đoạn video clip của chương trình RapNewsPlus cũng như nghe giới thiệu về sản phẩm độc đáo từ Việt Nam. Một số báo cho hay họ muốn học hỏi để đưa mô hình này về đất nước mình, nhằm lôi kéo thế hệ trẻ đến với tin tức.

Lễ trao Giải thưởng Độc giả Trẻ Thế giới thường niên diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Độc giả Trẻ Thế giới và Ý tưởng Sáng tạo (World Young Reader Summit and Ideathon) của WAN-IFRA, từ ngày 24 đến 26/11 tại Bali, Indonesia.

Giải thưởng dành cho VietnamPlus là giải nhất thuộc hạng mục đặc biệt “Digital First” tôn vinh nhà xuất bản tin tức đã có biện pháp sáng tạo để lôi kéo sự tham gia của giới trẻ thông qua điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác. 

Ban tổ chức cho biết họ không gặp mấy khó khăn để đi đến quyết định trao giải cho bản tin bằng nhạc rap này vì “đây là một ý tưởng xuất sắc khi sử dụng nhạc rap để thu hút người trẻ trên toàn thế giới và có thể trở thành một công cụ tuyệt vời để khuyến khích giới trẻ nói lên những suy nghĩ của mình.” 

Chỉ một tuần trước, vào ngày 18/11, các rapper thuộc êkip sản xuất bản tin RapNewsPlus đã biểu diễn mở màn Hội nghị Truyền thông Kỹ thuật số Châu Á (DMA) 2014 tại Singapore với tác phẩm tóm tắt những sự kiện chính của báo chí và truyền thông thế giới trong năm qua. Đại diện báo điện tử VietnamPlus cũng trình bày về dự án sáng tạo này trước toàn thể hội nghị.

Số RapNewsPlus đầu tiên ra đời vào ngày 12/11/2013, đúng một ngày trước lễ kỷ niệm 5 năm thành lập của VietnamPlus và ngay lập tức gây tiếng vang vì được coi là cách tiếp cận đột phá và đầy sáng tạo với thanh thiếu niên.

 RapNewsPlus có tần suất 2 tuần/lần, truyền tải những thông tin nghiêm túc bằng cách diễn đạt dí dỏm, nhẹ nhàng thông qua nhạc rap, nhờ đó thu hút rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Số RapNewsPlus đầu tiên lập kỷ lục đạt 1 triệu lượt xem chỉ sau 48 giờ trên nhiều trang chia sẻ nội dung khác nhau, các số khác đều có trong khoảng từ 400.000 đến 500.000 lượt xem. 

RapNewsPlus đã được giới thiệu trên nhiều báo, kênh phát thanh truyền hình của Việt Nam, và xuất hiện cả trên các kênh báo chí quốc tế như BBC, The Guardian (Anh), VOA (Mỹ), Deutsche Welle (Đức).

Các số RapNewsPlus được đăng tại http://www.vietnamplus.vn/rapnewsplus.vnp.

Giải thưởng cao nhất năm nay - Giải Nhà xuất bản Tin tức cho Độc giả Trẻ Thế giới xuất sắc nhất trong năm – thuộc về công ty truyền thông Amedia của Na Uy khi đặt người trẻ làm trung tâm chiến lược độc giả tổng thể của mình, coi đó là ưu tiên bắt buộc và được triển khai trong thời gian dài.

Giải thưởng Độc giả Trẻ Thế giới là một trong những nỗ lực của WAN-IFRA nhằm thừa nhận, khích lệ và phổ biến những ý tưởng cùng tư duy sáng tạo nhằm giúp tạo nên các phương tiện truyền thông mới mạnh mẽ hơn./.

Nguồn: vietnamplus.vn

Báo chí quốc tế tiếc khi tuyển Việt Nam tuột chiến thắng

Không chỉ có các CĐV Việt Nam mà dư luận, báo chí quốc tế khi viết về trận hòa 2-2 tối 22/11 cũng bày tỏ sự tiếc nuối cho thầy trò HLV Toshiya Miura sau những gì toàn đội đã thể hiện.

“Trong hiệp 1, đội tuyển Việt Nam đã thể hiện phong độ thi đấu tuyệt vời, các cầu thủ tấn công của đội chủ nhà tràn đầy năng lượng. Những chân sút của đội chủ nhà như Hải Anh, Văn Quyết đã có một số cơ hội dứt điểm nguy hiểm” Antaranews.com

Trước đó, cũng theo thông tin từ trang này, Bộ trưởng Thanh Niên và Thể thao Indonesia Imam Nahrawi đã thông báo treo thưởng cho các cầu thủ đội tuyển Indonesia nếu giành quyền vào bán kết AFF Suzuki Cup 2014. HLV trưởng Alfred Riedl khẳng định sẽ tiếp tục giúp các học trò cải thiện phong độ, đặc biệt là thể lực để có thể vượt qua mọi đối thủ ở giải đấu năm nay.

Sai sót cá nhân trong phòng ngự khiến đội tuyển Việt Nam đánh rơi chiến thắng. Ảnh: V.S.I

Trong khi đó, trang Goal.com phiên bản tiếng Indonesia bình luận: “Đội tuyển Việt Nam mặc dù là chủ nhà của bảng A nhưng đã phải chấp nhận chia điểm trước Indonesia sau trận hòa 2-2 tối 22/11. Các cầu thủ Indonesia đã tỏ ra lúng túng và bất lực trước lối chơi nhanh, tốc độ và rất kỹ thuật của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, may mắn đã cứu đội tuyển Indonesia ở bàn gỡ hòa khi trận đấu chỉ còn 6 phút nữa là kết thúc.

Đội tuyển Việt Nam dưới sự cổ vũ cuồng nhiệt của các khán giả từ khán đài đã kiểm soát bóng đầy tự tin và gây sức ép liên tục lên hàng phòng ngự Indonesia. Trong hiệp 1, các cầu thủ Indonesia thất bại trong việc ngăn cản các pha phối hợp kỹ thuật của đội chủ nhà. Tuy nhiên, Zulham Zamrun đã tận dụng sai lầm ngớ ngẩn của trung vệ Đinh Tiến Thành để gỡ hòa 1-1 cho Indonesia sau khi để Quế Ngọc Hải mở tỷ số cho đội tuyển Việt Nam”.

Cũng theo đánh giá của Goal, để thay thế cho tiền đạo Hải Anh, người đã phung phí nhiều cơ hội ghi bàn, HLV Toshiya Miura đưa Công Vinh vào sân. Với bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1, Công Vinh đã cho thấy quyết định đúng đắn của ông Miura nhưng Indonesia đã có câu trả lời khi Samsul Arif tận dụng pha bắt bóng không hoàn hảo của Nguyên Mạnh, để lọt qua hai chân mà ghi bàn ấn định tỷ số hòa 2-2 cho trận đấu”.

Trong khi đó, tiền đạo Samsul Arif, cầu thủ được tạo cơ hội ghi bàn thắng vô cùng may mắn, mang về 1 điểm cho đội tuyển Indonesia thì cũng thừa nhận pha lập công của mình đến sau sai lầm của thủ môn đối phương (Nguyên Mạnh – PV). "Đội tuyển Indonesia đã chơi không tốt trong trận đấu với Việt Nam. Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho trận đấu với Philippines và Lào với mục tiêu giành vé vào bán kết".

Nguồn: Chí Lâm/thethaovanhoa.vn

Bộ TT&TT yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú

(ICTPress) - Bộ TT&TT hôm nay 20/11 vừa có văn bản số 3373/BTTTT-VP gửi các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí.

Ảnh: thanhtra.com.vn

Theo văn bản này cho biết, cả nước có gần 18.000 nhà báo được Bộ TT&TT cấp thẻ; đội ngũ nhà báo đã hoạt động tốt, kịp thời tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhiều cơ quan đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí ở các địa phương hoạt động có hiệu quả, giúp các cơ quan báo chí thông tin khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện những sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, của đất nước; thực hiện tốt quyền được thông tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Tuy nhiên thời gian gần đây, theo phản ánh của một số địa phương có tình trạng các cá nhân lợi dụng danh nghĩa nhà báo, phóng viên cơ quan báo chí; mang giấy giới thiệu do phóng viên thường trú ký hoặc xưng danh là phóng viên của cơ quan báo chí này nhưng lại xuất trình giấy chứng nhận phóng viên của cơ quan báo chí khác để tác nghiệp, kêu gọi quảng cáo, gây phiền hà, sách nhiễu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; một số cơ quan báo chí cấp các loại giấy tờ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo...

Xảy ra tình trạng trên là do những người này nắm bắt được tâm lý các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thường nể nang hoặc ngại va chạm với báo chí; nhiều cơ quan báo chí thành lập cơ quan đại diện, cử phóng viên thường trú tại địa phương nhưng không tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008 của Bộ TT&TT hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí; buông lỏng quản lý, không quan tâm giáo dục đạo đức, tác phong của phóng viên thường trú, cộng tác viên, không có quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ... nên dễ nảy sinh tiêu cực, vi phạm pháp luật, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến thanh danh, uy tín của các nhà báo chân chính.

Nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; thực hiện tốt các quy định về quản lý hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, lập lại môi trường lành mạnh cho hoạt động báo chí, Bộ TT&TT yêu cầu Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay các nội dung như sau:

Một là, rà soát, kiểm tra và báo cáo thực trạng hoạt động của các cơ quan đại diện, cơ quan thường trú, phóng viên thường trú trên địa bàn theo thẩm quyền quy định tại Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí và Thông tư số 21/2011/TT-BTTTT ngày 13/7/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 13/2008/TT-BTTTT; thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đại diện, cơ quan thường trú, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí trên địa bàn hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật.

Hai là, trên cơ sở kiểm tra, rà soát các cơ quan đại diện, cơ quan thường trú, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí trên địa bàn, tiến hành thông báo hoặc công bố công khai danh sách các phóng viên đã đăng ký hoạt động nghiệp vụ của từng cơ quan đại diện, cơ quan thường trú đến các cơ quan nhà nước trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc phối hợp, cung cấp thông tin và tác nghiệp của nhà báo.

Ba là, tham mưu cho UBND cấp tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thông báo kịp thời cho các cơ quan, tổ chức và toàn thể nhân dân tại địa phương nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi lợi dụng danh nghĩa của nhà báo, phóng viên cơ quan báo chí để trục lợi và các sai phạm trong hoạt động của cơ quan đại diện, cơ quan thường trú, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí.

Bốn là, trường hợp phát hiện hoặc nhận được tin tố giác về sai phạm trong hoạt động của cơ quan đại diện, cơ quan thường trú, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí hoặc phát hiện những người lợi dụng danh nghĩa của nhà báo, phóng viên cơ quan báo chí thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn, Sở TT&TT thông báo với cơ quan báo chí; đồng thời chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tiến hành xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền; đối với vụ việc phức tạp cần báo cáo Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp giải quyết.

Bộ TT&TT đề nghị Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ TT&TT (qua Cục Báo chí) trước ngày 15/12/2014.

Mai Nguyễn

Bộ TT&TT phạt 5 báo điện tử vì đăng tin không chính xác

Trong 2 ngày 19 và 20/11/2014, Bộ TT&TT vừa ban hành quyết định xử phạt 5 báo điện tử gồm Thanh Niên, Tiền Phong, Một Thế Giới, Infonet và Tri Thức trực tuyến vì đăng bài có chi tiết không chính xác.

Cụ thể, ngày 19/11/2014, Bộ TT&TT ra quyết định xử phạt báo điện tử Thanh Niên 15 triệu đồng vì đã đăng bài "Hà Nội đứng vào top 10 thế giới về ... nạn móc túi" vào ngày 30/10/2014 có thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh và việc phát triển kinh tế, du lịch của Thủ đô. Mức phạt được áp dụng theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

5 báo điện tử bị phạt vì đăng tin bài "Hà Nội đứng thứ 9 thế giới về nạn móc túi" có thông tin không chính xác.

Hôm nay, 20/11/2014, Bộ TT&TT tiếp tục ban hành 4 quyết định xử phạt 4 báo điện tử khác. Trong đó, báo điện tử Tiền Phong bị phạt 10 triệu đồng cũng vì đã đăng bài "Hà Nội vào top 10 thế giới về... nạn móc túi" ngày 30/10/2014, tuy nhiên, có tình tiết giảm nhẹ là báo này dẫn lại nguyên văn tin bài từ báo khác và tự gỡ bỏ tin bài ngay khi phát hiện ra sai sót; Ban Biên tập của báo đã thành thật kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tích cực giúp đỡ các cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính.

Báo điện tử Một Thế Giới bị phạt 6 triệu đồng vì đăng bài "Khi Hà Nội vào top 10 điểm đen về nạn móc túi trên thế giới" ngày 4/11/2014 có chi tiết không chính xác.

Báo điện tử Infonet bị phạt 10 triệu đồng vì đăng bài "Hà Nội đứng thứ 9 thế giới về... nạn móc túi" ngày 28/10/2014 có thông tin không chính xác, nhưng có tình tiết giảm nhẹ là đã kịp thời gỡ bỏ ngay tin bài khi phát hiện ra sai sót và thực hiện cải chính, xin lỗi theo quy định; Ban Biên tập Báo thành thật kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính.

Báo điện tử Tri Thức trực tuyến bị phạt 10 triệu đồng cũng vì đã đăng bài "Hà Nội đứng thứ 9 thế giới về... nạn móc túi" ngày 28/10/2014, nhưng có tình tiết giảm nhẹ là đã dẫn lại nguyên văn tin bài từ báo khác và tự gỡ bỏ tin bài ngay khi phát hiện ra sai sót; Ban Biên tập báo đã thành thật kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính.

Nguồn: Bình Minh/Infonet.vn

Tác nghiệp tại hội nghị tiếp xúc cử tri, phóng viên bị... giam lỏng?

Nhận được thông tin tổ đại biểu 16 của HĐND TP.HCM về tiếp xúc cử tri cụm 4 phường Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) tại hội trường UBND phường Bình Trị Đông, phóng viên Nguyễn Đình Thắng của báo Nông Thôn Ngày Nay đã đến tác nghiệp. Tuy nhiên, khi vừa kết thúc hội nghị, phóng viên này đã bị lực lượng an ninh Q. Bình Tân và công an phường Bình Trị Đông tiếp cận, mời về trụ sở Công an phường làm việc.

Giấy giới thiệu mà PV Đình Thắng đã trình khi tham gia hội nghị còn giá trị đến hết ngày 30/11/2014

Được biết, phóng viên Đình Thắng đến hội nghị khoảng 8 giờ 30, lúc này, bàn tiếp tân đại biểu và cử tri đã dẹp nên anh Thắng đã chủ động vào phòng để lắng nghe thông tin phản ánh của cử tri. Sau khi xuất trình giấy giới thiệu do văn phòng Đại diện phía nam báo Nông thôn Ngày nay cấp ngày 30/10 (thời hạn 1 tháng) cho điều phối viên hội nghị. Phóng viên Đình Thắng đã mang máy ghi âm và máy chụp ảnh ra để tác nghiệp. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau đó, một đồng chí mặc thường phục tự xưng “công tác bên quận” và một đồng chí mặc đồng phục công an phường đến kiểm tra giấy giới thiệu và giấy tờ tùy thân. Dù đã xuất trình đầy đủ giấy tờ, nhưng vào khoảng 11 giờ, khi hội nghị kết thúc những cán bộ an ninh nói trên "mời" phóng viên Đình Thắng về trụ sở công an phường làm việc”!

Phóng viên Đình Thắng rời trụ sở UBND phường Bình Trị Đông sau 3 giờ bị “giam lỏng”

Do không rõ mình vi phạm, phóng viên Đình Thắng đã yêu cầu phía công an lập biên bản nêu rõ lý do mời về làm việc. Tuy nhiên, phía công an không chịu lập biên bản mà kiên quyết: “về trụ sở công an phường rồi anh sẽ biết anh vi phạm gì”. Do phía công an không đưa ra được lý do chính đáng để triệu tập sang trụ sở công an phường nên anh Thắng đã bị phía công an tạm giữ giấy tờ tùy thân cùng giấy giới thiệu phóng viên để “điều tra”. Anh Thắng cũng bị “giam lỏng” tại trụ sở UBND phường Bình Trị Đông từ 11 giờ trưa 14/11 đến gần 15 giờ cùng ngày.

Lấy lý do không xin phép chính quyền địa phương phường Bình Trị Đông (dù rằng buổi hội nghị HĐND tổ chức nói trên là công khai và chỉ mượn hội trường UBND phường Bình Trị Đông làm địa điểm tổ chức) nên phía công an liên tục yêu cầu anh Thắng phải xóa những tấm ảnh và file ghi âm đã thu thập được tại buổi hội nghị. Dù đã nghe phóng viên Đình Thắng trình bày lý do, mục đích đến tham dự buổi hội nghị và trình đủ giấy tờ, tuy nhiên người làm việc trực tiếp với anh Thắng là Hạ sĩ quan Võ Tiến Vinh, điều tra viên Công an Q. Bình Tân vẫn liên tục yêu cầu phải cung cấp thêm thẻ phóng viên (đã bị Bộ TT-TT cấm phát hành), thẻ cộng tác viên… để xác minh thêm. Điều đáng nói là khi đang làm việc với những vấn đề liên quan đến luật pháp thì vị hạ sĩ quan này lại luôn miệng nói rằng “tôi không biết, tôi không quan tâm luật báo chí của các anh là như thế nào…”.

Đến gần 15 giờ ngày 14/11, sau khi không thể đưa ra lý do để tạm giữ hành chính và xử phạt vi phạm, hạ sĩ quan Võ Tiến Vinh đã mời phóng viên Đình Thắng ra về với lý do “đã làm việc xong”. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một cán bộ (xin giấu tên) đang công tác tại Sở TT-TT TP.HCM cho biết: “Hội nghị tiếp xúc cử tri vốn là chương trình làm việc công khai, minh bạch của cơ quan dân biểu. Việc gây khó dễ, cản trở phóng viên (có giấy tờ) là hành vi vi phạm luật báo chí về quyền tự do tác nghiệp”.

Trao đổi với chúng tôi, cử tri Trần Thị Mẫn (P. Bình Trị Đông), người tham dự hội nghị cho biết: “Tôi thấy từ đầu đến cuối anh phóng viên này không làm gì sai cả vậy mà đến cuối hội nghị họ lại giữ không cho về. Dân bức xúc thì phải để báo chí phản ánh chứ làm vậy có khác gì bịt miệng báo chí đâu”. “Khi thấy công an đến gần anh phóng viên đó, tôi và một số cử tri khác cũng kéo đến gần để nghe ngóng và xin cho ảnh nhưng họ không đồng ý và đuổi chúng tôi về”, bà Mẫn nói tiếp.

Theo phóng viên Đình Thắng, tại buổi hội nghị tiếp xúc cử tri nói trên, đoàn đại biểu HĐND đã tiếp nhận 17 ý kiến phản ánh của cử tri về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực: an ninh trật tự; quy hoạch quản lý đô thị; kiện tụng tranh chấp đất đai… Trong đó, có nhiều cử tri đã phải bật khóc ngay trong lúc phát biểu vì được phản ánh lên cơ quan dân biểu những bức xúc chất chứa lâu nay.

Nhận định về trường hợp này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho rằng, hành động mời phóng viên Đình Thắng về trụ sở công an phường làm việc trong khi phóng viên này không vi phạm điều gì đã vi phạm quyền công dân rồi chứ chưa nói gì đến luật tự do tác nghiệp báo chí. Luật sư Hậu kiến nghị, để giải quyết đích đáng sự việc này, phóng viên Đình Thắng này làm 1 đơn thư phản ảnh gửi lên Ban biên tập báo Nông thôn Ngày nay và Hội Nhà báo TP.HCM để được nhờ cơ quan chức năng vào cuộc.

Nguồn: Bảo Bình/congluan.vn