Syndicate content

Nghề báo

Tưng bừng khai mạc Hội báo Xuân Ất Mùi năm 2015

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Hội Báo Xuân Ất Mùi sẽ diễn ra từ ngày 7/2 - 10/2/2015.

(ICTPress) - Sáng nay 7/2/2015, tại Hà Nội, Hội báo Xuân Ất Mùi năm 2015 chính thức khai mạc tại thủ đô Hà Nội.

Hội Báo Xuân 2015 được Hội nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, UBND TP. Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức từ ngày 7/2 - 10/2/2015.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và đánh trống, cắt băng khai mạc Hội Báo Xuân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và các đại biểu cắt băng khai mạc Hội báo Xuân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh trống khai mạc Hội báo Xuân 2015

Hội báo Xuân được tổ chức truyền thống 5 năm 1 lần, với sự tham gia của đông đảo các cấp hội cơ quan báo chí cả nước, trưng bày các sản phẩm báo Xuân, báo Tết.

Năm nay, với chủ đề “Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng vận hội mới của đất nước”, Hội Báo Xuân toàn quốc Ất Mùi 2015 diễn ra đúng dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm Cách Mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, các cấp ủy Đảng tổ chức đại hội nhiệm kỳ hướng tới Đại hội lần thứ 12 của Đảng với những chương trình kế hoạch mới nhằm đưa đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với các nhà báo thì năm nay chuẩn bị kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đón chào Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam.

Với 120 gian trưng bày của 65 đơn vị tham gia, Hội Báo Xuân đã biểu dương lực lượng báo chí cách mạng có sứ mệnh góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh. Các gian trưng bày là tấm gương phản chiếu toàn diện báo chí Việt Nam với những ấn phẩm, sản phẩm có hình thức đẹp, nội dung phong phú. Hội báo Xuân cũng là dịp để báo chí tổng kết thành tựu của báo chí và cũng là dịp để các nhà báo trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.

Phát biểu khai mạc Hội Báo Xuân Ất Mùi, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Hội báo Xuân 2015 Thuận Hữu cho biết báo chí cách mạng đã phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, trở thành nền báo chí cách mạng lớn mạnh, đóng góp vào quá trình đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước phồn vinh. Đây là điều rất đáng tự hào, trân trọng, gìn giữ và phát huy. Đây vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của đội ngũ những người làm báo Việt Nam.

Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu khai mạc Hội Báo Xuân

“Hội Báo Xuân thực sự trở thành ngày hội của giới báo chí, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo không khí thi đua của các nhà báo, các cơ quan báo chí, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, nâng cao chất lượng báo chí cách mạng, góp phần tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, nâng cao hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam”, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nhấn mạnh.

Kể từ lần đầu đầu tiên tổ chức Hội Báo Xuân năm 1991 do Hội Nhà báo Việt Nam có sáng kiến tổ chức, đến nay, hoạt động mang nét đẹp văn hóa đầu xuân này của báo chí đã có quá trình 25 năm. Trong đó hàng năm, Hội Báo Xuân được các cấp hội nhà báo tổ chức với nhiều hình thức phong phú, có khi ở trung tâm tỉnh, có khi đưa về huyện, xã. Cứ 5 năm 1 lần, Hội Báo Xuân toàn quốc được tổ chức. Sau khi kết thúc Hội Báo Xuân, các ấn phẩm báo Xuân, Tết sẽ được gửi tặng các chiến sĩ, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa để nâng cao mức độ hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân.

Gian trưng bày chính của Hội Báo Xuân
Bạn đọc tham quan và đọc báo Xuân 2015
Gian trưng bày của Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam
Gian trưng bày của Đài Truyền hinh Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu đến thăm gian hàng của Liên chi hội nhà báo Bộ TT&TT
Gian trưng bày của Liên chi hội nhà báo Bộ Thông tin và Truyền thông
Chi hội nhà báo Báo Bưu điện
Ông đồ cho chữ tại gian hàng báo điện tử VNMedia, Liên chi hội nhà báo TT&TT

Minh Anh - Nguyễn Quyên - Thái Anh

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

9 thành tựu nổi bật của báo chí năm 2014

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã điểm lại 9 thành tựu quan trọng, nổi bật trong mà báo chí đã đạt được trong năm 2014.

(ICTPress) - Hội Báo Xuân Ất Mùi năm 2015 sẽ diễn ra từ ngày 7/2 - 10/2/2015. Hội Báo Xuân lần này cũng là dịp lần này là dịp chào mừng các sự kiện quan trọng của năm 2015 và còn là ngày hội của báo giới cả nước.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo Xuân Ất Mùi năm 2015

Nhìn lại lại hoạt động của báo chí năm 2014 tại buổi họp báo Hội Báo Xuân 2015 mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã điểm lại 9 thành tựu quan trọng, nổi bật trong mà báo chí đã đạt được trong năm 2014 là:

Thứ nhất, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, các cơ quan báo chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân; góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, tích cực tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương khóa XI, các Nghị quyết và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ.

Thứ ba, phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới; kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp, hướng đi thiết thực; đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực xã hội.

Thứ tư, tuyên truyền đậm nét các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước trong năm 2014 như Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày thành lập Đảng, Ngày Quốc khánh, 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 60 năm Giải phóng Thủ đô, 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…vv.

Thứ năm, tích cực đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”, nguy cơ  “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”; phản bác các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, báo chí đã nắm vững, quán triệt sâu sắc và tuyên truyền sâu rộng quan điểm, mục tiêu, phương châm, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, “giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước”, “tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc”... Báo chí đã lên án kiên quyết, mạnh mẽ hành động ngang ngược, sai trái của phía Trung Quốc; nêu bật tinh thần yêu nước, ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc của toàn dân, góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Thứ sáu, đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội...

Thứ bảy, bám sát thực tiễn cuộc sống, báo chí hằng ngày, hằng giờ, thậm chí từng phút, phản ánh sinh động mọi vấn đề liên quan đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Năm qua, báo chí đã tuyên truyền hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, như: diễn biến dịch Ebola, dịch H5N6, phòng dịch sởi,vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch cúm gia cầm, dịch bệnh trên gia súc… Báo chí tuyên truyền việc chủ động phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu...

Thứ tám, thông tin trên báo chí về việc tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được gắn với nội dung tuyên truyền biểu dương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực công tác. Hội Nhà báo Việt Nam các cấp đã tổ chức cho hội viên đi thực tế, gặp gỡ, phản ánh, biểu dương những điển hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa một cách sáng tạo, sinh động. Cùng với thông tin, tuyên truyền, nhiều cơ quan báo chí tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội giàu ý nghĩa và tính nhân văn.

Thứ chín, nhiều cơ quan báo chí đã phát huy tốt ưu thế các ấn phẩm, chương trình bằng tiếng nước ngoài như Anh, Pháp, Trung, Nga...; đồng thời, đưa thông tin lên internet để phục vụ đối tượng khán giả là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam, những người quan tâm đến Việt Nam.

 Minh Anh ghi

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

“Tranh đấu” - tờ báo đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tóm tắt: 

“Tranh đấu” là một sự kiện lịch sử của ĐCSVN, một di sản quý trong lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và lịch sử báo chí cách mạng nói riêng.

“Tranh đấu” là một sự kiện lịch sử của ĐCSVN, một di sản quý trong lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và lịch sử báo chí cách mạng nói riêng.

Trước ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), 3/2/1930, các tổ chức cộng sản Việt Nam hoạt động ở trong nước ta đã xuất bản nhiều báo và tạp chí, nhân danh Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh ủy…

Sau hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, các báo và tạp chí đó ngừng xuất bản và một tờ báo là cơ quan Trung ương của Đảng đã thay thế. Ngày 15/8/1930, báo “Tranh đấu” ra số 1 do Trịnh Đình Cửu chỉ đạo biên tập, in ở một cơ sở bí mật trong nước.

Báo “Tranh đấu” khổ rộng 315 x 220mm, in bằng chữ bút thép trên giấy sáp. Số 1 có 4 trang, mỗi trang 3 cột. Ở trang nhất, mở đầu có Mấy lời tuyên cáo (in nối tiếp sang trang 3, trang 4) viết: “Các đoàn thể và các phần tử cộng sản lẻ tẻ trong nước bây giờ đã thống nhất lại một đảng gọi là ĐCSVN. Vì thế mà các cơ quan Trung ương tuyên truyền của các đoàn thể xưa kia đã hết nhiệm vụ lịch sử và đã phải đình bản. Ngày nay, báo Tranh đấu này ra đời làm cơ quan Trung ương của Đảng để thống nhất, để hướng đạo tư tưởng và hành động cho cả toàn thể đồng chí và quần chúng lao khổ”.

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam với nhiều trang sử vẻ vang (Ảnh minh họa)

Báo giải thích vì sao lấy tên “Tranh đấu?”: “Cái tên này không phải ngẫu nhiên do một cái chí hướng tốt, hoặc một cái ước vọng cao cả của Đảng mà chưa có căn cứ vào đâu, nhưng chính là cái tiêu biểu của sự thiết thực trong thời kỳ lịch sử ở xứ sở ta ngày nay. Kìa, từ Bắc chí Nam, hàng nghìn hàng vạn người quần chúng công nông bị đế quốc chủ nghĩa, địa chủ, tư bản cướp cơm, giật áo, ngược đãi, tàn sát hàng ngày, đã cùng đường phải hô nhau lên đường tranh đấu thành thị, thôn quê; mà ĐCS đã trở thành một lực lượng phát động dẫn tạo quần chúng đấu tranh. Hoàn cảnh thực tại là hoàn cảnh sôi động đấu tranh, trách nhiệm hiện tại phải lăn lộn hoạt động cùng quần chúng đấu tranh. Bộ Trung ương vì ý nghĩa ấy mà lấy tên Tranh đấu cho cơ quan tuyên truyền này”.

“Tranh đấu sẽ tiến hành thành công cuộc thống nhất tư tưởng hành vi toàn Đảng; sẽ báo cáo, giải thích những án nghị quyết của Quốc tế Cộng sản và của Đảng, về phương pháp tổ chức quần chúng đấu tranh, sẽ hết sức bài trừ tư tưởng sai “biệt phái chủ nghĩa”…

“Tranh đấu thỉnh cầu tất cả các đảng viên và anh chị em lao khổ giúp sức, làm cho tinh thần tranh đấu mỗi ngày một cao, tiếng gọi Tranh đấu mỗi ngày một lan rộng, nghe xa”.

Từ trang 1, tiếp ở các trang sau có bài “Tình hình trong nước và trách nhiệm của Đảng”. Sau bài “Mấy lời tuyên cáo” nêu trên, đây là bài chủ yếu của số báo.

Bài báo phác qua tình hình đấu tranh sôi nổi kế tiếp nhau không dứt trên cả nước, mỗi ngày mỗi lan rộng, mỗi ngày một kịch liệt “trước còn ôn hòa, sau xung đột đổ máu; quần chúng lại càng ngày càng thêm cương quyết, hăng hái và dũng cảm, hy sinh lạ thường”.

Nguyên nhân của tình hình ấy là do “khủng hoảng kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng cơ cực, sinh hoạt đắt đỏ, sức mua ngày một eo hẹp hơn. Thực dân Pháp càng ra sức bóp nặn nhân dân lao động” để bù vào những thiệt hại do khủng hoảng kinh tế gây ra “phá sản, thất nghiệp, đói kém lại thêm dữ dội, nỗi thảm thê cay đắng lại thêm bội phần sâu sắc”.

Trong tình trạng sống dở chết dở, cùng đường, buộc quần chúng phải vùng lên tranh đấu. “Nếu không hiểu thấu đáo như thế, thì không thể nào hiểu được cái chí cương quyết đấu tranh của quần chúng”.

Thực dân Pháp thấy rõ nguy cơ của chúng nên tìm mọi cách củng cố bộ máy thống trị, ra sức đàn áp các chiến sỹ cách mạng, đối phó phong trào cộng sản, đồng thời lừa phỉnh quần chúng bằng những cải lương vụn vặt và xây dựng những cơ sở vật chất cần thiết làm lợi khí bóc lột. “Khủng bố, cải lương chẳng những không hiệu quả gì, mà lại làm cho quần chúng giác ngộ thêm, oán tức thêm và hăng hái thêm. Những trận vừa qua chỉ là những trận nhỏ báo hiệu trước đó thôi. Trận tranh đấu sau này sẽ dữ dội bằng mấy lần trước và gây lên một phong trào cách mệnh lớn lao lay chuyển cả nền tảng đế quốc chủ nghĩa và phong kiến”.

Trong tình hình này, Đảng phải chuẩn bị đưa phong trào đấu tranh của quần chúng lên cao hơn nữa, phải vạch mặt những hành động giả dối của kẻ thù và bóc trần bọn quốc gia cải lương, đẩy mạnh đấu tranh giai cấp, chống những thủ đoạn bóc lột mới, chống khủng bố. Kết hợp tuyên truyền khẩu hiệu chống đế quốc với chống phong kiến, củng cố và mở rộng vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản.

“Muốn làm đầy đủ những trách nhiệm lớn lao ấy, Đảng phải khuếch trương công hội, nông hội vận động, liên lạc mật thiết với nhà máy, đồn điền, mỏ, làng xã, tăng sự hoạt động đảng viên trong quần chúng, bài trừ cho tiệt những thái độ rụt rè và xu hướng sai nhầm của đảng viên làm cả trở sự hoạt động của quần chúng, phải lấy tranh đấu làm căn bản”.

Ở trang 3, có câu nhắc lại phương châm Đảng giáo dục và lãnh đạo quần chúng, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của quần chúng.

Về thời sự, báo đưa tin cuộc bãi công lớn của công nhân công ty xe điện ở Thượng Hải tháng 6 và tháng 7/1930; về phong trào Xô viết ở Trung Hoa; về phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống đế quốc Anh; về cuộc tổng bãi công của công nhân miền Bắc nước Pháp.

Báo “Tranh đấu” còn có bản dịch ra chữ Nôm để phổ biến chủ yếu ở nông thôn, khi ấy chữ Nôm còn đang thịnh hành.

Thực dân Pháp ra sức dò la theo dõi hoạt động của ĐCS. Chúng phát hiện ra Trung ương ĐCSVN vừa xuất bản tờ “Tranh đấu” và bằng cách nào đó, sở mật thám Pháp đã có được ngay tờ báo này, liền cho dịch toàn văn, không sót một chữ ra tiếng Pháp để cho quan chức Pháp nghiên cứu, đối phó.

Không biết sau số 1, “Tranh đấu” có ra được số tiếp theo hay không? Khi Đảng phát động cao trào quần chúng đấu tranh, địch điên cuồng đối phó, công tác hết sức bận rộn, biết bao việc trước mắt và lâu dài đòi hỏi giải quyết khẩn trương, lại bắt tay vào chuẩn bị văn kiện cho Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp vào tháng 10/1930, không có người chuyên trách biên tập và xuất bản nên có thể phải ngừng.

Sau Hội nghị Trung ương tháng 10/1930, với các nghị quyết mới, “Tranh đấu” không tục bản. Tờ báo mới mang tên “Cờ vô sản” là cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng ra đời tháng 1/1931.

“Tranh đấu” là một sự kiện lịch sử của ĐCSVN, một di sản quý trong lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và lịch sử báo chí cách mạng nói riêng./.

Nguồn: Thông tin tư liệu/TTXVN

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Kenji Goto- một nhà báo luôn đau đáu về số phận con người

Tóm tắt: 

Trong ký ức của nhiều người Nhật Bản, Kenji bới mái tóc đuôi ngựa và nụ cười thân thiện vẫn còn sống mãi.

 Trong ký ức của nhiều người Nhật Bản, Kenji bới mái tóc đuôi ngựa và nụ cười thân thiện vẫn còn sống mãi.

Theo AP, trong một tuyên bố được đăng tải ngày 1/2 thông qua nhóm nhà báo Rory Peck Trust có trụ sở tại Anh, bà Rinko Jogo, vợ của nhà báo Kenji Goto đã lên tiếng thể hiện mong muốn gia đình bà được yên tĩnh để làm tang lễ cho chồng và bày tỏ lòng cảm ơn những người đã ủng hộ bà.

Hình ảnh thân thiện của nhà báo Kenji Goto (Ảnh IBT)

Người vợ tan nát cõi lòng nhưng vẫn tự hào về chồng 

“Tôi vẫn rất tự hào về chồng mình, người đã cung cấp thông tin về số phận của những người đang bị giằng xé tại các khu vực xung đột như Iraq, Somalia và Syria”, bà Jogo nói. 

“Ông ấy luôn muốn nêu bật những tác động tiêu cực của các cuộc xung đột đối với những người dân thường, đặc biệt là trẻ em và muốn cho chúng ta thấy thảm kịch của chiến tranh”, bà Jogo.

Vào cuối tháng 10/2014, ông Goto đã rời Nhật Bản đến Syria chỉ vài tuần sau khi con gái út của ông chào đời. Ngay sau đó, ông đã bị IS bắt cóc.

Bà Goto cho biết, sau đó bà đã nhận được nhiều email nặc danh từ những kẻ tuyên bố đã bắt cóc chồng mình.

Tuy nhiên, vụ việc này chỉ trở thành vụ khủng hoảng con tin của Nhật Bản sau khi phiến quân IS ngày 20/1 đăng tải video đòi 200 triệu USD tiền chuộc mạng ông Goto và con tin Nhật Bản khác trong vòng 72 giờ nếu không sẽ hành quyết họ.

Viết về số phận con người trong chiến tranh

Tin tức về việc nhà báo Goto bị IS hành quyết khiến toàn bộ người dân Nhật Bản cảm thấy sốc và không khí tang thương bao trùm nước này từ sáng 1/2.

Người dân Nhật Bản từng mong đợi IS sẽ thả ông Goto (Ảnh AP)

Trong một bài báo của mình, ông Goto chia sẻ: “Tôi luôn muốn giang rộng vòng tay đón nhận mọi người. Bằng cách này, tôi có thể trò chuyện với họ và có thể hiểu được quan điểm, nỗi đau và niềm hy vọng của họ”. 

Người đàn ông để tóc đuôi ngựa, có nụ cười thân thiện này là một phóng viên tự do kỳ cựu và đã từng làm việc thường xuyên với nhiều nhà làm phim Nhật Bản. Những bình luận của ông cũng từng xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn của Nhật Bản.

Vào năm 2005, ông đã viết một cuốn sách về nỗi đau của trẻ em tại Sierra Lenone với tựa đề: “Chúng cháu muốn hòa bình, chứ không phải kim cương”.

Mặc dù vậy, ông Goto luôn khẳng định mình không phải là một phóng viên chiến trường. Ông cho rằng, mình chỉ muốn kể những câu chuyện về những người dân thường những người “vừa bước chân ra khỏi vùng chiến sự”. 

Vì vậy, ông đã đến nhiều trại tỵ nạn, nhiều nhà trẻ mồ côi và viết về những đứa trẻ phải hứng chịu bạo lực, đói khát và nhiều cơn ác mộng khác. 

Ông Goto đến Syria chỉ 3 tuần trước khi đứa con gái út của ông chào đời. Trước khi thực hiện chuyến đi cuối cùng của mình, ông đã tự ghi hình lại. 

Trong đoạn video đó, ông chia sẻ: “Dù có gì xảy ra với tôi, tôi vẫn luôn yêu quí người dân Syria”. 

Cả thế giới tiếc thương 

Những câu chuyện cảm động của ông đã được đền đáp bằng việc có rất nhiều người đã gửi những lời động viên, ủng hộ và mong muốn ông được phiến quân IS thả tự do. 

Một trang Facebook được thiết lập ngay sau khi IS tung đoạn video đầu tiên về vụ bắt giữ ông Goto ngày 20/1 đã thu hút được hàng nghìn Like và nhiều người trên toàn thế giới đã đăng tải những hình ảnh bày tỏ sự ủng hộ với ông bằng việc giơ cao tấm biển có dòng chữ: “Tôi là Kenji”.

Bố của con tin Yukawa trong buổi phỏng vấn với các phóng viên về con trai ông và nhà báo Goto, những người bị IS hành hình (Ảnh AP)

Nhà làm phim Taku Nishimae, người sáng lập trang Facebook này, viết: “Kenji sẽ sống mãi trong trái tim chúng ta. Trong từng công việc hàng ngày của chúng ta. Mỗi khi các bạn mỉm cười với những người xung quanh, bạn sẽ nhớ đến nụ cười mà Kenji trao tặng cho chúng ta”. 

Trong khi đó, hàng nghìn người đã ký vào đơn yêu cầu Chính phủ Nhật Bản cứu ông Goto. Ngoài ra, còn có hàng trăm người Nhật Bản đã tập trung bên ngoài tư dinh Thủ tướng Abe giương cao các tấm biển có dòng chữ: “Hãy thả tự do cho Kenji” và “Tôi là Kenji”. 

Những người biết ông Goto cho biết, ông là một người lịch thiệp và rất nhẹ nhàng. Trên đường phố Tokyo ngày 1/2 , rất nhiều người cầm trên tay bản tin mới nhất của tờ Yomiuri vẫn không muốn tin rằng những kẻ bắt cóc ông Goto có thể giết hại ông. 

Mẹ nhà báo Goto, bà Junko Ishido cho biết: “Kenji đã rời bỏ chúng ta. Giờ tôi chỉ hy vọng rằng chúng ta có thể tiếp tục sứ mạng của Kenji là bảo vệ những đứa trẻ khỏi chiến tranh và nghèo đói”. 

Trước đó, ông Goto đã từng bị nhiều nhóm phiến quân ở Trung Đông bắt cóc nhưng ông đã thuyết phục được chúng thả ông bằng cách cho chúng thấy ông là một phóng viên. 

Trước đó, vào cuối năm 2014, ông Goto đã đến Syria để cứu ông Haruna Yukawa, cũng bị IS bắt cóc. 

Bố của Yukawa, ông Shoichi Yukawa, không nén nổi giọt nước mắt khi nghe tin ông Goto bị sát hại. 

“Anh ấy là một người rất tốt bụng và dũng cảm”, ông Shoichi nói./.

Nguồn: Trần Khánh/VOV.VN

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Quý I, Bộ TT&TT phối hợp với VOV xây dựng đề án sáp nhập VTC

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của VOV về chủ trương sáp nhập VTC.

(ICTPress) - Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngành TT&TT tháng 1/2015 chiều 2/2.

Ảnh minh họa (vtc.vn)

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) về chủ trương sáp nhập Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC), trực thuộc Bộ TT&TT về VOV.  Ý kiến này của Thủ tướng được xem xét, quyết định theo công văn đề nghị của VOV xin đài VTC sáp nhập VTC. Cũng theo công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng, Thủ tướng giao cho Bộ TT&TT xử lý dứt điểm việc chia tách vốn, tài sản, phân chia nghĩa vụ tài chính công lập giữa Đài VTC và Tổng công ty VTC.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết Bộ TT&TT đã giao cho Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phối hợp với VOV để xây dựng Đề án sáp nhập và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phối hợp với Bộ Tài chính để chia tách tài sản.

VOV có chủ trương trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, VOV trình Thủ tướng xin Đài VTC về sáp nhập là phù hợp, đúng đắn bởi Đài VTC ở VOV cũng là chính phủ. Bộ TT&TT là cơ quan quản lý chung các đài truyền hình. Theo Nghị định 132 của Chính phủ quy định về chức năng nhiệm vụ của Bộ TT&TT, Đài VTC chuyển về Bộ TT&TT là quá trình hợp lý so với ở lại Tổng công ty VTC. Trong quá trình đưa Đài về Bộ, Đài VTC đã được củng cố lại trong thời gian qua và bước đầu hoạt động ổn đinh, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết.

Bộ TT&TT sẽ triển khai tốt quyết định của Thủ tướng và khẳng định công sức phát triển của Đài VTC, ghi nhận Tổng công ty VTC đã nuôi dưỡng và phát triển Đài VTC trong 10 năm qua, là đài truyền hình đã ứng dụng công nghệ số tiên tiến sớm nhất tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết thêm.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngành TT&TT, Giám đốc Đài VTC Nguyễn Thanh Lâm cho biết Đài đã cân đối thu chi, đã có lãi dù không lớn, đã đảm bảo cho Đài thực hiện nhiệm vụ, không còn khăn về chi thường xuyên.

HM

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo
Các chuyên mục liên quan: 
Chuyển động ngành

Hội Báo Xuân 2015: dày đặc sự kiện báo chí - văn hóa ấn tượng

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Hội Báo Xuân là sự kiện văn hóa - báo chí lớn của giới báo chí cả nước, được tổ chức 5 năm một lần.

(ICTPress) - Hội Báo Xuân 2015 là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay từ quy mô tổ chức, nội dung do Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp Ban Tuyên giáo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND TP. Hà Nội tổ chức, ông Hà Minh Huệ cho biết tại buổi Họp báo về Hội Báo Xuân toàn quốc Ất Mùi 2015 sáng nay 2/2 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Phú Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ chủ trì Họp báo Hội báo Xuân Ất Mùi 2015. Ảnh: Doãn Mạnh

Hội Báo Xuân là sự kiện văn hóa - báo chí lớn của giới báo chí cả nước, được tổ chức 5 năm một lần. Sau một thời gian chuẩn bị, Hội nhà báo Việt Nam cho biết sẽ có 120 gian trưng bày tại Hội Báo Xuân năm nay, được diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội từ ngày 7 - 10/2.

Cụ thể, ông Hà Minh Huệ cho biết Hội báo Xuân 2015 sẽ có những gian trưng bày rất “hoành tráng” như gian trưng bày toàn cảnh báo chí Việt Nam do Bộ TT&TT chủ trì trên diện tích gần 300m2 có thiết kế rất độc đáo, thiết kế mô hình đất nước, có hai quần đào Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Đài Truyền hình  Việt Nam (VTV) với 10 gian cao tới 4,5m, tổng cộng hơn 90m2, ánh sáng sẽ tưng bừng. Hội Nhà báo TP. HCM có 9 gian. Hội Nhà báo Hà Nội có 8 gian với sự tham gia trưng bày của nhiều tờ báo lớn. Ngoài ra, còn có các cơ quan báo chí khác với 1 - 2 gian trưng bày. 22/63 Hội Nhà báo tỉnh thành phố đã đăng ký tham gia như Sơn La, Yên Bái, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Trị, Nghệ An, Vinh. Tại Trung ương, một số báo nhỏ cũng tham gia, ví dụ như Tạp chí Việt Nam hương sắc, tạp chí Đồ uống, tạp chí Thủy sản… Tạp chí Cây thuốc quý: ngoài trưng bày gian còn tổ chức hội thảo về dược liệu quý của Việt Nam. 5 tỉnh đã đăng ký tham gia văn nghệ tại Hội Báo Xuân là Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Hòa Bình là những tỉnh có sản phẩm được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch năm nay vào cuộc, tham gia Hội báo Xuân mạnh mẽ hơn. Bộ đã phân công Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục Thể dục thể thao có các tiết mục văn nghệ xen kẽ với hoạt động văn nghệ của các tỉnh, thành phố. Lãnh đạo thành phố HN có công văn chỉ đạo các sở ban ngành ủng hộ. Trung tâm Hội chợ triển lãm tích cực triển khai các phương tiện, hỗ trợ các cơ quan báo chí triển khai gian hàng, ông Huệ cho biết thêm.

Hội báo Xuân 2015 sẽ khai mạc vào ngày 7/2 bắt đầu với chương trình Võ cổ truyền với sự tham gia của 200 vận động viên do Tổng cục Thể dục thể thao triển khai từ từ 7h30 – 8h30; từ 9h là văn nghệ chào mừng. VTV1 truyền hình trực tiếp lễ khai mạc từ 9h đến 10h.

Cùng ngày 7/2, từ 10h - 11h, Cục biểu diễn Nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức chương trình quan họ Bắc Ninh. Buổi chiều từ 14h – 15h ngày 7/2 là tọa đàm về tiềm năng dược liệu Việt Nam do Tạp chí Cây thuộc quý tổ chức. Buổi tối cùng ngày là chương trình Ví dặm Nghệ An.

Trong ngày 8/2 vào lúc 9 giờ sẽ có tọa đàm Tạp chí trong bối cảnh cạnh tranh và chương trình hát xoan Phú Thọ. Vào buổi tối cùng ngày là đoàn văn nghệ từ Cu ba, Tây Ban Nha sẽ có chương trình biểu diễn.

Ngày 9/2, tọa đàm về các xu hướng báo chí hiện đại và chương trình văn nghệ sẽ được ổ chức.

Ngày 10/2, Hội Báo xuân sẽ chính thức bế mạc vào lúc 15h, kéo dài đến 16h30. Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức sẽ trao giải những gian hàng trưng bày đẹp, các bìa tạp chí báo Xuân đẹp, khích lệ báo chí trong một năm hoạt động sôi nổi.

Thứ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Hội Báo Xuân Trương Minh Tuấn cho biết Hội Báo Xuân 2015 không chỉ là sự quan tâm của báo giới mà còn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, nhân dân cả nước. Trong phiên khai mạc sắp tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đến dự khai mạc. Phiên bế mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh sẽ đến dự.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết đây là hoạt động văn hóa truyền thống và Hội Báo Xuân được tổ chức vào dịp đầu Xuân năm mới với khí thế Mừng Xuân, Mừng Đảng, mừng vận hội mới của đất nước nhằm cổ vũ Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thành công đường lối đổi mới công cuộc phát triển xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2015 có nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là Đại hội các cấp tiến tới Đại hội 12 của Đảng. Hội Báo Xuân lần này cũng là dịp lần này là dịp chào mừng các sự kiện quan trọng của năm 2015. Hội báo Xuân Ất Mùi năm 2015 còn là ngày hội của báo giới cả nước, mừng mùa Xuân của dân tộc, mừng 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mừng 85 năm ngày Đảng quang vinh, 70 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 40 năm ngày Giải phóng miền Nam hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Hội Báo Xuân lần này cũng có ý nghĩa quảng bá, tôn vinh sự phát triển mạnh mẽ và những thành tích to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam, tăng cường giao lưu, gặp gỡ học hỏi giữa người làm báo với công chúng để qua đó tiếp tục khích lệ báo chí thực hiện tốt nhất chức năng nhiệm vụ của báo chí cách mạng đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng tăng của người dân. Đây cũng là hoạt động thiết thực để chào mừng các sự kiện lớn của báo chí: 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 60 năm thành lập Hội Nhà báo, chào mừng Đại hội Hội nhà báo nhiệm kỳ 2015 - 2020 dự kiến sẽ được tổ chức vào quý 3 năm nay. Tham gia Hội Báo Xuân là trách nhiệm, vinh dự của các cấp hội, cơ quan báo chí và trưng bày của Hội báo Xuân lần này, là nền tảng thành tựu của báo chí Việt Nam năm 2014, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Minh Anh

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

VietnamPlus tổ chức cuộc thi sáng tạo bản tin bằng nhạc rap

Tóm tắt: 

Ban tổ chức cho rằng cuộc thi là cơ hội để giới trẻ thể hiện sự sáng tạo của bản thân, qua đó trở nên quan tâm hơn đến các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế.

Ngày 30/1/2015, báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam và POPS Worldwide chính thức công bố khởi động cuộc thi “Rap News Contest” nhằm khuyến khích giới trẻ thể hiện sự sáng tạo của mình thông qua các bản tin thời sự bằng nhạc rap.

Cuộc thi là cơ hội để giới trẻ thể hiện sự sáng tạo của mình. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 30/1, báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam và POPS Worldwide chính thức công bố khởi động cuộc thi “Rap News Contest” nhằm khuyến khích giới trẻ thể hiện sự sáng tạo của mình thông qua các bản tin thời sự bằng nhạc rap.

Ý tưởng tổ chức cuộc thi này xuất phát từ việc bản tin bằng nhạc rap của VietnamPlus nhận được sự đón nhận rộng khắp của thanh niên trong hơn 1 năm qua kể từ khi số đầu tiên ra mắt vào tháng 11/2013.

RapNewsPlus sau đó đã được Hiệp hội các Nhật báo và Nhà xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA) trao giải nhất cho sản phẩm báo chí sáng tạo trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Độc giả Trẻ Thế giới và Ý tưởng Sáng tạo hồi tháng 11/2014 tại Bali, Indonesia.

Ban tổ chức cho rằng cuộc thi là cơ hội để giới trẻ thể hiện sự sáng tạo của bản thân, qua đó trở nên quan tâm hơn đến các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế.

Người dự thi đăng tải video clip hoàn thiện của mình lên YouTube, sau đó gửi đường dẫn đến địa chỉ email rapnewscontest@gmail.com. Những clip được lựa chọn sẽ được đăng tải lên kênh YouTube chính thức của bản tin RapNewsPlus.

Ban tổ chức cũng kỳ vọng tìm kiếm được những gương mặt rapper mới qua cuộc thi này để hợp tác triển khai các dự án báo chí sáng tạo trong tương lai.

Hạn chót nhận các video clip dự thi Rap News Contest là ngày 15/3. Tác giả/nhóm tác giả đoạt giải nhất có cơ hội ghi âm cùng nhóm Da LAB trong một bản tin bằng nhạc rap trên báo điện tử VietnamPlus cũng như giải thưởng trị giá 20 triệu đồng. Ngoài ra còn nhiều giải thưởng khác.

Thông tin về cuộc thi cũng như cách thức tham dự được đăng tải tại địa chỉ www.youtube.com/RapNewsPlus.

VietnamPlus là báo điện tử chính thức của TTXVN với 5 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Trong 6 năm hoạt động, VietnamPlus luôn đi đầu đổi mới về công nghệ truyền thông cũng như các cách thức làm báo sáng tạo, hiện đại.

POPS Worldwide là đơn vị kinh doanh phân phối nội dung số với kho nội dung có bản quyền lớn nhất cũng như các cửa hàng phân phối nội dung số phong phú nhất tại Việt Nam. Đây cũng là đối tác được chứng nhận của YouTube tại Việt Nam.

Nguồn: vietnamplus

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

TGĐ Nguyễn Đăng Tiến: Đài truyền hình VTC chính thức sáp nhập VOV

Tóm tắt: 

Ông Tiến cho biết, vấn đề quy hoạch báo chí Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương và chính tại hội nghị này đã đề cập nhiều.

“Tôi vừa gặp và trao đổi với anh Thanh Lâm – GĐ Đài truyền hình KTS VTC. Chắc chắn trong thời gian tới chúng tôi sẽ lên chương trình để hai cơ quan này sáp nhập”, TGĐ Đài tiếng nói Việt Nam cho biết.

Ngày 31/1, ông Nguyễn Đăng Tiến cho biết Thủ tướng đã quyết định để VTC sáp nhập với VOV (Ảnh: ND)

Đó là thông tin ông Nguyễn Đăng Tiến – TGĐ Đài tiếng nói Việt Nam đưa ra khi phát biểu về vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu địa phương ở Việt Nam, trong khuôn khổ hội nghị "Truyền thông và phát triển" diễn ra tại Quảng Ninh sáng 31/1.

Ông Tiến cho biết, vấn đề quy hoạch báo chí Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương và chính tại hội nghị này đã đề cập nhiều. Đối với Đài tiếng nói Việt Nam cũng chú trọng xây dựng một mô hình đa phương tiện: Phát thanh phải đi vào đối tượng của phát thanh, vùng miền đối tượng của mình; phát hình phải chủ động và phát triển.

Đề cập đến mô hình này, ông Nguyễn Đăng Tiến cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức, giao cho Đài tiếng nói Việt Nam sáp nhập Đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Hiện phía Đài tiếng nói Việt Nam đang báo cáo với Bộ Thông tin và truyền thông và Thủ tướng về việc này.

“Tôi vừa gặp và trao đổi với anh Thanh Lâm, Giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Chắc chắn trong thời gian tới chúng tôi sẽ lên chương trình để hai cơ quan này sáp nhập. Đài tiếng nói sẽ có thêm một lĩnh vực báo hình, nhưng không phải là cạnh tranh với Đài truyền hình Việt Nam, mà để có thêm một địa chỉ nữa để độc giả, khán thính giả có thêm điều kiện để xem nhiều chương trình hơn” – ông Tiến nói.

Tổng giám đốc VOV cũng hi vọng, với thương hiệu nhiều năm của VOV cùng sự phát triển trong 10 năm của VTC sẽ tạo ra mảng truyền hình của đài Tiếng nói Việt Nam phát triển mạnh.

Nguyễn Dũng

Infonet

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Xử phạt báo chí tới 100 triệu đồng, Bộ trưởng Tư pháp nói gì?

Tóm tắt: 

Bộ Tư pháp đang xem xét cả những thông tin không phải trên báo chí, thậm chí tin nhắn hay tin miệng để xử phạt.

Bộ Tư pháp đang xem xét cả những thông tin không phải trên báo chí, thậm chí tin nhắn hay tin miệng để xử phạt.

Tại họp báo Chính phủ chiều 30/1, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời câu hỏi của VOV.VN về việc Bộ Tư pháp mới đây có đề nghị bổ sung về xử phạt tiền từ 75-100 triệu đối với hành vi đăng phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường giá cả hàng hóa. Đề xuất này của Bộ Tư pháp khiến anh em làm báo chí băn khoăn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành, Chính phủ đã ban hành 54 Nghị định trong đó 53 Nghị định liên quan tới xử phạt vi phạm hành chính.

Sau khi ban hành chùm văn bản này, có rất nhiều ý kiến của báo chí nói là ngoài Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản ra thì một số Nghị định khác cũng quy định những hành vi vi phạm, quy định về chế tài xử phạt. Một số ý kiến cho rằng có quá nhiều cơ quan có quyền xử phạt báo chí.

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành khác báo cáo xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nghiên cứu những Nghị định có liên quan. Còn bản thân Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản thì đã có rồi.

“Chúng tôi nghiên cứu để có thể làm sao đó tách bạch những thông tin sai sự thật, có thể trên báo chí và cả những thông tin không phải trên báo chí, thậm chí tin nhắn hay có thể tin miệng để xem xét xử phạt” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Bộ Tư pháp phối hợp với bộ, ngành liên quan triển khai dự thảo Nghị định mới, sửa đổi bổ sung các Nghị định có liên quan, theo hướng tập trung, tách biệt ra hành vi nào là sai phạm của báo chí để đưa vào khuôn khổ của Nghị định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí. Khi đó cũng thu hẹp được người có thẩm quyền xử phạt báo chí. Vấn đề này đã được dư luận báo chí hoan nghênh.

Còn mức xử phạt bao nhiêu thì được quy định khống chế trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đây mới là dự thảo được đưa lên để xin ý kiến./.

Nguồn: Vũ Hạnh/VOV.VN

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Giải báo chí Quốc gia Lần IX: 12 loại giải và Giải đặc biệt, Giải phụ

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Thường trực Hội đồng Giải báo chí Quốc gia vừa ban hành văn bản hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải báo chí quốc gia Lần thứ IX.

(ICTPress) - Thường trực Hội đồng Giải báo chí Quốc gia vừa ban hành văn bản số 412/HD-HĐGBCQG hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải báo chí quốc gia Lần thứ IX - năm 2014 gửi các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Liên chi hội và Chi hội trực thuộc, các cơ quan báo chí.

Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ VIII (Ảnh: Trần Hải)

Theo đó, cơ cấu Giải báo chí quốc gia Lần thứ IX - năm 2014 gồm 12 loại giải và Giải đặc biệt, Giải phụ do Hội đồng Giải xem xét, như sau:

Báo in có 3 loại giải: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn; Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận; Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép

Báo nói (Phát thanh), có 2 loại giải: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, Chuyên đề phát thanh tổng hợp; Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký

Báo hình (Truyền hình), có 3 loại giải: Giải Tin, phóng sự, ký sự; Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm; và  Giải Phim tài liệu truyền hình.

Báo điện tử, có 2 loại giải: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến; b) Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.

Ảnh báo chí có 2 loại giải: Giải Ảnh đơn và Giải phóng sự ảnh, nhóm ảnh.

Giải đặc biệt và Giải phụ: Do Hội đồng Giải xem xét quyết định, tùy tình hình cụ thể.

Điều kiện dự Giải

Về tác giả:  Là công dân Việt Nam, bao gồm các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, có tác phẩm báo chí xuất sắc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử…) do Bộ Văn hoá - Thông tin (trước đây) và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.

Tác giả dự Giải không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và luật pháp khác.

Về tác phẩm: Là tác phẩm đã được sử dụng từ ngày 01/01/2014 đến 31/12/2014 trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được nêu ở trên.

Những tác phẩm được sử dụng trong thời gian này đã được trao giải thưởng ở các cuộc thi của địa phương, ngành hoặc liên ngành Trung ương vẫn được quyền dự Giải báo chí Quốc gia, nhưng cần ghi rõ mức giải và cuộc thi do đơn vị nào tổ chức.

Những tác phẩm đăng hoặc phát sóng nhiều kỳ, nếu những kỳ đầu được sử dụng trước ngày 01/01/2014 mà chưa tham dự Giải báo chí Quốc gia năm 2013 thì được gộp vào các kỳ sau (đăng từ 01/01/2014 đến 31/12/2014) để thành tác phẩm hoàn chỉnh tham dự Giải 2014.

Tiêu chuẩn xét chọn

Về nội dung:

Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh trung thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, việc triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong năm 2014;  khuyến khích các tác phẩm báo chí về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, phê phán chống lại các hành vi tiêu cực, tham nhũng, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; thông tin chính xác và kịp thời những sự kiện quốc tế quan trọng.

Không xét tác phẩm có yếu tố hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, ký văn học, câu chuyện văn nghệ, truyện ngắn, tạp văn…).

Yêu cầu về chất lượng và hiệu quả xã hội của tác phẩm:

Các yêu cầu bao gồm: Thông tin chính xác, trung thực, khách quan; Nêu được vấn đề mới, có tính phát hiện; Đề cập những vấn đề Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm, có tính định hướng dư luận cao, thuyết phục, có tác động tích cực đến đời sống xã hội; Tác phẩm biểu dương điển hình tiên tiến, nhân tố mới phải được cơ quan quản lý chuyên ngành xác nhận đã phát huy hiệu quả trong thực tế; Tác phẩm đề cập những vụ việc tiêu cực phải được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng sự thật hoặc đã được các tổ chức, cá nhân sai phạm thừa nhận và khắc phục; Tác phẩm đề cập đến lĩnh vực chuyên ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, còn có những ý kiến khác nhau thì phải được cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành thẩm định.

Hình thức thể hiện:

Đối với tác phẩm báo in, bao gồm: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, phóng sự, điều tra, ký báo chí, ghi chép,… Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và thực hiện bằng cùng một thể loại báo chí. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có tên loạt bài.

Đối với tác phẩm phát thanh:

Mỗi tác phẩm phải là một (hoặc một loạt) tin, bài về một chủ đề, một sự kiện hoặc một đối tượng, phát một kỳ hoặc nhiều kỳ, thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn.

Ở cả hai loại giải phát thanh, thời lượng tác phẩm dài nhất không quá 60 phút.

Đối với tác phẩm truyền hình: Thể hiện được đặc trưng của báo hình là hình ảnh động, Kỹ thuật hình ảnh phải đạt yêu cầu chất lượng. Ở cả ba loại giải báo hình, thời lượng tác phẩm dài nhất không quá 60 phút.

Đối với tác phẩm ảnh báo chí:

Tác phẩm ảnh bao gồm ảnh đơn, nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh, được thể hiện bằng ảnh màu hoặc đen trắng. Đối với nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh về một nội dung đăng báo có nhiều ảnh, chỉ tuyển chọn mỗi nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử). nh ghép, ảnh xử lý bằng vi tính, ảnh phong cảnh không được xem xét.

Đối với tác phẩm báo điện tử:

Tác phẩm báo điện tử phải là tác phẩm sáng tạo lần đầu, viết riêng cho báo điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in; Thể hiện được đặc trưng của báo điện tử. Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và thực hiện bằng cùng một thể loại báo chí. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng tải khác nhau, không có tên loạt bài.

 Riêng đối với Ảnh báo chí: Hội đồng Giải báo chí Quốc gia chấp thuận các tác giả có thể tự gửi tác phẩm (đủ điều kiện và tiêu chuẩn nêu ở mục I và II) về Ban Thư ký tổng hợp Giải, không qua Ban tuyển chọn ở cơ sở. Số ảnh này không tính vào chỉ tiêu tác phẩm được gửi dự Giải của cơ sở (quy định tại mục 1 khoản IV dưới đây).

Ngoài ra, Hội đồng giải Báo chí cũng lưu ý các điểm khi tuyển chọn các tác phẩm dự giải:

Tất cả các tác phẩm dự Giải phải ghi rõ:  Họ và tên tác giả (cả tên khai sinh và bút danh nếu có), tên tác phẩm, thể loại báo chí, đơn vị, địa chỉ, điện thoại của tác giả; ngày, tháng, năm đăng báo, tạp chí hoặc phát sóng của tác phẩm. Những hồ sơ không đúng Hướng dẫn sẽ bị loại. Hội đồng Giải sẽ không giải quyết các khiếu nại, đề nghị về việc thay đổi hoặc bổ sung tên tác giả đối với tác phẩm đoạt Giải.

Đối với tác phẩm báo in, báo điện tử phải là bản in chính hoặc sao chụp từ báo in, báo điện tử, nhưng phải sạch, đẹp, rõ ràng. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 hoặc A3 và đánh số trang rõ ràng phần tiếp nối. Tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài, phải có bản dịch ra tiếng Việt. In bằng tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông.

Đối với tác phẩm phát thanh, phải ghi lên đĩa CD, mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo văn bản phần lời của tác phẩm. Nếu là tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông.

Đối với tác phẩm báo hình, phải ghi lên đĩa VCD hoặc DVD, mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo bản thuyết minh. Nếu là truyền hình tiếng dân tộc phải dịch ra tiếng phổ thông.

Đối với tác phẩm ảnh báo chí: Cùng với ảnh đã đăng trên báo, tạp chí… phải kèm theo ảnh phóng trên giấy ảnh cỡ 18cm x 24cm (ảnh đơn) và 12cm x 18cm (đối với ảnh trong nhóm hoặc phóng sự ảnh). Các tác giả gửi thẳng tác phẩm dự giải về Trung ương Hội cũng phải thực hiện đầy đủ quy định này và quy định tại điểm 1 mục V).

Những tác phẩm bị coi là phạm quy (bị loại) là tác phẩm không đáp ứng các quy định đã nêu trong Hướng dẫn này.

Mai Nguyễn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo