Syndicate content

Nghề báo

Báo chí quốc tế theo sát vụ xét xử Dương Chí Dũng

Các hãng thông tấn, báo chí lớn của nước ngoài đều đưa tin về phiên tòa xét xử cựu chủ tịch HĐQT Vinalines, và nhận định bản án tử hình dành cho ông này là một nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng bị công an giải đến phòng xử án ở Tòa án Nhân dân Hà Nội. Ảnh: AFP/VNA

Hãng thông tấn Pháp AFP cho hay bản án tử hình của Dương Chí Dũng được đưa ra hôm 16/12, sau phiên xử kéo dài hơn ba ngày. Ông Dũng được xác định phạm tội gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng và tham ô 10 tỷ đồng. Mai Văn Phúc, nguyên giám đốc Vinalines, cũng nhận mức án tương tự. 

"Tất cả các bị cáo đều là đảng viên nhưng đã tha hóa bản chất và cần phải bị pháp luật nghiêm trị", hãng dẫn lời chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Ngô Thị Ánh.

Hãng nhận định, Vinalines đã gần như sụp đổ vì khoản nợ 3 tỷ USD và vụ tham nhũng này là một trong những bê bối lớn ở những công ty nhà nước vốn là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam.

"Tham nhũng là mối lo ngại hàng đầu đối với nhiều người dân Việt Nam. Tham nhũng, quản lý yếu kém và các khoản nợ lớn ở các công ty nhà nước đang làm trầm trọng thêm những tai ương của nền kinh tế quốc gia", AFP nhận xét.

Trong bài viết của mình, Wall Street Journal, cũng đồng quan điểm khi nói rằng "nhiều người Việt Nam xem tham nhũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp trong những năm qua". Với tiêu đề "tuyên án tử hình với quan chức công ty hàng hải,Việt Nam trấn áp tham nhũng", bài báo nhấn mạnh nỗ lực tăng cường bài trừ quốc nạn này của giới chức Việt Nam, bởi "tham nhũng đe dọa sức mạnh của đảng và chính phủ". 

Bloomberg thì nhận định, án tử hình đối với Dương Chí Dũng "có thể báo hiệu một cuộc siết chặt các công ty nhà nước, khi Việt Nam đang nỗ lực cải cách khu vực này và hệ thống ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất Đông Nam Á".

Báo này dẫn lời ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, cho rằng chính phủ Việt Nam cần phải hành động nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề cơ bản nhằm làm trong sạch các doanh nghiệp nhà nước.

"Tham nhũng và mâu thuẫn lợi ích đã ăn sâu vào khu vực doanh nghiệp nhà nước", ông nói. "Nếu không giải quyết được các vấn đề quản lý then chốt, việc phát triển sẽ còn gặp nhiều thách thức và việc phân bổ sai nguồn lực còn tiếp diễn, trong khi Việt Nam đang cần phải đưa ra những quyết định sáng suốt hơn về chi tiêu và chiến lược kinh tế".

Wall Street Journal cho biết, Việt Nam sẽ xét xử nhiều vụ án tham nhũng khác trong năm tới, theo một bài phát biểu trên truyền hình tuần trước của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với hai án tử hình tuyên đầu tuần này, các tòa án của Việt Nam đã tuyên bốn án với mức hình phạt cao nhất trong vòng một tháng đối với những người bị  kết tội tham ô.

Vụ tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng công ty Hàng hải, Vinalines được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố hồi đầu năm ngoái. Đến tháng 9/2012, ông Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch HĐQT Vinalines, lúc đó Cục trưởng Hàng hải, bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế, sau nhiều tháng bỏ trốn.

Sau khi xác định ông Dũng không hối cải, khai báo quanh co về tội trạng của mình, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tăng nặng hình phạt, tuyên án tử hình với ông này.

Anh Ngọc

Nguồn: vnexpress.net

Kênh truyền hình Quốc hội sẽ hoạt động từ 2014

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, các công tác chuẩn bị cho kênh truyền hình Quốc hội đang gấp rút được hoàn tất để có thể hoạt động vào đầu năm 2014.

Phát biểu tại hội thảo về kinh nghiệm quan hệ với báo chí trong hoạt động của Quốc hội ngày 17/12, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ năm 2009 đến nay, Văn phòng Quốc hội đã có nhiều thỏa thuận hợp tác với các cơ quan báo chí để thông tin thường xuyên, đậm nét về hoạt động của Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đang hợp tác với các cơ quan hữu quan để xây dựng Kênh truyền hình Quốc hội.

Trao đổi thêm về thông tin này, ông Phúc cho hay, các công tác chuẩn bị đang gấp rút được hoàn tất. “Mục tiêu là trong năm 2014 kênh truyền hình này sẽ hoạt động nhưng chúng tôi đang phấn đấu để phát sóng sớm trong quý I”, ông Phúc nói.

Theo kế hoạch, Kênh truyền hình Quốc hội sẽ được phát sóng qua hệ thống của kênh phát thanh có hình của Đài tiếng nói Việt Nam. Việc ra đời kênh truyền hình này sẽ tạo không gian riêng để chuyển tải đầy đủ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp… tới cử tri và người dân.

Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu Quốc hội giàu kinh nghiệm như ông Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng), ông Dương Trung Quốc và các chuyên gia truyền thông đến từ Quốc hội Đan Mạch đã tham gia trao đổi về kinh nghiệm hợp tác giữa báo chí và Quốc hội.

Cựu nghị sĩ Đan Mạch Klaus Hoekkerup chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: N.Hưng.

Theo ông Klaus Hoekkerup, người từng có hơn 20 năm là nghị sĩ thuộc đảng chính trị lớn nhất Đan Mạch, chia sẻ, ở Đan Mạch, phóng viên tiếp cận đại biểu Quốc hội rất dễ dàng. Họ có thể liên hệ với đại biểu vào nửa đêm hay sáng sớm và đặt những câu hỏi “mà chỉ có chúa mới biết được thế nào”. Và đại biểu là người phải luôn chuẩn bị để trả lời. Trong trường hợp chưa nắm đủ thông tin thì có thể hẹn trả lời sau nhưng không bao giờ được quên cái hẹn đó.

Ông Klaus cũng khẳng định, sự hợp tác giữa chính khách và báo chí tạo ra những đạo luật tốt bởi báo chí là diễn đàn thảo luận, tăng cường chất lượng các đạo luật sắp ban hành. Vị chuyên gia này cũng đánh giá vai trò của các kênh thông tin, mạng xã hội như Facebook ngày một quan trọng, đặc biệt là giai đoạn tranh cử.

Nguyễn Hưng

Nguồn: vnexpress.net

Báo Hà nội mới được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký ban hành Quyết định số 2365/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 9 đơn vị và cá nhân.

Theo đó, danh hiệu Anh hùng Lao động được trao cho Báo Hànộimới (TP Hà Nội) cùng các đơn vị: Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng); Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh (Bộ Y tế); Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải); Công ty TNHH một thành viên Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; nhân dân và cán bộ xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng lãnh đạo thành phố thăm Báo Hànộimới. Ảnh: Viết Thành

Các cá nhân được phong tặng danh hiệu gồm ông Trần Trung Lập, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Công ty TNHH một thành viên phà An Giang; Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, TGĐ Công ty Tân cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng và ông Hồ Quang Cua, PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng. 

9 đơn vị và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội bảo vệ Tổ quốc.

Ngân Hạ

Nguồn: nghebao.com

Hãng thông tấn Triều Tiên xóa nhiều bài báo liên quan tới chú của Kim Jong Un

(ICTPress) - Vào xem trang web của Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), hầu hết các tin tức đều diễn ra trước 1/10, theo Mashable.

Hãng thông tấn nhà nước KCNA đã xóa 95% file số sao lưu, trong đó gồm tất cả các bài báo nhưng 7 trong số đó đăng trước ngày 1/10. Việc xóa này chỉ vài ngày sau khi KCNA thông báo xử tử chú của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Jang Song Thaek, được cho là người có quyền lực lớn thứ 2 ở quốc gia này.

Hơn 35.000 bài báo từ tháng 9 và trước đó đã bị xóa, theo NK News, theo trang tin tư nhân ở Washington, D.C.

Trong một hình ảnh chụp màn hình trang web này được Sao lưu Internet chụp lại cho thấy 20.000 bài báo đã đăng tháng 3 - 2.0006 trang với 10 đăng tải bài báo/trang đã không còn. Chỉ 1.884 bài báo còn lại vào sáng ngày 16/12.

Việc xóa các bài báo của KCNA lần này không phải là lần đầu tiên. Hãng tin này đã biên tập và xóa hàng trăm bài báo liên quan đến Jang trong thời gian ông tại chức, NK News đưa tin hôm thứ Sáu tuần trước.

Trong nỗ lực thanh minh cho tội của ông Jang, KCNA đã xuất bản 1 bài báo đã bị xóa, liên quan tới nhà lãnh đạo này là “người xấu chán nản”. Mặc dù, có mũi nhọn hướng tới Jang, nhưng cũng không hướng tới người vợ của ông Jang (cô của nhà lãnh đạo Kim Jong Un). Cô của Kim Jong Un đã xuất hiện trong danh sách các nhà lãnh đạo của KCNA tuần này, New York Times cho biết.

HY

TIME bình chọn những bức ảnh năm 2013 làm cả thế giới sửng sốt

(ICTPress) - Trong khi văn hóa truyền thông xã hội đã hoàn thành nhiệm vụ để bảo đảm năm 2013 có phần công bằng về giải trí, ngạc nhiên và trên hết, các khoảnh khắc có thể chia sẻ, cuối cùng sau 12 tháng chúng ta có những bức ảnh sửng sốt.

Một năm để lại trong chúng ta nhiều trạng thái: tổn thương, hoang mang, sửng sốt và ngạc nhiên.

Nhưng có một số hình ảnh không trông đợi và khá khác thường tuyệt vời. Dưới đây chúng ta nhìn lại 12 tháng qua bằng những hình ảnh trong số 130 bức ảnh gây sửng sốt được các biên tập viên ảnh của Tạp chí TIME bình chọn với mỗi bức ảnh là mỗi câu chuyện phía sau.

Ngày 4/1/2013: Vợ chồng bà Tammy Holmes cùng các cháu phải nhảy xuống con đê chắn sóng để thoát khỏi ngọn lửa hung dữ càn quét khắp thị trấn Dunalley, thành phố Hobart, bang Tasmania, Úc (Ảnh: Tim Holmes-AP).
Ngày 24/1/2013: Bản án của tòa ra lệnh cắt cụt 3 ngón tay của một người đàn ông phạm tội ăn cắp tại thành phố Shiraz, Iran. Trong quan niệm của những tín đồ đạo Hồi, ăn cắp là một trong những tội nặng nhất. Người đàn ông 29 tuổi này còn bị tịch biên tài sản và lĩnh án tù 3 năm, (Ảnh: Mohsen Tavarro-AP).
Ngày 24/1/2013: Một con ruồi nghịch ngợm đậu trên trán Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông đang phát biểu tại Nhà Trắng. Bức ảnh hài hước này đã xuất hiện trên khắp các mặt báo trên thế giới (Ảnh: Larry Downing-Reuters).
Ngày 29/1/2013: Màu máu còn nhìn rõ trên tuyết tại hiện trường vụ tai nạn máy bay ở ngoại ô thành phố Almaty, Kazakhstan. Chiếc máy bay gặp nạn trong thời tiết sương mù dày đặc, khi rơi xuống đất, thân máy bay vỡ vụn, toàn bộ 21 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng (Ảnh: Reuters).
Ngày 5/2/2013, một bộ hài cốt được dựng dựa vào tường sau khi người ta quật ngôi mộ lên. Nhân viên nghĩa trang ở thành phố Guatemala buộc phải di dời thi hài của những người quá cố không có người thân đến đóng phí định kỳ hàng năm. Những thi hài này sẽ được đánh số và chôn chung trong một ngôi mộ tập thể (Ảnh: Jorge Dan Lopez-Reuters).
Ngày 5/2/2013, những đứa trẻ đã đổ nước lạnh lên người dưới sự giám sát của huấn luyện viên thể dục Margarita Filimonova (phải) tại một vườn trẻ địa phương số 317 với nhiệt độ khoảng dưới 23oC, ở thành phố Krasnoyarsk, Siberia, Nga (Ảnh: Ilya Naymushin-Reuters
Ngày 9/2/2013: Một người đàn ông vô gia cư ở thị trấn Nis, miền nam Serbia đã sống nhiều năm trong một ngôi mộ vô thừa nhận. Đó là nơi trú ngụ, giúp ông tránh mưa nắng, gió rét (Ảnh: Marko Djurica-Reuters).
Ngày 15/2/2013, một mảnh thiên thạch bay vụt qua bầu trời thành phố Chelyabinsk, Nga và phát nổ sau đó đã khiến khoảng 1000 người bị thương do những mảnh kính vỡ bay tứ tung (Ảnh: Yekaterina Pustynnikova-AP).
Ngày 28/2/2013, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un (phía trước bên trái) và cựu ngôi sao bóng rổ nhà nghề Mỹ Dennis Rodman (phía trước bên phải) nói chuyện tại một trận bóng rổ ở in Pyongyang (Ảnh: KCNA/AFP/Getty Images).
Ngày 8/3/2013, một cô bé ôm trong tay búp bê hình cố Tổng thống Venezuela - Hugo Chavez. Cô bé cùng với nhiều người dân Venezuela khác đứng lặng lẽ bên ngoài địa điểm tổ chức lễ tang ở thành phố Caracas (Ảnh: Jorge Dan Lopez-Reuters).
Ngày 23/3/2013, Giáo hoàng Francis gặp giáo hoàng Emeritus Benedict XVI tại Castel Gandolfo ở Italia (Ảnh: Alessandra Benedetti—L'Osservatore Romano/Corbis).
Ngày 27/3/2013: Ahmed, cậu bé 7 tuổi người Syria là con trai của một chiến binh thuộc Quân đội Syria Tự do (FSA). Mới 7 tuổi nhưng Ahmed đã được dạy sử dụng súng thành thạo. Trên tay em là điếu thuốc đang cháy dở (Ảnh: Sebastiano Tomada-SIPA USA).
Ngày 25/4/2013, hai nạn nhân nằm giữa đống đổ nát của một công ty may đổ sập ở quận Dhaka, Bangladesh (Ảnh: Taslima Akhte).
Ngày 12/6/2013, những cậu bé người Palestine đang luyện tập kỹ năng chiến đấu trên một cánh đồng gài đầy mìn. Những đứa trẻ từ 6 - 16 tuổi ở đây được dạy sử dụng súng, cách bò trườn bên dưới những hàng dây thép gai và vượt qua những quầng lửa để tiếp tục chiến đấu. Những người hướng dẫn sẽ dùng súng bắn đạn thật bay là là trên đầu những đứa trẻ đang tập bò trườn trên đất. Trại hè của những đứa trẻ ở đây chính là những học kỳ quân đội như thế này (Ảnh: Abed Rahim Khatib-Demotix/Corb).
Ngày 3/7/2013: Người dân tắm trong biển tảo ở thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc. Ô nhiễm môi trường đã khiến tảo mọc dày đặc tại nhiều vùng sông nước ở Trung Quốc. Ở thành phố Thanh Đảo, người ta ước tính đã thu dọn 20.000 tấn tảo nhưng không ăn thua so với tốc độ sinh trưởng của loài này (Whitehotpix/Zuma Press).
Ngày 23/7/2013, người lao động tranh thủ chợp mắt trong giờ nghỉ trưa ngay lòng đường ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc (Ảnh: Shi Tou-Reuters).
Ngày 1/8/2013, một chương trình truyền hình gây tranh cãi ở Pakistan. Những cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ cùng nhau thi tài. Cặp vợ chồng nào chiến thắng sẽ nhận được phần thưởng là một em bé sơ sinh bị bỏ rơi, (Ảnh: Athar Hussain-Reuters).
Ngày 6/8/2013: Một cậu bé người Ấn Độ đang đu dây điện, phía dưới em là dòng nước lũ chảy xiết ở thành phố Allahabad (Ảnh: Sanjay Kanojia-AFP/Getty Images)
Ngày 7/8/2013, một tổng quan về mô phỏng1:3 tháp Effel cao 108 mét được xây dựng bởi một công ty bất động sản ở một khu dân cư ở Hàng Châu, Trung Quốc (Ảnh: Barcroft Media/Landov).
Ngày 24/8/2013, một cậu bé ngủ chợp mắt giữa những chiếc vali khi đợi vào Ai Cập tại biên giới Rafah vượt qua Dải Gaza (Ảnh: Ali Ali-EPA)
Ngày 4/9/2013: Đám đông tập trung trước một tòa nhà lợp kính ở London, Anh. Với thiết kế hình cầu lõm, tòa nhà phản chiếu ánh sáng quá mạnh, làm chảy cả yên xe đạp, rạn đá lát đường và thậm chí người ta còn có thể rán trứng trên vỉa hè (Ảnh: Peter Macdiarmid-Getty Images).
Ngày 14/9/2013, Devi Budhathoki và 3 người con sinh sống ở huyện Dolkha, miền Trung Nepal là những người hiếm hoi trên thế giới mắc phải “hội chứng người sói” khiến lông trên cơ thể mọc dày rậm khác thường.
Ngày 11/10/2013: Lễ hội ăn chay được tổ chức thường niên ở Phuket, Thái Lan là một trong những lễ hội rùng rợn nhất thế giới. Trong lễ hội, người ta tự đâm rách má và nhét từ má qua miệng những con dao, cành cây, ống nước… hay bất cứ thứ gì khác (Ảnh: Athit Perawongmetha-Reuters).
Ngày 14/11/2013: Người dân ở quận Jalpaiguri, bang Tây Bengal, Ấn Độ đi ngang qua xác của một con voi bị mắc kẹt trên đường tàu hỏa. Ít nhất 7 con voi đã bị chết khi một chuyến tàu hỏa đâm liên hoàn vào đàn voi khi chúng băng ngang qua đường tàu (Ảnh: Reuters).

Mai Nguyễn

“Kiểm soát” báo chí tác nghiệp vụ Dương Chí Dũng: Phép vua thua lệ... Tòa

Việc “hạn chế” phóng viên mang theo “đồ nghề hỗ trợ” khi tác nghiệp trong phiên xét xử Dương Chí Dũng cùng đồng bọn tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã khiến cho nhiều phóng viên, nhà báo phải “nổi đóa”. Ở ngay tại thủ đô văn minh, tại chính nơi luật pháp được đề cao hơn cả thì dường như vẫn còn tồn tại quan niệm “Phép vua thua lệ làng”(!?)

Sáng ngày 12/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

Phiên xử chưa bắt đầu thì một động thái bất ngờ đã đến từ Tòa án nhân dân TP. Hà Nội làm cho các phóng viên, nhà báo phải “nổi đóa”.

Các phóng viên, nhà báo bị "thắt chặt" khi đến tác nghiệp tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vụ đại án tham nhũng Dương Chí Dũng cùng đồng bọn.

Theo lời kể của một phóng viên trên báo Petrotimes, Tòa yêu cầu các phóng viên phải để toàn bộ phương tiện tác nghiệp như: máy ảnh, máy tính, máy ghi âm, điện thoại và các vật dụng bên ngoài khi vào dự phiên xét xử. Phóng viên chỉ được mang theo giấy trắng, bút để ghi chép.

Chưa dừng lại ở đó, khi các phóng viên vào tác nghiệp, lực lượng an ninh lại “dồn” tất cả vào một phòng riêng biệt và theo dõi qua màn hình tivi. Trong thời gian ngồi theo dõi phiên xét xử, có hàng chục người tự xưng là cán bộ của Tòa đi kiểm tra thẻ của từng người một và đối chiếu với danh sách đã đăng ký từ trước đó. Các phóng viên phải ngồi xen kẽ với cán bộ tòa án. Mọi động thái của phóng viên đều bị kiểm soát chặt chẽ.

Việc làm trên khiến báo chí cùng dư luận không khỏi hoài nghi và bàn tán. Một vụ đại án tham nhũng, một phiên xét xử công khai vì sao Tòa án TP Hà Nội lại có động thái khó hiểu, gây khó khăn cho báo chí tác nghiệp để chuyển tải những thông tin đến dân chúng như vậy?

Trong khi đó, vụ “đại án” tham nhũng Dương Chí Dũng cùng đồng bọn là một trong những “trận đánh” điểm của Đảng và Nhà nước về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, được nhân dân cả nước ngóng chờ, theo dõi.

Việc “ngăn sông cấm chợ” của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã khiến cho các phóng viên, nhà báo đến dự có nhiều hoài nghi, thắc mắc, xét nét. Tất cả đều không thể hiểu được mục đích của Tòa án Hà Nội đằng sau việc “hạn chế” những người làm báo là gì?

Trong thành ngữ dân gian hoặc trong cuộc sống xã hội trước đây ở Việt Nam, chúng ta vẫn thường nghe câu: “Phép vua thua lệ làng”.

“Lệ làng” là tên gọi nôm na trong dân gian để chỉ hương ước hay còn gọi là khoán ước, hương biên, hương lệ, hương khoán, khoán làng.

Xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp cùng với truyền thống yêu nước, đoàn kết và những phong tục, tập quán lâu đời, hương ước được soạn ra nhằm làm cho mọi người trong làng xã tuân theo những “luật lệ” cơ bản để bảo đảm ổn định cuộc sống của cư dân trong cộng đồng.

Những quy định đó bao trùm lên đời sống, sinh hoạt hàng ngày của cư dân làng xã và được xem như một bộ luật riêng của làng.

Trong không gian làng xã, pháp luật bị đẩy xuống hàng thứ yếu, mọi vấn đề phát triển đều có thể quy về cách gọi là “giải quyết nội bộ”.

Máy ảnh, máy ghi âm…là những công cụ hỗ trợ tối quan trọng của phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp. Việc Tòa án nhân dân TP.Hà Nội ngăn cản, không cho mang theo những “công cụ hỗ trợ” đó vào trong phiên xét xử Dương Chí Dũng cùng đồng bọn quả thực là làm khó cho anh em phóng viên báo chí quá.

Nhiều phóng viên, nhà báo sau khi trở về từ Tòa án đã phải thốt lên rằng “thật là quá đáng!”.

Đúng là quá đáng nhưng dẫu sao đó cũng là Tòa án. Như đã nói ở trên, trong suy nghĩ của nhiều người dân nông thôn ở Việt Nam thời xưa “Phép vua còn thua lệ làng”, trong trường hợp này, nhiều người cho rằng câu nói trên khá sát với việc làm của Tòa Hà Nội?

Có thể hiểu suy nghĩ của Tòa Hà Nội trong động thái "kiểm soát" trên đối với cánh báo chí tác nghiệp như thế này: “Tòa án sắp xét xử và đây là “địa phận” của chúng tôi, báo chí đến phải thực hiện theo quy định của Tòa”.

Như vậy, Luật báo chí cũng “vô tác dụng” khi chạm trán phải “lệ Tòa”. Thế mới biết, không chỉ ở nông thôn và từ thời xa xưa ở Việt Nam mới tồn tại quan niệm “Phép vua thua lệ làng”.

Ngay ở tại thủ đô Hà Nội đây, tinh thần trên dường như vẫn đang được "kế thừa" và phát huy ở một cơ quan luật pháp (!?)

Viết Cường

                                                                                                                        Nguồn: giaoduc.net.vn

Giáo hoàng ngẫu hứng, phóng viên mệt nhoài

Hằng ngày, 400 nhân viên (đến từ 60 nước) của Radio Vatican phải dịch những lời nói của Giáo hoàng ra 44 thứ tiếng. Theo nhiều nhà báo làm việc cho đài phát thanh này, Giáo hoàng Francis khiến họ vất vả hơn vì ông nói ngẫu hứng hơn người tiền nhiệm, nhưng cũng vui vẻ, hài hước hơn.

Giáo hoàng Francis. Ảnh: Getty Images.

Hồng y Jorge Mario Bergoglio (76 tuổi, người Argentina) được bầu làm Giáo hoàng trong cuộc mật nghị tại Vatican ngày 13/3, thay cho Giáo hoàng Benedict XVI. Kể từ đó, nhiệm vụ của các nhà báo làm việc cho Radio Vatican thêm phần nặng nề.

Thứ 4 hằng tuần, Giáo hoàng có buổi tiếp kiến chung dành cho dân chúng. Giáo hoàng Francis được đưa đến Quảng trường Thánh Peter lúc 9h30, sớm hơn một giờ so với người tiền nhiệm Benedict.

Mỗi từ nặng tựa Thái Sơn

Cách chỗ đứng của Giáo hoàng không đầy 500m, Anne Preckel, nữ phóng viên của Radio Vatican, ngồi trước màn hình TV xem truyền hình trực tiếp. Preckel (34 tuổi, đến từ vùng Westphalia của Đức) chịu trách nhiệm phát tin vào thứ Tư này. Preckel ở Rome đã được 5 năm.

Máy tính của cô được đặt trên một chồng sách, cuốn dày nhất có tựa đề “Thuyết giáo ở Đông Đức”. Buổi thuyết giáo bắt đầu, người đứng đầu Tòa thánh nói bằng tiếng Ý, Preckel chăm chú lắng nghe. Giáo hoàng Francis nói về tầm quan trọng của việc xưng tội. Giáo hoàng nói rằng, ông cũng xưng tội và ông cũng là người có tội. Lĩnh vực này quen thuộc với Preckel, nên cô không phải căng tai, đau đầu, nhức óc.

Sau đó, Giáo hoàng Francis nhìn vào đám đông, giọng ông sôi nổi dần. Ông đặt câu hỏi và ứng biến với thính giả. Đối với Preckel, lúc này, công việc của cô trở nên nguy hiểm, vì Giáo hoàng Francis rất thích phát biểu tự nhiên, không chuẩn bị trước.

Tại thời điểm này, mỗi từ đều có sức nặng riêng. Một câu trích dẫn mà không có ngữ cảnh có thể gây những hậu quả khôn lường. Giống như trường hợp năm 2006, khi Giáo hoàng Benedict XVI phát biểu tại thành phố Regensburg của Đức.

Một câu của ông bị dịch không rõ ngữ cảnh thành ra có nội dung phê phán đạo Hồi. Một lời nhận xét ngẫu hứng cũng có thể gây náo động. Hồi tháng 7, sau khi thăm Brazil trở về, Giáo hoàng Francis nói với các đồng nghiệp của Preckel về đồng tính nam, tài chính và phụ nữ trong nhà thờ.

Ngày ngày, các nhân viên của Radio Vatican dịch phát biểu của Giáo hoàng ra 44 thứ tiếng và phát đi khắp thế giới trên 39 chương trình phát thanh khác nhau. Họ đều sợ một điều là không biết tiếp theo Giáo hoàng sẽ nói gì.

Giáo hoàng thích dùng động từ mạnh

“Giáo hoàng Francis sáng nào cũng có bài thuyết giảng. Ông thích nói đùa… Đôi lúc, chúng tôi toát mồ hôi vì chúng tôi phải nghĩ về những thứ như: Nếu dịch sang tiếng phổ thông Trung Quốc, chuyện đùa này có nghĩa không? Bản dịch sang tiếng Swahili có chuẩn không? Liệu người Senegal có hiểu không?”, sếp của Preckel, linh mục Andrzej Koprowski, nói. Koprowski, Giám đốc chương trình của Radio Vatican, nói tiếng Ý bằng giọng Ba Lan.

Cựu Giáo hoàng John Paul II đưa ông tới Rome vào năm 1983. Vào thời điểm đó, ông là người dịch những nội dung mang tính chính luận, những sự thay đổi mạnh mẽ, kiểu như phong trào đoàn kết của Ba Lan, cải tổ kinh tế-chính trị ở Nga, sự sụp đổ của Bức tường Berlin… Giờ đây, Koprowski bận rộn với những cuộc cách mạng của Giáo hoàng Francis.

Francis là Giáo hoàng của những động từ mạnh, một tờ báo của Milan kết luận sau khi phân tích các bài phát biểu trong 7 tháng đầu tiên ông nhậm chức. Ba từ hiếm khi xuất hiện trong những lần nói chuyện của Giáo hoàng là “trừng phạt”, “kỷ luật” và “quyền lực”.

Hài hước hơn Giáo hoàng Benedict?

“Giáo hoàng Francis khiến chúng tôi phải làm việc vất vả hơn người tiền nhiệm, nhưng ông cũng khôi hài hơn”, Preckel nói. Nhân viên Radio Vatican không chỉ đơn thuần dịch các lời nói của Giáo hoàng. Họ cũng phải chọn lọc, phân loại và phiên dịch. Những việc này nặng nhọc hơn dưới thời Giáo hoàng Francis.

Phương cách xử lý các lời nói của Giáo hoàng và đưa chúng đến với tín đồ sùng đạo là rất khác nhau. Ví dụ, ở Trung Quốc, nhiều con chiên nghe bài phát biểu của Giáo hoàng trong tĩnh lặng, trong khi các chương trình châu Phi kèm theo rất nhiều nhạc. Các chương trình tiếng Đức, Pháp và Ba Lan được đánh giá là đặc biệt tự do và phức tạp.

Hôm thứ Tư này, thính giả của Giáo hoàng Francis ngồi nghe đến tận trưa. Giáo hoàng ngắm các bức tranh mà bọn trẻ vẽ một người đàn ông mặc áo choàng trắng”.

“Người đàn ông xấu xí này là ai vậy?”, Giáo hoàng hỏi. Lũ trẻ kêu lên: “Ông đấy!”. Thậm chí những lời như vậy cũng được ghi lại và lưu trữ. Mọi lời Giáo hoàng thốt ra được lưu tại một hành lang bí mật giữa Vatican và tòa nhà Castel Sant’Angelo (Bảo tàng Hadrian ở Rome). Các nhân viên Radio Vatican nói đùa rằng, nếu Giáo hoàng cứ nói chuyện kiểu như hiện nay, họ sẽ sớm hết chỗ lưu trữ.

Nhà báo Preckel đang nghe Giáo hoàng Francis thuyết giảng: “Đừng ngại thú nhận tội lỗi của mình. Đỏ mặt một lần còn hơn xanh mặt hàng nghìn lần”. Nữ phóng viên cười, nụ cười đầu tiên trong buổi sáng nay.

Thái An

Theo Der Spiegel

Nguồn: tienphong.vn

2.800 phóng viên đưa tin SEA Games 27

Theo Ủy ban Truyền thông SEA Games 27, sẽ có 2.800 phóng viên tham gia tác nghiệp tại đại hội thể thao lớn nhất khu vực và được bố trí tác nghiệp tại Trung tâm Truyền hình (IBC) và Trung tâm Báo chí chính (MPC) của Myanmar.

Ảnh: bongdaplus.vn

Có 20 trung tâm báo chí phụ trợ ở các địa điểm: Sân Wunna Theikdi, Sân thể thao trong nhà Wunna Theikdi (B), Trung tâm thể thao dưới nước Wunna Theikdi, Sân futsal Wunna Theikdi, Sân quần ngựa Wunna Theikdi, Sân vận động Zayarthiri, Sân Zayarthiri (B), Nga Lite Dam, Mt.Plesant, khách sạn Zabuthiri, Sân golf Royal Myanmar, Làng thể thao, sân vận động quốc gia Thuwunna, Trung tâm huấn luyện Thuwunna, Sân vận động Theinbyu, Sân hockey Theinbyu, Trường bắn North Dagon, Trung tâm thể thao Myanmar, Sân vận động Mandalar Thiri và bãi biển Ngwe Saung.

Đại diện phụ trách truyền thông SEA Games 27 cho biết: “Có 780 phóng viên báo chí và 2.095 phóng viên truyền hình tham gia đưa tin sự kiện và các phóng viên đều được cấp thẻ tác nghiệp riêng để có thể làm việc tại IBC và MPC".

Nằm ngay tại trung tâm của Nay Pyi Taw, khuôn viên Trung tâm báo chí SEA Games 27 rộng gần 5.000 m2 với hàng nghìn phòng các loại đã được đưa vào sử dụng. Các đài truyền hình quốc gia có bản quyền được bố trí phòng riêng tại IBC với các thiết bị thu phát sóng trực tiếp để thực hiện những chương trình đồng hành cùng SEA Games, các phóng viên tác nghiệp cũng được vào làm việc với các yêu cầu khác nhau.

Được biết, hiện đã có 2 phòng tại IBC dành cho Truyền hình Việt Nam.

Ngoài ra, BTC IBC cũng sẽ tiến hành cho thuê các phòng truyền hình với giá 45.000 USD/phòng với đầy đủ thiết bị thu phát sóng, kết nối tất cả các địa điểm thi đấu trong suốt quá trình diễn ra SEA Games 27.

Bên cạnh trung tâm chính, tại mỗi địa điểm diễn ra các sự kiện thể thao đều có những trung tâm tác nghiệp phụ cho phóng viên để thuận lợi cho việc truyền thông cũng có đầy đủ trang thiết bị cần thiết để tác nghiệp./.

Theo chinhphu.vn

"Kỹ nghệ chế biến món ăn" của phóng viên nghị trường

Kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII - kỳ họp dài nhất với 33 ngày làm việc - vừa khép lại. Với phóng viên theo dõi nghị trường, nhắc đến chuyện bếp núc, họ có hàng tá chuyện để nói nhưng vấn đề áp lực công việc luôn là điều được nhắc đến đầu tiên.

Câu chuyện thủy điện làm nóng hành lang nghị trường, khi cánh phóng viên "quây" Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải để hỏi tình hình, ngay sau khi ông vừa thị sát rốn lũ miền Trung trở về.Ảnh: Lê Anh Dũng

Độc giả là trọng tài

Vì áp lực và tầm quan trọng của công việc nên các phóng viên theo dõi nghị trường cứ đùa rằng: nếu coi việc đưa thông tin Quốc hội là một võ đài, thì các phóng viên nghị trường là các võ sĩ. Trên võ đài ấy, họ phải thi đấu với nhau, không có kẻ thắng người thua, nhưng sẽ thể hiện được đẳng cấp cao thấp. Trên võ đài ấy, tất cả mọi sự kiện đều đã có sẵn, trình độ, sự sắc sảo của các phóng viên được thể hiện qua các bài viết trên mặt báo và độc giả chính là trọng tài.

Là trọng tài nên bạn đọc thường đòi hỏi rất cao ở các kỳ Quốc hội. Là người theo dõi nghị trường nhiều năm, Nhà báo Nghĩa Nhân – báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh tâm sự: Áp lực đầu tiên chính là việc đảm bảo tính thời sự của các sự kiện. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, cuộc đua thông tin giữa các phóng viên theo dõi Quốc hội không phải là theo giờ, mà theo phút, thậm chí tính bằng giây. Phóng viên theo dõi thời sự Quốc hội tuy được tiếp cận với nguồn thông tin vô cùng phong phú, nhưng lại gặp áp lực về chuyện chất lượng bài vở. Các phóng viên nghị trường thường làm việc theo nhóm với bộ câu hỏi phỏng vấn cơ bản nhất, chỉ cần có mic, ghi âm là đã hoàn thành công việc và sản phẩm gần như là của chung. Thế nên không khó phát hiện ra, trên các tờ báo thông tin cứ na ná nhau. Điều quan trọng để làm nên những bài viết sắc sảo theo tôi chính là ở các bài bình luận. Tôi thấy báo chí quốc hội hiện nay hơi ít bài bình luận vì chủ yếu tường thuật phản ánh chứ chưa có nhiều những góc nhìn chuyên sâu. Kỳ Quốc hội này tôi rất ấn tượng với các bài viết mang đậm chất bình luận, có chính kiến và rất sắc sảo của tờ Vneconomy. Có những bài viết như thế thì mới cá tính, sự am hiểu và kinh nghiệm. Thế nên để làm “tròn vai” của một phóng viên nghị trường thực sự không dễ dàng gì.

Đúc kết lại kinh nghiệm làm nghề, một số nhà báo cho rằng: Để có một bài viết tốt về nghị trường, làm tròn vai của một phóng viên nghị trường thì ngay từ đầu bước chân vào Quốc hội, anh phải theo dõi thật kĩ từ các báo cáo đến các buổi chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng. Từ đó lựa chọn vấn đề đặc sắc nhất. Người phóng viên tận tụy theo dõi và am hiểu thì mới có thể lựa được những vấn đề quan trọng nhất trong mỗi kì họp, mới có được những “món ăn ngon” cho độc giả của mình.

Dễ tính với chính mình thì khó có được bài hay

Quả thực, trong con mắt của người làm nghề, phóng viên được theo dõi nghị trường dù rất áp lực nhưng lại “oai” và luôn được ngưỡng mộ. Họ được gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với các đại biểu, những người giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở- điều mà bình thường phóng viên khác rất khó có cơ hội. Thế nên trong câu chuyện làm nghề, các phóng viên thường hay nói đến nghệ thuật, kỹ năng để phỏng vấn được các chính khách. Câu chuyện của nhà báo Võ Văn Thành- báo Tuổi trẻ- đầy thú vị rằng: Ðể có một bài phỏng vấn độc quyền, người phóng viên phải sáng tạo trong cả cách tiếp cận đại biểu. Một câu chuyện đã trở thành giai thoại trong giới phóng viên nghị trường, đó là việc nhà báo Huy Ðức thường tiếp cận đại biểu ở cửa toa lét để phỏng vấn. Có câu vè là “Huy Ðức tác nghiệp rất tài /Anh vào toa lét có bài đăng ngay”. Chúng ta nói nhiều về 20 phút giải lao bên hành lang Quốc hội, nhưng tác nghiệp của phóng viên nghị trường không chỉ có vậy, để có những bài phỏng vấn sâu phải hẹn gặp riêng được đại biểu thì mới có thời gian và không gian đầy đủ.

Nói đến các lịch hẹn riêng để phỏng vấn thì trong làng phóng viên nghị trường Lê Nhung – Vietnamnet được đánh giá rất cao. Với những tin bài nhanh đến chóng mặt, những bài phỏng vấn sắc sảo về các vấn đề chính trị, dân sinh của quốc gia sau mỗi kì họp Quốc hội đã được nữ nhà báo chia sẻ kinh nghiệm: Nhắc đến chuyện phỏng vấn, đối thoại với chính khách, nghị sỹ… tôi thấy điều đó không hề dễ dàng. Một phần vì họ là người rất bận rộn, phần là vì trong con mắt mọi người họ thường là người tầm cao hơn về chức vụ cũng như trình độ. Thậm chí họ là người kĩ tính trong khi làm việc. Là người trẻ thì điều đó càng khó khăn và là thách thức lớn. Họ rất kĩ tính. Họ có quyền như thế và họ xứng đáng được “kĩ tính”. Ở đây tôi muốn nói đến việc họ là người nắm thông tin, họ có trình độ cao và là chuyên gia trong lĩnh vực chính trị. Vì thế khi tiếp xúc với họ, áp lực rất lớn. Mình phải là người nắm vấn đề thật chắc, là người hiểu sâu sắc sự kiện. Phóng viên không đủ tầm để đối thoại thì không thể làm việc hiệu quả thậm chí chẳng thể tiếp cận được.

Mỗi thế hệ phóng viên làm Quốc hội có những thách thức khác nhau. Tuy nhiên, đòi hỏi chung là phải đưa đến tay bạn đọc những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thông tin của độc giả. Có một bài viết tốt trước hết phụ thuộc vào chất lượng phóng viên, họ có lao tâm khổ tứ cho từng vấn đề, từng con chữ hay không? Làm hay đã khó, làm khác đi lại càng khó hơn, áp lực cạnh tranh là rất lớn. Và do đó dễ tính với chính mình thì khó mà có được bài viết hay, bài viết tạo sự khác biệt.

Hà Vân

Nguồn: Nhà báo và Công luận

Xét xử vụ án Dương Chí Dũng: Hạn chế tối đa phương tiện tác nghiệp của báo chí

Có lẽ lâu lắm rồi, TAND TP.Hà Nội mới có những biện thắt chặt an ninh phiên tòa đến như vậy. Toàn bộ phóng viên báo chí đến đưa tin phiên tòa phải đăng ký tên, cơ quan báo từ trước để được phát thẻ  vào phòng riêng, theo dõi vụ án qua màn hình tivi.

Chỉ có một số rất ít cơ quan báo chí được TAND TP.Hà Nội cấp thẻ vào phòng xét xử để tác nghiệp. Tuy nhiên, dù đã có thẻ riêng do TAND TP.Hà Nội cấp nhưng để được vào tòa, phóng viên vẫn phải trình thẻ nhà báo để lực lượng an ninh “so danh sách”.

Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và 9 bị cáo đồng phạm đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN/vietnamplus.vn

Trước khi vào tòa, toàn bộ phương tiện tác nghiệp của nhà báo gồm máy ảnh, máy ghi âm, điện thoại, máy tính đều không được mang theo, phóng viên chỉ được mang theo giấy, bút để ghi chép qua màn hình TV.

Trong sáng 12.12, HĐXX đã tiến hành phần thủ tục phiên tòa. Tất cả các 14 luật sư bào chữa cho các bị cáo đã có mặt đầy đủ.

Dương Chí Dũng có tới 3 luật sư, Mai Văn Phúc có 2 luật sư bào chữa. Các bị cáo đều được mặc quần áo xanh công nhân; tất cả trông rất khỏe mạnh, duy nhất chỉ có bị cáo Lê Ngọc Triện có vẻ yếu do mắc bệnh.

Sau khi kiểm tra căn cước của các bị cáo, các luật sư Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Thị Phúc – bào chữa cho bị cáo Lê Ngọc Triện; Ngô Ngọc Thủy – bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng – đều đề nghị HĐXX cần phải triệu tập giám định viên đến tòa để xét hỏi, bởi theo các luật sư này thì căn cứ để buộc tội các bị cáo là bản giám định.

Việc phiên tòa thiếu giám định viên sẽ không có điều kiện thẩm tra, đối chất những căn cứ buộc tội đối với các bị cáo.

Phần còn lại trong buổi sáng, Viện KSND TP.Hà Nội thừa ủy quyền của Viện KSND Tối cao công bố cáo trạng buộc tội các bị cáo.

Theo S.Đà (Lao động)