Khi dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt thì tên người, địa danh có phiên âm không? Nếu phiên âm thì như thế nào? Không phiên âm thì lấy theo gốc nào? Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa thống nhất và thực trạng đã trở nên rất tệ.
Xin minh hoạ thực trạng này bằng bảng tổng hợp dưới đây từ cuốn tiểu thuyết “Jenny Ghechac” của nhà văn Mỹ Theodore Dreiser (tên sách “Jenny Ghechac” và tên nhà văn “Theodore Dreiser” viết như trên bìa sách của Nhà xuất bản Văn học năm 2011, Nguyễn Tâm dịch).
Ngay từ bìa sách đã có thể nhận thấy sự thiếu nhất quán: tên nhà văn “Theodore Dreiser” được giữ nguyên như tên tiếng Anh, nhưng tên tiểu thuyết (cũng là tên nhân vật chính) lại được phiên âm từ “Jennie Gerhardt” thành “Jenny Ghechac”. Chưa nói tới việc phiên âm “Jennie Gerhardt” thành “Jenny Ghechac” đã đúng chưa, việc trên một bìa sách mà tên này viết theo nguyên gốc tiếng Anh, tên kia phiên âm ra tiếng Việt, đã thể hiện một sự cẩu thả rồi.
Có một số tên tiếng Việt trong bảng này có thể suy đoán được gốc tiếng Anh, nhưng cách phiên âm quả thực rất “khó đỡ” như “Lănđơn” (London), Xên Luiz (Saint Louis), Jơjơ (George).
Người dịch sử dụng nhiều chữ cái không phải của tiếng Việt cho các tên được phiên âm: chữ “j” trong “Jenny”, “Jơjơ”, “Jerôn”, “Jec”, “Mitjơly”, chữ “f” trong “Fin”, chữ “z” trong “Luiz”…).
Người dịch cũng không nề hà việc cho các phụ âm “đ”, “x”, “g” đứng cuối từ (“Mađriđ”, “Pâyx”, “Đâyvix”, “Crêg”), điều không bao giờ có trong tiếng Việt.
Một số tên phiên âm của người dịch không thể hiểu nổi: “Gran Poxifix” (“Grand Pacific”), “Kepitơn” (“Capital”).
Tiếng Việt đơn âm tiết (trong một từ chỉ có một nguyên âm đơn hoặc kép), nhưng người dịch lại viết các tên tiếng Việt liền tù tì như trong tiếng Anh đa âm tiết, không dùng dấu nối “-”.
Tuy nhiên, khi không có một quy định chuẩn phiên âm nào cả thì cũng không thể nào nói phiên âm một tên người, địa danh như thế nào là đúng.
Phiên âm hay không phiên âm?
Mọi tên người, địa danh đều để nhận biết qua hai hình thức phổ biến: phát âm (để nghe) và viết (để đọc). Chúng ta phát âm hay viết ra một cái tên đều để cho người khác nhận biết đó là ai hoặc địa danh nào. Lý tưởng nhất là khi cả việc phát âm và viết tên đều dễ dàng để người khác nhận ra. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Trong nhiều ngôn ngữ hệ La-tinh, do sự tồn tại của các từ đồng âm khác cách viết và khác nghĩa, việc nhận biết trong nhiều trường hợp cần dùng đến việc đánh vần (spelling) để người nghe hình dung được cách viết của từ. Đánh vần cũng được áp dụng cho các chữ phức tạp. Về bản chất, đánh vần là “viết bằng miệng”. Như vậy, việc nhận biết một từ (kể cả tên) có khi đòi hỏi người nói phải kết hợp đồng thời hai cách nhận biết là phát âm và viết.
Đối với tên người, địa danh nước ngoài, cái khó đầu tiên là phát âm chúng. Đây là lý do ra đời phương pháp phiên âm. Tuy nhiên, dù sát đến mấy thì các tên được phiên âm sang tiếng nước ngoài cũng chỉ “lơ lớ”, không giống hoàn toàn với phát âm trong tiếng mẹ đẻ.
Điểm bất lợi lớn của phương pháp phiên âm tên người, địa danh gốc La-tinh sang tiếng Việt là, trong khi về mặt phát âm cũng chỉ đạt được mức “lơ lớ”, nó làm mất đi tên gốc ở chữ viết. Việc căn cứ vào tên phiên âm tiếng Việt để tìm tên gốc đối với cả người Việt Nam và người nước ngoài biết tiếng Việt trong nhiều trường hợp rất khó, đặc biệt là khi mỗi người tự phiên âm một kiểu, thậm chí cùng một người, phiên âm cùng một tên, nhưng mỗi lúc mỗi kiểu.
Trong thế giới ngày nay, nhu cầu tìm tên gốc của người và địa danh rất lớn. Khi đọc một bài báo hay tài liệu, thấy ông cựu tổng thống Mỹ Cờ-lin-tơn, người đọc thường có nhu cầu biết tên tiếng Anh của ông Cờ-lin-tơn viết như thế nào để tìm thêm thông tin trên mạng, hay để trao đổi với bạn bè quốc tế về ông.
Với người nổi tiếng như ông Cờ-lin-tơn hay thủ đô Oa-sinh-tơn, việc tìm ra tên gốc Clinton, Washington DC có thể không khó. Nhưng với những tên ít nổi tiếng, việc này không dễ, đặc biệt khi được phiên âm kiểu lạ lùng như “Gran Poxifix”, “Kepitơn” được dẫn chiếu ở trên.
Nếu coi ngôn ngữ là công cụ (để truyền thông), giải pháp phiên âm tên người, địa danh gốc La-tinh ra tiếng Việt rõ ràng không hiệu quả so với việc để nguyên tên gốc của nó, hoặc so với việc dùng tên La-tinh trong một tiếng nước ngoài phổ biến khác (ví dụ tiếng Anh).
Nếu gọi tên một nước là “Ba Lan”, không phải ai cũng dễ dàng biết đó là nước “Polska” bằng tiếng Ba Lan và nước “Poland” bằng tiếng Anh. Nếu ta gọi tên nước đó là “Poland” (như tiếng Anh), việc phát âm không khó hơn là mấy, nhưng lại giải quyết được nhiều vấn đề đối với cả người Việt Nam và người nước ngoài biết tiếng Việt. Kể cả những tên phức tạp như “Shakespeare”, người Việt không biết tiếng Anh vẫn có thể phát âm “lơ lớ”, nếu cần thì đánh vần cho người nghe.
Nếu theo lô-gíc hiệu quả, các tên người, địa danh có gốc không phải La-tinh (như các ngôn ngữ hệ Sla-vơ, hệ Ả-rập…), khi chuyển sang tiếng Việt mà dùng tên La-tinh của một ngôn ngữ phổ biến thì sẽ hiệu quả hơn so với việc phiên âm. Thủ đô “Москва” của nước Nga nếu gọi là “Moscow” như tiếng Anh hiệu quả hơn so với việc phiên âm thành “Mát-xcơ-va”.
|
Ghi chú: Các tên phiên âm chưa tìm được gốc tiếng Anh: Đotjơ, Onđrit, Âubraiơn, Naitơ, Mancơm Jerôn, Letty Jerôn, Jec, Mitjơly, Râuxitơ, Mơfri, Ratx, Jecxơn Đuy Boa, Ođitơriơm, Jimmy Xevorơn, Molaimơ, Bolinhgơ, Uylixtơn Bâykơ, Gout, Uynkơ… |
Có nên dịch nghĩa các tên người, địa danh nước ngoài?
Do ảnh hưởng của chữ Hán – Việt, nhiều tên người và địa danh nước ngoài được chuyển sang tiếng Việt theo nghĩa của tên gọi. Ví dụ, các thành phố Trung Quốc được gọi là “Bắc Kinh” (“kinh thành phía Bắc”), “Thượng Hải” (“[thành phố] trên biển”).
Chúng ta cũng gọi cố Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc là “Đặng Tiểu Bình”. Khi chúng ta viết hoặc phát âm tên “Đặng Tiểu Bình”, người Trung Quốc và người các nước khác không thể biết ông ấy là ai, còn người Việt lại không biết là cả người Trung Quốc và người nước ngoài đều gọi ông ấy là “Deng Xiao Ping” (phát âm hơi khác nhau). Khi chúng ta muốn tìm thông tin thêm về ông Đặng Tiểu Bình từ các nguồn nước ngoài, việc đầu tiên là phải biết cụm từ “Deng Xiao Ping” thì “ông Google” mới có thể giúp được.
Chúng ta gọi một nước là “Nam Phi” bằng cách dịch nghĩa tên “South Africa”. Chỉ có người Việt Nam và người nước ngoài biết tiếng Việt biết nó là nước nào, còn người nước ngoài nghe hoặc nhìn vào chữ “Nam Phi” thì không thể biết được. Đồng thời, không phải người Việt Nam nào cũng biết được “Nam Phi” tiếng Việt và “South Africa” tiếng Anh là cùng một nước.
Tên người, tên địa danh là để gọi, không nhất thiết phải có nghĩa. Có nhiều tên người, địa danh không có nghĩa (hoặc đã bị mất nghĩa), vì vậy, việc dịch nghĩa tên là không cần thiết. Nếu chúng ta dịch nghĩa tên nước ngoài, hãy thử hình dung tình hình sẽ thế nào nếu người nước ngoài cũng dịch nghĩa các tên người, địa danh Việt Nam. Chắc chắn sẽ có nhiều chuyên khôi hài!
Cần xem xét ngôn ngữ là công cụ và mọi công cụ đều phải được thường xuyên hoàn thiện để hiệu quả hơn trong tình hình mới. Chắc chắn cách chúng ta nói và viết tiếng Việt hiện nay đã khác cách cha ông, tổ tiên chúng ta nói và viết tiếng Việt trong thế kỷ 19 hoặc hàng trăm năm trước.
Vì vậy, không có gì bất bình thường nếu chúng ta thay đổi cách nói và viết tên người, địa danh nước ngoài trong tiếng Việt trong điều kiện toàn cầu hoá ở mức độ cao như hiện nay. Nhưng sẽ bất bình thường nếu chúng ta không chịu thay đổi hoặc chậm thay đổi ngôn ngữ như một công cụ rất quan trọng của cuộc sống cho phù hợp hơn với thời đại.
Người viết bài này có niềm tin rằng sự hoàn thiện và chặt chẽ của ngôn ngữ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của một đất nước. Khó mà hình dung được một nền công nghiệp phát triển (đòi hỏi sự chuẩn hoá và kỷ luật cao) khi con người sử dụng ngôn ngữ một cách tuỳ tiện, thiếu sự chuẩn hoá tối thiểu như trong vấn đề ngôn ngữ này. Sự tuỳ tiện trong ngôn ngữ có thể gây ra sự tuỳ tiện trong suy nghĩ và trong hành động.
Người viết bài này không phải là nhà ngôn ngữ học, mà chỉ là người sử dụng ngôn ngữ. Vấn đề này đã được các cơ quan, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam nhận diện từ lâu rồi. Thiết nghĩ, nếu có đủ sự quan tâm và quyết tâm, nó sẽ không trở thành một vấn đề bị “treo” vĩnh viễn và gây sự hoài nghi về năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra của chúng ta.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam
Nguồn: Vnexpress