Nghề báo
Nobel Hòa bình vinh danh 2 nhà báo
Submitted by nlphuong on Mon, 11/10/2021 - 14:52Theo công bố của Ủy ban Giải thưởng Nobel tại Oslo (Na Uy), Giải Nobel Hòa bình 2021 được trao cho nhà báo người Mỹ gốc Philippines Maria Ressa và nhà báo Nga Dmitry Muratov.
Hai nhà báo đoạt Giải Nobel Hòa bình 2021. Nguồn: nobelprizer.org |
Maria Angelita Ressa, sinh ngày 2/10/1963 tại Manila, Philippines. Bà là đồng sáng lập và làm Giám đốc điều hành tờ Rappler.
Dmitry Muratov, sinh năm 1961 tại Kuybyshev, nay là Samara, LB Nga. Ông là chủ bút tờ báo tiếng Nga Novaya Gazeta.
Nobel Hòa bình là giải thứ 5 được công bố trong mùa giải Nobel năm 2021.
Giải Nobel Hòa bình được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1901 và cho tới nay đã có tổng cộng 101 giải được trao. Trong số chủ nhân Nobel Hòa bình, có 25 tổ chức và 17 phụ nữ.
Mùa giải Nobel 2021 sẽ khép lại vào ngày 11/10 với việc công bố giải thưởng Nobel Kinh tế.
Nguồn: BT/baochinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Quocte/Nobel-Hoa-binh-vinh-danh-2-nha-bao/449077.vgp
59 tác phẩm vào Chung khảo Giải "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”
Submitted by nlphuong on Sun, 10/10/2021 - 10:28Chiều 8/10, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020 - 2021 đã tổ chức họp Hội đồng Chung khảo. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu chủ trì cuộc họp.
Theo đó, tính đến hết ngày 31/8, Ban Tổ chức Giải đã nhận được 1.181 tác phẩm dự thi hợp lệ của 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020 - 2021 đã tổ chức họp Hội đồng Chung khảo. |
Từ 1.181 tác phẩm dự thi hợp lệ của 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương, ngày 16/9/2021, Ban Tổ chức Giải đã tổ chức họp Hội đồng sơ khảo để tiến hành chấm sơ khảo các tác phẩm tham dự Giải.
Sau hơn hai tuần chấm bài độc lập và 2 buổi họp bình xét, đánh giá, Hội đồng sơ khảo đã tuyển chọn được 59 tác phẩm của 4 thể loại báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh vào chung khảo để Hội đồng Chung khảo xếp hạng: A, B, C và khuyến khích.
Theo kế hoạch, Ban chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020 - 2021 đã dự kiến số lượng Giải lần thứ 3 gồm 44 giải (Giải A: 4 giải, Giải B: 10 giải, Giải C: 12 giải, Giải Khuyến khích: 18 giải).
Trên cơ sở kết quả bình chọn, Hội đồng Chung khảo có thể lựa chọn ra 1 tác phẩm xuất sắc nhất để đề nghị xếp giải đặc biệt. Đồng thời có văn bản báo cáo với Ban Chỉ đạo Giải, có công văn đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trao giải đặc biệt cho cho tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu, thành viên trong hội đồng đã cho ý kiến về cơ cấu các giải trên các loại hình và xem xét về giải đặc biệt nếu có tác phẩm xuất sắc.
Từ ý kiến thảo luận của thành viên Hội đồng Chung khảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết: "Với tinh thần dân chủ, khách quan, thành viên Hội đồng sẽ lựa chọn ra những tác phẩm xứng đáng để tiến hành vinh danh tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020 - 2021. Từ đó góp phần thiết thực thể hiện và hưởng ứng quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí".
Song song với hoạt động chấm giải, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và cổ vũ, động viên những nhà báo có thêm nhiều tác phẩm tâm huyết hơn nữa đối với công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong thời gian tới.
Nguồn: Nguyên Phong/congluan.vn
https://congluan.vn/59-tac-pham-vao-chung-khao-giai-bao-chi-voi-cong-tac-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-lang-phi-post160464.html
Tôn vinh tinh thần cống hiến, dấn thân, nguồn năng lượng tích cực trong từng khoảnh khắc ảnh
Submitted by nlphuong on Sun, 10/10/2021 - 09:45Gala Báo chí lần thứ ba 2021 - Lễ trao giải “Khoảnh khắc báo chí 2020” do Báo Nhà báo & Công luận tổ chức đã khép lại thành công tốt đẹp. Mỗi tác phẩm ảnh báo chí được vinh danh đều cho thấy sự vất vả, sẵn sàng dấn thân, đương đầu với gian khổ của đội ngũ phóng viên, nhà báo.
Tham dự chương trình có: Ông Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Hồng Sâm - Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ; ông Trần Thanh Lâm - Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; bà Trần Lan Anh - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Nhà báo và Công luận… cùng các tác giả có tác phẩm tham dự giải.
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Gala Báo chí lần thứ ba 2021 - Lễ trao giải “Khoảnh khắc báo chí 2020”. Ảnh: Sơn Hải |
Phát biểu tại chương trình, ông Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho biết, Gala Báo chí lần thứ ba, Lễ trao giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí 2020” do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, giao Báo Nhà báo & Công luận tổ chức diễn ra trong thời khắc rất đặc biệt của đất nước.
Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh Sơn Hải |
Gần 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 được ví như “trận cuồng phong” dữ dội, nguy hiểm, càn quét khắp toàn cầu, ảnh hưởng trầm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội của hết thảy các quốc gia. Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đặt ra những thách thức rất lớn cả trong công tác phòng, chống dịch lẫn những nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trần Bá Dung - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam trao giải cho các tác giả, có tác phẩm ảnh báo chí xuất sắc đoạt giải Top 10 “Khoảnh khắc báo chí 2020”. Ảnh: Sơn Hải |
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, cũng như lực lượng y tế, công an, quân đội, lực lượng báo chí là những người trong tuyến đầu chống dịch. Trong đợt dịch cao điểm vừa qua, các phóng viên nhà báo đã vượt qua nhiều khó khăn, tăng tốc để truyền tải các thông tin nhanh nhất đến khán giả. Trong khi nhiều hoạt động xã hội buộc phải ngừng lại do giãn cách xã hội, các toà soạn, các đài phát thanh, truyền hình, vẫn nỗ lực tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh bủa vây, đảm bảo truyền tải thông tin nhanh, chính xác, chân thực đúng đắn nhất về tình hình dịch bệnh cũng như những quyết sách, các biện pháp chống dịch, đập tan những luồng thông tin giả, thông tin sai lệch.
Ông Trần Thanh Lâm - Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, BTV Hà Thu công bố và trao giải C cho các tác giả. Ảnh: Sơn Hải |
"Tinh thần cống hiến, dấn thân, sự quả cảm của những người thầy thuốc - những nhà báo - chiến sĩ thực sự đã lan tỏa nguồn năng lượng tích cực cho cuộc chiến chống dịch vẫn còn gian nan phía trước. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, đã ngời sáng tinh thần quả cảm, đức hy sinh và lòng thương yêu con người...Thật đáng mừng, chúng ta lại có thể một lần nữa tìm thấy tinh thần cống hiến, dấn thân, nguồn năng lượng tích cực ấy trong những bức ảnh được tôn vinh tại Giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí 2020” hôm nay. Từ gần 300 tác phẩm với số lượng lên tới hàng ngàn bức ảnh, Ban Giám khảo đã lựa chọn được top 10 “Khoảnh khắc Báo chí 2020”, 1 giải Ấn tượng, 1 Giải A, 2 Giải B và 3 Giải C"- Ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Mùa giải lần thứ 3 này, số lượng ảnh có thể không nhiều như năm trước do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp nhưng các tác phẩm tham dự đã phản ánh được khá trọn vẹn năm 2020 với rất nhiều sự kiện quan trọng, trong đó sáng rõ nhất là đại dịch COVID-19 và lũ lụt tại miền Trung.
Ông Nguyễn Hồng Sâm - Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ và MC Vũ Thu Hoài công bố và trao giải cho hai tác giả đoạt giải B “Khoảnh khắc báo chí 2020” cho 2 tác giả. Ảnh: Sơn Hải |
Qua ống kính của người làm báo cả nước, những khoảnh khắc đắt giá về đại dịch, về những trận lũ lụt miền Trung khủng khiếp…được thể hiện hết sức chân thực, giàu xúc cảm. Điều đó cho thấy tinh thần dấn thân và nhân văn của những nhà báo tận tâm, tinh tế và trách nhiệm với nghề, đó cũng là tiêu chí mà Ban Tổ chức đã đặt ra ngay từ đầu mùa giải. Có thể nói, mùa thứ 3 của Giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí 2020” tiếp tục là một mùa giải thành công.
Cũng tại buổi lễ ông Hồ Quang Lợi đánh giá cao nỗ lực của Ban Tổ chức - Báo Nhà báo & Công luận trong việc duy trì một sân chơi riêng biệt cho các phóng viên ảnh thể hiện kỹ năng nghiệp vụ, khích lệ những cải tiến, sáng tạo, những góc nhìn mới mẻ về ảnh báo chí, phản ánh nhanh nhất, kịp thời nhất, sinh động nhất về các diễn biến của mọi mặt đời sống xã hội.
Trong nội dung được chờ đợi nhất tại Gala Báo chí lần thứ ba 2021, ban tổ chức đã lần lượt công bố tên và vinh danh những tác phẩm, tác giả đoạt giải ảnh “Khoảnh khắc báo chí 2020” trên sân khấu.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và diễn viên Lương Thu Trang trao giải A cho tác giả đoạt giải. Ảnh: Sơn Hải |
Ông Trần Bá Dung - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam trao giải cho các tác giả có tác phẩm ảnh báo chí xuất sắc đoạt giải Top 10 “Khoảnh khắc báo chí 2020”. Gồm:
1. Tác giả Lê Việt Hùng, Phạm Thắng - Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zingnews) với tác phẩm “14 ngày cách ly của công dân viện Huyết học - Truyền máu Trung ương”;
2.Tác giả Ngô Nhung - Báo Người Lao động với tác phẩm “Hàng trăm "hố bom" trên con đường "đau khổ" né trạm BOT”;
3. Tác giả Trần Huy Hùng - Thông tấn xã Việt Nam với tác phẩm “Chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên về Việt Nam sau dịch Covid-19”;
4. Tác giả Đặng Thanh Hoà – Trợ lý Tổng biên tập, phụ trách khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Báo ảnh Việt Nam -TTXVN với tác phẩm “Hàng nghìn người nước ngoài ở Đà Nẵng được ưu tiên xét nghiệm Covid-19”;
5.Tác giả Võ Hoàng Triều - Báo Người Lao động với tác phẩm “Câu chuyện về ông chủ “ATM gạo”;
6.Tác giả Hoàng Giang Huy - Báo điện tử VnExpress với tác phẩm “Khu cách ly phòng dịch của bộ đội”;
7.Tác giả Hoàng Giang Huy - Báo điện tử VnExpress với tác phẩm “Cuộc sống xóm chạy thận quanh những căn nhà 2m2 mùa dịch”;
8.Tác giả Nông Việt Linh- Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến ZingNews với tác phẩm “Chuyến bay đưa công dân Việt Nam trở về từ tâm dịch Vũ Hán”;
9.Tác giả Trần Hải - Thanh Giang - Ngọc Hoan - Báo Nhân Dân với tác phẩm “Người đồng hành qua bóng tối";
10.Tác giả Cao Ngọc Dương - Báo Thanh Niên với tác phẩm “Miền Tây oằn mình trong cơn khát”.
Ông Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Á hậu Bùi Phương Nga công bố và trao giải tác phẩm ảnh báo chí đạt Giải ấn tượng trong Giải ảnh “Khoảnh khắc báo chí 2020” cho tác giả Phạm Ngọc Thành – Báo Báo Điện tử VnExpress với tác phẩm “Tìm kiếm nạn nhân lở núi ở Trà Leng”. Ảnh: Sơn Hải |
Tại lễ trao giải, ông Trần Thanh Lâm - Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng BTV Hà Thu công bố và trao giải C cho các tác giả. Đó là:
1. Tác giả Phan Thị Duyên, Nguyễn Văn Lộc - Báo Tuổi trẻ TP.HCM với tác phẩm “Hành trình 90 ngày kỳ diệu”;
2.Tác giả Nông Việt Linh – Báo Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến ZingNews với tác phẩm” Giây phút giải cứu nghẹt thở thuyền viên trên tàu gặp nạn”;
2. Tác giả Bùi Cương Quyết – Thông tấn xã Việt Nam với tác phẩm “Kiên cường Việt Nam”.
Giới thiệu các bức ảnh đạt giải tại Gala Báo chí 2021 - Lễ trao giải “Khoảnh khắc báo chí 2020”. Ảnh: Quang Hùng |
Ông Nguyễn Hồng Sâm - Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, MC Vũ Thu Hoài công bố và trao giải cho hai tác giả đoạt giải B “Khoảnh khắc báo chí 2020”. Đó là tác giả Trần Như Quỳnh – Báo Điện tử VnExpress với tác phẩm “Hai cha con làm nghề móc cống ở Sài Gòn” và Tác giả Trần Văn Hiếu – Phóng viên Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Liên bang Nga với tác phẩm “Đội tuyển xe tăng Việt Nam lập công lớn tại Army Games 2020”.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam và diễn viên Lương Thu Trang trao giải A cho tác giả Nguyễn Văn Thắng, Tô Chí Hùng, Lê Thị Bích Huệ - Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến Zingnews với tác phẩm “Cuộc đại phẫu đặc biệt tách song sinh dính liền”.
Đặc biệt, ông Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng Á hậu Bùi Phương Nga công bố và trao giải tác phẩm ảnh báo chí đạt Giải ấn tượng trong Giải ảnh “Khoảnh khắc báo chí 2020” cho tác giả Phạm Ngọc Thành – Báo Điện tử VnExpress với tác phẩm “Tìm kiếm nạn nhân lở núi ở Trà Leng”.
Gala Báo chí lần thứ ba và lễ trao giải “Khoảnh khắc báo chí 2020” do báo Nhà báo & Công luận tổ chức khép lại thành công tốt đẹp đã tôn vinh những đóng góp, cống hiến không biết mệt mỏi của những phóng viên ảnh có mặt ở các điểm nóng thông tin để mang đến cho công chúng những hình ảnh chân thực, khách quan và sinh động của đời sống xã hội.
Nhân dịp này, Ban tổ chức xin gửi lời cảm ơn đến: Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn; Tập đoàn Hưng Thịnh; Tập đoàn Novaland; Tập đoàn Vingroup; Công ty TNHH giấy Lee&Man Việt Nam... đã đồng hành cùng chương trình Gala Báo chí lần thứ ba - 2021.
Công tác tổ chức được thực hiện theo đúng các quy định về phòng, chống dịch COVID - 19 và bảo đảm tuân thủ khuyến cáo 5K. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên kênh VTC1 phát trực tiếp trên fanpage Báo Nhân dân, CổngTTĐT Chính phủ, Báo Lao Động, Báo Vietnamnet, Báo Giao Thông và Báo Nhà báo & Công luận…
Nguồn: Nguyên Phong/congluan.vn
https://congluan.vn/ton-vinh-tinh-than-cong-hien-dan-than-nguon-nang-luong-tich-cuc-trong-tung-khoanh-khac-anh-post160484.html
Covering Climate Now vinh danh phóng viên đưa tin về biến đổi khí hậu
Submitted by nlphuong on Thu, 07/10/2021 - 22:02Covering Climate Now đã tôn vinh 12 phóng viên và các hãng truyền thông của thế giới tích cực đưa tin về tình trạng biến đổi khí hậu.
Josh Edelson, phóng viên ảnh của AFP thường trú tại bang California (Mỹ) phụ trách thông tin về vấn nạn cháy rừng, đã giành giải thưởng với phóng sự ảnh Heart of Fire. (Nguồn: AFP) |
Covering Climate Now - một dự án truyền thông toàn cầu của Mỹ chuyên cung cấp thông tin về tình trạng Trái Đất ấm lên, đã tôn vinh 12 phóng viên và các hãng truyền thông của thế giới tích cực đưa tin về tình trạng biến đổi khí hậu.
Đây là giải thưởng dành cho báo chí đầu tiên của Covering Climate Now.
Hãng tin AFP của Pháp và tờ The Guardian của Anh vinh dự có tên trong danh sách trao giải, được bình chọn từ gần 600 tác phẩm báo chí dự thi.
Tác phẩm giành giải của The Guardian là một sản phẩm báo chí đa phương tiện, cho phép độc giả nghe được âm thanh của những tảng băng trôi tan chảy ở Nam Cực.
Trong khi đó, Josh Edelson, phóng viên ảnh của AFP thường trú tại bang California (Mỹ) phụ trách thông tin về vấn nạn cháy rừng, đã giành giải thưởng với phóng sự ảnh "Heart of Fire."
Qua ống kính của phóng viên ảnh này, người xem có cái nhìn cận cảnh về thực trạng cháy rừng tại Mỹ.
Phóng sự ảnh ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng trong các vụ cháy rừng kinh hoàng vào tháng 9/2020, được ban giám khảo miêu tả là "đã chớp được" những dấu ấn "địa ngục" và lột tả chân thực cảm xúc của những người lính cứu hỏa cũng như dân thường phải đi sơ tán khẩn cấp./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=745333
Vĩnh biệt nhà báo Cuba Marta Rojas - người bạn của nhân dân Việt Nam
Submitted by nlphuong on Tue, 05/10/2021 - 21:59Nữ nhà báo Cuba Marta Rojas luôn lưu giữ một tình cảm đặc biệt và tham gia tích cực vào các phong trào, hoạt động ủng hộ Việt Nam cũng như tình đoàn kết giữa hai dân tộc.
Nữ nhà báo Marta Rojas và lãnh tụ cách mạng Fidel Castro. (Nguồn: Asere) |
Ngày 4/10, Hội nhà báo Cuba và nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, cho biết nhà báo cách mạng lão thành Marta Rojas, một người bạn thân thiết và nhân chứng lịch sử cho cuộc đấu tranh giữ nước của nhân dân Việt Nam, đã đột ngột từ trần ngày 3/10 do một cơn đau tim.
Nữ nhà báo Marta Rojas sinh ngày 17/5/1931 tại Santiago de Cuba. Ngay sau khi tốt nghiệp ngành Báo chí tại Đại học La Habana, bà đã chứng kiến cuộc tấn công vào trại lính Moncada ngày 26/7/1953 do lãnh tụ cách mạng lịch sử Fidel Castro chỉ huy và phiên tòa của chế độ độc tài Batista xét xử ông và các đồng đội sau đó.
Bà đã ghi chép và tường thuật chi tiết các sự kiện lịch sử này trong cuốn sách “Phiên tòa Moncada” - một tác phẩm được đánh giá rất cao về giá trị báo chí.
Sau khi cách mạng Cuba thành công năm 1959, bà Marta Rojas làm việc trong một số cơ quan báo chí cách mạng và nhật báo Granma từ năm 1965, khi tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất Cuba được thành lập.
Với số lượng bài viết đồ sộ cùng hàng chục đầu sách đã xuất bản, nữ nhà báo Marta Rojas đã được trao Giải thưởng Báo chí toàn quốc José Martí, giải thưởng cao quý nhất dành cho các nhà báo tại Cuba và thường xét theo thành tích trọn đời, Giải thưởng Văn học Alejo Carpentier và danh hiệu Anh hùng Lao động quốc gia.
Trong thông báo chính thức, nhật báo Granma nhấn mạnh không chỉ được công nhận với tác phẩm tường thuật các sự kiện lịch sử tại Moncada, bà còn được “ghi nhớ như phóng viên chiến trường đầu tiên người Cuba và Mỹ Latinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam."
Trong khoảng 10 năm, bà đã tận mắt chứng kiến từ những trận ném bom dữ dội của không quân Mỹ tàn phá miền Bắc Việt Nam cho tới những trận chiến đấu mưu trí, dũng cảm của du kích Củ Chi tại miền Nam, và đặc biệt bà chính là nhà báo nước ngoài cuối cùng phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trở về Cuba, nhà báo Marta Rojas vẫn luôn lưu giữ một tình cảm đặc biệt và tham gia tích cực vào các phong trào, hoạt động ủng hộ Việt Nam và tình đoàn kết giữa 2 dân tộc.
Bà thường xuyên có các bài viết súc tích, sâu sắc trên nhật báo Granma về “đất nước quê hương Bác Hồ” trong các ngày kỷ niệm quan trọng.
Ở tuổi 90, bà vẫn là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam và mới đây đã tham gia vào cuộc gặp gỡ thân mật của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với đại diện của Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc (ICAP) và Hội hữu nghị Cuba-Việt Nam, diễn ra trong chuyến thăm Cuba chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ 18-20/9 vừa qua./.
Chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế truyền thông
Submitted by nlphuong on Sun, 03/10/2021 - 21:42Theo Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang, TTXVN đã tập trung đổi mới tư duy về cách thức tổ chức thông tin, nâng cao chất lượng nội dung, cải tiến hình thức tuyên truyền.
Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc TTXVN, tham luận với chủ đề 'Giữ vững định hướng tư tưởng trong điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế truyền thông.' (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Ngày 1/10, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Kinh tế truyền thông: Lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm."
Giáo sư, tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Minh Tuấn, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang; đông đảo các chuyên gia, nhà báo đang giảng dạy và làm việc trong các cơ quan báo chí, truyền thông.
Phát biểu đề dẫn Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Minh Tuấn, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận, các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực thực tiễn tiếp tục quán triệt đầy đủ, thống nhất nhận thức, làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn của kinh tế truyền thông, trên cơ sở đó thảo luận, đề xuất các giải pháp đúng đắn, sáng tạo nhằm phát triển kinh tế truyền thông trong bối cảnh hiện nay.
Với sự phát triển của xã hội, thông tin - sản phẩm chủ yếu của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông còn được coi là một thứ hàng hóa đặc biệt, có đầy đủ thuộc tính của một loại hàng hóa. Nghĩa là thông tin được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và có thể trao đổi, mua bán và nó trở thành một trong những "nhu yếu phẩm" không thể thiếu trong xã hội hiện đại.
Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng phát triển kinh tế truyền thông là cơ hội giúp cho các cơ quan truyền thông có thêm nguồn thu, từ đó tăng thu nhập cho người làm truyền thông; giúp đơn vị có điều kiện đầu tư mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất, tác nghiệp; mở mang thêm nguồn thông tin, tư liệu, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ những người làm truyền thông.
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang cho rằng báo chí truyền thông vừa là công cụ tuyên truyền, là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân vừa thực hiện chức năng kinh tế trong phát triển báo chí truyền thông nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung. Báo chí Việt Nam đã ghi nhận sự song hành của hai nhiệm vụ này.
Vì vậy, các cơ quan báo chí rất cần có sự đầu tư, quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi nguồn thu báo chí bị suy giảm nghiêm trọng, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước sẽ là nguồn động viên to lớn, đặc biệt đối với lực lượng phóng viên luôn có mặt ở tuyến đầu, thôi thúc những người làm báo cống hiến để có những tác phẩm báo chí có giá trị phục vụ công chúng.
Đối với Thông tấn xã Việt Nam, giữ vững định hướng tư tưởng và phát triển kinh tế truyền thông là hai nhiệm vụ song hành. Để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ, vừa giữ vững định hướng chính trị, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế báo chí, thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam đã tập trung đổi mới tư duy về cách thức tổ chức thông tin, nâng cao chất lượng nội dung, cải tiến hình thức tuyên truyền trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để vừa bám sát tôn chỉ, mục đích, vừa phản ánh sinh động các sự kiện trọng đại của đất nước cũng như các vấn đề của đời sống xã hội.
Thông tin chuẩn xác, tin cậy được các cơ quan báo chí trong và ngoài nước khai thác, sử dụng; được công chúng tin tưởng trích nguồn mỗi khi có những thông tin đa chiều trong xã hội. Đó chính là giá trị cốt lõi của thông tin thông tấn.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết kinh tế truyền thông đang là nỗi trăn trở của báo chí trong và ngoài nước, trong khi ngân sách nhà nước dành cho hoạt động này ngày càng giảm, chủ yếu chỉ đáp ứng mức lương cơ bản. Để tìm được nhân tài hoạt động trong lĩnh vực báo chí, người đứng đầu cơ quan phải tìm cách có nguồn thu cho anh em yên tâm công hiến.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Tuy nhiên ông Lê Quốc Minh cho biết hiện nay, những cơ quan báo chí chính thống trên thế giới đều thu phí, nhưng đây là mô hình không dễ làm, nếu quá chú trọng vào kinh phí, sẽ lãng quên các việc khác quan trọng hơn.
"Hầu hết các cơ quan báo chí hiện nay đều trông chờ vào quảng cáo, chưa có chiến lược dài hạn về việc thu phí để đối phó với khó khăn," ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Là người làm nghề, quản lý báo chí trong thời gian dài, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho hay việc tham khảo, áp dụng các tiêu chí về thu phí ở nước ngoài rất hay nhưng cũng có hạn chế, nếu không sáng tạo cho phù hợp với độc giả, sẽ thất bại. Đổi mới sáng tạo mới là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin, từ đó tạo ra nguồn thu.
Theo các đại biểu, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội và sự thay đổi như vũ bão của công nghệ, với đa dạng các nền tảng số xuyên biên giới vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các cơ quan truyền thông truyền thống, nhất là đối với các nhà xuất bản, tòa soạn báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình, kể cả các tòa soạn báo mạng điện tử vốn được coi là loại hình báo chí mới, hội tụ đa phương tiện.
Điều này cũng đặt ra những vấn đề đòi hỏi các cơ quan truyền thông phải không ngừng nỗ lực trong xây dựng những mô hình truyền thông mới với các cách thức hoạt động kinh tế truyền thông hiệu quả nhằm duy trì nguồn thu, bắt kịp nhu cầu phát triển của truyền thông thế giới; đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước./.
Nguồn: Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=744194
Báo Nhân Dân ra mắt bản tin thời sự hằng ngày trên các kênh podcast
Submitted by nlphuong on Sat, 02/10/2021 - 08:47Ngày 1/10, Báo Nhân Dân bắt đầu cung cấp các bản tin thời sự hằng ngày trên các nền tảng podcast, với mục tiêu đưa thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước tới đông đảo thính giả trong nước và nước ngoài, bổ sung thêm kênh tiếp cận tờ báo Đảng lớn nhất của đất nước cho công chúng.
Mỗi ngày trên Radio Nhân Dân (rND) sẽ có hai bản tin thời sự vào buổi sáng và buổi chiều, mỗi bản tin kéo dài khoảng 10 phút với những thông tin trong nước và quốc tế nổi bật.
Radio Nhân Dân đang hoạt động trên các nền tảng podcast thông dụng của thế giới như Spotify, Apple Podcasts, Google Podcasts, SoundCloud, YouTube và Amazon Music.
Nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng Ban Nhân Dân hằng tháng, người phụ trách dự án Radio Nhân Dân nhấn mạnh, việc cung cấp các bản tin thời sự hằng ngày là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Báo Nhân Dân nên đây là nội dung không thể thiếu trong chiến lược của kênh phát thanh. Các bản tin ngắn gọn, súc tích trên Radio Nhân Dân sẽ là nguồn tin chính thống tin cậy cho người dân cũng như các đảng viên, trong bối cảnh thông tin tràn ngập với rất nhiều thông tin sai lệch.
Chúc mừng Radio Nhân Dân phiên bản podcast và sáng kiến ra mắt bản tin thời sự phát thanh theo phương thức mới của báo Đảng, nhà báo Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tâm sự: “Sự bùng nổ sáng tạo nội dung trên các nền tảng podcast đã và đang là xu thế của công nghiệp giải trí, truyền thông và của một nhóm tiên phong trong giới báo chí. Sự vào cuộc nhanh chóng và bài bản của Báo Nhân Dân chính là lời khẳng định cho xu hướng đúng đắn này, cho thấy Báo Đảng sẽ thực sự dẫn dắt sự thay đổi trong phương thức, tư duy làm báo hiện đại, đưa dòng chảy chính của những giá trị văn hóa tinh thần và thông tin chính thống bằng nhiều hình thức tới các công dân của kỷ nguyên số, đúng với sứ mệnh của tờ báo “Anh Cả” trong hệ sinh thái báo chí cách mạng Việt Nam”.
Một tháng trước, vào ngày 1/9, Radio Nhân Dân ra đời trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19 như một nỗ lực của Báo Nhân Dân nhằm đa dạng hóa nội dung và sản phẩm báo chí - truyền thông, mở rộng cách thức tiếp cận người sử dụng, nhất là độc giả - khán thính giả trẻ tuổi, ưa thích các nền tảng công nghệ số.
Radio Nhân Dân là các chương trình podcast - một dạng thức phát thanh trên các nền tảng streaming đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và được nhiều cơ quan báo chí triển khai. Người dùng có thể nghe trực tuyến qua các ứng dụng trên điện thoại di động, nghe trực tiếp trên website Báo Nhân Dân, hoặc tải về thiết bị để nghe ngoại tuyến (không kết nối internet) trong gia đình, nơi làm việc hoặc khi di chuyển trên xe hơi, tàu hỏa, máy bay.
Trong tháng đầu tiên, Radio Nhân Dân tập trung đăng tải các podcast Truyện ngắn, gồm những câu chuyện có bản quyền do biên tập viên lựa chọn kỹ lưỡng. Việc cung cấp các bản tin thời sự âm thanh nằm trong kế hoạch phát triển dài hạn của Báo Nhân Dân để xây dựng một kênh nội dung mới, đáp ứng nhu cầu của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Nguồn: https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/bao-nhan-dan-ra-mat-ban-tin-thoi-su-hang-ngay-tren-cac-kenh-podcast-667392/
Truyền thông Canada đánh giá cao vị thế và đóng góp của Việt Nam
Submitted by nlphuong on Wed, 29/09/2021 - 11:27Theo Geopolitical Monitor, cuộc chiến chống đại dịch là chủ đề trung tâm của kỳ họp 76 Đại hội đồng LHQ, thông điệp khẩn cấp về đại dịch được tất cả các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam, nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Trang Geopolitical Monitor, có trụ sở tại Canada, ngày 27/9, đã đăng bài phân tích toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên thảo luận chung Cấp cao khóa họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), đồng thời điểm lại những đóng góp của Việt Nam đối với mục tiêu chung của Liên hợp quốc, cũng như những thành tựu phát triển, kinh tế của đất nước trong hàng chục năm qua.
Theo tờ báo Canada, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là chủ đề trung tâm của kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Thông điệp khẩn cấp của Liên hợp quốc về đại dịch được tất cả các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam nhấn mạnh. Phát biểu trước Đại hội đồng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định “cơn bão” khủng hoảng y tế toàn cầu này đã cản trở đà phát triển, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của thế giới, đặc biệt là ở các nước nhỏ và đang phát triển.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ những nguy cơ toàn cầu nếu không ngăn chặn được COVID-19, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy cách tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với nguồn cung vaccine và thuốc men. Bài báo dẫn lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Để sớm đẩy lùi COVID-19, cần tăng cường hợp tác và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, nhất là ưu tiên cung cấp vaccine cho người dân những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vaccine."
Bất chấp sự bùng phát của COVID-19, hình ảnh của Việt Nam đã được nâng cao trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với hai lần giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc luân phiên trong nhiệm kỳ này. Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực và sự tự tin trong điều phối, trao đổi, đối thoại về các vấn đề quan trọng, cũng như nỗ lực gìn giữ và xây dựng hòa bình.
[Truyền thông Nga đánh giá cao vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam]
Trong bài phát biểu trước , Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý: “Đại dịch cũng không phải là thách thức lớn nhất và duy nhất đối với chúng ta. Hệ thống quan hệ quốc tế đang bị phân tán, chia rẽ và bất ổn dưới tác động của gia tăng căng thẳng giữa các nước lớn. Chiến tranh đang cướp đi bao sinh mạng vô tội, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên ở nhiều khu vực có nguy cơ bùng phát. Các hành động phớt lờ luật pháp quốc tế, cưỡng ép đơn phương, cản trở các nước thực hiện quyền hợp pháp vẫn diễn ra ở nhiều khu vực."
Bài báo cho rằng sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh quốc tế thể hiện rõ ràng qua vai trò đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên năm 2019. Dù cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump không đạt được giải pháp nào về giải trừ mối đe dọa hạt nhân toàn cầu, song Hà Nội đã nổi lên như một nhà kiến tạo hòa bình – vị trí thích hợp trong ngoại giao hòa giải.
Việc Việt Nam tái định vị là một cường quốc trung gian và phát triển vai trò xây dựng hòa bình thể hiện sự tự tin ngày càng tăng của Hà Nội trong việc đóng vai trò hòa giải quan trọng trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) liên quan tới các vấn đề an ninh khu vực.
Trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam được công nhận là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việc Việt Nam áp dụng thành công cơ chế thị trường đã giúp mang lại thành tích kinh tế ấn tượng. Các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoan nghênh vai trò tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy các cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của dân tộc. Hành trình vượt bậc của Việt Nam từ một quốc gia thu nhập thấp lên thu nhập trung bình đã giúp hơn 40 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 1993-2014.
Dù trải qua nửa thế kỷ chiến tranh, Việt Nam đã kịp thời ủng hộ các sáng kiến của Liên hợp quốc, nêu bật các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc trong việc giải quyết các xung đột quốc tế thông qua biện pháp hòa bình. Một trong những yếu tố then chốt thể hiện sự cởi mở và gắn kết với thế giới là việc quốc gia đó sẵn sàng có được tiếng nói và vị trí nổi bật hơn trong Liên hợp quốc. Điều này được thể hiện rõ nhất qua nỗ lực tham gia Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vào đầu năm 2014 và quốc kỳ Việt Nam đã tự hào khoe sắc tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan và Cộng Hòa Trung Phi.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn nhận thấy sự cấp thiết trong việc hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết nhiệm vụ hợp tác để giảm thiểu và xử lý các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu đang đặt ra vô cùng cấp bách.”
Việt Nam cam kết đóng góp chủ động và có trách nhiệm nhằm đảm bảo Hiến chương gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Bài báo dẫn lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Điều kiện tiên quyết cho phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch là phải bảo đảm được môi trường hoà bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới"./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=743569
TS. Trần Bá Dung: Báo Đầu tư "đầu tư" nghiệp vụ đúng hướng
Submitted by nlphuong on Mon, 27/09/2021 - 14:24Báo Đầu tư coi trình độ nghiệp vụ của hội viên là yếu tố quyết định sức mạnh và sự thành công của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
TS. Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam |
Cách đây 13 năm, lần đầu tiên tôi được Chi hội Báo Đầu tư do TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập, Thư ký Chi hội mời đến trao đổi nghiệp vụ báo chí với hội viên của Báo tại trụ sở ở 175 Nguyễn Thái Học.
Hôm đó trời mưa to, đường vào Tòa soạn ngập nửa mét. Ấy thế mà khi tôi vào Hội trường đã thấy chật ních các nhà báo ngồi đợi. Buổi nói chuyện ấy, Tổng Biên tập ngồi nghe từ đầu đến cuối. Tôi rất hào hứng và thấy có một niềm tin - niềm tin nghề nghiệp, niềm tin đồng nghiệp.
Thế rồi, từ đó đến nay, theo dõi từng bước đi của Báo, niềm tin của tôi quả không sai. Báo Đầu tư xác định bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chi hội, coi trình độ nghiệp vụ của hội viên là yếu tố quyết định sức mạnh và sự thành công của báo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Từng thành quả nghiệp vụ mà Báo gặt hái được trong hơn 10 năm qua, theo tôi, đó là kết quả tất yếu của một chiến lược đầu tư nghiệp vụ đúng hướng. Cùng với đúng hướng là trúng trọng tâm từng thời kỳ, phù hợp phương pháp với từng loại hình, thể loại báo chí, đặc thù cơ quan báo chí kinh tế; coi trọng cả nhận thức chính trị, kiến thức chuyên môn và trình độ nghiệp vụ. Từ góc nhìn nghiệp vụ, có thể khái quát 4 hướng đầu tư nghiệp vụ của Báo Đầu tư trong thời gian qua như sau:
Phóng viên Báo Đầu tư nhận Giải B, Giải Báo chí quốc gia năm 2019 |
Tham gia tích cực các hoạt động nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam
Được biết, hằng năm, ngay từ đầu năm, Ban Thư ký Chi hội xem xét thông qua chương trình đào tạo cả năm, sau đó, hoàn chỉnh, bổ sung hàng quý phù hợp với yêu cầu thực tiễn và với những diễn biến mới của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.
Việc xây dựng chương trình đào tạo được tiến hành trên cơ sở đánh giá trình độ nghiệp vụ của hội viên, ý kiến đề xuất của hội viên và các phòng, ban. Hình thức đào tạo chủ yếu là các khóa học ngắn hạn, các buổi sinh hoạt ngoại khóa được tổ chức tại tòa soạn, kết hợp với việc gửi hội viên theo học các khóa học do các cơ quan chức năng tổ chức. Các chương trình đào tạo của Báo tập trung các nội dung: Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nhất là về kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành và pháp luật kinh tế; Bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức chính trị nhất là về các vấn đề nhạy cảm trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại…; Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, nhất là về thể loại báo chí, ngôn ngữ báo chí, cách thức khai thác và xử lý thông tin. Ngoài ra, về kinh tế báo chí, tổ chức các buổi ngoại khóa về kỹ năng tiếp thị phát hành, quảng cáo...
Trong hơn 10 năm qua, bên cạnh Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động Hội hằng năm (Báo Đầu tư hầu như đều có tham luận), Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam được lãnh đạo Hội giao, đã tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ báo chí trong nước và quốc tế. Tại các hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ này, Báo Đầu tư đều cử cán bộ - hội viên tham gia đầy đủ, nghiêm túc, có tham luận nghiệp vụ, tham gia thảo luận, tranh luận sáng tỏ nhiều vấn đề, nhất là những vấn đề nghiệp vụ báo chí kinh tế. Hàng loạt lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam mở, Báo Đầu tư đều cử phóng viên, biên tập viên tham gia theo học đều đặn.
Trong nhiều cuộc làm việc của Hội Nhà báo Việt Nam với Chính phủ, với các bộ, ngành hoặc đối tác nước ngoài, Hội thường mời Báo Đầu tư tư vấn, phát biểu về chính sách đối với báo chí, kinh tế báo chí và mô hình tòa soạn báo chí kinh tế hiện đại. Chính Báo là đơn vị tư vấn để Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị và được Chính phủ chấp thuận giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống mức 10%.
Những sinh hoạt nghiệp vụ này là môi trường học hỏi mà Báo đã không bỏ qua và có chiến lược tham gia, học hỏi, đóng góp chất xám theo cách của mình. Tôi cho rằng, đây là chiến lược đầu tư đúng đắn và thức thời về hoạt động nghiệp vụ để hội nhập quốc tế, hội nhập ngay trong làng báo nước nhà, trong bối cảnh toàn cầu hóa truyền thông - báo chí, làm báo trong một “thế giới phẳng”.
Báo chí phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư đạt giải báo chí quốc gia. |
Mở nhiều lớp nghiệp vụ ngay tại Báo
Ngoài việc tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ hằng tuần vào thứ Hai và thứ Ba, Báo Đầu tư là một trong số ít cơ quan báo chí thường xuyên mở lớp nghiệp vụ báo chí ngay tại cơ quan cho hội viên - nhà báo của mình. Lớp tại báo đầu tiên tôi nói ở trên, là khoá học ngắn về báo điện tử, khi đó còn rất mới đối với báo chí Việt Nam (chủ yếu là báo in có thêm website).
Lúc đó, Báo đã quan tâm mời giảng viên, chuyên gia bồi dưỡng, trang bị cho phóng viên, biên tập viên về các yêu cầu cơ bản đối với một phóng viên báo chí hiện đại (kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp thu thập, xử lý thông tin, đạo đức nghề nghiệp... để đảm bảo đưa tin nhanh, chính xác, khách quan và hấp dẫn).
Được biết, báo đã mời chuyên gia đến trao đổi nghiệp vụ tại báo với nhiều lớp, nhiều chủ đề khác nhau, từ quan điểm chính trị, đạo đức nghề nghiệp đến các kỹ năng chuyên sâu của nghề báo. Tôi cũng được mời đến trao đổi tại chỗ với các phóng viên, biên tập viên của báo với nhiều chuyên đề: Kỹ năng phát hiện đề tài, khai thác và xử lý thông tin (một chuyên đề khó và không nhiều cơ quan báo chí quan tâm); Các tiêu chí tác phẩm báo chí chất lượng cao; Kỹ năng sáng tạo tác phẩm ảnh báo chí; làm thế nào để viết ngắn; Kỹ năng rút tít; Kỹ năng biên tập…
Đổi mới nghiệp vụ và công nghệ làm báo thực chất và hiệu quả
Vừa làm chuyên môn, tôi vừa nghiên cứu báo chí, tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội và đào tạo đại học, sau đại học báo chí tại các trường đại học. Trong quá trình đó, tôi đã giới thiệu nhiều học viên cao học, sinh viên báo chí đến khảo sát, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn tại Báo Đầu tư. Đó là những đề tài về mô hình tổ chức cơ quan báo chí kinh tế, về thu thập, xử lý thông tin kinh tế, về kinh tế báo chí, về phương thức làm báo hiện đại, về đạo đức nhà báo kinh tế. Đặc biệt, đã có nhiều đề tài nghiên cứu từ thực tế hoạt động của báo về sử dụng thông tin đồ họa trong báo in, báo điện tử…Đáng chú ý, Đầu tư là một trong số ít tờ báo chuyên ngành tiên phong sử dụng phương thức thông tin đồ họa (infographic) có hiệu quả, được đồng nghiệp đánh giá cao (Thời báo Kinh tế Việt Nam, Đầu tư, Thời báo Kinh tế Sài Gòn…).
Tất cả các trang nhất của tờ Đầu tư, cũng như tờ Vietnam Investment Review đều có thông tin đồ họa. Bên cạnh đó, những tít bài được đầu tư, chăm chút kỹ, không hề dễ dãi hay sáo mòn. Tôi thích cách đặt tít động từ mạnh (“Húc đổ mọi dự báo”), tít rõ thông điệp và gợi mở thông tin khi viết về lĩnh vực kinh tế (“Giấc mơ 2.000 km đường cao tốc” – năm 2010, “Trận đánh lớn” mang tên FTA - năm 2015; “Xây dựng 5.000 km đường cao tốc - cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông” - năm 2021…).
Đầu tư dự Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành toàn quốc
Giải báo chí Quốc gia bắt đầu từ năm 2006, là giải báo chí chính thức của Nhà nước, do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, giải báo chí danh giá bậc nhất của cả nước. Năm 2011, Báo Đầu tư mới lần đầu tiên có giải khuyến khích. Đó đã là một bước tiến lớn với một tờ báo chuyên ngành kinh tế, trước đó vốn coi các giải thưởng báo chí là chuyện ngoại đạo. Nhưng từ đó đến nay, Đầu tư thường xuyên được vinh danh trên các bục trao giải báo chí chuyên ngành và nhiều Giải báo chí quốc gia. Một tờ báo chính trị - xã hội, độ bao phủ thông tin lớn và công chúng rộng rãi, đoạt giải thường xuyên là chuyện dễ hiểu. Nhưng với các tờ báo chuyên ngành, độc giả hẹp hơn và kén chọn hơn, việc tham dự và đoạt nhiều giải lại là chuyện khác, một cố gắng khác.
Báo Đầu tư có chiến lược đầu tư bài bản, từ đề tài, tác giả, điều kiện thực hiện, cho đến cách thể hiện… để có tác phẩm tốt tham dự các giải. Đương nhiên, dự giải không phải là mục tiêu chính hay duy nhất, mà trước hết là phục vụ nhiệm vụ chính trị hằng ngày.
Ngoài việc sớm trang bị cho phóng viên, biên tập viên các yêu cầu, kỹ năng như đã nêu ở trên, Báo Đầu tư có chiến lược và kế hoạch rất rõ ràng, có lộ trình và nội dung phù hợp. Đầu tiên là việc phải trang bị cho anh em phóng viên, biên tập viên thế nào là các tiêu chí của một tác phẩm báo chí có chất lượng cao, từ chất lượng cao mới có thể tham dự các giải báo chí, nhất là Giải báo chí quốc gia. Nắm được tiêu chí rồi, tiếp đến mới lên kế hoạch đầu tư từng năm cho những đề tài gì, tuyến bài nào, ai thực hiện, điều kiện đáp ứng, tiến độ, thẩm định chất lượng… Theo dõi các tác phẩm đoạt giải nhiều năm liền của Báo, tôi thấy hầu hết đó là những tuyến bài được đầu tư công phu, thể hiện từ nội dung chủ đề, diễn tiến của câu chuyện, quy mô số liệu, tư liệu, nhân vật, mức độ phản biện xã hội, đến tít bài, sapo, thông tin đồ họa, ảnh minh họa… thể hiện rõ công sức lao động nhà báo trong từng tác phẩm. Nghĩa là bám sát các tiêu chí đúng - trúng - hấp dẫn - sáng tạo.
Những tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia từ năm 2011 đến nay đã chứng minh điều đó.
Tác phẩm “Giấc mơ 2.000 km đường cao tốc” của nhà báo Phùng Huy Hào đoạt Giải Khuyến khích - giải khuyến khích đầu tiên của Báo (2011); Tác phẩm: “Coca-cola, Pepsi giật mình lỗ khủng” của nhà báo Lê Thị Thanh Hà đoạt Giải B (năm 2012); Loạt bài 2 kỳ “Giải ngân ODA giao thông: Dự án “Đầu tàu” va chắn” của nhà báo Phạm Anh Minh đoạt Giải Khuyến khích (năm 2013); Loạt bài 3 kỳ “Bão nổi trên thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam” của nhà báo Vũ Thị Anh Hoa đoạt Giải B; Loạt bài 4 kỳ “Môi trường kinh doanh không bóng dáng nhiệm kỳ” của nhà báo Trần Thị Tuyết Ánh đạt Giải C (năm 2014); loạt bài “”Trận đánh lớn” mang tên FTA” của nhà báo Trịnh Thị Thùy Liên đạt Giải A (năm 2015); loạt bài “Biến dạng tại dự án BOT giao thông” của nhà báo Phạm Anh Minh đạt Giải B và loạt bài “Đất đai - lỗ hổng thất thoát tài sản nhà nước qua cổ phần hóa, thoái vốn” của nhóm tác giả Bùi Thu Trang - Đỗ Thị Mến - Nguyễn Phong Lan đoạt giải C (năm 2016); Loạt bài “30 năm FDI: Hành trình cùng Đổi mới” của nhà báo Lê Thị Thanh Hà đạt giải B và loạt bài “Kinh tế tư nhân và giấc mơ thịnh vượng cho người Việt” của nhà báo Trần Thị Tuyết Ánh đạt giải C (năm 2017); loạt bài 5 kỳ “Hai mũi đột phá tinh gọn bộ máy và cải cách tiền lương” của nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn đoạt Giải B (năm 2018); nhà báo Võ Thị Thanh Hương đoạt giải B với tác phẩm “Lỗ hổng an ninh năng lượng” và nhà báo Vũ Thị Anh Hoa đoạt giải C với loạt bài 3 kỳ: “Việt Nam giữa vòng xoáy thương chiến Mỹ - Trung” (năm 2019).
Năm 2020, theo thông báo của Ban Tổ chức, hai tác phẩm của Báo Đầu tư là loạt bài 5 kỳ “Mưu sinh thời “không bình thường” của tác giả Anh Hoa – Hồng Hạnh và loạt bài 5 kỳ “Con đường tái thiết nền kinh tế sau đại dịch” của nhóm tác giả Hồ Quốc Tuấn – Trần Ngọc Thơ – Tuyết Ánh cùng đoạt Giải B.
Về giải Báo chí về Xây dựng Đảng (Búa liềm vàng): Năm 2020, Nhà báo Ngô Song Sơn đạt Giải A với loạt bài: “Chặt vòi bạch tuộc biến của công thành của tư” và Giải C với loạt bài “Điều động, luân chuyển cán bộ: Tầm nhìn chiến lược của Đảng” của nhóm tác giả Phùng Huy Hào, Phùng Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Hữu Tuấn; Năm 2019, nhóm nhà báo Phùng Huy Hào, Phùng Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Hữu Tuấn đạt giải C với loạt bài “Sáp nhập đơn vị hành chính: Cuộc cách mạng của ý Đảng, lòng Dân”; Năm 2018, nhà báo Nguyễn Phong Lan đạt giải Khuyến khích với tác phẩm “Đổi mới hoạt động Đảng trong các công ty cổ phần”.
Đó là chưa kể hàng loạt giải cao các giải chuyên ngành toàn quốc mà báo đoạt được: Giải Phòng chống tham nhũng, lãng phí; Giải Bình chọn về doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường đầu tư; Giải về ngành Giao thông vận tải; Giải về Phòng chống thiên tai… Bảng giải thưởng này, ít báo có được.
Đó cũng là hành trang tinh thần mang sức mạnh vật chất tiếp lửa cho các nhà báo trẻ hôm nay của Báo Đầu tư.
TS. Nhà báo Trần Bá Dung (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam)
Nguồn: https://baodautu.vn/ts-tran-ba-dung-bao-dau-tu-dau-tu-nghiep-vu-dung-huong-d152378.html
Sinh viên RMIT Việt Nam thắng giải cuộc thi Phóng viên trẻ khu vực ASEAN
Submitted by nlphuong on Sat, 25/09/2021 - 16:40Với ý tưởng giảm rác thải nhựa, nhóm sinh viên RMIT Việt Nam đã thắng giải Ba cuộc thi Phóng viên trẻ mảng xã hội khu vực ASEAN (ASEAN Youth Social Journalism Contest).
Dự án "Flatten the Plastic Curve" (tạm dịch: Làm phẳng đường cong rác thải nhựa) do hai sinh viên Hoàng Nguyễn Nhật Vi và Phạm Quang Vinh (trường Đại học RMIT) thực hiện đã đã đạt giải Ba cuộc thi Phóng viên trẻ mảng xã hội khu vực ASEAN (ASEAN Youth Social Journalism Contest).
Hoàng Nguyễn Nhật Vi và Phạm Quang Vinh (sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Đại học RMIT) thắng giải Ba tại cuộc thi Phóng viên trẻ mảng xã hội khu vực ASEAN. Ảnh: NTCC |
Với chủ đề "Giới trẻ ASEAN và COVID-19 – Hồi đáp, Hồi phục và Kiên cường" mà ban tổ chức cuộc thi đưa ra, nhóm quyết định giúp các bạn trẻ mua hàng trực tuyến thực hiện những hành động tuy nhỏ nhưng đem đến tác động khi mua hàng.
Theo đó, "Flatten the Plastic Curve" là chiến dịch truyền thông mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức cho các bạn trẻ Việt về việc dùng bao bì nhựa trong suốt đại dịch COVID-19. Chỉ sau một tháng chạy chương trình, dự án đã tiếp cận thành công gần 200.000 độc giả trẻ.
Thông qua những thiết kế theo trường phái hoạt họa và dùng marketing sử dụng những người có ảnh hưởng, dự án đã khuyến khích các bạn trẻ thay đổi thói quen sử dụng bao bì nhựa trong tiêu dùng. Ví dụ như đặt hàng từ một cửa hàng để giảm thiểu bao bì nhựa, nhắn tin trực tiếp với chủ cửa hàng hay shipper giao đồ ăn để nhắc họ giảm hết mức có thể lượng bao bì nhựa khi gói hàng.
Dự án sử dụng những thiết kế theo trường phái hoạt họa và marketing sử dụng những người có ảnh hưởng. Ảnh: NTCC |
Khởi đầu dự án, hai sinh viên đã gặp phải thách thức vì dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM. Do giãn cách xã hội, cả hai đã không thể ra ngoài quay phim hay tổ chức sự kiện cho các bạn trẻ theo yêu cầu của ban tổ chức.
"Chúng tôi đã hiệu chỉnh chiến lược, liên lạc với các chuyên gia về môi trường và đăng những nội dung lấy cảm hứng từ hoạt hoạ vào các nhóm cộng đồng sống xanh và tối giản để kéo thêm lượng truy cập về trang của mình"- sinh viên Phạm Quang Vinh chia sẻ.
Nguồn: KHÁNH CHI