Nghề báo
BBC sẽ cắt giảm tới 2000 việc làm vào năm 2015
Submitted by nlphuong on Wed, 04/06/2014 - 06:35(ICTPress) - Công ty Truyền thông của Anh BBC sẽ cắt giảm 500 việc làm của bộ phận tin tức cũng như khá nhiều người từ bộ phận phát thanh, theo một báo cáo cho biết.
Ảnh: Mashable composite. iStock, NatBasil |
Việc cắt giảm này sẽ khoảng 6% trong tổng số lao động tin tức cho hãng tin nhà nước này của Anh, một sự thay đổi có thể làm tăng sức ép đã có giữa đội ngũ quản lý và công đoàn đại diện cho các nhà báo BBC.
Việc cắt giảm sẽ diễn ra từ từ trong vòng hơn 2 năm, theo Forbes cho biết.
Mối quan hệ giữa các nhân viên công đoàn và quản lý của BBC đã khá căng thẳng. BBC đã bắt đầu một nỗ lực nhiều năm được gọi là chất lượng hàng đầu để cắt giảm chi phí.
BBC quy mô lớn hơn bao gồm các bộ phận truyền hình, tương tác và âm nhạc dự kiến sẽ cắt giảm 2000 việc làm vào năm 2015.
“Chúng tôi hiện tại đang nỗ lực tiết kiệm 800 triệu bảng (1,3 tỷ USD)/năm vào năm 2016/17 và chúng tôi đã cho biết có những quyết định khó khăn phía trước đối với chúng tôi”, một phát ngôn viên BBC cho Mashable biết.
Việc cắt giảm đã diễn ra trực tiếp đối với các nhà báo của Bộ phận Tin tức BBC, những người đe dọa biểu tình vào tháng 11 sau khi có sự gia tăng trả lương và lý do sức ép thất vọng. Tháng 3/2014, các nhà báo BBC đã biểu tình kéo dài 12 giờ.
Công đoàn quốc gia các nhà báo (NUJ) đã yêu cầu lãnh đạo BBC cắt giảm chi phí để đạt được các mục tiêu cắt giảm ngân quỹ.
“Điều này tạo ra khoảng cách giữa những người đứng đầu BBC và các nhà báo và người làm chương trình tạo ra nội dung mang đến giá trị cho người trả tiền thuê bao”, Michelle Stanistreet, Tổng thư ký NUJ cho biết về việc tăng 1% chi phí gần đây.
BBC phần nào được hỗ trợ bởi phí xem hàng năm được hình thành và được chính phủ thu và được phân loại về mặt kỹ thuật như là thuế. Số tiền này đã được một số người trong chính phủ quan tâm như là cách thức để cắt giảm các chi phí. Năm 2010, BBC đã đồng ý đóng băng phí xem trong 6 năm tiếp theo.
Việc đóng băng này đã buộc BBC xem xét các mô hình kinh doanh khác ngoài phí xem, mà đã là hệ thống 90 năm. Một bản tin nội bộ BBC đã đề cập nhiều ý tưởng trong đó có mô hình thuê bao và một hệ thống "John Lewis" mà khách hàng có thể có sự sở hữu trong công ty.
Báo Gazeta (Nga): Hoàng Sa chưa bao giờ là của Trung Quốc
Submitted by nlphuong on Wed, 04/06/2014 - 06:25Bằng những bằng chứng hết sức cụ thể, trong bài báo đăng ngày 1/6, tờ “Gazeta.ru” đã khẳng định rằng trong ít nhất là 400 năm qua của lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ có cái gọi là chủ quyền ở Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong bài viết có tiêu đề “Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận” của tác giả Vladimir Koryagin, tờ Gazeta.ru – một trong 3 tờ báo tư nhân lớn nhất và có tiếng nhất của Nga - đã lần lượt điểm lại các mốc lịch sử và những bằng chứng hết sức thuyết phục về lịch sử chiếm hữu, chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 trong vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời Trung Quốc cũng cử hơn 100 tàu, gồm cả tàu chiến, liên tục ngăn cản, tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam hoạt động trong vùng biển này, gây ra những căng thẳng và đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông. |
Mở đầu bài viết, tác giả Vladimir Koryagin khẳng định “400 năm không có Trung Quốc” và viện dẫn các bằng chứng:
“Quần đảo Paracel lần đầu tiên được ghi nhận vào thế kỷ17 trong tập bản đồ của Việt Nam “ Toàn tập Thiên Nam Tứ chí lộ đồ thư” và cùng với các đảo ở Spratly được gọi là “Bãi Cát vàng”. Các cứ liệu lịch sử cho thấy, năm 1721 đã thành lập Hải đội Hoàng Sa - một kiểu cơ quan hành chính của quần đảo Hoàng Sa - để khai thác tập trung các nguồn lợi của các đảo và để tiếp tế cho các thuyền đi về các đảo.
Trong khi đó tư liệu phía Trung Quốc, bao gồm cả tài liệu mô tả Đại Thanh không nhắc gì về Paracel và Spratly.
Chỉ có các nhà hàng hải Pháp và Hà Lan hiếm hoi có dịp vượt biển Đông đi đến Việt Nam nói về quần đảo Paracel. Họ viết về chuyện người Việt Nam đã thu nhận được nhiều súng đạn, đồ vật quý từ các tàu biển bị bão gió đánh chìm tại khu vực các hòn đảo trên. Người Việt Nam năng động đã thành lập một thuỷ đội không lớn có nhiệm vụ kiểm soát tàu nước ngoài làm ăn tại khu vực Paracel.
Vào đầu thế kỷ 19 Gia Long - vị vua đầu triều Nguyễn - đã tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa (Spratly). Vào thời gian này đã xuất bản nhiều bản đồ, trong đó Hoàng Sa được ghi nhận là lãnh thổ Việt Nam. Năm 1838 Nhà truyền đạo Pháp Jean-Louis Taber đã xuất bản quyển Dictionarium Latino-Annamiticum completum et novo ordine dispositum, gọi đơn giản là Từ điển Latin – Việt, trong đó Hoàng Sa được ghi là Paracel seu Cát vàng.
Cái tên Âu “Pracel”của những hòn đảo này do nhà trắc địa Đức Willem Janszoon Blaeu gọi. Rồi các nhà hàng hải Pháp gọi chệch ra thành “Le Paracel”
Vào cuối thế kỷ 19 có hai tàu biển của Vương Quốc Anh chở đồng bị chìm tại Paracel. Người dân tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã vớt lấy kim loại có giá này cho mình. Chính quyền Anh Quốc đã phản kháng về việc này. Khi đó người Trung Quốc trả lời rằng các đảo Paracel không thuộc lãnh thổ của họ,nên chính quyền Trung Quốc không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra ở các đảo đó”.
Hình ảnh chụp màn hình bài báo trên tờ Gazeta.ru của Nga |
Sau khi liệt kê một loạt các bằng chứng lịch sử, tác giả Vladimir Koryagin tiếp tục “vạch mặt” những hành động, dã tâm lâu đời hòng độc chiếm hai quầ đảo của Việt Nam và tiến tới độc chiếm toàn bộ Biển Đông của các đời nhà cầm quyền Bắc Kinh.
“Hiện trạng ở quần đảo Hoàng Sa lẽ ra được giữ nguyên dưới thời Pháp thuộc nếu như không có sự đối đầu Anh - Pháp. Năm 1933, cuốn “Bản đồ quản lý hành chính mới của Trung Quốc” ra đời, trên đó Trường Sa và Hoàng Sa được người Trung Quốc gọi theo tiếng Hán là “Nam Sa và Tây Sa” trực thuộc quản lý hành chính của tỉnh Quảng Đông.
Dưới tác động của bối cảnh mới này chính quyền đô hộ Pháp đã áp dụng một số biện pháp để khẳng định lại chủ quyền của “xứ An Nam” đối với các quần đảo như: Khâm sứ Pháp tại Đông Dương Jules Brevie đã ra lệnh thành lập cơ quan hành chính quản lý quần đảo Hoàng Sa và cho dựng trên quần đảo một tấm bia có dòng chữ “Cộng hoà Pháp-Vương quốc Annam – quần đảo Hoàng Sa, 1816”. Cũng trong khoảng thời gian đó, Nhật tích cực hoạt động, đánh chiếm đầu tiên là Trường Sa sau đó là Hoàng Sa vào đầu thế chiến thứ hai.
Năm 1946 người Pháp và Việt Nam tiến ra quần đảo Hoàng Sa để giải giáp quân Nhật đang đồn trú tại đây, tuy nhiên bị quân đội Trung Quốc ngăn cản. Trong vòng một ngày, Quân đội Trung Quốc đã củng cố vững chắc lực lượng trên quần đảo và năm 1947 Tưởng Giới Thạch ban bố một quyết định, theo đó Trường Sa và Hoàng Sa chính thức mang tên gọi của Trung Quốc và thuộc thành phần lãnh thổ Trung Quốc. Lúc đó Bắc Kinh phớt lờ sự phản đối từ phía chính phủ Việt Nam và Pháp.
Khi Tưởng Giới Thạch và thân cận trong Quốc Dân Đảng bỏ chạy sang Đài Loan thì toàn bộ các đơn vị đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa cũng rút theo. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông lên nắm quyền tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Cùng thời điểm này Nhật Bản chính thức tuyên bố từ bỏ quyền và yêu sách đối với cả 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Điều này được ghi nhận trong Hiệp ước hoà bình San-Francisco 1951.
Năm 1956 quân viễn chinh Pháp rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ Việt Nam và kể từ thời điểm này Việt Nam, vốn bị chia cắt làm 2 miền, phải độc lập chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc. Cũng trong năm 1956, Trung Quốc đánh chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa còn Việt Nam chiếm giữ một phần, nơi trước đây quân đội Pháp kiểm soát.
Sự căng thẳng tình hình tiếp theo xảy ra vào năm 1959, khi Trung Quốc đưa 80 lính và vật liệu xây dựng lên quần đảo xây nhà kiên cố và sau đó dựng cờ Trung Quốc. Các đơn vị biên phòng miền Nam Việt Nam ngay lập tức có mặt tại các hòn đảo và bắt giữ toàn bộ người trên đó.
Bắc Kinh chỉ thể hiện sự phẫn nộ bằng cách ra công hàm phản đối ở cấp Bộ Ngoại giao vì lo ngại phải chạm trán với quân đội Mỹ đến giúp đỡ chính quyền miền Nam Việt Nam. Năm 1964 Mỹ đẩy mạnh can thiệp vào cuộc chiến giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam bằng cách hậu thuẫn chính quyền miền Nam. Trong khi đó, miền Bắc Việt Nam nhận được sự hỗ trợ từ phía Liên Xô và Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng áp lực cao tấn công tàu chấp pháp Việt Nam gần khu vực giàn khoan hạ đặt trái phép. |
Trung Quốc đã không thể lợi dụng sự thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt nam vào mục đích của mình và từ năm 1971 bắt đầu bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Việc này cho phép Trung Quốc hợp pháp hoá yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa. Năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ các hòn đảo. Thời điểm đó Mỹ đang bận chuẩn bị ký Hiệp định hoà bình với Việt Nam, đồng thời rút toàn bộ quân ra khỏi các vùng cứ điểm ở miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, chính quyền miền Bắc Việt Nam cũng đang tập trung toàn bộ lực lượng để tiến hành chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn.
Trung Quốc đánh chiếm được Hoàng Sa một mặt do chính quyền miền Nam Việt Nam không còn nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ nên rất yếu và Mỹ-Trung không còn là đối thủ của nhau. Mặt khác chính quyền miền Bắc Việt Nam còn đang lo nhiệm vụ thống nhất đất nước nên chưa thể nêu yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa. Như vậy, việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa được xem như sự đã rồi, để từ đây Trung Quốc bắt đầu hướng bành trướng xuống quần đảo Trường Sa”.
Cùng với bài báo, tờ Gazeta còn chủ động liên hệ với một số chuyên gia bình luận quốc tế để tổ chức một cuộc tòa đàm về tình hình Biển Đông.
Phó tiến sỹ sử học Gregory Lokshin - nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông:
“Tôi cho rằng việc hạ đặt giàn khoan Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm thô bạo Luật Quốc tế, Công ước Biển năm 1982, do đó đối với tôi ở đây mọi cái rõ ràng.
Tương lai hoặc là Trung Quốc chọn chính sách tiếp tục cứng rắn thêm trong quan điểm của mình, chính sách tấn công mà họ đã thực hiện nhiều năm qua nhằm chứng minh Biển Đông là cái “ao nhà của Trung Quốc”, vì đòi hỏi của Trung Quốc là với 90% diện tích Biển Đông.
Trung Quốc đơn giản là coi thường các thoả thuận đã có trong khuôn khổ ASEAN, do là các thoả thuận có tính tuyên bố, không mang tính chất ràng buộc pháp lý. Đó không phải là bộ Quy tắc. Có “Tuyên bố về nguyên tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông”. Nó được thông qua năm 2002. Nhưng đáng tiếc trong suốt thời gian từ đó tuyên bố và hành động không đi đôi.
Cá nhân tôi đã từng đến các đảo, đặc biệt là đảo Lý Sơn, cách điểm hạ đặt giàn khoan khoảng100 hải lý. Tất cả vùng bờ biển Việt Nam gồm những tỉnh lớn, nơi hàng triệu người dân sống nhờ khai thác cá và các hải sản của Biển Đông.
Và khi mà không cho họ đi ra biển, không cho đến vùng mà một chức sắc Quốc dân đảng đánh dấu khoanh vào năm 1947, rồi tuyên bố rằng đây là lãnh thổ Trung Quốc, đừng có vào, rồi truy bắt những chiếc thuyền nhỏ khốn khó đó (họ cũng có đánh bắt được nhiều nhặn gì cho cam), dùng mọi loại tàu xuồng đuổi họ ra khỏi nơi đó – cái cách hành xử đó sẽ gây phản ứng ra sao ở một đất nước vẫn còn ký ức lịch sử về ngàn năm áp bức của Trung Quốc đối với Việt Nam?”
Vị khách mời khác của cuộc tọa đàm là ông Nikolai Kolesnik - Chủ tịch đoàn chủ tịch của tổ chức xã hội liên khu vực các cựu chiến binh ở Việt Nam nói:
“…Cá nhân tôi cho rằng trách nhiệm trước sự việc xảy ra hoàn toàn thuộc về phía Trung Quốc, là bên đã hạ đặt giàn khoan ở vùng tranh chấp không có sự thương thảo trước với Việt Nam, là bên hành động trên thế kẻ mạnh, coi thường lợi ích và quyền của láng giềng.
Tôi tôn trọng người Trung Quốc bởi mẹ vợ tôi sinh ra ở Cáp Nhĩ Tân, trong một gia đình công nhân đường sắt trước năm 1935. Nhưng tôi cũng hiểu người Việt Nam hơn cả bởi gần một năm tôi chung vai sát cánh với các bộ đội Việt Nam chống trả các cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ. Cùng với sự nồng hậu, tôn trọng, lòng trắc ẩn, sẵn sàng giúp cả người chưa quen, người Việt Nam còn nổi bật với tinh thần gắn kết, quên mình, tương thân, quyết tâm và khát vọng chiến thắng .
Sự thật lịch sử là người Việt Nam đã cắm cờ trên quần đảo Paracel vào năm 1816, và chỉ 70 năm sau Trung Quốc mới đưa ra đòi hỏi của mình về các đảo đó. Tôi biết tính cách người Việt, và tôi khẳng định rằng họ không bao giờ chấp nhận cái vai“những kẻ thua thiệt vô vọng” mà Trung Quốc đang ép họ nhận, sớm hay muộn họ sẽ giành được sự công bằng lịch sử trong chủ quyền quần đảo Parasel. Mọi nỗ lực giải quyết bằng vũ lực các tranh cãi lãnh thổ là ngõ cụt, kết thúc bằng vực thẳm”.
Báo chí quốc tế nói về Shangri-La 13: Các nước bất bình với Trung Quốc
Submitted by nlphuong on Mon, 02/06/2014 - 23:20Báo chí quốc tế nhận định, diễn đàn Shangri-La năm nay chứng kiến sự bất bình sâu sắc của các nước trước những hành động gia tăng căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại Shangri-La lần thứ 13. (Ảnh: TTXVN) |
Diễn đàn đối thoại Shangri-La 13 đã bế mạc hôm 1/6 tại Singapore. Trong 3 ngày thảo luận, an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương và an ninh trên Biển Đông và Biển Hoa Đông là chủ đề được đặc biệt quan tâm. Và sức nóng của diễn đàn Shangri-La tiếp tục lan tỏa trên các trang báo quốc tế. Báo chí nhận định, diễn đàn năm nay chứng kiến sự bất bình sâu sắc của các nước trước những hành động gia tăng căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Căng thẳng về chủ quyền biển đảo trong khu vực đã làm nóng diễn đàn Shangri-La là nhận định của Thời báo Eo biển (Singapore).
Nếu như mọi năm, đối thoại Shangri-La thường diễn ra dưới dạng diễn đàn, những bất đồng giữa các bộ trưởng quốc phòng được thể hiện một cách kín đáo thì năm nay mọi chuyện hoàn toàn khác.
Tác giả bài báo cho rằng, những tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông đã khiến bầu không khí trở nên nóng hơn, các đại biểu cũng không còn e ngại mà rất thẳng thắn, khi bày tỏ chính kiến của mình. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đều đã dùng những ngôn từ rất mạnh mẽ chỉ trích trực diện hành động của Trung Quốc gây bất ổn khu vực.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trong bài phát biểu của mình tại Diễn đàn đã đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Theo trang mạng CSMonitor, ngay từ khi bắt đầu khai mạc diễn đàn Shangri-La, các diễn giả đã không ngừng chỉ trích Bắc Kinh, theo cách trực diện hay gián tiếp, vì hành động hung hăng trong việc tuyên bố chủ quyền đối với nhiều khu vực tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Theo Economist, đa số các đại biểu tham gia diễn đàn đều nhất trí rằng đại diện của Trung Quốc, Trung tướng Vương Quán Trung đã tỏ ra đuối lý trước những chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Theo tác giả bài báo, những lập luận của ông Vương không xác đáng, thậm chí là trắng trợn, khi cho rằng “Trung Quốc không khiêu khích, mà chính các quốc gia khác đã buộc tội Trung Quốc khiêu khích”. Thậm chí, ông Vương còn không thể giải thích về “đường 9 đoạn” mơ hồ mà Bắc Kinh tuyên bố.
Trang mạng CSMonitor còn có bình luận cho rằng, những phát biểu của ông Vương Quán Trung đã phá hỏng bầu không khí đối thoại xây dựng nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau để giảm bớt căng thẳng trong khu vực.
Liệu những lời chỉ trích mạnh mẽ từ đại diện các nước có tác động tới Trung Quốc và giúp hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực hay không? “Nhật báo phố Wall” đặt câu hỏi.
Bởi theo tác giả bài báo thì những quan chức đại diện của Trung Quốc tại Shangri-La đã ngay lập tức phản bác những lời chỉ trích của Mỹ và các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương khác. Và các học giả tham gia diễn đàn thì tự hỏi liệu những lời chỉ trích tập thể này có đủ để thay đổi cách hành xử của Trung Quốc?
Trang mạng CSMonitor cho rằng căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông đang gia tăng một cách nguy hiểm và chỉ cần một tính toán sai lầm cũng có thể dẫn tới một cuộc xung đột nghiêm trọng. Những diễn đàn đối thoại thường niên như Shangri-La sẽ giúp phòng tránh nguy cơ xung đột thông qua việc tăng cường thảo luận và hiểu biết lẫn nhau.
Tuy nhiên, điều cốt yếu là các bên liên quan phải có thiện chí sẵn sàng giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình.
Phương Thảo
Nguồn: vtv.vn
Hãng tin Nga gỡ bỏ bài viết vu khống Việt Nam
Submitted by nlphuong on Mon, 02/06/2014 - 11:45Hãng tin Nga Ria Novosti đã gỡ bỏ bài viết của tác giả Dmitri Kosyrev với nội dung vu khống Việt Nam, sau khi bài viết vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của độc giả.
Trước đó, bài viết mang tựa đề “Những thỏa thuận giữa Moskva và Bắc Kinh tốt hơn mọi tuyên cáo” của tác giả Dmitry Kosyrev đã được đăng tải trên trang điện tử http://ria.ru ngày 19/5/2014.
Bài viết xuyên tạc sự thật của tác giả Dmitry Kosyrev được đăng tải trên trang ria.ru ngày 19/5. |
Bài viết đã gây sự bức xúc trong dư luận, đặc biệt là những người gắn bó với nước Nga, vì đưa ra những phân tích chủ quan, xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Nhưng kết quả tìm kiếm mới nhất trên trang ria.ru cho thấy bài viết đã bị gỡ bỏ và thay vào đó là dòng thông báo “Không có nội dung này trên trang ria.ru”.
Trong bài viết ngày 19/5, tác giả Dmitry Kosyrev đã có những ý kiến và lập luận phiến dịch, sai lệch về chủ quyền, lịch sử vủa Việt Nam và các diễn biến trên Biển Đông.
Một trong những thông tin sai lệch nghiêm trọng trong bài viết là ông Kosyrev nói rằng giàn khoan dầu Hải Dương-981 của Trung Quốc chỉ cách bờ biển Trung Quốc 27 km và cách bờ biển của Việt Nam 241 km.
Đến nay, bài báo đã bị gỡ bỏ. |
Trên thực tế, giàn khoan Hải Dương-981 được hạ đặt trái phép hoàn toàn trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chỉ cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.
Sau khi bài viết gây phẫn nộ đối với bạn đọc, nhà báo Trần Đăng Tuấn, người từng có những năm tháng học tập tại Nga, đã gửi một lá thư ngỏ tới tổng giám đốc hãng tin RIA Novosti.
Trong thư ngỏ, nhà báo Trần Đăng Tuấn viết: “Mỗi dòng, mỗi chữ liên quan đến Việt Nam có trong bài báo của Kosyrev đều khiến độc giả Việt Nam bị tổn thương sâu sắc - đặc biệt là với những ai gần gũi với gắn bó với nước Nga - trong đó có tôi”.
Ở cuối thư, ông Trần Đăng Tuấn viết: “Tôi muốn ông chuyển đến ngài Kosyrep lời mời hãy cùng chúng tôi có cuộc thảo luận công khai, thẳng thắn, rõ ràng và bình tĩnh về những luận điểm liên quan đến Việt Nam có trong bài viết nói trên của ông ấy. Thảo luận đó có thể ở hình thức thuận tiện, rộng rãi trong khuôn khổ các khả năng to lớn của phương tiện thông tin đại chúng hiện nay”.
An Bình
Nguồn: dantri.vn
Giải báo chí quốc gia lần thứ VIII- 2013: 8 giải A, 27 giải B, 41 giải C, 38 giải khuyến khích; Số giải A cao nhất từ trước đến nay
Submitted by nlphuong on Mon, 02/06/2014 - 11:20Sau hai ngày làm việc công tâm và trách nhiệm cao, trưa 1.6, Hội đồng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII năm 2013 đã hoàn thành việc chấm các tác phẩm báo chí của vòng Chung khảo. Kết quả, 114 tác phẩm được Hội đồng lựa chọn để trao giải, trong đó có 8 giải A.
Hội đồng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII gồm 39 thành viên, đều là những nhà báo giàu kinh nghiệm, tinh thông nghề nghiệp và đã có nhiều năm tham gia chấm giải. Quá trình chấm chung khảo được thực hiện đúng Điều lệ Giải và quy chế của Hội đồng Giải. Sau hai ngày làm việc khẩn trương, công tâm và với tinh thần trách nhiệm cao Hội đồng Chung khảo Giải báo chí Quốc gia đã lựa chọn được 8 giải A, 27 giải B, 41 giải C và 38 giải Khuyến khích, tổng cộng 114 tác phẩm. Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII cũng là năm có số lượng tác phẩm đoạt giải A nhiều nhất từ trước đến nay.
Các thành viên Hội đồng chấm Chung khảo bỏ phiếu bình chọn các tác phẩm đoạt giải báo chí quốc gia, lần thứ VIII-2013 |
Phát biểu tại phiên bế mạc, đồng chí Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo đánh giá, các tác phẩm lọt vào vào chung khảo có chất lượng đồng đều, nhưng chưa có các tác phẩm thật xuất sắc, nổi trội. Những tác phẩm đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương trong thực hiện các nghị quyết của Đảng, phản ánh kịp thời tình hình, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, nhất là vấn đề biển đảo, chủ quyền thiêng liêng liêng của Tổ quốc.
Nhà báo Thuận Hữu cho biết thêm, phần lớn tác phẩm báo chí năm 2013 đi sâu vào giới thiệu các nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong hoạt động đầu tư, phát triển, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng sâu, xa, khắc phục thiên tai, chống tham nhũng… Nhiều tác phẩm đoạt giải có tính phát hiện, thể hiện tính chuyên nghiệp và trách nhiệm xã hội của người làm báo ngày càng được nâng cao.
Cũng trong dịp này, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đã cho ý kiến về việc tiếp tục nâng cao chất lượng Giải Báo chí Quốc gia theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong buổi làm việc với lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 23.7.2013. Các ý kiến thảo luận của Hội đồng chung khảo sẽ được Thường trực Hội đồng giải nghiên cứu, tiếp thu, nghiên cứu để bổ sung, điều chỉnh trong thời gian tới.
Lễ tổng kết và trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ VIII năm 2013 sẽ được diễn ra trong trọng vào ngày 21.6.2014 tới và được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài THVN đúng vào dịp kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Tin ảnh: Ngọc Thành
Nguồn: nguoilambao.vn
183 tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII- năm 2013
Submitted by nlphuong on Sun, 01/06/2014 - 09:15Sáng 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia (BCQG) đã khai mạc Vòng chấm Chung khảo Giải BCQG lần thứ VIII- năm 2013. Hội đồng Chung khảo gồm 39 thành viên, là các nhà báo lão thành, các nhà báo là lãnh đạo các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí trung ương và địa phương- đều là những nhà báo giàu kinh nghiệm, nhiều đồng chí đã liên tục nhiều kỳ tham gia chấm Giải Quốc gia.
Đồng chí Chủ tịch HNBVN Thuận Hữu phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Thuận Hữu- Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch HNBVN, Chủ tịch Hội đồng Giải và Hội đồng Chung khảo, khẳng định: Giải BCQG lần thứ VIII tiếp tục nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp Hội, các cơ quan báo chí trong cả nước, với 151 đơn vị, 271 cộng tác viên và 45 cá nhân tham dự (thể loại ảnh báo chí); với 1665 tác phẩm tham dự, tăng cao nhất từ mùa giải đầu tiên (năm 2006) tới nay (năm 2012 là 1450 tác phẩm), cho thấy Giải BCQG thật sự ngày càng có sức thu hút. Các Ban giúp việc của HĐ Giải đã nỗ lực hoàn thành các công việc theo đúng tiến độ và yêu cầu của Giải; Hội đồng Sơ khảo đã thực hiện đúng quy chế chấm Giải, làm việc với tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm nhất, chấm điểm theo các tiêu chí về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện, đã lựa chọn được 183 tác phẩm vào vòng Chung khảo thuộc 11 loại giải của báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí.
Bên cạnh đó, năm nay, Giải có một số điểm mới như: Số cấp Hội ở Trung ương (Liên Chi hội, Chi hội trực thuộc) tham dự Giải tăng cao nhất; Số lượng tác phẩm của Hội Nhà báo địa phương tham dự cao hơn so với các năm trước; Công tác chấm Sơ khảo được cải tiến, như: tiếp thu ý kiến của HĐ Giải năm trước, năm nay đã thí điểm cải tiến cách chấm ảnh báo chí theo hình thức rọc phách, trang bị cho mỗi thành viên chấm mỗi người một ổ cứng ngoài để có điều kiện chấm kĩ trước khi về dự họp chung…
Ngọc Lành
Nguồn: Nhà báo và Công luận
Phóng viên quốc tế trực tiếp tìm hiểu vụ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm
Submitted by nlphuong on Sat, 31/05/2014 - 23:40Sáng nay (31/5), phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài đã gặp trực tiếp chủ tàu và 10 ngư dân bị nạn của tàu cá ĐNA 90152.
Cuộc gặp gỡ này nhằm có những thông tin khách quan, chính xác về việc tàu cá ĐNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào chiều 26/5.
Các phóng viên của hãng truyền hình CNN, tờ Viet Weekly ở Hoa Kỳ, báo Asahi Shimbun và Yomiuri Shimbun ở Nhật Bản đã đặt nhiều câu hỏi đối với chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa và 10 ngư dân của chiếc tàu cá ĐNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Họ đặc biệt quan tâm đến diễn tiến sự việc xảy ra vào chiều 26/5, đặt câu hỏi tình trạng tàu Trung Quốc gây hấn, cố tình phá hoại tàu cá ngư dân Việt Nam đã bắt đầu xảy ra như thế nào. Ngay sau cuộc tiếp xúc với ngư dân tàu cá ĐNA 90152, các phóng viên nước ngoài đã bày tỏ sự lo ngại về tình trạng này.
Bà Huỳnh Thị Như Hoa (trái) trả lời phỏng vấn phóng viên quốc tế sáng 31/5. Ảnh: Tuổi trẻ |
Phóng viên báo Asahi Shimbun, Nhật Bản Manasaki nói: “Sự việc này hết sức nguy hiểm, tôi nghĩ nên dừng lại và nên ngồi vào bàn để đàm phán. Người Nhật Bản cũng rất lo lắng về vấn đề này và cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc nên ngồi vào bàn đàm phán”.
Được biết, trước khi đến gặp các ngư dân tàu cá ĐNA 90152, các phóng viên này đã có mặt tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 26 đến 31/5.
Tổng thư ký Báo Việt Weekly, Hoa Kỳ Etcetera Nguyễn cho biết: “Chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy thái độ hung hăng đuổi theo những con tàu Cảnh sát biển của Việt Nam, khoảng cách gần nhất mà họ đuổi theo chúng tôi là từ 30-50m với một thái độ rất hung hãn, nằm trong vùng biển của chủ quyền Việt Nam. Những hình ảnh và những thước phim mang về sẽ là bằng chứng một lần nữa cho thấy phía Trung Quốc có những động thái rất hung hăng. Chúng tôi cũng đã tiếp cận ở trên tàu với các phóng viên của Mỹ và Nhật Bản, họ đều đồng ý là bên phía Trung Quốc đã có những động thái rất căng thẳng. Là phóng viên, chúng tôi đã đưa những hình ảnh đó về qua các phương tiện khác nhau”.
Phóng viên báo Yomiuri Shimbun, Nhật Bản cũng cho rằng: “Đây thật sự là vấn đề nghiêm trọng đối với ngư dân vì không có tàu, họ không thể nào sinh sống được. Tôi hy vọng tình hình này có thể giải quyết được bằng con đường hòa bình”.
Quỳnh Anh
Nguồn: vtv.vn
Mỗi tác giả được gửi 3 tác phẩm dự giải báo chí dân số kế hoạch hóa gia đình
Submitted by nlphuong on Sat, 31/05/2014 - 05:10(ICTPress) - Hội nhà báo Việt Nam vừa có công văn gửi các cấp hội về Thể lệ Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Ảnh: sotaichinh.hanoi.gov.vn |
Theo đó, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức cuộc thi viết về công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình năm 2014.
Tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn báo chí có tác phẩm với các nội dung phù hợp theo quy định đều có thể tham dự. Các tác phẩm tham gia dự thi phải là các tác phẩm được các cơ quan thông tấn báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 11.7.2013 đến ngày 15.10.2014. Thể loại dự thi là bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, điều tra, bút ký báo chí…
Những tác phẩm đã tham dự các cuộc thi khác, ở Trung ương và địa phương vẫn được quyền dự Giải báo chí toàn quốc về công tác DS-KHHGĐ năm 2014, nhưng phải ghi rõ mức giải và cuộc thi do đơn vị nào tổ chức.
Nội dung tác phẩm cần phản ánh thực trạng, phân tích nguyên nhân, hiệu quả và các giải pháp hữu hiệu như: Nâng cao chất lượng dân số (lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mô hình chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc thiểu số, tảo hôn và hôn nhân cận huyết…); kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh; phát huy lợi thế cơ cấu dân số và già hóa dân số; kiểm soát mức sinh hợp lý.
Cơ cấu của giải thường gồm hai loại giải: Giải cho truyền hình và giải cho các loại hình báo chí khác.
Giải cho truyền hình gồm 1 giải A (10 triệu đồng), 2 giải B (8 triệu đồng), 3 giải C (7 triệu đồng) và 5 giải khuyến khích (mỗi giải 3 triệu đồng). Giải cho các loại hình báo chí khác gồm 1 giải đặc biệt (8 triệu đồng), 2 giải A (6 triệu đồng), 5 giải B (5 triệu đồng), 7 giải C (4 triệu đồng) và 10 giải khuyến khích (2 triệu đồng).
Mỗi tác giả, nhóm tác giả gửi tối đa 3 tác phẩm. Thời gian nhận bài từ ngày 20/5 -15/10/2014 theo địa chỉ: Ban Thư ký Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình Nhà Văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam - 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội.
QA
CNN cận cảnh ‘sức ép bá quyền’ của TQ
Submitted by nlphuong on Fri, 30/05/2014 - 18:30Không ai trên tàu Cảnh sát biển 8003 tỏ ra quá lo lắng, mặc dù đã mặc sẵn áo phao. Các tàu TQ “sủa” về phía chúng tôi một vài lần nữa trước khi bỏ đi - phóng viên CNN viết.
Tàu hải cảnh 3210 của TQ áp sát tàu CSB 8003, ngăn cản không cho tiếp cận giàn khoan hôm 28/5. Ảnh: Cảnh sát biển VN |
Những ngày qua, gần 20 hãng thông tấn và cơ quan báo chí quốc tế đã vào VN đi thực tế ở vùng biển Hoàng Sa, trực tiếp tác nghiệp những diễn biến đang diễn ra ở Biển Đông.
Trong đó, hãng truyền hình CNN nằm trong nhóm những hãng tin quốc tế vừa đến Hoàng Sa cách đây vài hôm. Ngay từ hôm 28/5, phóng viên CNN Euan McKirdy có bài tường thuật từ thực địa ở Biển Đông.
VietNamNet lược dịch giới thiệu bạn đọc:
Chúng tôi đã lên đường trên một tàu tiếp vận nhỏ của cảnh sát biển từ tối thứ hai khi mặt trời lặn dần ở Đà Nẵng, hướng tới vùng biển tranh chấp xung quanh quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Việc làm gây tranh cãi của TQ là hạ đặt một giàn khoan ở khu vực này hồi đầu tháng 5, khơi mào các cuộc tuần hành phản đối ở VN và phát biểu từ nhiều nhà lãnh đạo thế giới, kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp nhanh chóng, không để đổ máu.
Hoàng Tuấn Anh, thuyền trưởng tàu tiếp vận mà chúng tôi đi cùng cho biết “Cảnh sát biển VN quyết tâm xử lý tình hình một cách hòa bình”.
Thông điệp rõ ràng
Đến trưa, chúng tôi đã đến khu vực được cho là vùng biển có nhiều dầu mỏ mà đầu tháng này, TQ đã đơn phương “cắm cờ”. “Cờ” ở đây chính là một giàn khoan bệ vệ với một thông điệp rõ ràng: Quần đảo “Tây Sa” là của chúng tôi và chúng tôi có thể làm những gì mình muốn.
Không có phao đánh dấu lãnh thổ, không có đất liền trong tầm mắt: chỉ một màn nước sâu lung linh, dù là hứa hẹn giàu nhiên liệu hóa thạch bên dưới.
Khi chúng tôi đến nơi thì có thông tin giàn khoan do CNOOC quản lý đã được di chuyển. Không phải là chuyện nhỏ đối với một vật thể to lớn và nặng nề như thế, vậy mà thật xáo động về mặt chính trị.
Thuyền trưởng Hoàng cho hay đã đến vùng biển này nhiều lần nhưng gần đây TQ tỏ ra hung hăng hơn đối với VN. ‘Tôi tự hào được bảo vệ Tổ quốc”.
“Điệu nhảy” được các tàu cảnh sát biển của cả hai nước giám sát. Nhưng bao trùm các sự vụ trong ngày, ai cũng nghĩ đến việc chỉ vài giờ trước, một tàu cá TQ đã đâm chìm một tàu cá VN.
Không có người thiệt mạng trong vụ việc này nhưng đây là lần đầu tiên một chiếc tàu bị chìm trong giai đoạn hiện tại của mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này.
Khi chiều buông, một trong những tàu cảnh sát biển lớn của TQ hướng về tàu của chúng tôi, thi thoảng hú còi như thể định gây ra một vụ đụng độ nho nhỏ trên biển.
Không ai trên tàu Cảnh sát biển 8003 tỏ ra quá lo lắng, mặc dù đã mặc sẵn áo phao. Các tàu TQ “sủa” về phía chúng tôi một vài lần nữa trước khi bỏ đi.
Ở phía mạn phải tàu của chúng tôi, hai tàu TQ nữa chọc phá một tàu cá VN nhỏ hơn, đẩy tàu này ra xa khỏi trung tâm của mối bất đồng.
Nếu không cẩn trọng, bất đồng có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng cho hai nước, cũng là những thành viên quan trọng ở khu vực mà khu vực này cũng đã bắt đầu - dù có lẽ hơi muộn màng - phản kháng trước sức ép bá quyền của TQ.
PV (lược dịch)
Vietnamnet
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn CNN
Submitted by nlphuong on Fri, 30/05/2014 - 07:00Ngày 29/5, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã có buổi trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn CNN (Mỹ).
Tại buổi trả lời phỏng vấn, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 và đưa nhiều tàu hộ tống, bao gồm cả tàu quân sự xâm phạm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải; yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương - 981 và các tàu hộ tống, bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nêu rõ việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận được. Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nêu rõ: Việt Nam cực lực phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh. (ảnh: Nhật Quỳnh) |
Trả lời câu hỏi liên quan đến một số vụ gây rối tại một số địa phương, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho biết: phẫn nộ trước việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam, nhiều nơi, người dân Việt Nam đã tuần hành hòa bình lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, một số người đã có những hành vi manh động và vi phạm pháp luật. Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp ngăn chặn kịp thời và tình hình đã hoàn toàn ổn định. Các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư nước ngoài an tâm, yên ổn làm ăn tại Việt Nam.
Liên quan đến vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm tại khu vực đánh cá truyền thống và thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động vô nhân đạo, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời không để tái diễn những hành động tương tự.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng biển của Việt Nam, cùng với huy động một lượng lớn tàu hộ tống bảo vệ, trong đó có cả tàu quân sự, cố tình đâm húc, phun nước công suất lớn đối với các tàu, trong đó có các tàu cá của ngư dân Việt Nam đã càng làm gia tăng căng thẳng, phương hại tới hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải tại khu vực./.
Anh Tuấn
Nguồn: vov.vn