Syndicate content

Chuyển động ngành

Bộ TT&TT khởi động Cổng dữ liệu quốc gia, nền tảng quan trọng hướng tới Chính phủ số

Cổng dữ liệu quốc gia trên mạng Internet có địa chỉ là https://data.gov.vn; Cổng dữ liệu mở thuộc Cổng dữ liệu quốc gia có địa chỉ là https://open.data.gov.vn. Người sử dụng cũng có thể sử dụng tài khoản PostID của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) để truy cập.

Thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước (CQNN) và Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia. Sau một thời gian xây dựng và thử nghiệm, ngày 31/8/2020, Bộ TT&TT chính thức tổ chức Lễ khởi động Cổng dữ liệu quốc gia.

Cổng dữ liệu quốc gia là điểm đầu mối truy cập thông tin, dữ liệu trên mạng Internet phục vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu (CSDL) của cơ quan nhà nước (CQNN). Cổng cũng cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng và các đại biểu bấm nút khai trương Cổng

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết Việt Nam vừa được Liên Hợp Quốc xếp hạng thứ 86 về CPĐT. Với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và việc triển khai thành công Cổng dữ liệu quốc gia thì xếp hạng về CPĐT trong thời gian tới chắc chắn sẽ thăng hạng.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Để thực hiện thành công chia sẻ dữ liệu bên cạnh sự quyết tâm của Chính phủ cần sự vào cuộc của những người đứng đầu các Bộ, ngành, đơn vị sở hữu các CSDL quan trọng

Thứ trưởng cho biết: Hiện nay có 3 CSDL quan trọng nhất, đó là CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về đất đai và CSDL quốc gia về doanh nghiệp (DN). CSDL quốc gia về DN cơ bản đã hoàn thành. CSDL quốc gia về dân cư đã được triển khai quyết liệt trong 1 năm qua, dự kiến được hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ triển khai CSDL quốc gia về đất đai hiện vẫn còn chậm, chưa đạt tiến độ. Với sự quyết liệt triển khai 3 CSDL quốc gia này và Cổng dữ liệu quốc gia data.vn cùng sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, các DN, cộng đồng xã hội thì chúng ta sẽ có một bước tiến dài về CPĐT hướng tới chính phủ số.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng nhấn mạnh và mong muốn các bộ, ngành, địa phương trên cả nước tích cực hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương mình. Đây chính là yếu tố tiên quyết đến sự thành công của Cổng dữ liệu quốc gia.

Các mục tiêu quan trọng của Cổng dữ liệu quốc gia

Cổng dữ liệu quốc gia được xây dựng với mục tiêu sau:

- Thúc đẩy quản trị dữ liệu trong CQNN: Cổng sẽ là nền tảng dùng chung - nơi các CQNN công bố hiện trạng thông tin về dữ liệu của mình; kiểm kê dữ liệu, minh bạch về dữ liệu; chia sẻ các phương tiện, công cụ, kỹ năng để thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng dữ liệu bền vững trong Chính phủ điện tử (CPĐT).

- Quản lý và hỗ trợ thực hiện các yêu cầu về khởi tạo các kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các CQNN; giám sát việc chia sẻ dữ liệu, giải quyết vướng mắc trong chia sẻ dữ liệu giữa các CQNN.

- Cổng dữ liệu quốc gia sẽ là nơi từng bước cung cấp các dịch vụ số mới của quá trình phát triển Chính phủ số, cho phép người dân, DN tiếp cận các dữ liệu của mình, về mình do CQNN nắm giữ; các dịch vụ số khác trên CSDL phân tích định lượng, dữ liệu được tổng hợp dữ liệu tự động từ nhiều nguồn khác nhau.

- Cổng sẽ là đầu mối cung cấp dữ liệu mở của CQNN; người dân, DN, cộng đồng sẽ có điều kiện khai thác dữ liệu của CQNN để phục vụ nghiên cứu, học tập, sáng tạo sản phẩm đóng góp cho sự phát triển của nhà nước và xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế. Cung cấp dữ liệu mở cũng là hoạt động nằm trong chủ trương Nhà nước kiến tạo phát triển của Chính phủ, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của các CQNN.

- Cổng dữ liệu quốc gia cũng là một kênh thông tin để tiếp nhận đóng góp của các cơ quan, tổ chức, DN và cá nhân cho CQNN để các CQNN có nhiều dữ liệu hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân, DN tốt hơn.

Người sử dụng cũng có thể sử dụng tài khoản PostID của Tổng công ty BĐVN để truy cập Cổng dữ liệu quốc gia đối với những hạng mục cần định danh.

Trong giai đoạn đầu, Bộ TT&TT sẽ xây dựng và ra mắt một số phân hệ cơ bản của hệ thống, bao gồm đăng tải thông tin về hiện trạng dữ liệu trong CQNN, phân hệ dữ liệu mở của CQNN.

Bên cạnh đó, Cổng cũng kết nối tích hợp một số nền tảng như bản đồ số Vmap, mã địa chỉ bưu chính Vpostcode... nhằm tăng tiện ích, hỗ trợ người dùng ở mức tối ưu nhất. Đây là bước khởi đầu cho việc phát triển xây dựng Cổng. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng từng phân hệ và thành phần của Cổng để Cổng sẽ là công cụ, là nền tảng và đóng vai trò đắc lực thực hiện chủ trương dữ liệu là cốt lõi, là nền tảng trong phát triển CPĐT, Chính phủ chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu.

Ông Đỗ Công Anh: Cổng dữ liệu quốc gia sẽ cung cấp một bức tranh tổng thể về toàn bộ dữ liệu của các CQNN, công bố chiến lược, kế hoạch, kiến trúc, tiêu chuẩn về dữ liệu của mỗi Ngành.

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, đơn vị chủ trì triển khai Cổng cho biết: Quản trị dữ liệu được đánh giá là 1/9 trụ cột quan trọng của Chính phủ số để bảo đảm quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phát triển kinh tế - xã hội.

Trong báo cáo của Liên Hợp Quốc về CPĐT năm 2020, lần đầu tiên bổ sung chỉ số về dữ liệu mở của chính phủ (OGDI). Việt Nam xếp thứ 97/193 về OGDI, 6/11 Đông Nam Á, thuộc nhóm Trung bình. Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines đều thuộc nhóm rất cao, có số điểm OGDI tuyệt đối.

Năm 2014 rất có ít nước trên thế giới có Cổng dữ liệu quốc gia nhưng đặc biệt từ năm 2018 - 2020 đã có 80% quốc gia trên thế giới đã có Cổng dữ liệu quốc gia. Trong top 10 nước đứng đầu về CPĐT thì tất cả các nước đều có chính sách về dữ liệu mở và Cổng dữ liệu quốc gia. Quản trị dữ liệu được đánh giá là 1 trong 9 vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất của Chính phủ để đảm bảo quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phát triển CPĐT.

Theo PwC, có 5 mức độ trưởng thành về quản trị dữ liệu: Mức 1: Chưa nhận thức, Mức 2: Phân mảnh, Mức 3: Chuẩn hoá, Mức 4: Quản lý, Mức 5: Tối ưu. Hiện nay, theo đánh giá, đa số tổ chức của Việt Nam đã đạt giữa mức độ 2, một số tổ chức đạt mức độ 3, nhưng mục tiêu là phải đạt được mức độ 5.

Ông Đỗ Công Anh nhấn mạnh: Cổng dữ liệu quốc gia sẽ cung cấp một bức tranh tổng thể về toàn bộ dữ liệu của các CQNN, công bố chiến lược, kế hoạch, kiến trúc, tiêu chuẩn về dữ liệu của mỗi Ngành. Việc này có ý nghĩa quan trọng đối với địa phương. Nhiều địa phương rất mong mỏi dữ liệu của nhiều Bộ ngành. Cục Tin học hóa cũng đang xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành của dữ liệu quốc gia.

Đại diện của Ngân hàng thế giới (WB), bà Trần Thị Lan Hương chia sẻ: Trong quá trình làm việc với các địa phương, câu chuyện dữ liệu, chia sẻ dữ liệu luôn là vấn đề nhức nhối.

Tại Lễ khởi động, đại diện các đơn vị thuộc: Bộ TT&TT; Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký biên bản hợp tác về thúc đẩy dữ liệu mở và đồng hành trong việc xây dựng và triển khai hoàn thiện Cổng dữ liệu quốc gia.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký

Việc ký kết hợp tác thể hiện sự cam kết của các CQNN trong việc triển khai các hoạt động quản trị dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở cho cộng đồng, xã hội. Đồng thời cũng thể hiện tính gắn kết, sự đồng hành giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức, DN trong công tác phối hợp thúc đẩy triển khai dữ liệu mở.

Nguồn: ictvietnam.vn

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Biết rõ quá khứ, thấu hiểu hiện tại để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai

Trong không khí cả nước đang thi đua phấn đấu chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 28/08/2020, Bộ TT&TT tổ chức buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm ngày Truyền thống TT&TT (28/08).

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, các Thứ trưởng Bộ TT&TT, các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ TT&TT cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã tham dự buổi gặp mặt.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Giữ cái gốc, cái nền của mình để có thể đi xa. Biết rõ quá khứ, thấu hiểu hiện tại cũng chính là để toàn Ngành chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Mỗi năm, cứ vào tháng Tám mùa thu, đất nước lại hân hoan chào đón những ngày kỷ niệm lịch sử trọng đại, đầy ý nghĩa của cả dân tộc. Hòa vào niềm vui chung đó, tháng Tám cũng là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại những truyền thống tốt đẹp, đầy tự hào của ngành TT&TT.

Cách đây 75 năm, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên cáo trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới chính thức thành lập Chính phủ của nước Việt Nam mới. Gắn với đó là sự ra đời của 13 bộ. Trong đó, Bộ Thông tin, Tuyên truyền và Bộ Giao thông Công chính là những nền tảng cơ bản của Bộ TT&TT ngày nay.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Lịch sử 75 năm của Ngành ta luôn gắn bó với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TT&TT qua từng thế hệ đã cùng nhau vun đắp nền móng vững chắc cho sự phát triển của Ngành.

Nền móng đó là tinh thần tận tụy, sáng tạo, xây dựng các tuyến đường thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc luôn thông suốt. Nền móng đó là "tay bút tay súng" của các nhà báo - chiến sỹ trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh và tinh thần sáng tạo, dũng cảm đột phá, đổi mới báo chí tạo sức mạnh đồng thuận trong thời kỳ đổi mới. Nền móng đó là "những đêm chuyển mạng không ngủ", là cân não với quyết định kết nối liên mạng toàn cầu Internet của Việt Nam những năm cuối 1990.

Theo Bộ trưởng, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, sứ mệnh lịch sử đó lại càng được khẳng định, nâng tầm cả về quy mô tầm vóc và ý nghĩa thời cuộc. Trong bối cảnh đó, toàn ngành TT&TT đã và đang cùng nhau đồng tâm, quyết chí thực hiện các định hướng lớn: Bưu chính sẽ trở thành hạ tầng mạng lưới đảm bảo dòng chảy vật chất; Viễn thông trở thành hạ tầng của nền kinh tế số; Ứng dụng CNTT trở thành chuyển đổi số hướng tới xây dựng chính quyền số vững mạnh, kinh tế số phồn vinh, xã hội số thịnh vượng; An toàn thông tin hình thành hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam; Công nghiệp ICT với sứ mệnh Make in Vietnam; Báo chí truyền thông với sứ mệnh tạo dòng chảy tích cực trong xã hội, tạo niềm tin và khơi dậy khát vọng Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

"Giữ cái gốc, cái nền của mình để có thể đi xa. Biết rõ quá khứ, thấu hiểu hiện tại cũng chính là để toàn Ngành chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhân kỷ niệm ngày truyền thống của Ngành, trong tinh thần nhìn lại và đi tới, thay mặt Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ trưởng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ đi trước đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành TT&TT.

Đồng thời, Bộ trưởng mong muốn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tiếp tục phát huy tinh thần 10 chữ vàng: "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình" của Ngành để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và nhân văn.

Bộ trưởng khẳng định: "Ngành TT&TT, trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, đều phải gánh vác trên vai sứ mệnh rất quan trọng, góp phần huy động sức mạnh toàn dân tộc cả về tinh thần (báo chí, xuất bản) và vật chất (công nghệ, kỹ thuật)".
Nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá: Ngành chúng ta đã đóng góp tích cực, hiệu quả, đổi mới cho đất nước.

Trong không khí trang trọng, xúc động của Ngày truyền thống vẻ vang của Ngành, Nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá khẳng định: Ngành chúng ta đã đóng góp tích cực, hiệu quả, đổi mới cho đất nước.

"Kỷ niệm Ngày truyền thống của Ngành để chúng ta nhớ lại sự hy sinh, cống hiến trong 75 năm qua bằng xương máu của hơn 1 vạn liệt sỹ, gần 400 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 43 đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang, các anh hùng, tập thể lao động thời kỳ đổi mới... Truyền thống Ngành được xây đắp bởi bao mồ hôi nước mắt của hàng vạn chiến sỹ giao bưu, thông tin liên lạc, phóng viên chiến trường, cùng đội ngũ CBCNV qua các thế hệ dựng nên truyền thống của Ngành rất đỗi tự hào", nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT nhấn mạnh.

Các thế hệ lãnh đạo Ngành qua các thời kỳ cùng lãnh đạo các đơn vị chụp ảnh lưu niệm

Chuyển đổi số: Dấu ấn chuyển đổi lịch sử của Ngành

Cũng tại Lễ kỷ niệm, Nguyên Bộ trưởng Đỗ Tá cho biết: Năm nay, Ngành TT&TT có thêm một số dấu ấn mới, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, hướng đến năm 2030, đánh dấu một sự chuyển đổi lịch sử từ chiến lược số hóa mạng lưới cả nước sang chiến lược chuyển đổi số quốc gia, một chiến lược có tầm cỡ quốc tế và là nền tảng cho sức mạnh, vị thế quốc gia và sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Việt Nam trong tương lai.

Với việc chính thức khởi động chuyển đổi số bằng việc Bộ TT&TT tổ chức cuộc thi quốc gia tìm kiếm giải pháp Việt, Nguyên Bộ trưởng Đỗ Trung Tá cho rằng: Đây là cú huých cho quyết tâm có một nền công nghiệp CNTT hùng mạnh. Đây là cơ hội đẩy mạnh, đẩy nhanh toàn diện chuyển đổi số trên bình diện quốc gia, góp phần đưa đất nước chúng ta thành một đất nước thịnh vượng. Chúng tôi đánh giá cao những việc mà Ngành ta đã và đang làm vì luôn luôn mang tính vượt khó, tinh thần chiến đấu của những người lính năm nào, xông vào giải quyết những việc cụ thể.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đúc rút những tinh túy từ những đột phá của Ngành trước đây để dẫn dắt chuyển đổi số

Với trách nhiệm chủ trì tiến trình chuyển đổi số quốc gia, tại buổi Lễ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Chuyển đổi số là nội dung mới. Khi nói về cái mới, bao giờ cũng có những phản đối, cũng có nghĩa là lực cản. Khi số hóa cách đây mấy chục năm, thời mở cửa Internet, viễn thông của Ngành đều có những lực cản lớn, chuyển đổi số cũng vậy, nên cần phải tìm lại những kinh nghiệm, bài học của Ngành trước đây, mang những giá trị đó và nâng lên tầm bài học để dẫn dắt chuyển đổi số hiện nay.

Bộ trưởng cũng nhớ lại Việt Nam đã đi cùng thế giới, sáng tạo trong triển khai 2G. Lãnh đạo Ngành trước đây đã có tầm nhìn chiến lược, mở ra nhiều cơ hội, không gian mới cho đất nước. Do đó, cần tổng hợp, đúc rút những tinh túy từ những đột phá của Ngành trước đây để dẫn dắt chuyển đổi số. "Gặp bài toán khó thì quay lại gốc của mình. Giữ cái nền để có thể đi xa".

Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng nhấn mạnh: Ngành TT&TT hôm nay có một bề dày lịch sử vẻ vang, sôi động, tự hào, cao đẹp và đầy thuyết phục. Nguyên Bộ trưởng cũng tin tưởng các cán bộ Ngành tiếp tục phát huy hết sức mình, để truyền thống Ngành tỏa sáng rộng hơn, xa hơn, xứng đáng với tất cả các thế hệ cán bộ của Ngành. 

Nguồn: Lan Phương/ictvietnam.vn

Phát hành bộ tem thứ 2 về biển, đảo Việt Nam

Với mục tiêu quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam qua tem bưu chính, đồng thời góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trên các mặt trận đấu tranh bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Bộ TT&TT quyết định phát hành 03 bộ tem chủ đề "Biển, đảo Việt Nam" trong các năm: 2018, 2020 và 2022.

Ngày 27/8/2020, Bộ TT&TT sẽ phát hành bộ tem "Biển, đảo Việt Nam (bộ 2): Tàu cảnh sát biển Việt Nam".

Bộ tem gồm 4 mẫu từ mẫu 1 - 4: Tàu cảnh sát biển 1013 (K206), 4033 (TT400), 9004 (Tàu kéo cứu hộ) và 8003

Là quốc gia ven biển, Việt Nam sở hữu hơn 1 triệu km2 biển với bờ biển dài 3.260 km, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn xác định biển, đảo có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng quân sự chuyên trách thuộc Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước này.

Cục cảnh sát biển Việt Nam thuộc Bộ tư lệnh Hải quân được thành lập ngày 28/8/1998, đánh dấu sự ra đời của Cảnh sát biển Việt Nam. Năm 2008, Cục Cảnh sát biển được chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 2013, Cục cảnh sát biển đổi tên thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, các Vùng cảnh sát biển được đổi tên thành Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển theo quyết định của Bộ Quốc phòng.

Các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị phù hợp với từng chức năng riêng biệt. Hầu hết là tàu tự sản xuất với chức năng tuần tra , bảo vệ bờ biển, đảo, lãnh hải, chống cướp, tìm kiếm cứu nạn… Lực lượng Cảnh sát biển đã trưởng thành lớn mạnh như ngày nay thông qua sự phát triển đội tàu từ lớp tàu phóng lôi chuyển đổi K206, lớp tàu TT120, 200, 400 đến các tàu tuần duyên do hợp tác của các nước cung cấp lớp Hamilton, lớp sông Hàn đến thế hệ các tàu hiện đại do Việt Nam tự đóng DN 2000.

Bộ tem giới thiệu các lớp tàu được trang bị phù hợp với từng chức năng riêng biệt phục vụ thực thi nhiệm vụ tuần tra bảo vệ bờ biển, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, tuần tra ngoài khơi, bảo vệ các vùng biển, đảo Việt Nam.

Blốc bộ tem

Bộ tem gồm 4 mẫu, được thiết kế tràn lề, khuôn khổ 43x32mm, 1 blốc 150x100mm, do họa sĩ Nguyễn Du, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế.

Bộ tem được cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 27/8/2020 đến ngày 30/06/2022.

Trước đó, bộ tem đầu tiên được phát hành với chủ đề biển, đảo Việt Nam là bộ sinh vật biển được phát hành năm 2018 tại Khánh Hòa.

Nguồn: ictvietnam.vn

Nộp lệ phí trước bạ, tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến nhờ dịch vụ công số 1000

Với sự ra mắt của 3 dịch vụ công mới được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày 19/8, VNPT Pay tiếp tục là đơn vị đầu tiên cung cấp thanh toán toàn bộ các dịch vụ cho người dân được cung cấp qua hệ thống này.

Sau hơn 8 tháng vận hành, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) đã hoàn thiện tích hợp 1.000 dịch vụ công phục vụ quản lý hành chính các lĩnh vực. Ba dịch vụ mới ra mắt là các dịch vụ được đông đảo người dân và doanh nghiệp quan tâm, bao gồm: dịch vụ công thứ 1000: Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến; dịch vụ công số 999: Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động và dịch vụ công thứ 998: Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp.

Song hành với việc gia tăng các dịch vụ công được tích hợp, Cổng DVCQG cũng thúc đẩy liên kết với các kênh thanh toán trực tuyến nhằm đồng bộ phương thức quản lý, giao dịch tiện dụng, minh bạch. Đảm bảo cho mọi người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính và thanh toán phí ngay tại nhà.

Đi đầu trong các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán trên Cổng DVCQG là VNPT Pay. Đây là Hệ sinh thái thanh toán số do Tập đoàn VNPT phát triển và hiện là đơn vị đầu tiên đã thực hiện tích hợp để thanh toán cho toàn bộ các dịch vụ dành cho công dân trên Cổng DVCQG.

Sử dụng kênh thanh toán qua VNPT Pay, người dân có thể tùy chọn nhiều phương thức thanh toán được tích hợp trong chỉ một ứng dụng, bao gồm: Thanh toán qua ví điện tử VNPT Pay hoặc thanh toán qua tài khoản/thẻ nội địa của 34 Ngân hàng tại Việt Nam hiện đã liên kết trên ứng dụng VNPT Pay. Mọi giao dịch được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác với độ bảo mật cao nhất.

Được biết, Tập đoàn VNPT cũng là đơn vị chủ trì việc xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ được khai trương dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ cùng ngày 19/8 vừa qua. Sự kiện này được coi là điểm nhấn quan trọng mang tính đổi mới, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số, theo định hướng Chính phủ không giấy tờ.

Đây là dấu ấn đặc biệt quan trọng, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Tập đoàn VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử cũng như thực hiện sứ mệnh mở rộng kết nối và mang dịch vụ số tiện ích tới gần hơn với từng người dân trên mọi miền Tổ quốc, để không ai bị bỏ lại phía sau.

VNPT Pay là Hệ sinh thái thanh toán số qua ví điện tử, thẻ nội địa, thẻ quốc tế, do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cung cấp, đáp ứng nhu cầu thanh toán tiện lợi, an toàn và nhanh chóng cho hầu hết các nhu cầu hàng ngày như nạp thẻ cào, thanh toán cước di động, truyền hình, internet, điện, nước, mua vé xem phim, vé máy bay, bảo hiểm, đóng học phí…

Đặc biệt, VNPT Pay có tính năng thanh toán tự động các hóa đơn, đảm bảo cho các thanh toán định kỳ luôn đúng hạn. Để sử dụng ví điện tử VNPT Pay, Khách hàng chỉ cần cài đặt trên App Store, CH Play và hoặc quét mã QR code.

ND

Lần đầu tiên phát động Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam"

Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020 là một hoạt động nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam.

Ngày 19/8/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức họp báo phát động Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020.

Tham dự Lễ phát động có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Giải thưởng; Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, Phó Trưởng Ban Tổ chức; Nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng.

Giải thưởng được tổ chức nhằm thúc đẩy, khuyến khích DN công nghệ số nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm công nghệ số, giải các bài toán Việt Nam; tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc có giá trị thực tế góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số; hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tới đông đảo DN và người dân Việt Nam.

Các sản phẩm tham dự Giải thưởng sẽ được đánh giá công khai, minh bạch theo 02 tiêu chí chung: Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam; Giải các bài toán Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Giải thưởng tìm kiếm các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam xuất sắc nhất, là trụ cột của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển về kinh tế số.

Chia sẻ tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Nếu không Make in Viet Nam thì nước ta khó trở thành nước phát triển. Nếu không Make in Viet Nam thì chúng ta cũng không thể đi ra nước ngoài, không thể có những đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Cái thuận lợi của Make in Viet Nam là chúng ta đã có đủ thời gian làm gia công cho nước ngoài, thậm chí có cả những công ty đã thiết kế thuê module hoặc thiết kế thuê cả sản phẩm trọn vẹn.

"Make in Viet Nam thì cái cần nhất là có vấn đề để giải quyết. Vấn đề thì có thể do Chính phủ, DN hoặc xã hội đặt ra, bởi vậy, đưa vấn đề của mình, bài toán của mình là cách tốt nhất để thúc đẩy Make in Viet Nam".

Theo Bộ trưởng, nếu nhìn vào thực trạng công nghệ cao của Việt Nam chưa xuất hiện nhiều mà đánh giá không cạnh tranh được với nước ngoài thì sẽ mãi mãi không phát triển được. Ngược lại cần xem việc chưa có nhiều sản phẩm công nghệ nội địa là cơ hội để phát triển sản phẩm nội địa của mình.

Bộ trưởng cho biết thị trường 100 triệu dân Việt Nam là thế mạnh cạnh tranh quan trọng nhất của DN Việt Nam bởi vì không ai hiểu người Việt Nam, hiểu nhu cầu Việt Nam hơn người Việt Nam. Các DN công nghệ số cần chủ động không trông chờ vào các chính sách, cơ chế mà quan trọng nhất là tập trung nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm, giải pháp đáp ứng nhu cầu thị trường 100 triệu dân mình.

Giải thưởng tìm kiếm các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam xuất sắc nhất, là trụ cột của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển về kinh tế số. Năm nay cũng đặc biệt, vừa thực hiện mục tiêu phòng chống Covid-19 vừa phát triển kinh tế. Các sản phẩm công nghệ số phục vụ phòng chống Covid-19 hiệu quả, các nền tảng số hỗ trợ học tập, làm việc, sinh hoạt trên môi trường số sẽ được quan tâm xem xét.

Bộ trưởng cũng nêu rõ: Phần thưởng lớn nhất của Giải thưởng chính là Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng các DN trong việc quảng bá, hỗ trợ kết nối thị trường, xây dựng khung pháp lý thuận lợi, kết nối các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước để các sản phẩm công nghệ số có thị trường rộng lớn hơn và đi xa hơn.

Cuối cùng, Bộ trưởng khẳng định: "Lần đầu tiên chúng ta tổ chức một Giải thưởng mang tầm quốc gia về sản phẩm công nghệ số với quy mô lớn trên toàn quốc, quy tụ mọi cá nhân, tổ chức, DN trong giới ICT nước nhà, được Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực này phối hợp với VCCI đứng ra tổ chức. Đây là giải thưởng cao nhất trong Ngành".

Bộ trưởng và các đại biểu nhấn nút phát động Giải thưởng

5 hạng mục Giải thưởng

Tại Lễ phát động, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, đơn vị thường trực của Giải thưởng cho biết: Giải thưởng được trao cho 5 hạng mục: Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc; Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc; Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc; Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số (Thành thị - Nông thôn, Người yếu thế, Hạn chế mặt trái của công nghệ số) và Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng.

Đối tượng tham gia là các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, có các sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam, đã được đưa vào ứng dụng thực tế để giải các bài toán Việt Nam.

Thời gian nộp hồ sơ tham gia giải thưởng từ ngày 20/8 - 20/10/2020 thông qua hình thức online tại địa chỉ https://makeinvietnam.mic.gov.vn.

Hội đồng Giám khảo của Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020 bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số, các nhà khoa học, đại diện các quỹ đầu tư và các nhà báo ICT có uy tín, có nhiều kinh nghiệm, do TS. Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông làm Chủ tịch Hội đồng.

Các sản phẩm, giải pháp công nghệ số đoạt giải sẽ được nhận Cúp, Giấy chứng nhận đạt Giải thưởng; được phép quảng bá, tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ và thành tích của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, được đại diện cho ngành CNTT-TT tham gia các cuộc thi và Giải thưởng chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế khác.

Nguồn: ictvietnam.vn

20 năm tăng trưởng, TLC 10 năm liên tục có mặt trong bảng vinh danh VNR500

Ngày 18/8/2020 là ngày công ty Thương mại quốc tế Thủy Linh (TLC) đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập.  Khởi điểm từ một doanh nghiệp startup khiêm tốn vào năm 2000, sau 20 năm, TLC đã củng cố nền tảng và phát triển thành một trong những nhà phân phối giải pháp Công nghệ phần cứng đứng hàng Top tại thị trường miền Bắc và miền Trung.

Các sản phẩm do TLC phân phối luôn được sắp hạng ở định vị uy tín cả về định vị thương hiệu, chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ ưu đãi trên toàn cầu. Hiện tại, TLC đang là nhà phân phối chính hãng của các nhãn hàng: Gigabyte, Intel, Dell, HP, Samsung, Seagate, Geil, Kingmax, Antec, BenQ, Dlink, Kasda, …

Kể từ thời điểm khởi nghiệp đầy cạnh tranh và thách thức, dù trong những thời điểm khó khăn nhất, công ty TMQT Thủy Linh luôn nỗ lực và thực thi nghiêm ngặt những tôn chỉ phục vụ kênh phân phối và khách hàng. Tôn chỉ của chúng tôi, kể từ thời điểm startup năm 2020 và trong suốt hành trình phát triển công ty đến nay, là mang lại những sản phẩm có uy tín, chất lượng hàng đầu với mức giá phù hợp cho thị trường Việt Nam kèm những dịch vụ ưu đãi nhất cho khách hàng. Cụ thể, TLC là đơn vị đầu tiên khởi phát việc đổi bảo hành 1 – 1 cho khách hàng, đồng thời hoàn mới thời hạn bảo hành cho nhiều dòng sản phẩm do TLC phân phối”,  ông Nguyễn Anh Linh, CEO TLC chia sẻ.

Những nỗ lực của TLC đã được tưởng thưởng xứng đáng, khi liên tục được vinh dự nhận các chứng chỉ và bằng khen của VNR500 và FAST500. VNR500 và FAST500 là bảng xếp hạng thường niên, nhằm mục tiêu xếp hạng Top 500 tổ chức lớn và Top 500 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất Việt Nam. Cụ thể, TLC đã liên tục 10 năm đứng vững trong VNR500 và 5 năm liên tục nằm trong bảng xếp hạng FAST500.

Được biết, bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report phỏng theo mô hình Fortune 500. Bởi vậy bảng xếp hạng VNR500 của Vietnam Report chính là địa chỉ giúp tôn vinh những doanh nghiệp đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Với nhiều thành tựu đổi mới và phát triển bền vững, tạo hệ sinh thái lành mạnh về CNTT, mới đây nhất năm 2019, TLC đã được thăng hạng cao hơn rất nhiều so với các năm trước đó.

Ban Giám đốc tặng quà tri ân cho đại diện các phòng ban TLC nhân sinh nhật công ty

Tri ân toàn bộ hệ sinh thái đối tác hợp tác với TLC, trong MV Clip mới phát hành, bà Nguyễn Bích Thủy – Phó Tổng Giám đốc TLC chia sẻ: "Kim chỉ nam của công ty TMQT Thủy Linh là ‘Cùng đối tác đi đến thành công’. Từ lãnh đạo tới toàn thể nhân viên công ty Thủy Linh vẫn đang nỗ lực tiếp tục hoàn thiện mình, luôn cầu thị, nâng cao chất lượng để mang đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất phục vụ khách hàng chung của chúng ta. Sự thành công của đối tác chính là sự thành công của TLC. Năm 2020, do hoàn cảnh, TLC chỉ có thể sử dụng kênh online để gặp mặt đối tác và khách hàng. Bởi vậy, toàn thể gia đình Thủy Linh đã cố gắng theo phương thức 4.0, dựng một MV ‘phiên bản đặc biệt’, xuất phát từ trái tim, xin gửi lời tri ân sâu sắc tới toàn thể quý vị”.

Được biết, MV Clip của TLC nhằm tri ân đối tác hợp tác và kênh phân phối Thủy Linh do đội ngũ hơn 100 nhân viên TLC tự dàn dựng và xây dựng trong vòng 7 ngày. Bản MV Clip có tại địa chỉ: http://thuylinh.vn/thuy-linh-mot-niem-tin-tlc-20years-anniversary-offici...

ND

Nguyên TBT Lê Khả Phiêu - người thúc đẩy ngành CNTT Việt Nam

Trong hồi ức của Tiến sĩ Mai Liêm Trực và Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu góp phần quan trọng cho sự phát triển CNTT Việt Nam.

Năm 1997, Việt Nam chính thức có Internet, kết nối ra thế giới. Trong bối cảnh mạng thông tin toàn cầu còn là một thứ xa lạ và phức tạp, "quản được đến đâu, mở đến đó" trở thành phương châm khi triển khai các vấn đề liên quan đến Internet và công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Internet vào Việt Nam phải có ba điều kiện. Thứ nhất phải có mạng điện thoại tự động hoá trong nước và quốc tế. Thứ hai là có các doanh nghiệp nắm công nghệ Internet và đầu tư trang thiết bị. Nhưng cái khó nhất là làm sao có được sự cho phép của các lãnh đạo cao nhất. Khi đó, Internet còn mới mẻ, nhạy cảm, nhiều lo ngại về "nguy cơ lộ bí mật nhà nước" hay "có quản được thông tin độc hại không".

"Chúng ta vừa trải qua chiến tranh nên lo ngại đó hoàn toàn chính đáng", Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông, cho hay.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trong một sự kiện công nghệ thông tin năm 2018. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Ông Trực kể lại, sau quá trình chuẩn bị, tháng 7/1997, ông cùng các chuyên gia trình bày kế hoạch với ông Lê Khả Phiêu, khi đó là Uỷ viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị. "Cụ Phiêu hỏi rất kỹ các giải pháp có chặn được hết nguy cơ lộ bí mật nhà nước không. Tôi báo cáo thật là không thể chặn hết được bởi từ thời chưa có Internet cũng đã xảy ra tình trạng thư từ, thông tin qua máy fax bị lộ mật. Tôi tưởng cụ sẽ lo, nhưng khuôn mặt cụ vẫn thoải mái, rồi cụ gật đầu: Các cậu cố gắng làm cho cẩn thận các giải pháp đã nêu ra", ông Trực nhớ lại. "Sau đó, chúng tôi tiếp tục có cuộc gặp tại nhà riêng của Thủ tướng Phan Văn Khải. Khi về, Thủ tướng vỗ vai tôi nhắn nhủ: Trực ơi, quản lý cho tốt vào nhé".

Ngày 19/11/1997, lễ ấn nút mở cửa Internet diễn ra. Tuy nhiên, với quan điểm quản đến đâu mở đến đó, suốt ba năm sau đó, Việt Nam chưa có các đại lý Internet, trong khi CNTT cũng phát triển chậm. Nhiều nhà khoa học và nhà quản lý, trong đó có Giáo sư Đặng Hữu, khi đó là Trưởng Ban khoa giáo Trung ương, đề xuất xây dựng một Chỉ thị của Bộ chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

"Trong phần về viễn thông và Internet, chúng tôi đề xuất một số quan điểm là mở cửa cạnh tranh trong viễn thông, xoá bỏ độc quyền, đồng thời quản lý phải theo kịp sự phát triển, thay vì quản đến đâu mở đến đó. Khi trình lên, cụ Phiêu đã chấp nhận, ủng hộ và Chỉ thị 58 được ban hành vào tháng 10/2000", tiến sĩ Mai Liêm Trực cho hay.

Theo ông Trực, Chỉ thị 58 là một mốc rất quan trọng cho sự phát triển viễn thông, Internet và công nghệ thông tin Việt Nam. "Nguyên TBT Lê Khả Phiêu không phải người xuất thân từ lĩnh vực công nghệ, nhưng rất tin vào lĩnh vực này, luôn khích lệ cái mới, cũng như tin vào thế hệ trẻ", nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông nói.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Lưu Quý.

Đồng quan điểm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), coi nguyên TBT Lê Khả Phiêu là người đỡ đầu cho ngành CNTT, đặc biệt là xuất khẩu phần mềm.

Theo ông, từ những quyết sách quan trọng được ký dưới thời nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu như nghị quyết 07 hay Chỉ thị 58, khái niệm "công nghiệp phần mềm" lần đầu xuất hiện với danh nghĩa là một ngành kinh tế mới, được đánh giá là có giá trị gia tăng cao, nhiều triển vọng. Khu Công nghệ cao Hoà Lạc (Hà Nội), Khu công nghiệp phần mềm Quang Trung (TP HCM) mà hàng nghìn người làm việc hiện nay, đã ra đời từ những chỉ thị như vậy.

Trước năm 2000, FPT là công ty duy nhất tại Việt Nam tìm đường xuất khẩu phần mềm. Sau khi Chỉ thị 58 ra đời, một loạt tên tuổi như CMC, Tinh Vân, TMA, KMS, Luvina... và hàng trăm công ty khác đã chuyển hướng, tham gia phục vụ khách hàng toàn cầu. Tháng 12/2010, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó là Phó Thủ tướng, khẳng định Chỉ thị đã đưa vị trí CNTT Việt Nam trên thế giới "từ không thành có".

Năm 2018, xuất khẩu phần mềm của Việt Nam ước đạt 3,5 tỷ USD. Ngoài các thị trường truyền thống là Nhật Bản, Bắc Mỹ còn có những thị trường mới nổi như Châu Âu, Myanmar... Việt Nam được đánh giá là một trong sáu điểm đến hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, theo đánh giá của Gartner năm 2016.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA kể lại những kỷ niệm với cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Lưu Quý.

"Nhắc về ngành CNTT trong nước giai đoạn đầu, đọng lại trong tôi là sự biết ơn nguyên TBT Lê Khả Phiêu - một người đã luôn dành sự quan tâm cho ngành phần mềm. Mở đầu thiên niên kỷ là một loạt chính sách như ánh sáng đầu tiên soi đường cho ngành CNTT Việt Nam. Sau 20 năm, ánh sáng ấy giờ đã trở thành một quả cầu lửa, truyền nhiệt cho những quyết sách lớn tiếp theo để Việt Nam khẳng định vị thế trong công cuộc chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư", ông Bình nói.

Nguồn: Lưu Quý - Châu An/vnexpress.net

https://vnexpress.net/nguyen-tbt-le-kha-phieu-nguoi-thuc-day-nganh-cntt-viet-nam-4146024.html

Ra mắt akaChain - Nền tảng chuỗi khối được nhiều DN Việt tin dùng

Nền tảng akaChain hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong nhiều ngành nghề trong việc xây dựng nhanh hệ thống mạng lưới kinh doanh và các ứng dụng phân tán bằng công nghệ chuỗi khối.

Ngày 13/8/2020, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ ra mắt Nền tảng công nghệ chuỗi khối akaChain do FPT phát triển. Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số "Make in Vietnam" nhằm thực hiện "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã dự và phát biểu tại sự kiện.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Việc sớm nghiên cứu và áp dụng công nghệ blockchain sẽ là cơ hội để Việt Nam chủ động bắt nhịp với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Với vai trò cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT sẽ đánh giá, lựa chọn các nền tảng số tốt do doanh nghiệp (DN) Việt Nam phát triển để tham gia Chương trình chuyển đổi số quốc gia và bảo trợ về truyền thông các nền tảng Make in Vietnam này.

Được phát minh từ năm 2008, đến nay, công nghệ chuỗi khối (blockchain) đã được phát triển và cải tiến trở thành một trong những công nghệ đột phá nhất với tiềm năng ảnh hưởng rộng lớn tới mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực từ tài chính đến sản xuất kinh doanh và thậm chí là cả ngành giáo dục.

Thứ trưởng cho biết, hiện nay, một số quốc gia đang rất quan tâm đến công nghệ blockchain và ban hành nhiều chính sách liên quan, tạo môi trường thúc đẩy, phát triển công nghệ mới này. Nhiều cơ quan nhà nước trên thế giới đã có kế hoạch đầu tư vào blockchain để quản lý các giao dịch tài chính, tài sản, hợp đồng và việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức trong những năm tới.

Các nước đã ứng dụng blockchain mạnh mẽ như tại Estonia, chính phủ đã áp dụng công nghệ blockchain để bảo mật hồ sơ y tế và quản lý cơ sở dữ liệu của chính phủ. Tại Nga, ngân hàng Nhà nước Sberbank của nước này đã công bố rằng họ đang hợp tác với Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga (FAS) để thực hiện chuyển giao tài liệu và lưu trữ thông qua blockchain;…

Theo Thứ trưởng, tại Việt Nam, việc sớm nghiên cứu và áp dụng công nghệ này cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam chủ động bắt nhịp với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Bộ TT&TT hoan nghênh Công ty FPT đã "tiến quân" vào lĩnh vực mới mẻ này, tạo nên nền tảng công nghệ chuỗi khối giúp các DN Việt Nam sẵn sàng hội nhập với sự phát triển của nền kinh tế, tài chính và công nghệ của tương lai.

Nền tảng ứng dụng cho nhiều ngành nghề

Giới thiệu về akaChain, ông Trần Đăng Hoà, Phó Tổng Giám đốc điều hành FPT Software cho biết: Điểm vượt trội của nền tảng là rút ngắn thời gian triển khai các nghiệp vụ như: Định danh khách hàng điện tử (eKYC), chấm điểm tín dụng (credit scoring), chương trình khách hàng thân thiết (loyalty) và truy xuất nguồn gốc.

Ông Trần Đăng Hoà: akaChain sẽ tập trung vào các thế mạnh liên quan tới tính bảo mật và tính minh bạch

Dù mới ra mắt được thời gian ngắn từ cuối năm 2018, là một ứng dụng công nghệ hoàn toàn xa lạ với thị trường Việt Nam, đến nay akaChain đã được nhiều khách hàng biết đến và sử dụng. Các khách hàng tiêu biểu của akaChain gồm nhiều DN lớn đến từ nhiều ngành nghề và nhiều quốc gia, có thể kể tới Masan Group (Tập đoàn về hàng tiêu dùng tại Việt Nam); Bảo Việt (Bảo hiểm tại Việt Nam); AIA (Bảo hiểm); VPBank (Ngân hàng), và một số DN khác thuộc top Fortune 500.

Trao đổi về hướng phát triển akaChain trong thời gian tới, ông Trần Đăng Hòa cho biết: akaChain sẽ tập trung vào các thế mạnh liên quan tới tính bảo mật và tính minh bạch. Về mặt nghiên cứu và phát triển, akaChain sẽ tập trung vào hoàn thiện bộ giải pháp liên quan tới danh tính số và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng. Tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp sản phẩm cho các DN trong nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Để kích cầu cho khách hàng DN, akaChain đang có chương trình hỗ trợ cộng đồng và các DN như: Miễn phí gói tư vấn về chuyển đổi số cho dịch vụ chăm sóc khách hàng thân thiết và danh tính số Digital ID cho DN, trị giá 50.000 USD; Miễn phí 01 tháng dùng thử akaChain, trị giá 5.000 USD/tháng.

Theo Lan Phương/ictvietnam.vn

Thuê bao tải Bluezone được tặng ngay 5GB Data

Với mong muốn hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, Tập đoàn VNPT chính thức triển khai chính sách tặng 5GB data khi cài đặt Bluezone và  miễn cước Data cho thuê bao VinaPhone khi truy cập Bluezone (Ứng dụng khẩu trang điện tử).

Ứng dụng Bluezone là giải pháp công nghệ mới nhất hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Ứng dụng này sử dụng công nghệ định vị Bluetooth, có chức năng cảnh báo người dùng nếu họ từng tiếp xúc gần với người nghi nhiễm Covid-19 trong khoảng thời gian 14 ngày. Nhờ vậy, công tác truy vết những người có nguy cơ lây nhiễm được thực hiện một cách khoa học, nhanh chóng. Ứng dụng này hiện đang được Bộ Y tế khuyến nghị người dân cả nước sử dụng để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Hiểu được tầm quan trọng của việc phổ biến Bluezone trong cộng đồng, Tập đoàn VNPT triển khai nhiều chương trình ý nghĩa cho các thuê bao VinaPhone nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng ứng dụng này. Theo đó, những thuê bao mạng VinaPhone cài đặt mới ứng dụng Bluezone sẽ được tặng ngay 5GB Data (1GB/ngày trong 5 ngày), thời gian diễn ra chương trình bắt đầu từ 0h ngày 11/08/2020. Đồng thời, khách hàng sẽ được miễn cước Data khi truy cập ứng dụng Bluezone, áp dụng đối với thuê bao đã cài đặt và cài đặt mới ứng dụng.

"Là nhà mạng có hơn 34 triệu thuê bao, VinaPhone hy vọng rằng, các chính sách của chúng tôi sẽ góp phần gia tăng số lượng người dùng Bluezone tại Việt Nam. Qua đó, giảm tải công việc cho tuyển đầu chống dịch và đảm bảo an toàn cho cộng đồng.", đại diện Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone (thành viên của Tập đoàn VNPT) chia sẻ.

Đây được xem là hoạt động hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực, góp phần hướng tới mục tiêu cả nước đạt tỷ lệ ít nhất 50% người dân dài đặt Bluezone để ứng dụng này đạt hiệu quả cao nhất.

Trước đó, Tập đoàn VNPT cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho các cán bộ, nhân viên y tế và người dân Đà Nẵng – địa phương đang là điểm nóng của dịch Covid-19 tại Việt Nam.Cụ thể như, VNPT tặng 500 SIM thoại/data cho lực lượng tham gia hỗ trợ và đội ngũ cán bộ y tế trên tuyến đầu phòng chống dịch tại Đà Nẵng.

Cùng với đó, Tập đoàn cũng dành tặng gói cước Data với lưu lượng 30GB (1GB/ngày trong 30 ngày) cho lực lượng phòng chống dịch như công an, dân phòng, cán bộ UBND các cấp; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và toàn bộ người dân, du khách tại các khu cách ly tập trung cho người Việt Nam và người nước ngoài tại Đà Nẵng.

 ND

VNPT vượt tốc hoàn thành hạ tầng mạng cho bệnh viện dã chiến ở Đà Nẵng

Tập đoàn VNPT cho biết đơn vị này đã hoàn thành việc lắp đặt hạ tầng kỹ thuật viễn thông - công nghệ thông tin bảo đảm chất lượng dịch vụ tại khu vực Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn, TP. Đà Nẵng.

Thực hiện trên nền hạ tầng khu liên hợp thể thao nên VNPT phải cải tạo khá nhiều hạng mục để phù hợp với tiêu chuẩn y tế

Cụ thể, về hạ tầng mạng lưới cố định, chỉ trong vòng chưa đến 60 giờ kể từ khi nhận nhiệm vụ (ngày 3-8), đội ngũ kỹ thuật của VNPT Đà Nẵng đã hoàn thành cung cấp hạ tầng và dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin cho Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn phục vụ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 - sớm hơn so với thời gian 72h (từ ngày 3 đến hết ngày 5-8) được giao.

Ngoài ra, VNPT cũng đã tăng số trạm phát sóng 4G (trạm small cell) xung quang khu vực này để bảo đảm liên lạc thông suốt và quá trình vận hành quản lý của bệnh viện.

VNPT tăng số trạm phát sóng 4G xung quanh khu vực bệnh viện dã chiến

Cùng với đó, VNPT Đà Nẵng nhanh chóng triển khai hàng trăm km cáp quang, dây thuê bao quang và các thiết bị mạng khác để thiết lập mạng Internet cáp quang, wifi và điện thoại cố định... phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp và đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn.

Việc lắp đặt thi công được thực hiện trên nền hạ tầng khu liên hợp thể thao nên phải cải tạo khá nhiều hạng mục để phù hợp với tiêu chuẩn y tế; thêm nữa, bệnh viện có diện tích 10.000 m2 diện tích sàn với quy mô lên tới 2.000 giường bệnh và triển khai trong vòng 72 giờ là một thách thức không hề đơn giản!...

Tuy nhiên, được sự động viên, khích lệ của lãnh đạo địa phương, của Tập đoàn VNPT và đặc biệt là sự quyết tâm mạnh mẽ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kinh doanh, VNPT Đà Nẵng đã xây dựng hạ tầng, triển khai kéo cáp, lắp đặt dịch vụ một cách nhanh chóng và hoàn thành vào sáng 5-8 (chưa đến 60 giờ thi công), xong trước thời hạn yêu cầu mà chính quyền thành phố đặt ra (72h).

Cũng trong dịp này VNPT cũng đã thực hiện thi công lắp đặt dịch vụ tại khu cách ly nhà ở công nhân thuộc quận Cẩm Lệ; Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng…

Nhằm đảm bảo hoạt động của hạ tầng viễn thông phục vụ phòng chống dịch của TP. Đà Nẵng, VNPT thành lập 12 đội ứng cứu nhanh, sẵn sàng lắp đặt, xử lý theo yêu cầu của UBND Thành phố phục vụ thông tin liên lạc trong phòng chống dịch bệnh.

Đáng chú ý, bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm chất lượng thông tin liên lạc, để chia sẻ khó khăn với người dân cũng như lực lượng phòng chống dịch, VNPT đã tặng 500 sim thoại /data cho lực lượng tham gia hỗ trợ/y tế tham gia phòng chống dịch liên lạc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời thực hiện chính sách miễn cước cụ thể với các đối tượng khách hàng trong thời gian phòng, chống dịch bệnh... với mong muốn đóng góp nhỏ bé của VNPT cùng thành phố Đà Nẵng nhanh chóng dập dịch Covid-19.

Trước đó, từ ngày 31-7, Tập đoàn VNPT công bố chương trình  hỗ trợ đặc biệt dành tặng cho các cán bộ, nhân viên y tế và người dân thành phố Đà Nẵng. Theo đó, VNPT hỗ trợ gói cước data với lưu lượng lên đến 30GB (1GB/ngày trong 30 ngày) cho lực lượng phòng chống dịch như công an, dân phòng, cán bộ UBND các cấp; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và toàn bộ người dân, du khách tại các khu cách ly tập trung cho người Việt Nam và người nước ngoài tại Đà Nẵng.

Cùng với đó, từ ngày 30-7 toàn bộ cán bộ công nhân viên của VNPT thay avatar với thông điệp “Việt Nam quyết tâm đẩy lùi Covid” với hình ảnh Cầu Rồng thay lời động viên tinh thần người Đà Nẵng vững tin vượt qua đại dịch.

Đây là những hành động thiết thực của VNPT cùng với cả nước hướng về Đà Nẵng cùng tiếp sức “chiến đấu” với dịch Covid-19. Tập đoàn VNPT mong muốn những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch cùng người dân Đà Nẵng thuận tiện trong thực thi nhiệm vụ, có thêm thời gian trò chuyện với người thân khi được nghỉ ngơi sau khi làm việc và luôn giữ vững tinh thần lạc quan, mạnh mẽ chiến thắng đại dịch!

ND