Chuyển động ngành
Phát hành bộ tem "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt"
Submitted by nlphuong on Sat, 05/12/2020 - 14:40Bộ TT&TT sẽ phát hành bộ tem "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại" vào ngày ngày 06/12/2020.
Bộ tem gồm 3 mẫu do họa sỹ Nguyễn Du, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế theo phong cách đồ họa mang đậm mầu sắc dân gian với các nội dung cô đọng, đại diện tiêu biểu của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Mầu sắc thiên về 3 gam mầu chính gồm sắc đỏ, xanh, trắng lần lượt tượng trưng cho miền Trời (Thiên phủ), miền Rừng (Nhạc phủ), miền Nước (Thoải phủ). Không gian tín ngưỡng tôn giáo đậm chất trên từng mẫu tem và Blốc của bộ tem
Ba mẫu tem từ 1 - 3: Tam tòa thánh mẫu, Hầu bóng và Kiều năm quan |
Theo các nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Phật giáo, Đạo giáo.
Mối quan hệ giữa tín ngưỡng thờ Mẫu với Phật giáo và Đạo giáo thể hiện rất rõ qua quan niệm về vũ trụ luận, cách sắp đặt thờ tự, thực hành nghi lễ chầu văn, đặc biệt là nghi lễ rước Mẫu lên chùa thỉnh kinh… vào dịp lễ hội.
Mẫu tem về Ban thờ "Tam tòa Thánh Mẫu" gồm 3 ngôi của 3 vị Thánh Mẫu: Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thoải Phủ.
Mẫu Thượng Thiên còn được gọi là Mẫu Đệ Nhất cai quản miền trời. Với quan niệm của dân gian thì Mẫu Thượng Thiên có quyền năng tạo ra mây, mưa, sấm, chớp và có liên quan tới văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc Việt Nam. Mẫu Thượng Ngàn còn được gọi là Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi, bà là Thánh Mẫu gắn bó với con người, cây cỏ và chim, thú. Mẫu Thoải hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thủy, cai quản miền sông nước, Thánh Mẫu Thoải Phủ gắn liền với đời sống thủy sinh của người dân từ xa xưa và có liên đới trực tiếp tới thủy tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước.
Mẫu tem "Hầu bóng" thể hiện nghi thức Hầu bóng, là một nghi thức quan trọng, không thể thiếu trong các nghi lễ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, được thực hiện với ước muốn con người có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các Thanh đồng - người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh.
Mẫu tem "Kiều năm quan" thể hiện Đại lễ kiều thỉnh Ngũ vị Vương quan là một nghi lễ đặc biệt quan trọng trong tín ngưỡng của người Việt, được thực hành trong không khí trang nghiêm và đầy đủ nghi thiết, tái hiện lại hình ảnh các vị anh hùng dân tộc được thánh hóa, mang đầy ý nghĩa tâm linh và nhân văn sâu sắc.
Blốc tem "Rước mẫu" |
Blốc bộ tem thể hiện màn Rước kiệu Tam thánh Mẫu với hình kiệu rước 3 sắc mầu điển hình, được sắp xếp thành hàng hướng về Phủ chính. Không gian lễ hội Rước Mẫu được tái hiện với nhiều đoàn rước, đây là một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu của đạo Mẫu.
Các mẫu tem có khuôn khổ 43 x 32mm và blốc là 150 x 90 mm, với giá mặt tương ứng là 4000 đồng, 4000 đồng, 15.000 đồng và 15.000 đồng. Bộ tem được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 06/12/2020 đến ngày 30/06/2022.
Việt Nam - Cu Ba phát hành tem chung về di sản UNESCO
Submitted by nlphuong on Thu, 03/12/2020 - 06:40Hai mẫu tem đã miêu tả được vẻ đẹp cổ kính và uy nghiêm của các công trình nổi tiếng, biểu tượng lịch sử và văn hóa của Việt Nam và Cu Ba.
Ngày 2/12/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam tổ chức lễ phát hành đặc biệt bộ tem "Tem phát hành chung Việt Nam – Cuba". Dự lễ phát hành có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Lianys Torres Rivera, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Lianys Torres Rivera ký phát hành đặc biệt bộ tem |
Phát biểu tại buổi lễ phát hành, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: "Quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Cu Ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro đặt nền móng mãi mãi là biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa quốc tế trong sáng, vô tư và thủy chung, là niềm tự hào của các thế hệ sau này của nhân dân hai nước. Quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cu Ba không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, giáo dục, y tế và công nghệ sinh học".
Với mục đích tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, nâng cao nhận thức trong nhân dân và quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của hai nước Việt Nam và Cu Ba, Bộ TT&TT Việt Nam quyết định phát hành và phối hợp với Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam tổ chức lễ phát hành đặc biệt bộ tem "Tem phát hành chung Việt Nam – Cuba".
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn khẳng định: Việc phát hành bộ tem "Tem phát hành chung Việt Nam – Cu Ba" đánh dấu sự hợp tác giữa hai cơ quan bưu chính hai nước, đồng thời, thúc đẩy quan hệ hai nước hợp tác mạnh mẽ và thực chất hơn nữa, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình, hợp tác khu vực và thế giới, góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả.
Hai di sản UNESCO của Việt Nam - Cu Ba
Bộ tem do họa sỹ Tô Minh Trang, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế gồm 02 mẫu với khuôn khổ 46 x 31 (mm); giá mặt 4000đ và 10000đ giới thiệu Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, gồm: Lâu đài Santo Domingo de Atarés (Cu Ba) và Hoàng thành Thăng Long (Việt Nam).
Con tem bưu chính được dán trên tấm bưu thiếp |
Hình tượng chính của bộ tem là bức tranh vẽ nét trực họa cổng chính Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tọa lạc trên đường Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội và Lâu đài Santo Domingo de Atarés, La Habana, Cu Ba.
Mẫu tem thể hiện Lâu đài Santo Domingo de Atarés, lâu đài được xây dựng vào năm 1767 trở thành một phần của hệ thống phòng thủ chống thuộc địa lần thứ 2 ở Havana. Lâu đài có hình dạng gần giống với một hình lục giác không đều, không có pháo đài và quây xung quanh đỉnh là các hộp lính canh hình lục giác. Từ khi được xây dựng, lâu đài đã trở thành một pháo đài quân sự, trụ sở chính của lực lượng bảo vệ tổng thống, nhà tù và căn cứ quân sự.
Mặc dù được sử dụng như một pháo đài quân sự trong thời gian thuộc địa, lâu đài chưa từng tham gia vào một cuộc chiến nào. Khi nước Cộng hòa Cuba được thành lập, lâu đài tiếp tục được sử dụng với chức năng quân sự và trụ sở chính của đội bảo vệ Tổng thống cũng được đặt tại đây.
Havana cổ và hệ thống pháo đài của thành phố, La Habana, Cuba được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1982).
Mẫu 2 thể hiện hình ảnh Hoàng thành Thăng Long, Hoàng thành trong lịch sử trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Chỉ có kiến trúc bên trong là đã qua nhiều lần trùng tu, xây dựng.
Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật nằm chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử. Các di tích đó có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp nhưng phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về qui hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long. Đó chính là giá trị nổi bật và độc đáo của khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Ngày 31/7/2010 tại thủ đô Brasilia của Brazil, Ủy ban di sản thế giới của UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di sản văn hóa thế giới.
Nguồn: ictvietnam.vn
ĐH Quốc gia TP. HCM đạt quán quân Cuộc thi sinh viên với ATTT ASEAN 2020
Submitted by nlphuong on Sun, 29/11/2020 - 06:31Chiều tối ngày 28/11/2020, tại Hà Nội, Lễ tổng kết và trao giải Chung khảo cuộc thi sinh viên với An toàn thông tin (ATTT) ASEAN 2020 đã được Hiệp hội ATTT Việt Nam Cục ATTT, Bộ TT&TT, Cục CNTT, Bộ GD&ĐT tổ chức. Cuộc thi được sự bảo trợ của Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT.
Sôi nổi và kịch tính Vòng chung kết
Đội HCMUS.Twice đã xuất sắc giành chức vô địch cuộc thi, đứng đầu bảng xếp hạng với hơn 6.900 điểm. Chiến thắng này thực sự xứng đáng, bởi HCMUS.Twice đã duy trì việc dẫn đầu trong suốt 8 giờ thi đấu căng thẳng.
Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng (ngoài cùng bên phải), Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TT&TT Nguyễn Thành Phúc (ngoài cùng bên trái) trao giải Nhất cho đội HCMUS.Twice |
Giải Nhì thuộc về 2 đội: đội NotEfiens (ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và đội AmongUs (ĐH FPT Hà Nội).
Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT Tô Hồng Nam và Phó Chủ tịch VNISA Vũ Quốc Thành trao giải Nhì cho hai đội NotEfiens và đội AmongUs |
Giải Ba thuộc về 3 đội: MSEC_ADC (Học viện Kỹ thuật Quân sự), Pawsitive (ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) và ISIT-DTU1 (ĐH Duy Tân).
GS. TS. Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện công nghệ BCVT và Trưởng Ban Giám khảo Vũ Quốc Khánh trao giải Ba cho 3 đội: MSEC_ADC, Pawsitive và ISIT-DTU1 |
Danh sách 10 điểm số của 10 đội đạt điểm cao nhất cuộc thi |
Vòng Chung khảo được bắt đầu từ 8h sáng hôm nay 28/11/2020 với sự có mặt của 10 đội Việt Nam xuất sắc nhất Vòng Sơ khảo (online tập trung) và 06 đội đại diện các nước ASEAN (online hoàn toàn) gồm Malaysia, Brunei, Myanmar, Singapore, Indonesia, Lào.
Đề thi Chung khảo được xây dựng theo cách thức đối kháng (tấn công và phòng thủ trực tiếp). Các đội thi trong thời gian 8 tiếng, với hình thức online hoàn toàn (với các đội ASEAN) và online tập trung (với các đội Việt Nam).
Luật chơi của đề vòng thi chung khảo được dựa trên thể thức KOTH (ft) AD. Các Daemon challenges được thiết kế phân bổ rải rác tương ứng với các châu lục (Á, Âu, Mỹ, Phi,…)
Cuộc thi được chia thành nhiều hiệp thi đấu, nhiệm vụ của các đội chơi là đánh chiếm các vùng đất (châu lục) thông qua khai thác lỗi của dịch vụ và submit flag tương ứng trong mỗi hiệp đấu; đồng thời bảo vệ các vùng đất đang chiếm đóng thông qua việc vá các lỗ hổng bảo mật của dịch vụ.
Về Hiệp thi đấu, 4 tiếng đầu: 10 phút/hiệp đấu có 24 hiệp; 2 tiếng tiếp theo: 5 phút/hiệp đấu, có 24 hiệp; 2 tiếng cuối cùng: 3 phút/hiệp đấu, có 40 hiệp. Như vậy, vòng thi chung khảo tổng cộng có 88 hiệp đấu.
Vòng chung khảo diễn ra kịch tính đến phút chót |
Ông Nguyễn Thế Đức, thành viên nhóm VNSecurity, đại diện bên ra đề thi cho biết, đề thi năm nay ở mức trung bình khá trở lên và rất ít bài ở mức độ dễ. Về mặt bằng chung, đề thi vòng Chung khảo khó hơn so với các năm trước. Bởi do xu hướng công nghệ ngày càng phát triển, kỹ thuật ngày càng mới và đa dạng, tổ ra đề đã áp dụng trong các Daemon và Jeopardy. Điều này đòi hỏi các bạn sinh viên phải tìm tòi và nắm bắt thông tin nhanh nhạy các công nghệ, hình thức tấn công mới.
Về chất lượng thí sinh, tôi nhận thấy sự thay đổi qua từng năm, chất lượng được cải thiện rất rõ ràng. Các bạn thí sinh các năm về sau rất giỏi và có khả năng làm được nhiều việc trong cộng đồng mạng Việt Nam.
Một cuộc thi ý nghĩa cho sinh viên ATTT, thúc đẩy nguồn nhân lực trình độ cao
Phát biểu tổng kết cuộc thi, ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết cuộc thi sinh viên với ATTT là cuộc thi truyền thống bắt đầu từ năm 2008, 5 năm đầu diễn ra theo hình thức gameshow nâng cao nhận thức ATTT trong giới sinh viên. Từ năm 2013, cuộc thi được nâng lên tầm cao mới với việc cuộc thi được tổ chức với độ khó tăng dần. Năm 2018, VNISA phối hợp với các đơn vị của Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT mở rộng cuộc thi ra ASEAN.
Phó Chủ tịch Vũ Quốc Thành: Các đội tham dự Vòng chung khảo là các đội thi xuất sắc. |
Cuộc thi năm nay bắt đầu từ tháng 8/2020. Trải qua 3 vòng thi (khởi động, sơ khảo chung khảo). Năm nay số đội tham dự cuộc thi đạt kỷ lục và đã tìm được các đội đạt điểm cao. Các đội tham dự Vòng chung khảo là các đội thi xuất sắc.
Thay mặt cho đơn vị đăng cai tổ chức, GS. TS. Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ BCVT đã chúc mừng các đội thi, các thí sinh đã hoàn thành xuất sắc cuộc thi sinh viên với ATTT ASEAN 2020.
GS. TS. Từ Minh Phương: Cuộc thi thúc đẩy nguồn nhân lực ATTT trình độ cao cho Việt Nam |
Theo GS. TS. Từ Minh Phương, trong thế giới kết nối, đảm bảo an ninh mạng là yếu tố sống còn để hiện thực hóa nền kinh tế số. Nguồn nhân lực an ninh chất lượng cao là điều kiện hàng đầu trong việc bảo đảm ATTT mạng. Cuộc thi sinh viên với ATTT ASEAN không chỉ là sân chơi lành mạnh, mở rộng giao lưu quốc tế cho sinh viên CNTT, ATTT trong khu vực mà còn thúc đẩy nguồn nhân lực ATTT trình độ cao cho Việt Nam.
Là đơn vị đào tạo luôn chủ động nắm bắt nguồn nhân lực của thị trường, GS. TS. Từ Minh Phương cho biết: Học viện Công nghệ BCVT đã mở ngành đào tạo kỹ sư ATTT từ năm 2013. Học viện cũng là 1 trong 8 trường đại học, học viện trong cả nước được Chính phủ chọn tham gia Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020 hay còn gọi là Đề án 99.
Trong thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức đào tạo nhân lực ATTT, theo GS. TS. Từ Minh Phương, Học viện đã tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ ATTT, phát triển cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu. Học viện đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi ATTT, thu hút đông đảo học viên, sinh viên tham gia. Sinh viên của Học viện cũng luôn được tạo điều kiện tham gia các cuộc thi liên quan đến ATTT trong và ngoài nước, nhằm chủ động trau dồi, cập nhật tri thức công nghệ hiện đại. Với thuận lợi về cơ sở vật chất, nguồn lực sẵn có, Học viện vinh dự được đóng góp vào thành công chung của cuộc thi.
Nguồn: ictvietnam.vn
Những khách hàng đầu tiên sử dụng VinaPhone 5G
Submitted by nlphuong on Fri, 27/11/2020 - 17:40Trong 2 ngày 26 - 27/11, Tập đoàn VNPT đã chính chức phát sóng thử nghiệm thương mại VinaPhone 5G tại Hà nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Ngay sau khi có giấy phép từ Bộ TT&TT về việc cho phép thử nghiệm thương mại 5G tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, Tập đoàn VNPT đã gấp rút triển khai lắp đặt trạm phát sóng tại nhiều khu vực trung tâm của 2 thành phố trên như khu vực Hồ Gươm - Quận Hoàn Kiếm, Phố đi bộ Nguyễn Huệ và trung tâm Quận 1- Tp. Hồ Chí Minh.
Trong ngày 26 và 27/11, những khách hàng đầu tiên đã được chính thức trải nghiệm VinaPhone 5G trên máy điện thoại của nhiều hãng, với tốc độ truy cập Internet di động lên đến hơn 1 Gbps, gấp hơn 10 lần tốc độ 4G hiện nay. Qua đó, VinaPhone cũng trở thành nhà mạng đầu tiên của Việt Nam phát sóng 5G đồng thời tại 2 thành phố lớn nhất cả nước.
Có mặt tại Hồ Gươm từ chiều ngày 27/11 để được trải nghiệm mạng di động 5G, anh Vũ Tuấn Hưng (phóng viên báo VnExpress) chia sẻ: "VinaPhone là nhà mạng đầu tiên của Việt Nam phát sóng 5G thương mại tại Hà Nội. Vì vậy, cộng đồng công nghệ của Thủ đô rất mong chờ sự kiện này."
Khách hàng trải nghiệm kết nối qua cục phát WiFi dùng SIM Vinaphone 5G |
Trong khi đó, tại khu vực 121 Pasteur TP Hồ Chí Minh, anh Hoàng Dũng cho biết: "Tốc độ VinaPhone 5G thực sự vượt trội. Có những thời điểm, tôi sử dụng ứng dụng đo và thấy tốc độ lên đến 1Gbps. Tôi rất mong chờ đến thời điểm VinaPhone phủ sóng 5G trên toàn thành phố để được trải nghiệm nhiều hơn."
Khách hàng đo thử tốc độ Vinaphone 5G tại TP. Hồ Chí Minh |
Thông tin từ nhà mạng VinaPhone cho biết, các Showroom trải nghiệm, trình diễn về công nghệ và ứng dụng của mạng 5G sẽ mở cửa đón khách tại Hà nội và TP. Hồ Chí Minh. Khách hàng sẽ được trải nghiệm thực tế các công nghệ, ứng dụng hiện đại nhất của mạng VinaPhone 5G như AR/VR, điều khiển robot, wifi 5G tốc độ cao, kết nối internet trong nhà thông qua 5G…và trải nghiệm tốc độ VinaPhone 5G trên nhiều loại máy điện thoại 5G thế hệ mới. Với người dùng có sẵn thiết bị hỗ trợ 5G, nhà mạng này sẽ công bố nhiều ưu đãi hấp dẫn để khách hàng có thể trải nghiệm và sử dụng 5G trong các khu vực đã được VinaPhone phủ sóng 5G.
Những nỗ lực của VinaPhone sẽ đóng góp cho Việt Nam sớm trở thành quốc gia tiếp theo trên thế giới phổ cập mạng 5G. Qua đó, mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực của đất nước như công nghiệp, công nghệ ô tô, y tế, chuyển đổi số,… Đặc biệt, bài toán về việc đưa Internet đến vùng sâu vùng xa cũng sẽ được giải quyết, khi tốc độ 5G có thể giúp thay thế Internet cáp quang.
ND
Ra mắt Câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp công nghiệp số Việt Nam
Submitted by nlphuong on Thu, 26/11/2020 - 17:26Đây là câu lạc bộ (CLB) đầu tiên chuyên về đầu tư khởi nghiệp công nghệ số tại Việt Nam, quy tụ các nhà đầu tư, các doanh nhân và tập đoàn lớn cùng các quỹ đầu tư công nghệ.
Hôm nay, 26/11/2020, CLB đầu tư khởi nghiệp công nghiệp số Việt Nam chính thức được ra mắt trong khuôn khổ Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia 2020 – Techfest 2020.
Lễ ra mắt CLB được kết hợp tổ chức cùng chuỗi sự kiện thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ số trong khuôn khổ Techfest 2020, diễn ra tại Hà Nội. Tham dự có ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN); ông Trần Thọ Đạt, Chủ tịch hội đồng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch CLB Đầu tư khởi nghiệp Công nghệ số Việt Nam cùng lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) CNTT thành viên của CLB.
Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng tham dự buổi Lễ ra mắt CLB |
Với mục đích thúc đẩy startup công nghệ số tại Việt Nam và góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã đưa ra sáng kiến thành lập CLB đầu tư khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam (Vietnam Digital Investor Club - VDI) với nòng cốt là các doanh nhân công nghệ, các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam.
Sáng kiến này xuất phát từ việc, VINASA nhận thấy một "khoảng trống" trong phong trào khởi nghiệp hiện nay, khi mà cả các quỹ đầu tư, nhà đầu tư đặt trọng tâm chú ý nhiều vào việc hỗ trợ về tài chính và năng lực kinh doanh chứ chưa chú ý nhiều đến việc bồi đắp năng lực và tư vấn/định hướng phát triển công nghệ.
Từ góc tiếp cận này, VDI định hướng đầu tư và tư vấn chuyên biệt cho các startup công nghệ và startup chưa ứng dụng công nghệ để Việt Nam phát triển lực lượng DN số ngày càng lớn mạnh, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng chính là điểm khác biệt của VDI so với các CLB đầu tư khác.
Xây dựng một CLB chuyên nghiệp hỗ trợ startup phát triển nhanh, mạnh và bền vững
Được biết, định hướng xây dựng một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, VDI sẽ tập trung vào 5 hoạt động chính: (1) Phát triển mạng lưới startup, tư vấn và đầu tư cho startup; (2) Đào tạo chuyên môn về đầu tư khởi nghiệp cho các thành viên; (3) Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm đầu tư; (4) Các hoạt động thường xuyên bao gồm: Café khởi nghiệp tổ chức 1 tháng/lần, Hội nghị Đầu tư 6 tháng/lần; (5) Nghiên cứu thành lập Quỹ đầu tư chuyên nghiệp (Định hướng đến năm 2022).
Trong giai đoạn đầu hoạt động, VDI dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của ít nhất 30 thành viên hoạt động tích cực cùng với sự định hướng và điều hành của 01 Chủ tịch, 03 Phó Chủ tịch phụ trách các mảng chuyên biệt và 01 Giám đốc điều hành thường trực. Cụ thể:
Chủ tịch CLB là ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch HĐSL Công ty Công nghệ Hồng Cơ, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ LienVietTech, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Phó Chủ tịch phụ trách đầu tư là ông Trần Hữu Đức, Tổng Giám đốc FPT Venture. Phó Chủ tịch phụ trách Công nghệ là ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA. Phó Chủ tịch phụ trách Kết nối là ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch VINASA, Giám đốc TFI. Giám đốc Điều hành thường trực CLB là ông An Ngọc Thao, Chánh Văn phòng VINASA.
Phát biểu tại Lễ gia mắt, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch CLB VDI cho biết: "Trong cách mạng 4.0, ai nhanh hơn sẽ thành công. Với sự ra mắt của CLB VDI, chúng tôi mong muốn trở thành một tổ chức năng động trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ trong nước và cả quốc tế. Các thành viên của VDI rất mạnh cả về công nghệ và quản trị, vì vậy, có thể phát huy các điểm mạnh này, chúng tôi kỳ vọng sẽ rút ngắn lộ trình khởi sự cho các DN non trẻ, để họ lớn nhanh, lớn mạnh và phát triển bền vững hơn".
Các đại biểu bấm nút ra mắt CLB |
Trong kế hoạch của CLB, ngoài các hoạt động tư vấn và đầu tư cho các startup, VDI mong muốn CLB sẽ tập trung vào 2 hoạt động là kết nối và chia sẻ giữa các nhà đầu tư – các startup - các quỹ đầu tư - các chuyên gia công nghệ - chuyên gia tài chính – chuyên gia quản trị - các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp…
Bên cạnh đó, VDI sẽ chú trọng đến việc bảo vệ bảo vệ bản quyền về trí tuệ về các ý tưởng cho các startup, đảm bảo các startup khi đến với VDI các ý tưởng về sản phẩm, giải pháp… đều được bảo vệ. Ngay trong giai đoạn trước mắt, các thành viên CLB cam kết cam kết đầu tư với mức ban đầu trên 6 triệu USD.
Cùng với việc ra mắt VDI, sẽ là các hoạt động khác thuộc Chuỗi sự kiện thúc đẩy Khởi nghiệp Công nghệ số trong khuôn khổ Techfest 2020, bao gồm 5 hoạt động chính: Hội nghị Nhu cầu - Thực trạng về đầu tư ICT tại Việt Nam 2020; Lễ ra mắt CLB Đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ số Việt Nam (Vietnam Digital Investors - VDI); Hội nghị thúc đẩy Khởi nghiệp Công nghệ Số Việt Nam 2020; Pitching cho các startup công nghệ số Việt Nam 2020 (đại diện các startup sẽ tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư trong CLB VDI) và Triển lãm Startup Công nghệ số Việt Nam.
Trao 54 Giải thưởng thành phố thông minh 2020
Submitted by nlphuong on Tue, 24/11/2020 - 21:1054 giải thưởng thành phố thông minh của 26 đơn vị, doanh nghiệp (DN) đã được trao trong khuôn khổ Giải thưởng Thành phố thông minh (TPTM) 2020.
131 đề cử trong 4 lĩnh vực
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) vừa trao 54 Giải thưởng TPTM 2020 cho các DN, tổ chức, đơn vị. Năm nay là năm đầu tiên Giải thưởng được tổ chức. Lễ Công bố và Trao Giải thưởng có sự tham dự của ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Văn Tùng, Thứ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng cho biết: "TPTM là sự lựa chọn thông minh duy nhất có thể giúp các thành phố quy hoạch, quản lý, điều hành thành phố hiệu quả, mang lại cuộc sống xanh, tiện ích, thịnh vượng, kết nối cho người dân và là bệ phóng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội".
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng, phát biểu tại Lễ trao Giải |
TPTM đang là xu hướng phát triển tất yếu của tất cả các thành phố trên thế giới nhằm tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh an toàn và tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế xã hội.
Chính phủ Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Hiện nay, trong khu vực, Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng TPTM với 3 trong số 26 thành phố thuộc mạng lưới TPTM ASEAN từ năm 2018, và hiện nay gần 40 địa phương tại Việt Nam đang triển khai xây dựng các TPTM.
Nhằm hưởng ứng và đồng hành với các chủ trương chính sách của Chính phủ, Giải thưởng TPTM Việt Nam 2020 được VINASA tổ chức. Sau hơn 1,5 triển khai, Giải thưởng đã nhận được 131 đề cử từ 73 đơn vị/DN tham gia.
Giải thưởng ghi nhận, tôn vinh, cổ vũ các DN, tổ chức, đơn vị đã và đang có những đóng góp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, Giải thưởng cũng khuyến khích các DN sáng tạo các sản phẩm giải pháp công nghệ tiên tiến, là kênh kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng và phát triển TPTM tại Việt Nam.
Giải thưởng TPTM cũng sẽ tạo ra nguồn động lực thúc đẩy các sáng tạo công nghệ song hành cùng các sáng tạo về cơ chế, chính sách giúp các thành phố nhanh chóng trở thành những thành phố có giá trị, có sức sống, sức cạnh tranh, và phát triển bền vững, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Giải thưởng được xét trao cho 4 lĩnh vực: Nhóm 1: Các đô thị; Nhóm 2: các dự án Bất động sản; Nhóm 3: Các khu công nghiệp; Nhóm 4: Các giải pháp công nghệ số cho TPTM.
Có 4 bộ tiêu chí được xây dựng để đánh giá riêng cho từng nhóm đối tượng xét Giải.
Giải pháp số là tâm điểm
Sau 3 vòng Sơ tuyển; Thuyết trình và thẩm định thực tế và Bình chọn chung tuyển, ngày 28/10/2020, Hội đồng Bình chọn do TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN làm Chủ tịch cùng hơn 23 chuyên gia đã thống nhất và lựa chọn được 54 đề cử từ 26 đơn vị/DN để trao Giải thưởng TPTM Việt Nam 2020, trong đó có:
- 4 Giải thưởng và 3 bằng khen dành cho nhóm các đô thị
- 2 Giải thưởng dành cho nhóm các dự án bất động sản
- 43 Giải thưởng dành cho các giải pháp số cho đô thị, bất động sản và bất động sản công nghiệp thông minh, trong đó có 8 giải pháp xuất sắc được xếp hạng 5 sao
- 5 Giải thưởng xuất sắc nhất được trao cho: Công ty CP FPT, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn BCVT VNPT, Công ty CP Vinhomes và đặc biệt là thành phố Đà Nẵng là đô thị duy nhất được trao Giải thưởng danh giá dành cho các đô thị.
Giải thưởng danh giá dành cho các đô thị |
Lĩnh vực Hạ tầng số cho TPTM xếp hạng 5 Sao được trao cho 02 giải pháp là: "Nền tảng tích hợp và xử lý dữ liệu FPT - FPT. Fortuna" của Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT; "VNPT IoT Platform" của Công ty CNTT VNPT thuộc Tập đoàn VNPT
Lĩnh vực Giải pháp Chính quyền số, giải pháp "Trung tâm điều hành thông minh (VNPT IOC)" của Công ty CNTT VNPT thuộc Tập đoàn VNPT được xếp hạng 5 Sao
Lĩnh vực Giải pháp ứng dụng cho Công dân/Cộng đồng thông minh xếp hạng 5 Sao thuộc về "Thẻ thông minh đa ứng dụng và Hệ sinh thái thẻ thông minh" của Công ty CP Tập đoàn MK.
Giải pháp An toàn thông tin (ATTT) duy nhất đạt 5 Sao được trao cho "Nền tảng điều hành An ninh mạng tập trung FPT.EagleEye mSOC" của Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT.
"Hệ sinh thái Giao thông thông minh Viettel (Viettel ITS - Intelligent Transport System)" của Tổng Công ty Giải pháp DN Viettel thuộc Tập đoàn Viettel xếp hạng 5 Sao về giải pháp giao thông thông minh.
Chương trình năm nay diễn ra trong bối cảnh xu hướng TPTM đang lan tỏa mạnh mẽ khắp thế giới và trở thành giải pháp cấp thiết để đối phó với các vấn đề đô thị hóa, đồng hành là hiệu ứng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang ngày càng thể hiện ảnh hưởng trên mọi lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam đã và đang có những hành động hết sức quyết liệt với những mục tiêu cụ thể. Trong bối cảnh chung ấy các DN phần mềm Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa những giải pháp và mục tiêu đó.
Cũng chính vì lý do này, "Giải thưởng dành cho các Giải pháp công nghệ số cho TPTM" là nhóm nhận được sự quan tâm nhiều nhất, tất cả 20 hạng mục đều có đơn vị tham gia đề cử, điều này phần nào thể hiện mức độ sẵn sàng của các DN công nghệ cho cuộc tăng tốc triển khai TPTM. Ngoài ra, Hội đồng cũng đã bình chọn ra được 8 sản phẩm, giải pháp 5 sao với tính năng xuất sắc nổi bật đáp ứng các khía cạnh của hệ sinh thái công nghệ cho TPTM.
Theo thống kê, riêng 43 giải pháp số cho TPTM từ 22 DN công nghệ được trao Giải thưởng lần này đã có tổng doanh thu trên 1.207 tỉ đồng với tổng số nhân lực là 59.405 người.
Theo kế hoạch, các Giải pháp số được trao Giải thưởng TPTM 2020 sẽ được Ban Tổ chức gửi thư giới thiệu, kết nối đến các tỉnh, thành phố, các khu đô thị, chủ đầu tư các dự án bất động sản, bất động sản công nghiệp, các DN và đối tác tiềm năng.
Các Giải thưởng TPTM 2020 sẽ được trưng bày trực tuyến trên website www.smartcitysummit.vn từ nay đến hết tháng 12/2020. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thể kết nối trực tiếp với các đơn vị cung cấp Giải thưởng trực tiếp tại gian hàng này.
ND
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở
Submitted by nlphuong on Wed, 18/11/2020 - 22:05Chiều nay (18/11), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam 2020 (Vietnam Open Summit 2020) với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia".
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia số vào năm 2030. Và năm 2020 được coi là điểm khởi đầu cho Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, khởi động cho một giai đoạn mới đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội.
Để thúc đẩy Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, ngày 18/11/2020, Bộ TT&TT đã tổ chức Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam 2020 theo hình thức trực tuyến với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia" hướng tới mục tiêu phát triển và làm chủ công nghệ số.
Đưa công nghệ số thâm nhập mọi ngõ ngách của đời sống xã hội bằng công nghệ mở
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "CNTT, công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trở thành không khí thở của chúng ta. Và vì thế, nó phải rẻ như không khí. Và cách để đạt được điều đó là công nghệ mở".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở Open RAN. Mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở |
Theo Bộ trưởng, công nghệ mở ngày nay không còn chỉ là mã nguồn mở nữa, mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở. Và đi cùng công nghệ mở là văn hóa mở. Tất cả chúng ta cùng đóng góp phát triển công nghệ, cùng chia sẻ sử dụng công nghệ. Và vì thế mà giá công nghệ sẽ rẻ đi. CNTT, công nghệ số đã trở thành nền tảng của kinh tế - xã hội.
Cũng theo Bộ trưởng, cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Nhưng tất cả các quốc gia đều lo lắng về an ninh mạng. Niềm tin sẽ số trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc di chuyển này. Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin này khi công nghệ họ sử dụng là công nghệ mở.
"Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng. Không còn như trước đây, chúng ta mua một "Black box" từ một quốc gia khác và phó mặc số phận của quốc gia mình cho một quốc gia khác. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ khi công nghệ là mở, nhất là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia. Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở Open RAN. Mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở", Bộ trưởng khẳng định.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng: "Sự sáng tạo vĩ đại nhất là sự sáng tạo của toàn dân. Và cũng chính sự sáng tạo này mới có thể giải quyết các vấn đề, các bài toán của từng cá nhân, từng tổ chức nhỏ và của từng quốc gia. Không một công ty nào, một tập đoàn đa quốc gia nào, dù qui mô to đến đâu, có thể giải quyết mọi bài toán, đáp ứng mọi nhu cầu thay đổi. Không ai có thể hiểu bài toán, vấn đề của mình hơn chính mình và vì thế, chúng ta sẽ là người tốt nhất để giải bài toán của mình. Sự sáng tạo toàn dân chỉ có thể xảy ra khi công nghệ là mở".
Để minh chứng, Bộ trưởng cho biết: Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều ứng dụng số Việt Nam, trong đó có Bluezone, CoMeet, đã được mở mã nguồn hoặc phát triển rất nhanh trên nền nguồn mở, đáp ứng các nhu cầu rất Việt Nam, góp phần chống dịch và đưa cuộc sống lên trạng thái bình thường mới.
Cũng theo Bộ trưởng, dữ liệu là dầu mỏ. Trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu, nhất là càng nhiều loại dữ liệu khác nhau thì cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. Người có dữ liệu và người tạo ra giá trị mới từ dữ liệu đó trong nhiều trường hợp không phải là một. Bởi vậy việc mở dữ liệu và dữ liệu mở là quyết định trong việc tạo ra giá trị mới cho người dân, cho đất nước. Bộ TT&TT đã ra mắt cổng quốc gia về mở dữ liệu data.gov.vn và hiện đã có trên 10.000 bộ dữ liệu.
Nghiên cứu sản xuất thiết bị dựa trên công nghệ mở, theo nhận định của Bộ trưởng, sẽ cho phép các DN công nghệ hợp tác, kết hợp sức mạnh của nhau để đi nhanh hơn, chuyên sâu hơn để công nghệ xuất sắc hơn. Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G, mặc dù xuất phát của chúng ta là thấp, rất ít người, cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được.
Hai DN công nghệ lớn của đất nước là Viettel và VinGroup, sau một thời gian độc lập phát triển công nghệ 5G, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT đã thống nhất hợp tác phát triển 5G theo chuẩn mở Open RAN. VinGroup tập trung làm phần vô tuyến - phần cứng, Viettel tập trung làm phần xử lý tín hiệu - phần mềm, và tích hợp thành sản phẩm thương mại. Sự hợp tác này đã đẩy nhanh tiến độ làm chủ thiết bị, cũng như kết hợp thế mạnh công nghệ của nhau để có được thiết bị 5G cạnh tranh quốc tế.
Ngoài ra, sự kết hợp này cũng cộng lại thị trường của hai tập đoàn để tạo ra một thị trường lớn hơn. Trong nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao thì thị trường có vai trò không kém gì công nghệ.
Với một nước đi sau như Việt Nam, theo Bộ trưởng, muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. "Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, DN tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại".
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở, không chỉ là cam kết mà đây còn là chiến lược của chúng ta. Không chỉ là chiến lược mà đây còn là chương trình hành động của chúng ta".
"Mỗi cơ quan, DN hãy nhận lấy cho mình một sứ mệnh, một bài toán và cam kết hành động. Cơ quan nhà nước hãy hành động để xây dựng chính sách, chiến lược. DN hãy hành động để phát triển các nền tảng. Các cơ sở đào tạo hãy hành động để nuôi dưỡng và phát triển cộng đồng", Bộ trưởng kêu gọi.
Việt Nam đang ở đâu trên bàn đồ phần mềm nguồn mở thế giới
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT chia sẻ mạng xã hội lớn nhất của giới lập trình viên trên thế giới Github có 40 triệu lập trình viên đang hoạt động. Nhiều lập trình viên không phải lập trình viên chuyên nghiệp, đang đóng góp vào phát triển phần mềm nguồn mở (PMNM). Trên Github đang lưu trữ 44 triệu kho mã nguồn mở. Trong năm 2019, 87 triệu yêu cầu cập nhật phần mềm trên Github và đặc biệt có 20 triệu vấn đề đã được giải quyết xong, tức là 20 triệu bài toán đã được giải quyết trên Github.
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Đường: PMNM mà còn là dữ liệu mở, là dữ liệu cấp quyền cho mọi người cùng sử dụng, truy cập, chia sẻ |
Về sử dụng PMNM trên thế giới, ngoài Mỹ, Trung Quốc là nước đứng thứ 2 về ứng dụng PMNM trong các nền tảng số, sản phẩm CNTT của mình. Việt Nam đứng trong top 20 thế giới và đứng thứ 3 trong ASEAN về sử dụng PMNM, sau Indonesia, Singapore. Về đóng góp cho cộng đồng PMNM thế giới, Việt Nam chưa lọt vào top 10. Trong top 10, khu vực Đông Nam Á có Indonesia đứng thứ 4 với mức tăng trưởng 42%.
Những con số này, theo ông Đường, nói lên rất nhiều về quy mô, chất lượng nguồn nhân lực lập trình viên của Việt Nam và khả năng làm chủ các dự án nguồn mở. Theo đó, chúng ta cần phấn đấu để Việt Nam vào top 10.
Ông Đường nhấn mạnh, PMNM không phải đơn giản là một trào lưu, một xu thế, đặc biệt đối với các tập đoàn công nghệ lớn. Trong nhiều năm, Microsoft gần như đối nghịch với cộng đồng nguồn mở và bây giờ Microsoft đã tuyên bố là công ty nguồn mở, đánh dấu bằng một động thái là năm 2018 Microsoft đã mua lại Github, trị giá 7,4 tỷ USD và đã đầu tư thêm, phát triển thêm cộng đồng này, thậm chí rất nhiều nền tảng nguồn mở của Microsoft như Windows được tích hợp thêm các nhân mã mở. IBM năm 2019 đã mua Redhat năm 2019 với giá 34 tỷ USD để đưa nền tảng đám mây nghiêng hẳn về phía nguồn mở, công nghệ mở. Rồi các tập đoàn lớn như Google, Facebook… đang là những tập đoàn dẫn dắt cộng đồng nguồn mở hiện nay.
PMNM với các ưu việt là tự do sử dụng, tự do sao chép, chỉnh sửa, tự do phân phối, chia sẻ… Đồng thời, PMNM cũng được sử dụng nhiều để tránh vi phạm sở hữu trí tuệ, bản quyền, cửa hậu, cài cắm phần mềm gián điệp... Ngoài ra, PMNM còn tiết kiệm chi phí, huy động các nguồn lực của cộng đồng, cả cộng đồng quốc tế, làm chủ toàn bộ quy trình phát triển sản phẩm, đào tạo phát triển đội ngũ…
Ngày nay, xu hướng mở không còn chỉ là PMNM mà còn là dữ liệu mở, là dữ liệu cấp quyền cho mọi người cùng sử dụng, truy cập, chia sẻ có định dạng mở để người và máy cùng có thể đọc được. Việc này, theo ông Đường, giúp cho công khai, minh bạch, kích thích sáng tạo và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cũng như tăng khả năng dự báo, giảm thiểu thảm hoạ.
Đề xuất phát triển cộng đồng ở tập trung 3 trụ cột
Trước những cơ hội PMNM mang lại, ông Đường cho rằng, hiện nay chính sách của Việt Nam để phát triển PMNM không đi sau. Vấn đề là cần phải thúc đẩy thực thi. Theo đó, định hướng phát triển PMNM tập trung vào 3 trụ cột chính là: Hệ sinh thái mở "Make in Vietnam", thúc đẩy văn hoá mở, phát triển cộng đồng mở.
Theo ông Đường, cần thúc đẩy việc thực thi chính sách, ưu tiên sử dụng các sản phẩm, nền tảng số, ứng dụng chuẩn mở, nguồn mở, đánh giá và ra mắt các nền tảng số ứng dụng công nghệ mở, khuyến khích các chuẩn kết nối mở, định dạng dữ liệu mở để sử dụng trong các cơ quan nhà nước.
Trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, cần có các dự án, đề tài lớn nghiên cứu PMNM đi vào thực chất, trong đó có các tiêu chí đánh giá thực chất, như tiêu chí tham gia cộng đồng mở thế giới như Github, nghĩa là 1 dự án, đề tài nguồn mở thì phải đưa được lên Github để có được những đánh giá. Hoặc việc học tập, giảng dạy PMNM cũng phải được đánh giá thông qua việc tham gia đóng góp vào các cộng đồng PMNM quốc tế.
Ông Đường cho rằng, để phát triển hệ sinh thái công nghệ mở, các DN công nghệ đặc biệt các DN công nghệ lớn phải làm gương cùng với các startup. "Chúng ta có nhiều tiềm năng chúng ta phải thúc đẩy phát triển các nền tảng mở".
Về phát triển cộng đồng PMNM, cần thúc đẩy văn hóa mở với sự tham gia của cộng đồng các trường ĐH, DN công nghệ, và sự tham gia đo lường của cộng đồng thế giới như Github hay các mạng xã hội khác.
Để thúc đẩy PMNM tại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch CLB PMNM VFOSSA đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần định nghĩa và duy trì luật chơi thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích/áp đặt ứng dụng công nghệ mở cho hệ thống công; Ban hành, cập nhật tiêu chuẩn mở; Công bố các nguồn dữ liệu mở của Nhà nước.
Trong khi đó, các DN lớn cần dẫn dắt cuộc chơi trong từng lĩnh vực ("sếu đầu đàn"); Lôi kéo, tạo sân chơi sáng tạo cho các DN nhỏ và vừa (SME); Gương mẫu trong tuân thủ nguồn mở, đóng góp trở lại cho cộng đồng. Các SME phát huy lợi thế linh hoạt, sắc sảo trong sử dụng công nghệ mở đi đầu ứng dụng công nghệ mở để tạo ra các dịch vụ mới.
10 chương trình hành động năm 2021 của Diễn đàn
Qua các đề xuất của đại diện các đơn vị tham gia trình bày, ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận. Thay mặt Ban Tổ chức Diễn đàn, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa đã tuyên bố Chương trình hành động năm 2021 của Diễn đàn gồm:
Phó Cục trưởng Đỗ Công Anh công bố 10 chương trình hành động của Diễn đàn |
1. Xây dựng và trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ mở để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
2. Ban hành các tiêu chí, tiến hành đánh giá, công bố và khuyến nghị việc sử dụng phần mềm, nền tảng công nghệ mở.
3. Hoàn thành nền tảng điện toán đám mây Chính phủ trên nền tảng Open Stack (Giai đoạn 1).
4. Công bố nền tảng mở cho camera thông minh, cho phép cộng đồng xây dựng ứng dụng chạy trên nền tảng camera thông minh.
5. Làm chủ công nghệ 5G dựa trên công nghệ mở OpenRan. Xây dựng và phát triển cộng đồng OpenRan tại Việt Nam lớn mạnh và có dấu ấn đóng góp vào sự phát triển của OpenRan trên thế giới.
6. Thiết lập nền tảng mở cho AI Việt Nam bằng việc chia sẻ các nghiên cứu khoa học, mã nguồn, mô hình đã được huấn luyện và các bộ dữ liệu mở (đặc biệt các dữ liệu đặc thù của Việt Nam) phục vụ AI.
7. Nghiên cứu, xây dựng nền tảng VnEdu-Blockchain và thí điểm ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục.
8. Mở rộng phạm vi hoạt động của CLB PMNM Việt Nam để thúc đẩy phát triển của cộng đồng công nghệ mở.
9. Xây dựng Trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ mở (OpenTech Center of Excellences).
10. Xây dựng Cổng công nghệ mở GovTech cho Việt Nam.
Bộ TT&TT có tân Thứ trưởng thế hệ 8x
Submitted by nlphuong on Wed, 18/11/2020 - 07:28Bộ TT&TT đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT làm Thứ trưởng Bộ TT&TT từ ngày 16/11/2020.
Chiều ngày 17/11/2020, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Huy Dũng làm Thứ trưởng Bộ TT&TT. Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng đã trao quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ TT&TT cho đồng chí Nguyễn Huy Dũng.
Tại buổi lễ, Bộ TT&TT đã công bố Quyết định số 1818/QĐ-TTg ngày 16/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa giữ chức Thứ trưởng Bộ TT&TT. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao quyết định bổ nhiệm cho đồng chí Nguyễn Huy Dũng |
Tân Thứ trưởng là cán bộ trẻ 8x có phẩm chất tốt, được đào tạo bài bản, khát khao cống hiến
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chúc mừng đồng chí Nguyễn Huy Dũng đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ TT&TT.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hôm nay là ngày vui của cả ngành TT&TT, đặc biệt là giới CNTT, bởi đã rất lâu rồi Bộ TT&TT mới có một Thứ trưởng xuất phát từ chuyên ngành về CNTT.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng là cán bộ phẩm chất tốt, có nhiều khát vọng cống hiến, được đào tạo bài bản |
Lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số, công nghệ số... đang là lĩnh vực trọng tâm của đất nước. Trong nhiệm kỳ 5 năm tới và tầm nhìn đến 2045, Việt Nam muốn trở nên hùng cường, thịnh vượng phải dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó công nghệ số chiếm vai trò quan trọng. Do vậy, ngành TT&TT rất cần đến những cán bộ được đào tạo một cách bài bản theo đúng chuyên ngành.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc bổ nhiệm Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thể hiện niềm tin và sự đánh giá cao của Đảng. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng hiện là Thứ trưởng 8x duy nhất của Việt Nam.
Khi đề xuất bổ nhiệm Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, nhiều người băn khoăn vì tuổi đời của đồng chí còn trẻ, lại nhận vị trí cấp trưởng chưa được 2 năm. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Huy Dũng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao trọng trách. Điều đó cho thấy sự tin tưởng của Đảng và Chính phủ đối với Bộ TT&TT, lãnh đạo Bộ và cá nhân Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngành TT&TT sẽ có nhiều cán bộ trẻ trưởng thành từ đây. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong lịch sử Bộ chưa khi nào trong Ban cán sự Đảng có đủ 3 thế hệ.
Đánh giá về Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là một cán bộ trẻ, phẩm chất tốt và có nhiều khát vọng cống hiến, học giỏi và được đào tạo bài bản.
Bộ TT&TT là một trong những bộ đi đầu về việc ra tiêu chuẩn về thành tích, mà phải là thành tích xuất sắc. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng rất ý thức về việc phải chọn những lãnh đạo cấp cao từ những người có uy tín trong giới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công việc của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng sẽ rất nặng nề bởi nhiều bộ, ngành đang coi chuyển đổi số như một lời giải để thúc đẩy lĩnh vực của mình. Với nhiệm vụ dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, trách nhiệm của Bộ TT&TT và Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng vì thế sẽ rất lớn.
Bởi có tuổi đời còn trẻ, nhiều người sẽ kỳ vọng và đặt dấu hỏi vào Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, do vậy, bản thân tân Thứ trưởng cần phải thể hiện tốt hơn.
Bộ trưởng cho biết: "Làm người lãnh đạo phải có phẩm chất, hay cái đức lớn. Cái đức trong thời đại mới là người có khát vọng, tinh thần phụng sự, dám hy sinh thân mình vì sự phát triển của đất nước".
Ngoài cái đức lớn, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, người lãnh đạo phải có được những thành tựu xuất sắc nhìn thấy được. Đó là tạo cho ngành, cho lĩnh vực sự phát triển đột phá, thông qua những giải pháp biến việc khó thành việc dễ, giúp đất nước mình đi nhanh hơn các nước khác và thay đổi được thứ hạng Việt Nam.
Gửi gắm kỳ vọng vào tân Thứ trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng làm rõ và đặt ra mục tiêu cao hơn nữa cho lĩnh vực của mình bởi CNTT sẽ góp phần làm tăng tốc độ phát triển của đất nước.
Đặc biệt, Bộ trưởng mong muốn Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phải tìm ra những giải pháp độc đáo để đất nước phát triển nhanh, tìm ra cách tiếp cận để biến việc khó thành việc dễ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thông qua công việc của mình, người lãnh đạo phải có uy tín trong anh em, từ đó mới huy động được các nguồn lực khác trong xã hội, nhằm xây dựng hệ thống của Ngành trong toàn quốc. Các đơn vị trong Bộ cần mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ, có như vậy thì nhân viên mới phát triển và tạo ra được đội ngũ lãnh đạo kế cận. Bên cạnh đó, cần ủng hộ cho những cán bộ trẻ có tinh thần làm việc vì dân, vì nước.
Bộ trưởng chúc Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng có thật nhiều sức khỏe, niềm vui, nhiều năng lượng để hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, đất nước và Bộ, Ngành đã giao phó.
Làm việc vì sứ mệnh làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ công nghệ
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Huy Dũng, tân Thứ trưởng Bộ TT&TT đã cảm ơn sự tin tưởng, tín nhiệm của các thế hệ Lãnh đạo Bộ, các cán bộ trong Ngành, trong Bộ, các cán bộ Cục An toàn thông tin (ATTT), Cục Tin học hoá.
Tân Thứ trưởng nhấn mạnh: "Ngày hôm nay là một dấu mốc mới trong quá trình công tác của tôi. Khi còn đi học, tôi đã rất xúc động mỗi lần đứng chào cờ và hát quốc ca. Lớn lên khi trở thành sinh viên và đi học ở nước ngoài, trong tôi luôn thôi thúc khát vọng muốn về nước để làm việc".
Theo Tân Thứ trưởng, "Trở thành một công chức, tôi có thể đóng góp được nhiều hơn và bởi cơ quan nhà nước cần nhiều công chức được đào tạo bài bản ở nước ngoài, lớn lên trong thời kỳ hội nhập. Vì vậy, sinh ra và lớn lên trong gia đình hết sức bình dân nhưng tôi sẵn sàng từ bỏ mức lương cao khi làm việc ở nước ngoài để trở về và trở thành một công chức nhà nước. Đến nay đã 13 năm đã trôi qua, tôi đã may mắn có những người thủ trưởng và các đồng nghiệp tốt giúp tôi học hỏi được rất nhiều".
Tân Thứ trưởng cũng bày tỏ, trong suốt quá trình công tác đã được trực tiếp làm việc với nhiều lãnh đạo Bộ, được tiếp xúc với hàng trăm đồng nghiệp từ trung ương đến địa phương, hàng nghìn anh chị em ở các doanh nghiệp và học hỏi được rất nhiều.
"Những tri thức học hỏi được từ mọi người đã ánh xạ vào tôi và giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian vừa qua, cũng như giúp tôi vững tin hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian tới", tân Thứ trưởng cho biết.
Nhân dịp này, tân Thứ trưởng cũng cảm ơn các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đồng nghiệp, đặc biệt tân Thứ trưởng cảm ơn nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng là người giản dị, khiêm cung, điềm tĩnh đã đào tạo tân Thứ trưởng trở thành một công chức nhà nước; nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, người trực tiếp lãnh đạo lĩnh vực CNTT, ATTT.
Tân Thứ trưởng cũng cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, người mà tân Thứ trưởng học hỏi được rất nhiều điều, đó là làm lãnh đạo phải có tầm nhìn, bằng những việc cụ thể như tầm nhìn phát triển thiết bị 5G, chuyển đổi số.
Với tầm nhìn này, theo tân Thứ trưởng, Việt Nam đã khởi động tiến trình cùng nhịp với những nước nhanh nhất trên thế giới và ở một số khía cạnh Việt Nam còn là nước đi đầu, ví dụ như Việt Nam ban hành chương trình chuyển đổi số không chậm so với bất cứ quốc gia nào khác. Cụ thể, Việt Nam đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào tháng 6/2020 với 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số và đang triển khai theo hướng này. Sau đó, tháng 10/2020, Singapore cũng định nghĩa Singapore là quốc gia thông minh với 3 trụ cột này.
Từ tấm gương của Bộ trưởng, tân Thứ trưởng cho biết đã hiểu trách nhiệm phụng sự đất nước, và đặc biệt là có niềm tin sâu sắc về sứ mệnh dùng công nghệ để đưa Việt Nam trở nên hùng cường và thịnh vượng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng vừa là người thủ trưởng nghiêm khắc, vừa là người anh chân thành và cũng là người anh khó tính.
Tân Thứ trưởng cũng chia sẻ một câu nói tâm đắc mà trên cương vị mới tiếp tục thực hiện là "người làm việc công lúc nào cũng phải như mổ con cá nhỏ, như đang cõng một hòn đá to", nghĩa là người làm quản lý nhà nước, làm chính sách phải thận trọng, tỉ mỉ từng chi tiết và có trách nhiệm lớn.
Tân Thứ trưởng cam kết luôn làm việc với tinh thần "một lòng một dạ làm việc cần cù vì sứ mệnh đưa công nghệ vào mọi ngõ ngách của cuộc sống và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ công nghệ".
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng là cựu học sinh Khối phổ thông chuyên Toán Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, cựu sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội. Khi đang là sinh viên tại ĐH Bách Khoa, đã nhận học bổng toàn phần sang học chuyên ngành CNTT tại Trường ĐH NTU, Singapore. Đồng chí là một trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu nhận Giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2010 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng có quá trình công tác 13 năm tại Bộ TT&TT (trước đó là Bộ Bưu chính, Viễn thông), lần lượt trải qua các vị trí: Chuyên viên, Phó Trưởng phòng, hàm Trưởng phòng, Thư ký Lãnh đạo Bộ, Phó Cục trưởng Cục ATTT, Cục trưởng Cục ATTT và Cục trưởng Cục Tin học hoá. Đồng chí Nguyễn Huy Dũng đã tham gia nghiên cứu, tham mưu, chủ trì biên tập và tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam, trong đó, tiêu biểu là Luật ATTT mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong giai đoạn 2017 - 2019, Việt Nam đã cải thiện 50 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu về an toàn, an ninh mạng do Liên hợp quốc đánh giá, từ thứ 100 lên thứ 50. Đồng chí Nguyễn Huy Dũng cũng là người tham mưu, chủ trì biên tập và tổ chức triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. |
Nguồn: ictvietnam.vn
Nhà mạng hỗ trợ gói cước di động, Internet cho người dân miền Trung
Submitted by nlphuong on Wed, 28/10/2020 - 08:30Bão chồng bão, lũ chồng lũ, đó là những gì mà miền Trung đang phải gánh chịu trong hơn nửa tháng qua. Hướng về miền Trung thương yêu, VinaPhone triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho khách hàng tại khu vực mưa lũ.
Từ đầu tháng 10, miền Trung đã phải hứng chịu 2 cơn bão lớn liên tiếp, kéo theo đó là những đợt mưa lũ, lở đất thảm khốc. Những mất mát, thiệt hại về người và của là không thể đo đếm.
Mong muốn chia sẻ một phần gánh nặng với người dân miền Trung, nhà mạng VinaPhone đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ dành cho khách hàng tại 5 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.
Theo đó, các thuê bao di động VinaPhone nằm trong vùng chịu ảnh hưởng nặng của 5 tỉnh trên sẽ được cộng 500 phút thoại trong nước và 30 GB dữ liệu (data) sử dụng trong 30 ngày, kể từ ngày nhận ưu đãi.
Qua chính sách hỗ trợ trên, VinaPhone hy vọng nhân dân vùng mưa lũ có thể thuận tiện kết nối với người thân, kịp thời cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhà mạng sẽ gửi tin nhắn xác nhận đến khách hàng sau khi cộng ưu đãi thành công.
Đối với các hộ gia đình, đơn vị đang sử dụng dịch vụ Internet băng rộng cố định hoặc gói cước tích hợp Internet và Truyền hình MyTV/di động, nhà mạng VinaPhone sẽ áp dụng những chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện từng địa bàn.
Cụ thể, khách hàng sẽ được hỗ trợ thay mới thiết bị kết nối ONT, STB trong trường hợp bị hỏng do mưa lũ. Tại những địa bàn bị ngập sâu và mất điện, không thể sử dụng dịch vụ, khách hàng sẽ được áp dụng chính sách tạm ngưng không hủy dịch vụ. Khi tạm ngưng, khách hàng được bảo lưu tiền cước và số ngày sử dụng còn lại trong kỳ cước đó.
Nhân viên VNPT đi thay thiết bị cho khách hàng |
Ngoài ra, VinaPhone còn thực hiện chính sách tặng tháng cước dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng dịch vụ băng thông rộng cố định tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, nhưng vẫn có thể truy nhập mạng. Với trường hợp thanh toán trước cước, khách hàng được kéo dài thời hạn sử dụng gói cước thêm 1 tháng. Trong khi đó, những khách hàng chọn trả cước tháng sẽ được miễn phí cước tháng 10.
Đại diện VinaPhone chia sẻ: "Nhà mạng đang khẩn trương rà soát, lập danh sách những khách hàng bị ảnh hưởng nặng trong đợt mưa bão vừa qua để nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ. Với sự quan tâm, góp sức của cả đất nước, chúng tôi hy vọng người dân miền Trung sẽ sớm vượt qua những khó khăn, mất mát để dần ổn định cuộc sống".
Nhanh chóng xử lý khắc phục hậu quả sau lũ đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân |
Trước đó, Tập đoàn VNPT (Đơn vị chủ quản của VinaPhone) đã ủng hộ 10 tỷ đồng cho 5 tỉnh miền Trung chịu hậu quả nặng nhất của mưa bão. Số tiền này do toàn thể CBCNV của Tập đoàn VNPT chung tay đóng góp, mỗi người một ngày lương.
Không chỉ vậy, nhiều đơn vị thành viên của VNPT tại miền Trung cũng đã thiết lập các điểm phục vụ người dân sạc nguồn điện thoại, đèn pin dự phòng, tu sửa làm sạch thiết bị viễn thông, chăm sóc khách hàng sau lũ và tham gia cung cấp, phân phối nhu yếu phẩm tới bà con, giúp dân vệ sinh nhà cửa, v.v..
Bưu điện ủng hộ đồng bào miền Trung hơn 6,5 tỉ đồng
Submitted by nlphuong on Sun, 25/10/2020 - 08:08Tính chung đến nay, bằng nhiều hình thức như vận chuyển hàng hóa, tiền mặt, quà tặng, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đã ủng hộ đồng bào miền trung gần 6,5 tỉ đồng.
Tổng công ty BĐVN (Vietnam Post) vừa bổ sung Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vào danh sách các tổ chức tiếp nhận hàng cứu trợ tại các tỉnh miền Trung qua hệ thống bưu điện.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân trên toàn quốc có thể đến các điểm phục vụ của BĐVN để gửi hàng cứu trợ cho đồng bào miền Trung đến nơi tiếp nhận là: Hội Chữ thập đỏ, Mặt Trận tổ quốc, UBND, Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cấp tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh.
Tính đến ngày 23/10, BĐVN đã tiếp nhận và chuyển phát miễn phí gần 70 tấn hàng cứu trợ từ khắp 63 tỉnh thành phố. Giá trị cước vận chuyển tương đương gần 4,3 tỉ đồng. Dự kiến trong những ngày tới, số lượng hàng cứu trợ chuyển phát qua bưu điện sẽ tiếp tục tăng nhanh.
Những chuyến xe hối hả chở hàng cứu trợ đến đồng bào miền Trung |
Các cán bộ bưu điện vận chuyển hàng hóa đến bà con vùng lũ |
Bưu điện Việt Nam tặng quà cho người dân Quảng Trị |
Với tinh thần ưu tiên chuyển phát toàn bộ số hàng hóa, bưu phẩm đến Hội Chữ thập đỏ, Mặt Trận tổ quốc, UBND, Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, BĐVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác, tăng cường phương tiện vận chuyển để hàng hóa đến sớm nhất với đồng bào vùng lũ.
Con số này chắc chắn sẽ còn gia tăng nhiều hơn nữa trong những ngày tới khi đơn vị này tiếp tục tăng cường chuyển phát miễn phí hàng cứu trợ và phát động các chương trình ủng hộ vật chất, tiền, nhắn tin ủng hộ miền Trung trên toàn mạng lưới.