Syndicate content

Chuyển động ngành

Đón đầu bùng nổ nội dung số tại Việt Nam

Tóm tắt: 

"Với sự hỗ trợ về kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ từ NTT Communications Corporation, GDS đã triển khai cung cấp dịch vụ “đám mây” nhằm đón đầu sự “bùng nổ” của ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam...”.

(ICTPress) - "Với sự hỗ trợ về kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ từ NTT Communications Corporation, GDS đã triển khai cung cấp dịch vụ “đám mây” nhằm đón đầu sự “bùng nổ” của ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam trong thời gian tới”.

“Điện toán đám mây đang định hình lại việc xây dựng một trung tâm dữ liệu cho kỷ nguyên số hóa của Google, YouTube, Facebook, Twitter, game online và điện thoại thông minh (smartphone). Bởi vậy, với sự hỗ trợ về kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ từ tập đoàn viễn thông hàng đầu châu Á NTT Communications Corporation của Nhật Bản, GDS đã triển khai cung cấp dịch vụ “đám mây” nhằm đón đầu sự “bùng nổ” của ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam trong thời gian tới”. Đó là chiến lược phát triển mà Tổng Giám đốc công ty GDS Koichiro Otaki tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Kimiakia Matsuzaki cùng đoàn cán bộ của Văn phòng Chiến lược CNTT toàn cầu thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản tại Trung tâm Dữ liệu Thăng Long (Thang Long Data Center) của GDS chiều qua tại Hà Nội.

Thứ trưởng Kiamiakia Matsuzaki đánh giá cao môi trường CNTT tiên tiến của liên doanh GDS, đặc biệt là việc triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu Thăng Long.

Cùng nhận định với ông Koichiro Otaki, Văn phòng Chiến lược CNTT Toàn cầu Nhật Bản khẳng định điện toán đám mây đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thông minh và tiết kiệm chi phí hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để sử dụng những tiện ích này khi nhiều hãng viễn thông nước ngoài thờigian qua liên tục giới thiệu về công nghệ điện toán đám mây của họ tại Việt Nam như Microsoft, IBM, Cisco Systems...

Chính phủ Nhật Bản đang đẩy mạnh phát triển nhiều lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam. Bởi vậy, sự hiện diện của các trung tâm dữ liệu mang thương hiệu Nhật Bản như Thăng Long Data Center sẽ là một điểm nhấn trong bức tranh hợp tác phát triển ICT Việt Nam - Nhật Bản, Thứ trưởng Kiamiakia Matsuzaki cho biết.

Tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã ấn tượng với hệ thống bảo vệ an toàn, an ninh dữ liệu với 4 lớp từ ngoài vào trong, hệ thống máy nổ công suất lớn, UPS đảm bảo trung tâm dữ liệu luôn hoạt động ổn định ngay cả trong những ngày nguồn điện lưới bị cắt luôn phiên trong khu vực của Thang Long Data Center.

GDS là liên doanh giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn NTT Communications Corporation Nhật Bản được thành lập 3/2008. GDS chuyên cung cấp các dịch vụ Data Center đạt tiêu chuẩn quốc tế TIER-III (TIA-942) bao gồm: cho thuê chỗ đặt máy chủ, Managed Service, dịch vụ kết nối, khôi phục thảm họa (DR), dịch vụ đám mây (IaaS&SaaS)… cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

HH

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Cisco Việt Nam thay Tổng Giám đốc

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Ông Nguyễn Trường Sinh sẽ đảm nhận cương vị Tổng Giám đốc thay ông Lee Chiang Toh - người đã điều hành hoạt động của Cisco Systems Việt Nam trong hơn 2 năm qua.

(ICTPress) - Cisco vừa chính thức công bố bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Cisco tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Trường Sinh. Ảnh: Cisco.

Theo đó, ông Nguyễn Trường Sinh sẽ đảm nhận cương vị Tổng Giám đốc thay ông Lee Chiang Toh - người đã điều hành hoạt động của Cisco Systems Việt Nam trong hơn 2 năm qua.

Trước khi gia nhập Cisco, ông Sinh đã đảm nhiệm cương vị Giám đốc bộ phận kinh doanh thiết bị mạng và Phó Tổng Giám đốc Motorola Việt Nam trong hơn 10 năm.

Được biết, ông Sinh đã tốt nghiệp Thạc sỹ quản trị kinh doanh tại trường London Business School (Anh), có bằng cử nhân kỹ sư viễn thông tại trường đại học Kỹ thuật và Công nghệ Cộng hòa Séc tại thủ đô Praha.

Ông cũng đã hoàn thành khóa học về quản lý tại Graduate School of Business, Chicago (Mỹ) vào năm 2002.

Lê Nguyên

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Số thuê bao di động tại Mỹ lần đầu tiên vượt số dân

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông Vô tuyến Mỹ vừa công bố dữ liệu điều tra cho thấy số lượng thuê bao di động tại Mĩ lần đầu tiên vượt qua số dân, đưa mật độ sử dụng lên 103,9%.

(ICTPress) - Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông Vô tuyến Mỹ (CTIA) vừa công bố dữ liệu điều tra cho thấy số lượng thuê bao di động tại Mỹ lần đầu tiên vượt qua số dân, đưa mật độ sử dụng lên 103,9%.

Số thuê bao di động tại Mỹ đã đạt 327,6 triệu. Ảnh minh họa (Nguồn: AP)

"Bản điều tra nửa đầu năm 2011 của CTIA cho thấy người Mĩ rất say mê với di động, họ không ngừng theo sát các thiết bị và dịch vụ tiên tiến nhất trên thế giới. Rõ ràng, chúng ta đang sử dụng mạng di động nhiều hơn mỗi ngày, và các chuyên gia đều thống nhất cho rằng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng vọt lên 50 lần trong 5 năm tới. Đó là lý do tại sao các thành viên CTIA cần nhiều phổ tần hơn", Steve Largent, Chủ tịch CTIA nói.

Dưới đây là một số điểm đáng lưu ý trong bản điều tra ngành công nghiệp di động Mĩ từ tháng 1 đến tháng 6/2011:

- Số thuê bao di động: 327,6 triệu - tăng 9% kể từ giữa năm 2010. Số thuê bao vào năm 1985 là 203.600.

- Lưu lượng dữ liệu qua mạng di động: 341,2 tỉ MB, hơn gấp đôi so với hồi giữa năm 2010 (161,5 tỉ MB)

- Hóa đơn trung bình hàng tháng của một thuê bao còn 47 USD, giảm liên tục trong 2 lần điều tra gần nhất. Hóa đơn trung bình hồi tháng 6/1988 là 95 USD, sau đó giảm liên tục xuống 49,88 USD vào tháng 6/1998 và kể từ đó dao động trong khoảng 45-49USD.

- Số điện thoại thông minh và PDA có kết nối di động: 95,8 triệu - tăng 57% kể từ giữa năm 2010

- Số lượng máy tính bảng và MTXT có kết nối di động: 15,2 triệu, tăng 17% so với giữa năm 2010.

Từ 6/2010 đến 6/2011, ngân sách đầu tư hàng năm của các nhà cung cấp dịch vụ là thành viên của CTIA tăng 28% lên 27,5 tỉ USD. Các nhà cung cấp dịch vụ không tăng mạnh đầu tư, song họ đã đạt kỉ lục 164,6 tỉ USD doanh thu trong 12 tháng (kết thúc vào 30/6), tăng 6% so với kì 12 tháng trước đó.

Điều tra cũng cho biết hiện đã có trên 250.000 trạm phát sóng di động tại Mỹ.

Bảo Lê

(Theo NetworkWorld)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

SMS sắp hết thời

Tóm tắt: 

Tại sao người dùng lại chấp nhận mất tiền khi gửi SMS, trong khi họ có thể sử dụng email và nhiều phương tiện giao tiếp điện tử miễn phí khác?

Tại sao người dùng lại chấp nhận mất tiền khi gửi SMS, trong khi họ có thể sử dụng email và nhiều phương tiện giao tiếp điện tử miễn phí khác?

Ngày càng có nhiều cách để tránh phải trả phí SMS, chẳng hạn như dùng Skype cho phép mọi người nói chuyện với nhau mà không phải phụ thuộc vào một đường dây điện thoại nào. Các nhà phân tích cho rằng, với đà này, lợi nhuận thu từ SMS của nhà mạng sẽ bị cắt xén đến bằng 0.

Mới đây, Apple dự định giới thiệu dịch vụ mới là iMessage, cho phép người dùng iPhone gửi tin nhắn, ảnh, video cho những người dùng iPhone khác qua Wi-Fi hoặc qua kết nối dữ liệu di động. Dịch vụ này là một phần trong bản cập nhật hệ điều hành iOS của Apple. Nó sẽ tự động xử lý các tin nhắn được gửi từ người dùng iPhone, iPad và iPod Touch.

Craig Moffett, nhà phân tích viễn thông của hãng Sanford C. Bernstein, cho rằng xu thế này thực sự đáng lo ngại cho các nhà mạng, bởi "chúng đang xâm phạm vào mô hình kinh doanh thu lợi nhuận chủ yếu từ những dịch vụ có phí cao và cần băng thông thấp, như SMS".

Hơn 2 nghìn tỷ tin nhắn SMS được gửi đi mỗi năm tại Mỹ, mang lại hơn 20 tỷ USD doanh thu cho ngành công nghiệp viễn thông. Chỉ riêng hãng Verizon Wireless đã thu về đến 7 tỷ USD/năm doanh thu SMS, chiếm 12% tổng doanh thu của công ty, ông Moffett cho biết.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, các nhà phân tích cho rằng các dịch vụ nhắn tin mới có thể sẽ khiến các nhà mạng không còn thu được gì từ SMS. Các nhà phân tích cho biết tại Hà Lan, sự phổ biến của mạng xã hội và các ứng dụng tin nhắn đã khiến lưu lượng và lợi nhuận SMS giảm sút.

Dịch vụ mới iMessage của Apple cho phép người dùng các thiết bị iOS gửi tin nhắn, ảnh, video cho những người dùng iOS khác qua Wi-Fi hoặc qua kết nối dữ liệu di động.

Hiện nay, Apple đang cố gắng gặt hái thành công từ những dịch vụ như BlackBerry Messenger, hay BBM, một ứng dụng miễn phí dành cho người dùng smartphone BlackBerry, cho phép họ gửi tin nhắn đi, lại như trong cuộc hội thoại tức thời. Chính dịch vụ BBM này đã mang lại lòng trung thành với điện thoại BlackBerry của "hội những người dùng BlackBerry", khiến họ không chuyển sang dùng các thiết bị của Apple hay Android.

"BBM là tính năng đắt giá nhất của trải nghiệm BlackBerry, còn hơn cả email", Roger Entner, một nhà phân tích của hãng Recon Analytics, nói. "Một khi đã dùng nó, người ta rất ít khí tính chuyện chuyển sang một trải nghiệm khác".

Do iMessage của Apple chỉ hoạt động giữa các sản phẩm iPhone, iPod Touch và iPad, ít nhất là trước mắt, nên vẫn chưa rõ nó có khiến người dùng từ bỏ thói quen sử dụng SMS hay không. Hơn nữa, theo Chetan Sharma – một nhà phân tích di động độc lập, các thiết bị Apple chỉ chiếm 5% lưu lượng SMS gửi đi mỗi năm.

"Nhưng nếu Apple mở rộng iMessage và cho phép nó chạy trên những nền tảng khác, chắc chắn nó sẽ có sức tác động lớn hơn", ông nói. Lịch sử đã cho thấy Apple có khả năng biến đổi cả ngành công nghiệp di động như thế nào. "Bất kỳ cái gì Apple làm đều không hề chỉ làm rồi để đó", ông Entner nói.

Lợi nhuận thu từ SMS của nhà mạng sẽ bị cắt xén đến bằng 0.

Hiện nay, cả Samsung và Google đều được biết đang nghiên cứu các dịch vụ cho phép người dùng sản phẩm smartphone của họ được gửi tin nhắn miễn phí. Các nhà phân tích cũng cho rằng Microsoft, hãng đang hoàn thành thủ tục mua lại Skype và GroupMe – một ứng dụng tin nhắn di động phổ biến – cũng sẽ sớm tích hợp cả hai dịch vụ trên vào dòng smartphone Windows mới.

Ngoài ra, những ứng dụng mà người dùng có thể tải về máy như TextPlus, WhatsApp và Kik đều đang mang lại một cách mới cho mọi người giao tiếp, tán gẫu với bạn bè mà không cần gửi SMS. Một dịch vụ kiểu này là Pinger hiện đã có 19 triệu người dùng chỉ riêng tại Mỹ. Công ty sản xuất ứng dụng này cho biết họ đã xử lý hơn 15 tỷ tin nhắn kể từ khi bắt đầu cung cấp dịch vụ Pinger vào năm 2009.

"Nó thực sự gây tác động", Greg Woock, giám đốc Pinger, nói. "Miễn phí là một yếu tố hấp dẫn".

Hiện nay, các nhà mạng Mỹ đã bắt đầu lo lắng và đang cố gắng vật lộn trong thời thế thay đổi này. Gần đây, AT&T đã bắt đầu yêu cầu các thuê bao mới lựa chọn giữa hai gói cước SMS: trả 20 USD/tháng để gửi SMS không giới hạn, hoặc trả 20 cent cho mỗi tin nhắn gửi đi và nhận được. Công ty không còn áp dụng gói cước tính phí người dùng 10 USD/tháng cho 1.000 tin nhắn. Chuyển biến này có thể khiến khách hàng phải trả nhiều tiền hơn, ngay cả khi họ không phải là những người thường xuyên gửi tin nhắn. AT&T từ chối bình luận về vấn đề này.

Trong khi đó, Brenda Raney, một nữ đại diện cho hãng Verizon Wireless, nói công ty xem "tin nhắn xã hội" là một phần bổ sung tính năng cho điện thoại. Khách hàng của Verizon sẽ sử dụng kết hợp cả SMS, iMessage, e-mail và các dịch vụ nhắn tin khác.

"Từ góc độ kinh doanh, khách hàng vẫn cần một gói cước dữ liệu để kết nối với một thiết bị", bà Raney nói. "Họ chỉ lựa chọn cách sử dụng dữ liệu như thế nào mà thôi".

Bảo Bình

Theo ICTNews/NYT

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Việt - Nhật ưu tiên đẩy nhanh dự án cáp quang biển Bắc - Nam

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Dung lượng lớn nhất của tuyến cáp quang này sẽ lên tới 80 Gb/s tương đương trên 10 triệu cuộc gọi đồng thời.

Hệ thống cáp biển trên là huyết mạch chính kết nối mạng viễn thông của Việt Nam ra thế giới (Ảnh: VTI)

(ICTPress) - Dung lượng lớn nhất của tuyến cáp quang này sẽ lên tới 80 Gb/s tương đương trên 10 triệu cuộc gọi đồng thời.

Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong những hợp tác của Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trong thời gian tới được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Kimiaki Matsuzaki thống nhất tại buổi tọa đàm chiều nay (11/10) tại Hà Nội.

Dự án xây dựng tuyến cáp quang biển Bắc - Nam nối Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh được khởi động từ năm 2003 và Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tiến hành khảo sát. Theo dự tính, tổng chiều dài của tuyến này là 2.231 km, trong đó có 2034 km cáp quang trên biển, với 11 điểm cập bờ trải dài từ Đồ Sơn (Hải Phòng) đến thị trấn Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Vốn đầu tư xây dựng tuyến cáp quang này được vay từ nguồn vốn ODA của Nhật là 200 triệu USD.

Dung lượng lớn nhất của tuyến cáp quang này sẽ lên tới 80Gb/s tương đương gần 10.322.000 cuộc gọi đồng thời), sử dụng công nghệ DWDM và hệ thống quản lý mạng đồng trục. Hệ thống cáp quang biển này sẽ cung cấp các dịch vụ thoại, dịch vụ Internet, truyền số liệu, quảng bá cho kênh truyền hình, truyền dẫn cho các bộ, ngành và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho mạng trục Bắc - Nam.

Tuyến cáp quang biển Bắc - Nam được xây dựng không phụ thuộc vào tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, đảm bảo độ tin cậy cao trong các trường hợp xảy ra thảm họa. Với mục đích hạn chế ảnh hưởng từ các sự cố lũ lụt, bão, động đất, tuyến cáp quang này được đánh giá là có độ an toàn cao nhất và khả năng đảm bảo mọi yêu cầu về  công nghệ thông tin của xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết tiến độ của dự án này chưa được như mong muốn. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ làm việc với các cơ quan, các bên liên quan để đẩy nhanh dự án. Bộ trưởng cho biết tuyến cáp quang biển này hoàn thành sẽ gia tăng mạnh mẽ năng lực TT&TT của Việt Nam.  

Hoàng Hoa

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Internet thành thị và nông thôn - vẫn còn khoảng cách xa

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Cả nước có khoảng 12,5 triệu người thường xuyên sử dụng Internet, đạt 14,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có sự chênh lệch khá lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn.

(ICTPress) - Cả nước có khoảng 12,5 triệu người thường xuyên sử dụng Internet, đạt 14,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có sự chênh lệch khá lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Theo kết quả cuộc tổng điều tra thống kê phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe nhìn toàn quốc năm 2010 được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố sáng nay tại Hà Nội, cả nước có khoảng 12,5 triệu người thường xuyên sử dụng Internet, đạt 14,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có sự chênh lệch khá lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn. Cụ thể, ở khu vực thành thị có hơn 8,1 triệu người dùng dịch vụ Internet thường xuyên, đạt tỷ lệ gần 33%, còn khu vực nông thôn chỉ đạt 7,2% với khoảng 4,3 triệu người.

Tính theo số hộ gia đình, cả nước có trên 1,6 triệu hộ nối mạng Internet, đạt hơn 8%. Tại thành thị, tỷ lệ hộ gia đình nối mạng Internet chiếm khoảng 22%, còn ở khu vực nông thôn tỷ lệ này chỉ đạt 2,6%.

Chỉ 7,2% số dân khu vực nông thôn sử dụng Internet thường xuyên. Ảnh minh họa.

Kết quả thống kê cũng cho thấy, trên toàn quốc có hơn 2,5 triệu hộ gia đình có máy tính cá nhân, đạt 12,6%. Tổng số máy tính tại các hộ gia đình là trên 3,1 triệu máy, trong đó khu vực thành thị chiếm 69,4% và khu vực nông thôn chiếm 30,6%.

Hiện trạng ứng dụng CNTT tại chính quyền cơ sở và các cấp qua điều tra thống kê cho thấy, 100% cơ quan đoàn thể cấp tỉnh đã có máy tính và gần 99% đơn vị thuộc nhóm này có kết nối Internet. Ở nhóm cơ quan đoàn thể cấp huyện, tỷ lệ đơn vị có máy tính cá nhân và đã được kết nối Internet lần lượt là 99,5% và 91,5%.

Số lượng người sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong cả nước qua thống kê là hơn 30,2 triệu người, chiếm 37,5%. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ người sử dụng ĐTDĐ là trên 11,2 triệu người, đạt 49,5%; còn với khu vực nông thôn, có gần 33% người dân dùng ĐTDĐ.

Về điện thoại cố định (gồm cả loại có dây và không dây), cả nước có hơn 8,3 triệu hộ gia đình có điện thoại cố định, chiếm tỷ lệ gần 42% tổng số hộ gia đình. Số lượng hộ gia đình ở khu vực thành thị có điện thoại cố định là trên 3,4 triệu hộ, chiếm khoảng 61%; tỷ lệ này ở khu vực nông thôn đạt hơn 34%.

Hiện trạng phổ cập dịch vụ nghe, nhìn tại hộ gia đình, theo tổng hợp kết quả điều tra thống kê cả nước có khoảng 2,1 triệu hộ gia đình có máy thu thanh, chiếm 10,7%. Tỷ lệ hộ gia đình có máy thu thanh ở khu vực thành thị là hộ gia đình trong cả nước có máy thu thanh đạt 10,2% và tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 10,9%. Số lượng hộ gia đình có tivi trên toàn quốc là hơn 18 triệu hộ, chiếm trên 90%. Cụ thể, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng anten chảo, anten dàn và truyền hình cáp lần lượt là 18%, trên 69% và 14,1%.

Theo Bộ TT&TT, những năm qua cơ sở hạ tầng TT&TT quốc gia đã được chú trọng đầu tư, phát triển. Kết quả điều tra thống kê cho thấy trên 89% xã trong cả nước có truyền dẫn cáp đồng, gần 96% xã có truyền dẫn cáp quang, hơn 96% xã có trạm phát sóng thông tin di động (BTS); hơn 83% xã có trạm truyền thanh; và 82,6% đơn vị cấp xã có báo Nhân dân đến trong ngày.

Cuộc tổng điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ viễn thông, Internet và nghe nhìn toàn quốc năm 2010 được Bộ TT&TT chủ trì phối hợp với một số Bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành trong phạm vi cả nước từ 0h ngày 1/6/2010 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 420/QĐ-TTg ngày 31/3/2010.

Cuộc tổng điều tra này được thực hiện theo phương pháp điều tra toàn bộ: 100% các đơn vị thuộc đối tượng điều tra thống kê được thực hiện điều tra, bao gồm: 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 697 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; 11.111 xã, phường, thị trấn; 132.392 thôn, tổ dân phố với 20.104.583 hộ gia đình, 80.540.819 nhân khẩu; 14 doanh nghiệp viễn thông, Internet chiếm đại đa số thị phần dịch vụ viễn thông, Internet của cả nước; và 67 Đài Phát thanh – Truyền hình. Được biết, để thực hiện các công việc điều tra thống kê, các chính quyền địa phương trên cả nước đã huy động hơn 250.000 người.

Hoàng Hoa

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Báo điện tử đã hết thời miễn phí?

Tóm tắt: 

Mô hình 80% doanh thu từ quảng cáo – 20% từ việc bán báo, đã đổ vỡ không gì cứu nổi buộc một loạt các báo điện tử tìm đến giải pháp yêu cầu độc giả phải trả tiền đọc tin tức.

Mô hình 80% doanh thu từ quảng cáo – 20% từ việc bán báo, đã đổ vỡ không gì cứu nổi buộc một loạt các báo điện tử tìm đến giải pháp yêu cầu độc giả phải trả tiền đọc tin tức.

Không thể tránh khỏi

Ngày 10/10 tới đây, Baltimore Sun, tờ báo 175 tuổi đời ở bang Maryland (Mỹ) sẽ chính thức trở thành thành viên mới nhất của câu lạc bộ những tờ báo bắt buộc độc giả phải trả tiền cho việc đọc phiên bản báo điện tử của họ. Bằng một công cụ đơn giản, Baltimore Sun sẽ theo dõi số lần người dùng bấm vào những bài báo của họ và khi đã đủ 15 lần trong một tháng, họ sẽ yêu cầu độc giả đó phải trả tiền để được đọc tiếp.

Có lẽ, đã đến lúc độc giả và cả các tòa soạn hiểu rằng việc thu phí báo điện tử là bước đi không thể tránh khỏi của ngành công nghiệp báo chí thế giới.

Hồi tháng 4/2010, PaidContent, một ấn bản điện tử chuyên theo dõi mảng truyền thông, báo chí cho biết, nước Mỹ đã có khoảng 26 tờ báo (cả báo địa phương và báo liên bang) đã tiến hành thu phí độc giả trực tuyến. Sang năm 2011, hơn 100 tờ báo trên khắp thế giới đã bắng đầu sử dụng Press+, hệ thống thanh toán trực tuyến do một cựu lãnh đạo của tờ Wall Street Journal phát triển để theo dõi và yêu cầu độc giả trả tiền đọc báo điện tử. MediaNews, một tập đoàn báo chí lớn đã đưa tổng số tờ báo có thu phí của mình từ 2 tờ trong năm 2040 lên tới 23 tờ trong năm 2011 này.

Tuy nhiên, phải thừa nhận là các tờ báo có thu phí chủ yếu là những tờ mang tính địa phương chuyện biệt còn với những tờ báo lớn có độ phủ rộng, "thu phí độc giả trực tuyến" vẫn là một cụm từ tương đối xa lạ ngoại trừ một số tên tuổi lớn như New York Times, Times of London hay Wall Street Journal.

"Các tờ báo địa phương là một phần khó có thể thiếu đối với cộng đồng của họ và thường không bị cạnh tranh nên việc dựng tường thu phí (paywall) là việc khá đơn giản", Ken Doctor, tác giả của công trình nghiên cứu "Nền kinh tế tin tức" (Newsonomics) lý giải về sự khác biệt này.

Trong "câu lạc bộ những báo điện tử có thu phí", châu Âu là khu vực có nhiều thành viên nhất. Kể từ hồi tháng 5/2011, Slovakia đã thiết lập "bức tường thu phí" ảo trên toàn quốc áp dụng chung cho 9 tờ báo có lượng xuất bản (truy cập) lớn nhất nước này. Kể từ đó, người dân Slovakia phải trả tối thiểu 2,9 euro mỗi tháng để đọc 1 trang báo điện tử. Mức phí này có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí nơi người dùng đăng ký hay tần suất đọc tin tức của họ. Piano Media, công ty xây dựng hệ thống thanh toán này đang ấp ủ một kế hoạch thiết lập hệ thống tương tự áp dụng cho toàn châu Âu kể từ đầu năm 2012.

Sự sụp đổ của mô hình 80% doanh thu từ quảng cáo, 20% từ bán báo đã buộc các tòa soạn phải quyết liệt hơn trong việc thu phí đọc báo điện tử. Ảnh minh họa.

Vội vã tìm "bầu sữa" mới

Nhưng vì sao các tờ báo điện tử lại bỗng nhiên vội vã đến vậy trong việc áp dụng cơ chế tính phí đọc báo trong khi những nguy cơ "tự sát" vẫn tiềm ẩn?

Một trong những lý do là sự tiến bộ của công cụ Press+ và One Pass (do Google phát triển) đã có khả năng tiếp nhận độc giả đăng ký đọc báo trực tuyến. Sự phổ biến ngày càng lớn của dòng thiết bị máy tính bảng iPad của Apple là một lời giải thích khác. Rất nhiều tờ báo điện tử trên thế giới đã có ứng dụng chạy trên môi trường hệ điều hành iOS (dành cho iPhone, iPad) và có thể bắt buộc độc giả đi qua "cổng thanh toán". Tất nhiên, độc giả dùng máy tính bảng hay smartphone vẫn có thể đọc tin miễn phí thông qua trình duyệt nhưng ở đó họ sẽ phải "tiêu hóa" một lượng quảng cáo khá lớn cũng như nhiều sự bất tiện khác.

Jim Moroney, ông chủ của tờ Dallas Morning News (Mỹ), lý giải rằng ngành công nghiệp báo chí đã từng sống khỏe nhờ mô hình "80-20" (80% doanh thu đến từ quảng cáo và 20% doanh thu đến từ nguồn bán báo) nhưng mô hình đó đã sụp đổ hoàn toàn mà không gì cứu vãn nổi.

Tính riêng trong lĩnh vực báo chí Mỹ, doanh thu từ quảng cáo cả từ báo in lẫn báo điện tử đã giảm từ mức 9,6 tỷ USD trong quý II năm 2008 xuống còn khoảng 6 tỷ trong quý II năm 2011 này. Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA) cho biết, có rất ít tòa soạn dám tin rằng họ sẽ phục hồi nên giải pháp duy nhất mà họ có thể làm (một cách vội vã) hiện nay là tăng giá bán báo và áp dụng cơ chế thu phí độc giả trực tuyến.

Tín hiệu lạc quan

Thực tế áp dụng của nhiều tờ báo cho thấy, khi bức tường thu phí được dựng lên, lượng truy cập vào website của tờ báo điện tử đó sẽ giảm nhưng thường là không lao dốc một cách đột ngột và cũng thường không kéo dài. Tờ báo địa phương Tulsa World của bang Oklahoma (Mỹ) cho biết, họ đã áp dụng cơ chế thu phí đọc báo điện tử kể từ hồi tháng 4/2011 và trong những tháng tiếp theo lượng truy cập của họ đã giảm mạnh nhưng đến tháng 8, lượng truy cập đã tăng trở lại và thậm chí còn cao hơn con số của tháng 8 năm ngoái – thời điểm mà tờ báo này vẫn đang miễn phí.

"Chúng tôi có một lượng độc giả đọc báo in nhưng không bao giờ đọc báo điện tử", Robert Lorton, ông chủ của tờ Tulsa World cho biết, "Hiện chỉ có chưa đến một nửa số độc giả đăng ký mua báo in dài hạn của chúng tôi đăng ký đọc báo điện tử dù họ được đọc miễn phí".

Rất nhiều tờ báo khác cũng đưa ra những báo cáo tương tự.

Trần Du Phong

Theo ICTNews/Economist

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo
Các chuyên mục liên quan: 
Chuyển động ngành

FPT tiết lộ máy tính bảng giá dưới 5 triệu

Tóm tắt: 

(ICTPress) - FPT Tablet được trang bị màn hình 7 inch, có đầy đủ các kết nối Wi-Fi, Bluetooth, 3G, GPS và chạy trên hệ điều hành Android 2.2 với giao diện tiếng Việt.

(ICTPress) - FPT Tablet được trang bị màn hình 7 inch, có đầy đủ các kết nối Wi-Fi, Bluetooth, 3G, GPS và chạy trên hệ điều hành Android 2.2 với giao diện tiếng Việt.

>> Hình ảnh thực tế FPT Tablet

Mẫu tablet có giá dưới 5 triệu của FPT. Nguồn: FPT.

Trang Web sản phẩm của FPT tại địa chỉ fptproduct.com.vn vừa chính thức công bố cấu hình và giá bán chiếc máy tính bảng đầu tiên mang thương hiệu của hãng.

Theo đó, máy có mức giá khá hấp dẫn đối với người tiêu dùng Việt Nam: 4.990.000 đồng - rẻ hơn đáng kể so với giá bán lẻ mẫu tablet thấp nhất PI N002 của công ty PI Việt Nam (giá 6.100.000 đồng).

FPT Tablet được trang bị màn hình cảm ứng điện dung đa điểm kích thước 7 inch và chạy trên hệ điều hành Android 2.2 với giao diện tiếng Việt.

Sản phẩm có đầy đủ các kết nối như Wi-Fi, Bluetooth, 3G (sử dụng băng tần 900/1800/1900/WCDMA/HSDPA 2100), định vị GPS. Khe cắm thẻ sim trên máy cho phép sử dụng kết nối 3G và thực hiện chức năng thoại, nhắn tin SMS/MMS như một chiếc điện thoại di động.

Ngoài ra, FPT Tablet được trang bị vi xử lý Qualcomm MSM7227-1 tốc độ 600MHz, bộ nhớ RAM 512MB, bộ nhớ trong dung lượng 115MB và hỗ trợ thẻ nhớ microSD ngoài dung lượng tối đa 32GB. Máy ảnh phía sau có độ phân giải 5 Megapixel.

Cùng với giao diện tiếng Việt, FPT Tablet cũng sẽ sử dụng kho ứng dụng Việt miễn phí F-Store giống như các sản phẩm điện thoại mang thương hiệu FPT.

Được biết, sản phẩm sẽ chính thức lên kệ trong tháng 10 này - thời gian được FPT cho là thời điểm mua sắm lớn nhất trong năm và cũng là thời điểm mà nhiều hãng điện tử, công nghệ trên thế giới tung ra thị trường sản phẩm máy tính bảng mới.

Trước đó, hồi tháng 4/2011, FPT đã lên kế hoạch để "trình làng" sản phẩm này vào tháng 7. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Sản phẩm Công nghệ FPT - đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất sản phẩm, do nhà sản xuất thiết bị gốc tại Trung Quốc và cách thức vận chuyển hàng thay đổi nên thời gian ra mắt phải lùi lại. "Hôm 6/10, sản phẩm đã về đến Việt Nam", đại diện này cho biết.

Có vẻ như sau nhiều tuyên bố và trì hoãn, các thương hiệu Việt đã chính thức bắt đầu gia nhập "cuộc chơi" tablet. Cách đây ít ngày, Giám đốc HiPT Mobile cũng trả lời trên một tờ báo công nghệ, khẳng định trong tháng 10 này sẽ đưa vào sản xuất đại trà các mẫu tablet và dự kiến sang tháng 11 sẽ tung sản phẩm đầu tiên ra thị trường.

Lê Nguyên

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành
Các chuyên mục liên quan: 
Sản phẩm - Dịch vụ

Sony gần như đã chiếm trọn Sony Ericsson

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Sony gần như đã hoàn tất kế hoạch mua lại toàn bộ cổ phần của Ericsson trong liên doanh Sony Ericsson.

(ICTPress) - Nhật báo Phố Wall ngày 6/10 cho biết hãng Sony gần như đã hoàn tất kế hoạch mua lại toàn bộ cổ phần của Ericsson trong liên doanh Sony Ericsson.

Sẽ không còn liên doanh Sony Ericsson. Ảnh minh họa: TalkAndroid.com.

Trong nhiều năm qua, tin đồn về việc Sony muốn "chiếm trọn" Sony Ericsson không ít lần được nhắc tới, song cho đến nay kế hoạch này mới có khả năng trở thành hiện thực.

Sony và Ericsson thành lập liên doanh sản xuất điện thoại từ năm 2001 với số vốn chia đều cho hai bên.

Theo giới chuyên gia, Sony sẽ phải chi từ 1,3 - 1,7 tỉ USD để mua lại giá trị 50% cổ phiếu mà Ericsson đang nắm giữ, tuỳ thuộc thoả thuận giữa hai hãng về việc chuyển giao các bằng sáng chế của Ericsson.

Sony Ericsson hiện là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 6 trên thế giới. Động thái này có thể giúp Sony lấy lại vị thế trước cuộc cạnh tranh với Apple và Samsung. Đồng thời, hãng điện tử Nhật Bản cũng sẽ có điều kiện thống nhất các mảng kinh doanh điện thoại di động, thiết bị chơi game, và PC để tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả tốt hơn.

Trong quý 2 vừa qua, liên doanh Sony Ericsson thông báo lỗ ròng 50 triệu Euro (66 triệu USD).

Bảo Lê

(Theo WSJ)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Thử ngay công nghệ 3G trên máy Chipset Snapdragon

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Khách hàng sẽ được thử nghiệm công nghệ 3G trên các loại máy di động có gắn chipset Snapdragon ngay tại cửa hàng và có cơ hội sở hữu một sim 3G Viettel cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác...

(ICTPress) - Giúp người dùng di động tiếp cận nhiều hơn với công nghệ 3G trên điện thoại là Chương trình “3G, Mọi lúc. Mọi nơi” (3G - Right here. Right now) vừa được Qualcomm chính thức giới thiệu tại Việt Nam.

Chương trình bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài trong 2 tháng, áp dụng tại 72 cửa hàng thuộc hai hệ thống bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Thế Giới Di Động và Viễn Thông A tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Khách hàng viếng thăm cửa hàng sẽ được thử nghiệm công nghệ 3G trên các loại máy di động có gắn chipset Snapdragon ngay tại cửa hàng và có cơ hội sở hữu một sim 3G Viettel cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác khi tham gia chương trình.

Chủ tịch tập đoàn Qualcomm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông John Stefanac, cho biết Chipset Snapdragon tích hợp các công nghệ dành cho thiết bị thông minh, bao gồm CPU, GPU, modem, GPS, bộ xử lý đa phương tiện, và bộ xử lý màn hình, cũng như phần mềm quản lý tiên tiến trên một con chip duy nhất. Chipset Snapdragon cho phép người dùng tiết kiệm pin với tốc độ xử lý và truy cập nhanh.

Cùng với chương trình cho khách hàng, Qualcomm cũng kết hợp với Thế Giới Di Động và Viễn Thông A cung cấp một khóa đào tạo về chipset Snapdragon và công nghệ 3G cho tất cả các nhân viên tại các cửa hàng thuộc hệ thống trên toàn quốc. Các nhân viên cũng được tham gia cuộc thi 3G tích điểm, người thắng cuộc sẽ tham gia tiệc trao giải do Qualcomm Snapdragon tổ chức.

Tổng giám đốc khu vực Đông Dương và Thái Lan Vũ Minh Trí cho biết Theo số liệu của hãng nghiên cứu Wireless Intelligence, hiện có khoảng 20 triệu thuê bao 3G tại Việt Nam tính đến quý 2/2011. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ khai thác khoảng 5% dung lượng 3G, chủ yếu dùng để truy cập Internet. Qualcomm tin tưởng triển vọng của mạng 3G cho di động nói riêng và viễn thông không dây tại Việt Nam trong thời gian tới.

Linh Hoàng

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành