Syndicate content

Chuyển động ngành

APICTA 2019 tại Việt Nam: cơ hội giới thiệu thành tựu về CNTT tới bạn bè quốc tế

Tóm tắt: 

Giải thưởng được coi là Giải OSCAR về CNTT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và được tổ chức hàng năm và luân phiên tại các quốc gia thành viên của APICTA.

Giải thưởng APICTA 2019 sẽ được tổ chức tại thành phố Hạ Long (Tỉnh Quảng Ninh) từ ngày 18 - 22/11.

 Năm 2019, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Giải thưởng APICTA tại Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh. Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) là một trong những đơn vị chịu trách nhiệm chính về công tác tổ chức sự kiện này.

Vừa qua, đoàn Lãnh đạo cấp cao APICTA đã đến Việt Nam kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị của nước chủ nhà. Đoàn gồm 23 đại biểu từ 14 quốc gia và nền kinh tế thành viên APICTA. Về phía Việt Nam, ông Lữ Thành Long – Phó chủ tịch VINASA, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng APICTA 2019 đã tham dự buổi làm việc.

Giải thưởng APICTA là giải thưởng quốc tế do Liên minh các tổ chức CNTT khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APICTA) tổ chức, nhằm ghi nhận những sản phẩm, giải pháp phần mềm, CNTT, dự án khởi nghiệp… xuất sắc của các quốc gia/nền kinh tế thành viên, hỗ trợ phát triển kinh doanh trong khu vực và quốc tế.

Giải thưởng được coi là Giải OSCAR về CNTT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và được tổ chức hàng năm và luân phiên tại các quốc gia thành viên của APICTA.

Năm 2018, ViettelPay của Viettel - sản phẩm đạt danh hiệu Sao Khuê 2018 đã xuất sắc vượt qua các sản phẩm, giải pháp của các nước tiên tiến khác giành Cúp chiến thắng (Winner) tại hạng mục Business – Finance and Marketing, tự hào đưa Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ Công nghệ châu lục.

APICTA 2019 dự kiến sẽ có sự tham gia của 1.000 đại biểu từ các doanh nghiệp (DN), tổ chức có đề cử tham gia Giải thưởng từ 16 quốc gia/nền kinh tế thành viên của APICTA. Đây là cơ hội để Việt Nam giới thiệu về đất nước, con người và sự phát triển của ngành CNTT nước nhà, tạo điều kiện để các DN, tổ chức trong nước gặp gỡ, kết nối với các đối tác quốc tế, mở thêm cơ hội cho các sản phẩm, giải pháp phần mềm trong nước có cơ hội tranh tài và ghi danh trong đấu trường khu vực.

Giải thưởng APICTA sẽ được trao cho các đề cử xuất sắc thuộc 5 lĩnh vực chính (Consumer; Inclusions and Community Services; Industrial; Business Services và Public Sector and Government), 2 lĩnh vực bổ sung (R&D và Startups) và 3 lĩnh vực công nghệ (Big data analytics, IoT và AI).

Giải thưởng gồm 3 hoạt động: lựa chọn đề cử xuất sắc từ các quốc gia thành viên, nộp hồ sơ trực tuyến và tham gia thuyết trình trực tiếp trước hội đồng đánh giá quốc tế.

Tại Việt Nam, VINASA đã chính thức thông báo và mời các DN của Việt Nam có sản phẩm, giải pháp, ứng dụng xuất sắc đăng ký tham gia Giải thưởng. Thời hạn nộp hồ sơ đề cử cho vòng lựa chọn đề cử của Việt Nam là ngày 7/9, ngày 15/9 sẽ công bố các đề cử của Việt Nam được lựa chọn tham gia Giải thưởng APICTA 2019.

Hồ sơ chính thức tham gia Giải thưởng APICTA sẽ được hoàn thiện và nộp trực tuyến muộn nhất là ngày 30/9.

Vòng thuyết trình, bảo vệ trực tiếp trước Hội đồng Giám khảo quốc tế sẽ được tổ chức trong hai ngày 20-21/11/2019. Hội đồng Giám khảo là những chuyên gia được lựa chọn và đề cử từ các quốc gia thành viên APICTA.

Tối đa sẽ có 96 giám khảo, mỗi nền kinh tế được đề cử 06 giám khảo. Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng APICTA 2019 là ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty Cổ phần MISA. Lễ trao giải thưởng được long trọng tổ chức vào ngày 22/11/2019 tại tp. Hạ Long.

Trong khuôn khổ Giải thưởng APICTA 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh và VINASA sẽ tổ chức 02 hội nghị quan trọng: Hội nghị Quốc tế về Chuyển đổi số và Thành phố thông minh tổ chức ngày 20/11/2019, dự kiến thu hút 400-500 đại  biểu, nhằm giới thiệu hoạt động chuyển đổi số, chính quyền điện tử, kế hoạch phát triển thành phố thông minh và nhu cầu ứng dụng CNTT của tỉnh Quảng Ninh với các DN trong nước và quốc tế để tìm kiếm các giải pháp, dịch vụ hiệu quả cho Tỉnh.

Bên lề Giải thưởng còn có rất nhiều hoạt động hấp dẫn như: Triển lãm, giao thương giữa các DN CNTT trong nước và quốc tế, Đêm văn hóa Việt Nam, và các chương trình du lịch Quảng Ninh.

Ông Jit Singh Santok Singh, Nhà sáng lập, Chủ tịch APICTA cho biết: Ông và đoàn lãnh đạo APICTA đã khảo sát và lắng nghe kế hoạch tổ chức. Ông đánh giá rất cao sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của Ban Tổ chức cho Giải thưởng danh giá này.  Việc UBND tỉnh Quảng Ninh hết sức ủng hộ và đăng cai tổ chức chương trình, cộng thêm với những điều kiện hết sức tuyệt vời về vị trí, điều kiện tự nhiên và con người Việt Nam, chúng tổi tin chắn APICTA lần thứ 19 sẽ là sự kiện tầm cỡ Châu lục, một dấu ấn của APICTA”.

Trong khi đó, ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng APICTA 2019 chia sẻ: Với vai trò là nước chủ nhà, Giải thưởng APICTA 2019 là cơ hội rất tốt để Việt Nam giới thiệu năng lực và thành tựu về CNTT tới bạn bè quốc tế, các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng CNTT xuất sắc của Việt Nam có dịp cọ sát, thi đấu cùng các giải pháp xuất sắc của các doanh nghiệp trong khu vực. Tôi hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam của chúng ta sẽ tận dụng tốt cơ hội này để khẳng định mình trên trường quốc tế”.

Chúng ta cùng chờ đón sự kiện giải thưởng lớn và quan trọng nhất của lĩnh vực CNTT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 năm nay. 

Các tổ chức, cá nhân quan tâm có thể dăng ký tham gia và nộp hồ sơ ứng tuyển tại https://drive.google.com/file/d/1Gz1JmG1KTsspmb7k77MMY4Z3gtxuHWLc/view?fbclid=IwAR2v91pohVLf_HDmg3w7lgOzRSNTOmZBTVFgqhBudT4ZEZeQjOJ1O9MdQyI

Thông tin về giải thưởng xem tại: http://www.apicta.org/about-apicta hoặc http://www.vinasa.org.vn/Default.aspx?sname=vinasa&sid=4&pageid=3076&catid=4211&id=11717&catname=Tin-VINASA&title=VINASA-chinh-thuc-phat-dong-Giai-thuong-APICTA-2019

QA

 

 

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Google cam kết sử dụng nhựa tái chế cho tất cả các thiết bị

Tóm tắt: 

Cam kết này nhằm gia tăng sự cạnh tranh giữa các công ty công nghệ nhằm mục đích thể hiện cho người tiêu dùng và chính phủ...

Google vừa tuyên bố rằng họ sẽ vô hiệu hóa lượng khí thải carbon từ việc cung cấp phần cứng cho khách hàng vào năm tới và sử dụng nhựa tái chế trong mỗi sản phẩm của mình vào năm 2022.

Cam kết này nhằm gia tăng sự cạnh tranh giữa các công ty công nghệ nhằm mục đích thể hiện cho người tiêu dùng và chính phủ biết rằng họ đang hạn chế tác động môi trường từ các loạt thiết bị điện tử ngày càng nhiều của các công ty.

Anna Meegan, người phụ trách bộ phận bền vững cho các đơn vị dịch vụ và thiết bị của Google, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng lượng khí thải carbon liên quan đến vận tải của mỗi đơn vị thuộc Google đã giảm 40% trong năm ngoái so với năm 2017 bằng cách vận tải điện thoại, loa, máy tính xách tay và các thiết bị khác bằng tàu thủy từ các nhà máy đến khách hàng nhiều hơn thay vì vận chuyển bằng máy bay trên toàn thế giới.

Google sẽ bù đắp lượng khí thải còn lại bằng cách mua các khoản tín dụng carbon, Meegan nói.

Google đã tiết lộ trên mạng rằng 3 trong số 9 sản phẩm của Google có chứa nhựa tái chế, từ 20% - 42% trong các vỏ cho loa Google Home và thiết bị phát trực tuyến Chromecast.

Trong một bài đăng trên blog, Google cam kết sử dụng nhựa tái chế cho 100% sản phẩm vào năm 2022.

Meegan cho biết bộ phận kinh doanh phần cứng 3 năm của Google sẽ theo sát đối thủ phần cứng Apple trong một số nỗ lực bền vững.

Apple, hồi năm 2017 đã cam kết “một ngày” dành riêng cho việc sử dụng vật liệu tái chế và tái tạo, có ít nhất 50% nhựa tái chế trong một số bộ phận của nhiều sản phẩm, thiếc tái chế thiếc trong ít nhất 11 sản phẩm và nhôm tái chế trong ít nhất 2 sản phẩm.

Meegan cho biết thêm các tiêu chuẩn bền vững hiện là một phần trong kế hoạch phần cứng của Google. Các thiết bị không thể xóa điểm kiểm tra thứ hai trong quy trình thiết kế của công ty trừ khi chúng cho thấy rằng bao bì và vật liệu bền vững và dễ sửa chữa đã được xem xét.

“Về cơ bản, chúng tôi đang tìm cách xây dựng tính bền vững trong mọi việc chúng tôi làm, cô ấy nói. Sẽ mất thời gian để cho thấy những nỗ lực”.

QM (Theo Reuters)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường
Các chuyên mục liên quan: 
Chuyển động ngành

“Cá sông Mê Kông” trên tem Bưu chính

Tóm tắt: 

Sông Mê Koong đặc biệt giàu có bởi số lượng lớn các loài cá đa dạng về mặt chủng loài, trong đó có những loài cá khổng lồ, quý hiếm.

Bộ TTTT vừa phát hành bộ tem “Cá sông Mê Kông” do họa sĩ Nguyễn Du, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế.

Bộ tem được phát hành nhằm mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ các loài cá sông Mê Kông nói riêng và các loại động vật hoang dã trên thế giới nói chung.

Sông Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, nằm hoàn toàn ở Châu Á, bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Cửu Long.

Nguồn lợi của sông Mê Kông vô cùng phong phú. Dòng sông cung cấp nguồn nước vô tận tưới mát cho những cánh đồng, là nguồn phù sa bồi đắp từ năm này sang năm khác cũng như mang lại tiềm năng thủy điện to lớn cho các nước có dòng sông chảy qua.

Bên cạnh đó, dòng sông còn đặc biệt giàu có bởi số lượng lớn các loài cá đa dạng về mặt chủng loài, trong đó có những loài cá khổng lồ, quý hiếm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc xây dựng quá nhiều đập thủy điện trên dòng chảy chính của dòng sông cũng như đánh bắt theo lối tận diệt đã gây nên sự suy giảm nghiêm trọng quần thể cá sông.

Một số loài như cá Tra dầu, cá chép Xiêm, cá Vồ cờ được coi là biểu tượng của sông Mê Kông đều được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), xếp hạng nguy cấp với nguy cơ tuyệt chủng cao. 

Bộ tem gồm 5 mẫu và 1 block thể hiện 6 loài cá sông Mê Kông tiêu biểu thuộc loài cá da trơn, cá vảy chưa giới thiệu trên tem Bưu chính theo phong cách đồ họa với môi sinh.

Các loài cá được thể hiện ở nhiều góc độ, số lượng, đặc tính, tầng nước cùng với hướng tuyến khác nhau. Đây còn là thông điệp nhắc nhở mọi người gìn giữ và bảo vệ các loài cá quý của dòng sông Mê Kông, cụ thể:

Mẫu 5-1: Cá hô Catlocarpio siamensis Boulenger, 1898: Là một loài cá có kích thước lớn nhất trong họ Cá chép thường thấy sống ở sông Mê Kông và Chao Phraya ở Đông Nam Á.

Cá hô thường sinh sống ở những hố lớn cạnh bờ những dòng sông lớn, nhưng chúng cũng có thể bơi vào những kênh, rạch, sông nhỏ để kiếm thức ăn trong một số thời điểm. Cá hô non có thể sống ở các chi lưu nhỏ, hay ở các đầm. Cá hô nằm trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng sắp nguy cấp.

Mẫu 5-2: Cá đuối bồng Himantura walga (Müller & Henle, 1841): Là một loài cá sống trong môi trường nước ngọt và nước lợ. Cá đuối bồng nằm trong sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng nguy cấp.

Mẫu 5-3: Cá tra dầu Pangasianodon gigas Chevey, 1931: Là một loài cá nước ngọt sống trong vùng hạ lưu sông Mê Kông. Với chiều dài có thể đến 3m và trọng lượng có thể đến 300kg, cá tra dầu có thể xem là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới được biết đến. Cá tra dầu nằm trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng cực kỳ nguy cấp (nguy cơ tiệt chủng trong tự nhiên rất cao).

Mẫu 5-4: Cá chốt sọc Mystus mysticetus Roberts, 1992: Là một loài cá sống ở Lưu vực sông Mê Kông, ở tầng nước đáy. Cá chốt sọc ăn các loại côn trùng, giáp xác, thức ăn viên.

Mẫu 5-5: Cá lăng đỏ Hemibagrus wyckioides (Fang & Chaux, 1949): Là một loài cá da trơn, có hình dáng giống cá trê, sống ở tầng nước giữa. Cá lăng đỏ nằm trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng nguy cấp.

Mẫu blốc: Cá vồ cờ Pangasius sanitwongsei Smith, 1931: Cá thể trưởng thành của cá vồ cờ có thể dài tới 3,0m (12 ft) và cân nặng lên tới 293kg (646 lb). Cá vồ cờ nằm trong Danh mục thủy sản quý hiếm và sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng cực kỳ nguy cấp. Hình nền blốc là cảnh tiêu biểu vùng đồng bằng sông Cửu Long được lồng trong hình cá măng rổ, một loài cá quý hiếm của Việt Nam và cũng đã từng được giới thiệu trên tem Bưu chính.

Năm mẫu tem có giá mặt lần lượt là 4.000đ, 4.000đ, 6.000đ, 8.000đ, 12.000đ và 01 blốc giá mặt 15.000 đ. Khuôn khổ các mẫu tem là 43x32 mm và khuôn khổ blốc 160x120 mm.

Bộ tem được cung ứng trên mạng Bưu chính công cộng từ ngày 01/8/2019 - 30/6/2021.

Minh Anh

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Hơn 1 triệu hồ sơ hành chính thực hiện qua Bưu điện tại Đồng Tháp

Tóm tắt: 

Việc triển khai phương án chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công qua Bưu điện tại Đồng Tháp là hình mẫu, làm cơ sở để BĐVN mở rộng triển khai với các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.

Việc triển khai phương án chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công qua Bưu điện tại Đồng Tháp là hình mẫu, làm cơ sở để BĐVN mở rộng triển khai với các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.

Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), với chủ trương “chuyển một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm”, ngày 1/8, UBND tỉnh Đồng Tháp và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đã tổ chức Lễ công bố Đề án chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công Giai đoạn 3.

Theo đó sau 1 năm triển khai thí điểm việc chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công cho BĐVN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đến nay 09/12 bộ phận một cửa của huyện chuyển sang đặt tại trụ sở của Bưu điện huyện. 29 Bộ phận một cửa UBND xã chuyển sang Điểm Bưu điện – Văn hóa xã (BĐ-VHX).

Đến tháng 12/2019, Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công cấp tỉnh sẽ chuyển sang hoạt động tại Bưu điện tỉnh. Tại các bộ phận một cửa đặt tại Bưu điện huyện, xã đều có các nhân viên Bưu điện tham gia tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC. Đặc biệt có những điểm 100% nhân viên Bưu điện thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC cho người dân trên địa bàn. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính, giảm đáng kể cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính ở các địa phương, giúp các cán bộ này có điều kiện làm việc chuyên môn tốt hơn.

Ngoài ra, việc thực hiện Đề án giúp giảm chi phí nhà nước đầu tư vật chất cho Bộ phận Một cửa ở các địa phương hoạt động.

Thay vì phải bố trí 6 cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa như trước đây, hiện 4 nhân viên Bưu điện huyện Tam Nông đang đảm nhiệm toàn bộ việc tiếp nhận hồ sơ hành chính trên địa bàn

Theo kế hoạch, đến hết năm 2020 toàn bộ các Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công, các bộ phận một cửa trên địa bàn sẽ được chuyển sang đặt tại các Bưu điện huyện và BĐ-VHX của tỉnh Đồng Tháp.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, việc thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn là một giải pháp khả thi, hiệu quả và là bước đột phá trong thực hiện công tác cải cách hành chính nhằm mang lại các lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Việc phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và BĐVN đã định hình lên một phương thức làm việc mới theo hướng văn minh, hiện đại. Tỉnh Đồng Tháp và BĐVN khi thực hiện Đề án thí điểm chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công luôn lấy tiêu chí về sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo chất lượng và hiệu quả thực hiện; đảm bảo công tác giải quyết TTHC của tổ chức, công dân được kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và đúng pháp luật.

Sau 01 năm thí điểm triển khai mô hình này, hơn 1 triệu hồ sơ TTHC tại Đồng Tháp đã được tiếp nhận và trả kết quả qua Bưu điện.

Người dân nhận kết quả giải quyết TTHC tại nhà vừa nhanh chóng, thuận tiện vừa tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, chờ đợi

Từ khi Đề án thí điểm chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công cho BĐVN được triển khai ở Đồng Tháp, đã có hơn 30 Đoàn công tác của các tỉnh đến tham quan, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm. Kết quả thực hiện của Đồng Tháp đã tạo được hiệu ứng rất tích cực, lan toả đến nhiều địa phương trên cả nước.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty BĐVN cho biết việc triển khai phương án chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công qua Bưu điện tại Đồng Tháp là hình mẫu, làm cơ sở để BĐVN mở rộng triển khai với các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.

Việc triển khai tại Đồng Tháp cũng là cơ sở quan trọng giúp BĐVN đề xuất chủ trương và được Bộ TTTT thống nhất xây dựng đề án “chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công qua mạng Bưu chính công cộng, dịch vụ Bưu chính công ích”. Đề án này đã được Bộ TTTT hoàn thiện, xin ý kiến các Bộ, ngành địa phương và đã nhận được sự nhất trí rất cao. Hiện nay, Bộ TTTT đang hoàn thiện hồ sơ đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.

Sau mô hình triển khai tại Đồng Tháp, trong quá trình Đề án đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thí điểm. Hiện nay, việc đặt Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận một cửa huyện, xã  tại trụ sở của Bưu điện và bố trí nhân viên Bưu điện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa thay cho cán bộ công chức đã được triển khai tại 21 tỉnh, thành phố và chuẩn bị triển khai tiếp tại 14 tỉnh, thành phố. Các tỉnh còn lại cũng đã thống nhất chủ trương để triển khai trong thời gian tới.

Hiện nay, BĐVN đang phối hợp cùng Học viện hành chính quốc gia xây dựng chương trình đào tạo tập trung đối với Lãnh đạo các cấp, các cán bộ công nhân viên Bưu điện tham gia tại bộ phận một cửa tại địa phương để trang bị kiến thức về lĩnh vực hành chính công, đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực, kiến thức khi nhân viên bưu điện tham gia phục vụ tại bộ phận một cửa các cấp.

Minh Anh

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Huawei tăng trưởng dù gặp khó, ký 50 hợp đồng 5G

Tóm tắt: 

Huwei sẽ tiếp tục đầu tư theo kế hoạch, trong đó có tổng chi tương đương 17,445 tỉ USD cho các hoạt động R&D.

Huawei vừa công bố các kết quả kinh doanh của công ty trong nửa đầu năm 2019: Doanh thu 401,3 tỉ CNY (tương đương 58,34 tỉ USD), tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Biên độ lợi nhuận ròng của công ty trong nửa đầu năm 2019 là 8,7%.

Theo Chủ tịch của Huawei, Liang Hua, các hoạt động của công ty vẫn vận hành thông suốt và ổn định. Với năng lực quản lý hiệu quả và một kết quả xuất sắc trong tất cả các chỉ số tài chính, hoạt động kinh doanh của Huawei vẫn duy trì mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2019. 

Ông Liang Hua, Chủ tịch Huawei

Trong mảng kinh doanh giải pháp hạ tầng viễn thông (carrier business) của Huawei, doanh số nửa đầu năm đạt 146,5 tỉ CNY (tương đương khoảng 21,3 tỉ USD), với sự tăng trưởng ổn định trong sản xuất và bàn giao thiết bị cho các mạng viễn thông, lĩnh vực truyền dẫn quang, truyền dẫn dữ liệu, CNTT, và những mảng sản phẩm có liên quan.

Đến nay, Huawei đã ký được 50 hợp đồng 5G thương mại và đã chuyển hơn 150.000 trạm thu phát sóng đến các thị trường trên khắp thế giới.

Trong mảng kinh doanh các giải pháp doanh nghiệp (enterprise business), doanh thu bán hàng nửa đầu năm của Huawei là 31,6 tỉ CNY (tương đương 4,59 tỉ USD).

Huawei tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm ICT của mình trong nhiều lĩnh vực, bao gồm đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), các hệ thống mạng tòa nhà, các trung tâm dữ liệu, Internet vạn vật (IoT), và điện toán thông minh (intelligent computing).

Công ty vẫn là một nhà cung cấp tin cậy cho khối các khách hàng chính phủ và lĩnh vực công, cũng như các khách hàng trong các lĩnh vực thương mại khác như tài chính, giao thông vận tải, năng lượng, và công nghiệp ô tô. 

Trong lĩnh vực kinh doanh tiêu dùng (consumer business) của Huawei, doanh thu bán hàng nửa đầu năm đạt 220,8 tỉ CNY (tương đương 32,1 tỉ USD). Số lượng smartphone bán ra của Huawei (bao gồm cả các dòng điện thoại Honor) đạt 118 triệu sản phẩm, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cũng đã cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng ở mảng các sản phẩm máy tính bảng, máy tính cá nhân (PCs), và các thiết bị đeo (wearables). Huawei đang bắt đầu mở rộng hệ sinh thái thiết bị để không ngừng mang đến những trải nghiệm thông minh hơn cho tất cả các kịch bản người dùng chính.

Tính đến nay, hệ sinh thái các dịch vụ di động Huawei đã có hơn 800.000 nhà phát triển đăng ký, và 500 triệu người dùng trên toàn cầu. 

Ông Liang Hua cho biết “Doanh thu của chúng tôi đã tăng nhanh trong suốt tháng 5. Với nền tảng đã đặt ra trong nửa đầu năm nay, chúng tôi tiếp tục đạt được sự tăng trưởng ngay cả khi chúng tôi bị bổ sung vào danh sách thực thể (entity list). Điều đó không có nghĩa là chúng tôi không phải đối mặt với những khó khăn ở phía trước. Những khó khăn này có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của chúng tôi trong ngắn hạn”.

Ông nói thêm: “Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc và phấn đấu. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào những gì mà chúng tôi nắm giữ trong tương lai, và chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư theo kế hoạch, trong đó có tổng chi 120 tỉ CNY (tương đương 17,445 tỉ USD) cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong năm nay. Chúng tôi sẽ vượt qua những thách thức này, và chúng tôi tin rằng Huawei sẽ bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới sau khi đã để lại những điều tồi tệ nhất phía sau lưng mình”.

QA

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Apple mua lại bộ phận modem 5G của Intel giá 1 tỷ USD

Tóm tắt: 

Theo các điều khoản của thỏa thuận, khoảng 2.200 kỹ sư sẽ chuyển từ Intel sang Apple và một loạt bằng sáng chế công nghệ.

Apple đã đồng ý mua lại mảng kinh doanh modem 5G của Intel trong một thương vụ có thể giúp nhà sản xuất iPad và iPhone để có quyền kiểm soát trực tiếp hơn chuỗi cung ứng của mình.

Trong ngày 25/7, cùng thời điểm Intel công bố báo cáo thu nhập quý 2 năm 2019, Apple đã công bố thỏa thuận này với trị giá 1 tỷ USD.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, khoảng 2.200 kỹ sư sẽ chuyển từ Intel sang Apple, trong đó phần lớn làm việc tại mảng modem của Intel.

Apple cũng sẽ có được một loạt các bằng sáng chế, đưa số lượng bằng sáng chế của hãng công nghệ lên tới hơn 17.000 bằng sáng chế liên quan đến các công nghệ không dây, chuẩn di động và modem.

"Intel sẽ vẫn duy trì phát triển modem cho các ứng dụng không phải điện thoại thông minh, như PC, thiết bị Internet of Things và xe tự lái", Apple cho biết.

Các tin đồn về việc mua lại đã rộ lên vào đầu tuần này. Các thông tin cho thấy một thỏa thuận có thể trị giá 1 tỷ USD trở lên và hai công ty gần đây đã tham gia các cuộc đàm phán "nâng cao" sau các cuộc thảo luận liên tục trong một năm. 

Bằng cách bán lại bộ phận modem - một quyết định khôn ngoan khi xem Intel trước đây đã tiết lộ kế hoạch từ bỏ phát triển modem di động 5G – một bộ phận có khả năng tiết kiệm tới 1 tỷ USD chi phí hoạt động mỗi năm. Intel trước đây đã nói rằng "không thấy rõ lợi nhuận tích cực" trong mảng không gian modem 5G.

Ngược lại, Apple đã mua một nhóm chuyên gia modem làm sẵn và các bằng sáng chế, một ngày nào đó, có thể giảm sự phụ thuộc vào Qualcomm như một nhà cung cấp linh kiện cho chip iPhone. 

Thỏa thuận này dự kiến sẽ kết thúc vào quý IV năm 2019, với việc chờ phê duyệt theo quy định.

"Thỏa thuận này cho phép chúng tôi tập trung vào phát triển công nghệ cho mạng 5G trong khi vẫn duy trì sở hữu trí tuệ và công nghệ modem quan trọng mà nhóm chúng tôi đã tạo ra", Bob Swan, CEO của Intel cho biết.

"Chúng tôi từ lâu đã tôn trọng Apple và chúng tôi tự tin rằng họ có môi trường phù hợp cho đội ngũ tài năng này và những tài sản quan trọng này đang tiến lên. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình cho 5G, mảng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng toàn cầu, bao gồm các nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ đám mây. "

 QM (Theo zdnet.com)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Bộ Thông tin-Truyền thông ưu tiên đầu tư hạ tầng mạng 5G ở Quảng Ninh

Tóm tắt: 

Đến tháng 6/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng mạng 5G tại Quảng Ninh, ưu tiên các khu du lịch đông người; đồng thời hỗ trợ tỉnh trong chiến lược chuyển đổi số.

Đến tháng 6/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng mạng 5G tại Quảng Ninh, ưu tiên các khu du lịch đông người; đồng thời hỗ trợ tỉnh trong chiến lược chuyển đổi số.

Bộ Thông tin và Truyền thông trao thỏa thuận hợp tác với tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 24/7, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông, do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu, đã có buổi làm việc và ký kết hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về phát triển thông tin và truyền thông, trao đổi về chuyên đề cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận những kết quả Quảng Ninh đạt được trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý thời gian tới, để phát triển và bứt phá trong lĩnh vực thông tin-truyền thông, tỉnh Quảng Ninh cần đầu tư phát triển hạ tầng số, giải bài toán không gian mạng, hạ tầng ảo, chuyển đổi số.

Tỉnh Quảng Ninh cần thay đổi nhận thức, tư duy, rút kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cũng như người dân; xây dựng nền tảng đô thị thông minh, nền tảng phát triển báo chí, phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, hiện đại gắn với công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, tỉnh cần khắc phục các điểm lõm sóng, phấn đấu hỗ trợ 100% bà con có sóng truyền hình để xem truyền hình.

Bộ trưởng cũng cho biết đến tháng 6/2020, Bộ sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng mạng 5G tại Quảng Ninh, ưu tiên các khu du lịch đông người; đồng thời hỗ trợ tỉnh trong chiến lược chuyển đổi số, xây dựng không gian mạng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Quảng Ninh cần dành nguồn ngân sách hợp lý cho phát triển công nghệ thông tin, chủ động đề xuất, kiến nghị, chia sẻ các ý kiến, đẩy mạnh tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm.

Bộ trưởng cho hay các kiến nghị của tỉnh sẽ được Bộ xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Tại buổi làm việc, nhiều kiến nghị của các đơn vị như Viettel, VNPT, Mobifone, Công ty Cổ phần Misa đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giải đáp.

Quảng Ninh cũng đưa ra 15 kiến nghị đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, như: đề nghị hỗ trợ tỉnh xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức chuyển đổi Ipv4 sang Ipv6; hỗ trợ xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử; hỗ trợ xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung; sớm cấp lại giấy phép hoạt động báo chí cho Trung tâm Truyền thông tỉnh...

Dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ký kết hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông về hợp tác phát triển thông tin và truyền thông nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông ở Trung ương và địa phương, hợp tác thúc đẩy phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông tại địa phương.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hướng dẫn tỉnh Quảng Ninh thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông bao gồm bưu chính, viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp ICT; thông tin, tuyên truyền.

Đồng thời, Bộ hỗ trợ tỉnh phát triển mạng lưới bưu chính; phát triển hạ tầng viễn thông; số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, kết nối, liên thông các hệ thống thông tin giữa Trung ương và địa phương; đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng; thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp ICT; quản lý báo chí, xuất bản, thông tin tuyên truyền.

Song song với đó, Bộ hỗ trợ tỉnh trong xây dựng chính quyền số, khu công nghệ thông tin tập trung; đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về an toàn, an ninh mạng, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông.

Cùng ngày, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nói chuyện chuyên đề, trao đổi về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thăm trụ sở làm việc và động viên cán bộ, công nhân viên Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh./.

Nguồn: Đức Hiếu (TTXVN/Vietnam+)
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ mơ lớn và đột phá

Tóm tắt: 

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã có những trao đổi chân tình, thẳng thắn, lắng nghe các ý kiến, khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nhóm khởi nghiệp.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã có những trao đổi chân tình, thẳng thắn, lắng nghe các ý kiến, khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nhóm khởi nghiệp tham dự chương trình “Khởi nghiệp công nghệ” do VTV3 thực hiện vào chiều 22/7, tại trụ sở Bộ TTTT.

Toàn cảnh buổi gặp mặt

Buổi gặp mặt nhằm khích lệ tinh thần khởi nghiệp và tìm kiếm các dự án khởi nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực "Ứng dụng trên điện thoại di động", đồng thời hỗ trợ cho các tác giả, nhóm tác giả có cái nhìn đa chiều hơn về một thị trường công nghệ tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức.

Làm thế nào để khát vọng "Make in Việt Nam" trở thành hiện thực, để trí tuệ Việt Nam hòa cùng dòng chảy của trí tuệ nhân loại trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Đẩy lùi và vượt qua khó khăn, thách thức, biến những trở ngại đó thành cơ hội rất cần đến trí tuệ, bản lĩnh và nguồn cảm hứng cho những người đang chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Các nhóm tham gia chương trình “Khởi nghiệp công nghệ” gồm các các nhóm chungxe, Vihago, Triptour, Mosia, Xeca, BayGolfBooking, Telepro, Gọi Thợ, Utop, Hottit, Cyhome, Manmo, VNGuide, iMoto, TVGift.

Các nhóm khởi nghiệp trong các lĩnh vực cho thuê, chia sẻ xe, du lịch, mạng xã hội, sửa chữa nhà cửa, xe ô tô, xe máy, giải trí… và đã phát triển, sáng tạo các ứng dụng di động nhận được nhiều sự quan tâm.

Sẽ sớm ra quy định về sandbox để thử nghiệm những cái mới mẻ

Mở đầu cuộc gặp mặt, đại diện của TripTour chia sẻ TripTour khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch muốn dùng công nghệ để phát triển du lịch bền vững. TripTour không hẳn là công ty du lịch nhưng lo ngại bị quản lý như là một công ty du lịch.

TripTour là chợ tour trực tuyến có tên miền triptour.vn, là sàn giao dịch thương mại điện tử phục vụ thương nhân, tổ chức, các nhân có nhu cầu thực hiện đăng bán các dịch vụ đặt tour du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi thẳng thắn và chân tình với các nhóm khởi nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp khi làm một sản phẩm chưa tồn tại nên thường bị vướng, mâu thuẫn với pháp luật. Mâu thuẫn vì đang làm cái mới.

Khi khởi tạo một công việc mới có khó khăn, vướng mắc thì xem là một cơ hội để nỗ lực, thành công, cũng để thử thách ý chí của mình có mạnh không. TripTour hay các nhóm khởi nghiệp hãy “coi việc này như là lửa thử vàng”.

Bộ trưởng chia sẻ tiếp: Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, thế giới đang dịch chuyển từ thực sang ảo, dẫn tới câu chuyện số hoá.

Câu chuyện taxi công nghệ không giống taxi bình thường và quản như thế nào? Giải câu chuyện như thế nào? Thế giới trao đổi nhiều về vấn đề này, giờ đây thì có vẻ thống nhất sandbox là một tư tưởng tốt cho việc giải câu chuyện này. Việt Nam cũng đã nhận thấy đây là cách tiếp cận khả thi, hiệu quả nhất và Bộ TTTT đang xây dựng quy định về sandbox và cố gắng Quý III là xong để trình Chính phủ. DN khởi nghiệp hãy tự tin gặp cơ quan nhà nước để cùng tháo gỡ khó khăn. 

Tìm cơ hội từ những thị trường ngách

Sau Triptour, Bộ trưởng đã chia sẻ với đại diện của iMotor, DN phát triển ứng dụng điện thoại xe máy biết nói, giúp người tiêu dùng tương tác với xe máy.

Theo đại diện của iMotor, nền tảng mà tất cả những chi tiết của xe máy có thể tương tác với người sử dụng qua ứng dụng điện thoại, chúng ta có thể ví như “ứng dụng điện thoại như là cái mồm của xe máy”, có thể nói chuyện với người sử dụng mình, và hai người bạn này bắt đầu có thể trò chuyện với nhau.

Bộ trưởng cho biết chúng ta đang ở giai đoạn có thể thay đổi rất nhiều thứ trong xã hội loài người. Xã hội có hàng tỷ người và sở hữu nhiều đồ vật. Những đồ vật như xe máy cần phải sửa chữa, thay dầu, thay lốp, rồi còn rất nhiều đồ vật khác cũng cần sửa chữa như ô tô, máy điều hoà… Đây là một thị trường ngách rất lớn.

Cần những mạng xã hội giải quyết câu chuyện Việt Nam

Trao đổi với các nhóm xây dựng mạng xã hội cho Việt Nam, Bộ trưởng cho biết mạng xã hội toàn cầu không giải được câu chuyện nhóm nhỏ, văn hoá địa phương. Mạng xã hội giờ đây cần giải quyết những nhu cầu cao hơn và mang tính văn hoá. Đây là cơ hội của các bạn.

Mạng xã hội Việt Nam là cần thiết để giải quyết nhu cầu sâu của văn hoá Việt Nam. Xây dựng mạng xã hội Việt Nam giúp bảo vệ Tổ quốc. Các mạng xã hội Việt Nam vào giúp tư duy của người Việt Nam ở Việt Nam. Khi lớn mạnh trong nước, các nền tảng xã hội có thể phát triển cho  các nước nhưng phải mang tính địa phương hoá, đáp ứng nhu cầu địa phương.

Trao đổi với nhóm CyHome, hệ sinh thái chung cư thông minh và thân thiện với người dùng, Bộ trưởng cho biết câu chuyện chung cư là một câu chuyện lớn. Ứng dụng CyHome được phát triển tốt sẽ giúp xã hội ổn định.

Ứng dụng CyHome hỗ trợ hiệu quả cho công tác chuyên môn của ban quản lý chung cư cũng như cung cấp cho cư dân nhiều tiện ích thiết thực. Gia tăng hiệu quả quản lý và nâng cao sự hài lòng của cư dân là sứ mệnh của CyHome.

Khởi nghiệp cần giấc mơ lớn và đột phá

Trong suốt cuộc đối thoại, Bộ trưởng đã nhấn mạnh thế giới đang xảy ra cuộc thay đổi lớn, chuyển đổi lớn, được gọi bằng cách từ khác nhau như cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, kỷ nguyên số… nhưng tóm lại sự thay đổi lịch sử của xã hội loài người hiện nay là chuyển đổi không gian này sang không gian khác. Chúng ta phải biết nằm bắt cuộc cách mạng này và làm thay đổi thứ hạng phát triển của Việt Nam.

Theo phân tích của Bộ trưởng, cuộc cách mạng này hay vì không đòi hỏi nhiều vật chất mà chủ yếu liên quan đến tư duy, số hoá.

"Cái mới thường mang tính cách mạng. Hôm nay có rất nhiều ý tưởng và các đội đều cho thấy khát khao thay đổi xã hội. Các giấc mơ đó rất quan trọng".

Bộ trưởng mong muốn các nhóm khởi nghiệp có giấc mơ lớn. "Giấc mơ lớn bắt đầu từ việc nhỏ. Các bạn hãy lớn lên từ những việc nhỏ".

Bộ trưởng cũng lưu ý DN khởi nghiệp phải có một tư tưởng đột phát, độc đáo, mang lại giá trị mang tính kinh ngạc.

“Việt Nam có cái hay là sự thân thiện giữa cộng đồng khởi nghiệp và chính quyền. Bộ TTTT sẽ giúp các nhóm khởi nghiệp. DN khởi nghiệp thành công thì Bộ mới thành công. Bộ TTTT sẽ tạo mọi điều kiện cho DN khởi nghiệp”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với các nhóm khởi nghiệp

Các đội tham gia đối thoại với Bộ trưởng Bộ TTTT sẽ tham gia Chương trình khởi nghiệp cùng công nghệ do Ban Sản xuất các chương trình Giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện.

Chương trình nhằm tìm kiếm các dự án khởi nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực ứng dụng trên điện thoại di động và hỗ trợ cho các tác giả, nhóm tác giả có cái nhìn đa chiều hơn về một thị trường tiềm năng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chương trình có sự đồng hành, cố vấn của các Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch Đầu tư và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, dự kiến được phát sóng vào 12h00, thứ bảy hàng tuần trên  VTV3 từ ngày 3/8/2019.

Chương trình sẽ giúp khán giả truyền hình, những người sử dụng ứng dụng (app) biết đến nhiều hơn các ứng dụng thông minh phục vụ cuộc sống, ủng hộ, sử dụng sản phẩm trí tuệ của người Việt. Đồng thời, chương trình cũng giúp các tác giả, nhóm tác giả nhìn ra các điểm mạnh trong khởi nghiệp công nghệ với ứng dụng trên điện thoại di động.  

Các chuyên gia sẽ đào tạo, hỗ trợ và đưa ra định hướng phát triển lâu dài cho từng sản phẩm. Đội chiến thắng sẽ nhận được phần thưởng giá trị xứng đáng. 

Lan Phương/ictvietnam.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Bổ nhiệm ông Hoàng Minh Cường giữ chức Cục trưởng Cục Viễn thông

Tóm tắt: 

Bộ TT&TT đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Minh Cường, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông giữ chức Cục trưởng Cục Viễn thông.

Sáng ngày 22/7/2019, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Minh Cường, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông giữ chức Cục trưởng Cục Viễn thông. Tới dự và chủ trì Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các Thứ trưởng Bộ TT&TT và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao Quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Minh Cường giữ chức Cục trưởng Cục Viễn thông
Tập thể lãnh đạo Bộ TT&TT chúc mừng tân Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường

Theo Quyết định số 1069/QĐ-BTTTT ngày 11/7/2019 của Bộ trưởng Bộ TT&TT bổ nhiệm có thời hạn ông Hoàng Minh Cường, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông giữ chức Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2019.

Tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Cường trân trọng cảm ơn sự tin tưởng của Ban cán sự Đảng và tập thể lãnh đạo Bộ TT&TT đã giao trọng trách làm Cục trưởng Cục Viễn thông. Đây là niềm vinh dự và tự hào nhưng cũng là thách thức lớn đối với cá nhân tôi, ông Hoàng Minh Cường chia sẻ.
 
Tân Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường hứa sẽ không ngừng học hỏi, rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ; cùng tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Cục Viễn thông đoàn kết vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ tin tưởng giao phó.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá ông Hoàng Minh Cường là người được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn, đã được rèn luyện, thử thách qua nhiều vị trí công tác và là người có khả năng học hỏi tốt trong công tác quản lý sẽ thúc đẩy lĩnh vực viễn thông phát triển trong thời gian tới.
 
Bộ trưởng yêu cầu, trên cương vị mới, tân Cục trưởng Cục Viễn thông sẽ phát huy kinh nghiệm, quyết liệt xử lý những thách thức như: xử lý cuộc gọi rác, tin nhắn rác, thúc đẩy hạ tầng ICT phát triển, đảm bảo an toàn thông tin trong lĩnh vực viễn thông,... Mặt khác, tân Cục trưởng cần phải có góc nhìn mới, huy động các nguồn lực xã hội để cùng tham gia vào việc xây dựng và đổi mới chính sách, đổi mới chính mình nhằm thúc đẩy lĩnh vực viễn thông phát triển, xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ trong thời gian tới.
Đăng Quý/mic.gov.vn
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Bộ tem đánh dấu 50 năm lần đầu tiên con người đặt chân lên Mặt Trăng

Tóm tắt: 

Chủ đề chính của bộ tem được nhấn mạnh như lời Neil Armstrong đã nói: “Đây là bước chân nhỏ bé của một con người, nhưng là một bước tiến khổng lồ của nhân loại”.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa phát hành bộ tem “Kỷ niệm 50 năm lần đầu tiên con người đặt chân lên Mặt Trăng (1969-2019)”. 

Bộ tem được thể hiện theo phong cách đồ họa, mang tính hình tượng cao với hình ảnh phi hành gia cùng con tàu vũ trụ, đặc biệt hình dấu bước chân được làm nổi bật.

Bộ tem thể hiện không gian ước lệ cùng với các chi tiết toát lên ý tưởng chính của bộ tem. Hình tượng và màu sắc cô đọng thiên về tông màu xám bạc và xanh thẫm, thể hiện tính chất sự vật hiện tượng.

Ngày 16/7/1969, tên lửa Satum V đưa tàu vũ trụ Apollo 11 của Mỹ cùng 3 phi hành gia là Neil Amstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin - rời Trái Đất và đến Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969.

Hai phi hành gia là Neil Amstrong và Buzz Aldrin đã xuống bề mặt Mặt Trăng bằng khoang đổ bộ Eagle còn Michael Collins ở trên quỹ đạo trong khoang chỉ huy (Module Command).

Amstrong là người đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng. Ông cùng người cộng sự của mình đi bộ trên bề mặt Mặt Trăng khoảng 2h30 phút, chụp ảnh và lấy mẫu vật chất của vệ tinh để phân tích, nghiên cứu.

Hơn 600 triệu người trên khắp thế giới đã xem buổi phóng tên lửa qua truyền hình trực tiếp. Chuyến đi của Amstrong và các cộng sự là một bước tiến vĩ đại của nhân loại trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ, đánh dấu lần đầu tiên con người đặt chân lên Mặt Trăng - vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất và là vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm trong Hệ Mặt Trời.

Chủ đề chính của bộ tem được nhấn mạnh như lời Neil Armstrong đã nói: “Đây là bước chân nhỏ bé của một con người, nhưng là một bước tiến khổng lồ của nhân loại”. 

Bộ tem được thiết kế tràn lề với khuôn khổ 37 x 37 mm do họa sĩ Nguyễn Du, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện.

Bộ tem gồm 01 mẫu, giá mặt 4.000 đồng, được cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 20/7/2019 đến 30/6/2021.

 Minh Anh

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành