Syndicate content

Chuyển động ngành

Nhà mạng "dội mưa" khuyến mại tháng 9

Hàng loạt các chương trình khuyến mại dành cho người dùng di động đã được nhà mạng tung ra ngay từ đầu tháng 9 này.

Ưu tiên số một cho học sinh, sinh viên

Cùng lúc với ưu đãi tặng 50% giá trị thẻ nạp và tài khoản, thuê bao Q-Student, Q-Teen của mạng di động MobiFone phát triển mới còn được hưởng thêm nhiều ưu đãi khác khi tham gia chương trình khuyến mại chào mừng năm học mới 2011 - 2012. Chương trình đã được nhà mạng triển khai từ 25/8 đến hết 30/9/2011.

Với chương trình này, nếu là thuê bao gói Q-Student và Q-Teen phát triển mới, không bao gồm các thuê bao chuyển đổi sang gói Q-Student và Q-Teen khi kích hoạt sẽ được bộ nạp sẵn với 25 ngàn đồng trong tài khoản. MobiFone cũng sẽ tặng 50% giá trị nạp tiền vào tài khoản (từ lần thứ 1 cho đến lần thứ 10) cho các khách hàng nạp tiền trước khi khóa 1 chiều và trước ngày 31/12/2011.

Với riêng thuê bao Q-Teen hòa mạng mới còn được hưởng chương trình khuyến mại Chào mừng năm học mới 2011 - 2012 với ưu đãi cộng tiền hàng tháng. Thuê bao trả trước thuộc gói cước Q-Teen kích hoạt sử dụng trong thời gian thực hiện chương trình sẽ được tặng 300.000 đồng trong 12 tháng kể từ ngày kích hoạt. Mỗi tháng cộng 25.000 đồng vào tài khoản khuyến mại.

Các thuê bao trả trước đang hoạt động hoặc phát triển mới trong thời gian thực hiện chương trình được hưởng gói SMS nội mạng trong nước. Chỉ cần bỏ ra 3.000 đồng/ngày, thuê bao sẽ được miễn phí tới 100 SMS tính đến 24 giờ của ngày đăng ký.

Ngoài ra, MobiFone còn tung khuyến mại gói thoại N1, dành cho các thuê bao trả trước Q- Sutent, Q-teen, MobiQđang hoạt động hoặc là thuê bao phát triển mới trong thời gian thực hiện chương trình.

Với gói này, thuê bao chỉ phải bỏ ra 2.700 đồng/ngày, sẽ được miễn phí 40 phút gọi tính đến thời điểm 24h của ngày đăng ký. Thời hạn sử dụng của gói được tính kể từ thời điểm đăng ký thành công vào hệ thống.

Cũng dịp này, VinaPhone dành cho thuê bao sinh viên ưu đãi khó có thể ưu đãi hơn. Từ 1/9 VinaPhone giảm cước lớn cho Mobile Internet và ezCom. Đối với dịch vụ Mobile Internet: tăng lưu lượng miễn phí trong các gói từ 7%-100%, giảm 50% cước lưu lượng vượt gói.

Với ezCom, giảm cước tới 12% và tăng thêm gói cước mới, thêm tính năng “truy cập Internet không giới hạn” chỉ với 50.000 đ/tháng.

Đặc biệt, nhân dịp năm học mới, VinaPhone áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt cho các khách hàng là học sinh, sinh viên (HSSV) từ 12 đến 22 tuổi khiđăng ký sử dụng dịch vụ ezCom.

Không cần các ràng buộc về mua thiết bị USB, chỉ cần đăng ký gói cước ezCom trả trước của VinaPhone (chi phí mua SIMCard ban đầu chỉ từ 25.000đ), các bạn HSSV sẽ được tặng đến 30.000 đồng truy cập Internet miễn phí/tháng trong suốt 10 năm (từ năm 12 tuổi đến năm 22 tuổi).

Trả sau VinaPhone "thỏa sức Alo" cả tháng 9

Ưu đãi này được VinaPhone dành cho các thuê bao trả sau hòa mạng mới gồm: Thuê bao trả sau phát triển mới; Thuê bao trả sau đang tạm khóa 2 chiều trước ngày 1/6/2011, đang không hưởng khuyến mại khác, khôi phục sử dụng dịch vụ; Thuê bao trả trước chuyển sang trả sau. (không bao gồm thuê bao trả sau đang hoạt động chuyển sang trả trước, sau đó chuyển lại hòa mạng trả sau trong thời gian khuyến mại) trên toàn quốc.

Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn một trong hai hình thức khuyến mại.

Nếu lựa chọn gói khuyến mại 1, sẽ được VinaPhone tặng 50% cước hòa mạng; tặng 100% phí chuyển đổi hình thức.

Và đặc biệt, sẽ thỏa sức alo nhờ được miễn cước các cuộc gọi nội mạng VinaPhone (không bao gồm cuộc gọi Video Call) và cuộc gọi đến cố định VNPT/GPhone trên địa bàn Tỉnh đăng ký hòa mạng trong 12 tháng tính từ tháng hòa mạng với điều kiện: khách hàng cam kết đóng 25.000đ/tháng (đã có VAT & chưa bao gồm cước thuê bao tháng) liên tục trong 12 tháng tính từ tháng hòa mạng.

Thời lượng tối đa hưởng khuyến mại/cuộc là 10 phút đầu tiên của cuộc gọi. Thời lượng quá 10 phút của cuộc gọi sẽ được tính cước theo quy định hiện hành. Các cuộc gọi sang mạng khác, sử dụng dịch vụ khác sẽ bị tính cước theo quy định.

Để được hưởng mức ưu đãi này, nếu thuê bao hòa mạng trước ngày 16/9/2011 sẽ phải chịu 100% giá trị gói cam kết (thu 25.000đ). Còn hòa mạng từ ngày 16/9/2011 trở đi, thuê bao chỉ phải trả 50% giá trị gói cam kết (thu 12.500đ).

Còn lựa chọn Khuyến mại 2, thuê bao cũng được hưởng ưu đãi giảm 50% cước hòa mạng và được tặng 100% phí chuyển đổi hình thức.

Khách hàng cam kết đóng 99.000đ/tháng (đã có VAT & chưa bao gồm cước thuê bao tháng) liên tục trong 12 tháng tính từ tháng hòa mạng được miễn cước các cuộc gọi theo các hướng: Gọi nội mạng VinaPhone (không bao gồm cuộc gọi Video Call); Gọi đến cố định VNPT/GPhone trên toàn quốc và gọi đến thuê bao MobiFone.

Thời lượng tối đa hưởng khuyến mại/cuộc là 10 phút đầu tiên của cuộc gọi. Thời lượng quá 10 phút của cuộc gọi sẽ được tính cước theo quy định hiện hành. Các cuộc gọi sang mạng khác (ngoài các hướng gọi quy định nêu trên), sử dụng dịch vụ khác sẽ bị tính cước theo quy định.

Mức cam kết khách hàng phải đóng trong tháng hòa mạng được thu như sau: Hòa mạng trước ngày 16/9/2011: thu 100% giá trị gói cam kết (thu 99.000đ); Hòa mạng từ ngày 16/9/2011 trở đi: thu 50% giá trị gói cam kết (thu 49.500đ).

Mua HTC Wildfire S, “xài” 3G thoải mái

Đây vốn là ưu đãi được MobiFone triển khai từ tháng 8 nhưng sẽ kéo dài đến hết ngày 30/09/2011. Khách hàng là thuê bao của MobiFone mua sản phẩm HTC Wildfire S thông qua hệ thống bán hàng của FPT sẽ nhận được 01 thẻ (voucher) hướng dẫn đăng ký tham gia chương trình được đính kèm trong hộp điện thoại.

Sau khi sử dụng voucher đính kèm trong hộp điện thoại để đăng ký thành công vào chương trình thì sẽ được lựa chọn hưởng các ưu đãi lớn.

Nếu chọn sử dụng dịch vụ Mobile TV gói TV30 sẽ được miễn phí 1.536MB trong vòng 6 tháng. Ưu đãi 1.536MB trong vòng 12 tháng cho khách hàng chọn sử dụng dịch vụ Mobile Internet gói D30 và 12 tháng cước thuê bao 9.000đ/tháng nếu sử dụng dịch vụ Funring.

Hiền Mai

VnMedia

Cắt thuê bao "ảo", FPT giảm gần 1/3 thị phần

Tháng 6/2011, sau khi loại bỏ các thuê bao không phát sinh cước trong 6 tháng đầu năm, FPT Telecom đã mất khoảng hơn 200.000 thuê bao, tương đương gần 1/3 thị phần của doanh nghiệp này.

FPT Telecom chỉ còn khoảng 6,9% thị phần

FPT Telecom hiện đã mất đi khoảng 1/3 thị phần khi cắt giảm thuê bao "ảo". Ảnh: Thanh Hải.

Theo số liệu tháng 6 của VNNIC về thị phần các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), VNPT vẫn dẫn đầu với 72,56% thị phần, dù giảm đi 1,58% so với tháng 5. Tuy nhiên, vị trí số 2 và số 3 của Viettel và FPT Telecom đã có sự cách biệt đáng kể (8,51%) khi Viettel đang chiếm đến 15,41% thị phần, trong khi FPT Telecom chỉ khoảng 6,9%, dù trong tháng 5, khoảng cách này chỉ vào khoảng 0,21%. Sở dĩ có sự thay đổi như vậy là do Viettel đã tăng khoảng 4,93% còn FPT Telecom đã giảm 3,37% thị phần (khoảng 1/3 thị phần của doanh nghiệp này trong tháng 5).

Theo đại diện của một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, dù chưa biết cách tính số lượng thuê bao của VNNIC và gần đây FPT Telecom có sụt giảm nhiều thuê bao nhưng việc giảm thị phần đến 1/3 chỉ sau 1 tháng của FPT Telecom là một con số rất lớn và có nhiều điểm "đáng ngờ".

Quyết loại bỏ các thuê bao không phát sinh cước

Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, đại diện VNNIC khẳng định, số liệu thị phần ISP trong tháng 6 là hoàn toàn chính xác. Hàng tháng, các ISP gửi báo cáo về cho Bộ TT&TT về số lượng đường dây Internet lắp đặt mới trong tháng. Từ đó, VNNIC sẽ quy đổi theo một công thức nhất định để ra số lượng thuê bao Internet, ví dụ như với đường dây cho hộ gia đình sẽ nhân với 4 để ra số lượng thuê bao, còn doanh nghiệp thì con số quy đổi sẽ ở mức 30 người/đường dây.

Sở dĩ, FPT Telecom giảm mạnh số lượng thuê bao trong tháng 6 là bởi vì trong tháng này, FPT Telecom đã khai báo số thuê bao ngừng hoạt động do xù nợ, không đóng tiền cước hay vì một số lý do khác của tất cả những tháng trước đó (khoảng hơn 200 nghìn thuê bao). "Chính vì thế, số thị phần của FPT Telecom mới đột ngột giảm như vậy", đại diện VNNIC cho biết thêm.

Bên cạnh đó, cũng trong tháng 6, trong thị phần các ISP đã có thêm số lượng thuê bao 3G. Tuy nhiên, mới chỉ có Viettel khai báo trong tháng 6 nên dẫn đến thị phần của đơn vị này đã có sự tăng vọt so với tháng 5. "Tháng 7, VNNIC dự kiến sẽ cập nhật thêm số lượng người dùng 3G của EVN Telecom", đại diện VNNIC nói.

Theo bà Bùi Hồng Yến, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom, hàng tháng, FPT Telecom cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet thực hiện báo cáo tình hình phát triển thuê bao lên Bộ TT&TT, số liệu theo mẫu báo cáo Bộ yêu cầu được cập nhật tại phân hệ nhập liệu trên website http://thongkeinternet.mic.gov.vn

Số thuê bao Internet từ trước cho đến hết tháng 5/2011 mà FPT Telecom báo cáo bao gồm khá nhiều các thuê bao "ảo", là các thuê bao đã bị khoá ngừng sử dụng trên 6 tháng do chưa thanh toán các khoản cước phí dịch vụ phát sinh. FPT Telecom đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ, tuy nhiên sau một thời gian phần lớn các khách hàng này đã không còn ở địa điểm cũ, thay đổi số điện thoại nên không thể liên hệ được. Toàn bộ các thuê bao dạng này đều không sử dụng dịch vụ từ 6 tháng trước và không phát sinh doanh thu dịch vụ cho FPT Telecom.

Sau khi rà soát, kiện toàn hệ thống báo cáo nội bộ, số liệu báo cáo tháng 6/2011 lên Bộ TT&TT đã chỉ gồm những thuê bao hiện hữu đang sử dụng dịch vụ Internet của FPT Telecom (đã giảm trừ các thuê bao "ảo") và đóng góp vào doanh thu dịch vụ cho công ty.

"Cách làm này của FPT Telecom giống với việc các nhà cung cấp dịch vụ di động loại bỏ những thuê bao "rác" sau 2 tháng không sử dụng dịch vụ", bà Yến cho biết thêm.

Với mong muốn có một số liệu báo cáo đúng với tình hình phát triển thuê bao Interrnet thực tế, trước kỳ lập báo cáo tháng 6/2011, FPT Telecom đã trao đổi với chuyên viên của Bộ về vấn đề này để được tư vấn thực hiện. Trong báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh từ 2009 đến hết quí II/2011 gửi Bộ TT&TT phục vụ công bố dịch vụ và doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, FPT Telecom đã báo cáo Bộ 2 số liệu phát triển thuê bao bao gồm số lượng thuê bao Internet đã báo cáo lên Bộ hàng tháng (trên trang thống kê) tháng 3/2011 và tổng số thuê bao hiện hữu đã giảm trừ các thuê bao rời mạng (là các thuê bao "ảo", chưa làm thủ tục thanh lý hợp đồng nhưng không còn sử dụng dịch vụ do chưa thanh toán cước phí nên đã bị khoá ngừng sử dụng dịch vụ 6 tháng trước đó).

Khi được hỏi về tác động của việc cắt giảm thuê bao "ảo" làm giảm thị phần đến FPT Telecom, bà Yến cho rằng, các số liệu thuê bao hay thị phần chỉ là "phần nổi" và FPT Telecom không bị ảnh hưởng lớn bởi việc này bởi "phần chìm" là doanh thu của FPT Telecom 6 tháng đầu năm đã không tính đến các thuê bao "ảo" do không phát sinh cước trong thời gian này.

Thế Phương

Theo ICTNews

Các mạng di động chuyển hướng

Một trong những khó khăn khác mà các nhà mạng phải đối mặt là doanh thu bình quân trên mỗi số thuê bao (ARPU) giảm và tình trạng đổi mạng của khách hàng vẫn ở mức cao.

Không còn những cuộc chạy đua giảm giá mà chăm chút hơn cho các gói cước hấp dẫn, đào sâu thị trường ngách và đầu tư nhiều hơn cho dịch vụ giá trị gia tăng, đó là chiến lược mới mà các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang áp dụng trong bối cảnh con số khách hàng thuê bao di động đang giảm và gần đạt ngưỡng bão hòa.

Các chuyên gia viễn thông cho rằng đó là những dấu hiệu tốt của thị trường bởi chiến lược kinh doanh của các nhà mạng ngày càng có chiều sâu, chú trọng đầu tư hơn cho chất lượng. Khác với trước đây, họ chỉ chạy đua về giá cả khiến doanh thu bình quân trên mỗi số thuê bao đang ngày càng giảm.

Chạm ngưỡng bão hòa

Nguồn: Internet

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, số thuê bao điện thoại phát triển mới của cả nước trong bảy tháng đầu năm 2011 đạt 5,7 triệu, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm 2010 (cụ thể, có 36.400 số thuê bao cố định và gần 5,7 triệu số thuê bao di động). Tính chung số thuê bao điện thoại cả nước, đến cuối tháng 7-2011 ước tính đạt 128,1 triệu (tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm 2010), bao gồm 15,5 triệu số thuê bao cố định và 112,6 triệu số thuê bao di động.

Mới đây, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã công bố mật độ thuê bao di động của Việt Nam hiện chỉ thấp hơn bảy quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Macao, Hồng Kông, Ả rập Xê út, Montenegro, Panama, Bermuda và Ireland. Một trong những điểm đáng chú ý là Việt Nam đang vượt rất xa nhiều quốc gia khác khi mật độ viễn thông (tỷ lệ số thuê bao di động trên tổng dân số) tăng từ 87% vào năm 2009 lên 175% vào năm 2010. Trong khi đó, mật độ viễn thông trung bình của các quốc gia đang phát triển chỉ khoảng 70% và các quốc gia phát triển cũng chỉ là 114%. Mật độ phát triển nhanh này là do các mạng đã bắt đầu triển khai thương mại hóa công nghệ 3G từ cuối năm 2009 và số lượng khách thuê bao tăng khá nhanh, đến nay đã đạt mức 8 triệu số thuê bao 3G.

Nhìn vào những con số nêu trên có thể thấy, việc một quốc gia với hơn 86 triệu dân mà đạt mật độ thuê bao di động ở mức quá cao như vậy cũng đồng nghĩa với việc con số thuê bao mới sẽ chững lại.

Ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc mạng VinaPhone, thừa nhận thị trường đã có dấu hiệu bão hòa, vì thế trong giai đoạn phát triển tiếp theo của các nhà mạng, trong đó có VinaPhone, sẽ có nhiều thách thức.
Ngay cả các nhà bán lẻ cũng than phiền rằng mảng bán lẻ điện thoại di động cũng không còn hấp dẫn như trước khi phần lớn người dân ai cũng sở hữu từ một đến hai chiếc điện thoại.

Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc chuỗi siêu thị Thegioididong.com, nói rằng thị trường điện thoại di động đã bão hòa, lợi nhuận trên mỗi chiếc điện thoại bán ra khoảng từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng. Chính vì vậy mà Thegioididong.com đã chuyển hướng kinh doanh sang thị trường điện máy.

Một trong những khó khăn khác mà các nhà mạng phải đối mặt là doanh thu bình quân trên mỗi số thuê bao (ARPU) giảm và tình trạng đổi mạng của khách hàng vẫn ở mức cao.

Hãng nghiên cứu thị trường BMI (Anh) cũng cho biết năm 2010, ARPU của Việt Nam chỉ đạt 5 đô la Mỹ, giảm so với 5,52 đô la trong năm 2009. Trong khi đó, chỉ số ARPU trong năm 2008 và 2007 lần lượt là 6 đô la và 6,5 đô la. ARPU đang giảm nhanh chóng và BMI dự báo có thể giảm chỉ còn 3,51 đô la vào năm 2015.

Cũng theo một thống kê sơ bộ của các mạng di động, hiện trên thị trường đang có khoảng 4-5 triệu khách thuê bao luôn đổi mạng để tìm kiếm sự khuyến mãi. Theo các chuyên gia, đây chính là những trở ngại, thách thức đối với thị trường viễn thông Việt Nam, cần được sớm giải quyết mới có hy vọng đạt được sự phát triển bền vững và đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Mạng 3G mặc dù đã được triển khai nhưng chưa thực sự được tận dụng và chưa ổn định tại Việt Nam. Công nghệ 3G bắt đầu đưa dữ liệu số vào trong thiết bị di động và cái quan trọng nhất của dữ liệu số này sẽ phải là nội dung thông tin dựa trên chính phủ điện tử và thương mại điện tử. Những nội dung thông tin này mới là giá trị gia tăng đem lại lợi nhuận cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ nội dung số vẫn còn đang nghèo nàn.

Chính vì vậy, một khi thị trường viễn thông di động bão hòa thì các nhà mạng buộc phải đầu tư có chiều sâu cho chất lượng mạng và dịch vụ chăm sóc khách hàng thì mới mong tiếp tục phát triển.

Giữ chân khách hàng

Các mạng di động như VinaPhone, MobiFone và Viettel đều khẳng định rằng số khách hàng thuê bao của họ vẫn đang tăng, nhưng rất chậm. Thậm chí có nhà mạng lớn còn nói rằng ở thời điểm này việc giữ chân khách hàng cũ còn quan trọng hơn cả việc phát triển khách hàng mới, đặc biệt là giữ chân khách hàng thuê bao trả sau.

Trước đây, nhiều khách hàng của VinaPhone phàn nàn rằng họ đã trung thành với mạng di động này hàng chục năm nhưng hầu như chẳng bao giờ được ngó ngàng đến.

Đầu tháng 8, VinaPhone đã triển khai dịch vụ EZPay giúp người thuê bao di động trả sau có thể thanh toán cước phí nhanh chóng, thuận tiện bằng chính thẻ cào trả trước. Với dịch vụ mới này, khách hàng sẽ không phải mất thời gian ra bưu điện hoặc các trung tâm giao dịch của VinaPhone mà chỉ cần mua thẻ trả trước VinaPhone ở bất cứ đại lý hay cửa hàng thẻ nào là có thể dễ dàng thanh toán cước hằng tháng.

Trong khi đó, mạng MobiFone lại đầu tư mạnh cho hạ tầng thông tin phục vụ khách hàng bằng việc cho khách hàng lựa chọn nhiều hình thức liên lạc, tìm hiểu thông tin thông qua hệ thống kênh tư vấn, giải đáp thắc mắc. Ngoài các đại lý, điểm giao dịch hỗ trợ tư vấn trực tiếp, khách hàng MobiFone có thể gọi vào tổng đài 18001090 trả lời tự động, gọi tới các đầu số 9244 hay đường dây nóng 144. Bên cạnh đó, MobiFone cũng mở kênh tiếp nhận và trả lời thông tin qua e-mail và công cụ chat trực tuyến tại địa chỉ web www.mobifone.com.vn.

Cùng với việc chăm sóc khách hàng tốt hơn, các nhà mạng cũng đánh mạnh vào các thị trường ngách với khách hàng như sinh viên, cán bộ đoàn, các cặp đôi và kể cả ngư dân. Theo thống kê sơ bộ, MobiFone có các gói cước Q-Teen, Q-Student; Viettel có gói cước Tomato cho học sinh, sinh viên; S-Fone từng tung ra các gói cước FreeOne cho các cặp vợ chồng, tình nhân dùng trọn gói một tháng chỉ 250.000 đồng. Hay, Vietnamobile có gói cước Heart2Heart gọi miễn phí từ 22 giờ đến 10 giờ ngày hôm sau cho các cặp tình nhân; VinaPhone có gói TalkEZ dành cho học sinh, sinh viên...

Giữa tháng 8, Viettel tung gói cước Sea+ dành cho ngư dân có tính năng đặc biệt như cung cấp miễn phí bản tin thời tiết biển hằng ngày và có giải đáp thông tin về thời tiết của tổng đài số 1111, đồng thời giảm 50% cước gọi tới 10 số di động Viettel.

Đua ra biển lớn

Nhìn thấy thị trường trong nước đã chạm ngưỡng bão hòa, mới đây MobiFone đã bày tỏ ý định đầu tư ra nước ngoài. Ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch của MobiFone, cho biết mạng di động này dự kiến sẽ đầu tư phục vụ cho thị trường khoảng 200 triệu dân.

Theo MobiFone thì việc đầu tư ra nước ngoài ở thời điểm này là vô cùng khó khăn và nhiều thử thách, nhưng là việc cần thiết phải làm để phát triển.

Trước MobiFone, Viettel là người đi tiên phong ra thị trường nước ngoài khi chính thức kinh doanh tại Campuchia từ năm 2009. Với kinh nghiệm tích lũy tại thị trường này, đến nay Viettel đã đầu tư sang Haiti, Mozambique và Peru. Ông Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết tình hình đầu tư ra nước ngoài của Viettel rất khả quan. Mục tiêu của Viettel đến năm 2015 là sẽ có thị trường quy mô 300-500 triệu dân. Nếu đạt được con số này, Viettel sẽ đạt doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn gấp 3-5 lần thị trường trong nước và trở thành một trong 10 doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới.

Theo một nguồn tin từ FPT, tập đoàn cũng này đang có ý định đầu tư ra nước ngoài. Hiện FPT đã xây dựng kết nối mạng đường trục đến đường biên giới, từ đó cung cấp dung lượng kết nối cho các nhà khai thác tại Lào và Campuchia. Ngoài mục tiêu đầu tư vào hai nước này, FPT cũng đang chuẩn bị bước vào thị trường Nigeria khi đầu tháng 7 vừa qua đã cùng Công ty 21st Century Technologies của Nigeria ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực viễn thông, giáo dục và sản xuất thiết bị. Trong đó, FPT sẽ tìm cơ hội hợp tác trong các dịch vụ băng thông rộng, nội dung số, trò chơi trực tuyến, các giải pháp trong lĩnh vực viễn thông và sản phẩm công nghệ...

Thu Hiền

Theo TBKTSG

Viettel “làm khó” đối thủ tại Campuchia

Tờ PhnomPenh Post đã đưa ý kiến của Frost and Sullivan khu vực châu Á cho rằng mạng di động Metfone của Viettel đang phát triển mạng lưới nhanh hơn, và cung cấp dịch vụ rẻ hơn cho người tiêu dùng so với các đối thủ tại Campuchia.

Metfone đang là nhà cung cấp dịch vụ có hạ tầng lớn nhất tại Campuchia

Metfone tuyên bố kiểm soát 80% mạng cáp và phủ tới từng xã tại Campuchia. Metfone cũng cho biết đã đóng góp 16.000km cáp quang trong tổng số 20.000km của toàn thị trường Campuchia. 20% còn lại được chia cho hai công ty là Telecom Cambodia và CFOCN. Đó là những số liệu trích dẫn từ báo cáo của Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia.

Metfone, công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam-Viettel, còn cho biết đã triển khai hạ tầng từ khi nhận được giấy phép đầu tư vào năm 2006 và tuyên bố khối lượng cáp triển khai gấp 13 lần so với tổng toàn bộ đường trục toàn quốc phát triển được trong vòng 10 năm qua.

Trong khi có nhiều ý kiến khác nhau về tính hợp lý/xác thực của các con số trên, thì Giám đốc điều hành của Metfone, ông Nguyễn Duy Thọ, không trả lời đề nghị bình luận về điều này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia Sokhun cho biết, vùng phủ của Metfone có khả năng chiếm khoảng 80% toàn bộ mạng cáp của Campuchia.

Giám đốc điều hành của CFOCN, ông Steven Cao ước tính số lượng cáp của Viettel triển khai cỡ khoảng 10.000-15.000km. Còn CFOCN sở hữu khoảng 5.000km. Tổng giám đốc Telecom Cambodia (TC), Lao Saroeun cho biết, TC sở hữu khoảng 1.000km cáp.

Ông Cao liên hệ con số báo cáo về km cáp của Metfone với số lượng thuê bao di động. Metfone tuyên bố có 8 triệu thuê bao, nhưng ông Cao ước tính con số thật khoảng gần 4,7 triệu.

Heath Shan, Giám đốc điều hành của NTC lại phản bác sự so sánh trên. Ông cho biết mạng cáp của Campuchia có thể đo đếm được, trong khi đó người trong ngành viễn thông thường hay nghi ngờ về tính xác thực của các con số về thuê bao.

Mặc dù vậy, ông cho rằng tổng số km cáp quang của toàn Campuchia thực tế có thể lớn hơn con số trong báo cáo tháng 2 của Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia, cao nhất là khoảng 25.000 km và khả năng lớn là ở mức 22.000km.

Ông Shan cho rằng khả năng Metfone muốn "khoe" về việc đã phủ tới xã vì các công ty khác chỉ tập trung vào các khu vực đô thị có lợi nhuận cao.

Ông cho biết, thời gian thu hồi vốn từ đầu tư cho một mạng mở rộng như thế là "rất lâu", một số công ty tìm kiếm giải pháp sử dụng công nghệ viba thay thế cho cáp.

Một chuyên gia phân tích cho rằng việc đầu tư sớm hạ tầng của Metfone tới 1.600 xã là một sự chuẩn bị cho việc cung cấp các dịch vụ 3G tại đây.

Marc Einstein, thuộc Frost and Sullivan khu vực Châu Á cho rằng, Metfone "đang chuẩn bị mạng lưới sẵn sàng cho phát triển trong tương lai. Động thái này của công ty sẽ cho phép Metfone có một mạng lưới mạnh hơn, tốc độ nhanh hơn, khả năng cung cấp các dịch vụ rẻ hơn cho người tiêu dùng so với các đối thủ và cung cấp các khả năng cần thiết đáp ứng cho các dịch vụ 3G. Tôi cho rằng điều này cho thấy Viettel thực sự nghiêm túc ở đất nước này và Metfone sẽ làm cho các công ty khác thực sự gặp khó khăn".

Lê Mai

(Theo ICTNews/PhnomPenh Post)

Làm rõ thông tin "Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam lỗ 1.026 tỷ đồng"

Theo VietnamPost, báo chí gọi "khoản lỗ 1.026 tỷ đồng" là không chính xác do chưa trừ đi phần kinh phí sẽ được Nhà nước thanh toán cho việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích mà Tổng Cty đã thực hiện trong năm 2009-2010.

Ngày 30/8/2011, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán năm 2010 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán năm 2009. Theo kết quả này, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) không những nằm trong nhóm 3 Tổng Công ty nhà nước có mức thua lỗ cao nhất, mà còn là doanh nghiệp lỗ "nặng" hơn cả, tới 1.026 tỷ đồng trong năm 2010.

Liên tục trong những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng và các website tổng hợp tin, diễn đàn trên mạng Internet đã đăng tải thông tin "Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam lỗ 1.026 tỷ đồng".

Tuy nhiên, sẽ là không công bằng với hơn 4 vạn lao động trên mạng lưới Bưu chính Việt Nam nếu chỉ nêu con số "vô tri" thua lỗ hơn 1.026 tỷ đồng trong năm 2010 của VietnamPost. Bởi lẽ, trong hơn 3 năm tách ra hoạt động độc lập với viễn thông, vừa kinh doanh, vừa đảm đương nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích tới mọi miền đất nước, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa, "người bưu chính" đã nỗ lực rất nhiều để hướng tới mục tiêu cân bằng "thu-chi" từ sau năm 2013.

Bên cạnh việc kinh doanh, VietnamPost còn phải thực hiện nghĩa vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo - những thị trường "cầm chắc thua lỗ". 

Trên thực tế, theo số liệu thống kê, năm 2009 tỷ lệ giảm lỗ của VietnamPost so với năm 2008 là 17,4%, tương đương 229 tỷ đồng. Và trong năm 2010 vừa qua, Bưu chính Việt Nam cũng đã giảm lỗ hơn 232 tỷ đồng so với năm 2009.

Hơn thế, một trong những nguyên nhân cơ bản đưa đến con số trên 1.000 tỷ đồng thua lỗ của Bưu chính Việt Nam trong những năm qua là VietnamPost được Nhà nước "đặt hàng", chỉ định là đơn vị thực hiện nghĩa vụ bưu chính công ích, đảm bảo để mọi người dân trên khắp mọi miền đất nước được quyền tiếp cận, cung ứng các dịch vụ bưu chính cơ bản.

Chiều ngày 1/9/2011, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam đã có công văn đề nghị Bộ TT&TT xem xét, hỗ trợ Tổng Công ty làm rõ thông tin "Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam lỗ 1.026 tỷ đồng" trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày gần đây.

Trong công văn này, ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng Giám đốc VietnamPost cho biết, căn cứ vào các quyết định của Chính phủ và của Bộ TT&TT phê duyệt đề án thành lập, quyết định thành lập và Điều lệ tổ chức hoạt động của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam thì Tổng Công ty thực hiện 2 chức năng là phục vụ công ích và kinh doanh.

Trước năm 2008, Bưu chính Việt Nam hạch toán phụ thuộc trong Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), các khoản chi phí phục vụ công ích do lĩnh vực viễn thông bù đắp. Việc chia tách Bưu chính Viễn thông, hình thành nên Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam cũng là chủ trương nhằm phân định rõ, hạch toán riêng rõ chức năng phục vụ công ích (chủ yếu là lĩnh vực bưu chính) và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đề án thành lập Tổng Công ty được Chính phủ phê duyệt cũng đã xác định lộ trình của Bưu chính bảo đảm đến năm 2013 cân bằng thu - chi toàn bộ các dịch vụ.

Kể từ ngày 1/1/2008, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam ra đời và là doanh nghiệp độc lập thuộc Tập đoàn VNPT. Mục tiêu và nhiệm vụ của Bưu chính là phải bảo đảm lộ trình cân bằng thu-chi đã được Chính phủ phê duyệt. Trong cơ cấu doanh thu của Tổng Công ty thì tỷ trọng doanh thu công ích (thông qua hợp đồng giữa Nhà nước với Tổng Công ty) là trên 28,5%. Số liệu cụ thể của khoản bù đắp chi phí do thực hiện nghĩa vụ công ích trong 3 năm qua là: 1.423,5 tỷ đồng (2008), 1.102,4 tỷ đồng (2009) và chỉ còn lại 815 tỷ đồng trong năm 2010.

Qua các số liệu trên cho thấy, việc cắt giảm hỗ trợ công ích của Nhà nước với Tổng Công ty là khá lớn trong khi đó Bưu chính Việt Nam vẫn tiếp tục phải bảo đảm nhiệm vụ công ích, vừa phải mở rộng sản xuất kinh doanh để sớm cân bằng thu chi. Trong ba năm qua, VietnamPost đã phấn đấu duy trì bảo đảm tốc độ tăng trưởng chung trên 12% và các dịch vụ Bưu chính truyền thống tăng gần 30%; phấn đấu giảm lỗ trên 700 tỷ đồng.

Cũng theo công văn của VietnamPost gửi Bộ TT&TT chiều 1/9, từ ngày 11/11/2010 đến ngày 29/11/2010, Tổ kiểm toán số 2 thuộc Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành Kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam. Biên bản kiểm toán tại Tổng Công ty đã được công bố ngày 6/12/2010.

Thời gian Đoàn kiểm toán làm việc tại Tổng Công ty, cũng là thời gian các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ TT&TT và Bộ Tài chính đang phối hợp rà soát dự thảo "Hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ Bưu chính công ích năm 2009-2010". Hợp đồng chưa ký kết, do đó các số liệu của hợp đồng chưa được tổng hợp trong báo cáo tài chính của năm và vì vậy Kiểm toán Nhà nước cũng chưa tổng hợp vào Biên bản kiểm toán.

"Như vậy, số liệu 1.026 tỷ đồng do một số phương tiện thông tin đại chúng gọi là "khoản lỗ của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam" chính là phần kinh phí sẽ được Nhà nước thanh toán cho việc thực hiện dịch vụ bưu chính công ích mà Tổng Công ty đã thực hiện trong gian đoạn 2009-2010", ông Bình nói.

Từ nhiều năm gần đây, khi Internet, viễn thông, di động... ngày càng phát triển dẫn tới nhu cầu của xã hội đối với các dịch vụ bưu chính cũng liên tục sụt giảm, đặc biệt là ở những thị trường "màu mỡ" như các thành thị. Trong khi đó, hạ tầng bưu chính quốc gia là không thể thay thế, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... thị trường được coi là "phi lợi nhuận" của ngành bưu chính. Việc đảm bảo dịch vụ bưu chính cho mọi người dân trên cả nước được coi là nhiệm vụ công ích nhưng nguồn ngân sách của các chính phủ hỗ trợ cho mảng này cũng liên tục bị giảm dần, đòi hỏi các hãng bưu chính phải tự cáng đáng. Trên thế giới, Bưu chính Mỹ (USPS) là một ví dụ điển hình. Ngày 5/8/2011, bản báo cáo kết quả kinh doanh quý III của USPS cho biết: Tính đến hết ngày 30/6/2011, USPS tiếp tục lỗ thêm 3,1 tỷ USD trong quý tài chính thứ 3 cùng với đó là sản lượng thư khai thác thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1,1 tỷ bức (giảm 2,6%). Dự báo, kết thúc năm 2011 Bưu chính Mỹ sẽ phải gánh thêm khoản lỗ lên tới 7,8 tỷ USD. Để "chữa cháy", USPS đã thực hiện các giải pháp như: Ngừng đưa thư vào các ngày thứ Bảy, đóng cửa các bưu cục ở nông thôn nhằm tiết giảm chi phí hoạt động. Theo USPS, việc dừng hoạt động vào ngày thứ Bảy sẽ giúp cho hãng này tiết kiệm thêm 3,5 tỷ USD mỗi năm còn việc đóng cửa hàng ngàn bưu cục ở các vùng nông thôn, các vùng có địa bàn khó khăn sẽ giúp họ tiết kiệm thêm khoảng 4,5 tỷ USD nữa. 

Minh Tú

Theo ICTNews

* Tít bài do ICTPress đặt.

MobiFone muốn phủ sóng xa cách bờ biển 100 km

MobiFone đã nghiên cứu, triển khai công nghệ có thể phủ sóng cách xa bờ khoảng 100 km để phục vụ bà con ngư dân và các cán bộ của giàn khoan dầu khí Vũng Tàu.

MobiFone sẽ phủ sóng ở giàn khoan Bạch Hổ. Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc MobiFone Khu vực 6 cho biết, theo khảo sát của MobiFone, ngư dân thường đánh cá cách bờ khoảng 100 km. Vì vậy việc phủ sóng này sẽ phục vụ cho đối tượng ngư dân rất tốt. Bên cạnh đó, hiện đang có khoảng hơn một nghìn cán bộ của liên doanh dầu khí Vietsopetro hoạt động ở các giàn khoan. Phần lớn trong số này đang dùng mạng di động MobiFone. Những cán bộ này có nhu cầu liên lạc về đất liền rất lớn khi họ làm việc ở giàn khoan ngoài biển.

Hiện MobiFone đã hoàn tất việc lắp đặt trạm BTS ở giàn khoan Bạch Hổ và sẽ phủ sóng trong thời gian tới. Trong năm nay, MobiFone đặt mục tiêu sẽ phủ sóng hầu hết các giàn khoan của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vinh cho biết, khó khăn lớn nhất khi triển khai hoạt động này là việc vận chuyển thiết bị vì phải chuyên chở bằng trực thăng ra các giàn khoan. Hiện MobiFone đang làm việc với VTI để kết nối các trạm BTS ở các giàn khoan qua vệ tinh VINASAT-1.

Thái Khang

Theo ICTNews

Dịch vụ nhạc trực tuyến Việt mua bản quyền của hai "đại gia" quốc tế

Lần đầu tiên, một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ âm nhạc trực tuyến tại Việt Nam - NCT Corporation (sở hữu website:www.nhaccuatui.com) - đã mua bản quyền từ hai đại gia trong lĩnh vực sản xuất và ghi âm: Universal Music Group và Sony Music Entertainment. Lễ công bố đã diễn ra tại TPHCM ngày 30.8. 

Góc văn phòng hiện đại của NCT. Nguồn: nhaccuatui.com

Theo thỏa thuận sử dụng bản quyền, Universal và Sony sẽ chuyển giao cho NCT Group quyền sử dụng toàn bộ các bản ghi âm ca khúc quốc tế hiện có và những bản ghi âm các ca khúc được sản xuất trong tương lai để đăng tải và cho phép người nghe trực tiếp trên website www.nhaccuatui.com. Bản quyền hai hãng này chuyển giao cho NCT gồm cả audio và video.

Universal hiện chiếm 32% thị phần âm nhạc toàn cầu, với 5 tỉ euro doanh thu mỗi năm. Riêng về lĩnh vực nhạc số (trực tuyến), Universal chiếm đến 50% thị phần toàn cầu, đang hiện diện tại 77 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Universal gồm có 21 hãng thu âm và mỗi hãng lại có nhiều công ty con ghi âm trên khắp thế giới. Universal sở hữu nhiều bài hát phổ biến nhất thế giới trong vòng 100 năm trở lại đây và có hợp đồng ghi âm với hơn 3.500 nghệ sĩ, trong đó có những gương mặt đang ăn khách như: Lady GaGa, Rihanna, Avril Lavigne, Beyoncé, Shakira...

Ông Nhan Thế Luân - Tổng GĐ của NCT Group - cho biết: "Trong vài năm đầu, chúng tôi vẫn để cho người sử dụng được nghe các bản ghi âm ca khúc quốc tế mua từ Universal và Sony miễn phí, ngoại trừ mảng nhạc chuông nhạc chờ cho ĐTDĐ, nhằm phổ biến trong công chúng âm nhạc có bản quyền. Trong tương lai, chúng tôi hợp tác với các đối tác để cung cấp dịch vụ âm nhạc chất lượng cao (premium content)".

Bà Mayseey Leong - GĐ khu vực Châu Á Hiệp hội Ghi âm quốc tế (IFPI) - cho rằng: "Sự kiện này là sự hợp tác toàn diện nhất trên lĩnh vực nhạc số tại Việt Nam từ trước tới nay. Phía IFPI đang trong quá trình chuẩn bị về pháp lý để khởi kiện một số đơn vị tại Việt Nam về vấn đề vi phạm bản quyền ghi âm, bởi có những website chúng tôi đã gửi văn bản đến 16 lần yêu cầu dừng việc sử dụng bản ghi âm bất hợp pháp, nhưng họ vẫn không tuân thủ".

Thế Lâm

(Theo Lao động)

Viettel và chiến lược marketing “ngược dòng”

Cách đây ba năm, khi khởi động chương trình Internet trường học bằng cách đưa ADSL miễn phí tới gần 30.000 trường trên cả nước, không nhiều người tin Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ kiên định với chương trình này.

Tháng 12/2010, Viettel đã hoàn thành việc đưa Internet băng rộng tới gần 40.000 trường học trên cả nước.

Vì, với kinh phí lên tới hơn 300 tỷ đồng/năm, số tiền phải bỏ ra là quá lớn, mà hiệu quả đầu tư cho việc quảng bá thương hiệu trước mắt sẽ không thể bằng được việc chi số tiền đó cho hoạt động quảng cáo.

"Nếu chi 300 tỷ đồng một năm cho quảng cáo thì hình ảnh của Viettel sẽ phủ sóng ở mọi nơi, với tần suất dày đặc. Mức độ nhận biết thương hiệu trong tâm trí khách hàng của Viettel chắc chắn sẽ ở mức cao hơn rất nhiều so với việc bỏ số tiền đó để thực hiện chương trình xã hội như Internet trường học", một chuyên gia về thương hiệu có tiếng đã bình luận như vậy khi Viettel khởi động chương trình này.

Tuy nhiên, vào tháng 12/2010, tập đoàn này đã hoàn thành việc đưa Internet băng rộng tới gần 30.000 trường học trên cả nước. Đây được coi là thành tích ngoạn mục của một chương trình xã hội với ngành công nghệ thông tin và viễn thông, khi Viettel đã đưa được Internet băng rộng đến cả những huyện, xã cực kỳ khó khăn.

Tập đoàn này cũng tiếp tục chiến lược phủ sóng di động tại tất cả các huyện nghèo trên cả nước, trong đó có những nơi còn chưa có điện. Bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) là một nơi điện lưới quốc gia chưa phủ tới nhưng sóng di động của nhà mạng này đã tràn ngập ở nơi đây. Dù hơn 50% số dân vẫn nằm trong diện hộ nghèo, nhưng điện thoại di động ở đây đã được người dân dùng phổ biến.

Ở địa phương này, nếu xét về mức độ nhận biết thương hiệu, Viettel có lẽ đạt mức độ "cực cao", bởi người dân ai cũng biết đến chương trình giảm nghèo mà tập đoàn này thực hiện, và cũng bởi Viettel là hãng viễn thông đầu tiên đem di động giá rẻ đến với dân nghèo.

Tuy nhiên, cũng không có nhiều chuyên gia về marketing đánh giá cao hiệu quả về nhận biết thương hiệu Viettel tại những vùng này, bởi chi phí bỏ ra lớn và những khách hàng yêu thích thương hiệu Viettel ở đây cũng quá... nghèo. Dù yêu thích đi nữa, nhưng họ cũng không rủng rỉnh tiền chi dùng cho viễn thông, hầu giúp Viettel có lãi.

Năm 2009, khi nền kinh tế đang gặp khủng hoảng, các chương trình quảng bá thương hiệu thông qua quảng cáo bị Viettel thu hẹp, chỉ làm những hoạt động rất cần thiết. Tuy nhiên, tập đoàn vẫn tiếp tục triển khai một số chương trình xã hội lớn và bổ sung thêm chương trình 30A của Chính phủ (giảm nghèo nhanh, bền vững) tại 3 huyện cực nghèo gồm Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa) và Đắc Rông (Quảng Trị) với kinh phí lên tới 46 tỷ đồng.

Nên xét về tổng thể, việc Viettel tiếp tục đầu tư những khoản ngân sách lớn cho các chương trình xã hội, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nghe có vẻ giống một hành động "ngược dòng".

Việc cắt giảm ngân sách marketing so với các đối thủ trong bối cảnh thị trường viễn thông cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu xảy ra, có thể sẽ khiến Viettel gặp bất lợi trong việc duy trì và tăng độ nhận biết thương hiệu trong tâm trí khách hàng.

Song. lãnh đạo của Viettel có những suy nghĩ và cách lý giải riêng của họ.

Thiếu tướng Dương Văn Tính, Phó tổng giám đốcViettel, nói: "Viettel hoạt động có lãi lớn trong những năm vừa qua là do sự ủng hộ của cả xã hội. Bởi vậy, chúng tôi phải có trách nhiệm quay trở lại làm cho xã hội tốt lên, và đó chính là sự đầu tư cho tương lai".

Ông Tính đúc kết: "Với khách hàng, Viettel mong chạm được vào trái tim của họ bằng những chương trình xã hội có ý nghĩa, hơn là thông qua quảng cáo".

Câu hỏi được đặt ra ở đây, là marketing hướng vào trái tim có hiệu quả hơn trí não hay không? Huyền thoại đương đại về marketing của thế giới là Phillip Kotler nói rằng, tiếp thị là trận chiến trong tâm trí người tiêu dùng, mặc dù cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào được thực hiện để xác minh về hiệu quả của marketing với trái tim và marketing nhằm xâm chiếm trí não.

Dù sao thì sau hết, bất chấp mọi luận cứ cao siêu, nếu có ngày càng nhiều doanh nghiệp làm marketing "với trái tim", thì đơn giản là những người nghèo, những số phận kém may mắn trong xã hội, sẽ ngày càng đón nhận thêm cơ hội.

Theo Khánh Linh (VnEconomy)

“Hành trình mang tiện ích cho cuộc sống” tại phương Nam

(ICTPress) - Giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới giàu tiện ích của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang cung cấp phục vụ xã hội, các chương trình ưu đãi đặc biệt, gói cước tốt nhất dành riêng cho các đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân... cũng như nhiều chương trình hướng tới cộng đồng của VNPT là mục đích của Chương trình đường phố (Roadshow) “Hành trình mang tiện ích cho cuộc sống”.

Sau những lần tổ chức “Hành trình mang tiện ích cho cuộc sống” thành công ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên thu hút hàng nghìn người tham gia, VNPT tiếp tục đưa Roadshow này vào phương Nam. Sự kiện do Công ty Cổ phần Phát triển Dịch vụ Học tập và Giải trí trực tuyến (VDC Net 2E, thành viên VNPT) thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ.

Chương trình được tổ chức từ ngày 26/8 đến 17/9/2011, trong đó: ngày 26-27/8 tại Tiền Giang, ngày 31/8-01/9 tại Cần Thơ, ngày 04-05/9 tại An Giang, ngày 07-08/9 tại Bình Dương, ngày 12-13/9 tại TP. Hồ Chí Minh và ngày 16-17/9 tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với sắc phục chủ đạo gồm 2 màu trắng và xanh dương - màu biểu trưng của VNPT, nối sau siêu xe Roadshow hiện đại nhất Việt Nam là các đoàn xe cung cấp dịch vụ lưu động của các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn. Trong khu vực siêu xe Roadshow với nội thất hiện đại, trang bị 16 laptop cấu hình lớn kết nối Internet cáp quang tốc độ cao, người dân sẽ được trải nghiệm các dịch vụ hoàn toàn miễn phí.

Cùng với khu vực demo dịch vụ trên điện thoại di động công nghệ 3G do Vinaphone và Mobifone cung cấp, khách hàng sẽ được tư vấn về các sản phẩm và dịch vụ của VNPT, được mua với mức giá ưu đãi nhất.

TT

F5 Networks có mặt tại Việt Nam

(ICTPress) - F5 Networks, Inc., công ty hàng đầu về Mạng Ứng dụng Phân phối (Application Delivery Networking - ADN) hôm nay đã công bố khai trương văn phòng tại Hà Nội, Việt Nam.

Ông Christian Hentschel trao bằng kỷ niệm cho Giám đốc của F5 Việt Nam

Sự gia tăng mạnh mẽ về lưu lượng di động và lưu lượng dữ liệu Internet, cùng với ứng dụng điện toán đám mây ở mức độ cao tại Việt Nam đang thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ mạng ứng dụng phân phối tiên tiến nhằm đảm bảo khả năng kiểm soát cao nhất cùng với những mức tiết kiệm chi phí hấp dẫn cho các nhà cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ. Việc gắn kết các dịch vụ phù hợp – như là các dịch vụ xác thực, bảo vệ dữ liệu, quản lý lưu lượng và gia tăng tốc độ với từng ứng dụng sẽ tạo ra một trải nghiệm nhất quán dành cho người dùng, đặc biệt là khi các ứng dụng mới hoặc ứng dụng hiện tại được triển khai trên các môi trường ảo hóa và môi trường điện toán đám mây. 

Văn phòng F5 Networks được thành lập tại Việt Nam nhằm mục tiêu hỗ trợ chương trình của các doanh nghiệp hướng tới một trung tâm dữ liệu linh động hơn với một cơ sở hạ tầng cung cấp ứng dụng và dữ liệu thế hệ mới, trong đó gắn kết các chức năng và dịch vụ CNTT một cách chặt chẽ với các nhu cầu kinh doanh.

“Là công ty hàng đầu thế giới về công nghệ Mạng Ứng dụng Phân phối (ADN), F5 có vị thế thích hợp để đưa lợi ích từ những sáng tạo của mình đến với Việt Nam” ông Christian Hentschel, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản của F5 phát biểu.  

Những sáng tạo đa dạng của F5 bao gồm cả BIG-IP®, một hệ thống có kiến trúc mô-đun với khả năng mở rộng và độ linh hoạt cao, cho phép các tổ chức bổ sung thêm dung lượng và chức năng khi nhu cầu kinh doanh thay đổi - bao gồm cả khả năng bảo vệ chống lại các tấn công an ninh mạng đa lớp hiện đang ảnh hưởng tới rất nhiều tổ chức trên toàn thế giới. Với việc truy cập các ứng dụng một cách dễ dàng, BIG-IP® góp phần nâng cao chất lượng trải nghiệm của người dùng cuối và nâng cao hiệu suất của lực lượng lao động.

Sự mở rộng hoạt động này tại khu vực ASEAN diễn ra đồng thời với việc bổ nhiệm Giám đốc của F5 Việt Nam, ông Phan Việt Linh, người có 15 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành và hiểu biết sâu sắc về các yêu cầu ICT trong nước. 

Linh Hoàng