Tản mạn những cung đường Morocco

Sahara, cái tên nghe thôi đã gợi lên ý vị về sự kì vĩ và biến hóa của một trong những hoang mạc khắc nghiệt và rộng lớn nhất thế giới. Fez – một trong những thành phố đầu tiên của Morocco - cổ kính, sầm uất, nức tiếng bởi những tấm thảm, da thuộc, đồ đồng, gạch gốm, gợi tới không khí tấp nập buôn bán, ngựa xe, và những huyền thoại. Hành trình từ Sahara tới Fez đã thôi thúc tôi đi dọc từ mam tới bắc xứ sở nghìn lẻ một đêm – đất nước Bắc Phi Morocco huyền bí. 

Trên đường vào sa mạc Sahara từ miền nam Morocco

Thiên nhiên Marocco đẹp và đa dạng. Miền nam Morocco hùng vĩ với núi đá hồng tía dựng đứng, cát đỏ và những cung đường ngoạn mục, ngoặt tay lái chỉ thấy trời xanh thăm thẳm để nhận ra mình đang ở mép vực sâu trên những cung đường lắm khúc quanh đột ngột. Cảm giác mạo hiểm và cảnh tượng ngộp thở như trong phim hành động. Đường vào sa mạc với cát mịn tỏa ra hai bên. Đợi khi hoàng hôn, trong nắng gắt chiều tàn, Sahara kiêu hãnh hiện ra với những dải tím hồng phủ trên những cồn vàng vòng cung cao như những con sóng bạc đầu, đẹp kì vĩ. Thỉnh thoảng dọc những cung đường miền nam Morocco, đột ngột một màu xanh nhiệt đới cao vút dựng đứng hai bên đường, trong nắng vàng rót mật, trải ra tít tắp. Ấy là màu xanh của những hàng cọ vươn cao, đẹp đẽ, xòe tán tàu lược to rộng. Và sau những hàng cọ ấy, thấp thoáng những ngôi nhà hiện ra, những ngôi nhà hồng phấn hòa vào sắc núi.

Cảnh sắc miền nam Morocco

Miền bắc Marocco lại là khung cảnh nên thơ với thung lũng xanh, thỉnh thoảng suối chảy dưới chân những ngọn núi, làn nước trong vắt nhìn rõ từng viên sỏi nhỏ, trơn nhẵn. Qua những hàng cây mảnh dẻ rủ hai bên đường, bỗng thảng thốt khi thấy lấm chấm hoa vàng nở trên vùng cỏ xanh non. Hoa lau, hoa dại ngập lối đi, bầy cừu trắng tràn từ đồi xuống gặm cỏ, bác chăn cừu lững thững bước theo sau. Sắc trời, non nước, cỏ cây hài hòa, đẹp tươi mà chẳng cần bàn tay con người tỉa tót. Trên nền xanh non của núi đồi và thảo nguyên thì nảy những chấm vàng của hoa mùa xuân. Trên nền đất nâu ngập nắng vàng chanh thì nảy cây bụi ghi sáng.

Đến Morocco, tôi có cơ hội được đặt chân tới Sahara. Chờ đợi rất lâu sau khi qua bao núi và cát đỏ để vui sướng tột cùng khi thấy Sahara hồng rực dưới nắng hoàng hôn dần hiện ra từ cửa kính ô tô. Thấy biết ơn cậu bé Maroc đã bắt mình cởi giầy, bỏ tất để giẫm chân trần trên cát, để biết cát Sahara lạnh như đồng và mịn như tơ, để cát sà vào từng kẽ chân và lún sâu trong cát. Leo lên những cồn cao của sa mạc không dễ dàng. Mỗi bước đi chịu một lực cản vô cùng từ biển cát mênh mông. Cát mịn lấp đầy chân và hơi thở thêm gấp gáp. Vậy mà những câu bé Maroc đi thoăn thoắt, chỉ nhón ngón chân như lướt trên biển cát mịn màng.

Dãy Atlas vắt chênh chếch theo dáng hình Morocco như một chiếc xương sống, mà cũng như đôi vai rắn rỏi, vững chắc nâng bổng trời xanh. Cung đường từ rìa phía Tây Sahara tới Fez cạnh bên dãy núi chính Atlas, đỉnh trắng tuyết phủ và bàng bạc mây mờ. Trước khi tới dãy núi chính này, có những đoạn Atlas xanh lất phất màu cây bụi, liên tiếp những đường cung nối nhau, cao thấp đan xen và dưới chân núi những mảng xanh, nâu cắt xẻ tầng lớp dần hiện ra.

Từ người Berber tới người Moor

Morocco là vùng đất của người Berber và người Moor. Văn hóa của người Berber gắn với những bộ lạc và những chuyến di cư trên lưng lạc đà. Người ta không cần biết tên của những thành viên trong bộ lạc và họ cũng không có tên. Danh tính của một người được xác định từ những hình săm trên gương mặt – kí hiệu bộ lạc mà họ thuộc về. Nhìn vào nét vẽ ấy, những bộ lạc Berber khác nhau nhận ra nơi chốn, sắc tộc của nhau. Với người phụ nữ Berber, các nét vẽ trên gương mặt còn tiết lộ nhiều hơn những thông tin ghi trên một tấm thẻ căn cước công dân. Từ những nét vẽ, những chấm trên gương mặt đó, ta có thể biết được người phụ nữ ấy có gia đình chưa, góa bụa hay đã li hôn, có bao nhiêu con trai, con gái, có hạnh phúc không hay đang chật vật trong cuộc hôn nhân của mình.

Một người phụ nữ Berber ở miền nam Morocco

Một số bộ lạc Berber ở Morocco cư trú trong các hang; một số khác ở sâu trong sa mạc. Họ không đến trường, không có thẻ căn cước. Đời sống diễn ra với những trao đổi hàng hóa đơn giản. Trong những túp lều, đàn bà nấu tagine, couscous, chăm lo gia đình, đàn ông lãnh trách nhiệm đưa cả bộ tộc trên lưng lạc đà đi khai hoang những vùng đất mới. Một trong những nhóm người làm chủ sa mạc Sahara là người ‘Blue men’. Đây là những chiến binh dạn dày, được coi là những người du mục vĩ đại của sa mạc. Sở dĩ gọi là người ‘blue men’ bởi họ bôi một lớp bột màu xanh để làm mát da dưới nắng Sahara rát bỏng. Nhờ cuộc sống du mục, nay đây mai đó và sự giao lưu giữa các bộ lạc mà mỗi gia đình có những tấm thảm khác nhau. Những tấm thảm ra đời trên gió cát, khi người phụ nữ thảnh thơi, không bực dọc chồng con. Khi tranh cãi với chồng, thỉnh thoảng họ cắt chính những tấm thảm mà mình đã dệt. Sau những cãi vã, chính tay họ lại nối lại những đoạn thảm đã đứt, nhưng dấu vết của những khúc mắc, cãi cọ vẫn hằn lên tấm thảm. Màu của thảm được lấy từ những sắc màu tự nhiên, màu vàng từ hoa nghệ tây, hoa mimosa; màu xanh lá cây được lấy từ cỏ linh lăng (cây alfalfa), từ lá bạc hà; màu xanh lam từ hoa oải hương (lavender); màu đỏ từ cây lá móng (henna) và hoa anh túc (hoa poppy). Thảm thường được dệt từ lông cừu, và đặc biệt có những loại thảm được dệt từ xương rồng. Trên thảm, người phụ nữ thêu những hình đôi mắt (để che chở bảo vệ khỏi quỷ dữ), hình tam giác nối nhau biểu tượng cho cuộc sống hằng ngày có thăng có trầm, hay hình chữ thập biểu tượng cho những người đi sa mạc. 

Thảm treo trong căn nhà một người Morocco

Mấy ngày rong ruổi qua bao cung đường, những núi đá dựng đứng, cây bụi xù xì, đất đỏ và mênh mang sa mạc. Đêm dưới ánh trăng, ngắm sao trời, đốt lửa hồng, nghe người Berber hát, đệm trống, tôi cảm nhận phần nào cuộc sống du mục tự do, bốn bể là nhà, trà ấm, bánh mì và tagine nóng hổi thành anh em. Đêm nay sẽ có đại tiệc ở Sahara. Tôi mới chỉ dừng chân ở bìa Sahara, cảm nhận cát lạnh như đồng, cát vàng như nghệ chảy dưới chân, nào đã được vào sâu trong sa mạc như người 'Blue men' - những chiến binh kì vĩ chinh chiến khắp Sahara, làm chủ biển cát hùng vĩ mà biến hóa. Nằm trong lều, nghe trống đập rộn ràng, cố giữ ấm dưới những lớp chăn lông và mường tượng về đại tiệc thực sự của những bộ lạc Berber trên khắp Bắc Phi, bên ánh lửa hồng, giữa mênh mông gió cát mà cảm giác như đang sống cùng lịch sử ở một không gian khác. Không gian của rất nhiều năm cũ đã qua, từ buổi ban sơ khởi thủy của loài người. Không có đêm tiệc Sahara nhưng có đêm “lược sử thời gian” ở trong mình.

Người Moor chính là cuộc hợp hôn lớn giữa người Berber và người A Rập. Vào thời hoàng kim của mình, người A Rập mang theo niềm tin vào Allah, với tôn giáo Islam (người tuân lệnh) tràn ra khắp Bắc Phi, không loại trừ Morocco. Chính nhờ cuộc hợp hôn lớn này, những thành phố của Morocco mang đậm màu sắc Hồi giáo. Tôi vẫn nhớ đều đặn năm lần trong ngày, tiếng loa gọi mọi người đi cầu nguyện. Mỗi khi chiều xuống ngắm hoàng hôn và nghe tiếng loa gọi cầu kinh ở thành Fez là cảm giác không thể quên sau khi tới Marocco. Tên mỗi con phố ở Fez đều được viết bằng tiếng Berber bên cạnh tiếng A Rập như để nhắc nhở về nguồn cội đầu tiên.

Cổng thành Fez với màu xanh lam biểu tượng của thành phố

Người Moor đã từng tới Andalucía (miền nam Tây Ban Nha) và góp phần thành lập nên vùng đất này sau những bước chân đầu tiên của người La Mã. Sau khi người Cơ Đốc chiếm lại Andalucía, những người Moor ở lại đây hợp hôn với người Cơ Đốc. Họ sinh sôi trên lãnh thổ Tây Ban Nha, làm người Tây Ban Nha. Những người về Morocco, họ là người Marocco. Dễ hiểu vì sao các cậu bé, cô bé Morocco mũi nhỏ, mắt sâu, gương mặt xinh xắn, nom chẳng khác mấy người Tây Ban Nha vậy. Họ cũng chia sẻ phần nào cội nguồn và văn hóa.

Thành Fez

Fez (còn được viết là Fes) là thành phố lớn thứ hai của Morocco, sau Casablanca. Đây là hồn cốt Morocco. Thành Fez được xây dựng từ thế kỉ 8 – 9 sau công nguyên. Người có công lập nên thành Fez chính là hậu duệ của Fatima và Ali (con gái và con rể của Mohammad, vị thiên sứ cuối cùng mà Thượng đế gửi tới loài người, để truyền những lời dạy của Người). Fez có nghĩa là cái rìu. Đây là một trong những thành phố được xây dựng đầu tiên vì hội tụ những phẩm chất tự nhiên không phải nơi đâu cũng có được. Ba phẩm chất đó lần lượt là nước, gỗ và đá. Nếu nhìn trên bản đồ, Fez là thung lũng nằm giữa hai dãy núi (dãy Trung Atlas và dãy Rif). Vượt qua dãy Rif ở phía Bắc sẽ tới Chefchouen (thành phố màu xanh của Maroc). Gỗ và đá là nguyên liệu tạo ra những màu sắc đẹp tươi của gốm.

Một góc Medina của thành Fez

Gốm của thành Fez là một sự kì công. Đây là loại gốm mosaic được tạo nên từ đất sét màu ghi xám, mà những hình dáng, hoa văn được tạo thành bằng việc ghép lại các mảnh gốm nhỏ. Những viên gạch vuông màu xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen được tạo ra với kích thước 10cm2, sau đó được đẽo thành các chi tiết khác nhau (tùy theo kiểu dáng, đường nét của một bức tranh). Tiếp đến, các chi tiết được ghép lại, gắn kết vào nhau nhờ một loại keo đặc biệt, và tới khi lật ngược lên, bức tranh gốm hiện ra, nổi từng đường vân, sắc màu rõ nét. Màu sắc của gốm là cả một kĩ nghệ. Thay vì được lấy từ cỏ cây, hoa lá, gỗ trong rừng như màu sắc của vải, màu của gốm được tạo nên từ đá như hổ phách, copal. Nhờ việc tạo ra các màu sắc từ đá, màu của gốm lâu phai và có thể kéo dài hàng trăm năm. Gốm ở đây được nung bằng những mẩu gỗ của cây ô liu, loài cây đặc trưng của Địa Trung Hải ngập nắng tươi vàng, khô khốc và cát sỏi.

Đồ gốm ở thành Fez

Đứng từ điểm quan sát cả thành phố, những nóc nhà màu xanh lục (màu của Hồi giáo) chính là nóc nhà thờ. Màu xanh lam là màu của thành Fez. Tôi băn khoăn tìm các ‘ryad’ (những ngồi nhà vườn) giữa medina mênh mông, chằng chịt như mê cung, tìm cổng chợ màu xanh lam, chỗ làm đồ da, dệt vải, chỗ làm đồ đồng.

Trong tiếng Arab, “medina” có nghĩa là “thành phố ánh sáng” (thực chất là một đô thị cổ trong lòng thành phố Fez). Medina của thành Fez giống như một tổ mối lớn, chằng chịt các khoang, với màu vàng cát nhạt. Vào thì rất khó tìm lối ra. Tôi đã từng vào medina và lạc lối, càng đi càng lạc. Tất cả các sạp vải, sạp thảm, đồ ăn, trang sức, mĩ kí dày đặc hai bên đường, khiến người ta hoa mắt. Những nụ cười chào khách, những lời mời hòa trong vô vàn âm thanh của cuộc sống đời thường (tiếng xoong nồi va nhau, tiếng trẻ con nói chuyện trên đường về nhà khi tan học,...). Lối đi lại trong medina là những con đường ngoằn nghoèo, đôi khi bé tẹo chỉ đủ một người lách, khi lên khi xuống.

Một cửa hàng bán đồ đồng thủ công ở thành Fez

Thỉnh thoảng có chú ngựa đi, phải rất từ từ để không bị trượt chân vì lắm khi nhà nào đó dội nước khiến đường trơn trượt, ánh sáng chỉ đủ rọi những khe hẹp. Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày diễn ra trên các ngách nối các ngách (mà cũng là các phố nối các phố), trẻ con đi học, các mẹ, các bà, các ông bán hàng. Phụ nữ quấn khăn và giấu cơ thể mình trong những bộ áo choàng rộng. Người mua đồ ăn, người ăn, người nấu. Tất cả gợi nhắc cho tôi những thước phim về Trung Đông, và mường tượng về cuộc sống của medina những buổi đầu ban sơ hay những ngày hoàng kim rực rỡ. Một kinh thành rộng lớn, giao thương sầm uất cùng niềm tin vào tôn giáo mà với một kẻ ngoại đạo như tôi luôn là thế giới bí ẩn với những câu chuyện mang không khí “Nghìn lẻ một đêm”.

Đêm đầu tiên gặp Fez, sau những ngày ở sa mạc và vùng quê, cảm giác đã mắt và choáng ngợp bởi ánh đèn lấp lánh trên những dãy nhà trắng khi xe ô tô đang leo dốc cao để nhìn xuống thành phố lung linh. Vẻ ngoài giàu sang và sầm uất là những cảm nhận đầu tiên khi tới đây. Gió mát lộng thổi qua cửa kính ô tô. Không khí núi đồi, đèn vàng hòa với dãy nhà trắng phía dưới, và ngay chỗ tôi đứng là bức tường thành khu người Do Thái ở ngày xưa, tất cả làm mình háo hức. Nhìn xuống cả thành phố được dát vàng trong ánh đèn và hỏi bạn lái xe “Thành phố nào bạn thích nhất ở Morocco?’ Bạn trả lời ngay ‘Fez’. Tất cả như vừa khẳng định, vừa kích thích sự tò mò về nơi đây.

Một góc nhuộm vải ở medina, thành Fez

Thành Fez được phân làm ba khu: medina, khu người Do Thái từng ở ngày trước và khu đô thị mới. Nếu như medina chằng chịt như một mê cung, khu đô thị mới giàu có với những tòa nhà trắng ngay ngắn, thoáng đãng, lấp lánh ánh đèn về đêm, là nơi ở của người Do Thái hiện nay; thì khu người Do Thái ở trước kia có phần chật chội với những tấm thảm treo dọc các bờ tường. Thảm đã sờn và màu đã bạc, không phải sắc màu của những tấm thảm đắt tiền trong khu buôn bán sầm uất ở medina. Khu vực người Do Thái trước kia nay là nơi cư ngụ của những người dân lao động Morocco tới từ các tỉnh thành khác.

Ở Fez tôi đã gặp một nhà thông thái. Câu chuyện gặp nhà thông thái này bắt đầu từ việc đi lòng vòng trong medina tìm một người dẫn tour miễn phí. Cuối cùng không gặp được người dẫn tour mà lại lạc vào một ryad phong lưu với mùi thơm của hoa, chữ thập dẫn nước, đèn thắp lung linh cùng những người làm trong bộ taqiyah trắng. Chính tại ryad này, tôi đã gặp bác thông thái và những câu chuyện tôn giáo, lịch sử được kể lại trong một ngày ở thành Fez như thế. Như một già làng, bác đi đâu cũng thấy người quen, nhiều khi mình tự hỏi liệu bác có quen cả thành Fez không? Thỉnh thoảng lại thấy bác đỗ lại chào và hỏi han người bên đường, lúc thì người bán bánh, khi thì lính gác cung điện. Bác bảo nếu không chào, họ sẽ tức giận với bác. Và thế là đi đâu bác cũng nói ‘salaam alaikum’, rồi mọi người sẽ cười đáp lại ‘alaikum salaam’.

Lần đầu tiên gặp bác, khi đó dịch Covid mới bắt đầu tới châu Âu và còn chưa sang châu Phi. Tôi hỏi bác: “Bác thấy cháu là người châu Á, có sợ không?”. Bác chớp mắt, đang định nói nhưng lại thôi, để chờ thêm chút, rồi dẫn tôi ra khỏi ryad, tới chỗ có ánh sáng mặt trời, già chỉ lên bầu trời xanh rồi ôn tồn đáp: “Ta tin vào Thượng Đế. Nếu Ngài bảo ta đi, ta sẽ lên đường’. Mọi việc ở đời đều có sự sắp đặt sẵn hay mọi việc đều có nhân duyên. Bác dẫn mình tới nhà thờ Hồi giáo và trường đại học đầu tiên ở Fez. Ở nhà thờ, bác chỉ cho mình những viên đá nhỏ dưới chân các cột, những viên đá để chà lên những vết nhơ, để khiến cho bản thân trở nên sạch sẽ trước khi cầu nguyện (đặc biệt với những người bị ốm, cơ thể kiêng nước).

Bác cũng kể rằng khi ở sa mạc, không có nước để tắm rửa, cát sẽ làm sạch con người. Vì vậy, người Hồi giáo còn dùng cát để thanh tẩy cơ thể. Bác giải thích về màu sắc mái ngói xanh lục (màu của đạo Hồi), về việc nhà thờ làm từ gỗ (nguyên liệu quý giá của Fez) và về lá cờ của Morocco. Cờ Marocco có nền đỏ tượng trưng cho máu đổ xuống trong các cuộc khởi nghĩa, ngôi sao viền xanh lục tượng trưng cho năm điều răn của đạo Hồi và màu sắc của Hồi giáo – tôn giáo của Morocco. Bác thông thạo từng ngóc ngách của medina, những quán ăn địa phương ngon nhất, nơi dệt vài và thuộc da, chỗ làm đồ đồng thủ công với từng đường nét trạm khắc tinh sảo.

Tạm biệt Marocco

Điểm cuối hành trình, tôi rời Fez tới Rabat để bắt chuyến bay về Andalucía, Tây Ban Nha, nơi tôi học tập. Mang theo tấm thảm người Berber dệt ở sa mạc, gốm Morocco và kí ức về trà ấm, tagine nóng hổi, cát lạnh và đỉnh Atlas phủ trắng tuyết bạc giữa trời Bắc Phi xanh thẳm nắng vàng. Kỉ niệm về lần đầu thong dong trên lưng lạc đà và ngửa mặt ngắm trời cao mỗi lúc một xanh sẫm trước khi tối hẳn, cảm nhận làn gió mát giữa mênh mông cát bụi. Tôi cũng như một hạt cát nhỏ bé và tự do chu du giữa bốn bể bạt ngàn. Mỗi hành trình đã qua, gió đều thổi bay, không chút dấu vết, tất cả chỉ thấy biển cát mênh mông.

 Nguồn: Hà Tú Anh/nhandan.com.vn

https://nhandan.com.vn/hanh-trinh-kham-pha/tan-man-nhung-cung-duong-morocco-635330/

Tin nổi bật