Syndicate content

Chuyện dọc đường

Việt Nam đẹp bất tận trên nền tảng số Google

Tóm tắt: 

Google Arts & Culture ra mắt dự án “Kỳ quan Việt Nam”, giới thiệu các vẻ đẹp văn hóa và tự nhiên nổi bật của Việt Nam trên nền tảng trực tuyến, bao gồm di sản vật thể, phi vật thể, các thắng cảnh tự nhiên đặc sắc, có giá trị nổi bật.

Google Arts & Culture ra mắt dự án “Kỳ quan Việt Nam”, giới thiệu các vẻ đẹp văn hóa và tự nhiên nổi bật của Việt Nam trên nền tảng trực tuyến, bao gồm di sản vật thể, phi vật thể, các thắng cảnh tự nhiên đặc sắc, có giá trị nổi bật.

Các đại biểu công bố triển lãm "Kỳ quan Việt Nam"

Dự án trực tuyến "Kỳ quan Việt Nam" (Wonders of Vietnam) có 35 triển lãm với 1.369 bức ảnh tuyệt đẹp, mang đến những góc nhìn phong phú về Việt Nam để mọi người kết nối, cảm nhận, thưởng thức. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng các triển lãm trực tuyến về hang Sơn Đoòng, lễ hội đèn lồng Hội An và Nhã nhạc cung đình Huế cũng như các tính năng tương tác cho phép du khách trải nghiệm các kỳ quan của Việt Nam theo một cách mới.

Ông Amit Sood - Giám đốc Google Arts & Culture cho biết: “Trong bối cảnh ngành du lịch trên toàn thế giới và tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, chúng tôi cho rằng điều quan trọng là làm cho các kỳ quan của Việt Nam có thể tiếp cận với thế giới để thêm nhiều người có thể trải nghiệm về vẻ đẹp của Việt Nam”. Đại diện Google cũng cho rằng, việc tham quan Việt Nam trên nền tảng số có ý nghĩa lớn với du khách, giúp duy trì niềm tin, sự hứng khởi của họ để đi du lịch Việt Nam khi điều kiện cho phép.

Những hang động tuyệt đẹp tại Quảng Bình là điểm nhấn của dự án "Kỳ quan Việt Nam".

Đánh giá cao sáng kiến của Google, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Google Arts and Culture” là một sáng kiến tuyệt vời, có thể xem như một cửa sổ khoe sắc của các nền văn hóa, giúp người xem có thể tiếp cận được văn hóa nghệ thuật theo cách thức mới mẻ và thú vị.

Với “Kỳ quan Việt Nam”, những điểm đến của Việt Nam sẽ tiếp tục tỏa sáng, được đón nhận bởi đông đảo bạn bè trên mạng lưới của Google. Sự đồng hành và hợp tác chặt chẽ của Google sẽ rất hữu ích cho ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp, cộng đồng du lịch để nâng cao năng lực, chuẩn bị lực lượng phục hồi sau đại dịch.

Phát biểu tại lễ công bố sự kiện, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam – Ngài Daniel J. Kritenbrink cho rằng, khó có tim thấy điểm đến nào thích hợp hơn để quảng bá trên Google Arts & Culture như Việt Nam – một quốc gia sở hữu rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa. “Với dự án 'Kỳ quan Việt Nam', tôi tin rằng sẽ có nhiều du khách quốc tế biết đến Việt Nam và đến du lịch Việt Nam trong thời gian tới” - ông Daniel Krittenbrink cho biết.

Du khách có thể trải nghiệm vẻ đẹp Việt Nam và các kỳ quan tại đường link: https://artsandculture.google.com/project/wonders-of-vietnam./.

Giao diện website dự án "Kỳ quan Việt Nam". Nguồn: Google

Nguồn: Hải Nam/vov.vn

https://vov.vn/du-lich/viet-nam-dep-bat-tan-tren-nen-tang-so-google-832087.vov

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Gắn mã QR cho các điểm du lịch tại huyện đảo Lý Sơn

Tóm tắt: 

Nhằm hướng đến công nghệ số hóa trong lĩnh vực du lịch, góp phần quảng bá du lịch huyện đảo đến với du khách, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh và huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang tổ chức gắn 28 mã QR cho các điểm du lịch trên đảo.

Nhằm hướng đến công nghệ số hóa trong lĩnh vực du lịch, góp phần quảng bá du lịch huyện đảo đến với du khách, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh và huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang tổ chức gắn 28 mã QR cho các điểm du lịch trên đảo.

Lý Sơn - quần thể thắng cảnh tuyệt tác. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Nội dung chính được mã hóa trong mã QR là địa danh và cẩm nang về du lịch. Khi tham quan tại các điểm, du khách có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR để được cung cấp đầy đủ thông tin về di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch, đặc sản, nghề trồng hành tỏi và Trung tâm thông tin Công viên địa chất toàn cầu. Các điểm quét mã QR có tích hợp thông tin thuyết minh song ngữ Việt - Anh.

Dự kiến việc gắn mã QR sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để phục vụ khách du lịch.

Việc tích hợp mã QR vào các địa điểm du lịch sẽ giúp du khách tìm hiểu và tham khảo nhiều thông tin hơn so với phương thức truyền tải truyền thống, đặc biệt là đối với khách du lịch tự do và không có các thuyết minh viên hoặc hướng dẫn viên đi cùng.

Mã QR là công cụ mới được đưa vào sử dụng tại Lý Sơn, nhằm quảng bá du lịch, hướng đến du lịch thông minh và mang trải nghiệm mới cho du khách. Các điểm được gắn mã QR nằm trong hệ thống di sản địa chất, văn hóa của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.

Huyện đảo Lý Sơn có tên gọi cù lao Ré, nằm chếch về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý. Huyện có diện tích 10 km2, gồm hai đảo hợp thành: đảo Lớn (cù lao Ré) và đảo Bé (cù lao Bờ Bãi). Từ lâu, Lý Sơn được ví như “đảo tiên” giữa biển Đông bao la với nhiều cảnh sắc làm mê đắm lòng người cùng nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc.

Nhờ sự kiến tạo của tự nhiên mà Lý Sơn là nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Chùa Hang, Chùa Đục, Hang Câu, Cổng Tò Vò, Hòn Mù Cu, bãi Sau của đảo bé An Bình, đặc biệt là hai miệng núi lửa Giếng Tiền, Thới Lới... Không chỉ được xem như là một trong những vùng biển có độ đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái điển hình như: Rạn san hô, thảm cỏ biển..., Lý Sơn có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc nổi tiếng như: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa; lễ hội đua thuyền; lễ hội đình làng An Hải ở các dinh Thiên Y A Na, các lăng, miếu thờ thần Nam Hải, thần Bạch Mã...

Nguồn: Đinh Thị Hương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/du-lich/gan-ma-qr-cho-cac-diem-du-lich-tai-huyen-dao-ly-son-20210107113919655.htm
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Triển lãm tranh mang tên "Người thổi sáo" đầu tiên của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Tóm tắt: 

Triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vừa khai mạc tại Art Space, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42, phố Yết Kiêu, Hà Nội.

Triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vừa khai mạc tại Art Space, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42, phố Yết Kiêu, Hà Nội.

Triển lãm tranh lần đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Triển lãm gồm 54 tác phẩm hội họa, với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel. Trong đó, bức lớn nhất có khổ 150cm x 180cm và bức nhỏ nhất có khổ 50cm x 70cm. Hầu hết số tranh trong triển lãm này được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ trong 3 năm gần đây. Một số bức tranh mượn lại từ những người sở hữu.

Đây là dịp để công chúng biết thêm một tài năng nữa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bên cạnh viết văn, làm thơ, làm báo, viết kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, dịch thuật, biểu diễn nhạc cụ dân tộc...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, do bị cuốn hút bởi tranh, toan, màu vẽ của một họa sĩ để nhờ, đầu năm 2005, ông bắt đầu vẽ. Sau đó 5 tháng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tham gia triển lãm nhóm "Nhà văn vẽ", rồi dừng vẽ để tập trung vào các công việc khác. Đến năm 2012, ông tiếp tục cầm cọ, say mê với màu và toan, liên tục tham gia nhiều triển lãm chung.

Là một trong những người tư vấn, lựa chọn tác phẩm cho triển lãm "Người thổi sáo", họa sĩ Thành Chương nhận xét, tranh của Nguyễn Quang Thiều lãng mạn, bay bổng, đặc biệt, thể hiện tình yêu làng quê sâu sắc khi khéo léo đưa các hình tượng dân gian vào trong tác phẩm.

Triển lãm "Người thổi sáo" của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kéo dài đến hết ngày 15/1/2021.

Triển lãm do nhóm Nhân sĩ Hà Đông (nơi Nguyễn Quang Thiều là một thành viên) đứng ra tổ chức, trưng bày hơn 54 bức tranh sơn dầu, màu nước, pastel với màu sắc bắt mắt, bố cục đẹp và lạ. Bức tranh khổ lớn nhất là 150cm x 180cm và bức nhỏ nhất là 50cm x 70cm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, hầu hết các bức tranh trưng bày tại triển lãm được ông vẽ trong 3 năm lại đây. Một số bức tranh khác được ông vẽ trước và mượn lại của những người đã sở hữu chúng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, ông bắt đầu vẽ từ tháng 1/2005. Ngày đó, một người bạn ông là Dịch giả, Họa sỹ Phạm Long Quận từ Cuba về đã gửi tranh, toan và màu vẽ tại nhà ông. Một hôm, ông vô tình lấy màu vẽ lên toan, rồi từ đó ông bị cuốn vào thế giới đầy màu sắc của hội họa, được sự động viên của Họa sỹ Phạm Long Quận, Nguyễn Quang Thiều bắt đầu vẽ.

Chỉ 5 tháng sau, Nguyễn Quang Thiều được Nhà văn Hoàng Minh Tường đưa vào cuộc triển lãm có tên "Nhà văn vẽ" cùng các Nhà văn, Họa sỹ Trần Nhương, Đỗ Minh Tuấn và Đoàn Lê. Nhưng sau triển lãm đó, ông không vẽ nữa và cũng nghĩ mình không bao giờ vẽ nữa. Đến năm 2012, Nguyễn Quang Thiều mới cầm cọ vẽ trở lại sau một sự kiện tình cờ nhưng rất đáng nhớ bởi những người bạn yêu quý của ông.

Bức tranh đầu tiên ông vẽ trở lại sau 7 năm có tên "Người thổi sáo" và ông cũng lấy tên đó cho Triển lãm cá nhân đầu tiên của mình. Chủ đề "Người thổi sáo" cũng là hình tượng chủ đạo trong những bức tranh được trưng bày trong triển lãm lần này của ông.

Tên triển lãm "Người thổi sáo" cũng liên quan đến một câu chuyện trong đời của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những ngày tháng ông mang một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra được. Một sáng có một người thổi sáo mù đi qua nơi ông ngồi uống cà phê ở thị xã Hà Đông. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cầu khẩn người thổi sáo mù thổi cho ông một khúc nhạc mà người thổi sáo mù muốn. Người thổi sáo mù ấy đã nhìn ông rất lâu bằng đôi mắt mù và nâng sáo lên thổi.

Giai điệu của khúc sáo ấy đã chạm vào một nơi chốn nào đó trong con người ông và thay đổi ông. Những phiền muộn trong lòng ông bấy lâu nay đã tan biến. Những tháng ngày sau, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã luôn ngồi ở quán cà phê vỉa hè ấy để mong gặp lại người thổi sáo mù. Nhưng, ông không bao giờ thấy người thổi sáo mù đi qua nữa.

Những câu chuyện trên đã dẫn Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vào thế giới của màu sắc và ông biết ông không bao giờ có thể rời xa thế giới ấy được nữa. "Tôi không phải là một họa sỹ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị" - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thừa nhận.

Nguồn: hanoitv.vn


http://hanoitv.vn/trien-lam-tranh-mang-ten-nguoi-thoi-sao-tien-cua-nha-tho-nguyen-quang-thieu-d157823.html 

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Một công trình nghiên cứu về người bán du mục ở Cao nguyên Việt Nam

Tóm tắt: 

Tuyển tập dựa trên tư liệu ông ghi chép, quan sát và tìm hiểu tại chỗ, không qua phiên dịch, trong hai năm, từ năm 1946, sống với người Mnông Gar ở Sar Luk, những người bán du mục ở Cao nguyên Việt Nam.

“Chúng tôi ăn rừng” (tên gốc: “Nous avons mangé la forêt de la Pierre-Génie Gôo”) là một công trình nghiên cứu dân tộc học về cộng đồng Mnông Gar. Đây là cuốn nghiên cứu mang tính kinh điển của Georges Condominas vừa được xuất bản.

Tuyển tập dựa trên tư liệu ông ghi chép, quan sát và tìm hiểu tại chỗ, không qua phiên dịch, trong hai năm, từ năm 1946, sống với người Mnông Gar ở Sar Luk, những người bán du mục ở Cao nguyên Việt Nam.

Xuất bản lần đầu trên tạp chí Mercure de France năm 1957, cuốn sách ngay lập tức được các nhà dân tộc học vĩ đại như Claude Lévi-Strauss và các nhà phê bình văn học như Maurice Nadeau, Édouard Glissant… khen ngợi khi mang đến một góc nhìn mới về cuộc sống cũng như bản mô tả cấu trúc xã hội của người Mnông vào giữa thế kỷ thứ XX.

Tác giả Georges Condominas (1921-2011) là Tiến sĩ văn học và khoa học nhân văn, Giám đốc Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về Đông Nam Á và khu vực Nam đảo, Giáo sư thỉnh giảng tại một số trường Đại học ở Mỹ, Nhật Bản…

Ông được đánh giá là một trong những nhà dân tộc học xuất sắc nửa sau thế kỷ 20, là người đại diện cho một thế hệ, một trường phái "điền dã" kinh điển trong nghiên cứu khoa học xã hội. Tên tuổi của ông trong giới nghiên cứu dân tộc học gắn liền với những nghiên cứu thực địa về văn hóa của dân tộc Mnông (Mnông Gar) ở ngôi làng Sar Luk thuộc vùng Tây Nguyên của Việt Nam cũng như ở phạm vi rộng lớn hơn của vùng Đông Nam Á.

Trong tác phẩm kinh điển - Chúng tôi ăn rừng, Georges Condominas mang đến cho độc giả cuốn sách về một cộng đồng Mnông Gar. Không chỉ trình bày những khía cạnh khác nhau trong đời sống của nhóm người này, mà qua đó tác giả còn dựng lên một mô hình cấu trúc xã hội của người Mnông. Cuốn sách là một bản sưu tập những tư liệu thô thu nhặt được và rút ra từ các sổ tay ghi chép của chính tác giả trong thời gian lưu trú dài ngày tại Sar Luk.

Hii saa bri… (Chúng tôi đã ăn rừng…) được người Mnông Gar hay Phii Brêe (“Những con người của rừng”) dùng để chỉ một năm nào đó. Những người làm rẫy bán du cư này của vùng Tây Nguyên Việt Nam không có cách xác định thời gian nào khác ngoài việc căn cứ vào khoảng không gian được đánh dấu bởi những vạt rừng do họ phát và đốt để gieo trồng hằng năm. Ở Sar Luk, “Chúng tôi đã ăn rừng Đá‑Thần Gôo” là cách nói để chỉ năm 1949, hay chính xác hơn, năm trồng trọt kéo dài từ cuối tháng 11/1948 đến đầu tháng 12/1949. Và cuốn sách của Condominas sẽ mô tả những sự việc diễn ra tại Sar Luk trong chu kỳ nông nghiệp ấy.

Với “Chúng tôi ăn rừng”, đời sống của nhóm người Mnông hiện lên qua những thí dụ cụ thể rút ra từ thực tế hằng ngày. Chẳng hạn, thay vì đưa ra một lễ Tâm Bôh Mnông Gar lý thuyết, Condominas sẽ trình bày một Lễ Trao đổi hiến sinh trâu cụ thể có ngày tháng và được đặt lại trong bối cảnh cuộc sống thường ngày – cuộc trao đổi giữa Baap Can và Ndêh: tức có phong phú thêm những chi tiết nằm ngoài chủ đề chính.

Tương tự, tác giả không phác thảo một lược đồ hôn nhân điển hình của người Mnông Gar, mà kể lại đám cưới của Srae và Jaang đã diễn ra như thế nào, với mọi tình tiết cụ thể.

Mục đích của cuốn sách này là trình bày những tư liệu thô về cuộc sống một làng Mnông Gar hiện tại. Một làng, bởi vì đơn vị chính trị cổ truyền của bộ lạc này không vượt quá phạm vi đó: chính thông qua đơn vị này ta có thể cảm nhận ra quá trình thích nghi của nó với đời sống hiện đại. Các tư liệu được thu thập trong diễn biến của một chu kỳ nông nghiệp trọn vẹn trong một năm; vì đó là biểu hiện đặc trưng cho một tổng thể thời gian có thể nắm bắt được trọn vẹn nhất.

Bên cạnh một công trình nghiên cứu lý thuyết về cấu trúc của một xã hội, Condaminas mong muốn cung cấp một bức tranh càng chính xác và tỉ mỉ càng tốt về cách sống của những con người cấu thành xã hội đó, và cái cách họ thực hiện sự tồn tại của chính “mẫu hình” văn hóa đó. Đây có thể là cơ sở quan sát để nhiều nhà nghiên cứu khác tìm ra những khía cạnh mới cho một nội dung mà chúng ta đã nghiên cứu.

Theo đánh giá của Kirkus Reviews, “Condominas là một phóng viên xuất sắc, không chỉ ghi lại các thủ tục nghi lễ và nhiều sự kiện trong đời sống thường ngày mà còn cả những lo lắng và sự kháng cự nhất thời của họ.”

Trong khi đó theo Claude-Lévi Strauss, “Chúng tôi ăn rừng đã đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó và hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay.”

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Bộ sách YBM TOEIC: Bắt kịp xu hướng ra đề thi TOEIC theo định dạng mới

Tóm tắt: 

YBM TOEIC là bộ sách ôn luyện phần thi Nghe và Đọc trong bài thi TOEIC được biên soạn bởi YBM – đơn vị được tổ chức Khảo thí Hoa Kì - ETS – “cha đẻ” của bài thi TOEIC ủy quyền cho tổ chức thi và cấp chứng chỉ tại Hàn Quốc.

YBM TOEIC là bộ sách ôn luyện phần thi Nghe và Đọc trong bài thi TOEIC được biên soạn bởi YBM – đơn vị được tổ chức Khảo thí Hoa Kì - ETS - “cha đẻ” của bài thi TOEIC ủy quyền cho tổ chức thi và cấp chứng chỉ tại Hàn Quốc.

YBM là đơn vị ôn luyện và tổ chức kỳ thi TOEIC hàng đầu tại Hàn Quốc, đồng thời cũng là một trong những đơn vị đầu tiên đặt nền móng cho nền giáo dục tiếng Anh ở quốc gia này. Với hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực, YBM đã xuất bản khoảng 400 đầu sách TOEIC bán chạy trên tổng số 12.000 đầu sách nghiên cứu ngôn ngữ, một số trong số đó đã bán được hàng triệu bản.

Dựa trên kinh nghiệm giảng dạy và tổ chức các kỳ thi TOEIC cùng những phân tích kỹ lưỡng về xu hướng ra đề qua từng năm, YBM đã biên soạn bộ giáo trình ôn luyện kỹ năng Nghe và Đọc YBM TOEIC với nội dung cập nhật nhất theo đề thi TOEIC định dạng mới.

Mỗi cuốn cung cấp 1000 câu hỏi bám sát ý đồ của người ra đề, nội dung tương đương đề thi thật từ độ dài đến độ khó, kèm theo phần đáp án giải thích kỹ lưỡng các điểm mấu chốt trong việc ra đề giúp người học có chương trình ôn luyện bám sát kì thi thực tế hơn.

Bộ sách gồm 4 cuốn, được phân loại theo hai trình độ khác nhau của người học. Trong đó, YBM TOEIC Reading 1000 Vol.1 YBM TOEIC Listening 1000 Vol.1 được thiết kế dành cho người học nhắm tới mục tiêu đạt 500+ điểm TOEIC.

Còn YBM TOEIC Reading 1000 Vol.2 YBM TOEIC Listening 1000 Vol.2 dành cho người học có mục tiêu đạt 700+. (Mức 450 điểm là yêu cầu đối với sinh viên tốt nghiệp cao đẳng; mức 650 điểm là yêu cầu chung đối với sinh viên tốt nghiệp đại học hệ đào tạo 4-5 năm, nhân viên, trưởng nhóm tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài).

Với kỹ năng Đọc, hai cuốn YBM TOEIC Reading 1000 (Vol.1 và Vol.2) sẽ gói gọn nội dung chính trong 10 bài kiểm tra (test) bám sát cấu trúc của bài thi TOEIC định dạng mới và kịp thời cập nhật những thay đổi như: tỷ lệ câu hỏi về ngữ pháp tăng, bổ sung dạng bài ba đoạn văn và hình thức chuỗi tin nhắn, cùng nhiều câu hỏi theo hình thức mới…

Những trang đầu cuốn sách sẽ cung cấp các thông tin chắt lọc giúp người học nắm rõ hơn tiêu chí quan trong về TOEIC như giải đáp thắc mắc liên quan đến kỳ thi TOEIC, phân tích xu hướng ra đề theo định dạng mới hay cung cấp bảng quy đổi điểm… phía sau cuốn sách đưa ra lời giải thích đáp án chi tiết, cho thấy điểm vượt trội của tài liệu này so với các cuốn sách luyện đề khô khan khác.

Với những hướng dẫn cụ thể và rõ ràng, người học chắc chắn sẽ không còn bỡ ngỡ trước những đổi mới của bài thi TOEIC, tự tin bước vào phòng thi và chinh phục điểm số cao như kỳ vọng.

Trong khi đó, YBM TOEIC Listening 1000 (Vol.1 và Vol.2) lại đưa ra những phân tích chi tiết về bài thi Nghe TOEIC, từ bố cục, dạng bài tới những lưu ý cần thiết để thí sinh có thể có những chuẩn bị đầy đủ nhất khi ôn luyện.

Sách cung cấp 10 đề thi sát nhất với bài thi TOEIC thật theo định dạng mới (từ giọng đọc, tốc độ, độ dài đến độ khó của từng phần thi); đi kèm các đề thi là đáp án chi tiết được giải thích cụ thể nhằm giúp người học có thể tự kiểm tra, đánh giá năng lực trong quá trình ôn luyện cho bài thi TOEIC.

Phát triển dựa trên kinh nghiệm xuất bản giáo trình của tổ chức khảo thí ETS, bộ sách được đánh giá là niềm tự hào của YBM nhờ bố cục rõ ràng, khoa học cùng nội dung chọn lọc và phần giải thích đáp án dễ hiểu, giúp quá trình tự ôn luyện trở nên dễ dàng hơn với người học TOEIC.

 ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường
Các chuyên mục liên quan: 
Life & English

Khám phá Bethlehem

Tóm tắt: 

Ngoài ba địa điểm chính là nhà thờ Mục Đồng, nhà thờ Chúa giáng sinh và nhà nguyện Hang Sữa, Bethlehem còn nhiều địa điểm rất đáng tham quan.

Ngoài ba địa điểm chính là nhà thờ Mục Đồng, nhà thờ Chúa giáng sinh và nhà nguyện Hang Sữa, Bethlehem còn nhiều địa điểm rất đáng tham quan.

Tu viện Mar Saba cổ.
 http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chuyen-la/987577/kham-pha-bethlehem
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Cuốn tiểu sử âm nhạc quan trọng, được giới phê bình đánh giá cao

Tóm tắt: 

“Mozart” (tên tiếng Anh: “Mozart: A life”) là một trong hai cuốn tiểu sử âm nhạc quan trọng nhất của Maynard Solomon được giới phê bình đánh giá cao.

“Mozart” (tên tiếng Anh: “Mozart: A life”) là một trong hai cuốn tiểu sử âm nhạc quan trọng nhất của Maynard Solomon được giới phê bình đánh giá cao.

Xuất bản lần đầu năm 1995 tại Mỹ, tác phẩm từng lọt vào vòng chung kết giải Pulitzer hạng mục tiểu sử vào năm 1996 và nay đã có mặt tại Việt Nam, nối tiếp cuốn sách về Beethoven trong dự án Tủ sách Âm nhạc của Omega+.

Tác giả Maynard Solomon (1930 – 2020) là một nhà âm nhạc học, nhà sản xuất thu âm nổi tiếng và là người đồng sáng lập của Vanguard Records. Ông đã có nhiều nghiên cứu tiểu sử về các nhà soạn nhạc cổ điển của Vienna được giới phê bình đánh giá cao, trong số đó không thể không kể đến Beethoven, Mozart và Schubert.

Với Tiểu sử Mozart, Solomon đã dành nửa thế kỷ tìm lọc thông tin để viết một tác phẩm chuyên sâu về cuộc sống, niềm đam mê và tính cách của Mozart, trong đó có nhiều tư liệu chưa từng xuất hiện trong bất kỳ tiểu sử nào trước đó về nhà soạn nhạc vĩ đại này.

Mozart chính là đức thiên nhân, là thiên đỉnh hội tụ đủ mọi điều mỹ thể của sắc trời âm nhạc." (Tchaikovsky). "Địa hạt" nào Mozart đặt bút cũng đều để lại những tác phẩm mãi lưu danh, dù là sáng tác cho những nhạc cụ ông yêu thích đến nhạc cụ ông không "ưa", từ nhạc thính phòng đến giao hưởng, từ nhạc tôn giáo đến thế tục, đến cả các tác phẩm viết cho những người ông yêu mến và thậm chí những người ông chủ tâm "cà khịa". Tập hợp tất cả lại, chúng ta có một Mozart đa dạng thể loại, phong cách và sắc thái mà chúng ta biết đến ngày nay.

Từng có rất nhiều nghiên cứu tập trung phân tích Mozart từ góc nhìn chuyên môn sâu về âm nhạc, nhưng còn một khía cạnh mà rất ít tác phẩm về Mozart đề cập đến. Đó là cuộc đời, gia đình, tính cách, đặc biệt là tuổi thơ của ông tại quê hương Salzburg, thứ đã định hình nên âm nhạc Mozart về sau.

Trong cuốn tiểu sử này, Solomon, với giọng kể khách quan cùng rất nhiều trích dẫn từ các bức thư của Mozart hay những người thân, đã giúp chúng ta được thấy người nhạc sĩ vĩ đại ở một góc nhìn khác biệt, đời thường và gần gũi hơn. Cuốn sách cung cấp một câu chuyện hấp dẫn, thậm chí ít được biết tới bao gồm các sự kiện, các bước ngoặt từ khi ông sinh ra vào năm 1756 và thời thơ ấu ở Salzburg, cho đến thập niên đặc biệt của những buổi biểu diễn nổi tiếng ở các thủ đô châu Âu, nơi ông được các gia đình hoàng gia và khán giả yêu mến, tôn vinh như một thiên tài kỳ lạ.

Thay vì tiếp cận từ phương diện một thần đồng âm nhạc, tác giả khai thác góc độ một người đàn ông lớn lên dưới cái bóng của người cha khắt khe, người luôn bảo vệ thái quá và ghen tị với món quà kì diệu của con trai mình. Điều này dẫn đến những bất ổn trong mối quan hệ cha con, thứ có ảnh hưởng rất lớn đến con người và âm nhạc Mozart sau này.

Cuốn sách cũng kể lại các bước thăng trầm của Mozart từ địa vị là người con được yêu thích của Salzburg trong những năm 1770, đến hành trình chinh phục Vienna cùng cuộc hôn nhân ở đó, từ những thăng trầm tài chính cho đến những nỗi sầu muộn ngày càng sâu sắc, cuối cùng kết thúc với sự ra đi ở tuổi còn rất trẻ của ông năm 1791… Đó là hình ảnh một Mozart gần như phải ăn xin những năm tháng cuối đời, mặc cảm về người vợ Constanze bị kẻ khác tước đoạt, phẫn uất vì hầu như không theo ý muốn của cha mình, nhưng vẫn can đảm và kiên trì rèn luyện một thẩm mỹ âm nhạc mới.

Qua phân tích các khía cạnh tâm lý cũng như các mối quan hệ xung quanh, cuốn sách đã tái hiện một Mozart rất trần thế với tính cách ngang ngược, sở thích tinh quái; một Mozart luôn bị giằng co giữa những “món nợ” với gia đình, một Mozart đã phải chiến đấu chật vật để thoát khỏi huyền thoại về một thần đồng mà theo đó tài năng là do trời ban… Và như thế, đây là chân dung một Mozart bình dị mà không kém phần vĩ đại, một thiên tài giữa những rắc rối, khổ đau đời thường…

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Hiểu đúng về thiết kế đồ họa

Tóm tắt: 

Đáng nói là, sự kiện lần này còn tập hợp hàng loạt thiết kế với chung mục tiêu chung rõ ràng: Nâng cao kiến thức của người trẻ về ngành thiết kế sáng tạo, xóa đi những định kiến, hiểu lầm muôn thuở về ngành này.

Sáng 27/12, tại Hà Nội, Học viện Thiết kế thời trang London Hà Nội tổ chức Triển lãm tốt nghiệp: Thiết kế đồ họa của sinh viên tốt nghiệp Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội.

Vẽ xấu thì không thể thiết kế?

Triển lãm Thiết kế tốt nghiệp là sự kiện hằng năm của Học viện Thiết kế thời trang London Hà Nội để các sinh viên tốt nghiệp khoe ra thành quả của mình trước công chúng, thể hiện được những kỹ năng đã rèn luyện và phong cách thiết kế riêng của mình. Đáng nói là, sự kiện lần này còn tập hợp hàng loạt thiết kế với chung mục tiêu chung rõ ràng: Nâng cao kiến thức của người trẻ về ngành thiết kế sáng tạo, xóa đi những định kiến, hiểu lầm muôn thuở về ngành này. Rất nhiều phụ huynh và học sinh cấp 3 quan tâm tới ngành này đã tham dự.

Tại triển lãm lần này, người xem được khám phá các tác phẩm đồ họa tốt nghiệp với đa dạng các hình thức thế hiện như: animation, đồ chơi thông minh, sách tương tác, website, đồ họa chuyển động…của các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Đồ họa. Với vai trò là nhà thiết kế giải pháp đồ họa cho các mục tiêu trên, các Nhà thiết kế đã lựa chọn hình thức thể hiện đa dạng thể hiện khả năng khác nhau của mình. Các sản phẩm đồ họa trong triển lãm không chỉ là thiết kế web, tạp chí, phim hoạt hình mà còn là sách tương tác, sách chuyên về màu sắc, đồ chơi tạo hình thông minh, bộ dụng cụ đa năng cho những bạn trẻ thích vẽ, podcast (kênh mp3 với các talkshow chủ đề về sáng tạo)…

Đề án “Into the creative world”của sinh viên Vũ Thị Thanh Thư

10 tác phẩm cùng chung mục đích: truyền cảm hứng, khuyến khích người trẻ rũ bỏ tự ti, mạnh dạn tìm hiểu để đến với ngành thiết kế sáng tạo. Gửi gắm trong mỗi sản phẩm là những thông điệp như: Đừng nghĩ rằng vẽ xấu không thể thiết kế, không cần hoa tay vẫn có thể tạo ra các hình ảnh chuẩn đét; làm thiết kế - phải thích thì tiến độ mới nhích, enjoy and have fun; người ta càng lớn thì trí não càng bị gò ép bởi nhiều khuôn mẫu, mất đi sự sáng tạo, sự hào hứng khám phá của trẻ con…hãy tự mình phá vỡ mọi quy chuẩn…

Nguyễn Vân Anh tạo ra bộ ghép hình thông minh nhằm phá vỡ các quy chuẩn về thẩm mỹ của nhiều người

Song song với đó còn là những tác phẩm truyền tải kiến thức về đồ họa sáng tạo một cách hài hước, sinh động rất dễ tiếp cận với các bạn học sinh cấp 3 như cuốn sách tranh tâm sự về nghề của họa sĩ vẽ minh họa, sách dẫn bạn vào thế giới của màu sắc, sách tranh giải thích những công việc phù hợp trong ngành thiết kế sáng tạo ứng với mỗi năng khiếu, năng lực của từng người…

Xóa bỏ định kiến về ngành thiết kế đồ họa

Tại triển lãm, sinh viên, học sinh và các bậc phụ huynh cũng có dịp thảo luận, chia sẻ các góc nhìn về thiết kế đồ họa cùng ông Nguyễn Hoàng Sa – Giám đốc sáng tạo của Ogilvy Việt Nam; Ông Hoàng Đạo Hiệp – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Marketing và Truyền thông, Công ty Bia Sài Gòn SABECO. Nội dung cuộc tọa đàm cũng xoay quanh những định kiến, e ngại, quan niệm sai lầm của cả người mới lẫn những người đã có kinh nghiệm trong ngành thiết kế đồ họa – một ngành quan trọng nhưng vẫn còn chưa được hiểu đúng. Buổi tọa đàm giúp giúp cộng đồng hiểu biết hơn về ngành Thiết kế và tương lai nghề nghiệp ngành này với giới trẻ tại Việt Nam.

Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh
Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm

Bà Hà Thị Hằng, Giám đốc Học viện Thiết kế thời trang London Hà Nội cho biết, thiết kế đồ họa tại Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội được thành lập năm 2016 với phương pháp giảng dạy mới và hoàn toàn khác biệt tại Việt Nam. Điểm mạnh của chương trình là tập trung phát triển tư duy và phong cách cá nhân của mỗi nhà thiết kế để có thể đưa ra các giải pháp thiết kế một cách độc lập chứ không phát triển đại trà, dẫn dắt các thành viên trong lớp học một cách rập khuôn. Chính vì vậy, sĩ số lớp nhỏ, tập trung vào các đề án chuyên môn ngay từ năm học đầu tiên là điểm chú trọng của chương trình giúp sinh viên khai thác được thế mạnh của mình khi ra trường và cùng với đó là tạo dựng được phong cách cá nhân trong thiết kế.

Thông qua những tác phẩm sáng tạo của các tác phẩm tốt nghiệp, bạn trẻ có góc nhìn đúng về ngành thiết kế đồ họa

“Song song với phát triển khả năng sáng tạo của người học, việc giảng viên giao đề án theo hình thức “nhập vai” cũng giúp sinh viên được sống trong môi trường “đi học như đi làm”. Cụ thể sinh viên thường xuyên nhận đề án cụ thể xử lý các yêu cầu thiết kế cho doanh nghiệp hay các sự kiện đặc thù …Với thế mạnh về tư duy sáng tạo, kỹ năng thiết kế và kỹ năng mềm, nhiều sinh viên khoa Thiết kế đồ họa tại LCDF - Hanoi đã được mời đi làm khi còn chưa tốt nghiệp và luôn đón nhận những cơ hội việc làm hấp dẫn trong nước lẫn quốc tế” – bà Hằng cho biết.

Nguồn: N.Thủy/hanoitv.vn

http://hanoitv.vn/hieu-dung-ve-thiet-ke-do-hoa-d156859.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Hội An thu hút khách du lịch với nhiều chương trình đặc sắc chào năm mới

Tóm tắt: 

Nhằm từng bước phục hồi lại ngành Du lịch, nhân dịp chào năm mới 2021, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức chương trình "Hội An - Chào năm mới 2021" với nhiều hoạt động đặc sắc nhằm thu hút du khách.

Nhằm từng bước phục hồi lại ngành Du lịch, nhân dịp chào năm mới 2021, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức chương trình "Hội An - Chào năm mới 2021" với nhiều hoạt động đặc sắc nhằm thu hút du khách.

Khách du lịch trong và ngoài nước tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: TTXVN

Theo đó, thành phố Hội An đã sẵn sàng chào đón những du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc và người nước ngoài đang lưu trú lại Việt Nam bằng chương trình "Hội An - Chào năm mới 2021" đầy sôi động với nhiều hoạt động văn hóa, giải trí hấp dẫn.

Từ ngày 24/12/2020, tuyến đường Nguyễn Phúc Chu trở nên lung linh hơn với các cụm trang trí, cùng các gian hàng phục vụ ẩm thực Hội An và chợ phiên với các mặt hàng đặc trưng của người Hội An. 

Đặc biệt, chương trình Dạ hội “Hội An chào năm mới 2021” sẽ được tổ chức từ 20 giờ ngày 31/12/2020 tại Vườn tượng An Hội với nhiều hoạt động giải trí, biểu diễn nghệ thuật, vũ hội đường phố, đếm ngược thời khắc Giao thừa… hứa hẹn mang đến cho khán giả và du khách nhiều cảm xúc thú vị.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khác như: Cuộc thi trang trí đèn lồng đường phố, Chợ phiên làng chài Tân Thành, Đêm công diễn và trao giải Cuộc thi “Sáng tác ca khúc và sáng tác lời mới dân ca Bài Chòi về Hội An”… và các hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra hàng đêm trong Khu phố cổ. Các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn tại Hội An sẽ có gói kích cầu mang tên “Xông đất đầu năm” dành cho 1.000 khách hàng đầu tiên xông đất Hội An trong ba ngày mùng 1, 2 và 3 Tết. 

Theo đó, với mức giá lì xì 500.000 đồng, du khách sẽ được hưởng dịch vụ của chuỗi khách sạn 4 - 5 sao bao gồm: 1 phòng nghỉ đêm, ăn sáng, vé tham quan phố cổ cùng nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ẩm thực đặc sắc khác đang chờ đón du khách.

Đặc biệt, thành phố Hội An sẽ tổ chức chào đón đoàn khách “xông đất” tham quan Đô thị cổ Hội An vào sáng 1/1/2021 tại Vòng cung Chùa Cầu như một cách để thể hiện tấm lòng hiếu khách của con người Hội An đối với mỗi du khách đến với mảnh đất này. 

Từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, Hội An phát động Cuộc thi ảnh, ảnh cưới, video clip “Hội An - Tình yêu nơi tôi đến” để mọi người dân, du khách đến tham quan và yêu quý Hội An có dịp chia sẻ những tình cảm và khoảnh khắc đẹp mà họ đã có với thành phố Hội An xinh đẹp. Cũng trong khoảng thời gian này, vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần, hoạt động Tương tác “Khán giả và anh, chị hiệu” với trò chơi Bài chòi tại Bùng binh An Hội nhân kỷ niệm 3 năm Bài Chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO công nhận Di sản phi vật thể đại diện nhân loại. 

Chương trình "Hội An - Chào năm mới 2021" được kỳ vọng mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách; đồng thời, góp phần kích cầu du lịch nội địa, vượt qua những khó khăn hiện tại để hướng đến một ngày mai tươi đẹp hơn.

Nguồn: Trần Tình/TTXVN

https://baotintuc.vn/du-lich/hoi-an-thu-hut-khach-du-lich-voi-nhieu-chuong-trinh-dac-sac-chao-nam-moi-20201224173345028.htm

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

6 điều thú vị ít người biết về Nhà Trắng

Tóm tắt: 

Là nơi ở và làm việc của tổng thống Mỹ, Nhà Trắng là một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng đằng sau vẻ ngoài tân cổ điển trang trọng, có nhiều chi tiết về Nhà Trắng lại được ít người biết đến.

Là nơi ở và làm việc của tổng thống Mỹ, Nhà Trắng là một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng đằng sau vẻ ngoài tân cổ điển trang trọng, có nhiều chi tiết về Nhà Trắng lại được ít người biết đến.

Các nô lệ đã xây dựng Nhà Trắng?

Nhà Trắng được khởi công xây dựng từ năm 1792 và mất tới 8 năm mới hoàn thành. Có phải tòa nhà do các nô lệ xây dựng?

Chính phủ Mỹ không sở hữu nô lệ, nhưng đã trả tiền cho các chủ nô để thuê nô lệ xây dựng Nhà Trắng.

Nhà Trắng. Ảnh: Getty

Theo Hiệp hội lịch sử Nhà Trắng, các ủy viên của Washington D.C ban đầu lên kế hoạch huy động các công nhân từ châu Âu cho việc xây dựng, nhưng lại có quá ít người. Cuối cùng, họ phải huy động thêm cả lao động tự do và nô lệ người Mỹ gốc Phi làm việc cùng với các lao động da trắng bản địa và các thợ thủ công cùng với một nhóm lao động châu Âu để xây dựng không chỉ nơi ở của tổng thống mà còn cả các tòa nhà chính phủ khác như Điện Capitol.

James Hoban, một kiến trúc sư người Ireland nhập cư do đích thân Tổng thống George Washington lựa chọn, đã thiết kế tòa nhà ban đầu. Sau khi người Anh phóng hỏa tòa nhà năm 1814, cũng chính Hoban đã chỉ đạo công việc khôi phục kiến trúc của tòa nhà.

Nhà Trắng nằm ở đâu?

Nhà Trắng nằm ở số 1600 Đại lộ Pennsylvania, thủ đô Washington D.C. Theo Đạo luật cư trú năm 1790, Tổng thống George Washington đã chọn lô đất gần 26 km2 ở bờ đông sông Potomac và gần toàn nhà Capitol. Các công nhân xây dựng đặt nền móng của Nhà Trắng vào ngày 13/10/1792 và nền móng của Điện Capitol vào 18/8/1793.

Qua thời gian, Nhà Trắng đã nhiều lần được tu sửa, trong đó có cả việc mở rộng của Tổng thống Theodore Roosevelt vào năm 1902.

Năm 1948, sau khi các kỹ sư phát hiện tòa nhà không còn đủ chắc chắn để ở, Tổng thống Harry S. Truman đã yêu cầu gia cố bên trong và tổng kiểm tra toàn bộ kiến trúc cũng như nền móng của tòa nhà. Tổng thống Truman và gia đình ông sống ở Tòa nhà Blair bên kia đường trong quá trình tu sửa Nhà Trắng.

Tổng thống đầu tiên sống trong Nhà Trắng?

Măc dù George Washington là người lựa chọn địa điểm và kiến trúc, nhưng ông lại là Tổng thống duy nhất (cho tới nay) chưa bao giờ sống trong Nhà Trắng. John Adams mới là tổng thống đầu tiên sống trong Nhà Trắng vào năm 1800 khi việc xây dựng hoàn tất. Kể từ đó, các gia đình tổng thống đều sống tại 1600 Đại lộ Pennsylvania.

Hai tổng thống đã qua đời trong Nhà Trắng là William Henry Harrison năm 1841 và Zachary Taylor năm 1850 trong khi có 3 đệ nhất phu nhân qua đời tại đây là Letitia Tyler, Caroline Harrison và Ellen Wilson.

Có bao nhiêu phòng trong Nhà Trắng?

Trên diện tích hơn 5.000 mét vuông, Nhà Trắng với 6 tầng có tổng cộng 132 phòng (16 phòng là phòng khách gia đình) cùng với 35 nhà tắm. Theo trang web chính thức của Nhà Trắng, nơi đây có 28 lò sưởi, 8 cầu thang, 412 cửa ra vào và 147 cửa sổ. Khu bếp của Nhà Trắng được trang bị mọi thứ cần thiết để có thể phục vụ bữa tối đầy đủ cho 140 thực khách, hoặc món điểm tâm cho hơn 1.000 thực khách. Và khi được sơn mới mỗi 4-6 năm, cần tới 570 gallon (2.100 lít) để sơn kín phần mặt ngoài của Nhà Trắng.

Khu vực phía nam Nhà Trắng khoảng năm 1840. Ảnh: Getty

Khu vực Nhà Trắng cũng bao gồm một hồ bơi trong nhà hiện đã có mái che, được lắp đặt thời Franklin D. Roosevelt, và một hồ bơi ngoài trời được lắp đặt thời Gerald R. Ford. Các tiện ích khác trong khuôn viên Nhà Trắng có: sân tennis, sân chơi bowling một làn, rạp chiếu phim nhỏ, phòng trò chơi, đường chạy bộ và sân gôn nhỏ.

Có tin đồn về những căn phòng bí mật trong Nhà Trắng, nhưng theo Hiệp hội lịch sử Nhà Trắng, lối đi "bí mật" duy nhất là một hầm trú ẩn khẩn cấp được xây dựng dưới Cánh Đông từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt, sau vụ đánh bom Trân Châu Cảng năm 1941.

Phó Tổng thống Dick Cheney đã sử dụng lối đi trong vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.

Washington Post đưa tin, Tổng thống Donald Trump từng xuống hầm trú ấn trong một cuộc biểu tình năm 2020 bên ngoài Nhà Trắng. Theo tờ báo, có ít nhất 2 đường hầm tồn tại bên dưới Nhà Trắng: một đường hầm nối với Tòa nhà Bộ Tài chính, và đường hầm kia dẫn đến Bãi cỏ phía Nam.

Được gọi là Nhà Trắng từ khi nào?

Ban đầu Nhà Trắng được gọi là Dinh Tổng thống, Nhà Tổng thống, Phủ Tổng thống

Mặt ngoài bằng đá của tòa nhà lần đầu tiên được quét vôi trắng vào năm 1798 để chống bảo vệ nó khỏi nhiệt độ đóng băng. Theo Hiệp hội Lịch sử Nhà Trắng, biệt danh “Nhà Trắng” bắt đầu xuất hiện trên báo chí trước Chiến tranh năm 1812.

Năm 1901, Tổng thống Theodore Roosevelt chỉ định tên chính thức nơi ở của tổng thống Mỹ là Nhà Trắng.

Chuyện gì xảy ra ở Cánh Tây?

Cánh Tây được xây dựng năm 1902. Nơi đây trở thành khu văn phòng tổng thống Mỹ từ thời Theodore Roosevelt. Ngoài Phòng Bầu dục, khu Cánh Tây còn có Phòng Tình huống, Phòng Nội các, Phòng Roosevelt, phòng họp báo và các phòng khác.

Phòng họp chính trong khu vực Phòng tình huống. Ảnh: Getty

Phòng Bầu dục, là văn phòng làm việc của tổng thống kể từ thời Tổng thống William Howard Taft năm 1909, trên thực tế có hình ô van và có chiếc bàn Kiên định (Resolute Desk) bằng gỗ sồi, được Nữ hoàng Victoria tặng cho Tổng thống Rutherford B. Hayes vào năm 1880 và được làm từ các tấm ván của Tàu H.M.S. Resolute của. Phòng này được hầu hết mọi tổng thống sử dụng kể từ đó, ngoại trừ Lyndon Johnson, Richard Nixon và Gerald Ford.

Phòng Tình huống, được gọi chính thức là Phòng Hội nghị John F. Kennedy, nằm ở tầng hầm Cánh Tây và trên thực tế bao gồm một số phòng. Năm 1961 Tổng thống John F. Kennedy chỉ định khu vực này làm không gian điều phối khủng hoảng. Đây cũng chính là nơi Tổng thống Barack Obama theo dõi vụ việc lực lượng Hải quân SEAL của Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

Phòng Nội các, như tên gọi của nó, là nơi tổng thống gặp gỡ các thành viên trong nội các của mình.

Phòng Roosevelt, nơi đặt văn phòng của Theodore Roosevelt, đóng vai trò như một phòng họp đa năng.

Trong khi đó, Cánh Đông, cũng là một khu nhà 2 tầng, bao gồm không gian làm việc cho đệ nhất phu nhân và nhân viên của bà. Khu nhà có lối vào có mái che dành cho khách trong các sự kiện lớn./.

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường