Phiếm đàm về danh xưng Thầy - Trò

(ICTPress) - Nếu chỉ nói về cách xưng hô Thầy - Trò mà hình thành một bài viết thì nghe đơn điệu quá. Thế nhưng khi đi sâu vào mới thấy chúng ta cần dành một chút thời gian để nói một cách nghiêm túc về cách xưng hô 2 chữ Thầy - Trò. Điều đó rất có ý nghĩa, nhất là trong nhịp sống tất bật của cuộc sống hiện đại.

Quan hệ Thầy - Trò không biết có tự bao giờ nhưng chắc chắn rằng khi có con người, thậm chí khi mới có sinh vật xuất hiện là đã có quan hệ này, bởi vì Trò đơn giản là người được học cái gì đó của Thầy, mà điều để học hỏi trong cuộc sống thì vô cùng vô kể. Chỉ cần dạy một bước đi, một cách ngồi, cách nói hay đại khái một việc cỏn con nào đó cũng có thể được gọi là Thầy.

Ảnh: kenh14

Tôi nhớ vào năm 2009, một diễn đàn khá qui mô và ấn tượng do một tờ báo có uy tín của Việt Nam tổ chức chỉ để bàn về cách xưng hô thế nào cho hợp trong mối quan hệ Thầy - Trò. Qua đó, nhiều bậc trí thức, chuyên gia được mời và nhiều đối tượng được tham gia chất vấn, trao đổi. Có ý kiến cho rằng học sinh, sinh viên nên gọi Thầy và xưng Em. Có ý kiến lại bảo như vậy thì “phong kiến’ quá mà nên gọi Thầy xưng Tôi cho nó có tính dân chủ và bình đẳng. Cuộc tranh luận không ngã ngũ và cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không ra được văn bản nào qui định về vấn đề này!!!

Nói về mặt nào thì tôi không biết chứ một điều tôi dám khẳng định rằng phương pháp giáo dục của chế độ cũ chắc chắn có khá nhiều điểm tiến bộ và ưu việt, đáng để được học theo dù bất cứ thời đại hay thể chế chính trị nào. Không ít lần các giáo sư đầu ngành của ta như Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Tương Lai hay Giáo sư Văn Như Cương… đã ca ngợi những cái hay, mặt đẹp của nền giáo dục chế độ cũ. Trong đó, việc dùng các đại từ nhân xưng Thầy - Trò là cực kỳ chuẩn xác nhưng không hiểu tại sao sau bao nhiêu lần cải cách tới lui của nền giáo dục thì ta lại bỏ qua điều này.

Hiện nay, các cháu Mẫu giáo và Tiểu học thì xưng Cô - Cháu. Học sinh cấp 2, cấp 3 thì xưng Thầy/Cô - Em. Học sinh Trung cấp và sinh viên Cao đẳng, Đại học thì xưng hô không theo chuẩn mực nào: Thầy/Cô – Em, Thầy/Cô - Con, Thầy/Cô - Tôi… Việc không qui chuẩn danh xưng này làm cho người dạy và người học nhiều khi lúng túng, không biết xưng hô thế nào cho phải. Có nhiều hoàn cảnh éo le khi Thầy/Cô trước đó dạy cho lớp bố mẹ, sau này lại dạy tiếp các cháu, ấy thế mà các cháu vẫn phải xưng hô Thầy/Cô – Em thì nghe nghịch tai quá vì Thầy/Cô lớn tuổi hơn cả bố mẹ mình.

Tôi có một thầy giáo dạy đại học rất trẻ, chỉ hơn tôi có 3 tuổi. Mấy năm sau ngày ra trường, lớp chúng tôi đến thăm thầy. Thầy trò chuyện rất vui vẻ và thầy bảo thôi ra trường rồi cứ gọi anh - em cho thân mật, gần gũi chứ thầy bà gì cho cầu kỳ… Còn bố tôi năm nay đã ngoài bảy mươi. Ông có một người thầy gần tám mươi tuổi. Mỗi lần gặp, bố đều xưng Thầy - Trò. Một thầy khác của bố (vốn chỉ dạy bổ túc văn hóa mấy tháng sau ngày thống nhất đất nước) kém bố vài tuổi. Vậy nhưng bố vẫn giữ cách xưng hô Thầy - Trò với thầy. Bố luôn bảo chúng tôi rằng “Một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy” con ạ.

Theo chúng tôi, chỉ cần xưng Thầy/Cô - Trò cho mọi hình thức dạy - học thì sẽ giải quyết được bài toán xưng hô một cách ưu việt nhất. Điều này không phải mới nhưng chúng ta không chịu làm. Khi thực hiện điều này là lúc chúng ta nâng cao giá trị đạo đức trong quan hệ xã hội. Cách xưng hô phải được quy định thành các quy chuẩn giáo dục.

Trịnh Quang

Tin nổi bật