Syndicate content

Chuyện dọc đường

Lan tỏa thông điệp #Staystrong thông qua Taekwondo

Tóm tắt: 

Màn biểu diễn Taekwonmu của tập thể học sinh lớp Taekwondo nhằm lan tỏa thông điệp “#Stay strong” và tiếp lửa hi vọng, dũng khí đến thanh thiếu niên Hàn Quốc và Việt Nam đang trải qua thời kỳ khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Trước thềm năm học mới 2020-2021, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp sản xuất video clip về màn biểu diễn Taekwonmu của tập thể học sinh lớp Taekwondo của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc.

Video clip nhằm lan tỏa thông điệp “#Stay strong” và tiếp lửa hi vọng, dũng khí đến thanh thiếu niên Hàn Quốc và Việt Nam đang trải qua thời kỳ khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Taekwonmu được biết đến là hình thức biểu diễn kết hợp giữa những động tác võ thuật của Taekwondo với múa, âm nhạc nhằm tạo ra một màn biểu diễn võ thuật hấp dẫn mang tính nghệ thuật.

Các em học sinh đang biểu diễn màn công phá gỗ

Để sản xuất video clip này, 12 em học sinh đã tích cực rèn luyện cả thể chất và tinh thần trong suốt hơn 2 tháng qua tại sân vườn của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam. Video clip này gồm những phần biểu diễn kết hợp các động tác Taekwondo như quyền, công phá và những bài nhạc vui nhộn, khỏe khoắn để tạo nên một màn biểu diễn Taekwonmu ấn tượng với người xem.

Đồng thời, Đại sứ quán Hàn Quốc mong rằng video clip lần này sẽ đặc biệt ý nghĩa và là một ký ức tuổi thơ tuyệt đẹp với 12 bạn học sinh tham gia biểu diễn.

Học sinh lớp Taekwondo đang khởi động chuẩn bị cho màn biểu diễn

Em Lê Hiền Anh (10 tuổi), học sinh lớp Taekwondo KCC cho biết: “Em đã học Taekwondo ở Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc từ tháng 7 cùng cô giáo Thu Hương, và lúc nào em cũng cảm thấy lớp học rất thú vị.

Em muốn rèn luyện thật tốt và nhanh chóng nhận được đai đen. Khi tham gia quay clip biểu diễn lần này, em cùng các bạn rất tự hào có thể cho mọi người thấy được năng lực Taekwondo của bản thân, nên em vui lắm”.

Ông Park Noh-wan, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam

Ông Park Noh-wan, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ: “Tôi hi vọng sự tươi sáng, hoạt bát, đáng yêu của các em học sinh lớp Taekwondo sẽ là nguồn động viên, khích lệ kịp thời gửi đến những ai đang phải trải qua giai đoạn khó khăn, mỏi mệt trong cuộc sống cũng như các thanh thiếu niên Việt Nam – Hàn Quốc vững bước vào năm học mới này".

"Thể lực là quốc lực! Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa để nhân dân hai nước Hàn Quốc và Việt Nam ngày càng thấu hiểu và gần gũi nhau hơn thông qua các hoạt động văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc", Đại sứ chia sẻ thêm.

Video clip biểu diễn Taekwonmu của các em học sinh lớp Taekwondo - Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc được quay tại Khuôn viên Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam: 

Nguyễn Dung 

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Hàn Quốc xây dựng nhà thi đấu K-pop tầm cỡ thế giới

Tóm tắt: 

Nhà thi đấu - sân khấu này có sức chứa lên đến 42.000 khán giả và công viên chủ đề sẽ có các địa điểm giải trí liên quan đến Hallyu kết hợp những tiến bộ công nghệ mới nhất.

Chính quyền tỉnh Gyeonggi vừa thông tin đến báo giới cho biết sẽ khai trương một nhà thi đấu - sân khấu biểu diễn K-pop tầm cỡ thế giới, đầu tiên thuộc loại hình này ở Hàn Quốc và một công viên giải trí Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) ở Thung lũng Văn hóa K-Culture của thành phố Goyang, tỉnh Gyeonggi, vào năm 2024.

Nhà thi đấu - sân khấu này có sức chứa lên đến 42.000 khán giả và công viên chủ đề sẽ có các địa điểm giải trí liên quan đến Hallyu kết hợp những tiến bộ công nghệ mới nhất.

Thung lũng K-Culture là một khu tổ hợp văn hóa sẽ được thành lập trong Thế giới Hallyu (Hallyu World) ở Janghang-dong của thành phố Goyang, tỉnh Gyeonggi, có diện tích 302.265 m2, tương đương với 46 sân bóng đá, bao gồm nhà thi đấu và công viên (237.401m2), cũng như các trung tâm thương mại (41.724 m2) và khách sạn (23.140 m2).

Tỉnh Gyeonggi và nhà phát triển CJ Live City đã đồng ý thay đổi kế hoạch phát triển Thung lũng K-Culture vào ngày 11/8 với mục đích biến Trung tâm này trở thành trung tâm công nghiệp nội dung văn hóa của Hàn Quốc phù hợp với xu hướng toàn cầu. Hai bên đã nhất trí các điều khoản của thỏa thuận và thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án bị đình trệ trước đó, dự án được kỳ vọng sẽ tạo đà để hoàn thành thành công.

Thông qua quan hệ đối tác với AEG, một tập đoàn thể thao và giải trí toàn cầu, CJ Live City sẽ xây dựng đấu trường đẳng cấp quốc tế đồng thời góp phần tạo việc làm bằng cách hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và cung cấp không gian cộng đồng trong khu phức hợp để hiện thực hóa sự đồng thịnh vượng của khu vực.

AEG vận hành hơn 300 đấu trường và trung tâm hội nghị trên khắp thế giới, bao gồm cả Nhà thi đấu O2 ở London, nơi nổi tiếng tổ chức các buổi biểu diễn của BTS. AEG có kế hoạch hợp tác với CJ để tổ chức hơn 170 buổi biểu diễn hàng năm của các nghệ sĩ trong và ngoài nước.

Tỉnh trưởng tỉnh Gyeonggi Lee Jae-myung cho biết: "Cốt lõi của ngành công nghiệp tương lai là nội dung, và CJ Group là một tập đoàn đại diện của ngành công nghiệp nội dung. Tôi đề nghị CJ Live City trở thành một công ty quan trọng trong ngành công nghiệp của thành phố Goyang và dẫn đầu trong việc thúc đẩy văn hóa Hàn Quốc ra toàn cầu.

Ông nhấn mạnh: "Khi phòng triển lãm thứ ba của KINTEX được phát triển ở Goyang song song với Thung lũng Văn hóa K, và mạng lưới giao thông đô thị cũng như cơ sở hạ tầng liên quan khác được mở rộng hơn nữa, những người dân sống ở các khu vực kém phát triển phía bắc Gyeonggi sẽ chứng kiến hy vọng mới".

Phó Chủ tịch Tập đoàn CJ Park Keun-hee bày tỏ sự tin tưởng vào dự án và cho biết: "Trong 25 năm qua, CJ đã xây dựng các năng lực cốt lõi của mình trong lĩnh vực nội dung của Hàn Quốc ("K-content"), bao gồm "Parasite", bộ phim đã giành được 4 giải Oscar, và K-pop, nơi đã và đang có những ảnh hưởng đến thế giới. Chúng tôi sẽ hội tụ các khả năng của mình vào đấu trường ngoại tuyến này để đưa nơi này trở thành cơ sở phát triển của làn sóng Hallyu và là trung tâm văn hóa cho mọi người trên khắp thế giới".

Thung lũng K-Culture sẽ được tư nhân rót thêm 1,5 tỷ USD để xây dựng. Sau khi hoàn thành, Thung lũng K-Culture dự kiến sẽ thu hút 20 triệu du khách mỗi năm, tạo ra giá trị sản xuất khoảng 17 nghìn tỷ won (14,3 tỷ USD) và tạo ra 240.000 việc làm trong tỉnh trong vòng 10 năm, do đó thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực trong Tây Bắc tỉnh Gyeonggi.

Chính quyền tỉnh Gyeonggi đã ký một thỏa thuận với CJ E&M Consortium vào năm 2016 để hình thành Thung lũng K-Culture. Tuy nhiên, việc xây dựng đã bị dừng khi CJ theo đuổi việc xây dựng một phòng hòa nhạc nhỏ trong khuôn viên khách sạn. Hai bên đã đạt được thoả thuận cuối cùng vào tháng 7/2020 sau hơn 1 năm đàm phán về kế hoạch phát triển thứ ba do CJ đệ trình vào tháng 4/2019.

CJ Live City có kế hoạch bắt đầu xây dựng nhà thi đấu ngay sau khi nhận được phê duyệt xây dựng từ Thành phố Goyang, và sau đó sẽ xây dựng các cơ sở thương mại và giải trí với dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2024.

 LP

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Life & English: The story of a portrait

Tóm tắt: 

Once upon a time, there was a Kingdom...

Once upon a time, there was a Kingdom. The king there only had one leg and one eye, but he was very intelligent and kind. In his kingdom, people were happy.

One day the king was walking through the palace hallway and saw the portraits of his ancestors. He thought that one day his children will walk in the same hallway and remember all the ancestors through these portraits. But, the king did not have his portrait. Due to his physical disabilities, he wasn’t sure how his painting would turn out. So he invited many famous painters and announced that he wanted them to paint his portraits. The rewards would be based on how the paintings turn out. The most beautiful portrait would be placed in the palace.

All of the painters began to think that the king only had one leg and one eye. How could his picture be made beautiful? So one by one, they politely declined to make a painting of the king. But suddenly one painter raised his hand and said that he could make a very beautiful portrait of the king. The king became happy and the painter started drawing the portrait, then he filled the drawing with paints. Finally, after taking a long time, he said that the portrait was ready. Other painters were curious and nervous thinking. But when the painter presented the portrait, all people were surprised.

The painter made a portrait in which the king was sitting on the horse, on the one-leg side, holding his bow and aiming the arrow with his one eye closed. The king was very pleased to see that the painter has made a beautiful portrait by cleverly hiding the king’s disabilities. The King gave him a great reward.

P/s: We should always think positive of others and ignore their deficiencies. We should learn to focus on the good things instead of trying to hide weaknesses. If we think and approach positively even in a negative situation, then we will be able to solve our problems more efficiently.

(Collected & edited by QM)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Life & English
Các chuyên mục liên quan: 
Chuyện dọc đường
Life & English

Green Travel - Trang quảng bá du lịch bền vững tới thị trường quốc tế

Tóm tắt: 

Trên trang Green Travel, người xem sẽ tìm thấy các bài viết giới thiệu về du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn về phong tục tập quán của người Việt, quảng bá những điểm đến hấp dẫn nhưng ít người biết.

Trên trang Green Travel, người xem sẽ tìm thấy các bài viết giới thiệu về du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn về phong tục tập quán của người Việt, quảng bá những điểm đến hấp dẫn nhưng ít người biết.

Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 27/8 cho biết Tổng cục Du lịch cùng với Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) và Chương trình Du lịch Bền vững Thụy Sĩ (SSTP) đã hợp tác, cho ra mắt trang Green Travel mới trên website du lịch chính thức của Việt Nam dành cho khách nước ngoài tại địa chỉ: www.vietnam.travel/sustainability.

Trên trang Green Travel, người xem sẽ tìm thấy các bài viết giới thiệu về du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn về phong tục tập quán của người Việt, quảng bá những điểm đến hấp dẫn nhưng còn ít người biết...

Để giúp du khách tìm kiếm dễ dàng hơn,  Green Travel cung cấp danh sách tổng hợp các sản phẩm du lịch bền vững đã được công nhận của Việt Nam.

[Siêu mẫu quốc tế làm truyền hình thực tế để quảng bá du lịch Việt Nam]

Người xem có thể đọc về các tour du lịch mang tính giáo dục cao, có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.

Bên cạnh đó là các bài viết về những điểm lưu trú bền vững như nhà sàn, nhà người dân bản địa, khách sạn; hiểu thêm về các sản phẩm lưu niệm thủ công, vải, cùng thương hiệu văn phòng phẩm vừa đậm nét văn hoá Việt Nam vừa hỗ trợ đời sống người dân địa phương.

Trang Green Travel cũng có các bản đồ họa thông tin du lịch bền vững tại Việt Nam, bài viết chuyên sâu về dân tộc thiểu số, các làng nghề thủ công truyền thống.

Để hỗ trợ khách du lịch tối đa trong việc lên kế hoạch, trang Green Travel đã tổng hợp sẵn các công ty du lịch bền vững uy tín.

Mục đích của Green Travel này là bước đầu hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch bền vững, khách du lịch quan tâm tới hình thức du lịch này tìm hiểu thông tin trước; chuẩn bị cho chuyến đi đến Việt Nam khi hoạt động du lịch quốc tế được mở cửa trở lại.

Trong thời gian tới, trang web www.vietnam.travel sẽ trình chiếu các đoạn phim quảng bá nhiều sản phẩm bền vững tốt nhất; tổ chức các cuộc thi với giải thưởng là sản phẩm bền vững và các chuyến du lịch trên các kênh mạng xã hội Facebook, Instagram (@vietnamtourismboard)...

Mới đây, Tổng cục Du lịch đã ra mắt trang Virtual Vietnam trên trang web www.vietnam.travel/virtual-vietnam cung cấp các thông tin nhằm khuyến khích khách du lịch khám phá Việt Nam tại nhà khi cả nước vẫn đang đóng cửa biên giới với khách nước ngoài.

Trang này mang đến các trải nghiệm du lịch trực tuyến như hành trình 360 độ, công thức nấu món ăn Việt Nam, tranh tô màu, các đoạn phim về nhiều chủ đề hấp dẫn khác./. 

Nguồn: Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=659843

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Nhật Bản mở bãi biển cho dân đến đọc sách

Tóm tắt: 

Người dân đến bãi biển Oarai Sun để đọc sách phải tuân thủ các biện pháp an toàn và ngồi cách nhau 2 m.

Người dân đến bãi biển Oarai Sun để đọc sách phải tuân thủ các biện pháp an toàn và ngồi cách nhau 2 m.

Để tận hưởng mùa hè theo cách độc đáo mà vẫn đảm bảo an toàn, hiệp hội khách du lịch tại tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) đã nghĩ ra ý tưởng mở cửa bãi biển Oarai Sun như một thư viện để mọi người đến đọc sách.

Suốt nhiều tháng qua, bãi biển này bị đóng cửa để ngăn người dân đổ xô đến đây vui chơi trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Sau khi được sự cho phép của chính quyền địa phương, dự án bắt đầu hoạt động từ ngày 1/8. Khoảng 800 cuốn sách bao gồm sách chuyên ngành, tiểu thuyết và tác phẩm văn học đã được thu thập bởi các nhà hảo tâm, tổ chức trên khắp tỉnh Ibaraki.

Những kệ sách được bố trí đặt trong một cơ sở sơ tán sóng thần trên bãi biển, theo Mainichi Shimbun.

Du khách có thể lấy bất kỳ cuốn sách nào mà họ thích và chọn một chỗ ngồi thoải mái được dựng dưới những tấm bạt che nắng.

Để đảm bảo an toàn, tất cả người dân đến thư viện đều được yêu cầu cung cấp thông tin liên lạc và phải ngồi cách xa nhau 2 m.

"Thật không may khi không thể bơi lội ở đây, nhưng tôi vẫn có thể tận hưởng mùa hè qua cách này", một du khách chia sẻ.

Theo Mainichi Shimbun, thư viện trên bãi biển Oarai Sun sẽ được mở cửa miễn phí từ 15h-18h mỗi ngày.

Văn hóa đọc sách ở Nhật Bản được hình thành từ hàng trăm năm trước. Ở thế kỷ 17, tỷ lệ người biết đọc, biết viết ở quốc gia này đã trên 50%, cao hơn so với nhiều nước thời đó. Người dân ở xứ sở hoa anh đào có thói quen tranh thủ đọc sách trong thời gian chờ tàu điện ngầm, xe buýt. Họ xem đây là một phương pháp để giải trí, tiếp thu thêm kiến thức mới.

Bãi biển Oarai Sun được mở cửa mỗi ngày để người dân đến đọc sách.

Nhật Bản là một trong những quốc gia sớm ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19. Đầu tháng 4/2020, Thủ tướng Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở nhiều khu vực trên toàn quốc.

Từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, người dân Nhật Bản đã hạn chế ra đường, nâng cao cảnh giác và thực hiện giãn cách xã hội. Vì thế, các địa điểm du lịch nổi tiếng trở nên hoang vắng hơn mọi năm. Cuối tháng 2, ông Abe quyết định đóng cửa toàn bộ trường học đến khi tình hình khả quan hơn.

Để giảm thiểu sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế, chính phủ Nhật Bản còn phê duyệt gói hỗ trợ lên đến 1.100 tỷ USD, tương đương khoảng 930 USD cho mỗi người dân.

Nhiều người cho rằng sở dĩ nước Nhật làm nên kỳ tích chống dịch là do người dân có ý thức bảo vệ sức khoẻ tốt, đeo khẩu trang thường xuyên, duy trì các biện pháp phòng bệnh cơ bản và hạn chế những thói quen như bắt tay, ôm hôn.

Hôm 14/5, Thủ tướng Abe đã tuyên bố gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sớm nửa tháng trên hầu hết cả nước, trừ 8 tỉnh trong đó có thủ đô Tokyo và thành phố Osaka.

Tính đến hiện tại, Nhật Bản ghi nhận hơn 63.383 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới và gần 1.201 ca tử vong.

Theo Thảo Ngân Ảnh: Mainichi Shimbun/zing.vn

https://zingnews.vn/nhat-ban-mo-bai-bien-cho-dan-den-doc-sach-post1124050.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Báo Tây ca ngợi Cầu Vàng, vịnh Hạ Long của Việt Nam

Tóm tắt: 

Truyền thông quốc tế đã bình chọn cho Cầu Vàng là tác phẩm nghệ thuật vươn tầm thế giới, còn vịnh Hạ Long là điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới.

Truyền thông quốc tế đã bình chọn cho Cầu Vàng là tác phẩm nghệ thuật vươn tầm thế giới, còn vịnh Hạ Long là điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới.

Mới đây, trang báo Love Exploring (Anh) đã đưa ra danh sách những tác phẩm nghệ thuật khổng lồ, được tạc bằng đá, phủ vàng hay tạo hình bởi cây cối tự nhiên, hút du khách khắp nơi đổ về tham quan. Trong đó, Việt Nam có một đại diện là cầu Vàng tại Đà Nẵng.

Cầu Vàng được nâng đỡ bởi đôi bàn tay rêu phong khổng lồ, giữa khung ảnh mờ sương như chốn tiên cảnh của núi Bà Nà.

Trong bài viết của mình, tờ báo Anh viết, Cầu Vàng (Đà Nẵng, Việt Nam) nằm ở độ cao hơn 1.400 m so với mực nước biển. Cầu Vàng được nâng đỡ bởi đôi bàn tay rêu phong khổng lồ, giữa khung ảnh mờ sương như chốn tiên cảnh của núi Bà Nà.

Danh tiếng của cây cầu thậm chí đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, được các hãng thông tấn, báo chí và mạng xã hội toàn cầu ngợi ca như một trong những “Cây cầu đi bộ ngoạn mục nhất thế giới”.

Thống kê sơ bộ, tính đến nay, đã có hơn 600 bài báo, phóng sự truyền hình đưa thông tin, hình cảnh về Cầu Vàng, trong số đó có các hãng tin tức uy tín toàn cầu như CNN, BBC, Reuters, New York Time…

Cuối tháng 8 vừa qua, tạp chí TIME nổi tiếng của Mỹ đã lập tức đưa cây cầu “như bước ra từ thần thoại” này vào danh sách “100 địa điểm tuyệt vời nhất trên thế giới 2018″. Để lọt được vào danh sách này của TIME, đó phải là các điểm đến “phá vỡ giới hạn mới, dẫn đầu các xu thế trong ngành và đem lại trải nghiệm phi thường cho người xem”.

Ngoài ra, cũng theo tờ báo này vịnh Hạ Long của Việt Nam xếp thứ 6/28 điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới.

Vịnh Hạ Long kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh, Việt Nam) là một một trong những kỳ quan ngoạn mục của châu Á và thế giới. Được bao phủ bởi rừng rậm và những vách núi đá vôi ấn tượng, vịnh đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới trong hơn 20 năm.

Du khách đến đây vào sớm mai có thể hít thở không khí trong lành, chiêm ngưỡng bức tranh được phối màu điệu nghệ của tự nhiên. Ngắm bình minh ở bãi biển Bàn Chân hoặc lênh đênh trên phi thuyền là trải nghiệm khó quên của tín đồ du lịch.

Nguồn: Khang Anh/thoidai.com.vn

https://thoidai.com.vn/bao-tay-ca-ngoi-cau-vang-vinh-ha-long-cua-viet-nam-115912.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Thu Hà Nội - sống chậm trong mùa dịch

Tóm tắt: 

Nhiều người cứ kêu ca than phiền nhưng với một số người Hà Nội khác, mùa dịch Covid-19 lại là một dịp để sống chậm hơn, để thấy mùa thu đang về...

Nhiều người cứ kêu ca than phiền nhưng với một số người Hà Nội khác, mùa dịch Covid-19 lại là một dịp để sống chậm hơn, để thấy mùa thu đang về...

Lắng sâu những cảm xúc

Bắt đầu từ cơn bão số 2 mang những trận mưa kéo dài cả tuần, cái nắng dữ dội đổ lửa của mùa hè bỗng dung bay biến đi đâu mất. Cái nắng mùa thu trở lại dịu dàng hơn, ngọt ngào hơn cùng với sự đỏng đảnh của thời tiết khi thoắt lại sầm sì những đám mây, thoắt lại ào xuống một cơn mưa.

Ai đi ra đường vào sáng sớm sẽ cảm nhận rõ cái lạnh đã man mát trong hơi sương. Ấy là lúc ra đường, màu bằng lăng tím ngắt đã không còn. Những cánh phượng thấp thoáng trên vòm lá xanh rì. Loáng thoáng trong các vườn cây ngoại thành đã có hương hoa sữa thoảng đưa.

Mùa thu về, khắp phố phường bày bán những loại quả đặc trưng. Nhiều nhất là quả na. “Trái na mở mắt nhìn ngơ ngác / Đàn kiến trường chinh tự thuở nào’’ (Chiều thu - Nguyễn Bính).

Nhiều người Hà Nội chọn sống chậm hơn trong mùa thu - mùa dịch Covid-19

Nhiều nữa là những chùm nhãn màu nâu vàng tròn xoe. Theo kinh nghiệm dân gian xưa, năm nào được mùa nhãn thì cũng mưa nhiều. Năm nay quả vậy, nhiều nhãn và cũng nhiều mưa lũ. Thứ quả kết tinh hương đất trời mùa xuân, trải qua mùa hè nắng lửa đến mùa thu mới chín nên đầy ngọt ngào, quyến rũ.

Dù chỉ được bày bán thấp thoáng ở các chợ nhưng lại khiến rất nhiều người mong ngóng, háo hức cứ chờ đến mùa thu là phải mua bằng được. Đó là những quả thị. “Quả thị thơm cô Tấm rất hiền’’ có trong cổ tích, trong ca dao, trong những bài thơ học từ tấm bé.
Quả thị về cùng mùa thu Hà Nội

“Thị thơm thị rụng bị bà / Bà để bà ngửi chứ bà không ăn’’, sáng nào đi chợ thấy bên góc hàng quen có bầy một chiếc rổ nhỏ là chị em sà vào. Những quả thị nhỏ xinh lắm, chỉ như hòn cuội màu vàng ươm. Mang về nâng niu, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội cho bạn bè xuýt xoa xong để trong phòng. Ban đêm, mùi thị thơm nồng nàn cả những giấc mơ. Quả thị, quả na, chùm nhãn, rất thu mà khiến cả tuổi thơ như ùa về trong giây lát.

Mùa thu Hà Nội cũng về với một thứ quả đặc trưng mà ai nghe thấy cũng thèm. Đó là sấu chín. Sấu Hà Nội đắt hàng quanh năm, được để ngăn đá để sử dụng quanh năm, rộ nhất vào mùa hè và “lên hương” nhất vào mùa thu.

Thứ quả chua giòn ấy ngậm đủ nắng gió Hà thành, nghe đủ chuyện tâm tình phố xá, vào ngày mùa thu đọng mật kết tinh lại thành vị chua ngọt rất đặc trưng. Lúc này toàn quả sấu ngả sang màu vàng. Thịt sấu trong lại, dẻo ra chứ không giòn tan như trước.

Thứ quả ấy ngâm mắm dầm ớt ăn cũng ngon nhưng thích nhất là món sấu dầm. Sấu cắt từng khoanh, vẫn còn để dính với hạt rồi trộn với đường, muối, ớt bột theo tỉ lệ nhất định. Nhìn vừa đẹp mắt ăn lại ngon miệng. Cứ vừa ăn vừa xuýt xoa nhưng ăn một lại muốn ăn hai, ăn mãi, ăn mãi.

Những quả sấu chín dầm

Cữ này hàng năm không bị dịch Covid-19, bờ Hồ, quanh phố Tràng Tiền các bà bán hàng bày từng mẹt, từng mẹt, ai đi ngang qua cũng phải ngoái đầu nhìn lại. Năm nay người bán vẫn bán nhưng người mua đã thưa vắng hơn. Dù vậy, chắc chắn lượng người mua cũng không giảm.

Bởi, thay vì thong dong dạo phố tận hưởng những cơn gió mùa thu cùng trời xanh nắng vàng, người ta rút vào ăn sấu, thưởng thức sấu dầm tại nhà, trong văn phòng… Thế mới biết, dẫu dịch giã cũng không thể thay đổi được thói quen sinh hoạt của người Hà Nội.

Bởi nét ẩm thực ấy, sự mong chờ mùa thu ấy cũng là nét văn hóa của xứ này. Nó tồn tại hàng ngàn năm nay, dễ gì thay đổi bởi dịch bệnh hay bất cứ thứ gì khác. Mọi sự vẫn diễn ra thường lệ, chỉ có bị tác động đôi chút. Để thấy rằng, người Hà Nội không chủ quan khi chống dịch, rất thận trọng và nghiêm túc nhưng cũng vẫn bình tâm đối mặt với dịch bệnh để duy trì tâm thế vững vàng trước cuộc sống của mình.

Để thấy yêu đời, yêu người hơn

Bớt tụ tập ồn ào, bớt những cuộc hẹn hò la cà nơi phố xá muộn màng, người Hà Nội dần tập sống chậm hơn. Sống chậm hơn để cảm nhận nhiều hơn những gì diễn ra xung quanh mình chứ không phải cứ ào ào cuốn theo dòng chảy náo nhiệt ngoài kia như thường lệ nữa.

Đó là lúc tại các sân trong khu tập thể người ta chăm tập thể dục hơn. Không tụ tập quá đông, từng tốp vài người đi bộ hoặc đánh cầu lông. Xóm ngõ nhỏ nếu ngày thường vắng lặng tiếng người bởi ai nấy lo đi ra ngoài làm ăn buôn bán thì nay mang màu sắc khác. Ở nhà nhiều hơn khiến ra vào chạm mặt nhau. Thế là phải chào, phải hỏi thăm, thành ra thân quen. Dăm ba câu chuyện thời tiết, cập nhật cho nhau tình hình dịch bệnh, nhắc nhở nhau vài câu về ăn uống vệ sinh phòng dịch, hàng xóm cũng mang lại những nguồn vui, khỏi cô đơn, vắng lặng trong mùa dịch này.

Các bà nội trợ ngại phải ra ăn ngoài quán xá, sợ mất vệ sinh, sợ lây nhiễm, sợ tiếp xúc đông người nên chăm chỉ vào bếp hơn. Điều đó thật đáng mừng bởi thời buổi hiện đại, thức ăn nhanh giao đến tận nơi, suất cơm văn phòng giao đến tận nơi thì có vẻ như nét nữ công gia chánh vốn đặc trưng cho con gái Hà Nội xưa đã phôi phai ít nhiều.

Bây giờ các chị, các mẹ chăm chỉ vào bếp, chăm chỉ nghiên cứu những món ngon của nhiều nước trên thế giới lại được dịp bổ sung thêm cho từ điển ẩm thực vốn đã rất phong phú của Hà Nội. Mỗi người một khẩu vị, mỗi người một cách chế biến, vậy là, những biến thể của các món Á, Âu tự nhiên trở thành một món ăn khác của người Hà Nội. Đó cũng chính là cách từ ngàn xưa người Hà Nội đã dồn tích tinh hoa trăm miền trở thành nét đặc sắc riêng của xứ mình.

Điều quan trọng nữa, trong mùa dịch, người ta có cảm giác thấy yêu đời hơn, yêu những người xung quanh và yêu chính bản thân mình hơn. Nếu như ngày thường, quay cuồng với những kế hoạch, với những bộn bề, với các cuộc hẹn hò tụ tập, rất ít khoảng trống len vào tâm hồn mỗi người thì giờ đây, những khoảng trống ấy nhiều hơn.

Nhiều đủ để người ta nghĩ đến việc mình sống vì cái gì, sống vì ai và nên sống như thế nào. Nhất là khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, sự sống và cái chết mong manh. Bất cứ ai cũng có thể lây nhiễm nếu như không có ý thức phòng, chống một cách nghiêm túc và quyết liệt. Sức khỏe con người vốn đã quan trọng giờ đây lại càng quan trọng hơn.

Sống chậm hơn để cảm nhận mùa thu Hà Nội trở về như ngàn năm nay vẫn vậy

Chính bởi vậy, có lẽ dường như mỗi người đều cảm nhận được cần phải khỏe mạnh, cần phải sống chan hòa, yêu thương nhau hơn khi còn được ở bên nhau. Khi có bệnh nền, khi bị nhiễm virus Corona thì điều xấu nhất vẫn có thể xảy ra như với những bệnh nhân đã không may qua đời.

Trân trọng cuộc sống của mình chính là trân trọng cuộc sống của mọi người, chung tay đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống nhanh chóng ổn định lại như xưa. Bởi Hà Nội đang đón mùa thu, mùa đẹp nhất trong năm và cũng là dịp kỷ niệm 1010 mùa thu của thành phố này. Trong lịch sử có bao mùa thu trôi qua như thế, cũng có nhiều biến động, nhiều sự kiện nhưng rồi mùa thu vẫn đến, năm này tiếp năm khác cho chúng ta cuộc sống hòa bình như ngày nay.

Mong rằng, với tình yêu bản thân, yêu mọi người, yêu thành phố này, yêu những mùa thu, chúng ta sẽ nâng cao hơn nữa văn hóa ứng xử trong mùa dịch bệnh để Covid-19 sớm đi khỏi xứ này, trả lại cho chúng ta những mùa thu đẹp đến nao lòng.

Nguồn: Thúy Na/tuoitrethudo.vn

Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/thu-ha-noi-song-cham-trong-mua-dich-142932.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Bộ sách tiêu biểu của “Nhà văn của tuổi thơ - Nhà thơ của tuổi hoa”

Tóm tắt: 

Bộ ấn phẩm kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất của “Nhà văn của tuổi thơ – Nhà thơ của tuổi hoa”.

Nhà văn Võ Quảng là một trong những tác giả được yêu mến của văn học Việt Nam nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng.

Bộ sách đặc biệt

Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng, Nhà xuất bản Kim Đồng trân trọng giới thiệu với độc giả bộ ấn phẩm gồm 5 cuốn:

* Tiểu thuyết “Quê nội” (gồm 2 truyện “Quê nội”, “Tảng sáng”) – tác phẩm mang đậm dấu ấn của nhà văn xứ Quảng

* Tập thơ “Ai dậy dớm”, tuyển giới thiệu những bài thơ hay nhất viết cho thiếu nhi với minh họa mới sinh động của họa sĩ Chu Linh Hoàng;

* Tuyển tập “Truyện đồng thoại Võ Quảng” do họa sĩ Vũ Xuân Hoàn minh họa;

* Tập truyện “Những truyện hay viết cho thiếu nhi – Võ Quảng”;

* Và đặc biệt là tuyển thơ, truyện, phê bình, chân dung “Võ Quảng – Một đời thơ văn”.

Đúng như nhận định của Hội Nhà văn Việt Nam: “Với Tảng sáng, Quê nội, Gà Mái Hoa, Anh Đom Đóm, Ai dậy sớm... những trang văn, câu thơ, truyện kể của ông đã trở nên thân thuộc, không chỉ với trẻ em mà là với nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ suốt mấy chục năm qua.”

Bộ ấn phẩm kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất của “Nhà văn của tuổi thơ – Nhà thơ của tuổi hoa”.

Độc giả thiếu nhi nhiều thế hệ hẳn sẽ không thể quên nhân vật Cục và Cù Lao trong “Quê Nội” - tiểu thuyết mang tính tự truyện gắn với tên tuổi của nhà văn Võ Quảng, bối cảnh sau cách mạng Tháng Tám ở làng Hòa Phước bên dòng sông Thu Bồn.

Lớp lớp trẻ em từ thuở ê a tập nói vẫn sẽ ngân nga những câu thơ như đồng dao trong “Ai dậy sớm”, “Mầm non”, “Chị chổi tre”, “Anh đom đóm”, “Anh nắng sớm”, “Mời vào”...

Những truyện đồng thoại tươi vui, ngộ nghĩnh, ngôn ngữ trong trẻo đầy chất thơ như “Những chiếc áo ấm”, “Trăng thức”, “Anh Cút lủi”, “Mắt Giếc đỏ hoe”... in trong tập “Truyện đồng thoại Võ Quảng”, “Những truyện hay viết cho thiếu nhi – Võ Quảng” hẳn sẽ còn được lưu nhớ trong tâm trí độc giả.

Ấn phẩm đặc biệt “Võ Quảng – Một Đời Thơ Văn” do tác giả Châu Tấn – trưởng nam của nhà văn Võ Quảng biên soạn. Trong ấn phẩm này, độc giả sẽ gặp lại những bài thơ nổi tiếng của Võ Quảng; thưởng thức truyện ngắn đầu tay “Cái lỗ cửa”, truyện vừa “Cái thăng”, tiểu thuyết “Kinh tuyến và vĩ tuyến”, những truyện cổ tích kể lại “Chuyện kể ở Đầm Vạc” (truyền thuyết thời Hùng Vương); cùng những bài viết về văn học thiếu nhi của nhà văn Võ Quảng. Phần cuối là những bài phê bình, đánh giá của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu về tác phẩm Võ Quảng.

Nhà văn trọn vẹn tâm huyết với tuổi thơ

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa cử, Võ Quảng được học hành bài bản ngay từ nhỏ. Năm 17 tuổi, ông thi đỗ vào trường Quốc học Huế, và cũng từ năm này, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ông từng bị địch bắt, chịu cảnh tù đày, quản thúc. Sau cách mạng tháng Tám, ông đảm đương nhiều chức vụ như Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP. Đà Nẵng, Phó chánh án Tòa án quân sự miền Nam Việt Nam.

Bắt đầu với sự nghiệp văn chương khá muộn so với các nhà văn cùng trang lứa, năm 1957, khi đã ở tuổi 38, Võ Quảng mới trình làng tác phẩm đầu tiên, tập thơ “Gà Mái Hoa” và lập tức đã chinh phục được bạn bè văn chương. Cũng trong năm này, Võ Quảng về làm Tổng biên tập đầu tiên của NXB Kim Đồng mới thành lập.

Ngoài sáng tác thơ, truyện, Võ Quảng còn viết kịch bản phim hoạt hình và dịch một số tác phẩm văn học kinh điển của thế giới sang tiếng Việt. Ông là tác giả kịch bản phim hoạt hình “Sơn Tinh Thủy Tinh”, “Những chiếc áo ấm” – hai tác phẩm được “khắc tên vào bảng Vàng của ngành Hoạt hình Việt Nam” theo đánh giá của họa sĩ Trương Qua  (Giám đốc Xưởng phim hoạt hình Việt Nam từ 1967-1977). Ông cũng là người đầu tiên  phỏng dịch và giới thiệu “Truyện Đông Ky-sốt” (Hiệp sĩ Don Quixote) và “Người anh hùng rừng Séc Vút” (Robin Hood – Hiệp sĩ rừng xanh) sang tiếng Việt

Trên cương vị là Tổng biên tập của nhà xuất bản dành riêng cho thiếu nhi, là một tác giả viết cho thiếu nhi, nhà văn Võ Quảng rất tích cực tham gia các lớp đào tạo nhà văn trẻ, giảng dạy về văn học ở các khóa bồi dưỡng viết văn.

Là một trong số ít các nhà văn dành trọn vẹn tâm huyết sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Võ Quảng ý thức rất rõ tầm quan trọng của văn chương trong việc giáo dục thẩm mỹ, nhân cách cho trẻ em. Ông đã dành nhiều thời gian, tâm sức để nghiên cứu tâm lý tiếp nhận của trẻ em; tìm hiểu những quan điểm, phương pháp sáng tác của các nhà văn lớn trên thế giới viết cho thiếu nhi.

Nhà văn Võ Quảng từng nói: “Viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống của tôi”. Ông luôn tâm niệm mình là một nhà giáo dục, cả cuộc đời dành trọn vẹn “những gì đẹp đẽ nhất, tinh khiết nhất cho thiếu nhi”. Thơ văn Võ Quảng đã được lựa chọn đưa vào chương trình giảng dạy ở nhiều cấp học suốt mấy thập kỉ qua.         

“Cuộc đời ông có thể ví như một cây đại thụ có gốc sâu, rễ bền, thấm đẫm tinh hoa văn hóa nước nhà và thế giới, mạnh mẽ trụ vững giữa phong ba bão táp của những năm tháng ác liệt, để rồi nửa đời sau đâm cành, nảy lộc, nở hoa tươi đẹp, kết trái văn chương ngọt lành dành cho bao lớp trẻ thơ của đất nước.” – lời của dịch giả Phương Thảo – phu nhân của nhà văn Võ Quảng là nhận định xác đáng về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Nhà văn Pháp Alice Kahn, người đã dịch tác phẩm "Quê nội"của nhà văn Võ Quảng sang tiếng Pháp cho biết: “Các độc giả phương Tây có lẽ sẽ ngạc nhiên giữa bao nhiêu khía cạnh dân tộc của người Việt Nam. Chẳng những sự say mê xem hát tuồng của dân làng và vai trò quan trọng của sân khấu trong đời sống của họ, cảnh chạy trốn chiến tranh hay chạy trốn đói nghèo kéo dài suốt lịch sử đất nước Việt Nam qua bao thế kỉ đã từng tạo nguồn cảm hứng cho bao nhiêu bài hát dân gian. Về phần tôi, mong muốn trước hết là được Cục và Cù Lao đưa lại cho chúng ta mọi sự hiểu biết nhiều hơn về một nước Việt Nam hầu như còn hoàn toàn xa lạ đối với người Pháp".

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Tổ chức Đợt phim Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tóm tắt: 

Việc tổ chức Đợt phim chỉ được thực hiện tại các địa phương khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát an toàn và phải tuân thủ theo các quy định về phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế ban hành.

Ngày 11/8/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2234/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Đợt phim Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2020).

Ảnh mang tính chất minh họa.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần phim Truyện I, Công ty Cổ phần phim Giải Phóng, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Trung tâm Điện ảnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là các Đơn vị Điện ảnh) tổ chức Đợt phim Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2020) trong phạm vi cả nước.

Các phim được chọn chiếu trong Đợt phim bao gồm: Phim truyện "Người lính thầm lặng"; Phim tài liệu "Làng xây đảo", "Ký ức Long Châu", "Quê lụa Tân Châu"; Phim hoạt hình "Tắc kè phá án".

Việc tổ chức Đợt phim chỉ được thực hiện tại các địa phương khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát an toàn và phải tuân thủ theo các quy định về phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế ban hành. Trong trường hợp không tổ chức Đợt phim, các đơn vị Điện ảnh sẽ sử dụng các bộ phim này trong các Tuần phim, Đợt phim tiếp theo.

Theo Hằng Đinh/toquoc.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Bộ sưu tập camera, TV hiếm có ở Việt Nam

Tóm tắt: 

Phòng trưng bày thiết bị truyền hình xưa có trên 100 máy móc sản xuất chương trình truyền hình từ thập niên 90.

Phòng trưng bày thiết bị truyền hình xưa có trên 100 máy móc sản xuất chương trình truyền hình từ thập niên 90.

Chủ nhân của phòng trưng bày là chị Huỳnh Thị Hồng Sen và anh Phan Thiện. Vợ chồng chị Sen đều làm trong lĩnh vực truyền hình nên có sở thích sưu tầm những thiết bị phục vụ ngành nghề của mình. Riêng chị Sen từng làm đạo diễn phát hình, nên những máy móc này gắn liền với công việc hàng ngày của chị.

Bộ sưu tập có các loại camera, tivi, đầu video, mixer, đầu thu chuyên dụng từ những thập niên 90. Ảnh: Huỳnh Nhi.

“Các đầu quay camera này có từ thời mình sử dụng băng VHS, Betacam rồi thậm chí là DV. Bây giờ người ta chuyển qua dùng Full HD hoặc 4K, những chiếc máy này đã lỗi thời, không còn giá trị sử dụng nữa”, chị Sen nói.

Chị Sen sưu tập khoảng 100 thiết bị trong 5 năm qua. Các thiết bị này được bạn bè cho tặng, hoặc mua thanh lý từ các đài truyền hình quen biết. Chị muốn lưu giữ lại để làm kỷ niệm và cũng để trưng bày cho du khách tới tìm hiểu một phần công việc của người làm truyền hình.

“Ngày xưa muốn làm một cái tin hay phóng sự đòi hỏi nhiều công đoạn và rất vất vả. Ví dụ khi mình quay tin bài ở xa, không có cách nào khác để gửi hình về đài ngoài việc phải chạy xe về và dùng đầu máy chuyên dụng đổ băng, dựng hình cho kịp giờ phát sóng. Bây giờ mình dùng thẻ nhớ, chép hình rất nhanh, chỗ nào có Internet mình đều gửi hình về được, không cần chạy tới chạy lui”, chị Sen kể về những ngày bắt đầu làm quen với truyền hình.

Nguyễn Huỳnh Tuấn Kiệt (TP Cần Thơ) thích thú khi được mẹ dẫn đến tham quan phòng trưng bày. Em nói: “Con rất thích xem phim, ở đây có những cái máy quay giống như trên phim con được thấy nên con rất vui”.

Ngoài góc trưng bày thiết bị truyền hình, nơi này còn tái hiện một số hình ảnh quen thuộc với khán giả, điển hình là bức tường lớn với hình ảnh về màn hình test-card, được coi là biểu tượng cho truyền hình vào thập niên 90. Hiện nay, thời lượng phát sóng trên các đài truyền hình dường như phủ kín nội dung nên hình ảnh này dần lùi vào dĩ vãng, chỉ còn vào cuối ngày khi hết chương trình.

Background đậm chất truyền hình cho khách tạo dáng. Ảnh: Huỳnh Nhi.

Phòng trưng bày thiết bị truyền hình xưa được đặt trong khuôn viên cà phê, phim trường Căn nhà màu tím trên đường Chí Sinh, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Giá vé vào cửa 60.000 đồng/ lượt, gồm một đồ uống.

Nguồn: Huỳnh Nhi/vnexpress.net

https://vnexpress.net/bo-suu-tap-camera-tv-hiem-co-o-viet-nam-4133984.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường