Syndicate content

Chuyện dọc đường

Cuốn tiểu thuyết “mở ra một trang mới” của thể loại khoa học viễn tưởng

(ICTPress) - Câu chuyện của "172 giờ trên mặt trăng" diễn ra ở một mốc thời gian tưởng tượng là Trái Đất năm 2018, khi NASA và các nhà khoa học khởi động chiến dịch trở lại mặt trăng sau lần đổ bộ thành công đầu tiên những năm cuối thập niên 60.

Lần trở lại này sẽ có sự tham gia của một nhóm các thiếu niên độ tuổi từ 14 đến 18, đáp ứng đủ các điều kiện và được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn thế giới. Ba thiếu niên được lựa chọn tham gia vào chuyến đi này với các phi hành gia chuyên nghiệp là Mia, người Na-Uy, Midori, người Nhật và Antoine người Pháp.

Mỗi người trong số họ tham gia với một lý do khác nhau: Mia, người vốn không hề có chút hứng thú nào với chuyến đi lên Mặt Trăng, nhưng bị bố mẹ tự ý đăng kí tên, cuối cùng đã quyết định tham gia để tạo danh tiếng cho ban nhạc mà mình là thành viên.

Midori đăng kí tham gia chỉ vì muốn được thoát khỏi tương lai buồn chán của phụ nữ Nhật Bản và đến New York sống theo ý mình sau chuyến đi. Antoine, người vừa chia tay bạn gái, chỉ đơn giản là muốn được đi xa để thoát khỏi thành phố Paris tràn ngập kỉ niệm đau buồn.

Một chuyến hành trình nguy hiểm, nhưng cũng đầy hứa hẹn. Được nhìn ngắm sự bao la của vũ trụ, được sống một cuộc đời chưa từng có, danh tiếng, tự do… quá nhiều lí do để ra đi, và hứa hẹn những một tương lai tốt đẹp sau khi trở về.

Chuyến hành trình đầy hi vọng của phi hành đoàn và nhóm thiếu niên trở thành một cơn ác mộng thực sự khi họ đổ bộ xuống Mặt Trăng. Những bí mật tưởng chừng bị lớp bụi thời gian nhấn chìm vào quên lãng tại Trái Đất, thì Mặt Trăng vẫn giữ lại chúng một cách nguyên vẹn.

Tất cả những người nắm giữ bí mật đều im lặng, hoặc không còn cất tiếng. Chỉ còn lại nhóm thám hiểm không hay biết mình đang đi vào vùng nguy hiểm. Sự háo hức trở thành nỗi sợ hãi kinh hoàng, và dường như 172 giờ sẽ kéo dài mãi mãi…

Điểm đặc sắc của 172 giờ trên mặt trăng chính là sự pha trộn giữa thể loại khoa học viễn tưởng và kinh dị trong cảm hứng âm nhạc và điện ảnh những năm giữa thập niên 70 và 80. Cuốn sách vừa đủ phiêu lưu nghẹt thở để cuốn hút những độc giả can đảm nhất, hoà trộn với sự rùng rợn được tính toán công phu đủ khiến họ giật mình thốt lên “Quá tuyệt”.

Cốt truyện chính được chia làm 3 phần: Trái Đất, Không gian, Kết, cùng một phần ngoại truyện ngắn làm rõ kết thúc của câu chuyện. 172 giờ trên mặt trăng sẽ khiến người đọc đi hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, thích thú xen lẫn kinh hoàng, và cả đôi phần tiếc nuối.

Tác giả cuốn sách Johan Harstad đang kể một câu chuyện về những năm 2018, nhưng anh đã sử dụng hết mức có thể những chất liệu của quá khứ chưa xa, đem đến cho người đọc trẻ tuổi một cách trải nghiệm tương lai – quá khứ đầy lạ lẫm.

Ngoài yếu tố li kì, tâm lý nhân vật, đặc biệt là tâm lý tuổi thiếu niên của các nhân vật chính được xây dựng tốt, nhất quán và chân thực, với đầy đủ các cung bậc: nổi loạn, bất mãn với bố mẹ, nhà trường (Mia), đau khổ vì tình yêu đầu tiên (Antoine) hay niềm khao khát cuộc sống tự do và độc lập trong tương lai (Midori).

Bên cạnh đó, truyện cũng đan xen nhẹ nhàng thông điệp về sự quý trọng cuộc sống bình yên và các mối quan hệ với gia đình và người thân: Nỗi tiếc nhớ của Mia về ban nhạc và những người bạn cô bé bỏ lại, lá thư cuối cùng cô bé viết cho gia đình, tưởng tượng cuối cùng của Stanton (một trong hai phi hành gia bị nhốt) về người vợ trước khi chết…

Không lâu sau khi ra mắt bạn đọc tại Na Uy, cuốn sách đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau, và ở mỗi quốc gia nơi nó xuất hiện, "172 giờ trên mặt trăng" đều nhận được những phản hồi tích cực. Một số tờ báo có tên tuổi đã nhắc đến 172 giờ trên mặt trăng như “Một cuốn sách vượt ra ngoài khuôn khổ của thế giới này” (The Guardian), “độc giả sẽ không hiểu được tường tận từng nhân vật, nhưng vẫn cảm nhận được không khí của câu chuyện” (The Publishers Weekly).

Cuốn tiểu thuyết dày hơn 300 trang vừa là cái nhìn đầy háo hức của con người trước vũ trụ bao la, vừa là sự nghi ngờ và sợ hãi trước sự vô tận và ngoài tầm hiểu biết ấy. Một cốt truyện được dàn dựng công phu với những cú lộn ngược dòng ngoạn mục, dàn nhân vật được khắc hoạ chân thực cùng những kiến thức khoa học được chọn lọc kĩ càng và thể hiện khéo léo, "172 giờ trên mặt trăng" là cuốn sách mà những người hâm mộ thể loại truyện khoa học viễn tưởng khó có thể bỏ qua.

Dịch giả Nguyên Hương chia sẻ, truyện kịch tính và có phần lắt léo, nên người dịch phải thận trọng với từng câu chữ trong quá trình chuyển ngữ để cố gắng truyền tải nội dung truyện một cách trôi chảy mà không mất đi tính hấp dẫn của truyện. Những thuật ngữ và khái niệm văn hóa mới khiến người dịch mất khá nhiều thời gian và công sức, nhưng nó cũng là “gia vị” khiến quá trình dịch thuật trở nên thú vị.

John Harstad (sinh năm 1979 tại Stavanger, Na Uy), tác giả của cuốn sách được độc giả biết đến lần đầu tiên vào năm 2001 với tuyển tập văn xuôi Herfra blir du bare eldre (Từ đây bạn sẽ chỉ già đi). Năm tiếp theo anh xuất bản một tập truyện ngắn có tên gọi Ambulanse (Xe cấp cứu) và vào năm 2005, anh xuất bản Buzz Aldrin, hvor ble det av deg I alt mylderet? (Buzz Aldrin, điều gì đã xảy ra với ông trong một cơn lộn xộn?) tác phẩm đã được xuất bản tại 13 nước, bao gồm Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Hàn Quốc, và được giải Bình luận Kirkkus cho tiểu thuyết xuất sắc nhất vào năm 2001. Năm 2007, Harstad xuất bản cuốn tiểu thuyết Hässelby, cuốn sách đem lại cho anh Giải thưởng Phê bình Văn học Trẻ Na Uy.

“172 giờ trên mặt trăng” là cuốn tiểu thuyết viết cho thanh thiếu niên đầu tay của tác giả Johan Harstad. Tuy là tác phẩm đầu tay, nhưng sự xuất sắc của cuốn sách này đã mang lại cho cha đẻ của nó giải thưởng Barge - một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất Na Uy trong không đầy một năm sau khi cuốn sách ra đời năm 2008.

Bảo Ngọc

Chọn đầm suông theo dáng người

(ICTPress) - Đầm suông là một trong những kiểu đầm được phái đẹp yêu thích nhất. Không cầu kì trong thiết kế, phom dáng rộng thoải mái, lại có khả năng che khuyết điểm cơ thể tốt, những chiếc đầm suông trở thành một item không thể thiếu trong tủ đồ của các nàng.

Sự hấp dẫn của đầm suông chính là ở nét nữ tính, duyên dáng nhưng vẫn năng động, phù hợp để theo bạn đi bất cứ đâu, từ công sở cho đến dạo phố, dự tiệc. Tuy nhiên, không nhiều bạn gái biết cách chọn cho mình một chiếc đầm phù hợp với dáng người. Những tip nhỏ sau đây sẽ giúp bạn biết cách tìm một chiếc đầm suông để tôn lên vóc dáng của mình.

Dáng người cao gầy

Chẳng có gì dễ mặc cho các cô gái mảnh khảnh hơn là đầm suông. Với thiết kế dáng suông, đường eo thẳng, đầm suông dễ dàng che đi thân hình “cò hương” của bạn. Tuy nhiên, nếu không chọn đúng màu sắc và hoa văn, rất có thể chiếc đầm sẽ “tố cáo” vóc dáng không đầy đặn của bạn. Để khắc phục điều này, bạn hãy chú ý tìm tới những kiểu đầm suông có màu sắc sáng, tươi tắn hoặc có nhiều họa tiết to bản. Chúng sẽ giúp bạn trông tròn trịa, khỏe khoắn hơn. Nếu bạn quá gầy, quá mảnh mai thì những chiếc đầm suông với họa tiết rực rỡ, nổi bật sẽ là lựa chọn hoàn hảo nhất.

Ngoài ra, bạn cũng cần tìm tới những chất liệu vải cứng cáp một chút, ngoài giúp đứng phom đầm còn có tác dụng tạo hiệu ứng “có da có thịt”  cho bạn nữa.

Dáng người mập

Với những cô nàng mũm mĩm, một chiếc đầm suông sẽ là “cứu tinh” cho vòng 2 mỡ màng và vòng 3 quá khổ. Nhờ phom dáng rộng rãi, không chiết eo, những ngấn mỡ dễ dàng bị “hô biến” đi. Tuy nhiên, bạn nên chú ý chọn những chiếc đầm suông màu tối như đen, xanh đậm, xám đậm… để tạo hiệu ứng mình trông ốm lại. Những chiếc đầm màu sắc sặc sỡ sẽ càng khiến người đối diện tập trung vào thân hình của bạn hơn. Nếu bắp tay bạn to thì nên chọn những mẫu đầm suông đẹp tay dài hoặc lửng để che bớt khuyết điểm này đi.

Một điều cần chú ý nữa khi chọn đầm suông cho người mập là nên tìm đến những mẫu có độ dài ngang gối, giúp tránh lộ ra cặp đùi mũm mĩm. Bên cạnh đó, chất liệu vải của đầm cũng cần phải mềm mại như voan, chiffon, cotton… để tránh làm thân hình bạn thêm “nặng nề”.

Dáng người thấp bé

Với những cô nàng thấp bé và có đôi chân ngắn thì cần áp dụng quy tắc chọn đầm suông là có chiều dài trên đầu gối. Tùy theo sở thích, bạn có thể chọn các mẫu đầm có độ ngắn nhiều hay ít, miễn là không gây bất tiện cho bạn khi di chuyển và vận động là được. Điều này sẽ tạo hiệu ứng giúp bạn trông cao ráo và thon thả hơn. Đồng thời, những mẫu đầm trơn màu ngọt ngào như pastel cũng tạo nên vẻ nhẹ nhàng, tự nhiên nhất cho vẻ ngoài của bạn. Nhờ vậy, bạn cũng có thể diện mẫu đầm này đi làm, đi dạo phố hay dự tiệc đều phù hợp.

Bảo Ngọc

Hà Nội chính thức tổ chức thi Vô địch TOEFL cho học sinh từ lớp 3 - 5

(ICTPress) - Vô địch TOEFL Primary (TOEFL Primary Challenge) 2014 là cuộc thi tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học tại Việt Nam sử dụng bài thi chuẩn quốc tế để đánh giá trình độ tiếng Anh của thí sinh tham gia.

TOEFL Primary Challenge 2014 là sân chơi bổ ích đối với mỗi thí sinh, góp phần vun đắp niềm hứng khởi và say mê học tiếng Anh, mang đến cho các em cơ hội thử sức với bài thi tiếng Anh chuẩn quốc tế và khả năng sở hữu phiểu điểm TOEFL Primary do chính Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) cấp có giá trị toàn cầu. Với các phụ huynh, cho con tham dự cuộc thi là cách hữu hiệu nhất để biết rõ trình độ Anh ngữ của con mình ở mức nào trên thước đo chung và có kế hoạch định hướng đúng đắn cho việc học tập tiếp theo của con.

Từ tháng 2/2014, Cuộc thi Vô địch TOEFL Primary 2014 đã được IIG Việt Nam - Đại diện duy nhất và chính thức của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ - phối hợp với 11 Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) địa phương lần lượt tổ chức tại TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Ninh Bình. Tới hiện tại cuộc thi đã thu hút được gần 18.700 thí sinh đến từ 690 trường tiểu học và nhận được sự hoan nghênh của phụ huynh và học sinh tại tất cả các tỉnh thành này, cũng như được chờ đợi tại những nơi cuộc thi chưa có mặt như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương...

Đáp lại sự mong mỏi ấy, cuộc thi Vô địch TOEFL Primary 2014 tại Hà Nội chính thức được phát động và bắt đầu nhận đăng ký dự thi cho Vòng 1 dự kiến diễn ra vào ngày 11/10. Với những lợi ích và ý nghĩa xã hội mà cuộc thi mang lại, TOEFL Primary Challenge 2014 cũng được Sở GD&ĐT Hà Nội tích cực ủng hộ, đồng thời khuyến khích các Phòng Giáo dục và trường tiểu học trực thuộc cử học sinh tham gia.

Cuộc thi Vô địch TOEFL Primary 2014 được thực hiện qua 3 vòng thi và sử dụng hoàn toàn bài thi quốc tế của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ. Tại Vòng 1 (Vòng Sơ loại), các thí sinh làm bài thi tiếng Anh trắc nghiệm gồm 39 câu Đọc hiểu trong thời gian 30 phút (không kể thời gian làm thủ tục dự thi). Tại Vòng 2, thí sinh thi bài thi TOEFL Primary cấp độ 2,  gồm 72 câu (36 câu Đọc hiểu và 36 câu Nghe hiểu), trong vòng 60 phút (không kể thời gian làm thủ tục dự thi). Vòng 3 sẽ lựa chọn các thí sinh xuất sắc nhất bằng bài thi TOEFL Junior (126 câu hỏi trong thời gian 115 phút). Cả 3 Vòng thi sẽ được tổ chức tại các địa điểm có cơ sở vật chất tốt, khuôn viên rộng rãi, không gian và điều kiện phù hợp với thí sinh lứa tuổi tiểu học như Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring, Hệ thống Giáo dục Vinschool…

Sau cuộc thi, tất cả thí sinh dự thi Vòng 2 sẽ nhận được phiếu điểm TOEFL Primary, thí sinh dự thi Vòng 3 sẽ nhận được phiếu điểm TOEFL Junior. Các phiếu điểm này đều có giá trị quốc tế, được Viện Khảo thí Hoa Kỳ cấp và đảm bảo chứng thực. Ngoài ra, những thí sinh đoạt giải sẽ nhận được các phần quà hấp dẫn và giấy khen của Ban tổ chức.

Thông tin thêm về cuộc thi:

Đối tượng dự thi: Học sinh tiểu học lớp 3 đến lớp 5 năm học 2014 - 2015 và là học sinh giỏi năm học 2013 – 2014, đăng ký dự thi trên tinh thần tự nguyện

Cách thức đăng ký:

Cách 1: Đăng ký theo trường: Học sinh đăng ký dự thi tại trường Tiểu học mà học sinh đang theo học. Trường Tiểu học lập danh sách thí sinh dự thi và gửi về BTCqua địa chỉ emailtoefl.hn@iigvietnam.com, đồng thời gửi văn bản có đóng dấu ký tên về IIG Việt Nam.

Cách 2: Đăng ký trực tiếp tại IIG Việt Nam: 75 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội và 24 Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội.

Cách 3: Đăng ký trực tuyến tại http://toefl.com.vn/toeflprimary2014 

Thời hạn gửi danh sách hoặc đăng ký trực tiếp trước ngày 30/9/2014.

Thể lệ chi tiết của cuộc thi: Xem tại đây.

X.T

Tổ chức Lễ hội bia Bỉ đầu tiên tại Việt Nam

Lễ hội bia Bỉ lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 3/10 tại American Club (Hà Nội).

Bia Bỉ và Lễ hội bia nổi tiếng thế giới


Lễ hội do Đại sứ quán Bỉ, Beluxcham, AB InBev – tập đoàn sản xuất bia hàng đầu thế giới có trụ sở ở Bỉ, và ba công ty nhập khẩu bia Bỉ trong nước là Beer Plaza, SBB và My Way đồng tổ chức.

Lễ hội bia Bỉ sẽ mang lại cho người Việt cơ hội hiểu biết hơn về bia Bỉ, sự đa dạng, nét độc đáo và chất lượng tuyệt hảo của bia Bỉ. Khách tham dự có thể thưởng thức nhiều loại bia khác nhau, bao gồm cả các loại bia hoa quả và bia nồng độ nhẹ dành cho nữ giới, tìm hiểu quy trình làm bia được truyền từ nhiều thế hệ, điều làm nên sự khác biệt của bia Bỉ, và tham gia các trò chơi vui nhộn của Bỉ, thưởng thức nhạc jazz và nhiều hoạt động khác.

Nước Bỉ đã nổi tiếng với các loại bia đặc biệt từ thời Trung cổ, khi các nhà tu nấu bia từ lúa mạch, các loại cỏ đặc biệt và cây hoa bia. Hiện nay, Bỉ có trên 2500 loại bia, từ bia màu vàng nhạt tới màu sẫm, ngọt tới đắng và chua, do hơn 120 nhà sản xuất bia nấu.

Tháng 4/2014 vừa qua, Bỉ đã nộp hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận bia Bỉ là di sản văn hóa thế giới.

Nguyệt Hà

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

MyTV cảm ơn cộng đồng từ hoạt động thiết thực

(ICTPress) - Nhân tháng sinh nhật MyTV tròn 5 tuổi, Đoàn Thanh niên VASC đã tổ chức một hoạt động ý nghĩa MyTV - Chúng tôi nói Cảm ơn” như một lời tri ân gửi tới cộng đồng và những khách hàng đã luôn yêu quý, ủng hộ dịch vụ MyTV vào cuối tuần qua.

Chương trình bao gồm hai buổi tình nguyện, phát động các Đoàn viên VASC thu gom rác, dọn vệ sinh môi trường nơi công cộng, cụ thể là khu vực Hồ Gươm và các tuyến phố Cổ tại Hà Nội; các tuyến phố chính tại TP HCM là Quận 1, Quận 3... và bãi biển Mỹ Khê cùng các đường huyết mạch tại Đà Nẵng. Ngoài mục đích đại diện MyTV gửi lời cảm ơn tới cộng đồng, Đoàn viên VASC cũng muốn thông qua hành động thiết thực của mình để góp phần tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường và trách nhiệm của mỗi cá nhân với các địa điểm công cộng.

Hào hứng hưởng ứng hoạt động ý nghĩa

Từ lúc 8h sáng chủ nhật, ngày 14/9 và 21/09, 27 Đoàn viên của VASC tại Hà Nội đã tập trung đầy đủ ở địa điểm tập kết, khu vực Bờ Hồ. Dựa trên kế hoạch đã được lập ra rất chi tiết trước đó, sau khi cùng dọn rác thải quanh khu vực Hồ Gươm, đội hình sẽ chia làm 4 nhóm để dọn 4 tuyến phố, bao gồm: tuyến Hàng Ngang - Hàng Đào - Đồng Xuân; Hàng Trống - Lý Quốc Sư - Nhà Chung - Nhà Thờ; Lương Văn Can - Chả Cá; Tràng Tiền - Nhà Hát Lớn - Lý Thái Tổ. Kế hoạch tương tự cũng được lên chi tiết tại đầu TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Rác… và suy nghĩ về ý thức người Việt

Nếu nhìn sơ qua thì khu phố cổ và khu vực Hồ Gươm tương đối sạch sẽ, vì đây là tuyến phố được dọn dẹp vệ sinh hàng ngày; tuy nhiên, nếu bạn là một du khách đang đi dạo thong thả để ngắm Hồ Gươm, ngắm phố cổ Hà Nội thì bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì rất nhiều rác thải nhỏ nằm rải rác dọc đường đi như: đầu lọc thuốc lá, vỏ kẹo, vỏ chai, vỏ hộp, hay có cả túi nilon đựng thức ăn đã bốc mùi được "giấu" dưới những lùm cây trang trí nhỏ. Các hốc cây to, gốc cây cột điện, hay những khe nhỏ ở ven đường cũng rất nhiều rác như vỏ kẹo, vỏ trái cây, thìa, hộp, những viên pin hỏng, những chiếc đinh ốc rất nguy hiểm nếu có ai đó đi bộ không để ý, đặc biệt là với trẻ em…v.v.

Thu hút sự chú ý và tham gia của cả các em nhỏ bên Tượng Đài Lý Thái Tổ - Hà Nội
Cử chỉ đẹp và những người bạn tốt

Tuy rằng những rác thải nhỏ không ảnh hưởng quá lớn đến cảnh quan nhưng điều đó cho thấy ý thức của những người Việt vẫn chưa “hiện đại” kịp với tốc độ phát triển của Hà Nội. Vẫn có rất nhiều người sẵn sàng xả rác ngay trên lối đi, mặc dù có rất nhiều thùng rác công cộng quanh đó. Việc làm của các đoàn viên MyTV tuy nhỏ, nhưng góp phần làm thay đổi nhận thức của rất nhiều người có mặt và chứng kiến.

Sự động viên khích lệ

Buổi lao động công ích đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và động viên ý nghĩa từ những người dân Hà Nội và cả các du khách, đồng thời hình ảnh MyTV trên những chiếc áo phông cũng gợi nhiều sự quan tâm từ cộng đồng. Các em nhỏ và cả các phụ huynh, những khách du lịch đang dạo bước trên hè phố hay trên bãi biển cũng hào hứng tham gia cùng Đoàn Thanh niên VASC.

Bãi biển Mỹ Khê - Đà Nẵng sau khi "cơn lốc màu da cam MyTV" đi qua đã không còn một mẩu rác

Nhóm thanh niên MyTV còn vô tình gặp gỡ và giao lưu với một nhóm tình nguyện viên khác, có kinh nghiệm và thâm niên trong các hoạt động này quanh khu vực Hồ Gươm đã 3 năm nay. Thành phần của nhóm có cả những người bạn Nhật Bản - những người coi Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình. Điều này càng tạo nên sự khích lệ, sự tự tin và nhiệt tình ở các bạn trẻ, các bạn không còn thấy lạc lõng và e dè khi tham gia các hoạt động tình nguyện.

Sau những buổi trải nghiệm về ý thức tự giác của cộng đồng, mỗi Đoàn viên đều đọng lại vô số cảm xúc và không ít suy tư. Tuy nhiên, cảm xúc lớn nhất vẫn là niềm vui và sự tự hào khi Đoàn Thanh niên VASC đã đóng góp một hoạt động có ích cho cộng đồng, góp phần tạo nên một hình ảnh đẹp của thanh niên thủ đô nói chung, thanh niên VASC nói riêng. Và từ đó, hình ảnh một MyTV trẻ trung, năng động, thân thiện đã phần nào đến gần hơn với công chúng.

TH

Life & English: “A Fun of September!”

End of summer
And beginning of winter
Is September!

Sand melting heat
And sand wetting rain
Occur in September!

Full grown fruits
And fully blossomed flowers
You see in September!

Heat in the morning
And rain in evening and night
Town gets in September!

Summer holiday ends
And all festivals begin now on
From September on!

September begins
Fast pace of the year ever
With all festivals!

Time moves fast
As no boredom ever shows
Head from September!

Fun of September
Starts Autumn, Rain and Winter
All in one....!

Author: Ramesh T. A

 

Nhạc cụ truyền thống VN và phương Tây trong Festival đương đại 2014

(ICTPress) - Cùng Chương trình Festival Đương đại Quốc tế, không gian nghệ thuật manzi hân hạnh mang tới cho các bạn đêm nhạc cuối trong chương trình festival đương đại 2014.

Đêm nhạc được tổ chức với các nhạc sĩ tài năng của Việt Nam: Đỗ Anh Tuấn, Trần Lưu Hoàng, Trần Quang Vũ, Đào Minh Pha, Hoàng Cẩm Vân, Phạm Thu An, Nguyễn Thắng, Đặng Tuệ Nguyên, Vũ Ngọc Linh và Đỗ Kiên Cường.

Đêm nhạc 26/9 này sẽ giới thiệu tới người yêu nhạc các sáng tác mới của các nghệ sĩ. Trong đêm nhạc, đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, đàn tính sẽ biểu diễn cùng với những nhạc cụ phương Tây như cello, contrabass, piano, fagot, oboe, laptop, iPad, bộ gõ. Chương trình còn gồm phần biểu diễn kèn sax bằng tre của nghệ sĩ Nguyễn Thắng. 

Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 20h00 Thứ Sáu, 26/9/2014 tại Manzi, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội.

Bảo Ngọc

Sách tư liệu giá trị về chủ quyền quốc gia VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa

(ICTPress) - Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, đã được các thế hệ người Việt Nam khai phá và gìn giữ. Điều này, không chỉ được lưu lại trong cổ sử Việt Nam, mà còn được quốc tế thừa nhận trong các tư liệu còn lưu trữ.

Trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học ở trong nước và nước ngoài quan tâm nghiên cứu và đã công bố những tư liệu đã có trong thư tịch, sách cổ, bản đồ cổ để có cơ sở khoa học và căn cứ pháp lý vững chắc nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong những năm gần đây, sau khi Trung Quốc gia tăng áp lực đối với vấn đề chủ quyền ở Biển Đông nói chung và khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nói riêng bằng việc công bố yêu sách về “đường chữ U đứt đoạn” (“đường lưỡi bò”) của họ, thì dư luận trong nước và dư luận quốc tế đã có những phản ứng quyết liệt, nhiều tranh luận học thuật, nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền, vấn đề pháp lý nói chung của Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được công bố.

Những nghiên cứu trên có ý nghĩa bổ sung một tư liệu quan trọng có giá trị khoa học về lịch sử, pháp lý và thực tế vững chắc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuốn sách “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua thư tịch, tư liệu Việt Nam và nước ngoài” của tác giả PGS. TS Trương Minh Dục tập hợp và hệ thống được nguồn thư tịch, tư liệu khá phong phú, cũ và mới của Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt những tư liệu mới sưu tầm ở các địa phương được Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ giao khai thác và quản lý; những tư liệu thu thập ở nước ngoài.

Đây là việc làm cần thiết, đáp ứng được đòi hỏi của dư luận và quốc tế hiện đang quan tâm, theo dõi những diễn biến phức tạp tại khu vực hai quần đảo và Biển Đông. Những tư liệu trình bày trong cuốn sách có giá trị lịch sử và pháp lý phục vụ cho việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nội dung cuốn sách được thể hiện thành 4 chương:

Chương 1: Vài nét về địa lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và sự tiếp cận của các tộc người Việt Nam trước thế kỷ XV

Chương 2: Chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  qua thư tịch, tư liệu Việt Nam từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV) đến năm 1975

Chương 3: Tư liệu nước ngoài trực tiếp và gián tiếp khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa

Chương 4: Đấu tranh để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa từ sau khi thống nhất đất nước đến nay

Ngoài ra, cuốn sách còn có phần phụ lục gồm nhiều văn bản, bản đồ, tư liệu của Việt Nam và nước ngoài.

Việc tiếp tục phát hiện những tư liệu, nhất là những tư liệu chứng minh Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ giao trách nhiệm quản lý khai thác và thực hiện chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa góp phần làm phong phú nguồn tư liệu củng cố vững chắc cơ sở lịch sử và pháp lý chủ quyền biển đảo nói chung và Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng là việc làm hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Bảo Ngọc

Đọc sách “Tôi nói bằng mồm tôi": Chuyện thế gian có bao giờ cạn

Đi sâu vào cuốn sách, mới vỡ nhẽ vậy mà không phải vậy. Đâu chỉ chuyện vặt ấy. Đến đại sự quốc gia, quốc tế cũng y chang.

Ngày Quốc khánh 2/9 vừa qua, tôi nhận được cuốn sách in đẹp chỉn chu của nhà báo Phạm Quốc Toàn gửi biếu qua đường bưu điện - thật khó có món quà nào tao nhã hơn nhân dịp vui này. Tên sách nghe ngồ ngộ: Tôi nói bằng mồm tôi. Tác giả viết những gì trong này nhỉ. Trong khoảnh khắc ba năm, anh cho in bốn cuốn sách. Chuyện nghề, chuyện đời, chuyện tình nghĩa bạn bè đều có nói cả. “Tôi nói bằng mồm tôi”. Nhìn qua bìa sách, tôi nghĩ chắc lại đề cập chuyện nghề thôi, bởi liên tưởng ngay đến một số đồng nghiệp thân thiết của tôi, không ít người nói bằng miệng mình nhưng ý tưởng, nội dung toàn mượn tạm của người khác.

Vội lật mấy trang mục lục - với những 125 tên bài - tìm bài có đúng cái tít được đưa làm tên sách. Thì ra chuyện quá bình thường: Tại một bệnh viện an dưỡng nọ, các bác sĩ, y tá, nhân viên kháo chuyện ồn ào trong giờ làm việc y như ngoài chợ, đến nỗi có bệnh nhân không sao chịu nổi, lựa lời góp ý. Vậy là bà bác sĩ tung luôn một câu: “Chúng tôi nói bằng mồm chúng tôi. Chúng tôi làm bằng tay, nói bằng mồm, mắc mớ gì đến ông?”.

Vâng, quá bình thường, chẳng mấy khác “chuyện thường ngày ở huyện” thời Liên Xô ngày trước hay “ra ngõ gặp phiền hà” ở nước ta ngày nay, nói cả đời không hết. Thì chẳng phải đã lâu lắm, từ diễn đàn Quốc hội, phiên họp Chính phủ đến các báo chí, truyền thông vẫn bàn dài dài chuyện văn hóa bệnh viện, văn hóa trường học, văn hóa cửa công đó sao?

Đi sâu vào cuốn sách, mới vỡ nhẽ vậy mà không phải vậy. Đâu chỉ chuyện vặt ấy. Đến đại sự quốc gia, quốc tế cũng y chang. Có một vị tướng chóp bu nọ, ngang nhiên đối đáp với người đồng cấp nhân dịp ông mang chuông đi đấm nước ngoài, khi bị cật vấn về mưu đồ của Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan trái phép tại Biển Đông, ông tướng đã lớn tiếng tuyên ngôn: “Chúng tôi nói bằng mồm chúng tôi, chuyện của chúng tôi, can hệ chi mà các vị chõ vào?”.

Bàn tới đây, Phạm Quốc Toàn hạ bút: Hết nói! Tác giả đã bảo vậy thì độc giả đành vâng, tuy nhiên, nó vẫn không làm sao ngăn tôi không nhớ đến một kỷ niệm thời thơ ấu. Mấy tháng nghỉ hè, tôi hay theo chị gái la cà ra xem chợ làng quê năm ngày mới họp một phiên đông vui lắm. Và lần nào tôi cũng giật thót người, tim như thắt lại khi nghe bà hàng cá sa sả mắng người đồng cấp - tức là các bà vẫn ngồi dàn hàng một dãy bán cá, bán lươn cạnh nhau: “Tao nói bằng mồm của tao, căn cứ chi mà mi chõ cái mõm thối của mi vô!”. Quả đúng như lời cô giáo giảng ở lớp, con người là loại sinh vật dù sinh ra ở đâu vẫn có những nét tương đồng.

Tác giả gọi các bài viết của anh là tiểu phẩm, đúng kinh sách. Tuy nhiên đọc anh, tôi những muốn gọi các bài in trong tập ấy bằng nhiều tên khác nữa: tạp bút, ngẫu hứng, ghi nhanh, thời luận, phiếm luận..., và tại sao không, thông tin thời sự. Mách có chứng cứ hẳn hoi. Này nhé. Vẫn bài vừa đề cập ở trên, đáp ứng đầy đủ yêu cầu 5 chữ W của báo chí hiện đại.

Who - Tướng X. (Họ tên đầy đủ kèm cấp bậc, chức vụ hoành tráng).

When - Ngày 15-5-2014.

Where - Washington D.C., Hòa Kỳ.

Why - Trả lời một chính khách Mỹ chất vấn.

What - Về mưu đồ của Trung Quốc biến Biển Đông thành ao nhà.

Who, Which... đủ cả. Vậy chẳng phải thông tin thời sự là gì? Hơn nữa, viết tiểu phẩm, phiếm luận người ta thường phiếm chỉ, phiếm danh, không ít bài trong cuốn sách của Phạm Quốc Toàn bàn chuyện vĩ mô hay vi mô vẫn có người, sự kiện, thời gian, không gian rành rọt.

Vĩ mô, đại thể như chuyện vị lãnh đạo bộ nọ điều trần trước phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Rằng Đề án đổi mới sách giáo khoa tốn phí đến 34.725 tỉ đồng. Nhiều người ngỡ ngàng: ngân sách Nhà nước đang thời kinh tế khó khăn, liệu có kham nổi. May quá, chỉ mấy hôm sau, đích thân ngài bộ trưởng bộ ấy giải trình trước quốc dân đồng bào qua màn ảnh truyền hình quốc gia rằng, bộ tôi chưa bàn kỹ và chưa bao giờ trình Chính phủ khoản chi tiêu 34.725 tỉ đồng đó. Hay là chuyện một vị lãnh đạo bộ khác thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, ASIAD-18 (Đại hội thể thao châu Á) bốn năm mới có một lần, mà nước ta lần này trúng đăng cai, là tạo được cơ hội vàng cho Việt Nam tỏa sáng trước bạn bè quốc tế,... Và do ý thức được nước ta còn nghèo, cho nên bộ dự kiến kinh phí chỉ vào khoảng 150 triệu USD, trong đó ngân sách Nhà nước bỏ ra 28%, còn lại bao nhiêu là từ nguồn xã hội hóa. Nhiều ý kiến phản biện: Từ trước tới nay chưa một quốc gia nào chi cho một kỳ ASIAD dưới 2 tỉ USD, gần đây nhất là ASIAD-17 tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc đã tiêu tốn đến 27 tỉ USD. Vậy là người đọc có thể hiểu, con số 150 triệu USD mới là dự toán sơ sơ, hãy hăng hái bắt tay vào việc đi, đã ngồi lên lưng hổ rồi, ra thực địa cần đến đâu chi đến đó.

Chuyện vi mô thì làm sao có thể dẫn hết trong một bài. Từ việc đào đường, phí gửi xe máy, thủ tục một cửa, lương bổng lộc… đến cái phong bao quen thuộc với cuộc sống đương đại nay đã phát triển thành chiếc va ly, mà tiền đô la Mỹ lại vốn nặng cân cho nên phải kéo chứ làm sao xách - trích lời của bị can Dương Chí Dũng khai trước tòa.

Từ những cảm nhận về chủ đề, tính cách, hình thức các bài viết, tôi muốn kiến nghị tác giả gọi tác phẩm “còn thơm tươi mùi mực” của anh, tiếp sau chuyện nghề, chuyện đời, chuyện nghĩa tình, là “chuyện thế gian”. Chuyện thế gian vô biên, gì chẳng bao gồm trong đó, và “thế sự du du”, biết đâu rồi đây sẽ chẳng có chuyện tồn tại dài lâu như... ngàn năm bia miệng.

Đọc cuốn Tôi nói bằng mồm tôi, nhiều lần tôi cảm thấy mặt mình rần rần. Chắc chắn không phải hội chứng tăng huyết áp, cho nên chẳng phải vội vàng buông sách nuốt một viên thuốc định thần, an thần chi đó theo đúng lời dặn của mẹ hiền. Chẳng qua một thoáng ngượng ngùng. Nhiều thói tật Phạm Quốc Toàn đề cập với cái giọng tỉnh bơ mà chua cay đáo để của anh, sao hình như thấp thoáng có mình trong đó. Hay là ông bạn định chơi xỏ nhau?

Mặc cảm buộc tôi thay đổi ý định. Thú thật, khi mới nhận được cuốn sách, tôi định bụng chuyến này ta sẽ không viết bài điểm sách, cho dù thú vị đến đâu. Mấy cuốn trước của bạn, ta đều có đôi điều cảm nhận. Có bao suy nghĩ đều đã nói ra rồi, nay còn gì trong đầu nữa mà điểm mà bình. Hơn nữa, biết đâu thế gian chẳng có người bảo hai ông bạn này đánh bóng nhau. Mà thời này việc ấy dễ ợt. Chỉ cần phun một lớp sơn công nghiệp, nếu cần nữa thì cho con chuột chạy qua photoshop một vòng, tung lên mạng, vậy là đủ cho thiên hạ chiêm ngưỡng đồng bóng chân dung ông bạn vàng.

Khốn nỗi, đọc sách tôi lại thấy có hình mình hiển hiện. Nếu lần này ta không viết thì có khác chi lạy ông tôi ở bụi này. Rồi sẽ có ai đó bỉu môi: lão già bị chạm nọc cho nên miệng câm như hến. Vậy là ngồi luôn xuống bàn viết. Hơn nữa, và đây mới là thực chất: đọc đến trang cuối, thâm tâm tôi cảm thấy vừa nảy ra bao ý mới toanh muốn sẻ chia luôn với người khác. Thôi thì coi như ta tập phiếm luận về một tập phiếm luận chuyện thế gian, hay là xếp một tiểu phẩm qua quýt cạnh mớ tiểu phẩm thâm trầm của Phạm Quốc Toàn.

Nhà báo Phan Quang

Nguồn: nguoilambao.vn

Bánh ngọt Đức và những câu chuyện kể thú vị

Không chỉ là một món tráng miệng thông thường, thế giới bánh ngọt ở Đức phản chiếu cả một bề dày văn hóa vô cùng thú vị.

Nhắc đến nước Đức, người ta thường nghĩ ngay đến lễ hội bia sôi động ở Oktoberfest, lễ hội tình yêu lãng mạn và cuồng nhiệt ở Berlin hay bộ truyện cổ Grimm đã trở thành tuổi thơ của bao thế hệ trẻ em trên thế giới. Bên cạnh những lễ hội, ẩm thực luôn là một đặc trưng đáng tự hào ở đất nước này. Nếu như ẩm thực mặn ở Đức được đại diện bởi món xúc xích, thì khi đến với ẩm thực ngọt, bạn không thể bỏ qua những loại bánh ngọt vô cùng đa dạng và hấp dẫn.

Bạn có thể sẽ phải ngạc nhiên khi biết được rằng khá nhiều loại bánh ngọt phổ biến hiện nay có xuất xứ từ nước Đức như bánh cheesecake, stollen (bánh mì ngọt với nhân trái cây khô), bánh gingerbread hay một số loại bánh kem và bánh quy. Bánh ngọt đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong ẩm thực Đức, người Đức thường ăn bánh ngọt vào những buổi chiều cuối tuần, cùng với cà phê hoặc trà. Bánh ngọt Đức vô cùng đa dạng và phong phú, chúng có thể là những chiếc bánh bông lan đơn giản (Kuchen) hay những loại bánh bông lan nhiều lớp công phu (Torte), được làm với whipping cream hoặc buttercream. Cùng tìm hiểu một số loại bánh đã góp phần làm nên nền ẩm thực ngọt vô cùng phong phú của đất nước này nhé!

Prinzregententorte

Chiếc bánh torte vô cùng đặc biệt của vùng Bayern thường có từ 6 đến 9 lớp, giữa mỗi lớp bánh là một lớp buttercream. Bánh được bao phủ bởi một lớp chocolate cứng bên ngoài, chính vì vẻ ngoài mịn màng tuyệt đẹp mà Prinzregententorte được mệnh danh là "Người mẹ của mọi loại bánh chocolate".

Cái tên Prinzregententorte được đặt theo tên hoàng tử Luitpold, người trị vì Bayern từ năm 1889 đến năm 1912, tuy vậy, thanh danh của người thợ đầu tiên làm ra chiếc bánh này vẫn còn đang được tranh cãi. Một số câu chuyện kể lại rằng, người đầu bếp riêng của hoàng tử Luitpold, John Rottenhöfer đã làm ra chiếc bánh này để vinh danh hoàng tử. Một số chuyện khác lại kể rằng, người đầu bếp tài ba Anton Seidl chính là người làm ra Prinzregententorte. Ông đã nướng một chiếc bánh chocolate có 9 lớp, tượng trưng cho 9 người con của vua Ludwig I, cha của hoàng tử Luitpold.

Một câu chuyện nữa kể lại, bánh Prinzregententorte lúc đầu có 8 lớp, tượng trưng cho 8 quận của Bayern thời bấy giờ. Heinrich Georg Erbshäuser, người được cho là làm ra chiếc bánh này, đã làm ra nó trong dịp sinh nhật 90 tuổi của hoàng tử Luitpold. Ở Munich ngày trước, ngoài cà phê hoặc trà, người ta còn ăn bánh Prinzregententorte kèm với bia trắng. Phong cách ăn này bắt nguồn từ quán Cafe Erbshäuser, quán này cũng được cho là nơi có công thức Prinzregententorte đúng với truyền thống nhất.

Streuselkuchen

Trong tiếng Đức, "Streuselkuchen" có nghĩa là "bánh bông lan phủ vụn bánh". Chiếc bánh này thường được phủ một lớp vụn bánh ngọt lên trên cùng. Nó là một tổ hợp đối lập tuyệt vời, khi kết hợp cả lớp vỏ giòn rụm nhưng không được quá cứng, cùng với phần bánh bông lan mềm ẩm bên dưới. Streuselkuchen có thể chỉ bao gồm 2 lớp vỏ - bánh, hoặc được kết hợp thêm một lớp nhân kem béo ngậy hay mứt thơm để làm phong phú hương vị.

Chiếc bánh này đã từng rất phổ biến ở Silesia, Phần Lan vào khoảng cuối thế kỷ 19, là món ăn thường xuyên của rất nhiều gia đình thời bấy giờ. Bánh Streuselkuchen cũng rất được ưa thích ở các hội chợ, trong ngày Lễ Tạ ơn, các đám cưới và lễ rửa tội.

Từ đầu thế kỷ 20, ở Rhineland, Đức, người ta bắt đầu chuộng nướng bánh Streuselkuchen. Nhưng không còn gắn liền với các sự kiện vui vẻ như khi còn ở Silesia, chiếc bánh này lại được ăn sau các buổi lễ tang. Từ đó, bánh Streuselkuchen còn mang một cái tên khác là "bánh lễ tang".

Baumkuchen

Baumkuchen là một chiếc bánh đặc biệt cả về hình dáng lẫn tên gọi. "Baum" trong tiếng Đức có nghĩa là "cái cây", và chiếc bánh có hình vòng tròn, có lỗ ở giữa, tượng trưng cho những vân gỗ của cây.Công thức làm bánh Baumkuchen lần đầu tiên xuất hiện trong quyển sách nấu ăn Ein Neues Kochbuch của Marx Rumpolt, là quyển sách nấu ăn dành cho đầu bếp chuyên nghiệp đầu tiên được xuất bản. Marx Rumpolt trước đó đã làm đầu bếp ở Hungary và Bohemia, và chuyện kể rằng bánh Baumkuchen có xuất xứ là chiếc bánh được làm trong các đám cưới ở Hungary, và là "con cháu" của bánh ống khói Kürtőskalács, chiếc bánh truyền thống của Hungary.

Theo kiểu truyền thống, người ta thường làm bánh Baumkuchen bằng cách nướng bánh trên một trụ ống dài, người thợ sẽ bôi đều lớp bột bánh xung quanh trụ, sau đó bánh được nướng chín trước khi bôi lớp mới lên. Một chiếc bánh Baumkuchen thông thường bao gồm 15 đến 20 lớp bột, và nếu được nướng theo kiểu truyền thống trên trụ, bánh Baumkuchen có thể cao đến 1m!

Baumkuchen có khá nhiều biến thể. Một biến thể phổ biến là Baumkuchenspitzen, cũng là chiếc bánh nướng tròn, nhưng được cắt ra thành miếng nhỏ và phủ chocolate lên trên. Baumkuchenspitzen cũng là một món bánh khá phổ biến ở Nhật Bản.

Schwarzwälder Kirschtorte - black forest

Chiếc bánh này có lẽ là chiếc bánh có cái tên "bí ẩn" nhất: "bánh rừng đen". Bánh Schwarzwälder "thứ thiệt" bao gồm nhiều lớp bánh bông lan chocolate xen giữa các lớp kem tươi trộn với anh đào. Bánh sau đó được phủ một lớp kem tươi lên trên, rồi trang trí bằng quả anh đào đen và chocolate bào vụn. Rượu brandy anh đào là một nguyên liệu bắt buộc khi làm bánh Schwarzwälder, nếu không có nguyên liệu này, chiếc bánh sẽ không được phép mang tên Schwarzwälder Kirschtorte khi bán.

Nhiều người vẫn nghĩ chiếc bánh này được đặt theo tên của khu Rừng Đen nổi tiếng ở Baden-Württemberg, tuy nhiên, chính xác hơn, bánh được đặt tên theo loại rượu brandy làm từ quả anh đào, loại rượu đặc trưng của vùng này. Chính vị nồng của loại rượu này đã tạo cho món bánh Schwarzwälder một hương vị vô cùng đặc biệt.

Bienenstich

Cùng với bánh Schwarzwälder, Bienenstich cũng sở hữu một cái tên thú vị không kém. "Bienenstich" trong tiếng Đức có nghĩa là "vết ong đốt". Bánh thường có lớp vỏ phủ hạt hạnh nhân caramel và lớp nhân kem vanilla, buttercream hoặc kem tươi, và chính lớp vỏ hạt hạnh nhân được nấu với đường cho đến khi kẹo lại đã làm cho món bánh này mang hương vị vô cùng đặc biệt.

Để lý giải cho cái tên Bienenstich hài hước, có một truyền thuyết kể lại rằng, một chú ong đã bị hấp dẫn bởi chiếc bánh và bay vào đốt người thợ khi ông đang làm bánh, từ đó, chiếc bánh này được mang cái tên "bánh ong đốt". Chiếc bánh này được xem như một trong số những chiếc bánh cổ điển nhất của mảng ẩm thực ngọt Đức.

Đối với một số người, bánh ngọt chỉ đơn thuần là một món ăn tráng miệng, nhưng đối với người Đức, mỗi loại bánh ngọt đều gắn liền với một câu chuyện kể đặc biệt. Khi thưởng thức bánh ngọt của Đức, người ta không chỉ thưởng thức tài nghệ của người thợ làm bánh. Ẩn chứa trong từng miếng bánh đầy hương vị chính là một phần văn hóa ẩm thực đặc sắc và đáng tự hào của Đức.

Sam

Nguồn: tapchi.guu.vn