Syndicate content

Chuyện dọc đường

Vẻ đẹp của các kim tự tháp thời hiện đại

Hình ảnh những kim tự tháp cổ đại của Ai Cập đã truyền cảm hứng cho các công trình kiến trúc thời hiện đại được dựng lên từ kính và thép.

Kim tự tháp kính Louvre: Kim tự tháp này là tác phẩm của kiến trúc sư nổi tiếng Leoh Ming Pei, nằm giữa sân Napoleon của bảo tàng Louvre (Paris, Pháp). Công trình được xây bằng kính và kim loại vào năm 1983. Nằm tại lối vào chính của bảo tàng lớn thứ 2 thế giới, kim tự tháp kính cao 21 m trở thành điểm check-in quen thuộc của du khách khi đến thăm Paris. Ảnh: Guy Lejeune.
Khách sạn Luxor: Tọa lạc ở Las Vegas (Mỹ), Luxor là khách sạn quy mô lớn trên thế giới với hơn 4.400 phòng. Từ khi được công bố vào năm 1993, khách sạn trở nên nổi tiếng với hình kim tự tháp độc đáo. Tòa nhà chọc trời hình chóp 30 tầng được làm bằng thép và kính, thiết kế có thêm một tượng nhân sư ở phía trước mang đến vẻ ngoài ấn tượng. Ảnh: JeniFoto.
Kim tự tháp Memphis: Cùng tên với thành phố Memphis cổ đại của người Ai Cập, kim tự tháp cao 106 m nằm trên bờ sông Mississippi (Mỹ). Ban đầu, nơi này hoạt động như một đấu trường thể thao và giải trí với 20.000 chỗ ngồi cho đến năm 2004. Sau đó, công trình kiến ​​trúc trị giá 65 triệu USD bị đóng cửa và bỏ hoang. Vào năm 2015, kim tự tháp Memphis mở cửa trở lại, trở thành cửa hàng bán lẻ đồ thể thao và săn bắn. Ảnh: Sean Davis.
Khu nhà kính Muttart: Là một trong những khu phức hợp nhà kính thực vật hiện đại và có kiến ​​trúc độc đáo nhất Bắc Mỹ, Muttart nổi bật trên đường chân trời của thành phố Edmonton ở Alberta, Canada. Muttart gồm 4 kim tự tháp bằng kính khổng lồ với kích thước hơn 370 m2 và 660 m2. Ba kim tự tháp tạo ra môi trường kiểu ôn đới, nhiệt đới, sa mạc và kim tự tháp còn lại được sử dụng làm nhà kính có tính năng xoay mùa. Ảnh: Colin Keigher.
Cung điện Hòa bình: Được hoàn thành chỉ trong 2 năm với chi phí khoảng 58 triệu USD, cung điện Hòa bình khánh thành vào năm 2006. Bên trong kim tự tháp được chính phủ Kazakhstan coi là "biểu tượng của tình hữu nghị, thống nhất và hòa bình", bạn sẽ tìm thấy nhà hát opera, bảo tàng lịch sử quốc gia, thư viện, trung tâm nghiên cứu. Như tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev phát biểu, tòa dinh thự cao 62 m dành cho tôn giáo toàn cầu: "4 mặt của cung điện hướng về 4 phía của thế giới". Ảnh: Itinari.
Đài phát thanh Slovak: Đài phát thanh hình kim tự tháp lộn ngược là hình ảnh biểu tượng của thành phố Bratislava, Slovakia. Cấu trúc kỳ lạ này được hoàn thành vào năm 1983 sau quá trình xây dựng kéo dài 16 năm. Thiết kế của tòa nhà phù hợp với các chương trình phát sóng vô tuyến, các phòng thu âm chính được bố trí trong tường cách điện dày. Ảnh: Trabantos.
Trung tâm mua sắm Sunway Pyramid: Sunway Pyramid là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Malaysia với diện tích 372.000 m2. Đến đây, du khách sẽ tìm thấy một loạt các bức tượng pharaoh lớn, chữ tượng hình và tượng nhân sư khổng lồ "canh" phía trước tòa nhà. Ảnh: Cmglee.

Nguồn: Uyên Hoàng (Theo Treehugger)/zingnews.vn

https://zingnews.vn/ve-dep-cua-cac-kim-tu-thap-thoi-hien-dai-post1137389.html

Trải nghiệm mùa thu Hà Nội trong 24 giờ

Đến thủ đô vào một ngày tháng 10, bạn có thể lang thang trên đường phố, cảm nhận không khí se lạnh và thử vài món nóng hấp dẫn.

“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng,

Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau

Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”.

(Nhớ mùa thu Hà Nội, Trịnh Công Sơn)

Những câu hát gợi về một trong những mùa đẹp nhất trong năm tại thủ đô. Sau những ngày nắng hạ oi ả, nàng thu ghé ngang mảnh đất Hà thành, đem đến chút không khí mát lành, dễ chịu. Khoảng trời trong vắt, những con ngõ cũ với bức tường rêu phong, phố phường ngập lá vàng dễ khiến lòng người xao xuyến.

24 giờ không phải khoảng thời gian quá dài nhưng đủ để bạn cảm được phần nào “Hà Nội không vội được đâu”, một nếp sống chậm rãi trong những ngày cuối năm.

Khám phá Hà thành bình yên trong một sớm thu

Khởi đầu ngày mới bằng việc dạo bước ở khu Hồ Gươm là gợi ý lý tưởng. Những hàng lộc vừng đang đổi màu lá, liễu rủ mờ ảo trong sương sớm, vạt nắng thả trên mặt hồ yên ả tạo nên bức tranh ngày thu đầy dịu dàng. Nhà thờ Lớn, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, báo Hà Nội Mới là những điểm check-in lân cận được giới trẻ yêu thích.

Sau đó, bạn có thể lang thang trên các ngõ, ngách ở phố cổ, chọn cho mình món ăn sáng đượm hồn thu Hà Nội. Bánh giò, bánh đúc nóng, xôi khúc, cốm tươi là những thức quà đặc trưng của thủ đô vào mùa này. Thưởng thức một tách cà phê trứng ấm nóng cũng là trải nghiệm không thể bỏ qua.

Ngoài ra, những con phố trải thảm lá vàng cũng tạo nên dấu ấn mùa thu Hà Nội. Phố Phan Đình Phùng, Kim Mã, Hoàng Diệu, Trần Phú là những địa chỉ giúp bạn gom ảnh sống ảo đẹp như mơ.

Thức dậy sớm giúp bạn có nhiều thời gian khám phá một Hà Nội cổ kính, yên bình trong ngày thu. Ảnh: Phương Lâm, Bùi Ngọc Công, Vũ Minh Quân.

Tiếp năng lượng cho buổi trưa

Sau một sáng tham quan, check-in "mệt nghỉ'', buổi trưa là khoảng thời gian để bạn thư giãn, lấy lại sức cho các hoạt động vào chiều.

Lúc này, mặt trời lên cao, nhiệt độ ở mức nóng nhất. Vì thế, bạn nên lựa chọn một nhà hàng có không gian mát mẻ để thưởng thức ẩm thực Hà thành. Những đặc sản nên thử khi ghé thủ đô gồm bún chả, chả cá Lã Vọng, lẩu riêu cua đồng, bún đậu mắm tôm...

Sau khi dùng bữa trưa, bạn có thể dừng chân ở các các quán nước, cà phê, nhâm nhi vài món giải nhiệt như mơ, sấu, trà chanh. Điều này giúp thực khách phần nào xua tan cái nóng ban trưa.

Ẩm thực Hà thành mời gọi thực khách bởi nhiều món ăn lạ vị, cách trình bày, chế biến đặc sắc. Ảnh: Bachuaviahe, whiteplatesonly, _trngphm_, bepmegai.

Trải nghiệm chiều thu Hà Nội đầy lãng mạn

Hồ Tây là một trong những khu vực đẹp nhất để đón chiều thu Hà Nội. Bạn có thể chọn một quán cà phê view hồ hoặc thưởng thức vài món ăn vặt cho buổi xế như bánh tôm, xiên nướng, bánh bột lọc, nộm...

Nếu ưa thích vận động, du khách nên thuê một chiếc xe đạp, trải nghiệm "phượt" vòng quanh hồ Tây với lộ trình khoảng 16 km. Những con đường sống ảo được yêu thích là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thanh Niên. Chùa Trấn Quốc, Quán Thánh, phủ Tây Hồ là những điểm hẹn tâm linh giúp bạn tìm về an yên trong tâm hồn.

17h30-18h là khoảng thời gian đẹp nhất để săn ảnh hoàng hôn trên hồ Tây. Những cái nắm tay thật tình, bóng lưng người đi trên phố, màu của chạng vạng họa nên bức tranh thu đầy chất thơ.

Hồ Tây trong buổi chiều tà thu hút nhiều bạn trẻ, đặc biệt là đôi uyên ương. Ảnh: Hiyoanhle, dattaynhaukhapthegian, dicunghungnhe.

Lên phố đón buổi tối ấm áp bên bạn bè, người thân

Khi phố đã lên đèn, bạn có thể cùng gia đình, hội "cạ cứng" hòa mình vào không khí nhộn nhịp của đêm Hà thành. Phố đi bộ Hồ Gươm, Hàng Mã, phố Phùng Hưng là những địa điểm phổ biến hút giới trẻ Hà thành check-in.

Phố Phùng Hưng nổi tiếng với con đường bích họa màu sắc. Trong dịp Trung Thu, con phố khoác lên màu áo rực rỡ với đèn lồng được trang trí kín đường. Đoạn đường treo đèn lồng nối liền với không gian chợ Đồng Xuân, tạo nên không gian nhộn nhịp khi trời tối.

Phố Hàng Mã cũng là một điểm thu hút đông đảo người dân thủ đô tới tham quan, mua sắm và chụp ảnh. Tuy nhiên, năm nay, những tấm biển “Cấm chụp ảnh” hay “Ở đây thu phí chụp hình” phần nào làm cản trở việc sống ảo của du khách.

Phở chiên phồng, bún thang, ngan cháy tỏi, kem Tràng Tiền... là các gợi ý ở khu vực Hoàn Kiếm giúp bạn lấp đầy bụng đói vào đêm khuya.

Nguồn: Hải Nhi/zing.vn

https://zingnews.vn/trai-nghiem-mua-thu-ha-noi-trong-24-gio-post1137023.html

Nguồn gốc và ý nghĩa sâu sắc của tết Trung thu không phải ai cũng biết

Sự tích Hằng Nga hay chú Cuội chỉ là những truyền thuyết không có thực để người ta lý giải về sự ra đời của tết Trung thu tại Việt Nam.

Trung thu tại Việt Nam được xem như ngày Tết của thiếu niên, nhi đồng. Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam, tết Trung thu hay còn gọi là ngày Tết thiếu nhi, được tổ chức vào ngày Rằm tháng Tám (âm lịch) hằng năm. Thế nhưng, không phải ai cũng biết về nguồn gốc và ý nghĩa từ xa xưa của ngày lễ.

Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Vĩ - nhà nghiên cứu văn học dân gian, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, con người từ xa xưa bằng kinh nghiệm và quan sát tự nhiên thấy trong vòng xấp xỉ 30 ngày đêm thì có 1 ngày trăng tròn. Đồng thời, người ta thấy trong 1 năm có 12 lần trăng như vậy và trong đó có 1 lần trăng tròn hơn tất cả những lần trăng tròn khác.

Khi đó, con người chưa biết cách tính quỹ đạo của mặt trăng, mặt trời nên người ta quan sát xung quanh, cứ đến ngày ánh trăng tròn nhất, sáng nhất, trời mát… thì đi ra khỏi nơi cư trú để giao lưu, nhảy múa, ca hát và thậm chí là đi kiếm ăn trong ngày đó. Và lâu dần thành thói quen.

Sau đó, các hệ thống tín ngưỡng và tập tục, đặc biệt là tôn giáo ra đời, người ta dựa vào đó để tạo ra lễ tiết.

Người phương Đông sử dụng lịch âm dương (hay còn gọi là âm lịch) nên lấy trăng tròn làm mốc. Họ thấy vào mùa thu (tháng Tám âm lịch) trăng thường tròn nhất nên lấy ngày Rằm tháng Tám làm lễ Trung thu.

Khi Việt Nam hội nhập vào nền tảng văn hóa châu Á thì có tết Trung thu. Các nước sử dụng âm lịch như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… đều có tết Trung thu.

Từ những lễ tiết như vậy, mỗi nơi sáng tạo ra một số truyền thuyết về nguồn gốc ra đời để giải thích cho nhau hiểu vì sao lại như thế. Ở Việt Nam có các sự tích như Hậu Nghệ - Hằng Nga, sự tích chú Cuội…

“Sáng tạo theo truyền thuyết đó là nghệ thuật thì chúng ta nên tôn trọng tác phẩm nghệ thuật dân gian ấy, chứ đó không phải khoa học”, ông Vĩ nói.

 Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nói thêm, thời kỳ chưa có tôn giáo, Trung thu mang ý nghĩa đó là ngày trăng sáng nhất, mọi người ra khỏi nơi cư trú để giao lưu, nhảy múa, hát ca, gia tăng tinh thần cộng đồng.

Từ khi trở thành nghi lễ, lễ hội, Trung thu mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Trước hết, ngày tết Trung thu là để con người đoàn viên với nhau, ra tăng sự đoàn kết. Tiếp theo đó là hướng đến trăng (hay còn gọi là Tết trông trăng) và hướng đến truyền thuyết cổ xưa về trăng để không quên gốc gác của mình.

Cuối cùng, Trung thu là dịp để mọi người vui chơi, giải trí, hướng đến cuộc sống an lành, tương lai tốt đẹp hơn. Đây mới là giá trị chính của tết Trung thu.

Tại Việt Nam, theo ông Vĩ, tết Trung thu gần với ngày Tết độc lập (2/9/1945), cũng Trung thu năm 1945, Bác Hồ gửi thư cho thiếu nhi. Do đó, tết Trung thu Việt Nam hướng đến thiếu niên, nhi đồng một cách mạnh mẽ, thậm chí ở Việt Nam còn gọi tết Trung thu là tết Thiếu nhi.

Việt Nam cũng có 1 bài hát “Rước đèn ông sao” ra đời năm 1956 của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát mang bản sắc Việt Nam và bản sắc cách mạng.

Tất cả những thứ trên đối với chuyên gia Nguyễn Hùng Vĩ đó là một thành quả, một biểu tượng về mặt văn hóa của riêng Việt Nam.

Về mâm cỗ Trung thu, theo ông Vĩ, thường có các loại bánh hình mặt trăng, các bánh hình con vật, tò he, các con vật bằng bưởi, hoa trái. … Mâm cỗ cũng là mâm cúng gia tiên, cúng Phật… tùy theo phong tục của mỗi tôn giáo.

Nguồn: Triệu Quang/danviet.vn

https://danviet.vn/nguon-goc-va-y-nghia-sau-sac-cua-tet-trung-thu-khong-phai-ai-cung-biet-5020201100291954.htm

Google Doodle tôn vinh nghệ thuật cải lương của Việt Nam

Google Doodle ngày 28.9 tôn vinh nghệ thuật cải lương của Việt Nam nhân Ngày Sân khấu Việt Nam.

Ngày 28.9, Google đã đổi biểu tượng trên trang chủ Google tiếng Việt thành Doodle trình diễn trên sân khấu cải lương.

"Là sự pha trộn giữa những ảnh hưởng truyền thống và đương đại, cải lương kết hợp tuồng với kịch nói và tạo ra biểu hiện sống động của bản sắc và văn hóa Việt Nam" - Google viết trong lời giới thiệu Doodle tôn vinh cải lương đúng vào Ngày Sân khấu Việt Nam.

Theo Google, cải lương phát triển từ loại hình truyền thống được gọi là hát bội ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.

Cùng với dàn nhạc gồm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như đàn tranh, cải lương mang đến rất nhiều câu chuyện, từ truyền thuyết cổ xưa về các vị vua và các chiến binh cho đến khám phá các chủ đề về xã hội Việt Nam hiện đại.

Google lưu ý trong phần giới thiệu về Doodle ngày 28.9 tôn vinh cải lương của Việt Nam rằng, mặc dù chất liệu chủ đề có thể khác nhau nhưng yếu tố chung của cải lương là cấu trúc bài hát u sầu đặc trưng được gọi là vọng cổ, mang nghĩa là “hoài niệm về quá khứ”.

Google Doodle ngày 28.9 tôn vinh cải lương. Ảnh: Google.

Một trong những tác phẩm cải lương mang tính biểu tượng nhất là “Tiếng trống Mê Linh". Vở cải lương lịch sử kể về câu chuyện có thật của anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị - hai bà đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam khỏi nhà Hán ở thế kỷ thứ nhất.

Được xem là tác phẩm kinh điển của loại hình nghệ thuật cải lương, “Tiếng trống Mê Linh” được nhiều nghệ sĩ biểu diễn cải lương hàng đầu của Việt Nam dàn dựng kể từ lần đầu ra mắt năm 1977.

Google nhấn mạnh: "Hơn một thế kỷ từ khi ra đời, cải lương ngày nay vẫn được yêu thích như một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam và là một liên kết quan trọng đối với lịch sử của đất nước".

Google Doodle ngày 28.9 để tôn vinh nghệ thuật cải lương của Việt Nam chỉ có phạm vi tiếp cận là người dùng Google ở Việt Nam.

Nguồn: Hải Anh/laodong.vn

https://laodong.vn/the-gioi/google-doodle-ton-vinh-nghe-thuat-cai-luong-cua-viet-nam-839799.ldo

Một tác phẩm kinh điển về lịch sử nghệ thuật ra mắt tại Việt Nam

“Câu chuyện nghệ thuật” (tên tiếng anh: “The Story of Art”) là một trong những tác phẩm kinh điển về lịch sử nghệ thuật, in lần đầu năm 1950 và trong 70 năm qua, được dịch ra gần 30 thứ tiếng với hơn 8 triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới.

Ấn bản mới nhất được ra mắt là tái bản lần thứ 16 đã có mặt tại Việt Nam với bản dịch tiếng Việt được dàn số trang tương đương với bản gốc tiếng Anh của nhà xuất bản Phaidon, để đảm bảo tương ứng giữa nội dung và hình ảnh minh họa.

E. H. Gombrich (30/03/1909 – 03/11/2001) là một nhà sử học nghệ thuật gốc Áo và tác giả của nhiều tác phẩm về lịch sử văn hóa, lịch sử nghệ thuật, trong đó nổi bật nhất là “The Story of Art” - một trong những tác phẩm nhập môn nghệ thuật thị giác dễ tiếp cận nhất dành cho mọi đối tượng độc giả, và “Art and Illusion” – một công trình nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý học của nhận thức có ảnh hưởng lớn đến các nhà tư tưởng như Carlo Ginzburg, Nelson Goodman, Umberto Eco và Thomas Kuhn.

Theo Gombrich, độc giả theo dõi các tác phẩm của ông được chia thành hai nhóm công chúng hoàn toàn khác biệt. Trong nhóm các học giả, ông được biết đến với những công trình nghiên cứu về thời kỳ Phục hưng và tâm lý học của nhận thức, cùng quan điểm độc đáo về lịch sử và truyền thống văn hóa. Đối với nhóm độc giả không chuyên, ông nổi tiếng với các bài viết mang tính tức thời cũng như khả năng trình bày tác phẩm học thuật một cách rõ ràng, dễ tiếp cận, không cầu kỳ.

Trong “Câu chuyện nghệ thuật” – tác phẩm nổi tiếng nhất của Gombrich, tác giả đã kể cho người đọc câu chuyện về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại, dựa trên những khảo sát và đánh giá của ông về nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc… song hành với những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hóa, chính trị, và tôn giáo.

Thay vì chỉ đơn thuần liệt kê các yếu tố lịch sử và nghệ thuật, E. H. Gombrich tập trung lột tả những thay đổi liên tục trong mục đích nghệ thuật để biến chúng thành dòng chảy chủ đạo cho câu chuyện trong cuốn sách, cũng như chỉ ra sự tương đồng hay đối lập giữa các tác phẩm của mỗi thời đại, từ đó mang đến một cái nhìn bao quát về nghệ thuật châu Âu qua từng thời kì.

Với khoảng 60% dung lượng dành cho ảnh màu minh họạ, ấn bản thứ 16 có sự tương quan thị giác giữa nội dung và hình ảnh, đồng thời được bổ sung các trang gấp mô phỏng nhiều bức họa cùng tác phẩm khổ lớn, phần chú thích cuối sách cũng được cập nhật đầy đủ hơn so với các phiên bản trước đây…

Đặc biệt, 600 trang sách về lịch sử nghệ thuật được kể một cách dễ hiểu, không sử dụng bất kì biệt ngữ hay các ẩn dụ lý thuyết phức tạp, bởi ban đầu Gombrich viết cuốn sách với mong muốn dành cho các độc giả trẻ vừa bước chân vào thế giới nghệ thuật.

Cuốn sách sẽ giúp những người ngoại đạo thấy được đường hướng phát triển của câu chuyện mà không bối rối với vô vàn tiểu tiết, đưa độc giả đến một trật tự dễ hiểu với phong phú những cái tên, những thời kỳ và phong cách vốn ngập tràn trong các tác phẩm đầy tham vọng, nhằm trang bị cho quá trình tiếp cận các tác phẩm chuyên ngành sau đó dễ dàng hơn.

Tác phẩm mở đầu với câu nói đã trở nên nổi tiếng của Gombrich: "Không có thứ gọi là Nghệ thuật. Chỉ tồn tại những nghệ sĩ".

28 chương sách sau đó đưa người đọc vào một cuộc hành trình khám phá sự phát triển của nghệ thuật châu Âu lần lượt qua 5 giai đoạn: Cổ đại và Trung cổ, Phục hưng và Kiểu cách, Chủ nghĩa Baroque và Tân cổ điển, Thế kỷ 19 và Thời đại hiện đại.

Ở cuối mỗi chương, một hình ảnh minh họa đặc trưng cho giai đoạn sẽ được chọn để nói lên số phận chung và thế giới của người nghệ sĩ trong thời kỳ đó. Những bức tranh này tạo nên một chuỗi ngắn hình ảnh độc lập minh họa cho sự thay đổi trong vị trí xã hội của nghệ sĩ lẫn công chúng, mang đến một bức tranh kiên cố về bối cảnh thế giới vào thời điểm nghệ thuật của quá khứ trỗi dậy.

Lựa chọn khảo sát nghệ thuật từ góc nhìn lịch sử, E. H. Gombrich mong muốn giúp độc giả hiểu được ý đồ nghệ thuật mà các bậc thầy muốn nhắm tới. Mỗi thế hệ nghệ sĩ, ở mức độ nào đó, đều thực hiện “cuộc cách mạng” chống lại các tiêu chuẩn mà những bậc tiền bối đã đặt ra; mỗi tác phẩm nghệ thuật đều cuốn hút người đương thời không chỉ bằng những điều nó đã đạt được, mà cả bằng những điều nó chưa chạm tới.

Ham muốn trở nên khác biệt có thể không phải là ham muốn tột bậc nhất ở một nghệ sĩ, nhưng không có nghĩa là không có. Và thái độ trân trọng sự khác biệt trong ý đồ của các nghệ sĩ sẽ giúp chúng ta tiếp cận nghệ thuật của quá khứ một cách dễ dàng nhất.

Với cái nhìn chân thực từ góc độ phê bình nghệ thuật cùng cách viết mạch lạc, dễ hiểu và nền tảng kiến thức đa dạng, tác giả đã tạo nên một cuốn sách phù hợp cho mọi độc giả yêu thích tìm hiểu về nghệ thuật ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Từ khi xuất bản, Câu chuyện Nghệ thuật vẫn tiếp tục duy trì thành công của nó ở vị trí là một tác phẩm kinh điển trong danh sách các đầu sách nghệ thuật tuyển chọn. Tạp chí The Times đã đánh giá đây là “cuốn sách về đề tài nghệ thuật được bán chạy nhất nước Anh, không bao giờ bị tuyệt bản, luôn luôn được đặt hàng.”

ND

CNN: Du khách châu Á đối mặt với viễn cảnh mùa đông dài tại gia

Chỉ còn vài tháng nữa là đến cuối năm, du khách ắt hẳn sẽ mong muốn dành chút ít thời gian nghỉ đông nhưng điều này được đánh giá là khó khả thi.

Hãng CNN đưa ra một số gợi ý cho kế hoạch nghỉ đông ở châu Á bao gồm:

Ảnh minh hoạ. Nguồn: CNN

- Thưởng thức một đêm giáng sinh an lành ở bờ biển Phuket? Khả năng cao là không thể thực hiện trừ khi bạn lựa chọn sẵn sàng thực hiện cách ly hai tuần trước giáng sinh.

- Trải nghiệm Tết nguyên đán ở Bali vào tháng Hai năm sau? Đừng sẵn sàng đặt vé từ bây giờ.

Theo các chuyên gia, nhiều khả năng diễn biến du lịch vẫn phải duy trì chế độ "lặng lẽ" như vậy thêm một thời gian nữa.

Thuật ngữ "bong bóng du lịch" xuất phát đầu tiên từ Australia và New Zealand, sau đó tiếp tục lan truyền ra các quốc gia khác với kỳ vọng đón khách du lịch quốc tế bay trở lại dường như không đạt được như kỳ vọng. Trước đó, thuật ngữ này từng bày tỏ hi vọng mang lại cơ hội hồi phục nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch có thể thu hồi khoản lỗ lên tới hàng triệu đôla Mỹ trong năm nay.

Vì một số lý do, thuật ngữ "bong bóng du lịch" vẫn chưa mang đến khả thi đối với một số quốc gia.

"Bong bóng du lịch là thuật ngữ cực kỳ phức tạp để thực hiện nhiều hơn với những gì mọi người có thể nghĩ ban đầu", ông Mario Hardy – Giám đốc điều hành của Hiệp hội Lữ hành châu Á – Thái Bình Dương (PATA) cho biết.

"Mỗi điểm đến tương ứng cần phải có các giao thức thử nghiệm và du khách phải tôn trọng điều này. Các quốc gia phải đảm bảo hệ thống chăm sóc y tế tốt để xử ý các trường hợp rủi ro cùng như khả năng truy dấu liên lạc", ông Mario Hardy nhấn mạnh.

Hầu như mỗi ngày, các thông tin thông báo nới lỏng các hạn chế trong khu vực cùng với kế hoạch nối lại các đường bay quốc tế. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, rất ít thay đổi trong ngành du lịch mà là thường áp dụng đối với khách doanh nhân hoặc cư dân đang sinh sống ở nước ngoài.

"Tôi cho rằng kế hoạch mở cửa biên giới sẽ không diễn ra sớm", ông Gary Bowerman – người sáng lập Check-in Asia – một công ty nghiên cứu và tiếp thị du lịch nói.

Áp lực ngăn chặn thiệt hại kinh tế đồng thời cân bằng nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn khá nặng nề. Các quốc gia lo ngại việc tiếp nhận du khách nước ngoài vào nước có thể làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Ông Bowerman nhấn mạnh rất khó để tiếp đón khách quốc tế đến bởi vì nguy cơ lây lan virus có thể quay trở lại.

Australia là một ví dụ. Nước này áp dụng các quy định nghiêm khắc trên thế giới, cấm người dân đến từ nước ngoài. Hàng nghìn người Australia đang bị mắc kẹt ở nước ngoài do hạn chế khách quốc tế đến và chỉ có 4.000 người được vào mỗi tuần.

Ông Bowerman cho rằng Singapore cũng là quốc gia dẫn đầu tại Đông Nam Á khi cho phép từng bước mở cửa biên giới. Quốc gia này đã thiết lập các tuyến đường nhanh dành cho khách quốc tế công tác ngắn hạn và miễn trừ thực hiện cách ly đối với một số quốc gia.

Tuy nhiên, nước này nói rằng ngành du lịch cũng rất khó hoạt động trở lại cho đến quý 2 năm sau

Nguồn: Hồng Nhung/toquoc.vn

http://toquoc.vn/cnn-du-khach-chau-a-doi-mat-voi-vien-canh-mua-dong-dai-tai-gia-20200919105159905.htm

Hàn Quốc mở lại đường mòn du lịch trong Khu phi quân sự DMZ

Con đường mòn đi bộ ở biên giới phía Tây dọc theo Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên sẽ được mở cửa trở lại cho dân chúng vào ngày 22/9 tới, khoảng 11 tháng sau khi phải đóng cửa do dịch tả lợn châu Phi bùng phát.

Ngày 19/9, Chính quyền thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi, cách Seoul khoảng 30 km về phía Tây Bắc cho biết, họ sẽ mở lại con đường này cho khách du lịch, song do dịch bệnh Covid-19 nên chính quyền thành phố sẽ giới hạn số chuyến mỗi ngày xuống còn 10 chuyến và chỉ cho phép tối đa 20 người tham gia/chuyến.

Cáp treo tại Imjingak ở Paju. (Nguồn: Yonhap)

Các chuyến du lịch theo nhóm này sẽ chỉ được tiến hành với điều kiện phải đặt trước. Đường mòn Paju là một trong 3 tuyến đi bộ đường dài được mở cửa cho dân chúng vào năm ngoái trong khuôn khổ chương trình Đường mòn Hòa bình DMZ nhằm cho phép du khách cảm nhận bầu không khí hòa bình liên Triều và tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.

Con đường ở Paju, dài khoảng 20 km cả đi và về, bắt đầu từ Đài quan sát Imjingak tới một trạm gác đã bị phá hủy. Chính quyền Paju cho biết, họ đã hoàn tất việc kiểm tra thực địa và các biện pháp kiểm dịch cùng với các cơ quan chính quyền trung ương có liên quan để ngăn chặn sự tái phát dịch tả lợn châu Phi.

Chính quyền thành phố này cũng cho biết, đã thực hiện tất cả các biện pháp đối phó có thể thực hiện, bao gồm việc lắp đặt thiết bị đo thân nhiệt, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong du khách.

Hai đường mòn khác ở Goseong và Cheorwon, đều thuộc tỉnh Gangwon, cũng đã bị đóng cửa do dịch tả lợn châu Phi bùng phát.

Theo Yohaps/baoquocte.vn

https://baoquocte.vn/han-quoc-mo-lai-duong-mon-du-lich-trong-khu-phi-quan-su-dmz-124171.html#:~:text=Ng%C3%A0y%2019%2F9%2C%20Ch%C3%ADnh%20quy%E1%BB%81n,20%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20tham%20gia%2Fchuy%E1%BA%BFn.

Top ảnh du lịch đẹp nhất thế giới 2020

Bình minh, hoàng hôn hay những con đường nhìn từ trên cao là các khoảnh khắc được bình chọn nhiều nhất trong cuộc thi Travel2020 của Agora.

Agora là ứng dụng di động có 3,5 triệu người dùng, hầu hết là các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên. Đây cũng là đơn vị tổ chức các cuộc thi nhiếp ảnh với nhiều chủ đề khác nhau thu hút hàng trăm nghìn người tham gia mỗi năm.

Cuộc thi chủ đề Du lịch (#Travel2020) diễn ra từ 24/7 tới 7/8 nhận được 13.685 ảnh dự thi. Sau một tháng bình chọn, ban tổ chức đã tìm ra top 50 ảnh tốt nhất và trao giải thưởng 1.000 USD cho tác giả Brian TR (Tây Ban Nha) với bức "Khoảnh khắc diệu kỳ". Ảnh đạt giải nhất này chụp chính tác giả và bạn đồng hành là chó cưng đang ngắm hoàng hôn ở Dolomites (Italy) qua cửa lều.

Dưới đây là một số ảnh xuất sắc nhất trong top 50 ảnh du lịch đẹp nhất năm 2020 của Agora:

Bức "Quá khứ, hiện tại và tương lai" của tác giả Alvaro Valiente, người Tây Ban Nha, chụp ở Palawan, Philippines. Anh kể rằng mình quá may mắn khi bắt được khoảnh khắc một ông già, một người trung tuổi và cháu gái đi bộ qua bờ biển. Hoàng hôn buông làm tôi nhớ mãi lúc đó.

"Khám phá hang băng" của Dan Rose người Anh chụp ở hang Eiskapelle, Berchtesgaden, Đức. Đây là hang băng nằm ở chân núi Watzmann (núi cao thứ 3 ở Đức). Eiskapelle cũng là hang trong sông băng dễ tiếp cận nhất ở nước này.
Tác phẩm "Dải ngân hà" chụp tại Great Staples Tor, Vườn quốc gia Dartmoor, Devon, Anh, của Liam Man. Với Liam, nhiếp ảnh du lịch không chỉ là đặt chân tới nhiều nơi mới mà còn nắm bắt hình ảnh của những nơi đó bằng cách tốt nhất. Anh sử dụng kỹ thuật phơi sáng để tạo dải ánh sáng trong bức ảnh đồng thời bắt được bầu trời đầy sao.
Bức ảnh "Lối tự do" do tác giả Jojo Deladia người Philippines chụp tại sân bay quốc tế Subic Bay của nước này. Tác giả kể, đó là một buổi bình minh rất đẹp khi tôi bắt gặp hình ảnh người nhảy dù này. Tôi chạy ngay về hướng chủ thể để chụp
Tác phẩm "Đôi khi phần hay nhất của du lịch là hành trình" của nhiếp ảnh gia Lee Mumford người Hong Kong. Ảnh chụp từ trên cao về một chuyến tàu chạy qua cầu cạn ở Sri Lanka.
"Góc ngắm ngoạn mục" là tác phẩm của tác giả Italy, Filippo Bellisola, chụp ở Santana, Madeira, Bồ Đào Nha. Filippo chia sẻ, đó là ngày cuối anh ở Madeira, anh và hai người bạn đi săn cảnh hoàng hôn cuối cùng của hành trình. Thời tiết không đẹp lắm nhưng bầu trời ảm đạm lại tạo nên không gian thật thú vị.
Ảnh "Hồ Motosuko" chụp ở Nhật Bản của nhiếp ảnh gia Max Dreher, người Đức. "Bức ảnh là sự kết hợp hình ảnh tôi nằm trong lều, bạn gái tôi ngồi nướng marshmallow bên đống lửa trại. Cửa lều như đóng khung cảnh cả hồ, núi Phú Sĩ đằng xa", Max chia sẻ.
Tác phẩm "Chuyến xe đường dài" do nhiếp ảnh gia Andrei Pugach người Nga chụp tại Belarus.
"Lái xe trên đường đơn độc trước bình minh" là ảnh của Roland Schwarz chụp ở Iceland.
"Những chuyến phiêu lưu" của nhiếp ảnh gia Carles Alonso, chụp ở Lerida, miền tây Catalunya, Tây Ban Nha.
"Chuyến xe qua những cung đường uốn lượn" là tác phẩm của Jenny, nhiếp ảnh gia nữ người Đức, chụp ở Rừng Đen nước này. Ảnh được chụp vào một sáng mùa thu se lạnh trong chuyến đi tới vùng Rừng Đen của cô. Jenny kể cô đang tìm chút thời gian rời bỏ công việc bận rộn, áp lực lúc đó. Cảnh tượng ánh bình minh lấp lánh làm cô chợt nhận ra cuộc sống còn rất tươi đẹp và thế giới cũng vậy. Nhìn tưởng cảnh yên bình nhưng xe cộ chạy ở đây khá nhiều, Jenny tốn kha khá thời gian để bắt được khoảnh khắc chỉ một chiếc xe đi qua cung đường.
Bức ảnh "Du ngoạn bầu trời" do Pamela Plaza, nhiếp ảnh gia người Mexico, chụp ở Morocco. "Chiếc khinh khí cầu bay cao trên miền quê Morocco làm tôi mơ màng ngắm nhìn bầu trời với màu sắc kỳ diệu đang bao quanh không gian đó".

Theo Khánh Trần (theo Agora)

https://vnexpress.net/top-anh-du-lich-dep-nhat-the-gioi-2020-4160044.html

Quán cà phê Quy Nhơn lên báo quốc tế

Không chỉ là quán cà phê chất lượng, Adiuvat còn là nơi tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc, được giới thiệu trên các web nổi tiếng như Archdaily, Archello.

Quán cà phê Adiuvat nằm ở một góc nhỏ trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Quy Nhơn. Giữa những tán me xanh rợp bóng mát, từ bên ngoài nhìn vào, quán không bề thế như những tiệm kinh doanh đồ uống lớn gần đó. Nhưng khi mở cánh cửa bước vào, bên trong là không gian hoàn toàn khác biệt với mùi cà phê thơm, những bản nhạc nhẹ nhàng và kiến trúc không bị trộn lẫn.
Theo chủ quán, nơi này được cải tạo từ một ngôi nhà cấp 4 với mặt tiền đá rửa điển hình xây từ trước năm 1975 đã xuống cấp. Mong muốn giữ lại điểm đặc trưng của nhà cũ, kiến trúc sư đã cân nhắc tái sử dụng hệ mái Fibro xi măng cũ, kết hợp những vật liệu và kỹ thuật thi công như tường đá rửa, sàn bê tông mài, gỗ và kính để tạo không gian đậm chất địa phương nhưng mang hơi thở của kiến trúc hiện đại.
Quán tuy có diện tích nhỏ nhưng rất thông thoáng nhờ việc sắp xếp bố cục không gian hợp lý. Quán có cách phân bố các mảng sáng tối, từ ánh sáng tự nhiên và ánh sáng đèn hài hoà, tạo điểm nhấn tại quầy pha chế - trung tâm của mọi ánh nhìn.
Quán có 2 tầng chia làm nhiều khu vực ngồi mang đến cho thực khách cảm giác khác nhau, không gây nhàm chán.
Buổi sáng khách có thể ngồi ở ban công tầng 2 ngắm đường phố Nguyễn Huệ dưới nắng sớm bên tán me xanh mát.
Buổi trưa, phòng gỗ là nơi lý tưởng để bạn thư giãn hoặc làm việc với ánh sáng dịu nhẹ, góc nhìn bên trái hướng về quầy bar, hay bên phải là khoảng giếng trời, nơi có hàng cây xanh được chiếu nắng rực rỡ.
Quầy bar dành cho ai muốn có sự tương tác với người pha chế, nhìn trực tiếp cách pha ly cà phê thủ công, hay trò chuyện và lắng nghe những điều thú vị về cà phê.
Giếng trời đem thêm ánh sáng tự nhiên vào quán đồng thời là chỗ trồng cây tạo không gian xanh và là nơi đặt máy rang xay cà phê.
Cà phê Adiuvat được rang xay tại chỗ theo những chuẩn mực thế giới. Bạn không những được thưởng thức cà phê pha kiểu Italy, Mỹ, Việt mà có cơ hội được trải nghiệm hạt cà phê xuất xứ châu Phi, châu Á hay châu Mỹ theo phương pháp pha ủ thủ công (hand-drip). Bởi thế, đây là nơi hội tụ của những người sành cà phê cả nước khi đến Quy Nhơn.
Với không gian tinh tế và cà phê chất lượng, đây là địa điểm ấn tượng để bạn có thể ghé thăm và giới thiệu với bạn bè.

Nguồn: Dung Võ (Ảnh: Quang Trần)/vnexpress.net

https://vnexpress.net/quan-ca-phe-quy-nhon-len-bao-quoc-te-4157978.html

1000 laptop yêu thương cho thầy cô được Dell và TLC tiếp sức

Yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập phần lớn đến từ giáo án và các phương pháp tiếp cận học sinh.

Trong thời đại hiện nay, giáo án được dựng lên phù hợp hay không, có thể tiếp cận tốt hơn nữa với học trò hay không, ngoài yếu tố thầy cô còn phụ thuộc cả và “công cụ” thiết kế giáo án. Như vậy, chiếc máy tính đã trở thành yếu tố cần thiết để kiến thiết lớp học và góp vai trò lớn lao trong việc kết nối học trò với tri thức.

Tuy nhiên, không phải ở đâu, người thầy cũng có thể tự đầu tư được máy tính. Và không phải toàn bộ các trường học đều có thể giúp thầy cô có cơ hội sở hữu máy tính làm công cụ giảng dạy thường xuyên.  Thống kê cho thấy, không chỉ ở  các tỉnh thành xa xôi, mà ngay tại các địa bàn lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Huế.. còn rất nhiều các thầy cô khó khăn và chưa có máy tính.

Cô Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục đã cùng diễn đàn MIE Expert – diễn đàn chuyên gia giáo dục toàn cầu bao gồm khoảng 50.000 thầy cô giáo Việt Nam, cùng sáng lập nên dự án thiện nguyện mang tên “1000 laptop yêu thương” với mong muốn có thể trao tặng laptop cho các thầy cô khó khăn, phục vụ công tác giảng dạy. 

Chương trình thiện nguyện này hiện đã khởi động và bước đầu đã kết nối và trao tặng được máy tính cho các thầy cô có hoàn cảnh thực sự khó khăn tại nhiều vùng miền khác nhau. Các Mạnh Thường Quân cần tài trợ, thầy cô cần máy tính hoặc định giới thiệu hoàn cảnh khó khăn nào đó, sẽ đăng ký tại: https://bit.ly/1000_laptopyeuthuong.

Về quy trình xác minh để có thể trao quà của các nhà tài trợ đúng người, dự án cũng làm rất tỉ mỉ và chi tiết.

Được biết, hiện dự án đã đi vào quỹ đạo hoạt động rất tốt và nhận được tài trợ từ nhiều Mạnh Thường Quân cá nhân cũng như các tổ chức lớn. Trong lĩnh vực công nghệ, Dell hoặc nhà phân phối Thủy Linh cũng đã chung tay cùng đồng hành và hỗ trợ các thầy cô giáo tại cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam…

Cô giáo tại trường Nguyễn Cảnh Chân, Nghệ An nhận máy tính của nhà tài trợ Dell và NPP Thủy Linh thông qua chương trình “1000 laptop yêu thương”

“Mỗi một chiếc laptop, chính là cầu nối giữa một người Thầy tới rất nhiều thầy cô khác, đồng thời giúp kết nối và truyền đạt tri thức tới rất nhiều lớp học sinh trong thời điểm hiện nay, khi các lớp học được chuyển đổi sang online… Xin cảm ơn dự án và cảm ơn Dell cùng TLC”, thầy Nguyễn Văn Đức, trường THPT Huỳnh Thị Hưởng (An Giang) chia sẻ khi nhận laptop Dell từ chương trình.

Rất mong các tổ chức, cá nhân sẽ cùng chung tay đồng hành hỗ trợ tiếp cho chương trình “1000 laptop yêu thương” để chúng ta có thể hỗ trợ các Thầy/ Cô có hoàn cảnh khó khăn, có công cụ tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ truyền tải tri thức cho học sinh.

Các kết nối với chương trình sẽ thông qua địa chỉ: https://bit.ly/1000_laptopyeuthuong.

ND