Syndicate content

Chuyện dọc đường

Life & English: “Hanoi”

Hanoi, meaning ‘where the river bends’ in Vietnamese language, is a city of broad . Hanoi is  a charming city with tree-lined boulevards, elegant French villas and colonial-era buildings painted in muted hues of yellow and orange. It is also one of Asia’s green cities with an abundance of parks and lakes as well as a host of cafes and art galleries and an Old Quarter steeped in history.

The city’s most interesting places are all relatively close to each other, which makes it easy to enjoy the best parts of the city on foot or bicycle. We could probably explore well-known landscape in Hanoi such as LiteratureTemple, Flag Pole, One Pillar Pagoda, SwordLake, WestLake, History Museum, Old Street Area …

(Source: Hanoi Travel)

Hội sách mùa Thu 2014 tại Hà Nội

(ICTPress) - Nhân kỉ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014) và Kỷ niệm 84 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2014), Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với NXB Kim Đồng, NXB Trẻ tổ chức HỘI SÁCH MÙA THU 2014.

Hội sách mùa thu 2013

Chương trình diễn ra từ ngày 8/10 đến ngày 12/10/2014 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Ban tổ chức Hội sách mong muốn đây sẽ là một hoạt động lành mạnh nhằm tôn vinh văn hóa đọc và các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời tạo một sân chơi ý nghĩa, hấp dẫn cho những người yêu sách. “Hội sách Mùa thu 2014” cũng sẽ là cơ hội để các đơn vị tham gia giới thiệu những cuốn sách mới, hay, có giá trị đến trực tiếp với bạn đọc. Đây là sự kiện được đông đảo độc giả ủng hộ và là hoạt động diễn ra thường niên tại thủ đô Hà Nội.

“Hội sách Mùa thu 2014” giới thiệu khoảng 5000 tựa sách với hơn 15.000 bản sách, thuộc các thể loại: Chính trị, Văn hóa, Lịch sử, Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Kinh tế, Tài chính, Ngoại ngữ, Kiến thức bách khoa, Giáo dục kỹ năng sống, Giáo dục giới tính, Chăm sóc sức khỏe, Nữ công gia chánh, Nuôi dạy con, Mang thai và sinh nở, Hôn nhân và Gia đình, Tuổi teen, Thiếu nhi…

Điểm nhấn của Hội sách lần này, ngoài những tựa sách mới về Hà Nội, sách dành cho học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng và sách dành cho các chị em phụ nữ nhân dịp 20-10, sẽ là một số hoạt động giao lưu với các tác giả nổi tiếng và dịch giả uy tín tại Việt Nam, các hoạt động giới thiệu sách nhằm phổ biến tri thức, giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, bồi dưỡng các giá trị nhân văn, ý thức vì cộng đồng…

Sách mới phong phú

Đến tham dự hội sách, độc giả sẽ được thỏa sức lựa chọn các cuốn sách hay đủ các lĩnh vực, dành cho mọi lứa tuổi.

Trong dịp Hội sách lần này, NXB Kim Đồng sẽ cho ra mắt hai cuốn hồi kí về Hà Nội những năm 30, 40 của thế kỉ XX: Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa của nhà văn Lê Bầu và Tháng ngày thương nhớ của nhà văn Phạm Thắng và nhiều sách tái bản khác về Hà Nội như: “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” (Băng Sơn); “Thương nhớ mười hai”, “Miếng ngon Hà Nội” (Vũ Bằng), “Sống mãi với thủ đô” (Nguyễn Huy Tưởng), “Chuyện cũ Hà Nội” (Tô Hoài), bộ Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội gồm 5 cuốn: Kinh đô muôn đời, Cảnh sắc Hà Nội, Kì tích chống giặc ngoại xâm, Kiến trúc ngàn năm, Danh nhân Hà Nội

NXB Trẻ cũng góp mặt nhiều tựa sách về Hà Nội như: Những đứa con rải rác trên đường (Hồ Anh Thái), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Ba ngôi của người (Nguyễn Việt Hà), Cậu ấm (Trần Chiến), Me Tư Hồng (Nguyễn Ngọc Tiến), Trinh nữ Ma-nơ-canh (Lê Anh Hoài)…

Các mảng sách văn hóa, văn học về Hà Nội của NXB Phụ nữ cũng được giới thiệu đến bạn đọc với Dấu xưa, chuyện cũ Thăng Long Hà Nội, Chợ Hà Nội xưa và nay , Ẩm thực Thăng Long Hà Nội (Đỗ Thị Hảo chủ biên), Món ăn Hà Nội xưa (Mai Dung), Cửa hiệu giặt là (Đỗ Bích Thúy), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Văn hóa gỡ, Hà Nội trong cơn lốc (Vũ Bằng), Hà Nội cũ nằm đây (Ngọc Giao) …

Tủ sách Tuổi thần tiên ra mắt nhiều tựa sách mới: Giao thừa không đến muộn - tập truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Ngọc Hoài Nam - một kĩ sư trong ngành xây dựng, đã từng đoạt giải Nhất trong Cuộc vận động sáng tác “Vượt qua sợ hãi” (2012- 2013) do Hội Nhà văn Đan Mạch và NXB Kim Đồng phối hợp tổ chức; Những hạt đậu thần của Nguyễn Thị Việt Nga – những truyện ngắn hòa quyện giữa chất cổ tích và hiện thực. Cuộc phiêu lưu của bồ công anh của Trương Huỳnh Như Trân sẽ đón bước chân những người bạn nhỏ vào một khu vườn dễ thương với biết bao điều kì lạ. Mỗi câu chuyện là một bí mật chưa ai từng biết mà khu vườn muốn giấu kín, chỉ riêng kể cho ai đọc quyển truyện này mà thôi. Mỗi mẩu truyện trong cuốn Hổ con và dê con của Lan Phương lại mang đến cho bạn một câu chuyện hấp dẫn, trả lời cho bạn một câu hỏi thú vị, và tặng bạn một món quà quý báu.

Tập truyện mới nhất trong tủ sách Văn học teen mang tên Châu lục thứ 7 của Văn Thành Lê chuyển tải đến người đọc tinh thần lạc quan của tuổi trẻ. Họ hài hước và sôi động, bí ẩn và hấp dẫn, luôn biết cách thực hiện ước mơ của bản thân mình.

Tủ sách các tác phẩm đoạt giải Văn học tuổi 20, nhiều tựa sách thiếu nhi mới như bộ 365 câu chuyện thần tiên (Pegasus), các tập truyện đồng thoại mới Báu vật của nhái xanh, Ngôi nhà của cá con (Nam Thanh)…

Nguyễn Nhật Ánh tái xuất với các tác phẩm Thương nhớ Trà Long - tạp văn mới nhất, cùng quyển sách Nguyễn Nhật Ánh và Tôi - tập hợp các bài viết trong cuộc thi cùng tên do NXB Trẻ tổ chức.

Những gương mặt không thể nào quên: Cuốn sách giúp độc giả hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của những con người có công với đất nước, cộng đồng và xã hội nhưng lại bị lãng quên hoặc những hiểu biết thông thường không tương xứng với những đóng góp của họ, đó là Trần Chánh Chiếu - Gilbert Chiếu, là nhà khoa học tiên phong Nguyễn Công Tiếu, ông chủ Tân Dân - Vũ Đình Long, là cư sĩ Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha, hay Nam Phương hoàng hậu…

Tuyển tập Truyện ngắn nữ đặc sắc từ 1986 đến nay, với hơn 20 thiên truyện, tuyển tập đã hội tụ sự góp mặt của thế hệ nhà văn nữ xuất hiện vào cuối thập kỉ 80, đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX: Lê Minh Khuê, Đoàn Lê, Trần Thùy Mai... cho đến thế hệ mới xuất hiện từ giữa thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XXI với Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Phan Hồn Nhiên, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Ngọc Tư... và sự có mặt của các nhà văn nữ hải ngoại xuất sắc: Mai Ninh, Lê Minh Hà, Thuận...

Tiêu gì cho thời gian để sống của Hoàng Việt Hằng gồm 33 bài tản văn bao trùm nhiều chủ đề, từ những câu chuyện phận người thăng trầm đến những chuyến tiêu dao du ngoạn, tất cả đều dưới lăng kính của một người phụ nữ đắm say với cuộc đời cho dù lắm nỗi truân chuyên.

Nhiều tựa sách văn học thế giới của tác giả nổi tiếng cũng sẽ có mặt như: Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử (Jonas Jonasson), Gia đình Buddenbrook (Thomas Mann), Núi thần (2 tập, Thomas Mann), Eleanor & Park - Này tình đầu ngọt ngào, sao mi đắng thế? (Rainbow Rowell), Sự thật về vụ án Harry Quebert hay Chuyện nàng Nola (Joel Dicker) - cuốn sách thổi bay "Hoả ngục" trên bảng xếp hạng châu Âu, Nhật ký cho Jordan (Dana Canedy), Rico Oskar và cơn đau vỡ tim

Sách kĩ năng

Cuốn sách Du học từ A tới đích là cuốn cẩm nang hữu ích, trang bị những kĩ năng cần thiết giúp các bạn trẻ tự tin đi du học và cán đích du học thành công.

Wow, cuối cùng cũng được đọc một cuốn sách mang thai hài hước!Bộ đôi sách Mang thai không hề dễ chịuMang thai không hề dễ chịu, cả với đàn ông sẽ giúp các ông bố bà mẹ trẻ tìm được sự đồng cảm và vượt qua được 9 tháng thai kì một cách vui vẻ, nhẹ nhàng .

Đúng như tên gọi, bộ ba Bí kíp khiến bạn thích đọc sách, Bí kíp giúp bạn cực kì hạnh phúc, Tất tần tật về bố mẹ của tác giả Francoize Boucher sẽ giúp các bạn không thể rời mắt và ngừng những tràng cười, và tất nhiên, bạn không thể đặt sách xuống cho tới khi đọc xong trang cuối cùng.

Sách mới về doanh nhân và kỹ năng mềm dành cho người đi làm như: Sứ mệnh người làm sếp (Jill Geisler), Một đời thương thuyết (GS Phan Văn Trường) là những cuốn sách hưởng ứng tháng Doanh nhân.

Nhiều sự kiện thú vị

Các đơn vị sẽ liên tục có những sự kiện thú vị để độc giả có thể giao lưu và tìm hiểu về sách:

15h, thứ Năm, 9/10: Giao lưu giới thiệu bộ sách Cùng săn báu vật - Khám phá các vùng đất: Úc, Thái Lan, Hoa Kì, Pháp, Ai Cập.

Bộ sách tranh truyện thú vị giúp độc giả tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, hiểu biết nhiều hơn về các danh lam thắng cảnh của các nước.

9h30, thứ Sáu, 10/10: Ra mắt Tháng ngày thương nhớ, giao lưu với tác giả - nhà văn Phạm Thắng.

Cuốn sách là hồi ức của nhà văn Phạm Thắng - tác giả Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt về tuổi thơ ở nội đô Hà Nội khoảng thời gian trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Như bao cậu học trò nhỏ khác, cậu bé Phạm Thắng cũng có những kỉ niệm  êm đềm đáng nhớ về tuổi học trò hồn nhiên, tinh nghịch của mình ở trường ở lớp. Nhưng những điều mắt thấy tai nghe về nạn đói, về sự dã man của thực dân Pháp, phát xít Nhật… đã hun đúc trong lòng cậu học trò nhỏ lòng yêu nước, để sau này, cậu bé ấy đã trở thành một thành viên của Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt, hoạt động trong lòng địch, cung cấp nhiều thông tin mật cho Sở chỉ huy Liên khu, góp phần Giải phóng Thủ đô. Cuốn sách vì thế, cũng là một tư liệu quý, sinh động về tuổi thơ Hà Nội trước Cách mạng.

18h, thứ Sáu 10/10/2014, giao lưu với nhà văn Phan Hồn Nhiên:“Cưỡi Ngựa thép trên xa lộ văn chương hiện đại”

Giới thiệu tiểu thuyết Ngựa thép, tác phẩm ghi dấu ấn đột phá trong nghiệp viết của Phan Hồn Nhiên. Nhắc đến nhà văn Phan Hồn Nhiên, độc giả dễ hình dung đến những truyện ngắn tinh tế và kén người đọc,  loạt truyện fantasy thu hút một lượng lớn độc giả thanh thiếu niên, hay các tác phẩm đã chuyển thể thành phim như Công ty, Mắt bão

Không tự hài lòng với vị trí đã khá vững chắc trong lòng bạn đọc, nhà văn Phan Hồn Nhiên luôn bộc lộ khao khát đi tìm lối viết riêng, đặc biệt là tìm kiếm một cấu trúc hiện đại, mới mẻ, đồng thời gắn kết vào đó một nội dung tương xứng. 

Tiểu thuyết Ngựa thép - xuất hiện 3 năm sau chuyến Tham gia Chương trình viết văn Quốc tế ở Thành phố Văn chương thế giới - Iowa (Mỹ) của chị đã đạt được sự hài hòa điêu luyện giữa tính chất trình diễn của một nghệ sĩ và sự khéo léo tỉ mỉ của một nghệ nhân. Theo lời biên tập viên Nxb Trẻ, đây là một tiểu thuyết đầy đặn, vững chãi và sâu sắc của một trong những nhà văn trẻ có đam mê và ý thức rõ ràng về việc phải làm gì để hòa nhập với dòng chảy văn chương đương đại trong nước và thế giới.

Diễn giả: dịch giả Nguyễn Đình Thành và nhà phê bình Mai Anh Tuấn.

10h sáng thứ Bảy 11/10/2014, giao lưu với 3 tác giả viết về Hà Nội - Nguyễn Việt Hà, Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến chủ đề “Hà Nội trong dòng chảy lịch sử” qua các tác phẩm Ba ngôi của người, Cậu ấmMe Tư Hồng.

Nếu Ba ngôi của người trải thời gian trên một vùng đất Thăng Long-Hà Nội 600 năm và đậm đặc thời hiện đại, thì Cậu ấm là mạch thời gian một Hà Nội thời thuộc địa đến những năm chiến tranh, bao cấp, và Me Tư Hồng dựng lại chân dung một người phụ nữ đã chủ động tiếp xúc với bên ngoài trong cuộc giao lưu Việt-Pháp thời thuộc địa, làm biến đổi bộ mặt Hà Nội. Ba cuốn tiểu thuyết có thể xem như một bộ sử bằng văn chương về Hà Nội, với những lối viết nhiều yếu tố hậu hiện đại đan quyện với cảm xúc của những người gắn bó với mảnh đất này. Dẫn dắt giao lưu là nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc.

14h30, thứ Bảy, 11/10: Lớp học “Học vẽ phương pháp mới” theo phương pháp của  họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng Philippe Legendre.

Philippe Legendre là người phát triển một phương pháp học vẽ rất đơn giản và hiệu quả để tất cả trẻ em đều dễ dàng tiếp cận nghệ thuật hội họa. Phương pháp này chia quá trình vẽ một bức tranh thành bốn giai đoạn với sự phối hợp của các hình cơ bản.

Theo cách vẽ này, chúng ta sẽ dựng nên bức vẽ bằng việc phối hợp các hình học để tạo ra một tổng thể gồm các khối. Sau đó chỉ cần vạch các nét thẳng, đường cong hoặc nét đứt để tạo ra các hình dạng xác định cho bản phác thảo. Phương pháp này giúp các em nắm được kĩ thuật và những hình dung đầu tiên về bố cục, tỉ lệ, hình khối và đường nét.

9h, Chủ nhật, 12/10: Trao giải cuộc thi viết điểm sách và giao lưu với dịch giả Ngô Hà Thu.

Tổng kết và trao giải cuộc thi viết điểm sách do Nhà xuất bản Phụ nữ phát động từ 10/8/2014 đến 20/9/2014. Trong buổi trao giải, bạn đọc nói chung và những người tham gia cuộc thi nói riêng sẽ có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ hữu ích, thú vị về kinh nghiệm viết bài giới thiệu sách của các nhà giáo, nhà báo, nhà phê bình văn học có tên tuổi như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà báo Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Mai Anh Tuấn…

Ngoài ra, bạn đọc sẽ có dịp giao lưu cùng với dịch giả trẻ tuổi Ngô Hà Thu, vốn đã quen thuộc với chúng ta qua các ấn phẩm dành cho tuổi teen như: Bên kia đường có đứa dở hơi, Bộ tứ kì ảo Ác mộng xanh, Phép thuật trắng, Kí ức đỏ, Bí mật bạc… Đặc biệt, trong Hội sách Mùa thu năm nay, Ngô Hà Thu sẽ giới thiệu với chúng ta bản dịch mới nhất đầy hấp dẫn: Eleanor & Park – Này tình đầu ngọt ngào, sao mi đắng thế?

14h30, Chủ nhật, 12/10: Bút nhóm Lovedia - tác giả bộ sách Giải mã 12 chòm sao giao lưu, kí tặng…

Nhiều ưu đãi

Đến tham dự Hội sách Mùa thu, độc giả được ưu đãi từ 15% - 50%, và có nhiều gian sách đồng giá ưu đãi: 5.000đ, 10.000đ, 15.000đ...

Quà tặng: Mua 100.000đ trở lên được tặng thẻ sử dụng thư viện eBook Kim Đồng 3 tháng trị giá 120.000đ; Mua 200.000đ trở lên tặng thẻ sử dụng thư viện eBook Kim Đồng 6 tháng trị giá 240.000đ.

Giờ Vàng: Từ ngày 8/10 đến ngày 10/10, độc giả mua sách trị giá 200.000đ trở lên trong khung giờ từ 14h00 - 16h00 sẽ được nhận quà tặng của BTC.

- Tặng bookmark dễ thương cho tất cả độc giả mua sách trong Hội sách.

- Dành cho các bạn yêu mèo: thỏa sức chụp hình cùng chú mèo đáng yêu Hello Kitty. Độc giả mua “Tớ là mèo Pusheen” tại Hội sách Mùa thu sẽ được tặng thêm 1 postcard xinh xắn, 50 độc giả đầu tiên được mua sách có chữ kí của dịch giả Lan Hương.

Bảo Ngọc

Về thăm Từ đường của nhóm Tự lực Văn đoàn

(ICTPress) - Đến thăm phố cổ Hội An, nhiều người sẽ không ngớt trầm trồ về lối kiến trúc của những ngôi nhà cổ. Nhưng không phải ai cũng biết đến một ngôi nhà cổ đặc biệt mang nhiều dấu ấn lịch sử dân tộc, đó là Từ đường tộc Nguyễn Tường.

Tọa lạc tại số 8/2 Nguyễn Thị Minh Khai, gần Chùa Cầu, ngôi từ đường này được bắt đầu xây dựng vào năm 1806, được tôn tạo vào năm Duy Tân thứ 3 (1909) và được tu bổ vào năm 2005. Tiền nhân khởi dựng ngôi nhà vào là cụ Nguyễn Tường Vân (1774 - 1822). Hiện, nhà thờ đang được các hậu duệ đời thứ 10 trông coi, bảo quản. Ngôi từ đường của dòng giỏi Nguyễn Tường có kiến trúc cổ kính, uy nghi được mở cửa đón khách tham quan từ giữa năm 2013. 

Mặt tiền từ đường

Nhà thờ tộc Nguyễn Tường được người dân địa phương gọi là Dinh Ông Lớn. Di tích đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật di tích cấp tỉnh.

Cụ Nguyễn Tường Vân, gốc người Thanh Hóa. Sau khi di cư vào Gia Định theo ngài Nguyễn Ánh ra đánh Quảng Nam lập được công lớn, đóng quân tại cửa Đại Chiêm, Hội An, sau định tại xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là phường Cẩm Phô, Hội An). Năm Minh Mạng thứ 1 (1820), cụ được thăng chức Binh Bộ Thượng Thư, tước Nhuận Trạch Hầu (tương đương Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay).

Ảnh họa nhân chuyến đi sứ Trung Quốc của cụ Vân

Theo lời kể của các hậu duệ thì cụ Vân lúc đầu có tên là Nguyễn Văn Vân. Trong một chuyến tháp tùng vua Gia Long đến khu vực núi Phước Tường của Đà Nẵng thì vua thấy ngọn núi đẹp này có tên giống chữ lót của mình vì Gia Long có tên là Nguyễn Ánh hay Nguyễn Phước Ánh (Phúc = Phước), do đó ngài đã ban cho Nguyễn Văn Vân tên là Nguyễn Tường Vân để tên ngọn núi có cả chữ lót của vua và cụ Vân. Điều đó nói lên tình cảm gắn bó khăng khít, gần gũi và sự trọng vọng đặc biệt của vua Gia Long dành cho cụ Vân.

Bàn thờ từ đường

Ngoài thờ Binh Bộ Thượng Thư, phủ còn thờ người con thứ là ông Nguyễn Tường Phổ, đỗ tiến sĩ thời Thiệu Trị. Hậu duệ của các cụ sau này còn có các nhà văn trong nhóm Tự lực Văn đoàn là nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long).

Ngôi nhà thờ tộc Nguyễn Tường là kiến trúc độc đáo kết hợp cả tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc Việt, Trung và Nhật. Di tích có kết cấu kiến trúc rất độc đáo, mang vẻ đẹp riêng không hề trùng lặp với các nhà cổ khác tại Hội An. Cửa sổ được thiết kế hình quả phật thủ, có hai bậc tâm cấp (bên nam, bên nữ) dẫn lên lối nhà thờ. Ngăn cách phần hiên với nội thất công trình là ba bộ cửa "thượng song hạ bản", mỗi bộ có bốn cánh. Điều đặc biệt của bộ cửa này là khi cần gió ta có thể kéo qua để các song chồng lên nhau tạo nên kẽ hở cho gió vào, nhưng khi cần đóng kín thì ta khép song lại. Việc đóng mở song rất dễ dàng để người già hoặc trẻ nhỏ đều có thể làm được.

Toàn bộ công trình gồm 3 gian 2 chái. Hệ thống cột kèo của phủ thờ có sự kết hợp khá hài hòa độc đáo của nhiều kiến trúc ở cả hai mái trước, sau. Giá đỡ mái vỏ cua được tạo dáng chạm trỗ hình hoa cúc cách điệu mang ý nghĩa vĩnh cửu, trường thọ, bền bỉ kết nối với cây dưa theo đề tài Cát Tường... thể hiện ước vọng sự nối tiếp vô cùng, vô tận.

Nhiều đồ cổ giá trị được lưu giữ cẩn thận tại đây

Nhiều di vật có giá trị được trưng bày tại đây. Nhiều chiếu chỉ, sắc phong của cụ Nguyễn Tường Vân và người con trưởng Nguyễn Tường Vĩnh qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức hiện vẫn được gia đình lưu giữ, cất cẩn thận trong tủ thờ. Các di vật quý giá có thể kể đến như hai bình hoa bằng gỗ được chạm nổi hình rồng có niên đại hơn 100 năm, bản sao các bức tranh của nhà văn Nhất Linh được trưng bày cùng nhiều vật dụng cổ của gia tộc. Ngoài ra, hiện tại, nhà thờ tộc Nguyễn Tường đang lưu giữ nhiều đầu sách quý hiếm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Một điều đáng tự hào khác của dòng Nguyễn Tường là về bản Hương ước thập điều của Hội An. Đây là tư liệu viết bằng chữ Hán, do tú tài Nguyễn Tường Tiếp soạn thảo vào khoảng cuối thế kỷ 19, mang nhiều giá trị khảo cứu của hương ước làng Cẩm Phô. Bản thảo hương ước gồm 10 điều: Làm sáng tỏ nghĩa lý của việc tế tự; Đạt đến lòng thành kính; Chia đều ruộng đất; Đề cao tiết kiệm; Khuyến khích hữu công; Trừng phạt kẻ có lỗi; Răn cấm thói ngoan cố; Răn cấm buông thả rượu chè; Việc hội họp làng; Làm cho phong tục đôn hậu. Đây là bản hương ước Việt lần đầu được tìm thấy tại Hội An.

Cách Tân

Tìm hiểu điêu khắc dân gian tại Đình Thổ Hà và Chùa Phật Tích

(ICTPress) - Nếu muốn hỏi đâu là nét đặc sắc nhất trong văn hoá làng của người Việt, người ta ắt nhắc đến cái đình đầu tiên.

Bao nhiêu câu chuyện về làng được “chắt chiu” trong cái đình ấy, từ chuyện vui: “Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu” đến chuyện buồn: “Toét mắt là tại hướng đình/Cả làng toét cả, một mình em ru?”. Ấy vậy mà nhiều người đồng ý: À ra giữ được cái đình là giữ được phần nào hồn cốt người Việt, hiểu được “cái đình” là hiểu được tâm hồn người Việt vậy.

Đình là nơi sinh hoạt chung của cả làng, cứ theo nghĩa vậy mà chiếu vào những gì đình có, từ cái kèo đến cái cột, ta hiểu câu chuyện của cả cái làng. Vì thế, mà chỉ với những công cụ thô sơ, những nghệ nhân chạm khắc tài hoa của làng đã tạo nên những bức trạm lộng lẫy, những khối hình đặc sắc sống động để mà kể biết bao câu chuyện thú vị. Chúng kể cho ta câu chuyện về đời sống thường nhật của người xưa thật mộc mạc và gần gũi: là hoa lá chim muông biểu thị sự giàu có của thiên nhiên, là cảnh sinh hoạt thường nhật những khi đi cấy đi cày, khi hội hè đình đám, là đôi trai gái vui đùa, là cảnh đi săn, đi rước...

Những tác phẩm dân gian tuyệt vời ấy là những “tài liệu không chữ” quý giá, phản ánh cả quá trình giao thoa và tiếp biến các giá trị trong mọi mặt của đời sống từ kinh tế, chính trị cho đến văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo trong lịch sử Việt.

Đó cũng là lý do “Tôi xê dịch” tổ chức chương trình “Windy Day 11: Điêu khắc dân gian - Những nét rồng tiên” cùng với sự hướng dẫn và chia sẻ của Trần Hậu Yên Thế - một trong những chuyên gia xuất sắc về nghệ thuật dân gian, hiện đang giảng dạy bộ môn Mỹ Thuật Cổ tại Đại học Mỹ thuật.

Điểm đến của chương trình là Làng gốm cổ Thổ Hà (Bắc Giang) và Chùa Phật Tích (Bắc Ninh) - hai trong số vô vàn những minh chứng sống động về nghệ thuật chạm khắc của người Việt, và những ảnh hưởng của quá trình giao thoa kinh tế, chính trị, văn hoá đến mỹ thuật dân gian, những năm thuộc thế kỷ XVII - XVIII.

Tham dự chương trình, người trẻ sẽ cùng diễn giả Trần Hậu Yên Thế bóc tách từng lớp giá trị và ý nghĩa của những bức chạm khắc, và hiểu được câu chuyện lịch sử đằng sau những tác phẩm lộng lẫy mà người trước đã để lại.

Để tìm hiểu thêm thông tin về chương trình, bạn có thể truy cập website www.toixedich.com, đăng ký mua vé trực tiếp tại http://bit.ly/Toixedich-DatveWD1.

Chương trình được tổ chức vào 6h - 16h, Chủ nhật ngày 12/10/2014 tại Đình Thổ Hà - Bắc Giang và Chùa Phật Tích - Bắc Ninh.

Bảo Ngọc

Tuổi thơ Hà Nội dưới bãi sông Hồng

(ICTPress) - Kỉ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), Nhà xuất bản Kim Đồng vừa cho ra mắt cuốn sách “Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa” - tập di cảo, hồi ức của nhà văn Lê Bầu về tuổi thơ của ông - của những đứa trẻ dưới bãi sông Hồng những năm 30 của thế kỉ trước.

Đọc “Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa”, độc giả sẽ được đắm mình trong không gian, cuộc sống của Hà Nội dân dưới bãi với những địa danh Phúc Xá, Nghĩa Dũng, An Dương, Tứ Tổng… những năm ba mươi của thế kỉ trước. Nơi ấy, tập trung đủ mọi hạng người: những kẻ lưu manh, lừa lọc như chị em Bính Lớn, Bính Con, vợ chồng Cả Mốc, ông Mù… với đủ các chiêu trò; những kẻ nghiện ngập, những tay “anh chị” khét tiếng.

Nhưng từ chính nơi ấy, tình người vẫn rạng ngời ấm áp: Một Tí Bủng - cầm đầu bọn đầu gấu bến ô tô, “dạy vợ” đang bầu bí bằng cách đào một cái hố bắt vợ nằm sấp bụng xuống rồi đánh mười roi; bà Cau bán nước hiền hậu, lo lắng dặn dò cậu bé Bầu tránh xa mấy đứa lưu manh; hay bác Cấn trong đội cu li – người hay quát mắng đe nẹt cậu bé Bầu nhất, sau một thời gian xa cách, tình cờ gặp cậu hôm đi thi thì dúi vào tay cậu mấy đồng hào bạc và nói bằng giọng rưng rưng: “Thất học khổ lắm con ạ!”…

Theo nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, “Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa” là một cuốn sách độc đáo bởi trong văn học Việt Nam, chưa có tác phẩm nào viết về tuổi thơ Hà Nội thị thành trước năm 1945, mà lại là viết về những đứa trẻ, những người ngụ cư dưới bãi sông Hồng thì càng hiếm có. Ngay cả những tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, Lê Văn Chương, Nguyên Hồng hay thậm chí những tác phẩm của Tự Lực văn đoàn… những năm đầu thế kỉ cũng chỉ xoay quanh tuổi thơ Hà Nội ở nông thôn - ngoại thành, hoặc một vài nét chấm phá mờ nhạt về trẻ em thị thành.

Hãy cùng đắm mình và tưởng tượng về một góc Hà Nội xưa qua một đoạn hồi ức của nhà văn Lê Bầu: “Góc những ngã tư đường Mười khá “sầm uất”, (đường Hai Mươi rất vắng, vì chỉ có một dãy nhà trông ra sông, còn dãy phía bờ sông thường bỏ trống, không có người ở) tức là ban ngày, ban tối thường có thêm một gánh phở rong, cô quạt ngô nướng, bà bán quà vặt, xâu táo xâu khoai sọ, (khoai và táo được xâu thành từng xâu, quả lớn, củ lớn ở giữa rồi nhỏ dần về hai đầu, người mua chỉ được chọn từng xâu chứ không được chọn từng quả, từng củ) đặc biệt là có bà hàng nước hấp dẫn khách hàng bằng chiếc điếu cày, tối đến thỉnh thoảng thêm vợ chồng anh xẩm mù tới hát. Họ chỉ có một chiếc nhị hai dây cò cử làm nhạc đệm và một manh chiếu rách, trải ngồi, ngoài ra còn một chiếc chậu thau méo mó, to bằng cái mũ nồi, hoặc chiếc cơi đựng trầu để ngay trước mặt, nhận tiền “thưởng” của người nghe khi nghe đến đoạn hay, đoạn mình thích thú, hoặc của những người đã đứng ngồi nghe suốt từ đầu mà “không thưởng cũng không tiện”.”

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn chia sẻ: “Tôi nghĩ những người thích tập hồi kí mỏng này của Lê Bầu sẽ không chỉ là trẻ em, mà cả người lớn, những người thích tìm hiểu Hà Nội, kể cả những nhà Hà Nội học.”

Lê Bầu là nhà văn, nhà báo, dịch giả có uy tín với nhiều tác phẩm được độc giả yêu mến như Thông reo, Đi thực tập, Dòng sữa trắng, Hoàng hậu Vàng Anh, Đèn kéo quân, Sáu mươi ngày đêm giữ chợ Đồng Xuân, Ngã ba cô đơn, Độc hành… và nhiều dịch phẩm như: Tể tướng Lưu Gù, Quê cũ, Thành phố hoa, Hoài niệm sói, Quỷ thành, Trở về

Nhân dịp 60 năm Giải phóng Thủ đô, NXB Kim Đồng cũng cho ra mắt cuốn sách “Tháng ngày thương nhớ” - hồi ức của nhà văn Phạm Thắng - tác giả “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt”… về tuổi thơ ở nội đô Hà Nội khoảng thời gian trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Như bao cậu học trò nhỏ khác, cậu bé Phạm Thắng cũng có những kỉ niệm  êm đềm đáng nhớ về tuổi học trò hồn nhiên, tinh nghịch của mình ở trường ở lớp. Nhưng những điều mắt thấy tai nghe về nạn đói, về sự dã man của thực dân Pháp, phát xít Nhật… đã hun đúc trong lòng cậu học trò nhỏ lòng yêu nước, để sau này, cậu bé ấy đã trở thành một thành viên của Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt, hoạt động trong lòng địch, cung cấp nhiều thông tin mật cho Sở chỉ huy Liên khu, góp phần Giải phóng Thủ đô. Cuốn sách vì thế, cũng là một tư liệu quý, sinh động về tuổi thơ Hà Nội trước Cách mạng.

Ngoài ra, nhiều tựa sách về Hà Nội cũng được NXB Kim Đồng tái bản trong dịp này:  “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” của nhà văn Băng Sơn; “Thương nhớ mười hai”, “Miếng ngon Hà Nội” của nhà văn Vũ Bằng, “Sống mãi với thủ đô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, “Chuyện cũ Hà Nội” của nhà văn Tô Hoài, bộ Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội gồm 5 cuốn: Kinh đô muôn đời, Cảnh sắc Hà Nội, Kì tích chống giặc ngoại xâm, Kiến trúc ngàn năm, Danh nhân Hà Nội

Bảo Ngọc

Bún Thái hải sản 'gây bão' tại Hà Nội

Tên gọi vừa lạ vừa quen, hương vị độc đáo, không giống như các loại bún quen thuộc khác đã khiến bún Thái hải sản trở nên đặc biệt trong cộng đồng ăn uống ở Hà Nội.

Xuất hiện khi mùa thu đến, thời tiết đã có chút mát mẻ và dễ chịu, món bún Thái hải sản vị chua cay vì thế mà càng được lòng thực khách. Nghe tên gọi, nhiều người chắc hẳn sẽ thấy lạ, tuy nhiên đây là món ăn mang âm hưởng từ món lẩu Thái nổi tiếng.

Giá một tô bún hải sản đầy đủ chỉ ở mức 30.000 đồng, được xem là mức giá khá mềm phục vụ bữa trưa hoặc chiều tối cho mọi người.

Thành phần tô bún này được xem là sự tổng hòa của các loại hải sản màu sắc bắt mắt và ngon miệng. Con tôm luộc được bóc vỏ đỏ au, mực thái thành từng lát hơi dày bản, cá chiên vàng ngậy, hành lá và tiêu được rắc lên trên cho dậy mùi thơm, ăn kèm với chút rau cần. Nhưng có lẽ, điểm đặc trưng của món này nằm ở vị nước dùng chua cay.

Vị quen thuộc của lẩu tom-yum, thơm thơm rất dễ chịu, nhờ đủ loại me, gừng, ớt và đậm vị sả tạo nên cảm giác tê tê nơi đầu lưỡi. Tuy nhiên, chúng vẫn được chế biến theo công thức riêng để vị chua cay phù hợp với người Việt, lại không làm mất đi vị chua ngọt của ẩm thực Thái. Nếu ai đã trót nghiền món lẩu Thái tom-yum nổi tiếng, hẳn là họ sẽ không thể bỏ qua được món bún hải sản gần gũi này.

Bún Thái hải sản vẫn còn mới mẻ nên xuất hiện chưa nhiều. Bạn có thể dạo qua phố Hàng Lược trên mạn phố cổ, phố Đặng Văn Ngữ hoặc Ngũ Xã để thưởng thức món ăn lạ mà độc đáo, rất phù hợp trong tiết trời thu thanh cảnh thế này.

Hương Giang

Nguồn: vnexpress.net

Liên hoan Phim Nhật Bản 2014: Niềm đam mê

(ICTPress) - Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam trân trọng giới thiệu Liên hoan Phim Nhật Bản 2014: NIỀM ĐAM MÊ tổ chức từ ngày 10/10 - 16/11/2014 tại Hà Nội, Đà Nẵng và Vũng Tàu.

Liên hoan Phim Nhật Bản của Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản là một trong những sự kiện được mong đợi nhất trong năm và luôn thu hút một số lượng lớn khán giả hâm mộ. Chính vì thế, vé của liên hoan phim luôn được phát hết chỉ trong vài ngày.

Chủ đề của Liên hoan phim năm nay tập trung giới thiệu đến quý vị khán giả các bộ phim về chủ đề “NIỀM ĐAM MÊ”. Sẽ có tất cả 8 bộ phim được trình chiếu, mỗi một bộ phim thể hiện một niềm đam mê khác nhau. Có những niềm đam mê khôi hài, có những niềm đam mê mang lại sức mạnh và sự quyết tâm và có những niềm đam mê giúp đương đầu với những thử thách, vv…Hy vọng quý vị khán giả sẽ cảm nhận được những niềm đam mê ấy xuyên suốt các bộ phim.

Bộ phim mở đầu cho Chương trình là bộ phim NGƯỜI MÁY G (đạo diễn Shinobu Yaguchi/ sản xuất năm 2012). Bộ phim đã từng được trình chiếu tại một số thành phố của Việt Nam và được khán giả ở những nơi đây đón nhận nhiệt tình bằng những tràng cười đầy sảng khoái. Và lần này, những nhà khoa học ngộ nghĩnh và chú robot thú vị trong phim sẽ đến với khán giả của thủ đô Hà Nội.

8 bộ phim được trình chiếu có phụ đề tiếng Anh và tiếng Việt.

Vé phim được phát hoàn toàn miễn phí. Mời xem thông tin chi tiết về thời gian và địa điểm phát vé tại các thành phố ở bên dưới.

Danh sách phim:

1.Cô gái một triệu Yên 

(sản xuất năm 2008 / đạo diễn Yuki Tanada)

2. Cảm nhận làn gió

(sản xuất năm 2009 / đạo diễn Sumio Omori)

3. Võ sĩ đạo tuổi mười sáu

(sản xuất năm 2010 / đạo diễn Tomoyuki Furumaya)

4. Những cô gái thư pháp

(sản xuất năm 2010 / đạo diễn Ryuichi Inomata)

5. Cuốn sổ bệnh án

(sản xuất năm 2011 / đạo diễn Yoshihiro Fukagawa)

6. Đỉnh núi

(sản xuất năm 2011 / đạo diễn Osamu Katayama)

7. Joe của Ngày mai

(sản xuất năm 2011 / đạo diễn Fumihiko Sori)

8. Người máy G

(sản xuất năm 2012 / đạo diễn Shinobu Yaguchi)

Tại Hà Nội: Lịch phát vé vào ngày 4/10, từ 10h00 sáng đến 6h00 chiều.  Ngày Chủ nhật, 5/10, vé được phát từ 10h00 sáng đến 4h00 chiều. Các ngày trong tuần, từ 6-9/10, vé được phát từ 9h00 sáng đến 6h00 chiều. Địa điểm phát vé tại 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tại Vũng Tàu: thứ sáu ngày 31.10  và Chủ nhật ngày 2/11/2014 tại Rạp Điện Biên, Số 32 Đồ Chiểu, Phường 1, TP. Vũng Tàu. Phát vé từ ngày 24.10.2014 tại Rạp Điện Biên

Tại Đà Nẵng: Thứ Sáu, ngày 14/11 và Chủ nhật 16/11/2014 tại Rạp Lê Độ, Số 46 Trần Phú, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Phát vé từ ngày 10/11/2014 tại Rạp Lê Độ.

 Lưu ý: mỗi người được nhận tối đa 4 vé.

Bảo Ngọc

Life & English: “It Was One of Those Fine October Days”

It was one of those fine October days
free from summer’s heat and haze
but not yet gripped by autumn chill.

It was one of those fine October days
when the sky’s so clear
you can see the moon
through the atmosphere
at midday.

It was one of those fine October days
when the trees sport yellow and red
instead of everyday summer green.

It was one of those fine October days
when one draws a deep breath
and is grateful
to be resident on Earth.

Author: Richard Greene

 

Chiếu phim “Chạy đi, cậu bé!” và giao lưu cùng đạo diễn

(ICTPress) - Ngày 4/10, Viện Goethe trân trọng trình chiếu bộ phim Lauf, Junge, lauf (Chạy đi, cậu bé!) của đạo diễn Pepe Danquart.

“Lauf, Junge, lauf!“ (Chạy đi, cậu bé!) là một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên được dịch ra 15 thứ tiếng của Uri Orley. Cuốn tiểu thuyết kể câu chuyện có thật của một cậu bé 8 tuổi chạy trốn khỏi khu ổ chuột ở Vác-xa-va, nơi cậu phải chống chọi một thân một mình trong suốt thời gian quân đội chiếm đóng và phải sống dựa vào lòng tốt của những con người mà cậu gặp trên đường.

Bộ phim màu dài 107 phút này, từng rất thành công tại Đức và trên thế giới và cũng từng được giới thiệu tại Liên hoan phim Berlinale 2014. Pepe Danquart được Hội Điện Ảnh Việt Nam mới tới Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ có mặt tại buổi chiếu phim, giới thiệu về bản thân và trò chuyện cùng khán giả sau bộ phim.

Phim tiếng Đức, phụ đề tiếng Việt và tiếng Anh.

Trailer của bộ phim, bạn đọc có thể xem tại: http://danquart.de/de/projekte/lauf-junge-lauf

Bộ phim sẽ được trình chiếu vào 19h Thứ Bảy ngày 4/10/2014 tại Viện Goethe Hà Nội, 56-58 Nguyễn Thái Học. Vào cửa tự do. Giới hạn độ tuổi: từ 12 tuổi.

Bảo Ngọc

Đền thờ và nhà truyền thống họ Nguyễn - Niềm tự hào của người dân Quảng Nam Đà Nẵng

(ICTPress) - Tôi đến thăm Đền thờ và nhà truyền thống dòng họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng vào một buổi chiều thu. Dưới cái nắng nhẹ phả hơi ấm thơm tho của vùng quê thanh bình, Đền thờ với dáng vẻ uy nghi tôn kính đã cho những ai một lần đến đây lòng tự hào rất lớn về những bậc tiền nhân.

Đền được tọa lạc trên một khuôn viên đất rộng hơn 3.000 m2 tại xã Điện Minh, Điện Bàn, Quảng Nam, chung quanh bốn bề là một màu xanh bất tận của làng quê ruộng lúa, miệt vườn. Vì ngôi đền chỉ cách quốc lộ 1A khoảng 50m nên khi đi trên đường chúng ta có thể thấy khá rõ toàn cảnh.

Toàn cảnh Đền thờ

Được biết, sau hơn 24 năm vận động, với sự phát tâm của đông đảo con cháu họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng, Đền thờ đã được xây dựng trong thời gian hơn 2 năm và khánh thành vào tháng 5/2014. Trong đó, công lao lớn nhất có lẽ là vợ chồng ông Nguyễn Phước Hùng – Trưởng Ban Liên lạc dòng họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng. Vợ chồng ông đã dâng cúng 3.000 m2 đất và hơn một tỷ đồng để góp phần kinh phí khá lớn vào quá trình xây dựng. Ngoài ra, còn rất nhiều mạnh thường quân con cháu tộc Nguyễn đang làm ăn sinh sống trên khắp mọi miền đã dâng cúng với nguồn tài lợi lớn nên việc xây dựng ngôi đền với quy mô có thể nói là lớn nhất tại vùng Quảng Nam - Đà Nẵng tính đến hiện nay được tiến hành khá thuận lợi.

Mặt tiền ngôi Đền
Mặt tiền ngôi Đền

Gian chính Đền là bàn thờ Định Quốc công Nguyễn Bặc (924 - 979). Ông là công thần khai quốc nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân vào thế kỷ 10. Do lập công lớn, Ông được vua Đinh phong là Định Quốc công (vị trí như Tể tướng). Theo các gia phổ Họ Nguyễn và tài liệu "Lược sử họ Nguyễn tại Việt Nam", ông được coi là bậc tiền thủy tổ họ Nguyễn ở Việt Nam. Ông được sử sách Trung Hoa liệt vào danh sách "Giao Châu thất hùng", tức 7 anh hùng người Giao Châu thời bấy giờ, gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng. Hiện nay, Hội đồng dòng tộc Nguyễn Bặc toàn quốc - Ban Quản Lý quần thể di tích Nhà thờ và Mộ Đức Thái Tể Triều Đinh - Định Quốc Công Nguyễn Bặc cùng với toàn thể bà con dòng tộc chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức lễ giỗ tổ họ Nguyễn vào 14 - 15/10 âm lịch hàng năm, và ngài được suy tôn là Đức Thái Thủy Tổ của Dòng tộc Nguyễn Đại Tông.

Gian chính điện

Về mặt bảo tàng, truyền thống thì hàng trăm linh vật truyền thống, kỷ yếu, tư liệu và các sắc phong của các chi phái họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng cũng được lưu trữ một cách cẩn mật, trang trọng ở đây.

Đặc biệt, tại Đền thờ lưu trữ một tài liệu cực kỳ quý hiếm đó là “Bắc địa tấu từ”, dịch nghĩa là “Lời tâu về đất Bắc” của những người đi khai khẩn đất Điện Bàn thời Lê sơ. Văn bản gồm 8 tờ khổ 28 x 24 cm, thuộc loại giấy “long chỉ”, là văn bản Hán có thêm vài chữ Nôm. Theo các nghiên cứu cho thấy đây là những bản văn ra đời trong những năm 30 của thế kỷ XIX dưới triều Minh Mệnh (sau năm 1830 và trước năm 1841), nhưng nội dung chính của nó là được chép lại từ một văn bản (Tấu từ Thuận ước) lập thời Lê sơ, và có khả năng là dưới triều Hồng Đức (Lê Thánh Tông) và ở bản sao lại này có được bổ sung những địa danh mới xuất hiện vào thời Minh Mệnh thứ 12 (1831). Nội dung Bắc địa tấu từ (bản “long chỉ”) gồm 3 phần chính: Bắc địa tấu từ;  Tông đồ hội tánh; và Thuận ước giáp tịch. Trong đó phần Tông đồ hội tánh, về nguồn tư liệu gốc, có lẽ được bổ sung sau thời Hồng Đức.

Ảnh trưng bày truyền thống các vị có công lớn với dân tộc
Các sắc phong của các chi phái tộc được lưu giữ cẩn thận

Từ năm 1306, hai châu Ô và Lý (trong đó có một phần đất Quảng Nam ngày nay) được nhập vào bản đồ Đại Việt, Quảng Nam - Đà Nẵng bắt đầu giữ vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, người con họ Nguyễn đã góp công rất lớn cho dân tộc Việt Nam nói chung và vùng Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng. Chính vùng đất này đã làm rạng danh những con người bất hủ như Nguyễn Hiển Dỉnh, Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), Nguyễn Thành (Tiểu La), Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Văn Trỗi…

Hiện nay, theo thống kê thì con cháu họ Nguyễn chiếm hơn 38% dân số thuộc dân tộc Kinh, Việt Nam. Đền thờ được xây đắp nên thể hiện sự tôn kính, suy tôn và vọng tưởng của những người con họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng đối với tiền nhân. Đây cũng sẽ là địa chỉ đỏ cho những du khách xa gần muốn đến chiêm bái, tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan du lịch trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng.

Cách Tân