Tiếng nói ICTPress
Khát vọng Việt Nam 2020 - Phần II
Submitted by nlphuong on Fri, 03/01/2020 - 08:25Không biết quốc gia đứng ở đâu nhất định sẽ không thể dẫn dắt quốc gia đi tới đâu, đi như thế nào.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu tiếp phần 2 bài viết nêu những dự cảm và tầm nhìn phát triển đất nước của nhà báo, TS. Nhị Lê.
Trước thềm xuân Canh Tý năm 2020, Đảng ta đang nỗ lực chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày hội lớn của toàn dân tộc.
Từ những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 33 năm công cuộc Đổi mới toàn diện, đồng bộ, hơn hết bao giờ, khát vọng Việt Nam độc lập và hùng cường tỏa sáng, dưới ngọn cờ của Đảng trở thành cương lĩnh hành động của muôn dân khắp trong sơn hà xã tắc và đồng bào ta ở nước ngoài.
Hơn hết bao giờ, muôn dân con rồng cháu tiên phải cháy lên khát vọng Việt Nam độc lập và hùng cường.
Điều đó quyết định lẽ thịnh hay suy, sự tự do hay phụ thuộc của đất nước Việt Nam. Vì dân tộc chúng ta sinh ra đã không biết cúi đầu, bản lĩnh Việt Nam quyết không bao giờ làm tôi đòi, nô lệ cho kẻ khác. Độc lập là bản tính tự nhiên của dân tộc chúng ta, vì chúng ta là con lạc cháu hồng.
Đó là quốc sỉ Việt Nam. Nếu quốc gia không biết hổ thẹn khi nhân dân còn nghèo đói, dân tộc kém phát triển thì không thành nước cho xứng đáng trong thế giới.
Mất độc lập dù quốc nhục khôn rửa nhưng đã sạch sẽ mười lần, nhưng để đất nước hèn yếu và bạc nhược là nỗi đau chung của quốc sỉ hơn cả mất nước, hơn cả làm nô lệ.
Nước độc lập thì dân tộc phải hùng cường vì tất cả không gì trọng đại và cao quý hơn nhân dân phải được hưởng tự do và hạnh phúc. Vì chúng ta là dân tộc Việt Nam.
Đột phá cải cách xứng tầm thể chế, thể chế và thể chế, để chúng ta viết tiếp lịch sử của chặng đường mới. |
Dù trước mắt đất nước thăng trầm khó định, dù từng giờ thế gian biến cải khó lường, Việt Nam muốn trở nên độc lập và hùng cường, chúng ta phải nhìn lại và trông tới chân trời thời cuộc và hành động cụ thể, dứt khoát không chờ đợi và quyết không cầu toàn.
Trong đại cuộc này, tối thiểu cầm lấy 5 việc cốt yếu:
Đất nước xây dựng một tầm viễn kiến
Con mắt thiển cận thì không thể đi xa, không thể hành động ngang tầm thời cuộc mà sẽ chỉ quẩn quanh trước thềm nhà hay thất bại ngay trong ý nghĩ, từ mỗi bước khởi đầu.
Nhìn xa và nhìn lại chính mình để đi xa, để không rơi vào hoang tưởng hư vô và thất vọng tan nát.
Con đường phát triển Việt Nam trong tầm nhìn chiến lược tới năm 2030 – Một trăm năm Đảng Cộng sản Việt Nam, tới năm 2045 - Một trăm năm nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là con đường xã hội chủ nghĩa hiện thực Việt Nam. Đó là sự lựa chọn tất yếu, là nguyên tắc phát triển phù hợp.
Chúng ta nhất định đi tới đó. Không ai có thể thay đổi và không gì có thể ngăn cản được. Nhưng, chủ nghĩa xã hội phải đặt trên nền móng độc lập dân tộc. Nên phải chủ động giữ lấy nước, ngay từ lúc nước còn chưa nguy.
Vì, ngay trong lúc nước an, vẫn rình rập 5 nguy cơ sẽ làm mất nước: Một là, trẻ không trọng già; Thứ hai, trò không kính thày; Thứ ba, binh kiêu tướng thoái; Thứ tư, tham nhũng tràn lan; Thứ năm, sỹ phu ngoảnh mặt, như lời tiền nhân dặn lại.
Đất nước định vị chiến lược phát triển
Không biết quốc gia đứng ở đâu nhất định sẽ không thể dẫn dắt quốc gia đi tới đâu, đi như thế nào.
Việt Nam độc lập, thống nhất, công nghiệp, hiện đại, phồn thịnh, hùng cường và văn hiến, giữ vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Đó là chiến lược phát triển Việt Nam. Đó là mục tiêu cháy bỏng của khát vọng Việt Nam.
Chúng ta thuận lẽ tự nhiên nhưng không khư khư tự trói buộc mình vào tiền lệ. Không dám làm khác, khi thời thế đã đổi thay, là tự cùm trói mình, là phản phát triển.
Đột phá cải cách xứng tầm thể chế, thể chế và thể chế, để chúng ta viết tiếp lịch sử của chặng đường mới.
Trên lộ trình ấy, vừa phát triển tuần tự vừa kết hợp phát triển rút ngắn, vừa chọn đột phá bằng những bước nhảy vọt biện chứng, kiến tạo hệ thống thể chế tương dung, với xung lực là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển toàn diện, đồng bộ nhưng phải cân bằng, hài hòa và hiệu quả. Thận trọng nhưng không rụt rè, đột phá nhưng không manh động, thực tế nhưng không thực dụng. Khát vọng nhưng không ảo vọng hão huyền.
Chín mươi năm qua, lịch sử Việt Nam đã đi đúng hướng, tuy không nhanh như chúng ta mong đợi. Chúng ta tiếp tục phải vượt lên. Đó là phương lược hành động, là động lực thực thi thành công khát vọng của chúng ta.
Đất nước kiến tạo và nuôi dưỡng đội ngũ tinh hoa dân tộc
Không một quốc gia phát triển nào, kể suốt xưa nay, để trở nên hùng cường, không tụ hội, giữ lấy và trọng dụng nhân tài. Tôn tài ắt đại thịnh. Tài không đợi tuổi. Tài không kể tuổi. Tài không nệ tuổi. Nguyên khí quốc gia ấy phải được muôn dân bảo vệ và nuôi dưỡng, bằng bất kể giá nào.
Đảng không ngừng tự mình trở thành dân tộc, nguyện nỗ lực phấn đấu, hy sinh sao cho xứng đáng là người dẫn dắt quốc gia: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đảng ta sinh ra quyết “không có lợi ích nào khác” ngoài lợi ích “phục vụ tổ quốc, phụng sự nhân dân”, trở thành lương tâm và phẩm giá của Đảng.
Nhà nước phải làm tất cả cốt chỉ sao cho thực sự “dân là gốc”, hành động tận tâm và chân thật để “dân là chủ” và “dân làm chủ”, tự mình xứng đáng trở thành “công bộc” trung thành và tận tụy của nhân dân. Vì, “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lại.
Hơn ai hết, Đảng, Nhà nước cùng tất cả thành viên của hệ thống chính trị phải tự mình trong sạch, tự mình liêm chính, tự mình thành tâm noi gương và học hỏi nhân dân. Quốc pháp bất vị thân, Đảng cương bất vị nể. Trí khôn, túi khôn để Đảng và Nhà nước hành trình trên con đường phồn vinh, một phần căn bản và to lớn nằm ở chính nơi muôn dân.
“Đảng ta là đứa con nòi của nhân dân”. Ai tôn nịnh tất đại suy. Ai tôn lộc ắt đại nguy. Ai tham lam tất tự diệt.
Mỗi người, hễ là con dân nước Việt, dù ở trong nước hay nước ngoài, không nệ trẻ già, không chia thành phần xuất thân cao thấp, không kể tâm hồn, tư tưởng có tôn giáo hay không, trên khắp hoàn cầu, vì bổn phận với giang san xã tắc, hãy thành tâm tụ về và cùng nỗ lực gánh vác công việc của tổ quốc, tất cả vì danh dự là người Việt Nam, khi chảy trong huyết quản mình là dòng máu lạc hồng.
Khát vọng Việt Nam 2020 |
Đất nước chăm lo, vun đắp lòng tin của nhân dân
Đó chính là cái tôn quý nhất của đất nước, tài sản vô giá và to lớn nhất của cách mạng nước nhà. Quốc gia thịnh suy, đất nước còn mất ở khắp mọi thời, há chẳng phải do muôn dân kết thành một khối và định đoạt đó sao?! Mất lòng tin nơi dân là mất hết.
Vì thế, “Khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Từ sự chiêm nghiệm thành bại của lịch sử với sức mạnh lòng dân phải hối thúc hôm nay: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước); “Chăn dân mã nỡ mất lòng dân”…
Không có nhân dân không thành dân tộc. “Dân là dân nước, nước là nước dân”. Dù sông phía Bắc hay biển phía Đông, nếu không dân cũng là không có gì.
“Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Đất nước giữ lấy và nhân lên triết lý của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn
Tôn tộc thì tất đại quy. Cả nước nếu không biết quy tụ, đồng lòng tôn lấy quốc sỉ làm đầu, tức sự xấu hổ chung của cả nước từ mỗi con người, trước hết những người nắm giữ trọng trách xã tắc, thì không còn có thể biết lẽ người: “Bất phẫn bất phát”, biết lẽ đời: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, càng không thể giữ gìn danh dự quốc gia hay nâng cao sức mạnh và uy tín nòi giống tiên rồng.
Mỗi người nếu đánh rơi liêm sỉ, buông bỏ tự trọng thì không thành người được. Tự mình khắc chế sự hẹp hòi và tẩy trừ lòng tham, để tận tâm trước hết phụng sự gia đình, phụng cộng đồng, phụng sự dân tộc một cách tự nhiên.
Khi gia đình và tổ quốc thống nhất, hòa quyện trong nhau thì mỗi người, mỗi gia đình ngày càng trở thành dân tộc; và danh dự mỗi người, từng cộng đồng cũng không ngừng tỏa sáng vì dân tộc và dân tộc ngày càng tỏa sáng! Tiếng thơm mỗi người, nương theo đó, mà lưu danh muôn thuở! Làm trái đi thì danh tính cá nhân hóa thiển cận, thân phận mỗi người thành cô độc, sống trên quê hương mà vẫn lạc lõng, bơ vơ, sinh mệnh kia, dù quý, cũng trở nên vô nghĩa với muôn dân, trên đời.
Hội nhập thế giới nhưng dân tộc quyết không vọng ngoại, mà để thâu thái tinh hoa, để mà hòa mục, thấy người tài hoa và biết ta thiếu gì, cần gì, để cầu thị mà phát triển tự cường, để đất nước khẳng định mình mà mở mặt mở mày, kiêu hãnh trong thiên hạ, mà không cô độc và bị cô lập, với tư cách là một quốc gia độc lập.
Việt Nam trở thành “ngôi nhà chung” của muôn dân, của nhân tài, dù là người trong nước hay dẫu là người nước ngoài khắp bốn phương về tụ hội. Chúng ta phải tự mình trở nên hùng mạnh. Chỉ có tự cường mới chủ động hội nhập thật sự bình đẳng, ngang tầm và hiệu quả.
Chỉ có tự cường mới thật sự độc lập tự do, mới thật sự là chính mình và tự quyết nắm lấy cơ hội vượt lên. Tới lượt mỗi người, sống trong cộng đồng nhân loại, mới thật sự là một nhân cách khả sỉ và không hổ thẹn là người Việt Nam.
Quốc gia tự tôn - mỗi người tự trọng - dân tộc đoàn kết - hội nhập bốn bể - đất nước tự cường.
Chào năm 2020, Việt Nam mạnh mẽ, xán lạn nhưng đối mặt đầy ắp gian nan, muôn trùng thách thức.
Lúc này, hơn lúc nào hết, là hành động, hành động và hành động một cách kiên định, dũng cảm, mưu lược, khoan hòa và nhân văn.
Hoặc là năm 2020 hoặc là khó có thể bao giờ! Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa. Không thể trông đợi những hoài bão tiên thiên, càng không thể chập chờn, do dự hành động, ngồi đợi và cầu mong may mắn đến. Việc hôm nay không đợi ngày mai.
Chúng ta đang tạo ra cơ hội phát triển. Thời cơ đang trở thành lực lượng. Thời cơ trăm năm để đất nước cất cánh không chờ đợi chúng ta. Nhân loại bốn phương tám hướng đang tiến những bước dài thần tốc đang tạo ra thời cơ và không chờ đợi Việt Nam.
Nếu không thì nhất định không có bất cứ một mảy may của mơ ước, dù là rất nhỏ, có thể thành công như chúng ta mong đợi. Nếu không, nhất định đất nước càng không thể nào cất cánh thành công, cho khát vọng Việt Nam: Độc lập và hùng cường, trong tầm nhìn 2030, đi tới tương lai, đồng hành và tiến cùng nhân loại.
“Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa”
Cháy lên khát bỏng và rực rỡ trong lòng dân tộc khát vọng Việt Nam: Độc lập và hùng cường. Đó là khí phách, tinh hoa, danh dự, là sức mạnh trầm tích lịch sử mấy nghìn năm và quật khởi của tương lai Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam, với khát vọng năm 2020, điểm chuông!
Nhị Lê
Nguồn: vietnamnet.vn
Khát vọng Việt Nam 2020 - Phần I
Submitted by nlphuong on Wed, 01/01/2020 - 21:10Lịch sử nhân loại xác tín, không có một thành công nào của bất cứ ai, bất cứ quốc gia, dân tộc nào mà không được bắt đầu và lớn lên từ hoài bão, khát vọng.
LTS: Năm 2020 mở đầu thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, năm rất quan trọng trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), đón năm 2020 và xuân Canh Tý, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết nêu những dự cảm và tầm nhìn phát triển đất nước của nhà báo, TS. Nhị Lê.
Chào năm 2020 - năm Việt Nam mở đầu chiến lược thập kỷ thứ ba thế kỷ XXI.
Năm 2020, với Việt Nam, là một năm sẽ tràn đầy và cháy lên khát vọng. Từ đây, mở tầm nhìn mùa xuân năm 2045, rực rỡ khát vọng 100 năm nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Mùa xuân Canh Tý 2020 là năm Đảng trọn vẹn 90 mùa xuân cùng đất nước, để bừng lên khát vọng trông tới 100 mùa xuân Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đối với một con người, cái gì khiến người ta trẻ? Không phải tuổi tác, cũng không phải sức vóc… mà là khát vọng.
Đối với một quốc gia, dân tộc, bí quyết nào khiến nó trở nên hùng cường và bất diệt? Không phải to hay nhỏ, càng không phải sinh ra trước hay sau... mà là khát vọng.
Từ một cá nhân cho đến một quốc gia, dân tộc, không có khát vọng nhất định sẽ không đạt được điều gì như mong muốn cả. Một khát vọng bỏng cháy dù trước hay sau, luôn là điểm xuất phát cho mọi thành công.
Lịch sử nhân loại xác tín, không có một thành công nào của bất cứ ai, bất cứ quốc gia, dân tộc nào mà không được bắt đầu và lớn lên từ hoài bão, khát vọng.
Dân tộc Việt Nam, từ trong trường kỳ lịch sử mấy ngàn năm thăng trầm của mình, không nằm ngoài quy luật ấy của muôn đời, của mọi thời.
Khát vọng Việt Nam độc lập tự do
Khát vọng và hành động vì khát vọng là ngọn nguồn của mọi thành công, mọi kỳ vĩ trên đời.
Vì sao mảnh đất Việt Nam hình chữ S lưng sừng sững tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, trông ra biển Đông đầy sóng gió ôm lấy hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa dù qua muôn trùng binh lửa, thăng trầm, sinh tử suốt mấy ngàn năm qua, nhưng dân tộc độc lập, giang san thống nhất một dọc dài Bắc - Trung - Nam một dải?
Vì sao, sau những trận “động đất lịch sử”, Việt Nam vẫn đứng vững, kiêu hãnh và “tuyệt nhiên định phận” của muôn dân nước Việt, vẫn định vị một nước Việt Nam độc lập trong cộng đồng thế giới?
Bởi khát vọng hòa bình của muôn dân luôn khi âm thầm, lúc sục sôi nhưng chưa bao giờ nguội tắt. Cả dân tộc quyết tử vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, toàn vẹn và thống nhất.
Năm 2020, với Việt Nam, là một năm sẽ tràn đầy và cháy lên khát vọng. |
Không gì tàn bạo hơn những kẻ bóp chết khát vọng của quốc gia, dân tộc khác. Những kẻ đó nhất định bị trừng phạt. Vì thế, trải mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam từng bước đi qua hơn mười cuộc chiến tranh xâm lược sinh tử lớn nhất, hung bạo nhất đến từ mọi phía ở các thời đại.
Dẫu đồng bào đổ máu, hy sinh trong hơn 500 cuộc khởi nghĩa lớn, nhỏ khắp Bắc - Trung - Nam, tất cả vì khát vọng độc lập dân tộc, vẫn vằng vặc bất khuất quốc gia Việt Nam ngày nay, với người chủ là quốc dân Việt Nam, gồm 54 dân tộc anh em sinh ra từ một bọc trứng mẹ Âu cơ vĩ đại.
Nhớ lại cả dằng dặc nghìn năm Bắc thuộc, kẻ thù tưởng đã nhấn chìm dân tộc đắm trong vòng nô lệ thì khát vọng độc lập đã rừng rực cháy trong tâm can, huyết quản của những đứa con sinh từ bọc trứng mẹ Âu Cơ, làm nên một trận Bạch Đằng giang đỏ ngầu máu giặc năm 938, mở ra thời kỳ độc lập nước Nam ta.
Năm 1076, cũng thế, một trận huyết chiến bên sông Như Nguyệt, bằng thế trận lòng dân của đồng bào, cha con nước Việt, đã bất khuất bố cáo khắp thiên hạ như tiếng sét giữa trời xanh: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Một hội nghị Diên Hồng và một tiếng hô muôn dân: “Đánh”, “Cha con một bụng, cả nước đánh giặc” đã ba lần quét sạch gần một triệu giặc Nguyên - Mông xâm lược.
Dù mười năm “nếm mật nằm gai” chống Minh, “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt nào” quyết rửa vết nhục ngoại bang đô hộ “sạch sẽ làu làu”. Chỉ một trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789 làm vang vọng bốn phương bản lĩnh tạc lên trời: “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Mưu người tính, sức muôn dân chống giặc, bình định giang san xã tắc, lấy lại nền thái bình muôn thuở cũng vì khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Mỗi con người, cả cộng đồng thức dậy, toàn dân tộc vùng lên, vì khát vọng cháy bỏng độc lập tự do.
Chỉ với 20 triệu đồng bào, nhưng quyết “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, chỉ 16 ngày tháng Tám năm 1945, dân tộc đã làm một cuộc bẻ gãy xích xiềng nghìn năm phong kiến, cắt phăng vòng nô lệ thực dân quàng cổ dân ta ngót 80 năm làm chấn động lịch sử.
Xuân Ất Mão 1975, chỉ với 55 ngày đêm, bằng đại thắng mùa xuân, với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, hơn 31 triệu đồng bào nước Việt viết nên một trong những trang anh hùng nhất và lẫm liệt nhất trong lịch chống ngoại xâm của dân Việt Nam, giữ vững nền độc lập vô giá, thống nhất giang sơn. Quốc gia Việt Nam độc lập, dân tộc Việt Nam tự do.
Khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trở thành chân lý bất biến, là sự nối tiếp truyền đời của khát vọng quốc gia “Hùng cứ một phương”, “Non sông nghìn thuở vững âu vàng”, “Mở nền thái bình muôn thủa” của ông cha ta chảy suốt mấy ngàn năm; là ngọn nguồn của sức mạnh vô địch làm nên vị thế và danh dự nước Việt Nam, sự bất diệt, trường tồn và phát triển thống nhất cùng trời đất của dân tộc Việt Nam ta.
Khát vọng ấy hun đúc thành khí phách Việt Nam trong cuộc tranh lại và bảo vệ kỳ vĩ nền độc lập tự do vô giá và thiêng liêng của tổ quốc. Việt Nam đã chiến thắng trong tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược của các siêu cường trên thế giới, ở khắp mọi thời, trong lịch sử hoàn cầu.
“Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững
Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”
“Còn non còn nước còn người…
Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường, trong tầm nhìn năm 2030 - 2045.
Năm mươi năm trước, ngày 10 tháng 5 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu như thế. Đó là hoài bão của nước Việt Nam độc lập - Dân tộc Việt Nam tự do - Nhân dân Việt Nam hạnh phúc từ nghìn đời sục sôi và kết tinh thành đỉnh cao cuộc Cách mạng tháng tám năm 1945.
Khát vọng Việt Nam 2020 |
Khát vọng Việt Nam độc lập và hùng cường
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão nhưng cũng tiềm tàng sự bất trắc, thậm chí sinh tử khó lường của thời đại ngày nay.
Lúc này, chúng ta không bảo vệ bằng mọi giá nền độc lập chân chính, sự thống nhất toàn vẹn tổ quốc thì không thế nói tới sự hùng cường bền vững và đích thực.
Không có sự độc lập và hùng cường, chúng ta càng không thể nói tới hạnh phúc vô giá của nhân dân. Đó là hoài bão trọng đại, một sự nghiệp vẻ vang, một động lực to lớn nhưng vô cùng khó khăn, đong đầy gian khổ và cả sự hy sinh, nhưng sẽ làm nên vị thế, sức mạnh và uy tín của nước Việt Nam, nguồn sinh lực vô biên, tiềm tàng bên trong bảo đảm sự trường tồn của dân tộc ta trong thế giới ngày nay.
Đó là thách thức tồn vong phải được hóa giải bằng danh dự, phẩm giá, sức mạnh, uy tín và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Đó còn là hoài bão lớn lao phải được xây nên từ trí tuệ, lương tâm, liêm sỉ, trách nhiệm và bản lĩnh của mỗi người Việt Nam, của hơn 96 triệu đồng bào ta.
Khát vọng ấy nguội tắt thì thất vọng ê chề và cầm chắc sự ươn hèn, bạc nhược và nhất định thất bại.
Khát vọng ấy không chấp nhận những ai tự huyễn hoặc, nói suông, những người do dự, hoang mang, thất vọng, lại càng không thể dung thứ những ai yếm thế, lùi bước, bỏ cuộc và đầu hàng.
Nhưng chỉ biết thổi phồng khát vọng là ảo vọng, buông bỏ khát vọng là thất vọng, thậm chí là đại họa và sớm muộn tự mình rơi vào thúc thủ, bạc nhược, hèn yếu, tụt hậu, lẽo đẽo theo sau người khác, vô hình trở thành tôi tớ, phụ thuộc, nô lệ kẻ khác.
(Còn nữa)
Nhị Lê
Nguồn: vietnamnet.vn
Rạng Đông, Nước sông Đà và khủng hoảng truyền thông
Submitted by nlphuong on Mon, 28/10/2019 - 21:20Các chuyên gia truyền thông đều cho rằng, những sai lầm trong ứng xử trong các sự cố xảy ra tại Rạng Đông và nước sông Đà đã khiến khủng hoảng truyền thông lan rộng.
Cũng có nhiều người nhìn nhận, các sự cố cháy kho hàng Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông hay nguồn nước do Công ty Công ty CP Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) bị nhiễm bẩn dầu thải đã vượt qua phạm vi của một cuộc khủng hoảng truyền thông, bước sang hình thái một sự cố khẩn cấp của địa phương.
Tuy nhiên, nếu xét từ góc độ truyền thông, rõ ràng đây cũng là những sự việc khủng hoảng truyền thông tiêu biểu, mà từ đó có thể rút ra rất nhiều bài học cho các doanh nghiệp khác.
Chúng ta có thể xem lại định nghĩa về khủng hoảng truyền thông “Là một sự kiện ngoài ý muốn dẫn tới mối đe dọa nghiêm trọng đến uy tín của công ty hoặc niềm tin của các bên liên quan”, để xác định sự cố tại các công ty Rạng Đông, nước sạch Sông Đà, hay tại nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng, thậm chí cả tuyên bố của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hay bài viết của thầy giáo Vũ Khắc Ngọc trên Facebook… đều là những vụ khủng hoảng truyền thông có quy mô không nhỏ.
Trong lý thuyết về khủng hoảng truyền thông, các giáo trình quản trị khủng hoảng đều đưa ra nguyên tắc “3C” nổi tiếng khi xử lý các cuộc khủng hoảng. Ba chữ C đó là “Care” (quan tâm), “Communication” (truyền thông) và “Control” (kiểm soát). Hầu hết các cuộc khủng hoảng truyền thông lan rộng đều xuất phát từ việc không tuân thủ các quy tắc này.
Rạng Đông, Nước sông Đà và khủng hoảng truyền thông |
Quan tâm
Quan tâm chính là vũ khí để bảo vệ cá nhân hay doanh nghiệp tốt nhất. Các doanh nghiệp, đơn vị cần quan tâm tới người bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ sự việc, không chỉ về thiệt hại vật chất mà còn về sức khỏe, tâm lý, đến cuộc sống, sự sinh hoạt bình thường của họ... sẽ nhận được sự cảm thông của họ ngược lại.
Trong các sự cố Rạng Đông và nước Sông Đà, người ta thấy thiếu sự quan tâm từ các đơn vị nơi xảy ra sự cố. Trong khi đó, các sự cố này đều ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân, khiến người dân phải tự xoay sở.
Đơn vị đầu tiên thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của người dân sau sự cố Rạng Đông là UBND phường Hạ Đình, với yêu cầu triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp bảo vệ sức khỏe do không khí nhiễm bẩn.
Tuy nhiên sau đó, cơ quan này lại nhanh chóng thu hồi văn bản này, trong khi các cơ quan cấp trên như quận và thành phố không hề có động thái nào tương tự, và Bộ Tài nguyên Môi trường lại đưa ra một khuyến cáo khác, khiến người dân không biết phải nghe ai.
Trong sự cố nước Sông Đà, tại cuộc họp báo với chính quyền thành phố, đại diện công ty cũng không có động thái nào chia sẻ với hàng trăm nghìn người dân đang bị ảnh hưởng, mà chỉ quan tâm đến lợi ích của mình khi khẳng định, họ mới là nạn nhân lớn nhất. Những phát biểu này càng gây bức xúc cho dư luận.
Sự quan tâm muộn màng của nước Sông Đà bằng tuyên bố miễn tiền nước trong tháng xảy ra sự cố cũng chỉ như giọt nước thả vào biển cả, khi họ không nhắc đến những thiệt hại của hàng vạn hộ gia đình bị đảo lộn cuộc sống, phải bỏ ra quá nhiều chi phí để khắc phục sự cố.
Việc quan tâm thể hiện thái độ chân thành và cầu thị đối với các bên bị ảnh hưởng là cách hữu hiệu nhất nhằm “giảm nhiệt” trong các cuộc khủng hoảng truyền thông. “Quan trọng là thái độ” trở thành khẩu hiệu mà các doanh nghiệp cần nhớ nhất khi xảy ra các sự cố tương tự.
Thậm chí, nhiều đơn vị đã thể hiện sự quan tâm đến cả những đối tượng chưa bị ảnh hưởng nhưng có khả năng bị ảnh hưởng. Đơn cử như khi có trường học xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, đã có trường học khác công khai các nguồn cung cấp thực phẩm, chứng chỉ nhà thầu nấu ăn, để giúp phụ huynh yên tâm khi con mình dùng bữa tại trường. Đó là những cách làm khôn ngoan và chiếm được niềm tin của khách hàng.
Ước tính cả triệu người dân bị mất nước. |
Trao đổi thông tin
Khủng hoảng truyền thông tuy có thể xuất phát từ nhiều loại sự cố khác nhau, nhưng đều bùng phát do quá trình truyền thông, nên để xử lý nó, việc truyền thông là hết sức quan trọng.
Các yếu tố quan trọng nhất trong nguyên tắc truyền thông khi xử lý khủng hoảng là nhanh chóng và trung thực. Cũng như sự quan tâm, trung thực là yếu tố dễ nhận được sự thông cảm nhất.
Trong sự cố Rạng Đông, công ty này đã cố tình cung cấp thông tin ban đầu không trung thực về lượng bóng đèn có chứa thủy ngân bị cháy, cho đến khi có kết quả kiểm nghiệm của Tổng cục Môi trường. Sự việc này là nguyên nhân chính khiến cho khủng hoảng truyền thông sau sự cố này lan rộng.
Nguyên tắc truyền thông sau khủng hoảng truyền thông là đa chiều (cần có tiếng nói của tất cả các bên ảnh hưởng hoặc có liên quan đến sự việc). Trong sự cố của Rạng Đông, sau khi người dân bị ảnh hưởng đã lên tiếng trên báo chí, các cơ quan y tế, bảo vệ môi trường, các nhà khoa học chuyên ngành đã có ý kiến, thì chính quyền các cấp và chính công ty lại rất chậm trễ trong việc cung cấp thông tin về nguyên nhân, về phạm vi ảnh hưởng hoặc các khuyến cáo đối với người dân. Sự mất cân đối trong thông tin này khiến tình trạng lo lắng lan rộng, bức xúc tăng cao.
Sự cố nước Sông Đà cũng gặp phải vấn đề tương tự, khi chậm trễ trong việc cung cấp thông tin về sự cố cũng như các biện pháp xử lý. Cách thông tin đưa ra cũng không bài bản, như công văn đầu tiên của họ có quá nhiều lỗi chính tả, cho thấy được soạn thảo rất ẩu, hay những thông tin như “cắt nước vô thời hạn” (dù ngày hôm sau đã cung cấp trở lại), đều là những cách ứng xử thiếu khôn ngoan.
Thông tin mà công chúng nói chung và người bị ảnh hưởng quan tâm nhiều nhất trong các sự cố này là lỗi của ai, xử lý như thế nào. Bài học quan trọng nhất đối với các sự kiện này là cần nhanh chóng nhận lỗi, cho công chúng biết sự việc sẽ được xử lý ra sao. Rất tiếc, đa số các công ty đều thiếu kinh nghiệm trong việc nhận lỗi và nói lời xin lỗi.
Sau 2 tuần xảy ra sự cố, cuối cùng Công ty CP Nước sạch Sông Đà cũng đã đưa ra lời xin lỗi và mong người dân lượng thứ. Nhưng đó là một lời xin lỗi muộn màng vì trước đó, phát biểu của ông Phó Tổng giám đốc công ty rằng sẽ không xin lỗi. Đến nay thì sự cố này đã lan ra quá rộng. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu rằng cần phải xử lý theo luật để răn đe, tránh cho người dân gánh chịu những hậu quả lớn hơn, thì Công ty mới lại xin lỗi.
Thông tin trong xử lý khủng hoảng truyền thông cũng cần đáp ứng một số nguyên tắc khác như tương xứng về nguồn (trả lời vào nơi thông tin tiêu cực xuất phát), khách quan (nên có phát biểu của bên thứ ba hay trung gian để tăng cường niềm tin).
Kiểm soát thông tin
Với bất cứ sự cố nào, “kiểm soát” sẽ khiến sự cố không lan ra thành khủng hoảng truyền thông. Yêu cầu kiểm soát thông tin là phải kiểm soát ngay lập tức từ lúc sự việc phát sinh, và tốt nhất là chủ động cung cấp thông tin, phản hồi ngay thông tin khi công chúng quan tâm. Cả phía Rạng Đông và nước Sông Đà đều không làm được điều này, nên đã để các thông tin tiêu cực về công ty mình xuất hiện rất lâu rồi mới xuất hiện để trả lời, và trả lời cũng không thỏa đáng.
Dù có kiểm soát thế nào, thì khủng hoảng truyền thông vẫn lan truyền theo những tình huống bất ngờ và khó lòng dự đoán được. Các đơn vị xử lý khủng hoảng truyền thông tốt là những nơi nắm rõ nguyên nhân, phạm vi ảnh hưởng, cách xử lý hậu quả và các tình huống sự việc có thể tiếp diễn. Khủng hoảng truyền thông thường lan ra khi doanh nghiệp chậm trễ trong việc tìm ra các yếu tố này, hoặc thông tin sai về nó. Do đó, các nhà quản trị truyền thông đã nhắc rằng, cách tốt nhất để xử lý các cuộc khủng hoảng là chuẩn bị sẵn sàng trước khi nó xảy ra.
Một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải chia sẻ, ngành đường sắt đã xuất hiện ở Việt Nam trên 100 năm, hoạt động giao thông đường sắt gần như liên tục có tai nạn, tai nạn lớn cũng nhiều, nhưng gần như không gây ra khủng hoảng truyền thông vì họ không những có phương án khắc phục cho tất cả các tình huống tai nạn mà luôn cung cấp thông tin kịp thời nhất, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến những người bị ảnh hưởng, cũng như kiểm soát rất hiệu quả các luồng thông tin ra vào.
Một ngành vận tải “nhạy cảm” với truyền thông hơn là hàng không, cũng được vận hành với cách thức tương tự: Tất cả các loại sự cố đều đã được lên phương án xử lý, trong đó, phương án truyền thông là hết sức quan trọng.
Tóm lại, để kiểm soát được thông tin, đơn vị xử lý khủng hoảng truyền thông phải có nhiều thông tin hơn tất cả các nguồn tin bên ngoài. Đây phải là cuộc huy động sức mạnh tổng thể từ tất cả các nguồn thông tin trong và ngoài doanh nghiệp, từ chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng có liên quan, các nhà chuyên môn, báo chí, mạng xã hội, KOL (người có tầm ảnh hưởng định hướng được thông tin) và cả ý kiến những người bị thiệt hại, người bị ảnh hưởng.
Cuối cùng, kiểm soát nguồn đưa tin cũng là yếu tố các doanh nghiệp cần ghi nhớ. Nhiều cuộc khủng hoảng truyền thông lan ra khi các đại diện của doanh nghiệp phát ngôn bất nhất, hay những người không có trách nhiệm, không có đủ thông tin lại tự ý phát ngôn hay chia sẻ thông tin. Xử lý vấn đề này, về nguyên tắc rất đơn giản: Chỉ cần quy định có một người phát ngôn chính thức, duy nhất, và tất cả những người không liên quan không nên đưa ra bất cứ thông tin nào.
Lê Tiên Long/vietnamnet.vn
Hà Nội và cà phê đường tàu Phùng Hưng
Submitted by nlphuong on Sat, 12/10/2019 - 22:15Nếu có thêm một điểm tuy không lớn nhưng khách du lịch thích như đoạn đường tàu phố Phùng Hưng thì cũng hay nếu an toàn được đảm bảo.
Tôi gặp lại Trần Đức Minh, chàng trai thế hệ 10X nhà mặt phố đường tàu Phùng Hưng. Minh thốt lên rằng: Lần này dẹp thật rồi anh ạ, em nghĩ phát triển mà quản lý được mới khó chứ dẹp bỏ thì dễ quá. Tôi biết đoạn phố cà phê đường tàu cách đây một năm. Những ngày đầu chỉ mấy nhà mặt phố thức thời mở bán hàng giải khát. Du khách hồi đó chủ yếu là mấy ông Tây ba lô thích tìm tỏi, khám phá Hà Nội.
Đoạn đường tàu những ngày chưa có ai bán hàng cà phê, giải khát |
Đoạn đường tàu chạy từ Trần Phú đến ga Long Biên khi ấy, hai bên chỉ toàn rác là rác. Lúc đầu một nhóm Tây đi khám phá, rồi check in, rồi mạng xã hội lan toả. Sau này, những người dẫn tour được khách Tây yêu cầu dẫn đến đó. Thọ, bạn tôi, là hướng dẫn viên du lịch vừa cười vừa nói: "Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ nghĩ có một ngày mình đi dọc đường tàu đoạn qua phố Phùng Hưng. Vậy mà công việc buộc tôi phải đi nhiều lần trên đó".
Thọ kể, vài tháng sau khi lượng khách du lịch đông hơn cũng là lúc người dân mở quán kinh doanh. Hai bên đường tàu được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ hơn để giữ chân du khách, người Hà Nội thức thời thật.
"Tôi nghĩ điều đó cũng tốt"- Thọ nhận xét.
Trở lại đường tàu phố Phùng Hưng những ngày này đang "nóng" trên mặt báo, tôi mới biết có hơn 30 gia đình kinh doanh dịch vụ giải khát, trong đó có 4 hộ từ nơi khác đến thuê mặt bằng để kinh doanh. Cảnh quan quanh khu vực được dọn dẹp đẹp hơn, những bức tường ngày xưa nấu bếp than tổ ông đen xì nay đã được vẽ bích hoạ nhiều mầu sắc, mặt tiền các ngôi nhà cũng trở nên đẹp hơn, khang trang hơn dù không phải nhà ai cũng mở cửa kinh doanh. Thay vì nhem nhuốc, bẩn thỉu, các ngôi nhà ở đây đẹp hơn là rất rõ. Du khách thập phương đến đem lại cho họ không chỉ tiền bạc mà còn hơn thế nữa…
Đoàn đường tàu những ngày chưa bị cấm khách du lich |
Trần Đức Minh nhận xét, khách Tây balo đến với cà phê phố đường tàu nhưng họ luôn ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, và đảm bảo an toàn mỗi khi đoàn tàu qua. Trái lại, những vụ tàu phải dừng khẩn cấp khi đi qua đây đều bắt nguồn từ những hành động băng qua đường mạo hiệm của du khách Việt. Hơn chục lần Minh phải chạy ngược đường sắt lên tận đoạn gần ga Long Biên để nhắc nhở nhóm thanh niên người Việt đang mải mê chụp ảnh sống ảo khi sắp có đoàn tàu qua.
Thống kê của đội CSGT đường sắt cho biết chưa có vụ tai nạn nào xẩy ra trên cung đường có dãy hàng quán kinh doanh cà phê trong một năm qua. Có hai lần tàu phải dừng khẩn cấp vì nhóm bạn trẻ mải chụp ảnh trên đường ray, tránh tàu không đảm bảo an toàn nên đoàn tàu dừng lại nhưng không phải đoạn đường có các hộ kinh doanh cà phê mà là đoạn phố cửa Đông, gần ga Long Biên, đoạn này đường nhỏ, hẹp, không có nhà dân ở.
Quán giải khát nhà Minh mỗi ngày đón ba đến bốn trăm khách dừng chân. Minh luôn luôn nhắc nhở du khách mỗi khi sắp có tàu qua nhằm đảm bảo an toàn nhất, Minh nghĩ rằng khách có an toàn thì mình mới an toàn, mối được yên ổn làm ăn.
Anh Đỗ Duy Huân - một người kinh doanh máy ảnh ở Hà Nội khi biết thông tin Hà Nội xoá sổ các điểm kinh doanh cà phê đường tàu Phùng Hưng tỏ ra tiếc nuối. Theo anh Huân, thay vì dẹp bỏ sao Hà Nội không mở rộng và quản lý chặt các hàng quán kinh doanh ở đây, vừa thu hút được khách du lịch, vừa đảm bảo được an ninh trật tự cũng như an toàn giao thông qua đây.
Thái Lan, Ấn Độ... người dân địa phương vẫn phát triển du lịch qua hình thức bán hàng giống ở tuyến đường tàu Phùng Hưng. Đây là một hình thức hấp dẫn du khách vì nó mới lạ, hình ảnh khách du lịch khám phá đoạn đường tàu nếu ở các phương phát triển là hiếm, mà những thứ hiếm thì sẽ hút khách. Hà Nội đang rất thiếu các điểm đến, các loại hình kinh doanh du như vậy, nên tạo điều kiện phát triển có sự quản lý của cơ quan chức năng thay vì dẹp bỏ.
Bản thân khoảng hơn 30 hộ dân kinh doanh cà phê nơi đây bao nhiêu năm qua vẫn sinh sống như vậy, giờ du lịch được mở ra, họ rất sợ nếu du khách đến tham quan mà xảy ra tai nạn. Chỉ một sự cố xẩy ra họ sẽ mất khách. Dễ thấy hình ảnh trước giờ tàu chạy, mỗi gia đình có cửa hàng kinh doanh đều luôn tay, luôn chân nhắc nhở du khác giữ khoảng cách an toàn...
"Tôi đã đến các điểm kinh doanh hai bên đường tàu ở Thái Lan, chính quyền quản lý rất chặt, nhưng luôn tạo điều kiện kinh doanh cho người dân một cách tốt nhất, cũng là cách thu hút và giữ chân khách du lịch", Thọ chia sẻ khi biết Hà Nội sẽ dẹp các hộ dân kinh doanh đoạn đường tàu phố Phùng Hưng.
Khách du lịch đến Hà Nội năm sau tăng cao hơn năm trước, Hà Nội làm rất nhiều việc để níu chân du khách ngoài dịch vụ lưu trú còn thêm các dịch vụ khác như không gian đi bộ quanh hồ Gươm, xe buýt du lịch, các điểm đến tham quan Nhà hát Lớn, các bảo tàng...Nếu có thêm một điểm tuy không lớn nhưng khách du lịch thích như đoạn đường tàu phố Phùng Hưng thì cũng hay nếu an toàn được đảm bảo.
Nếu quản lý được tốt thì nên khuyến khích chứ không nên dẹp, vì để tạo được một điểm đến đông du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham quan như vậy rất khó. Nếu đứng từ góc nhìn nhà quản lý thì nên tạo điều kiện mở tour du lịch đường sắt nối liền với cầu Long Biên - cây cầu hơn trăm tuổi gắn liền với Hà Nội- cũng là một cách kinh doanh du lịch có thể hấp dẫn du khách.
Đừng nhìn những người bán cà phê trên phố đường tàu Phùng Hưng là các hộ kinh doanh, vì bao nhiêu năm nay không bán cà phê họ vẫn sống bình thường. Hãy nhìn họ dưới lăng kính hướng dẫn viên du lịch, hàng ngày hàng giờ họ vẫn “chăm sóc” khách du lịch, vẫn căng mình bảo vệ an toàn cho những vị khách phương xa đến tham quan Hà Nội.
Phạm Hải/vietnamnet.vn
Thông tư Made in Vietnam và những câu hỏi chưa có lời đáp
Submitted by nlphuong on Sat, 28/09/2019 - 15:20Những quy định chưa rõ ràng rất khó để doanh nghiệp biết sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu “sản phẩm sản xuất ở Việt Nam” hay không.
Dự thảo thông tư của Bộ Công thương về sản phẩm của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam hướng tới mục tiêu lớn lao là phân xử sản phẩm, hàng hóa thế nào là sản xuất tại Việt Nam. Nhưng những quy định tại dự thảo này dường như không đáp ứng được mục tiêu ấy.
Vẫn khó xác định hàng Việt Nam
Gần đây, lo ngại về tình trạng “hàng Tàu đội lốt hàng Việt” được thổi bùng lên đã đặt ra yêu cầu bức thiết cần có một văn bản quy phạm pháp luật để xác định thế nào là sản phẩm của Việt Nam, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam
Đặc biệt, khi Vụ Asanzo nổ ra, nhu cầu đó trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Khoảng trống luật pháp trong việc xác định thế nào là hàng hóa của Việt Nam, được sản xuất tại Việt Nam cần phải được bịt lại, hoặc làm rõ để hỗ trợ hay trừng trị doanh nghiệp này hay hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp khác trong lĩnh vực sản xuất.
Doanh nghiệp bị “tố” gian lận xuất xứ vì nhập khẩu hầu hết linh kiện từ nước ngoài, cho dù họ đã nỗ lực chứng minh có hoạt động nghiên cứu, tạo thương hiệu để sản xuất ra sản phẩm TV phù hợp nhu cầu của một bộ phận khách hàng Việt Nam. Việc phân xử đúng – sai là khá mong manh, hay không thể khi khoảng trống pháp lý còn bỏ ngỏ.
Cho nên Thông tư này được xây dựng với một mục tiêu duy nhất, như lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ, là để phân xử trong những trường hợp như vậy. Tất nhiên, thông tư đó còn tác động đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp sản xuất khác, trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Khi Vụ Asanzo nổ ra, quy định về made in Viet Nam trở nên bức thiết hơn bao giờ hết |
Theo dõi những tranh luận gần đây từ nhiều phía đối với dự thảo thông tư này, tôi băn khoăn tự hỏi, liệu những quy định của nó có đảm đương được chức năng phân xử đúng – sai hay không, có tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất hay không? Câu trả lời đến giờ là: Chưa chắc!
Chẳng hạn, quy định hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% và vượt qua được giai đoạn gia công đơn giản thì mới được dán nhãn sản xuất tại Việt Nam. “Hàm lượng giá trị gia tăng” bao gồm nguyên liệu đầu vào, chi phí nhân công trực tiếp, nhà xưởng, các chi phí khác, lợi nhuận… và cả “chất xám”, tức khâu nghiên cứu, phát triển, thiết kế và chế tạo.
Nếu như chi phí nguyên liệu, nhân công… có thể dễ dàng đong đếm được, thì chi phí liên quan đến “chất xám” sẽ là một trở ngại về sau để đánh giá một hàng hóa thế nào là sản xuất tại Việt Nam, hàng Việt Nam.
Câu chuyện ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam chia sẻ tại buổi lấy ý kiến góp ý ngày 25/9 chắc chắn sẽ là thách thức cho bất cứ cơ quan nào “cân đo” hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm.
"Sữa bột cho trẻ em, nguyên liệu bột nhập về nhưng công thức để tạo ra dòng sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với trẻ em Việt Nam thì phải thuê nhà nghiên cứu. Hàm lượng chất xám cao nhưng hàm lượng nguyên liệu đầu vào thì có lẽ không đạt trên 30%”, đó là trường hợp được ông Trung dẫn ra để băn khoăn loại hàng đó có được ghi là hàng Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam hay không.
Quá nhiều rắc rối để tuân thủ
Bên cạnh đó, Khoản 2 điều 4 dự thảo Thông tư nói rằng tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ sau đây để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam: Sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam; Hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam; Sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất; Chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo; Chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác. Quy định quá rộng như vậy là rất khó cho các nhà sản xuất.
Nhìn vào cách ghi này, doanh nghiệp chắc chắn không khỏi hoang mang khi không rõ dùng cụm từ nào để ghi lên sản phẩm của mình, nhất là khi cũng chưa có hướng dẫn thế nào là hàng hóa chế tạo tại Việt Nam, chế tác tại Việt Nam.
Nếu doanh nghiệp không chắc ghi như thế nào cho đúng, muốn có một cơ quan nhà nước đứng ra xác nhận thì liên hệ ở đâu? Đó là câu hỏi chính đáng chứa đựng nỗi lo của không ít doanh nghiệp được đặt ra.
Vụ thị trường trong nước, hay Tổng cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương hay là đơn vị nào, dự thảo thông tư cũng chưa làm rõ được.
Không giải quyết được việc này, thông tư này sẽ khiến doanh nghiệp lạc vào “rừng quy định”, bế tắc không có lối ra. “Ghi theo sự hiểu biết của doanh nghiệp” như cách đại diện Bộ Công Thương trả lời doanh nghiệp không khác gì đánh đố. Đại diện Asanzo chẳng phải đã nói ghi theo cách hiểu tốt nhất của doanh nghiệp đó sao.
Một điều đáng lo ngại hơn cả là chi phí tuân thủ. Thông tư này nếu ban hành sẽ tác động đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Dù hiện nay doanh nghiệp vẫn phải ghi nhãn hàng hóa thể hiện nội dung xuất xứ theo quy định tại Nghị định 43, nhưng thông tư này ra đời với những cụm từ mới như kể trên sẽ khiến doanh nghiệp phải mất thêm chi phí tuân thủ. Nhất là với doanh nghiệp hiện vừa có hàng xuất khẩu, vừa có hàng tiêu thụ nội địa, có thể họ sẽ phải làm thêm một công việc nữa là phân loại hàng tiêu thụ nội địa riêng để ghi thêm cụm từ “Sản phẩm của Việt Nam”, hay “Hàng hóa của Việt Nam”, “Sản xuất tại Việt Nam”… nếu muốn đưa hàng ra lưu thông ngoài thị trường.
Liệu sau này có "đẻ" ra thêm cơ quan cấp giấy xác nhận nào đó không"? Cơ quan nào cấp phép? Của Bộ Công Thương hay bộ nào? Cơ quan đó đóng ở đâu? Ở Hà Nội hay các tỉnh? Doanh nghiệp sẽ tốn thêm bao nhiêu chi phí, thời gian và công sức để đăng ký? Và nếu không thể đăng ký, liệu họ có đối diện với rủi ro pháp lý?
Xét cho cùng, ý nghĩa, mục đích của việc ban hành thông tư này là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu không giải quyết được những băn khoăn kể trên, thì thông tư này rất khó thực hiện được chức năng phân xử về “xuất xứ hàng hóa” để tiêu thụ nội địa, và vì thế nó chỉ tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp mà thôi.
Đó là chưa kể “cái giá phải trả” khi doanh nghiệp không dám đầu tư nhà máy. Bởi những quy định chưa rõ ràng rất khó để doanh nghiệp biết sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu “sản phẩm sản xuất ở Việt Nam” hay không.
Lương Bằng/vietnamnet.vn
View và chuyện ‘cơm áo gạo tiền’ của báo chí
Submitted by nlphuong on Sat, 22/06/2019 - 16:15“Trong miếng bánh quảng cáo online thì Facebook và Google ăn hết phần lớn, phần còn lại cho báo online chỉ chút xíu vài phần trăm mà thôi”.
Cách đây ít hôm, tôi có một tranh luận nho nhỏ về chủ đề view trên báo chí online. Một người nói giọng phê phán, các anh giờ có xu hướng chạy theo “sốc sếch sến”, toàn “giật tít câu view”. Tôi không phủ nhận xu thế này, nhưng giải thích rằng, view là thước đo để báo chí sống được. Các khách hàng thường căn cứ vào view – độ phủ của tờ báo đến độc giả - để ra giá quảng cáo. View cao còn có quảng cáo, view thấp thì chả ai quan tâm. Rất nhiều tờ báo hiện nay đã tự chủ về tài chính, không được “bao” bất kỳ thứ gì từ Nhà nước mà không có view thì “chết”.
Tất nhiên, tôi bổ sung thêm, ngoài view thì chúng tôi vẫn cần những bài báo nghiêm túc, tử tế, tốn công sức để làm tăng uy tín của tờ báo. Tóm lại, chúng tôi phải đi hai chân, một bên là view, bên kia là bài tử tế nhưng ít view giúp làm tăng uy tín của tờ báo. Một cơ quan báo chí đâu có khác gì một một doanh nghiệp, cũng phải lo đầu vào, đầu ra, lo “cơm áo gạo tiền”. Hơn nữa, báo chí còn lại phải gánh vác nhiều nhiệm vụ chính trị khác để làm “công cụ” nữa. Giải thích của tôi chắc là thuyết phục được mấy vị đó nên câu chuyện chuyển sang đề tài khác.
Chuyện ‘cơm áo gạo tiền’ của báo chí không ít khi được tính qua view. Ảnh Vneconomy. |
Những cuộc tranh luận như thế này thực tế đã bắt đầu từ lâu nhưng gần đây càng nổi lên nhiều hơn trong làng báo, nhất là báo online. Nhiều đồng nghiệp của tôi kể, bài báo mà không được 300 view thì không có một xu nhuận bút; có báo không chấm nhuận bút khi bài không đạt 2.000 view; thậm chí có báo mà bài đến 10.000 view mà vẫn không có nhuận bút. Không ít tờ báo ra quy chế về nhuận bút, trong đó tiêu chí view là quyết định. Nhiều đồng nghiệp kể, họ không có nhuận bút vì tin bài không đủ view. Đó là một thực tế đầy nghiệt ngã mà ít người làm ngành nghề khác hình dung được.
Còn nhớ, năm 1997 khi bắt đầu làm báo, tôi nhận những đồng nhuận bút đầu tiên, khoảng 200-300 ngàn đồng cho mỗi bài và khoảng gần 100 ngàn cho mỗi tin - không phải quá dư dả nhưng cũng kha khá để sống. Một số đồng nghiệp ở các báo lớn khác còn cho biết, mức nhuận bút của họ còn cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.
Nay thì sao? Mức nhuận bút hiện nay vẫn giữ nguyên ở ngay chính các tờ báo đó, sau hơn 20 năm. Mọi so sánh là khập khễnh nhưng cần nhắc lại, hồi đó báo chí cũng chịu tác động rất lớn từ khủng hoảng tài chính khu vực mà vẫn trả được nhuận bút như ngày nay; và ngày nay, sau bao biến động bất ổn vĩ mô, lạm phát cao, kéo dài mà mức nhuận bút vẫn như cách đây hai thập kỷ thì quả là rất đáng buồn.
Nhưng đó là thực tế không thể chối bỏ.
Kinh tế báo chí đang là vấn đề lớn, đại sự, đặc biệt với những tờ báo tự chủ về tài chính, không còn được rót một xu, một cắc nào từ bầu sữa ngân sách, không được ưu ái về trụ sở, về cơ sở vật chất, thuế má...
Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí mà thôi. Một khía cạnh khác, nhuận bút cho phóng viên không cao lên được do đầu vào, hay nguồn thu của báo chí, nhất là online, đang có vấn đề nghiêm trọng.
Theo ANTS và một vài nguồn tin khác, được ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Tập đoàn truyền thông Le Bros trích dẫn trong loạt bài đăng trên Tuần Việt Nam, doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam năm 2010 khoảng 26 triệu USD, trong đó miếng bánh cho Google còn rất nhỏ và Facebook gần như không có gì. Đến năm 2018, tổng doanh thu trực tuyến chúng ta đạt tới 550 triệu USD, và điều đáng nói là Facebook và Google cộng lại là 387 triệu USD, chiếm gần hết số doanh thu này. Dự báo hết năm nay tổng doanh thu ngành quảng cáo trực tuyến sẽ gia tăng lên khoảng 630 triệu USD, và doanh thu tương ứng của Facebook và Google tăng lên theo, tổng cộng khoảng 450 triệu USD. Trong khi đó, tỷ lệ cơ quan báo chí được hưởng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến giảm xuống 31% năm 2018 và tiếp tục giảm xuống 29% năm 2019 so với 81% của 2010.
Những số liệu đó rất tương đồng với số liệu của Kantar Media, một công ty tư vấn dữ liệu hàng đầu thế giới, về doanh thu quảng cáo online ở Việt Nam ở bảng dưới đây:
Miếng bánh quảng cáo online cho báo chí (màu vàng) còn tẻo teo, nguồn Kantar Media. |
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch Công ty NBN Media phân tích, bảng trên cho thấy bức tranh chi cho quảng bá trên các kênh truyền thông trong 12 năm qua ở Việt Nam, ở đó tivi luôn chiếm ít nhất 70% tổng chi tiêu quảng cáo, có năm lên đến 88%, còn phần “bánh” của các loại hình truyền thông khác “bé xíu”, có năm chỉ còn chừng 12%. Từ 2016 media online bắt đầu bùng nổ nên chi cho các kênh trực tuyến có khá hơn, có năm lên được trên 20% tổng chi. Tuy nhiên, các loại hình truyền thông khác ngoài Tivi yếu đi nhanh, thậm chí gần như bị dẹp (báo in), nên phần chi cho các kênh truyền hĩnh vẫn chiếm 70% chi tiêu.
Trong khi đó, do các nền tảng Google và Facebook lại chiếm phần lớn quảng cáo của các kênh trực tuyến, nên các loại hình truyền thông trên Internet, trong đó có báo online, của Việt Nam còn khá ít. Trong bảng trên, phần bánh cho các báo online ở Việt Nam ngày càng suy giảm theo thời gian, và đến nay chỉ còn vỏn vẹn vài phần trăm.
Ông Ngọc nói: “Trong miếng bánh quảng cáo online thì Facebook và Google ăn hết phần lớn, phần còn lại cho báo online chỉ chút xíu vài phần trăm mà thôi”.
Như vậy, những nhà báo và các cơ quan báo chí, những nơi làm ra nội dung, được hưởng lợi rất ít, không tương xứng trong miếng bánh quảng cáo, dù miếng bánh đó đã to ra đáng kể. Phần lớn miếng bánh đó đã được dành hết cho Google và Facebook, nơi chỉ cung cấp nền tảng công nghệ chứ không đóng góp một chút gì về nội dung. Tất nhiên, những nền tảng đó mang lại nhiều giá trị cho chính báo chí, nhưng những giá trị cao nhất về bản quyền, về tài chính bị coi nhẹ, phớt lờ. Vậy có công bằng hay không?
Trong khi đó, xét về khía cạnh kinh tế, báo chí là một ngành kinh tế. Tuy nhiên, dù đã tự chủ, nhưng nhiều tờ báo chưa bao giờ được cư xử như là các đơn vị có doanh thu, còn ngành báo chí cũng chưa bao giờ được đối xử như là một ngành kinh tế do vai trò là “công cụ”. Tin bài cũng như sản phẩm của doanh nghiệp. Tin bài có chất lượng, thõa mãn nhu cầu của bạn đọc thì người ta mua, không thì người ta không mua. Tin bài không hay mà cho không, hay bắt đọc người ta cũng không đọc. Đó là chưa nói, báo chí vẫn là công cụ để Nhà nước phổ biến các chính sách, luật pháp, chỉ đạo, điều hành. Không phủ nhận vai trò “công cụ” nhưng lẽ ra, cần tách bạch, phân định các vai trò này thì tốt hơn cho báo chí.
Khi còn làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Lê Doãn Hợp đã không ít lần đề nghị cần có quỹ xuất bản để tài trợ cho các tác phẩm tốt, trong đó có báo chí. Ông nói đầy tiếc nuối: “Xoá bao cấp là xoá những cái cần xoá để có tiền bao cái cần bao”. Cho nên báo chí, xuất bản hay một số ngành nghệ thuật phải “bao” vì báo chí là công cụ của Đảng và Nhà nước nên cần có sự đóng góp, hỗ trợ của Nhà nước ngược lại cho báo chí. Rất tiếc, ý định này chưa thành hiện thực.
Ngày Nhà báo 21/6 đã qua đi, cũng như đã qua đi những lời chúc mừng, vinh danh. Tôi vẫn muốn chúng ta trầm lại một chút để nói và chia sẻ về đề tài kinh tế, tài chính, hay chuyện “cơm áo gạo tiền” đang đè nặng lên nhiều cơ quan báo chí, nhiều đồng nghiệp mỗi ngày.
Tư Giang/vietnamnet.vn
Ngày Sách Việt Nam 21/4: Nỗ lực để việc đọc sách trở thành phong trào lan tỏa trong cộng đồng
Submitted by nlphuong on Wed, 17/04/2019 - 08:00Những năm gần đây, phong trào đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc đang được hình thành, phát triển và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều phong trào, mô hình đọc sách, phát triển văn hóa đọc đã ra đời trên khắp mọi miền Tổ quốc, được người dân đồng tình, hưởng ứng. Trong đó, đáng chú ý là chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" do anh Nguyễn Quang Thạch trực tiếp xây dựng, vận hành.
Xây dựng thói quen đọc sách
Sách hoá nông thôn là phong trào xây dựng văn hóa đọc ở nông thôn Việt Nam được anh Nguyễn Quang Thạch ứng dụng thực tiễn từ năm 2007 sau 10 nghiên cứu, thiết kế lộ trình cho một cuộc cách mạng thư viện dân sự.
Anh cho biết: Những năm gần đây, phong trào đọc sách và đề cao văn hóa được đã được quan tâm hơn, nhiều người dân hưởng ứng hơn. Thế nhưng vẫn cần thẳng thắn nhìn vào thực tế là văn hóa đọc chưa được phát triển rộng khắp. Bởi lẽ trước năm 1945, hơn 90% dân số nước ta mù chữ. Từ năm 1945 -1975, toàn dân tham gia kháng chiến chiến trường kỳ, giải phóng đất nước, rất ít người có thời gian đọc sách. Đất nước hòa bình, người dân lại phải ưu tiên, lo lắng phát triển kinh tế gia đình, thêm vào đó Việt Nam còn thiếu tư duy vĩ mô về thư viện, nên chưa tạo thành thói quen đọc cho số đông dân chúng.
Anh Nguyễn Quang Thạch đã tiến hành phỏng vấn cá nhân và tập thể với trên 3.000 học sinh, sinh viên và người lao động trong chuyến đi bộ từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh để tăng tốc chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" trong năm 2015.
Kết quả cho thấy chỉ có 38 người biết đến cuốn sách “Những tấm lòng cao cả”; 20 người biết đến “Robinson Cruiso” và tập thơ “Góc sân khoảng trời”. Đây là 3 tác phẩm được trích dẫn trong sách giáo khoa nhưng rất ít trẻ em biết đến.
Các số liệu bình quân số đầu sách được đọc của người Việt do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra dao động từ 0,8 đến 4 cuốn sách/năm gồm cả sách giáo khoa và giáo trình.
Tình trạng ít đọc sách khá trầm trọng đối với khu vực nông thôn. “Qua các khảo sát trên diện rộng và trong 20 năm qua, cho thấy ở nông thôn, ngoại trừ một số gia đình giáo viên, các gia đình khác hầu như không có cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa, sách bài tập nâng cao của học sinh. Gia đình thiếu sách như vậy thì học sinh không thể có thói quen đọc sách. Tuổi học trò không hình thành thói quen đọc sách thì khi lớn lên rất khó có thói quen đó”- anh Thạch cho biết.
Từ sự thiếu sách trầm trọng, sự thiếu vắng hệ thống thư viện cấp xã, sự vận hành chưa hiệu quả của hệ thống thư viện trường học là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự ít đọc của người dân nông thôn.
Ngoài ra, sự thiếu vắng chiến lược xây dựng văn hóa cộng đồng, lấy tri thức làm chủ đạo chưa thể kích thích được tiềm năng đọc sách trong cộng đồng. Mặt khác, nhiều ngôi làng xây dựng cổng làng hết hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng chỉ để ganh đua với làng khác. Trong khi đó, một tủ sách với vài trăm đầu sách trị giá khoảng 8-10 triệu đồng thì rất hiếm làng làm được. Nói chung sự đọc ở nông thôn đang ở mức cận con số “không” - ảnh hưởng đến phát triển đất nước, anh Thạch nói.
Nỗ lực đáng ghi nhận
Ngày sách Việt Nam ra đời (từ tháng 2/2014) góp phần tạo nhận thức xã hội về ý nghĩa của việc đọc sách. Đặc biệt, tạo “tác động mềm” để xã hội quan tâm đến sinh hoạt sách từ địa phương đến bộ ngành.
Công văn số 6841/BGDĐT-GDTX ngày 31/12/2015 về việc đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông và mầm non là bước tiến của Bộ GD&ĐT trong việc đưa sáng kiến dân sự vào áp dụng trong hệ thống giáo dục.
Cụ thể là việc nhân rộng mô hình Tủ sách phụ huynh/Tủ sách lớp học - một sáng kiến của các nhóm dân sự đến các lớp học. Các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương, Vũ Thư (Thái Bình), các tỉnh Nam Định, Đồng Tháp, Phú Yên và một số tỉnh khác đã tiếp nhận, áp dụng mô hình Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp em, Tủ sách lớp học, Tủ sách dòng họ do chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" thiết kế và ứng dụng. Tỉnh Thái Bình và Nam Định đã có khoảng 17.000 Tủ sách phụ huynh/Tủ sách lớp em/Tủ sách lớp học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mừng tuổi sách và vận động học sinh dùng tiền mừng tuổi để mua sách, tặng sách bạn bè, lớp học vào dịp Tết 2019. Bộ TT&TT, Bộ Công An cũng phát động việc tặng sách trong dịp Tết 2019. Hình ảnh này đã tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, giúp phụ huynh và học sinh nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc đọc sách, góp phần xây dựng văn hóa đọc.
Các tổ chức, cá nhân cũng tích cực vào cuộc nhằm phát triển văn hóa đọc. Điển hình trong xây dựng thư viện phục vụ cộng đồng là cựu chiến binh Bùi Đình Thăng ở thôn Đoàn Đào (xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Ông Thăng đã xây dựng thư viện từ cuối thập niên 1990 phục vụ bạn đọc gần 20 năm qua. Thư viện của ông Phạm Thế Cường (số 352 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) được thiết lập vào năm 2008, nay có gần 30.000 đầu sách phục vụ bạn đọc. Nhóm bác sĩ Hồ Đắc Duy khởi động Tủ sách giải trí và giáo dục vào cuối năm 2006, đến nay nhóm đã có khoảng 1.000 tủ sách.
Chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" thí điểm các tủ sách đầu tiên vào tháng 3/2007 đến nay đã góp phần tạo ra phong trào đưa sách về nông thôn ở nhiều nơi. Đặc biệt là từ 2015 đến nay, nhiều nhóm đưa sách về nông thôn với nhiều tên gọi khác nhau được thiết lập và hàng chục ngàn tủ sách lớp học, dòng họ, xứ đạo, nhà tù, gia đình chiến sĩ…được xây dựng. Hơn 1 triệu người dân nông thôn, đặc biệt là trẻ em được hưởng lợi...
Tặng Tủ sách lớp em ở Phú Yên |
Các mô hình tủ sách do chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" nghiên cứu, ứng dụng và nhân rộng có giá thấp, rất dễ làm. Những người nông dân của huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã góp 50.000 đồng cho năm đầu tiên để làm Tủ sách phụ huynh trong lớp học. Từ năm 2014 đến nay, học sinh ở đây đã dùng 3 tỷ đồng tiền mừng tuổi mua khoảng 150.000 bản sách cho các tủ sách mà cha mẹ gây dựng nên.
Ngoài trường học, "Sách hóa nông thôn Việt Nam" đã nhân rộng tủ sách đến các dòng họ, xứ đạo, gia đình chiến sĩ, nhà chùa, nhà tù…ở Việt Nam.
Các không gian đọc “Hi vọng”, “Niềm tin” do người khuyết tật xây dựng và quản lý ở Thái Bình đã và đang truyền cảm hứng đến nhiều người trong xã hội. Tủ sách Nghĩa Dũng Karate đã thiết lập mạng lưới tủ sách đến hơn 1.000 võ đường trên toàn quốc và trao tặng nhiều trăm tủ sách đến các lớp học ở Phú Yên, Huế…
Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam cũng thí điểm “Mừng tuổi sách” từ Tết Nguyên đán năm 2014 đến nay đã thành hoạt động của nhiều nhóm nhân rộng tủ sách, cá nhân và các tổ chức trên cả nước.
Cần thêm nhiều giải pháp tích cực
Hơn 10 năm qua, với nỗ lực của cả người dân và Nhà nước bước đầu đã tạo ra những sự thay đổi tích cực trong văn hóa đọc ở cộng đồng. Tuy nhiên, anh Nguyễn Quang Thạch cho rằng: Kết quả vẫn mới chỉ là vài "hàng gạch" cho một ngôi nhà 5 tầng cần xây dựng.
Để ngôi nhà đó được hoàn thiện, bền chắc, anh kiến nghị: Bộ GD&ĐT cần xây dựng tiêu chuẩn khuyến đọc và thư viện. Bộ tiêu chuẩn phải bao gồm cấu trúc thư viện đến từng lớp học. Việc xây dựng tủ sách và phong trào khuyến đọc ở trường và ở nhà là nhiệm vụ của tất cả hiệu trưởng, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và học sinh, trong đó nêu rõ chỉ tiêu số đầu sách tối thiếu trẻ em nghe, đọc hàng năm.
Hàng năm, ước tính học sinh Việt Nam có hơn 1.500 tỷ đồng tiền mừng tuổi, chỉ cần đưa tiêu chí Tủ sách lớp em, Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp học vào Tiêu chuẩn thư viện trường học, mỗi năm có ít nhất 30 triệu bản sách đến các lớp học nông thôn và đô thị, hơn 18 triệu học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông có sách nghe và đọc. Bộ GD&ĐT cũng cần có tổ chức, đơn vị chăm lo việc khuyến khích đọc sách để đánh thức tiềm năng nghe và đọc sách của hơn 22 triệu học sinh, sinh viên.
Các bộ ngành từ trung ương đến địa phương hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, Ngày quốc tế Thiếu nhi, Ngày Tết Nguyên đán và năm mới bằng cách tặng sách, mừng tuổi sách trẻ em, đồng nghiệp để hình ảnh sách đi vào tâm trí xã hội. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Khuyến học cần đưa “tủ sách” thành tiêu chí của làng văn hóa, dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học để tạo nhân thức sâu về khuyến học; đưa hoạt động đọc sách và chia sẻ tri thức vào hội làng.
Anh Nguyễn Quang Thạch cũng đề xuất Bộ TTTT nghiên cứu thiết lập hệ thống thống kê đọc sách hàng tháng, hàng quý và năm, thống kê lượng sách tại các lớp học, thư viện trường học, đại học và trong cộng đồng trên toàn quốc nhằm cung cấp dữ liệu cho thiết kế, điều tiết vĩ mô, các giải pháp kỹ thuật để tạo cơ hội thu nhận tri thức bình đẳng giữa các vùng miền, giữa nông thôn, đô thị....
Mỹ Bình
Ngoài hạ tầng, Việt Nam cần chuẩn bị gì thêm cho 5G?
Submitted by nlphuong on Thu, 17/01/2019 - 06:25Với định hướng 5G là động lực chính để phát triển nền kinh tế số và công nghiệp 4.0 tại Việt Nam trong thời gian tới. Vậy, Việt Nam cần chuẩn bị gì để hiện thực được tầm nhìn 5G.
9 công nghệ nổi bật năm 2018
Bằng cách phân tích chuyển động (bản tin trên báo mạng và bài đăng trên mạng xã hội) theo các từ khóa như 5G, blockchain (chuỗi khối)… của hơn 500 tổ chức lớn toàn cầu ngành Công nghệ và tài chính năm 2018, chúng ta nhận thấy 5G là công nghệ mới nóng nhất hiện nay với tổng cộng 3.805 các bài viết được đăng tải, nóng hơn cả công nghệ chuỗi khối mã hóa blockchain với 2.153 bài viết.
Số liệu phần nào củng cố vững hơn cho tầm nhìn 5G, Việt Nam muốn có lợi thế về kinh tế số thì phải có lợi thế về hạ tầng số, nghĩa là phải mạnh về hạ tầng mạng lưới số.
Tổng hợp chuyển động công nghệ nổi bật 2018, Nguồn: litbi 4.1 |
Bên cạnh công nghệ 5G, chúng ta thấy các công nghệ khác cũng được quan tâm trong năm 2018 như công nghệ chuỗi khối mã hóa Blockchain giúp tăng an toàn và hiệu quả giao dịch số, công nghệ tí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning) giúp tối ưu hóa khả năng xử lý và phân tích dữ liệu lớn, công nghệ tự động hóa Autonomous giúp tối ưu sức lao động.
Quan sát người dẫn đầu 5G
Cách làm cơ bản để trở thành một trong những quốc gia chủ động với mạng 5G là, quan sát phân tích sâu các thị trường và tổ chức dẫn đầu về 5G trên thế giới, học hỏi ứng dụng cái hay phù hợp bản địa và tránh các sai lầm họ đã mắc phải. Với cách tiếp cận này, Việt Nam cần tìm cách thúc đẩy phát triển một cách cơ bản hoạt động tự nghiên cứu cũng như làm chủ các công nghệ mới cốt lõi cho hạ tầng số.
Có thể xem Trung Quốc là ví dụ điển hình cho văn hóa nghiên cứu và làm chủ công nghệ mới khá thành công trên thế giới: với sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, nhà mạng lớn nhất Trung Quốc China Mobile đã tự phát kiến mạng 3G, 4G và 5G theo chuẩn riêng cho thị trường nội địa trong nước. Tại Việt Nam, nhà mạng Viettel định hướng làm chủ công nghệ ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, và hiệu quả đến nay cũng rất khả quan. Tuy nhiên, Việt nam cũng cần xác định công nghệ mũi nhọn liên quan 5G để nghiên cứu làm chủ hoặc tích hợp thành tựu từ các đối tác toàn cầu, tránh làm những cái không cần thiết và vượt ngoài khả năng.
15 tổ chức có nhiều chuyển động về 5G năm 2018, Nguồn: litbi 4.1 |
Hình minh họa cho thấy hiện có 6 nhà cung cấp công nghệ liên quan 5G nổi bật trong năm 2018, đó là Ericsson của Thụy điển, Nokia của Phần Lan, Qualcomm và Intel tại Mỹ, Huawei Trung Quốc và Samsung tại Hàn Quốc.
Trong đó, Ericsson có nhiều chuyển động nhất về 5G trong năm 2018. Bên cạnh các tổ chức công nghệ, các nhà mạng tại Mỹ, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang rất tích cực tham gia vào 5G. Bằng việc nghiên cứu và theo dõi chuyển động liên tục của các tổ chức này, cũng là bước đi đầu tiên cần thiết để giúp các nhà mạng Việt Nam thu hẹp khoảng cách công nghệ.
Hệ sinh thái và công nghệ mềm bổ trợ 5G
Theo lộ trình, dự kiến năm 2020 chúng ta sẽ thương mại hóa 5G; tối thiểu tại hai thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội, và để hiệu quả thương mại từ mạng 5G cao thì Việt Nam nên xem xét có lộ trình thúc đẩy phát triển các công nghệ mềm bổ sung sức mạnh và tăng hiệu quả thương mại cho mạng 5G sớm. Vì mạng 5G chỉ có hiệu quả thương mại cao nếu có hệ sinh thái và công nghệ mềm bổ trợ phù hợp với 5G, ngược lại mạng 4G đã đủ đáp ứng các nhu cầu hiện tại và cho tương lai ngắn hạn. Ví dụ lượng dữ liệu lớn sinh ra từ mạng lưới cảm biến phủ khắp thành phố thông minh hoặc từ hệ thống giao thông tự hành từ mạng 5G cần được phân tích xử lý tự động, tức thì và chuẩn xác với công nghệ trí tuệ nhân tạo và máy học, thiếu hay yếu năng lực này sẽ không thể khai thác tốt nguồn dữ liệu sinh ra từ mạng 5G.
Hoạt động nghiên cứu 5G của Ericsson năm 2018, Nguồn: litbi 4.1 |
Điểm qua một số hoạt động nghiên cứu nổi bật về 5G năm 2018, chúng ta thấy có ít hoạt động nghiên cứu lớp mạng lưới 5G, mà phần lớn tập trung nghiên cứu cách thức ứng dụng và khai thác mạng 5G, ví dụ như sự cộng tác nghiên cứu cách khai thác dữ liệu lớn sinh ra từ 5G giữa nhà cung cấp dịch vụ số lớn nhất Trung Quốc Tencent và Nokia, về ứng dụng AI vào 5G giữa nhà mạng lớn nhất Trung Quốc China Mobile và Nokia, cũng như nghiên cứu ứng dụng 5G vào ngành năng lượng giữa nhà mạng Đức Telekom và Ericsson… phần nào là chỉ dấu cho thấy các tổ chức lớn đã làm chủ cơ bản công nghệ lớp mạng 5G và đang ưu tiên chuyển sang nghiên cứu lớp công nghệ mềm bổ trợ 5G.
Khác với công nghệ cứng, chỉ cần có ngân sách đầu tư là chúng ta có thể trang bị mạng lưới 5G phủ sóng vào năm 2020 với sự hỗ trợ của các đối tác công nghệ lớn. Tuy nhiên, với công nghệ mềm 5G như công nghệ AI hoặc máy tự hành thì việc chuyển giao sẽ khó khăn hơn và cần sự chuẩn bị căn cơ hơn.
Ví dụ với công nghệ AI thì một yếu tố rất quan trọng là khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tuy nhiên, hiện mạng ngôn ngữ tiếng Việt vẫn chưa có dấu hiệu được đầu tư chuẩn hóa và xử lý cơ bản, dù ở cấp độ nào. Cách đây vài năm, tập đoàn FPT có phát kiến biểu tượng Robot nói tiếng Việt, có khả năng trả lời một số câu hỏi tiếng Việt đơn giản, nhưng gần đây chưa thấy có thêm dấu hiệu tiến triển rõ hơn nào về chủ đế này, ngoài giới thiệu một số sản phẩm tích hợp giọng nói Việt ở mức độ cơ bản.
Kịch bản thương mại 5G
Ngoài khía cạnh hạ tầng mạng và hệ sinh thái công nghệ mềm 5G, Việt Nam cũng cần nghiên cứu lựa trọn các kịch bản thương mại khả thi khi tiến lên 5G, vì chi phí đầu tư hạ tầng 5G lớn, chỉ chú trọng phát triển băng rộng di động sẽ khó bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Kịch bản ứng dụng 5G, Nguồn: ITU - litbi |
Mô hình dịch vụ ứng dụng 5G được chia thành 3 nhóm chính: nhóm ứng dụng phù hợp với băng rộng di động tăng cường (Enhanced mobile broadband), nhóm truyền thông kết nối đa thiết bị rộng lớn (Massive machine-type communications) và nhóm truyền thông kết nối có độ trễ mạng thấp và ổn định siêu cao (Ultra-reliable, low-latency communications).
Mỗi nhóm ứng dụng có các đặc điểm sử dụng mạng lưới khác nhau, trong đó nhóm Băng rộng di động tăng cường phù hợp cho giai đoạn tiền phát triển 5G, hướng đến các nhóm dịch vụ ứng dụng cần băng thông tốc độ cao, nhưng chưa cần độ trễ thấp hoặc chưa cần kết nối rộng khắp, điển hình như các ứng dụng về giải trí và dịch vụ tòa nhà thông minh.
Hai nhóm ứng dụng còn lại cần các đặc điểm mạng với độ trễ thấp và kết nối rộng khắp thì mới có cơ sở thương mại hóa, và để đạt được cấp độ này thì có thể sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn.
Các tổ chức quan tâm hơn về diễn biến mạng 5G toàn cầu trong năm 2018, có thể xem thêm báo cáo chi tiết tại đây: bản chiếu ppt và pdf.
Phạm Việt
Chiến lược VNPT 4.0 nói lên điều gì?
Submitted by nlphuong on Thu, 15/11/2018 - 09:15Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT ngày 17/8/2018 đã ban hành Quyết định số 159/QĐ-VNPT-HĐTV-TCCL về việc đổi tên Chiến lược VNPT 3.0 thành Chiến lược VNPT 4.0. Vậy VNPT 4.0 nói lên điều gì?
Ở thời điểm năm 2016, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chưa được đánh giá đúng về cơ hội và thách thức đối với Việt Nam thì VNPT đã có chiến lược phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 được gọi là Chiến lược VNPT 3.0.
Khái niệm 3.0 hàm chứa 2 ý nghĩa cốt lõi là Tầm nhìn của VNPT đến năm 2030 và cũng đồng thời là sự thay đổi, phát triển giai đoạn 3 của Tập đoàn (Giai đoạn 1 là tải 3 dây trần, Giai đoạn 2 là số hóa mạng lưới và Giai đoạn 3 là số hóa doanh nghiệp).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian triển lãm của Tập đoàn VNPT |
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, nội dung của Chiến lược VNPT 3.0 cũng đã được Tập đoàn và các đối tác tư vấn phân tích, liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế số, tức là Cách mạng công nghiệp 4.0 theo 6 lĩnh vực là: Internet vạn vật (IoT), Mạng lưới tin cậy, Điện toán đám mây, Phân tích dữ liệu, An ninh mạng và Trí tuệ nhân tạo.
CMCN 4.0 đã có ảnh hưởng tích cực đến hầu hết các ngành nghiên cứu, đào tạo, sản xuất và được coi là cơ hội phát triển rất lớn đối với Việt Nam. Thông điệp này đã được những nhà Lãnh đạo cao nhất của nước ta liên tục đề cập, trong đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất tâm huyết và chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này.
Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã chủ động chỉ đạo trong việc định hướng xây dựng một môi trường phát triển, ứng dụng CNTT lành mạnh, gắn bó chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ số và nền kinh tế số. Đây chính là một động lực lớn để Việt Nam bắt kịp sự phát triển của thế giới.
Trong điều kiện và xu hướng trên, việc VNPT quyết định đổi tên đúng lúc và theo đuổi Chiến lược VNPT 4.0 là một hướng đi đúng đắn với mục tiêu thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ số hiện đại, thực hiện số hóa toàn bộ để vai trò của Tập đoàn được khẳng định, tích cực góp phần vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số của đất nước.
Cách Tân
Việt Nam ứng dụng IPv6 cao trên thế giới
Submitted by nlphuong on Tue, 19/06/2018 - 06:35(ICTPress) - Hiệp hội Internet (Internet Society - ISOC), một tổ chức Internet quốc tế gồm 145 nước thành viên đã công bố báo cáo về kết quả triển khai IPv6 trên thế giới năm 2018.
Nhân dịp 6 năm kể từ khi chiến dịch “World IPv6 Launch” được phát động, chính thức triển khai IPv6 trên mạng lưới toàn cầu, vào đầu tháng 6 vừa qua Hiệp hội Internet quốc tế đã công bố báo cáo kết quả triển khai IPv6 trên thế giới. Trong báo cáo này, Việt Nam đạt top những quốc gia có tỷ lệ triển khai IPv6 cao trên thế giới. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tăng thêm khoảng 6,54%, đưa tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 14,43% với hơn 7.000.000 người sử dụng IPv6.
Với những ưu việt mà IPv6 mang lại, các nhà cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ di động, ứng dụng và nội dung số tích cực “chạy đua” triển khai, cung cấp IPv6 đến người sử dụng. Không chỉ đáp ứng lượng không gian địa chỉ khổng lồ giúp tiếp nối hoạt động Internet toàn cầu, các nghiên cứu còn cho thấy, việc triển khai IPv6 giúp cải thiện tốc độ tải trang web (tốc độ tải trang Facebook tăng từ 20 - 40% đối với mạng thuần IPv6); giúp tăng hiệu năng, giảm thiểu chi phí vận hành và đem lại những lợi ích kỹ thuật khác.
Một số doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ di động lớn trên thế giới hiện tại đã lên kế hoạch cho việc chuyển sang mạng lưới thuần IPv6, không những giải quyết vấn đề về thiếu hụt địa chỉ IPv4, mà còn đơn giản hoá mạng lưới và tiết kiệm chi phí, năng lực để tập trung vào cải tiến kỹ thuật cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ.
Theo báo cáo của ISOC và Google, tính tới 6/6/2018, hơn 25% Internet toàn cầu đã được kết nối IPv6, trong đó có 24 quốc gia đạt lưu lượng IPv6 trên 15% và 49 quốc gia có lưu lượng IPv6 trên 5%.
Bản đồ 49 quốc gia đạt lưu lượng IPv6 trên 5% |
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), tỷ lệ ứng dụng IPv6 toàn cầu tính tới thời điểm hiện tại khoảng 17,75%. Chỉ riêng tại Ấn Độ đã có hơn 270 triệu người được kết nối IPv6, chiếm gần nửa số lượng người sử dụng IPv6 trên thế giới.
Tỷ lệ tăng triển ứng dụng IPv6 toàn cầu (Nguồn: APNIC) |
Những quốc gia dẫn đầu về triển khai IPv6 trên thế giới phải kể đến Bỉ (58,50%), Ấn Độ (56,02%), Mỹ (44,57%), Đức (38,54%), Nhật Bản (27,05%),… Việt Nam đứng thứ 25 trong số các quốc gia có tỷ lệ ứng dụng IPv6 cao trên thế giới với 14,43% (số liệu tính đến tháng 6/2018), đứng vị trí thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 4 khu vực Châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia).
Tỷ lệ % người dùng IPv6 trên toàn cầu, phân chia theo nhóm các quốc gia có tỷ lệ triển khai IPv6 cao trên thế giới |
DN ICT đẩy mạnh ứng dụng IPv6
Theo xu hướng của thế giới, các DN ICT đã tích cực triển khai IPv6 cho mạng lưới di động 4G/4G LTE, khiến tỷ lệ triển khai IPv6 tại Việt Nam tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây và đưa Việt Nam vào top quốc gia có tốc độ triển khai tăng trưởng cao nhất thế giới. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tăng thêm khoảng 6,54%. Với hơn 7.000.000 người sử dụng IPv6, số lượng người sử dụng IPv6 tại Việt Nam hiện tại chiếm 1% tổng số người sử dụng IPv6 toàn cầu.
Tỷ lệ tăng trưởng IPv6 tại Việt Nam (nguồn APNIC) |
Cũng theo số liệu của APNIC, Nhật Bản có nhà mạng KDDI đi đầu với tỷ lệ 42%, Ấn Độ có Reliance JIO với 87%, Mỹ có nhà mạng T-Mobile USA (93%), Việt Nam, FPT Telecom và Tập đoàn VNPT là hai DN dẫn đầu trong việc triển khai thế hệ địa chỉ Internet mới với tỷ lệ ứng dụng IPv6 lần lượt là 31,7% và 21,12%. Gần đây, Tập đoàn Viettel cũng đang triển khai mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng.
VNPT có tăng trưởng ngoạn mục trong triển khai IPv6 |
Tuy đã bắt đầu thử nghiệm và tiến hành triển khai IPv6 từ tháng 6/2013, nhưng kết quả triển khai IPv6 của VNPT chỉ mới tăng trưởng đột phá từ cuối năm 2016 khi lập lộ trình chuyển đổi dựa trên những thực tiễn triển khai tốt trên thế giới. Hiện tại VNPT đã ổn định trên 6PE/6VPE và mạng lưới dual-strack.
Theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tỷ lệ triển khai IPv6 của VNPT tăng trưởng hơn 21% chỉ trong vòng 15 tháng (từ tháng 1/2017 đến tháng 8/2018) với hơn 1,4 triệu khách hàng IPv6 (cung cấp địa chỉ IPv6 /56 đối với khách hàng hộ gia đình và /48 đối với khách hàng DN).
Hiện tại, VNPT là nhà mạng di động đầu tiên tại Việt Nam chính thức triển khai dịch vụ IPv6 cho thuê bao 4G LTE. Tính đến đầu tháng 5/2018, Tập đoàn VNPT đã có tới 134.164 thuê bao 4G LTE của mạng Vinaphone sử dụng IPv6 với lưu lượng IPv6 cho di động đạt 2.025.208 kbit/s.
Theo nhận định của VNNIC, trong thời gian tới, với kết quả triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 của các DN Internet hàng đầu Việt Nam như VNPT, FPT Telecom, Viettel và việc chính thức cung cấp triển khai IPv6 cho dịch vụ 4GLTE, tỷ lệ triển khai IPv6 và số lượng người sử dụng IPv6 chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và tạo bước đột phá, nâng cao vị thế Việt Nam trên môi trường Internet toàn cầu.
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Giai đoạn 3 (2016 - 2019) là giai đoạn chính thức chuyển đổi các dịch vụ sang hoạt động với nền tảng IPv6. Để hoàn thành mục tiêu chung của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 là Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy trên nền tảng công nghệ IPv6 kể từ năm 2019, việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng cần được thúc đẩy mạnh mẽ.
HM