Thời sự ICT
GTEL lên tiếng việc VimpelCom rút khỏi Beeline
Submitted by nadung on Mon, 23/04/2012 - 19:34(ICTPress) - Trước thông tin thương hiệu di động Beeline sẽ bị rút khỏi Việt Nam được VimpelCom đưa ra ngày hôm nay (23/4), nhiều khách hàng của nhà mạng này đã băn khoăn về "số phận" thuê bao của mình.
Ngay sau đó, GTEL Mobile đã lên tiếng xác nhận sự việc. Theo đó, Công ty Truyền dẫn và Dịch vụ Hạ tầng GTEL đã mua lại toàn bộ 49% cổ phần của VimpelCom, đưa GTEL Mobile trở thành công ty 100% vốn của các cổ đông trong nước.
Phía GTEL Mobile cũng cho biết, công ty đã hợp tác với các cơ quan liên quan để hoàn thành mọi thủ tục chuyển đổi cổ phần.
Liên quan đến quyền lợi của các thuê bao hiện hữu, Phó Tổng giám đốc GTEL Mobile Nguyễn Văn Dư khẳng định, công ty cam kết sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam.
"GTEL Mobile sẽ tiếp tục đầu tư và triển khai các dịch vụ thông tin di động nhằm mang lại nhiều lợi ích nhất cho khách hàng", ông Dư nói.
Dù quyền lợi của các thuê bao Beeline trước mắt sẽ được đảm bảo, song việc một đối tác lớn có kinh nghiệm kinh doanh viễn thông tại nhiều quốc gia phải chịu lỗ rút lui đã đặt ra dấu hỏi lớn về tình hình điều hành và kinh doanh tại mạng di động này trong những năm qua.
Với việc cùng lúc mất đi một nguồn vốn đầu tư lớn, một đối tác nhiều kinh nghiệm và thương hiệu đã dày công xây dựng trong nhiều năm, vấn đề đặt ra với GTEL Mobile lúc này là mạng di động này sẽ dựa vào "lực đẩy" nào để tiếp tục phát triển trong bối cảnh thị trường viễn thông di động Việt Nam đang gần như được nắm trọn bởi hai ông lớn là VNPT và Viettel.
Minh Anh
FPT: chuyên gia công nghệ sẽ có mức lương tương đương Phó TGĐ
Submitted by nadung on Sun, 22/04/2012 - 11:44(ICTPress) - FPT cho biết đang xem xét thông qua chính sách phân cấp bậc nhân viên và chế độ mới nhằm đãi ngộ tốt nhất cho các chuyên gia công nghệ.
Chính sách mới của FPT được cho rằng sẽ tạo động lực tốt hơn cho những người làm công nghệ. Ảnh: FPT. |
Ông Trương Đình Anh - Tổng giám đốc FPT cho biết, cấp bậc, bậc lương của chuyên gia cấp Tập đoàn sẽ nằm trong khung tương đương Chủ tịch, TGĐ công ty thành viên.
Còn theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT, vấn đề đãi ngộ cho người làm công nghệ tại FPT sẽ có những thay đổi chiến lược, những chuyên gia công nghệ cao có thể hưởng mức lương thưởng xứng đáng tương đương cấp Phó Tổng giám đốc.
"Những cá nhân, đơn vị có công chính trong việc xây dựng, khai phá sản phẩm dịch vụ, thị trường mới sẽ được thưởng ngay 30% lợi nhuận đem lại của năm đầu tiên", ông Bình cho biết thêm.
Tất cả những cam kết này sẽ được văn bản hóa và áp dụng ngay trong năm 2012, ông Bình nói.
Được biết, thu nhập của nhân viên FPT hiện đang được tính theo công thức chung là lương cố định hằng tháng và thưởng cuối năm.
Trong khi đó, không phải công nghệ, hoặc nghiên cứu nào đều có thể trở thành hướng kinh doanh trong thời gian ngắn. Thậm chí, có những hướng nghiên cứu phải mất 2-3 năm mới có kết quả. Do đó, chính sách mới của FPT được cho rằng sẽ tạo động lực tốt hơn cho những người làm công nghệ.
Lê Nguyên
Quản lý thông tin Internet, xử lý cả việc nói tục
Submitted by nadung on Sun, 22/04/2012 - 09:40Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), trao đổi về sự cần thiết phải có nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng.
"Trước hết tôi phải nói rằng đang có sự hiểu không đầy đủ về yêu cầu cung cấp thông tin thật trên mạng. Dự thảo chỉ đưa ra yêu cầu là cung cấp thông tin cá nhân đối với một số dịch vụ, mà cụ thể là dịch vụ cung cấp thông tin công cộng lên mạng và dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Chứ không phải là tất cả dịch vụ mạng" - ông Lưu Vũ Hải nói.
Điều chỉnh "dịch vụ cung cấp thông tin công cộng"
- Thưa ông, dịch vụ nào là cung cấp thông tin công cộng? Lập trang tin điện tử, lập blog cũng đều là cung cấp thông tin công cộng?
+ Ông Lưu Vũ Hải: Khái niệm thông tin công cộng là một khái niệm rộng. Nghị định điều chỉnh chung việc đưa thông tin lên mà anh công khai cho mọi người, anh đưa lên theo cái cách anh không cần biết ai là người dùng. Tạm hiểu là như vậy.
- Xuất phát từ lý do nào mà chúng ta lại đưa ra dự thảo này?
+ Từ yêu cầu thực tiễn của chính sự phát triển của mạng Internet, của cộng đồng Internet và mong muốn đối với các cơ quan quản lý, làm sao tạo ra một môi trường Internet thật sự lành mạnh. Internet có ích trong việc cung cấp thông tin nhưng ngược lại cũng là môi trường rất dễ bị lạm dụng, lợi dụng để cung cấp thông tin theo những hướng xấu. Nhẹ thì gọi là thông tin thất thiệt. Nặng hơn thì là xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức. Nặng hơn nữa thì là thông tin lừa đảo, thậm chí là chống phá Nhà nước. Tất cả những cái đó đòi hỏi phải có một cái gì đó để đảm bảo anh sẽ phải chịu trách nhiệm về thông tin anh đưa lên.
- Trong thực tiễn sử dụng mạng ở Việt Nam, giả sử có 100 người dùng mạng thì tỉ lệ người lạm dụng Internet, theo đánh giá của Cục hoặc theo một điều tra nào đấy, khoảng bao nhiêu?
+ Thật ra thì cũng chưa có điều tra, khảo sát xã hội học nào về chuyện đó nhưng mình phải thấy thế này: Mặc dù tỉ lệ vi phạm có thể là thấp nhưng hậu quả sẽ càng ngày càng lớn, càng ngày càng nghiêm trọng. Người ta nói là xây thì khó mà phá thì dễ là vậy.
Nói tục sẽ bị xử lý
- Tôi thấy băn khoăn: Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế thì tâm trạng của người dân có nhiều bức xúc. Nhiều phát ngôn trên mạng có thể thuần túy là xuất phát từ sự bất mãn, họ nói năng, văng tục... Không hiểu những trường hợp đó có bị xử lý không?
+ Chắc chắn sẽ bị xử lý. Đến mức độ văng tục thì đương nhiên là phải xử lý rồi. Vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam, đấy là một trong những điều cấm.
- Nhưng trên thực tế thì người ta cũng văng tục ngoài đời rất nhiều. Đến xả stress, "chém gió" trên mạng mà cũng bị xử lý?
+ Cơ quan quản lý không phải lúc nào cũng đủ người, không phải lúc nào cũng có thể theo dõi thường xuyên được. Nhưng ta phải định hướng. Chính sách xét đến tận cùng là mang tính giáo dục. Có thể có những trường hợp sai phạm chưa bị phát hiện, chưa bị xử lý. Nhưng không có nghĩa là pháp luật dung túng chuyện đó và người dùng dần dần hiểu được điều đó thì người ta có thể tự điều chỉnh.
Ông Lưu Vũ Hải - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử. |
- Quy định vậy có đảm bảo bí mật đời tư cho công dân?
+ Nói đăng ký thông tin cá nhân không có nghĩa là đăng ký tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân... Đăng ký như thế nào thì sẽ có hướng dẫn sau. Nhưng việc đăng ký làm sao phải bảo đảm là đơn vị cung cấp dịch vụ cũng không biết thông tin thật của anh mà chỉ biết dưới dạng một mã số, một nickname nào đấy thôi. Chỉ có cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước mới biết được, để khi cần có thể tham chiếu.
- Cơ quan chức năng đó là cơ quan nào, thưa ông?
+ Trong dự thảo đưa ra thì đó là Bộ Công an.
- Giả sử có một blogger nào đó lên mạng chỉ trích chính sách thu phí của Bộ Giao thông vận tải thì có bị xử lý không, theo nghị định này?
+ Cái đó phải căn cứ vào nội dung cụ thể. Anh có quyền phân tích, đóng góp ý kiến nhưng phải trên tinh thần xây dựng. Anh không được phỉ báng, bôi nhọ, xúc phạm người ta.
- Giả sử họ nói vị quan chức nọ không có năng lực...
+ Bạn không thể ví dụ bằng việc cắt cả câu ra khỏi bối cảnh. Nếu nói câu đó trong một bối cảnh phù hợp thì có thể chấp nhận được. Nhưng cứ rêu rao câu đó, lặp đi lặp lại 100 lần thì lại thành bêu riếu người ta. Vấn đề là câu nói được thể hiện trong môi trường nào.
- Như thế thì việc phân tích xem một câu nói nào đó có phạm luật không sẽ hơi phức tạp phải không, thưa ông?
+ Đương nhiên. Từ trước đến nay bao giờ cũng thế, ngay cả ra tòa người ta còn phải xử, phải phân tích cơ mà. Ngôn ngữ đâu phải là cái máy để có thể nói một là một, hai là hai. Vấn đề là tính định lượng của nó không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nhưng chuẩn mực về văn hóa, đạo đức xã hội thì lúc nào cũng có. Làm sao phải đảm bảo được chuyện đó.
"Đấy là quan hệ dân sự"
- Theo quy định của pháp luật thì trong các vấn đề như danh dự, nhân phẩm, uy tín, lợi ích của chủ thể nào thì chủ thể đó tự tìm cách bảo vệ. Ví dụ, một cá nhân bị một cá nhân khác xúc phạm thì bản thân họ phải tự tìm cách bảo vệ mình và khi ra tòa, nghĩa vụ chứng minh ai xúc phạm, xúc phạm như thế nào... thuộc về họ. Cũng chỉ bản thân họ mới biết được là thông tin đó có gây thiệt hại cho mình hay không. Thế thì nếu tôi lập nickname, tôi nói xấu một người khác, Nhà nước có can thiệp vào việc ấy không?
+ Nhà nước can thiệp khi có khiếu nại về thiệt hại. Đây là quan hệ dân sự (PV nhấn mạnh). Khi có một bên khiếu nại với cơ quan chức năng rằng cái này gây hại cho tôi thì Nhà nước phải can thiệp xem anh khiếu nại có đúng không? Đúng thì xử lý, mà sai thì cũng có quy định. Nhà nước vẫn xử nhưng chỉ xử trên cơ sở có kiến nghị, xem cái này có gây ảnh hưởng, gây hại cho ai không. Nếu không ai kiến nghị, không ai kêu thì làm sao mà biết nhưng có kiến nghị thì phải xem xét.
- Giả sử người dùng nọ đăng tải thông tin công cộng lên Facebook, chúng ta lại yêu cầu Facebook phải cung cấp thông tin của người đó, e là hơi khó khả thi.
+ Luật pháp của chúng ta điều chỉnh những hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, chứ ta làm sao điều chỉnh được hoạt động của doanh nghiệp bên Mỹ.
- Nhưng là dịch vụ cung cấp qua biên giới, Facebook vẫn cung cấp dịch vụ ở Việt Nam mà không cần phải có mặt ở Việt Nam kia mà?
+ Nếu họ cung cấp dịch vụ ở Việt Nam, họ đăng ký theo luật Việt Nam thì họ phải tuân thủ nghị định này. Không đăng ký thì là chuyện khác.
- Vậy có khả năng rất lớn là người dùng Internet Việt Nam bỏ các nhà cung cấp trong nước mà đi tìm nhà cung cấp nước ngoài. Điều này có thiệt thòi cho chúng ta không?
+ Cũng có thể là thiệt. Nhưng cũng chưa chắc đã là thiệt vì cái xu thế này dần dần sẽ không phải chỉ có ta áp dụng. Chắc chắn như thế. (?)
"Đấy là sự phát triển của xã hội"
- Ở Mỹ và châu Âu có khái niệm "quyền phát ngôn nặc danh". Đã có trường hợp một nickname nói xấu một doanh nghiệp và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp yêu cầu tòa án điều tra nickname đó nhưng bị tòa án phủ quyết. Ông bình luận thế nào về phán quyết này?
+ Đây là sự phát triển của xã hội. Có thể ở thời điểm ban đầu người ta chưa thấy vi phạm là thường xuyên và gây hậu quả nghiêm trọng, nên chưa đặt vấn đề là phải xử lý nó. Nhưng nếu những vi phạm đó thường xuyên xảy ra hơn và hậu quả càng ngày càng lớn hơn thì phải điều chỉnh luật pháp để xử lý những vấn đề đó.
- Xin cảm ơn ông.
Hữu Long (thực hiện)
(Theo Pháp luật TP. HCM)
Ở Google hay Facebook - tôi tan sở lúc 5 giờ chiều
Submitted by nlphuong on Thu, 19/04/2012 - 00:21(ICTPress) - Giám đốc điều hành (COO) của Facebook Sheryl Sandberg mấy ngày qua đã là chủ đề tranh luận sôi nổi trong giới công nghệ khi trả lời một phóng viên là bà làm việc theo lịch trình 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
Sheryl Sandberg cho rằng sau bữa tối với các con mình, Sandberg thường kiểm tra thư điện tử |
“Hàng ngày, tôi về nhà lúc 5 giờ 30 chiều. Tôi ăn tối cùng các con vào lúc 6 giờ chiều, và cảm thấy thoải mái. Tôi đã và đang thực hiện thời gian biểu này kể từ khi có con. Tôi thực hiện việc này khi tôi còn ở Google, và nay là Facebook. Tôi có thể nói rằng tôi không dám nói điều này cho tới năm ngoái. Hai năm là khoảng thời gian đủ để tôi dũng cảm công khai việc này. Tôi không nói xạo nhưng tôi đã không chạy khắp nơi để thông báo việc này”, Sandberg cho biết trong một video được đăng tải trên Makers.com.
Những câu hỏi sau đây đã được các quan chức công nghệ nêu ra và thảo luận là: trong một ngành cạnh tranh như ngành công nghệ nơi mà công việc không bao giờ được xem hoàn hảo, thì liệu kết thúc ngày làm việc như giờ của các ngành khác có phải là chuẩn?
Những ai làm việc 8 tiếng/ngày và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều, liệu có bị đồng nghiệp đánh giá? Điều gì đã xảy ra đối với cái gọi là “cân bằng cuộc sống”?
Qua cách kể của Sandberg cho thấy những thành kiến vẫn tồn tại. Sandberg chỉ cảm thấy thuận tiện khi chia sẻ việc này khi Sandberg đã ở vị trí quản lý cao nhất.
Điều rõ ràng là nhiều người trong ngành công nghệ hy vọng có một cuộc sống cân bằng. Có một bạn đọc Dave Plantz chia sẻ nhân câu chuyện của Sandberg:
“Sandberg thật tuyệt vời! Cuộc sống quan trọng hơn công việc và tôi buồn khi phải đi đưa đám một người thân trước khi nhớ đến họ. Tôi sẽ đưa gia đình tôi tiến lên mức sống cân bằng hơn bằng bất cứ giá nào. Tôi có thể luôn sáng tạo ra những điều mới nhưng tôi không thể giữ mọi người vĩnh viễn”.
“Nhưng, tạm thời gác việc có gia đình hay kết hôn trong 1 phút. 5 giờ 30 chiều thường là thời điểm kết thúc ngày làm việc đối với tất cả mọi người - chưa kết hôn hay đã có gia đình - dù bạn đến văn phòng hàng ngày vào lúc 11 giờ”.
Những tranh luận trên làm chúng ta nhớ đến những suy nghĩ của Arianna Huffington về giấc ngủ: Những người lao động thế hệ mới không ngủ đủ giấc và ngủ ít vào buổi tối cho thấy một dấu hiệu của danh vọng. Ai ngủ nhiều có nghĩa là không làm việc cật lực.
Và làm thế nào để cân đối giữa công việc và đời sống trong thế giới hiện đại? Sandberg cho rằng sau bữa ăn tối với các con, bà thường xem thư điện tử - rõ ràng “có mặt nơi làm việc” không còn quá quan trọng.
Thách thức ở đây là: Mặc dù chúng ta có thể xem thư điện tử bất cứ lúc nào và cho rằng làm việc vào mọi thời điểm là một quy tắc xã hội mới.
Cuối cùng, có thể cho rằng việc đo lường công việc của chúng ta là phụ thuộc vào hiệu suất, chứ không phải số giờ. Thay đổi nhận thức đang bắt đầu - điều này phụ thuộc vào cả người sử dụng lao động và lao động để có cuộc sống khỏe khoắn.
Quang Minh
CNN/Mashable
PC siêu rẻ 35 USD bắt đầu được xuất xưởng
Submitted by nadung on Tue, 17/04/2012 - 03:00Sau nhiều lần trì hoãn, máy tính Raspberry Pi (Anh) có kích cỡ chỉ bằng một thẻ tín dụng cũng đến tay người sử dụng.
Raspberry Pi nhỏ như thẻ tín dụng. Ảnh: Tested. |
Khi được cho đặt hàng trên mạng cuối tháng 2, PC này nhanh chóng được mua hết chỉ trong vài phút do nhu cầu quá cao. Tuy nhiên, sản phẩm bị lùi ngày phân phối do khi đó chưa đáp ứng được bài kiểm tra chất lượng và an toàn.
Nhà sáng lập Eben Upton của Raspberry Pi cho hay cuối tuần qua, một nhóm học sinh ở Anh đã sớm được trải nghiệm chiếc máy tính chỉ có vài chục USD và có thể lập trình, tạo ứng dụng ngay trên thiết bị thông qua mã Python được cài sẵn.
Raspberry Pi có thiết kế là một bảng mạch trần với chip SoC, kích cỡ 85,6 x 54 x 20 mm, trọng lượng 40 g, có thể xử lý các tác vụ máy tính, chạy Linux và các ứng dụng hỗ trợ lập trình phần mềm.
Dù giá rất rẻ, nó mạnh tương đương smartphone với tốc độ 700 MHz, RAM 256 MB, hỗ trợ đọc thẻ SD, cổng Ethernet, HDMI, phát mượt video Full HD và chơi các game 3D cơ bản.
Châu An
(Theo Vnexpress)
Việt Nam quản lý Internet để đảm bảo trật tự xã hội
Submitted by nadung on Sun, 15/04/2012 - 14:41Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị khẳng định Việt Nam cần quản lý Internet để nhằm đảm bảo ổn định và trật tự xã hội.
Ảnh minh họa. |
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra khẳng định trên ngày 12/4 tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận thông tin nói rằng Chính phủ Việt Nam đang dự thảo một nghị định trong đó đưa ra những quy định mới, ví dụ như yêu cầu các công ty khai thác dịch vụ Internet nước ngoài phải mở trụ sở ở Việt Nam và người sử dụng các dịch vụ Internet và các mạng xã hội phải khai báo tên thật.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: "Các tổ chức, cá nhân có quyền tự do sử dụng Internet phù hợp với các quy định của pháp luật.
Như tại các quốc gia khác, Việt Nam cũng cần có những quy định luật pháp để điều chỉnh các hoạt động xã hội, trong đó có việc sử dụng Internet, nhằm đảm bảo ổn định và trật tự xã hội, tránh để Internet bị lợi dụng vào việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, giảm thiểu các tác động tiêu cực ảnh hưởng tới cộng đồng."
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết hiện nay, dự thảo Nghị định này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện, nhằm xây dựng những quy định phù hợp với luật pháp Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này.
(Theo TTXVN)
Kĩ sư phần mềm: nghề có giá nhất tại Mỹ
Submitted by nadung on Fri, 13/04/2012 - 22:34Một trong những công việc đứng cuối bảng xếp hạng 200 công việc trên thế giới là nghề phóng viên viết, xếp thứ 196, thua nghề phóng viên ảnh 30 bậc và thua nghề giám đốc mai táng 90 bậc...
Muốn có công việc tốt, hãy học ngôn ngữ lập trình và tránh xa những lưỡi cưa! Đây là lời khuyên đúc kết từ bảng xếp hạng 200 công việc tốt nhất năm 2012 do trang CareerCast thực hiện.
Sử dụng số liệu từ cục Thống kê lao động, cục Điều tra dân số, hiệp hội Nghiên cứu thương mại và nhiều cơ quan khác của Mỹ. Trang này thực hiện bảng xếp hạng theo năm tiêu chí: yêu cầu thể chất, môi trường làm việc, thu nhập, độ căng thẳng trong công việc và triển vọng tuyển dụng.
Những công việc được đánh giá cao nhất lần lượt là kĩ sư phần mềm, chuyên viên thống kê, quản trị nhân lực, nha khoa, hoạch định tài chính, thính học, trị liệu nghề nghiệp, quảng cáo trực tuyến, phân tích hệ thống máy tính và nhà toán học...
"Chúng ta đang trong giai đoạn cách mạng kĩ thuật, nên luôn có sức nóng về nhu cầu kĩ sư phần mềm", quản lý trang CareerCast.com, ông Tony Lee nhận định.
Ngành nghề thăng hạng nhiều nhất năm nay là hoạch định tài chính và trị liệu nghề nghiệp, khi cả hai công việc đều tăng 10 điểm so với năm 2011. Điều này liên quan đến việc thế hệ baby boomers (những người sinh ra giai đoạn 1946-1964) ngày càng lớn tuổi. Họ cần trợ giúp tài chính sau khi nghỉ hưu, hoặc cần điều trị để trở lại công việc sau khi bị chấn thương.
Theo ông Tony Lee, không có gì bất ngờ khi vị trí kĩ sư phần mềm dẫn đầu danh sách. Điều ngạc nhiên là lĩnh vực quản lý nguồn nhân lực ở vị trí thứ ba. Ông cho biết nhiều quản lý nhân sự (HR) đã than phiền với ông về sự căng thẳng trong công việc vốn ngày càng khó khăn trong bối cảnh các công ty liên tục sa thải trong khi nhân viên thì lo lắng.
Những công việc được đánh giá cao nhất lần lượt là kĩ sư phần mềm, chuyên viên thống kê, quản trị nhân lực... |
Ngoài ra còn là việc cắt giảm chi tiêu đã ảnh hưởng đến chức năng của những bộ phận như nhân sự. Tuy nhiên, với tỉ lệ tuyển dụng đang trên đà tăng từ vài tháng qua và dự kiến sẽ còn nóng lên khi nền kinh tế phục hồi thì triển vọng của nghề nhân sự sẽ tươi sáng hơn. Đó là lí do công việc này được đánh giá cao trong bảng xếp hạng.
Điểm chung ở các công việc dẫn đầu bảng là nhất thiết phải có trình độ học vấn như tốt nghiệp đại học hoặc chứng chỉ tay nghề cao. Phần lớn các ngành nghề tốt nhất đòi hỏi sự thông thạo về khoa học, toán hoặc kĩ thuật. Điều kiện làm việc cũng không nguy hiểm hay quá căng thẳng. Với các công việc xếp hạng thấp khác – tương đương với nhận định đó là công việc tồi - thậm chí không cần đòi hỏi cả bằng tốt nghiệp phổ thông. Những công việc được đánh giá thấp nhất như phóng viên, công nhân giàn khoan dầu, quân nhân, nông dân trang trại sữa và thợ gỗ (hạng 200).
Sự giảm liên tục trong nhu cầu xây dựng nhà ở mới dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung gỗ, ảnh hưởng đến những người thợ đốn gỗ. Yêu cầu thể chất của công việc này khá nặng nề, nhưng mức lương thì chỉ 32.114 USD/năm (tại Mỹ) nên công việc này đứng cuối bảng xếp hạng. Anh thợ gỗ Kirk Luoto, 30 tuổi, thừa nhận anh đã chọn một ngành nguy hiểm. "Bạn liều lĩnh cuộc sống của mình mỗi ngày nhưng nhận được rất ít".
Tuy nhiên, ông nội và cha của Luoto đều là người khai thác gỗ, bây giờ gia đình anh sở hữu một công ty gỗ nhỏ ở Carlton, bang Oregon (Mỹ). "Tôi từng nghĩ mình nên làm việc gì khác", nhưng anh nhanh chóng nhận ra sẽ không phù hợp với các công việc có thứ hạng cao hơn, cụ thể là những công việc văn phòng. "Tôi không thích những chiếc bàn đầy giấy tờ", anh nói.
Ở Mỹ, nông dân còn sắp thứ hạng cao hơn phóng viên 15 bậc (hạng 179), cho thấy gạo bắp thời buổi này có giá hơn thông tin.
Trong những công việc tồi nhất xét về điều kiện làm việc như phóng viên, binh sĩ, công nhân giàn khoan... thì không có gì khó hiểu. Nói về ngành được xếp thứ hai từ dưới đếm lên, nông nhân trang trại sữa (hạng 199), ông Lee lí giải: "Họ làm việc ngoài trời liên tục bất kể thời tiết thế nào, xung quanh họ có rất nhiều con vật lớn sẵn sàng giẫm lên chân và làm gãy chân họ. Ngoài ra họ còn phải cạnh tranh với những đơn vị sản xuất sữa nên thu nhập giảm xuống".
Cảnh Toàn
(Theo SGTT/WSJ, Forbes)
Cửa hàng Viettel bán phần mềm lậu ra thị trường
Submitted by nadung on Fri, 13/04/2012 - 11:31Cục quản lý thị trường vừa phạt nhân viên ở ba cửa hàng Viettel về hành vi tải phần mềm lậu cho dòng máy Lenovo và Acer mới. Hai cửa hàng ở Hà Nội và một ở TP. Hồ Chí Minh.
Một cửa hàng bán lẻ của Viettel. Ảnh minh họa. |
Các công ty bán lẻ đang bán các bản sao lậu của Microsoft và các loại sản phẩm phần mềm khác đang phải đối mặt với áp lực luật pháp ngày càng tăng trong việc chấm dứt vi phạm luật bản quyền Việt Nam.
Gần đây hàng loạt công ty bán lẻ trên thị trường Việt đã bị các nhà chức trách cáo buộc về việc cài đặt các phiên bản phần mềm lậu vào máy tính mới. Các dòng máy tính của Acer, Lenovo, Dell và Compaq nằm trong số những dòng máy được nhập về Việt Nam "trống" - không cài sẵn các phần mềm - sau đó được các nhà bán lẻ máy tính tải vào các phần mềm lậu.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, gần đây tòa án tối cao đã chấp nhận một vụ kiện chống lại công ty bán lẻ máy tính Sáng Tạo ở quận 1 đối với việc vi phạm bản quyền. Công ty máy tính Sáng Tạo bị cáo buộc đã tải phần mềm lậu vào một máy tính xách tay Compaq mới được mua tại cửa hàng máy tính của họ trên đường Bùi Thị Xuân dù cho đã nhận được thư cảnh báo thường xuyên rằng việc bán ra phần mềm lậu sẽ được xem là hành động vi phạm pháp luật.
Ước tính rằng công ty máy tính Sáng Tạo đã nhập về hàng ngàn máy tính mới với phần mềm lậu mỗi năm. Tòa án yêu cầu phải giải quyết vụ kiện trong vòng 4 tháng. Nếu không đàm phán thành công, tòa án sẽ bắt đầu phiên xử với bên cáo buộc công ty máy tính Sáng Tạo, và thiệt hại có thể bao gồm trách nhiệm pháp lý đối với các tổn thất của Microsoft và chi phí kiện tụng.
Cũng giống như công ty máy tính Sáng Tạo, một số các nhà bán lẻ máy tính khác cũng đang phải đối mặt với các khiếu nại luật pháp do kết quả của việc tải phần mềm lậu vào máy tính mới. Cụ thể, mới đây, Cục quản lý thị trường đã phạt nhân viên ở ba cửa hàng Viettel về hành vi tải phần mềm lậu cho dòng máy Lenovo và Acer mới. Hai cửa hàng ở thành phố Hồ Chí Minh và một ở Hà Nội.
Cục quản lý thị trường cũng kiểm tra ba cửa hàng PICO nơi các nhân viên ở đây tải phần mềm lậu cho máy tính Lenovo, Acer và Dell.
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Cục Trưởng Cục quản lý thị trường, phần mềm sao chép lậu "Made in Vietnam" hiện là một vấn đề nghiêm trọng cho tình trạng chung của nền kinh tế Việt Nam và ngành công nghiệp phần mềm nói riêng. Theo ông Nam, ngành công nghiệp phần mềm trong nước cần được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như một phương tiện thúc đẩy sự phát triển và đổi mới."
Hiền Mai
(Theo Vnmedia)
Người Việt ít tin vào tin nhắn quảng cáo
Submitted by nadung on Fri, 13/04/2012 - 11:05Hình thức quảng cáo bằng tin nhắn được người Việt xếp cuối bảng về độ tin tưởng. Trong khi lòng tin vào dạng quảng cáo này trên thế giới lại tăng.
Trong khảo sát mới đây nhất của hãng nghiên cứu Nielsen, tại Việt Nam, chỉ 13% người được hỏi tin vào các quảng cáo nhắn đến điện thoại di động. Trong số các loại hình quảng cáo, loại hình này ít được tin tưởng nhất. Trong khi đó, trên toàn cầu, số lượng người tin vào các tin nhắn quảng cáo là 29%, tăng 8% so với năm 2009.
Niềm tin vào tin nhắn quảng cáo của VN thấp hơn một nửa so với thế giới. |
Trước đây, rất nhiều chuyên gia dự báo hình thức quảng cáo bằng tin nhắn sẽ bùng nổ tại Việt Nam, là kênh quảng cáo hiệu quả. Là bởi bất kỳ người dùng nào khi nhận tin nhắn cũng phải mở ra xem, khi đó họ bắt buộc phải đọc nội dung quảng cáo. Thêm vào đó, dựa trên thông tin thuê bao, nhà quảng cáo có thể biết giới tính, độ tuổi, khu vực sinh sống của người dùng điện thoại, và đưa ra các đoạn quảng cáo đúng đối tượng. Tuy vậy, đến nay tin nhắn quảng cáo có "bùng nổ", nhưng niềm tin của người dùng vào nội dung quảng cáo lại tỷ lệ nghịch với sự tăng lên của số lượng tin nhắn đến.
Thực tế cho thấy, đến nay vẫn rất ít các doanh nghiệp lớn tận dụng kênh quảng cáo này, dù số lượng người dùng điện thoại di động ở VN tăng nhanh chóng mặt. Vì vậy, rất thiếu các quảng cáo phù hợp nhu cầu người dùng. Thay vào đó, rất nhiều cá nhân và công ty kinh doanh nội dung, cùng với nhà mạng đang thi nhau "dội bom" khách hàng mỗi ngày.
Trong khảo sát của Nielsen, có 81% người Việt được hỏi cũng không tin vào các mẫu quảng cáo trên điện thoại di động. Hình thức quảng cáo được người Việt và mọi người trên thế giới tin tưởng nhất là truyền miệng.
Khảo sát này phỏng vấn hơn 28.000 người tiêu dùng trực tuyến của 56 quốc gia.
Hải Đăng
(Theo Vietnamnet)
Cảnh báo virus “Trojan horse” trên phiên bản Angry bird giả mạo
Submitted by nlphuong on Fri, 13/04/2012 - 08:26(ICTPress) - Người sử dụng Android hãy cẩn thận. Đó là cảnh báo người sử dụng Android khi tải phiên bản không đúng của game “hot” Angry bird - game về con chim giận dữ chống lại 3 con lợn đang nhăm nhe ăn trộm trứng và những con chim này sẽ không phải là những con chim duy nhất nổi giận nữa.
Các nhà phân tích an ninh đã tìm ra các phiên bản giả mạo của "Angry Birds: Space" có chứa phần mềm độc hại |
"Angry Birds: Space" - phiên bản mới nhất của game này đang được lợi dụng để ngụy trang một số phần mềm khá độc hại, theo các chuyên gia an ninh và Rovio, nhà sản xuất Angry Bird.
Graham Cluley, một nhà phân tích cùng với hãng an ninh web Sophos, đã viết trên trang blog của công ty này hôm qua 12/5 là họ đã phát hiện ra những phiên bản giả mạo của trò chơi này trên những cửa hàng ứng dụng không chính thức. Phiên bản giả mạo của trò chơi này có chứa virus “Trojan horse”.
Một đăng tải trên trang blog của Rovio hôm qua cũng cảnh báo những người hâm mộ coi chừng những phiên bản giả mạo của trò chơi này và kêu gọi tải những tiêu đề mới từ cửa hàng ứng dụng chính thức.
Theo Sophos, Trojan horse được xác định nằm trong tệp (file) Andr/KongFu-L, xuất hiện trên phiên bản toàn diện của trò chơi, thay cho việc cấy một virus vào máy điện thoại thông minh và máy tính bảng. Theo đó, mã được cấy vào nhiều phần mềm độc hại, về cơ bản sẽ đặt điện thoại hay máy tính bảng dưới sự kiểm soát của các tội phạm mạng, đứng đằng sau.
Graham Cluley cảnh báo người sử dụng Android hãy lưu ý để tránh các rủi ro phần mềm độc hại và cẩn thận khi tải các ứng dụng từ các chợ Android (Android Market) không chính thức. Công ty cho phép người sở hữu Android tải các chương trình từ các nguồn chính thức và không chính thức.
Không giống như Apple, bảo vệ tất cả các ứng dụng và yêu cầu người sở hữu iPhone và iPad tải phần mềm từ cửa hàng ứng dụng chính thức, Google vẫn không mấy kiểm soát đến người sử dụng cài đặt gì trên thiết bị chạy hệ điều hành Android của mình.
Các chuyên gia an ninh cho biết những người sở hữu thiết bị Android nên sử dụng Android Market chính thức nếu họ muốn tránh các ứng dụng giả mạo và các chương trình độc hại có thể, mặc dù đã có ví dụ của phần mềm độc hại xuất hiện trên trang chính thức.
Từ Harry Potter đến Ana Kournikova, là những chủ đề phổ biến mà tin tặc đã sử dụng từ thế giới giải trí và thể thao, để quyến rũ những nạn nhân có thể.
"Angry Birds: Space" được tung ra ngày 22/3 cho iPhone, iPad và các máy Android, cũng như Macs và PC. Phiên bản này đã đạt kỷ lục 10 triệu tải chỉ trong 3 ngày, gấp 3 lần phiên bản trước "Angry Birds: Rio."
Được tung ra vào năm 2009, "Angry Birds" là ứng dụng di động số 1 cho tới nay, đã vượt mốc 300 triệu tải trên nhiều nền tảng trong năm ngoái.
Có trụ sở tại Phần Lan, Rovio đã đánh cuộc sự thành công của trò chơi này vào đế chế ảo, cung cấp mọi thứ từ sách tranh đến video náo nhiệt đến những búp bê lộng lẫy và sách dạy nấu ăn dựa trên game này.
Quang Minh
Theo CNN