Thời sự ICT
Việt Nam giám sát diễn biến Apple làm chậm iPhone cũ
Submitted by nlphuong on Sun, 21/01/2018 - 22:35(ICTPress) - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương vừa có thông báo về vụ việc Apple làm chậm tốc độ các sản phẩm điện thoại iPhone thế hệ cũ.
Trong thời gian vừa qua, các phương tiện truyền thông trong nước và thế giới đã đưa tin về vụ việc Tập đoàn Apple Inc., có trụ sở tại One Infinite Loop, Cupertino, CA 95014, Hoa Kỳ làm chậm tốc độ các sản phẩm điện thoại iPhone thế hệ cũ (từ iPhone 7 Plus trở xuống tới iPhone SE) do Apple cung cấp sau khi người tiêu dùng cập nhật phiên bản hệ điều hành mới.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng đang sử dụng các sản phẩm liên quan nói trên, như sau:
Chủ động liên hệ với các cửa hàng bán sản phẩm, các đại lý, trạm dịch vụ được ủy quyền của Apple Inc. và các nhà cung cấp sản phẩm điện thoại iPhone tại Việt Nam để yêu cầu hỗ trợ cung cấp thông tin về vụ việc, kiểm tra sản phẩm và thực hiện các biện pháp xử lý cần thiết (nếu có).
Hiện tại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang làm việc với các bên liên quan cũng như giám sát diễn biến vụ việc và tiếp tục có các thông tin tới người tiêu dùng trong thời gian tới.
Trong trường hợp có dấu hiệu của hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị người tiêu dùng liên hệ với các Sở Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố để được tư vấn về chính sách, pháp luật có liên quan hoặc liên hệ với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương theo các phương thức sau đây:
Tổng đài tư vấn tiêu dùng miễn phí 1800 - 6838 (Hoạt động từ 08h30 đến 11h30 và 14h00 đến 16h30 các ngày trong tuần trừ thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ, tết).
Gửi đơn khiếu nại trực tiếp trên website bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa chỉ (http://bvntd.vca.gov.vn/SitePages/Home.aspx); hoặc
Gửi đơn khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng theo địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chiến thắng lịch sử của U23 Việt Nam nhuộm đỏ Facebook
Submitted by nlphuong on Sat, 20/01/2018 - 23:15Không chỉ các cầu thủ cùng ban huấn luyện, người hâm mộ Việt Nam đã vỡ òa cảm xúc sau chiến thắng lịch sử của U23 Việt Nam trước U23 Iraq.
Dù bất lợi hơn đối thủ về lực lượng cũng như thể lực, song U23 Việt Nam đã có màn rượt đuổi tỷ số nghẹt thở sau 90 phút thi đấu chính thức cũng như trong 2 hiệp phụ, trước khi hạ gục U23 Syria trên loạt đá luân lưu 11m. Chiến thắng này đã giúp U23 Việt Nam chính thức ghi tên mình vào vòng bán kết U23 châu Á 2018.
Không chỉ các cầu thủ cùng ban huấn luyện U23 Việt Nam, người hâm mộ Việt Nam cũng đã vỡ òa sau chiến thắng lịch sử này. Trên mạng xã hội Facebook, đâu đâu cũng là những cảm xúc, các mỹ từ để miêu tả về chiến công lịch sử của U23 Việt Nam.
Không cần quá nhiều lời, chỉ 2 từ "Việt Nam" vị khán giả này đã thể hiện đầy đủ sự tự hào với chiến thắng lịch sử của U23 Việt Nam |
"Không thể tin nổi" có lẽ là cụm từ được dùng rất nhiều vào tối nay sau chiến thắng lịch sử của U23 Việt Nam |
Sẽ có rất nhiều người đồng ý với vị khán giả này |
Khóc cũng là một cảm xúc khi vui sướng tột độ |
Một status vô cùng hóm hỉnh |
Sau chiến thắng trước U23 Iraq, U23 Việt Nam sẽ thi đấu vòng Bán kết U23 châu Á vào ngày 23/1 tới đây. Đối thủ của U23 Việt Nam sẽ là U23 Qatar.
Lịch thi đấu vòng Bán kết U23 châu Á 2018 |
Nguồn: vtv.vn
Chuyên gia bảo mật Mikko Hypponen: Hãy "sử dụng" hacker
Submitted by nlphuong on Thu, 18/01/2018 - 16:31(ICTPress) - Chuyên gia bảo mật thế giới, Giám đốc Chiến lược công ty F-Secure Mikko Hypponen quay trở lại Việt Nam và có những chia sẻ đáng chú ý về xu hướng ATTT mới.
Tại Hội thảo: “An toàn thông tin 4.0 - Thực trạng và sáng kiến” do Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TTTT tổ chức ngày 18/1, Mikko Hypponen đã cởi mở chia sẻ với đông đảo những người quan tâm về ATTT.
Chuyên gia bảo mật Mikko Hypponen |
Theo chuyên gia Hypponen Mikko, thay vì lo nghĩ về việc đối phó với tin tặc (hacker) thì chúng ta hãy “sử dụng” họ, mời họ tham gia các chương trình tấn công, tìm ra lỗ hổng trong chính hệ thống của chúng ta. F-Secure đã mời hacker thâm nhập vào hệ thống của chính mình và nếu thâm nhập tìm được lỗ hổng hãy thông báo cho F-Secure. F-Secure sẽ trả tiền thưởng vì đã phát hiện ra lỗ hổng. Các công ty công nghệ như Microsoft, Facebook, Google… đã có các chương trình mời hacker như thế này. Việc này không chỉ mang lại lợi ích cho các công ty vì phát hiện ra lỗ hổng, mà còn chính hacker – những hacker cơ bản thích thú với việc có được cơ hội thực hành kỹ thuật của mình.
“Chúng ta không phải lúc nào cũng chống lại hacker, chúng ta hãy sống chung với hacker, khuyến khích họ trở thành hacker mũ trắng”, Mikko Hypponen đã chia sẻ.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mang đến cho Việt Nam vô vàn cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Việc áp dụng rộng rãi những tiến bộ của CNTT&TT, như IoT, điện toán đám mây, công nghệ thực tế - ảo... vào mọi hoạt động của xã hội từ cuộc sống hàng ngày, công việc, chính phủ điện tử, thành phố thông minh hay tới các hệ thống điều khiển công nghiệp,… đã làm mờ đi ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo.
Chuyên gia Mikko Hypponen cũng nhấn mạnh cuộc cách mạng IoT sẽ xảy ra, không thể tránh được, chúng ta không “thoát” được việc mua thiết bị IoT, kể cả thiết bị tưởng chừng như "ngốc nghếch" như máy nướng bánh cũng trở thành thiết bị IoT. Thiết bị IoT cung cấp tính năng mới nhờ kết nối mạng để tạo lợi ích cho người sử dụng, cho những nhà sản xuất khi họ thu thập dữ liệu để biết khách hàng đang ở đâu, sai lỗi gì trong khi sử dụng thiết bị đó…
Mọi thứ sẽ nhỏ, rẻ hơn, và chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng IoT + ICS (industry control system) và mọi người có thể đã biết định luật mang tên tôi “Hypponen’s Law: Whenever an appliance is described as “smart” it is vulnerable”.
Người sáng tạo ra định luật này cho biết đây là định luật khá bị quan nhưng nó rất đúng. “Thiết bị nào có điểm yếu sẽ bị tấn công”, Mikko Hypponen nhấn mạnh.
Chúng ta mua thiết bị IoT kết nối đến camera an ninh và không bao giờ đặt lại giờ hay thay đổi các mặc định sẵn cho máy. Điều này rất nguy hiểm mà người sử dụng cần lưu ý, chuyên gia bảo mật lưu ý.
Mikko Hypponen cũng lưu ý một dự báo là có xu hướng con người sẽ nổi dậy chống lại robot. “Mọi người nghĩ tôi điên nhưng tôi rất nghiêm túc về việc này”.
Đã có một ví dụ về việc này. Đó là ở một thành phố, khi các bộ cảm biến kết nối Interrnet được cài đặt ở tất cả thùng rác để ghi lại thùng rác đã đầy hay chưa. Các thông tin được gửi về trung tâm xử lý rác thông minh và lịch trình đi thu gom được tối ưu. Các thiết bị này không lâu sau đó đã bị đập vỡ tan bởi những công nhân thu gom rác. Họ thấy các bộ cảm biến có nguy cơ đã đập vỡ “nồi cơm” của họ. Nói theo một cách nào đó, họ đã trở thành người “hủy diệt”.
Đây chỉ là một ví dụ và cuộc cách mạng IoT sẽ ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Các tổ chức, công của Việt Nam cũng cần lưu ý, ông cho hay.
Việt Nam cũng cần lưu ý “dữ liệu như là loại dầu mới” (Data is the new oil). Điều đó cũng có nghĩa là việc rò rỉ dữ liệu cũng như việc rò rỉ dầu phải được quan tâm thích đáng. Dầu mang lại sự thịnh vượng lớn nhưng cũng mang lại nhiều vấn đề như ô nhiễm, nóng lên của trái đất… Tương tự như với dữ liệu. Dầu cũng không làm được gì cho tới khi được lọc. Dữ liệu cũng cần phải lọc.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục ATTT cho biết, trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ và đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT. Một trong những xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất hiện tại có thể kể đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) với sự phát triển mạnh mẽ của IoT mang lại những lợi ích to lớn về khả năng kết nối và chia sẻ thông tin nhưng mặt trái của nó cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro trong việc đảm bảo an toàn thông tin và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Việc đối phó với nguy cơ, thách thức nói trên cần có một nỗ lực tổng thể mang tính quốc gia. Từ năm 2010, Việt Nam đã có bản Quy hoạch phát triển ATTT số quốc gia đến năm 2020. Cụ thể hóa những nội dung trong Quy hoạch, Kế hoạch bảo đảm ATTT mạng cho giai đoạn 2016 - 2020 đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhằm phát triển khả năng thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa mất ATTT.
Ông Hải cũng khẳng định trong xu hướng chuyển dịch dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc hoạch định và thực thi một cách có hiệu quả, đồng bộ kế hoạch tổng thể bảo đảm ATTT mạng quốc gia là hết sức cần thiết, cấp thiết và liên tục có những sáng kiến đổi mới để thích nghi với diễn tiến tình hình.
HM
Sự bất cẩn của nhân viên trong DN đóng góp vào 46% sự cố an ninh mạng
Submitted by nlphuong on Wed, 17/01/2018 - 06:20(ICTPress) - Theo một nghiên cứu gần đây về người dùng được tiến hành bởi Kaspersky Lab và B2B International, việc thiếu nhận thức về an ninh CNTT vẫn là một thực tế đáng lo ngại cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ 12% số người trả lời có nhận thức đầy đủ về các chính sách và quy tắc bảo mật CNTT của các tổ chức mà họ làm việc. Điều này, kết hợp với thực tế 49% nhân viên xem việc bảo vệ chống lại các cuộc tấn công mạng là trách nhiệm chung, tạo ra những thách thức bổ sung khi thiết lập khuôn khổ an ninh mạng đúng đắn cho các tổ chức.
Nghiên cứu trên 7.993 nhân viên làm việc toàn thời gian về chính sách và trách nhiệm đối với an ninh CNTT của công ty cũng cho thấy 24% nhân viên tin rằng không có chính sách nào được đưa ra trong tổ chức của họ. Thú vị là, có vẻ như việc lơ là của các nhân viên này không thể bào chữa được, vì có đến 49% người được hỏi nghĩ rằng tất cả nhân viên, bao gồm cả chính họ, phải chịu trách nhiệm bảo vệ tài sản CNTT của công ty khỏi các cuộc tấn công mạng.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu khác của Kaspersky Lab đã chứng minh, đôi khi nhân viên lại làm ngược lại. Theo báo cáo "Yếu tố con người trong an ninh CNTT: Nhân viên đang khiến cho các doanh nghiệp dễ bị xâm nhập từ bên trong như thế nào", sự bất cẩn của nhân viên đã góp phần vào 46% sự cố an ninh mạng trong năm qua.
Sự khác biệt này có thể đặc biệt nguy hiểm đối với các doanh nghiệp nhỏ, nơi không có chức năng bảo mật CNTT chuyên dụng và trách nhiệm được phân chia giữa các nhân viên IT và nhân viên bình thường. Việc bỏ qua các yêu cầu cơ bản, chẳng hạn như thay đổi mật khẩu hoặc cài đặt bản cập nhật cần thiết, có thể gây nguy hiểm cho việc bảo vệ doanh nghiệp. Theo Kaspersky Lab, các chuyên gia nhân sự và tài chính có quyền truy cập dữ liệu quan trọng của công ty, thường có nguy cơ bị nhắm mục tiêu nhiều nhất.
Đối với vấn đề này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng lợi từ việc đào tạo nâng cao nhận thức về an toàn CNTT cho nhân viên và từ các sản phẩm phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ. Ví dụ: Kaspersky Endpoint Security Cloud bao gồm các tính năng như cài đặt bảo mật được cấu hình sẵn, bảo vệ tức thì trên tất cả các thiết bị và khả năng quản lý dễ dàng mà không yêu cầu chuyên môn sâu từ quản trị viên, do đó giảm gánh nặng cho bộ phận CNTT luôn bị quá tải.
Ông Vladimir Zapolyansky, Trưởng phòng kinh doanh SMB tại Kaspersky Lab cho biết: “Vấn đề các nhân viên không có nhận thức về an toàn CNTT có thể là một thách thức lớn phải vượt qua, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn, nơi văn hoá về an ninh mạng vẫn đang được phát triển. Không chỉ là việc các nhân viên có thể trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng, mà họ cũng phải có nghĩa vụ phải bảo vệ công ty của mình khỏi những mối đe dọa đó ngay từ đầu. Về vấn đề này, các doanh nghiệp nên quan tâm đến việc đào tạo nhân viên và giới thiệu các giải pháp dễ dàng sử dụng và quản lý, nhưng vẫn cần phải mạnh để giúp cho những người không phải là chuyên gia về an ninh CNTT”
Danh mục SMB của Kaspersky Lab bao gồm các sản phẩm đáp ứng được các nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể sử dụng sự kết hợp giữa bảo vệ mạnh mẽ và quản lý dễ dàng trong Kaspersky Small Office Security và Kaspersky Endpoint Security Cloud, trong khi các công ty lớn hơn có thể sử dụng các cài đặt bảo mật tiên tiến và các ứng dụng nhắm mục tiêu để tăng cường bảo vệ thiết bị di động, server và email có trong Kaspersky Endpoint Security for Business.
Để tìm hiểu thêm về cách thức mà nhân viên có thể gây nguy hiểm cho doanh nghiệp, vui lòng đọc báo cáo đầy đủ "Yếu tố con người trong an ninh CNTT: Nhân viên đang khiến cho các doanh nghiệp dễ bị xâm nhập từ bên trong như thế nào" tại đây.
QA
Giám sát triển khai IPv6 cho mạng 4G LTE
Submitted by nlphuong on Tue, 16/01/2018 - 19:55(ICTPress) - Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã nhấn mạnh một số nội dung quan trọng trong thúc đẩy, triển khai IPv6 tại Việt Nam trong năm 2018. Theo đó, các nhà mạng phải triển khai thực tế IPv6 trên mạng di động 4G LTE và sẽ được giám sát.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chỉ đạo một số nội dung trọng tâm thúc đẩy IPv6 tại Việt Nam trong năm 2018 |
Cụ thể, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia ngày 16/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp (DN) di động triển khai cung cấp chính thức dịch vụ IPv6 cho thuê bao di động 4G LTE. Trung tâm Internet (VNNIC), Cục Viễn thông giám sát, khuyến khích, yêu cầu, thậm chí bắt buộc (trong cấp, gia hạn giấy phép viễn thông) các DN triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE.
Về tăng cường ứng dụng, phần mềm, dịch vụ nội dung số trên nền tảng IPv6, Thứ trưởng yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ nội dung, các IDC chủ động cung cấp dịch vụ IPv6 cho người sử dụng; tăng cường truyền thông, khuyến khích khách hàng để nắm bắt và sử dụng dịch vụ IPv6. Các DN phát triển phần mềm, ứng dụng chủ động triển khai hỗ trợ IPv6 trên các sản phẩm, dịch vụ của mình.
VNNIC cũng giám sát, thúc đẩy việc hỗ trợ IPv6 trong hệ thống các Nhà đăng ký tên miền “.vn”, đảm bảo hệ thống quản lý, cung cấp các dịch vụ đăng ký và duy trì tên miền “.vn” và hệ thống máy chủ DNS của Nhà đăng ký hỗ trợ IPv6.
Thứ trưởng cũng nêu rõ công tác thúc đẩy IPv6 trong năm 2018 còn bao gồm tăng triển khai IPv6 trong ứng dụng CNTT của khối cơ quan Đảng, Nhà nước bao gồm chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, hệ thống máy tính kết nối Internet và các ứng dụng CNTT thuê/mua ngoài của cơ quan Đảng, Nhà nước, đảm bảo hỗ trợ IPv6. Theo đó, Cục Tin học hóa, VNNIC và Cục Bưu điện Trung ương triển khai công tác tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho mạng khối cơ quan Đảng, Nhà nước. VNNIC tiếp tục triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo, tư vấn hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho khối cơ quan Đảng, Nhà nước. Vụ CNTT hoàn tất công tác trình báo có Lãnh đạo Bộ đưa nội dung IPv6 vào hoạt động của Ủy ban quốc gia về CNTT.
Công tác truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức về thúc đẩy triển khai IPv6, các hoạt động hợp tác, hỗ trợ quốc tế về IPv6 để nâng cao và khẳng định vị thế của Việt Nam trong công tác chuyển đổi IPv6 cần tiếp tục được tăng cường
Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh: “Ban Công tác đặt mục tiêu chỉ số triển khai IPv6 của Việt Nam vào thời điểm cuối năm đạt khoảng 20%”. Thứ trưởng tin tưởng với việc phát huy sức mạnh tổng thể, nhiệm vụ năm 2018 sẽ được hoàn thành tốt, hướng tới mục tiêu quốc gia về IPv6 “Internet Việt Nam hoạt động một cách an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 (hoàn toàn tương thích với IPv6)” từ năm 2019.
Các chính sách thúc đẩy triển khai IPv6 trong các văn bản quy phạm pháp luật cần được tiếp xây dựng, triển khai. Ban Công tác cũng tăng cường làm việc với DN để DN có các cam kết tự nguyện trong việc triển khai IPv6. VNNIC, Cục Tin học hóa, Cục Viễn thông, Vụ CNTT, Vụ KHCN thuộc Bộ TT&TT và các đơn vị liên quan tiếp tục thúc đẩy IPv6 trong công tác xây dựng, triển khai văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án về viễn thông và CNTT.
Trước đó tại Hội nghị, các doanh nghiệp di động đã cho biết một số kế hoạch triển khai IPv6 cho mạng di động. Đại diện của Viettel cho biết có kế hoạch triển khai IPv6 đến 50% thuê bao 4G LTE trong tổng số 8 triệu thuê bao 4G LTE của nhà mạng này trong quý III.
Trong khi đó, đại diện của MobiFone Quý I và II năm 2018 sẽ triển khai IPv6 cho một số vùng mạng 4G sau khi nhà mạng này đã có những chuẩn bị về đào tạo, tập huấn, triển khai nội bộ IPv6 trong năm 2017.
Đại diện cho Tập đoàn VNPT, ông Tô Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc cho biết trong thời gian tới, VNPT sẽ tiếp tục triển khai IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định tại tất cả các tỉnh thành còn lại trên cả nước và triển khai dịch vụ IPv6 cho thuê bao di động 4G.
"Năm 2018, VNPT sẽ cố gắng tăng trưởng tối đa thuê bao IPv6. Cụ thể, số thuê bao IPv6 băng rộng cố định tăng lên khoảng từ 50-70%, gần gấp 4 lần so với hiện nay, và sẽ chính thức cung cấp dịch vụ IPv6 cho các thuê bao băng rộng di động", ông Cường cho hay.
Minh Anh
Tăng cường thanh, kiểm tra cung cấp dịch vụ tên miền quốc tế tại các tỉnh
Submitted by nlphuong on Mon, 15/01/2018 - 13:05(ICTPress) - Vừa qua, thanh tra các sở TT&TT đã tiến hành thanh kiểm tra việc cung cấp dịch vụ dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế (TMQT) tại Việt Nam và sử dụng TMQT của các tổ chức cá nhân tại các địa phương.
Cụ thể, Thanh tra Sở TT&TT Quảng Ninh tiến hành thanh kiểm tra vào tháng 8/2017, Sở TT&TT Tp. Hồ Chí Minh tiến hành thanh kiểm tra vào tháng 10/2017; Sở TT&TT Lâm Đồng tiến hành tháng 11/2017, Sở TT&TT Đồng Nai tiến hành vào tháng 12/2017, Sở TT&TT Cần Thơ tháng 9/2017 và Sở TT&TT Đồng Tháp và Hà Nội tiến hành tháng 12/2017.
Trong tháng 10/2017, Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh dự kiến tiến hành thanh tra 19 đơn vị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký TMQT và sử dụng TMQT để thiết lập trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế, thông tin liên hệ của các tổ chức này đã thay đổi so với dữ liệu được lưu trữ tại Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT, vì vậy gây ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra thực tế của đoàn thanh tra.
Kết quả thanh tra cho thấy, mặc dù các đơn vị bị kiểm tra đã ý thức được trách nhiệm hướng dẫn chủ thể thông báo sử dụng TQMT về Bộ TT&TT, tuy nhiên, kiểm tra xác xuất một số TMQT do các tổ chức này đăng ký thì vẫn còn tình trạng chưa thông báo hoặc có thông báo nhưng không đúng tên chủ thể. Các tổ chức này cũng chưa biết và cũng chưa hướng dẫn được cho các chủ thể thực hiện thông báo về VNNIC khi có sự thay đổi thông tin chủ thể.
Cũng trong năm 2017, Thanh tra Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt 01 đơn vị 50 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm: cung cấp dịch vụ đăng ký TMQT từ tháng 7/2014 cho đến nay nhưng không đăng ký hoạt động, không đáp ứng một trong các điều kiện để trở thành nhà đăng ký TMQT tại Việt Nam do Bộ TT&TT quy định.
Đối với địa bàn thành phố Cần Thơ, Đoàn Thanh tra đã tiến hành thanh tra đối với 08 đối tượng là các tổ chức, cá nhân cung cấp và sử dụng dịch vụ TMQT. Kết quả thanh tra cho thấy, tất cả 08 đối tượng thanh tra đều có hành vi vi phạm về việc “sử dụng TMQT mà không thông báo hoặc thông báo thông tin không chính xác với Bộ TT&TT” theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện. Có những đối tượng tái phạm lần 2.
Căn cứ vào mức độ vi phạm, ý thức chấp hành pháp luật và ý thức khắc phục hậu quả của các đối tượng vi phạm trong và sau cuộc thanh tra, Đoàn Thanh tra đã thực hiện nhắc nhở không xử phạt vi phạm hành chính đối với 07 cá nhân, tổ chức, và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền với 01 tổ chức, áp dụng mức phạt thấp nhất là 5.000.000đ.
Sở TT&TT Lâm Đồng đã tiến hành thanh tra 38 chủ thể (hơn 100 trang điện tử), tất cả đều sai phạm.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Thanh tra các Sở đã nhắc nhở đối với các hành vi vi phạm, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng theo quy định. Trong thời gian tới, Sở TT&TT các tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, cũng như tuyên truyền về hoạt động đăng ký, cung cấp dịch vụ và sử dụng TMQT với quy mô lớn và toàn diện hơn. Hoạt động này nhằm chấn chỉnh và đưa việc đăng ký, sử dụng TMQT đi vào nề nếp theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo VNNIC, một số hành vi phạm về đăng ký, sử dụng và cung cấp TMQT trong thời gian qua đã gặp rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý vì không có chế tài xử phạt hoặc mức phạt thấp sẽ được tăng mức phạt tiền hoặc bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả hoặc hình thức xử phạt bổ sung trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện.
Minh Anh
Facebook sẽ xây dựng kênh riêng để giải quyết các vấn đề Việt Nam yêu cầu
Submitted by nlphuong on Thu, 11/01/2018 - 22:10Chiều ngày 11/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có buổi tiếp ông Damian Yeo, Giám đốc chính sách và nhóm pháp lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Facebook. Tham dự buổi tiếp có đại diện một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT.
Về phía Facebook còn có bà Helena Lersch - Quản lý Chính sách công của dịch vụ chia sẻ ảnh Instagram của Facebook tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; ông James Quisumbinh - Giám đốc Pháp lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
ộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn (bên phải) tiếp ông Damian Yeo - Giám đốc Chính sách và nhóm pháp lý khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tại trụ sở Bộ TT&TT chiều 11/1/2018. |
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, hiện nay 70% dân số ở Việt Nam sử dụng Internet và 53 triệu người sử dụng mạng xã hội, mạng Facebook… Bộ trưởng ghi nhận sự hợp tác bước đầu của Facebook trong thời gian vừa qua đối với những vấn đề Chính phủ Việt Nam quan ngại và một số đề nghị của Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội Facebook, trong đó tập trung gỡ bỏ tài khoản giả mạo của các tổ chức, cá nhân và các nội dung rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; Cơ chế thông tin liên lạc, phối hợp giữa đầu mối của Bộ với Facebook đã có nhiều tiến triển. Bước đầu đã tạo được cơ chế liên lạc, trao đổi thông suốt, nhanh hơn, đến trực tiếp đại diện của Facebook tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn cho rằng, cơ chế hợp tác giữa Facebook và Bộ TT&TT thời gian vừa qua chưa đạt kết quả như mong muốn của Bộ, cần phải có cơ chế hợp tác tốt hơn để đưa Facebook phát triển lành mạnh hơn nữa trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Do vậy, cần có cơ chế phối hợp tốt hơn nữa để trao đổi, chia sẻ, hợp tác với nhau trong việc xử lý các vấn đề mà Chính phủ Việt Nam quan ngại.
Bộ trưởng chia sẻ thêm: Trong năm 2018 và những năm tiếp theo Việt Nam tập trung xây dựng xã hội thông tin lành mạnh, do vậy mong muốn mạng Facebook cùng góp phần giúp Việt Nam xây dựng xã hội thông tin lành mạnh trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật Việt Nam. Bộ trưởng tin tưởng Facebook cũng như Chính phủ Việt Nam đều có mục tiêu chung hướng tới một xã hội thông tin lành mạnh, hướng tới con người và vì con người. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam cam kết mở rộng cửa đón Facebook cũng như các mạng xã hội khác đến Việt Nam với thiện chí hòa bình và sự phát triển của đất nước Việt Nam.
Tại buổi tiếp, ông Damian Yeo - Giám đốc chính sách và nhóm pháp lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương rất vinh dự được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã dành thời gian tiếp đoàn. Cá nhân ông rất ấn tượng về đất nước và con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ rất khao khát sử dụng Internet, đồng thời cam kết hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam cùng xây dựng môi trường Internet phát triển lành mạnh, tập trung rà soát, xử lý thông tin xấu độc trên phạm vi toàn cầu, trong đó có đề xuất của Bộ TT&TT Việt Nam.
Cũng theo ông Damian Yeo, năm 2018, Facebook sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam để cùng Việt Nam tháo gỡ những vấn đề Chính phủ Việt Nam quan ngại trong thời gian qua. Đồng thời, sẽ có các buổi làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam để tìm hiểu nguyên nhân, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn cho Việt Nam. Đặc biệt, ông Damian Yeo sẽ xây dựng một kênh riêng để giải quyết vấn đề đề nghị của Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội một cách hiệu quả hơn, tốt hơn.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn hoan nghênh Facebook sẽ xây dựng một kênh riêng để giải quyết vấn đề mà Bộ TT&TT kiến nghị. Bộ trưởng giao cho Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử tiếp tục là đầu mối hợp tác với Facebook.
Xuân Lộc
Tài khoản email, mạng xã hội, ngân hàng dễ bị tấn công nhất
Submitted by nlphuong on Thu, 11/01/2018 - 12:55(ICTPress) - Theo khảo của Kaspersky Lab, email là tài khoản được nhắm mục tiêu nhiều nhất, tiếp theo là mạng xã hội, tài khoản ngân hàng và tài khoản mua sắm.
Ngày nay, chúng ta đăng nhập vào các tài khoản trực tuyến mọi lúc, từ việc chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng, đến việc mua sắm, đặt thức ăn, kiểm tra thời tiết hay đặt taxi… Sẽ ra sao nếu bạn bất ngờ không thể đăng nhập vào tài khoản mình cần? Với sự phụ thuộc ngày càng tăng của chúng ta vào các tài khoản trực tuyến trong cuộc sống hằng ngày, Kaspersky Lab đã phát hiện ra rằng mọi người đang ngày càng phải đối mặt với một tình trạng khó xử - làm thế nào để lựa chọn mật khẩu cho mình.
Một số người sử dụng các mật khẩu mạnh và khác nhau cho mỗi tài khoản để tránh bị tấn công (hack) nhưng lại có nguy cơ quên mật khẩu. Một số người khác chọn các mật khẩu dễ nhớ nhưng lại có thể dễ dàng bị tội phạm mạng để ý.
Mật khẩu mạnh khó để nhớ
Theo nghiên cứu của Kaspersky Lab, nhiều người dùng hiểu được sự cần thiết của mật khẩu mạnh cho tài khoản của họ.Khi được hỏi về ba tài khoản trực tuyến nào yêu cầu mật khẩu mạnh nhất, 63% người dùng lựa chọn tài khoản ngân hàng trực tuyến, 42% chọn ứng dụng thanh toán bao gồm ví điện tử và 41% chọn mua sắm trực tuyến.
Tuy nhiên, khó khăn trong việc ghi nhớ tất cả các mật khẩu mạnh này có nghĩa là mọi người có thể quên chúng và vẫn bị khóa tài khoản của họ. Hai phần năm (38%) người dùng không thể nhanh chóng khôi phục mật khẩu vào tài khoản cá nhân trực tuyến của họ sau khi mất chúng. Điều này có thể dẫn đến cảm giác thất vọng hoặc căng thẳng nếu họ không thể thực hiện các hoạt động bình thường của họ.
Về việc lưu trữ mật khẩu, 51% người dùng lưu trữ mật khẩu thiếu an toàn, và 23% trong số đó viết mật khẩu trong một mục ghi chú để họ không quên, điều này gây nguy hiểm đến sự an ninh mạng của họ.
Mật khẩu yếu dễ bị phá vỡ
Để tránh việc phải khổ sở nhớ những mật khẩu dài, người dùng có xu xướng tạo ra những thói quen thiếu an toàn. Ví dụ, 10% sử dụng một mật khẩu cho tất cả các tài khoản, để họ có thể dễ dàng online mà không cần xoay xở để nhớ cách đăng nhập vào bất cứ tài khoản nào. Điều này chỉ xảy ra đến khi tội phạm mạng lấy được một mật khẩu chính của họ và dĩ nhiên là có thể xâm nhập tất cả các tài khoản.
Thật vậy, 17% người dùng được khảo sát bởi Kaspersky Lab đã phải đối mặt với nguy cơ, hoặc đã có một tài khoản trực tuyến bị tấn công trong 12 tháng qua. Email là tài khoản được nhắm mục tiêu nhiều nhất (41%), tiếp theo là mạng xã hội (37%), tài khoản ngân hàng (18%) và tài khoản mua sắm (18%).
Giải pháp an toàn cho người dùng
Để giúp người dùng lấy lại được sự kiểm soát đối với danh tính trực tuyến mở rộng của mình, Kaspersky Password Manager lưu tất cả mật khẩu của người dùng vào kho an toàn. Họ chỉ cần nhớ một mật khẩu chính để truy cập vào tất cả các tài khoản của họ, không cần phải cảm thấy hoảng sợ khi truy cập được ngăn chặn vì bất cứ lý do gì.
Thông qua tài khoản My Kaspersky miễn phí, người dùng có thể truy cập mật khẩu của họ qua bất kỳ thiết bị nào, dù họ ở đâu và tại mọi thời điểm, giúp các tài khoản và thông tin có giá trị được an toàn. Tính năng tạo mật khẩu tự động cũng giúp tạo ra mật khẩu mạnh giúp người dùng yên tâm và làm cho những kẻ hacker phải đau đầu.
Giám đốc Kinh doanh Khách hàng tại Kaspersky Lab Andrei Mochola cho biết: “Nếu người dùng sử dụng những mật khẩu mạnh mà họ có thể nhớ, họ sẽ không chỉ có thể truy cập mọi thứ họ cần mọi lúc, mà các thông tin trong tài khoản của họ cũng được bảo vệ an toàn khỏi tin tăc. Điều này rất quan trọng đối với những người dùng muốn bảo vệ cuộc sống hằng ngày của họ được an toàn - ví dụ như tìm kiếm thông tin liên lạc của ai đó, đổi lại địa điểm một cuộc họp, thắng một trò chơi yêu thích, kiểm tra email, hoặc đặt hàng trực tuyến, mà không tiết lộ thông tin của họ cho bất kỳ tin tặc hoặc bọn tội phạm.
Nhớ được mật khẩu an toàn là rất khó, có nghĩa là người dùng phải đối mặt với tình trạng khó xử hàng ngày - và thường hay quên mật khẩu mạnh hoặc tạo mật khẩu dễ nhớ nhưng cũng dễ dàng bị hack. Tuy nhiên, có một lựa chọn khác có thể khiến người dùng hài lòng đó là sử dụng một giải pháp quản lý mật khẩu giúp họ có thể dùng mật khẩu mạnh mà không cần phải viết chúng ra hoặc nhớ những chuỗi từ dài với nhiều ký tự đặc biệt.”
QA
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho lực lượng tác chiến không gian mạng
Submitted by nlphuong on Mon, 08/01/2018 - 19:30Việc công bố thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với quân đội ta trong việc giao nhiệm vụ chiến đấu trên mặt trận mới, môi trường tác chiến thứ 5 và lực lượng này sẽ được quan tâm đầu tư tiến thẳng lên hiện đại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thực hiện Quyết định số 1198/QĐ-TTG ngày 15/8/2017 của Thủ tướng Chinh phủ, chiều ngày 8/1/2018, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ quan, đơn vị Quân đội đã dự. Sau khi công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã trao Quân kỳ Quyết thắng cho Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển của internet trên tất cả các lĩnh vực, không gian mạng đã và đang trở thành vùng lãnh thổ mới có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của mỗi quốc gia. Trong chiến tranh hiện đại, không gian mạng được coi là môi trường tác chiến thứ 5 gắn kết chặt chẽ với tác chiến trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian vũ trụ. Tác chiến không gian mạng đã trở thành một phương thức tác chiến cơ bản giữ vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tranh có áp dụng các vũ khí công nghệ cao. Hiện nay, nhiều nước đã thành lập lực lượng tác chiến không gian mạng để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong giai đoạn hiện nay, trước tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông diễn biến phức tạp, tiềm ẩn mất ổn định, khó lường, việc bảo vệ không gian mạng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia được Đảng, Nhà nước ta xác định rõ và quan tâm chỉ đạo từ sớm. Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta đã đề cao trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, nhận định nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng, mất an ninh thông tin ngày càng tăng và đặt ra mục tiêu phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả chiến tranh mạng.
Quán triệt chủ trương, quan điểm mới của Đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung chỉ đạo xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng để trình Bộ Chính trị đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên không gian mạng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Việc công bố thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng ngày hôm nay thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với quân đội ta trong việc giao nhiệm vụ chiến đấu trên mặt trận mới, Thủ tướng nêu rõ và chúc mừng quân đội ta có thêm lực lượng tinh nhuệ mới, có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ tác chiến không gian mạng cả về trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nhấn mạnh lực lượng tác chiến không gian mạng được quan tâm đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, Thủ tướng đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung.
Đó là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự quốc phòng nói chung và nhiệm vụ tác chiến không gian mạng nói riêng. Phát huy vai trò tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo công tác, hoạt động tác chiến không gian mạng đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời sớm nghiên cứu, dự báo chiến lược chiến tranh mạng. Đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách, kế hoạch tổ chức hoạt động tác chiến trên không gian mạng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Bộ Tư lệnh và lực lượng tác chiến không gian mạng thực sự trung thành, kỷ luật, trí tuệ, nhạy bén, hiệu quả để đủ sức mạnh chiến đấu và chiến thắng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Biên chế phải tinh gọn, trang bị vũ khí phải đồng bộ, hiện đại nhất. Thường xuyên nắm chắc tình hình, tham mưu đề xuất xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Phối hợp chặt chẽ với các quân, binh chủng trong quân đội, các lực lượng liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo vệ hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng và tham gia bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và nghệ thuật quân sự vào thực hiện hoạt động tác chiến trên không gian mạng. Tích cực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng những thành tựu tiên tiến, mới nhất của thế giới về công nghệ thông tin, về vũ khí công nghệ cao; chủ động, có kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào tác chiến không gian mạng.
Đồng thời với yếu tố vũ khí, công nghệ, cần chú trọng phát huy yếu tố con người, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan trình độ chuyên môn cao và có năng lực thực tiễn, phát huy trí tuệ con người trong việc làm chủ vũ khí không gian mạng hiện đại. Chủ động hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành, chuyên môn sâu, ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.
Tăng cường công tác hợp tác đào tạo quốc tế. Việc lựa chọn đối tác tin cậy phải thận trọng, linh hoạt theo đúng phương châm Bác Hồ đã nói “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để đạt mục tiêu đề ra.
“Tôi yêu cầu các đồng chí khẩn trương xây dựng các đề án nâng cao tiềm lực tác chiến không gian mạng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sớm triển khai”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tư lệnh làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng khối đoàn kết thống nhất cao, tuyệt đối không để các thế lực thù địch móc nối, làm ảnh hưởng đến uy tín của quân đội.
Nguồn: Đức Tuân/chinhphu.vn
Việt Nam cảnh báo điểm yếu nghiêm trọng trong các chip PC, smartphone
Submitted by nlphuong on Sat, 06/01/2018 - 18:15(ICTPress) - Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TTTT vừa có công văn gửi các đơn vị chuyên trách về CNTT các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; Các Ngân hàng TMCP; Các tổ chức tài chính về cảnh báo điểm yếu ATTT nghiêm trọng trong các bộ vi xử lý.
Ngày 03/01/2018, các chuyên gia về ATTT của Google công bố một nhóm gồm 03 điểm yếu ATTT trong các bộ vi xử lý cho phép bất kỳ ứng dụng nào cũng có thể truy cập vào các vùng nhớ để lấy thông tin của hệ thống và thông tin của các các ứng dụng khác (thay vì chỉ được truy cập vào vùng nhớ cấp cho ứng dụng).
Các điểm yếu ATTT trên có mã lỗi quốc tế là: CVE-2017-5753, CVE-2017-5715, CVE-2017-5754. Các điểm yếu ATTT này được các chuyên gia đánh giá là nghiêm trọng và có ảnh hưởng tới nhiều thiết bị, bao gồm: máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy chủ, điện thoại di động sử dụng các hệ điều hành Linux, Windows, MacOS.
Có 2 hình thức tấn công lợi dụng điểm yếu ATTT này đang được các chuyên gia đánh giá gồm:
Hình thức tấn công được gọi là Meltdown: theo các chuyên gia, hình thức tấn công này có thể phá vỡ cơ chế bảo vệ vùng nhớ hệ thống, giúp cho các ứng dụng truy cập được vào các vùng nhớ hệ thống để lấy các thông tin như: mật khẩu, khóa đăng nhập, các thông tin được lưu trong bộ nhớ đệm .v.v...
Hình thức tấn công được gọi là Spectre: tương tự như Meltdown, hình thức tấn công này có thể cho phép các ứng dụng truy cập vào vị trí bất kỳ trên bộ nhớ. Hình thức tấn công này có thể khai thác trên hầu hết các bộ vi xử lý hiện đại (Intel, AMD, ARM).
Các hãng sản xuất bộ vi xử lý Intel, AMD và ARM đã có xác nhận và bắt đầu đưa ra bản vá.
Việc cập nhật bản vá có thể thực hiện thông qua bản vá của hệ điều hành, hoặc nâng cấp thiết bị phần cứng, do vậy với máy tính, thiết bị bị ảnh hưởng có thể thực hiện cập nhật bản vá khi chưa có điều kiện nâng cấp bộ vi xử lý. Hiện nay các nhà sản xuất bộ vi xử lý cũng đang phối hợp với các hãng phần mềm để đưa ra bản vá cho hệ điều hành.
Nhằm bảo đảm ATTT và phòng tránh việc đối tượng tấn công lợi dụng điểm yếu ATTT để thực hiện những cuộc tấn công mạng nguy hiểm, Cục ATTT khuyến nghị các quản trị viên tại các cơ quan, đơn vị và người dùng thực hiện:
Kiểm tra và cập nhật bản vá hoặc nâng cấp các hệ điều hành để tạm thời vá các điểm yếu an toàn thông tin trên. Khuyến cáo bật chức năng tự động cập nhật bản vá trên các thiết bị để đồng thời cập nhật các điểm yếu ATTT khác ngay khi có bản vá.
Đối với các hệ điều hành chưa có thông tin về bản vá cần theo dõi thường xuyên để nâng cấp ngay khi có biện pháp.
Thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin nhằm đối phó kịp thời với các nguy cơ tấn công mạng.
Khi triển khai các nội dung nêu trên, trong trường hợp cần thiết, Quý đơn vị có thể liên hệ với Cục ATTT, số điện thoại: 024.3943.6684, thư điện tử ais@mic.gov.vn để được phối hợp, hỗ trợ.
Minh Anh