Syndicate content

Thời sự ICT

Khu CNC Hoà Lạc đã qua giai đoạn khó khăn nhất

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau gần 20 năm đầu tư nhỏ giọt, giải phóng mặt bằng “da báo”, thiếu vốn… đến nay Khu công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời tại phiên chất vấn của Quốc hội, sáng 30/10

Trả lời chất vấn của đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP. Hà Nội) liên quan đến hiệu quả đầu tư của Khu CNC Hoà Lạc, dự án ĐHQG Hà Nội tại Hoà Lạc, Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Sơn Tây), sáng 30/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chủ trương quy hoạch, đầu tư, xây dựng 3 dự án này rất quan trọng và hiệu quả về lâu dài.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, Khu CNC Hoà Lạc, sau gần 20 năm đầu tư nhỏ giọt, giải phóng mặt bằng “da báo”... thì từ năm 2014-2015, Chính phủ, các bộ ngành và UBND TP. Hà Nội đã tập trung quyết liệt để giải quyết, hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 1.300/1.500 ha.

Cùng với đó, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ khoảng 200 triệu USD từ nguồn vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Khu CNC Hoà Lạc gồm một số phân khu chính: Công nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu, triển khai; giáo dục và đào tạo…

Cụ thể, sau hơn 2 năm, phân khu công nghiệp công nghệ cao đã thu hút được 66 dự án sản xuất công nghệ cao, có tác dụng lan toả với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD.

Khu nghiên cứu, triển khai đã có nghị định, cơ chế và chuẩn bị xúc tiến đầu tư, lựa chọn các dự án nghiên cứu “thực sự phát kiến ra và lan toả các giá trị công nghệ mới, sáng tạo”.

Khu giáo dục và đào tạo đã có ĐH FPT, một số trường ĐH như ĐH Việt – Pháp, đang chuẩn bị tích cực để triển khai.

“Có thể nói Khu CNC Hoà Lạc đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất tiến tới tương lai sẽ làm tốt”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với dự án ĐHQG Hà Nội tại Hoà Lạc, Phó Thủ tướng cho biết đã hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng nhưng vốn đầu tư xây dựng rất thiếu, suốt thời gian qua chỉ được bố trí vài chục tỷ đồng/năm, trong khi để xây dựng một thành phố đại học ước tính khoảng 2 tỷ USD. Riêng phần vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư cho các hạng mục thiết yếu, làm cơ sở thu hút đầu tư cũng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. “Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tìm nguồn vốn để tập trung đầu tư”.

Tương tự, khu Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam cũng ở tình trạng đầu tư nhỏ giọt chỉ đáp ứng 38% nhu cầu nên mới hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng phân khu mô hình các làng văn hoá của các dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo xem xét lại toàn bộ quy hoạch Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam trên tinh thần giữ nguyên mục đích nhưng xem xét, kêu gọi thêm các nhà đầu tư khác chứ không nhất thiết chỉ do một cơ quan nhà nước đứng ra đầu tư.

“Ba dự án này nếu làm tốt sẽ có hiệu quả rất lâu dài và nhiều mặt”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Nguồn: Đình Nam/chinhphu.vn

Lập tổ công tác chuyển giao VNPT, MobiFone

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa có buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh về công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước ở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT và Tổng công ty viễn thông MobiFone.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thi đua - Khen thưởng và các các doanh nghiệp VNPT, Mobifone đã báo cáo về các công việc đang thực hiện, các công việc còn dở dang và đề xuất các giải pháp chuyển giao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao sự chủ động của Bộ TT&TT trong công tác chuẩn bị cho việc chuyển giao, việc này có ý nghĩa rất lớn trước khi có Quy chế chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ là đại điện vốn chủ sở hữu, còn doanh nghiệp vẫn chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, ngành. “Sau này Ủy ban hay doanh nghiệp hoạt động được hay không thì vai trò quản lý nhà nước của các đồng chí với Ủy ban là rất quan trọng”, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh nói.

Đặc biệt, phương pháp làm việc của Bộ TT&TT và sự phối hợp giữa các đơn vị của hai cơ quan là hình mẫu để triển khai ở các Bộ, doanh nghiệp khác, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh nhận định.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ quan điểm nhất quán của Bộ TT&TT về việc chuyển giao với tinh thần tích cực, chủ động để các doanh nghiệp sớm hoạt động ổn định.

VNPT và Mobifone là hai doanh nghiệp “sinh ra và lớn lên” từ Bộ TT&TT; là những doanh nghiệp lớn, quan trọng, một bộ phận của ngành TT&TT - Ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước (hiện có hơn 50.000 doanh nghiệp ICT, chưa tính đến các đơn vị thuộc lĩnh vực báo chí, xuất bản, PTTH).

Dù trong lúc chuyển giao hiện nay và sau này hai doanh nghiệp về bên Ủy ban thì vẫn là doanh nghiệp trong ngành TT&TT. Như việc quy hoạch, chiến lược phát triển ngành; công nghệ, thị trường, dịch vụ, hợp tác quốc tế... vẫn liên quan đến Bộ. Xuất phát từ trách nhiệm của mình, Bộ TT&TT sẽ tham vấn cho Ủy ban và coi đó như là trách nhiệm của Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã thống nhất những nguyên tắc cơ bản về đầu mối làm việc, quy trình và các bước chuyển giao, công tác nhân sự… để bảo đảm quá trình chuyển giao diễn ra tốt đẹp.

Bộ trưởng nhất trí nên lập tổ công tác cho việc chuyển giao để sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thì hai bên có thể ký kết chuyển giao làm hình mẫu cho các Bộ, các doanh nghiệp khác.

Sự phát triển của VNPT, Mobifone có ý nghĩa rất lớn đối với ngành TT&TT; trong giai đoạn tới, trách nhiệm của Ủy ban là chính nhưng trách nhiệm của Bộ cũng không nhỏ trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho VNPT và Mobifone phát triển. Hai doanh nghiệp này có phát triển tốt thì ngành TT&TT Việt Nam mới phát triển vững mạnh được, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguồn: chinhphu.vn

VinaPhone khuyến cáo thuê bao cảnh giác cuộc gọi lừa đảo

Thời gian gần đây, nhiều thuê bao di động phản ánh liên tục nhận được các cuộc gọi tự động với nội dung mạo danh nhà mạng VinaPhone hoặc VNPT để quảng cáo, chào mời mua SIM số đẹp hoặc các sản phầm dịch vụ bất động sản, bảo hiểm...

Vinaphone cho hay đây là những cuộc gọi tự động phát ra nội dung "Trung tâm SIM số đẹp VinaPhone". VinaPhone khẳng định đó đều là những cuộc gọi giả danh VinaPhone với mục đích làm phiền khách hàng và trục lợi. Hình thức giả mạo tinh vi này có thể gây ra những rủi ro đáng tiếc cho khách hàng cũng như ảnh hưởng đến uy tín của VinaPhone.

VinaPhone khuyến nghị khách hàng cảnh giác với các cuộc gọi từ số điện thoại không chính thống của nhà mạng. Đồng thời kính mong quý khách cùng hợp tác với VinaPhone để xử lý triệt để vấn nạn này theo các nội dung: Liên hệ tổng đài Chăm sóc khách hàng 18001091/9191/800126/18001166 (phục vụ 24/24h) để kiểm tra các thông tin chính xác và thông báo các cuộc gọi quấy rối; không thực hiện các cuộc gọi nhằm mục đích quảng cáo, chào mời mua sản phẩm, dịch vụ... gây ảnh hưởng đến khách hàng khác.

Vinaphone cho biết mọi thông tin về dịch vụ,  các chương trình chăm sóc, tri ân khách hàng đều được VinaPhone đăng tải công khai trên trang website http://cskh.vnpt.vnhttp://www.vinaphone.com.vn hoặc qua tin nhắn có Brandname VinaPhone hoặc các số điện thoại chăm sóc khách hàng chính thức của VinaPhone: 18001091/9191/0886800126/0888000666.

QA

Google tính phí đối tác Android tối đa 40 USD cho mỗi thiết bị có các ứng dụng

Google sẽ tính phí các công ty phần cứng lên đến 40 USD cho mỗi thiết bị sử dụng các ứng dụng của Google theo một hệ thống cấp phép mới để thay thế một hệ thống mà Liên minh châu Âu trong năm nay coi là chống cạnh tranh.

Khoản phí mới này có hiệu lực vào ngày 29/10 cho bất kỳ mẫu điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng mới nào được công bố trong Khu vực kinh tế châu Âu và chạy hệ điều hành Android của Google, Google vừa thông báo mới đây.

Mức phí có thể thấp tới 2,5 USD và tăng tùy thuộc vào quốc gia và kích thước thiết bị. Nó là tiêu chuẩn đối với tất cả các nhà sản xuất, với phần lớn khả năng là các công ty phần cứng phải trả khoảng 20 USD.

Các công ty có thể bù đắp phí, áp dụng cho một bộ ứng dụng bao gồm cửa hàng ứng dụng Google Play, Gmail và Google Maps, bằng cách đặt trình duyệt tìm kiếm và trình duyệt Internet Chrome của Google ở vị trí nổi bật. Theo thỏa thuận đó, Google sẽ cung cấp cho nhà sản xuất thiết bị một phần doanh thu quảng cáo mà nó tạo ra thông qua tìm kiếm và Chrome.

Ủy ban châu Âu vào tháng 7 cho thấy Google đã thống trị thị trường trong lĩnh vực phần mềm di động về cơ bản buộc các đối tác Android phải cài đặt sẵn tìm kiếm và Chrome trên các tiện ích của họ. Google đã bị phạt mức tiền kỷ lục 5 tỷ USD, mà Google đã kháng cáo và bị đe dọa thêm các hình phạt trừ khi Google dừng thực tiễn bất hợp pháp của mình.

Hệ thống mới sẽ mang lại cho các đối thủ của Google như Microsoft nhiều không gian hơn để hợp tác với các nhà sản xuất phần cứng để trở thành các ứng dụng mặc định cho tìm kiếm và duyệt web, các nhà phân tích cho biết.

QM (Theo Reuters, the Verge)

Thủ tướng: Tăng cường hiệu ứng lan tỏa của WEF ASEAN 2018

Chiều 21/10, tại Hà Nội, Hội nghị tổng kết Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) đã diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cùng tham dự có các thành viên Ban Tổ chức WEF ASEAN 2018, các đơn vị, cá nhân có đóng góp nổi bật cho công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018.

Báo cáo tổng kết công tác chuẩn bị, tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh theo đánh giá của Chủ tịch sáng lập WEF, Hội nghị WEF ASEAN 2018 là hội nghị thành công nhất trong 27 năm WEF tổ chức hội nghị tại khu vực. 

Đây là hội nghị có số lượng đại biểu đông nhất từ trước đến nay với hơn 1.000 đại biểu, trong đó có sự tham dự nhiều nhất của nguyên thủ các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), lãnh đạo cấp cao các nước đối tác và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu khu vực và thế giới; thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế nhiều nhất từ trước đến nay đối với một hội nghị WEF ở khu vực. 

Lãnh đạo nhiều nước và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao, đồng tình và ủng hộ chủ đề, nội dung ưu tiên và các sáng kiến dấu ấn của Việt Nam tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết WEF ASEAN 2018 đã ghi đậm dấu ấn Việt Nam cả về nội dung, tổ chức và điều hành hội nghị, góp phần quan trọng khẳng định và nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới; quảng bá mạnh mẽ và sâu đậm hình ảnh quốc gia, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư, công nghệ, du lịch cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Thông tấn xã Việt Nam vì thành tích xuất sắc tại WEF ASEAN 2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và Ban Tổ chức Hội nghị đã đồng lòng, chung sức và nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần vào thắng lợi chung của Hội nghị WEF ASEAN 2018. 

Thủ tướng Chính phủ khẳng định WEF ASEAN đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện từ chủ đề, nội dung, tuyên truyền-văn hóa đến lễ tân, hậu cầu, an ninh và y tế, cả về đa phương và song phương, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của khu vực và thế giới; khẳng định năng lực chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương cũng như tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ của Việt Nam trong đề xuất chủ đề, nội dung ưu tiên, ý tưởng, sáng kiến, cải tiến, đổi mới và sáng tạo trong tổ chức, điều hành hội nghị; góp phần quan trọng khẳng định và nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới; đóng góp vào thực hiện chủ trương của Đảng về nâng tầm và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đối ngoại đa phương.

Khái quát nguyên nhân và bài học thành công, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ việc quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương có vai trò rất quan trọng, là cơ sở để thống nhất nhận thức, đồng thuận về tầm quan trọng, ý nghĩa và lợi ích của việc đăng cai WEF ASEAN 2018, do đó phát huy được trí tuệ và nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương, sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh bài học về chủ động nghiên cứu, nhạy bén nắm bắt mối quan tâm chung và xu thế phát triển của thế giới và khu vực để đề xuất đúng chủ đề, nội dung phù hợp, thiết thực; kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia và yêu cầu phát triển của đất nước với lợi ích, quan tâm chung của thế giới và ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định một trong những yếu tố quyết định thành công WEF ASEAN 2018 là sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, sâu sát, hành động quyết liệt, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo vì lợi ích của đất nước, nhân dân và doanh nghiệp; vận dụng và phát huy tốt kinh nghiệm từ tổ chức các hội nghị đa phương lớn tại Việt Nam trong thời gian qua, nhất là Năm APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10)…

Khẳng định thành công và bài học của Hội nghị WEF ASEAN 2018 tiếp tục tạo thêm khí thế mới cho hội nhập quốc tế, mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế- xã hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phát huy, tăng cường hiệu ứng lan tỏa của WEF ASEAN 2018, nhất là tập trung triển khai hiệu quả các kết quả, sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hội nghị WEF ASEAN năm 2018 diễn ra từ ngày 11-13/9/2018 với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư."

Hội nghị đã thu hút hơn 1.000 đại biểu tham dự, trong đó có 7 Tổng thống và Thủ tướng, 2 Phó Thủ tướng, 60 đại biểu cấp bộ trưởng và hơn 800 lãnh đạo lãnh đạo tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực. 

Với 60 phiên họp, Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với phát triển và hội nhập của các nước ASEAN và khu vực trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. 

Hội nghị đã quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia, tiềm năng phát triển của Việt Nam ra thế giới và khu vực, tạo ra nhiều cơ hội cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy liên kết và hợp tác kinh tế với các doanh nghiệp, đối tác quốc tế, nhất là các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực.

Nguồn: TTXVN

Xử phạt vi phạm hành chính hơn 70 triệu đồng đối với các tổ chức, doanh nghiệp

Các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT vừa ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng đối với các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện và hoạt động xuất bản, in và phát hành. 

Cụ thể, theo Quyết định số 75/QĐ-XPVPHC ngày 17/10 của Thanh tra Bộ TT&TT, xử phạt hành chính tổng số tiền 50 triệu đồng đối với Công ty TNHH truyền thông công nghệ AHN Việt Nam (địa chỉ tầng 11, Tòa nhà Zen Tower, số 12 Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) do đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính sau, gồm:

1- Không cung cấp thông tin về giá cước trước khi tính cước khi người sử dụng gọi điện tới tổng đài cung cấp dịch vụ nội dung (1900633718, 1900633728, 19006160, 19006167, 19006547) theo Điểm e, Khoản 2, Điều 61 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP. Với hành vi này, Công ty TNHH truyền thông công nghệ AHN Việt Nam bị phạt 30 triệu đồng và Buộc thu hồi đầu số (1900633718, 1900633728, 19006160, 19006167, 19006547) theo quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 61 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP (do có hành vi vi phạm tại Điểm e, Khoản 2, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP);  

2- Sử dụng tên miền quốc tế http://hotline.giaidapthacmac.info mà không thông báo với Bộ TT&TT theo Điểm a, Khoản 1, Điều 41 Nghị định số 174/2003/NĐ-CP. Hành vi này bị xử phạt 10 triệu đồng;  3- Sử dụng tên miền quốc tế http://tongdaigiaidap.hotrothongtin.info mà không thông báo với Bộ TT&TT theo Điểm a, Khoản 1, Điều 41 Nghị định số 174/2003/NĐ-CP. Hành vi này bị xử phạt 10 triệu đồng. 

Theo Quyết định số 19/QĐ-XPVPHC ngày 5/10 của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với Nhà sách Ngoại ngữ (địa chỉ số 1, ngách 1, ngõ 1150 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) do đã phát hành các xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp, quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Các xuất bản phẩm vi phạm gồm:  “Đi tìm lẽ sống”, tác giả: Viktor E.Frankl; “Đảo mộng mơ”, tác giả: Nguyễn Nhật Ánh; “Cánh đồng bất tận”, tác giả: Nguyễn Ngọc Tư; “Quân khu Nam Đồng”, tác giả: Bình Ca; “Quân khu Nam Đồng”, tác giả: Harper Lee.

Đồng thời với phạt tiền Nhà sách Ngoại ngữ, Quyết định của Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng buộc Nhà sách Ngoại ngữ phải tiêu hủy các xuất bản phẩm vi phạm nêu trên. 

Cùng ngày 5/10, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-XPVPHC, xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với Nhà sách Mạnh Hương và buộc Nhà sách Mạnh Hương phải tiêu hủy các xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp đối với các xuất bản phẩm: “Hạt giống tâm hồn (tập 5), Và ý nghĩa cuộc sống” - nhiều tác giả; “Hạt giống tâm hồn (tập 7), Những câu chuyện cuộc sống”- nhiều tác giả; “Hạt giống tâm hồn (tập 10), Theo dòng thời gian”- nhiều tác giả; “Nghĩ lớn để thành công”, tác giả: Trump, Bill Zanke; “Hẹn bạn trên đỉnh thành công”, tác giả Zig Ziglar.
 
Quyết định số 1038/QĐ-XPVPHC ngày 3/10 của Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực I (thuộc Cục Tần số Vô tuyến điện - Bộ TT&TT) xử phạt hành chính 7 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình do sử dụng tần số không đúng tần số quy định trong giấy phép.
 
Quyết định số 119/QĐ-XPVPHC ngày 3/10 của Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực III (thuộc Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ TT&TT), xử phạt bằng hình thức cảnh cáo đối với Tiệm cơm chiên giòn Gia Vĩnh do sử dụng thiết bị vô tuyến điện (bộ đàm) không có giấy phép (vi phạm lần đầu, sau khi kiểm tra đã ngừng sử dụng và làm thủ tục xin cấp phép).

Nguồn: mic.gov.vn

Cổ đông Facebook đề xuất cách chức CEO Facebook sau bê bối dữ liệu

Một số quỹ công nắm giữ cổ phần trong Facebook vừa ủng hộ đề xuất cách chức CEO Mark Zuckerberg làm chủ tịch Hội đồng quản trị, cho biết mạng truyền thông xã hội lớn nhất này đã không xử lý hiệu quả nhiều vụ việc gần đây.

CEO Facebook

Những người phụ trách tài chính của tiểu bang từ Illinois, Rhode Island và Pennsylvania, và Nhà soạn nhạc thành phố New York Scott Stringer, đã đồng nộp đề xuất này. Họ tham gia quỹ đầu tư Trillium Asset Management, đã nộp đề xuất hồi tháng 6.

Đề xuất, được được dự định biểu quyết tại cuộc họp cổ đông thường niên của Facebook vào tháng 5/2019, đang yêu cầu hội đồng quản trị đóng vai trò chủ tịch là một vị trí độc lập.

“Facebook đóng một vai trò lớn trong xã hội và nền kinh tế của chúng tôi. Họ có trách nhiệm xã hội và tài chính minh bạch - đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu độc lập và trách nhiệm giải trình trong phòng họp của công ty”, Stringer cho biết.

Facebook chưa đưa ra bình luận nào. Trong năm 2017, một đề xuất tương tự để chỉ định một chiếc ghế độc lập đã được bỏ phiếu.

Để phản đối đề xuất này, Facebook cho biết một chiếc ghế độc lập có thể "gây ra sự không chắc chắn, nhầm lẫn và không hiệu quả trong chức năng quản lý và quan hệ của Hội đồng quản trị".

Zuckerberg có khoảng 60% quyền biểu quyết, theo một đệ trình của Facebook hồi tháng 4.

Quỹ hưu trí thành phố New York sở hữu khoảng 4,5 triệu cổ phiếu Facebook tính đến ngày 31/7, trong khi Trillium nắm giữ 53.000 cổ phiếu. Kho bạc Pennsylvania nắm giữ 38.737 cổ phiếu và Kho bạc Illinois sở hữu 190.712 cổ phiếu tính đến tháng 8. Cổ phần của Kho bạc đảo Rhode chưa có thông tin.

QM (Theo Reuters)

Hà Nội lấy ý kiến dân việc dùng thiết bị thông minh thay loa phường

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết đang phối hợp cùng Ủy ban nhân dân quận, phường, Viettel và MobiFone khảo sát, lấy ý kiến của các hộ gia đình sử dụng thiết bị thông minh thay loa phường.

Nội dung khảo sát này sẽ tập trung vào 2 nhóm chính: Giảm số lượng loa và cụm loa tại các phường thuộc quận và triển khai thiết bị thông minh thay thế.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết đang phối hợp cùng Ủy ban nhân dân quận, phường, Viettel và MobiFone khảo sát, lấy ý kiến của các hộ gia đình sử dụng thiết bị thông minh thay loa phường.

Nội dung khảo sát này sẽ tập trung vào 2 nhóm chính: Giảm số lượng loa và cụm loa tại các phường thuộc quận và triển khai thiết bị thông minh thay thế.

Trước đó, thực hiện Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội” (Đề án 5133), các phường thuộc quận duy trì từ 5-10 cụm loa, 2 loa/cụm (tương ứng 10-20 loa/phường). Hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và tạm dừng phát thanh. 

Sau một năm thực hiện Hà Nội đã giao Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá, xây dựng “Phương án sắp xếp đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.”

Thực tế, việc thí điểm thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường được Hà Nội cho phép thực hiện đến tháng Một. Phạm vi thí điểm là 200 hộ trên địa bàn 4 phường: Kim Mã, Thành Công (quận Ba Đình), Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm), Yên Hòa (quận Cầu Giấy). Tuy nhiên, do tiến độ lắp đặt thí điểm, một số hộ gia đình được tiếp cận thiết bị thông minh của Viettel từ cuối tháng 12/2017, nên việc sử dụng thiết bị được tiếp tục thực hiện đến hết tháng 3/2018. 

Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình có thêm thời gian sử dụng thiết bị thông minh, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các quận phối hợp, Viettel và MobiFone hỗ trợ thiết bị, sim, kỹ thuật đến khi Hà Nội quyết định phương án chính thức.

“Việc lấy ý kiến người dân về vấn đề này sẽ là kênh thông tin quan trọng để Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, phê duyệt ‘Phương án sắp xếp đài truyền thanh xã, phường, thị trấn,’ ‘Phương án triển khai thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường’ và ‘Quy chế hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội’,” phía Sở Thông tin và Truyền thông cho biết.

Trong khi đó, Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội cũng đưa ra phiếu khảo sát, lấy ý kiến người dân sau một năm thực hiện Đề án 5133.

Tới trưa 12/10, đã có 446 người đưa ra quan điểm. Theo đó, ở câu hỏi về việc giảm số lượng loa và cụm loa, có tới 77,13% đồng ý. Trả lời về việc đài truyền thanh phường đang duy trì từ 5-10 cụm loa (tương đương 10-20 loa để thông tin), có tới 77,31% cho rằng như vậy là nhiều. 

Ở câu hỏi về việc Hà Nội triển khai nhân rộng thiết bị thông minh thay thế loa phường và gia đình có nên trang bị hay không thì có tới 59,13& người trả lời không…

Nguồn: Trung Hiền/vietnamplus.vn

Các thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu Google giải trình việc chậm trễ tiết lộ lỗ hổng

Theo Reuters, ba thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ có ảnh hưởng vừa Google giải trình lý do trì hoãn tiết lộ lỗ hổng của mạng xã hội Google+.

Google cho biết đầu tuần này sẽ dừng phiên bản Google+ của người tiêu dùng và thắt chặt các chính sách chia sẻ dữ liệu sau khi tiết lộ rằng dữ liệu hồ sơ cá nhân của ít nhất 500.000 người dùng có thể đã tiếp xúc với hàng trăm nhà phát triển bên ngoài.

Thượng nghị sĩ John Thune, chủ tịch Ủy ban Thương mại và hai thượng nghị sĩ khác là chủ tịch các tiểu ban - Jerry Moran và Roger Wicker – đã có thư yêu cầu Google giải thích một sự chậm trễ trong việc tiết lộ vấn đề này.

"Google phải sẵn sàng hơn với công chúng và các nhà lập pháp yêu cầu công ty là duy trì hoặc lấy lại sự tin tưởng của người sử dụng dịch vụ của mình," thư yêu cầu của các thượng nghị sĩ cho hay.

Các bức thư đặt ra vấn đề liệu lỗ hổng này đã được tiết lộ trước đây cho bất kỳ cơ quan liên bang nào, bao gồm Ủy ban Thương mại Liên bang và liệu có "sự cố tương tự nào chưa được tiết lộ công khai?"

Tổng giám đốc điều hành Google Sundar Pichai đã đồng ý hồi tháng trước là sẽ trả lời điều trần trước một hội đồng Hạ viện vào tháng 11 sau khi gặp gỡ các nhà lập pháp.

QM

Việt Nam - Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác về ICT

Bên lề Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10, ngày 10/10/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã có buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp của Nhật Bản; cùng tham dự còn có một số lãnh đạo của các doanh nghiệp ICT như Viettel, VNPT, FPT, VNpost, ...

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Bộ trưởng đã kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ như sản xuất ôtô, ICT... Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chia sẻ một số vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư ở Việt Nam và mong Thủ tướng và các Bộ trưởng chia sẻ, tháo gỡ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp của Nhật Bản.

Đánh giá về cơ hội hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản đều có niềm tin và sự tương đồng về văn hoá, đây chính là tiền đề quan trọng nhất để các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản cùng hợp tác thành công.

Về cấp độ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ 5 cấp độ: Thứ nhất, Việt Nam là thị trường để doanh nghiệp Nhật Bản bán hàng; Thứ hai, Việt Nam là nơi để doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, Việt Nam cung cấp công nhân cho các nhà máy Nhật, kể cả ở Việt Nam và Nhật Bản; Thứ ba, Việt Nam cung cấp nhân lực công nghệ cao, ví dụ như nhân lực CNTT cho doanh nghiệp Nhật Bản; Thứ tư, các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm cho Nhật Bản, bao gồm cả sản phẩm công nghệ; Thứ năm, doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản có thể đầu tư nghiên cứu phát triển tại Việt Nam, hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam lập lên các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam để nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ cao, công nghệ mới cho 2 thị trường Nhật Bản, Việt Nam và cho thị trường quốc tế.

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi với doanh nghiệp Nhật Bản

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản nên hợp tác ở mức độ cao hơn, điều này sẽ tạo nên sự phát triển bền vững hơn cho 2 bên. Quyền Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể hợp tác công nghệ với Nhật Bản, như FPT, Viettel, VNPT, Vingroup, CMC, VNG...

Về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực ICT, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, lĩnh vực Điện tử - Viễn thông và CNTT được chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển và đây cũng là thế mạnh của Việt Nam. Với dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam được coi là một thị trường lớn, đất nước ổn định, kinh tế phát triển nhanh, dân số Việt Nam với tuổi trung bình tương đối trẻ, đang thời kỳ dân số vàng; người Việt Nam yêu toán, có năng khiếu về toán học, nên rất phù hợp với sự phát triển công nghệ thông tin. Hạ tầng Viễn thông và Internet Việt Nam phát triển ở mức cao, với mật độ điện thoại 120%; mật độ điện thoại Smartfone trên 60%; số người dùng Internet 65%. Lực lượng lập trình viên làm CNTT của Việt Nam có hàng triệu người, và số lượng tăng cao hàng năm. “Các doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản rất nên hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực ICT. Đây là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất, thường là gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP. Việt Nam hiện có khoảng gần 50 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, với doanh thu hàng năm khoảng gần 100 tỷ USD”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã chỉ ra một số định hướng của lĩnh vực ICT Việt Nam mà phía các doanh nghiệp Nhật Bản nên quan tâm. Về lĩnh vực Bưu chính, Việt Nam đang hiện đại hoá mạng lưới và dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát theo hướng bưu chính sẽ phát triển thành hạ tầng cho thương mại điện tử. Tăng trưởng trong lĩnh vực này mấy năm nay đều trên 50%. Về viễn thông, Việt Nam tập trung phát triển băng rộng di động với mục tiêu mỗi người dân Việt Nam có một Smartfone vào năm 2020; công nghệ 5G cho kết nối vạn vật; xây dựng hạ tầng lưu trữ dữ liệu và điện toán đám mây - cloud computing.

Về CNTT, Việt Nam đang tập trung phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số, thành phố thông minh. Về an ninh mạng, tập trung phát triển nền công nghiệp an ninh mạng, đảm bảo không gian mạng an toàn. Về Công nghiệp điện tử - viễn thông, tập trung phát triển thiết bị hạ tầng mạng viễn thông, thiết bị điện tử đầu cuối, và đặc biệt là thiết bị IoT. Về Công nghiệp phần mềm, phát triển các sản phẩm phần mềm Việt Nam, phát triển các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây. Về Công nghiệp nội dung số, phát triển các dịch vụ gia tăng trên nền mạng viễn thông rộng khắp, các dịch vụ về giải trí như nhạc, film, game. Đưa công nghệ mới vào phát triển ngành (X-Tech), như Fintech, Agritech, Edutech.

Quyền Bộ trưởng cho biết, trong tháng 12 này, Việt Nam sẽ tổ chức một diễn đàn về phát triển doanh nghiệp công nghệ, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Chính phủ Việt Nam mời các doanh nghiệp Nhật Bản cùng tham gia diễn đàn này và khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để phát triển các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác phát triển các công nghệ mới của CMCN lần thứ 4, nhất là AI-Trí tuệ nhân tạo và IoT-Internet vạn vật, Big data-phân tích dữ liệu lớn, Robotics. Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia là các ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tham gia tích cực vào nội dung này.

Đặc biệt trong việc hợp tác, nghiên cứu giữa doanh nghiệp và các trường đại học của Việt Nam, Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể chia sẻ kinh nghiệm để giúp Việt Nam cải thiện mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp, Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Mic.gov.vn