Syndicate content

Thời sự ICT

Hội thảo Tài chính Việt Nam 2011: Nóng bỏng “dịch vụ công”

Tập trung tìm kiếm các giải pháp công nghệ, nghiệp vụ để thúc đẩy chính phủ điện tử và các dịch vụ tài chính công điện tử được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính tại thời điểm này.

Chia sẻ với báo giới tại lễ công bố Hội thảo – Triển lãm Tài chính Việt Nam 2011 diễn ra sáng nay tại Hà Nội, ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện chiến lược và Chính sách tài chính khẳng định, công nghệ chính là chìa khóa để ngành tài chính xử lý nhiều vấn đề nóng hiện nay như quản lý tài chính công, hiện đại hóa khâu thu ngân sách hay cải cách cơ chế tiền lương cho các khối sự nghiệp (y tế, giáo dục, báo chí, tuyên truyền…).

Ông Thăng thừa nhận việc phân bổ nguồn vốn và tài nguyên tài chính hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đồng đều ở các dự án và công trình là do hệ thống thông tin còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa được cập nhật liên tục. “Tài khóa trung hạn quan trọng nhất là phân tích, dự báo được nguồn thu – chi nên đòi hỏi phải có một cơ sở dữ liệu khổng lồ, có sự chia sẻ đồng nhất giữa thuế, hải quan, kho bạc…”, ông Thăng cho biết.

Các chuyên gia và giới quản lý tài chính đều cho rằng, tìm ra giải pháp về mặt công nghệ cũng tức là đã tìm thấy lời giải cho bài toán thể chế.  Theo ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học – Thống kê Bộ tài chính, nhiệm vụ chủ chốt của Bộ trong thời gian tới là phải tìm cách gắn kết nghiệp vụ với công nghệ, chiến lược nghiệp vụ với chiến lược công nghệ để có được một kiến trúc tổng thể và một hệ thống thông tin liên thông, xuyên suốt, hiện đại trong toàn bộ bộ máy tài chính nhà nước. Xu hướng “liên kết – tích hợp” đang rất nóng trong lĩnh vực tài chính vì thế sẽ được phân tích, mổ xẻ và tìm kiếm sự tham vấn từ các chuyên gia trong nước lẫn quốc tế tại Hội thảo Vietnam Finance 2011.

“Liên kết không chỉ dừng ở nội bộ các đơn vị, hệ thống trong ngành Tài chính mà còn mở rộng liên kết với các Bộ, ngành khác, Còn tích hợp là để tăng tiện ích phục vụ cộng đồng và doanh nghiệp, đơn cử như nộp thuế, khai thuế qua mạng, hải quan điện tử….”, đại diện ban tổ chức cho biết.

Dự kiến diễn ra trong 3 ngày (28-30/9), Vietnam Finance 2011 sẽ tập trung thảo luận hai chủ đề xuyên suốt là “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia – Thách thức chính sách” và “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia – Xu thế liên kết tích hợp”. Đặc biệt, tại Hội thảo còn có các phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng thế giới, các tập đoàn giải pháp công nghệ lớn như Oracle, SAP…

Bên cạnh hội thảo, Triển lãm Vietnam Finance 2011 cũng sẽ trưng bày và giới thiệu tổng quan Chiến lược phát triển hệ thống CNTT ngành tài chính, CNTT với cải cách hành chính… Cũng tại sự kiện này, Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT và IDG sẽ công bố và trao giải cho các Lãnh đạo CNTT Đông Nam Á tiêu biểu lần thứ 7, nhằm tôn vinh những CIO tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho quá trình ứng dụng CNTT tại Việt Nam và ASEAN.

Theo Trọng Cầm

VietnamNet

Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ảnh

(ICTPress) - Nhân dịp kỷ niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi (25/8/1911 – 25/8/2011), kỷ niệm 66 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chiều ngày 22/8 đã tổ chức khai mạc triển lãm ảnh về Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự và cắt băng khai mạc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cắt băng khai mạc Triển lãm - Ảnh: MT

Với gần 200 bức ảnh được chọn lọc từ cuốn sách ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp do Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ TT&TT phối hợp với Nhà xuất bản TT&TT vừa cho ra mắt độc giả, Triển lãm đã trưng bày “Những bức ảnh phác họa khá đầy đủ và chân thực bức chân dung sống động về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng tài ba, một nhà cách mạng nổi tiếng, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người con ưu tú của dân tộc, được nhân dân cả nước yêu mến và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ" (trích lời tựa cuốn sách ảnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Sinh ra bên dòng sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Võ Nguyên Giáp là người sớm đến với con đường cách mạng. Là một cử nhân Luật, từ yêu nước đến giác ngộ lý tưởng cộng sản, từng tham gia viết báo cùng những nhà yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng khi làm tờ Tiếng Dân ở Huế, từng là cây bút chiến đấu của các tờ báo công khai của Đảng thời kỳ Mặt trận Bình Dân, Võ Nguyên Giáp tham gia tổ chức tiền thân của Đảng (Đảng Tân Việt) rồi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành một nhà hoạt động chính trị, một vị “Đại tướng huyền thoại” thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ mà dân tộc, Đảng và Bác Hồ giao phó.

Thế hệ chúng ta ngày nay được vinh dự cùng bước tiếp trên con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, trải qua hai cuộc kháng chiến đều cảm nhận được niềm vinh dự to lớn là người chiến sỹ của đạo quân được nhân dân gọi bằng cái tên thân thương kính trọng là “Bộ đội cụ Hồ” mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng tư lệnh, một vị trí mà tên tuổi đã gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc, một vị Tổng tư lệnh giỏi tài thao lược nhưng hết sức nhân văn.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết: Triển lãm ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc đời và sự nghiệp vô cùng to lớn của Đại tướng.

Dưới đây là một số bức ảnh chụp từ Triển lãm kéo dài đến ngày 3/9/2011:

Những bức ảnh về thân sinh và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo dõi diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích Hà Nội năm 1972 tại Quân chủng Phòng không không quân
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp ông Bùi Duy Ly, phóng viên ảnh chiến trường báo Quân đội nhân dân

Linh Hoàng

“Chập chững” ứng dụng “đám mây”

Một số Bộ, ngành, địa phương đang “rục rịch” triển khai mô hình điện toán đám mây nhằm giảm chi phí đầu tư, giảm rủi ro, tăng hiệu quả. Bên cạnh ưu điểm, công nghệ mới cũng tiềm ẩn những rủi ro.

Lễ ký kết thúc đẩy quá trình phát triển điện toán đám mây giữa Microsoft Việt Nam và FPT. (ảnh H.Mai_dantri)

“Rằng hay thì thật là hay”

Bộ Tài nguyên & Môi trường đang được kỳ vọng là mô hình điểm trong khối các Bộ, ngành về việc triển khai điện toán đám mây. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Chính, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết: Ứng dụng điện toán đám mây được “khởi xướng” khi Bộ thực hiện chủ trương kinh tế hoá ngành. Bước đầu ảo hoá hạ tầng, lượng hoá thành tiền thì Bộ này đã tiết giảm được 20% chi phí đầu tư nhờ việc ảo hoá các máy tính trong cơ quan Bộ (lúc cần sử dụng có thể lấy từ “đám mây”, sử dụng xong lại trả lại “đám mây”, để tài nguyên đó cho những người sử dụng khác, tránh lãng phí tài nguyên). Bên cạnh đó còn có những lợi ích khác lớn hơn và sẽ tiếp tục phát huy lâu dài, chẳng hạn như các đơn vị có nhu cầu có thể dễ dàng khai thác số liệu về tài nguyên khoáng sản từ đám mây về xử lý tại chỗ, không phải tốn kém chi phí đi lại.

Với thành quả bước đầu như vậy, Bộ Tài nguyên & Môi trường khá tự tin về độ khả thi của chiến lược sử dụng điện toán đám mây cho các ứng dụng CNTT trong ngành. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, Bộ này đang tiến hành chuẩn hoá các dữ liệu, đồng thời đang xây dựng các quy trình, chuẩn, cũng như các chính sách để tới năm 2015 có thể sử dụng ứng dụng điện toán đám mây cung cấp dịch vụ công cũng như cung cấp các số liệu của ngành Tài nguyên & Môi trường cho cộng đồng xã hội.

Một Bộ khác cũng đang có xu hướng “cổ suý” cho điện toán đám mây là Bộ Giáo dục & Đào tạo. Trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục & Đào tạo nhấn mạnh rằng mô hình điện toán đám mây rất phù hợp với ngành giáo dục. Ông Ngọc phân tích: ngành giáo dục đào tạo đang có hiện trạng mỗi cơ sở giáo dục (trường, sở…) lại “ôm” một “con” server (máy chủ) về, rất vất vả trong việc “nuôi dưỡng”, quản trị, phát triển, chưa kể độ trễ trong triển khai ứng dụng khi phải chờ đợi mua server về… Sau khi đã đầu tư hạ tầng, nhiều khi công suất không dùng hết, lãng phí tài nguyên. Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, các cơ quan Nhà nước có thể đầu tư tập trung và sử dụng phân tán, chia quyền. Khi đó, người dùng có thể sử dụng theo nhu cầu, và tài nguyên được chia sẻ cho những người có nhu cầu sử dụng thực sự.

Triển khai định hướng của ngành giáo dục là không để tình trạng mỗi trường lại tự đi dựng website, thuê server, mua tên miền… gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước, trong văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2011 – 2012, Cục CNTT đã chỉ các sở giáo dục đào tạo chuyển sang ứng dụng điện toán đám mây.

Vẫn có “gót chân Asin”

Điện toán đám mây không phải là một công nghệ hoàn hảo, không tì vết. Đại diện IBM Việt Nam đã cảnh báo một số rủi ro mà các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể gặp phải khi chuyển sang điện toán đám mây một cách manh mún, rời rạc, không có chiến lược toàn diện. Những rủi ro cụ thể gồm: Sự cố liên quan đến máy chủ có thể làm gián đoạn truy cập hoặc làm thất thoát những thông tin quan trọng như nội dung email hoặc những thông tin giao dịch liên quan đến tài chính; Sự phá sản hay ngừng hỗ trợ từ các nhà cung cấp giải pháp điện toán đám mây sẽ gây gián đoạn hoạt động cũng như các quy trình kinh doanh quan trọng dựa trên nền tảng điện toán đám mây của khách hàng, nếu đó là một ứng dụng trong lĩnh vực kế toán thì có thể làm gián đoạn quy trình lập hoá đơn, quản lý hàng hoá, thực hiện các khoản phải thu, chi…; Sự chậm chạp trong kinh doanh do chất lượng dịch vụ lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây kém, khiến cho khả năng truy cập website trở nên khó khăn, giảm tốc độ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Một vấn đề rất đáng quan ngại khác là bảo mật điện toán đám mây. Nhiều Bộ, ngành vẫn đang “quan sát” một thời gian xem đơn vị “tiên phong” ứng dụng điện toán đám mây có gặp sự cố trục trặc gì hay không rồi mới dám bắt tay vào triển khai. Không ít người lo ngại rằng để tài sản “tại nhà” vẫn còn khó bảo quản, nay quẳng lên “đám mây” ở xa lắc một nơi nào đó càng khó đảm bảo an toàn bảo mật hơn.

Được biết từ tháng 1/2010 đến 5/4/2011 đã có 130 vụ xâm hại điện toán đám mây được thống kê; 3 cách thức gây hại thường gặp nhất là các cuộc tấn công đơn SQL, mã địa điểm chéo và các phần mềm phá huỷ máy tính; 43% người dùng điện toán đám mây đã báo cáo có sự cố bảo mật trong 12 tháng qua; 49% các nguy cơ đe doạ được công bố trong năm 2010 nhưng có tới 44% các nguy cơ đe doạ được cảnh báo vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Những con số này phần nào cho thấy “điện toán đám mây” không phải là “miếng ngon dễ xơi”, nếu không cẩn thận sẽ bị “hóc”.

Đối với các cơ quan Nhà nước, cần lên kế hoạch, lộ trình cụ thể và toàn diện cho việc triển khai điện toán đám mây.

“Việc đưa các ứng dụng CNTT sẵn có lên “đám mây” cũng giống như sửa nhà, khó hơn và nhiều khi tốn hơn xây mới. Cần phải cân nhắc nhiều thứ, chẳng hạn như “móng nhà” có thể trụ đỡ được hay không. Nếu không tính toán hợp lý thì rất có thể sửa xong nhà lại đổ sập”, ông Quách Tuấn Ngọc lưu ý.

Bộ TT&TT đang nghiên cứu hoàn thiện một số thể chế chính sách về CNTT, trong đó có chính sách thúc đẩy phát triển mô hình điện toán đám mây trong cơ quan Nhà nước, hỗ trợ xây dựng một số sản phẩm lõi tiêu biểu theo công nghệ điện toán đám mây để nhân rộng, dùng chung nhằm tránh đầu tư dàn trải, lãng phí trong cơ quan Nhà nước. Nhiều ý kiến đề xuất nên có hội thảo về ứng dụng điện toán đám mây trong các cơ quan Đảng, Nhà nước để xem xét những vấn đề cần điều chỉnh, hoặc làm tường minh, tránh những lo ngại không có căn cứ.

Theo Ngọc Mai

ICTNews

Tin liên quan:

Điện toán đám mây: Từ quan điểm nào là mới?

Những điện thoại thông minh 3D đầu tiên trên thế giới

(ICTPress) - Sau hàng thập kỷ được quan tâm và sự khởi đầu khó khăn, cuối cùng 3D cũng đang trở thành công nghệ hiện đại thông qua trò chơi và nội dung video trên điện thoại di động, hãng Nghiên cứu In-Stat cho biết.

Một nghiên cứu mới đây “3D trong công nghệ di động, các bộ xử lý, các cảm biến (sensor) hình ảnh và các màn hình - thúc đẩy trải nghiệm 3D” đã cho thấy tổng lượng xuất xưởng hàng năm các đầu cuối 3D sẽ vượt qua 148 triệu chiếc vào năm 2015. Vào thời điểm này, gần 30% tất cả các máy chơi Game cầm tay sẽ là 3D. Đến năm 2014, 18% tablets sẽ là 3D.

Để có được 3D đầy đủ cần tối thiểu 2 sensor hình ảnh cho một giải pháp hình. Điều này có nghĩa là cần 4 sensor hình ảnh, 2 ở mặt trước và 2 ở phía sau. Một số đầu cuối di động 3D với 4 sensor hình ảnh đã sẵn sàng được tung ra giới thiệu vào cuối 2011 và 2012.

Sau đây xin mời các bạn tham khảo một số điện thoại thông minh (ĐTTM) 3D đầu tiên của thế giới vừa được giới thiệu trong tháng 7 và đầu tháng 8 này:                                        

ĐTTM HTC Evo 3D, xem 3D không cần kính

ĐTTM Evo 3D của hãng HTC Đài Loan có màn hình 3D 4,3 inch, chạy hệ điều hành Android 2.3 hay với tên hiệu Gingerbread, chạy bộ xử lý 2 lõi Snapdragon 1.2 GHz, đưa nó trở thành ĐTTM có xử lý mạnh đầu bảng hôm nay. Với 2 camera 5-megapixel làm cho nó có thể bắt được các bức ảnh 3D và video 3D.

The HTC Evo 3D smartphone

Evo 3D có pin lithium mạnh hơn nhiều ĐTTM hiện có trên thị trường, với dung lượng 1730 mAh. Nó còn bao gồm ổ chừa trong 4G và hốc cho micro SD card, nó có thể mở rộng dung lượng tới 32 GB.

Sprint thông báo ĐTTM Evo 3D có thể sẽ xuất hiện với giá 199,99 USD. Sprint cung cấp dịch vụ Evo 3D với giá 79,99 USD/tháng, khả năng điểm nóng di động (Mobile hotspot) có thể tăng tới 8 đầu cuối Wi-Fi.

ĐTTM LG Optimus 3D

Cuối cùng thì LG Electronics cũng đã tung ra thị trường LG Optimus 3D đã được chờ đợi lâu từ sau lần ra mắt tai Hội chợ Di động Thế giới MWC 2011 vào hồi tháng 2. LG Optimmus 3D ra thị trường với cấu hình mà công ty gọi là ‘Ba-Hai” - Hai lõi, Hai kênh và Hai bộ nhớ.

LG Optimus 3D

ĐTTM này của LG còn là bước chính tiến tới sử dụng chức năng 3D đầy đủ trong cuộc sống hàng ngày - người sử dụng có thể ghi lại và ngay lập tức xem lại nội dung 3D mà không cần đeo kính phân cực.

“Cấu hình Ba-Hai mở ra một thế giới hoàn toàn mới trong chế tạo ĐTTM. Trong dây chuyền Optimus mới nhất, chúng tôi quan tâm đặc biệt công nghệ ĐTTM và 3D là trận tuyến lớn tiếp theo trong các đầu cuối di động”, TS. Jong-seok Park, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty LG Truyền thông Di động cho biết.

LG cho biết với cấu hình “Hai kênh”, các bộ truyền dữ liệu chiếm vị trí đồng thời giữa Hai lõi và Hai nhớ. Kết quả là LG Optimus 3D tối đại hóa hiệu quả thời gian chạy tới nhanh chóng mượt mà, nhanh hơn, và hoạt động đa dạng lâu hơn, lướt web, chơi game và thưởng thức đa phương tiện hơn hẳn từ trước tới nay.

Những người sở hữu ĐTTM mới nhất của LG sẽ có được nội dung 3D chất lượng cao với công nghệ video 3D ổn định và thuật toán điều chỉnh thời gian thực, nó tự động điều chỉnh sự rung động trong quá trình ghi. Và góc nhìn rộng của ĐTTM LG Optimus 3D làm cho xem phim, video thuận tiện và dễ chịu hơn rất nhiều.

Màn hình WVGA 4,3 inch, cung cấp các bức hình sáng sủa và lung linh ở HD, lên tới 1080 p ở 2D và lên tới 720 p ở 3D. Phần mềm đặc biệt cho phép chuyển đổi thời gian thực của các bức ảnh 2D và nội dung video thành 3D. Phần mềm tự do cho chuyển đổi game 2D sẽ có thể tải về trong quý 3.

LG Optimus 3D còn được tích hợp browser tăng thêm hiện thực 3D đầu tiên của thế giới  trong sự hợp tác với  nhà phát triển Wikitude.

Điện thoại này sẽ xuất hiện đầu tiên ở châu Âu, và sau dó vài tuần ở hơn 60 thị trường trên toàn thế giới.

ĐTTM Huawei Vision với màn hình 3D

Huawei đã trình diễn ĐTTM trên nền tảng Android với màn hình 3D tươi sáng và sống động. Huawei Vision chạy hệ điều hành Android Gingerbread 2.3 và được hỗ trợ bởi bộ xử lý 1GHz Qualcomm Snapdragon MSM 8255.

Huawei Vision

Huawei Vision dày 9,9 mm, nặng 121gr và hỗ trợ video recording 720 p và có camera 5 megapixel tiêu cự tự động với đèn LED flash.

“Chúng tôi rất phấn khởi giới thiệu Huawei Vision, ĐTTM ấn tượng, hoàn hảo giữa công nghệ và mẫu mã. Sự sôi động trong sử dụng 3D khắp mọi nơi báo trước kỷ nguyên mới trong sự dẫn đầu của Huawei, bởi chúng tôi tiếp tục tạo ra đầu cuối làm tăng thêm trải nghiệm cho người sử dụng thông qua thiết kế kiểu cách hợp thời trang và chức năng thông minh”, Victor Xu, Trưởng bộ phận tiếp thị đầu cuối của Huawei cho biết.

Huawei Vision sẽ có thể xuất hiện ở các thị trường chọn lọc từ tháng 9/2011.

                                                                                Thăng Long

                                                              (Theo Cellular News 08/2011)

Cơ hội đến Geneva trình bày ý tưởng số

(ICTPress) - Triển lãm Viễn thông thế giới ITU 2011 (ITU Telecom World 2011) vừa mở một cuộc thi toàn cầu tạo điều kiện cho 60 nhà sáng tạo trẻ và sáng tạo số có cơ hội đến tham dự sự kiện này được tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ từ ngày 24 – 27/10/2011 để trình bày những ý tưởng đột phá làm mới ngành ICT.

Trang web nộp ý tưởng số

6 ý tưởng tiêu biểu nhất cho hai tiêu chí là nhà sáng tạo trẻ và nhà sáng tạo số của cuộc thi sẽ được đánh giá từ những lá phiếu trực tuyến của các đoàn tham gia Triển lãm, sẽ nhận được mức thưởng lên tới hơn 50.000 franc Thụy Sỹ (CHF). Số tiền này sẽ giúp những người có ý tưởng tiêu biểu nhất cùng với những chuyên gia cố vấn của ngành biến những ý tưởng này thành hiện thực.

Những nhà sáng tạo trẻ có thể nộp ý tưởng trực tuyến theo hai tiêu chí sau:

Những nhà sáng tạo trẻ: có độ tuổi từ 18 – 25, và có ý tưởng đã phải được phát triển độc lập với dự án của công ty họ đang làm việc. Các ý tưởng tốt nhất trên thế giới sẽ được đài thọ toàn bộ chi phí dự vòng chung kết tại Geneva. Tại đây, những người lọt vào vòng chung kết sẽ có hai ngày được huấn luyện cách thức trình bày ý tưởng tốt nhất, và vòng cuối của vòng chung kết được tổ chức vào ngày 25/10. ITU khuyến khích các ý tưởng của các nữ thanh niên và những nữ thanh niên vẫn đang tìm kiếm công việc.

Những nhà sáng tạo số: hợp tác với một tổ chức phi chính phủ (NGO) hoặc một tổ chức phi lợi nhuận: những người tham gia theo tiêu chí này cuộc thi được khuyến khích gửi các ý tưởng về những cách thức mới mà ICT có thể thể thúc đẩy trong các lĩnh vực như bền vững môi trường, tiếp cận y tế và giáo dục nhiều hơn nữa, khả năng số hay thoát nghèo. Những sự hợp tác tốt nhất sẽ được huấn luyện để trình bày các ý tưởng đã được phát triển trước khi vào vòng sau cùng.

Những ý tưởng được nộp sẽ được đánh giá theo các tiêu chí như tính sáng tạo, tính khả thi (triển khai công nghệ/chi phí) và trải nghiệm của người sáng tạo (khả năng chuyển giao). Cộng đồng trực tuyến của Triển lãm Viễn thông thế giới ITU 2011 ban đầu sẽ bỏ phiếu cho những ý tưởng được ưa thích, để chọn 60 ý tưởng nhiều điểm nhất từ mỗi tiêu chí. Sau đó các ý tưởng này được gửi tới một ban giám khảo cấp cao gồm các chuyên gia độc lập từ khu vực công và tư nhân để chọn những ý tưởng tốt nhất.

Bên cạnh cơ hội đoạt 6 giải thưởng cao nhất, cuộc thi còn được thiết kế để mang lại cho những thí sinh dự vòng chung kết một trải nghiệm phong phú, giúp họ thành công hơn trong một thế giới ICT phát triển cạnh tranh. Đây cũng là cơ hội để xây dựng một mạng lưới các mối liên hệ chuyên nghiệp mới có giá trị. Tất cả các ý tưởng được trình bày sẽ được quay phim và được tải lên YouTube, Facebook và trang web của Triển lãm, để các ý tưởng có cơ hội lan tỏa toàn cầu.

Những người nộp ý tưởng được khuyến khích viết những trải nghiệm, những thăng trầm trong quá trình sáng tạo ý tưởng trên trang web của Triển lãm trong hai ngày trình bày phát triển ý tưởng và có thể tải những hình ảnh, đoạn phim và đoạn ghi âm.

Tổng thư ký ITU TS. Hamadoun Touré cho biết: Cuộc thi dành cho những nhà sáng tạo trẻ và sáng tạo số lần này là thu hút khả năng chuyên môn lâu dài để thúc đẩy các sự kiện dành cho thanh niên và khai thác sức mạnh của tư duy số, mới. Các ứng dụng, dịch vụ và sản phẩm được thúc đẩy nhờ các mạng thế hệ mới có thể làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người hàng ngày. Cuộc thi này sẽ mang lại một cơ hội thú vị và duy nhất cho những tài năng số trẻ để nhận được sự hỗ trợ, công nhận và tài trợ cần thiết để biến các ý tưởng số hứa hẹn thành những đóng góp giá trị, thực tế cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Hạn cuối nộp ý tưởng là ngày 15/9/2011. Các nhà sáng tạo trẻ có thể nộp ý tưởng tại http://world2011.itu.int/young-innovators. Các nhà sáng tạo số hợp tác với một tổ chức phi chính phủ hoặc tổ chức phi lợi nhuận có thể nộp ý tưởng tại http://world2011.itu.int/node/add/idea.

Linh Hoàng

Nhà khai thác bưu chính và di động bắt tay cung cấp bưu thiếp số

(ICTPress) - Những người yêu thích bưu thiếp Thái Lan bây giờ đã có không gian riêng của mình. Đó là gửi các bưu thiếp tự tạo với các bức ảnh nhờ điện thoại di động (ĐTDĐ).

Dịch vụ bưu thiếp thông minh này có tên là iPostcard, là sự hợp tác giữa Bưu chính Thái Lan và AIS, nhà khai thác thông tin di động hàng đầu Thái Lan, cho phép thuê bao di động của AIS sáng tác và thiết kế bưu thiếp riêng của họ và gửi các hình ảnh đó qua ĐTDĐ.

Sử dụng công nghệ điện thoại thông minh, các khách hàng sử dụng dụng dịch vụ này chỉ cấn ấn các phím *900*747# và gọi ra ngoài, hay ghé trang web Wap.mobilelife.co.th/smartposcard để tải về ứng dụng bưu thiếp thông minh trên máy cầm tay của họ.

Anusra Chittrapap, Chủ tịch Bưu chính Thái Lan, cho biết dịch vụ này hướng tới giới trẻ. Trong khi đó, phó chủ tịch tiếp thị của AIS Somchai Lertsutiwong cho biết bưu thiếp số sẽ giúp cho thay đổi phong cách sống của những người sử dụng ĐTDĐ.

Dịch vụ này sử dụng giấy tái sinh và Bưu chính Thái Lan dự đoán nó sẽ giảm khí thải nhà kính khoảng 26,33% so với mức tỏa ra từ in một bưu thiếp thông thường.

AIS sẽ cung cấp trên diện rộng các các chức năng của dịch vụ như trang trí ảnh như tán bột, pha mầu, các mẫu hàng hóa, các phác họa, báo và tạp chí, các bức ảnh địa danh và bưu gửi, các khách hàng được phép gửi tối đa 10 bưu thiếp cho một lần dịch vụ.

Giá dịch vụ là 30 baht/bưu thiếp gửi nội địa và 45 baht/bưu thiếp gửi quốc tế.

Ông Somchai cho biết thêm trong giai đoạn đầu dịch vụ có thể thực hiện qua iPhone 4.0 và hơn thế. AIS hiện có 3 triệu người trong tổng số 6 triệu người sử dụng điện thoại thông minh của cả Thái Lan.

Hãng nghiên cứu toàn cầu Strategy Analytic Inc. cho biết  mức tiêu thụ điện thoại thông minh ở Thái Lan có thể lên tới 3,4 triệu chiếc trong năm nay, tăng từ 1.6 triệu chiếc ở năm ngoái và có thể đạt 6 triệu chiếc vào năm 2013 và 10 triệu chiếc vào năm 2015.

                                                                             Thăng Long

 (Theo Bangkok Post)

DN phần mềm "nội" khó ra biển lớn

Nếu không sớm cải thiện năng lực để đạt được các chuẩn quốc tế (như CMMI) thì trong vài năm tới, hơn 1000 DN phần mềm và nội dung số Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ì ạch ngay trên “sân nhà” chứ đừng nói tới tham vọng vươn ra biển lớn.

Một khóa đào tạo Quy trình sản xuất phần mềm theo mô hình CMMI tại HanoiCTT. Ảnh: P.M

“Vất vả” mới giải ngân được 20 tỷ đồng

Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN về thực tế triển khai dự án hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất phần mềm theo mô hình CMMI (Capability Maturity Model Integration - Mô hình trưởng thành năng lực tích hợp do Viện Công nghiệp Phần mềm Mỹ phát triển), ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho biết: Tính đến tháng 8/2011, dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI” do Chính phủ giao Bộ TT&TT làm chủ đầu tư (hỗ trợ mỗi doanh nghiệp 25.000 USD), triển khai trong 3 năm (2010 - 2012) từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã đi được nửa chặng đường. Và trong giai đoạn 1 của dự án (năm 2010), mới có 16 doanh nghiệp tham gia và giai đoạn 2 trong năm 2011 thêm 14 doanh nghiệp; đồng thời tổng số tiền giải ngân hỗ trợ cho các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số (PM&NDS) lấy chứng chỉ và xây dựng quy trình CMMI hiện mới đạt khoảng 30% trong tổng kinh phí 60 tỷ đồng được nhà nước hỗ trợ (tương đương với 20 tỷ đồng).

“Một trong những khó khăn lớn khi triển khai dự án là tìm được doanh nghiệp hội tụ đủ điều kiện để tham gia lấy chứng chỉ CMMI. Tuy nhiên thực tế cho thấy, đến nay hầu hết doanh nghiệp PM&NDS trong nước vẫn chỉ là doanh nghiệp nhỏ chủ yếu gia công phần mềm, hạn chế về nhân lực, nguồn vốn, không đáp ứng được đủ các điều kiện đặt ra”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Chính từ những thách thức xuất phát từ phía doanh nghiệp như vậy, ông Tuyên cho biết hiện Ban Quản lý các dự án công nghiệp CNTT (đơn vị trực tiếp triển khai dự án) cũng chỉ đặt mục tiêu “khiêm tốn” là đến khi kết thúc sẽ có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia và trong số đó có doanh nghiệp đạt được chứng chỉ, thay vì mục tiêu đạt khoảng 90 doanh nghiệp đạt CMMI for Development mức độ 3 theo như dự kiến ban đầu.

Thiếu chuẩn: "Sân nhà” vẫn gặp khó

Theo Báo cáo Toàn cảnh Công nghiệp Phần mềm Việt Nam 2010 được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) công bố, tổng doanh thu ngành PM&NDS Việt Nam ước đạt 2 tỷ USD (khoảng hơn 41.000 tỷ đồng). Con số đó được đánh giá là một bước tiến dài của ngành PM&NDS trong nước, thế nhưng nếu so với các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật… thì Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé, trong khi sự phát triển của các doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều nỗi “gian truân” với nguồn thu chủ yếu từ gia công và dịch vụ, quy mô nhỏ lẻ…

Bà Đặng Thị Diệu Hương – Giám đốc Điều hành HanoiCTT (đối tác được Bộ TT&TT lựa chọn để triển khai khóa đào tạo về CMMI tại Hà Nội) nhận định, để khắc phục được những hạn chế như trên, trở thành một ngành công nghiệp thực sự, thì điều cần thiết là ngành PM&NDS Việt Nam phải đi theo một quy trình đạt chuẩn quốc tế. Chính vì thế, từ khi khái niệm CMMI liên tục được nhắc đến tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây thì đó được xem như “giấy thông hành” quan trọng để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực hoạt động, khả năng cạnh tranh để đủ sức vươn ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, dù Nhà nước đã sẵn sàng hỗ trợ kinh phí (nên nhớ, mỗi doanh nghiệp đủ điều kiện và được Bộ TT&TT chọn tham gia dự án sẽ được hỗ trợ một khoản tiền không nhỏ là 15.000 USD để tư vấn xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI và 10.000 USD cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ...) nhưng chính nội lực yếu kém của các doanh nghiệp lại là rào cản đáng lo ngại khi thời hạn của dự án không còn nhiều.

“Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới mạnh dạn hỗ trợ doanh nghiệp lấy chứng chỉ CMMI. Ngay như học phí để mỗi học viên tham gia khóa đào tạo về quy trình công nghệ sản xuất phần mềm theo mô hình CMMI trong 5 ngày cũng không dưới 1.000 USD. Trong khi đó, nhiều nước như Ấn Độ, Chính phủ hiện cũng không có ngân sách hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực PM&NDS”, ông Aru David, Tổng giám đốc ECCI Group tại Việt Nam (đơn vị trực tiếp tư vấn, đào tạo cho các doanh nghiệp áp dụng chuẩn CMMI) khẳng định, đồng thời cũng cho rằng đây là thực tế khiến cho các doanh nghiệp PM&NDS trong nước phải nhìn nhận lại mình để sớm nâng cao năng lực.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, giới phân tích cho rằng với tình cảnh như hiện nay (khi chỉ khoảng hơn 10 doanh nghiệp tuyên bố đã đạt chuẩn CMMI, trong đó có hai doanh nghiệp duy nhất đạt CMMI mức 5 là FPT Software và TMA Solutions), thì câu chuyện “vươn ra biển lớn” của khoảng 1000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực PM&NDS tại Việt Nam trong vài năm tới vẫn sẽ vô cùng khó khăn. Thậm chí họ còn gặp khó ngay cả trên sân nhà khi vấp phải sự cạnh tranh của những doanh nghiệp mạnh.

“Chính vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ lấy chứng chỉ CMMI for Development thì quả thực sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì thế, hiện Ban Quản lý các dự án công nghiệp CNTT đang gấp rút nghiên cứu để báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT nhằm đưa ra phương án hỗ trợ cả các chuẩn quốc tế phù hợp khác”, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho hay.

Theo Phan Minh

ICTNews 

NEC và Bưu chính Malaysia hợp tác hiện đại hóa khai thác

Pos Malaysia Berhad, nhà khai thác bưu chính quốc gia của Malaysia, đang trên đường hiện đại hóa thông qua các bước tự động hóa khai thác của mình bằng việc đầu tư hệ thống tự động tìm kiếm bưu chính từ hãng NEC Nhật Bản.

Ảnh minh họa: thestar

Hệ thống này sẽ được triển khai tại Trung tâm Thư tín và Bưu kiện Quốc gia được thiết lập tại Shah Alam, Selangor, Malaysia.

Hệ thống mới này gồm: 1 máy đóng dấu chọn lọc (CFC), 6 máy chia chọn thư tín (MPM), 1 máy phân loại ngang (FSM) và 1 hệ thống  quang học nhận mặt chữ (OCR) và video coding (VCS). Ngoài ra, 3 máy đóng dấu chọn lọc từ Trung tâm hiện tại gần đó cũng được tích hợp tại Trung tâm Thư tín và Bưu kiện quốc gia.

Các máy chia chọn thư (MPM) là các máy chọn thư tốc độ cao, với khả năng khai thác lên tới 41.000 thư/giờ, trình độ cao nhất thế giới hiện nay. Máy phân loại ngang (FSM) có đặc điểm gồm 220 máy xếp đống (chồng) và máy chia chọn tốc độ cao với khả năng khai thác lên tới 22.500 mục thư tín lớn và nặng trong 1 giờ, gồm các phong bì, tạp chí và các Catalogues.

 

Các đặc điểm bổ sung gồm một hệ thống OCR xác định địa chỉ bưu chính có khả năng xử lý đồng thời các bức ảnh thư từ FSM, phân loại ngang và 6 máy chia chọn  thư MPM. Hệ thống này còn xử lý các địa chỉ in bằng máy và viết tay tại tốc độ  đọc của hơn 90% bằng tìm kiếm vài triệu địa chỉ ở tốc độ hơn 70 mục/giây. Ngoài ra, hệ thống này còn có đặc trưng giao diện mở phù hợp với các điều kiện thiết lập bởi Ủy ban châu Âu về Tiêu chuẩn hóa (CEN), nó có khả năng  hợp chuẩn cao trong tương lai.

Đặc biệt, hệ thống này đóng góp cho đổi mới khai thác phân loại thư bởi cho phép chọn và phân phối các hạng mục bưu chính một cách hiệu quả tại một địa điểm, mà trước đây yêu cầu tới 4 trung tâm thư địa phương.

NEC đã triển khai các hệ thống bưu chính tự động ở hơn 50 quốc gia từ lần đầu tiên bước vào lĩnh vực này năm 1961. Hướng tới tương lai, NEC đầu tư ở Malaysia để rút kinh nghiệm cho đẩy mạnh và nâng cấp xử lý bưu chính lớn hơn ra các quốc gia khác trên  thế giới.

     Thăng Long

                                                          (Nguồn: StorageAsia)

Ra mắt Cục Viễn thông - chứng tỏ sự trưởng thành của thị trường

(ICTPress) - Ngày 15/8/2011, tại Hà Nội, Cục Viễn thông đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Cục Viễn thông trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) (Viet Nam Telecommunications Authority - VNTA), đúng vào ngày kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã tới dự và phát biểu chào mừng.

Cục Viễn thông được thành lập theo Quyết định số 35/2011/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ, là cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ TT&TT quản lý nhà nước và tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thông trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao quyết định thành lập cho lãnh đạo Cục Viễn thông

Được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai đơn vị thuộc Bộ TT&TT là Vụ Viễn thông và Cục quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông sẽ kế thừa được những kinh nghiệm thực thi quản lý nhà nước của Cục Quản lý chất lượng CNTT và truyền thông và kinh nghiệm tham mưu xây dựng chính sách, văn bản pháp luật của Vụ Viễn thông.

Trên cơ sở hành lang pháp lý quy định tại Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện và Nghị định số 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Viễn thông, việc hình thành Cục Viễn thông nhằm tăng cường công tác thực thi pháp luật, quản lý để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường dịch vụ viễn thông, thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đánh giá Viễn thông Việt Nam phát triển được như hiện nay là có sự đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo ngành Bưu chính Viễn thông trước đây và ngành Thông tin và Truyền thông ngày nay.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị Cục Viễn thông trong thời gian tới tham mưu cho Lãnh đạo Bộ hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về Viễn thông, đẩy mạnh công tác theo dõi việc thực hiện các cam kết của các doanh nghiệp viễn thông, quản lý phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối viễn thông, phân bổ kho số viễn thông, thực hiện các quy định về giá cước, khuyến mại, chất lượng viễn thông, chủ trì giải quyết các vụ việc cạnh tranh, giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông.

Cục Viễn thông là cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông thứ 159 được thành lập trong tổng số 192 quốc gia tham gia liên minh viễn thông thế giới (ITU). Nhân dịp này, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) TS. Hamadoun Touré đã gửi thư chúc mừng cho Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải ngày 29/7/2011. Bức thư có đoạn viết: “Việc thành lập Cơ quan quản lý chuyên ngành về Viễn thông ở Việt Nam là minh chứng tuyệt vời chứng tỏ sự trưởng thành của thị trường. Nhân dịp này, tôi trân trọng gửi lời chúc thành công tốt đẹp nhất tới Cục Viễn thông trong vai trò quản lý thị trường hết sức nặng nề, đầy thách thức và cũng rất thú vị. Thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành là công cụ quản lý quan trọng bậc nhất nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững đối với mỗi quốc gia và tôi muốn nhắc lại rằng Cơ quan quản lý chuyên ngành viễn thông - Cục Viễn thông ở Việt Nam có thể hoàn toàn tin tưởng vào sự hỗ trợ của Liên minh viễn thông quốc tế ITU trong quá trình Cục Viễn thông thực hiện vai trò quan trọng của mình”.

Linh Hoàng

VNPT thiếu vốn cho Vinasat-2

(ICTPress) - Quá trình đưa vệ tinh Vinasat-2 vào hoạt động đang được VNPT thúc đẩy. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), ông Bùi Quốc Việt trả lời báo Dân trí cho biết, đang gặp khó khăn với khoản vốn đầu tư khoảng 350 triệu USD.

Theo báo cáo, ngay từ cuối năm 2010 Vinasat- 1 đã đạt hiệu quả sử dụng 100%. Trong khi đó, các đơn đặt hàng của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, muốn thuê dịch vụ vệ tinh vẫn tiếp tục phát triển. Do đó, VNPT đang thúc đẩy quá trình đưa Vinasat- 2 vào hoạt động sớm. Theo ông Việt, hiện nay vấn đề vốn đầu tư cho Vinasat- 2 (khoảng 350 triệu USD) đang gặp khó khăn. Phía VNPT đã báo cáo lên chính phủ xin sớm nhận được sự hỗ trợ.

Trong chuyến thăm và làm việc mới đây của mình tại Việt Nam, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), Ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Công ty VTI - doanh nghiệp được VNPT giao vận hành và kinh doanh Vinasat-1, cho biết, tính tới thời điểm này, Vinasat-1 đã không chỉ có các khách hàng trong nước mà có cả khách hàng nước ngoài.

"Chúng tôi đã đã bán được trên 80% dung lượng của vệ tinh Vinasat-1. Đây là một kết quả khả quan và đáng vui mừng, khẳng định uy tín và chất lượng dịch vụ của vệ tinh Vinasat-1. Các khách hàng lớn của Vinasat-1 có thể kể đến như: VTV, VTC, VOV, HTV, ngành dầu khí, các đơn vị kinh doanh viễn thông, Thaicom, Lao Telecom, WebsatMedia (Singapore)…”. Đại diện của VTI cũng nhận định, nếu không có gì thay đổi, toàn bộ băng tần còn lại của Vinasat-1 sẽ nhanh chóng được lấp đầy trong thời gian tới" - ông Khánh nói.

Vinasat- 2 được Lockheed Martin - đối tác cung cấp Vinasat-1, sản xuất trên nền tảng khung A2100 với công nghệ hiện đại, ổn định đã được trải nghiệm. Dự kiến, thời điểm bàn giao vệ tinh diễn ra trong tháng 4 hoặc tháng 5-2012. Vệ tinh này có vùng phủ sóng tại khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận, có tuổi thọ 15 năm.

ĐL