Nghề báo
Nâng cao chất lượng, tạo nên sức hút qua từng tác phẩm ảnh báo chí
Submitted by nlphuong on Tue, 15/03/2022 - 20:42Trong hơn hai năm qua, dịch bệnh làm ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân và kinh tế xã hội, các phóng viên Ban biên tập Ảnh - TTXVN đã luôn đồng hành cùng nhịp sống ấy, tự đặt mình vào vị trí của người chiến sỹ trên mặt trận thông tin, sẵn sàng nhận lệnh lên đường bất kể ngày đêm...
Trải qua mỗi thời kỳ, đội ngũ phóng viên ảnh TTXVN thường thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được thành tích đáng tự hào trong thời kỳ bảo vệ cũng như xây dựng tổ quốc.
Trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ nhà báo chuyên ảnh TTXVN đang đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, ứng dụng công nghệ làm báo đa phương tiện, nâng cao chất lượng, tính thời sự của ảnh báo chí hiện đại. Phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thông tin của xã hội hiện nay, khẳng định vị thế cơ quan báo chí chủ lực quốc gia.
Thông tấn xã Việt Nam mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên ảnh đi thường trú. |
Không chỉ là nguồn cung cấp ảnh cho các cơ quan báo chí khác, với nguồn ảnh phong phú, hiện nay việc sử dụng minh họa cho các tin, bài, nguồn ảnh cũng được khai thác từ Ban biên tập Ảnh. Ảnh được dùng vào các vấn đề thời sự được xây dựng theo hướng chuyên sâu gắn với chủ đề, phóng sự ảnh hoặc dùng ghép cho một số clip, đặc biệt là thể loại bài longform và tin video.
Cùng với Ban biên tập Ảnh, hiện nay phóng viên ở các cơ quan thường trú cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển ảnh thời sự, ảnh theo chủ đề. Ban biên tập Ảnh thường xuyên phối hợp với phóng viên thường trú mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ảnh theo từng nội dung cụ thể như: Kỹ thuật sử dụng máy ảnh, kỹ thuật xử lý hình ảnh bằng phần mềm, kỹ năng viết chú thích ảnh, chụp và xử lý hình ảnh bằng smartphone…
Ban biên tập Ảnh duy trì kết nối trao đổi với phóng viên thường trú, chủ động gợi ý đề tài và đặt hàng phóng viên thực hiện các đề tài ảnh. Hai bên phối hợp chặt chẽ khi có sự kiện đột xuất xảy ra phóng viên thường trú có thể chủ động tác nghiệp để có hình ảnh chất lượng và sớm nhất.
Trong hơn hai năm qua, dịch bệnh làm ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân và kinh tế xã hội, các phóng viên Ban biên tập Ảnh - TTXVN đã luôn đồng hành cùng nhịp sống ấy, tự đặt mình vào vị trí của người chiến sỹ trên mặt trận thông tin, sẵn sàng nhận lệnh lên đường bất kể ngày đêm.
Phóng viên ảnh TTXVN tác nghiệp tại một điểm tiêm vaccine COVID-19 của quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Nhà báo Bùi Lâm Khánh - phó trưởng Ban biên tập Ảnh TTXVN khẳng định: Chúng tôi có những phóng viên làm thời sự ngày nào cũng tiếp xúc với nơi có nguy cơ cao, điểm nóng về dịch bệnh. Đã có tình trạng phóng viên say nghề, mà quên đi yếu tố bảo hộ hay giữ sức khỏe cho mình, tuy nhiên đó là cá biệt. Giờ đây trong môi trường mới thì yếu tố sức khỏe phải đặt lên hàng đầu.
“Tôi vẫn luôn nhắc nhở phóng viên, đầu tiên phải giữ sức khỏe cho mình, cho gia đình mình đó là ưu tiên số 1, vì cuộc chiến chống dịch về lâu về dài và phóng viên phải có sức khỏe để chúng ta tiếp tục duy trì cho hành trình sau này" - nhà báo Lâm Khánh chia sẻ.
Ảnh “chủ nhà” tại các sự kiện lớn
Trong mọi sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước, ảnh của TTXVN được coi là “anh cả” về độ nhanh chóng, chính xác và chất lượng. Đó là nguồn tin ảnh chính thống, dữ liệu quan trọng để mỗi cơ quan báo chí, tạp chí trong nước tin yêu, lựa chọn bổ sung cho những bài viết của mình.
Nhà báo Bùi Lâm Khánh cho biết: Ngoài số lượng, về chất lượng của sản phẩm cũng được coi trọng, chúng tôi xác định xây dựng các tác phẩm báo chí chất lượng cao và định hình nó ngay từ ban đầu, đối với sự kiện này thì làm những gì? sự kiện sau cần làm những gì? Để sản phẩm, loạt ảnh có sự liên kết, có sự thống nhất và đa dạng.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao giải cho nhà báo Bùi Lâm Khánh (đại diện nhóm tác giả) tại lễ trao Giải Búa liềm vàng lần thứ VI - năm 2021. Ảnh: TTXVN |
Có thể khẳng định, xuyên suốt những chặng đường phát triển, ảnh của TTXVN có đặc trưng riêng, đặc trưng này đã được độc giả đọc báo, xem ảnh nhìn nhận, phân biệt được với ảnh cơ quan báo chí khác. Một bức ảnh hay loạt ảnh sau khi đăng tải người xem có thể biết được đây là của đơn vị nào, tính đặc trưng của ảnh TTXVN là số một.
Một bức ảnh nhưng ở trong đó mọi người có thể hiểu được nội dung thông tin một cách đầy đủ, đa dạng, chỉn chu, ngay ngắn, tỉ lệ khuôn hình có sự hài hòa. Và điều đặc biệt là hình ảnh lúc nào cũng trực diện, tròn trịa và chứa hàm lượng nội dung cụ thể. Thậm chí nhiều phóng viên ảnh địa phương, phóng viên ảnh ở các cơ quan báo chí khác coi ảnh TTXVN là ảnh mang tính dẫn dắt, định hướng cho đồng nghiệp sáng tạo tác phẩm của mình.
Nhà báo Bùi Lâm Khánh cho biết thêm: Chủ thể trong ảnh của chúng tôi thường hướng về lãnh đạo Đảng và nhà nước, còn một số tờ báo mang tính bao quát hơn, có cách khai thác riêng. Mục tiêu của TTXVN là luôn đảm bảo sự cân bằng, sự định hướng và mang yếu tố chính trị sau đó mới nghĩ đến việc sáng tạo đổi mới, đa dạng hơn.
Chương trình nghệ thuật "Khát vọng - Tỏa sáng" chào mừng thành công Đại hội XIII. Ảnh TTXVN |
Nhà báo Bùi Lâm Khánh chia sẻ: "Trong những năm gần đây chúng tôi cố gắng duy trì thế mạnh của mình, đó là ảnh “chủ nhà” tại tất cả các sự kiện lớn của Đảng và nhà nước, mục tiêu của TTXVN là hướng tới sự đa dạng đúng định hướng và chất lượng ảnh mang sự chỉn chu, sắc nét. Tuy nhiên cá nhân tôi thấy cần phải đổi mới hơn nữa để tương ứng với dư địa, nguồn lực của TTXVN. Làm sao để phát huy được khả năng, năng lực của mỗi nhà báo, phóng viên đang công tác ở mọi miền của tổ quốc và khắp nơi trên thế giới".
Nguồn: Vũ Phong/congluan.vn
https://congluan.vn/nang-cao-chat-luong-tao-nen-suc-hut-qua-tung-tac-pham-anh-bao-chi-post184812.html
Vài mẩu chuyện chưa biết về “cây chính luận” Trần Kiên
Submitted by nlphuong on Fri, 11/03/2022 - 08:46Một sáng đầu Xuân Nhâm Dần, tôi đến thăm anh Trần Kiên, nguyên Phó Tổng Biên tập Thường trực, nguyên Bí thư Đảng ủy Báo Nhân Dân (nhiệm kỳ 1969-1974). Anh là một trong những “cây chính luận” xuất sắc của báo Đảng, cùng thế hệ làm báo thời Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê, Hồng Hà, Hà Đăng…
Học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949. Trong ảnh: Nhà báo Trần Kiên (tên đi học là Hoàng Kiên Trung) đứng ngoài cùng, bên phải. Nguồn: BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM |
Mặc dù chỉ còn 3 ngày nữa, anh bước sang tuổi 96, nhưng trí nhớ vẫn như thời trai trẻ, giọng nói vẫn ấm vang, rành rõ. Trong không khí thân tình, ấm cúng và cởi mở, tôi mạnh dạn hỏi: “Thưa anh, thế hệ làm báo từ thời chống Mỹ, cứu nước đến nay, chỉ hiểu anh là một trong những “cây chính luận” xuất sắc của Báo Nhân Dân, nhưng chưa hiểu chặng đường anh đến với cách mạng và báo chí như thế nào, nếu được anh vui lòng kể cho vài nét?”
Anh cười, nói thong thả:
- Thật ra, từ trước đến nay, có một số nhà báo muốn viết về đời làm báo của mình, nhưng thú thật, mình rất ngại nói về bản thân.
- Nhưng với em, người trưởng thành từ Báo Nhân Dân, mong anh có thể kể một vài chuyện về nghề nghiệp ạ!
Lặng im một lúc, anh nói thong thả:
- Nếu kể về chặng đường từ ngày tham gia cách mạng (năm 1942) thì dài lắm. Mình chỉ tóm tắt vài nét chủ yếu thế này: Năm 1942, mình cùng với anh Lưu Văn Mẫn (nguyên Phó Trưởng Ban Tài chính-Quản trị Trung ương-hiện còn sống) cùng anh Phạm Thành Đạt tham gia trong “tổ Việt Minh” đầu tiên ở trường Bonnal Hải Phòng, hoạt động cho đến năm 1945, ta cướp được chính quyền. Công việc của tổ “học sinh cứu quốc” là đi rải truyền đơn, hoặc đi bảo vệ các nhóm cùng làm nhiệm vụ.
Ngày 23/8, Hải Phòng khởi nghĩa giành chính quyền, tổ của mình được đeo băng đỏ bảo vệ Nhà hát Lớn thành phố. Năm 1944, khi đang học trường Bưởi, các anh Phan Đăng Tính, Lê Đăng Doanh… cùng mình tham gia soạn thảo tài liệu vạch tội ác của bọn Nhật, Pháp đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Bọn mật thám “đánh hơi” xông vào các lớp học lục soát, một số học sinh bị bắt; còn mình nhanh tay đã cất giấu tài liệu vào đống thư cá nhân…
Sau khi cướp chính quyền, mình và các anh Lưu Văn Mẫn, Lại Đức Vân… được triệu tập đi học lớp Quân chính ở Hà Nội - lớp tiếp theo lớp Quân chính kháng Nhật mở ở chiến khu Việt Bắc. Bác Hồ đã đến nói chuyện về tình hình và nhiệm vụ trước mắt của đất nước cho cả lớp học. Kết thúc, mình và một số học viên được cử ngay đi “Nam tiến”. Mình và anh Lê Hoàng được cử vào Ban giám đốc của Trường Quân chính Đà Lạt. Kế hoạch là mở 2 khóa, mỗi khóa 1 tháng, mỗi lớp có từ 30 đến 40 học viên của vùng Nam Trung Bộ để về phục vụ chiến đấu ở địa phương.
Sau Tạm ước 6/3/1946, mình và anh Lê Hoàng bị sốt rét nặng, mình bị sưng gan, tổ chức đưa về chữa bệnh ở gần bến Ninh Chữ thuộc tỉnh Phan Rang. Không ngờ tối hôm đó, Pháp bao vây, cả 3 người đều bị bắt. Mình chỉ còn mỗi quần đùi và áo may ô. Nó cứ tra khảo “tụi bay vô đây làm gì”, mình trả lời “vào tìm người nhà để đòi nợ”. Sau 3 tháng, Pháp không tìm được chứng cứ gì, đành phải thả. Mình và một số anh được ra miền bắc tiếp tục chữa bệnh.
Nhà báo Trần Kiên (bên trái) và tác giả. |
- Thưa anh, lúc đi hoạt động cách mạng, bố mẹ anh có biết không?
- Bố mình cũng biết, nhưng mẹ thì không rõ. Hồi đó ông là thư ký cho một hãng buôn của Pháp nhưng có tư tưởng tiến bộ. Khi đang làm giáo học, ông bị buộc ra khỏi ngành vì chứa sách cấm. Vì thế, ông phải làm viên chức cho một hãng nhà buôn. Đoán mình đi hoạt động Việt minh, ông chỉ dặn: “Anh phải cẩn thận”. Còn khi cách mạng thành công, ông tham gia ngay Đoàn Công chức ủng hộ Việt minh, viết báo cho báo Hải Phòng, làm thơ tỏ lòng yêu nước, tham gia biểu tình. Hồi mình đi thoát ly ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tưởng chi đi ngắn thôi, nhưng đi mãi không thấy về. Ông, bà tưởng mình đã chết…
- Thưa anh, con đường nào dẫn anh đến nghề làm báo?
- Cuối năm 1947, mình gặp anh Nguyễn Thành Lê. Lúc đó anh ấy đang làm ở Báo Độc Lập và rủ mình cùng đi viết báo. Mình được kết nạp vào Đảng Cộng sản từ tháng Chạp năm 1948, được anh Lê cử đi dự lớp nghiên cứu Đề cương văn hóa của Đảng do các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp tổ chức. Học viên gồm nhiều văn nghệ sĩ tham dự, như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Kim Lân, Phan Kế An…
Hồi làm báo Độc Lập, mình làm Thư ký Tòa soạn. Bài được đăng đầu tiên là bản dịch bức thư của Stalin gửi ông Vallce người Mỹ. Sau đó được giao viết các bài bình luận ngắn về quốc tế, lấy bút danh là Việt Ái. Cuối năm 1949, được cử đi chiến dịch Biên giới với tư cách là phóng viên Báo Độc Lập.
Năm 1951, Trung ương mở Khu học xá bên Trung Quốc, mình thôi viết báo và sang học khoa học cơ bản do ông Lê Văn Thiêm phụ trách, ông Võ Thuần Nho là Tổng Hiệu trưởng. Đến chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) thì nhận được điện của Trung ương “điều động đồng chí Kiên Trung (tức Trần Kiên) về nhận công tác mới”.
Hà Nội mới tiếp quản được mấy ngày, mình ở nhà Nhà thương Đồn Thủy (giờ là Bệnh viện 108). Lúc đó, Bác Hồ cũng đang làm việc tại đây. Ban Tổ chức Trung ương hỏi nguyện vọng muốn về Ban Tuyên huấn hay về Báo Nhân Dân? Mình trả lời: “Tôi làm báo đã quen nên xin về báo Đảng”. Ngày đầu làm ở bộ phận Quốc tế do ông Nguyễn Thành Lê phụ trách. Sau khi các ông Lưu Cộng Hòa, Đinh Nho Khôi nhận công tác khác; mình làm Trưởng Ban Quốc tế.
- Thưa anh, từ ngày về báo Đảng, những kỷ niệm tâm đắc nhất với anh là gì?
- Đó là năm 1958, mình được ông Hoàng Tùng, Tổng Biên tập cử đi làm phóng viên thường trú tại Liên Xô trong khi chưa biết tiếng Nga, chỉ thông thạo tiếng Pháp. 5 năm ở Moskva (1958-1963) là quá trình vừa làm việc, vừa tự học tiếng Nga. Do vậy, trong những năm đầu phải nhờ anh Vũ Khoan, chị Hồ Thể Lan (đang làm phân phiên dịch ở Sứ quán) giúp cung cấp thêm thông tin. Mình đã viết nhiều bài gửi về đăng báo Nhân Dân, trong đó có những bài bề thế như “Gary Power là ai?” Sau này, khi Phạm Tuân bay vào vũ trụ, mình trực tiếp sử dụng tiếng Nga lấy tài liệu để viết mấy bài liền, rồi các bài về đại công trình Đường sắt Baican-Amua…
Khi thôi làm nhiệm vụ phóng viên thường trú, Tổng Biên tập Hoàng Tùng giao nhiều nhiệm vụ, vừa làm phóng viên, vừa tham gia quản lý các ban: Tân văn, Nội chính, Miền nam, Quốc tế… và nhiều bộ phận khác.
Cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng ở trong nước cũng như ở quốc tế lúc đó có nhiều thời điểm sôi động. Những bài xã luận, bình luận về vấn đề này khi ký “Người bình luận” hoặc “Người quan sát”, đều có bút tích của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, như Trường Chinh, Nguyễn Duy Trinh; có bài Bác Hồ trực tiếp sửa bằng mực đỏ. Rất mừng là, không bài nào bị phá sản.
Mình nhớ mãi một kỷ niệm khi viết bài bình luận phản bác luận điểm “giá trị toàn nhân loại”, “giá trị toàn châu Âu”, “xóa bỏ hình ảnh kẻ thù”, “chung sống hòa bình”…, trong một cuộc họp Bộ Chính trị, mình được tham dự, lúc giải lao, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến bắt tay và khen bài viết tốt.
Trở lại chuyện làm việc ở Mátxcơva khi làm phóng viên thường trú, nhân kỷ niệm Ngày sinh nhà văn Nga vĩ đại Lép tôn-xtôi, Bác Hồ viết bài “Tôi là học trò nhỏ của Lép tôn-xtôi” đăng trên báo “Văn học nước Nga”. Mình đọc thấy bài hay quá và các bạn Nga rất khen, mình vội dịch từ tiếng Nga ra tiếng Việt, gửi về đăng báo Nhân Dân. Tuần sau, vào dịp sang thăm và làm việc ở Liên Xô, gặp Bác Hồ ở Đại sứ quán, Bác hỏi mình: “Sao chú cắt bài của Bác?” Mình toát mồ hôi, vội về chỗ ở kiểm tra bài dịch, thì thấy thiếu một câu. Mình tự giác viết bản kiểm điểm nhận thiếu sót gửi Bác. Hôm sau, đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác cho biết, Bác bảo: “biết nhận lỗi thì thôi” (vì mình tự đề nghị nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào).
Trong “gia tài” đồ sộ về các bài chính luận, nhiều đồng nghiệp mong anh nên tuyển chọn để xuất bản sách, anh đều từ chối khéo; trong khi đó, anh thường xuyên đọc các bài báo, các cuốn sách của đồng nghiệp và có lời nhận xét khích lệ. Anh từ chối các cuộc phỏng vấn của nhiều báo, đài về báo chí, nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6).
Là một trong những học viên xuất sắc của Lớp báo chí được mở đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng (năm 1948) theo chỉ đạo của Bác Hồ, anh được nhận giải nhất của Lớp học. Nhưng dịp khánh thành Bia di tích Lớp học ở huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), Truyền hình Thái Nguyên xây dựng bộ phim tư liệu về Lớp học, mời anh kể đôi điều tâm đắc nhất, anh nói thân tình: “Nên chọn người khác, như chị Lý Thị Trung là xứng đáng”. Với anh, điều tâm niệm thường xuyên là cố gắng làm tốt phận sự của Đảng phân công; dù là phóng viên hay khi là người quản lý.
Tại Đại hội Đảng bộ Báo Nhân Dân (nhiệm kỳ 1969-1974), anh xin rút khỏi danh sách đề cử, nhưng Đại hội vẫn tín nhiệm bầu anh vào Ban Chấp hành và cử làm Bí thư Đảng ủy. Khi đồng chí Hữu Thọ làm Tổng Biên tập, phải thuyết phục nhiều lần, anh mới nhận cương vị Phó Tổng Biên tập Thường trực. Không phải vì ngại vất vả, mà thật sự anh chỉ muốn cử những người trẻ tuổi hơn anh để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kế nghiệp…
Với riêng tôi, anh vừa là người anh, vừa là người thầy tình sâu nghĩa nặng. Sau khi tôi nhận nhiệm vụ Phó Trưởng Ban Thư ký-Biên tập, anh mấy lần đề nghị Tổng Biên tập Hoàng Tùng điều động tôi về làm Phó Trưởng Ban Quốc tế. Chính trong thời gian 3 năm công tác tại đây, dưới sự quan tâm chỉ dẫn, giúp đỡ tận tình của anh, tôi có bước trưởng thành vững chắc trong tác nghiệp thể loại chính luận. Những bài xã luận, bình luận của tôi qua cách sửa của anh, đã thật sự “nâng tầm”. Và đó cũng là cơ sở để sau này, trên cương vị Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, tôi đã tự mình viết nhiều bài xã luận, bình luận, chuyên luận và nhiều thể loại khác với sự tự tin, được nhiều đồng nghiệp khích lệ.
Tôi thấm thía câu châm ngôn của ông cha: “Không thầy, đố mày làm nên!”.
PGS,TS NGUYỄN HỒNG VINH
Nguồn: nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/vai-mau-chuyen-chua-biet-ve-cay-chinh-luan-tran-kien-688652/
Phát động cuộc thi viết về công tác Đoàn, phong trào thanh niên Thủ đô
Submitted by nlphuong on Thu, 10/03/2022 - 20:11Cuộc thi viết được tổ chức nhằm tăng cường sự quan tâm của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với công tác Đoàn đồng thời cổ vũ ý chí, khát khao cống hiến vì cộng đồng của thanh, thiếu nhi Thủ đô.
Đoàn thanh niên tỉnh Bắc Giang hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho Thành phố Hà Nội chống dịch COVID-19. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+) |
Để chào mừng Đại hội đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố lần thứ XVI, nhiệm kì 2022-2027, hôm nay (9/3), Thành đoàn Hà Nội chính thức phát động cuộc thi báo chí viết về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, các tác phẩm dự thuộc một trong các thể loại: Báo in, báo điện tử; phát thanh, truyền hình được đăng tải từ ngày 1/3 đến 1/8/2022 cần phản ánh một trong các nội dung như: Những kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2017-2022; việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 01 của Bộ Chính trị giai đoạn 2021-2026 trong thanh niên Thủ đô.
Ngoài ra, các tác phẩm cũng có thể viết về những công trình, mô hình sáng tạo, cách làm hay, hiệu quả, có sức lan tỏa do tuổi trẻ Thủ đô triển khai; thực trạng, giải pháp của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh niên Thủ đô; công tác xây dựng tổ chức Đoàn, nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn…
Đối tượng tham gia cuộc thi là công dân Việt Nam, bao gồm các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, có tác phẩm báo chí với nội dung nêu trên được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép đều có thể gửi dự cuộc thi.
Giải thưởng sẽ được trao cho từng thể loại (báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh) bao gồm: 4 giải Nhất, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 4 giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 4 giải Ba, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng. Các tác giả có tác phẩm đạt giải ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, được nhận Bằng khen của BCH Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội và quà tặng.
Thời gian nhận tác phẩm từ ngày 1/3/2022 đến 1/8/2022. Các tác phẩm có nội dung phù hợp với tiêu chí cuộc thi có thể gửi tham dự về địa chỉ: Ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội (14A Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoặc email: giaibaochitdhn@gmail.com./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=777148
Báo chí tăng cường chuyển đổi số, sản xuất nội dung đa nền tảng
Submitted by nlphuong on Thu, 10/03/2022 - 19:33Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã áp dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất thông tin và mang lại hiệu quả rất lớn.
Quang cảnh buổi làm việc. (Nguồn: Báo Thái Nguyên) |
Ngày 9/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã có cuộc trao đổi nghiệp vụ với đội ngũ báo chí của tỉnh và làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo các cơ quan báo chí của tỉnh Thái Nguyên.
Trao đổi với những người làm báo tại Thái Nguyên, ông Lê Quốc Minh đi sâu phân tích hoạt động chuyển đổi số của báo chí trong nước và thế giới, đồng thời nhấn mạnh chuyển đổi số trong báo chí là vấn đề nóng hổi hiện nay, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống báo chí trên cả nước.
Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã áp dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất thông tin và mang lại hiệu quả rất lớn, nhất là trong điều kiện bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Thời gian tới, các cơ quan báo chí, những người làm báo Thái Nguyên cần tiếp tục đổi mới nhiều hơn nữa, phát triển theo mô hình "cơ quan báo chí công nghệ," sản xuất, phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện, đầu tư nguồn nhân lực công nghệ, hợp tác phát triển trên nhiều nền tảng phi báo chí, kết nối dữ liệu hệ thống báo Đảng 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh, Báo Thái Nguyên, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác; vận động các nhà báo, hội viên tích cực sáng tác, gửi tác phẩm tham gia các cuộc thi báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam và một số bộ, ngành Trung ương tổ chức.
Trước xu thế phát triển của báo chí hiện đại, Báo Thái Nguyên đã thay đổi mạnh mẽ về công nghệ, thiết bị, kỹ thuật, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tác phẩm, đặc biệt là các tác phẩm đa phương tiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả…
Tại cuộc làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải cho biết về chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố, trong đó chính quyền số đứng thứ 3/63. Công tác thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải khẳng định Thái Nguyên luôn đồng hành, gắn bó với các cơ quan báo chí và được các cơ quan báo chí tích cực hỗ trợ, giúp đỡ trong công tác thông tin, tuyên truyền.
Nhân dịp này, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Báo Nhân Dân tặng các cán bộ trong Thường trực Tỉnh ủy và Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Trước đó, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình; thăm Di tích nơi xuất bản số Báo Nhân Dân đầu tiên tại xã Quy Kỳ (Định Hóa); trao tặng Quỹ học bổng trị giá 100 triệu đồng cho xã Quy Kỳ./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=777234
NSND Tuyết Mai: Phát thanh viên huyền thoại thành danh nhờ khổ luyện
Submitted by nlphuong on Tue, 08/03/2022 - 21:13NSND Tuyết Mai vốn là một ca sỹ. Nhờ tự học, tự khổ luyện mà bà đã trở thành giọng đọc huyền thoại trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nghệ sỹ ưu tú Hà Phương và nghệ sỹ nhân dân Tuyết Mai những ngày còn công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. (Ảnh tư liệu) |
“Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa,” lời xướng đầu chương trình thời sự của phát thanh viên Tuyết Mai trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã in sâu trong tâm thức nhiều thế hệ.
Từ bản tin thắng trận đầu tiên thông báo miền Nam hoàn toàn giải phóng và tin Bác Hồ mất đến những chương trình “Đọc truyện đêm khuya,” “Tiếng thơ,” “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc”..., chất giọng của bà lúc mạnh mẽ đanh thép, lúc hào sảng rộn ràng, lúc trầm buồn sâu lắng.
Giọng đọc huyền thoại ấy đã mãi mãi ra đi ở tuổi 98 để lại nhiều thương nhớ trong lòng hàng triệu thính giả Việt Nam.
‘Giọng đọc vàng’
Khi những đoạn nhạc hiệu chương trình “Vì an ninh Tổ quốc,” “Kể chuyện cảnh giác,” “Tiếng thơ”… được phát lại trên trang báo điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam, nhiều người không khỏi bồi hồi khi được nghe lại giọng nữ trung vang, mềm của nghệ sỹ nhân dân Tuyết Mai.
Nhà văn Tô Hoài đã dành lời khen rằng giọng nói của bà “đạt đến mức chuẩn mực” về cách phát âm của một ngôn ngữ chuẩn mực cho cả nước trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Được tôn vinh là “giọng đọc vàng” trên sóng phát thanh, nhưng có điều đặc biệt là nghệ sỹ nhân dân Tuyết Mai không qua đào tạo phát thanh viên mà chỉ tự học, tự rèn luyện.
Nghệ sỹ nhân dân Tuyết Mai (tên thật là Bùi Thị Thái) sinh ra ở đảo Cát Hải, Hải Phòng. Bà theo gia đình lên Hà Nội từ năm 12 tuổi và sớm tham gia cách mạng, hát cổ động cho nhiều phong trào, tham gia ghi âm những ca khúc cách mạng tại Đài tiếng nói Việt Nam.
Ca sỹ Bùi Thị Thái đã từng hát cổ động cho Tuần lễ vàng của chính phủ, cổ vũ động viên đồng bào chiến sỹ vượt qua thử thách, một lòng ủng hộ Việt Minh. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ca sỹ Bùi Thị Thái cũng đã tham gia phục vụ các thương bệnh binh, bộ đội và dân công nơi chiến tuyến.
Năm 1955, chiến sỹ Bùi Thị Thái từ Thư viện Quân đội chuyển sang đội ngũ phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam với nghệ danh Tuyết Mai, tên người con gái thứ ba của bà với Đại úy-nhạc sỹ nổi tiếng Đinh Ngọc Liên.
Năm 1958, bà bước vào cuộc hôn nhân thứ hai với nghệ sỹ ưu tú Phan Phúc, Trưởng đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Hai vợ chồng có với nhau một người con gái là nhạc sỹ Phan Tuyết Minh.
Từ đó, bà là giọng đọc chủ lực tin tức thời sự chính luận quan trọng, góp phần cổ vũ tinh thần, truyền tải sức mạnh chính trị tới quân và dân mọi miền Tổ quốc thời kỳ chống Mỹ…
Bà là phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam đầu tiên được Nhà nước phong danh hiệu nghệ sỹ ưu tú đợt I năm 1984, danh hiệu nghệ sỹ nhân dân năm 1993, còn hàng triệu thính giả trong cả nước thì tôn vinh bà là “Giọng đọc vàng trên sóng phát thanh.”
Mặc dù bà nghỉ hưu đã hơn 20 năm, nhưng đến nay, thính giả vẫn được nghe lời xướng của nghệ sỹ Tuyết Mai trên rất nhiều chương trình của Đài.
Thành công nhờ khổ luyện
Trong ký ức của nhiều đồng nghiệp cùng thời hay thuộc thế hệ sau này, nghệ sỹ nhân dân Tuyết Mai dù sở hữu chất giọng trời phú, nhưng bà luôn khiêm nhường, khổ luyện để có được giọng đọc truyền cảm đi vào lòng thính giả nhiều thế hệ.
Chia sẻ trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sỹ ưu tú Hà Phương cho hay nghệ sỹ nhân dân Tuyết Mai luôn giữ gìn từng chút một trong sinh hoạt, ăn uống, đi đứng để lúc nào cũng có giọng đọc với âm thanh đẹp nhất. Bà không bao giờ ngồi dưới quạt trần để tránh gió. Bà cũng không ngừng trau dồi khi lúc nào trong túi cũng có một cuốn sách.
Nghệ sỹ ưu tú Hà Phương nhớ lại hình ảnh đàn chị: “Vào phòng thu, chờ đèn báo sáng ‘mời đọc,’ thể nào chị cũng lắc đầu vài cái… Thành kính như một nữ tu. Cái lắc đầu kia như gọi các con chữ về mà ru nựng và mấy dòng chữ vừa khẽ khàng vang lên đã thấy mình lắc lư say cái giọng điệu êm đềm ấy.”
“Làm việc cùng nghệ sỹ nhân dân Tuyết Mai gần 20 năm, tôi vẫn không hiểu nổi người đàn bà phúc hậu, luôn vui vẻ, lịch thiệp như thế đã phải chèo chống tài giỏi cỡ nào để giữ trong ấm ngoài êm, để một gia đình ba người cùng làm nghệ thuật sống thanh bần mà đầy ắp tiếng cười,” nghệ sỹ ưu tú Hà Phương nói thêm.
Nghệ sỹ nhân dân Tuyết Mai, giọng đọc huyền thoại của Đài Tiếng nói Việt Nam. (Ảnh: Gia đình cung cấp) |
Đối với nhà thơ Đặng Vương Hưng, nghệ sỹ Tuyết Mai là người rất gần gũi bởi bà là hàng xóm của nhà báo Vương Thịnh (1934-2010), nguyên Phó Ban Đối ngoại Đài Tiếng nói Việt Nam và là cậu ruột của nhà thơ.
“Hồi ấy, còn chưa có tivi phổ biến như bây giờ, giọng đọc của hai phát thanh viên Tuyết Mai và Việt Khoa được thính giả mến mộ và yêu quý vô cùng. Họ nổi tiếng từ kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ, quen thuộc qua rất nhiều chương trình,” anh kể.
Nhà thơ khẳng định rằng nghệ sỹ Tuyết Mai là một "giọng đọc vàng," bền bỉ âm vang tới 50 năm trên sóng phát thanh.
Nhà văn Trương Quý bùi ngùi khi hay tin “phát thanh viên huyền thoại” đã vĩnh viễn ra đi. Anh kể rằng cách đây vài năm, anh có liên hệ với nhạc sỹ Tuyết Minh để xin gặp nghệ sỹ nhân dân Tuyết Mai nhưng hay tin bà đã yếu lắm, không tiếp được.
Thuộc thế hệ 7X, nhà văn đã quá quen thuộc với chất giọng vàng ấy. Anh nhận xét giọng đọc của phát thanh viên Tuyết Mai đã thành một điển phạm cho âm quyển miền Bắc mấy chục năm, không chỉ các lời cho đoạn nhạc hiệu chương trình mà còn nhiều bộ phim tài liệu đặc trưng kiểu giọng trịnh trọng đầy âm hưởng sử thi.
“Bây giờ, ít có giọng đọc nào gây được cảm giác chắc như đinh đóng cột như nghệ sỹ Tuyết Mai hay các phát thanh viên thời ấy. Đó là kiểu âm thanh vừa đanh thép vừa nhấn nhá ngân nga tạo ra một cảm giác siêu thực, huyền hoặc, hòa cùng một bè những bài ca rộn tiếng trống tiếng loa át tiếng bom rền,” nhà văn Trương Quý chia sẻ./.
Nguồn: Minh Thu (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=776942
Điểm hẹn năm châu - Chuyên mục mới dành cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài trên VTV4
Submitted by nlphuong on Mon, 07/03/2022 - 21:07Chuyên mục mới với thời lượng 10 phút có cách thể hiện gần gũi, tiếp cận đa dạng, phong phú các góc cạnh, vấn đề đời sống của cộng động người Việt khắp nơi trên Thế giới.
Điểm hẹn năm châu là chuyên mục hoàn toàn mới dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài của Đài Truyền hình Việt Nam.
Với những thông tin cập nhật, những phân tích chuyên sâu, góc nhìn đa chiều và đặc biệt là những hình ảnh, chia sẻ của chính người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới gửi về, chương trình hy vọng sẽ là điểm hẹn hàng tuần của bà con kiều bào, các bạn du học sinh, người Việt Nam lao động, làm việc ở nước ngoài.
Điểm mới là chuyên mục Điểm hẹn năm châu chính là người Việt trên khắp mọi nơi có thể tự quay và gửi clip về cuộc sống thường nhật của họ đến chương trình. Ê-kíp sản xuất sẽ chắt lọc, biên tập và đưa vào chương trình để phát sóng.
Ngoài việc phát sóng trên nền tảng tivi truyền thống, chương trình cũng sẽ được đăng tải đầy đủ trên các nền tảng số của kênh VTV4 để bà con người Việt ở nước ngoài tiện theo dõi. Chương trình được mong đợi sẽ là điểm hẹn thú vị và hấp dẫn hàng tuần cho bà con xa xứ.
Chương trình cũng sẽ giúp cộng đồng người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới cập nhật thông tin, giải trí, giải đáp các thắc mắc, băn khoăn về thủ tục pháp lý, kết nối các sản phẩm, dịch vụ của người Việt. Phần điểm tin được thể hiện với hình thức gần gũi, sinh động và dễ tiếp cận.
Chương trình cũng sẽ có phần kết nối để bà con ở xa có cơ hội được trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống, công việc, học tập của họ. Họ cũng có thể thông qua chương trình cùng bình luận, đưa ra ý kiến về một vấn đề tại Việt Nam hoặc ở nước sở tại được cộng đồng bà con quan tâm. Chủ đề được đề cập về tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống như: ẩm thực, thời trang, sinh hoạt liên quan đến văn hoá, nghệ thuật Việt, thể thao, dạy tiếng Việt...
Chương trình sẽ được phát sóng trên kênh VTV4 và trên kênh youtube VTV4go vào 18h thứ Bảy hàng tuần.
Nguồn: vtv.vn
https://vtv.vn/truyen-hinh/diem-hen-nam-chau-chuyen-muc-moi-danh-cho-cong-dong-nguoi-viet-o-nuoc-ngoai-tren-vtv4-20220303073712256.htm
Triển lãm "Nhà báo vẽ" - Nơi lan tỏa niềm lạc quan, bản lĩnh, tình cảm của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Submitted by nlphuong on Sun, 06/03/2022 - 17:07"Ngoài tài năng làm báo, làm thơ, viết sách…, hôm nay công chúng còn được thấy một tài năng khác của anh, đó là tài năng hội họa, chúng ta thấy được tình cảm của anh gửi gắm trong đó". Đó là chia sẻ của nhà báo Lê Quốc Minh về nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại Triển lãm "Nhà báo vẽ".
Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022; chào mừng thành công Đại hội lần thứ XI, Hội Nhà báo Việt Nam và mở đầu các hoạt động chào mừng kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2022), ngày 3/3, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm "Nhà báo vẽ" và giới thiệu bộ sưu tập áp phích chống dịch Covid của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tiếp nhận bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trao tặng. Ảnh: Sơn Hải |
Triển lãm giới thiệu 2 cụm tranh vẽ chính, gồm: chân dung nhà báo (100 bức, khổ 70x90cm) kèm bản gốc (khổ A3 và A4); Bộ sưu tập tranh áp phích chống dịch và Mẫu áo dài thời trang họa tiết chống dịch của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện trong năm 2021.
Là nhà báo kỳ cựu từ khi bước chân vào con đường hội họa, ông đã cho ra đời hơn 400 bức tranh chân dung của nhiều nhà báo, nhà thơ, doanh nhân, diễn viên, cầu thủ nổi tiếng...
Nhà báo Lê Quốc Minh tặng hoa chúc mừng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại Triển lãm "Nhà báo vẽ". Ảnh: Sơn Hải |
Hơn 40 năm cầm bút, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nổi tiếng là tay viết phóng sự lão luyện. Nhiều tác phẩm phóng sự của ông đã được in thành sách như: "Ba hồi chuông", "Ăn Tết trong rừng chó sói", "Tôi đi bán tôi", "Kính thưa ô-sin"… Ngoài ra, nhà báo cũng viết nhiều thể loại khác như truyện thiếu nhi, thơ, tản văn, giáo trình dạy học môn phóng sự….
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một cây phóng sự được nhiều bạn đọc yêu thích, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1955, nghỉ hưu từ 2015) nguyên Ủy viên BCH, Phó Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam (khóa VIII, IX), Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo, kiêm giảng viên báo chí của một số cơ sở đào tạo báo chí trong nước.
Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ: Ngắm nhìn những bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân dung các nhà báo tiền bối và chân dung các đồng nghiệp, những người bạn của anh, chúng ta thấy được tình cảm của anh gửi gắm trong đó. Ảnh: Sơn Hải |
Từ tháng 4/2021, trong thời gian điều trị bệnh tai biến và bị cách ly do đại dịch Covid, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã quyết tâm thực hiện chương trình hành động “Cách ly dịch nhưng không cách ly bút”. Ông say mê viết văn, viết báo, in sách, giảng dạy trực tuyến… và đặc biệt yêu thích việc vẽ chân dung các đồng nghiệp, bởi thế đã có khoảng 400 bức chân dung đã ra đời. Tranh áp phích tuyên truyền chống dịch của ông đã được một số báo đài và tạp chí in làm trang bìa và giới thiệu trân trọng.
Nhà thiết kế Minh Hạnh đã đem các họa tiết chống dịch này in trên các mẫu áo dài thời trang và ra mắt công chúng giữa năm 2021. Dù vẫn còn mang tính chất nghiệp dư, song tranh của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được nhiều người xem ghi nhận và đánh giá cao bởi có phong cách và đậm tính thời sự, đồng thời toát lên niềm lạc quan, bản lĩnh và tình cảm sâu sắc của một nhà báo trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách có phần nghiệt ngã nhất.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc triển lãm. Ảnh: Sơn Hải |
Tham dự và phát biểu khai mạc triển lãm, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Là cây bút phóng sự nổi bật trong làng báo Việt Nam hơn 40 năm qua, tôi biết anh Huỳnh Dũng Nhân đã rong ruổi khắp các tỉnh thành của Việt Nam và kể lại nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời, nhiều trăn trở xã hội với ngòi bút trữ tình, hóm hỉnh, sâu sắc và thấm đẫm tính nhân văn.
“Anh là con trai nhà báo Huỳnh Hùng Lý, một nhà báo có tên tuổi công tác tại Báo Nhân Dân Miền Nam từ năm 1952, rồi tập kết ra Bắc và làm ở báo Nhân Dân..., Bản thân anh Huỳnh Dũng Nhân cũng lớn lên trong khu tập thể cán bộ Báo Nhân Dân tại Hà Nội, đội mũ rơm đi học chữ và học vẽ dưới bom đạn Mỹ. Anh là người nhiệt tình trong công tác hội, nhiệt tình với hoạt động bảo tàng”, nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.
Triển lãm "Nhà báo vẽ" còn giới thiệu nhiều cuốn sách của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Ảnh: Sơn Hải |
Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định: Ngoài tài năng làm báo, làm thơ, viết sách…, hôm nay chúng ta còn được thấy một tài năng khác của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, đó là tài năng hội họa. Ngắm nhìn những bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân dung các nhà báo tiền bối và chân dung các đồng nghiệp, những người bạn của anh, chúng ta thấy được tình cảm của anh gửi gắm trong đó.
Công chúng còn được ngắm những bức tranh áp phích tuyên truyền chống dịch đậm tính thời sự, những bức vẽ toát lên niềm lạc quan, bản lĩnh và tình cảm sâu sắc của một nhà báo trong những hoàn cảnh khó khăn thử thách khắc nghiệt đặc biệt là trong thời gian tác giả bị tai biến và cách ly do đại dịch Covid 19. Khi gặp bệnh trọng anh đã vượt lên hoàn cảnh, lựa chọn cách sống tích cực, lạc quan và luôn vươn lên trong cuộc sống. Thế giới màu sắc của Huỳnh Dũng Nhân là thế giới tình cảm, nhân văn, là hướng tới cái đẹp và tình yêu thương con người. Càng thấy rõ anh tha thiết yêu nghề, yêu người, khi cầm bút lẫn khi cầm cọ.
Lễ khai mạc triển lãm "Nhà báo vẽ" và giới thiệu bộ sưu tập áp phích chống dịch Covid của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thu hút nhiều công chúng, nhà báo, cả những người yêu tranh. Ảnh: Sơn Hải |
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đánh giá cao Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức sự kiện này, đặc biệt đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhân dịp Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI và đang có các hoạt động hướng tới kỷ niệm 72 năm ngày thành lập. Nhà báo Lê Quốc Minh đề nghị trong thời gian tới đây Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là ngôi nhà di sản của các thế hệ người làm báo Việt Nam mà còn là địa chỉ hấp dẫn để các nhà báo có thể lựa chọn tổ chức những sự kiện có ý nghĩa như thế này.
Chia sẻ tại sự kiện, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết: Tôi được sinh ra trong một gia đình làm báo, lớn lên trong khu tập thể báo Nhân Dân ở Hà Nội. Suốt cuộc đời tôi gắn với cây bút, không may sau này tôi bị bệnh khi về hưu, bị cách ly vì dịch bệnh Covid-19, trong thời gian đó tôi thấy màu, bút vẽ của con gái mục đích ban đầu là vẽ “chơi” khi có thời gian rảnh. Xem tranh được bạn bè đồng nghiệp và động viên, làm báo mấy chục năm nay, nhưng cầm bút vẽ mới được vài tháng nay.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Sơn Hải |
Sau ba tháng nằm giường bệnh, khi ngồi dậy được tôi bắt đầu vẽ, một ngày tập trung vẽ được vài tấm, đến nay đã vẽ được khoảng 500 tấm, chọn triển lãm ở đây 200 – 300 tấm. Tôi may mắn được nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh đưa các tờ áp phích tuyên truyền chống dịch, nhiều bức tranh được in và giới thiệu tại chương trình áo dài Việt Nam càng được nhiều công chúng quan tâm.
“Việc kết hợp triển lãm chân dung nhà báo và giới thiệu bộ sưu tập áp phích chống dịch Covid càng làm cho triển lãm có chiều sâu hơn, sau nhiều thời gian hoãn do dịch, hôm nay sự kiện được tổ chức thể hiện tinh thần quyết tâm chiến đấu và thắng dịch của cả nước. Đây cũng là sự kiện hoàn thành ước mơ của tôi, gồm ước mơ viết và vẽ, là hoạt động cực kỳ đáng nhớ đối với nghề và cuộc đời của tôi”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tâm sự.
Triển lãm "Nhà báo vẽ" và giới thiệu bộ sưu tập áp phích chống dịch Covid sẽ diễn ra từ ngày 03/3/2022 đến hết 15/3/2022, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải |
Sự kiện trưng bày được diễn ra từ ngày 03/3/2022 đến hết 15/3/2022, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Toà nhà Hội nhà báo Việt Nam - lô E2, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hoà. Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Nguồn: Nhóm PV/congluan.vn
https://congluan.vn/trien-lam-nha-bao-ve--noi-lan-toa-niem-lac-quan-ban-linh-tinh-cam-cua-nha-bao-huynh-dung-nhan-post183792.html
Thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch mạng lưới báo chí
Submitted by nlphuong on Wed, 02/03/2022 - 16:01Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 276/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử (PTTH-TTĐT), cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định, Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Phó Chủ tịch Hội đồng là ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT.
Các ủy viên Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo của các Bộ, Cơ quan: Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Tuyên giáo Trung ương; Báo Nhân dân; Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV); Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN); Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Xuất bản Việt Nam; Học viện Báo chí tuyên truyền.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, PTTH-TTĐT, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. |
Ủy viên phản biện là các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, PTTH, TTĐT, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản, in, phát hành.
Tư vấn phản biện độc lập gồm các ông: Trần Bình Minh, nguyên Tổng Giám đốc VTV; ông Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc VOV; ông Vũ Đình Thường, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản - Ban Tuyên giáo Trung ương.
Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định là Bộ TT&TT.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, PTTH-TTĐT, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, PTTH-TTĐT, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Theo ictvietnam.vn
Báo chí Lào đăng nhiều bài viết về Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào 2022
Submitted by nlphuong on Mon, 28/02/2022 - 12:37Các hoạt động thực hiện Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022 đang dần được triển khai tại Lào.
Báo chí Lào những ngày qua đưa nhiều tin, bài về Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022. (Ảnh: DUY TOÀN) |
Về mặt truyền thông, trong những ngày qua, các tờ báo lớn của Lào đăng nhiều bài viết về Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào 2022. Đặc biệt tờ Pathetlaolao Daily (Thông tấn xã Lào) đã liên tục đăng tải nhiều bài viết ca ngợi mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Các bài viết trên Pathetlaolao Daily với các tiêu đề như “Cùng gìn giữ tài sản chung vô giá của hai dân tộc Lào-Việt Nam”, “Lào-Việt Nam hướng tới Năm Đoàn kết Hữu nghị”, “Mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam là bản sắc riêng biệt trên thế giới”, “Tình hữu nghị Lào-Việt Nam luôn được nâng niu, trân trọng”, đã nêu bật truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa Lào và Việt Nam, từ trong đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các bài báo nhấn mạnh, sự gắn bó đoàn kết và giúp đỡ nhau đã trở thành truyền thống tốt đẹp từ lâu đời ngày càng bền chặt, phát triển thành mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào-Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu là những người đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, phát triển trở thành mối quan hệ đoàn kết trong sáng hiếm có trong quan hệ quốc tế, trở thành di sản vô giá của hai dân tộc Lào-Việt Nam.
Trong những năm qua, quan hệ Lào-Việt Nam trên các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, quốc phòng-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội ngày càng được mở rộng và không ngừng phát triển, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam anh em luôn dành sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, kịp thời và có hiệu quả cả giúp đỡ thường niên cũng như hỗ trợ, giúp đỡ khi Lào gặp khó khăn do thiên tai, đặc biệt là trong ứng phó với dịch Covid-19, Việt Nam là nước đầu tiên hỗ trợ, giúp đỡ Lào. Việt Nam đã giúp đỡ Lào hoàn thành xây dựng trụ sở nhà Quốc hội Lào mới, kịp thời phục vụ Kỳ họp đầu tiên Quốc hội Lào khóa IX và các dự án khác đã góp phần quan trọng, làm cho kinh tế-xã hội của Lào không ngừng phát triển.
Mới đây, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8 đến 10/1, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban hợp tác song phương liên Chính phủ Lào-Việt Nam và phát động Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào 2022. Chuyến thăm này đã khẳng định tinh thần đoàn kết bền chặt, tin cậy trước sau như một giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Để phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam ngày càng tươi đẹp, lãnh đạo hai nước đã thống nhất cùng tổ chức kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam 2022, cũng như kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/91962-5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Lào-Việt Nam (18/7/1977-18/7/2022) một cách sôi nổi và đầy ý nghĩa để các thế hệ sau biết, hiểu hơn về mối quan hệ đặc biệt của hai nước, bằng nhiều hoạt động phản ánh tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây cản trở các hoạt động đi lại của người dân hai nước nhưng tình thương yêu, đoàn kết, truyền thống tốt đẹp đã có ngày càng được tăng cường bền chặt hơn.
Các bài báo đánh giá, hiện nay, hai nước Lào và Việt Nam đang cùng thúc đẩy tổ chức triển khai các thỏa thuận hợp tác để đem lại kết quả thiết thực hơn nữa, đặc biệt là kết quả cuộc họp giữa hai Bộ Chính trị và Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban hợp tác song phương liên Chính phủ Lào-Việt Nam; hợp tác về thương mại-đầu tư trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực do hai nước đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư, vận tải, đi lại không bị đình trệ; sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thương mại-đầu tư song phương sẽ phát triển nhanh hơn.
Phát biểu tại Hội nghị thảo luận việc chuẩn bị kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022 được tổ chức trong tháng 2 tại Thủ đô Vientiane, đồng chí Bounthong Chitmany, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam 2022 nhấn mạnh, việc kỷ niệm ngày lễ lịch sử mang ý nghĩa quan trọng đối với hai Đảng, hai Nhà nước cũng như người dân của hai nước Lào và Việt Nam, là dịp để cùng ôn lại truyền thống, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam từ giai đoạn đấu tranh giải phóng đất nước đến giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Đây cũng là một trong những hoạt động sinh hoạt chính trị tư tưởng lớn cho cán bộ, công nhân viên, bộ đội, công an và toàn thể người dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ biết, hiểu một cách đúng đắn, sâu sắc về mối quan hệ Lào-Việt Nam, đồng chí yêu cầu các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động cho đa dạng, với nhiều phong trào trong bầu không khí sôi nổi, sinh động mang tính biểu tượng, đồng thời bảo đảm an toàn, tiết kiệm.
https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/bao-chi-lao-dang-nhieu-bai-viet-ve-nam-doan-ket-huu-nghi-viet-nam-lao-2022-687313/
Đổi mới, sáng tạo trong nội dung và phương thức thông tin đối ngoại
Submitted by nlphuong on Thu, 24/02/2022 - 12:25Trong điều kiện đầy khó khăn, thách thức do COVID-19, công tác thông tin đối ngoại đã phát huy tính sáng tạo, chủ động triển khai thành công công tác quảng bá hình ảnh một Việt Nam độc lập, tự chủ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Đổi mới, sáng tạo trong nội dung và phương thức thông tin đối ngoại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đó là đề nghị của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tại Hội nghị triển khai công tác thông tin đối ngoại năm 2022 tổ chức ở Hà Nội ngày 23/2.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, công tác thông tin đối ngoại nói chung và hoạt động của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại nói riêng trong năm 2021 đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo đóng góp quan trọng thúc đẩy công tác thông tin đối ngoại theo hướng chủ động, kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả hơn.
Công tác thông tin đối ngoại năm 2021 đã giúp cộng đồng trong nước và quốc tế hiểu, đánh giá cao về kết quả thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kết quả của những nỗ lực, quyết tâm kiểm soát linh hoạt, hiệu quả đại dịch COVID-19, sớm phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; những sáng tạo, đóng góp, thể hiện vai trò, trách nhiệm ngày càng tích cực của Việt Nam với công việc chung của thế giới quan loạt các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương.
Đáng chú ý là trong điều kiện đầy khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, công tác thông tin đối ngoại đã phát huy tính sáng tạo, đổi mới, chủ động triển khai thành công công tác quảng bá hình ảnh một Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hóa, tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
[Đổi mới tư duy triển khai thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo]
Khẳng định công tác thông tin đối ngoại đã góp phần quảng bá hình ảnh một Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hóa, tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị để công tác thông tin đối ngoại năm 2022 và thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại triển khai thực hiện tốt 5 nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, quán triệt sâu sắc quan điểm và nhiệm vụ về công tác tư tưởng và đối ngoại theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Hội nghị triển khai Nghị quyết của Đại hội XIII. Trong đó, có chủ trương “tăng cường thông tin đối ngoại” và “tăng cường, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong thông tin đối ngoại, đấu tranh dư luận,” phát huy vai trò tiên phong của công tác thông tin đối ngoại. Đổi mới, sáng tạo trong nội dung và phương thức thông tin trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Từ đó, nâng cao chất lượng, tính thuyết phục, hấp dẫn của các sản phẩm thông tin đối ngoại, tăng cường ấn phẩm, sản phẩm bằng tiếng nước ngoài, truyền thông mạng xã hội, từng bước chuyển đổi phương thức tổ chức trực tiếp sang kết hợp trực tiếp và trực tuyến, công nghệ thực tế ảo…, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, dù năm 2021 gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là tác động từ đại dịch COVID-19, song công tác thông tin đối ngoại tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, ngành và địa phương, bảo đảm chủ động, thống nhất trong chỉ đạo, đồng bộ trong phối hợp triển khai của các lực lượng, bám sát chỉ đạo của Đảng, nhất là tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Các cơ quan, địa phương có nhiều đổi mới, sáng tạo cả về nội dung, phương thức, hướng tới các đối tượng khác nhau theo hướng linh hoạt, thuyết phục, mang lại hiệu quả tuyên truyền, thông tin đối ngoại cao.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại cũng chỉ rõ, công tác thông tin đối ngoại còn những tồn tại, hạn chế như việc cung cấp thông tin chính thống còn chưa kịp thời, chưa cập nhật toàn diện những vấn đề được dư luận trong và ngoài nước quan tâm. Nhiều tài liệu, sản phẩm tuyên truyền trùng lặp về nội dung, chưa hấp dẫn người đọc…/.