Syndicate content

Nghề báo

Sắp diễn ra Hội thảo khoa học "CĐS báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"

Hội thảo sẽ thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số (CĐS) báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.

Chiến lược CĐS báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí.

Xuất phát từ mục tiêu tăng cường đối thoại, thúc đẩy sáng kiến, tăng cường hợp tác nghiên cứu và hành động cho sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam, cho khát vọng phát triển quốc gia cường thịnh, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH KHXH&NV), một trong hai cơ sở đào tạo - nghiên cứu báo chí truyền thông lớn nhất tại Việt Nam và Tạp chí Thông tin và Truyền thông - cơ quan báo chí uy tín với 60 năm truyền thống; cùng hợp tác thực hiện Hội thảo "CĐS báo chí Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn"

Hội thảo sẽ đi sâu vào vấn đề chính:

• Những vấn đề đặt ra trong việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng?

• Những khuyến nghị để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát và chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng?

• Những bài toán đặt ra, những đề xuất tới cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, dẫn dắt CĐS báo chí, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng, cơ hội, doanh thu và các giá trị gia tăng?

• Những ý kiến, khuyến nghị của diễn đàn mang tính khoa học, thực chất, hi vọng sẽ cung cấp thêm những tư liệu hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cho các cơ quan báo chí và người làm báo cùng hệ thống đào tạo báo chí hiện nay.

Hội thảo có sự tham gia trình bày của các diễn giả: ông Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW; ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ TT&TT; Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT; TS. Đỗ Anh Đức - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV; nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus (TTXVN); nhà báo Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTCnow (Đài truyền hình VTC); TS. Phan Văn Kiền - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV.

Hội thảo cũng có sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của gần 80 chuyên gia, các nhà báo, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực truyền thông - báo chí.

Hội thảo sẽ diễn ra vào 8h00 ngày 11/6/2022 tại Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội- 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội. Thông tin về hội thảo có tại địa chỉ: https://hoithao.ictvietnam.vn./.

Theo ictvietnam.vn

Phát động giải báo chí về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi

Tác phẩm dự thi là các sản phẩm báo chí được đăng tải trên các cơ quan báo chí được cấp phép, thời gian đăng từ ngày 1/6/2021 đến ngày 1/10/2022, có nội dung phù hợp với tiêu chí của giải.

Các tác giả nhận giải báo chí về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2021. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 8/5, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vừa chính thức thông tin về giải báo chí chí viết về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022.

Đối tượng tham gia là tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn báo chí có tác phẩm báo chí với nội dung nêu trên được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

Theo đó, các tác phẩm được đăng tải từ ngày 1/6/2021 đến ngày 1/10/2022, có nội dung phù hợp với tiêu chí giải thưởng. Tác phẩm báo chí dự thi ở một trong hai thể loại sau: phóng sự, phỏng vấn, bài viết chuyên đề về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; tác phẩm giới thiệu gương điển hình thanh thiếu nhi tiêu biểu.

Nội dung các tác phẩm dự thi phản ánh những kết quả của tuổi trẻ cả nước trong nhiều lĩnh vực, gồm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; phản ánh những kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI; phản ánh kết quả tổ chức Đại hội Đoàn các cấp; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của đoàn; kết quả triển khai thực hiện chương trình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022; việc thực hiện Kết luận 01, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; công tác xây dựng Đoàn...

Ban tổ chức không hạn chế số lượng tác phẩm tham dự giải của cá nhân, tổ chức, cơ quan báo chí.

Giải thưởng gồm hai giải A, mỗi giải trị giá 15 triệu đồng; hai giải B, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 3 giải C, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng và 10 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.

Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ ngày 22/6 đến ngày 1/10. Tác phẩm dự thi gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, 62 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội; e-mail: giaithuongbaochitwd@gmail.com./.

Nguồn: Phạm Mai (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=796793

Báo chí trong và ngoài nước đã góp phần lan tỏa một kỳ SEA Games công bằng, hợp tác cùng phát triển

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban Thông tin - Truyền thông SEA Games 31 cho biết: SEA Games 31 đã diễn ra thành công trên nhiều phương diện, cả về công tác tổ chức điều hành, chất lượng chuyên môn cũng như công tác thông tin - truyền thông.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban Thông tin - Truyền thông SEA Games 31 vừa chủ trì buổi họp tổng kết công tác thông tin - truyền thông phục vụ SEA Games 31. Theo thứ trưởng, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước đã góp phần lan tỏa một kỳ SEA Games công bằng, hợp tác và cùng phát triển. 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban Thông tin - Truyền thông SEA Games 31 phát biểu tại cuộc họp.

Theo báo cáo công tác của Tiểu ban Thông tin - Truyền thông, mặc dù thời gian gấp rút nhưng công tác tuyên truyền, cổ động trực quan vẫn được đánh giá tốt. Tiểu ban đã phối hợp với đơn vị tư vấn, vận động tài trợ tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan tại các địa điểm thi đấu, trên các phố lớn tại các địa phương tổ chức SEA Games 31.

Tiểu ban cũng đã phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn VNPT để triển khai thực hiện các gói đường truyền tín hiệu truyền hình tại Trung tâm Truyền hình quốc tế và Trung tâm Báo chí, đảm bảo tính thông suốt, không có bất cứ sự cố nào xảy ra. Trung tâm Truyền hình quốc tế (IBC) và Trung tâm Báo chí chính (MPC) được phóng viên trong nước và quốc tế đánh giá cao bởi tính chuyên nghiệp cũng như sự hỗ trợ tích cực cho các phóng viên tham gia tác nghiệp.

Đồng thời, Tiểu ban đã tiến hành xuất bản và phát hành 17 số Bản tin SEA Games (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) với số lượng xuất bản hằng ngày 2000 cuốn/1 số (1000 cuốn bằng tiếng Việt và 1000 cuốn bằng tiếng Anh). Nội dung các bản tin được quan khách và độc giả đón nhận và đánh giá cao.

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết: 2 tuần diễn ra SEA Games 31, mỗi ngày có trung bình 2.000 tin, bài.

Việc tuyên truyền trên truyền hình và trên các nền tảng xã hội khác được đánh giá cao, thu hút đông lượng người tham gia truy cập, tương tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các môn thể thao. Bên cạnh đó, Tiểu ban đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông trong nước và quốc tế để truyền tải những thông tin, hình ảnh đẹp về SEA Games 31 đến đông đảo độc giả.

Theo thống kê của Cục Báo chí, từ ngày 01/01/2022 đến 06/6/2022, các cơ quan báo, tạp chí điện tử đã có hơn 60.000 tin, bài liên quan đến SEA Games 31, đặc biệt từ ngày 10/5-23/5 trung bình mỗi ngày có gần 2.000 tin, bài liên quan đến SEA Games 31. Trong đó website chính thức của Đại hội ngoài việc chuyển tải những thông tin, dữ liệu kết quả thi đấu hàng ngày cũng liên tục cập nhật thông tin bằng 2 ngôn ngữ: Tiếng Việt và Tiếng Anh (785 tin, bài tiếng Việt; 662 tin, bài tiếng Anh).

Công tác truyền hình của nước chủ nhà tại SEA Games 31 đã vượt qua rất nhiều khó khăn và đảm bảo rất tốt vai trò của mình trong việc truyền hình trực tiếp các môn thi đấu và ghi nhận, phát hightlight, phóng sự, thông tin kết quả tất cả các môn còn lại. Đồng thời tổ chức phát sóng trên nhiều kênh, nhiều nền tảng (cả kỹ thuật số, các app điện thoại), với nhiều chương trình phong phú, đa dạng…

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn và Phó Tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến đã trao tặng kỷ niệm chương và giấy chứng nhận cho các thành viên của Tiểu ban.

Về mặt hình ảnh của Đại hội, Tiểu ban đã tạo thiện cảm rất tốt, đặc biệt là sự ủng hộ của đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước, qua đó tạo công luận tích cực về một kỳ Đại hội hoàn toàn công bằng, trên tinh thần hợp tác và phát triển.

Kết luận tại buổi họp tổng kết, Trưởng tiểu ban Phạm Anh Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của từng thành viên Tiểu ban. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, song với nỗ lực và sự phối hợp đồng bộ, trên tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan, Tiểu ban Thông tin – Truyền thông đã hoàn thành tốt vai trò của mình, góp phần vào thành công chung của Đại hội.

Để tri ân những đóng góp của các cá nhân, tập thể, Thứ trưởng đề nghị Cục Báo chí của Bộ TT&TT sớm có đề xuất về công tác khen thưởng cho các tập thể, cá nhân của các cơ quan thông tấn, báo chí đã có những đóng góp lớn cho công tác thông tin truyền thông SEA Games 31.

Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn và Phó Tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến đã trao tặng kỷ niệm chương và giấy chứng nhận cho các thành viên của Tiểu ban.

Nguồn: Vũ Phong/congluan.vn

https://congluan.vn/bao-chi-trong-va-ngoai-nuoc-da-gop-phan-lan-toa-mot-ky-sea-games-cong-bang-hop-tac-cung-phat-trien-post198170.html

Truyền hình Quốc hội công bố bộ nhận diện mới và Vị trí kênh 7

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc nhận diện, định vị một kênh truyền hình thiết yếu quốc gia và là kênh truyền hình đặc thù về Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu thực hiện nghi thức Ra mắt Bộ nhận diện mới và Vị trí kênh 7 của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 3/6, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Lễ công bố bộ nhận diện mới và vị trí kênh 7 của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành...

Logo mới của Truyền hình Quốc hội Việt Nam với chữ cái Q chủ đạo, kế thừa hai màu đỏ và vàng của nhận diện cũ, được thiết kế theo phong cách hiện đại, hướng tới sự đơn giản nhằm phục vụ cho xu hướng đa nền tảng của các đài truyền hình hiện nay.

Bộ nhận diện mới chính thức được áp dụng trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam kể từ 0 giờ ngày 3/6/2022.

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho biết: “Truyền hình Quốc hội Việt Nam, dựa trên triết lý tin tức kiến tạo, đảm nhận việc sáng tạo và tổ chức sáng tạo nội dung phục vụ Quốc hội và cử tri, tạo sự kết nối đồng bộ giữa người dân và Nhà nước, trên cơ sở lan tỏa những giá trị tích cực vì một xã hội văn minh, hài hòa và phát triển bền vững.”

Với sự ủng hộ của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, sau quá trình đàm phán với các đối tác, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã bước đầu hiện thực hóa chiến lược định vị một số hiệu kênh duy nhất là kênh 7, với ý nghĩa Truyền hình Quốc hội Việt Nam là một trong những kênh trẻ nhất trong nhóm 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhân dịp này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam công bố nhiều chương trình mới đặc sắc đã và sẽ lên sóng trong tháng 6/2022.

Đáng chú ý là seri chương trình tọa đàm: Lần đọc đầu tiên, Trước giờ bấm nút, Luật và đời sống, Đối thoại chính sách để đại biểu Quốc hội, cử tri và doanh nghiệp góp ý các dự án luật và cũng là diễn đàn để cơ quan soạn thảo giải trình và tiếp thu.

Cùng với đó là seri chương trình tam nông: Nông nghiệp Việt Nam, Nông thôn Việt Nam, Nông dân mới, Miền quê đáng sống sẽ là cái nhìn cận cảnh về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. COP26 là chương trình truyền hình chuyên biệt đầu tiên về chống biến đổi khí hậu với mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam giảm phát thải về 0 vào năm 2050.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại 3 lần tới thăm Truyền hình Quốc hội Việt Nam, trong đó, Chủ tịch Quốc hội đã đặt ra yêu cầu đưa Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam trở thành cầu nối tương tác ngày càng rộng rãi hơn với cử tri và nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại mong muốn Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam có vị trí kênh phù hợp để cử tri, nhân dân tiện theo dõi, tương tác, xứng đáng với vị thế là một trong 7 kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi Truyền hình Quốc hội Việt Nam chính thức có vị trí kênh 7 trên các nền tảng truyền dẫn cơ bản.

Nhắc lại 3 chữ “chuyên” đã lưu ý cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và người lao động Truyền hình Quốc hội Việt Nam: Chuyên tâm, chuyên nghiệp, chuyên sâu, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng nhận thấy, Truyền hình Quốc hội đã có bước chuyển rất quan trọng gắn với 3 chữ “chuyên” này.

“Các đồng chí đã có thêm nhiều mũ chương trình truyền hình mới sát hơn với thực tiễn cuộc sống, gắn bó và thể hiện tính tương tác cao với cử tri; phản ánh đa chiều và sâu sắc hơn những đề xuất, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và thể hiện là cầu nối tin cậy giữa Quốc hội với cử tri,” Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cán bộ Truyền hình Quốc hội Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 3 đang diễn ra, theo đề xuất của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 100% đại biểu Quốc hội đã đồng ý để Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức truyền hình trực tiếp thêm nhiều buổi thảo luận của Quốc hội tại hội trường, nhất là một số phiên thảo luận về các dự án luật có liên quan đến đời sống dân sinh.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý, sau này, các phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội cũng có thể truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi.

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chúc mừng về những kết quả quan trọng trong đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung và hình thức thể hiện các chương trình của Truyền hình Quốc hội Việt Nam; đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đông đảo cử tri và nhân dân.

Quốc hội ngày càng đổi mới, các cơ quan của Quốc hội, của Văn phòng Quốc hội cũng phải đổi mới mạnh mẽ, trong đó có công tác truyền thông. Trong xu thế chung của truyền thông hiện đại, Truyền hình Quốc hội càng phải gắn bó mật thiết với cử tri, với thực tiễn cuộc sống.

Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, việc nhận diện, định vị một kênh truyền hình thiết yếu quốc gia và là kênh truyền hình đặc thù về Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu chứng kiến Lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng truyền dẫn trên các nền tảng số và viễn thông. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

“Làm sao phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để cử tri và  người xem tiếp cận, nắm bắt thông tin, hình ảnh một cách nhanh nhất, chính xác và tin cậy nhất,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

“Với bộ nhận diện mới ấn tượng, Truyền hình Quốc hội Việt Nam như được khoác lên mình một tấm áo mới. Với việc xác lập vị trí cố định kênh số 7, các đồng chí lại có thêm một ngôi nhà mới ở một địa chỉ mới. Đây là những động lực vô cùng quan trọng để Truyền hình Quốc hội Việt Nam có thể khẳng định vị thế, vai trò thực sự là cầu nối giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri và khán giả truyền hình cả nước,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bày tỏ tâm đắc với slogan mà Truyền hình Quốc hội nêu ra tại buổi lễ là “Đổi nhận diện, Mới tầm nhìn,” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý thêm: Đổi nhận diện cũng phải mới về quyết tâm, mới về phong cách, mới về cách làm.

Với tất cả những “đổi” và “mới” như vậy, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ đạt được những thành công mới./.

Nguồn: Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=794041

115 tác phẩm sẽ được vinh danh ở Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần XVI

Hội đồng chung khảo Giải báo chí quốc gia đã chọn được 10 Giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI vào ngày 21/6 - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Các Ủy viên Hội đồng chung khảo Giải báo chí quốc gia lần thứ XVI - năm 2021. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 1/6, Hội đồng chung khảo Giải báo chí quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 đã hoàn thành Vòng chấm chung khảo và đạt được các mục tiêu đề ra.

Trong ngày, Hội đồng đã họp khai mạc vòng chấm chung khảo, nghe báo cáo kết quả vòng chấm sơ khảo, tiến hành thẩm định, bỏ phiếu và xét trao Giải báo chí Quốc gia Lần thứ XVI - Năm 2021.

35 ủy viên Hội đồng đã thảo luận kỹ lưỡng, công tâm và chấm 152 tác phẩm vào chung khảo với tinh thần khách quan, trách nhiệm.

Kết quả, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 10 Giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI.

Phát biểu bế mạc, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia cho biết Hội đồng chung khảo nhận định, tác phẩm dự Giải đã đáp ứng được các tiêu chí xét chọn được nêu trong Hướng dẫn tuyển chọn của Hội đồng Giải, phản ánh toàn diện và sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm 2021.

Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, có hiệu quả xã hội tích cực. Nhiều tác phẩm thể hiện sự tâm huyết, sáng tạo, khám phá, có sức thu hút độc giả. Nhiều tác phẩm được thể hiện chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang hơi thở của báo chí hiện đại.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh phát biểu bế mạc. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Một số tác phẩm nổi trội có sự đầu tư công phu từ đề tài, nội dung đến hình thức. Đặc biệt, mảng đề tài liên quan đến đại dịch COVID-19 chiếm tỷ lệ cao ở tất cả các loại hình báo chí, có nhiều tác phẩm chân thực, xúc động, lay động lòng người, thể hiện sự dấn thân của phóng viên, có tính lan tỏa cao trong xã hội.

Hội đồng đánh giá cao sự đổi mới trong cơ cấu và nâng cao chất lượng thẩm định của Hội đồng sơ khảo, đồng thời nêu một số vấn đề cần rút kinh nghiệm cho các mùa giải sau, nhất là công tác tuyển chọn ở cấp cơ sở và công tác tuyên truyền, quảng bá cho một số loại giải.

Cũng trong dịp này, Hội đồng Giải báo chí quốc gia, Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến công tác tổ chức Giải. Các ý kiến này sẽ được Thường trực Hội đồng Giải tiếp thu, nghiên cứu, để bổ sung, điều chỉnh trong thời gian tới.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Giải báo chí Quốc gia có sự góp mặt của đầy đủ 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, số lượng tác phẩm gửi về ở mức cao. Các tác phẩm dự Giải đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và các mặt của đời sống trong năm 2021.

Báo chí đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện lớn, các vấn đề quan trọng của đất nước với những mảng đề tài nổi bật như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội; những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, hướng tới mục tiêu duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế; công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Đồng thời, các đề tài khác cũng được phản ánh gồm công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người; công cuộc chuyển đổi số trong các lĩnh vực; công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo bền vững.

Dự kiến, lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVI- năm 2021 được tổ chức trọng thể vào tối 21/6 để chào mừng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam./.

Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=793554

Phát động cuộc thi viết về nghề báo với chủ đề “Đam mê và cống hiến”

Chào mừng kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) tổ chức cuộc thi viết về nghề báo với chủ đề “Đam mê và cống hiến”.

Thông qua cuộc thi nhằm đem lại những tác dụng, hiệu quả xã hội thiết thực, nhằm khơi dậy niềm đam mê, tinh thần cống hiến của đội ngũ những người làm báo ở tỉnh Bình Phước nói chung, BPTV nói riêng. Đồng thời, nâng cao tay nghề của đội ngũ phóng viên, phóng viên chuyên trách, thu hút cộng tác viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền trên các loại hình báo chí của BPTV.

BPTV tổ chức cuộc thi viết về nghề báo dành cho khán thính giả, độc giả và các nhà báo. Ảnh: Bình Phước Online

Cuộc thi dành cho tất cả các nhà báo, cộng tác viên không chuyên và chuyên nghiệp trong cả nước. Tác phẩm đạt giải thuộc bản quyền của tác giả và thuộc quyền sử dụng của Ban tổ chức cuộc thi. Tác phẩm được đăng trên các loại hình báo chí của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định hiện hành.

Các bài dự thi bao gồm các nội dung về những cảm cảm nhận, suy nghĩ về nghề báo; kinh nghiệm hay bài học rút ra từ nghề báo và hoạt động của những người làm báo, động lực theo đuổi nghề báo; chân dung các nhà báo; những tình cảm, đánh giá, góp ý về Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV).

Thể loại là phóng sự, ký sự, ghi chép, thơ (trên cả 4 loại hình phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử; khuyến khích kết hợp video, đồ họa, hình ảnh).

Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 17/4 đến 18/6/2022. Tổng kết và trao giải vào ngày 21/6/2022 (nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam). Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức sẽ trao 1 giải đặc biệt trị giá 10 triệu đồng; 10 giải có chất lượng cao, mỗi giải 1 triệu đồng; cùng giấy chứng nhận...

Nguồn: Vũ Phong/congluan.vn

https://congluan.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ve-nghe-bao-voi-chu-de-dam-me-va-cong-hien-post197256.html

Báo Nghệ An điện tử ra mắt giao diện mới

Chiều 28/5, tại thành phố Vinh (Nghệ An) Báo Nghệ An long trọng tổ chức Lễ ra mắt giao diện mới Báo Nghệ An điện tử nhằm khẳng định sự tiên phong, đổi mới, bắt nhịp với thời đại chuyển đổi số.

Các đại biểu ấn nút ra mắt giao diện mới Báo Nghệ An điện tử.

Tổng Biên tập Báo Nghệ An Ngô Đức Kiên cho biết: Đứng trước thách thức bởi sự phát triển như vũ bão của công nghệ và truyền thông số, sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình mạng xã hội cũng như yêu cầu ngày càng cao của độc giả và nhân dân, Báo Nghệ An đã đặt ra quyết tâm đổi mới toàn diện theo hướng chuyển đổi số, trong đó, lấy nội dung làm cốt lõi, công nghệ làm trung tâm, thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phục vụ nhân dân là tiên quyết.

Việc ra mắt giao diện báo Nghệ An điện tử mới nằm trong lộ trình, kế hoạch không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các ấn phẩm nhằm liên tục vươn lên hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cụ thể hóa các Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cũng như đáp ứng yêu cầu, sự mong mỏi và niềm tin của độc giả đối với tờ báo Đảng trên quê hương Bác Hồ kính yêu!

Tại buổi lễ, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã biểu dương những cố gắng của báo Nghệ An trong quá trình đổi mới tờ báo về cả nội dung và hình thức. Đồng chí Lê Quốc Minh cũng lưu ý, việc báo Nghệ An thực hiện kế hoạch chuyển đổi số phải làm thực chất, không đơn giản là đầu tư hệ thống máy tính, mua phần mềm...

Đồng chí Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cũng có phần thuyết trình với nội dung, những tác động đối với báo chí trong bối cảnh mới, sau đại dịch Covid-19.

Dịp này, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh tặng báo Nghệ An 5 bộ máy tính.

Trải qua 61 năm xây dựng và trưởng thành, Báo Nghệ An đã có những bước phát triển không ngừng với định hướng trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, trở thành một trong những tờ báo cấp tỉnh uy tín trên cả nước. Báo Nghệ An cũng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới từ năm 2015.

Báo Nghệ An điện tử (baonghean.vn) ra đời từ năm 2008, đã qua hai lần nâng cấp giao diện và công nghệ xuất bản. Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ, trước đòi hỏi của quá trình phát triển và yêu cầu chuyển đổi số trên lĩnh vực báo chí, Ban Biên tập Báo Nghệ An đã quyết định tiếp tục thay đổi toàn diện báo Nghệ An điện tử, trong đó có việc thay đổi giao diện và hệ thống xuất bản.

Giao diện mới báo Nghệ An điện tử được thiết kế hiện đại, sang trọng, trên cơ sở kế thừa bản sắc của Báo Nghệ An, bổ sung các giá trị mới với những tính năng mới, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Cả hai phiên bản báo Nghệ An điện tử trên máy tính và trên điện thoại thông minh được trình bày theo tiêu chí lấy độc giả làm trung tâm, tăng số lượng tin nổi bật, tạo nhiều điểm nhất hấp dẫn, tăng kích cỡ font chữ, kích cỡ ảnh nhằm đáp ứng tốt nhất các thói quen, hành vi của độc giả.

Bên cạnh việc sử dụng các tính năng, công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác xuất bản và phân phối nội dung, báo Nghệ An điện tử tiếp tục ứng dụng các dạng thức hiển thị hiện đại trên phiên bản mới như báo nói tự động, đọc báo in, podcast, e-magazine... Báo Nghệ An điện tử cũng xây dựng các chuyên mục mới như Hoạt động của Thường trực Tỉnh ủy, Truyền hình Báo Nghệ An, đa phương tiện, chuyển đổi số...

Dịp này Báo Nghệ An cũng nâng cấp phiên bản ứng dụng Báo Nghệ An trên các hệ điều hành Android và iOS nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả; đồng thời, tiếp tục có những thay đổi toàn diện về công nghệ xuất bản, hạ tầng, kỹ thuật và nội dung; tích hợp hệ thống xuất bản báo in trên báo điện tử; thực hiện số hóa nguồn dữ liệu về lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ để phục vụ nhân dân một cách tốt hơn... Đây là một phần trong Đề án nâng cao chất lượng toàn diện, gắn với chuyển đổi số của Báo Nghệ An.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh tặng báo Nghệ An 5 bộ máy tính.

Nguồn: Tin, ảnh Thành Châu/nhandan.vn

https://nhandan.vn/thong-tin-so/bao-nghe-an-dien-tu-ra-mat-giao-dien-moi-699154/

Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 28/5, nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo các cơ quan báo chí đã về dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An).

Lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. (ẢNH: PHẠM BẰNG)

Dự lễ có có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía nam, Chủ tịch Hội nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh; cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An; các đồng chí là Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập, Trưởng đại diện các cơ quan báo chí ba miền bắc, trung, nam.

Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn công tác bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Người, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân, một nhà báo cách mạng vĩ đại và là người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là một nhà báo cách mạng vĩ đại; là tác giả của một khối lượng không nhỏ các bài báo, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tư duy, phong cách, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh là một kho tàng quý báu mà Người để lại cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau. Các thế hệ những người làm báo luôn phấn đấu kế thừa và phát triển sự nghiệp báo chí của Bác trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Lời Bác dạy mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh; luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong không khí thiêng liêng, thành kính, biết ơn, kính trọng và tự hào về Bác, đoàn đại biểu nguyện mãi mãi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người.

Đoàn đại biểu cũng đã đến dâng hoa, dâng hương tại đền Chung Sơn - Đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên. (ẢNH: PHẠM BẰNG)
 
Nguồn: Tin, ảnh: THÀNH CHÂU-PHẠM BẰNG/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/hoi-nha-bao-viet-nam-va-cac-co-quan-bao-chi-dang-huong-tuong-niem-chu-tich-ho-chi-minh-699133/

Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo địa phương

Hội thảo là dịp để Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ gặp gỡ, thảo luận một số giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo địa phương.

Quang cảnh cuộc hội thảo. (Nguồn: Báo Quảng Ngãi)

Ngày 27/5, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Tạp chí Người làm báo tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nhà báo địa phương.”

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Đà Nẵng Nguyễn Đức Nam nhấn mạnh hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò quan trọng, vị thế, uy tín của Hội Nhà báo địa phương trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội; đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cần thiết đối với hoạt động của Hội Nhà báo địa phương để bắt kịp với yêu cầu thực tế hiện nay.

Đây cũng là dịp để Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, gắn kết trách nhiệm và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động Hội; đề xuất, thảo luận một số giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo địa phương...

Các tham luận tại hội thảo có nội dung đa dạng, đề cập đến nhiều khía cạnh, giải pháp rất hữu ích, có chiều sâu, thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận, nêu ra những mặt hạn chế, tồn tại.

Cụ thể, dù có nhiều cố gắng đổi mới nội dung, hình thức nhưng kết quả hoạt động của tổ chức Hội vẫn còn thấp so với đòi hỏi hiện nay.

Mô hình tổ chức Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố chưa thống nhất. Một số Hội Nhà báo còn lúng túng trong cách thức tổ chức các hoạt động để thu hút đông đảo hội viên, tập hợp vào “mái nhà chung” của Hội.

Công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên ở một số Hội chưa thật sự được chú trọng, còn có hội viên-nhà báo thiếu tính chuyên nghiệp…

Đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Phú Yên cho rằng Hội Nhà báo địa phương phải xác định các chi hội là "cánh tay nối dài" của Hội, là tổ chức Hội trực tiếp hoạt động tại các cơ quan báo chí; phải phối hợp với Đảng ủy, lãnh đạo các cơ quan báo chí lựa chọn các Ban thư ký đủ năng lực, uy tín để làm công tác Hội ở cơ sở.

Ban thư ký, Ban chủ nhiệm phải đoàn kết, nhất trí, duy trì nghiêm túc quy chế làm việc; mọi chủ trương, kế hoạch công tác đều phải bàn bạc dân chủ, công khai; thường xuyên gắn bó với hội viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tạo sự đồng thuận cao trong hội viên.

Nhà báo Đoàn Minh Long, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa chia sẻ Hội Nhà báo địa phương nên nghiên cứu thành lập hội đồng xử lý vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, góp phần tích cực vào việc kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.

Tham luận của Hội Nhà báo tỉnh Bình Định đã chỉ ra kết quả và những giải pháp, biện pháp thiết thực trong việc tổ chức hoạt động các Chi hội Nhà báo và Câu lạc bộ, hoạt động Hội trong điều kiện không thuận lợi do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; đưa ra các giải pháp có tính sáng tạo về nâng cao chất lượng hoạt động các Chi hội cơ sở, Câu lạc bộ và hoạt động Hội Nhà báo địa phương.

Tham luận của Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng đã nêu ra nhiều giải pháp thiết thực về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nhà báo địa phương và những bài học kinh nghiệm quý giá về kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức làm báo cho hội viên-nhà báo, về nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho người làm báo…

Đây là Hội thảo có chất lượng, có ý nghĩa thiết thực, là cơ sở để các cấp Hội Nhà báo địa phương chia sẻ những kinh nghiệm hay trong hoạt động công tác Hội.

Qua hội thảo, mỗi cấp Hội Nhà báo sẽ có những hướng đi phù hợp với thực tiễn từng địa phương, linh hoạt trong mọi hoạt động, thu hút sự quan tâm của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, không ngừng nâng cao vị thế, vai trò của Hội Nhà báo địa phương trong xã hội./.

Nguồn: Lê Phước Vĩnh Trọng (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=792771

Truyền thông đánh giá Việt Nam nâng tầm đại hội thể thể thao khu vực

Việt Nam đã để lại ấn tượng mạnh với truyền thông trong khu vực bởi công tác tổ chức, mang lại một kỳ SEA Games thành công, thể hiện tình yêu thể thao, sự thân thiện, hiếu khách của con người Việt Nam.

Lễ bế mạc SEA Games 31 tạo nên một bầu không khí sôi động về tinh thần thể thao kết nối thế giới, vượt qua những thách thức của cuộc sống. (Ảnh: TTXVN)

Sau 12 ngày thi đấu chính thức, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) đã khép lại trong lễ bế mạc lung linh sắc màu và giàu xúc cảm.

Nước chủ nhà Việt Nam đã để lại ấn tượng mạnh với truyền thông trong khu vực bởi công tác tổ chức, mang lại một kỳ đại hội thành công tốt đẹp.

Trang Inquirer Sports đã đăng bài phỏng vấn Trưởng đoàn thể thao Philippines - ông Ramon Fernandez, với những lời ca ngợi nỗ lực tổ chức SEA Games của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa kết thúc.

Ông đã khen ngợi cơ sở vật chất và sự đón tiếp nồng hậu của nước chủ nhà dành cho đoàn thể thao của nước này.

Ông Ramon Fernandez cho biết: “Chủ nhà SEA Games - đất nước Việt Nam - vô cùng nồng hậu và mến khách. Nơi ở của các vận động viên, huấn luyện viên và các nhân viên khác của đoàn Philippines rất thoải mái. Chúng tôi đã được đối xử tốt. Không có khiếu nại lớn nào cả. Nhìn chung, chúng tôi hài lòng với sự đối xử của chủ nhà Việt Nam và ủng hộ họ.”

Ông Fernandez cũng cho rằng Việt Nam đã “nâng tầm SEA Games” thông qua công tác tổ chức.

“Nước chủ nhà đã rất cởi mở, nỗ lực tạo ra một cuộc chơi công bằng, qua đó góp phần nâng tầm SEA Games. Các đoàn khác cũng phản hồi rằng họ có thể đưa nhiều vận động viên ở các môn Olympic tới SEA Games và nhận được phản hồi tốt từ các bộ môn.”

Trong khi đó, tờ Thairath của Thái Lan đã đăng bài chia sẻ cảm nhận của một phóng viên tác nghiệp ở SEA Games.

Phóng viên này cho biết: “Tôi phải cảm ơn chính phủ Việt Nam đã nỗ lực tổ chức SEA Games bất chấp nhiều trở ngại, đặc biệt là đại dịch COVID-19, để đại hội thể thao của người dân Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không bị gián đoạn lần nữa. Việt Nam đã tổ chức đại hội thành công vào năm 2003 và cả lần này. Họ đã có được thành công và đây chính là nền tảng cho sự phát triển đất nước sau này.”

Một bài báo trên News.yahoo.com viết: “Bất chấp đại dịch, SEA Games 31 - sự kiện thể thao lớn nhất khu vực - vẫn diễn ra với sự hồi hộp, gay cấn và quyết tâm của các đoàn thể thao tham dự." 

Còn tờ Straits Times của Singapore nhận định: “Nhiều giải đấu thể thao đã phải hoãn lại, thậm chí hủy bỏ trong hai năm qua vì đại dịch. SEA Games 31 cũng gặp nguy cơ tương tự. Song, nước chủ nhà Việt Nam đã nỗ lực hết sức để đảm bảo sự kiện diễn ra.”

Nhật báo The Star của Malaysia cũng đã tổng kết hành trình SEA Games 31 của đoàn thể thao nước nhà, đồng thời khen ngợi nước chủ nhà Việt Nam đã đảm bảo cho một kỳ đại hội “an toàn” cho các vận động viên của họ.

Một điều khác đọng lại trong ký ức của truyền thông các nước ASEAN khi đưa tin tại SEA Games 31 chính là tình yêu thể thao cuồng nhiệt của người dân Việt Nam, sự cổ vũ nhiệt thành của họ dành cho các đoàn thể thao.

Từ sân Việt Trì (Phú Thọ), đến Thiên Trường (Nam Định) khán giả luôn chật kín khán đài để cổ vũ cho các đội bóng thi đấu, ngay cả những trận không có U23 Việt Nam.

Trưởng đoàn bóng đá Thái Lan - bà Madam Pang đã chia sẻ trước truyền thông về cảm xúc của bà khi chứng kiến hàng nghìn cổ động viên Việt Nam đến sân trong trận U23 Thái Lan-U23 Indonesia: “Tôi ngạc nhiên và vui mừng khi thấy cổ động viên Việt Nam trên khán đài hôm nay. Tôi đã theo đuổi bóng đá suốt 16 năm và thật sự ấn tượng khi được sống trong bầu không khí như thế này. Nó mang lại sự thân thiện và mến khách của người dân Việt Nam. Tôi cảm ơn Việt Nam đã đăng cai giải đấu lần này.”

Không chỉ trong bóng đá, tất cả các nội dung tranh tài khác ở SEA Games lần này đều đầy ắp khán giả đến cổ vũ.

Việt Nam đã tổ chức một kỳ SEA Games thành công tốt đẹp. (Ảnh: TTXVN)

Nhà thi đấu Thanh Trì, Cung thể thao dưới nước… luôn kín khán giả mỗi khi các trận đấu bóng rổ tranh tài.

Ở môn billiards, sự ủng hộ từ người hâm mộ Việt Nam là điều mà huyền thoại Efren Reyes của Philippines khó có thể quên.

Ông nói: “Thật sự tôi cảm thấy rất hạnh phúc và cảm nhận được sự nồng nhiệt khi tới Việt Nam. Tôi nhận ra tình yêu của những người hâm mộ. Tôi cũng rất yêu quý họ. Tôi sẽ giữ mãi những ấn tượng này trong lòng và không bao giờ quên.”

Các phóng viên tác nghiệp tại SEA Games 31 cũng ngỡ ngàng bởi sự cuồng nhiệt của người hâm mộ Việt Nam.

Nhóm phóng viên của tờ Thairath viết: “Sự lo lắng không còn nữa vì khi đến các nhà thi đấu khác nhau, chúng tôi chứng kiến rất nhiều người Việt Nam có mặt cổ vũ cho tất cả vận động viên tham dự với sự nhiệt tình cao. Cho dù có các đội Việt Nam thi đấu hay không, người hâm mộ vẫn theo dõi cuộc thi và cổ vũ hết mình. Hình ảnh này có ở mọi môn thi đấu.”

Công tác tổ chức SEA Games chuyên nghiệp, an toàn, sự nhiệt tình của cổ động viên Việt Nam đã ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè thế giới. Đó là một sự thừa nhận của truyền thông khu vực cho những nỗ lực của chúng ta.

Tất cả những điều đó tạo nên một hình ảnh đẹp, như một thông điệp mạnh mẽ truyền tải đến cả khu vực về tình yêu thể thao, về sự thân thiện, hiếu khách của con người Việt Nam./.

Nguồn: Khánh Đan (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=792160