Syndicate content

Nghề báo

Từ một câu chuyện, nghĩ về việc đặt tít

Vợ tôi là một người nghiện “net”. Cứ lúc nào rỗi rãi là cô nàng lại mở iphone ra lướt “nét”. Một ngày cuối năm 2013, vừa mở iphone, bỗng cô nàng như rơi vào trạng thái “mắt chữ A, miệng chữ O” khi đọc được cái tít Trẻ sinh ra từ tinh trùng tử thi trên màn hình điện thoại di động. Thấy vẻ mặt cô nàng tỏ vẻ đăm chiêu, ngẫm ngợi, tôi hỏi vui: “Sao, hôm nay em có vẻ đắm đuối, đau đáu với nhân tình thế thái như vậy”? Cô nàng buột một câu than vãn: “Tít với chả tót, mới nhìn mà giật thót cả tim!”. Tôi cố giả vờ “trầm trọng hóa” vấn đề để trêu đùa vợ: “Khiếp, tít gì mà làm em đến mức “hồn xiêu phách lạc” đến thế”? Cô nàng hình như vẫn chưa hết bực tức: “Này nhé, vừa nhìn thấy cái tít, em thấy lạnh toát cả sống lưng lên”. Rồi cô nàng từ từ hạ giọng với trạng thái đầy cảm xúc chân thành: “Nhưng khi đọc xong bài báo, em thấy đây là một câu chuyện thật có hậu. Là phụ nữ, em rất nể phục tấm lòng trinh tiết của chị góa phụ và em cũng cầu mong cho hai bé song sinh của chị hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh, khôi ngô, tuấn tú và gặp nhiều may mắn trên đường đời”.

Ảnh: Internet

Nghe vợ nói, là người trong nghề báo, vốn cả nghĩ, tôi đâm ra ngẫm ngợi. Hôm sau lên mạng, đọc qua mấy tờ báo, thấy đưa tin rầm rộ sự kiện hai bé song sinh chào đời từ tinh trùng của người cha quá cố. Trong hàng chục tờ báo đưa tin về cùng sự kiện này, có mấy cái tít đáng chú ý như sau:

“Trẻ sinh ra từ tinh trùng tử thi”; “Kỳ lạ cặp song sinh ra đời từ tinh trùng tử thi”; “Cặp song sinh ra đời bằng tinh trùng được lấy từ tử thi”; “Sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết”; “Cặp song sinh chào đời bằng tinh trùng của người bố đã mất”; “Hai bé sinh đôi từ tinh trùng người cha quá cố”; “Con chào đời sau khi cha mất bốn năm: Hạnh phúc nảy mầm từ mất mát”…

Trong 7 cái tít trên, không quá khó để nhận diện, phân biệt được đâu là cái tít giật gân, câu khách; đâu là cái tít thông tin ở dạng “thường thường bậc trung”; đâu là cái tít báo chí đầy ẩn ý nghệ thuật và nhân văn.

Ở ba cái tít đầu tiên, người đọc cảm thấy ái ngại và hơn thế, có cảm giác “nổi da gà, ớn sống lưng” khi người viết cố tình rút tít với thái độ lạnh lùng. Trong suy nghĩ của chúng ta, mỗi trẻ em sinh ra, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng là niềm hạnh phúc của gia đình, xã hội. Các em là những thiên thần nhỏ bé, đáng yêu, là những mầm xuân tương lai của đất nước. Nâng niu những tâm hồn bé bỏng, thân thương ấy, lẽ nào lại nói các em sinh ra từ tử thi? “Tử thi” nghĩa là “xác chết”. Dùng từ “tử thi” trong trường hợp này khiến người đọc có cảm giác gờn gợn vì liên tưởng đến mùi tử khí và bản thân hai em bé mới ra đời đã bị “người đời” nhìn bằng con mắt khinh khi, rẻ rúng. Như vậy, cách đặt tít này là không phù hợp với hoàn cảnh, thiếu sự cảm thông, sẻ chia với các nhân vật, nếu không muốn nói là có phần vô cảm, thiếu nhân văn.

Từ cái tít thứ 3 đến tít thứ 6 là những cái tít trung dung, nêu đúng với bản chất vấn đề, nhưng cũng chưa hay, chưa đi vào lòng độc giả. Dùng cụm từ “người chồng đã chết, người bố đã mất, người cha quá cố” không có gì sai, nhưng người đọc cảm thấy chưa “ấm lòng” vì cái tít đơn điệu, bình thường quá, thậm chí có phần hơi thô khi nói “người chồng đã chết”.

Phải đến cái tít thứ bảy “Con chào đời sau khi cha mất bốn năm: Hạnh phúc nảy mầm từ mất mát” mới thấy “cái hay, cái đẹp” của việc đặt tít. Tự thân cái tít dẫn “Con chào đời sau khi cha mất bốn năm” đã thấy người viết có thái độ trân trọng, sẻ chia với nhân vật bởi cách dùng từ nhẹ nhàng, nhã nhặn, tinh tế mà vẫn nêu lên được bản chất vấn đề cần thông tin. Đặc biệt là cái tít chính “Hạnh phúc nảy mầm từ mất mát” nghe rất ý nghĩa, mềm mại, bóng bẩy vì cách dùng từ đắc địa, giàu hình ảnh. Đọc cái tít này mới cảm nhận rằng, đằng sau sự mất mát lớn lao của gia đình góa phụ và bản thân người góa phụ bởi người chồng đã ra đi đột ngột, nhưng số phận chị cũng đã được bù đắp phần nào bởi sinh ra hai cậu con trai kháu khỉnh từ tinh trùng của người cha đã về với thế giới bên kia. Tôi tin, bất cứ ai yêu cuộc sống, yêu những đứa trẻ và luôn biết cảm thông với những thiệt thòi, hy sinh, mất mát riêng tư của người khác cũng sẽ ưa thích những bài báo có cái tít ấn tượng, hấp dẫn, giàu tính nhân văn như cái tít này. Và cả chị góa phụ, gia đình chị, bạn bè và những người thân của chị và sau này hai cháu trai lớn lên, chắc rằng ai cũng có cảm giác hài lòng với cái tít: “Hạnh phúc nảy mầm từ mất mát”.  

Từ một câu chuyện, ngẫm ngợi về cách đặt tít trên báo mới thấy: Cùng một sự kiện, một vấn đề, nếu người viết biết cách lựa chọn từ ngữ đúng lúc, đúng chỗ, phản ánh đúng bản chất thông tin nhưng vẫn tinh tế, gợi cảm, lôi cuốn, bắt mắt độc giả bằng một thái độ văn hóa, cái nhìn văn hóa, thì cái tít sẽ trở thành “linh hồn” của bài báo, trang báo. Nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến cuộc đời, số phận, tương lai, tình cảm, thân nhân con người - ví như trường hợp góa phụ với cặp song sinh nêu trên - thì lại càng đòi hỏi người cầm bút có tấm lòng sẻ chia, cảm thông sâu sắc với các nhân vật. Nếu làm được như vậy, cái tít nói riêng và tên tuổi nhà báo, mới dễ ghi dấu ấn mạnh mẽ vào trái tim, ký ức độc giả.

Nguyễn Văn Hải

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Tâm sự trước ngày Văn nghệ trẻ thành báo điện tử

Văn nghệ Trẻ, tờ báo văn chương duy nhất dành cho những cây bút trẻ ở Việt Nam hiện nay tới đây sẽ chấm dứt vai trò báo giấy để chuyển sang hoạt động báo điện tử. Có rất nhiều cung bậc cảm xúc cũng như chia sẻ, mong muốn… của các tác giả từng gắn bó với Văn nghệ trẻ được bộc lộ trong cuộc phỏng do nhà báo Hiền Nguyễn (báo điện tử Tổ Quốc) thực hiện.

PV: Vậy là chẳng còn bao lâu nữa báo Văn nghệ trẻ - phụ trương của tuần báo Văn nghệ sẽ chấm dứt vai trò báo giấy truyền thống để chuyển mình thành báo điện tử. Là một nhà văn trẻ, anh (chị) chia sẻ suy nghĩ của bản thân?

Tống Ngọc Hân (Lào Cai): Tôi biết tin Văn nghệ trẻ chấm dứt vai trò báo giấy từ cuối năm 2013. Ngay lúc đó trong đầu tôi hiện hữu câu hỏi “Tại sao lại như vậy?”. Tôi không trả lời câu hỏi này với tư cách độc giả hay người viết văn mà với tư cách một người kinh doanh. Chỉ những khó khăn về kinh tế mới có thể khiến Báo Văn nghệ trẻ phải dừng lại hình thức phát hành này. Lượng báo phát hành ít vì độc giả văn chương ít, giá báo lại rẻ (giá của báo chí và các sản phẩm văn chương ở nước ta đều rẻ) trong khi chi phí in ấn, phát hành thì không ngừng tăng cao. Từ trước tới giờ, các “Mạnh Thường Quân” bỏ ra bạc tỷ, bạc triệu để tài trợ cho các đội bóng, các câu lạc bộ người mẫu hay các cuộc thi hoa hậu, người đẹp… chứ chẳng ai bỏ ra xu nào để tài trợ cho một tờ báo văn nghệ. Vì có quảng bá, quảng cáo được gì cho tên tuổi, thương hiệu của họ đâu? Nhà nước có thể trích ngân sách để cứu công ty này, công ty kia thoát khỏi phá sản nhưng chẳng nhẽ lại đem tiền để cứu một tờ báo văn chương? Thôi thì những người làm báo tự xoay sở, tự cứu mình và cái nghiệp văn của mình vậy. Việc phải chuyển từ báo giấy sang báo điện tử là một lối thoát danh dự cho Văn nghệ trẻ. Phải nói thật là tôi rất buồn. Nỗi buồn của một độc giả, một tác giả từng gắn bó và yêu mến Văn nghệ trẻ.

Các cây bút Tống Ngọc Hân, Vũ Thị Huyền Trang, Đoàn Văn Mật, Lê Vi Thủy

Vũ Thị Huyền Trang (Hà Nội): Tôi khá bất ngờ trước thông tin này. Tôi nghĩ đó là một hướng đi bắt kịp với xu thế chung của báo chí và văn chương trẻ hiện nay. Văn nghệ trẻ là nơi đăng tải các hoạt động văn chương cũng như các sáng tác của nhiều cây bút trẻ. Nên việc đưa báo Văn nghệ trẻ thành báo điện tử là một tín hiệu đáng mừng đối với người viết trẻ vì tác phẩm của họ sẽ được phổ biến rộng rãi với tốc độ lan truyền của internet, chắc chắc sẽ hơn hẳn báo giấy.

Đoàn Văn Mật (Hà Nội): Tôi nghĩ một tờ báo giấy chuyển mình sang thành báo điện tử là câu chuyện đã và đang xảy ra ở không ít quốc gia trên thế giới. Sự thay đổi ấy vốn được xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đó có thể là sự chuyển mình theo quy luật tự nhiên khi mà mạng internet đang ngày càng phát triển và nhiều độc giả sẽ được hưởng lợi nó trong việc tiếp cận nguồn thông tin trên báo online ở mọi lúc mọi nơi, có thể là do sự suy sụt về số lượng in ấn mà những người đứng đầu cơ quan ấy phải chuyển sang báo điện tử làm giảm bớt những chi phí cần thiết để tờ báo tồn tại được. Nhưng ở một nước mà số lượng bạn đọc yêu thích báo giấy vẫn còn khá đông đảo thì việc báo Văn nghệ trẻ – phụ trương của tuần báo Văn nghệ chuyển thành báo điện tử sẽ là một tổn thất không nhỏ tới nhu cầu thưởng thức món ăn tinh thần của độc giả.

Lê Vi Thuỷ (Gia Lai): Tôi thấy nuối tiếc khi phải chia tay với tuần báo Văn nghệ trẻ, bởi tuần báo này đã gắn bó với chúng tôi quá lâu, từ khi chúng tôi bắt đầu viết đến nay, còn là một động lực để chúng tôi có nhiều tác phẩm mới hơn trên tuần báo này.

Mặc dù tuần báo chuyển đổi hình thức, nhưng tôi nghĩ về nội dung và chất lượng của tuần báo sẽ không thay đổi. Hiện tại chúng tôi đang hồi hộp đón chờ báo Văn nghệ Trẻ online.

PV: Việc một tờ báo giấy song hành cùng báo điện tử là cách tồn tại chúng ta đã và đang chứng kiến ở nhiều tờ báo. Nhưng với Văn nghệ trẻ thì sẽ chấm dứt hoàn toàn vai trò báo giấy mà chuyển sang báo điện tử. Anh (chị) có cảm thấy “hẫng” không?

Tống Ngọc Hân: Không chỉ là hẫng hụt. Tôi còn cảm thấy lo ngại. Báo điện tử và báo giấy có không gian và sắc màu nghệ thuật hoàn toàn khác nhau cho dù cùng truyền tải một thông điệp. Tôi thường tìm thấy những thứ không có trong báo giấy nhưng lại có trong báo điện tử và ngược lại có những thứ không có trên báo điện tử lại có trong báo giấy. Vậy khi không còn báo giấy, tôi biết tìm những thiếu vắng ấy ở đâu? Tuy nhiên việc thay thế này cũng phần nào an ủi độc giả văn chương và có thể “dỗ dành” họ rằng Văn nghệ trẻ vẫn còn đấy, chỉ có điều nó chỉ chuyển đổi hình thức thể hiện mà thôi. Hi vọng Văn nghệ trẻ điện tử sẽ tròn sứ mạng.

Vũ Thị Huyền Trang: Bản thân tôi thì vẫn mong muốn tồn tại báo giấy song hành cùng báo điện tử. Vì vẫn có một lượng độc giả lớn tiếp cận thông tin qua báo giấy, có thể là là vì điều kiện cũng có thể là do thói quen. Mỗi lần cầm báo biếu của Văn nghệ trẻ trên tay tôi đều thấy rất vui. Có lẽ vì vậy mà không tránh khỏi chút tiếc nuối khi Văn nghệ trẻ chấm dứt hoàn toàn báo giấy.

Đoàn Văn Mật: Không hụt hẫng và buồn sao được khi đã nhiều năm nay Văn nghệ Trẻ luôn là sân chơi truyền thống cho những người yêu mến văn chương và thường trân trọng gửi gắm những sáng tác của mình trên tờ báo này. Khi tuần báo Văn nghệ trẻ chuyển thành báo điện tử đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ mất đi một sân chơi truyền thống đầy bổ ích.

Lê Vi Thuỷ: Với bản thân tôi, tôi thấy “hẫng” vì giống như mình vừa đánh mất đi một điều gì đó quá trân trọng và thân thuộc. Trước một sự đổi mới thì luôn khiến người khác bị hẫng, phải bần thần một thời gian rồi mới lấy lại tinh thần được và mới có thể quen được những thay đổi đó.

PV: Lâu nay, việc tác phẩm xuất hiện trên internet dưới nhiều hình thức từ báo điện tử các trang cá nhân, mạng xã hội… nhưng dường như tâm lý nhiều độc giả vẫn thích đến một thời điểm nào đó, tác phẩm phải từ Internet hiện diện trên sách báo, để cầm, để nhìn, để lưu giữ kỷ niệm và nhiều lý do khác nữa. Còn quan niệm của anh (chị) thế nào?

Tống Ngọc Hân: Thực ra với nhiều quốc gia trên thế giới, độc giả và tác giả đều đã thích nghi với sách điện tử, báo điện tử và thư viện điện tử. Còn ở Việt Nam, khi mà nhiều vùng sâu, xa của Tổ quốc, ngành giáo dục còn đang chật vật với công tác xóa mù, chống tái mù và phổ cập trung học thì đó là những khái niệm hạn hẹp. Kỉ niệm, hoài niệm là những trạng thái cảm xúc đặc thù của người Việt ta vốn được thể hiện qua cách mua sách tặng nhau, in sách tặng nhau và mua tờ báo giấy có dấu ấn bản thân mình để tặng nhau. Phần để giữ lại cho mình, phần để tặng bạn ấy, sau này, chính tôi cũng chưa biết cách “đối phó” thế nào? Sâu sa tôi vẫn nghĩ, có một sự “bất đắc dĩ” nào đó thôi, chứ không phải Văn nghệ trẻ muốn cải cách hay làm mới mình. Độc giả nên cảm thông và chia sẻ tích cực bằng cách tiếp tục cộng tác.

Vũ Thị Huyền Trang: Tôi nghĩ đó không chỉ là tâm lý của nhiều độc giả mà còn là tâm lý chung của hầu hết những người viết. Tôi cũng vậy, không gì vui hơn khi cầm trên tay một tập sách hay một tờ báo có bài viết của mình. Nó giống như một sản phẩm được đầu tư chau chuốt để có thể lưu giữ hoặc thành một tặng phẩm đầy trân trọng đến với độc giả và những người thân quý. Đấy là chưa kể từ trước đến giờ các diễn đàn hay trang web văn chương có thể trả nhuận bút cho người sáng tác. Nếu có thì cũng rất ít khó có thể bằng báo giấy.

Đoàn Văn Mật: Cái quan niệm mà chị vừa dẫn ra khá hợp “gu” với kiểu người như tôi. Bởi thường ngày tôi vẫn đọc những tác phẩm trên sách báo và những sáng tác trên mạng điện tử nhưng mỗi khi đọc tác phẩm được in trên sách báo luôn mang lại cho tôi nhiều điều thú vị, gấp sách lại mà vẫn như bắt gặp được tâm tư tình cảm còn nóng hổi của tác giả vừa phả vào trang giấy và sự xao xuyến ấy như còn được lưu lại mãi.

Lê Vi Thuỷ: Thời đại hiện nay là thời đại công nghệ, cho nên mọi thứ đều được công nghệ hóa, sách báo cũng công nghệ hóa là điều đương nhiên. Như tôi nói ở trên, điều gì mới lạ thì cũng cần có thời gian để thích ứng với những thay đổi trong cuộc sống khi mà những tờ báo, những tạp chí đã gần như ăn sâu vào tâm thức của mỗi người viết đó là được cầm, được đọc và được cất làm kỷ niệm. Bản thân tôi cũng vậy, mỗi khi nhận được một tờ báo hay một tạp chí có bài của mình thì rất vui, cứ lật tới lật lui xem những bài viết trong đó rồi xếp ngay ngắn trên một kệ sách để làm kỷ niệm. Ưu điểm của việc phát hành online là phát hành bất kỳ lúc nào không phải theo định kỳ; thời lượng bài vở cũng như số lượng trang cũng không hạn chế như trước kia. Phạm vi phát hành cũng rộng rãi, đến bất kỳ nơi nào trên thế giới có kết nối internet. Thời cuộc thay đổi, thì mình cũng nên dần thích ứng với những đổi thay đó.

PV: Theo anh (chị), trong những năm qua, Văn nghệ trẻ đã có tác động như thế nào đối với đời sống văn học trong nước cũng như đối với bản thân anh (chị) là người cầm bút?

Tống Ngọc Hân: Đối với đời sống văn học trong nước, Văn nghệ trẻ có tác động thế nào thì tôi không thể chủ quan phát biểu liều được. Nhưng với cá nhân tôi, Văn nghệ trẻ thật sự là một người bạn. Đó không phải là cửa ải khắt khe đối với những người chập chững vào nghề, nhưng không phải vì thế mà chất lượng của Văn nghệ trẻ thấp. Tôi đã làm quen với độc giả qua Văn nghệ trẻ, những người đọc báo chính là độc giả của những tác giả trẻ. Vì thế tác động của báo với những người viết trẻ chúng tôi rõ rệt lắm. Chỉ mong, dưới một hình hài mới, Văn nghệ trẻ vẫn sẽ hấp dẫn.

Vũ Thị Huyền Trang: Tôi biết đến báo Văn nghệ trẻ từ những ngày đầu bước chân vào trường Viết văn Nguyễn Du. Lúc đó Văn nghệ trẻ không chỉ mang đến cho chúng tôi nhiều tác phẩm hay, nhiều thông tin về các hoạt động văn chương trẻ. Mà còn là động lực thúc đẩy tôi lao động chữ nghĩa để làm sao có những bài thơ, những truyện ngắn hay với mong muốn sẽ được xuất hiện trên Văn nghệ trẻ. Nơi đây giống như là cái nôi đã chăm chút, nuôi dưỡng nhiều cây bút trẻ. Cũng là một địa chỉ tin cậy để gửi gắm các biên tập, các nhà văn có tên tuổi đọc và thẩm định tác phẩm. Hơn hết nó là nơi hội tụ và là một sân chơi chữ nghĩa nghiêm túc và đầy thú vị.

Đoàn Văn Mật: Tôi cho rằng Văn nghệ trẻ với tư cách là “bà đỡ” cho những sáng tác của người viết trẻ từ lâu đã trở thành một diễn dàn Văn chương có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn học trong nước. Nó có thể là điểm khởi đầu cho sự ló rạng một năng khiếu văn chương và nó cũng là chỗ để khẳng định một tài năng văn chương. Điều đó đã và đang được chứng minh ở những cây bút từng xuất hiện trên Văn nghệ trẻ. Gần mười lăm năm vừa là độc giả vừa là cộng tác viên của báo, tôi nghĩ Văn nghệ trẻ đã có những tác động tích cực tới con đường văn chương mà mình đã lựa chọn.

Lê Vi Thuỷ: Văn nghệ Trẻ như là một cầu nối văn chương đối với những người viết trẻ như chúng tôi và là một động lực để chúng tôi viết. Khi được đăng trên tuần báo Văn nghệ trẻ, chúng tôi thật sự cảm thấy rất tự hào bởi như bản thân mình được khẳng định. Và đến bây giờ cũng vậy, để được đăng trên tuần báo Văn nghệ trẻ thì đòi hỏi người cầm bút phải thực sự lao động một cách nghiêm túc nhất, trước khi cho ra đời một tác phẩm văn học. Khi đăng trên Văn nghệ thì tác phẩm đó gần như là được khẳng định có chất lượng, mang tính văn học và nhân văn cao.

PV: Nếu như trước đây, các cây bút trưởng thành từ Văn nghệ trẻ chắc rằng trong suy nghĩ của nhiều người thì đó là một sự trưởng thành từ báo giấy. Nhưng giả sử, tới đây, Văn nghệ trẻ dù có chuyển từ hình thức “giấy” thành “online” mà tiêu chí lựa chọn tác phẩm đăng không khác nhau. Vậy tương lai những tác giả trưởng thành của Văn nghệ trẻ điện tử có dễ khiến độc giả (hoặc ngay cả anh (chị)) coi đó là tác giả của văn học mạng không?

 Tống Ngọc Hân: Theo tôi khái niệm “văn học mạng” không có nghĩa là tác phẩm văn học xuất hiện trên mạng điện tử. Hiện nay việc in ấn đang rất “rộng cửa”. Cứ có tiền là in được. Anh viết hay mà anh chưa có điều kiện để in thì thì tác phẩm của anh vẫn chỉ nằm trên mạng. Còn anh viết tàm tạm, thậm chí hời hợt, dở hơi nhưng vẫn có thể xuất bản như thường. “Văn học mạng” là khái niệm để chỉ dòng văn học với những tác phẩm giàu chất giải trí, nhất thời thỏa mãn thị hiếu của một lớp người hoặc một số đối tượng mà thiếu chú trọng đến hình thức văn chương và các giá trị khác của văn học. “Văn học mạng” cũng có độc giả đấy chứ, đông là khác. Đọc nghiến ngấu, thưởng thức nhanh, quảng bá rộng, tưng bừng… để rồi “cả thèm chóng chán”. Chạy theo và nuông chiều những thị hiếu ấy là một số tác giả vốn quan niệm “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”. Để tác giả trưởng thành từ Văn nghệ trẻ điện tử không bị coi là tác giả của văn học mạng chính là nhiệm vụ của Văn nghệ trẻ điện tử và cách làm việc nghiêm túc của chính tác giả.

Vũ Thị Huyền Trang: Tôi nghĩ trước khi Văn nghệ trẻ thành báo điện tử thì nó đã có một quá trình hình thành và phát triển để lại chỗ đứng trong lòng những độc giả yêu văn chương. Ngay cả khi tiêu chí lựa chọn tác phẩm có một vài đổi khác đi nữa thì tôi vẫn tin rằng chất lượng của báo sẽ góp phần quan trọng tạo nên tên tuổi và vị thế cho tác giả.

Đoàn Văn Mật: Nếu tiêu chí lựa chọn tác phẩm đăng không khác nhau mà chỉ khác nhau về mặt hình thức thì cũng khó để có thể đánh giá tác giả đó là của văn học mạng. Văn học mạng và tác giả văn học mạng vẫn còn nhiều điều khiến chúng ta phải bàn tới khi định nghĩa chính xác về nó. Tôi nghĩ văn học mạng không chỉ lệ thuộc vào hình thức mà đôi khi còn phải tính cả phần nội dung được thể hiện trong đó nữa.

Lê Vi Thuỷ: Theo tôi nghĩ, dù tác giả trưởng thành từ báo giấy hay báo online thì đó đều là những nỗ lực không ngừng của người viết, có tâm với nghề viết và luôn tự hoàn thiện hơn cho mỗi tác phẩm của mình. Nếu người viết không có sự chắt lọc, tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo trong tác phẩm của mình thì dù cho là báo giấy hay báo mạng thì cũng không phát triển được.

PV: Báo điện tử và tuần báo là hai hình thức rất khác nhau. Là người từng biết đến một vài tờ báo văn nghệ hiện nay, cũng như không còn xa lạ với việc tiếp cận tác phẩm online, vậy anh (chị) mong muốn một tờ báo điện tử thuộc lĩnh vực văn chương sẽ có những gì?

Tống Ngọc Hân: Một tờ báo thuộc lĩnh vực văn chương dù là điện tử hay báo giấy, dứt khoát phải đậm chất văn chương. Còn những mảng, những phần khác nếu có cũng nên ít thôi, nếu không độc giả sẽ thất vọng ngay. Vì chỉ những người yêu thích hoặc quan tâm đến văn học nghệ thuật thì mới dành thời gian để “lặn lội” trên báo điện tử văn học. Tôi chưa biết số Văn nghệ trẻ điện tử đầu tiên sẽ như thế nào. Nhưng theo tôi Văn nghệ trẻ điện tử cần có một hộp thư góp ý ngay ở một vị trí sáng sủa để trưng cầu ý kiến của độc giả. Báo phải làm tốt công tác cộng tác viên. Hãy lấy chính bài học của báo giấy Văn nghệ trẻ làm bài học cho Văn nghệ trẻ điện tử.

Vũ Thị Huyền Trang: Một tờ báo điện tử thuộc lĩnh vực văn chương thì trước hết phải có những sáng tác hay. Sau đó là cập nhật các tin tức về đời sống văn chương. Do không bị bó hẹp giống như khuôn khổ một tờ báo nên tôi cũng mong Văn nghệ trẻ onilne sẽ giới thiệu đến độc giả được nhiều khuôn mặt mới. Đồng thời cũng hy vọng báo sẽ mở ra một diễn đàn giao lưu giữa người viết và người đọc.

Đoàn Văn Mật: Tôi mong muốn được thấy một tờ báo điện tử thuộc lĩnh vực văn chương luôn có sự đa dạng phong phú về bài vở và trên hết là phải có những điều hay.

Lê Vi Thuỷ: Dù là tờ báo online thì mục đích của nó cũng không khác một tờ báo giấy. Đều phải đa dạng các mục, bài viết phải có chất lượng, mang tính văn chương cao. Và bài được đăng thì cần phải qua sự sàng lọc, không thể đánh đồng mọi thứ với nhau. Nên ưu tiên những cây bút trẻ mới xuất hiện. Để tạo được động lực cho người viết trẻ cũng như nguồn lực mới cho nền văn học nước nhà.

 * Cảm ơn các nhà văn, nhà thơ trẻ!

4 thành công của Festival Ảnh và Phim tài liệu bảo vệ môi trường ASEAN 2013

(ICTPress) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Ban Tổ chức Liên hoan ảnh và phim phóng sự tài liệu về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu trong cộng đồng ASEAN năm 2013 chiều nay 17/3 đã tổ chức tổng kết Liên hoan tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trao giải Nhất cho tác giả ảnh Malaysia tại Liên hoan lần thứ 2

Liên hoan Ảnh và Phim Phóng sự - Tài liệu về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu trong cộng đồng ASEAN năm 2013 có chủ đề: “Bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu trong cộng đồng ASEAN” được phát động vào ngày 17/7/2013 đến tháng 12/2013.

Đây là lần thứ hai Việt Nam tổ chức “Liên hoan ảnh và phim phóng sự - tài liệu trong cộng đồng các nước ASEAN. Trước đó, năm 2010, liên hoan lần đầu được tổ chức với chủ đề “Đất nước và con người các quốc gia ASEAN”.

Sau hơn 5 tháng phát động, Ban Tổ chức Liên hoan đã nhận được 536 tác phẩm ảnh và bộ ảnh; 125 tác phẩm phim tài liệu và phóng sự gửi tham gia gửi dự thi của các tác giả là các nhà nhiếp ảnh, phóng viên cơ quan báo chí, các nhà làm phim… của các nước thành viên ASEAN.

Kết quả của Liên hoan, đã có 22 tác phẩm Phim phóng sự - Tài liệu, 21 tác phẩm ảnh được lọt vào vòng chung khảo và ban tổ chức đã trao giải cho 14 tác phẩm Phim phóng sự - tài liệu, 14 tác phẩm Ảnh. Giải Nhất phim phóng sự tài liệu thuộc về bộ phim “Vũ điệu xanh”, Tập đoàn phim quốc gia Malaysia. Giải Nhất Ảnh thuộc về bộ ảnh “Vai trò của rừng và biến đổi khí hậu” của tác giả Huỳnh Lâm, Cà Mau, Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Minh, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao đã đánh giá cao Liên hoan trên 4 điểm đạt được: Liên hoan đã đề cập chủ đề “nóng” và được các nước ASEAN nghiên cứu trong chương trình hợp tác các nước ASEAN; Liên hoan đã hướng tới cộng đồng ASEAN mà đây là mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015; Quá trình tổ chức Liên hoan hết sức chuyên nghiệp theo quy trình từ khâu nhận, gửi, chọn và chấm giải; Ban tổ chức không chỉ tạo điều kiện tối đa cho các nghệ sĩ đến tham gia Festival mà còn giúp các nghệ sĩ cảm nhận con người, văn hóa, mến khách và tinh thần tổ chức của Việt Nam.

Lễ tổng kết Liên hoan Ảnh và Phim phóng sự - tài liệu về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu trong cộng đồng các nước ASEAN lần thứ 2 với sự tham dự của các đại sứ các nước ASEAN tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Liên hoan Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh vấn đề bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu là một chủ đề mà tất cả các quốc gia trong khu vực ASEAN cùng quan tâm. Liên hoan ảnh và phim phóng sự tài liệu về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu trong cộng đồng ASEAN năm 2013 không chỉ nhằm mục đích tìm ra các tác phẩm xuất sắc nhất mà còn là hướng tới tầm nhìn ASEAN sạch và xanh, bảo vệ môi trường, bảo đảm sự bền vững của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như chất lượng cuộc sống của các quốc gia ASEAN. Mặc dù liên hoan đã khép lại nhưng 661 tác phẩm ảnh, phóng sự truyền hình tham gia liên hoan đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó tích cực với sự biến đổi biến đổi khí hậụ, bảo đảm sự bình yên của mỗi quốc gia ASEAN.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết nếu Ủy ban Văn hóa của ASEAN tiếp tục tin tưởng giao cho Bộ TT&TT tổ chức lần thứ 3, Bộ TT&TT sẽ tổ chức tốt Liên hoan.

Minh Anh

Nhà báo Thu Hà: “Sự kiện đặc biệt càng phải đảm bảo chuẩn xác, không được cảm tính!”

Nhà báo Thu Hà - Trưởng phòng Chào buổi sáng, Ban Thời sự, Đài THVN - người theo sát sự kiện máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích - khẳng định rằng tất cả tin tức đều được các phóng viên bảo đảm sự chuẩn xác tuyệt đối.

Chia sẻ với phóng viên VTV Online về quá trình tác nghiệp trong sự kiện được xem là “bí ẩn” của ngành hàng không, nhà báo Thu Hà nói: “Mới đầu, khi nghe tin có vụ mất tích máy bay của Malaysia, xuất phát từ nhiệm vụ phụ trách mảng “An toàn giao thông” của chương trình Chào buổi sáng, chúng tôi đã liên lạc ngay với Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải để biết chi tiết vấn đề, những điều gì có thể rút ra hoặc cảnh báo về an toàn hàng không. Tuy ban đầu thông tin chưa liên quan trực tiếp đến Việt Nam nhưng góc độ an toàn hàng không là vấn đề rất được quan tâm nên chúng tôi đã ngay lập tức có mặt tại Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng không của Việt Nam ở khu vực sân bay Gia Lâm, cùng với các đồng nghiệp và thiết bị Live U có thể đưa tin trực tiếp”.

Nhà báo Thu Hà - Trưởng phòng Chào buổi sáng (Ảnh: Quang Phát)

Là sự kiện mang tính quốc tế và hết sức đặc biệt, nhà báo Thu Hà khẳng định trong quá trình đưa tin, đội ngũ phóng viên, biên tập viên thời sự của VTV luôn đặt yếu tố chuẩn xác lên hàng đầu. “Càng là sự kiện đặc biệt, càng phải đảm bảo sự chính xác khi đưa tin. Vậy nên từng từ ngữ trong các bản tin đều phải đảm bảo sự chính xác tuyệt đối, không được nói quá, nhận định không được cảm tính, không được nhất nhất nghiêng theo bất cứ giả thiết nào. Nếu chỉ sai một từ cũng rất nguy hiểm!” - chị chia sẻ.

Khi được hỏi rằng có điều gì ảnh hưởng tới quá trình tác nghiệp của các phóng viên trong bối cảnh đang có sự nhiễu loạn thông tin bởi khá nhiều nghi vấn được đặt ra cho sự kiện, chị khẳng định: “Đúng là đến lúc này, mọi tin tức về chiếc máy bay được cho là rất bí ẩn, thậm chí nhiễu loạn. Có những lúc tưởng là có hy vọng rồi gần như lại mất hy vọng, có lúc có thông tin rằng thấy vật thể lạ trông giống như một bộ phận của chiếc máy bay. Hay thông tin gần nhất là có dấu hiệu máy bay ở eo biển Malacca, rồi Trung Quốc công bố ảnh vệ tinh nghi mảnh vỡ máy bay mất tích… Tất cả được được đưa ra rồi lại phủ nhận, hy vọng rồi lại mất hy vọng.

Trước tất cả các thông tin đó, phóng viên của chúng tôi vẫn bám sát thông tin của  Sở chỉ huy của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn để có thể cập nhật những thông tin chính thống nhất của quá trình tìm kiếm chiếc máy bay tới khán giả truyền hình.

Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra mà chúng ta không lường trước được nên mọi tin tức phải chuẩn xác, không được cảm tính, không được nhận định quá sớm hoặc dùng từ sai. Đã có lúc dư luận nghiêng về khủng bố khi phát hiện có 2 hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp, có lúc lại nghiêng về vấn đề nổ máy bay… nên bất cứ bản tin nào cũng cần đặt tiêu chí thận trọng lên trên hết”.

Minh Đức

Nguồn tin: vtv.vn

Ghi nhận của PV thường trú Đài THVN tại các điểm bỏ phiếu ở Crimea

Có mặt tại điểm bỏ phiếu số 08164 ở trung tâm Simferopol (thủ phủ Crimea), PV Duy Nghĩa cho biết chỉ sau 4 giờ đồng hồ kể từ khi bắt đầu đã có trên 30% cử tri đến đây bày tỏ ý nguyện của mình, ủng hộ việc sáp nhập vào Liên bang Nga hoặc tồn tại một phần ở Ukraine.

PV Duy Nghĩa tại điểm bỏ phiếu ở TP Simferopol - thủ phủ Crimea (Ảnh: VTV Online)

Vào lúc 8h giờ địa phương (khoảng 13h giờ Việt Nam) hôm nay (16/3), người dân tại nước Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine đã bắt đầu cuộc trưng cầu dân ý về việc bán đảo này sẽ ở lại với Ukraine hay trở thành một chủ thể sáp nhập vào Liên bang Nga. Chứng kiến cuộc trưng cầu dân ý có rất nhiều quan sát viên nước ngoài cùng hàng nghìn phóng viên quốc tế.

Theo thông tin từ PV Duy Nghĩa, thủ tướng Crimea – Aksyonov – và con gái là 2 trong số những người đầu tiên đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm nay tại điểm bỏ phiếu số 08069 ở phía Tây TP Simferopol.

Sau khi bỏ phiếu, trả lời phỏng vấn báo giới, ông Aksyonov đã bày tỏ hy vọng rằng cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra thành công và kết quả cuộc trưng cầu sẽ không dẫn tới một cuộc khủng hoảng nào. Ông gọi cuộc trưng cầu dân ý này là thời điểm lịch sử. Ông nói: “Chỉ có tiến lên phía trước, mọi việc sẽ kết thúc một cách tốt lành”.

Nguồn:vtv.vn

Ghi nhận của PV thường trú Đài THVN tại các điểm bỏ phiếu ở Crimea - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/Ghi-nhan-cua-PV-thuong-tru-Dai-THVN-tai-cac-diem-bo-phieu-o-Crimea/108110.vtv#sthash.fuLIND3v.dpuf

Nhuận bút báo in, báo điện tử không quá 5 lần lương tối thiểu

(ICTPress) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngày 14/3 đã ký ban hành Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Ảnh: petrotimes.vn

Nghị định này quy định về chế độ nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí (gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), xuất bản phẩm, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin, phục vụ cho sự sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm.

Theo điều 7 của Nghị định này khung nhuận bút tối đa cho báo in, báo điện tử được chia làm 8 loại. Mỗi loại có hệ số để tính, thể loại tin tối đa là 10 đơn vị hệ số, thể loại trực tuyến và media có mức nhuận bút tối đa là 50 đơn vị hệ số. Giá trị một đơn vị nhuận bút bằng 10% tiền lương áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, hay còn gọi là lương tối thiểu hiện nay là 1.150.000 đồng. Theo đó, nhuận bút được tính cho báo in, báo điện tử tối đa sẽ không quá 5 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm áp dụng. Nghị định này chỉ quy định khung tối đa, do vậy, các cơ quan báo chí vẫn có thể chủ động cân đối thu chi trong hoạt động của mình.

Khung nhuận bút cho tác phẩm báo in, báo điện tử

Nghị định 18 cũng quy định tác giả làm theo chế độ hợp đồng với cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm, sáng tạo tác phẩm ngoài định mức được giao của cơ quan báo chí, được hưởng 100% nhuận bút.

Thời gian trả hết nhuận bút cho tác phẩm sử dụng không quá 60 ngày. Theo điều 4, Nghị định 18/2014/NĐ-CP, chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày tác phẩm được đăng tải, công bố, bên sử dụng tác phẩm phải trả hết tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ 1/6/2014.

Mai Nguyễn

Phóng viên quốc tế đánh giá cao khả năng tìm kiếm của VN

“Việt Nam đã và đang rất nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia bị mất tích”.

Đây là nhận xét chung của hầu hết những phóng viên ở các hãng truyền thông quốc tế đang tác nghiệp tại Phú Quốc.

Đông đảo phóng viên quốc tế có mặt tại Phú Quốc đưa tin về vụ tìm kiếm máy bay mất tích

Theo anh Yan Hao, biên tập viên của Tân Hoa xã, trong những ngày tác nghiệp tại đây, đoàn công tác của Tân Hoa xã cũng được tạo điều kiện tháp tùng cùng với chuyến bay ra vùng tìm kiếm trên biển. Anh rất tin tưởng vào khả năng cũng như những cố gắng của Việt Nam trong việc phối hợp tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích.  

 Anh Yan Hao nói: “Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã làm hết sức mình và với tư cách là một công dân Trung Quốc, chúng tôi đánh giá điều đó rất cao. Chính phủ Việt Nam đã rất sẵn sàng để giúp đỡ những hành khách trên chiếc máy bay này. Tôi biết có khoảng hơn 10 hãng thông tấn và báo chí từ Trung Quốc đang ở đây và tôi tin rằng một số hãng nữa sẽ tiếp tục đến. Chúng ta đều hy vọng điều kỳ diệu sẽ sẽ xảy ra, nhưng cho tới nay vẫn chưa hề có bằng chứng nào về việc đó”.

Anh Yan Hao, biên tập viên của Tân Hoa xã

Rất đông phóng viên đến từ các hãng truyền thông quốc tế có mặt để đưa tin về cuộc tìm kiếm này ở Phú Quốc trong những ngày qua. Theo như anh Yan Hao thì riêng Trung Quốc đã có hơn 10 hãng thông tấn đến Việt Nam đưa tin. Các điều kiện cho phóng viên tác nghiệp cũng đã được quan tâm.

Anh Pang Tak Cheung ở Truyền hình cáp Hồng Kông

Anh Pang Tak Cheung ở Truyền hình cáp Hồng Kông (Trung Quốc) cho rằng: “Khi có thông tin có vật thể lạ ở Vũng Tàu thì phía quân sự Việt Nam đã lập tức cử máy bay và tàu đến để kiểm tra, nhưng họ không thấy gì. Dẫu sao thì đó là phản ứng rất nhanh chóng”./.

                                                     Lam Hiếu

Nguồn: VOVOnline

Vụ máy bay Malaysia mất tích: Hơn 100 PV quốc tế tác nghiệp không mệt mỏi tại Phú Quốc

Từ khi xảy ra vụ việc máy bay của Hãng hàng không Malaysia mất tích, cùng với quá trình tìm kiếm liên tục của các đơn vị chức năng Việt Nam, lần đầu tiên người dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã đón tiếp đội ngũ phóng viên quốc tế hùng hậu hơn 100 người đến tác nghiệp.

Có mặt tại Phú Quốc từ ngày 9/3, chỉ 1 ngày sau vụ mất tích máy bay của hãng hàng không Malaysia, anh Chin Ly Horn - phóng viên thường trú của Tân Hoa Xã tại Campuchia là một trong những phóng viên quốc tế đầu tiên được cử đến Việt Nam để đưa tin về công tác tìm kiếm cứu hộ. Được biết, mỗi ngày anh Chin Ly Horn chuyển về trụ sở tại Bắc Kinh 2-3 tin theo các diễn biến. Đây được xem là một nỗ lực đáng ghi nhận bởi anh tác nghiệp trong hoàn cảnh không thông thuộc địa bàn và không có phiên dịch tiếng Việt.

"Tôi chỉ nghĩ rằng rất nhiều người trên thế giới đang quan tâm theo dõi tin tức liên quan đến vụ chiếc máy bay mất tích của Malaysia. Vì vậy công việc của tôi là làm thế nào chuyển được những tin tức ấy càng nhanh, càng tốt cho khán giả", anh Chin Ly Horn chia sẻ.

Đặc biệt khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VTV, anh Chin Ly Horn nhấn mạnh: "Tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đã huy động rất nhiều lực lượng và phương tiện để tham gia vào hoạt động tìm kiếm, cứu hộ và họ đã làm rất có trách nhiệm”.

Những ngày qua, phóng viên quốc tế đổ về Phú Quốc tác nghiệp rất đông (Ảnh: NLĐ)

Để cập nhật tin tức một cách nhanh nhất các thông tin liên quan tới việc tìm kiếm máy bay mất tích, các phóng viên quốc tế đã luôn cố gắng sử dụng quỹ thời gian một cách hiệu qua nhất. Mọi người tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống trong lúc chờ phỏng vấn, ghi hình, ghi âm. Sảnh sân bay, mái hiên hay thậm chí hành lang cũng dễ dàng trở thành nơi nghỉ tạm.

Theo những gì phóng viên VTV quan sát, các phương tiện tác nghiệp của quốc tế cũng đa phần là gọn nhẹ và cực kỳ tiện dụng, đảm bảo cho khâu vận chuyển và hoạt động lâu dài. Hơn 100 phóng viên quốc tế có mặt tại Phú Quốc những ngày qua đa số đến từ các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử của Trung Quốc, Hong Kong. Ngoài ra còn có mặt nhiều hãng truyền thông lớn của thế giới như Reuters, BBC, AP, AFP… Từ sáng đến tối, hầu như các phóng viên quốc tế không hề mệt mỏi trong các hoạt động nghiệp vụ của mình.

Quốc Minh

Nguồn: vtv.vn

“Liệu báo chí có thể khai thác tài liệu “mật” để đưa tin?”

Luật sư Phạm Đức Giang, Giám đốc Công ty Luật DGI đã đặt vấn đề như vậy, khi được hỏi ý kiến về vụ việc một tờ báo mới đây đã đưa tin về sự khác nhau trong hai dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - một loại tài liệu mật trong ngành thanh tra theo Quyết định số 588/2004/QĐ-BCA(A11) ngày 25/6/2004 của Bộ Công an.

Luật sư Phạm Đức Giang, Giám đốc Công ty Luật DGI.

Ông nói: “Một nhiệm vụ quan trọng của báo chí theo Luật Báo chí là đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác. Để làm được điều này, pháp luật đã cho phép và tạo điều kiện sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu thập và khai thác các nguồn thông tin. Tuy nhiên, việc thu thập, sử dụng và khai thác thông tin phải theo quy định của pháp luật”.

Vậy hiểu như thế nào về cụm từ “theo quy định của pháp luật”?

Điểm b Khoản 1 Điều 15 Luật Báo chí quy định nhà báo được khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật. Ông Giang cho rằng, cần hiểu quy định này từ cả hai góc độ. Một là cách thức thu thập thông tin phải phù hợp với pháp luật, và hai là cách thức sử dụng và công cấp thông tin cũng phải phù hợp với pháp luật.

Cụ thể, đối với tài liệu của cơ quan, tổ chức nhà nước, Khoản 6 Điều 5 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/4/2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí đã quy định việc sử dụng tài liệu của các tổ chức phải theo đúng những quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28/12/2000.

Đồng thời, Điều 9 quy chế bảo vệ bảo mật nhà nước trong ngành thanh tra được ban hành kèm theo Quyết định số 1657/2005/QĐ-TTCP ngày 6/9/2005 của Thanh tra Chính phủ đã quy định rất chặt chẽ về tìm hiểu và sử dụng các tài liệu mật của ngành này. Theo đó, tùy theo mức độ mật, tài liệu chỉ được phổ biến, sử dụng trong phạm vi giới hạn đối tượng nhất định.

Ông Giang nêu ví dụ: “Đối với tài liệu mật thì chỉ được phổ biến đến những người, những đơn vị có quan hệ đến việc thi hành văn bản. Việc tìm hiểu, sử dụng cũng phải ở nơi bảo đảm an toàn do thủ trưởng đơn vị quyết định, chỉ được ghi chép, ghi âm, ghi hình khi được phép của thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý bí mật nhà nước cần phổ biến. Người được nghe, được tìm hiểu, ghi chép, ghi âm, quay phim, chụp ảnh phải bảo quản, sử dụng bí mật nhà nước được phổ biến như tài liệu gốc”.

“Điều này có nghĩa, khi thu thập, khai thác, sử dụng tài liệu mật của cơ quan tổ chức, báo chí phải tuân thủ các nghĩa vụ mà pháp luật đòi hỏi đối với tài liệu mật đó. Việc làm lộ bí mật nhà nước sẽ có thể bị truy tố về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, hoặc tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước quy định tại Điều 263 và Điều 264 Bộ luật Hình sự 1999”.

Tuy nhiên, LS. Phạm Đức Giang cũng băn khoăn: “Danh mục tài liệu mật của mình hiện nay còn quá dài, nhiều tài liệu không đáng coi là mật, thì lại được đóng dấu mật. Chưa hết, nhiều tài liệu sau một thời gian nhất định không còn là mật nữa nhưng công tác rà soát để thay đổi độ mật, thậm chí là giải mật. Đây cũng là vấn đề cần được giải quyết để cơ quan báo chí có thể điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thông tin của mình”.

Nguồn: Báo Xây dựng

Bộ Quốc phòng yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời cho các phóng viên Việt Nam và quốc tế

Sáng 9-3, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Hàng không quốc gia đã đến Cục Cứu hộ - Cứu nạn/Bộ Quốc phòng - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn làm việc và chỉ đạo việc cung cấp thông tin báo chí về vụ máy bay Malaysia mất liên lạc.

Trung tướng Võ Văn Tuấn đang điện đàm chỉ đạo tìm kiếm máy bay Malaysia mất liên lạc. Ảnh: Thế Long.

Tại buổi làm việc, Trung tướng Võ Văn Tuấn chỉ đạo: Cục Cứu hộ - Cứu nạn - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn thường xuyên nắm chắc, cập nhật thông tin về lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất liên lạc để thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước. Với phóng viên nước ngoài, đặc biệt là phóng viên Trung Quốc cần tạo điều kiện để phóng viên ra hiện trường tìm kiếm bằng máy bay hoặc tàu thủy của Quân đội.

Đồng thời, Phó tổng Tham mưu trưởng cũng chỉ đạo điều thêm các cơ quan chức năng có liên quan đến Cục Cứu hộ - Cứu nạn để tham mưu, đề xuất các phương án tối ưu trong việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất liên lạc.

Chung Thủy

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân