Syndicate content

Nghề báo

Phóng viên Đức Long và bộ ảnh chạm đến trái tim độc giả

Tóm tắt: 

Phóng viên Ðức Long- Báo Dân trí, tác giả vừa đoạt giải A Giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí 2021” luôn tự ý thức rằng: Ðiều quan trọng nhất với người PV là niềm đam mê và lòng yêu nghề, sự kiện có hay đến mấy, thiết bị có hiện đại đến bao nhiêu mà không có đam mê thì không thể vượt qua được…

Phóng viên Ðức Long- Báo Dân trí, tác giả vừa đoạt giải A Giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí 2021” luôn tự ý thức rằng: Ðiều quan trọng nhất với người PV là niềm đam mê và lòng yêu nghề, sự kiện có hay đến mấy, thiết bị có hiện đại đến bao nhiêu mà không có đam mê thì không thể vượt qua được…

“Đêm trắng” và hồi ức những ngày trong tâm dịch

Vượt qua nhiều tác giả tham dự giải, phóng sự ảnh “Đêm trắng tại “thành trì” cuối cùng chiến đấu với COVID-19 ở TP.HCM” của phóng viên Đức Long – Báo Điện tử Dân trí đoạt giải A Giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí 2021”. Ít ai biết rằng, sau những tấm ảnh đó là tinh thần yêu nghề, trách nhiệm, mong muốn đóng góp một phần sức lực vào cuộc chiến chống đại dịch.

Trong những ngày cuối tháng 7 năm 2021, số bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM tăng cao. Phóng viên Đức Long đã đi vào Bệnh viện hồi sức cấp cứu COVID-19 quy mô 1.000 giường sát cánh cùng với đoàn công tác của Bộ Y tế.

Thời điểm đó dịch bệnh đang ở đỉnh điểm tại TP.HCM, một ngày có gần chục nghìn ca bệnh, anh hình dung việc bác sỹ làm việc ban ngày đã vất vả rồi, ban đêm sẽ càng vất vả hơn. Thế nên khi biết thông tin về lịch thay ca vào ban đêm của các bác sỹ, anh đã xây dựng ngay ý tưởng và liên hệ để cùng “vào ca trực” cấp cứu bệnh nhân, tác nghiệp từ 19h tối đến 2h sáng. Vào trong đó, anh được bác sỹ trưởng khoa hướng dẫn mặc đồ bảo hộ, dẫn đi tới từng khu vực có bệnh nhân nhẹ đến các bệnh nhân nặng.

Phóng viên Ðức Long bên phóng sự ảnh “Ðêm trắng tại “thành trì” cuối cùng chiến đấu với COVID-19 ở TP.HCM”.

Gần 20h đêm, hàng chục nhân viên y tế vẫn đang gấp gáp ra vào các phòng điều trị. Đây được coi là “thành trì” đánh chặn COVID-19 cuối cùng tại TP.HCM. Tiếng máy thở, tiếng máy monitor kêu từng hồi đều đặn, xen kẽ trong không gian tĩnh mịch ở khu phòng điều trị COVID-19. Các y bác sĩ đang kiểm tra lại lần cuối những bệnh nhân nguy kịch để chuẩn bị cho ê-kíp tiếp theo vào thay ca sau 7 tiếng làm việc liên tục. Ca làm việc xuyên đêm kéo dài 10 tiếng đồng hồ, từ 21h đêm tới 7h sáng hôm sau.

Đức Long chia sẻ: “Một nhân viên y tế sẽ phải phụ trách 3 tới 4 bệnh nhân mỗi đêm, làm việc liên tục không nghỉ trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Một tuần nay họ làm việc liên tục nhiều giờ liền, có khi chỉ ngủ 4 tiếng một ngày hoặc ít hơn nếu có những trường hợp khẩn cấp. Khi bước vào đó, tôi ấn tượng nhất là những cảnh bác sỹ cấp cứu cho các bệnh nhân, ai cũng gấp gáp. Tôi được chứng kiến những bác sỹ vì quá mệt trong bộ đồ bảo hộ, họ ngồi xuống tựa vào cửa phòng cấp cứu để có chút thời gian nghỉ. Tôi biết rằng dù đã rất mệt nhưng họ vẫn luôn cố gắng túc trực, tranh thủ từng giờ từng phút cứu chữa bệnh nhân”.

Mặc lên mình đồ bảo hộ kín mít, nóng bức và luôn tác nghiệp trong tâm trạng chụp thật nhiều nhưng cố gắng không làm ảnh hưởng đến bất kỳ ai xung quanh. Phóng viên Đức Long biết mình là một trong những phóng viên tác nghiệp đầu tiên trong bệnh viện vào thời điểm căng thẳng nhất và anh chỉ có mong muốn mình có một bộ ảnh tròn trịa, giúp độc giả có cái nhìn bao quát về cuộc chiến chống lại đại dịch giành lấy sự sống cho các bệnh nhân của các y bác sỹ.

Đức Long tâm sự: “Cho đến tận bây giờ khi cuộc sống dần trở lại bình thường, khi xem lại bộ ảnh này tôi vẫn thấy cảm xúc như còn mới nguyên, đó cũng là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời làm nghề của mình. Không phải ai cũng có cơ hội tác nghiệp trong một bệnh viện lớn vào ban đêm tại một thời điểm lịch sử của đất nước”.

Không có đam mê thì không làm được

Đối với mỗi phóng viên ảnh bao giờ cũng phải có mặt ở hiện trường nơi diễn ra sự kiện, họ luôn mong muốn có những bức ảnh tốt về các vấn đề thời sự do chính mình chụp. Qua mỗi phóng sự ảnh, phóng viên ảnh mong muốn thể hiện khả năng bản lĩnh của mình, khẳng định giá trị qua từng bức ảnh, mỗi bức ảnh đó là cái tôi của người chụp.

Phóng viên Ðức Long – Báo điện tử Dân Trí tác nghiệp trong đêm cùng các y bác sỹ Bệnh viện hồi sức cấp cứu COVID-19. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về nghề báo ảnh, Đức Long kể về những chuyến tác nghiệp tại các “điểm nóng”, không chỉ tác nghiệp trong vùng tâm dịch, trong nhiều năm qua anh còn có mặt tại hiện trường các đợt mưa bão miền Trung, nhiều khu vực sạt lở vùng lũ ở các tỉnh miền Trung. Như năm 2020 là một đợt bão, lũ lụt khắp miền Trung, tuy là phóng viên thường trú khu vực phía Nam nhưng anh vẫn dành phần lớn thời gian cho các đợt mưa lũ. Như khu vực sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3; sạt lở ở Trà Leng, huyện Nam Trà My…

Đối với phóng viên ảnh khó nhất vẫn là việc di chuyển, đi đâu cũng bốn bề là nước, phải phụ thuộc lớn vào người dân, nếu đi vào khu vực sạt lở ở miền núi thì nguy cơ ở khắp mọi nơi. Điều kiện tác nghiệp rất khó khăn, trên là mưa dưới là bùn đất, máy móc khó có thể tác nghiệp trong những điều kiện như vậy. Cũng trong đợt mưa lũ đó, Đức Long đã bị cháy một máy ảnh trong quá trình tác nghiệp do nước mưa thấm vào.

“Kinh nghiệm luôn là ông thầy mà mình thường phải trả học phí khá đắt. Qua các đợt tác nghiệp như vậy tôi cũng rút ra được nhiều điều, đặc biệt là khi đến một địa điểm nào mà mình chưa quen biết địa hình, nên liên hệ trước với địa phương đó, để hỏi rõ về đường đi, di chuyển như thế nào, đến chỗ nào phỏng vấn, tác nghiệp, chỗ nghỉ ngơi viết bài… đó là một phần quan trọng trong mỗi chuyến đi” - Đức Long chia sẻ.

Phóng viên ảnh là cực, là khổ nhưng bù lại họ thường nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, cùng hỗ trợ nhau trong quá trình tác nghiệp, thậm chí việc hỗ trợ chiếm đến 20% - 30% để hoàn thành công việc. Và điều quan trọng là họ cùng nhau chia sẻ những khó khăn, khi đó khó khăn sẽ giảm đi rất nhiều và khi có niềm vui, bắt được khoảnh khắc đẹp thì niềm vui được nhân lên.

Với riêng Đức Long thì: “Điều quan trọng nhất với phóng viên là niềm đam mê và lòng yêu nghề, sự kiện có hay đến mấy, thiết bị có hiện đại đến bao nhiêu mà không có đam mê thì không thể vượt qua được. Trong mỗi sự kiện dù to hay nhỏ, tôi luôn cố gắng làm sao để có những tác phẩm tốt nhất cho độc giả, những hình ảnh đó mình cảm thấy ưng ý, có như vậy mới truyền cảm hứng, chạm đến trái tim bạn đọc”.

Nguồn: Lê Tâm/congluan.vn

https://www.congluan.vn/phong-vien-duc-long-va-bo-anh-cham-den-trai-tim-doc-gia-post229122.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Thi báo chí, ảnh đẹp “Du lịch Hải Phòng - Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển”

Tóm tắt: 

“Du lịch Hải Phòng - Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển” là chủ đề của cuộc thi báo chí, ảnh đẹp do Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng và Hiệp hội Du lịch Hải Phòng phát động, chiều 26/5.

Du lịch Hải Phòng - Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển” là chủ đề của cuộc thi báo chí, ảnh đẹp do Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng và Hiệp hội Du lịch Hải Phòng phát động, chiều 26/5.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng Mai Xuân Thắng phát động cuộc thi báo chí, ảnh đẹp về du lịch Hải Phòng.

Cuộc thi nhằm khuyến khích các tác giả tìm tòi, sáng tác những bài báo hay, hình ảnh đẹp, các giải pháp mới nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch đến với thành phố Cảng - một trọng điểm du lịch của đất nước và cũng là điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi đến Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng Mai Xuân Thắng chia sẻ, cuộc thi nhằm khuyến khích các tác phẩm có tính phát hiện, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Hải Phòng trở thành một trong những ngành kinh tế trụ cột, chủ lực, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế thành phố Cảng.

Các bãi tắm Cát Bà (Hải Phòng) luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng, các ngày lễ lớn trong tháng 5 và hướng tới kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

Đồng thời, cuộc thi cũng nhằm tăng cường sự phối hợp, hợp tác với các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố Hải Phòng trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hải Phòng nói riêng nhằm hiện thực hóa những mục tiêu mà Đại hội đại biểu Hiệp hội Du lịch Hải Phòng khóa 15 (nhiệm kỳ 2023-2028) đã đề ra, cũng như mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Quang cảnh phát động cuộc thi báo chí, ảnh đẹp về du lịch Hải Phòng.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng Nguyễn Anh Tú cho hay, cuộc thi nhằm hướng tới khát vọng xây dựng du lịch Hải Phòng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, khác biệt, mang đậm bản sắc về vùng đất, con người Hải Phòng.

Cuộc thi kỳ vọng sẽ thu nhận được những tác phẩm dự thi phản ánh được những thành tựu nổi bật và đóng góp của ngành du lịch Hải Phòng nói chung, doanh nghiệp du lịch nói riêng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, nhất là những nỗ lực trong việc phục hồi và phát triển trở lại sau đại dịch Covid-19.

Bãi biển Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Đồ Sơn) đã tạo bước đột phá trong thu hút khách du lịch tới thành phố Cảng.

Cùng với đó là những địa điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo, kỳ thú và những nét đẹp trong ứng xử văn minh, lịch sự của người dân địa phương, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn luôn làm vừa lòng du khách khi đến với Hải Phòng.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Hải Phòng cũng mong nhận được những ý tưởng, đề xuất, giải pháp nhằm thúc đẩy và phát triển ngành du lịch Hải Phòng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.

Vịnh Lan Hạ (Cát Bà) - một trong những vịnh đẹp nhất thế giới đã được Hiệp hội Các vịnh biển thế giới tôn vinh.

Các tác phẩm dự thi là các tác phẩm có chất lượng trên báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, ảnh đẹp.

Cơ cấu giải thưởng thể loại báo chí gồm: 2 giải Nhất, mỗi giải 10 triệu đồng; 2 giải Nhì, mỗi giải 7 triệu đồng; 3 giải Ba, mỗi giải 5 triệu đồng và 5 giải Khuyến khích, mỗi giải 2 triệu đồng.

Đối tượng dự thi là nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên, công dân Việt Nam, người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam quan tâm đến du lịch thành phố Hải Phòng.

Thời gian nhận các tác phẩm dự giải đến hết ngày 10/10/2023.

https://nhandan.vn/thi-bao-chi-anh-dep-du-lich-hai-phong-day-nhanh-phuc-hoi-tang-toc-phat-trien-post754811.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Gặp gỡ những học giả, nhà báo Brazil yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tóm tắt: 

Ông Pedro de Oliveira - tác giả cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Bồ Đào Nha - đã chia sẻ quá trình tìm hiều về Bác, từ đó khắc họa nên chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ông Pedro de Oliveira - tác giả cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Bồ Đào Nha - đã chia sẻ quá trình tìm hiều về Bác, từ đó khắc họa nên chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ông Pedro De Oliveira, tác giả cuốn sách "Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp vị Lãnh tụ giải phóng dân tộc Việt Nam" bằng tiếng Bồ Đào Nha chia sẻ quá trình đến với những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại thủ đô Brasilia, Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).

Nhân dịp này, Đại sứ quán đã giới thiệu triển lãm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ với phóng viên báo chí về cuộc đời sự nghiệp, đặc biệt là hành trình đi tìm đường cứu nước của vị lãnh tụ vĩ đại, và tổ chức tiệc chiêu đãi các khách mời sở tại.

Lễ kỷ niệm diễn ra trang trọng với sự tham dự của Đô đốc Hải quân, ông Flávio Augusto Viana Rocha; Vụ trưởng Quan hệ quốc tế Quận Liên bang Brasilia, ông Paco Britto, cùng với các nhà báo thuộc Hiệp hội Nhà báo quốc tế và ngoại giao Brazil (Abrajinter) và toàn thể cán bộ nhân viên của Đại sứ quán. 

Mở đầu buổi lễ, ông Pedro de Oliveira - tác giả cuốn sách "Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp vị lãnh tụ giải phóng dân tộc Việt Nam" bằng tiếng Bồ Đào Nha, Giải nhất Giải thưởng Thông tin tuyên truyền đối ngoại lần thứ VIII năm 2022, đã chia sẻ quá trình đến với những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông qua những câu chuyện, bức ảnh để khắc họa nên chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Qua những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cũng phân tích về tư tưởng, uy tín, quyết tâm, khả năng lãnh đạo phi thường trên hành trình đi tìm đường cứu nước và giải phóng dân tộc của Người cũng như ảnh hưởng của Bác đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trên toàn thế giới.

Tiếp lời, ông Valter Xeu - đại diện phía nhà báo, gửi lời cảm ơn chân thành đến Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa và toàn thể cán bộ Đại sứ quán đã tổ chức sự kiện vô cùng đặc biệt và ý nghĩa này.

Bản thân là một người rất yêu quý Việt Nam, ông Valter Xeu đã xây dựng và thành lập trang "Việt Nam hôm nay" với những bài báo được dịch sang tiếng Bồ Đào Nha để quảng bá và tuyên truyền những thành tựu của Việt Nam nói riêng và những đóng góp của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung. 

Gap go nhung hoc gia, nha bao Brazil yeu men Chu tich Ho Chi Minh hinh anh 2
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: TTXVN phát)

Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến những người bạn của Việt Nam vì những đóng góp trong thời gian qua và đánh giá cao sự hợp tác của các nhà báo, qua công tác truyền thông, nhằm giúp người dân Brazil hiểu thêm về đất nước, con người và những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Lễ kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là dịp để toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán phát huy truyền thống yêu nước, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền bối và anh hùng dân tộc để cùng nhau cố gắng và thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và Nhà nước giao phó./.

Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/gap-go-nhung-hoc-gia-nha-bao-brazil-yeu-men-chu-tich-ho-chi-minh/863852.vnp

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Những lời khuyên về lãnh đạo tòa soạn tại Liên hoan Báo chí Quốc tế 2023

Tóm tắt: 

Liên hoan Báo chí Quốc tế năm nay có rất nhiều thông tin chi tiết về cách trở thành một người lãnh đạo tòa soạn hiệu quả. Dưới đây là một số lời khuyên của các lãnh đạo và chuyên gia báo chí trên thế giới sau các cuộc hội thảo tại sự kiện kết thúc vào cuối tháng 4 vừa rồi này.

Liên hoan Báo chí Quốc tế năm nay có rất nhiều thông tin chi tiết về cách trở thành một người lãnh đạo tòa soạn hiệu quả. Dưới đây là một số lời khuyên của các lãnh đạo và chuyên gia báo chí trên thế giới sau các cuộc hội thảo tại sự kiện kết thúc vào cuối tháng 4 vừa rồi này.

Chủ tịch và CEO Daisy Veerasingham của Associated Press (AP): Đừng đánh giá thấp“kỹ năng mềm”

“Là một nhà lãnh đạo, bạn cần sử dụng dữ liệu và sự thật để đưa ra quyết định, nhưng điều quan trọng khác là dựa vào bản năng và khả năng phán đoán của bạn… Ví dụ: Khi chúng tôi đang cố gắng đối phó với một tình huống khó khăn và có một nhóm người trong phòng với nhau, tôi thường sẽ không nói nhiều. Và đó không phải là vì tôi không có ý kiến, mà bởi vì tôi thường quan sát những gì đang diễn ra quanh phòng”.

Một sự kiện tại Liên hoan Báo chí Quốc tế 2023. Ảnh: IJF

“Tôi quan sát giao tiếp bằng mắt giữa mọi người, tôi quan sát xem mọi người có tương tác hay ngả người ra sau không, tôi quan sát xem liệu ai đó trong phòng có thực sự đồng ý với điều gì đó hay không. Và đó là điều giúp tôi đưa ra quyết định tốt hơn. Đó hoàn toàn là sự kết hợp giữa dữ kiện và dữ liệu, nhưng nó cũng là việc sử dụng các kỹ năng cảm giác của bạn để chọn ra một số nội dung cảm xúc thường có thể bị bỏ sót”.

CEO Candice Fortman của Outmore Media 2: Tập trung vào những điều cần nhất

“Là một nhà lãnh đạo, tôi phải thực sự hiểu rõ về những điểm mà tôi không giỏi với tư cách là một nhà lãnh đạo... Chúng tôi cũng đảm bảo rằng tất cả nhân viên của mình đều kết nối với những gì độc giả trong cộng đồng thành phố Detroit của chúng tôi cần nhất. Về mặt biên tập, điều đó có nghĩa là thu hút những người hiểu và tôn trọng người dân thành phố Detroit, những người sống trong cộng đồng và những người muốn đặt chân vào cộng đồng”.

CEO Ellen Heinrichs của Viện Báo chí Bonn: Duy trì môi trường làm việc lành mạnh

“Bản thân tôi từng bị kiệt sức, vì vậy tôi biết rằng một môi trường làm việc an toàn và có tâm thực sự rất quan trọng. Và chúng tôi là một nhóm rất đa dạng, với những người phải lo cho gia đình, vì vậy chúng tôi cố gắng linh hoạt nhất có thể khi có mặt trong không gian làm việc hoặc làm việc từ xa”.

“Chúng tôi cũng luôn dành thời gian để gắn kết với nhau trong một đội. Chẳng hạn, chúng tôi… dành thời gian để nói chuyện và ăn uống cùng nhau. Đó không phải là tạo ra một 'gia đình' hay bất cứ điều gì tương tự, mà là tạo ra sự cân bằng lành mạnh, nơi mọi người cảm thấy được nhìn nhận và đánh giá cao cho công việc họ đang làm”.

Tổng giám đốc Rawan Damen của Phóng viên báo chí điều tra Ả Rập (ARIJ): Đầu tư vào chương trình cố vấn

“Cố vấn, và đặc biệt là cố vấn có cấu trúc, là cực kỳ quan trọng trong tòa soạn. Không dễ để tìm được người cố vấn phù hợp vào đúng thời điểm cho những thứ bạn cần - và khi bạn là một nhà lãnh đạo cấp cao thì điều đó càng trở nên phức tạp hơn - nhưng… nếu việc cố vấn được tổ chức và đầu tư thời gian cũng như sự tin tưởng, điều đó có thể rất hữu ích”.

Tổng biên tập Salam Omer của KirkukNow: Chuẩn bị tốt cho khủng hoảng

“Lập kế hoạch khủng hoảng nên được thực hiện trước khủng hoảng. Bạn không thể lập kế hoạch khủng hoảng trong một cuộc khủng hoảng. Đó là lúc bạn nên quản lý khủng hoảng”.

Tổng biên tập Soe Myint của Mizzima bổ sung thêm ý này rằng: “Ngay cả khi 100% kế hoạch của bạn có thể không hoạt động, thì ít nhất bạn đã chuẩn bị sẵn sàng, nhóm của bạn đã sẵn sàng và tổ chức của bạn đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần, hậu cần và tâm lý”.

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Các nhà báo có thể tự học SEO và các công cụ hỗ trợ là gì?

Tóm tắt: 

Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) có thể giúp một bài báo xuất hiện ở vị trí cao hơn trên kết quả tìm kiếm của Google và đưa nhiều độc giả hơn đến trang web của các tổ chức báo chí.

Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) có thể giúp một bài báo xuất hiện ở vị trí cao hơn trên kết quả tìm kiếm của Google và đưa nhiều độc giả hơn đến trang web của các tổ chức báo chí.

SEO đã và đang trở thành một kỹ năng quan trọng đối với các nhà báo nhưng với mỗi ấn phẩm lại có cách tiếp cận khác nhau.

Ảnh minh hoạ: Pixabay

Các nhà báo có thể tự học

Các nhà báo chuyên về SEO thường không viết về một chủ đề hoặc khu vực cố định. Malvika Padin, một nhà báo SEO viết nhiều lĩnh vực cho biết: "Bất cứ thứ gì mọi người đang tìm kiếm, chúng tôi viết về nó... Có một khuôn khổ cho nó, nhưng nó rất đa dạng".

Cô ấy nói thêm rằng làm việc với SEO có thể là một cách tuyệt vời để bắt đầu sự nghiệp vì nó cho phép bạn "thử nghiệm một chút với nhiều chủ đề khác nhau", điều này có thể giúp khám phá tài năng hoặc niềm đam mê mà chúng ta chưa từng cân nhắc đến trước đây.

Nhà báo Jill Starley-Grainger, Trưởng bộ phận nội dung tại Proof Content, cho biết các nhà báo thường là những người viết quảng cáo SEO tuyệt vời.

Nếu các nhà báo đang tìm cách xây dựng kỹ năng và kiến ​​thức của mình, có rất nhiều tài nguyên trực tuyến miễn phí. Hướng dẫn SEO cho người mới bắt đầu do website Moz cung cấp là một bộ sưu tập toàn diện về hầu hết mọi thứ nhà báo cần biết về SEO. 

Nếu cần thông tin thực tế hơn, khóa học Tiếp thị kỹ thuật số cơ bản của Google Digital Garage cũng miễn phí truy cập cho mọi người. Nó hướng đến doanh nghiệp nhưng vẫn hữu ích và là phần giới thiệu tốt về SEO.

Biết các thuật ngữ SEO quan trọng nhất và ý nghĩa của chúng là một điểm cũng rất tuyệt vời để bắt đầu cho việc đưa tin. Trong hầu hết các trường hợp, nhà báo sẽ được cung cấp một danh sách các "cụm từ chính" để viết xung quanh nó. Từ khóa và cụm từ khóa là những thuật ngữ mà mọi người nhập vào công cụ tìm kiếm.

Starley-Grainger nói: “Bạn cần tìm ra cái nào là quan trọng nhất và cố gắng tạo tiêu đề xung quanh nó. Tạo tiêu đề và tiêu đề phụ thân thiện với SEO giúp các trang và trang web xếp hạng cao hơn trên Google và các công cụ tìm kiếm khác".

Nhưng mọi thứ không chỉ dừng lại các từ khoá trên trang, các liên kết trong tác phẩm báo chí cũng rất quan trọng. Nếu trang bài viết không bao gồm bất kỳ liên kết hoặc trang nào khác để người đọc nhấp vào, tác phẩm đó được gọi là "trang cụt" và sẽ không có cơ hội xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm đầu tiên.

Các công cụ SEO hữu ích và miễn phí

Mặc dù đa số các nhà báo có thể không có kinh phí để truy cập được các công cụ mà các tổ chức lớn có thể chi trả, nhưng vẫn có những công cụ miễn phí giúp họ trau dồi kỹ năng SEO của mình.

Google Trends là một công cụ do chính Google tạo ra. Ảnh: GI

Google Trends có thể giúp các nhà báo phát hiện các từ khóa và cụm từ hiện đang phổ biến, trong khi Google Keyword Planner sẽ giúp họ chọn đúng từ khóa nếu đang tìm kiếm thứ gì đó cụ thể.

Nhà báo cũng có thể phân tích từ khóa bằng các công cụ như Ubersuggest và Answer the Public để tìm hiểu những gì mọi người đang tìm kiếm.

Keyword Sheeter là một công cụ khác thu hút rất nhiều từ khóa tự động của Google cho bất kỳ thuật ngữ nghiên cứu nào và giúp bạn khám phá các chủ đề mà bạn có thể không nghĩ tới. Ngoài ra còn nhiều ứng dụng và các bản tin chuyên về nghiên cứu SEO phải trả phí khác.

Cuối cùng cần lưu ý là khi bắt đầu hành trình SEO của mình, chúng ta đừng quên quy tắc quan trọng nhất: Luôn viết cho người đọc thực tế, không phải viết cho các công cụ tìm kiếm. Google sẽ nhanh chóng phát hiện và hạ xếp hạng nội dung "được tối ưu hóa quá mức" về SEO.

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Báo Tin tức kỷ niệm 40 năm Ngày xuất bản số báo đầu tiên và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tóm tắt: 

Ngày 12/5, tại Trung tâm Thông tấn quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày báo Tin tức xuất bản số báo đầu tiên (14/5/1983 - 14/5/2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Ngày 12/5, tại Trung tâm Thông tấn quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày báo Tin tức xuất bản số báo đầu tiên (14/5/1983 - 14/5/2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Báo Tin tức vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tới dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Quốc Minh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; Đồng chí Hầu A Lềnh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc TTXVN; đồng chí Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TTXVN; các đồng chí trong Ban lãnh đạo TTXVN, lãnh đạo TTXVN qua các thời kỳ. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan báo chí… trên cả nước cũng đã tới dự buổi lễ, chia vui cùng các thế hệ làm báo Tin tức qua các thời kỳ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho báo Tin tức.

Đồng chí Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TTXVN, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Ninh Hồng Nga, Tổng biên tập báo Tin tức.
Bà Ninh Hồng Nga, Tổng Biên tập báo Tin tức phát biểu tại lễ kỷ niệm và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Tổng Biên tập báo Tin tức Ninh Hồng Nga khẳng định: “Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những thành quả mà nhiều thế hệ người làm báo Tin tức đã cống hiến, dày công vun đắp cho sự phát triển của tờ báo nói riêng, Thông tấn xã Việt Nam và nền báo chí cách mạng nói chung. Hành trình đầy tự hào trong suốt bốn thập kỷ qua, báo Tin tức dù ở bất cứ thời kỳ nào cũng đều là tờ báo luôn đổi mới không ngừng để thích nghi với sự phát triển. Dù khó khăn phía trước rất nhiều, nhưng chúng tôi sẽ luôn lấy truyền thống của tờ báo để làm kim chỉ nam; lấy niềm tin yêu của bạn đọc làm động lực, để tiếp tục giữ vững thương hiệu “báo Tin tức - tin cậy, nhanh nhạy”; “Báo Tin tức - cầu nối giữa Chính phủ và người dân””.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Vũ Việt Trang phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TTXVN nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, báo Tin tức đã có sự bứt phá mạnh mẽ hơn khi nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng các cách thức truyền thông mới, phát triển thông tin đa nền tảng. Đây chính là xu thế chung của báo chí hiện đại. Để làm được điều đó, những người làm báo Tin tức đã phải thay đổi tư duy làm báo, phương thức làm báo, đa năng hơn, nhanh nhạy hơn. Để làm được điều đó, tập thể báo đã nỗ lực để vượt qua khó khăn trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực. Các sản phẩm thông tin đa phương tiện mang thương hiệu Tin tức đã ngày càng chững chạc và có sức lan tỏa. Có thể khẳng định sự đoàn kết, sáng tạo và cùng quyết tâm đã tạo nên sức mạnh và thương hiệu của báo Tin tức.

Biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tập thể báo Tin tức, Tổng giám đốc Vũ Việt Trang khẳng định, qua mỗi lần cơ cấu lại hay đứng trước những khó khăn, những người làm báo Tin tức càng trưởng thành hơn; tiếp tục khẳng định được tên tuổi bằng những bài viết, những thông tin chắc chắn, chính thống và chính xác. Tổng giám đốc Vũ Việt Trang mong rằng, trong giai đoạn phát triển mới, trước những cơ hội và thách thức, trong đó khó khăn nhiều hơn thuận lợi, tập thể người làm báo Tin tức tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng cập nhật kiến thức làm báo hiện đại, tiếp tục chú trọng tới nâng cao bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo. Việc nâng cao chất lượng thông tin và cải tiến cách thể hiện thông tin, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện đại, vừa đáp ứng nhu cầu của độc giả nhưng vẫn là dòng thông tin chủ lưu trong nền báo chí cả nước, là yêu cầu sống còn không chỉ đối với báo Tin tức mà còn đối với cả tập thể những người làm báo TTXVN.

Cũng tại buổi lễ, để bày tỏ lòng biết ơn đối với những cống hiến của thế hệ đi trước, Ban Biên tập báo Tin tức đã trao kỷ niệm chương tri ân các nguyên lãnh đạo báo Tin tức qua các thời kỳ. 

Ban Biên tập báo Tin tức đã trao Kỷ niệm chương tri ân nguyên lãnh đạo báo Tin tức qua các thời kỳ.

Cách đây tròn 40 năm, ngày 14/5/1983, Tuần Tin tức (tiền thân của báo Tin tức ngày nay) phát hành số báo đầu tiên, đánh dấu chuyển biến của TTXVN trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, thổi luồng gió mới, giúp cơ quan báo chí thoát dần ra khỏi cơ chế bao cấp. Ngay khi ra đời, Tuần Tin tức với lớp cán bộ và phóng viên mang tinh thần của người mở đường đã phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, điển hình mới; đồng thời tấn công trực diện vào những tệ nạn tiêu cực đang ẩn sâu trong cơ chế quan liêu bao cấp. Báo Tuần Tin tức đã góp một tiếng nói, một cách nhìn tích cực và một thái độ đầy trách nhiệm vào sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Cũng mang theo tinh thần đổi mới, báo Tin tức Buổi chiều xuất bản từ năm 1991 là tờ báo đầu tiên ở nước ta phát hành vào buổi chiều hàng ngày, nhằm mục đích lấp khoảng trống thông tin diễn ra từ 0 giờ - 12 giờ. Ra số đầu tiên chỉ ít ngày trước Đại hội lần thứ VII của Đảng khai mạc, Tin tức Buổi chiều đã nhanh chóng vào cuộc, phản ánh toàn diện, đa dạng sự kiện chính trị lớn của đất nước, gây được tiếng vang trên diễn đàn báo chí thời điểm đó. 

Trong quá trình phát triển, báo Tin tức đã liên tục có nhiều cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, trong đó có việc tham gia các chương trình phát hành báo đến các vùng khó khăn, góp phần xóa những vùng “lõm” thông tin, nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Một cột mốc quan trọng của báo Tin tức là ngày 14/9/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1441/CT-TTg về việc nâng cao vai trò của TTXVN trong tình hình mới, đặc biệt đánh giá tầm quan trọng của báo Tin tức và nhấn mạnh việc phát hành rộng rãi báo Tin tức với chức năng là một Kênh thông tin của Chính phủ. 

Những năm gần đây, hòa vào xu thế chung của thời đại, báo Tin tức đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi phát triển các loại hình thông tin đa phương tiện. Nhiều chuyên mục, chuyên trang, thể loại đa phương tiện được thực hiện trên báo điện tử Tin tức với nhiều sáng tạo, đổi mới, thu hút độc giả như Megastory, ảnh 360, Đồ hoạ, Video, Tin tức TV… Chuyên mục “Góc nhìn” là nơi các cây bút do Ban biên tập bồi dưỡng và phát triển, đã đều đặn cho ra mắt các tác phẩm báo chí sắc sảo, phân tích chuyên sâu, lập luận chặt chẽ, đề cập trực diện tới các vấn đề thời sự trong nước và thế giới, có giá trị dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, phản bác những luận điệu sai trái, thể hiện vai trò của kênh thông tin chính thống, góp phần củng cố vị thế chủ lưu của một hãng thông tấn quốc gia.

Thông tin trên báo Tin tức luôn đảm bảo tính định hướng cao, nhanh nhạy, hấp dẫn, xứng đáng với vị thế là một kênh thông tin chính luận, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và lợi ích của Nhân dân. Nhiều loạt bài bình luận, phóng sự được báo Tin tức tổ chức công phu đã đạt giải thưởng tại giải Báo chí TTXVN, giải Báo chí Quốc gia, giải Búa liềm vàng, giải Thông tin đối ngoại toàn quốc… 

Với những thành tích đã đạt được, báo Tin tức nhiều lần được Đảng, Nhà nước trao tặng những danh hiệu thi đua cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, nhiều Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua và Bằng khen của TTXVN, các bộ, ngành… 

Nguồn: Nhóm PV/baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/thoi-su/bao-tin-tuc-ky-niem-40-nam-ngay-xuat-ban-so-bao-dau-tien-va-don-nhan-huan-chuong-lao-dong-hang-nhat-20230512094749012.htm
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Báo Tin tức hòa mình với công cuộc chuyển đổi số

Tóm tắt: 

Tuyên truyền về công tác chuyển đổi số nhằm thay đổi thói quen của người dân là nội dung được báo Tin tức đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Một số đơn vị có những nền tảng công tác chuyển đổi số tại các địa phương, doanh nghiệp đã có những nhận xét tích cực về sự nỗ lực của báo Tin tức trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Tuyên truyền về công tác chuyển đổi số nhằm thay đổi thói quen của người dân là nội dung được báo Tin tức đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Một số đơn vị có những nền tảng công tác chuyển đổi số tại các địa phương, doanh nghiệp đã có những nhận xét tích cực về sự nỗ lực của báo Tin tức trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Ông Nghiêm Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Truyền thông - Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam:

“Lan truyền trái ngọt” từ doanh nghiệp tới cộng đồng

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) luôn xác định chuyển đổi số là ưu tiên số 1 hiện nay, bởi đây là giải pháp quan trọng nhất để Vietnam Post xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ số, chuyển đổi mô hình hoạt động, đẩy nhanh quá trình tự động hóa, tối ưu hoá vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ, qua đó tạo ra nhiều giá trị mới, đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.

Ông Nghiêm Tuấn Anh đọc báo Tin tức thông tin về chuyển đổi số.

Và các chuyên mục trên báo Tin tức trong thời gian qua đã là người bạn đồng hành với Vietnam Post, lan tỏa những giá trị tốt đẹp từ những “trái ngọt” trong công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Với vai trò là cầu nối, báo Tin tức đã góp một phần vô cùng quan trọng trong mọi hoạt động của Vietnam Post, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số. Nhờ có những tin, bài đa chiều, khai thác mọi góc nhìn của các cơ quan báo chí, trong đó có báo Tin tức, mà những sản phẩm, dịch vụ số của Vietnam Post được quảng bá, truyền thông, tiếp cận gần hơn với khách hàng; nhất là hoạt động thông tin về đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, phân phối trực tiếp từ người sản xuất đến tiêu dùng.

Với nguồn tin tức chính thống chất lượng cao, thông tin chính luận tin cậy, cùng việc ngày càng đổi mới trong cơ cấu các sản phẩm, loại hình thông tin, tôi tin rằng trong tương lai, báo Tin tức sẽ tiếp tục phát triển và luôn là song hành với Vietnam Post để giới thiệu, truyển tải những kết quả nổi bật trong việc trong thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả nền kinh tế quốc gia, cùng các doanh nghiệp trong ngành bưu chính đảm bảo dòng chảy vật chất hàng hóa, thông tin, tài chính bên cạnh dòng chảy dữ liệu, làm nền tảng cho chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA:

Góp phần phủ rộng thông tin hữu ích

Chuyển đổi số là định hướng chiến lược của quốc gia nhằm phát triển 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đồng hành cùng MISA trên hành trình tiên phong phát triển những giải pháp chuyển đổi số toàn diện, báo Tin tức đã góp phần phủ rộng thông tin hữu ích đến các đơn vị, tổ chức và cá nhân.

Nhân viên công ty MISA đọc thông tin về chuyển đổi số trên dòng sự kiện của báo Tin tức.

MISA là đơn vị tích cực tham gia hỗ trợ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Tính đến 3/5/2023, MISA đã đồng hành cùng 63.713 doanh nghiệp. Trong đó: nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất AMIS là 48.982 doanh nghiêp; nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP là 14.731 doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, báo Tin tức là cầu nối đưa những thông điệp của MISA đến gần hơn các đơn vị, tổ chức và cá nhân. Không những truyền tải thông tin đa dạng, những giải pháp số góp phần phát triển xã hội thịnh vượng, báo Tin tức mang lại cho MISA nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường ở trong và ngoài nước bằng thông tin thời sự hữu ích. Với vai trò là cầu nối, báo Tin tức cũng phản ánh kịp thời tiếng nói của MISA nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin nói chung để Đảng và Chính phủ có những chính sách tạo điều kiện tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế số.

Ngoài ra, nhờ có sự chia sẻ của báo đài, trong đó có báo Tin tức cũng kịp thời tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp. Điều này giúp MISA nhanh chóng phát triển phần mềm, nền tảng số đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ theo các Nghị định, Thông tư, đảm bảo quy định của pháp luật. Những phân tích đa chiều của báo chí nói chung và báo Tin tức nói riêng là những thông tin giá trị cho các doanh nghiệp như MISA đánh giá khách quan vị thế, cân nhắc mở rộng phạm vi và gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Trong thời gian tới, MISA kỳ vọng báo Tin tức tiếp tục đồng hành, quảng bá nhiều hơn thương hiệu và các sản phẩm của MISA đến các đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và khách hàng cá nhân. Qua đó, giúp MISA lan toả thông điệp, sứ mệnh phụng sự xã hội của người MISA đến gần hơn độc giả trong và ngoài nước của báo Tin tức. 

Nguồn: XC (ghi)/baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/xa-hoi/bao-tin-tuc-hoa-minh-voi-cong-cuoc-chuyen-doi-so-20230507084159181.htm
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Hơn 100 phóng viên đưa tin các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản

Tóm tắt: 

Trong thời gian diễn ra các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, chiều ngày 6/5, tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), đã có hơn 100 phóng viên, biên tập viên của cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tham gia đưa tin về sự kiện quan trọng này.

Trong thời gian diễn ra các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, chiều ngày 6/5, tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), đã có hơn 100 phóng viên, biên tập viên của cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tham gia đưa tin về sự kiện quan trọng này.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023), chiều 6/5, tại Trung tâm Hội nghị FLC Samson Golf & Resolf (TP Sầm Sơn), UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023 với chủ đề: “Thanh Hóa - Nhật Bản: Đẩy mạnh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững”.

Toàn cảnh sự kiện

Nhằm tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp, đưa tin kịp thời các hoạt động trong sự kiện này, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá đã thành lập Trung tâm báo chí với trang bị hệ thống máy tính, internet tốc độ cao phục vụ công tác truyền tải thông tin nhanh chóng, kịp thời.

Trước đó, Ban tổ chức đã thông tin tới các phóng viên, nhà báo Trung ương và địa phương nội dung, chương trình liên quan đến sự kiện. Cùng đó, chuần bị đầy đủ phương tiện di chuyển, thẻ tác nghiệp nhằm chuyên nghiệp hóa chương trình Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023.

Trung tâm báo chí được bố trí riêng biệt, hiện đại

Với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí đã bám sát nội dung, chương trình của sự kiện.

Nhà báo Duy Hưng, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ, trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, đồng hành, hỗ trợ tối đa hoạt động tác nghiệp của phóng viên.

Qua đó, tạo điều kiện cho những người làm báo được tác nghiệp thuận lợi, cập nhật thông tin nhanh chóng tới bạn đọc và nhân dân chính xác, hiệu quả góp phần vào thành công của sự kiện Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa.

Nguồn: Hà Anh/congluan.vn

https://www.congluan.vn/hon-100-phong-vien-dua-tin-cac-hoat-dong-ky-niem-50-nam-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-viet-nam--nhat-ban-post246624.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Quy hoạch báo chí, xuất bản phải phù hợp với xu thế phát triển

Tóm tắt: 

Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT chỉ đạo hoạt động của cơ quan soạn thảo khoa học, nghiêm túc... để xây dựng Quy hoạch khả thi, có tính mới, đột phá, đi vào thực chất, phù hợp với xu thế phát triển.

Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT chỉ đạo hoạt động của cơ quan soạn thảo khoa học, nghiêm túc... để xây dựng Quy hoạch khả thi, có tính mới, đột phá, đi vào thực chất, phù hợp với xu thế phát triển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo Quy hoạch).

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quá trình xây dựng dự thảo Quy hoạch, cơ quan soạn thảo đã cập nhật các dự báo, đánh giá về xu thế phát triển, cũng như các kịch bản phát triển đến năm 2050 trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển nhanh chóng, phù hợp với định hướng phát triển chung của quy hoạch ngành quốc gia giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2050.

Dự thảo Quy hoạch bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đối với mạng lưới báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản, in, phát hành.

Dự thảo Quy hoạch thống nhất, đồng bộ, phát triển bền vững, hợp lý và hài hòa với các nội dung về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng mạng lưới báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản, in, phát hành có tính định hướng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Mục tiêu tổng quát của dự thảo Quy hoạch nhằm tổ chức, sắp xếp hợp lý, tinh gọn mạng lưới các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản, in, phát hành để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị tới nhân dân.

[Việt Nam phát triển phồn vinh: Tạo diện mạo mới cho hệ thống báo chí]

Bên cạnh đó, thực hiện thành công chuyển đổi số, đổi mới mô hình quản lý, cách thức tổ chức, vận hành; đa dạng hóa phương thức cung cấp nội dung và hoạt động sản xuất kinh doanh trên đa nền tảng, đa phương tiện, lấy người dân làm trung tâm.

Đồng thời, Quy hoạch nhằm thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thông tin; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhu cầu thông tin của người dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bắt kịp xu thế thông tin, truyền thông của thế giới, góp phần nâng cao uy tín, vị thế và hình ảnh Việt Nam.

Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, dự thảo Quy hoạch nhằm phát huy vai trò của báo chí, xuất bản, là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước trong công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách, giáo dục tư tưởng...

Phó Thủ tướng nêu rõ: Đây là quy hoạch ngành Thông tin và Truyền thông và phải bao hàm nội dung của Quyết định 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quyết định 362/QĐ-TTg).

Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó, nhạy cảm, gặp khó khăn trong xác định vị trí, quan hệ với của các văn bản quy hoạch, quản lý báo chí có liên quan như Quyết định 362/QĐ-TTg. Do vậy, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông quan tâm chỉ đạo sâu sát, giải quyết ngay những vấn đề vướng mắc trong quá trình xây dựng Quy hoạch nhằm khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ năm 2019); báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý ngay; "sớm hoàn thiện các thủ tục để Quy hoạch được phê duyệt."

Trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ nội dung còn nguyên giá trị của Quyết định 362/QĐ-TTg; đồng thời bổ sung thêm hệ thống chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mới, đặc biệt giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn 2050, nhằm cụ thể hóa một bước các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước.

Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Thông tin và Truyền thông chú trọng phát triển hệ thống thông tin cơ sở, mạng lưới xuất bản gắn với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền của chính quyền cơ sở, đổi mới công nghệ, phương thức thông tin, hạ tầng công nghệ viễn thông cho vùng sâu, vùng xa; xác định rõ đến năm 2025 phải hình thành được những đơn vị truyền hình, phát thanh, báo viết, nhà xuất bản phục vụ thông tin đối ngoại; nghiên cứu thêm các phương thức truyền thông đối ngoại khác.

Bên cạnh đó, Quy hoạch phải chú trọng công tác, cơ chế quản lý các phương thức truyền thông mới đa nền tảng, đa phương tiện đang phát triển hết sức nhanh chóng, có tính đột biến để hình thành dòng chảy thông tin chính thống mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông duy trì hoạt động của cơ quan soạn thảo một cách khoa học, nghiêm túc; phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, lắng nghe ý kiến của các cơ quan truyền thông chính thống, địa phương, chuyên gia, nhà quản lý... để xây dựng Quy hoạch khả thi, có tính mới, đột phá, đi vào thực chất, phù hợp với xu thế phát triển.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện lại dự thảo Quy hoạch, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định, hoàn thành thủ tục để Thủ tướng Chính phủ có thể phê duyệt trong tháng 6/2023./.

Nguồn: PV (TTXVN/Vietnam)

https://www.vietnamplus.vn/quy-hoach-bao-chi-xuat-ban-phai-phu-hop-voi-xu-the-phat-trien/860607.vnp

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Campuchia đề cao vai trò của báo chí truyền thông tại SEA Games 32

Tóm tắt: 

Trong số các phóng viên nước ngoài, có hơn 500 phóng viên Việt Nam đăng ký và được cấp thẻ tác nghiệp tại SEA Games tại Campuchia lần này.

Trong số các phóng viên nước ngoài, có hơn 500 phóng viên Việt Nam đăng ký và được cấp thẻ tác nghiệp tại SEA Games tại Campuchia lần này.

Trang trí, chuẩn bị cho sự kiện chào đón SEA Games 32. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trước thềm khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32), nước chủ nhà Campuchia đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động tác nghiệp cho giới phóng viên, thể hiện sự quan tâm và đề cao vai trò của báo chí, truyền thông đối với thành công của kỳ đại hội lần này.

Một tuần trước lễ khai mạc SEA Games 32, Trung tâm Báo chí (MPC) đặt trong khuôn viên sân vận động Morodok Techo thuộc Khu liên hợp thể thao cùng tên ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh đã chính thức khai trương, vận hành từ ngày 29/4-18/5.

MPC SEA Games 32 được thiết kế hiện đại, có sức chứa 500 chỗ ngồi với các phòng làm việc, họp báo được trang bị hệ thống máy vi tính, mạng Internet hữu tuyến, wifi, màn hình LED, có tổ chức phục vụ thức ăn nhẹ.

Ông Phos Sovann - Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin và Nghe nhìn, Bộ Thông tin Campuchia kiêm Trưởng Tiểu ban Thông tin và Truyền thông thuộc Ủy ban quốc gia tổ chức SEA Games 32 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 của Campuchia (CAMSOC-CAMAPGOC) - cho biết cùng với MPC, Ban tổ chức còn thiết lập một Trung tâm Truyền hình quốc tế (IBC) tại điểm thi đấu thuộc Trung tâm Hội trợ Triển lãm quốc tế Chroy Changvar, cùng nhiều trung tâm thông tin (SPC) tại các địa điểm thi đấu khác.

Theo ông Phos Sovann, các SPC được thiết lập để hỗ trợ các nhà báo tác nghiệp, tổ chức họp báo với các dịch vụ và trang thiết bị tương tự như MPC; trong khi IBC được thiết lập với chức năng là trung tâm tiếp nhận âm thanh và hình ảnh từ các điểm thi đấu để sản xuất và cung cấp cho các cơ quan báo chí, truyền thông.

Đến thời điểm này, đã có bảy đài truyền hình quốc tế được Ủy ban Olympic quốc gia (NOC) các nước cấp phép thuê gian hàng để tổ chức phát sóng từ IBC, gồm RTM (Malaysia), T SPORT 7 (Thái Lan), VTV và HTV (Việt Nam), Media Corp (Singapore), MNC TV (Indonesia) và Cignal TV (Philippines).

Về công tác tổ chức sản xuất chương trình và phát sóng, CAMSOC đã chỉ định kênh truyền hình thể thao CSTV là đơn vị sản xuất, phát sóng chính thức 11 môn thể thao, trong khi Đài truyền hình quốc gia và Hiệp hội Truyền hình Campuchia phụ trách sản xuất, phát sóng 10 môn thể thao khác.

Đây là những đối tác chính thức chịu trách nhiệm ghi hình và sản xuất các chương trình phát sóng trực tiếp.

Riêng các môn thể thao không sản xuất và phát sóng trực tiếp sẽ được chụp ảnh, ghi hình và đưa tin thông qua các bản tin và chương trình tiêu điểm do hãng Thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) thực hiện và cho phép khai thác sử dụng miễn phí.

Khẳng định giới truyền thông là một bộ phận quan trọng và cam kết ủng hộ hết mình các nhà báo trong quá trình tác nghiệp tại SEA Games lần này, ông Phos Sovann chia sẻ “Vai trò 'tai mắt của thế giới' của các nhà báo tại sự kiện lần này là hết sức quan trọng và cần thiết. Các nhà báo có cơ hội là nhân lịch sử của các sự kiện và chuyển tải chúng đến với hàng triệu người trên thế giới.”

Phát biểu tại sự kiện khai trương MPC, ông Khieu Kanharith - Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia kiêm Phó Chủ tịch CAMSOC-CAMAPGOC - cho biết trong tổ chức sự kiện thể thao, dù tốt đẹp đến đâu đi chăng nữa, nếu không có sự tham gia truyền thông của hệ thống báo chí, sẽ mất đi 50% hiệu quả.

Do đó, các nhà báo là một phần hết sức quan trọng trong việc quảng bá, làm nổi bật, bùng nổ về sự kiện thể thao SEA Games 32 lần này.

Theo Ban tổ chức, có 2.095 phóng viên đăng ký và được cấp thẻ tác nghiệp tại SEA Games 32 năm 2023. Trong đó, có 1.188 phóng viên bản địa và 907 phóng viên nước ngoài.

Trong số các phóng viên nước ngoài, có hơn 500 phóng viên Việt Nam đăng ký và được cấp thẻ tác nghiệp tại SEA Games lần này.

Với khẩu hiệu “Thể thao-Sống trong hòa bình," SEA Games 32 dự kiến khai mạc vào ngày 5/5 và bế mạc ngày 17/5.

Hơn 9.000 thành viên thuộc 11 đoàn thể thao sẽ tham gia tranh tài tại 586 nội dung thi đấu thuộc 37 bộ môn thể thao, diễn ra tại thủ đô Phnom Penh và bốn địa phương khác gồm Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot và Kep./.

Nguồn: Huỳnh Thảo (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/campuchia-de-cao-vai-tro-cua-bao-chi-truyen-thong-tai-sea-games-32/860236.vnp

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo