Syndicate content

Chuyển động ngành

Good in Gaming hỗ trợ cộng đồng game thủ trẻ

Tóm tắt: 

Thế giới thể thao điện tử đã có một bước chuyển mình nhờ công sức của hàng ngàn các kỹ sư phần mềm, nhà sáng tạo nội dung, chuyên viên phân tích dữ liệu.

Hơn một thập kỷ qua, Alienware đã có cơ hội để đồng hành cùng sự phát triển của thể thao điện tử. Từng được đánh giá không có tiềm năng, thể thao điện tử hiện nay đang phát triển nhanh chóng và vượt qua các môn thể thao truyền thống.

Năm ngoái, người xem đã dùng tới hơn 18,6 tỷ giờ để theo dõi các nội dung liên quan đến thể thao điện tử và năm nay, doanh thu của ngành này kỳ vọng sẽ vượt mốc 1 tỷ USD. Sự phát triển vượt bậc của thể thao điện tử mang đến những cơ hội nghề nghiệp, không chỉ cho các tuyển thủ hay người đào tạo.

Thế giới thể thao điện tử đã có một bước chuyển mình nhờ công sức của hàng ngàn các kỹ sư phần mềm, nhà sáng tạo nội dung, chuyên viên phân tích dữ liệu, nhà thiết kế trò chơi, chuyên viên mạng xã hội, người quản lý địa điểm, kế toán, luật sư và nhiều nhân sự trong các lĩnh vực khác.

Alienware và Team Liquid đã đồng hành cùng nhau trong chặng đường 10 năm lịch sử của thể thao điện tử. Một trong những thành tựu lớn của mối quan hệ này là hai cơ sở tập luyện hàng đầu được Alienware đưa vào hoạt động tại hai lục địa. Nhưng khi nhìn vào tương lai của ngành này, Alienware nhận thấy vẫn còn cơ hội để mang đến sự phát triển toàn diện.

Điểm mấu chốt nằm ở việc: những người có mong muốn chơi game cần phải cảm nhận được sự chào đón từ cộng đồng game thủ chuyên nghiệp. Hướng đến một xã hội bình đẳng là ưu tiên của tất cả mọi người tại Dell Technologies và là một thành phần chủ chốt của kế hoạch Progress Made Real, kim chỉ nam định hướng cho mọi nguồn lực, công nghệ và con người tại Dell Technologies để tạo ra sự thay đổi từ trong nội bộ doanh nghiệp và tác động tích cực, lâu dài đến thế giới.

Vậy định hướng này của chúng tôi sẽ tác động đến ngành công nghiệp game như thế nào? Ngày hôm nay, Alienware hợp tác cùng Team Liquid xin công bố chương trình Good in Gaming. Với tầm nhìn chung là phát triển một cộng đồng nơi mọi người cảm thấy được tôn trọng và thuộc về, Good in Gaming sẽ tập trung vào xây dựng cộng đồng, đẩy mạnh giáo dục, trao quyền cho các thành viên và đào tạo thi đấu chuyên nghiệp.

Alienware và Team Liquid sẽ cung cấp những chương trình cố vấn, học bổng và thực tập để giúp các game thủ trẻ phát triển và tiếp cận các nguồn lực và quan hệ. Bất kể đam mê của những người trẻ này là tranh tài trên sân khấu hay hoạt động đằng sau cánh gà, thế giới game là một nơi dành cho tất cả mọi người.

Trong những tháng tới, Alienware sẽ công bố những chương trình cụ thể cho một số thị trường: từ các chương trình cố vấn, học bổng và thực tập; cho đến các tài nguyên trực tuyến dành cho những tuyển thủ chuyên nghiệp đầy tham vọng; hay các giải đấu chào đón tất cả mọi người đến để tranh tài.

Mục tiêu của Alienware là trở thành nguồn năng lượng mang đến thay đổi tích cực trong lĩnh vực này và mở ra những cơ hội cho các thế hệ tuyển thủ mới… cũng như các kỹ sư, nhà sáng tạo, chuyên viên phân tích, nhà thiết kế, kế toán, luật sư và nhiều hơn nữa!

Chris Saylor
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Khai trương Trung tâm về an ninh mạng toàn cầu lớn nhất của Huawei tại Trung Quốc

Tóm tắt: 

Trung tâm được thiết kế để trình diễn các giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện giao tiếp và đổi mới chung cũng như hỗ trợ kiểm tra và xác minh bảo mật.

Huawei đã mở Trung tâm Minh bạch Bảo vệ quyền riêng tư và An ninh mạng toàn cầu lớn nhất của mình tại Đông Hoản, Trung Quốc, với các đại diện từ GSMA, SUSE, Viện tiêu chuẩn Anh và các cơ quan quản lý từ UAE và Indonesia tham gia phát biểu tại Lễ khai mạc.

Trong Lễ khai trương Trung tâm, ông Ken Hu, Chủ tịch luân phiên của Huawei cho biết: "An ninh mạng quan trọng hơn bao giờ hết. Là một ngành công nghiệp, chúng ta cần làm việc cùng nhau, chia sẻ các phương pháp hay nhất và xây dựng năng lực tập thể về quản trị, tiêu chuẩn, công nghệ và xác minh. Chúng ta cần cung cấp cho cả công chúng và các cơ quan quản lý một lý do để tin tưởng vào tính bảo mật của sản phẩm và các dịch vụ mà họ sử dụng hàng ngày."

Trong vài năm qua, số hóa ngành công nghiệp và các công nghệ mới như 5G và AI đã làm cho không gian mạng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, kết hợp với thực tế là mọi người đã dành phần lớn cuộc sống trên không gian trực tuyến trong suốt đại dịch COVID-19. Những xu hướng này đã khiến gia tăng các rủi ro an ninh mạng mới.

Bên trong Trung tâm

Huawei đã mở Trung tâm Minh bạch Bảo vệ quyền riêng tư và An ninh mạng toàn cầu mới tại Đông Hoản để giải quyết những vấn đề này, cung cấp nền tảng cho các bên liên quan trong ngành để chia sẻ kiến ​​thức chuyên môn về quản trị mạng và cùng nhau nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật.

Trung tâm được thiết kế để trình diễn các giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện giao tiếp và đổi mới chung cũng như hỗ trợ kiểm tra và xác minh bảo mật. Trung tâm sẽ mở cửa cho các cơ quan quản lý, các tổ chức thử nghiệm bên thứ ba độc lập và các tổ chức tiêu chuẩn, cũng như khách hàng, đối tác và nhà cung cấp của Huawei.

Để có thêm một cách tiếp cận thống nhất đối với an ninh mạng trong ngành viễn thông, các tổ chức như GSMA và 3GPP cũng đã và đang làm việc với các bên liên quan trong ngành để thúc đẩy các Thông số kỹ thuật đảm bảo an ninh NESAS và các chứng chỉ độc lập. Nguyên tắc cơ bản này đã được chấp nhận rộng rãi trong ngành và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển và xác minh các mạng an toàn.

Mats Granryd, Tổng giám đốc GSMA cho biết: “Việc cung cấp các dịch vụ hiện tại và dịch vụ mới trong kỷ nguyên 5G sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết nối được cung cấp bởi các mạng di động và về cơ bản sẽ phụ thuộc vào công nghệ nền tảng là an toàn và đáng tin cậy. Các sáng kiến ​​như Cơ sở kiến ​​thức an ninh mạng GSMA 5G, được thiết kế để giúp các bên liên quan hiểu và giảm thiểu rủi ro mạng và NESAS, một nguyên tắc cơ bản đảm bảo an ninh toàn ngành, được thiết kế để tạo điều kiện cải thiện mức độ bảo mật của thiết bị mạng trong toàn ngành."

Tại sự kiện này, Huawei cũng đã công bố Nguyên tắc cơ bản về bảo mật không gian mạng của sản phẩm, là sự tổng hợp của hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong quản lý bảo mật sản phẩm, kết hợp một loạt các quy định bên ngoài, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu quy định. Nguyên tắc cơ bản này, cùng với các cơ chế quản trị khác của Huawei, giúp đảm bảo chất lượng, bảo mật và độ tin cậy của các sản phẩm của công ty. Trong những năm qua, Huawei đã xây dựng hơn 1.500 mạng kết nối hơn ba tỷ người trên 170 quốc gia và khu vực. Không có bất kỳ mạng nào từng trải qua một sự cố bảo mật lớn.

 ND

 

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Thuê bao Vinaphone đóng góp hơn 14 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19

Tóm tắt: 

Hơn 14 tỷ đồng là số tiền các thuê bao di động Vinaphone đã chung tay đóng góp vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 bằng hình thức nhắn tin đến tổng đài 1408, trong 5 ngày, kể từ 00h00 ngày 3-7/6/2021.

Hơn 14 tỷ đồng là số tiền các thuê bao di động Vinaphone đã chung tay đóng góp vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 bằng hình thức nhắn tin đến tổng đài 1408, trong 5 ngày, kể từ 00h00 ngày 3-7/6/2021.

Tính đến thời điểm này, VNPT cũng đã hoàn tất thủ tục chuyển số tiền 400 tỷ đồng đóng góp cho Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19.

Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, VNPT cũng đã triển khai nhiều chương trình, với vai trò doanh nghiệp CNTT hàng đầu của đất nước, VNPT đã có nhiều hoạt động tích cực cũng như tận dụng thế mạnh của mình để triển khai các giải pháp công nghệ đồng hành Chính phủ, chính quyền và người dân cả nước chống dịch, điển hình như việc tham gia đóng góp 400 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch HĐTV VNPT Phạm Đức Long cho biết: "Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tới mọi hoạt động của nền kinh tế - xã hội. Việc phòng, chống đại dịch COVID không chỉ là của Chính phủ mà còn là trách nhiệm của toàn dân. Với tâm thế đóng góp cho Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 là chia sẻ gánh nặng cho đất nước, Tập đoàn VNPT xác định đây không chỉ là trách nhiệm cộng đồng của một một tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước mà còn là nhiệm vụ, sứ mệnh của VNPT ".

VNPT Bình Dương triển khai lắp đặt camera giám sát tại các khu cách ly

Để hỗ trợ cho công tác tuyên truyền chống dịch bệnh, tính đến thời điểm này, VNPT đã thực hiện 22 lần nhắn tin và 10 lần cài đặt âm báo tuyên truyền chống dịch bệnh đến thuê bao toàn mạng. Bên cạnh đó, VNPT cũng đã hỗ trợ một số tỉnh/thành phố nhắn tin tuyên truyền phòng chống, truy vết, thông báo giãn cách liên quan đến dịch COVID-19 (Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, TP.HCM, Cà Mau, Kiên Giang…); Xác định tập thuê bao có hiện diện trong vùng dịch tại những thời điểm theo yêu cầu để hỗ trợ truy vết (các đợt dịch BV Bạch Mai, Mê Linh, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… ).

Trong 2 ngày, 17-18/5, VNPT đã hoàn thành việc thiết lập tổng đài đường dây nóng 18001119 theo yêu cầu của BCĐ quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 để hỗ trợ khai báo y tế, hướng dẫn cài đặt Bluezone. Tính đến 07/06/2021, tổng đài 18001119 đã thực hiện tiếp nhận 48.836 cuộc gọi vào và thực hiện 1.108.219 cuộc gọi ra. Trong 5 ngày, từ ngày 28/05 đến ngày 02/06, hệ thống Callbot của VNPT đã thực hiện gọi ra tuyên truyền cài đặt ứng dụng Bluezone tới 385.000 thuê bao trên địa bàn Bắc Giang, Bắc Ninh.VNPT đã thực hiện nâng cấp hạ tầng để đảm bảo kết nối 10.000 camera giám sát tại 660 khu cách ly của 32 tỉnh/ thành từ Đà Nẵng đến Cà Mau.

Đến nay, VNPT đã lắp đặt 3.067 camera cho hơn 160 cơ sở cách ly. Trong thời gian tới, VNPT sẽ phối hợp chặt chẽ với sở TT&TT các tỉnh/thành phố để tiến hành kết nối 100% các cơ sở cách ly có camera lên hệ thống giám sát tập trung./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Bưu điện dành nguyên chuyến bay chuyển vải thiều xuất khẩu đến Nhật Bản

Tóm tắt: 

Tiếp tục hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ vải thiều ra thị trường quốc tế, Bưu điện Việt Nam (BĐVN) (Vietnam Post) đã kết nối với các nhà thu mua và xuất khẩu vải thiều để dành trọn tải chuyến bay đưa hàng chục tấn vải sang Nhật Bản.

Tiếp tục hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ vải thiều ra thị trường quốc tế, Bưu điện Việt Nam (BĐVN) (Vietnam Post) đã kết nối với các nhà thu mua và xuất khẩu vải thiều để dành trọn tải chuyến bay đưa hàng chục tấn vải sang Nhật Bản.

Nhằm tối ưu hóa chu trình vận chuyển cũng như để đảm bảo chất lượng trái vải tươi ngon Vietnam Post đã dành trọn tải chuyến bay mang hàng chục tấn vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là chuyến vận chuyển vải thiều xuất khẩu thứ 4 của Vietnam Post trong mùa vụ năm nay đến thị trường "khó tính" này.

Theo kế hoạch, Vietnam Post sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu để kết nối đưa vải thiều Bắc Giang cũng như các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam đến các thị trường quốc tế khác như Hà Lan, Pháp, Séc, Úc, Brunei,… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt và mở rộng cơ hội xuất khẩu ra thế giới.

Các lô hàng vải thiều được xuất khẩu đều trải qua quy trình chế biến nghiêm ngặt, từ khâu thu hái, sơ chế, đóng gói cho tới vận chuyển. Ngoài những yêu cầu rất cao về chất lượng, trái vải năm nay sẽ được khử khuẩn và cấp thêm Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh Covid-19 trước khi vận chuyển sang Nhật Bản.

Bên cạnh đó, toàn bộ nhân lực và phương tiện tham gia vào quy trình tiêu thụ, xuất khẩu vải sang Nhật đều phải thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch và có xét nghiệm âm tính với virus SARS-COV-2.

Quy trình vận chuyển của Vietnam Post cũng rất chặt chẽ, với việc sử dụng hoàn toàn xe lạnh và các công cụ hỗ trợ để vận chuyển vải từ Bắc Giang lên máy bay, nhằm đảm bảo vải thiều Bắc Giang được giao đến người tiêu dùng Nhật Bản vẫn tươi ngon, an toàn.

Bắc Giang hiện có hơn 28.000 ha vải thiều với sản lượng ước tính 180.000 tấn. Đây là loại nông sản có thời gian thu hoạch ngắn và khó bảo quản, do vậy, khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là thiếu nguồn nhân lực thu hái, vận chuyển và tiêu thụ vải thiều. Trong đó, khâu vận chuyển được đánh giá là khó khăn hơn cả do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Trước đó, ngay từ giữa tháng 5/2021 đến nay, BĐVN đã tổ chức tiêu thụ gần 280 tấn vải Bắc Giang thông qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Đa số vải đều được BĐVN ưu tiên chuyển phát đến người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất và an toàn nhất. BĐVN cũng cam kết sẽ có chính sách đổi trả hàng nếu vải bị hỏng do quá trình vận chuyển. Tại tất cả các Bưu điện tỉnh, thành phố, BĐVN đều đã bố trí container lạnh, kho lạnh trong suốt mùa vải Bắc Giang, nhằm đảm bảo điều kiện bảo quản vải tốt nhất khi đưa đến tay người tiêu dùng trên cả nước./.

Nguồn: PV/ictvietnam.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Bộ TT&TT thiết lập lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 phục vụ phòng, chống Covid-19

Tóm tắt: 

Trung tâm có nhiệm vụ làm đầu mối điều phối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19...

Bộ TT&TT vừa ban hành Quyết định số 769/QĐ-BTTTT ngày 4/6/2021 về việc thiết lập lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, tên gọi của đơn vị này Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia. Trung tâm là một cơ cấu làm việc mang tính linh hoạt, không phải là một tổ chức hành chính, không phát sinh thêm tổ chức, biên chế.

Trung tâm có địa điểm Tầng 14, Trụ sở Cục Tin học hoá, Toà nhà Cục Viễn thông (VNTA), số 68 Dương Đình Nghệ, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Người dân chung tay cài đặt ứng dụng Bluezone để phòng, chống dịch Covid-19, ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nhiễm Covid-19

Trung tâm gồm những thành viên nòng cốt gồm: lãnh đạo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, Giám đốc Trung tâm, phụ trách điều hành chung và đại diện Lãnh đạo Cục CNTT, Bộ Y tế, Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam được mời làm thành viên.

Các thành viên khác của Trung tâm còn có: đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC), Cục Viễn thông, Cục ATTT, Cục Tin học hoá; Tập đoàn BKAV, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội 

Trung tâm có bộ phận giúp việc, bộ phận chuyên môn kỹ thuật là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Tin học hoá, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Theo Quyết định, tuỳ theo yêu cầu công việc, Cục trưởng Cục Tin học hoá trình Lãnh đạo Bộ TT&TT thông bổ sung thành viên nòng cốt của Trung tâm.

Trung tâm có nhiệm vụ làm đầu mối điều phối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19; Thiết kế, tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các nền tảng, hệ thống công nghệ phòng, chống dịch Covid-19; Quản lý thống nhất, kết nối tập trung và phân phối dữ liệu khai báo y tế điện tử, dữ liệu khai báo di chuyển nội địa, dữ liệu phản ánh của người dân, dữ liệu điểm kiểm dịch và dữ liệu kiểm soát vào ra các điểm kiểm dịch giữa các hệ thống công nghệ phòng, chống dịch Covid-19.

Trung tâm cũng có nhiệm vụ phát triển hoặc nhận chuyển giao các giải pháp công nghệ mới trong phòng, chống dịch Covid-19; Phục vụ các yêu cầu sử dụng công nghệ để hỗ trợ nghiệp vụ y tế của Bộ Y tếl Hỗ trợ các yêu cầu về kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức triển khai các biện pháp công nghệ cho các bộ ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; Đôn đốc việc triển khai, ứng dụng các hệ thống, nền tảng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19.

Trung tâm cũng thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ TT&TT. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

ND 

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Phát động nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”

Tóm tắt: 

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ TT&TT tổ chức phát động nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19” trên Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400.

Chiều ngày 3/6, tại Hà Nội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ TT&TT tổ chức phát động nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19” trên Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400. Tại buổi lễ, Tổng LĐLĐVN cũng phát động Chương trình “Vắc-xin cho công nhân”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19” trên Cổng thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400.

Tới dự Lễ phát động có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn; cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương…

Phát biểu tại buổi Lễ phát động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ ngày 27/4/2021 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nước ta, diễn biến rất phức tạp. Đây là đợt bùng phát có số mắc cao nhất, lây lan nhanh nhất, với độc lực của chủng mới rất nguy hiểm. Đặc biệt, dịch bệnh không chỉ lây lan trong cộng đồng, mà còn đã tác động vào các cơ sở khám-chữa bệnh, các khu công nghiệp, nhất là tại Bắc Giang và Bắc Ninh. Một số nơi, sản xuất bị đình trệ, có nguy cơ làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng sản phẩm. Theo thống kê, đến nay đã có 2.746 ca nhiễm Covid-19 trong công nhân lao động, hàng chục vạn công nhân là F1 và F2. Tổng số có hơn 150.000 công nhân lao động phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà, đã có công nhân trẻ bị tử vong vì Covid-19. Việc làm, thu nhập và đời sống sinh hoạt của người lao động nói chung và công nhân nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc với các giải pháp quyết liệt khoanh vùng, cách ly, truy vết, dập dịch,  bước đầu đã kiểm soát được tình hình; cơ bản phấn đấu thực hiện được mục tiêu vừa thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm cuộc sống của công nhân. Để làm được như vậy, ngoài các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về 5K, việc thực hiện chiến lược vắc-xin ngừa Covid-19 để tạo miễn dịch cộng đồng có ý nghĩa căn cơ lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp bàn và đã quyết định huy động các nguồn của ngân sách Nhà nước và các nguồn lực xã hội để mua vắc-xin tiêm phòng cho toàn dân, đồng thời có chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác với các nước để sản xuất được vắc-xin ngừa Covid-19 mang thương hiệu Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã bố trí hơn 13.000 tỷ đồng trong tổng khái toán khoảng 25.000 tỷ đồng cho chiến dịch vắc-xin ngừa Covid-19. Dự kiến, chúng ta sẽ huy động từ xã hội khoảng hơn 9000 tỷ đồng. Số tiền từ ngân sách cũng như huy động từ cộng đồng có thể sẽ tiếp tục tăng lên nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát một cách căn bản.

Trên tinh thần đó, Chính phủ đã thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngày 27-5, MTTQ đã phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và cùng đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, ra sức thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. “Tôi đánh giá rất cao sự phối hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ TT&TT, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan đã tổ chức Lễ phát động nhắn tin toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và Chương trình vắc-xin cho công nhân. Đây là việc làm hết sức thiết thực và có ý nghĩa để hưởng ứng chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, MTTQ Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2020, Bộ TT&TT, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Y tế đã tổ chức đợt quyên góp qua tin nhắn ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền đã tiếp nhận được hơn 150 tỷ đồng của hàng chục triệu lượt người tham gia. Phát huy kết quả ấy, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn và trân trọng đề nghị các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam tuyên truyền sâu rộng trong các thành viên hội viên, đoàn viên và mọi tầng lớp nhân dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa, tùy theo điều kiện cụ thể, nhiệt tình nhắn tin ủng hộ chương trình rất giàu tính nhân văn và cấp thiết này. Đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan thực hiện công khai, minh bạch các khoản kinh phí thu được, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, thiết thực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Mỗi tin nhắn ủng hộ của quý vị không chỉ góp phần vào chương trình vắc-xin cho công nhân, mà quan trọng hơn nữa, ý nghĩa hơn nữa, đó chính là biểu hiện sinh động của tấm lòng nhân ái, sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng với anh, chị, em công nhân lao động trong lúc khó khăn, tạo động lực vật chất và tinh thần, góp phần cùng cả nước kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, vì sức khỏe của mình và mọi người, vì sự an toàn của cộng đồng và xã hội”.

Các đại biểu tham gia nhắn tin ủng hộ tại Lễ phát động

Tại buổi Lễ, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết: Đến ngày 3/6, cả nước đã có 4.780 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số công nhân lao động mắc Covid-19 chiếm hơn 50% tổng số ca bệnh; hàng vạn F1, hàng chục vạn F2 là công nhân, viên chức, lao động. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên hàng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đã có hàng trăm doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quốc gia; hàng trăm nghìn người lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động.

Trong bối cảnh đó, cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ đã tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, quan tâm chăm lo các tầng lớp nhân dân bị ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhất là lực lượng tuyến đầu, đã nỗ lực hết mình, ngày đêm chống dịch với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, góp phần kiểm soát dịch để cả nước tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”.

Tại buổi Lễ, thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ TT&TT, Công đoàn TT&TT Việt Nam đã hỗ trợ 5,5 tỷ đồng cho Ban Tổ chức

Chủ tịch TLĐLĐVN Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh; thực hiện tốt yêu cầu 5K + vaccine và tăng cường ứng dụng công nghệ, khẳng định sự chung tay với Đảng, Chính phủ trong huy động nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, nhất là đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng COVID-19. Hôm nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng LĐLĐVN và Bộ TT&TT phối hợp tổ chức Lễ phát động Chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19” trên Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400. Đồng thời, Tổng LĐLĐVN chính thức phát động Chương trình “Vắc-xin cho công nhân” thông qua Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng vàng Lao Động”.

Chương trình nhằm kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đóng góp kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, huy động nguồn lực xã hội để người dân, trong đó có công nhân lao động có thể tiếp cận với vắc-xin sớm nhất. Số tiền ủng hộ từ Cuộc vận động và Chương trình sẽ được sử dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó ưu tiên đóng góp vào Quỹ vắc-xin để mua vắc-xin cho các đối tượng chính sách, người nghèo, công nhân lao động, góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân.

Thay mặt ba cơ quan chủ trì tổ chức, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang đã kêu gọi và gửi lời tri ân tấm lòng hảo tâm, nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… ủng hộ vật chất, tinh thần cho công tác phòng, chống dịch.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị các cấp công đoàn và công nhân, viên chức, lao động cả nước tích cực tham gia nhắn tin qua Tổng đài 1400 và ủng hộ Chương trình “Vắc-xin cho công nhân”. “Chúng tôi cam kết việc triển khai Cuộc vận động và Chương trình sẽ được thực hiện bài bản, nghiêm túc, tổng hợp đầy đủ các khoản ủng hộ, công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả thiết thực”, ông Nguyễn Đình Khang khẳng định.

Nguồn: PV/mic.gov.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

VNPT đầu tư hạ tầng kết nối 10.000 camera giám sát tại các khu cách ly

Tóm tắt: 

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, tính đến thời điểm này, VNPT đã hoàn thành lắp đặt hơn 2.400 camera giám sát trên 150 cơ sở cách ly tập trung tại 32 tỉnh/thành phố từ Đà Nẵng trở vào.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, tính đến thời điểm này, VNPT đã hoàn thành lắp đặt hơn 2.400 camera giám sát trên 150 cơ sở cách ly tập trung tại 32 tỉnh/thành phố từ Đà Nẵng trở vào.

VNPT Đà Nẵng triển khai lắp đặt và camera giám sát tại điểm cách ly tập trung Trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà

Các tính năng chính của hệ thống camera là giám sát trực tiếp (live view), xem lại (play back), phân quyền người dùng (nhóm người dùng), bảo vệ dữ liệu người dùng, ghi log truy cập, lưu trữ theo quy định đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Tính năng nâng cao sẽ tiếp tục được cập nhật theo yêu cầu thực tế từ Ban Chỉ đạo và Bộ TT&TT.

Hệ thống được thiết kế theo mô hình điện toán biên, giúp cho kết nối, xử lý và lưu trữ với độ trễ thấp và mở rộng không giới hạn năng lực xử lý khi có nhu cầu. Đặc biệt, việc đảm bảo tính an ninh và an toàn cho hình ảnh, dữ liệu được VNPT đặt lên hàng đầu, khi toàn bộ hệ thống được bảo vệ tại những Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế của VNPT.

Việc phân cấp và phân quyền truy nhập hệ thống được tuân thủ chặt chẽ và tuân thủ yêu cầu của Ban chỉ đạo Quốc gia, Ban chỉ đạo tại các tỉnh/thành phố và Bộ phận quản lý tại khu vực cách ly giám sát hình ảnh 24/7 theo phân cấp. Để hỗ trợ cho hệ thống hoạt động ổn định 24/7, VNPT đã bố trí đội ngũ giám sát, vận hành và hỗ trợ tại từng địa phương, theo các tiêu chuẩn dịch vụ chặt chẽ.

Nhằm đáp ứng yêu cầu mới của công tác phòng, chống dịch COVID-19, VNPT đang đầu tư hệ thống hạ tầng để đáp ứng kết nối 10.000 camera giám sát tại các khu cách ly.

VNPT Lâm Đồng triển khi lắp đặt và kết nối camera giám sát tại các khu cách ly

Không chỉ đóng góp toàn lực bằng những giá trị vật chất cụ thể ủng hộ Mặt trận Tổ quốc các tỉnh/thành phố cũng như các chương trình ưu đãi dịch vụ viễn thông - CNTT hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân, hệ thống CNTT của VNPT cũng đã sớm được kích hoạt để cùng hệ thống Chính trị triển khai tốt nhất công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngay từ thời điểm đầu dịch Covid-19 bùng phát, VNPT đã chủ động phát triển giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ công tác chống dịch như: Phát triển ứng dụng khai báo y tế NCOVI. Ứng dụng này đã được Bộ Y tế, Bộ TT&TT khuyến nghị toàn dân sử dụng để cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế nhằm tìm ra các trường hợp cần chú ý để đảm bảo phòng chống dịch một cách chủ động.

Mới đây nhất, VNPT đã cấp tốc triển khai đường dây nóng hỗ trợ khai báo y tế - 18001119 nhằm tiếp nhận, trợ giúp mọi yêu cầu của người dân về khai báo y tế một cách kịp thời, miễn phí. Bên cạnh việc tiếp nhận các cuộc gọi của người dân đến Tổng đài để được trợ giúp trực tiếp từ tổng đài viên, bằng việc sử dụng tổng đài tư vấn viên ảo sử dụng công nghệ AI – Callbot, tổng đài 18001119 sẽ chủ động thực hiện các cuộc đến các thuê bao để tiếp nhận thông tin liên quan đến khai báo y tế và phòng, chống dịch. Từ ngày 28/5, VNPT cũng đã sử dụng hệ thống Callbot để hỗ trợ gọi điện tuyên truyền, kêu gọi, hướng dẫn cài đặt ứng dụng Bluezone cho thuê bao di động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

Nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, địa phương, các DN và người dân, trong thời gian này, các đơn vị của VNPT tại địa bàn các tỉnh/thành đang tập trung cao độ, huy động tối đa mọi nguồn lực để bảo đảm thông tin liên lạc an toàn thông suốt.

Nguồn: ictvietnam.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

VNPT chung tay, hướng về Bắc Ninh và Bắc Giang

Tóm tắt: 

Tập đoàn VNPT đã ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID19 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng.

“Chống dịch như chống giặc”, trong tình dịch tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đang rất căng thẳng, với tinh thần chung tay góp sức đồng hành cùng chính quyền, nhân dân Bắc Ninh và Bắc Giang chống dịch, Tập đoàn VNPT đã ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID19 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng. Các đơn vị của VNPT tại các tỉnh/thành cũng đã góp sức cùng các địa phương chống dịch CIOVD19 bằng nhiều chương trình, hành động cụ thể.

Tại Bắc Ninh, ngày 31/5, VNPT Bắc Ninh đã trao ủng hỗ Quỹ phòng chống dịch COVID 19 của Tỉnh số tiền 650 triệu đồng. Đây là số tiền do Tập đoàn VNPT ủng hộ và CBCNV, người lao động VNPT Bắc Ninh quyên góp 1 ngày lương để ủng hộ. Bên cạnh đó, VNPT Bắc Ninh cũng đã ủng hộ Tỉnh 350 triệu đồng bằng việc cung cấp miễn phí các sản phẩm, dịch vụ do VNPT, như: lắp đặt miễn phí đường truyền, hệ thống wifi, cho các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến; Hội nghị truyền hình nhằm phục vụ kịp thời công tác hội họp trực tuyến bàn giải pháp phòng chống dịch trên địa bàn Tỉnh; máy tính xách tay cho Sở Y tế phục vụ các y bác sỹ trong công tác lấy mẫu, xét nghiệm… 

Đại diện VNPT trao ủng hộ cho Bắc Ninh

 

 

Tại Bắc Giang, sáng ngày 1/6, VNPT Bắc Giang cũng đã trao cho Ủy ban Mặt trận tổ quốc Tỉnh số tiền 1 tỷ đồng của Tập đoàn VNPT ủng hộ Quỹ phòng chống dịch COVID19 của Tỉnh.

Đại diện VNPT trao tặng ủng hộ 1 tỷ đồng cho tỉnh Bắc Giang

Tập đoàn VNPT đã yêu cầu VNPT địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh song hành cùng chính quyền và nhân dân chủ động trong việc cung cấp đường truyền cho các khu cách ly tập trung, lắp hệ thống wifi. Trong đó, tận dụng tối đa nhân lực của đơn vị và vật tư, thiết bị sẵn có trong kho, tập trung toàn lực để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, VNPT thực  hiện sử dụng hệ thống Callbot để hỗ trợ gọi điện tuyên truyền cài đặt ứng dụng Bluezone cho thuê bao di động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

Để giữ vững mạng lưới thông tin liên lạc trong toàn tỉnh phục vụ công tác phòng chống dịch, thực hiện tốt mục tiêu kép: vừa phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe người lao động VNPT hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa phải đảm bảo thời gian xử lý sự cố kịp thời trong các khu cách ly, giảm thiểu tối đa thời gian mất liên lạc truyền dẫn, VNPT đã tiến hành xét nghiệm cho toàn thể CBCNV của mình tại địa bàn tỉnh Bắc Giang

Cùng với Tập đoàn, nhiều đơn vị thành viên của VNPT đã và đang có các chương trình, hành động cụ thể để ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 và ủng hộ kịp thời cho Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ngày 27/5, VNPT Hà Nội đã trao 100 triệu đồng đến Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 với mong muốn góp phần cùng cộng đồng xã hội, ngành Y tế và các lực lượng chống dịch đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh. Hơn thế, là đơn vị chủ lực cung cấp các dịch vụ VT-CNTT trên địa bàn Thủ đô, VNPT địa bàn Hà Nội triển khai nhiều giải pháp Công nghệ thông tin cho các tổ chức và người dân, phục vụ công tác học tập, làm việc trực tuyến. Đơn vị cũng là nhà cung cấp hệ thống phần mềm khám chữa bệnh, quản lý bệnh viện, hệ thống xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tại các bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bưu điện… Đáng chú ý, VNPT Hà Nội cung cấp dịch vụ wifi tại các khu vực cách ly, khu vực các bệnh viện dã chiến cũng như có nhiều chương trình, gói dịch vụ ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch bằng cách giảm đến 50% cước phí và tăng băng thông, đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin phục vụ nhân dân Thủ đô trong mùa dịch.

Cùng ngày 27/5/2021, hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hòa Bình, VNPT địa bàn Hòa Bình đã vận động CBCNV, NLĐ ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hòa Bình. Kết quả đã vận động được gần 40 triệu đồng. Cùng cả nước chung tay chống dịch, VNPT địa bàn các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Cà Mau cũng đã kịp thời ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 bằng rất nhiều hành động thiết thực. Đơn cử như chiều 31/5/2021, VNPT Cà Mau cũng đã trao số tiền 100.000.000 đồng để ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của Tỉnh.

VNPT địa bàn Đồng Nai đã trao tặng 75 ngàn khẩu trang y tế cho Sở Y tế tỉnh Đồng Nai. Đây là toàn bộ số khẩu trang được toàn thể CBCNV VNPT Đồng Nai đóng góp mua để trao cho ngành y tế nói riêng và các cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch trong toàn tỉnh nói chung với mong muốn cùng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Theo Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, 75 ngàn khẩu trang y tế là món quà quý giá đối với ngành Y tế, nhất là trong thời điểm ngành đang khan hiếm các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch như hiện nay.

Chương trình ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 và hướng tới Bắc Ninh, Bắc Giang vẫn đang tiếp tục được các đơn vị thành viên VNPT trên toàn quốc triển khai.

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

“#Thank you, Vietnam!”: Chiến dịch đóng góp xây dựng nhà nhân ái

Tóm tắt: 

Trong những ngày cả nước đang đồng lòng chống dịch, chưa bao giờ mỗi chúng ta lại cảm thấy muốn nói lời cảm ơn đến như vậy.

Hôm nay 27/05/2021 Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng nhà mạng VinaPhone phối hợp tổ chức và công bố, phát động chương trình cùng nhau lan toả triệu lời cảm ơn kèm hastag #ThankyouVN_TWDoan_VinaPhone, nguồn quỹ 5 tỷ sẽ được VinaPhone đóng góp xây dựng 60 căn nhà nhân ái cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trong những ngày cả nước đang đồng lòng chống dịch, chưa bao giờ mỗi chúng ta lại cảm thấy muốn nói lời cảm ơn đến như vậy. Cảm ơn các chiến sĩ nơi biên cương đang ngày đêm canh gác, cảm ơn các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch đang căng mình vì sức khoẻ của người dân, cảm ơn những người hy sinh thầm lặng, nỗ lực chia sẻ và đóng góp hết mình để kiểm soát dịch bệnh…

 Cuộc sống tốt đẹp của mỗi chúng ta được tạo nên bởi sự quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ của người khác. Một lời cảm ơn chân thành sẽ khiến cho con người sát lại gần nhau hơn, xóa nhòa mọi khoảng cách và làm cho xã hội trở lên tốt đẹp hơn. Một xã hội luôn có sẵn việc tốt, người tốt và được lan toả trong cộng đồng thì mọi người sẽ cảm thấy mọi thứ thật gần gũi và yêu thương.

Song đôi khi chúng ta còn ngại ngần nói lời cảm ơn, ngay cả với chính những người thân yêu của mình. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi. Cần phải nói lời cảm ơn ngay với tất cả mọi người đã góp phần tạo nên cuộc sống tươi đẹp của chúng ta hôm nay mà không cần phải đợi một dịp nào đặc biệt cả, theo một cách thật đặc biệt.

 Và “#Thank you, VietNam!” ra đời từ ý tưởng nhân văn đó. Cụ thể, năm 2021 đánh dấu một giai đoạn mới trên chặng đường phát triển của VinaPhone, khi nhà mạng sẽ tròn 25 tuổi vào tháng 6 tới đây. Trên hành trình 25 năm ấy, sự ủng hộ từ khách hàng, cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp VinaPhone xây dựng nên những thành tựu đáng tự hào.

Đó cũng chính là động lực để VinaPhone phối hợp cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động chiến dịch "#Thank you Việt Nam!" với mục đích lan toả sức mạnh của lời cảm ơn để tạo ra những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống và đóng góp 5 tỷ đồng xây dựng 60 căn nhà nhân ái giúp đỡ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. 

Lễ phát động chiến dịch "#Thank you Việt Nam!"

 

Chiến dịch sẽ được diễn ra từ ngày 27/5 đến ngày 30/7/2021. Mỗi cá nhân có thể trở thành một phần của chiến dịch, cùng lan toả văn hoá cảm ơn và góp sức tạo ra những giá trị hữu ích cho xã hội bằng cách đơn giản: đăng tải lời cám ơn gửi tới những người thân yêu và gắn kèm hashtag #ThankyouVN_TWDoan_VinaPhone.

 VinaPhone cũng xây dựng một nền tảng nơi mọi người có thể bày tỏ lời cảm ơn tới những người họ trân quý trong cuộc sống thông qua việc khởi tạo và gửi lời cảm ơn qua tin nhắn hoặc chia sẻ lên mạng xã hội.

Với mong muốn lan toả văn hoá cảm ơn tới tất cả mọi người, khơi dậy những giá trị tốt đẹp, đây là một chiến dịch để mỗi người, mỗi ngày, trao đi và nhận được lời cảm ơn nhiều hơn, để thấy mình có ích và được khích lệ, để lan toả sức mạnh của lời cảm ơn trong cộng đồng.

Những lời cảm ơn chân thành luôn tạo ra cảm xúc tốt đẹp cho người mà bạn yêu thương. Khi chúng ta cùng nhau lan toả triệu lời cảm ơn, nguồn quỹ 5 tỷ đồng sẽ được VinaPhone đóng góp xây nhà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Hãy cùng gửi thông điệp cảm ơn đầy chất riêng của bạn ngay bây giờ tại: http://thankyouvietnam.com.vn/ 

 ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Việt Nam giành hai huy chương vàng Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương

Tóm tắt: 

Sáu thí sinh của Việt Nam đều giành được huy chương tại Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2021. Kỳ thi năm nay được tổ chức theo hình thức thi trực tuyến với 845 thí sinh thuộc 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

Sáu thí sinh của Việt Nam đều giành được huy chương tại Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2021. Kỳ thi năm nay được tổ chức theo hình thức thi trực tuyến với 845 thí sinh thuộc 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

Các học sinh thuộc đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương 2021.

 

Tối 26-5, Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết kết quả đội tuyển quốc gia Việt Nam tại Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương 2021. Cả 6 thí sinh tham gia xét giải đều đoạt huy chương gồm: hai huy chương vàng, một huy chương bạc và ba huy chương đồng. Việt Nam đứng thứ 4/35 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự kỳ thi năm nay. 

Olympic Tin học châu Á Thái Bình Dương năm 2021 được tổ chức theo hình thức thi trực tuyến với 845 thí sinh thuộc 35 nước và vùng lãnh thổ tham gia; Indonesia là nước đăng cai.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 15 thí sinh, thi trực tuyến tại Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 22-5.

Theo quy định của Ban Tổ chức, Việt Nam được chọn 6 thí sinh đạt điểm cao nhất tham gia xét giải. Theo đó, cả 6 thí sinh của Việt Nam tham gia xét giải đều đoạt huy chương chính thức của kỳ thi.

Hai huy chương vàng thuộc về: Lê Quang Huy, lớp 12, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trương Văn Quốc Bảo, lớp 11, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An.

Huy chương bạc thuộc về Hồ Ngọc Vĩnh Phát, lớp 12, Trường THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế.

Các học sinh: Nguyễn Vũ Đăng Huy, lớp 12 Trường PT năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đào Duy Anh, lớp 12, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương; Trần Xuân Bách, lớp 10, Trường THPT chuyên Khoa học Tự  nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội giành huy chương đồng.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐTT, tiếp nối kết quả nổi bật của Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương năm 2021, kết quả Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của học sinh, giáo viên và các nhà trường đã tích cực, chủ động ôn tập, bồi dưỡng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nguồn: Hoa Lê/Báo Nhân dân

https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/viet-nam-gianh-hai-huy-chuong-vang-olympic-tin-hoc-chau-a-thai-binh-duong-647916/

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành