Syndicate content

Chuyển động ngành

Doanh nghiệp di động kêu khó triển khai hạ tầng mạng

Tóm tắt: 

Để mở rộng vùng phủ sóng, một trong những việc mà doanh nghiệp phải làm đó là triển khai lắp đặt hạ tầng trạm thu phát sóng (BTS). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc này luôn vướng phải khó khăn…

Để mở rộng vùng phủ sóng, một trong những việc mà doanh nghiệp phải làm đó là triển khai lắp đặt hạ tầng trạm thu phát sóng (BTS). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc này luôn vướng phải khó khăn…

Nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin di động của người dân Việt ngày càng cao, tính tới thời điểm này, toàn thị trường di động đã có tới hơn 114 triệu thuê bao di động. Nhưng để đáp ứng được nhu cầu liên lạc thông suốt của người dùng, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cái vướng lớn nhất không phải do vấn đề đầu tư thiết bị, triển khai xây dựng mà lại bởi doanh nghiệp đang thiếu sự hợp tác, hỗ trợ của người dân trong việc lắp đặt và đưa vào phát sóng các trạm BTS.

Mới đây, tại một cuộc họp với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông, đại diện VinaPhone đã chia sẻ cái khó của nhà mạng trong việc triển khai mở rộng hạ tầng.

Hiện giờ, những vùng đô thị cần có lưu lượng cao, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM, nơi tập trung nhiều vị trí quan trọng, cao điểm để cung cấp dịch vụ, VinaPhone rất khó khăn trong việc thuê mặt bằng để mở rộng vùng phủ sóng.

Cùng cái khó đó với VinaPhone, theo nhà mạng MobiFone, tại các thành phố lớn và trung tâm, việc lắp đặt trạm 2G vốn đã gặp khó khăn, nhưng khi đưa thêm thiết bị 3G dù kích cỡ nhỏ, người dân vẫn đòi tăng giá hoặc giảm số cột đi.

“Việc lặp đặt 3G hiện tại cũng như sắp tới của doanh nghiệp đã và sẽ gặp nhiều cản trở nếu như không có các chính sách hỗ trợ từ các bộ ngành liên quan” - đại diện của nhà mạng nói.

Trên thực tế, việc gặp khó trong lắp đặt trạm BTS không phải câu chuyện mới. Nhà mạng chia sẻ, ở một số nơi, họ đã gặp phải tình trạng dân bị kích động hoặc do ghen ghét với những nhà có thu nhập từ việc cho thuê lắp đặt, chính vì thế mới gây khó khăn. Cùng với đó là nỗi lo ảnh hưởng tới khoẻ. Đó là lý do khiến nhà mạng khó giải quyết nhất hiện nay.

Các nhà cung cấp dịch vụ cho biết, ngay cả khi doanh nghiệp đưa ra kết quả đo bức xạ sóng điện từ trường của Bộ Y tế, kết quả đo kiểm định công trình viễn thông của Cục Quản lý Chất lượng Thông tin và Truyền thông trong đó nêu rõ các kết quả đo kiểm đều thấp hơn tiêu chuẩn TCVN 3718-1:2005... thì vẫn chưa nhận được sự phối hợp tích cực từ phía người dân và chính quyền địa phương.

Hiện tại, doanh nghiệp cũng phải tính đến việc lắp đặt các trạm BTS ngay trong các tòa nhà cao tầng, các công trình công cộng... để hạn chế việc lắp đặt các trạm BTS tại nhà dân. Nhưng đó vẫn không phải là giải pháp tối ưu nhất, vì nhiều “vùng lõm”, khuất sóng hiện nay lại không phải ở các khu vực nhà cao tầng.

Tính tới thời điểm này cả nước đã có khoảng 50 ngàn trạm thu phát sóng di động BTS, và con số này được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Thực tế này đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp bài toán làm sao có thể quản lý và phát triển BTS được hiệu quả, phát triển mạng lưới lại được cả… lòng dân về vấn đề an toàn sức khoẻ.

Hiền Mai

VNMedia

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Viễn thông di động: Thời hoàng kim sắp qua?

Tóm tắt: 

Các chuyên gia viễn thông cho rằng thời kỳ hoàng kim kéo dài 20 năm qua của lĩnh vực di động đã đi gần đến những ngày cuối cùng.

Các chuyên gia viễn thông cho rằng thời kỳ hoàng kim kéo dài 20 năm qua của lĩnh vực di động đã đi gần đến những ngày cuối cùng.

Ngày dịch vụ thoại của lĩnh vực viễn thông bị khai tử là không còn quá xa? Ảnh minh họa.

Trong vòng 5 năm tới, số lượng kết nối (thuê bao) của các nhà mạng di động trên thế giới sẽ cao hơn khoảng 30%. Nhưng số thuê bao lớn hơn lại không đi kèm với mức doanh thu và lợi nhuận cao hơn bởi đà giảm giá cước đang ngày càng lao nhanh.

Khảo sát mới được công bố hồi đầu tháng 9/2011 của công ty nghiên cứu thị trường và marketing J.D. Power (Mỹ) cho thấy, thời gian gọi điện của người dùng di động Mỹ ngày càng giảm theo từng năm. Có lẽ, đến một lúc nào đó người ta sẽ thay thế câu nói cửa miệng quen thuộc: "Gọi cho tôi theo số...." bằng câu nói "Nhắn vào số di động của tôi". Và nếu tình trạng này tiếp diễn, ngày mà dịch vụ thoại của lĩnh vực viễn thông bị khai tử là không còn quá xa. Bản báo cáo này cho biết, trong nửa đầu năm 2011, trung bình mỗi thuê bao di động Mỹ nghe gọi khoảng 450 phút mỗi tháng, giảm khá sâu so với mức 527 phút của năm 2009. Thay vào đó, mỗi thuê bao gửi – nhận trung bình khoảng 500 SMS mỗi tháng.

Một báo cáo khác của hãng nghiên cứu Nielsen cũng chỉ ra một kết quả tương tự. Qua nghiên cứu thói quen sử dụng di động của giới trẻ (teen), Nielsen nhận thấy trung bình mỗi thuê bao gửi 3.339 SMS và gọi 646 phút mỗi tháng trên di động – giảm khoảng 14% so với thời kỳ 2009 -2010. Có ít nhất 1/4 số thuê bao trẻ tuổi khẳng định họ dần dần chuyển sang hình thức nhắn tin thay vì gọi điện bởi nhắn tin "dễ và nhanh" hơn gọi. Nghiên cứu của dự án PEW cũng khẳng định 73% số người trưởng thành Mỹ cho biết họ chủ yếu dùng điện thoại di động để nhắn tin.

Trong khoảng thời gian 5 năm tới, hầu hết số thuê bao mới của các mạng di động sẽ xuất phát từ các nước đang phát triển. Có điều, tại thị trường này mức cước lại thường khá thấp và đang tiếp tục giảm mạnh trong khi dung lượng thoại cũng "tuột dốc không phanh". Chưa hết, các dịch vụ Internet miễn phí ra đời ngày càng nhiều khiến doanh thu từ mảng dịch vụ dữ liệu dù có tăng nhưng vẫn không đủ bù đắp.

Theo các chuyên gia viễn thông của hãng nghiên cứu Ovum (London, Anh), đến năm 2016, thế giới sẽ có khoảng 7,8 tỷ thuê bao di động – cao hơn 30% so với hiện nay - nhưng tổng doanh thu của toàn ngành sẽ chỉ tăng khoảng 10% lên mức 1.047 nghìn tỷ USD.

Tại các thị trường Tây Âu, thậm chí doanh thu còn giảm từ mức 193 tỷ USD hiện nay xuống còn 186 tỷ. "Chúng ta có thể nói một cách khá chắc chắn rằng ngành công nghiệp viễn thông đã bão hòa và sắp thoái trào", Emeka Obiodu, chuyên gia của Ovum nói. Trong 2 thập kỷ trước, cuộc cách mạng viễn thông di động bùng nổ đã giúp cho tới 6 hãng viễn thông lọt vào top 100 công ty lớn nhất thế giới như Vodafone, Telefónica... Có điều, các nhà mạng của châu Phi, Trung Đông và châu Á Thái Bình Dương với 51% tổng số thuê bao di động toàn cầu sẽ không thể đủ sức tạo ra một cuộc cách mạng thứ 2.

Trong bối cảnh này, mobile Internet không thể làm được gì nhiều thậm chí nó còn dần dần thay thế các dịch vụ thoại truyền thống. Số liệu nghiên cứu ước đoán, doanh thu từ thoại của các nhà mạng sẽ giảm từ mức 69% xuống còn dưới 60% còn doanh thu của mobile Internet lại tăng từ 31% hiện nay lên 40% trong vòng 5 năm tới. Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng dịch vụ thoại qua giao thức Internet (VoIP) mà điển hình là Skype và Viber với khả năng gọi điện miễn phí rất thuận tiện và ngày càng trở nên phổ biến trên môi trường di động, đe dọa trực tiếp đến vùng đất màu mỡ của ngành công nghiệp viễn thông.

"Dù muốn hay không đã đến lúc các nhà mạng cần phải chấp nhận một sự thật là doanh thu từ thoại của họ sẽ bị thay thế bởi doanh thu từ dịch vụ dữ liệu với mức lợi nhuận thấp hơn rất nhiều", chuyên gia Obiodu nói, "Có điều các mạng di động vẫn phải duy trì một ngân sách khá lớn cho các chiến dịch marketing. Họ sẽ phải cạnh tranh với nhau cả về giá cước, về thương hiệu và chất lượng. Đây là một việc làm hơi quá sức khi bầu sữa ngày một cạn hơn".

Trần Du Phong

Theo ICTNews/Telegraph, Wireless Week

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

VNPT trao 10 học bổng cho các thủ khoa CNTT 2011

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Sáng nay 28/9, 10 suất học bổng đặc biệt dành cho thủ khoa và á khoa các trường ĐH thuộc khối A lĩnh vực CNTT ở Hà Nội đã được VNPT trao cho 10 tân sinh viên xuất sắc trong mùa thi năm 2011.

(ICTPress) - Sáng nay 28/9, 10 suất học bổng đặc biệt dành cho thủ khoa và á khoa các trường ĐH thuộc khối A lĩnh vực CNTT ở Hà Nội đã được VNPT trao cho 10 tân sinh viên xuất sắc trong mùa thi năm 2011.

Đây là 10 em học sinh có điểm số thi vào các trường đại học năm 2011 đạt từ 27 điểm trở lên, đặc biệt có nhiều em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhưng các em bằng sự quyết tâm và lòng kiên trì đã vượt lên trên khó khăn để học thành tài.

Đại diện VNPT PGS. TS. Nguyễn Minh Dân và Giám đốc Quỹ khuyến học Phạm Huy Hoàn trao học bổng cho 10 thủ khoa/á khoa

10 gương mặt trẻ tiêu biểu của năm nay có 5 em đến từ các trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, 2 em từ ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), 3 em từ ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Xây dựng và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT).

Mỗi em được VNPT tặng suất học bổng trị giá 10 triệu đồng cùng 01 thẻ Bảo hiểm Phúc học đường của Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) trị giá 20 triệu đồng và 01 USB 3G của Viễn thông Hà Nội thuộc VNPT.

Chương trình trao học bổng cho các thủ khoa đại học là chương trình thường niên nằm trong chuỗi các hoạt động của Chương trình Học bổng khuyến học “VNPT – Chắp cánh tài năng Việt”. Chương trình được tài trợ bởi VNPT, do Báo điện tử VnMedia phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức nhằm trao trực tiếp các suất học bổng đến tay các em học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập hoặc có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên đạt thành tích học tập tốt.

Qua gần 6 năm tổ chức (2006 – 2011), VNPT (đại diện là Báo điện tử VnMedia) đã dành gần 8 tỷ đồng tổ chức trao học bổng cho gần 10.000 em học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi. Với tôn chỉ, mục đích khuyến học khuyến tài, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ của đất nước, chương trình mong muốn giúp đỡ toàn diện về vật chất và tinh thần cho các em trong thời gian học tập, đồng thời định hướng nghề nghiệp cho các em ngay trên ghế nhà trường. Sự hỗ trợ này sẽ chắp cánh tài năng cho các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, là động lực lớn giúp các em học tập tốt, phấn đấu cho ước mơ và hoài bão của mình.

Tham dự buổi lễ trao học bổng Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng chúc mừng và biểu dương sự cố gắng liên tục của VNPT và báo điện tử VNMedia đã tích cực thực hiện các hoạt động xã hội và đặc biệt là các hoạt động đào tạo nhân lực. Những đóng góp này là hết sức ý nghĩa mặc dù trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều thách thức. Thứ trưởng cũng mong muốn các em nhận học bổng sẽ tiếp tục rèn luyện, trang bị kiến thức trong 4 năm học đại học.

Giao lưu tại buổi trao học bổng, tân sinh viên Học viện Công nghệ BCVT Lại Đắc Việt chân thật chia sẻ ước mơ nếu trở thành chuyên gia an ninh mạng em sẽ nỗ lực đưa các hacker mũ đen trở thành các hacker mũ trắng đóng góp cho sự phát triển CNTT của Việt Nam.

10 thủ khoa/á khoa nhận học bổng của VNPT năm 2011:

1. Phạm Mạnh Trường - Thi khối A vào ĐH Bách khoa Hà Nội đạt 29 điểm

2. Phạm Văn Đình - Thi khối A vào ĐH Bách khoa Hà Nội đạt 29 điểm

3. Nguyễn Thanh Tâm - thi khối A vào ĐH Bách khoa Hà Nội đạt 28,5 điểm

4. Trịnh Thanh Hải - Thi khối A vào ĐH Bách khoa Hà Nội đạt 28 điểm

5. Phạm Ngọc Quân - Thi khối A vào ĐH Bách khoa Hà Nội đạt 28 điểm

6. Chu Văn Tạo - Thi khối A vào Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội đạt 29 điểm

7. Đậu Đình Nghĩa - Thi khối A vào Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội đạt 28 điểm

8. Nguyễn Văn Kỳ - Thi khối A vào ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội đạt 28 điểm

9. Đặng Công Việt - Thủ khoa ĐH Xây dựng đạt 28 điểm

10. Lại Đắc Việt - Á khoa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Mai Vân

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Liên doanh Nga - Việt trong lĩnh vực CNTT đi vào hoạt động

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Ngày 29/9/2011 tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Chíp Sáng và Ashmanov được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam.

(ICTPress) - Ngày 29/9/2011 tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Chíp Sáng và Ashmanov được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam.

Triển khai các kế hoạch đã được trình bày cách đây 1 năm tại Bộ Thông tin và Truyền thông về các giải pháp trong lĩnh vực an ninh thông tin, chủ quyền số quốc gia, tổng hợp và phân loại tin tức…, công ty Cổ Phần Ashmanov & Partners (CHLB Nga) và công ty Cổ Phần Chíp Sáng (Việt Nam) đã tích cực xúc tiến việc thành lập một liên doanh để thực hiện các kế hoạch và giải pháp này tại thị trường Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ TT&TT và lãnh đạo của công ty Ashmanov và công ty Chíp Sáng

Ngày 29/9/2011 tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Chíp Sáng VÀ Ashmanov (Tên tiếng Anh: Chipsang & Ashmanov Co., Ltd, Tên viết tắt: Công ty TNHH CSA) được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam với hình thức liên doanh giữa hai thành viên là Công ty Cổ phần Chíp Sáng và Công ty Cổ phần Ashmanov & Partners (CHLB Nga).

Hoạt động chính của Công ty bao gồm: Nghiên cứu, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Thiết kế, phát triển phần mềm, cung cấp các giải pháp, dịch vụ, sản phẩm công nghệ thông tin, viễn thông và thương mại điện tử; Đại lý phân phối các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông…

Với thế mạnh về công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Công ty đặt mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu tại thị trường Đông Nam Á với các giải pháp và dịch vụ độc đáo như: Giải pháp lọc web theo nội dung; Dịch vụ tối ưu hóa tìm kiếm SEO; Giải pháp tổng hợp và phân loại tin tức; Dịch vụ Marketing theo ngữ cảnh; Giải pháp Người đối thoại ảo.

Giải pháp lọc web theo nội dung của Công ty với những ưu điểm vượt trội so với các giải pháp lọc truyền thống theo “từ khóa”, theo “danh mục web đen” sẽ là một công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ truy cập mạng, các doanh nghiệp, các đơn vị giáo dục, đào tạo trong việc quản lý truy cập, bảo đảm môi trường Internet “sạch”  cho các đối tượng như khách hàng sử dụng Internet, sinh viên, học sinh, nhân viên văn phòng  v.v…

Các giải pháp, dịch vụ của Công ty trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến như Dịch vụ tối ưu hóa tìm kiếm, Giải pháp tổng hợp và phân loại tin tức, Dịch vụ Marketing theo ngữ cảnh chắc chắn sẽ là lựa chọn tốt, tối ưu cho các doanh nghiệp quan tâm đến quảng cáo trên mạng Internet.

QM

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Xây dựng định mức hỗ trợ các trạm BTS đảo Trường Sa và các đảo xa bờ

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách và định mức hỗ trợ cho các trạm BTS đảo Trường Sa và các đảo xa bờ trong Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn 2011-2015.

(ICTPress) - Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách và định mức hỗ trợ cho các trạm BTS đảo Trường Sa và các đảo xa bờ trong Chương trình cung cấp dịch vụ Viễn thông công ích (VTCI) giai đoạn 2011-2015.

Ngày 22/9/2011, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6619 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc Bộ TT&TT đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho cá nhân, hộ gia đình của Chương trình cung ứng dịch vụ VTCI giai đoạn 2006 - 2010.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý cho phép sử dụng nguồn kinh phí giai đoạn 2006 - 2010 để tiếp tục thực hiện hỗ trợ kinh phí duy trì thuê bao điện thoại cố định cho cá nhân, hộ gia đình thuộc khu vực 3 và khu vực 2 vùng viễn thông công ích từ ngày 1/1/2011 cho đến khi Chương trình VTCI giai đoạn 2011 - 2015 được phê duyệt.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ TT&TT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách và định mức hỗ trợ cho các trạm BTS đảo Trường Sa và các đảo xa bờ cũng như mạng thông tin chuyên dùng phục vụ phòng chống thiên tai để thực hiện trong Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn 2011-2015.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các quy định về tài chính, Bộ TT&TT chỉ đạo Quỹ VTCI Việt Nam và các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc thu nộp các khoản đóng góp và quản lý quỹ theo đúng quy định.

Ra đời trong bối cảnh viễn thông ở nước ta phát triển nhanh nhưng mức độ phổ cập dịch vụ còn thấp và không đồng đều, Chương trình Cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn 2006-2010, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg ngày 7/4/2006 (gọi tắt là Chương trình 74), nhằm mục đích tăng mức độ phổ cập dịch vụ viễn thông tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Tính đến nay, sau 5 năm triển khai, mật độ điện thoại ở các địa phương thuộc vùng được cung cấp dịch vụ VTCI đạt khoảng gần 16 máy/100 dân, vượt xa mục tiêu là 5 máy/100 dân. 40% số hộ dân trong vùng công ích có điện thoại cố định; 97% số xã có điểm truy nhập điện thoại công cộng, trừ một số xã mới được tách, thành lập...

Dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình cung ứng dịch vụ VTCI giai đoạn 2011-2015 đã được Bộ TT&TT hoàn thành và trình lên Thủ tưởng Chính phủ vào ngày 29/7/2011.

Linh Hoàng

Ảnh: 
File đính kèm: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Sắp khai trương trang mạng xã hội việc làm ICT

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Dự kiến trang mạng xã hội việc làm này sẽ công bố phiên bản tiếng Việt vào tháng 10.

(ICTPress) - Dự kiến trang mạng xã hội việc làm này sẽ công bố phiên bản tiếng Việt vào tháng 10.

Theo Business Monitor International (BMI) 2011, thị trường CNTT Việt Nam được dự báo phát triển với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 12% trong giai đoạn 2011-2015. Trong khi đó, Cơ quan thương mại Pháp Ubifrance 2011 dự báo nguồn nhân lực cho thị trường CNTT và viễn thông Việt Nam là 250.000 kỹ sư CNTT chuyên nghiệp vào năm 2010. Năm 2020, Việt Nam được dự báo cần tới 1.000.000  kỹ sư, trong đó lĩnh vực phần cứng, phần mềm và nội dung số cần 75.000 tuyển dụng/năm.

Thị trường CNTT và công nghệ số phát triển nhanh, bạn cần công cụ để tìm người nhanh hơn và hiệu quả hơn. Worketer là một ứng dụng web xã hội, nơi gặp gỡ những chuyên gia và các cơ hội trong lĩnh vực CNTT/số. Mới đây, tại Hội thảo “Thách thức và triển vọng phát triển CNTT trong doanh nghiệp ở Việt Nam: Cơ hội hợp tác thương mại Pháp - Việt”, Worketer đã giới thiệu trang mạng xã hội việc làm ICT rất đáng chú ý. Dự kiến trang mạng xã hội việc làm này sẽ công bố phiên bản tiếng Việt vào tháng 10.

Worketer - kết nối những việc làm ICT

Trang web việc làm Worketer được xây dựng như là một mạng xã hội về việc làm chuyên ngành CNTT và số (bao gồm phần cứng, phần mềm, dịch vụ và nội dung số). Do đó các nhà tuyển dụng và những người tìm việc cùng xuất phát điểm và có thể tự liên lạc với nhau nhanh chóng. Ứng dụng của worketer làm cho việc tuyển dụng và tìm kiếm các cơ hội việc làm dễ dàng hơn.

Người đồng sáng lập Worketer, ông Nathanaël Lamelliere cho biết: “Những tài năng” (các chuyên gia, sinh viên, người đang đi tìm việc) có thể tạo một danh mục rõ ràng liệt kê các kỹ năng và khả năng liên quan đến lĩnh vực CNTT/số. Chúng tôi xây dựng Worketer với mục tiêu trở thành từ điển năng lực có xu hướng mở rộng. Từ điển năng lực này liên quan đến hoạt động trên mạng là một cách tốt để xem xét các xu hướng nghề nghiệp (loại việc làm mới nào nổi lên, các kỹ năng cần thiết trên thị trường…).

Worketer.com hiện nay đã được dịch sang tiếng Việt. Do đó các công ty và chuyên gia lĩnh vực ICT thực sự được chào mừng tham gia trang mạng này, đây là cơ hội để tiệm cận dễ dàng các chuyên gia họ muốn liên lạc. Khác với các trang web nối mạng chuyên nghiệp hiện nay, worketer là một ứng dụng giàu, web toàn diện cho riêng lĩnh vực chuyên ngành.

Ở Pháp, Worketer đã có trải nghiệm tốt. Worketer đã được công nhận trên thị trường như là một mạng sáng tạo và chuyên nghiệp. Hiện Worketer ở Pháp có 5000 chuyên gia và 700 nhà tuyển dụng trên mạng. Cơ sở dữ liệu đang phát triển rất nhanh với phiên bản mới.

Khác với các trang nối mạng nghề nghiệp hiện nay

Worketer là một ứng dụng web thời gian thực dành riêng cho tuyển dụng và cộng tác. Worketer không hẳn là một trang web mà là một ứng dụng web nhiều chức năng và đặc điểm (cộng tác với các đồng nghiệp của bạn, quản lý cùng với đồng nghiệp về việc đăng tải việc làm và trang nghề nghiệp của công ty bạn, chia sẻ các thông tin và ghi chú hồ sơ). Thời gian thực có nghĩa là tất cả các trao đổi, thông báo và cảnh báo “trực tiếp”, nếu bạn kết nối, bạn sẽ lập tức nhận được một thông điệp hoặc một thông báo. Vì đây là một ứng dụng thời gian thực, có chức năng chat web cho phép người sử dụng (là ứng cử viên hay nhà tuyển dụng) có thể liên lạc bằng chat.

Worketer chuyên về các lĩnh vực CNTT, Internet và số, do đó khác với các trang web kết nối nghề nghiệp phổ biến trên toàn cầu. Do đó tất cả các tương tác trên Worketer là tương tác hữu ích, không “nhiễu” vì bạn có thể thử nghiệm nhiều hơn trên các trang mạng xã hội.

Nathanaël Lamelliere tin tưởng các sinh viên Việt Nam, các chuyên gia tương lai và hiện nay đã sẵn sàng trên thị trường làm việc và các công ty cần một công cụ như Worketer để đối mặt với các thách thức của tăng trưởng CNTT bùng nổ ở Việt Nam.

 HN

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

“Thăng Long Data Center - Trung tâm dữ liệu hiện đại nhất Việt Nam”

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Thăng Long Data Center hiện là lựa chọn số một của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản như Honda, Sumitomo, Toyota... tại Việt Nam cũng như nhiều tổ chức tài chính, viễn thông lớn như VNPT, Prudential...

(ICTPress) - Thăng Long Data Center hiện là lựa chọn số một của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản như Honda, Sumitomo, Toyota... tại Việt Nam cũng như nhiều tổ chức tài chính, viễn thông lớn như VNPT, Prudential...

Đánh giá cao mô hình hợp tác giữa VNPT và NTT để có được một trung tâm dữ liệu hiện đại nhất Việt Nam hiện nay và công nghệ của công ty GDS trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nền công nghiệp CNTT Việt Nam” là kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác chính phủ đã đến thăm và làm việc với cán bộ, nhân viên Trung tâm dữ liệu Thăng Long (Thăng Long Data Center) - Công ty Cổ phần Dịch vụ Số liệu Toàn cầu (GDS) sáng nay 20/9/2011.

Tham gia đón đoàn có Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) Vũ Tuấn Hùng và Tổng Giám đốc liên doanh GDS Koichiro Otaki cùng toàn thể cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên của công ty GDS.

Giám đốc và chuyên gia kỹ thuật GDS giới thiệu với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về các thiết bị hiện đại trong Trung tâm dữ liệu

Trung tâm dữ liệu Thăng Long là kết quả hợp tác giữa tập đoàn VNPT và Tập đoàn viễn thông lớn nhất Nhật Bản, NTT. Là một trong những trung tâm dữ liệu hàng đầu Việt Nam hiện nay, Thăng Long Data Center ứng dụng công nghệ hiện đại của NTT Nhật Bản, đạt chuẩn khắt khe nhất Tier 3-TIA 942 của thế giới, đảm bảo vận hành trung tâm dữ liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác đã thăm quan trung tâm và đặc biệt ấn tượng với hệ thống bảo vệ an toàn, an ninh dữ liệu với 4 lớp từ ngoài vào trong, hệ thống máy nổ công suất lớn, UPS đảm bảo trung tâm dữ liệu luôn hoạt động ổn định ngay cả trong những ngày nguồn điện lưới bị cắt luôn phiên trong khu vực.

Data Center (DC) đã là một khái niệm trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp ứng dụng CNTT vào các hoạt động kinh doanh. Dịch vụ DC ngày càng được các doanh nghiệp sử dụng nhiều do tính khả dụng cao, không tiêu tốn vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tăng giảm quy mô theo nhu cầu, không phải thuê nhân viên vận hành khai thác…

Thăng Long Data Center hiện là lựa chọn số một của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản như Honda, Sumitomo, Toyota... tại Việt Nam cũng như nhiều tổ chức tài chính, viễn thông lớn như VNPT, Prudential...

Ông Koichiro Otaki, Giám đốc công ty GDS cảm ơn sự quan tâm của chính phủ Việt Nam đối với liên doanh GDS nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và khẳng định cam kết công ty sẽ đem đến các dịch vụ dữ liệu chất lượng cao nhất phục vụ phát triển ngành ICT và nền kinh tế Việt Nam, phục vụ lợi ích chung cho xã hội, góp phần thắt chặt quan hệ hai nước Việt Nam, Nhật Bản.

Linh Hoàng

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

45 năm - Viện nghiên cứu đầu ngành về BCVT và CNTT

Tóm tắt: 

(ICTPress) - 45 năm qua Viện KHKT Bưu điện luôn phát triển và trưởng thành, xứng đáng là Viện nghiên cứu đầu Ngành về Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin của đất nước.

(ICTPress) - 45 năm qua Viện KHKT Bưu điện luôn phát triển và trưởng thành, xứng đáng là Viện nghiên cứu đầu Ngành về Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin của đất nước.

Sáng nay 17/9, Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) thuộc VNPT đã long trọng kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Viện và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất tại Hà Nội. Đến dự có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW Nguyễn Bắc Son; Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai; Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về Công nghệ thông tin kiêm Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia GS. TSKH. Đỗ Trung Tá, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT Phạm Long Trận, lãnh đạo của Ngành, của Viện cùng các cán bộ công nhân viên của Viện qua các thời kỳ.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho lãnh đạo Viện

Đúng ngày này cách đây 45 năm, ngày 17/9/1966, Viện nghiên cứu khoa học Kỹ thuật Bưu điện Truyền thanh được thành lập theo quyết định số 180/CP của Hội đồng Chính phủ - tổ chức tiền thân của Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện ngày nay. Trải qua những thăm trầm thay đổi tổ chức và nhiệm vụ, 45 năm qua Viện luôn phát triển và trưởng thành, xứng đáng là Viện nghiên cứu đầu Ngành về Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin của đất nước.

Hình ảnh các lãnh đạo được Chính phủ bổ nhiệm đã có thời gian công tác tại Viện được trưng bày tại Lễ kỷ niệm

Viện trưởng Viện KHKT Bưu điện Nguyễn Kim Quang cho biết 45 năm xây dựng và trưởng thành của Viện gắn liền với xây dựng và phát triển của đất nước của Ngành qua 4 thời kỳ: Phục vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam (1966 - 1975), Thống nhất đất nước, xây dựng cơ sở vật chất, quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên cả nước (1976 - 1985), Đất nước bắt đầu đổi mới và thực hiện chiến lược tăng tốc, hiện đại hóa ngành Bưu điện (1986 - 1996) và Thực hiện chiến lược tăng tốc giai đoạn II của Ngành trong mô hình gắn kết nghiên cứu với đào tạo - sản xuất kinh doanh để Hội nhập và Phát triển (1997 - 2011).

Trong số hàng nghìn đề tài nghiên cứu của Viện trong 45 năm qua và trong khuôn khổ này xin điểm những nghiên cứu khoa học nổi bật của các thế hệ cán bộ của Viện đi cùng với chiều dài phát triển của đất nước và của Ngành: Trong giai đoạn 1966 – 1975, Viện đã tham gia nghiên cứu phá bom từ trường và thủy lôi ở Vịnh Bắc Bộ bằng phương án điều khiển tàu không người lái T5 có ý nghĩa quan trọng trong quân sự, đảm bảo giao thông (1967 – 1972); chế tạo và lắp đặt hệ thống đạp cò súng cao xạ tự động bắn đồng loạt và hệ thống tăng âm chỉ huy ở các cụm pháo Phòng không (Trung đoàn 234) để bảo vệ Trung ương và Chính phủ; thiết kế, chế tạo bảo mật điện thoại BM-01, BM-02 dựa trên nguyên lý đảo phổ chuyển giao cho quân đội để phục vụ các chiến dịch, nhằm bảo mật cuộc gọi, nâng cao chất lượng thông tin, giảm bớt tạp âm và độ méo.

Năm 1984, Viện chủ trì biên soạn “Chiến lược khoa học kỹ thuật ngành thông tin liên lạc đến năm 2000”. Qua đó, Viện đã đưa ra tư tưởng chiến lược “Bỏ qua trung gian, đi thẳng vào hiện đại. Tư tưởng này đã được Ngành chấp nhận. Đó là một đóng góp quan trọng của Viện vào sự nghiệp phát triển toàn Ngành.

Trong giai đoạn 1986 – 1990, Viện tập trung nghiên cứu các vấn đề lớn có tầm vĩ mô như xây dựng mạng viễn thông quốc gia thuộc Chương trình Nhà nước KC-01. Trong các năm 2001 – 2005, Viện đã tham gia các dự án “Hệ thống chuyển mạch tập trung cho Tổng công ty trên 62 tỉnh, thành phố”, Thiết lập đường truyền số liệu tốc độ cao chuyên dùng cho các cơ quan Đảng và Chính phủ”. Các năm 2006 – 2011, Viện thực hiện 2 đề tài cấp Nhà nước, 146 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, 115 đề tài, nghiệm vụ cấp tập đoàn… Năm 2010, Viện đóng góp gần 30% doanh thu nghiên cứu khoa học của Học viện.

Những thành tích vẻ vang của Viện đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Ngành, Tập đoàn ghi nhận và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì (1991), Huân chương Lao động hạng Nhất (1996), Huân chương Độc lập hạng Ba (2001), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2006) và hôm nay Viện vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Ghi nhận những thành quả của Viện tại buổi Lễ, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu “Có được thành tích hôm nay là do công sức, sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của các thế hệ cán bộ công nhân viên của Viện. Viện KHKT Bưu điện đã xây dựng được một đội ngũ khoa học công nghệ đầu đàn với những công trình, đề tài nghiên cứu được triển khai thực tiễn trên mạng lưới của toàn ngành. Hoạt động nghiên cứu của Viện 100% theo đặt hàng của Tập đoàn và các doanh nghiệp – đây là một kết quả đáng ghi nhận của quá trình biến thành quả nghiên cứu khoa học, thành lực lượng sản xuất trực tiếp tại doanh nghiệp”.

Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT PGS. TS. Hoàng Minh cho biết Học viện đã lấy ngày 17/9 hàng năm là Ngày Truyền thống của Học viện. Trong thời gian tới, Học viện cùng với Viện sẽ phát triển hơn nữa, thành lập các phân viện đào tạo thương hiệu Học viện tại các trung tâm kinh tế - xã hội của đất nước và thúc đẩy hợp tác quốc tế làm đòn bẩy quan trọng cho hoạt động nghiên cứu, gia tăng sức cạnh tranh của Học viện, tiến tới thành lập cơ sở đào tạo tại nước ngoài.

Ngọc Khánh

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Trung tâm nguồn lực CNTT&TT Việt - Ấn đào tạo cả khối báo chí

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Trung tâm còn đào tạo cho 21 cơ quan báo chí của TP. Hà Nội (13 cơ quan báo in, 7 tạp chí và 1 đài truyền hình)

(ICTPress) - Trung tâm còn đào tạo cho 21 cơ quan báo chí của TP. Hà Nội (13 cơ quan báo in, 7 tạp chí và 1 đài truyền hình)

Ngày 16/9, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội và Đại sứ quán Ấn Độ đã tổ chức khai trương Trung tâm nguồn lực chất lượng  cao công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) Việt Nam - Ấn Độ (India - Vietnam ARC-ICT) sau hơn 1 năm triển khai. Tới dự và cắt băng khánh thành có Bộ trưởng Bộ ngoại giao Ấn Độ S.M.Krishna, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, đại diện Bộ ngoại giao, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam.

Trung tâm nguồn lực chất lượng cao CNTT&TT Việt Nam - Ấn Độ là công trình đầy ý nghĩa mà Chính phủ Ấn Độ trao tặng cho nhân dân Việt Nam hướng tới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trung tâm có trụ sở tại số 1 Hoàng Đạo Thúy - Hà Nội.

Dự án có tổng số vốn đầu tư hơn 57 tỷ đồng được triển khai từ tháng 7/2010 với các thiết bị đồng bộ hiện đại bao gồm 6 phòng thực hành (lab) gồm phòng mạng dữ liệu và Phần mềm hệ thống, Phòng máy chủ trực tuyến và Trung tâm dữ liệu, Phòng khoa học máy tính và Công nghệ Java, Phòng Công nghệ Web và cổng thông tin điện tử, Phòng học trực tuyến và Thư viện số, Phòng Giải pháp chính phủ điện tử. Thư viện của Trung tâm có trên 11.000 đầu sách tham khảo và giáo trình, CD, DVD và thư viện số trực tuyến.

Phát biểu tại Lễ khai trương, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu cán bộ Trung tâm tiếp tục học hỏi và tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia nước bạn về khoa học kỹ thuật nhằm nhanh chóng vận hành hoạt động có hiệu quả, đáp ứng tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn lực CNTT cho thành phố, đồng thời nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tiên tiến về CNTT  và viễn thông vào công tác đào tạo và triển khai ứng dụng.

Đối tượng đạo tạo là giảng viên CNTT tại một số trường đại học, các cán bộ chuyên trách về CNTT của các sở, ban ngành, UBND quận, huyện thị xã và các cơ quan đoàn thể chính trị xã hội của Hà Nội; các tổng công ty như: Đầu tư và phát triển nhà, Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị, Du lịch, Thương mại, Vận tải Hà Nội các đối tượng quan tâm đến lĩnh vực Thông tin và Truyền thông… Đặc biệt, Trung tâm còn đào tạo cho 21 cơ quan báo chí của TP. Hà Nội (13 cơ quan báo in, 7 tạp chí và 1 đài truyền hình).

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2011, Trung tâm sẽ tổ chức 4 khóa đào tạo cho đối tượng là cán bộ chuyên trách về CNTT thuộc các sở, ban, ngành,UBND quận huyện, thị xã của Hà Nội. Khóa học này được trực tiếp các chuyên gia Ấn Độ giảng dạy và cấp cứng chỉ của Trung tâm Phát triển điện toán tiên tiến Ấn Độ (C- DAC).

Mai Vân

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Giảm phí, tên miền ".vn" tăng mạnh

Tóm tắt: 

Chỉ sau hơn 6 tháng thực hiện giảm lệ phí tên miền từ 20% cho đến 98%, số lượng tên miền đăng ký mới đã tăng khoảng hơn 30% so với tổng số tên miền đăng ký mới của cả năm 2010.

Việc giảm lệ phí tên miền từ 20% cho đến 98% góp phần không nhỏ trong việc gia tăng lượng đăng ký tên miền ".vn". Chỉ sau hơn 6 tháng thực hiện, số lượng tên miền đăng ký mới đã tăng khoảng hơn 30% so với tổng số tên miền đăng ký mới của cả năm 2010.

Tên miền cấp 2 tăng mạnh nhất

Kể từ ngày 10/1/2011, theo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí cấp phép, quản lý tên miền, địa chỉ Internet của Việt Nam mà Bộ Tài chính ban hành, lệ phí cấp và duy trì tên miền ".vn" sẽ giảm từ 20% đến cao nhất tới 98% so với biểu phí hiện tại. Với các tên miền cấp hai, lệ phí cấp mới sẽ giảm từ 450.000 đồng xuống còn 350.000 đồng, phí duy trì tên miền (được thu hàng năm) sẽ giảm từ 600.000 đồng xuống 480.000 đồng. Đặc biệt, lệ phí tên miền cấp 3 ".name.vn" được giảm cao nhất tới 98%, chỉ còn 30.000 phí cấp mới và 30.000 đồng với phí duy trì hàng năm.

Biểu đồ phát triển tên miền .vn theo năm

Sau 6 tháng thực hiện Thông tư, số lượng tên miền truyền thống phát triển rất tốt, ổn định và đảm bảo công tác quản lý nhà nước. Tính đến hết tháng 8/2011, 51.124 tên miền ".vn" truyền thống đã được đăng ký mới, tăng khoảng 30% so với tổng số tên miền phát triển trong cả năm 2010 và nâng tổng số tên miền lên tới số lượng 160.338 (tính đến 25/8).

Bà Vũ Thị Huyền, Trưởng phòng Dữ liệu trực tuyến thuộc Công ty Cổ phần Viễn thông Quốc tế FPT cho biết, sau khi VNNIC công bố giảm lệ phí cấp và duy trì tên miền, mức tăng chung về số lượng đăng ký mới tên miền .vn là khoảng hơn 25%. Do đối tượng khách hàng của FPT chủ yếu là các doanh nghiệp nên loại tên miền ".com.vn" và ".vn" vẫn được khách hàng tin dùng và lựa chọn nhiều nhất so với các loại tên miền ".name.vn".

Còn theo đại diện của VDC Online, số lượng tên miền đăng ký mới trong 2 quý đầu năm lên gần 2.000 tên miền, tăng khoảng 21% so với 2 quý cuối năm 2010. Trong đó tăng nhiều nhất là số lượng tên miền cấp 2 ".vn" (tăng hơn 10%), sau đó là tên miền ".com.vn" tăng 6%, và "net.vn" tăng 3%.

Tên miền ".vn" ngày càng giá trị

Theo ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), việc giảm chi phí để kích cầu là một phần nguyên nhân tác động đến việc tăng số lượng đăng ký tên miền ".vn". Người dùng cũng đã thấy được sự hỗ trợ của nhà nước trong việc giảm phí và nhìn nhận được giá trị của tên miền ".vn" như được pháp luật bảo vệ, an toàn, yên tâm hơn...

Chính vì thế, số lượng người sử dụng đăng ký tên miền ".vn" đã có sự gia tăng đáng kể (cao hơn từ 1/3 đến 1/4 ) so với đăng ký tên miền quốc tế, thay vì thấp hơn như trước kia. "Cán cân tên miền đã có sự cân bằng và đưa về giá trị thực của nó", ông Tân cho biết thêm.

Bà Huyền cho rằng, việc giảm lệ phí giúp cho khách hàng có cơ hội lựa chọn được nhiều tên miền hơn và việc đăng ký nhiều năm cũng thuận lợi hơn trước. Ví dụ trước đây khách hàng chỉ đăng ký duy trì 1 năm, năm sau tiếp tục nộp phí nhưng nay họ có thể quyết định duy trì luôn 3 năm vì giá tên miền đã rẻ hơn nhiều. Chính sách giảm lệ phí tên miền giúp tăng số lượng tên miền quốc gia được đăng ký, góp phần phát triển Internet và thương mại điện tử tại Việt Nam. Khối khách hàng có nhu cầu lớn là các doanh nghiệp mới đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Cùng quan điểm với bà Huyền, đại diện VDC Online khẳng định chính sách hạ chi phí đăng ký và duy trì tên miền quốc gia được khá nhiều khách hàng hoan nghênh. Mặc dù vậy, VDC Online cũng mong nhận được những chính sách tốt hơn cho các khách hàng cũng như sự hỗ trợ truyền thông dịch vụ này từ VNNIC, bởi vì ngoài doanh thu, các yếu tố quan trọng khác bao gồm sự cân bằng với giá cả chung của thế giới cũng là một điều quan trọng cho người dân tiếp cận và sử dụng nhiều hơn. Giá cả hợp lý cũng sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng cũng như giảm thiểu các chi phí cần thiết trong kinh doanh. Quan trọng hơn, khi tên miền ".vn" được sử dụng càng nhiều thì thương hiệu của quốc gia Việt Nam cũng sẽ được quảng bá nhiều hơn ra thị trường quốc tế thông qua các hoạt động thương mại trên Internet.

Sẽ tiếp tục giảm phí tên miền

Các đại lý đăng ký tên miền cho biết, nhiều khách hàng cũng thể hiện mong muốn tên miền quốc gia Việt Nam có thể miễn phí lệ phí ban đầu giống như các tên miền khác trên thế giới đang áp dụng như tên miền Mỹ (.us), tên miền Trung Quốc (.cn), tên miền Anh Quốc (.co.uk, .org.uk...)...

Về vấn đề này, theo ông Tân, việc thu phí cũng là một cách để quản lý thông tin đăng ký, buộc người dùng có trách nhiệm hơn khi khai báo thông tin chứ không đơn thuần chỉ xét trên khía cạnh kinh tế. Điều đó đã thể hiện qua việc đăng ký thông tin trên tên miền ".vn" nghiêm túc hơn rất nhiều so với tên miền quốc tế.

Trên cơ sở việc ý thức người sử dụng tên miền ".vn" tăng lên mà chúng ta đã có sự giảm lệ phí tên miền như trong thời gian qua. "Việc giảm lệ phí sẽ tiếp tục được thực hiện theo lộ trình", ông Tân khẳng định.

Nguyễn Khiêm

Theo ICTNews

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành