Syndicate content

Chuyển động ngành

TLC năm thứ 11 đứng trong bảng vinh danh VNR500

TLC năm thứ 11, tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng thường niên VNR do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report - VNR) tổ chức. Lễ vinh danh VNR500 nhằm công bố và trao giải thưởng cho Top 500 doanh nghiệp (DN) lớn Việt Nam.

TLC năm thứ 11 đứng trong bảng vinh danh VNR500

Bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report phỏng theo mô hình Fortune 500. Các nghiên cứu chuyên sâu đi theo tiêu chí đánh giá chi tiết về thành tựu, doanh thu và lợi nhuận của các DN trong năm đó. Bởi vậy bảng xếp hạng VNR500 của Vietnam Report sẽ là kim chỉ nam giúp tôn vinh những DN đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Song song với việc công bố danh sách DN lớn, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng 500 DN tư nhân lớn Việt Nam năm 2019.

Được thành lập vào tháng 8/2000, với bề dày hoạt động hơn 20 năm, Công ty TMQT Thủy Linh (TLC) đã trở thành nhà phân phối hàng đầu trong lĩnh vực giải pháp thiết bị CNTT tại Việt Nam. Những sản phẩm, thiết bị, phụ kiện công nghệ thông tin do TLC phân phối được lựa chọn để đảm bảo tối ưu nhất về hiệu quả, chất lượng cao đi kèm với chi phí hợp lý nhất. Hiện TLC đang là nhà phân phối chính hãng của các thương hiệu uy tín hàng đầu toàn cầu: Gigabyte, Intel, Microsoft, Dell, HP, Samsung, Seagate, Geil, Kingmax, Antec, BenQ, Kasda, …

Dù năm 2020 là một năm khá sóng gió với toàn bộ các DN Việt Nam do các thách thức từ COVID-19 và thiên tai bão lũ, nhưng TLC vẫn tiếp tục vinh dự nằm trong bảng xếp hạng Top 500 của Vietnam Report (VNR500). Với nhiều thành tựu đổi mới và phát triển bền vững, tạo hệ sinh thái lành mạnh về CNTT, năm 2020, TLC đã được thăng hạng cao hơn rất nhiều so với các năm trước đó và cũng là năm thứ 11 nhận xếp hạng VNR500.

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Bích Thủy, Phó Tổng Giám đốc TLC chia sẻ: "Đại diện cho Công ty TMQT Thuỷ Linh, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả Quý Đại Lý, Đối tác. Cũng xin gửi lời cảm ơn đến toàn thể cán bộ nhân viên Thuỷ Linh và các bạn bè gần xa đã luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ  thách thức, khó khăn cùng Nhà phân phối Thuỷ Linh. Với tôn chỉ ‘Cùng đối tác đi đến thành công’, chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện mình, luôn cầu thị, nâng cao chất lượng để mang đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất phục vụ khách hàng chung của chúng ta. Sự thành công của đối tác chính là sự thành công của TLC. Tự hào vì được vinh danh, TLC xin được gửi lời tri ân sâu sắc tới toàn thể quý vị”.

“Vị trí vững vàng liên tục nhiều năm trong bảng xếp hạng VNR500 đã khẳng định uy tín của TLC trong lĩnh vực phân phối công nghệ. TLC cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, đồng thời nỗ lực hợp tác toàn diện hơn nữa cùng Quý đối tác, Quý đại lý... Sự tôn vinh của VNR500 chính là động lực để TLC có thể vững vàng hơn thực hiện những kỳ vọng và cơ hội mới cùng quý vị đối tác",  ông Nguyễn Anh Linh, Tổng Giám đốc TLC nhấn mạnh.

ND

Sóc Trăng sẽ thí điểm chuyển đổi số cấp huyện đầu tiên trên toàn quốc

Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã thống nhất lựa chọn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng để thí điểm chuyển đổi số (CĐS) cấp huyện.

Chiều ngày 4/1/2021, Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Sóc Trăng về CĐS để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương này trong giai đoạn tới. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì buổi làm việc.

Buổi làm việc trực tuyến đến tận cấp xã

Kiến nghị đề xuất CĐS cấp huyện

Tại Hội nghị, UBND tỉnh Sóc Trăng đã thông tin về kết quả thực hiện xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) và định hướng CĐS tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025 phát triển chính quyền số, năng cao hiệu lực hoạt động.

Đến năm 2030, Sóc Trăng đặt mục tiêu cơ bản phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, trong đó, hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng Internet kết nối vạn vật (loT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN), tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, DN; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Sóc Trăng cũng đặt mục tiêu phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế với chỉ tiêu kinh tế số chiếm 20% GRDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 20%; Năng suất lao động hàng năm tăng 8%; Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số; Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%.

Để đạt được sự phát triển đột phá, Sóc Trăng kiến nghị Bộ TT&TT chọn tỉnh Sóc Trăng thực hiện thí điểm CĐS cho một huyện trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ xây dựng Đề án CĐS cho tỉnh Sóc Trăng. Các DN TT&TT hỗ trợ nguồn lực cho tỉnh Sóc Trăng thực hiện chương trình CĐS.

Sóc Trăng cũng đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ tỉnh sớm thực hiện CĐS ở một số ngành, lĩnh vực mà Sóc Trăng có tiềm năng, thế mạnh như: nông nghiệp (sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản, trái cây, hành tím, các sản phẩm OCOP), du lịch; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, khả năng tiếp cận, gia nhập thị trường trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh CĐS trong du lịch, nông nghiệp

Với kiến nghị hỗ trợ Sóc Trăng xây dựng Chương trình CĐS của tỉnh, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đề xuất Sóc Trăng có thể triển khai thí điểm CĐS cấp huyện, CĐS cho du lịch và nông nghiệp. Theo đó, huyện Cù Lao Dung có thể thí điểm triển khai CĐS cấp huyện. Cụ thể, Cù Lao Dung có thể thí điểm triển khai phổ cập các dịch vụ số, gồm các dịch vụ hỗ trợ hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, đào tạo, học tập trực tuyến, hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ hạ tầng logistic, triển khai đánh mã Vpostcode và cập nhật thông tin trên toàn bộ địa bàn huyện, triển khai truyền thanh không dây trên địa bàn huyện.

Tiếp theo, Sóc Trăng có thể triển khai CĐS đối với du lịch để nâng cao trải nghiệm của du khách. Đối với nông nghiệp, kiểm soát chất lượng để nâng cao thương hiệu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sóc Trăng là một trong những tỉnh đi đầu trong việc CĐS cấp huyện.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT đã thí điểm CĐS cấp xã ở một số nơi nhưng chưa làm cấp huyện. Sóc Trăng là một trong những tỉnh đi đầu trong việc CĐS cấp huyện. "Mong các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện quyết tâm, xác định mục tiêu để làm và làm một cách nhanh nhất có thể".

Để CĐS, Bộ trưởng cho biết cần phát triển hạ tầng số để mỗi hộ dân 1 đường cáp quang, mỗi hộ dân có 1 địa chỉ bưu chính. Để làm được việc này, tỉnh đóng vai trò điều phối, lập quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số. Việc này giao cho Sở TT&TT thực hiện, lập ra mục tiêu. Kế hoạch nên theo từng năm và kêu gọi, điều phối các DN cùng làm.

Bộ cũng điều phối các DN viễn thông cùng chung tay xây dựng mạng 5G, địa phương có thể điều phối các DN xây dựng trạm BTS ở địa phương theo hướng dẫn chung của Bộ. Như vậy, sẽ tiết kiệm được nguồn lực và thúc đẩy xây dựng hạ tầng mạng 5G nhanh chóng trên toàn quốc.

"Mong muốn Sóc Trăng chỉ đạo Sở TT&TT dẫn dắt DN xây dựng hạ tầng số ở tỉnh phải tương đương với các nước phát triển", Bộ trưởng cho hay.

Bộ TT&TT cũng sẽ chủ trì các nền tảng số cốt lõi, mang tính quốc gia vì liên quan đến chia sẻ, quản lý dữ liệu… Trong tháng 1/2021, Bộ và tỉnh sẽ thống nhất các nền tảng số cơ bản của Sóc Trăng. Sau đó, Bộ và tỉnh sẽ phối hợp, điều phối giao công việc, thời hạn và phương thức thực hiện như thế nào.

Bộ trưởng kiến nghị Tỉnh ủy ra Nghị quyết về CĐS, sau Nghị quyết sẽ là chương trình CĐS của tỉnh. Bộ TT&TT giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng hỗ trợ cho tỉnh.

Bộ sẽ chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh trong quý 2 sớm đạt tỷ lệ lên 100% dịch vụ công mức độ 4.

Về cách làm CĐS, theo Bộ trưởng, CĐS khác CNTT đúng một điểm là thay vì làm 1 xã thì làm cả tỉnh luôn, thay vì làm dần dần trong 30 năm để làm dịch vụ công trực tuyến thì nay có thể làm trong 3 tháng để đạt 100% dịch vụ công trực tuyến.

Bộ trưởng cũng cho biết tỉnh cần đạt mức chi cho CNTT là 1% bởi CĐS, CNTT sẽ tạo ra giá trị. Theo đó, Sóc Trăng cần cân nhắc chi cho cho CNTT mức 1%, trong đó 0,1% cho an ninh mạng. Thế giới đã có kinh nghiệm của Hàn Quốc khi nước này chi cho CNTT là 2% nên CNTT của Hàn Quốc phát triển nhất thế giới.

"CĐS chỉ khác là làm toàn tỉnh và làm nhanh, không qua từng bước mà làm toàn diện", Bộ trưởng nhấn mạnh. CĐS có hai mục tiêu là làm đất nước, kinh tế phát triển và tạo ra các DN công nghệ số Việt Nam trưởng thành, đi ra toàn cầu nên phải tạo ra việc, giao việc cho DN làm. Phải tin vào DN công nghệ số Việt Nam", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng khẳng định lại CĐS cần sự quyết liệt, tinh thần cao. Đại hội lần thứ 13 của Đảng đặt ra mục tiêu là năm 2045 trở thành nước phát triển cao. Để thực hiện mục tiêu này, phải có khát vọng cao. Các nước thành công đều phải dựa vào khát vọng, giấc mơ lớn, sức mạnh tinh thần.

Sóc Trăng hãy đặt mục tiêu cao và lấy CĐS để phát triển mạnh mẽ, từ mục tiêu đó, nghĩ đến không gian mới, cách làm mới, cách tiếp cận mới, giải pháp đột, phá, thể chế, nhân lực giỏi. Bộ TT&TT cam kết sát cánh cùng Sóc Trăng CĐS. "Sóc Trăng cứ chuyển nhiều việc, vướng mắc về Bộ TT&TT, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ, điều phối thực hiện và hàng nghìn DN công nghệ số cũng đang đợi việc", Bộ trưởng cho hay.

Hành động quyết liệt để CĐS

Tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết đây là lần đầu tiên Sóc Trăng làm việc theo phương thức trực tuyến với một Bộ, bao gồm điểm cầu tới các huyện, thị xã, thành phố. Đây là lần đầu tiên Sóc Trăng tiếp cận với phương pháp làm việc mới của Bộ TT&TT.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn phát biểu trực tuyến tại đầu cầu Sóc Trăng

"Chúng tôi trân trọng phương pháp làm việc mới, hiệu quả, dứt khoát, dứt việc của đồng chí Bộ trưởng. Chúng tôi rất trân trọng tinh thần nhiệt tình của các DN TT&TT, tình cảm, sự sẵn sàng sẻ chia đến với tỉnh, đồng hành và giải quyết những vấn đề mà tỉnh đang gặp khó", Bí thư Lâm Văn Mẫn bày tỏ.

Theo Bí Thư Lâm Văn Mẫn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Sóc Trăng đã đề ra một nhiệm vụ đột phá là tạo nền tảng để phát triển kinh tế số, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. "Chúng tôi nhận thức được rằng, để thực hiện được đột phá này, cả hệ thống chính trị phải có nhận thức, thống nhất cao và hành động quyết liệt trong việc CĐS".

Bí Thư Lâm Văn Mẫn cũng trân trọng những đề xuất trong báo cáo của Cục Tin học hóa đối với Sóc Trăng, đặc biệt là những đề xuất của các Sở, ngành đã được Bộ trưởng chỉ đạo, cho ý kiến giải quyết tại cuộc họp.

Trong thời gian tới, Bí thư Lâm Văn Mẫn cho biết: Sóc Trăng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ để triển khai kế hoạch cụ thể cho CĐS. Sóc Trăng sẽ giao Sở TT&TT, Văn phòng Uỷ ban, các sở, ngành có liên quan để phối hợp với Cục Tin học hoá, Cục An toàn thông tin và các DN để thực hiện các kiến nghị.

Sóc Trăng sẽ lên kế hoạch triển khai đầu tư hạ tầng CNTT, hạ tầng số, các phần mềm và bố trí kinh phí theo hướng tạo ra giá trị, hiệu quả. Trong đó, sẽ quan tâm xây dựng các hệ thống nền tảng cơ bản, các nền tảng quan trọng như nền tảng chính quyền điện tử theo khung kiến trúc chính phủ điện tử, hệ thống thông tin phục vụ điều hành đô thị thông minh,...

Sóc Trăng cũng ưu tiên lựa chọn một số lĩnh vực như hành chính công, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, tài nguyên môi trường, tư pháp, hộ tịch,...

Bí thư Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh: Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng nghị quyết về CĐS. UBND tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo để thực hiện các chính sách thúc đẩy CĐS. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở TT&TT tham mưu, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, người dân, DN về sự cần thiết và tính cấp bách của CĐS. Trên cơ sở đó, sẽ lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS với các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nguồn: ictvietnam.vn


Thái Nguyên thông qua Nghị quyết chuyển đổi số

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngày 31/12, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải chủ trì hội nghị Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh lần thứ 3, khóa XX để thảo luận, cho ý kiến và quyết định một số nội dung quan trọng.

Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến tại hội nghị là dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của Nghị quyết về phát triển chính quyền số đến năm 2025 phấn đấu trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp số.

Nghị quyết cũng đề cập đến việc tập trung đầu tư để xây dựng hình thành 3 đô thị thông minh, gồm: TP Thái Nguyên, TP Sông Công và TX Phổ Yên. Phấn đấu đến năm 2025 đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Đến năm 2030, trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; có trên 3.000 doanh nghiệp số; Thái Nguyên thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Như vậy, đến thời điểm này Thái Nguyên là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về xây dựng nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến tham gia bổ sung, hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, bà Hải yêu cầu cần làm rõ, giải trình những vấn đề mà các đại biểu còn có nhiều ý kiến, bảo đảm Nghị quyết ban hành sát với tình hình thực tiễn của địa phương và thuận lợi trong việc triển khai thực hiện.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực KT-XH của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác tuyên truyền để khi người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích mang lại của chuyển đổi số thì sẽ chủ động, tích cực thực hiện; ưu tiên một số lĩnh vực về y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, du lịch, các dịch vụ công... hướng tới phục vụ người dân tốt hơn, góp phần hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển.

Nguồn: PV/vietnamnet.vn

MobiFone chính thức giới thiệu dịch vụ 5G thương mại

MobiFone đã hoàn tất các quy trình triển khai công nghệ 5G, phát sóng thử nghiệm thương mại và đảm bảo vùng phủ 5G tại TP. Hồ Chí Minh theo giấy phép của Bộ TT&TT.

Theo đó, hôm nay 28/12, Tổng công ty Viễn thông MobiFone chính thức giới thiệu dịch vụ 5G thương mại “MobiFone chào 5G - mở tương lai”

MobiFone chính thức giới thiệu dịch vụ 5G thương mại

Khách hàng có thể trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận chất lượng dịch vụ 5G thương mại của MobiFone với các dịch vụ internet tốc độ cao trên nền tảng 5G như Video 8K, Game thực tế ảo AR/VR - AI learning, IoT service, Robotics...

Công nghệ 5G của MobiFone đem đến trải nghiệm trực tuyến mượt mà, chân thật ở mức gần như tuyệt đối cho các giải pháp hội nghị truyền hình MobiFone Meeting, giải pháp trường học trực tuyến MobiEdu, dịch vụ xem video theo yêu cầu MobiON, Cip TV...với độ phân giải siêu nét 8K.

Giải pháp du lịch thông minh của MobiFone đưa người xem du ngoạn khắp mọi miền đất nước, sử dụng thực tế ảo tăng cường VR/AR hấp dẫn và sinh động. Robot vận chuyển công nghiệp với sự hỗ trợ của 5G thực hiện những thao tác với độ chính xác cao, hiệu suất lớn, hứa hẹn sự bùng nổ về năng suất lao động, giải phóng nguồn nhân lực, đặt nền móng cho quy trình sản xuất thông minh trong các nhà máy, khu công nghệ cao.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và các đại biểu trải nghiệm dịch vụ 5G

Trước đó, ngày 17/12/2020, khai trương điểm trải nghiệm 5G thương mại tại showroom MobiFone số 80 Nguyễn Du, kết quả Speedtest ghi nhận tốc độ download 5G MobiFone ở mức kỷ lục, hơn 1,7Gbps, vượt xa các mốc cao nhất trước đó và tiệm cận với tốc độ lý thuyết của 5G trong phòng thí nghiệm ở băng tần 2.600MHz mà MobiFone được cấp phép. Các kết quả đo kiểm trong thời gian vừa qua cũng khẳng định chất lượng và tốc độ dịch vụ 5G thương mại MobiFone ổn định với tốc độ dao động từ 1,2Gpbs đến hơn 1,6Gbps.

Xác định công nghệ 5G là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, nền tảng cho cuộc cách mạng 4.0, ngay sau khi hoàn tất thử nghiệm 5G về mặt kỹ thuật vào tháng 3/2020, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã nhanh chóng bắt tay vào đầu tư, trang bị mọi mặt về nhân lực, kỹ thuật, thiết bị, công nghệ…phối hợp triển khai 5G với các nhà cung cấp thiết bị viễn thông uy tín trên thế giới như Ericsson và một số hãng tên tuổi khác.

Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn từ cuối tháng 10/2020, khi nhận được cấp phép thử nghiệm thương mại 5G từ Bộ TT& TT, đến giữa tháng 12/2020, với tinh thần làm việc ngày đêm, dịch vụ 5G thương mại của MobiFone đã phủ sóng tại TP. Hồ Chí Minh theo giấy phép của Bộ TT&TT.

Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone cho biết: “MobiFone xác định việc triển khai thương mại dịch vụ 5G hiện tại mới chỉ là bước thử nghiệm ban đầu để khách hàng trải nghiệm dịch vụ 5G và những tính năng vượt trội mà 5G mang lại. Công nghệ 5G đóng vai trò quan trọng trong hạ tầng của nền kinh tế số, nền tảng cho việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".

Theo đó, Tổng giám đốc MobiFone nhận định cơ hội to lớn mà 5G mang lại không chỉ dành riêng MobiFone mà của tất cả các đối tác, khách hàng của MobiFone. Giai đoạn tiếp theo, ngay khi được Bộ TT&TT cấp phép chính thức triển khai 5G thương mại trên phạm vi toàn quốc, MobiFone cam kết sẽ là nhà mạng tiên phong trong việc đầu tư, phát triển 5G với mục tiêu mang lại dịch vụ tốt nhất, chất lượng nhất tới cho khách hàng.

Cán bộ, kỹ thuật viên MobiFone khẩn trương, không quản thời gian lắp đặt trạm, triển khai công nghệ, dịch vụ và hoàn thành vùng phủ 5G tại TP. Hồ Chí Minh

Như vậy, ngay trong dịp Tết Dương lịch đón năm mới 2021, Quý khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh đã có thể sử dụng 5G của MobiFone như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Đồng Khởi… và nhiều tuyến phố trung tâm Quận I.

Để sử dụng mạng 5G của MobiFone, người dùng cần sở hữu chiếc smartphone hỗ trợ 5G và tương thích với băng tần 5G MobiFone tại Việt Nam như các dòng máy: Xiaomi Mi 10T pro 5G, Oppo Find X2, Oppo Find X2 Pro, Huawei P40 Pro, Nokia 8.3 5G...

MobiFone cũng cho biết đang tích cực đàm phán, phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối để tiếp tục mở rộng danh sách thiết bị hỗ trợ 5G trên mạng MobiFone. Danh sách này sẽ được MobiFone cập nhật thường xuyên đến khách hàng.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiếp cận 5G, hệ thống kỹ thuật của MobiFone sẽ tự động tìm kiếm và cấu hình các thiết bị đầu cuối trong khu vực phát sóng để phát hiện các dòng máy điện thoại tương thích với 5G của MobiFone. Khách hàng không cần trải qua những thao tác kỹ thuật phức tạp đã có thể sử dụng và trải nghiệm 5G của MobiFone, hoàn toàn không mất phí và cũng không yêu cầu đổi SIM.

Nhân dịp này, MobiFone dành món quà tặng 5GB data 5G miễn phí cho các khách hàng trải nghiệm trong vòng 30 ngày. Quý khách hàng nhắn tin với cú pháp 5G gửi 999 để nhận ưu đãi hoặc gọi điện đến Tổng đài CSKH 9090 của MobiFone để tìm hiểu chi tiết về chương trình khuyến mại.

ND

Tự hào các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam được vinh danh lần đầu tiên

14 sản phẩm "Make in Viet Nam" đã được Bộ TT&TT vinh danh tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam 2020. Đây là lần đầu tiên Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" được Bộ TT&TT tổ chức.

Với chủ đề "DN công nghệ số - Động lực thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam", Diễn đàn là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các DN công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư, là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng đột phát để huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển DN công nghệ số Việt Nam.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Lễ Công bố trao giải thưởng và Triển lãm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam tiêu biểu của các DN công nghệ số Việt Nam đã được tổ chức.

Theo Ban Tổ chức, giải thưởng năm nay thu hút 239 hồ sơ tham dự giải. Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn được top 50 sản phẩm ở 5 hạng mục: Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc, Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc, Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc, Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số và Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng. Trong 5 hạng mục Giải thưởng, Hội đồng Giám khảo tiếp tục chọn các sản phẩm đạt giải Nhất, Nhì, Ba.

Cụ thể, tại hạng mục Nền tảng số xuất sắc, giải Nhất đã thuộc về nền tảng quản trị và điều hành DN Base.vn của Công ty CP Base Enterprise, giải Nhì thuộc về ứng dụng gọi xe BE của Công ty CP BE GROUP và giải Ba thuộc về Nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI của Công ty TNHH FPT Smart Cloud.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao các giải Nhất, Nhì, Ba hạng mục Nền tảng số xuất sắc

Tại hạng mục Sản phẩm số xuất sắc, giải Nhất đã thuộc về akaBot của Công ty FPT Software; giải Nhì thuộc về ViettelPay của Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel và giải Ba thuộc về về sản phẩm VNPT Electronic Know Your Customer (VNPT eKYC) của Tập đoàn VNPT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao giải thuộc hạng mục Giải thưởng Sản phẩm số Xuất sắc

Tại hạng mục giải thưởng Giải pháp số xuất sắc, giải Nhất thuộc về giải pháp số OneATS của Công ty CP Hệ thống Kỹ thuật Ứng dụng ATS; giải Nhì thuộc về sản phẩm DrAid ™ - AI Trợ lý bác sĩ của VinBrain; giải Ba thuộc về Giải pháp nhận dạng ký tự quang học tiếng Việt – OCR của Trung tâm an ninh mạng Viettel.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt trao các giải thuộc hạng mục Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc

Tại Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số, giải Nhất thuộc về Hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0 của VNPT; giải Nhì thuộc về Sàn TMĐT voso.vn của Tổng công ty Bưu chính Viettel; giải Ba thuộc về Nền tảng học trực tuyến hocmai.vn của Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao các giải thuộc hạng mục Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số

Tại hạng mục Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng, giải Nhất thuộc về phẩm AI Smart Warning của Công ty CP công nghệ số HMD Việt Nam và Công ty TNHH công nghệ Asilla Việt Nam; giải Nhì thuộc về sản phẩm Xây dựng hệ thống mô phỏng cơ thể người 3D trong giảng dạy, sử dụng thực tại ảo tăng cường và trực quan hóa dữ liệu lớn của Đại học Duy Tân.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Duy Đông trao các giải thuộc hạng mục Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng

Nguồn: ictvietnam.vn

Năm 2020, tổng doanh thu toàn VNPT đạt 162,7 nghìn tỷ đồng

Với tinh thần chủ động "Biến thách thức thành hành động" cùng sự chung sức, đồng lòng, Tập đoàn VNPT vẫn luôn thể hiện rõ trách nhiệm của đơn vị chủ lực về viễn thông- công nghệ thông tin (CNTT) với đất nước, với cộng đồng; khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt trong chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.

Năm 2020: Một năm nhiều dấu ấn

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lụt, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, ngay từ đầu năm, VNPT đã tập trung triển khai các giải pháp sản xuất kinh doanh (SXKD). Nhờ đó, VNPT đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu SXKD.

Chủ tịch HĐTV VNPT Phạm Đức Long thông tin một số kết quả SXKD năm 2020

Kết quả, tổng doanh thu toàn VNPT đạt 162,7 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu Công ty mẹ đạt 43,2 nghìn tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch (nếu loại trừ yếu tố ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 2.000 tỷ đồng thì VNPT hoàn thành kế hoạch doanh thu).

Lợi nhuận VNPT đạt 7,1 nghìn tỷ đồng, trong đó lợi nhuận Công ty mẹ đạt 5,1 nghìn tỷ đồng bằng 102,2% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước đạt 5,2 nghìn tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT đạt 10,4%. Vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, VNPT đã đảm bảo việc làm và thu nhập bình quân người lao động năm 2020 ổn định so với năm 2019.

Năm 2020, VNPT tiếp tục giữ vững và phát triển thương hiệu VNPT. Theo công bố của Brand Finance tháng 12/2020, với giá trị 2,4 tỷ USD, thương hiệu VNPT từ vị trí 72 năm 2019 đã tăng lên vị trí 55 và giữ vị trí top 2 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.

Cùng với sự tăng trưởng về giá trị thương hiệu, trong năm, hàng loạt các sản phẩm, giải pháp của VNPT cũng được các tổ chức đánh giá uy tín trong nước và quốc tế vinh danh. Với 15 giải thưởng lớn tại Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương 2020 và 5 giải thưởng Stevie Awards Kinh doanh quốc tế, VNPT tiếp tục khẳng định vị trí dẫn dắt trong công cuộc CĐS tại Việt Nam và hướng đến những sản phẩm dịch vụ chất lượng quốc tế.

Lần đầu tiên tham gia giải thưởng CNTT thế giới nhưng VNPT đã trở thành doanh nghiệp (DN) Việt Nam đạt nhiều giải thưởng nhất với 6 giải Vàng, 3 giải Bạc và 1 giải Đồng. VNPT còn được đánh giá cả về sáng tạo, tư duy đổi mới với giải thưởng "Đơn vị viễn thông sáng tạo nhất châu Á" tại Asia Communication Awards.

Song song với việc hoàn thành các chỉ tiêu về lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, năm 2020 cũng là năm Tập đoàn VNPT có nhiều dấu ấn quan trọng.

VNPT đã có dòng doanh thu đầu tiên từ việc cung cấp giải pháp CNTT tại thị trường quốc tế. Đó là doanh thu từ việc cung cấp giải pháp E-Office tại Văn phòng Chính phủ Lào. Được sự tín nhiệm của Bộ TT&TT Lào, VNPT kỳ vọng sẽ không chỉ mở rộng việc cung cấp giải pháp E-office đến các bộ, ngành khác của Lào mà còn triển khai thêm nhiều giải pháp trong hệ sinh thái Chính phủ điện thử, giáo dục tại Lào và các nước lân cận.

Tháng 6/2020, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV lần đầu tiên được triển khai bằng hình thức trực tuyến. Với vai trò là đơn vị triển khai, việc tổ chức thành công phiên họp trực tuyến đầu tiên của Quốc hội là tiền đề quan trọng để VNPT tiếp tục đồng hành với Quốc hội Việt Nam trong triển khai quốc hội điện tử, đồng thời một lần nữa khẳng định uy tín và năng lực, kinh nghiệm của VNPT trong các dự án trọng điểm quốc gia.

Năm 2020, với quyết tâm song hành cùng Chính phủ triển khai mục tiêu kép "phòng chống dịch" và phát triển kinh tế, VNPT đã kịp thời vận dụng toàn bộ hệ sinh thái của mình, cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp quyết liệt phòng chống Covid-19.

Ngay từ đầu đại dịch, VNPT đã chủ động cung cấp hạ tầng mạng lưới VT-CNTT phục vụ điều hành chỉ đạo của Nhà nước cũng như phục vụ người dân; hàng triệu khách hàng được bổ sung dung lượng đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa, làm việc trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội.

Đồng thời, VNPT đã kịp thời triển khai giải pháp VNPT E-Learning giúp hàng triệu giáo viên và học sinh "tạm dừng đến trường, không dừng học" và VNPT Meeting giúp các DN tiếp tục vận hành SXKD…

VNPT tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt trong CĐS quốc gia

Năm 2020 là năm VNPT tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong CĐS quốc gia thông qua việc chủ động tham gia và trở thành đơn vị nòng cốt dẫn dắt các chương trình xây dựng Chính phủ số, Kinh tế số cũng như chuyển đổi xã hội số.

Trong các ứng dụng nền tảng CĐS của quốc gia và cơ sở dữ liệu (CSDL), VNPT đã tham gia triển khai các dự án cốt lõi như Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cổng Dịch vụ công Quốc gia kết nối 95 đơn vị Bộ, ngành địa phương và 63 tỉnh/thành phố với Chính phủ. CSDL Quốc gia về dân cư kết nối xử lý dữ liệu với quy mô gần 11.000 xã, hơn 700 quận, huyện đến Trung ương; Trung tâm điều hành thông minh IOC triển khai trên gần 30 tỉnh/thành phố.

Trong phát triển kinh tế số, VNPT đã tham gia thúc đẩy nhanh CĐS DN từ các tập đoàn kinh tế nhà nước tới DN nhỏ và vừa thông qua việc tích cực, chủ động tổ chức, tham gia các hội nghị CĐS Tập đoàn, DN nhà nước, xây dựng tuyên truyền và nâng cao nhận thức về khung CĐS DN vừa và nhỏ. Đồng thời, VNPT cũng đã tham gia sâu vào CĐS các ngành kinh tế trọng tâm như giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch thông minh…

Bằng việc thực hiện CĐS khách hàng, hình thành thói quen và tương tác số trong việc tiếp cận, mua bán và sử dụng sản phẩm dịch vụ của VNPT thông qua thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt VNPT Pay cũng như các trải nghiệm trực tuyến chất lượng cao qua hệ thống bán hàng tập trung, VNPT đã đóng góp hình thành và phát triển xã hội số

Năm 2020 khép lại, Tập đoàn VNPT đã từng bước đặt những dấu chân vững chắc trên hành trình CĐS, thể hiện được vai trò dẫn dắt trong CĐS quốc gia. Đó là cơ sở vững chắc để VNPT tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chiến lược, đưa Tập đoàn phát triển đúng tầm nhìn trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.

Nguồn: ictvietnam.vn

VNPT là đơn vị viễn thông sáng tạo nhất châu Á

Tập đoàn VNPT vừa được xướng tên là "đơn vị viễn thông sáng tạo nhất châu Á" tại giải thưởng Asia Communication Awards với giải pháp "Make in Vietnam" mang tên VNPT eKYC.

Tại cuộc thi giải thưởng truyền thông châu Á (Asia Communication Awards), VNPT đã mang tới giới thiệu cho bạn bè thế giới cũng như ban giám khảo quốc tế về giải pháp VNPT eKYC.

Đây là giải pháp do đội ngũ chuyên gia của VNPT nghiên cứu, xây dựng và phát triển. Sự kiện này đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc chất lượng sản phẩm CNTT của VNPT nói riêng và của Việt Nam nói chung đã được các chuyên gia quốc tế đánh giá, công nhận.

Giải pháp định danh và xác thực điện tử VNPT eKYC giúp xác minh, nhận dạng, trích xuất thông tin chính xác từ hình ảnh và giấy tờ cá nhân. VNPT eKYC được ứng dụng những công nghệ tân tiến nhất thế giới hiện giờ như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ blockchain, sinh trắc học, SDK hỗ trợ đa nền tảng. Công nghệ AI giúp phát hiện giấy tờ thật/giả và chống làm giả ảnh chân dung, tăng tính an toàn và chính xác. Trong khi đó, công nghệ blockchain được tích hợp ở sản phẩm giúp lưu trữ và xác minh dữ liệu, đảm bảo tính bảo mật cao...

VNPT áp dụng eKYC đăng ký thông tin thuê bao Vinaphone cho khách hàng

VNPT eKYC được đánh giá là một giải pháp đáp ứng được nhu cầu toàn diện của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Giải pháp này càng thể hiện được nhiều vai trò hơn nữa trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay.

Không chỉ vậy, VNPT eKYC là một trong những nền tảng số "Make in Vietnam" được Bộ TT&TT lựa chọn giới thiệu và bảo trợ về truyền thông để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng đạt thành mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Với giải pháp sáng tạo VNPT eKYC tại cuộc thi Asia Communication Awards, VNPT đã vinh dự được nhận giải thưởng là "Đơn vị viễn thông sáng tạo nhất châu Á".

Tham gia Giải thưởng truyền thông châu Á còn có nhiều đơn vị viễn thông lớn khác trong khu vực như Globe Telecom, Singtel, Smart Communications, Ericsson, NTT, Huawei, China Mobile International, Turkcell Superonline…

Ông Đặng Thanh Hưng, đại diện VNPT Vinaphone nhận giải Top 10 DN CNTT 202

Bên cạnh giải thưởng Asia Communication Awards, VNPT còn được vinh danh tại sự kiện Top 10 công ty công nghệ Việt Nam với nhiều hạng mục lớn như Hạ tầng số, Giải pháp công nghệ thông tin, giải pháp chính phủ điện tử, tài chính số… do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) bình chọn và công bố trong tháng 12.

Nguồn: ictvietnam.vn


Ra mắt Trung tâm bản quyền số góp phần phát triển kinh tế số

Trung tâm Bảo vệ bản quyền số trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã chính thức ra mắt chiều nay 14/12, tại Hà Nội.

Khai thác và bảo vệ bản quyền số

Thực hiện Nghị quyết của Ban thường vụ Hội Truyền thông số Việt Nam, ngày 24/7/2020, Chủ tịch VDCA đã ban hành Quyết định số 15 về việc thành lập Trung tâm bản quyền số, là trung tâm khoa học và công nghệ (KH&CN) trực thuộc VDCA.

Trung tâm hoạt động trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ về bản quyền nội dung số, truyền thông số và công nghệ số. Trung tâm đã được Bộ KH&CN cấp giấy phép hoạt động KH&CN số A2269 ngày 18/8/2020. Trung tâm bản quyền số có giám đốc, các phó giám đốc và kế toán trưởng. Giám đốc là ông Hoàng Đình Trung.

Chủ tịch VDCA: Trung tâm có những giải pháp công nghệ giúp cho các đối tác có bản quyền được bảo vệ

Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng cho biết Trung tâm bản quyền số là tổ chức sự nghiệp KH&CN có nhiều chức năng, nhiệm vụ khác nhau, trong đó có 2 nhiệm vụ chính là:

Bảo vệ bản quyền số trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản, cũng các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong bối cảnh việc vi phạm các bản quyền các lĩnh vực này đã rất phổ biến và cũng xâm hại đến lợi ích hợp pháp của những nhà sáng tạo nội dung ở trên mạng.

Trung tâm cũng có nhiệm vụ khai thác bản quyền số nhằm mục đích là phổ biến các sản phẩm số nhiều hơn tới các đối tượng khác nhau trên mạng, đồng thời cũng nhằm mang lại lợi ích chính đáng cho các nhà sáng tạo nội dung.

Chủ tịch Nguyễn Minh Hồng cũng cho biết điều đặc biệt là Trung tâm có những giải pháp công nghệ giúp cho các đối tác có bản quyền được bảo vệ, theo dõi thực trạng bảo vệ bản quyền của mình theo thời gian thực và có phản ứng để giúp cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như là công cụ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước của mình trong lĩnh vực bản quyền.

Trung tâm bản quyền số là tập hợp các nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan để nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao, tư , dịch vụ về khai và bảo vệ bản quyền nội dung số, truyền thông số, công nghệ số, góp phần phát triển công nghệ số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên cách mạng 4.0.

Bảo vệ bản quyền dữ liệu nội dung số là vấn đề sống còn của nền kinh tế số

Chào mừng việc ra mắt Trung tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia được xác định với 3 trụ cột chính là chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, trong đó nền kinh tế số được biết đến là nền kinh tế không trọng lượng. Trong nền kinh tế số đó, giá trị của một tổ chức, doanh nghiệp (DN) không được xác định bằng tài sản hữu hình nữa mà thay vào đó dựa vào tài sản vô hình, chính là dữ liệu số và nội dung số mà DN đó sở hữu như Grab thì không sở hữu bất cứ chiếc xe vật lý nào. Youtube thì không sở hữu bất cứ một video vật lý nào.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng (ngoài cùng bên trái) tặng hoa chúc mừng Ban lãnh đạo Trung tâm

Theo Thứ trưởng, đây là những ví dụ cho thấy yêu cầu đặt ra trong việc bảo vệ bản quyền dữ liệu nội dung số là vấn đề sống còn của nền kinh tế số. Sự tồn vong của các cơ quan, tổ chức, DN ngày càng phụ thuộc vào khả năng bảo vệ các tài sản vô hình nhưng mang giá trị hết sức đặc biệt này. Bên cạnh đó, thì việc sao chép, định dạng lại các nội dung số còn có những hành vi như tiếp sóng, tái phát sóng sử dụng những biện pháp kỹ thuật nhằm vi phạm nội dung số vào cùng thời điểm phát sóng hoặc truyền hình trực tiếp các nội dung số này của chủ sở hữu.

Theo thống kê của Trung tâm đo kiểm Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) chỉ trong 2 tháng cuối năm 2020 đã phát sinh mới 66 trang web vi phạm bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam. Bộ TT&TT đã giao Cục PTTH&TTĐT triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ các đơn vị trong việc bảo vệ bản quyền nội dung số trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trưởng những kết quả trên cũng chỉ là một phần rất là nhỏ trong khối lượng công việc khổng lồ mà cần phải thực hiện để bảo vệ bản quyền trong thế giới số, bởi lẽ không gian mạng ngày càng được mở rộng và việc tiếp cận Internet ngày càng phổ biến đối với tất cả mọi người.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh sự ra đời của Trung tâm bản quyền số thuộc VDCA là một bước tiến mới trong việc bảo vệ bản quyền số trên môi trường mạng, là hoạt động vô cùng thiết thực đối với các đơn vị sản xuất nội dung số.

Thứ trưởng hy vọng với các giải pháp mới, đột phá, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT và VDCA sẽ hỗ trợ thực hiện hiệu quả các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền nội dung số trên môi trường Internet, góp phần tạo ra một không gian mạng quốc gia lành mạnh và công bằng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Toàn cảnh Lễ ra mắt
 Với sự ra đời của Trung tâm, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết: Hàng ngày, hàng ngàn tác phẩm, sản phẩm báo chí được đưa ra xã hội, việc bảo vệ bản quyền báo chí là cần thiết nhất bởi đóng góp phát triển kinh tế báo chí. Trung tâm ra đời sẽ tạo được niềm tin, là nơi tin tưởng để gửi gắm bảo vệ bản quyền báo chí và đảm bảo khai thác bản quyền đúng luật.

Tại buổi ra mắt Trung tâm cũng đã diễn ra Lễ ký kết các hợp đồng bảo vệ khai thác bản quyền với một số đơn vị.

Nguồn: ictvietnam.vn

Độc đáo hình ảnh tình yêu “cute” trên tem Tết Tân Sửu 2021

Cùng với những nét truyền thống như hoa đào, hoa mai, mâm ngũ quả... được thiết kế theo nguyên tắc âm dương, tem “Tết Tân Sửu” 2021 còn có cả ngôn ngữ tình yêu rất thời thượng, thông qua hình ảnh những chiếc đuôi ghép lại thành hình trái tim rất “cute”.

Đến hẹn lại lên, cứ đầu tháng 12 Dương lịch hàng năm, công chúng và giới sưu tập tem lại ngóng chờ thông tin và hình ảnh bô tem Tết Âm lịch. Mong muốn của họ là có những mẫu tem bưu chính vừa gìn giữ được những nét cổ truyền dân tộc, lại vừa có thêm những dấu ấn tươi mới, hiện đại.

Bộ tem bưu chính “Tết Tân Sửu” 2021 được Bộ TT&TT phát hành sáng nay (12/12/2020) đã thỏa lòng mong đợi đó của nhiều người yêu tem.

Bộ tem “Tết Tân Sửu” được Bộ TT&TT phát hành ngày 12/12/2020, gồm 2 mẫu và 1 blốc.

Bộ tem do họa sĩ Nguyễn Quang Vinh thiết kế, với hình ảnh chủ đạo là những con trâu được cách điệu trên nền hoa đào, hoa mai, cõng trên mình những loại trái cây phổ biến thường được người dân Việt Nam trưng bày lên mâm ngũ quả vào mỗi dịp Tết cổ truyền.

Bộ tem gồm 2 mẫu tem và 1 blốc, với giá mặt 4.000 đồng, 15.000 đồng và 38.000 đồng; khuôn khổ tem 37 x 37mm, khuôn khổ blốc 150 x 100mm; được cung ứng trên mạng lưới bưu chính công cộng đến ngày 30/6/2022.

“Bộ tem bưu chính “Tết Tân Sửu” được phát hành với mong muốn mang hạnh phúc, đoàn viên, may mắn, tài lộc đến với mọi người, mọi nhà”, đại diện Công ty Tem Bưu chính Việt Nam nhấn mạnh.

Trao đổi với VietNamNet về những nét độc đáo của bộ tem, họa sĩ Nguyễn Quang Vinh cho biết, tem “Tết Tân Sửu” được thiết kế theo nguyên tắc âm dương: Hình ảnh trâu đực ở mẫu tem thứ nhất vai u, lông mày rậm vuông vức, chân to, đầu ngông nghênh, thể hiện sự mạnh mẽ bản lĩnh. Hình ảnh trâu cái trên mẫu tem thứ hai bụng mập, lông mi cong vút điệu đàng, lông mày lá liễu, chân trước thon nhỏ, dáng chạy duyên dáng và tinh tế.

Đặc biệt, đuôi trâu đực và trâu cái đều cong hình nửa trái tim, khi ghép lại với nhau sẽ tạo thành trái tim hạnh phúc, đuôi trâu con xoắn xuýt chạy theo trâu mẹ.

Bộ tem truyền tải thông điệp là lời chúc năm mới hạnh phúc, đoàn viên, may mắn, tài lộc đến với mọi người, mọi nhà

“Trong tem Tết Canh Tý 2020 đã có hình ảnh 2 chú chuột khoác lên mình áo cặp đôi, một ngôn ngữ tình yêu rất thời  thượng. Tương tự như thế, trong tem Tết Tân Sửu 2021, những chiếc đuôi trâu ghép lại thành hình trái tim với hàm ý giống như cách ghép tay thành hình trái tim “cute” của giới trẻ hiện đại. Cách biểu đạt này rất khác so với các bộ tem Tết trước đây”, họa sĩ Nguyễn Quang Vinh lý giải.

Cầm trên tay những mẫu tem Tết mới, nhiều nhà sưu tập tem cùng chung cảm nhận rằng hình ảnh trâu trên tem năm “Sửu” lần này “động” hơn và có vẻ tươi vui hơn so với hình ảnh trâu trên các bộ tem Tết năm “Sửu” đã được Bưu chính Việt Nam phát hành từ trước tới nay.

Ngay từ đầu giờ sáng, nhiều nhà sưu tập, công chúng yêu tem đã có mặt tại trụ sở Công ty Tem Bưu chính Việt Nam, 14 Trần Hưng Đạo, Hà Nội để mang về những mẫu tem, vật phẩm tem tràn ngập sắc xuân.

“Đây là chủ đích của họa sĩ. Sau một năm Covid buồn thảm, tất cả dường như sống chậm lại. Con tem cần phải như một “viên thuốc tinh thần” để mọi người nhìn vào tem sẽ thấy toát lên sự khỏe khoắn, tươi vui, phấn chấn, giúp họ có thêm thái độ lạc quan để mạnh mẽ vượt qua đại dịch”, họa sĩ Nguyễn Quang Vinh nói.

Đây là năm thứ hai liên tiếp họa sĩ Nguyễn Quang Vinh với nickname “Vinh khủng long” được chọn thiết kế tem Tết.

“Tôi thực sự hãnh diện và hạnh phúc khi một lần nữa được tin tưởng giao cho trọng trách thiết kế một bộ tem mang đến những hình ảnh, không khí tươi vui tràn ngập sắc xuân, vừa truyền thống, vừa hiện đại và luôn ngập tràn tình yêu”, họa sĩ Vinh bày tỏ.

Mọi người đều đánh giá cao bộ tem do họa sĩ Nguyễn Quang Vinh thiết kế vì vừa gìn giữ được những nét cổ truyền của dân tộc vừa có cả những nét hiện đại, thời thượng

Cũng nhận dịp chào đón năm mới, Bưu điện Việt Nam phát hành Đồng xu Vàng may mắn mang hình ảnh Trâu Vàng - linh vật tượng trưng cho sức khỏe, sự cần cù, chịu khó, sung túc, an lành và thịnh vượng.

Đồng xu được làm bằng hợp kim quý, mạ vàng 24k, đường kính 38mm, đặt trong hộp nhựa trong cao cấp và gắn trên bìa gài, kèm theo bộ tem bưu chính “Tết Tân Sửu” năm 2021.

Bình Minh

Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ TT&TT

Bộ TT&TT đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm lại ông Phan Tâm giữ chức Thứ trưởng Bộ TT&TT.

Chiều ngày 09/12/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị triển khai quyết định về công tác cán bộ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT và các đơn vị có cán bộ được điều động, bổ nhiệm.

Tại Hội nghị, Bộ TT&TT đã công bố Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm lại ông Phan Tâm giữ chức Thứ trưởng Bộ TT&TT. Thời gian bổ nhiệm tính từ ngày 19/11/2020.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm lại đồng chí Phan Tâm

Cũng tại Hội nghị, Bộ TT&TT cũng đã công bố các quyết định về cán bộ, gồm: Quyết định số 2158/QĐ-TTG ngày 7/12/2020 về việc điều động và bổ nhiệm cán bộ đối với ông Nguyễn Minh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT giữ chức Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ TT&TT;

Quyết định số 2159/QĐ-BTTTT ngày 07/12/2020 về việc giao nhiệm vụ cho ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT phụ trách điều hành Viện Chiến lược TT&TT- Bộ TT&TT. Các quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao các quyết định cán bộ cho các ông Nguyễn Minh Sơn, Trần Minh Tuấn

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chúc mừng ông Phan Tâm được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng bổ nhiệm lại giữ chức Thứ trưởng Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam đã xác định trở nên hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 và con đường để tiến tới mục tiêu đó là khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, trong đó KHCN, cách mạng công nghiệp chủ yếu là công nghệ số sẽ làm đổi mới các mô hình.

Theo đó, Thứ trưởng Phan Tâm có trách nhiệm lớn khi phụ trách lĩnh vực xây dựng, phát triển lực lượng các DN công nghệ số Việt Nam để thay đổi Việt Nam, đưa Việt Nam trở nên thịnh vượng, hùng cường.

"Chuyển đổi số không có DN công nghệ thì không thể thành công. Trong riêng năm 2020, dù Covid-19 nhưng đã có thêm 15.000 DN công nghệ số. Chiến lược Make in Vietnam cũng đã đạt được những kết quả rất lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vừa qua, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị - Triển lãm trực tuyến thế giới số (ITU Digital World) 2020 thành công. Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khu vực ASEAN và Việt Nam sẽ có trách nhiệm dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực ICT. Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Phan Tâm - phụ trách lĩnh vực hợp tác quốc tế của Bộ, phải thúc đẩy lĩnh vực này theo hướng phát triển mới.

Giao nhiệm vụ cho Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Minh Sơn, Bộ trưởng cho biết Vụ Kế hoạch Tài chính có trách nhiệm ngày càng lớn và trọng trách. Vụ hiện nay có thêm nhiều nhiệm vụ, yêu cầu mới. Các đơn vị trong Ngành đang rất cần các cơ chế, chính sách tài chính mới để phát triển, phù hợp với thị trường. Theo đó, Vụ Kế hoạch Tài chính phải xây dựng được các cơ chế, chính sách tài chính để Ngành phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Giao nhiệm vụ cho Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT Trần Minh Tuấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Viện Chiến lược TT&TT phải xây dựng được các chiến lược khả thi cho các lĩnh vực của ngành phát triển. Muốn thực hiện được điều đó, Bộ trưởng yêu cầu cần phải xây dựng chiến lược của Ngành khả thi cho từng tỉnh, cho từng bộ.

Bộ trưởng cho rằng các bộ, các tỉnh đang thực hiện xây dựng chương trình chuyển đổi số của bộ, tỉnh mình thì Viện Chiến lược TT&TT là đơn vị có kinh nghiệm phải hỗ trợ các bộ, tỉnh. Viện cần hỗ trợ, tư vấn, xây dựng chiến lược phát triển các lĩnh vực TT&TT theo cách làm mới.

Nguồn: ictvietnam.vn