Chuyển động ngành
Thành ủy Hà Nội hợp tác toàn diện với Bộ TT&TT thúc đẩy chuyển đổi số
Submitted by nlphuong on Sun, 07/06/2020 - 06:56“6 lĩnh vực thuộc về quản lý nhà nước Thông tin và Truyền thông đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô… Hà Nội sẽ dành tối đa mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển những lĩnh vực này vì đây là đầu tư cho phát triển”, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh.
Ngày 05/6/2020, Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp tổ chức buổi làm việc về kết quả triển khai các nội dung tại Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND TP. Hà Nội về hợp tác phát triển TT&TT; các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nội dung cần thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy phát biểu khai mạc |
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; các đồng chí ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ TT&TT, Thường trực Thành ủy, ủy viên Ban Cán sự đảng UBND Thành phố; các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị: Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; các đồng chí Lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Văn phòng HĐND Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố, các Sở, ngành thuộc thành phố Hà Nội, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan.
6 lĩnh vực thuộc về quản lý nhà nước TT&TT đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết: "Vị trí của Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, trung tâm lớn về khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo và là đầu mối quan trọng về kinh tế, là một trong những động lực phát triển vùng và của cả nước. 6 lĩnh vực thuộc về quản lý nhà nước TT&TT đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô. Buổi làm việc này không chỉ cho năm 2020 mà một số tư tưởng và quan điểm lớn chúng tôi sẽ tiếp thu và đưa vào chiến lược phát triển trung và dài hạn của Thủ đô, tầm nhìn 2025, 2030".
Toàn cảnh Hội nghị |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng điểm lại một số hoạt động hợp tác giữa Bộ TT&TT và Thành phố Hà Nội trong thời gian gần đây.
Ngày 14/12/2019, Cục Tin học hóa, Sở TT&TT TP. Hà Nội, Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh, Sở TT&TT TP. Đà Nẵng đã ký Biên bản hợp tác xây dựng Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh. Việc hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa Cục và 3 thành phố lớn hàng đầu Việt Nam giúp thúc đẩy hiệu quả phát triển CPĐT, xây dựng đô thị thông minh ở các thành phố.
Ngày 10/01/2020, UBND TP. Hà Nội và Bộ TTTT đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển TTTT toàn diện trên 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Đây là cơ sở để tiến thêm một bước hợp tác chặt chẽ giữa Bộ và Thành phố.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Bộ TT&TT sẵn sàng giúp Hà Nội xây dựng kịch bản chuyển đổi số với mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội trở thành trung tâm an toàn an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data), không chỉ của Việt Nam mà của cả ASEAN".
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TTTT phát biểu tại Hội nghị |
Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Nội thúc đẩy và tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN) viễn thông nâng cao băng thông phát triển mạng lưới băng rộng, tiến tới mục tiêu là mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi một hộ gia đình có một đường cáp quang, coi đây là một đường giao thông huyết mạch cho mỗi công dân trên không gian mạng tham gia vào các hoạt động kinh tế số, xã hội số của thành phố.
Đại diện các sở, ban, ngành của Thành phố, đại diện các đơn vị thuộc Bộ TT&TT cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan, các DN bưu chính, viễn thông đã thảo luận đưa ra ý kiến đóng góp, khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ cả về nhân lực và công nghệ sẵn sàng tham gia vào mọi hoạt động triển khai chuyển đổi số của Thủ đô.
Tiếp tục hợp tác chặt chẽ phát triển TT&TT trên địa bàn
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hạ ngầm toàn bộ cáp viễn thông. Để tạo điều kiện cho các DN tham gia công việc này, thành phố đã làm việc với 27 DN để thống nhất giá chung; giao cho Sở Xây dựng là đầu mối cấp phép. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Bộ TT&TT quan tâm phủ sóng WiFi cho tất cả các khu, cụm công nghiệp; các khu du lịch, làng nghề để thu hút nhà đầu tư và khách du lịch.
Bên cạnh đó, Hà Nội mong muốn Bộ TT&TT cùng các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, giúp đỡ thành phố trong việc xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh và toàn bộ trung tâm phân tích dữ liệu của thành phố; xây dựng các hạ tầng dịch vụ dùng chung; chiến lược chuyển đổi số… giúp thành phố phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, xây dựng hệ thống an toàn bảo mật thông tin.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu |
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa Bộ TT&TT, khẳng định: Cục đang phối hợp, hướng dẫn Sở TT&TT TP. Hà Nội triển khai Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam - phiên bản 2.0, xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử TP. Hà Nội và sẽ hoàn thành ngay trong tháng 6/2020. Nếu Thành phố đồng ý thì Bộ TTTT sẽ hỗ trợ xây dựng Chương trình Chuyển đổi số cho Thủ đô và hoàn tất vào tháng 7/2020.
Hiện tại, Cục Tin học hóa cũng đang hỗ trợ Hà Nội thực hiện Đề án "Xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh TP. Hà Nội theo Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Nguyễn Đức Chung đại diện cho Ban Cán sự Đảng của 2 đơn vị ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển TT&TT trong các năm 2020, 2021 và định hướng trong thời gian tiếp theo |
Tại Hội nghị, Ban Cán sự Đảng của 2 đơn vị đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển TT&TT trong các năm 2020, 2021 và định hướng trong thời gian tiếp theo. Biên bản ghi nhớ được ký kết nhằm triển khai kết quả thảo luận và thống nhất ý kiến giữa hai bên, làm cơ sở để cho các cơ quan chức năng của Thành phố sẽ thúc đẩy nhanh chóng triển khai.
Biên bản ghi rõ, sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan Đảng của Bộ TT&TT và UBND TP. Hà Nội trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp, hỗ trợ triển khai các hoạt động trong lĩnh vực TT&TT của TP. Hà Nội trong các năm 2020, 2021 và định hướng trong thời gian tiếp theo. Những nội dung hợp tác tập trung vào 06 lĩnh vực: Bưu chính; Viễn thông; Ứng dụng CNTT; An toàn, an ninh mạng; Công nghiệp ICT; Báo chí, truyền thông.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và đại diện lãnh đạo các DN ICT ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai sản phẩm, dịch vụ bưu chính - viễn thông và CNTT trên địa bàn Thủ đô |
Sau khi kết thúc Hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có kết luận cụ thể. Trong đó, Thành ủy Hà Nội đánh giá cao kết quả, những đóng góp tích cực, hiệu quả, sáng tạo của ngành TT&TT Việt Nam nói chung và ngành TT&TT Hà Nội nói riêng trong thời gian qua trong phát triển đất nước và Thủ đô. Ghi nhận kết quả triển khai các nội dung hợp tác giữa Bộ TT&TT và UBND TP. Hà Nội tại Biên bản ghi nhớ ký ngày 10/01/2020.
Kết luận cũng đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ TT&TT tăng cường phối hợp, hỗ trợ Ban Cán sự đảng UBND Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành TT&TT Hà Nội trong các năm 2020, 2021 và định hướng trong thời gian tiếp theo trong 6 lĩnh vực hợp tác mà 2 bên đã ký kết.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với lãnh đạo các DN bưu chính – viễn thông và CNTT |
"Qua buổi hôm nay cũng đã xác định được một số vấn đề có tính chất định tính liên quan đến chiến lược. Để có thể thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử tiến tới Chính phủ số, xây dựng đô thị thông minh, thực hiện thành công chuyển đổi số... đang đặt ra rất nhiều thách thức cho Hà Nội. Muốn thực hiện được, Hà Nội phải tập trung đầu tư mạnh vào đây từ chiến lược, nguồn nhân lực tới tài chính. Hà Nội sẽ dành tối đa mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển những lĩnh vực này vì đây là đầu tư cho phát triển, nó tạo ra dư địa cho nguồn thu của Hà Nội trong tương lai", Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định.
Ra mắt mạng di động thứ 7 tại Việt Nam với nhiều dịch vụ số
Submitted by nlphuong on Thu, 04/06/2020 - 13:23Nhà mạng thứ 7 của Việt Nam có thương hiệu Reddi với đầu số 055 chính thức ra mắt hôm nay 3/6 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đã chứng kiến lễ ra mắt.
Các đại biểu thực hiện cuộc gọi trên mạng Reddi đầu tiên |
Đây là mạng di động theo mô hình mạng di động ảo (MVNO), một mô hình vẫn còn tương đối mới ở Việt Nam. Với sự gia nhập của Reddi, Việt Nam có 2 nhà mạng MNVO cung cấp dịch vụ trên thị trường thông tin di động mặt đất. MVNO đầu tiên là ITelecom của Công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom.
MVNO là mạng di động mà nhà cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng viễn thông và đi thuê lại của một đơn vị khác. Nghĩa là một đơn vị mua lại gói lưu lượng dịch vụ di động lớn với giá thành hợp lý, sau đó tiến hành chia nhỏ dung lượng và cung cấp các dịch vụ phù hợp nhu cầu của người sử dụng.
Hợp tác với VNPT, Reddi tập trung cung cấp các dịch vụ viễn thông và dịch vụ số cho khách hàng trẻ, hiện đại, thông qua nền tảng ứng dụng di động (mobile app), đề cao sự tự do trải nghiệm và cá nhân hoá người dùng.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông: Reddi mang đến luồng gió mới |
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: Sự ra mắt mạng Reddi trong bối cảnh hiện nay chứng tỏ công ty đã thể hiện sự mạnh dạn, quyết tâm và có những giải pháp kinh doanh hướng tới các thị trường ngách bằng các dịch vụ nội dung khác biệt để tạo doanh thu.
Ông Nhã nhận định: Việc tham gia thị trường viễn thông di động trong bối cảnh Việt Nam sắp triển khai mạng 5G cũng là một cơ hội cho Reddi kinh doanh những dịch vụ mới trên nền mạng 5G mà trước đây các mạng 3G, 4G không có khả năng cung cấp.
Việc triển khai mô hình mạng di động ảo (MVNO) sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số, hạ tầng đã đầu tư của các DN di động và có thể triển khai nhanh các dịch vụ trên toàn quốc là những ưu điểm nổi bật của Reddi.
Cục Viễn thông đánh giá cao hướng tiếp cận mới của Reddi về việc phát triển dịch vụ viễn thông và dịch vụ số cho nhóm khách hàng đặc thù. Hướng đi này rất phù hợp với mô hình MVNO trên thế giới và có tiềm năng phát triển do thực sự mang lại giá trị mới cho khách hàng.
Theo đại diện của Cục Viễn thông, sự ra đời mạng di động ảo Reddi thể hiện chủ trương mở cửa thị trường, thúc đẩy cạnh tranh nhằm đem lại dịch vụ chất lượng, giá cả cạnh tranh và đặc biệt thúc đẩy các nội dung phát triển.
Đóng góp làm phong phú dịch vụ viễn thông
Cũng tại Lễ ra mắt, ông Trần Nam Trung, CEO của Reddi cho biết mạng MVNO bắt kịp xu thế của thế giới và sự thay đổi của thị trường Việt Nam. Đây là thời điểm phù hợp cho MVNO và đóng góp giá trị cho thị trường viễn thông khi công nghệ số và mô hình kinh doanh đã chín muồi. Thế giới cũng đang chuyển nhanh từ mạng 4G sang 5G, MVNO sẽ làm phong phú dịch vụ viễn thông ở Việt Nam.
CEO Reddi: khát vọng đáp ứng trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng |
Reddi khát vọng đáp ứng các trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng viễn thông trong thời gian tới và biến dịch vụ viễn thông trở thành phương tiện giúp người dùng tiếp cận các tiện ích và các dịch vụ số, hướng đến hệ sinh thái số.
Cho biết thêm về công ty Mobicast, chủ quản mạng Reddi, ông Phạm Văn Mẫn, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: Mobicast được thành lập năm 2016 với sứ mệnh nghiên cứu và lập dự án cấp phép. Ngày 11/9/2018, được sự đồng ý của Tập đoàn VNPT, Mobicast đã ký kết với VNPT để sử dụng hạ tầng của VNPT trên toàn bộ 63 tỉnh, thành. Tháng 2/2019, Bộ TT&TT đã cấp 2 giấy phép: thiết lập mạng hạ tầng cơ sở công cộng và cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Từ đó đến nay, Mobicast tập trung xây dựng bộ máy, tổ chức điều hành, hợp tác với các đối tác để tạo hệ sinh thái tốt cũng như thiết lập các kênh phân phối.
Với gần 100 triệu dân, Việt Nam có tới 07 nhà mạng cung cấp dịch vụ thông tin di động (trong đó có 05 nhà mạng sở hữu hạ tầng truy nhập vô tuyến) với tổng số 126 triệu thuê bao. Ngoài ra, APRU của một thuê bao hiện nay khá thấp, dịch vụ thoại đang bị các dịch vụ OTT cạnh tranh, dịch vụ dữ liệu với giá cước tương đối rẻ so với các nước trong khu vực cho thấy thị trường di động tại Việt Nam cần có những luồng gió mới.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT chúc mừng công ty Mobicast đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống số MVNO và bước ra thị trường. Mô hình MVNO đã có mặt trên nhiều thị trường trên thế giới khá lâu, đặc biệt là ở các nước đã phát triển. Cho đến nay đã có 1400 nhà mạng MVNO trên 80 nước trên thế giới. Mô hình đã được các nước vận dụng để xây dựng một thị trường cạnh tranh lành mạnh, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng với những dịch vụ đa dạng.
VNPT hoan nghênh sự phát triển mới này và hợp tác với MVNO là một hợp tác chiến lược. VNPT kỳ vọng MVNO với mô hình kinh doanh sáng tạo, năng động sẽ là cánh tay nối dài cùng VNPT tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng hơn nữa, tạo nhiều trải nghiệm mới cho khách hàng.
Nhiều đại biểu trải nghiệm dịch vụ của Reddi tại Lễ ra mắt |
Với sự kiện này, Reddi đã chính thức trở thành một trong những nhà mạng di động theo mô hình MVNO tiên phong tại thị trường Việt Nam, đồng thời là nhà mạng MVNO đầu tiên định hướng phát triển theo mô hình MVNO toàn diện (Full MVNO).
Nhân dịp này, nhà mạng Reddi đã công bố các thoả thuận hợp tác với mạng xã hội du lịch Astra, dự án giáo dục trực tuyến Vinaschools.
Ra mắt giải pháp hội nghị trực tuyến Việt Nam bảo đảm an toàn, bảo mật
Submitted by nlphuong on Fri, 29/05/2020 - 22:30Liên minh giải pháp hội nghị trực tuyến có tên CoMeet gồm 6 thành viên: CMC TS, NetNam, iWay, Cyradar, FDS, DQN đã ra mắt hôm nay 29/5.
Tại lễ khai trương giải pháp hội nghị trực tuyến do Liên minh CoMeet cung cấp, đại diện Liên minh đã thực hiện kết nối 7 đầu cầu tại các địa điểm trên 2 miền Nam, Bắc dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng. Tham dự sự kiện có nhiều Bộ, ngành, cơ quan nhà nước.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng và các đại biểu nhấn nút ra mắt Liên minh |
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: Sau bước đầu thâm nhập thị trường nhờ "cú huých" đến từ dịch bệnh Covid-19, các giải pháp về hội nghị trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh do người dùng đã hình thành thói quen học tập, làm việc mới. Các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, xây dựng và phát triển giải pháp để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Để định hướng phát triển cho thị trường hội nghị truyền hình trực tuyến tại Việt Nam, Bộ TT&TT xác định 02 xu hướng chủ đạo chính:
Một là giải pháp do DN Việt Nam tự xây dựng, phát triển: Nền tảng hội nghị trực tuyến Zavi vừa được Bộ TT&TT ra mắt ngày 15/5/2020 được phát triển theo hướng này.
Hai là giải pháp phát triển sử dụng mã nguồn mở: Giải pháp hội nghị trực tuyến CoMeet ra mắt là một điển hình tiêu biểu cho việc sử dụng mã nguồn mở, làm chủ công nghệ để triển khai giải pháp, cung cấp dịch vụ cho các DN, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Các giải pháp về hội nghị trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh do người dùng đã hình thành thói quen học tập, làm việc mới |
Thứ trưởng khẳng định: "Với sự đoàn kết, nhất trí, các DN Việt Nam sẽ sáng tạo ra càng nhiều dịch vụ, sản phẩm Make in Vietnam đạt chuẩn quốc tế, đóng góp vào sự nghiệp tự chủ công nghệ, giảm phụ thuộc các nền tảng nước ngoài, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia".
Thứ trưởng hoan nghênh giải pháp hội nghị trực tuyến của Liên minh CoMeet và kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN có nhu cầu hội họp trực tuyến sẽ ưu tiên lựa chọn, sử dụng các giải pháp, dịch vụ do DN Việt Nam cung cấp.
"Sự ủng hộ của khách hàng trong nước sẽ giúp các DN công nghệ số mau chóng chiếm lĩnh thị trường, tạo nền tảng hoàn thiện, củng cố, phát triển sản phẩm, tiến tới vươn ra thị trường quốc tế, nâng cao năng lực của của doanh nghiệp trong nước nói chung, thực hiện khát vọng Vì một Việt Nam hùng cường", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng đặt ra vấn đề cho Liên minh là tại sao các phần mềm họp trực tuyến của nước ngoài được sử dụng một cách rộng rãi và tại sao năng lực của các công ty trong nước có nhưng chưa tạo ra được những sản phẩm mà thị trường chấp nhận.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan, Cục Tin học hóa phân tích xem yếu tố gì quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng đối với các sản phẩm phần mềm bên cạnh yếu tố chất lượng. Thứ trưởng mong muốn CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) phát huy vai trò của các thành viên, thúc đẩy PMNM thông qua các sản phẩm được người dùng trong nước tin cậy.
Giải pháp đáp ứng các yêu cầu trong nước
Giới thiệu về Liên minh, ông Nguyễn Kim Cương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty giải pháp công nghệ CMC TS, cho biết: Liên minh CoMeet đã đưa dịch vụ ra thị trường bằng một mô hình hợp tác kinh doanh mới: Từ thế mạnh của từng thành viên, các công ty hợp lực cung cấp giải pháp, dịch vụ hội nghị trực tuyến trên nền phần mềm nguồn mở, nhờ đó mang lại giải pháp hội nghị trực tuyến toàn diện, riêng tư, tích hợp linh hoạt cho các tổ chức, dùng Internet trong nước, đảm bảo an toàn và bảo mật.
Ông Nguyễn Kim Cương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty giải pháp công nghệ CMC TS |
Dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT và sự đồng hành của Cục Tin học hóa cùng VFOSSA, giải pháp hội nghị trực tuyến CoMeet đã chính thức được Liên minh đưa vào hoạt động, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng các công cụ làm việc online trong đợt giãn cách xã hội do ảnh hưởng đại dịch toàn cầu Covid-19.
Các tính năng đáng chú ý của giải pháp bao gồm: tổ chức hội họp trực tuyến, không hạn chế số điểm tham gia, chia sẻ màn hình của tất cả các thành viên theo điều phối của người quản trị, trò chuyện riêng qua tính năng chat, ghi lại nội dung cuộc họp…
Đặc biệt hơn, người dùng có thể yên tâm về tính an toàn, bảo mật nhờ mã hóa dữ liệu và chế độ kiểm soát thành viên tham gia họp và không phụ thuộc đường truyền quốc tế. Hiện nay, người dùng có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ trên tất cả các nền tảng MS Windows, MAC OS, iOS, Android.
Chi phí các gói giải pháp dành cho tổ chức, DN ước tính từ 349 triệu đồng cho một lần triển khai, việc bảo trì, cập nhật nâng cấp phiên bản, hỗ trợ kỹ thuật trong 1 năm đầu tiên. Các năm sau chỉ phát sinh chi phí dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật nếu cần, không có chi phí bản quyền phần mềm.
Người dùng có thể tìm kiếm thêm thông tin về Liên minh CoMeet cũng như các giải pháp tại website chính thức: https://comeet.vn/.
Vẽ tranh Hồ Chí Minh bằng tem
Submitted by nlphuong on Sun, 17/05/2020 - 07:20Ngồi giữa hàng nghìn con tem giữa căn phòng không quạt, không máy lạnh, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn ngồi chọn lọc, cắt ghép để hoàn thành bức tranh về Hồ Chí Minh.
Trong căn phòng 15 m2 đầy ắp các tác phẩm tranh ghép và hàng trăm nghìn con tem các loại, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn (65 tuổi) tỉ mẩn cắt từng con tem nhỏ để hoàn thành bức tranh "Bác đang cùng chúng cháu hành quân", kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Tuấn không lắp điều hòa, cũng không mở quạt vì sợ làm tem bay hoặc keo dán nhanh khô khiến khó lột ra khi cần sửa.
Ông Tuấn kể, năm 1981, sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội, ông vào làm mảng vẽ, thiết kế tại Công ty Tem (nay là Ban Tem bưu chính thuộc Tổng công ty Bưu điện VN).
Thời ấy, tem thư được in với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu trao đổi thư từ của người dân, những con tem hết hạn, tem lỗi bỏ đi thì phí, ông nảy ra ý tưởng ghép tranh bằng tem. Năm 1995 ông bắt đầu làm tranh tem về Bác Hồ.
Tranh ghép tem là một loại hình nghệ thuật khó, nhất là tranh ghép về Hồ Chủ tịch đòi hỏi người họa sĩ phải cần cù và kiên nhẫn trong từng công đoạn.
Không giống tranh vẽ, tranh ghép tem được làm dựa trên hình phóng to những bức ảnh tư liệu về Bác. Trước đây chưa có máy phóng, họa sĩ phải tự phóng bằng tay, có những bức tranh to 1-2 m2.
Tranh tem không thể pha trộn các màu, hay sử dụng màu từ sách báo khác. Họa sĩ phải phụ thuộc vào màu sắc tem được cung cấp, cắt dán sao cho phù hợp nhất, tạo ra các khoảng sáng tối đúng như bản gốc.
"Mỗi lần có đặt hàng làm tranh, tôi đều phải đến tận nơi để lựa chọn tem, màu sắc cho phù hợp. Tem được công ty bưu chính cấp, nhưng không phải loại nào cũng phù hợp để làm tranh, nhất là tranh chân dung Bác", ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, có rất nhiều loại tem, tem hình Bác, hình người, hình động vật... Khi làm tranh về Bác, người họa sĩ phải vô cùng tinh tế, không thể sử dụng phần cắt tem động vật, tem có chữ nước ngoài. Những con tem hình yếu nhân không thể cắt, chỉ tận dụng để làm nền cho bức tranh. Khi dán, phải để ý hình trong tranh không bị ngược.
Trung bình mỗi bức tranh, họa sĩ Đỗ Tuấn dùng tới 1.000 đến 3.000 con tem mới hoàn thành, bức ghép nhanh thì một tuần, lâu có thể tới cả tháng.
Điểm khó thể hiện nhất khi làm tranh ghép tem về Bác là chi tiết đôi mắt và vầng trán.
Tiếp đến là độ cắt của con tem, phụ thuộc vào kích cỡ của bức tranh, tranh càng nhỏ thì diện tích cắt càng bé đến từng milimet. Kích thước mỗi con tem vốn đã nhỏ, nhưng không phải các phần đều được sử dụng. May mắn sẽ lấy được cả con tem để làm nền, nhưng có con tem chỉ lấy được một mẫu bằng hạt gạo để dán vào tranh.
Mỗi chi tiết trên bức tranh không đơn giản dán một lớp tem mà đạt yêu cầu, nhiều mảng sáng tối phải dán đến hai ba lớp, thậm chí lột đi dán lại nhiều lần mới cho ra được thần thái của nhân vật.
Khai trương Zavi - Nền tảng hội nghị trực tuyến "Make in Vietnam"
Submitted by nlphuong on Sat, 16/05/2020 - 21:05Zavi, nền tảng hội nghị trực tuyến đầu tiên do chính đội ngũ kỹ sư Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ, đã sẵn sàng cung cấp rộng rãi cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và người dân.
Ngày 15/5/2020, Bộ TT&TT đã tổ chức lễ khai trương nền tảng hội nghị trực tuyến Zavi. Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã thực hiện cuộc họp trực tuyến đầu tiên qua Zavi để chỉ đạo công việc từ xa đến các Sở TT&TT Hà Giang và Quảng Ninh về tình hình triển khai ứng dụng Bluezone tại các tỉnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì họp trực tuyến với Sở TT&TT Hà Giang, Quảng Ninh về phần mềm Bluezone |
Phát biểu tại Lễ khai trương, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Covid-19 là thời điểm tốt để các ngành công nghệ thể hiện vai trò và tiềm năng. Thuận lợi của Việt Nam là có các DN CNTT - viễn thông lớn mạnh có thể tạo ra những sản phẩm tốt, mang tính nền tảng cho chuyển đổi số nhanh chóng.
Nền tảng Zavi được hoàn thành chỉ trong thời gian ngắn giãn cách xã hội đã cho thấy khát vọng lớn lao của các kỹ sư Việt Nam làm ra các sản phậm tiệm cận đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, thể hiện mong muốn mạnh mẽ của Chính phủ, Bộ TT&TT trong việc thúc đẩy phát triển ngành CNTT.
"Sự ra đời của nền tảng hội nghị trực tuyến Zavi cũng như các giải pháp hội nghị trực tuyến khác trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay có ý nghĩa rất lớn, góp phần đưa cuộc sống sang một trạng thái bình thường mới như chỉ đạo của Chính phủ", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, thị trường, dịch vụ, giải pháp hội nghị trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh do phần lớn người dùng đã hình thành thói quen học tập, làm việc trên môi trường mạng. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các DN cung cấp dịch vụ, giải pháp hội nghị trực tuyến cũng cần liên tục hoàn thiện, làm chủ công nghệ để tạo và chiếm lĩnh thị trường.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng |
Theo thông tin mới nhất, cách đây vài tiếng đồng hộ, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook vừa công bố nền tảng video conference với tên gọi Facebook Messenger Room, cho phép người dùng tạo những phòng họp lên đến 50 người, cung cấp các tính năng dành cho khối DN, tổ chức cũng như chia sẻ màn hình… Qua đó cạnh tranh trực tiếp với các giải pháp hội nghị trực tuyến nổi trội khác trong thời gian vừa qua như Zoom, Webex, Microsoft Teams…
Với việc ra mắt nền tảng hội nghị trực tuyến Zavi, Thứ trưởng khẳng định Việt Nam có tiềm năng để cạnh tranh với các DN lớn trên thế giới, thể hiện tầm nhìn, năng lực sáng tạo cũng như khả năng của Việt Nam.
Thứ trưởng cũng yêu cầu đội ngũ Zavi tích cực nâng cấp, hoàn thiện hệ thống của mình để có thể cung cấp ra cho thị trường một nền tảng video conferencing chất lượng, an toàn và góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Cục Tin học hoá có văn bản hướng dẫn về chức năng và yêu cầu tính năng kỹ thuật cho hệ thống hội nghị trực tuyến, tổ chức đánh giá các giải pháp của DN và công bố các giải pháp đáp ứng tiêu chuẩn để các cơ quan, tổ chức có cơ sở lựa chọn.
Tính bảo mật cao
Cũng tại Lễ ra mắt, ông Vương Quang Khải, Chủ tịch Zavi cho biết: Hiện Zavi có thể hỗ trợ cuộc họp lên đến 100 người trong thời gian liên tục 24 tiếng với thao tác đơn giản, dễ sử dụng với người Việt. Phiên bản gần nhất đã có các tính năng cơ bản của một hệ thống video conferencing và vẫn đang liên tục được nâng cấp, hoàn thiện và phát triển.
Ông Vương Quang Khải giới thiệu về Zavi |
Trong thời gian tới, bên cạnh việc nâng cấp, hoàn thiện và cung cấp trên các nền tảng khác như: Android, MAC OS và các trình duyệt, Zavi dự kiến cung cấp dịch vụ giải pháp hội nghị trực tuyến dùng riêng trên hạ tầng đám mây cho các cơ quan, tổ chức, DN có nhu cầu.
Ngoài ra, Zavi cũng đang nghiên cứu phát triển để có thể sử dụng chuyên biệt cho các cơ quan nhà nước.
Sự ra đời của Zavi giúp người dân có thêm công cụ hỗ trợ cuộc sống trong giai đoạn bình thường mới khi hạn chế giao tiếp xã hội và tập trung đông người để phòng ngừa các đại dịch lớn của nhân loại.
Bộ tem đặc biệt 130 kỷ niệm năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Submitted by nlphuong on Sat, 16/05/2020 - 14:30Bộ tem được phát hành đặc biệt kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020) và 50 năm thành lập Bảng tàng Hồ Chí Minh (1970 – 2020).
Trong không khí phấn khởi của nhân dân các nước chào đón ngày lễ lớn của tháng Năm lịch sử, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) và 50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh (1970-2020)” sáng 16/5 tại Nam Đàn, Nghệ An.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và ký phát hành đặc biệt bộ tem. Tham dự Lễ phát hành đặc biệt còn có đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cùng nhiều đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo các Bộ, Ban ngành, các tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký phát hành đặc biệt bộ tem |
Ông Nguyễn Hải Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bưu điện Việt trao tặng Khu di tích Kim Liên bức tranh tem Kỷ niệm |
Phát biểu tại Lễ phát hành, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết: cách đây trong 130 năm, tại mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này, một con người tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam trong suốt 4000 năm lịch sử đã được sinh ra.
Để kỷ niệm sự kiện này và thành kính tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam - người con đã làm rạng rỡ dân tộc và non sông đất nước, Bộ TT&TT quyết định và tổ chức buổi Lễ phát hành đặc biệt này.
Bộ tem gồm 01 mẫu tem được thể hiện bằng ngôn ngữ hội hoạ đặc trưng với màu sắc rực rỡ, tươi sáng. Nổi bật ở trung tâm mẫu tem là hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, dẫn dắt và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phía bên phải mẫu tem là hình ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh với thiết kế mang biểu tượng bông sen màu trắng, tượng trưng cho cuộc đời giản dị, thanh tao của Người.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Với ngôn ngữ riêng, hàm chứa nhiều ý nghĩa, bộ tem bưu chính này sẽ là một thông điệp đa chiều, góp phần khẳng định những giá trị to lớn của Tư tưởng Hồ Chí Minh và động viên, giáo dục mọi tầng lớp xã hội “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Bộ tem có khuôn khổ 43 x 32 (mm), có giá mặt 4.000 đồng do hoạ sỹ Tô Minh Trang (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế. Bộ tem được cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ 16/5/2020 đến 31/12/2021.
Được biết, Bưu chính Việt Nam đã phát hành nhiều bộ tem kỷ niệm ngày sinh Chủ tich Hồ Chí Minh:
1. Tem Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (giai đoạn từ 22/4/1970 đến 24/6/1976) (lưu hành trong các vùng giải phóng ở miền Nam): Bộ tem "Kỷ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 10, phát hành ngày 19/5/1970).
2. Tem Việt Nam dân chủ cộng hòa (từ 02/9/1946 đến 24/6/1976) và tem Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (24/6/1976 đến nay):
- Bộ tem "Kỷ niệm lần thứ 59 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 02, phát hành năm 1949);
- Bộ tem "Kỷ niệm lần thứ 61 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 03, phát hành năm 1951);
- Bộ tem "Kỷ niệm 67 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 022, phát hành ngày 19/5/1957);
- Bộ tem "Kỷ niệm 70 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 070, phát hành ngày 19/5/1960);
- Bộ tem "Kỷ niệm 75 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 162, phát hành ngày 19/5/1965);
- Bộ tem "Kỷ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 239, phát hành ngày 19/5/1970);
- Bộ tem "Kỷ niệm 81 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 252, phát hành ngày 19/5/1971);
- Bộ tem "Kỷ niệm 82 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 267, phát hành ngày 19/5/1972);
- Bộ tem "Kỷ niệm 85 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 298, phát hành ngày 19/5/1975);
- Bộ tem "Kỷ niệm 88 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 335, phát hành ngày 19/5/1978);
- Bộ tem "Kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 363, phát hành ngày 19/5/1980);
- Bộ tem "Kỷ niệm 95 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 469, phát hành ngày 06/7/1985);
- Bộ tem "Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 591, phát hành ngày 11/5/1990);
- Mẫu tem "Kỷ niệm 105 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (mã số 714-mẫu 2709, phát hành ngày 14/8/1995);
- Bộ tem:"Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 828, phát hành ngày 19/5/2000);
- Bộ tem "Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" (mã số 991, phát hành ngày 16/5/2010).
Nguyễn Dung
Sách mới và tái bản nhiều tác phẩm về Bác kính yêu
Submitted by nlphuong on Tue, 12/05/2020 - 12:50Nhân dịp kỉ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2020), Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ra mắt độc giả ấn phẩm mới “Suốt đời học Bác”. Cuốn sách giới thiệu 16 câu chuyện về Bác qua ghi chép từ lời kể “người thật việc thật” của nhà báo Kiều Mai Sơn, với những phát hiện và góc nhìn mới.
Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vô tận trong văn học và nghệ thuật. Trong suốt hơn 60 năm qua, tủ sách Bác Hồ kính yêu luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong những ấn phẩm được NXB Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc thiếu nhi.
Đã có rất nhiều cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng có không ít những cuốn sách ghi lại những hồi ức, kỉ niệm, tình cảm thiêng liêng của các tầng lớp nhân dân dành cho Người, nhưng mỗi câu chuyện về Người được kể lại, được viết ra, lại thêm một lần cuốn hút.
Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản suốt đời tận tụy vì nước, vì dân với những phẩm chất giản dị mà cao đẹp luôn là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ tìm hiểu, học tập, noi theo. Những chuyện kể về Người luôn gợi cho chúng ta nhiều xúc cảm chân thành.
Trong tập sách này, bạn đọc sẽ được trở lại Cao Bằng, lắng nghe hoài niệm về thời kì gian khó, hiểm nguy - những ngày đầu tiên khi vị Cha già trở về Tổ quốc qua lời kể của cụ Hoàng Thị Đào, dân tộc Tày, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, (Người bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc).
Bạn đọc cũng hòa cùng không khí tưng bừng, trang nghiêm của buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập, đồng cảm với người thanh niên Hà Nội về niềm tôn kính Bác, về lí tưởng được cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Thủ đô và xây dựng đất nước của đại tá Nguyễn Xuân Lương (Học Bác suốt đời).
Chúng ta cũng thêm cảm phục tài dân vận của Bác trong công cuộc kêu gọi những trí thức lớn ở nước ngoài về phụng sự Tổ quốc, khiến họ “yêu quý, khâm phục và một lòng một dạ tin tưởng đi theo Người, cho đến trọn cuộc đời mình”, bằng “nhân cách cao cả cùng sự uyên thâm của Người: một nhà văn hóa lớn, một người yêu nước thương nòi sâu sắc.” (Từ sức hấp dẫn lôi cuốn kì diệu của Bác Hồ, Người trí thức dấn thân).
Bác có khả năng thấu tỏ sự thực đằng sau bề mặt, thấu hiểu nỗi khổ của người dân lao động nghèo, khiến họ yên tâm bày tỏ tâm tư, bằng sự giản dị, hòa mình vào cuộc sống của người dân (Bác Hồ với ngư dân Sầm Sơn).
Cảm động làm sao khi biết rằng, dù bận việc nước, việc quân, Bác vẫn quan tâm đến đời sống cá nhân của từng cán bộ trong cơ quan. Lời dặn của Bác: “Bác không tặng cái áo này cho cô. Cô giữ lấy đến khi nào chú ấy ở ngoài Côn Đảo về thì để chú ấy mặc” khiến người được tặng áo xúc động khôn nguôi. (Chiếc áo Bác Hồ)
Theo chân Bác lên chiến khu Việt Bắc, chúng ta lại được Người chỉ bảo về nếp sinh hoạt tiết kiệm, lối sống văn minh; về ý thức sáng tạo, vượt lên nghịch cảnh qua lời kể của những cán bộ, nhân viên được làm việc cùng Bác…
Và còn nhiều nữa, những câu chuyện dung dị, sâu sắc về Bác mà mỗi việc làm, mỗi cử chỉ, lời nói của Người đều được khắc ghi, trở thành nguồn động viên, khích lệ mọi người nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi thử thách khó khăn để hướng tới một ngày mai tươi sáng, hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
“Suốt đời học Bác” để làm mình trưởng thành hơn trong lối sống, trong nếp nghĩ.
Trong dịp này, NXB Kim Đồng cũng tái bản một loạt ấn phẩm: “Nhật ký trong tù” – bản dịch trọn vẹn của Viện Văn học, tiểu thuyết “Búp Sen Xanh” của nhà văn Sơn Tùng, truyện tranh “Từ Làng Sen” – lời của nhà văn Sơn Tùng, tranh minh họa của họa sĩ Lê Lam, và tập chuyện kể “Bác Hồ kính yêu”.
Nguyễn Dung
Mã địa chỉ bưu chính Việt Nam chính thức ra mắt
Submitted by nlphuong on Thu, 07/05/2020 - 22:35Vpostcode - "hệ thống địa chỉ số chính thức, chính xác và duy nhất " bao gồm tập hợp 12 ký tự cả chữ và số, trong đó 05 ký tự đầu tiên là mã bưu chính quốc gia, 07 ký tự sau là mã vị trí trên bản đồ số đã chính thức ra mắt chiều 7/5 tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy đã tham dự Lễ ra mắt.
Các đại biểu nhấn nút khai trương |
Phát biểu tại Lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Thời gian qua Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đã làm được rất nhiều việc, không chỉ là cánh tay nối dài mà là tai mắt, khối óc của chính quyền, khi tham gia thực hiện rất nhiều việc.
Toàn bộ cán bộ, công nhân viên bưu chính đã giúp thiết lập hệ thống dữ liệu hình ảnh nghĩa trang liệt sĩ khắp đất nước, đây là việc mà ngành Lao động, Thương binh và Xã hội mơ ước nhiều năm không làm được. Nhờ tấm lòng, công sức của Bưu điện, cách làm việc mới mở ra. Phát huy sức mạnh của cộng đồng nhiều việc đã được thực hiện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Theo Phó Thủ tướng, mã bưu chính bản chất là hệ thống địa chỉ số duy nhất, chính thức và chính xác của Việt Nam. Cái tên là mã bưu chính có vẻ của riêng ngành bưu chính nhưng thực sự là khởi đầu quan trọng cho không chỉ ngành bưu chính, công tác sản xuất kinh doanh thuần túy mà giúp công tác quản lý nhà nước nhiều lĩnh vực sau này trên nền tảng này.
"Việc ra mắt mã bưu chính không chỉ thúc đẩy chuyển đổi số ngành bưu chính mà còn đóng góp rất quan trọng những viên gạch ban đầu cho nền tảng số Việt Nam, có ý nghĩa trong rất nhiều mặt của cuộc sống. Ngành bưu chính theo đà này tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều cho sự phát triển đất nước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết với tinh thần người Việt Nam, trong thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua, dưới sự điều phối chung của một cơ quan nhà nước như Bộ TT&TT, chúng ta làm được rất nhiều việc tưởng chừng những nước đang phát triển như Việt Nam không làm được.
"Bằng việc ngồi lại với nhau, vượt qua được những khác biệt ban đầu, chúng ta có thể làm được những việc vì lợi ích chung và trong lợi ích chung có cái lợi của doanh nghiệp (DN), đơn vị, cá nhân mình".
Giấc mơ của ngành Bưu chính thành hiện thực
Cũng tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bên cạnh dòng chảy dữ liệu luôn là dòng chảy vật chất, bên cạnh hạ tầng số luôn phải có hạ tầng logistics. Chưa bao giờ bưu chính có tốc độ tăng trưởng như những năm gần đây, đó là do sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT).
Ngày nay, về nhà mở chiếc iPad là thấy cả một siêu thị đi vào nhà mình. Siêu thị đã về đến tận từng hộ gia đình. Những ngày Covid vừa qua, người dân Việt Nam mới nhận thấy rõ hơn tầm quan trọng của dòng chảy vật chất của những nhân viên chuyển phát, những người chuyển hàng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng |
Theo Bộ trưởng, bộ mã bưu chính đến địa chỉ Vpostcode trên nền tảng bản đồ số Việt Nam Vmap, một sản phẩm trên nền tảng Việt Nam, một giấc mơ nhiều thế hệ của ngành bưu chính hôm nay được ra mắt, sẽ là nền tảng dùng chung cho các DN bưu chính, chuyển phát.
"Chúng ta cảm ơn những người bưu chính đã thực hiện khối lượng công việc vô cùng lớn, ngày đêm đến từng hộ gia đình, cập nhật, xác minh thông tin để hôm nay mỗi hộ gia đình Việt Nam có 1 mã bưu chính. Chúng ta hy vọng và tin tưởng nền tảng mã địa chỉ bưu chính sẽ thúc đẩy TMĐT, kinh tế số, dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số quốc gia".
Bộ trưởng cũng chỉ đạo phải tiếp tục rà soát, chứng minh chính xác những địa chỉ bưu chính. Đây là nền tảng mở, cho phép người dân, các tổ chức trong xã hội có thể cập nhật, làm giàu thông tin.
"Hạ tầng bưu chính được coi như là một hạ tầng bưu chính quốc gia như hạ tầng viễn thông. Các DN bưu chính, chuyển phát sẽ còn phải làm rất nhiều việc nữa, sẽ phải đầu tư nhiều hơn nữa để hoàn thiện một cơ sở hạ tầng như vậy góp phần phát triển đất nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vpostcode có khả năng "số hóa", hỗ trợ các hoạt động của DN mạnh mẽ
Nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển, xây dựng một nền tảng chung phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực bưu chính, Bộ TT&TT đã giao nhiệm vụ cho Tổng công ty BĐVN xây dựng nền tảng mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode) trên phạm vi toàn quốc (https://vpostcode.vn).
Nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode có khả năng "số hóa", định vị chính xác vị trí địa chỉ của khách hàng, góp phần mang lại sự thành công cho tổ chức, DN trong các ngành, lĩnh vực, dịch vụ luôn cần "tìm" đến khách hàng. Đây sẽ là lời giải cho bài toán tối ưu hóa việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ người gửi đến người nhận cho các DN bưu chính, vận tải, logistics, TMĐT nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh của DN.
Các đại biểu trải nghiệm mã bưu chính Vpostcode |
Vpostcode được phát triển trên nền tảng bản đồ số và mã bưu chính quốc gia nhằm cung cấp các thông tin về vị trí và mã của bất kì địa điểm nào trên toàn quốc. Việc xây dựng mã địa chỉ bưu chính được thực hiện theo nguyên tắc mã vị trí mở OLC, chia bản đồ thành các lưới nhỏ đến diện tích phù hợp (3m x 3m) và gán mã cho từng ô trong lưới.
Mã địa chỉ bưu chính Vpostcode bao gồm tập hợp 12 ký tự cả chữ và số, trong đó 05 ký tự đầu tiên là mã bưu chính quốc gia đến tận phường xã, 07 ký tự sau là mã vị trí trên bản đồ số. Do mã địa chỉ bưu chính được xác định theo vị trí tọa độ trên nền tảng bản đồ số, không dựa vào địa dư hành chính nên đảm bảo tính chính xác và ổn định cao. Đến nay, đã có hơn 23 triệu địa chỉ trên toàn quốc đã được gán mã (Thông tin chi tiết tại https://vpostcode.vn).
Nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode có nhiều chức năng thiết thực cho người dùng như tra cứu tạo mã, định vị, chia sẻ mã địa chỉ, tìm đường, quản lý thông tin địa điểm,… Ngoài ra còn cho phép người dùng cập nhật, làm giàu các thông tin dữ liệu địa chỉ cho mình và cộng đồng, giúp cho việc tìm kiếm địa chỉ nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng.
Mã địa chỉ bưu chính Vpostcode cũng dễ dàng tích hợp vào các nền tảng ứng dụng khác để gia tăng trải nghiệm trong việc tạo và sử dụng mã địa chỉ. Các DN tích hợp mã địa chỉ bưu chính để tạo thành nền tảng dùng chung sẽ việc tối ưu hoạt động chuyển phát và logistics, nâng cao lượng dịch vụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Cơ quan quản lý nhà nước sử dụng mã địa chỉ bưu chính hoặc tích hợp với các ứng dụng, phần mềm, nền tảng số để thực hiện các công tác quản lý đô thị, y tế, xã hội, dịch vụ công trực tuyến,… góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, xây dựng Chính phủ điện tử.
Để nền tảng mã địa chỉ bưu chính đi vào cuộc sống, thu hút đông đảo sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, BĐVN sẽ tiếp tục cập nhật, làm giàu cơ sở dữ liệu địa chỉ. Đồng thời bổ sung thêm các ứng dụng mới đi kèm nhằm đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho người dùng, góp phần đẩy nhanh công cuộc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.
Ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: Để tạo lập được cơ sở dữ liệu địa chỉ chính xác, trên cơ sở dữ liệu địa chỉ hơn 23 triệu địa điểm trong cả nước (đã thu thập trong giai đoạn 1 khi xây dựng bản đồ số), chỉ trong vòng gần 2 tháng (bắt đầu từ tháng 3/2020), BĐVN đã hoàn thành việc rà soát, xác minh, cập nhật toàn bộ dữ liệu địa chỉ trên phạm vi toàn quốc, gần 11.000 người Bưu điện đã không quản ngại, đến từng địa chỉ thực hiện xác minh, cập nhật thông tin địa chỉ và gán mã Vpostcode cho các địa chỉ.
"Đây là khối lượng công việc khổng lồ, là sự nỗ lực, đồng lòng của toàn thể người lao động trên mạng lưới BĐVN, quyết tâm thực hiện thật tốt, vượt tiến độ các nhiệm vụ mà Chính phủ, Bộ TT&TT tin tưởng giao phó. Đây cũng là một sản phẩm dịch vụ số của Tổng công ty BĐVN được Bộ TT&TT giao triển khai thực hiện", ông Chu Quang Hào nhấn mạnh.
VNPT dành hơn 300 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân
Submitted by nlphuong on Wed, 06/05/2020 - 20:12Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến hơn 5 triệu người lao động Việt Nam, gần 85% doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn và đặc biệt có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của nhóm yếu thế.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết thông qua gói an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ người dân đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Điều này góp phần mang đến sự yên tâm cho người dân, khẳng định quan điểm nhất quán "không để ai bị bỏ lại phía sau" của Đảng và Nhà nước.
Là tập đoàn kinh tế nhà nước, VNPT luôn đồng hành cùng các chính sách của Chính phủ và chia sẻ gánh nặng với người dân một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Trước những tác động của dịch bệnh, mới đây, Tập đoàn VNPT chính thức triển khai chương trình ưu đãi đồng hành cùng gói an sinh xã hội của Chính phủ. Ước tính, tổng ngân sách của gói hỗ trợ này là hơn 300 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ này được áp dụng đối với khách hàng đang sử dụng dịch vụ của VNPT và nằm trong danh sách các nhóm đối tượng được Sở Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) địa bàn cung cấp, gồm: (1) Người có công với cách mạng; (2) Hộ nghèo, cận nghèo; (3) Người lao động tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương; (4) Lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; (5) Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; (6) Hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh; (7) DN có lao động ngừng việc trong 3 tháng 4,5,6/2020; (8) DN có 50% lao động nghỉ việc.
Theo đó, các nhóm đối tượng (1), (3), (4) và (5) sẽ ưu đãi cước sử dụng dịch vụ di động VinaPhone, cụ thể: Đối với thuê bao trả trước sẽ được tặng 20.000 đồng vào tài khoản chính; đối với thuê bao trả sau sẽ được giảm 20% cước sử dụng trong tháng bằng cách trừ vào hoá đơn cước tháng.
Nhóm đối tượng (2), (6) (7) và (8), VNPT sẽ tặng 20% cước sử dụng dịch vụ Internet cáp quang FiberVNN, Home và được trừ vào hoá đơn cước tháng của khách hàng. Chương trình ưu đãi sẽ áp dụng trong 3 tháng liên tiếp: 5, 6 và tháng 7/2020.
VNPT cho biết hiện đang liên hệ với Sở LĐTB&XH các tỉnh/thành phố để lập danh sách người dân được nhận ưu đãi. Đồng thời, Tập đoàn VNPT cũng sẽ gửi tin nhắn thông báo chính sách này đến các khách hàng đang sử dụng dịch vụ của VNPT nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, rõ ràng trong việc hỗ trợ khách hàng.
Tinh thần tương thân tương ái luôn là một trong những yếu tố sức mạnh tạo nên thương hiệu VNPT |
Được biết, đây không phải là chương trình hỗ trợ cộng đồng và khách hàng của VNPT đầu tiên của Tập đoàn VNPT trong đợt dịch Covid-19. Trước đó, VNPT đã triển khai nhiều chính sách đến các đối tượng khác nhau trong xã hội, từ những y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đến những hộ doanh nghiệp, gia đình, trường học. Thời điểm dịch bệnh mới diễn ra tại Việt Nam, tất cả các trường học và cơ sở giáo dục trên toàn quốc đều được trải nghiệm miễn phí dịch vụ học trực tuyến E-learning của VNPT.
Bên cạnh đó, VNPT cũng đã tăng gấp đôi tốc độ Internet cho các gói cước Home Combo với giá không đổi để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội. VNPT- Vinaphone – đơn vị thành viên của VNPT cũng dành tặng các gói cước 0đ đến những y bác sĩ đang trực tiếp chiến đấu ở tuyến đầu chống dịch…
Nguyễn Dung
VNPT tăng hạng trong top 150 nhà mạng lớn trên toàn cầu
Submitted by nlphuong on Thu, 30/04/2020 - 10:20Theo công bố của Brand Finance, năm nay 2 thương hiệu là VNPT và VinaPhone có mức tăng hạng mạnh nhất trong top 4 thương hiệu viễn thông lớn nhất Việt Nam. Brand Finance nhận định thương hiệu của VNPT tăng trưởng ấn tượng nhất trong số 150 nhà mạng lớn trên toàn cầu.
Brand Finance: Giá trị thương hiệu VNPT tăng trưởng ấn tượng
Theo xếp hạng mới nhất của Brand Finance - tổ chức chuyên xếp hạng thương hiệu có trụ sở ở London UK vừa công bố top 150 nhà mạng viễn thông có giá trị thương hiệu lớn nhất năm 2020 (Telecoms 150 - 2020).
Theo bảng danh sách của Brand Finance, top 3 của danh sách này là các nhà mạng Verizon và AT&T (Mỹ) và China Mobile (Trung Quốc). 4 thương hiệu lớn nhất của Việt Nam là VNPT, VinaPhone, Viettel, MobiFone đều nằm trong danh sách này.
Thế nhưng, theo công bố của Brand Finance năm nay 2 thương hiệu là VNPT và VinaPhone có mức tăng hạng mạnh nhất trong top 4 thương hiệu viễn thông lớn nhất Việt Nam. Cụ thể thương hiệu của VNPT từ vị trí 72 năm 2019 đã tăng lên vị trí 55 (tăng 17 bậc) trong top 150 nhà mạng viễn thông có giá trị thương hiệu lớn nhất năm 2020.
Trong bản báo cáo này, Brand Finance đặc biệt nhấn mạnh đến VNPT được xem như điển hình trong danh sách 150 nhà mạng viễn thông có giá trị thương hiệu lớn nhất năm 2020. Brand Finance nhấn mạnh VNPT có giá trị thương hiệu tăng ấn tượng nhất nhất với tốc độ tới 42% và đạt con số 2,4 tỷ USD.
Cùng với thương hiệu VNPT, thương hiệu VinaPhone cũng tăng từ vị trí 119 lên 106 (tăng 13 bậc) trong top 150 nhà mạng viễn thông có giá trị thương hiệu lớn nhất năm 2020. Tuy nhiên, báo cáo của Brand Finance chưa công bố con số giá trị thương hiệu của VinaPhone cụ thể là bao nhiêu mà mới thông báo tỷ lệ tăng 36.4% so với năm 2019. Nếu tính giá trị thương hiệu của VinaPhone năm 2019 suy ra năm 2020 thì con số này sẽ khoảng 754 triệu USD.
Điểm mà Brand Finance đánh giá cao chính là VNPT đã đầu tư rất mạnh vào mạng 4G để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tăng cường chất lượng mạng Internet cáp quang. Thêm vào đó, Brand Finance cũng nhấn mạnh đến vai trò của Chính phủ Việt Nam với chiến lược đẩy mạnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung xây dựng thành phố thông minh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và chiến lược phát triển mạng di động 4G và 5G, IoT. Chính chiến lược này của Chính phủ đã làm động lực cho các nhà mạng của Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong đó có điểm nhấn là VNPT.
Brand Finance là tố chức đánh giá thương hiệu độc lập và có uy tín hàng đầu trên thế giới. Vì vậy, những công bố của Brand Finance có tác động rất lớn đơn thương hiệu doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đánh giá của Brand Finance về giá trị thương hiệu dựa trên những cơ sở nào?
Đại diện VNPT cho biết, những đánh giá của Brand Finance dựa trên các sở cứ chặt chẽ. 3 điểm chính mà thương hiệu VNPT và VinaPhone tăng bậc trong bảng xếp hạng top 150 nhà mạng viễn thông có giá trị thương hiệu lớn nhất năm 2020 chủ yếu dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất, năm 2019, kết quả kinh doanh của VNPT và VinaPhone tăng trưởng rất mạnh. Thứ hai, VNPT và VinaPhone đang thay đổi chiến lược chuyển từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang trở thành nhà cung cấp dịch vụ với những bước chuyển đổi số mạnh mẽ. Thứ 3, VNPT đã tăng cường đầu tư mạng viễn thông 4G và chuẩn bị cho mạng 5G cũng như đầu tư nâng cấp chất lượng mạng Internet băng rộng cố định.
Nếu như những năm trước câu chuyện về chuyển đổi số mới chỉ được các doanh nghiệp trong đó có VNPT đề cập đến thì đến năm 2019 VNPT đã tham gia và các chương trình lớn của Chính phủ như Cổng dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia… Ông Tô Dũng Thái, Phó tổng giám đốc VNPT cho hay, chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ chiến lược mà còn quyết định số mệnh của VNPT: "Chúng tôi xác định trước khi muốn đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi nền kinh tế số thì bản thân VNPT phải chuyển đổi thành một doanh nghiệp số. Chúng tôi đặt mục tiêu VNPT phải giữ vai trò chủ đạo trong cách mạng số tại Việt Nam. Nghĩa là, VNPT phải tham gia với vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng chính quyền và nền kinh tế số tại Việt Nam, trở thành lá cờ đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam".
Ông Tô Dũng Thái còn cho hay, khi dịch COVID -19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, VNPT đã đồng hành cùng cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân với rất nhiều các giải pháp, dịch vụ được triển khai nhanh chóng, đồng bộ, kịp thời. Trước đại dịch COVID-19 gây ra rất nhiều khó khăn cho toàn xã hội, VNPT đã đẩy mạnh đưa các dịch vụ số tới người dân và doanh nghiệp thông qua việc miễn phí sử dụng, giảm giá cước…. Hai yếu tố này cộng hưởng sẽ giúp tăng mạnh số lượng người dân sử dụng các dịch vụ số.
Đại diện VNPT cho hay, bên cạnh việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, VNPT cũng tập trung xây dựng hệ thống cổng thanh toán tập trung - VNPT Pay để tạo nên hệ sinh thái vững mạnh và ứng dụng công nghệ hiện đại. VNPT Pay được ứng dụng công nghệ Big data kết hợp AI… thực hiện thanh toán không tiếp xúc giúp cho thao tác thanh toán của khách hàng trở nên dễ dàng nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn và bảo mật.
Công bố của Brand Finance chính là sự đánh giá đã khẳng định vị thế của VNPT và VinaPhone trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp viễn thông toàn cầu cũng như vị trí của các doanh nghiệp của Việt Nam. Đây cũng sự minh chứng cho việc chuyển đổi chiến lược của VNPT và VinaPhone được ghi nhận và đánh giá cao.
Hoàng Linh/ictvietnam.vn