Chuyển động ngành
Trạm cảnh báo sớm trượt lở tại Lào Cai sử dụng đường truyền kết nối tốc độ cao của VNPT
Submitted by nlphuong on Fri, 22/11/2019 - 22:55Việt Nam là một trong nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất thế giới về thiên tai. Trong đó lũ quét và sạt lở đất là các hình thức thiên tai gây ra nhiều thiệt hại nhất về người.
Với mong muốn giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra cho bà con tại tỉnh Lào Cai, VNPT đã đồng hành cùng Viện Khoa học và Địa chất trong Dự án xây dựng trạm cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá. Trạm chính thức khánh thành tại xã Bản Khoang, Lào Cai vào ngày 21/11/2019.
Lễ khánh thành trạm cảnh báo sớm thiên tai trượt lở tại xã Bản Khoang, Lào Cai |
Theo khảo sát của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Viện KH ĐCKS), xã Bản Khoang (tỉnh Lào Cai) và thị trấn Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) là hai khu vực có nguy cơ gặp các thiên tai trượt lở đất nhiều nhất cả nước. Do đó, việc lắp đặt các trạm cảnh báo sớm thiên tai trượt lở đất dạng lòng bùn đất, đá tại hai khu vực này là việc làm hết sức cần thiết cho người dân và chính quyền địa phương.
Với thế mạnh về mạng lưới, hạ tầng công nghệ phủ sóng khắp 63 tỉnh thành và chất lượng Internet băng rộng có tốc độ số 1 Việt Nam, (theo kết quả đo kiểm Speedtest của Tổ chức Ookla), VNPT đã triển khai đường truyền Internet tốc độ cao kết nối từ Trụ sở chính của Viện KH ĐCKS (Hà Nội) và Trạm cảnh báo tại xã Bản Khoảng (Lào Cai) và hỗ trợ hoàn toàn miễn phí trong vòng 5 năm (2019-2024).
Vị trí trạm cảnh báo sớm thiên tai trượt lở tại xã Bản Khoang, Lào Cai |
Đại diện của VNPT cho biết, xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển, VNPT luôn hướng tới các hoạt động mang lại lợi ích cho người dân và cộng đồng, trong đó, công tác hỗ trợ bà con tại khu vực thiên tai luôn được VNPT chú trọng. Với vị trí địa lý nằm trên bờ Biển Đông, chúng tôi hiểu rằng thiên tai là điều không thể tránh khỏi đối với Việt Nam.
Đối với VNPT, ngoài việc đóng góp sức người sức của trong công tác khắc phục hậu quả bão lũ, thì việc đồng hành cùng các công trình khoa học nhằm chủ động ứng phó với thiên tai là việc làm cần thiết để địa phương có cơ sở công tác chỉ đạo, phòng tránh.
Chính vì vậy, VNPT rất vui mừng khi hợp tác với Viện KH ĐCKS lần này. Trạm cảnh báo sớm dạng bùn đất đá sẽ là khởi đầu thành công cho nhiều công trình khoa học khác nhằm giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra, đặc biệt là các thiệt hại về con người.
Được biết, trạm cảnh báo thiên tai tại xã Bản Khoang nằm trong khuôn khổ Đề tài “Nghiên cứu xây dựng thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực cho các khu vực miền núi Việt Nam”.
Nghiên cứu có sự tham gia của các tổ chức và chuyên gia khoa học của Đài Loan – một trong những quốc gia đạt thành công lớn trong công tác cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá cho toàn bộ lãnh thổ Đài Loan.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp Viễn thông – Công nghệ thông tin, ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, VNPT luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong sự phát triển chung của xã hội, khởi xướng và đồng hành với nhiều chương trình vì cộng đồng.
Cùng với việc tài trợ công trình trạm cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất đá tại xã Bản Khoang Lào Cai, đầu tháng 11/2019 VNPT tại Lào Cai đã tài trợ xây dựng trường mầm non cho trẻ em tại thôn Sín Chải A-xã La Pan Tẩn - huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Hoàng Linh/ictvietnam.vn
Việt Nam đứng Top 10 thế giới về tỷ lệ ứng dụng IPv6
Submitted by nlphuong on Thu, 21/11/2019 - 22:10Việt Nam đứng Top 10 thế giới và top 5 khu vực châu Á – Thái Bình Dương về tỷ lệ ứng dụng IPv6 là thông tin được công bố tại Hội thảo triển khai IPv6 cho đô thị thông minh khu vực ASEAN vào ngày 21/11/2019, tại Hà Nội.
Ông George Kuo, Giám đốc dịch vụ APNIC |
Ông George Kuo, Giám đốc dịch vụ APNIC tham dự Hội thảo đã công bố Việt Nam đứng Top 10 thế giới và top 5 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ ứng dụng IPv6.
10 quốc gia đứng đầu về tỷ lệ ứng dụng IPv6 (Nguồn: stats.labs.apnic.net) |
Ông đánh giá cao nỗ lực triển khai IPv6 tại Việt Nam và cho biết Internet đang tiếp tục phát triển với quy mô rộng khi số người sử dụng Internet tăng, công nghệ thay đổi nhanh chóng, tài nguyên IPv4 cạn kiệt...
IPv6 cho phép đồng bộ có cấu trúc, tích hợp định tuyến, giảm chi phí đầu tư và vận hành, cho phép các đầu tư cho các mạng quy mô lớn với các mô hình đơn giản hơn, người sử dụng Internet được hưởng lợi khi truy cập Internet nhanh, an toàn… theo đó việc triển khai IPv6 là cần thiết.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Thành viên Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia |
Chia sẻ câu chuyện triển khai IPv6 thành công tại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Thắng, Thành viên Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cho biết: Hiện nay, Việt Nam có khoảng 64,5 triệu người sử dụng Internet, trong đó 20 triệu người sử dụng kết nối IPv6.
Việt Nam thành công trong chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 nhờ có các chính sách thúc đẩy IPv6, đặc biệt Việt Nam ngay từ đầu Kế hoạch quốc gia về triển khai IPv6 theo 3 giai đoạn đã được ban hành: Giai đoạn chuẩn bị (2011 - 2012), Giai đoạn triển khai (2013 – 2015) với các công việc như chuyển đổi mạng với sự hỗ trợ cả IPv4 và IPv6, hình thành hạ tầng mạng quốc gia IPv6, cung cấp các dịch vụ thử nghiệm IPv6 và Giai đoạn hoàn thành 2016 – 2019 đảm bảo hoạt động của mạng Internet Việt Nam hoạt động dựa trên công nghệ IPv6.
Tháng 5/2019, đã chính thức công bố cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng IPv6 tại Việt Nam và kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, Việt Nam có chính sách hỗ trợ như về thuế cho việc mua sắm các thiết bị công nghệ cao hỗ trợ IPv6. Các thiết bị Internet, các sản phẩm CNTT khi mua sắm, sản xuất mới bắt buộc phải tương thích IPv6. Các cổng thông tin điện tử, các trang web, xây cơ quan nhà nước... được yêu cầu chuyển đổi sang IPv6.
Cùng với đó, các công tác như truyền thông, đào tạo - huấn luyện đội ngũ (hiện đã có 1.800 người tham gia), tổ chức các hội thảo, học hỏi kinh nghiệm… được tổ chức thường xuyên và liên tục.
Việt Nam cũng có ngày IPv6 Việt Nam để tổ chức hội thảo quốc gia và các hoạt động nâng cao nhận thức IPv6, mang lại nhiều cơ hội cho người sử dụng Interrnet. Các đơn vị tiên phong triển khai IPv6 phải là các cơ quan nhà nước. Sau năm 2019, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy IPv6 cho các nhà cung cấp nội dung, cơ quan nhà nước, 5G, IoT, thành phố thông minh.
Thông tin về triển khai IPv6 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Huyền Quang, Cục CNTT và Dữ liệu Tài nguyên Môi trường, cho biết: đến giữa tháng 9/2019, Bộ đã hoàn thành chuyển đổi IPv6 và đã sử dụng mô hình IPv4/IPv6 ở cả 2 trung tâm dữ liệu tại Bộ và Cục, song song cho các mạng lõi, người sử dụng thiết bị đầu cuối và thiết bị di động .
Sau khi hoàn thành triển khai mạng lõi và các dịch vụ tại 2 trung tâm, tỷ lệ chấp nhận IPv6 đã tăng. Kết quả nối bật là tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt hơn 80% so với mức tăng trưởng chung của Việt Nam là hơn 30%.
Theo ông Engr. Benjz Gerard M. Sevilla, đại diện Phillipines, hội thảo là hoạt động nằm trong dự án hệ sinh thái ICT thông minh được Hội nghị Bộ trưởng CNTT (TELMIN) lần thứ 18 thông qua nhằm xác định và hình thành kiến trúc mong muốn, ICT thích ứng cho thiên tai và vai trò của triển khai IPv6 cho thành phố thông minh.
Ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TTTT |
Ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TTTT cho biết: Nhằm thúc đẩy hợp tác CNTT-TT tại ASEAN, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã chủ trì và tổ chức Hội thảo với sự tham dự của cơ quan quản lý ICT các nước và APNIC cùng với các doanh nghiệp (DN) ICT…
Các nước ASEAN đã triển khai IPv6 nhưng ở các cấp độ khác nhau. Theo đó, việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các nước ASEAN rất cần thiết.
ASEAN có nhiều chương trình để thúc đẩy IPv6. Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong triển khai IPv6, trong đó nỗ lực của VNNIC, thường trực Ban công tác là rất lớn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Sau hội thảo, sẽ có những khuyến nghị cho Nhóm công tác về Viễn thông - CNTT ASEAN (TELSOM) và Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông - CNTT ASEAN (TELMIN) để có những hướng dẫn trong các nước ASEAN triển khai IPv6 trong những năm tới.
Lan Phương/ictvietnam.vn
Nguyễn Hà Đông chưa nghỉ hưu, vẫn sẽ tiếp tục làm game di động
Submitted by nlphuong on Wed, 20/11/2019 - 22:11Đó là chia sẻ của cha đẻ Flappy Bird khi quay trở lại mái nhà xưa - Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sau một thời gian dài ẩn mình trước giới truyền thông, mới đây, Nguyễn Hà Đông đã xuất hiện trở lại trong một buổi talk show được tổ chức tại ngôi trường cũ của anh, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Sự xuất hiện của Nguyễn Hà Đông thu hút nhiều sự chú ý hơn khi chỉ cách đây ít ngày, tựa game Flappy Bird mà chàng lập trình viên này phát triển đã lọt top 25 ứng dụng có sức ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại theo đánh giá của CNET.
Lần xuất hiện hiếm hoi của Nguyễn Hà Đông (người ngoài cùng bên phải) trước công chúng. Ảnh: Trọng Đạt |
Vẫn giữ phong thái “bí ẩn” như trước đây, Nguyễn Hà Đông xuất hiện một cách khá lặng lẽ và kiệm lời. Suốt cả buổi nói chuyện, anh chỉ lên tiếng mỗi khi được vị chủ tọa của buổi talk show đặt câu hỏi.
Trong suốt quá trình đó, ngôn ngữ cơ thể của Đông được thể hiện ra ngoài một cách rất hạn chế. Dù ngồi trong một hội trường lớn với rất đông khán giả là các bạn sinh viên, có cảm giác Nguyễn Hà Đông vẫn sống trong một thế giới nội tâm của riêng mình, một cách vô cùng trầm lặng.
Tuy vậy, những chia sẻ dù ngắn ngủi của Nguyễn Hà Đông vẫn khiến cho tất cả những người có mặt tại hội trường cảm thấy sự đặc biệt và thu hút riêng có của chàng trai này.
Nguyễn Hà Đông vẫn giữ sự trầm lặng vốn có như một bức màn bí ẩn khi người ta nói về anh. Ảnh: Trọng Đạt |
Ra đời từ năm 2013, thế nhưng phải đến 1 năm sau Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông mới được phần đông người dùng biết đến. Tuy vậy, tựa game này đã nhanh chóng trở thành một cơn sốt nhờ độ khó đến mức phi lý.
Game play đơn giản, không đầu tư quá nhiều vào đồ họa, điều tạo nên sự khác biệt cho Flappy Bird. Có vẻ như sức hút của Flappy Bird đến từ cách nhà phát triển đánh vào tâm lý người dùng qua độ khó của trò chơi này.
Vậy nên cho đến giờ phút này, tức là 5 năm sau sự thành công của Flappy Bird, nhiều người vẫn không thể giải thích nổi tại sao Nguyễn Hà Đông lại có thể tạo nên một hiện tượng mạng chỉ với những “nguyên liệu” đầu vào đơn giản như vậy.
Chia sẻ về bí quyết tạo ra một hiện tượng có sức ảnh hưởng toàn cầu như Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông cho rằng mình đã phải đánh đổi một số thứ để có thể đạt được thành công đó. “Cái mà tôi đánh đổi chính là sự trưởng thành”, Đông nói.
Ở Mỹ, con số 1 triệu USD được xem như cột mốc tài chính an toàn để một người có thể nghỉ hưu. Với sự trầm lặng suốt 5 năm qua, nhiều ý kiến cho rằng Nguyễn Hà Đông cảm thấy như vậy là đã đủ.
Thế nhưng, trước câu hỏi của Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông - Tạ Hải Tùng về việc phải chăng Nguyễn Hà Đông đã nghỉ hưu, cha đẻ Flappy Bird đã ngay lập tức phủ nhận.
“Ngày xưa hồi còn là sinh viên, em tính mình phải có khoảng 1,1 triệu USD để nghỉ hưu. Sau này, thực tế thì em đã có nhiều lần con số ấy nhưng em vẫn chưa thể nghỉ hưu được.”, Nguyễn Hà Đông chia sẻ.
Nụ cười hiếm hoi của "cha đẻ" Flappy Bird. Ảnh: Trọng Đạt |
Nói thêm về các dự định của mình cho tương lai, Đông cho biết anh đang có một công ty về game cùng với một người cộng sự. Đó là một tựa game rất đơn giản, nhưng về công nghệ là chưa từng có bao giờ, Đông nói.
Trước những thắc mắc về việc có phải Đông đang đầu tư vào một số dự án startup, cha đẻ Flappy nói rằng đó không phải là một khoản đầu tư.
“Anh không đầu tư. Anh thấy 1 số bạn cần tiền và anh cho họ. Để nhận được số tiền đó, các bạn phải show ra được dự án mình làm đến mức nào, cần bao nhiêu tiền và tiêu vào việc gì? Nếu thấy hợp lý thì mình sẽ cho.”, Đông cho biết.
Khi được đề nghị chia sẻ một lời khuyên nào đó với các bạn sinh viên Bách Khoa - thế hệ đàn em của chính mình, Nguyễn Hà Đông nói rằng: “Đừng đánh đổi sự trưởng thành bằng những thành công ngắn hạn”. Đó là một câu nói đơn giản, không hoa mỹ nhưng thực sự chân thành, hệt như con người của Nguyễn Hà Đông.
Trọng Đạt/vietnamnet.vn
Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
Submitted by nlphuong on Wed, 20/11/2019 - 15:16Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi thư chúc mừng tới các Thầy giáo, Cô giáo, Cán bộ, Công chức, Viên chức, Người lao động các Trường, Cơ sở giáo dục đào tạo, bồi dưỡng của ngành Thông tin và Truyền thông.
Dưới đây trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư của Bộ trưởng.
Thân gửi các Thầy giáo, Cô giáo, Cán bộ, Công chức, Viên chức, Người lao động các Trường, Cơ sở giáo dục đào tạo, bồi dưỡng của ngành Thông tin và Truyền thông,
Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019, thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi thân ái gửi tới các Thầy giáo, Cô giáo, Cán bộ, Công chức, Viên chức, Người lao động đã và đang công tác tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của ngành Thông tin và Truyền thông lời tri ân sâu sắc và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.
Các Thầy, Cô thân mến,
Bộ TT&TT của chúng ta là một Bộ về công nghệ số. Đưa công nghệ số, công nghệ ICT, công nghệ 4.0 vào đào tạo đang là một xu thế lớn mang tính toàn cầu. Hệ thống các cơ sở đào tạo của Bộ chúng ta phải đi đầu cả nước trong việc áp dụng công nghệ số vào đào tạo, có như vậy mới xứng đáng là những cơ sở đào tạo của một Bộ về công nghệ.
Khi một cuộc cách mạng đang xảy ra thì cách tiếp cận với mọi cái phải thay đổi. Mà nhiều cái gần như phải làm ngược lại. Trong đào tạo là như vậy. Trước đây, giáo viên của trường là chính thì nay, giáo viên thỉnh giảng từ bên ngoài nhiều hơn. Trước đây, học để làm thì nay, làm để học. Trước đây, giáo viên đứng cùng với lớp học thì nay, giáo viên giỏi thường dạy từ nơi rất xa. Trước đây, dạy cái trong sách thì nay, dạy cái chưa có trong sách. Trước đây, học là nghe thì nay, học là hỏi. Trước đây, học cái gì và thế nào thì nay, học tại sao. Trước đây, học là nghe theo thì nay, học là phản biện lại. Trước đây, mọi người học theo một cách giống nhau thì nay, mỗi người học theo một cách khác nhau. Trước đây, công nghệ là công cụ giúp cho việc dạy học theo cách cũ tốt hơn thì nay, công nghệ thay đổi cách dạy học.
Vì vậy, các Cơ sở đào tạo của Bộ TT&TT cần có một cách tiếp cận mới, một triết lý đào tạo mới - triết lý đào tạo của thời 4.0 - để các học sinh, học viên thấy hào hứng, thấy một tinh thần mới mẻ, thấy một sự thiết thực, thấy cái mà những cơ sở đào tạo khác chưa có. Và vì thế mà học tốt hơn. Và cũng vì thế mà dạy tốt hơn.
Các Thầy, Cô thân mến,
Trong năm qua, với phương châm hành động “Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá”, các Trường, các Cơ sở đào tạo của Ngành Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp trong dạy và học để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng nhu cầu xã hội trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước và Ngành TT&TT. Góp phần vào thành công chung ấy là sự tận tụy, nhiệt huyết của các Thầy giáo, Cô giáo, Cán bộ, Công chức, Viên chức, Người lao động các Trường, Cơ sở đào tạo của Ngành.
Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi hy vọng rằng, với những kết quả đã đạt được cùng với tinh thần đoàn kết của tập thể Lãnh đạo, Công chức, Viên chức, Giảng viên, Người lao động các Trường, Cơ sở đào tạo trong Ngành sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được; vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hết khả năng, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”; đào tạo, bồi dưỡng được nhiều hơn nữa các thế hệ sinh viên, học viên có phẩm chất và năng lực, có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Ngành trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, xứng đáng với niềm tin yêu toàn Ngành dành cho các Thầy, Cô giáo.
Một lần nữa tôi xin chúc các Thầy giáo, Cô giáo, Cán bộ, Công chức, Viên chức, Người lao động các Trường, Cơ sở đào tạo của Ngành Thông tin & Truyền thông và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Chào thân ái!
Nguyễn Mạnh Hùng
Ủy viên Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Hợp tác với VNPT, Hòa Bình giới thiệu du lịch đến với thế giới
Submitted by nlphuong on Mon, 18/11/2019 - 21:59au thời gian hợp tác chặt chẽ về viễn thông (VT-CNTT), ngày 18/11/2019, tại Hòa Bình, UBND Hòa Bình và Tập đoàn VNPT chính thức khai trương Cổng Du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình.
Tham dự Lễ Khai trương, có ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo du lịch tỉnh Hòa Bình; ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cùng đại diện các Sở, ban ngành và VNPT Hòa Bình.
Các đại biểu nhấn nút khai trương Cổng Du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình |
Nằm trên hành lang Tây Bắc của Tổ quốc, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 20%/năm, Hòa Bình đã trở thành điểm đến, địa chỉ du lịch của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Để vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc với “Nền văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của UBND Hòa Bình và Tập đoàn VNPT là cùng hợp tác xây dựng Cổng du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình, ứng dụng và tích hợp công nghệ số trong việc quảng bá, truyền tải thông tin về du lịch Hòa Bình đến du khách.
Cổng thông tin du lịch thông minh Hòa Bình nằm trong chuỗi dự án du lịch thông minh do VNPT xây dựng với 4 nội dung cơ bản: Hệ thống Cổng thông tin du lịch Hòa Bình; ứng dụng Mobile Du lịch thông minh; Hạ tầng tích hợp dữ liệu - hệ thống báo cáo ngành du lịch và lắp đặt 08 hệ thống WiFi công cộng tại 3 khu vực du lịch trọng điểm trong tỉnh là: Khu du lịch quốc gia lòng hồ Hòa Bình; Điểm du lịch quốc gia Mai Châu; Khu du lịch Chùa Tiên Lạc Thủy.
Trong đó, Cổng du lịch thông minh Hòa Bình (http://hoabinhtourism.vn) được đánh giá là sản phẩm thông minh chứa hàm lượng trí tuệ nhân tạo cao, đáp ứng yêu cầu về đô thị thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo định hướng của Chính phủ.
Giao diện Cổng Cổng Du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình |
Với giải pháp du lịch thông minh, khách du lịch dễ dàng tương tác trên các thiết bị thông minh như máy tính bảng, điện thoại thông minh. Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có thể cập nhật những thông tin cần thiết, giúp du khách truy cập, tìm thông tin về du lịch địa phương nhanh và thuận tiện theo các nội dung: Lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, nơi lưu trú, giá phòng khách sạn, nhà hàng, địa điểm mua sắm, bệnh viện, bến xe, ATM…
Đặc biệt, những địa điểm này đều được tích hợp với bản đồ số, giúp du khách dễ dàng tìm đến các địa điểm mong muốn.
Hệ thống du lịch thông minh bao gồm các thành phần cơ bản: Cổng thông tin du lịch, ứng dụng di lịch trên di động, bản đồ du lịch, hệ thống WiFi công cộng, hệ thống lưu trú, hệ thống phân tích dữ liệu du lịch. Cung cấp khả năng kết nối hệ thống thanh toán trực tuyến, các hệ thống dịch vụ du lịch trong nước và trên toàn thể giới.
Đặc biệt, hệ thống du lịch thông minh được tích hợp công nghệ mới: Thực tại ảo, thực tại tăng cường, ảnh 360, trí tuệ nhân tạo (được phát triển thành các tính năng: nhận diện công trình kiến trúc – trợ lý du lịch ảo, tự gợi ý lịch trình thông minh) đem đến những trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Phát biểu tại Lễ khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo du lịch tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương khẳng định: Chỉ với một thiết bị cầm tay có kết nối Internet, du khách có thể trải nghiệm kho video về du lịch và các điểm đến, thụ hưởng các dịch vụ tư vấn thông tin du lịch theo địa lý dựa vào tính năng tự động xác định địa điểm qua định vị, tư vấn lịch trình, chỉ đường, gợi ý các địa điểm ăn uống, khách sạn, nhà hàng, các sự kiện nổi bật, hệ thống ngân hàng, y tế, phương tiện di chuyển... khi đến Hòa Bình.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Chương, các cơ quan quản lý có thể theo dõi, lắng nghe phản ánh, góp ý của người dân và du khách về giá cả, chất lượng dịch vụ du lịch...
Là đơn vị chủ trì xây dựng chuỗi dự án Du lịch thông minh Hòa Bình, Phó Tổng Giám đốc VNPT Tô Dũng Thái nhấn mạnh: Sau thời gian tích cực triển khai, đến nay Cổng du lịch thông minh Hòa Bình đã cơ bản xây dựng đúng kế hoạch khai trương, đóng góp quan trọng và đầy ý nghĩa vào thành công chung của Tuần lễ văn hóa du lịch tỉnh Hòa Bình sắp diễn ra.
Là Tập đoàn kinh tế năng động với hệ sinh thái CNTT toàn diện, chú trọng phát triển những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp CNTT - truyền thông sáng tạo, đột phá, kiến tạo nên những giá trị đích thực cho cuộc sống, đến nay, các giải pháp trong hệ sinh thái Thành phố thông minh như Du lịch thông minh đã được triển khai ứng dụng cho Tổng cục Du lịch; Triển khai cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh cho hơn 40 tỉnh/thành phố, trong đó đã khai trương chính thức cho nhiều địa phương.
“VNPT cam kết xây dựng Cổng du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình với ứng dụng CNTT đột phá trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi thu hút du khách, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế”, Phó Tổng Giám đốc Tô Dũng Thái nhấn mạnh.
Cổng du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình hoàn thành chính là bước tiến lớn của ngành du lịch, sớm giúp Hòa Bình xây dựng ngành thành công du lịch chất lượng cao và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tiến đến hành trình đưa Hoà Bình thành đô thị thông minh hiện đại bậc nhất, xứng đáng với tiềm năng và là cửa ngõ quan trọng khu vực Tây Bắc.
Nhân tài Đất Việt 2019 đã tìm ra quán quân từ hơn 400 sản phẩm CNTT
Submitted by nadung on Sat, 16/11/2019 - 09:25(ICTPress) - Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2019 tối qua tại Hà Nội đã tôn vinh sản phẩm Phần mềm tự động chuyển đổi giọng nói tiếng Việt sang văn bản "Origin-STT" với giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực CNTT.
Được biết, Origin-STT là phần mềm hỗ trợ chuyển từ giọng nói thành văn bản và gỡ băng với độ chính xác trung bình lên tới 93,6%. Sản phẩm này đã giúp tiết kiệm tối thiểu 10 lần thời gian, công sức nghe lại âm thanh và gõ lại văn bản sau các phiên họp của hàng vạn cuộc họp trong một năm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùngtrao giải Nhất lĩnh vực CNTT. |
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực CNTT năm nay có chủ đề "Sức mạnh chuyển đổi số" nhằm bắt nhịp với xu hướng Chuyển đổi số, góp phần tạo ra những ứng dụng thông minh, phục vụ phát triển nền kinh tế số.
Với chủ đề này, giải thưởng đã nhận được tổng cộng 418 sản phẩm dự thi với 3 hệ thống: Sản phẩm CNTT Kết nối - Di động; Sản phẩm CNTT Khởi nghiệp; Sản phẩm Số triển vọng. Theo Ban Tổ chức, đây là số lượng sản phẩm tăng đột biến, cao hơn gần 30% so với năm trước. Đặc biệt giải thưởng cũng thu hút được nhiều sản phẩm dự thi từ Việt kiều tại các nước như Mỹ, Canada, Đức, Thụy Sỹ.
Năm nay, lần đầu tiên giải thưởng cũng đã tiếp nhận các bài thi chưa hoàn thiện, có thể ở dạng ý tưởng và có mong muốn được phát triển, thị trường hoá. Đây là cơ hội rất lớn cho các startup chưa có đủ điều kiện và nguồn lực để hoàn thiện sản phẩm của mình.
Cùng với giải Nhất trong lĩnh vực CNTT, tại Lễ trao giải, Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 cũng đã trao 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 4 giải Khuyến khích. Bên cạnh đó, lĩnh vực Khoa học công nghệ có 01 giải Nhất, lĩnh vực Y dược có 02 giải Nhất và 01 giải Nhì, lĩnh vực Môi trường có 01 giải Nhất. Lĩnh vực Tự học Thành tài có 02 Giải thưởng cho 02 cá nhân có tinh thần tự học, tự nghiên cứu đã nỗ lực vượt khó để tạo ra những sản phẩm, công trình mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư tại địa phương và các khu vực lân cận.
Được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005 và được đồng tổ chức bởi báo Dân trí, Đài truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay đã bước sang năm thứ 15, tiếp tục khẳng định vị thế là giải thưởng uy tín mang tầm vóc quốc gia và là bệ phóng để những nhân tài của đất nước có cơ hội chứng minh sức mạnh của trí tuệ và sự sáng tạo phục vụ cộng đồng.
Cũng tại buổi lễ trao giải, Ban tổ chức đã phát động cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2020 và nhấn nút khởi động cho một chặng hành trình mới của giải thưởng với mục tiêu "Đưa giá trị Việt vươn tầm thế giới".
Minh Anh
Bộ TT&TT tích cực hỗ trợ tỉnh Bình Phước phát triển chính phủ điện tử
Submitted by nlphuong on Fri, 15/11/2019 - 16:05Chiều ngày 14/11, tại Trụ sở Bộ TT&TT, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của tỉnh Bình Phước do đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn. Cùng dự có các Thứ trưởng Phạm Hồng Hải; Phạm Anh Tuấn và lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ TT&TT.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau buổi làm việc |
Thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND tỉnh Bình Phước, đến nay Bộ TT&TT đã thực hiện hỗ trợ đầu tư hệ thống truyền thanh cơ sở tại một số xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, Bình Phước đã triển khai thí điểm tại xã Long Giang, thị xã Phước Long.
Bộ TT&TT đã hỗ trợ rà soát, cập nhật các phương án, kế hoạch an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh; điều phối, xử lý các sự cố về an toàn thông tin; triển khai các chương trình tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin cho người dùng internet trên địa bàn tỉnh; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP (trục liên thông văn bản) phục vụ cho hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
Bộ TT&TT cũng hỗ trợ tỉnh triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước; cung cấp tài khoản để giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng và quy trình gỡ bỏ các thông tin xấu, độc trên báo chí, mạng xã hội. Thực hiện dự án “Truyền thông và giảm nghèo thông tin”; thiết lập một cụm thông tin cơ sở; hỗ trợ kinh phí trang bị cho dự án đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống truyền thanh cơ sở các xã về đích nông thôn mới năm 2019.
Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Phước đã kiến nghị, đề xuất Bộ TT&TT sớm hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số vệ tinh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP kết nối mở rộng ra các hệ thống thông tin của tỉnh và kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia. Hỗ trợ kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các Bộ ngành, địa phương trong gửi, nhận văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến… với nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia.
Tỉnh cũng đề xuất hỗ trợ thực hiện dự án tạo lập, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu dùng chung; hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh kết nối với Chính phủ; tư vấn tỉnh triển khai chính quyền điện tử, xây dựng Trung tâm an toàn thông tin tỉnh nhằm phát hiện, cảnh báo hỗ trợ xử lý các vụ tấn công, sự cố, mã độc, lỗ hổng, rủi ro an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử và kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Đức Huy/mic.gov.vn
Ra mắt Cổng dịch vụ công Bộ Y tế
Submitted by nlphuong on Wed, 13/11/2019 - 21:35Theo đó, Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế là cổng tích hợp thông tin về dịch vụ công trực tuyến, về tình hình giải quyết, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở tích hợp và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Y tế.
Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế đi vào hoạt động sẽ cho phép công dân/ doanh nghiệp dễ dàng tiến hành nộp hồ sơ trực tuyến, tự tra cứu và biết được tình trạng giải quyết thủ tục hành chính của mình mà không phải đến tận nơi cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, công dân/doanh nghiệp có thể giám sát chất lượng các dịch vụ công một cách công khai, minh bạch, thông qua phản hồi, đánh giá quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình.
Ngoài ra, Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế còn giúp cải tiến, nâng cấp và đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, nhằm từng bước cải thiện sự phục vụ công dân/doanh nghiệp với chất lượng và hiệu quả tốt nhất; đồng thời tiết kiệm được chi phí do tập trung quản lý tại một hệ thống duy nhất.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến bấm nút khai trương Cổng Dịch vụ công |
Trước đó, năm 2014, Bộ Y tế bắt đầu thực hiện cung cấp những dịch vụ công mức độ 4 đầu tiên về cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sau 05 năm triển khai, đến nay Bộ Y tế đã xây dựng và đưa vào vận hành trên 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong các lĩnh vực: An toàn thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm, Trang thiết bị Y tế, Khoa học công nghệ, Khám chữa bệnh, Môi trường Y tế, … với khoảng gần 400 hồ sơ được tiếp nhận/ngày.
Hiện nay, Bộ Y tế là một trong ba Bộ tiên phong kết nối Cổng Dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công các Bộ ngành và đã thử nghiệm kết nối với Cổng Dịch vụ công địa phương (tỉnh Bắc Ninh). Đồng thời, Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế cũng sẽ được liên thông, kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Y tế, Cổng Một cửa Quốc gia và tới các địa phương trong cả nước trong lộ trình tiếp theo.
Bưu điện Việt Nam dẫn đầu lĩnh vực bưu chính chuyển phát tại Top 500 VNR
Submitted by nlphuong on Thu, 07/11/2019 - 10:25Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) vừa lọt top bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 (VNR500)
Theo bảng xếp hạng VNR500 do tổ chức Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet vừa công bố chiều nay 6/11, lĩnh vực bưu chính chuyển phát có 2 đơn vị nằm trong Top 500 doanh nghiệp (DN) lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019.
BĐVN (Vietnam Post) là doanh nghiệp dẫn đầu đối với lĩnh vực bưu chính chuyển phát trong bảng xếp hạng này.
Đại diện Tổng công ty BĐVN nhận danh hiệu DN nằm trong Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019. |
Điều này không chỉ khẳng định uy tín, vị thế của BĐVN mà còn là minh chứng về sự nỗ lực tìm hướng đi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tổ chức sản xuất của doanh nghiệp bưu chính trong kỷ nguyên số hiện nay.
Từ chỗ phải nhận trợ cấp của Nhà nước, năm 2013 - năm cuối cùng BĐVN được Nhà nước hỗ trợ các hoạt động bưu chính công ích là 330 tỷ đồng, tuy nhiên, ngay từ năm 2014 , DN này đã vừa đảm bảo các hoạt động bưu chính công ích vừa đạt được lợi nhuận gần 110 tỷ đồng.
Với sự nỗ lực rất lớn của hơn 5 vạn cán bộ nhân viên và người lao động trên toàn mạng lưới, năm 2018, BĐVN đã “cán đích” trước hạn 2 năm của kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, với tổng doanh thu tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, tổng lợi nhuận tăng 40% so với cùng kỳ.
BĐVN luôn được Chính phủ và tổ chức, đối tác đánh giá cao về sự đổi mới cùng những bước phát triển vượt bậc trong sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt trong chuyến thăm và làm việc của UPU với Tổng công ty BĐVN năm 2016, Tổng giám đốc Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) Bisha Abdirahman Hussein đã khẳng định, BĐVN là một trong những tấm gương đổi mới thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực và thế giới.
Mới đây nhất, BĐVN đã được UPU trao chứng chỉ quản lý chất lượng cấp độ Vàng. Đây là lần đầu tiên, một DN bưu chính của Việt Nam đạt được cấp độ cao nhất về hệ thống quản lý chất lượng của UPU.
Minh Anh
Những kết quả ấn tượng, bất ngờ cuộc thi sinh viên với ATTT ASEAN 2019
Submitted by nlphuong on Tue, 05/11/2019 - 07:30Sau một ngày thi đấu sôi nổi, Vòng sơ khảo cuộc thi sinh viên với an toàn thông tin (ATTT) ASEAN 2019 đã kết thúc chập tối ngày 3/11/2019 với những kết quả ấn tượng, bất ngờ.
Tại Lễ bế mạc cuộc thi tại đầu cầu Hà Nội, bà Trần Thị Kim Phượng, Chánh Văn phòng Hiệp hội ATTT (VNISA), Trưởng Ban giám khảo cuộc thi đã thông tin các kết quả của cuộc thi.
Bà Trần Thị Kim Phượng, Chánh Văn phòng VNISA, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi |
Về đề thi, số thử thách (câu hỏi) ít hơn năm 2019 (11 câu so với 19 câu), tuy nhiên, độ khó thử thách lại cao hơn, đặc biệt nội dung dịch ngược. Thử thách này sau 5 giờ thi đấu chưa đội nào giải được và phải có sự hỗ trợ của Ban Tổ chức.
Về điểm thi, sau 2/3 thời gian thi đấu, sự khác biệt về số điểm các đội rất lớn. Trong tốp đầu khác biệt đội dẫn đầu và các đội còn lại là tới 3000 điểm. Trong khi đó, ở nhóm sau, nhiều đội (khoảng 40 đội) mới đạt 01 điểm. Đến cuối giờ thì đội cao nhất là 5051 điểm. Đội giành được điểm sớm nhất trong vòng thi là đội của Học viện Kỹ thuật Mật mã cơ sở phía Nam.
Về đội thi, trường lần đầu tiên tham gia cuộc thi là Đại học Hoà Bình với 3 đội thi. Đặc biệt, năm nay số nữ sinh tham gia nhiều hơn hẳn so với các năm trước. Tổng số 10 em, phía Bắc là 5 em.
Vòng Sơ khảo đã khép lại với kết quả như sau:
Khu vực miền Bắc (thi tại Học viện Kỹ thuật mật mã):
- Giải Nhất: đội Just ∫du It!, đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông Vũ Quốc Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNISA và ông Chu Minh Yên, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã trao giải Nhất khu vực miền Bắc cho đội thi Đại học công nghệ |
- Giải Nhì (3 giải): KMA PeBois (Học viện Kỹ thuật mật mã), Nupakachi (Đại học Bách khoa Hà Nội) và z3r0_night (Đại học FPT).
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GDĐT, Phó Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi trao giải Nhì cho các đội |
- Giải Ba (5 giải): Y45uno và JWT (Học viện an ninh nhân dân), ADSL (Đại học Bách khoa Hà Nội), PTIT.hub (Học viện công nghệ BCVT) và Kurisutina (Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ông Nguyễn Ngọc Quân, Phó Giám đốc Trung tâm An ninh mạng VNPT trao giải Ba cho các đội |
Khu vực miền Trung (thi tại Đại học Duy Tân):
- Giải Nhất: ISIDTU, Đại học Duy Tân.
- Giải Nhì (2 giải): ISIDTU 2 và ISIDTU 3 (Đại học Duy Tân).
- Giải ba (2 giải): BKDN_SSW (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) và QBU (Đại học Quảng Bình).
Khu vực miền Nam (thi tại Đại học Quốc tế Sài Gòn):
- Giải Nhất: đội UIT-BEAN, đại học CNTT - Đại học Quốc gia TPHCM.
- Giải Nhì (3 giải): noobiens (Đại học Bách khoa TP. HCM), H2DP (Học viện Bưu chính viễn thông - TP. HCM) và UIT-Mak3.1t.Happ3nd (Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP. HCM).
- Giải Ba (5 giải): Sneife (Đại học Bách khoa TP. HCM), Viroots (Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM), PowerOfFriendship (Học viện Bưu chính viễn thông - TP. HCM), UIT-Ghost.ist (Đại học CNTT - Đại học Quốc gia TP. HCM) và LOSABLE (Đại học Bách khoa TP. HCM).
Ban Tổ chức cũng đã công bố danh sách 10 đội tham dự vòng Chung khảo cuộc ghi gồm: Just ∫du It!, KMA PeBois, UIT-BEAN, Noobiens, Nupakachi, H2DP, z3r0_night, Y45uno, ISITDTU và ISITDTU2.
10 đội tham gia chung khảo cuộc thi sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 29/11/2019 với sự tham dự của các đội khu vực ASEAN |
Vòng thi sơ khảo diễn ra đồng thời ở cả 3 địa điểm: Hà Nội (tại Học viện Kỹ thuật Mật mã), Đà Nẵng (tại Đại học Duy Tân) và TP. Hồ Chí Minh (tại Đại học Quốc tế Sài Gòn).
Cuộc thi được VNISA chủ trì, phối hợp với Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì dưới sự bảo trợ của Bộ GDĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT). Đây là năm thứ 12 cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam và là năm đầu tiên mở rộng ra khu vực ASEAN, dự kiến với 6 đội sẽ tham dự Vòng chung kết.