Chuyện dọc đường
HQ996 - Con tàu 20 năm làm cầu nối Đất liền với Trường Sa
Submitted by nlphuong on Thu, 05/09/2013 - 08:05Những ngày trên biển, chúng tôi gắn liền mọi sinh hoạt với con tàu HQ 996. Với đoàn công tác chúng tôi, Tàu HQ 996 trở nên thân thiết hơn bao giờ hết. Ít ai biết rằng con tàu này đã gắn bó với nghiệp cầu nối với đất liền với Trường Sa đã 20 năm, nó đã từng chứng kiến rất nhiều cuộc gặp mặt xúc động, nó đã kiên cường vượt bao đợt sóng dữ để Trường Sa không bao giờ xa.
Tàu HQ 996 đã thực hiện hàng trăm chuyến đưa đón cán bộ, chiến sỹ, thân nhân tới huyện đảo Trường Sa |
Lực lượng trên tàu gồm Ban chỉ huy tàu (một thuyền trưởng, một chính trị viên và hai thuyền phó) và các bộ phận như: hàng hải (lái tàu), thông tin vô tuyến (bảo đảm thông tin liên lạc với bờ, ra-đa quan sát mục tiêu), boong, cơ điện và bộ phận phục vụ.
Đây là tàu chuyên dùng, là một “khách sạn di động trên biển” với 3 tầng gồm 22 phòng. Mỗi phòng có 8 giường cho khách. Ngoài ra, ở tầng trên còn có 9 phòng VIP dành cho cán bộ cấp cao. Tàu có thể phục vụ tốt cho 200 khách suốt hải trình 10 - 15 ngày và theo tính toán, tàu có thể chịu được gió cấp 11, 12.
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Đào Trọng Vĩnh, Chính trị viên tàu HQ 996 cho biết: “Từ khi được hạ thủy, tàu HQ 996 đã đưa đón hàng trăm chuyến đưa đón cán bộ, chiến sĩ, thân nhân đến thăm làm việc với quân và dân huyện đảo Trường Sa. HQ 996 là tàu chở khách đầu tiên ra quần đảo Trường Sa”.
Đại úy Vĩnh cũng cho biết thêm: “Từ khi hạ thủy đến nay, tàu HQ 996 đã luôn hoàn thành nhiệm vụ đưa đón đoàn khách và đoàn công tác an toàn”.
Mỗi khi giọng thuyền trưởng vang lên trên loa của tàu: “Toàn tàu chuẩn bị thả neo. Toàn tàu chuẩn bị thả neo”... “Toàn tàu chuẩn bị hạ xuồng. Toàn tàu chuẩn bị hạ xuồng...” Những sĩ quan, chiến sĩ không phân biệt thuyền trưởng hay chính trị viên lại tập trung tại khu vực mạn tàu tham gia đưa đón người, hàng hóa vào đảo. Nhiệt tình, thân thiện không quản ngại khó khăn.
Nhà báo Thông tin và Truyền thông với thủy thủ đoàn tàu HQ 996 |
13 ngày, gắn chặt với con tàu là biểu tượng cầu nối giữa đất liền với hải đảo xa xôi, chúng tôi không thể quên được những cử chỉ thân tình, quan tâm đảm bảo an toàn của sĩ quan, chiến sĩ trên tàu, nhất là mỗi khi lên xuống tàu để vào đảo.
Một sự khởi đầu thuận lợi khiến chúng tôi thấy chuyến đi nhẹ nhàng và càng yên tâm hơn khi được chứng kiến những tình cảm chân thành của thủy thủ đoàn HQ 996. Biển Đông như vẫy gọi chuyến tàu đến với Trường Sa, nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tàu HQ 996 được hạ thủy và bàn giao, đưa vào sử dụng ngày 27/12/1994 với chiều dài 70m, rộng 11,8m, lượng giãn nước 2.050 tấn, có 2 máy với mã lực tương đương một đầu máy xe lửa, vận tốc tối đa 12 hải lý/giờ, dầu chạy dự trữ 300 tấn và nước ngọt khoảng 800m3, đảm bảo hoạt động lên đến 45 ngày. |
Hồng Chuyên
Báo Bưu điện
Life & English: "My hobbies’’
Submitted by nqmhien on Wed, 04/09/2013 - 00:12Hi. I’m Chi Mai. I live in Hanoi. Today, I’ll write about my hobbies.
First, my favorite subjects are Math and English. I have a lot of homework about them. And I love to ride my bicycle, too. I like vegetables, fruits and soup. They’re so yummy! I like to clean my room, make breakfast, and watch TV alone. I usually do that.
Time to play, I love to play with my dolls and kitchen toys. I like to go to supermarkets, restaurants, bookstores… Because is is so much fun! When I watch TV, I like The Apprentice Asia in AXN channel. It’s so cool! I’ll watch that in next season. How about my favorite cartoon? It’s Phineas and Ferb. It’s great!
What about your hobbies? Please tell me later.
Author: Nguyen Chi Mai
Editor: Maria Aili
Wider World Language Center: widerworld.edu.vn
Thăm Trường Sa vào đầu mùa bão tố
Submitted by nlphuong on Tue, 03/09/2013 - 08:10Chỉ có vượt qua bão tố mới biết trân trọng lòng dũng cảm, phải có những phút bình yên mới biết cuộc sống cũng nên thơ, phải ngắm nhìn vợ chồng lính đảo ngày gặp mặt mới biết niềm thương và nỗi nhớ. Hành trình 13 ngày trên biển Trường Sa, đoàn nhà báo Thông tin và Truyền thông đã được nếm trải đủ cung bậc ấy. Sự nếm trải ấy đã khiến chúng tôi cảm nhận được sự hy sinh, cảm nhận được sự anh hùng của người lính đảo Trường Sa hôm nay.
Bình yên ngày lên đường
Theo tinh thần họp đoàn đi thăm quần đảoTrường Sa, tháng 6 năm 2013, đoàn được chia làm 2 đoàn nhỏ đi theo 2 hướng khác nhau. Đoàn thứ nhất đi trên tàu HQ 571 chạy tuyến phía Nam quần đảo Trường Sa.
Đoàn nhà báo Liên chi Hội nhà báo Thông tin Truyền thông của chúng tôi đi tàu HQ 996 tới các điểm đảo phía Bắc mà quân dân ta đang sinh sống và thực thi chủ quyền, bao gồm các đảo như: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Đảo Sơn Ca, Đảo Nam Yết, Len Đao, Cô Lin, Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn và Đá Lớn.
4h sáng, chưa rõ mặt người, chúng tôi đã í ới gọi nhau dậy chuẩn bị đồ dùng. Cả dãy dài trước khách sạn xếp đầy hàng hóa để đưa ra đảo xa. Ai cũng háo hức chờ đón chuyến đi dài ngày. Cô phóng viên trẻ Vũ Thị Nhung dậy từ lúc nào, gõ cửa khua cả đoàn phóng viên dậy. Chiếc vali to hơn người và hành lý tư trang sẵn sàng. Khi xuống đến sảnh, Nhung bồn chồn đứng ngồi không yên. Cứ như sợ lỡ mất chuyến đi...
Trong đoàn đi lần này có rất nhiều thân nhân của các chiến sĩ, sĩ quan trên đảo. Hầu như đều là những người lần đầu tiên ra nơi người thân của mình đang đóng quân. Với những người vợ mới cưới sắp được gặp chồng, khoảng cách nghìn trùng khiến cho khát vọng được gặp nhau dâng trào mãnh liệt trong ánh mắt. Những người mẹ, những người cha sẵn sàng bỏ công việc của mình ở nhà để ra thăm đứa con thân yêu nơi đảo xa...
Khi những chiếc xe chở thân nhân và đại biểu từ nhà khách đến cảng Cát Lái, mặt trời vừa ló rạng. Bình minh trải nắng trên 2 con tàu lừng lững HQ 996 và HQ 571. Ai cũng cố giữ cho mình những khoảnh khắc đáng nhớ của ngày lên đường.
Bắt đầu hành trình ra Trường Sa |
Sáng hôm sau nắng vẫn rực rỡ trên boong tàu. Biển đẹp lặng lẽ, thỉnh thoảng theo gió vài đợt sóng gợn lăn tăn. Mấy cô gái đứng trên boong tàu hiền hòa ngắm nhìn trời biển.
Cũng trong ngày hôm đó, biển nổi sóng lớn hơn, 3 lần chúng tôi được chứng kiến cảnh cá heo đùa giỡn trên sóng nước. Trên cabin, anh thủy thủ tàu HQ 996 Tống Văn Tùng giương ống nhòm nhìn xa và than thở: “Cá heo lên như thế này, chỉ mấy hôm nữa biển sẽ động”. Nghe từ “biển động” trong đầu ai cũng thoáng vẻ lo lắng.
Hội ngộ tại Song Tử Tây, ngày nắng đẹp
Ở vùng giữa Trường Sa và đất liền thường có ít tàu cá đánh bắt. Cảm giác mong ngóng được gặp người thân đang dâng lên trong mỗi người, nhất là những người vợ vừa lấy chồng ít hôm, chồng đã lên đường ra đảo.
Là một trong những người vợ mong mỏi gặp chồng, chị Trần Thị Kiều Hạnh, sinh năm 1987, có vóc dáng nhỏ nhắn hay đứng thơ thẩn nhìn ra biển. Hạnh kể: “Em người Cần Thơ, lấy chồng được gần 2 năm. Lấy nhau được ít ngày thì chồng đi công tác Trường Sa. Từ đó đến nay, chúng em chỉ gặp nhau trên điện thoại”.
Hai năm lấy chồng, họ vẫn chưa có con, Hạnh vẫn đang sống cùng gia đình chồng. Điểm mặt trên tàu cũng có vài người vợ vừa cưới xong thì chồng đi công tác Trường Sa, họ chưa có đủ thời gian để hoàn thành nghĩa vụ “tuyển quân cho gia đình” (cánh hải quân vẫn đùa khi nói về những người vợ chưa có con ra thăm đảo).
Thể hiện như một người mạnh mẽ nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Thắng, sinh năm 1987, quê Nghệ An, cũng không giấu nổi nỗi nhớ chồng.
Chị kể bằng giọng trầm buồn: “Nhớ lắm anh ạ, nhất là con bé nhà em, nó nhớ mãi lúc chia tay với bố, nó vẫn khóc đòi em đưa ra cảng để chào bố”. Dường như, người mẹ trẻ đang dùng chuyện của con để nói hộ lòng mình.
Bởi những niềm riêng ấy mà chuyến đi này với những người vợ xa chồng lâu ngày, những người vợ mới cưới, những người mẹ lần đầu tiên xa con... trở nên vô cùng có ý nghĩa. Dường như thấu hiểu những điều đó, hàng năm, Hải quân Việt Nam vẫn tổ chức chuyến đi thăm thân nhân để phần nào chia sẻ những tâm tư của người lính đảo và những người vợ lính đảo vò võ ở nhà.
Nhưng không phải chuyến đi nào họ cũng có thể sắp xếp được để ra thăm chồng nên thời gian xa nhau cứ thế mà dài hơn...
Đến Song Tử Tây, ở đây, cánh phóng viên chúng tôi được tác nghiệp nhiều nhất nên có thời gian được chứng kiến những cuộc gặp mặt đầy xúc động. Có những cái ôm nồng ấm khát khao sau bao ngày xa cách. Có những cái nhìn đắm đuối cho thỏa nỗi nhớ mong. Có những nụ hôn cháy rát yêu thương. Chỉ có thể là người lính đảo, chỉ có thể là thân nhân của họ mới thấu hiểu sự mong mỏi gặp mặt người thân như thế nào.
Vợ chồng chị Phạm Hồng Liên gặp mặt tại Song Tử Tây |
Vừa gặp chồng, chị Phạm Hồng Liên (quê Quảng Ninh) đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc. Chị đã khóc, khóc cùng khuôn mặt tươi tắn, khóc cùng nụ cười sung sướng. Khi lên tàu chị vẫn ngượng nghịu vì không thể giấu được cảm xúc của mình. Chồng chị là thượng tá, sĩ quan nên thời gian công tác trên đảo thường dài, và nỗi nhớ, niềm hạnh phúc phải chăng vì thế mà nhân đôi.
Và những cuộc gặp vội vã ngày biển động
Chỉ sau vài ngày, biển không còn dịu êm như những buổi đầu lên đường. Sóng đánh mạnh vào thân tàu. Con tàu lắc lư. Những cơn mưa bất chợt trên biển dày hơn. Tháng 6, bắt đầu mùa biển động, bắt đầu mùa bão tố. Những cuộc đưa người thân vào đảo chóng vánh, vội vã dần. Có khi vừa nhìn thấy nhau chưa kịp chào, mọi người đã phải vội vã lẩn trốn cơn mưa. Đội phóng viên chúng tôi nhiều lúc không còn cơ hội chứng kiến giây phút xúc động gặp nhau của những người lính đảo gặp thân nhân.
Chiến sĩ hải quân dầm mưa trên biển, đưa đón bảo vệ thân nhân ra đảo |
Cuộc gặp trên đảo Cô Lin, nơi vẫn còn ghi dấu con tàu HQ 505 trận chiến Gạc Ma 1988, giữa chị Hằng và chồng là một trong cuộc gặp chúng tôi được chứng kiến ngày biển động. Quà chị mang lên thăm chồng là một can nhựa 20 lít chứa toàn cà muối. Chị Hằng chia sẻ sau khi trở về: “Cà ướp này do chính tay chị ướp. Tất cả các anh trên đảo đều rất thích. Nhất là cà muối chấm mắm tôm. Hôm chị ở trên đó, các anh chỉ dám ăn bữa đầu, còn để dành cho bữa sau”.
Chúng tôi còn được nghe câu chuyện xúc động về chị, một người phụ nữ đảm đang nhưng cũng rất cương quyết. Đang ở quê nhà, chị Hằng dắt theo con lên Cam Ranh, ba mẹ con thuê nhà buôn bán lặt vặt để được gần chồng hơn.
Càng về những ngày cuối biển càng gầm gào hơn. Đến đảo Sinh Tồn Đông sóng lớn, mưa to. Khi đoàn phóng viên đã mặc áo phao chỉnh tề chờ lên xuồng vào đảo, thấy tình hình nguy hiểm, Trưởng đoàn công tác quyết định không đưa phóng viên lên đảo mà chỉ dám đưa thân nhân lên. Chỉ có phóng viên Mạnh Vỹ (Tạp chí Công nghệ Thông tin và Truyền thông) trà trộn vào thân nhân và xuống xuồng vào đảo. Những phóng viên còn lại, đến bây giờ vẫn cảm thấy nuối tiếc vì không vào được đảo nhưng cũng không quên được cảnh lên xuống xuồng hôm đó. Tiếng hò hét chỉ huy, những bước chân lẩy bẩy của thân nhân lần đầu xuống xuồng. Chiến sĩ Hải quân phải bắt chân từng người đặt vào thành xuồng đang liên tục lắc lư vì sóng.
Và cũng từ đó trở đi, biển luôn có sóng lớn, có mưa to. Nhiều lúc con xuồng nhỏ bé chở đoàn công tác bị dội những trận mưa như trút, chúng tôi lên đảo với bộ quần áo ướt sũng. Khi đó cảm giác cô đơn trước sóng, gió, mưa lại len lỏi trong tâm trí mỗi người.
Đến những ngày cuối, con tàu như gã khổng lồ say rượu, luôn lảo đảo lắc lư trên biển. Nằm trên thuyền mà chúng tôi cố nằm trong tư thế “bám đất”, chỉ sợ con tàu sẽ hất chúng tôi ra khỏi giường. Cảm giác say sóng thật khó tả. Nôn nao. Rạo rực. Không muốn ăn gì. Cổ họng luôn luôn trong trạng thái trào ngược. Bụng cứ bảo dạ cố ăn, nhưng không nuốt nổi. Nhiều người đã không thể dậy nổi nằm bẹp trên giường cho đến ngày về đến cảng Cam Ranh.
Là thủy thủ có nhiều kinh nghiệm đưa đón các đoàn ra Trường Sa, Đại úy Trần Văn Quân (thủy thủ tàu HQ 996) chia sẻ: “Sóng như này không ăn thua, tầm cuối năm, mùa biển động thì ngay cả thủy thủ như chúng tôi vẫn bị say sóng. Và tầm đó mùa chuyển quân, anh em còn phải mắc võng trên boong tàu, mưa ướt, gió lại khô, chứ không có giường nằm, và phòng riêng như thế này đâu”.
Ông Nguyễn Văn Khá (quê Bình Dương), bố của chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây kể chuyện: “Con tui, khi ra đảo cũng say sóng dữ lắm. Nó kể, phải có người cõng mới lên được đảo”.
Lòng cảm phục, trân trọng sự dũng cảm, vượt khó của những người lính hải quân tăng lên gấp bội. Họ không phải mình đồng da sắt, tim đá, họ cũng là những con người bình thường giản dị. Họ cũng có một quê hương, có người thân mong ngóng. Họ cũng có nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, vợ con da diết và họ cũng biết say sóng đến mềm rũ người nhưng họ đã vượt qua tất cả để đến đảo xa “nghìn trùng sóng vỗ” canh gác cho tấc đất cha ông không rơi vào tay kẻ thù.
Hồng Chuyên
Báo Bưu điện
Liên hoan phim Đức lần thứ 4 khai mạc ngày 5/9 tại Hà Nội
Submitted by nlphuong on Mon, 02/09/2013 - 13:35(ICTPress) - Lần thứ 4 liên tiếp, Viện Goethe tổ chức Liên hoan phim Đức thường niên tại Việt Nam.
Sau thành công của Liên hoan phim các năm trước với tổng cộng hơn 50.000 khán giả, năm 2013 Liên hoan sẽ tiếp tục diễn ra từ ngày 5/9 đến ngày 3/10.
Tuyển tâp các bộ phim gây sức hút nhất của Đức sẽ được trình chiếu tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Tp. Hồ Chí Minh, Nha Trang và lần đầu tiên tại Thái Nguyên.
Cũng như mọi năm, Liên hoan phim Đức năm nay muốn mang lại cho khán giả Việt Nam cơ hội trải nghiệm những bộ phim mới nhất của Đức và khám phá những khía cạnh khác nhau của đất nước này qua màn ảnh với những bộ phim đã từng rất thành công tại các rạp trên khắp thế giới và các Liên hoan phim.
Năm 2013, các bộ phim Đức của những đạo diễn tên tuổi với sự tham gia của các diễn viên Đức nổi tiếng, tiếp cận những đề tài đương đại và lịch sử về gia đình và bản sắc, về tình yêu, cái chết, về tình bạn và tinh thần trách nhiệm.
Mời Quí vị và các bạn xem trailer của Liên hoan để có thêm hình ảnh về các phim: http://www.goethe.de/ins/vn/han/vi11498962v.htm
Liên hoan phim 2013 hứa hẹn mang đến cho khán giả yêu phim và các gia đình những khoảnh khắc xem phim thú vị, xúc động và hào hứng với những bộ phim được lựa chọn đề tài đa dạng.
Vé xem phim được phát miễn phí. Ngoài ra Quí vị hãy cùng tham gia chương trình đố vui về phim của chúng tôi! Hãy trả lời chính xác các câu hỏi xung quanh các bộ phim của Liên hoan và nếu may mắn Quí vị sẽ dành được những giải thưởng có giá trị.
Hãy ghé thăm trang mạng của Liên hoan, Quí vị sẽ tìm thấy các thông tin về chương trình chiếu phim tại tất cả các thành phố và phần đố vui: www.goethe.de/german-filmfestival-vietnam.de
Tại Hà Nội, Liên hoan phim sẽ được trình chiếu tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, 87 Láng Hạ, Ba Đình. Vé được phát miễn phí Viện Goethe, 56 - 58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Ngày 5/9 (thứ Năm): 19h00: Barbara (105 Phút) *
Ngày 6/9 (thứ Sáu): 19h45: Kinh cầu cho một người bạn (94 Phút) *
Ngày 7/9 (thứ Bảy):
16h00: Ngôi nhà của những con cá sấu (83 Phút) ***
19h45: Bốn ngày trong tháng Năm (97 Phút) *
Ngày 8/9 (Chủ nhật):
16h00: Hội nghị các loài thú (93 Phút) ***
19h45: Sáng (16+) (89 Phút) **
Ngày 9/9 (thứ Hai): 20h00: Điều còn lại (88 Phút) *
Ngày 10/9 (thứ Ba): 20h00: Giữa đường đứt gánh (109 Phút) *
Ngày 11/9 (thứ Tư): 20h00: Âm thanh quê hương - Nước Đức cất lời hát! (93 phút) *
Bảo Ngọc
Những mốc son vàng của Cách mạng Tháng Tám
Submitted by nlphuong on Sun, 01/09/2013 - 20:05Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã nổ ra và giành thắng lợi khắp cả nước.
Quân lệnh số 1 quyết định của Ủy ban khởi nghĩa |
Cùng điểm lại những sự kiện đáng nhớ trong cuộc cách mạng lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 68 năm về trước:
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến mau lẹ, phong trào cách mạng trong nước phát triển rộng khắp.
Trên cơ sở đó, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15.8.1945 đã đi đến kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi”, vì vậy, phải “Kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”, khẩn trương “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê, thành lập uỷ ban nhân dân ở những nơi làm chủ”, tất cả vì mục tiêu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”.
Tại Tân Trào, Hồ Chí Minh chỉ thị phải gấp rút họp đại hội đại biểu quốc dân. Lúc bấy giờ, cao trào kháng Nhật cứu nước đang cuồn cuộn dâng lên từ Nam chí Bắc. Toàn quốc đang mong đợi một Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam độc lập.
Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương và ngay đêm hôm đó Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã hạ mệnh lệnh khởi nghĩa.
Ủy ban khởi nghĩa cũng đã ra Quân lệnh số 1 quyết định "Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà... chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta".
Ngày 16.8.1945, Mặt trận Việt Minh triệu tập Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội quyết định: Tán thành lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng; Thành lập ủy ban dân tộc giải phóng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; Quy định Quốc kỳ, Quốc ca. Đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chiều 16.8.1945, một đơn vị quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên mở đầu cho Cách mạng Tháng Tám.
Ngày 18.8.1945, nhân dân Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành được chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước.
Sáng 20.8.1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy một mũi quân từ chùa Đán tiến vào thị xã Thái Nguyên, bao vây, tấn công phátxít Nhật giải phóng thị xã. Chiều cùng ngày, tại sân vận động thị xã đã diễn ra cuộc míttinh lớn, Ủy ban khởi nghĩa chính thức tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền của địch, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân |
Trong khi đó, ngày 17.8.1945, quân giải phóng đánh tỉnh lỵ Tuyên Quang. Phátxít Nhật chống trả dữ dội, nhưng trước khí thế vũ bão của quân cách mạng, chúng phải xin điều đình và đến ngày 21.8.1945 chính quyền tỉnh đã về tay Việt minh.
Ngày 18.8.1945: Nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công - đây là bốn địa phương giành được chính quyền tỉnh sớm nhất trong cả nước.
Tại Hà Nội, ngày 17.8.1945, Tổng hội Viên chức của chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc míttinh lớn tại Quảng trường Nhà hát thành phố với hàng vạn người tham gia, để ủng hộ "Chính phủ lâm thời" Trần Trọng Kim.
Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Thành uỷ Hà Nội, quần chúng cách mạng đã chiếm lấy diễn đàn cuộc míttinh này: Cán bộ của ta báo tin cho đồng bào biết phátxít Nhật đã đầu hàng, trình bày tóm tắt chủ trương, đường lối cứu nước của Việt minh, đả đảo chính quyền bù nhìn thân Nhật và chuẩn bị tham gia khởi nghĩa.
Ngày 19.8.1945, hàng chục vạn quần chúng cách mạng ở nội và ngoại thành mang theo gậy dao, súng, mã tấu... tiến về quảng trường Nhà hát thành phố dự cuộc míttinh do Việt minh tổ chức.
Cuộc míttinh bắt đầu lúc 11 giờ. Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến quân ca vang lên, đại biểu Uỷ ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu khởi nghĩa của Việt minh.
Cuộc míttinh phát triển nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành vũ trang. Quần chúng biểu tình chia thành nhiều đoàn, có các đơn vị tự vệ chiến đấu, tiến về các ngả đường, chiếm các cơ quan của chính quyền bù nhìn: Phủ Khâm sai, Toà Thị chính, Sở cảnh sát, Trại bảo an binh...
Trước khí thế sục sôi của quần chúng khởi nghĩa, Nhật dù có hơn một vạn quân cũng không thể làm gì được. Binh lính và cảnh sát ngụy cũng bất lực và cuối cùng ngả theo cách mạng. Chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân.
Míttinh tại Hà Nội ngày 19.8.1945. |
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19.8.1945) đã có tiếng vang nhanh trong cả nước, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ các tỉnh và các thành phố khác, làm tăng thêm cuộc khủng hoảng trong hàng ngũ kẻ thù, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Ngày 20.8.1945, cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi ở các tỉnh lỵ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình.
Ngày 21.8.1945, cuộc khởi nghĩa thành công tại các tỉnh lỵ Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn Tây, Kiến An, Nam Định và Nghệ An, Ninh Thuận.
Ngày 22.8.1945, cuộc khởi nghĩa tiếp tục giành thắng lợi ở các tỉnh lỵ Hưng Yên, Quảng Yên.
Ngày 23.8.1945, các tỉnh lỵ: Huế, Bắc Kạn, Hoà Bình, Hà Đông, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Bình Thuận, Lâm Viên, Tân An, Bạc Liêu đã tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền.
Ngày 24.8.1945, cuộc khởi nghĩa diễn ra ở Phú Thọ, Hà Nam, Phú Yên, Đắk Lắk, Bình Thuận và Gò Công, Mỹ Tho và giành thắng lợi.
Ngày 25.8.1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở tỉnh lỵ Sơn Lạng, Kon Tum. Cùng ngày, nhân dân Sài Gòn và hầu hết các tỉnh thuộc miền Nam như Chợ Lớn, Gia Định, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long Xuyên, Tây Ninh, Trà Vinh, Châu Đốc, Sa Đéc, Bến Tre, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Biên Hoà đã vùng lên khởi nghĩa thành công.
Ngày 26.8.1945, nhân dân Sơn La, Hòn Gai, Cần Thơ khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Ngày 27.8.1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Rạch Giá thành công.
Ngày 28.8.1945, cuộc khởi nghĩa thắng lợi nhanh chóng ở Đồng Nai Thượng và Hà Tiên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945. |
Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến ngày 28.8.1945), quyền thống trị, áp bức của bọn đế quốc (Pháp, Nhật) được xây dựng suốt gần một trăm năm và chế độ quân chủ chuyên chế phản tiến bộ tồn tại hàng nghìn năm đã bị nhân dân ta lật đổ hoàn toàn. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước thực sự thuộc về nhân dân.
Chiều 30.8.1945, ở Ngọ Môn, hàng vạn nhân dân cố đô Huế trong màu cờ đỏ sao vàng đã chứng kiến Bảo Đại - ông vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam - đọc lời thoái vị và trao ấn, kiếm cho cách mạng. Đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyên bố xoá bỏ chế độ quân chủ ở Việt Nam.
Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh khổng lồ của gần 1 triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời.
Bản Tuyên ngôn khẳng định: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử trọng đại, ngày 2.9.1945 mãi mãi ghi vào lịch sử Việt Nam là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam - ngày tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Theo VTC News
Life & English: “My Saturday”
Submitted by nqmhien on Sun, 01/09/2013 - 10:44This is my last Saturday. In the morning, I got up at 8 o’clock. I brushed my teeth and had my breakfast with rice and egg. After that, I went to the swimming pool. It was so fun. I had many friends here. On the way come back home, my mother took me to the bookshop with my young brother. I bought some books and erasers and a book with the title of “Nicholas”. I loved this book very much.
In the afternoon, I played with my friend and had a shower at 5 o’clock. After that, I cooked dinner with my mother. In the evening, I had dinner at 7 pm. I washed the pots and pan after that. I watched TV with my family. I did my homework at 8.30 pm. Then, I read a book “Nicholas”. This book talked about Nicholas’s life. I felt this so special. Finally, I listened to music and went to bed at 11.00 pm.
I love my last Saturday!
Author: Tran Hanh Nguyen
Editor: Maria Aili
Wider World Language Center: widerworld.edu.vn
Đặc sắc chương trình giải trí dịp 2/9 tại Hà Nội
Submitted by nlphuong on Sat, 31/08/2013 - 07:35Hòa nhạc tôn vinh âm nhạc dân tộc, hài kịch về tình yêu, hôn nhân, gia đình và cuộc sống hay cùng tham gia Ngày hội của các chú Hề sẽ là những lựa chọn thú vị cho công chúng Thủ đô dịp lễ 2/9 năm nay.
Tùng Dương, Mỹ Linh góp mặt trong “Điều còn mãi”
Như thường lệ hàng năm, chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” sẽ diễn ra vào đúng 14h ngày Quốc khánh 2/9 tại Nhà hát lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam và được nhiều Đài Truyền hình khác tiếp sóng.
Bắt đầu được tổ chức từ năm 2009, đến nay, Chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” đã bước sang tuổi thứ 5 và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong giới âm nhạc nói riêng và công chúng yêu nhạc nói chung. Đúng như tôn chỉ của mình, hòa nhạc “Điều còn mãi” 2013 sẽ bao gồm những tác phẩm xuất sắc nhất của âm nhạc Việt Nam với hai phần khí nhạc và thanh nhạc.
Tùng Dương, Mỹ Linh đều rất hào hứng khi được mời tham gia chương trình hòa nhạc đặc biệt mừng ngày Quốc khánh 2/9 |
Đây là dịp để khán thính giả được thưởng thức những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam nhưng qua cách phối khí, thể hiện mới mẻ của các nghệ sĩ có tên tuổi trong nền âm nhạc Việt Nam như: Đàm Linh, Văn Ký, Hoàng Dương, Hồ Bắc, Ca Lê Thuần, Lê Thương, Nguyễn Đình Phúc… và những nhạc sĩ nổi tiếng đương đại như Trọng Đài, Trần Tiến, Quốc Trung…
Nhạc sỹ Dương Thụ tiếp tục giữ vai trò Giám đốc nghệ thuật của hòa nhạc "Điều còn mãi" năm nay với sự trợ giúp đắc lực của nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, Hoàng Lương, Bùi Minh Đạo (phối khí của chương trình) và nhạc trưởng Lê Phi Phi.
Chương trình có sự góp mặt của các ca sĩ, nghệ sĩ như: NSND Trung Kiên, Trọng Tấn, Duyên Huyền, Mỹ Linh, Tùng Dương, Đức Tuấn, Ngô Hoàng Quân (Cello), tài năng trẻ piano Đỗ Hoàng Linh Chi, tài năng trẻ violon Đỗ Phương Nhi…
Ông Bùi Sỹ Hoa, Tổng biên tập báo điện tử VietNamNet, Trưởng BTC chương trình cho biết: “Hòa nhạc 'Điều còn mãi' năm thứ 5 chắc chắn sẽ ghi dấu ấn trong lòng khán giả yêu âm nhạc Việt Nam. Chúng tôi không chỉ muốn làm sống lại những bản nhạc đẹp nhất của nền âm nhạc Việt mà còn qua đó truyền đi lòng yêu nước vốn là một tài sản rất quý báu của dân tộc Việt”.
Cười sảng khoái với Gala “Tình yêu cười”
Chào mừng Quốc khánh 2/9, Nhà hát Tuổi trẻ cho ra mắt chương trình hài kịch chọn lọc với những tiểu phẩm hài đặc sắc nhất về đề tài tình yêu được mang tên “Gala Tình yêu cười”. Gala gồm bốn tiểu phẩm xoay quanh câu chuyện tình yêu, hôn nhân, gia đình, xã hội do các nghệ sĩ của Đoàn kịch II Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng.
Nếu như trong Đêm tân hôn, các diễn viên sẽ kể câu chuyện nhiều cung bậc tình cảm bằng những tình huống bất ngờ của một đôi vợ chồng trẻ, thì tới tiểu phẩm Thử thách tình yêu, khán giả phải phì cười với cuộc gặp gỡ trớ trêu của một cô gái với hai anh chàng mà cô đang phân vân lựa chọn.
Không chỉ mang tới cho khán giả những tiếng cười và giờ phút thư giãn, tiểu phẩm Tri ân trong chương trình sẽ gửi những thông điệp, phê phán thói hư tật xấu như thói đạo đức giả, sự vô cảm, đầy quan liêu của những cán bộ công quyền trong cách ứng xử với thế hệ cha anh mình.
Gia đình nhiều năm văn hóa là điểm nhấn của Gala, mang tới những nụ cười thâm thúy từ sự bộc lộ những tình tiết hài hước ở một gia đình nọ. Trong tiểu phẩm này cùng với diễn viên Quang Ánh, NSƯT Chí Trung và Ngọc Huyền sẽ tung hứng làm nên tiểu phẩm đặc sắc này. Không chỉ tham gia với tư cách diễn viên, NSƯT Chí Trung còn là người dàn dựng các tiểu phẩm của Gala.
Chương trình sẽ diễn ra vào 20h tối 31/8 tại Nhà hát Lớn HN.
Ngày hội của các chú Hề
Chào mừng Quốc khánh 2/9 và năm học mới, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ cho ra mắt chương trình xiếc "Ngày hội của các chú Hề". Theo ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, điểm đặc biệt của chương trình, các chú hề chính là cầu nối và dẫn dắt các tiết mục Xiếc trong chương trình với các gương mặt, hình dáng hề khác nhau có sự kết nối khéo léo thể hiện bằng các tác phẩm hề và các tình huống hài hước làm cho chương trình giữ được tiết tấu liên tục.
Chương trình “Ngày hội các chú Hề” được dàn dựng theo kịch bản với chủ đề chính là các nhân vật hề xiếc trên sân khấu tròn, với nhiều tính cách, hình dáng và tâm trạng của các nhân vật hề sẽ được kết nối theo những tình huống để dẫn dắt khán giả thưởng thức những tiết mục xiếc thú vui nhộn.
Đặc biệt, xiếc hề không thể thiếu phong cách hề nhại mang tính hài hước, gây cười. Yếu tố bất ngờ và giao lưu tương tác với khán giả sẽ làm cho chương trình tăng thêm đặc trưng của sân khấu Xiếc.
Hầu hết các thể loại Xiếc được trình diễn bằng tài nghệ của các chú hề như: Đi xe đạp một bánh trên cao 2m, lắc vòng, tung hứng đánh vòng, đế bóng, nhào lộn chồng người, trò khéo. Với các tiết mục xiếc thú như: Anh hề với chú gấu, với các chú khỉ tí hon, ngay cả các chú voi lần đầu tiên cũng đc khoác trên mình những biểu tượng hề ngộ nghĩnh, cách diễn hóm hỉnh hơn.
NSƯT Tống Toàn Thắng cho biết, không như các chương trình xiếc truyền thống trước khi tiết mục biểu diễn luôn cần có sự giới thiệu của người dẫn chương trình, lần này thay vào đó là sự xuất hiện của các chú hề làm nhiệm vụ kết nối, dẫn dắt tiết mục sau.
Điều này đòi hỏi các nghệ sỹ tập trung cao độ và vất vả nhiều hơn. Đặc biệt, sự xuất hiện của tiết mục Hề nước được dàn dựng và có sự tương tác cao với khán giả chắc chắn sẽ đem tới cho khán giả nhiều điều thú vị bất ngờ.
"Ngày hội của các chú Hề" sẽ diễn ra liên tục vào các ngày cuối tuần tại Rạp xiếc TƯ, Hà Nội.
Steve Jobs chưa bao giờ lập trình cho Apple
Submitted by nlphuong on Fri, 30/08/2013 - 07:00(ICTPress) - Trả lời một bức thư công khai qua trang web cá nhân, đồng sáng lập Apple Steve Wozniak đã đề cập một vài chi tiết về trình độ công nghệ của Steve Jobs.
“Steve đã chưa từng lập trình. Steve không phải là một kỹ sư và không làm bất cứ thiết kế đầu tiên nào, nhưng có đủ kiến thức công nghệ để làm thay đổi và bổ sung cho các thiết kế khác”, Wozniak cho biết.
Đây là một đặc điểm mà chúng ta có thể tham chiếu theo thời gian trong cuốn tiểu sử về Jobs do Walter Isaacson viết. Steve Jobs thường xuyên trang bị lại kiến thức công việc cho các nhân viên, không bao giờ ngại việc cho phép họ thay đổi hay thậm chí cải tiến dựa trên những gì Steve biết sẽ vận hành.
Tuy nhiên, kỳ quặc là bản thân Jobs không bao giờ học làm công việc thực hành mà ông đề nghị nhân viên làm. Những tên tuổi công nghệ lớn hiện nay, như Mark Zuckerberg của Facebook và David Karp của Tumblr ngay từ trẻ đã tự lập trình.
HY
Đặt chân lên hòn đảo bị "dòm ngó" nhiều nhất ở Trường Sa
Submitted by nlphuong on Thu, 29/08/2013 - 19:25Song Tử Tây yên bình như một làng quê giữa bốn bề sóng vỗ. Quân và dân nơi đây đoàn kết như ruột thịt, con cá chia nhau, giọt nước ngọt chia đều. Ít ai biết rằng nơi đây cũng đã từng chứng kiến bao cuộc thăng trầm.
Một góc Song Tử Tây. (Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo) |
Trước khi đến đảo Song Tử Tây, tiếng loa ngọt ngào của cô phát thanh viên vang lên trên tàu HQ996 làm tăng lên cái cảm giác háo hức của những người lần đầu tiên đến với Trường Sa.
Trên đảo có nhiều giếng nước lợ có thể tắm giặt và tưới cây. Môi trường sinh thái ở đây khá thuận lợi cho nên đảo nuôi được bò, lợn, gà, trồng được nhiều rau xanh các loại tươi tốt bốn mùa. Đặc sản của đảo có cây sâm đất, bộ đội ta vẫn dùng làm nước uống bổ dưỡng sau những giờ huấn luyện, sản xuất đẫm mồ hôi.
Những đàn gà, lợn, vịt chạy kiếm ăn khắp đảo là cảnh thường thấy ở Song Tử Tây. |
Hiện nay Song Tử Tây đã xây dựng xong âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn là bến đậu, địa chỉ an toàn cho ngư dân các tỉnh duyên hải khai thác hải sản. Khi màn đêm xuống, nhìn từ xa, đảo Song Tử Tây như một thành phố lung linh, huyền diệu tràn đầy sức sống giữa biển nước bao la Trường Sa.
Hệ thống trụ sở UBND xã, nhà ở của nhân dân và bộ đội trên đảo Song Tử Tây được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Quân và dân trên đảo đã đầu tư hàng chục ngàn ngày công để tu sửa, san lấp mặt bằng, trồng cây xây dựng cảnh quan môi trường. Không bằng lòng với những gì hiện có hay thụ động trước diễn biến khắc nghiệt của thiên nhiên, những hộ dân và những người lính đảo luôn tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu.
Âu tàu có sức chứa hàng trăm tàu cá là điểm đến an toàn cho ngư dân Việt Nam. |
Cuộc sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo hôm nay đang từng bước được cải thiện. 100% hộ dân và các đầu mối đơn vị bộ đội được trang bị ti vi. Các phân đội chiến đấu được trang bị hệ thống Karaoke kỹ thuật số hiện đại đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của cán bộ, chiến sỹ.
Ngoài ra đảo còn có một lượng đáng kể thiết bị nghe nhìn dự phòng sẵn sàng thay thế các phương tiện hư hỏng. Trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của đài truyền hình Việt Nam đã giúp cho quân và dân trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới, qua đó nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trên đảo có phòng đọc sách, báo với gần 4.000 đầu sách và trên 30 đầu báo, tạp chí các loại, 1 tủ sách pháp luật... Cùng với đó các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi động viên, cổ vũ tinh thần cho những người giữ đảo yên tâm với nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong mọi tình huống. Quân và dân trên đảo luôn đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, một lòng khắc phục khó khăn lập được nhiều thành tích cao trong sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và xây dựng đảo.
Tuyến đầu ở Trường Sa hôm nay
Nhìn trên bản đồ vùng biển Việt Nam, đảo Song Tử Tây nằm ở cực Bắc quần đảo Trường Sa. Gần đó là Song Tử Đông, đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng bất hợp pháp từ thập niên 60. Cách xa hơn là đá Subi do Trung Quốc chiếm đóng từ cuối thập niên 80.
Đảo Song Tử Tây, Đá Nam do Việt Nam giữ nằm giữa Song Tử Đông (Trường Sa), đảo Thị Tứ (Trường Sa) do Philippines chiếm đóng bất hợp pháp, đá Su Bi (Trường Sa) do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. |
Về lịch sử Song Tử Tây là một trong những đảo được Việt Nam thực thi chủ quyền sớm nhất. Đến năm 1956, Chính quyền Bảo hộ Pháp đã chuyển giao quyền quản lý Song Tử Tây cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Do địa hình, khi hậu, thổ nhưỡng tốt nên hòn đảo này là nơi bị nhòm ngó nhiều nhất.
Cột mốc chủ quyền do chính quyền Sài Gòn cũ dựng trên đảo Song Tử Tây (Ảnh Hồng Chuyên) |
Năm 1975, đảo Song Tử Tây được chọn để giải phóng đầu tiên. Gần 40 năm qua sau ngày giải phóng, đảo Song Tử Tây đã thay đổi khá nhiều. Ngọn hải đăng sừng sững vươn cao 36m đêm đêm tỏa sáng cần mẫn dẫn đường cho những con tàu vượt qua vùng biển đầy đá ngầm, bãi cạn và sóng gió. Trạm khí tượng thủy văn của Nam Trung Bộ ngày đêm cung cấp những số liệu, khí hậu, thời tiết báo về đất liền để các bản tin dự báo thời tiết kịp thời dự báo chính xác vì nơi đây chính là tâm xuất phát của những cơn bão từ Biển Đông.
Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, quân và dân xã đảo Song Tử Tây luôn làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ ngư dân Việt Nam và các đối tượng khác bị nạn trên vùng biển quản lý. Tô thắm hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, người chiến sỹ hải quân trong lòng dân.
Trong suốt chặng đường vẻ vang gần 40 năm qua, Đảo Song Tử Tây được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng; 2 lần Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng bằng khen về thành tích: “Tuổi trẻ anh hùng giữ nước”; 12 lần được Bộ tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu Đơn vị quyết thắng; 3 lần được Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua.
Ngoài ra, còn có nhiều bằng khen của Thủ tướng chính phủ và các bộ tặng cho cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây về thành tích trong huấn luyện phục vụ chiến đấu, củng cố quốc phòng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang xã Song Tử Tây, vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trong những năm qua, quân dân xã đảo Song Tử Tây luôn cố gắng kế thừa và phát huy truyền thống đơn vị anh hùng vũ trang nhân dân, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm và gìn giữ biển đảo.
Được một đêm ngủ lại trên đảo Song Tử Tây, đoàn nhà báo chúng tôi được cảm nhận một đêm bình yên giữ nơi bão tố. Trong khi cả đảo chìm sâu trong giấc ngủ, từng tốp lính vẫn chắc tay súng bước đều trên bãi biển. Ngoài kia biển đêm đen ngòm vẫn tiềm ẩn đâu đó những kẻ thù giấu mặt.
Trời chưa kịp sáng, chúng tôi đã tỉnh dậy, rời Song Tử Tây lên tàu, mà lòng nặng trĩu lưu luyến với Song Tử Tây. Hành trình tiếp theo của đoàn phóng viên chúng tôi là đảo Đá Nam.
Báo Bưu điện
Công việc trong mơ, hướng đi như thế nào?
Submitted by nlphuong on Thu, 29/08/2013 - 07:05(ICTPress) - Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới khó khăn, hàng ngàn doanh nghiệp chịu phá sản, giảm biên chế nhân viên thì lẽ dĩ nhiên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là rất ít. Những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường sẽ không có cơ hội bắt nhịp với nhà tuyển dụng nếu như không trau dồi cho mình những kỹ năng, kiến thức cần thiết trước khi bước chân vào đời.
Đa số sinh viên mới ra trường đều không định hướng được sự nghiệp của bản thân sau này. Họ nhận làm những công việc không phù hợp với chuyên môn được học, sau thời gian làm việc họ mới tìm ra hướng đi đúng cho sự nghiệp bền vững sau này. Những kiến thức chuyên môn được học trên giảng đường giống như hạt cát trên sa mạc, muốn làm tốt công việc phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng khác, bồi dưỡng tinh thần học hỏi mọi lúc mọi nơi, phát huy thế mạnh bản thân ở bất cứ công việc nào. Nhà tuyển dụng quan tâm nhiều đến khả năng thích ứng với công việc của các ứng viên, khă năng đóng góp của họ cho sự phát triển của công ty chứ ít khi quan tâm đến chuyên môn khi bạn mới ra trường.
Một số câu hỏi tôi đã gặp trong quá trình phỏng vấn xin việc như: Bạn biết gì về văn hóa công ty? Nếu công ty giao cho bạn công việc không đúng với chuyên môn bạn sẽ làm thế nào? Bạn có chấp nhận đi công tác hay không?... Các ứng viên muốn vượt qua những câu hỏi này cần phải tìm hiểu thật kỹ về công ty và "khôn khéo" trong ứng xử trả lời.
Một số bạn khi mới ra trường chỉ chăm chăm tìm kiếm công việc trong mơ như ý định khi ngồi trên ghế giảng đường. Thực tế, bạn không thể biết chắc một công việc có thật sự như mơ hay không cho đến khi bạn bắt tay vào làm tại cơ quan đó. Nếu bạn thích nghi với công việc, hài lòng với mức lương, hòa nhập với đồng nghiệp, thoải mái trong tư tưởng thì đó là môi trường mơ ước của bạn. Hãy hành động, hãy tìm cho mình một công việc để làm chứ đừng ngồi nhà lựa chọn khi mình chưa có gì, quá trình làm việc sẽ cho bạn nhiều cơ hội hơn để lựa chọn.
Tôi đã chuẩn bị cho mình CV thật chỉn chu, một tâm thế quyết thắng dựa trên những kiến thức đã học và bắt tay vào quá trình tìm việc. Tôi quy hoạch tất cả các mối quan hệ đã tích cóp được, những thông tin tuyển dụng đăng trong các trang báo, Internet… và nộp hồ sơ khi thấy công việc nào phù hợp. Quả thật, trong vòng nửa tháng đã có nhiều công ty gọi tôi phỏng vấn, tôi tham gia tất cả các cuộc phỏng vấn có thể với mong muốn học hỏi kinh nghiệm và trao dồi kĩ năng của mình. Trời đã không phụ lòng người khi mà có đến 3 công ty cùng lúc nhận tôi vào làm việc và đây cũng là lúc tôi thấy khó khăn để lựa chọn một công việc cho mình là thiết kế, thi công hay quản lý dự án. Tôi phân vân quyết định chọn thi công trong bối cảnh khó khăn chung của nghành xây dựng, bất động sản để có thể làm việc nhiều hơn và học hỏi nhiều hơn. Thế đấy, nếu bạn còn ngồi trên ghế nhà trường cũng đừng lo thất nghiệp mà nên tìm hiểu thật kỹ về nghành nghề của mình, những việc mình có thể làm khi ra trường, để khi đứng trước những lựa chọn bạn sẽ có những quyết định sáng suốt nhất cho cuộc đời mình chứ đừng có thốt lên “Giá như mình biết trước được những điều này khi còn là sinh viên!” .
Quá trình làm việc tôi cũng sẽ vấp phải những khó khăn do thiếu nhiều lắm những kĩ năng mà tôi khhông thể tìm thấy trong các cuốn giáo trình đã học và phải hì hục trau dồi cho bản thân để làm thật tốt công việc. Một số kỹ năng tôi kể ra đây có thể các bạn nghĩ là đơn giản nhưng rất cần thiết trong cuộc sống lẫn khi đi làm và tôi phải tự trau dồi mỗi khi có cơ hội.
1. Khả năng thích nghi nhanh với công việc
Mỗi nhà tuyển dụng khi chọn chẳng ai muốn bạn chỉ là người thử việc, khi được nhận vào làm bằng mọi cách bạn hãy nhanh chóng làm quen với các đồng nghiệp trong công ty và nhận làm những việc nhỏ nhất như photo tài liệu, sắp xếp giấy tờ… Bạn phải làm thật kỹ để chiếm được lòng tin cho những công việc lớn hơn, chẳng ai dám quăng cho bạn một đống công việc khi bạn mới vào làm đâu!
2. Nhún nhường, nhẫn nại và xử lý xung đột
Chỉ số kiềm chế cảm xúc EQ mới là yếu tố quyết định thành công của chúng ta chứ không phải chỉ số IQ đâu các bạn nhé! Đừng dại dột bộc lộ tất cả “lòng dạ” của mình phô bày cho đồng nghiệp thấy khi bạn là “ma mới” chân ướt chân ráo vào nghề. Hãy cứ nhẫn nại một chút, nhún nhường một tí để thăm dò “lòng dạ” người khác, vì đôi khi sẽ có những bè phái ngầm trong công ty mà bạn vô tình hay cố ý làm động chạm đến họ. Khi đã xác định được sân khấu của mình thì chính là lúc để bạn phô diễn những cá tính, biệt tài, mục tiêu và “tham vọng” của mình.
3. Khả năng cập nhật thông tin
Môi trường nào cũng vậy, công việc nào cũng vậy, ngoài thời gian làm việc thì cũng có chỗ cho thư giãn, trò chuyện. Khi các đồng nghiệp nói về những chủ đề nóng bỏng, thời sự thì chí ít bạn cũng góp vui bằng vài chi tiết liên quan, dăm ba câu bình luận chứ đừng ngồi yên như bụt. Đây không phải bạn nhiều chuyện mà là cơ hội làm quen với đồng nghiệp, hiểu nhau nhiều hơn và tạo niềm tin nhiều hơn. Để làm được điều đó bạn nên dành ít thời gian xem tin tức mỗi ngày hoặc dạo qua các trang báo mạng.
4. Tự quản thời gian
Khi đã chiếm được niềm tin từ cấp trên, bạn sẽ tiếp cận và hỗ trợ nhiều hơn những công việc với chủ quản của mình ngoài những công việc thuộc chức trách bạn phải giải quyết mỗi ngày. Để không bị mất lòng tin từ sếp, bạn không thể từ chối những công việc được giao nhưng sẽ khó khăn nếu bạn phải hoàn thành tất thảy những công việc đó vì quỹ thời gian của mỗi người là có hạn. Hãy xác định xem việc nào quan trọng phải hoàn thành trước, những việc còn lại làm sau hoặc có thể tìm cách chia sẻ với những đồng nghiệp khác. Lập kế hoạch cụ thể cho công việc của bạn để hoàn thành tốt mọi công việc mà vẫn có thể thảnh thơi để đảm bảo “trường kì kháng chiến” chứ không phải làm việc một sớm một chiều.
5. Nói trước đám đông
Không sớm thì muộn, khi đã đi làm bạn sẽ có lúc phải phát biểu trong các cuộc họp, thuyết trình đấu phương án, báo cáo lãnh đạo, đào tạo nhân viên... Đối với những ai chưa từng làm việc này trước đó sẽ vô cùng lo lắng và không thể muốn là làm được. Chiến thắng tâm lý sợ hãi là điều quan trọng tiên quyết với suy nghĩ “ Hãy xem mọi người như cỏ rác còn mình là Các Mác, Lê Nin” (Cười). Ngoài ra, bạn còn phải kiên trì thói quen đọc sách báo, không ngại trải nghiệm để tiếp thu thật nhiều kiến thức thì mới có “vốn” để chia sẻ khi nói chuyện.
6. Truyền đạt thông tin, báo cáo
Không phải ngẫu nhiên mà những người làm việc nhiều đôi khi lại không thành công bằng những người làm việc ít mà có kỹ năng truyền đạt thông tin. Khi bạn được giao việc không phải chỉ hoàn thành tốt công việc là xong mà phải biết báo cáo cho cấp trên nắm tình hình, những vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng thông tin cho cấp trên nếu cần sự hỗ trợ giúp đỡ. Kết quả công việc bạn hoàn thành tốt cũng là thành tích mà cấp chủ quản của bạn muốn báo cáo lên cấp trên của họ.
7. Kỹ năng máy móc công nghệ
Thời buổi công nghệ thông tin, bạn không thể nói rằng mình không rành máy tính, không có lấy một cái mail để liên lạc… Những kỹ năng sử dụng phần mềm hoặc đôi khi là sữa chữa hư hỏng nhỏ cũng giúp ích bạn rất nhiều trong công việc. Tôi xin cam đoan với bạn rằng chẳng có ai cảm thấy thoải mái khi bạn cứ liên tục nhờ xử lí những lỗi trong văn bản của bạn hoặc máy báo lỗi không in được…Đó là chưa kể nếu bạn biết sử dụng những phần mềm đặt biệt khác thì đôi khi đó là công cụ để bạn “lấy điểm” với cấp trên của mình đấy.
8. Khả năng lãnh đạo
Với trình độ học vấn của bạn thì khi được tuyển dụng cũng là để làm công tác quản lý tổ đội công nhân bên dưới. Cách thức bạn triển khai công việc để thuyết phục công nhân, phân chia sắp xếp họ làm việc đúng chức trách đảm bảo tiến độ đề ra là cả vấn đề đòi hỏi kỹ năng lãnh đạo của bạn, mọi sự không công bằng gây ức chế hoặc thiếu hiểu biết cũng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Bạn phải giữ được uy tín của mình, đảm bảo công bằng quyền lợi và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với công việc mình yêu cầu thì mới có thể đảm bảo điều động được người khác làm việc. Cấp độ cao hơn nữa, khi bạn được thăng tiến trong sự ngiệp thì những kỹ năng trên là cốt lõi để bạn có thể lãnh đạo trong tổ chức bao gồm những người quản lý có học thức cao.
9. Kỹ năng làm việc nhóm
Mỗi người đều có sở trường, sở đoản, không ai có thể một mình hoàn thành tốt được tất cả công việc vì luôn có những trường hợp bạn không thể làm tốt hơn người khác, làm việc nhóm sẽ giúp cho công việc đạt hiệu quả tốt hơn. Những buổi họp trao đổi sẽ mang lại sự đồng thuận trong công việc, bồi đắp tinh thần đồng đội và khả năng làm việc nhóm.
Và còn nhiều kỹ năng khác bạn sẽ thấy bản thân mình cần phải bổ sung trong quá trình làm việc, đặc biệt khả năng ngoại ngữ là yếu tố chìa khóa cho cánh cửa sự nghiệp của bạn. Chúc tất cả thành công với những lựa chọn của mình!
Phan Văn Sinh
Phòng Kỹ thuật Sản xuất Công ty TNHH Tư Vấn Xây dựng Sino Pacific
Thành viên Quỹ Học bổng học sinh Quảng Ngãi