Syndicate content

Chuyện dọc đường

Liên hoan phim trực tuyến về ẩm thực châu Á

Theo thông tin từ Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản, Liên hoan phim trực tuyến về ẩm thực châu Á với những bộ phim đặc sắc về ẩm thực châu Á sẽ được giới thiệu tới khán giả từ ngày 21/1 tới.

Cảnh trong phim “Hương vị tình yêu” (Namets) của đạo diễn Philippines Jay Abello. (Ảnh:The Movie database)

Liên hoan phim trực tuyến về ẩm thực châu Á (Crosscut Asia Delicious!) diễn ra từ 21/1 đến 3/2, do Trung tâm châu Á, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản và Liên hoan phim Quốc tế Tokyo (TIFF) tổ chức. Crosscut Asia (Lát cắt châu Á) là một hạng mục nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Tokyo ra mắt vào năm 2014 nhằm giới thiệu sự đa dạng của điện ảnh châu Á, tập trung vào từng quốc gia, đạo diễn hoặc chủ đề cụ thể của châu Á, kéo dài đến năm 2019.

Khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức những bộ phim từ hạng mục này trong phiên bản trực tuyến đặc biệt gồm Crosscut Asia gồm những bộ phim "ngon lành" từ châu Á và Encore! Crosscut Asia gồm 13 phim được chiếu miễn phí.

“Mỳ hoành thánh” (Wanton Mee). (Ảnh: Cinema SG)

Chủ đề của Liên hoan phim là về ẩm thực. Phiên bản đặc biệt gồm Crosscut Asia gồm bảy phim của châu Á, trong đó có “Mỳ hoành thánh” (Wanton Mee), do đạo diễn danh tiếng Singapore Eric Khoo thực hiện, đây là đạo diễn có phim được chiếu thường xuyên tại các liên hoan phim quốc tế; phim hài lãng mạn “Hương vị tình yêu” (Namets) của Jay Abello, giới thiệu các món ăn hấp dẫn của đảo Negros thuộc Philippines và “Aruna và món ăn khoái khẩu” (Aruna & Her Palate), một bộ phim về con đường ẩm thực Indonesia của Edwin, đạo diễn nổi tiếng đã giành giải Báo vàng tại Liên hoan phim quốc tế Locarno năm 2021.

Chương trình Encore! Crosscut Asia gồm những bộ phim được chọn lọc kỹ lưỡng, đã được hoan nghênh nhiệt liệt khi được trình chiếu trước đó trong hạng mục Crosscut Asia tại TIFF. Hạng mục này gồm có phim nhạc kịch “Ba chị em ngổ ngáo” (Three Sassy Sisters) của đạo diễn Nia Dinata, đạo diễn nữ mới nổi danh từ thành công của “A World Without” của Netflix và “Pete Teo Special”, một loạt các tác phẩm bao gồm video ca nhạc và một loạt phim ngắn của 15 đạo diễn Malaysia.

Thời gian chiếu bắt đầu từ 8 giờ sáng thứ sáu 21/1 đến 9 giờ 59 phút tối thứ năm 3/2 (giờ Việt Nam). Phim được chiếu với phụ đề tiếng Nhật, tiếng Anh (có một số bộ phim có thêm phụ đề các ngôn ngữ khác trong đó có cả tiếng Việt). 

Thông tin chi tiết và đăng ký tham khảo tại: https://crosscutonline.jfac.jp/english/. Thời gian đăng ký bắt đầu từ 10 giờ sáng thứ ba, 18/1 (giờ Việt Nam).

Nguồn: Hà Chi/nhandan.vn
https://nhandan.vn/dong-chay/lien-hoan-phim-truc-tuyen-ve-am-thuc-chau-a-682636/

The New York Times: Đồng bằng sông Hồng trong danh sách 52 điểm đến năm 2022

Đồng bằng sông Hồng của Việt Nam là địa điểm duy nhất thuộc khu vực Đông Nam Á nằm trong danh sách 52 điểm đến của năm 2022 do tờ The New York Times của Mỹ bình chọn với tên gọi “52 điểm đến cho một thế giới đã thay đổi”. 

Đồng bằng sông Hồng (Việt Nam), nơi bảo tồn các giá trị truyền thống độc đáo. (Ảnh chụp màn hình)

Về việc lựa chọn “Đồng bằng sông Hồng” đứng thứ 14 trong số 52 điểm đến của năm 2022, Biên tập viên du lịch Charly Wilder của The New York Times viết: “Khi du lịch dần trở lại với trạng thái bình thường mới, các du khách có xu hướng lựa chọn các đô thị sôi động và các bãi biển nổi tiếng thế giới của Việt Nam. Nhưng hãy tới khu vực phía bắc của Việt Nam để tới thăm những làng nghề truyền thống của đồng bằng sông Hồng, hòa mình vào không gian văn hóa ngàn đời của lối sống cổ truyền đang có nguy cơ dần mai một. Từ ngàn đời nay, những người dân làng dọc hai bên dòng sông Cầu ở miền bắc Việt Nam vẫn hát điệu Quan họ, một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận từ năm 2009, với những liền anh, liền chị hòa giọng giao duyên”.

Các liền anh, liền chị trong làn điệu Quan họ Bắc Ninh. (Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Cũng theo The New York Times, hiện có khoảng 49 làng cổ tại Bắc Ninh và Bắc Giang đang nỗ lực bảo tồn loại hình dân ca độc đáo Quan họ cùng các tập tục văn hóa truyền thống, phát triển du lịch văn hóa góp phần vấn đề di dân từ nông thông ra thành thị. Một số công ty lữ hành như Vietnamstay hay Khoa Viet Travel đang tổ chức các tour tham quan làng cổ, đền chùa từ thời Lý, làng nghề cũng như tour du lịch sông nước với mục tiêu gìn giữ các giá trị lịch sử.

52 điểm đến cho một thế giới đã thay đổi

Trong bài ảnh xuất bản ngày 10/1, The New York Times cho rằng, trong thế giới đã có nhiều biến đổi, danh sách điểm đến của năm 2022 được lựa chọn không chỉ nhằm mục đích giới thiệu điểm đến mới mà còn góp phần giải quyết các vấn đề về quá tải trong du lịch, biến đổi khí hậu và những hậu quả sau đại dịch Covid-19.

El Hierro (Tây Ban Nha): Việc sản xuất điện từ gió và nước ở một vùng đất nhỏ là cách làm tối ưu nhất.

The New York Times cho rằng, ngoài đại dịch, có một sự thay đổi sâu sắc trong hiểu biết của thế giới về biến đổi khí hậu cũng như sự tác động nhanh chóng và mức độ của biến đổi khí hậu. Cháy rừng, lũ lụt, bão nguy hiểm, mực nước và nhiệt độ tăng: tất cả nhắc nhở chúng ta rằng thế giới của chúng ta thực sự mong manh như thế nào.

Kyoto (Nhật Bản): Nguồn thu từ du lịch để bảo tồn các kiến trúc truyền thống.

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, ngành du lịch chịu trách nhiệm về khoảng 8 đến 11% tổng lượng khí thải nhà kính. Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Glasgow vào mùa thu 2021, lần đầu tiên trong lịch sử ngành du lịch đã cam kết cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Uttarakhand (Ấn Độ): Nguồn thu từ du lịch giúp cải thiện cuộc sống của phụ nữ, bảo tồn môi trường.

Tuy nhiên, như cam kết ở Glasgow của ngành du lịch đã thể hiện, du lịch cũng có thể là một phần của giải pháp, và không chỉ là giải pháp về khí hậu. Du lịch hỗ trợ các nền kinh tế đang suy kiệt ở những nơi phụ thuộc vào đồng đô la của khách du lịch và mở rộng tầm mắt của du khách đến những nền văn hóa và phong tục khác với của họ. Ý nghĩ đó chính là tinh thần sống động đằng sau danh sách của The New York Times năm nay, “52 điểm đến cho một thế giới đã thay đổi”.

Đảo Summerland (Australia): Vương quốc của giống chim cánh cụt lớn nhất thế giới cho thấy việc đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu có thể thành công thế nào. (Ảnh: chụp màn hình)

Ngoài ra còn vấn đề về quá tải du lịch dù đã được giảm đi phần nào do các quy định hạn chế đi lại trong đại dịch, nhưng có nguy cơ tái phát khi thế giới dần mở lại các đường biên. Những đám đông khiến Venice không thể vượt qua vào mùa cao điểm, hay biến các khu vực lân cận ở Barcelona thành tiền đồn của Airbnb, giờ đã thưa dần. Nhưng liệu chúng ta có học được gì từ việc buộc phải ngừng hoạt động, hay các mô hình tương tự sẽ xuất hiện trở lại? 

Vùng sản xuất rượu vang Alentejo: Các sáng kiến xanh được áp dụng trong việc giảm lượng nước sử dụng cho quy trình sản xuất rượu vang, góp phần vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Theo The New York Times, trước đây, danh sách này thường tập trung vào những thứ như khung cảnh một nhà hàng mới nổi, một bảo tàng mới thú vị hoặc việc khai trương một khu nghỉ mát tuyệt vời bên bờ biển. Thay vào đó, năm nay danh sách này nêu bật những điểm đến đang thực sự diễn ra sự thay đổi - nơi những vùng đất với hệ sinh thái hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng đang được bảo tồn, những loài bị đe dọa đang được bảo vệ, những sai lầm trong lịch sử đang được thừa nhận, những cộng đồng mong manh đang được củng cố - và những nơi mà khách du lịch có thể là một phần của sự thay đổi.

Một số địa điểm trong danh sách này vẫn chưa mở cửa cho khách du lịch và một số nằm trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 có thể không an toàn, ít nhất là vào lúc này. Thông điệp của The New York Times không phải là lên chuyến bay tiếp theo, mà sử dụng danh sách này làm nguồn cảm hứng cho chuyến du lịch có mục đích hơn, trọn vẹn hơn của chính bạn trong năm tới và hơn thế nữa.

Nguồn: N.T (theo The New York Times)

https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/the-new-york-times-dong-bang-song-hong-trong-danh-sach-52-diem-den-nam-2022-682420/

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Liên kết con người với nhau là chìa khóa dẫn đến sự thành công

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș là Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa NEUMA kiêm Giám đốc nhà xuất bản NEUMA của Romania. Hai năm qua, Tạp chí đã dành nhiều trang để giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam. Những nỗ lực của nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș đã giúp các hoạt động giao lưu văn học giữa Romania-Việt Nam ngày càng nồng ấm và thu nhiều kết quả tích cực.

Chân dung nhà văn Andrea H. Hedeș. (Ảnh: NVCC)

Đưa văn học Việt Nam hội nhập quốc tế là một chiến lược văn hóa quan trọng của quốc gia. Quyết định số 1909/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021, về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, khẳng định: “Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế”.

Để thành công, chiến lược quảng bá văn học Việt rất cần sự chung sức của nhiều cấp, ngành, sự vào cuộc của chính các văn nghệ sĩ.

Giàu có hơn khi giao thoa với các nền văn học trên thế giới

Phóng viên: Chị bắt đầu thấy yêu mến đất nước, con người Việt Nam từ thời điểm nào?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Nhờ tìm hiểu qua sách báo cũng như các phương tiện truyền thông, tôi phần nào được biết đến lịch sử, văn hóa của Việt Nam, tôi cũng phần nào hiểu được về lòng dũng cảm, sự gan dạ và sức mạnh của con người Việt Nam. Khi có dịp đến Việt Nam vào năm 2019 tham dự Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III, tôi thực sự đã bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây. Đất nước các bạn có cảnh sắc tuyệt đẹp và con người lịch sự, ấm áp. Những điều đó đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Tôi đã say mê khám phá âm nhạc, thơ ca và cả ẩm thực của đất nước các bạn, nhờ đó tôi có thể tiến đến gần hơn với tâm hồn của người Việt Nam để thấy rõ hơn vẻ đẹp của đất nước, con người nơi đây.

Tôi sẽ kể cho bạn biết một điều rất đặc biệt đối với tôi, một thông tin bí mật mà tôi quyết định sẽ tiết lộ ngay sau đây: hiện nay tôi đang viết một cuốn sách được lấy cảm hứng từ chuyến đi thăm Việt Nam và ấn tượng mạnh mẽ về chuyến đi này đối với tôi. Tôi hy vọng nó sẽ được đón nhận và bản thân tôi cũng đang rất hy vọng và lạc quan về điều này. Tôi mong muốn cuốn sách lần này sẽ mang lại nhiều niềm vui cho tôi và các bạn bởi đó là cách tôi thể hiện tình yêu sâu sắc của mình đối với đất nước của các bạn.

Andrea H. Hedeș (thứ 2 từ phải sang) tại Liên hoan thơ quốc tế tại Việt Nam năm 2019. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Lý do nào khiến chị quyết định lựa chọn tác phẩm của các nhà thơ Việt Nam để đăng tải trên Tạp chí Văn hóa NEUMA mà chị làm Tổng Biên tập?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Cũng trong chuyến đi thăm và làm việc tại Việt Nam năm 2019, tôi đã phát hiện ra một sự đối lập thú vị: con người Việt Nam rất dũng cảm, cứng cỏi, mạnh mẽ nhưng bên cạnh đó họ lại có một đời sống nội tâm rất tinh tế, nhẹ nhàng và sâu sắc. Đặc điểm rất riêng này đã in sâu vào các tác phẩm văn học Việt Nam, tạo nên sự khác biệt. Bản thân tôi muốn hiểu rõ hơn về tác phẩm của các nhà thơ Việt Nam và tôi cũng muốn độc giả người Romania có thể biết tới điều ấy do đó tôi quyết đinh lựa chọn giới thiệu thơ Việt Nam trên Tạp chí Văn hóa NEUMA mà tôi làm Tổng Biên tập.

Phóng viên: Sự đón nhận của công chúng với các tác phẩm văn học Việt Nam mà Tạp chí đã giới thiệu?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Công chúng Romania đã dành cho các tác phẩm văn học Việt Nam một sự quan tâm đặc biệt. Và nhất là ở thời điểm bây giờ trong bối cảnh đại dịch, đọc thơ của các nhà thơ Việt Nam cho chúng tôi cảm giác như đang phiêu du trong những dòng suy tưởng ở một vùng đất quyến rũ, khám phá những con người mê hoặc.

Các nhà văn, nhà thơ Việt Nam xuất hiện trên tạp chí NEUMA trong số kỷ niệm 5 năm ngày thành lập. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Trong suốt hai năm qua, Tạp chí Văn hóa NEUMA đã giới thiệu được bao nhiêu tác giả Việt Nam?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Tạp chí Văn hóa NEUMA có tần suất phát hành hai tháng một lần. Trong hai năm qua, 11 nhà thơ Việt Nam đã được dịch và xuất bản trên tạp chí. Tôi cũng muốn tập hợp tất cả những tác phẩm thơ đã dịch đó thành một tuyển tập thơ Việt Nam, dự kiến sẽ xuất bản tại Romania ngay trong năm 2022.

Phóng viên: Các nhà thơ Việt Nam chắc chắc sẽ rất cảm động khi đón nhận tin vui mà chị vừa chia sẻ. Với tư cách là Tổng biên tập, chị đánh giá sự hiện diện các tác phẩm văn học Việt Nam trên Tạp chí Văn hóa NEUMA có ý nghĩa như thế nào?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Đối với người châu Âu và cả người Romania, Việt Nam là một đất nước xa xôi, kỳ lạ, ngày càng được biết đến nhiều hơn vào thời gian gần đây qua con đường du lịch, tất nhiên là trước lúc đại dịch Covid-19 diễn ra. Còn với tôi, tôi coi thơ như một ngôn ngữ phổ quát, ngôn ngữ của tâm hồn. Tôi muốn công chúng Romania được thấy một ngôn ngữ văn học mới đối với họ, nhưng thực chất nó đã tồn tại từ lâu đời. Ngoài ra, tôi muốn có một cuốn tạp chí văn hóa “mở”, được kết nối trên toàn thế giới. Tôi không tin vào một nền văn hóa tự coi mình là trung tâm, và bao kín mình với xung quanh. Chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn và trọn vẹn hơn khi được giao thoa, chạm tới nền văn học của các quốc gia trên thế giới.

Cùng đoàn kết vì một mục tiêu chung

Phóng viên: Là người có kinh nghiệm trong hoạt động xuất bản, chị đánh giá về cơ hội của văn học Việt Nam trong quá trình vươn ra thế giới?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Theo tôi được biết, các nhà văn Việt Nam đã được vinh danh với hầu hết các giải thưởng văn học quốc tế quan trọng và được dịch sang nhiều thứ tiếng. Họ có được sự kết nối tốt với thế giới mà không hề đánh mất đi con người thật của mình. Tôi nghĩ các tác giả Việt Nam đang làm rất tốt trong việc tiếp cận với độc giả thế giới.

Phóng viên: Những năm qua Romania đã có chiến lược như thế nào để giới thiệu, quảng bá nền văn học của quốc gia đến với thế giới?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Với một trái tim nặng trĩu, tôi phải thú thật rằng chúng tôi vẫn chưa có được một chiến lược thực sự hiệu quả. Đây là lý do tại sao có những sáng kiến riêng và có các cá nhân chủ động làm việc về vấn đề này. Nghĩa là các nhà văn dựa trên thành tích cá nhân của họ, sự ảnh hưởng của họ và mối quan hệ tốt đẹp của bản thân để kết nối, liên hệ với các nhà văn từ các quốc gia khác, họ đang tích cực tự quảng bá cho bản thân, và sau đó là nền văn học của quốc gia mình.

Bìa Tạp chí Văn hóa Neuma. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Từ thực tế của Romania và quá trình làm việc trực tiếp với các đồng nghiệp Việt Nam, chị có góp ý gì đối với chúng tôi để thúc đẩy hiệu quả hơn nữa việc quảng bá nền văn học quốc gia?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Nếu tôi chỉ được nói một từ, đó sẽ là: Chúc mừng! Tôi xin được chúc mừng các bạn. Nếu tôi đưa ra một câu trả lời chi tiết hơn, tôi phải nói rằng tôi nhận thấy được tầm quan trọng của việc quảng bá văn học Việt Nam khi tôi tham gia Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III năm 2019. Những nhận xét của tôi đã được khẳng định trong việc hợp tác chặt chẽ với Hội Nhà văn Việt Nam những năm qua: chúng tôi đã xuất bản một tuyển tập thơ xuất sắc, được thực hiện bởi một đội ngũ dịch giả tuyệt vời, bộ phận truyền thông rất tốt và nguồn nhân lực chất lượng.

Tôi có nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa với các nhà văn từ các quốc gia, nhưng rất nhiều lần, quá trình diễn ra rất khó khăn hoặc kém hiệu quả, thậm chí một vài lần đi vào ngõ cụt. Nhưng với đối tác tại Việt Nam, tôi có thể nhìn thấy con người đằng sau tính cách mà họ thể hiện cùng những tình cảm họ dành cho chúng tôi, điều đó giúp cho mối quan hệ của hai bên phát triển rất thuận lợi. Tôi phải ghi nhận sự hợp tác tuyệt vời của tôi với Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Và đặc biệt gửi lời cảm ơn đến bạn nhà văn Kiều Bích Hậu, cô đã cống hiến trong công việc không ngừng nghỉ trong việc đưa tên tuổi của các tác giả Việt Nam ra thế giới. Tôi nghĩ chúng ta đã khám phá ra một bí mật mà ai cũng nên chú ý tới: con người chính là nguồn lực quý giá nhất. Tạo nên cầu nối văn chương để liên kết con người với nhau là chìa khóa dẫn đến sự thành công.

Phóng viên: Mỗi quốc gia đều sẽ có những chiến lược riêng trong việc quảng bá văn học quốc gia. Tuy nhiên, liệu có thể một sự phối hợp giữa các quốc gia trong hoạt động này để tạo môi trường giao lưu, hiểu biết và hỗ trợ nhau để mang đến hiệu quả trên thực tế?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Cùng với nhau đoàn kết vì một mục tiêu chung thì cơ hội thành công sẽ cao hơn rất nhiều. Xin cảm ơn các bạn và thật vinh dự khi tôi có thể chia sẻ suy nghĩ của mình với các độc giả Việt Nam về chủ đề thú vị này.

Andrea H. Hedeș (đầu tiên bên trái) chụp ảnh cùng nhà thơ Hữu Thỉnh và các đồng nghiệp tại Liên hoan thơ quốc tế tại Việt Nam năm 2019. (Ảnh: NVCC)

Nhà văn Andrea H. Hedeș sinh  năm 1977 tại Cluj, Romania. Các tác phẩm đã xuất bản: Những cánh bướm (2008, Giải thưởng dành cho tác giả mới của Nhà xuất bản Limes); Loạn nhịp (2015, Giải thưởng Andrei Mureșanu dành cho thơ); Sự tàn nhẫn của chúng ta (2017, Giải George Coșbuc dành cho Thơ); Bảy năm biên niên văn học (2018, sách nghiên cứu, phê bình); Chuyện kể từ bờ bên kia (2019, Giải thưởng của Tạp chí Văn học Luceafărul de Dimineață dành cho văn xuôi). Andrea H. Hedeș có nhiều tác phẩm xuất bản trong các tạp chí văn học và hợp tuyển văn thơ tại Anbani, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam... Năm 2014 Andrea H. Hedeș sáng lập Tạp chí Văn hóa NEUMA và thành lập nhà xuất bản cùng tên vào năm 2017.

“Tôi không tin vào một nền văn hóa tự coi mình là trung tâm, và bao kín mình với xung quanh. Chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn và trọn vẹn hơn khi được giao thoa, chạm tới nền văn học của các quốc gia trên thế giới” (Andrea H. Hedeș)

Andrea H. Hedeș là một phụ nữ đa tài và giàu năng lượng. Bên cạnh việc phụ trách biên tập cho một Tạp chí Văn học có uy tín của Romania, chị còn tự giao dịch với các bạn văn trên nhiều quốc gia để trao đổi chéo việc dịch và quảng bá tác phẩm. Trong hơn hai năm làm việc cùng Andrea H. Hedes, chị không chỉ trao đổi với tôi về dịch thuật, các ý tưởng phối hợp làm việc và quảng bá tác phẩm, mà còn chia sẻ những cảm xúc về những đổi thay trong xã hội, các câu chuyện đối phó với đại dịch… Đó thực sự là một người bạn ấm áp, chân tình, chu đáo và quá đỗi thân thương, như ruột thịt vậy. (Nhà văn Kiều Bích Hậu)

 
Nguồn: PHONG ĐIỆP (thực hiện)

https://nhandan.vn/dong-chay/nha-van-dich-gia-andrea-h-hede-lien-ket-con-nguoi-voi-nhau-la-chia-khoa-dan-den-su-thanh-cong-682022/

Bản dịch tiếng Anh của Truyện Kiều khiến giới trẻ thích thú

Vài ngày gần đây, bản dịch tiếng Anh Truyện Kiều của Huỳnh Minh Quân (hay còn được biết đến với tên Mica Huỳnh) xuất hiện trở lại và được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội.

Nhiều người cho rằng điều khiến phần dịch thơ này “gây sốt” với các bạn trẻ là được chuyển ngữ sang tiếng Anh một cách giản dị, và đặc biệt vẫn giữ thể thơ truyền thống của Việt Nam là lục bát. 

Một số nhà khoa học cũng bày tỏ sự thích thú với bản dịch thú vị này. Tuy nhiên, cũng có nhiều đánh giá khác nhau về phần dịch.

ô Lưu Nguyệt Ánh, giáo viên tiếng Anh Trường ĐH Mở Hà Nội nhận xét: “Mặc dù, có thể do đã quá quen thuộc với Truyện Kiều, nên tôi thấy bản chuyển ngữ tiếng Anh này chưa được nhuần nhuyễn lắm, đôi chỗ còn trúc trắc, nhưng về tổng thể bạn Quân làm được như vậy là tốt.

Việc chuyển ngữ Truyện Kiều là rất khó, bản dịch này thể hiện vốn từ vựng khá phong phú của người dịch. Bản này để người nước ngoài đọc, để họ có khái niệm ban đầu về Truyện Kiều cũng như một thể thơ của Việt Nam là ổn”.

Trong khi đó, chị Kim Ngân, cựu giảng viên tiếng Anh, hiện đang sống và làm việc tại Úc, lại có cách nhìn nhận khác.

Chị Ngân không đánh giá cao phần dịch này. Theo chị Ngân, nhìn vào phần dịch thì thấy người dịch có nắm được ý chính, như là nhà Kiều có 3 anh em, không giàu lắm… Nhưng tất cả những cái làm Truyện Kiều hay và đẹp thì mất đi.

“Đây là thứ tiếng Anh đơn giản, không có hình ảnh. Phần dịch này có điểm cộng là gieo được vần lục bát bằng Tiếng Anh - tất nhiên đây có là điểm cộng hay không thì cũng còn tùy quan điểm của người đọc. Nhưng phần dịch này cũng chỉ để đọc chơi chứ không phải là một bản dịch cần nghiêm túc chú ý” – chị Ngân nhìn nhận.  

Được biết, người dịch là Huỳnh Minh Quân - cựu học sinh chuyên Lý, Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM). Quân từng du học ngành Điện - Điện tử tại ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) và hiện đang làm việc ở Singapore.

Phần dịch Truyện Kiều đầu tiên của Quân xuất hiện từ đầu năm 2020. Khi đó, anh Quân cho biết trong vòng 3h anh đã ngẫu hứng dịch đoạn thơ đầu tiên trong Truyện Kiều, đoạn từ “Trăm năm trong cõi người ta… tới Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn” từ Tiếng Việt sang Tiếng Anh.

Những bản dịch tiếng Anh của Truyện Kiều

Truyện Kiều là tác phẩm lớn của văn học cổ điển Việt Nam, vậy thì việc giới thiệu Truyện Kiều sang các ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Anh từ trước tới nay như thế nào?

Đã có một số bài viết bàn về vấn đề này, ví dụ như bài viết của GS. Nguyễn Văn Hoàn “Những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh”, và đặc biệt là bài viết của dịch giả Thúy Toàn “Dịch Văn học Việt Nam: Những người dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) và những người dịch Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh)”...

Còn theo Tạp chí Nghiên cứu văn học (số tháng 1/2016) có tất cả 12 bản dịch Kiều sang tiếng Anh của 12 dịch giả, trong đó có 5 bản dịch của người nước ngoài, 7 bản dịch của người Việt. Có một số bản dịch được đánh giá tốt là bản dịch của Lê Xuân Thủy, Huỳnh Sanh Thông, Michael Counsell, Zhukov và Timothy Allen. 

Cụ thể 12 bản dịch này là:

1/ Bản dịch của Lê Xuân Thủy, dịch đầu tiên năm 1963, đến năm 2010, được chính ông hiệu đính lại, in tại Mỹ, lấy tựa là “The Soul of Poetry inside Kim Van Kieu”. Rất ít tư liệu về giáo sư Lê Xuân Thủy, chỉ biết ông làm việc tại Bộ giáo dục miền Nam Việt Nam trước 1975.

2/ Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông, nhà xuất bản Random House in lần đầu tiên năm 1973, với tên “The Tale of Kieu”. 10 năm sau, ông hiệu đính, in lại, từ đó về sau, các bản tái bản đều có tên “The Tale of Kiều”, chỉ 1 thay đổi nhỏ tên Kiều, nhưng như chính dịch giả nói, là 1 bước tiến trong việc nghiên cứu của người Mỹ về Việt Nam học.

3/ Bản dịch của Michael Counsell, lần đầu tiên xuất bản năm 1994, tái bản 2011 bởi NXB Thế Giới (Hà Nội, Việt Nam). Bản dịch của Michael Counsell có tên: “Kieu, The Tale of a Beautiful and Talented Girl”(Kiều, Câu chuyện về một người con gái xinh đẹp và tài năng).

4/ Bản dịch của Vladislav V. Zhukov, xuất bản lần đầu tiên năm 2004 với tên gọi “The Kim Van Kieu of Nguyen Du”. Zhukov là một nhà dân tộc học người Úc sinh năm 1941, đã từng ở Việt Nam hai năm rưỡi. Cũng được gợi cảm hứng từ hai bản dịch của Lê Xuân Thủy và Huỳnh Sanh Thông, Zhukov đã dịch Truyện Kiều và xuất bản năm 2004. Bản dịch của ông được đánh giá rất cao.

5/ Bản dịch của nhóm Mary Cowan, Carolyn Swetland, Đặng Thế Bính, Paddy Farrington, Elizabeth Hodgkin và Hữu Ngọc, NXB Ngoại văn, Hà Nội, dày 1043 trang với tên “The Tale of Kiều (Truyện Kiều)”[8].

6/ Bản dịch của Bạch Vân Bùi Trọng Hợp, dịch giả tự xuất bản tại San Diego, Hoa Kỳ với tên gọi “The Story of Kim-Van-Kieu”. Bùi Trọng Hợp là một nhà thơ, dịch giả tại Hoa Kỳ, hay dịch thơ tiếng Pháp, tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại, sang Mỹ từ năm 1975, từng là giáo sư ĐH Waco, Texas.

7/ Bản dịch của Phan Huy Mạc Phi Hoàng, đăng trên web riêng của dịch giả với tên gọi “The Tale of Kiều”.

8/ Một bản dịch chúng tôi nghĩ là tóm tắt vì chỉ có 148 trang, có tên “Kieu: An English Version Adapted from Nguyen Khac Vien’s French Translation” do Arno Abbey dịch và tự xuất bản năm 2008. Arno Abbey là 1 dịch giả không nổi tiếng mấy, chỉ xuất bản 2 cuốn, 1 là dịch Kiều từ bản tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện, 1 là 1 cuốn sách về văn phạm tiếng Anh (“ABC to Abacus, an Introduction to Graphemics”).

9/ Bản dịch của Ngô Đình Chương, có tên “My version of Kieu”, dịch giả tự xuất bản tại San Jose, Hoa Kỳ năm 1993, 165 trang.

10/ Bản dịch của Timothy Allen có tên “Kieu, The New Lament for a Broken Heart” (Tiếng kêu mới của một trái tim tan vỡ). Năm 2008, ông đạt giải thưởng Stephen Spender khi dịch Truyện Kiều dưới tên gọi: “Kiều: A New Lament for a Broken Heart” (dịch thoát nghĩa của tựa “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du), sau đó tiếp tục nhận được học bổng Hawthornden giúp ông trở thành một nhà thơ.

Timothy Allen đánh giá Truyện Kiều rất cao: “Mọi người Việt Nam đều biết bài thơ. Bạn có thể tìm thấy nông dân ở các ruộng lúa cũng có thể đọc thuộc lòng toàn bộ Kiều bằng cả trái tim. Đó là một câu chuyện tình yêu và một bộ phim kinh dị, đầy ma, nhà thổ, đàn ông và phong cách Robin Hood ngoài vòng pháp luật. Kiều, người phụ nữ xinh đẹp đã đi qua một loạt các tai ương và biến chúng thành thứ âm nhạc đẹp đẽ, đã trở thành một biểu tượng cho chính Việt Nam. Nhiều quốc gia hùng mạnh đã cố xâm lược Việt Nam, nhưng bản thân người dân đã tự sống sót, dù bị đánh đập nhưng không bị trói buộc, và với những bài hát của Kiều trên môi và trong trái tim của họ."

11/ Bản dịch của Thùy Dương, với tên gọi “Kim Vân Kiều”.

12/ Bản dịch của Thái Hùng Tâm, với tên gọi “The Story of Kieu, The New Cry of Painfulness” xuất bản năm 1996, song ngữ. Do Nhà xuất bản Viet Moon ấn hành.

Gần đây nhất, năm 2020, dịch giả Dương Tường công bố bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh. Ông lấy tên dịch phẩm là "Kiều in Duong Tuong’s version".

Nguồn: Phương Chi/vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/ban-dich-tieng-anh-cua-truyen-kieu-khien-gioi-tre-thich-thu-807593.html

Ra mắt bộ sách "Cách mạng lối sống"

Thương hiệu MedInsighs vừa ra mắt bộ sách “Cách mạng lối sống” gồm 3 cuốn sách “Những vùng đất trường thọ”, “Chế độ ăn trường thọ” và “Ngủ ngon theo phương pháp Stanford”. Bộ sách phù hợp dùng để làm quà tặng cho người thân trong dịp Tết đến, Xuân về.

Những vùng đất trường thọ

Một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh không phải là một điều ngẫu nhiên. Nó bắt đầu với những gen tốt, nhưng nó cũng phụ thuộc vào những thói quen tốt. Theo các chuyên gia, nếu áp dụng một lối sống phù hợp, mỗi người có thể sống lâu hơn đến một thập niên.

Trong cuốn sách “Những vùng đất trường thọ” tác giả Dan Buettner đã dẫn dắt độc giả đi theo chân các nhóm nghiên cứu trên toàn cầu tìm hiểu và khám phá bí mật của  những vùng đất trường thọ trên thế giới - từ Costa Rica đến Sardinia - Italia, đến Okinawa - Nhật Bản.

Theo từng khu vực, Buettner tiết lộ “bí mật” của tuổi thọ thông qua các cuộc phỏng vấn với một số người sống lâu đáng chú ý nhất  và hạnh phúc nhất trên hành tinh. Dan Buettner phát hiện ra rằng, không phải ngẫu nhiên mà cách họ ăn uống, tương tác với nhau, giải tỏa căng thẳng, tự chữa bệnh, tránh bệnh tật và nhìn nhận thế giới của họ lại mang lại cho họ nhiều năm sống tốt đẹp hơn.

Có thể nói, công thức cho sự trường thọ liên quan chặt chẽ tới cộng đồng, lối sống và tâm linh. Và mỗi người đều có thể sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn bằng cách áp dụng một vài thói quen đơn giản nhưng mạnh mẽ, và tạo ra cộng đồng phù hợp xung quanh mình.

Trong “Những vùng đất trường thọ”, Buettner đã pha trộn công thức lối sống được rút ra từ những vùng đất kể trên với các kết quả nghiên cứu tuổi thọ mới nhất, để tổng hợp thành những phương pháp sống lành mạnh, dễ thực hiện, truyền cảm hứng cho sự thay đổi hành vi lâu dài, giúp kéo dài tuổi thọ và mang đến ý nghĩa trọn vẹn hơn cho cuộc sống của mỗi người.

Chế độ ăn trường thọ

Từ lâu con người đã luôn có mong muốn kéo dài được tuổi thanh xuân hoặc tuổi thọ. TS Valter Longo cũng bị lĩnh vực này thu hút ngay từ khi còn là thiếu niên. Càng quan tâm đến vấn đề này, ông càng chứng kiến con người hiện đại, dưới áp lực của nhịp sống gấp gáp, chế độ ăn không lành mạnh, đã mắc một loạt bệnh mạn tính, hay thậm chí luôn than phiền về lão hóa khi mới ngoài 30.

Sau này khi là Giám đốc của Học viện nghiên cứu tuổi thọ thuộc Đại học Nam California, ông luôn hướng đến quan niệm đúng đắn: cải thiện tuổi thọ song hành với cải thiện chất lượng cuộc sống; nói cách khác là: sống lâu hơn một cách khỏe mạnh hơn.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến con người hiện đại có các dấu hiệu lão hóa và bệnh tật  sớm là do chế độ ăn bất hợp lý, gồm quá nhiều chất béo bão hòa, chất béo hydro hóa; quá nhiều đường tinh luyện, protein động vật, trong khi lại thiếu hụt nhiều dưỡng chất cần thiết… làm giảm khả năng tái tạo của cơ thể. Để giải quyết vấn đề này, TS. Longo đưa ra chế độ ăn Fasting-mimicking diet (FMD) - chế độ nhịn ăn không hoàn toàn.

Nhịn ăn định kỳ là hoạt động đã phổ biến từ lâu trong nhiều tôn giáo, từ Cơ Đốc giáo, Hồi giáo đến đạo Hindu. Khoa học đã chứng minh, nhịn ăn có khả năng kích hoạt tế bào gốc, qua đó thúc đẩy quá trình tái tạo; đồng thời phá hủy các thành phần hư hại bên trong tế bào cũng như các tế bào đã bị tổn thương.

Tuy nhiên nhịn ăn đơn thần cũng có mặt hạn chế: khó thực hiện, khiến cơ thể tiều tụy… FMD - chế độ nhịn ăn không hoàn toàn – giúp người thực hiện không phải chịu cảm giác đói và mệt mỏi như biện pháp nhịn ăn hoàn toàn; đồng thời vẫn giúp cơ thể quay ngược được đồng hồ lão hóa sinh học.

TS Longo cũng có hướng dẫn FMD cụ thể với những mong muốn hoặc tình trạng bệnh lý khác nhau của độc giả như: người muốn kiểm soát cân nặng, kéo dài tuổi thọ; phòng ngừa và điều trị ung thư; phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường; phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch…

Ngủ ngon theo phương pháp Stanford

Các kết quả nghiên cứu khoa học trong nhiều năm gần đây đã chỉ rõ tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe, sự minh mẫn, hiệu suất làm việc cũng như tuổi thọ của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó rối loạn giấc ngủ cũng là căn bệnh có dấu hiệu gia tăng và trở nên thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở người trưởng thành, người cao tuổi trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Xuất phát từ Viện Nghiên cứu về giấc ngủ Stanford được coi là viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực này, ngủ ngon theo phương pháp Stanford được Nishino Seiji - GS Bệnh học tâm thần Đại học Stanford, Giám đốc Phòng Sinh học thần kinh về Giấc ngủ và Nhịp điệu sinh học – nghiên cứu và tổng kết trong hơn 30 năm qua. Được kiểm chứng khoa học, phương pháp này có thể giúp mỗi người ngủ ngon hơn, “thức dậy mạnh mẽ”, có một ngày làm việc hiệu quả hơn, chất lượng cuộc sống trở nên tốt hơn.

Sau khi công bố chương trình nghiên cứu trên các tờ báo tạp chí, khoa học chuyên ngành, GS Nishino Seiji đã viết cuốn sách “Ngủ ngon cùng phương pháp Stanford” cung cấp những cho độc giả những kiểm chứng khoa học mới nhất và dễ hiểu về những “bí ẩn của giấc ngủ”, từ đó ông đưa ra hướng dẫn về phương pháp ngủ ngon khoa học và tiên tiến của Stanford với những chỉ dẫn chi tiết điều chỉnh thói quen từ lúc thức dậy vào buổi sáng đến khi đi ngủ vào buổi tối. 

 

Khi nói về giấc ngủ, Giáo sư Nishino Seiji cho rằng điều quan trọng hơn là “chất” chứ không phải “lượng”. Trong đó, 90 phút đầu tiên của giấc ngủ là quan trọng nhất. Chỉ cần chất lượng của 90 phút đầu tốt thì phần còn lại của giấc ngủ sẽ cải thiện theo tỷ lệ thuận. Việc nâng cao chất lượng của 90 phút này liên quan đến 3 từ khóa: “nhiệt độ cơ thể”, “não bộ” và “công tắc”.

GS Nishino Seiji viết “Giấc ngủ là đồng minh mạnh nhất, đồng thời cũng là đối thủ đáng sợ nhất khi trở mặt thành thù. Chất lượng cuộc sống của bạn có thể thay đổi rất lớn tùy thuộc vào việc bạn biến giấc ngủ thành kẻ thù hay đồng minh”.

“Ngủ ngon theo phương pháp Stanford” là cuốn sách hữu ích với mọi độc giả quan tâm đến chủ đề này, đặc biệt là những người đang trong độ tuổi lao động, nhưng thường xuyên phải làm ca kíp, trực đêm như đội ngũ công an, bộ đội, bác sĩ, công nhân…

ND

Triển lãm tranh và ra mắt cuốn sách "Vẽ gì cũng là tự hoạ"

“Vẽ gì cũng là tự họa” là tên cuốn sách mỹ thuật của họa sĩ Trịnh Lữ - cuốn sách khởi đầu Tủ sách Mỹ thuật Việt Nam của Omega Plus và cũng là chủ đề triển lãm cá nhân của ông được diễn ra tại The Muse Artspace dưới sự đồng tổ chức của The Muse, Omega Plus và The Book Lag.

Trịnh Lữ quả thật không phải là cái tên xa lạ gì với cả giới hội họa và văn học, một phần là vì người có cả hai cái tài như ông cũng không nhiều, phần thứ hai là bởi trong lĩnh vực nào ông cũng đạt đến một mức độ thành quả mà những người trong giới ấy không thể phủ nhận.

Ông học hội hoạ và thiết kế từ nhỏ với bố là hoạ sỹ Trịnh Hữu Ngọc (Khoá 9 Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) và mẹ là Hoạ sỹ Nguyễn Thị Khang. Sau này ông tu nghiệp thêm về hội hoạ và tâm lý học thị giác ở Đại học Cornell (1992-1994); hội hoạ, lịch sử và phê bình mỹ thuật tại đại học Wisconsin ở Milwaukee (2014-2018) tại Hoa Kỳ.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông được tổ chức năm 1993 tại Upstair Gallery ở Ithaca và tờ nhật báo Ithaca Journal bầu chọn Trịnh Lữ là “Nghệ sỹ của năm”. Triển lãm cá nhân thứ hai cũng tại Ithaca, do Artifax Gallery tổ chức năm 1994. Các ấn phẩm thiết kế của ông đã từng dùng tại Citibank và Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc tại New York.

Năm 2015, ông trưng bày 67 bức tranh tại phố cổ Hàng Đồng. Đại sứ Mỹ Ted Osius đã đến đọc diễn từ khai mạc cuộc trưng bày này, coi đây là một hoạt động văn hoá tự phát đặc biệt có ý nghĩa đánh dấu 20 năm ngày nối lại bang giao Việt-Mỹ.

Đây là triển lãm cá nhân hiếm hoi mà họa sĩ Trịnh Lữ tổ chức tại Hà Nội. Các bức tranh của ông lần này được trưng bày theo 3 mảng chính: tranh phong cảnh, tranh chân dung, và tranh tĩnh vật theo phong cách “bức tường tranh” (gallery-wall). Thật khó để có thể trong một vài dòng tóm tắt được cả ba mảng tranh của một người đã vẽ đến năm ngoài bảy mươi, trải qua cả sự giáo dục mỹ thuật ảnh hưởng Đông Dương và phương Tây; nhưng triển lãm này hứa hẹn sẽ đem lại những rung cảm nghệ thuật đầy tri thức và ấm áp.

Cuốn sách “Vẽ gì cũng là tự họa” do chính tay ông tự thiết kế và viết chú thích, cùng lời tựa được viết bởi họa sỹ nhà phê bình nghệ thuật và nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng và điêu khắc gia Đào Châu Hải. Những bức tranh trong sách cũng được chọn lọc để đưa vào triển lãm lần này.

Bên cạnh không gian triển lãm, buổi ra mắt chính thức cuốn sách “Vẽ gì cũng là tự họa” sẽ được tổ chức vào ngày 11/1/2022. Như "một buổi đến chơi xem tranh chuyện trò trong phòng vẽ...", họa sĩ Trịnh Lữ cùng những khách mời đặc biệt sẽ trò chuyện với chúng ta những câu chuyện quanh tranh; những kỷ niệm tuyệt vời trong hơn 60 năm đi vẽ của họa sĩ; hay nguồn cảm hứng mà ông có được khi cầm cọ để sáng tác ra những tác phẩm để đời.

Triển lãm “Vẽ gì cũng là tự họa" vào lúc 9:00 – 21:00, 4/1/2021 - 11/1/2021 và buổi ra mắt sách vào lúc 9:00 – 11:00, 11/1/2021 tại The Muse Artspace - 47 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Trực tuyến trên Fanpage: Omega Plus Book, The Muse Artspace, The Book Lag - Tiệm sách hay.

ND

Nhiều triển lãm mỹ thuật chào năm mới 2022

Nhân dịp đón năm mới 2022, tại các không gian trưng bày nghệ thuật ở Hà Nội diễn ra nhiều triển lãm hội họa, điêu khắc, thư pháp, nghệ thuật sắp đặt… phục vụ công chúng.

Hai nữ họa sĩ Trang Thanh Hiền và Nguyễn Mỹ Ngọc giới thiệu các tác phẩm tại triển lãm “Mùa trong vườn”. (Ảnh: Thế Sơn)

Ngày 1/1, triển lãm “Mùa trong vườn” của 2 nữ họa sĩ Trang Thanh Hiền và Nguyễn Mỹ Ngọc khai mạc tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu). Sau nhiều lần bị hoãn bởi dịch Covid-19, triển lãm đã được trưng bày đúng ngày đầu năm mới, khởi đầu cho những hy vọng mới.

Một số tác phẩm tại triển lãm "Mùa trong vườn".

2 họa sĩ đều là giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Trang Thanh Hiền là giảng viên Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật còn Nguyễn Mỹ Ngọc là giảng viên Khoa Đồ họa. Nếu Trang Thanh Hiền mang đến triển lãm những tác phẩm lấy cảm hứng từ các loài hoa với chất liệu khắc gỗ, thì tranh Nguyễn Mỹ Ngọc tìm cảm hứng từ việc khắc cao-su kết hợp in độc bản. Khoảng 80 bức tranh đồ họa, với cây, lá, hoa và những người đàn bà ẩn hiện, trữ tình, nữ tính và bung nở trong sáng tạo nghệ thuật. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 12/1.

Tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, 2 triển lãm tranh cùng mở cửa vào ngày 1/1 và kéo dài đến hết 10/1. Đó là triển lãm “Chào Xuân” đầy hứng khởi của họa sĩ Nguyễn Minh Sơn. Tác giả sử dụng những gam màu bắt mắt và tươi tắn khiến cho những cảnh vật, hoa lá được khắc họa trong từng tác phẩm trở nên giàu năng lượng, căng tràn sức sống: vài tàu lá chuối vút cao đón chào những tia nắng, những ngọn lửa hồng đang nở bung trong từng tổ ấm làm cho dư âm mùa đông dường như tan chảy, các loại hoa quả và đồ dùng quen thuộc trong mỗi gia đình đều được đặc tả rất sinh động và cuốn hút.

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Chào Xuân” của họa sĩ Nguyễn Minh Sơn.

Triển lãm thứ hai là “Nhâm Dần” của họa sĩ, đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Nghiêm Nhan. Lựa chọn khoảng thời gian đầu năm mới 2022 cũng là lúc bước sang tuổi 60 để triển lãm tranh, đối với tác giả còn như một cột mốc kỷ niệm đầy ý nghĩa. Giống như tên gọi, “Nhâm Dần” là một phòng tranh được tác giả vẽ toàn hổ, hổ được khắc họa ở nhiều trạng thái cung bậc cảm xúc khác nhau, mỗi bức tranh là một câu chuyện. Hổ suy tư, nhảy múa bay bổng, hổ đi từ truyền thống đến hiện đại, hổ trừu tượng, hổ siêu thực… dù vẽ gì thì nhân vật hổ ấy chính là chân dung của họa sĩ Nghiêm Nhan với niềm khao khát nồng nàn, lãng mạn.

Tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, từ nay đến hết tháng 2/2022 diễn ra triển lãm sắp đặt mang tên “Không gian ký ức số 22 Hàng Buồm”, thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, Vũ Xuân Đông và kiến trúc sư Hoàng Phương. Đến với triển lãm, người xem cảm nhận được một phần sự kỳ diệu của những lớp thời gian. Các nghệ sĩ đã nhặt nhạnh, đã chắp nối những mảnh vụn của lịch sử để nó lấp lánh một vẻ đẹp tưởng như tình cờ mà đầy ngụ ý, dung dị mà sâu lắng.

Cũng tại địa điểm này còn có triển lãm thư pháp đương đại “Phiêu Diêu”, với 40 tác phẩm tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa Hà Nội-mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Các câu thơ chữ Nôm, các câu kinh Phật, các câu văn hóa ngôn ngữ truyền thống, thành ngữ, tục ngữ, được diễn dịch bằng âm Nôm từ lịch sử đến hiện tại được thực hiện bởi Nguyễn Quang Thắng và Phạm Văn Tuấn là những nghệ sĩ, thư pháp gia đương đại, đồng thời là cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Cả hai đã có nhiều năm nghiên cứu văn tự chữ Nôm và ứng dụng chữ Nôm vào nghệ thuật. Các tác phẩm trong triển lãm thể hiện trên giấy Dó, chất liệu thuần Việt được làm thủ công tại Yên Phong (Bắc Ninh).

Vào ngày 2/1, triển lãm “Giai điệu thiên nhiên” (Melody of Nature) sẽ khai mạc tại Không gian nghệ thuật Palm Artspace, khu đô thị Ecopark. Tại đây trưng bày tác phẩm hội họa, điêu khắc của 15 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, gồm: Diệp Quý Hải, Nguyễn Thế Hùng, Trần Hoàng Sơn, Trương Văn Ngọc, Lưu Bảo Trung, Vũ Minh, Nguyễn Minh, Trần Thược, Nguyễn Đức Hùng, Đặng Tuấn, Eddie Lui và Winnie Mak (Hong Kong), Roy Espinosa (Philippines), Dorothea Fleiss (Đức), Ory Annamaria (Hungary). Triển lãm mở cửa đến hết ngày 30/1.

Nguồn: Mỹ Hạnh/nhandan.vn

https://nhandan.vn/dong-chay/nhieu-trien-lam-my-thuat-chao-nam-moi-2022-680799/

Nhà văn Viết Linh: Người mang "Giấc mơ bay" đã tới "Hành tinh kì lạ"

Sau một thời gian chiến đấu với bệnh tật, nhà văn Viết Linh đã chính thức rời “Ga cuối cuộc đời” (tên một cuốn sách của nhà văn Viết Linh) vào trưa ngày 22/12/2021 tại Hà Nội.

Ông là người có những đóng góp đáng ghi nhận cho văn học thiếu nhi, đặc biệt là ở đề tài văn học giả tưởng và mảng sách khoa học cho thiếu nhi.

Nhà văn Viết Linh tên thật là Nghiêm Siêu, sinh năm 1931, quê ở Ứng Hòa - Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1987.

Ông từng học Trường Đại học Sư phạm, khoa Sử, sau đó dạy học tại trường cấp 3 Nguyễn Huệ ở Thị xã Hà Đông. Năm 1960, ông về Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, làm việc tại Phòng Xã hội Chủ nghĩa, sau chuyển sang Phòng Khoa học cho tới khi nghỉ hưu vào tháng 7 năm 1992.  

Ngoài bút danh Viết Linh, ông còn sử dụng bút danh Thanh Sơn, Tùng Sơn trong một số bài viết.

Là người yêu văn chương và sáng tác, ngay từ những năm còn là sinh viên, Viết Linh  đã có  truyện ngắn được in trên Tạp chí Sinh viên. Sau này, ông viết nhiều cho thiếu nhi, có thể kể ra đây những cuốn sách đã được xuất bản của ông và đã được độc giả thiếu nhi yêu thích như: “Bản thông cáo viết trên lá cây” (viết chung với Phạm Văn Đỗ) (1959); “Luống rau kết nghĩa” (1962); “Gánh xiếc lớp tôi” (1963); “Lá thư cá rô phi” (1964); “Một trận hỏa mù” (1965);  “Chiếc xe đạp gỗ” (1967); “Ông than đá” (1969); “Quả trứng vuông” (1970); “Quả xanh, quả chín” (1971); “Giấc mơ bay”, “Việc nhẹ nhất”, “Đúng như vậy”, “Ánh sáng vùng biển tối” (kịch bản phim hoạt hình); “Mái trường xưa”, “Huyền Trân công chúa” (tái bản đến 5 lần)…

Năm 1992, tác phẩm “Mái trường xưa” của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Viết Linh từng tâm sự rằng, ông học Đại học Sư phạm khoa Sử, về NXB Kim Đồng là cơ quan chuyên về văn học thiếu nhi nhưng lại được phân công biên tập mảng sách khoa học. Trình độ khoa học của ông khi đó chỉ ở mức phổ thông, nhưng lại làm việc với các cộng tác viên là các nhà khoa học uyên bác tầm giáo sư, tiến sĩ, nên để lấp đầy khoảng trống về kiến thức, chỉ còn cách học qua sách. Có một thời gian dài, Thư viện Trung ương chính là nơi Viết Linh dành “tám giờ vàng ngọc” mỗi ngày để đọc sách tìm tài liệu, chỉ tiếp cộng tác viên ở cơ quan vào chiều thứ Sáu mỗi tuần.

Viết Linh là người rất thông minh và hiếu học. Sinh ra trong thời gian khó, trong kháng chiến chống Pháp, ông đã tự mày mò học tập, bổ sung kiến thức và tốt nghiệp lớp 9 phổ thông (lớp cuối của hệ phổ thông khi đó). Ông hoàn thiện vốn ngoại ngữ của mình cũng bằng cách tự học cuốn “Tự học tiếng Anh” do người Pháp viết.

Với kiến văn thông tuệ và vốn sống dày dặn, các tác phẩm của ông viết cho thiếu nhi – nhất là mảng sách khoa học viễn tưởng – luôn đầy ắp các thông tin khoa học mới mẻ cho bạn đọc trẻ. Cuốn “Hành tinh kì lạ” của ông từng được dịch và xuất bản tại Liên Xô. Cùng với "Bí mật của nhà thôi miên" (1962), "Quả trứng vuông" (1970), "Giấc mơ bay" (1976)... có thể nói ông là nhà văn hiếm hoi của Việt Nam viết về lĩnh vực khoa học viễn tưởng cho thiếu nhi ở thời điểm đó và cho đến cả bây giờ. Bởi theo nhà văn Viết Linh “Một đứa trẻ không biết mơ ước sẽ khó thành đạt trong tương lai cuộc đời.”

Ở cương vị một biên tập viên sách khoa học, ông đã có công mời được các tác giả viết về khoa học rất hay viết sách cho Nhà xuất bản Kim đồng như Phạm Ngọc Toàn, Hải Hồ… Ông chính là người khởi xướng, gây dựng bộ sách “Em yêu khoa học” của NXB Kim Đồng.

Ông rất tâm huyết với quan điểm của nhà văn Hoàng Nguyên Cát: “Sách khoa học của Nhà xuất bản Kim Đồng chủ yếu là 'gây men'. Nghĩa là làm cho các em yêu thích một vấn đề khoa học nào đó, chẳng hạn 'Chỉ cần các em yêu cây lúa, sau đó, muốn đi sâu, các em sẽ tìm đọc các loại sách khác về lúa'”.

Nhà văn Viết Linh cho rằng “Cái giỏi của người viết truyện khoa học? Chính là làm cho các em tiếp thu được kiến thức nhẹ nhàng... Tôi rất thú cái ví dụ về loại hình này: giống như những viên kẹo giun xanh đỏ ngọt ngào hấp dẫn, đường và bột nhiều kèm theo cả bao bì sặc sỡ, thuốc chỉ có tí tẹo. Uống thuốc không phải nhăn mặt sợ đắng mà thưởng thức như một cái kẹo ngon lành. Các em sẽ không thích những truyện cầm lên tay, mới đọc được vài dòng đã “ngửi thấy mùi giáo dục”.

Trong hơn 30 năm làm việc tại NXB, nhà văn Viết Linh đã cùng với các biên tập viên như Vũ Ngọc Bình, Hoàng Nguyên Cát, Văn Linh, Trần Thị Nhâm… tạo dựng nền móng cho công tác biên tập sách của Nhà xuất bản Kim Đồng. Đó là những tiêu chuẩn như: cẩn, hay, đúng, hợp… Cẩn là cẩn thận khi chọn lựa đề tài, tác giả, bản thảo; hay về văn chương; đúng về kiến thức; hợp với đối tượng bạn đọc.

Ông là người vui vẻ, hóm hỉnh… Những nơi nào có ông ngồi cùng là không khí trò chuyện  sẽ thường rộn lên tiếng cười, niềm vui bởi những ý tưởng dí dỏm dân gian do ông nhóm lên. Có lẽ những đồng nghiệp của ông luôn nhớ tới những câu thơ vui của ông, mà ông hay tự trào là “thơ hợp tác xã”.

Ông tự nói về mình một cách hóm hỉnh: “Học Sử, làm công tác văn học, biên tập sách khoa học đúng là Viết... Linh tinh thật!” Đó chỉ là cách ông tự trào, nói vui, bởi cùng với Phạm Cao Cùng, Lưu Văn Khuê, Phạm Ngọc Toản, Vũ Kim Dũng… ông là một trong số ít những cây bút tiên phong, có dấu ấn  trong mảng văn học giả tưởng của Việt Nam.

Vĩnh biệt ông – một nhà văn, một biên tập viên tâm huyết gắn bó cả đời với công tác làm sách cho thiếu nhi Việt Nam.

PV

“Những câu chuyện sưởi ấm tâm hồn”: món quà tinh thần quý giá dành cho các bạn nhỏ

Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt thêm bốn cuốn sách mới trong bộ “Những câu chuyện sưởi ấm tâm hồn”, gồm: “Chị em gái”, “Lớp sáu tình thương”, “Trên những bánh xe” và “Chuyện thường ở lớp”.

Trước đó, bốn cuốn sách cùng bộ: “Bố là bố thôi”, “Nỗi oan của Đậu”, “Dàn đồng ca mùa hạ”, “Hoa anh thảo của mẹ” cũng được các bạn nhỏ rất yêu thích.

Những câu chuyện sưởi ấm tâm hồn mang đến cho các bạn đọc nhỏ tuổi những câu chuyện về tình cảm gia đình, sự sẻ chia, thấu hiểu và hành trình vượt khó...

Đó là câu chuyện về tình cảm chị em, gia đình sâu nặng, cảm động trong cuốn “Chị em gái”. Cuốn sách kể câu chuyện của một cô gái nhỏ từ thành thị cùng bố mẹ về sống tại một bản làng vùng cao xinh đẹp, nhưng còn nhiều hủ tục. Những cuộc đấu giành vợ, phận mỏng của người đàn bà cố kiết sinh mụn con trai, sức lực yếu ớt của con người trước dã thú và những quan niệm lạc hậu...

Những nỗi buồn trong cuộc sống từng ngày hiện ra trước mắt cô gái nhỏ, nhưng không vì thế mà cô không còn yêu ngôi làng nhỏ ấy khi đi xa, bởi vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp của tình người đọng lại trong lòng cô bé. Câu chuyện và minh họa đều đẹp như cảnh sắc của bản làng bên dòng sông dưới chân rặng núi cao.

“Lớp sáu tình thương” kể câu chuyện về một cậu bé đặc biệt, “thuộc nhóm trẻ chậm phát triển” Bảo Nam, với những câu chuyện dở khóc dở cười ở lớp. Dù trí lực hơi chậm, nhưng Bảo Nam lại có trái tim ấm áp, luôn giúp đỡ mọi người, đối xử với mọi người bằng tình cảm chân thành, và luôn mong muốn mọi điều tốt đẹp cho bạn bè, người thân.

Dù đâu đó, vẫn có những kẻ vô tâm chỉ đặt lợi ích của mình lên trên hết, không màng tới những người yếu thế, nhưng quanh ta vẫn còn rất nhiều những trái tim nhân hậu, sẵn sàng sẻ chia với những số phận thiệt thòi. Và trên hết, tình bạn chân thành sẽ nâng đỡ mỗi người trở nên tốt đẹp hơn. “Tôi vẫn nghĩ rằng tình cảm bạn bè thuần khiết là thứ tuyệt vời nhất trần đời” như tác giả Vương Thục Phần chia sẻ.

Tám câu chuyện trong bộ Những câu chuyện sưởi ấm tâm hồn kể về cuộc sống của tám đứa trẻ ở những miền đất khác nhau, cả thành thị, nông thôn và miền núi, với những hoàn cảnh sống khác nhau. Những câu chuyện cảm động này sẽ mang đến cho bạn đọc nhỏ tuổi cảm nhận sâu sắc và mới mẻ về cuộc sống hằng ngày, về tình yêu gia đình, tình bạn, tình cảm xóm giềng và mái trường mến yêu...

Với lời văn dung dị, tranh minh họa tinh tế, “Những câu chuyện sưởi ấm tâm hồn” là món quà tinh thần quý giá dành cho những cô cậu bé lứa tuổi đầu tiểu học. Mong sao những câu chuyện vô cùng gần gũi này sẽ góp phần sưởi ấm tâm hồn các em, nâng bước các em trên con đường trưởng thành.

ND

Bộ sách đứng số 1 ở Amazon về sách chăm sóc bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ

Ngày 25/12 tới, Thương hiệu Xuất bản Sách và Tri thức Y học Medinsights sẽ tổ chức sự kiện “1000 ngày kết nối: Ra mắt Bộ Sách Thai sản và Nuôi con đầy đủ nhất”. Chương trình được tổ chức online với sự tham gia của Chị Hoàng Ngọc Diệp - Blogger/ Dịch giả và ThS. Nguyễn Hải Minh.

Bộ sách “Hành trình nuôi con” gồm có 3 tựa sách Hành trình nuôi con: mang thai” (tên gốc: What to Expect When You're expecting), “Hành trình nuôi con: Chăm con 0 - 12 tháng” (tên gốc:What to Expect the First Year), “Hành Trình Nuôi Con: Chăm con 12 - 24 tháng” (tên gốc: What to Expect the Second Year) được viết bởi Heidi Murkoff. 

Bộ sách ngay từ khi được xuất bản đã đạt được những thành tích như đứng số 1 ở Amazon về sách chăm sóc bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ; “Hành trình nuôi con: mang thai” nằm trong top sách bán chạy nhất của New York Times, được coi là 1 trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhất trong 25 năm (theo USA today); 42 triệu bản được bán ra trên toàn thế giới (Cả bộ sách); 44 ngôn ngữ được dịch ra trên toàn thế giới. Năm 2012 sách được mua bản quyền và dựa trên cuốn sách để dựng phim cùng tên.

“Hành trình nuôi con: Mang thai” là cuốn sách đầu tiên nằm trong bộ sách “Hành trình nuôi con” được xuất bản lần đầu từ năm 1984, khi bà mẹ trẻ Heidi Murkoff mang thai đứa con đầu tiên. 

Cuốn sách mang đến lời giải cho mọi vấn đề liên quan đến thai kỳ: Từ trên (làm thế nào để xử lý đi những cơn đau đầu) xuống dưới (nguyên nhân chân bị phù), từ trước (vì sao không thể nói điều gì về em bé nếu chỉ nhìn bụng mẹ) ra sau (để lưng bớt nhức mỏi).

Với tất cả những thông tin cần biết, lời khuyên thực tế và các mẹo dễ áp dụng, cuốn sách sẽ mang đến những cập nhật mới nhất về khám sàng lọc sơ sinh, những loại thuốc an toàn và các hình thức sinh nở mới nhất – từ sinh dưới nước cho đến sinh mổ.

Không chỉ có vậy, độc giả cũng sẽ nhận được những lời khuyên liên quan đến lối sống trong thai kỳ: từ việc ăn thế nào (các xu hướng ăn uống) cho đến việc uống ra sao (có nên uống café hay không); làm việc và du lịch, tập luyện hay chuyện giường chiếu, từ chăm sóc da đến làm đẹp, bất cứ câu hỏi nào các bà mẹ tương lai có, câu trả lời đều có thể tìm được ở đây. Không những vậy, còn có cả những lời khuyên và gợi ý cho các ông bố nữa.

Giữ nguyên tinh thần với cuốn đầu tiên, “Hành trình nuôi con: Chăm con 0 - 12 tháng”tiếp tục đồng hành cùng các phụ huynh trong suốt năm đầu đời của trẻ, với những hướng dẫn chi tiết bám sát sự phát triển từng tháng của bé, cung cấp những thông tin thú vị đời thường mà các tài liệu khác ít đề cập tới, dưới dạng bố mẹ hỏi, bác sĩ trả lời.

Từ chuyện “Tại sao tháng thứ 4 con tôi hay “đình công” bú mẹ”? Đến “Làm sao để tập cho bé ngủ thâu đêm không dậy khóc”? Rồi “Con tôi không chịu bú bình”, hay “Con tôi rất lười ăn rau, làm thế nào?” Đọc sách sẽ hiểu ở tuổi nào trẻ con biết làm những gì và độ phổ biến của nó (VD: 6 tháng tuổi thì 50% trẻ em biết làm gì, 90% biết làm gì, 25% biết làm gì). Nhờ thế bố mẹ có thể đánh giá một cách tương đối mức độ phát triển của con mình so với trẻ cùng lứa.

Đến cuốn sách “Hành trình nuôi con: Chăm con 12 - 24 tháng” sẽ  hướng dẫn cho bạn đầy đủ về 12 tháng đầy ắp những cột mốc đáng kinh ngạc, học tập siêu tốc và khám phá vô tận. Đầy ắp thông tin cần có về mọi thứ, từ cho ăn (mẹo để cám dỗ khẩu vị kén ăn) đến ngủ (cách ăn nhiều hơn), nói chuyện (giải mã những từ đầu tiên đó) đến hành vi (xoa dịu những cơn giận dữ đầu tiên đó).

ND