Syndicate content

Chuyện dọc đường

Kinh tế học ồ quá dễ! (*)

(ICTPress) - Nhà kinh tế lý thuyết hàng đầu thế giới Milton Friedman (Mỹ) nhìn nhận, kinh tế học là môn hấp dẫn và những nguyên tắc căn bản của nó đơn giản đến mức có thể viết ra trong một trang giấy và bất kỳ ai cũng có thể hiểu được.

Kinh tế học không có tham vọng vẽ nên một bức tranh kinh tế rõ nét, nhưng có thể giúp chúng ta nhận biết các lực vô hình chi phối sự vận động của nền kinh tế; biết được mỗi quốc gia hiện đang nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới. Với cuốn sách này, tác giả kỳ vọng các nhà báo chuyên viết về kinh tế có thể khám phá thêm nhiều kinh nghiệm quý trong nghề.

Kinh tế học ồ quá dễ! giới thiệu các nội dung cơ bản của kinh tế học, nhưng không tách biệt kinh tế vĩ mô và vĩ mô như lối tư duy truyền thống. Không có tham vọng đi sâu vào chi tiết các thông tin phức tạp, mà tập trung vào những nội dung chính yếu như: thuyết bàn tay vô hình, quy luật cung cầu, chi phí cơ hội, lợi ích cận biên, sự thưởng thưởng, lạm phát, thất nghiệp và tổng sản phẩm nội địa…

Bên cạnh đó, tác giả cuốn sách cũng giới thiệu các nội dung liên quan đến kinh doanh, tài chính - ngân hàng thường xuyên xuất hiện trên các tờ báo chuyên về lĩnh vực kinh tế gồm có: hệ thống ngân hàng, thuế khóa và thị trường chứng khoán…

Alfred Marshall, một nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh tổng kết: “Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu công việc kinh doanh bình thường của cuộc sống”. Khi nắm bắt được tri thức về kinh tế học một cách tương đối hẳn nhiên bài báo của bạn sẽ có trọng lượng và sức thuyết phục hơn đối với bạn đọc khi đi sâu vào mô tả, giải thích và dự báo về kinh tế. Do đó, viết về kinh tế, thương mại mà thiếu kiến thức, thì khả năng, “sai một ly đi một dặm”, sẽ là điều khó tránh khỏi.

Nhà báo Ngọc Trân, tác giả cuốn sách Kinh tế học ồ quá dễ!, từng làm việc tại Báo Thanh niên, Tuổi trẻ và Thời báo kinh tế Sài Gòn, đã tập hợp các bài giảng nghiệp vụ báo chí viết về lĩnh vực kinh tế, thương mại cho sinh viên, học viên tại TP. HCM trong thời gian qua vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách hữu ích này.

B. Trung

(*) Sách của nhà báo Ngọc Trân - NXB Trẻ - 2014

Nguồn: nguoilambao.vn

8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam

Đi dọc đất nước, ta dễ dàng bắt gặp một món ăn tuy chung tên gọi nhưng khác nhau về cách chế biến và mang đặc trưng rất riêng của mỗi vùng miền: món mắm.

1. Mắm tôm

Mắm tôm là thứ đặc sản đất Bắc, có mùi vị vô cùng đặc trưng. Mắm được làm từ tôm hoặc moi và muối ăn, qua quá trình lên men tạo màu tím thẫm và mùi nồng đặc trưng đến nỗi "mùi mắm tôm" trở thành một từ thông dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều người yêu thích mắm tôm nhưng cũng có không ít người chỉ ngửi thấy mùi mắm tôm đã "chạy làng".

Mắm tôm có thể ăn sống là một loại nước chấm, đánh với rượu trắng và cốt chanh để giảm mùi gắt. Mắm cũng có thể dùng với bún, tạo thành món bún đậu mắm tôm ngon nổi tiếng hay gia tăng hương vị cho bún riêu, bún thang. Trong các món nấu, mắm tôm là thức không thể thiếu để pha chế các món giả cầy và rựa mận.

2. Mắm cáy

Nếu ai không chịu được mùi mắm tôm, thì chắc chắn còn phải hoảng hốt hơn nhiều với hương mắm cáy. Mắm cáy được làm từ cáy, một loài cua sống chủ yếu ở vùng duyên hải. Mắm cáy có màu nửa xanh nửa nâu, vị nồng hơn mắm tôm rất nhiều. Song nếu vượt qua được mặc cảm ban đầu, không ít người phải công nhận mắm cáy không chỉ ngon và còn rất dễ nghiện. Mắm cáy chấm rau khoai lang là món ăn bình dị quen thuộc của người dân vùng duyên hải Bắc Bộ.

3. Mắm cái

Mắm cái còn được gọi là mắm nêm, là loại được làm từ cá như mắm nước nhưng có cách chế biến hoàn toàn khác. Nếu mắm nước lấy mắm từ nước chắt ra ở thân cá và muối thì mắm cái sử dụng cả xác cá. Sau quá trình ướp muối, lên men, cá được trộn một số phụ liệu như thính, thơm, đường... để tạo hương vị đặc trưng.

Mắm cái thường có hai dạng: dạng nguyên con (cá cơm, cá sơn đỏ...) và dạng xay nhuyễn (cá trích, cá nục, cá liệt...). Mắm nêm là loại nước chấm đặc trưng của miền Trung Việt Nam.

4. Mắm ruốc

Mắm ruốc được làm từ ruốc - một loại tôm nhỏ nhưng màu sắc và mùi vị khác hoàn toàn mắm tôm. Mắm ruốc có vị tanh vừa phải, thơm nhẹ, không quá mặn, màu đỏ hồng. Đây là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người dân xứ Huế.

5. Mắm tôm chua

Một loại mắm cũng được chế biến từ tôm, cũng là một món đặc sản đặc biệt tại Huế khác là mắm tôm chua. Mắm được làm từ tôm rảo tươi ủ chua. Khác với mắm tôm mặn có màu nâu và con tôm đã bị giã nhuyễn, mắm tôm chua có màu đỏ và con tôm còn nguyên hình, hương vị chua ngọt, pha chút vị cay nhẹ của riềng, ớt rất dễ chịu, dễ ăn hơn mắm tôm. Mắm tôm chua dùng chấm các món thịt luộc rất ngon.

6. Mắm rươi

Mắm rươi là món mắm ngon nổi tiếng của Việt Nam. Tuy nhiên, cách chế biến mắm rươi ở một số tỉnh duyên hải miền Bắc lại khác biệt hoàn toàn so với mắm rươi vùng Trà Vinh, đồng bằng sông Cửu Long.

Mắm rươi miền Bắc

Người miền Bắc làm mắm rươi thành dạng đặc với sự phối trộn cả vỏ quýt, gừng, muối rang vàng, rượu nếp và thính gạo. Món ăn từng được thị dân Hà Nội yêu thích đặc biệt một thời. Ngay đến tác giả cuốn "Ẩm thực Hà Nội" - nhà văn Vũ Bằng nhận xét thì "mắm rươi ăn với tôm he bông không có rau cần và rau cải cúc thì hỏng kiểu".

Mắm rươi Trà Vinh

Người vùng Trà Vinh thường làm rươi thành nước mắm. Công thức chế biến mắm rươi của cư dân Trà Vinh rất đơn giản, chỉ gồm rươi, muối ăn, nước sạch nhưng cho thành phẩm là loại nước mắm tương đối sánh đặc được các vua chúa triều Nguyễn vô cùng yêu thích. Vì vậy mắm rươi Trà Vinh còn có tên gọi vương giả là nước mắm ngự.

7. Mắm cá miền Tây

Ở miền Tây, bất kỳ loại cá nào cũng có thể làm mắm. Tiêu biểu hơn cả có thể kể tới mắm cá lóc, mắm cá linh, mắm bò hóc...

Mắm lóc Châu Đốc.

Mắm cá lóc là món mắm tiêu biểu của vùng Châu Đốc, An Giang và là nguyên liệu làm nên món bún cá Châu Đốc nổi tiếng. Nổi lầu mắm đất Cần Thơ lại không thể thiếu món mắm cá linh vàng ươm, thơm lựng. Mắm bò hóc là đặc sản của người Khmer, có mùi rất nồng nhưng lại là gia vị quen thuộc trong hầu hết các món ăn của người Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh...

8. Mắm thái

Mắm thái cũng là một loại mắm đặc sắc ở miền Tây. Đây là món ăn được biến tấu dựa trên món mắm ruột (làm từ ruột cá lóc rất ngon và đắt tiền) bằng cách thái nhỏ thịt mắm cá lóc trộn với dưa đu đủ bào sợi, ướp thêm đường và gia vị. Có nhiều cách thưởng thức mắm thái nhưng ngon nhất là một mâm đầy đủ với bún tươi, rau xanh, thịt luộc, bánh tráng.

 Nguồn: tapchi.guu.vn

“Đường lên Điện Biên” - Khúc tráng ca về Tổ quốc và tình yêu

Hình ảnh Tổ quốc và tình yêu của những chàng Vệ quốc đoàn hào hoa và các cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp sẽ được tái hiện lãng mạn, bi tráng trong 25 tập phim Đường lên Điện Biên.

Poster phim “Đường lên Điện Biên”

Sau hai phim điện ảnh về đề tài chiến tranh được đánh giá cao là Đường thư và Những người viết huyền thoại, bộ phim truyền hình Đường lên Điện Biên được xem như một thử thách tiếp theo của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Hai bộ phim trước anh đều làm về thời chống Mỹ, nhưng bộ phim mới này lại quay trở về thời kháng chiến chống Pháp. Một bộ phim chiến tranh phải tái hiện một cuộc chiến đã lùi xa 60 năm, khi cả đất và người nơi chiến trường xưa đều đã thay đổi là một điều không hề đơn giản. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng bộc bạch: “Chúng tôi cố gắng tái hiện đời sống của chiến sĩ, của anh chị em dân công hỏa tuyến với nhiều chi tiết ấn tượng... Làm phim truyền hình, ngoài đối thoại thì phần quan trọng nhất tạo nên tính hấp dẫn là ở những chi tiết”.

Không tham vọng làm bộ phim hoành tráng về một cuộc chiến tranh với chiến thắng “vang dội năm châu”, Đường lên Điện Biên tập trung khai thác vào tính nhân văn và số phận những con người tham gia cuộc chiến. Đó là những chàng trai Hà Nội bỏ lại gia đình, trường học và tình yêu học trò để lên đường kháng chiến. Trên con đường hành quân, tiểu đoàn Vệ quốc đoàn tình cờ gặp một đoàn dân công gồm 500 cô gái vận lương lên Điện Biên. Tình yêu và lửa đạn, máu và nước mắt cùng hào khí ngàn năm hội tụ ở một thế hệ cha ông sẽ được thể hiện lãng mạn mà bi tráng trong suốt 25 tập phim.

Làm phim truyền hình trong thời điểm có quá nhiều khó khăn, kinh phí eo hẹp, bối cảnh và thời gian câu chuyện trải dài, ngoài việc tái hiện nhiều chi tiết hấp dẫn khán giả thì các yếu tố kỹ thuật cũng chính là “bệ đỡ” cho một bộ phim về đề tài chiến tranh. Đồng hành cùng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng trong dự án này là một ê kíp ăn ý từng sát cánh bên nhau hàng chục năm nay trong nhiều dự án phim. Đó là Giám đốc hình ảnh Lý Thái Dũng, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn - nhà quay phim hàng đầu phía Bắc hiện nay, từng quay hàng chục phim chiến tranh, Phan Trọng Bích - một trong những người làm khói lửa tốt nhất, họa sĩ thiết kế Vũ Anh Tú cùng các thành phần khác như đạo cụ, dựng cảnh, hiệu ứng khói lửa, hóa trang, phục trang, kỹ xảo, nhạc phim, trailer, poster… Tái tạo một cảnh phim chiến tranh là vô cùng khó, bởi vậy đạo diễn cho rằng tất cả các thành phần của đoàn đều rất quan trọng.  

Cảnh phim “Đường lên Điện Biên”

Quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng, trong đó có những gương mặt mới đầy triển vọng như Nguyễn Mạnh Trường (vai Hoàng trong Bí mật tam giác vàng) hay những diễn viên kỳ cựu như Hoàng Hải (vai tướng Dinh trong Những người viết huyền thoại), Đường lên Điện Biên còn có nhiều diễn viên trẻ, trong đó nhiều gương mặt mới. Bùi Tuấn Dũng chọn diễn viên theo tiêu chí “cùng xây dựng nên nhân vật chứ không dựa vào tên tuổi của diễn viên tạo dấu ấn cho phim”. Bởi vậy, anh thống nhất với diễn viên cách diễn làm nổi bật nhân vật và số phận nhân vật.

Phim có bối cảnh quay trải dài trên rất nhiều tỉnh thành từ Hà Nội đến Điện Biên, Sơn La, Yên Bái… Đạo diễn cho biết, với một người trẻ lớn lên trong thời bình như anh thật khó mà có thể tái tạo ra không gian của hơn nửa thế kỷ trước. Nhưng may mắn là nguồn tư liệu sống về chiến tranh từ những người lính năm xưa được  cha mẹ anh và đồng đội của họ truyền lại với nhiều chi tiết cảm động. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của những kiến thức về chiến tranh và kinh nghiệm làm phim từ nhiều năm nay đã giúp anh tái hiện lại sống động trong những thước phim.

Được thực hiện trong thời gian khá gấp rút chỉ vài tháng từ trước và sau Tết Giáp Ngọ để kịp thời lên sóng vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, đoàn làm phim mong muốn Đường lên Điện Biên không chỉ là món quà đầy ý nghĩa tri ân thế hệ đi trước mà còn hâm nóng tình yêu của khán giả với lịch sử, đặc biệt là khán giả trẻ.

 Hoàng Mai

Nguồn: baophunuthudo.vn

Ra mắt bộ truyện "Cậu bé trần gian và những chuyến rong chơi"

(ICTPress) - Nổi tiếng với những trang viết có duyên cho lứa tuổi học trò, nhà văn Nguyên Hương bất ngờ vừa ra mắt 2 tập đầu trong bộ truyện dài cho thiếu nhi Cậu bé trần gian và những chuyến rong chơi.

Bộ truyện gồm 5 tập xoay quanh tình bạn giữa những bạn nhỏ ở cả trần gian, địa ngục và cõi tiên.

Cậu bé Châu - một cậu bé ở trần gian ưa mạo hiểm, thích phiêu lưu có một người bạn ở địa ngục là Quỷ Hốc Đá. Vì tính tò mò, muốn khám phá địa ngục, Châu và những người bạn đã gặp rắc rối, nguy hiểm đến tính mạng, Quỷ Hốc Đá có nguy cơ bị hình phạt quỳ Bàn chông Đá - hình phạt khủng khiếp nhất ở địa ngục. Châu cũng đã đến cõi tiên, cùng với những người bạn của mình là Kim Tiên, Kim Linh, Châu tình cờ phát hiện ra những bí mật mà cậu chưa bao giờ ngờ tới…

Mỗi tập sách là một chuyến du hành của Châu và nhóm bạn, ở trần gian, xuống địa ngục hay lên cõi tiên. Ở mỗi chuyến “rong chơi”, cậu lại tình cờ phát hiện ra những bí mật, những toan tính quyền lực bất ngờ, và không ít những hiểm nguy cho bản thân cậu và những người cậu yêu thương.

Sử dụng bút pháp giả tưởng, với trí tưởng tượng phong phú, nhà văn Nguyên Hương đã vẽ ra một thế giới với nhiều chi tiết thật sống động: Bàn chông Đá, Thung lũng Xả để trừng phạt những kẻ phạm tội, cuốn sách có thể tự đọc thành tiếng, chiếc ghế được gắn bằng sỏi để thử thách lòng kiên trì, hay Cỏ Miệng Mếu - loài cỏ bật khóc khi người lớn chạm tay vào…

Mỗi nhân vật được nhà văn Nguyên Hương xây dựng với những cá tính riêng, độc đáo thú vị, đều có những điểm đáng yêu. Ở trần gian là cậu bé Châu thích phiêu lưu mạo hiểm, Thanh Mình Dây tính tình xí xọn, thích ăn mặc đẹp; Dũng tốt bụng nhưng yếu đuối; ở cõi quỷ là Quỷ Hốc Đá hết mình vì bạn bè; Quỷ Rêu tính tình hồn nhiên, lí lắc; ở cõi tiên là Tiên Đào thông minh giỏi giang; Kim Tiên và Kim Linh thích mạo hiểm, dám làm dám chịu, hay Tiên Mộc tốt bụng nhưng hậu đậu…

Thế giới thần tiên trong tác phẩm của Nguyên Hương phù hợp với tâm tư của thiếu nhi, lứa tuổi hồn nhiên, nhiều mộng mơ và đầy háo hức. Đọc tác phẩm của Nguyên Hương, ta như được sống lại một thời mơ ước, một quãng thời gian mãi mãi không bao giờ trở lại. Như nhà văn Nguyên Hương miêu tả trong cuốn sách, cõi trần gian có cánh đồng Cỏ Miệng Mếu, loài cỏ bật khóc khi người lớn chạm tay vào, bọn nhỏ của cả ba cõi từng đùa chơi hồn nhiên trên cánh đồng này, cho đến một ngày kia, bọn nhỏ ngạc nhiên thấy mình cũng làm cỏ khóc.

Điểm hấp dẫn nhất của Cậu bé trần gian và Những chuyến rong chơi là giọng văn hài hước, dí dỏm, và đặc biệt là phong cách viết truyện giả tưởng đậm chất Việt Nam của nhà văn Nguyên Hương, biên tập viên Nguyễn Thị Hường Lý chia sẻ.

Nhà văn Nguyên Hương là tác giả của nhiều tập truyện ngắn như: Quà muộn, Những giấc mộng, Những bông hoa hình lá, Gia sư, Nguồn cội lênh đênh, Song sinh, Khoảnh khắc tình yêu, Lời hứa của mùa hè, 10 truyện ngắn Nguyên Hương, Website thương nhớ, Mối tình đầu, Bố ơi, Mẹ con Đậu Đũa, Hoa rù rì, Những vì sao, Yêu bằng tai; các tập truyện vừa: Tia cầu vồng màu chàm, Sếp phó, Gót hài, Chiều cao ở sau lồng ngực; truyện dài: SOS, Học trò phố huyện, Ngày có bốn mùa.

Minh Anh

Nhiều hoạt động đặc sắc trong 'Hội sách Mùa hè 2014'

“Hội sách Mùa hè 2014” giới thiệu khoảng 4.500 đầu sách với hơn 15.000 bản sách, thuộc các thể loại: Chính trị, Văn hóa, Lịch sử.

rong khuôn khổ Hội sách Mùa hè 2014, bạn đọc sẽ được giao lưu với nhiều dịch giả, nhà văn và mua sách giảm giá.

Ngoài những đầu sách mới dành cho thiếu nhi nhân dịp 1/6, điểm nhấn của Hội sách sẽ là cuộc phát động xây dựng Tủ sách Phụ nữ và Gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…

Chào mừng Ngày Sách Việt Nam 21/4 và Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4, Nhà xuất bản Phụ nữ và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức “Hội sách Mùa hè 2014”.

“Hội sách Mùa hè 2014” giới thiệu khoảng 4.500 đầu sách với hơn 15.000 bản sách. Ngoài những đầu sách mới dành cho thiếu nhi nhân dịp 1/6, điểm nhấn của Hội sách sẽ là cuộc phát động xây dựng Tủ sách Phụ nữ và Gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn trẻ chọn sách.

Trong khuôn khổ Hội sách, còn có các hoạt động giao lưu với các tác giả nổi tiếng và dịch giả uy tín tại Việt Nam; các hoạt động giới thiệu sách nhằm phổ biến tri thức; giáo dục kĩ năng sống cho thanh thiếu niên; bồi dưỡng các giá trị nhân văn; ý thức vì cộng đồng… Các đơn vị tham gia Hội sách sẽ tặng sách cho Tủ sách Phụ nữ cơ sở vùng sâu, vùng xa và vùng dân cư còn khó khăn. 

"Hội sách Mùa hè 2014” được tổ chức từ 08h00 đến 21h30, từ 16/4/2014 đến 20/4/2014 tại khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Ngày 17/4:

17h00 – 18h00: Giờ vàng NXB Phụ nữ tặng sách và khuyến mãi.

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan kí tặng sách “Phật ở tầng áp mái”

Nhà văn Đỗ Bích Thúy kí tặng sách “Cửa hiệu giặt là”

Ngày 19/4:

14h30-16h00: Tọa đàm “Chúng mình làm bạn, con nhé? – Gõ cửa cùng vào thế giới của con”

16h00-18h00: Giao lưu và kí tặng với nhóm tác giả: “Giải mã 12 chòm sao”

Ngày 20/4:

9h00-11h00: Giao lưu với các dịch giả, biên tập viên bộ sách One Piece và Dragon Ball

Giao lưu với các dịch giả, biên tập viên bộ sách

Đóng dấu One Piece và Dragon Ball cho độc giả

Thanh Hà

Nguồn: tienphong.vn

Life & English: “Business and Internet”

Internet bring new opportunities of business.  

(Source: Ericsson)

Istanbul - Điểm du lịch cuốn hút nhất thế giới

(ICTPress) - Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã được Trip Advisor xếp hạng là điểm du lịch phổ biến nhất thế giới.

Hàng triệu người sử dụng TripAdvisoir đã bầu chọn những điểm đến ưa thích nhất trên thế giới và Istanbul xếp ngôi đầu. Điều này ngạc nhiên bởi vì thành phố Trung Đông này đã nhảy 11 bậc so với năm trước, vượt qua các điểm đến được ưa thích như London và Rome.

Do đó tại sao khách du lịch đổ về Istanbul? Có thể bởi vì Istanbul là thành phố đầy sức sống cả về sự cổ xưa và hiện đại. Thành phố này có hàng loạt nhà thờ và công trình lịch sử, nhưng có rất nhiều cửa hàng nhỏ bán quần áo xinh xắn, nhà hàng đẹp đẽ và các khách sạn thiết kế ấn tượng, mà những người mê nhạc jazz, nghệ sĩ và những người khởi xuống thời trang ưa thích. Thành phố này thanh lịch không thể chối cãi - và khách du lịch khắp nơi trên thế giới chú ý.

Nằm ở một kho hàng cũ ở Bosphorus, khu Istanbul hiện đại thể hiện nghệ thuật đương đại sắc nét của các nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà hàng này ở khu Istanbul hiện đại phục vụ khẩu vị quốc tế ở một khung cảnh được thiết kế long lanh.

Gần đó, vùng lân cận của Cihangir đang nhanh chóng trở thành một trong những khu vực hấp dẫn nhất ở Istanbul, thu hút những người mê nhạc jazz và các nghệ sĩ phong cách Bohemi và các quán café, cửa hàng và gallery.

Phong cảnh một buổi ngày chủ nhật hối hả ở Cihangir, nơi mọi người nán lại ở các quán café ngoài trời để thưởng thức café và bánh baklava giòn, ngọt, giàu dinh dưỡng.

Các quán café trung dung đáp ứng hương vị quốc tế, như café Susam, ở khắp nơi trong thành phố này.

Có rất nhiều cửa hàng sách đã sử dụng xinh xắn với nhiều loại sách tiếng Anh và Thổ Nhĩ Kỳ khó kiếm.

Và những cửa hàng thân thiện với những người yêu thích nhạc jazz.

Witt Istanbul là một khách sạn xinh xắn hiện đại với 18 buồng phong cách và lớn ở Cihangir.

Istiklal Caddesi là một đường dành cho người đi bộ chính ở Istanbul. Tại đây, các cửa hàng thỏa mãn cách khách du lịch - những đồ của Thổ Nhĩ Kỳ, gốm và các đồ lưu niệm khác - nằm ngay bên cạnh các quán café thức thời và các mặt hàng nhập khẩu từ Phương Tây như Starbucks, Nike và Burger King.

Những quầy hàng bán bánh sừng bò Thổ Nhĩ Kỳ bọc vừng ở khắp thành phố. Thực phẩm đường phố chỉ có giá khoảng 1 Lira Thổ Nhĩ Kỳ (50 cent).

Tünel Pasaji là một ngõ nhỏ phong cách mái vòm ở cuối Istiklal Caddesi có nhiều quán café, cửa hàng cổ xưa và các cửa hàng sách cũ.

Vào ban đêm, lối đi này đầy ắp những thanh niên Istanbul ngồi đầy ở các bàn café hút thuốc hay dùng đồ uống.

Quán café House này là một chuỗi cửa hàng địa phương ở Istanbul nơi những người dân Istanbul thời trang tụ tập uống trà Thổ Nhĩ Kỳ (cay) và món ăn nhẹ đặc trưng Thổ Nhĩ Kỳ (mezze). Có một nhánh ở Istiklal Caddesi.

Khách sạn House, đi cùng với các nhà hàng café House, là một chuỗi các khách sạn xin xắn hợp thời địa phương với nhiều địa điểm ở Istanbul.

Tòa nhà Misir thế kỷ 19 ở Istiklal Caddesi, là nơi có nhiều gallery nghệ thuật đẹp như Galeri Nev.

Trên nóc tòa nhà là một nhà hàng và bar phong cách có tên 360. Nhà hàng này phục vụ các bữa ăn nhưng thời điểm tuyệt vời nhất có thể là vào lúc mặt trời mọc.

Cuối ngày, mọi người thường đổ đến các bar gác mái, như bar trên nóc khách sạn Marmara Pera này để ngắm cảnh đẹp.

Bia địa phương như Efes và rượu Thổ Nhĩ Kỳ vào giờ “giá mềm”, cùng với các món ăn nhẹ Thổ Nhĩ Kỳ như olive hay hạt rang gia vị.

Những dòng người vô tận xuôi ngược đổ về Istiklal Caddesi thâu đêm.

Có rất nhiều câu lạc bộ đêm và bar nép mình giữa các khu phố xung quanh Istiklal Caddesi.

Vào ban đêm khu vực xung quanh Tháp Galata trở thành một nơi gặp gỡ của các sinh viên và thanh niên lạ lùng (hippy), ngồi ở nền ngọn tháp lịch sử này uống bia, chơi gitar và đánh trống.

Có những nhóm chơi guitar hứng khởi và nhạc sống vui vẻ ở đây gần như suốt đêm.

Về một cảnh về đêm phức tác hơn, vùng lân cận Ortaköy có những câu lạc bộ đêm thú vị ngay ở Bosphorus, giống như Reina truyền thống, được những người dân Istanbul và những người nổi tiếng ghé qua như Istiklal Cadde và Kobe Bryant.

Có một loạt các nơi ăn đêm khá thú vị, nhưng một trong những nơi tuyệt nhất để ăn đêm nhẹ là dọc Istiklal Caddesi, ở cầu Galata, gần chợ cá Karaköy, nơi những người bán hàng bán sandwich cá nướng tươi theo yêu cầu.

Hoặc bạn có thể dừng ở bất cứ hàng kebab nào ở Istiklal Caddesi, được mở khá muộn.

Thùy Dương

Theo BI

Life & English: “Story of Paintings and Internet”

Internet bring new ideas to painters

(Source: Ericsson)

6 món bún ngon, đặc trưng của Hà Nội

Các món bún có vị trí rất quan trọng trong đời sống ẩm thực của người Hà Nội. Cùng điểm mặt các món bún ngon mà dân dã và rất đặc trưng của Thủ đô.

Bún thang

Nhắc đến các món bún ngon, đặc trưng của Hà Nội chắc chắn không thể thiếu bún thang. Những nguyên liệu để nấu ra tô bún thang không khó tìm, chỉ gồm thịt gà, trứng, nấm, củ cải, giò lụa, tuy nhiên để có được một tô bún ngon đòi hỏi người nấu phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết. Nước dùng bún thang phải trong và có vị ngọt thanh, ăn không có cảm giác ngán ngấy. Các nguyên liệu như gà, trứng, giò... tuy không cần nhiều nhưng đều phải tươi ngon, thái chỉ và bày thật đẹp như một bức tranh. Rau thơm nhất thiết phải có hành và rau răm. Gia giảm phải có chút mắm tôm để bát bún thật dậy mùi, đậm đà.

Bát bún thang đạt chuẩn không chỉ cần ngon mà còn cần đẹp. Ăn tô bún thang ngon, người ta sẽ cảm nhận được cái cầu kỳ của nghệ thuật ẩm thực Hà Nội: đơn giản nhưng lại hết sức tinh tế. Bạn có thể ghé qua đầu phố Hàng Trống hoặc phố Cầu Đất để thưởng thức món bún thang ngon, chuẩn.

Bún ốc

Tô bún ốc với miếng cà chua đỏ au nằm chen cùng màu trắng của bún, màu xanh của hành, tía tô, màu xám đen của những con ốc chan thứ nước riêu điểm chút váng mỡ vàng ươm luôn là món quà được ưa thích nhất nhì của người Hà Nội. Quả thật nếu được thưởng thức tô bún ốc ngon rồi cảm nhận đủ vị chua dịu, thơm nồng của dấm bỗng, cay nhẹ của ớt hòa cùng độ giòn dai của ốc, của bún, bạn sẽ hiểu tại sao những người con xa xứ lại chẳng thể thôi thèm thuồng khi được bạn bè, người thân chia sẻ tấm ảnh bát bún ốc mới ăn.

Bún ốc Hà Nội có thể là ốc nhỏ, có thể là ốc nhồi, có thể nấu dạng canh riêu hoặc nấu ăn cùng chuối đậu nhưng để được nồi bún ngon, người làm phải ngâm ốc, làm ốc thật cẩn thận bởi một nồi ốc mà chỉ dính một con ốc chết coi như hỏng, phải bỏ đi toàn bộ. Bạn có thể ghé qua đầu phố Quang Trung, ngõ chợ Đồng Xuân, hay phố Khương Thượng, phố Trần Nhân Tông để có dịp thưởng thức món bún ốc ngon đúng điệu.

Bún riêu

Nhắc đến bún ốc mà bỏ qua bún riêu thì quả là vô cùng thiếu sót. Các nguyên liệu làm bún riêu rất đơn giản chỉ là cua đồng tươi rửa sạch, xé rồi giã nhuyễn, lọc lấy nước đun nhỏ lửa để thịt cua đóng thành bánh thật chắc nổi trên mặt nước. Bát bún riêu ngon có sự góp mặt của bún trắng, gạch cua nâu hồng, cà chua đỏ, hành xanh, chút mắm tôm cho dậy mùi, hành phi thơm, cầu kỳ hơn có thể thêm đậu rán vàng, miếng giò tai rồi ăn kèm với các thức rau sống như kinh giới, xà lách, rau mùi. Bát bún riêu như thế không chỉ khiến người ta cảm giác no mà còn vô cùng mãn nguyện bởi sự đủ đầy, chất lượng. 

Bún riêu là món ăn quanh năm quen thuộc với người Hà Nội. Cách làm bún riêu không khó nhưng tìm được hàng bún riêu ngon, không pha đậu vào gạch cua lại chẳng hề dễ. Quán bún riêu vỉa hè ở giữa phố Nguyễn Siêu, quán bún riêu trên phố Quang Trung hay gánh bún trong ngõ Hồng Phúc là những địa chỉ không thể bỏ qua cho những "con nghiện" bún riêu.

Bún dọc mùng

Một món bún rất đáng thử khi tới Hà Nội chính là bún dọc mùng. Chẳng quá cầu kỳ, bún dọc mùng chỉ gồm chút bún, vài khoanh thịt chân giò thái mỏng, vài viên mọc, có thể thêm sườn hoặc móng giò tùy ý, chút dọc mùng chần xanh ngắt chan nước ninh từ xương. Để đánh giá bát bún dọc mùng có ngon hay không người ăn thường xem nước dùng có trong, có bị ngấy không; thịt có tươi không và dọc mùng có xanh, ăn có giòn, có bị ngứa hay không? Bạn có thể ghé qua phố Bát Đàn, phố Nguyễn Cao hay phố hàng Bè để được thưởng thức những tô bún dọc mùng ngon và đúng vị.

Bún đậu mắm tôm

Món bún đặc trưng của Hà Nội này ngày nay đã trở nên nổi tiếng và có mặt ở khá nhiều vùng miền trên cả nước. Bún đậu vốn là món ăn rất bình dân với vài chiếc bún lá cắt nhỏ, một vài thanh đậu cắt nhỏ rán ngập trong mỡ đến giòn và vàng đều thì gắp ra ăn cùng với mắm tôm đã pha chế cùng ớt, đường, chút quất. Gắp một miếng bún, một miếng đậu chấm chút mắm tôm rồi ăn kèm với kinh giới, tía tô, mùi tàu bạn sẽ cảm nhận được vị thơm của bún, vị béo ngậy của đậu, vị  mặn ngọt của mắm tôm pha khéo. Bản hợp ca này quả thật vô cùng hấp dẫn, khó chối từ.

Ngày nay để chiều lòng thực khách, bún đậu thường được bổ sung thêm cả chả cốm, chả quế, lòng rán, lưỡi lợn luộc... Tuy nhiên chỉ cần bún với đậu rán vàng món này cũng đã đủ ngon, đủ hấp dẫn. Khác với các món bún khác, bún đậu bán rất nhiều và phổ biến, cách chế biến cũng dễ hơn nên gần như ai cũng có địa chỉ bỏ túi của riêng mình. Tuy nhiên nếu chưa biết nên đến đâu, ăn ở đâu ngon, bạn có thể ghé đến phố Hàng Khay hay ngõ Phất Lộc để thử món này.

Bún chả

Với những người sành ăn, bún chả Hà Nội vẫn mang phong vị rất đặc trưng. Bún chả ngon phải đảm bảo được các yếu tố như nước chấm pha chua ngọt vừa đủ, dưa góp phải giòn, thịt tươi ngon, tẩm ướp vừa vị mà nướng không được cháy, rau sống tươi sạch và bún tươi mới. Thứ thịt nướng nóng hổi, thơm lừng vừa béo vừa ngậy pha vị mặn ngọt của nước chấm hòa với vị thanh của bún, mát của rau sống sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm ẩm thực vô cùng khó quên.

Nguồn: tapchi.guu.vn

“Hà Nội - Lạc lối & Tìm thấy”

(ICTPress) - “Hà Nội - Lạc lối & Tìm thấy” là triển lãm ảnh và giới thiệu sách sẽ được tổ chức trưng bày tại Hà Nội từ 16/4 đến 18/5/2014.

Sự kiện này là góc nhìn về Hà Nội của 5 nhiếp ảnh gia đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Trải qua nhiều thế kỷ, Hà Nội đã quyến rũ và mê hoặc biết bao người từ khắp nơi trên thế giới. Có người đã dành trọn đời sống nơi đây, có người chỉ là du khách ghé thăm, nhưng đều gắn bó với thành phố ngàn năm tuổi đầy sức sống này và từ đó có được tinh thần sáng tạo.

Trong triển lãm này, hai nhiếp ảnh gia người Việt và ba nhiếp ảnh gia quốc tế sẽ giới thiệu một bộ sưu tập chọn lọc những bức ảnh ấn tượng của mình tại Viện Goethe, Hà Nội.

Bạn sẽ bước vào không gian đô thị khuất sau những địa điểm du lịch nổi tiếng; chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt phơi bày thế giới tự nhiên của Hà Nội và tìm hiểu những công trình kiến trúc độc đáo đã trải qua nhiều thế kỷ. Hãy ngắm nhìn sự hồ hởi của những chàng trai đang bay trên ván trượt, những cô gái sành điệu với những hình săm và trang phục jean xanh thiết kế trang nhã.

Đây quả là một triển lãm ảnh ghi lại vẻ đẹp vượt thời gian của một thành phố đang biến đổi không ngừng.

Tất cả các nhiếp ảnh gia sẽ có mặt trong buổi khai mạc triển lãm và chia sẻ về các tác phẩm của mình. Cuốn sách ảnh cùng tên sẽ được gửi đến tay bạn yêu nghệ thuật với mức giá ưu đãi.

Tác giả cuốn sách là Elisabeth Rush. Biên tập Janet McKelpin, với các tác phẩm nhiếp ảnh của Aaron Joel Santos, Elisabeth Rush, Nguyễn Thanh Hải (Maika Elan), Nguyễn Thế Sơn, Matthew Dakin. NXB ThingsAsian Press xuất bản năm 2014.

Triển lãm và giới thiệu sách sẽ được khai mạc vào 18h Thứ ba, 15/4/2014. Triển lãm mở cửa hàng ngày từ 9h đến 19h 16/4 - 18/5/2014 tại Viện Goethe, 56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Bảo Ngọc