Chuyện dọc đường
Thú chơi đồng hồ quả lắc cổ
Submitted by nlphuong on Tue, 06/12/2011 - 07:13(ICTPress) - Hơn 20 năm gắn bó với những chiếc đồng hồ quả lắc, anh thấm nhuần những giá trị tinh thần không gì sánh nổi từ những chiếc máy đo thời gian mang lại. Dù mỗi chiếc đồng hồ khác nhau về hình dáng, xuất xứ, nhưng đều chung một tiếng lòng, tiếng “tích tắc” lúc êm dịu, khi thánh thót.
Anh Thắng bắt đầu câu chuyện: “Đêm đó, khi đã chìm vào giấc ngủ, tôi bỗng chiêm bao, nằm mê thấy một chiếc đồng hồ quả lắc đang chạy, thì nó không hoạt động nữa; giật mình tỉnh giấc, nghe tiếng đồng hồ, khoảng gần 1 giờ. Và hơn một tuần sau, chính chiếc đồng hồ quả lắc trong mơ đó, khi tôi đang lên dây cót cho nó, thì bỗng dưng đứt cót. Tất nhiên, tôi có biện pháp xử lý ngay, dù vẫn biết sẽ không thể nào được như trước. Đó là một giấc mơ có thật, mới cách đây vài tháng.”...
Hơn 20 năm gắn bó với những chiếc đồng hồ quả lắc, anh thấm nhuần những giá trị tinh thần không gì sánh nổi từ những chiếc máy đo thời gian mang lại. Dù mỗi chiếc đồng hồ khác nhau về hình dáng, xuất xứ, nhưng đều chung một tiếng lòng, tiếng “tích tắc” lúc êm dịu, khi thánh thót. Với anh, nếu chỉ có niềm đam mê, thì vẫn còn thiếu nhiều lắm...
...Ông và cháu
“Tích tắc,... tích tắc...”, nghộ ghê, cậu bé Thắng cứ ngắm nghía mãi “cái hộp gỗ” của ông nội, bên trong có treo cái quả tròn, cứ lúc lắc không ngừng, và cứ “tích tắc... tích tắc...”. Thế rồi nghe dần thành quen, thấy vui tai và thích lắm, không nghe “tích tắc” là thấy nhớ.
Người đầu tiên truyền thụ cho anh những kiến thức, hiểu biết, những tinh túy nhất của “cái hộp gỗ, có tiếng tích tắc” là ông nội đáng kính. Mới đầu, ông cứ để anh nghe vậy thôi, đến khi thấy anh thích, ông mới dần chỉ bảo. Rồi anh đã không còn gọi là cái “hộp gỗ phát nhạc”, anh đã biết đó là cái đồng hồ quả lắc. Năm lên 8 tuổi, ông bắt đầu dạy anh cách lên dây cót cho đồng hồ. Khi đó, xem giờ thôi, với trẻ con vẫn là cái gì đó trừu tượng lắm. Vậy mà, anh được chạm vào đồng hồ, được lên dây cót, thật nhẹ nhàng, lên vừa tay thôi... Ông còn dạy anh, nếu thấy đồng hồ chạy nhanh thì hạ quả lắc xuống, nó chạy chậm thì nâng quả lắc lên...
Anh Phạm Đình Thắng bên chiếc đồng hồ của ông Nội để lại |
Trong nhiều kỷ niệm về ông, anh nhớ nhất có lần ông kể: “Dạo đó, ông mua được cái đồng hồ tận chợ Vinh, có bà nội đi cùng, đã đặt đồng hồ vào thúng, quảy gánh đi về. Cứ thế, ông và bà sánh bước, vượt bộ về nhà...”.
Con đường thẳng từ những đêm mất ngủ
Khi đã biết đến đồng hồ, là anh yêu thích, say mê, rồi “ghiền” lúc nào không biết. Mà “ghiền”, cũng phải có cái duyên. Hơn 10 năm về trước, nhân chuyến đi công tác ở Nam Định, tình cờ anh mua được chiếc ODO 36 của ông Long, chiếc đồng hồ của Tây, vỏ đóng nguyên bản, mặt bát giác, mặt số mạ kền, các con số nổi, viền cũng mạ kền. Có duyên là thế, chịu khó sục sạo tìm mua, ấy vậy mà vẫn nhiều lúc vuột mất khỏi tay những chiếc đồng hồ quý. Khi đã thấy và thích, thì anh mê lắm, phải mua cho bằng được,nếu không thì rấm rứt, người khó chịu, và nhiều đêm mất ngủ!
Cách đây 3 - 4 năm, biết anh Phát ở Lý Quốc Sư có “con” J5, anh mê lắm, muốn thực sở hữu, nhưng anh Phát không chịu bán. Thế là đêm về mất ngủ. Rồi, đến “con” ODO 36 của anh Phúc ở Lê Thanh Nghị, cũng chỉ được “nghía”, mà không mua được, lại một đêm không ngủ, thầm tiếc. Nhưng nào đã bằng “con” ODO 30, ở tận Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An, chỉ còn “đồng với sắt”; ấy vậy mà anh lặn lội biết bao lần, vẫn bị chủ sở hữu từ chối.
Giờ, khi đã sở hữu đến cả trăm chiếc, vậy mà anh vẫn luyến “con” ODO 30 lắm. “Rảnh, mình sẽ lại về Nghệ An, thăm nó, chỉ mong ông chủ đổi ý, được giá là mua liền”, anh Thắng nói.
Lắng nghe, cảm nhận và thấu hiểu...
Tiếp câu chuyện, vẫn với giọng nhẹ nhàng, nhưng khá đanh, rõ, anh Thắng chia sẻ: “Muốn nghe và ngắm nhìn chiếc đồng hồ quả lắc, để thấy hết cái đẹp, độ tĩnh của âm điệu, nghe được tiếng ‘tích tắc’ tốt hay không, thì tốt nhất vào khoảng 11-12 giờ khuya. Còn nếu muốn chỉnh giờ, để đạt độ chính xác cao, thì tốt nhất vào khoảng 9-10 giờ sáng. Đó mới chỉ là chút kinh nghiệm về cách hiệu chỉnh thời gian, chứ về không gian và cách bài trí cũng tỉ mỉ không kém: từ hướng treo cũng phải chuẩn, treo đồng hồ phải có độ thăng bằng chính xác đến từng milimet... Treo cao quá, hay thấp quá, tiếng chuông đánh cũng khác. Nếu treo lệch, không cân, đồng hồ sẽ không chạy, không chính xác, cót sẽ không cung cấp đủ giờ chạy, giờ đệm nhạc...”.
Nghe nhiều lắm rồi, đã thành quen và không thể thiếu, đều đặn Chủ nhật hàng tuần, anh chỉnh trang lại, tăng chỉnh độ chính xác, chỉnh lại giờ, và chỉnh để cùng lúc hàng chục chiếc đồng hồ “rủ nhau” đổ chuông, điểm nhạc. Thế nhưng, nghe thôi, chưa đủ, anh Thắng nói tiếp: “Cứ mỗi lần lắng nghe, rồi ngẫm, mình thấy đúng lắm, chính xác đến kỳ lạ, tiếng ‘tích tắc’ của đồng hồ như tỷ lệ thuận với sức khỏe của mình vậy. Cả ngày đi làm mệt mỏi, về nhà cơm nước xong, xem TV, rồi đi ngủ, cứ từ chập 10 giờ tối, tiếng tích tắc, điểm nhạc lại vang lên trong không gian, nhưng êm dịu lắm, như muốn nhắc nhở mình, còn vướng bận, phiền não gì thì mau chóng gạt bỏ, để dần đi vào giấc ngủ, hôm sau còn đi làm. Buổi sáng, cứ nghe điệu nhạc báo 6 giờ, tiếng thánh thót, giục giã, báo hiệu một ngày mới bắt đầu, bận rộn. Thế đấy, mình bận, đồng hồ cũng bận, nhưng mình rảnh, đồng hồ có nghỉ đâu, vẫn miệt mài, luôn nhắc nhở đúng lúc...”.
...Lưu đã khó, giữ còn khó hơn
Để có được chiếc đồng hồ quả lắc tốt, theo anh Thắng, cần đảm bảo chắc chắn đó là sản phẩm nguyên chiếc. Chiếc đồng hồ cần có tính hệ thống, chuẩn, kết cấu đồng bộ. Có được chiếc đồng hồ như vậy, giá trị rất lớn, âm thanh rất chất lượng, thể hiện rõ nét “cổ” đặc trưng. Theo kinh nghiệm, thì anh thích những chiếc đồng hồ của châu Âu, như phong cách Pháp chẳng hạn (vỏ được thiết kế kỹ, tỉ mỉ, ưa nhìn, gỗ được chọn loại tốt, không mối mọt. Chất liệu gỗ không quá nặng, cũng không quá nhẹ, thường là gỗ Lu hoặc gỗ Thông dầu). Tiếng nhạc của đồng hồ phụ thuộc khá nhiều vào chất gỗ, và “gông”, chất gỗ khác nhau, cho tiếng khác nhau, “gông” đồng tiếng khác, “gông” thép tiếng khác. Một sản phẩm tinh vi như vậy, mà anh coi đó như đỉnh cao của sáng tạo con người, giản dị, nhưng đầy bí ẩn.
Có đã khó, bảo quản còn khó hơn, anh Thắng chia sẻ: “Đã đi sâu chơi, thì phải am hiểu, phải biết nâng niu, quý trọng thời gian, biết quý trọng đồng hồ quả lắc. Thường thì cứ 3 năm phải lau dầu một lần, lau bằng dầu xăng. Sau đó, tra dầu chuyên dùng cho đồng hồ quả lắc, với ổ cót có loại dầu riêng, với các trục lại có loại dầu khác. Và khi có hỏng hóc, hay sự cố, tự mình không sửa được, cũng cần có thợ chuyên nghiệp. Kinh nghiệm của mình, thì thợ riêng vẫn an toàn nhất, dù vẫn biết ở Hà Nội có 2 người, sửa được đồng hồ quả lắc. ‘Bác sĩ’ riêng cho những chiếc đồng hồ của mình là anh Chu Văn Tiệp, một giáo dân ở Hà Tây, gia đình truyền thống nghề sửa chữa đồng hồ quả lắc, có thể coi là Tổ phụ của Nghề sửa chữa đồng hồ côn”.
Tiếng tích tắc đã thấm vào máu rồi, đã hòa cũng nhịp đập con tim, mình biết quý trọng, nâng niu nó, nó sẽ không phụ lòng mình. Những tiếng tích tắc êm dịu, miệt mài không kể ngày đêm...
Đồng hồ ODO 36 của Đức (sưu tầm năm 1998), 1 bài - 8 GONS. Vỏ gỗ nguyên bản, kính mài chữ nổi, máy 3 ổ cót. Mặt lục lăng, số bắt |
Đồng hồ J của Đức, 5 GONS (sưu tầm năm 1995) |
Đồng hồ J của Đức, 5 GONS (sưu tầm năm 1994). Máy 2 ổ cót GONS, vòng men |
Đồng hồ J của Đức (sưu tầm năm 1945, của gia đình để lại), 1 bài - 8 GONS, máy quả lắc dài. Mặt lục lăng, máy 3 ổ cót, kính mài |
Đồng hồ J của Đức (sưu tầm năm 1996), 1 bài - 8 GONS. Kính rào chém cạnh, mặt men mới |
Đồng hồ J của Đức (sưu tầm năm 1992), 1 bài - 8 GONS |
Đồng hồ J của Đức (sưu tầm năm 2006), 1 bài - 8 GONS. Mặt kính lồi cong |
Đồng hồ J của Đức (sưu tầm năm 1997), 1 bài - 8 GONS. Mặt lục lăng, máy 3 ổ cót, vỏ hoa văn, kính rào chém cạnh |
Đồng hồ Liên Xô (sưu tầm năm 1995), 1 GONS, quả lắc đồng, số La Mã |
Bài: Quốc Dũng
Ảnh: Nguyễn Tuấn (vnav.vn)
Hấp dẫn những khu chợ Giáng sinh
Submitted by nlphuong on Mon, 05/12/2011 - 06:29(ICTPress) - Không đơn thuần còn là một nét độc đáo của riêng nước Đức, bạn có thể tìm thấy rượu vang nóng và những đồ nữ trang bóng bẩy giá rẻ ở các chợ vào tháng 12 này trên toàn thế giới.
Kể từ khi nước Đức giới thiệu với thế giới chợ Giáng sinh đầu tiên vào năm 1545, phong tục này đã lan khắp châu Âu và vượt qua các đại dương sang châu Á, Úc và Mỹ. Dưới đây là 10 khu chợ tuyệt vời cho kỳ Giáng sinh.
1. Weimar, Đức
Khu chợ đầu tiên và độc đáo |
Đức là nước đầu tiên trên thế giới có chợ Giáng sinh Weimar và cây Noel đầu tiên dành cho công chúng, được một người bán sách mong muốn mang niềm vui đến trẻ em nghèo, dựng lên.
Hiện nay cây thông Noel này được dựng lên mỗi năm trước khi chợ được mở cửa và có nhiều hàng hóa hơn và bán cả rượu vang nóng cho ngày Giáng sinh.
Trong chợ này có một sân trượt băng và một khu sảnh được chuyển thành địa điểm cho chương trình khám phá lớn, mỗi ngày có một trẻ em mở cửa địa điểm với sự trợ giúp của ông già Noel mỗi ngày.
Chợ bắt đầu từ 24/11 đến 22/12, trang web là www.weimar.de
2. Strasbourg, Pháp
Những con phố rực sáng ánh đèn rất đáng để đến thăm |
Một điểm đặc biệt của khu chợ này là nhà sản xuất pha lê Baccarat mang đến cả một phố đèn treo để thắp sáng những ngày lễ. Những ngọn đèn được bán ở thành phố cổ này tốt hơn những đèn bán ra hàng ngày.
Ngoài ra nhiều hàng hóa thủ công địa phương ở các vùng đã được mang đến bán tại đây cùng với rượu vang nóng.
Chợ diễn ra từ 26/11 đến 31/12. Trang web của chợ là noel.tourisme-alsace.com.
3. Edinburgh, Scotland
Một lâu đài và một bánh xe Ferris cho một lễ giáng sinh rất Scotland |
Các khu chợ Giáng sinh của Edinburgh đã thu hút hàng ngàn người mỗi năm. Trung tâm của các lễ hội là một cái bánh xe Ferris cao 33 mét, một ván trượt tuyết và các khu chợ ngoài trời nằm dưới tấm phông của lâu đài.
Có một sự lựa chọn giữa một chợ truyền thống của Đức – được những người sở hữu cửa hàng từ Frankfurt, mang những lạp xường hình trái tim và một loại cocktail trà nóng - và một chợ làng truyền thống cao nguyên bán các bánh humberger thịt thú rừng săn được và quần áo, quà tặng và trang sức.
Chợ diễn ra từ 24/11 đến 4/1. Trang web của chợ là www.edinburghschristmas.com
4. Chicago, Mỹ
Ngắm Picassso với rượu vang nóng |
Bold Chicago chưa bao giờ là khu chợ kém nhộn nhịp, và người Đức và các nhóm buôn bán đã quyết định đến khu chợ này vào năm 1996
Chợ hiện nay là sự kết hợp hàng năm tại Daley Plaza, được quản lý không phải bởi ông già Noel mà một bức tượng Picasso. Người Mỹ và người Đức, các sinh viên ngôn ngữ đã đến đây để nói chuyện với những chủ cửa hàng, những người nói biệt ngữ.
Chợ diễn ra từ 23/11 đến 24/12. Trang web của chợ là www.christkindlmarket.com
5. Karuizawa, Nhật Bản
Điểm độc đáo của Giáng sinh ở Nhật Bản |
Giáng sinh là một dịp lớn ở Nhật như Lễ tuyết và lịch sử về chợ Giáng sinh đến quốc gia này xuất hiện sau khi Sapporo cùng ra đời với Munich.
Nhưng có một hội chợ quốc gia tuyệt vời ở thị trấn nghỉ dưỡng Karuizawa, nơi các gian hàng ở chợ làm bằng gỗ châu Âu được dựng trên ngọn đồi Harunire và các nhà thờ và các công trình được thắp sáng.
6. Salzburg, Áo
Nơi bài hát “Đêm yên tĩnh” ra đời và các buổi tối sống động |
Mùa lễ hội bắt đầu cực lớn ở đây với Krampus, một khu chợ Giáng sinh lâu đời, trải dọc các con phố.
Chợ Giáng sinh này của thành phố là khu chợ lâu đời nhất ở Áo, cách đây 500 năm. Những ấn tượng của chợ gồm có lễ mừng Chúa giáng sinh và hòa nhạc kèn đồng Mùa Vọng (lễ hội thổi kèn đồng – Turmblasen). Ở bất cứ đâu ở thị trấn này, chợ Giáng sinh Hellbrunn còn có tuần lộc từ vườn thú đứng ở vị trí trung tâm của sân khấu trong vở kịch chúa giáng sinh.
Chợ Giáng sinh Oberndorf là một làng tuyệt đẹp phía Bắc Salzburg, là nơi bài hát mừng giáng sinh được yêu thích nhất trên thế giới, bài “Đêm yên tĩnh” (Silent Night) được viết. Đây cũng là chủ đề của một vở kịch được trình diễn ở quảng trường.
7. Rochester, Anh
Dickens mang lại cuộc sống cho Giáng sinh |
Ở đâu tuyệt vời hơn khi đặt chân đến chợ giáng sinh của Dicken hơn ở thị trấn lịch sử Kentish là nơi Charles Dickens đã từng sống?
Trong sân của lâu đài Rochester thời trung cổ màu đỏ và xanh kêu leng keng, những người bán hàng vui tính ở chợ bán rượu bán rượu vang nóng và bánh quế thơm, hạt dẻ rang và các quà tặng làm thủ công. Khách viếng thăm rất thú vị bởi những màn trình diễn trên phố, các ban nhạc, các ca sỹ hát mừng lễ giáng sinh và các nhân vật gồm hai hoặc ba scrooge và Tiny Tims, những nhân vật chính trong tiểu thuyết của Charles Dickens năm 1843 có tên “Một bài hát Giáng sinh” (A Chrismast Carol).
Chợ diễn ra từ 30/11 đến 18/12.
8. Helsinki, Phần Lan
Thiết kế và kiến trúc đã tạo nên các chợ Helsinki |
Chợ Giáng sinh lớn nhất ở thủ đô Scandinavi xinh đẹp này với những ảnh hưởng của Nga trong kiến trúc được tổ chức tại Vanha Ylioppilastalo - nhà cổ của sinh viên.
Chợ Giáng sinh chúa Thomas thường được tổ chức dọc Esplanade, một đại lộ dễ thương chạy dọc từ trung tâm thành phố đến cảng, trong khi đó Diễn đàn thiết kế sẽ tổ chức một chợ khác để trình diễn những đồ trang trí cổ tích, trang sức và các hàng hóa được thiết kế và làm thủ công độc đáo khác.
Chợ này diễn ra từ 7 – 22/12. Trang web của chợ là www.visitfinland.com
9. South Tyrol, Italia
Đến Bressanone sau đó đi trượt băng |
Giáng sinh đến sớm ở South Tyrol - một khu vực của Dolomites nơi tiếng Đức được nói nhiều hơn tiếng Ý.
Chỗ trước đây của Prince Bishop, Bressanone là một trong những thị trấn đẹp nhất nước Ý, với bảo tàng Nativity Crib và một khu chợ nằm trong một khung cảnh đẹp lãng mạn đến nín thở. Một trong những đường cho xe trượt băng dài nhất trong khu vực là ở núi của Bressanone, Plose, để nghỉ ngơi sau khi mua sắm.
Chợ diễn ra từ 25/11 đến 6/1, www.suedtirol.info
10. Melbourne, Australia
Hãy nhìn để tin nhưng ở đây nghiêng 30o |
Fair@Square là một khu chợ rất phù hợp bán các quà tặng Giáng sinh ở Melbourne với giá rất hợp lý. Là tháng trọng điểm của mùa hè, tháng 12, có không khí Noel nhờ có một cánh rừng nhỏ gồm 150 cây và rất nhiều đèn nhấp nháy xung quanh những 80 thương gia độc đáo cùng với các quầy hàng của họ.
Bảo Ngọc
Theo CNNGo
Chợt nhớ chả giò
Submitted by nlphuong on Sat, 03/12/2011 - 09:06Tôi chỉ nhớ khoảnh khắc nhìn thấy bánh tráng chuyển sang màu vàng trong chảo dầu, thì mùi thơm của chả giò khiến sự thèm thuồng trỗi dậy.
Không hiểu sao, mỗi khi bắt gặp một chảo dầu đặt trên bếp, tôi bỗng nghĩ ngay đến món chả giò. Ý niệm bất chợt nửa hư nửa thực, có thể vì món chả giò đã quá thông dụng, cũng có thể vì những ký ức âm thầm. Đôi lúc một món ăn đơn giản trở thành đặc sản không phải nhờ chứa đựng hàm lượng dinh dưỡng hay nhờ thể hiện đẳng cấp cao sang, mà nhờ cảm giác ấm áp và gần gũi.
Ảnh minh họa |
Phía nội tôi là dân Bắc, phía ngoại tôi là dân Nam, cho nên từ thuở nhỏ, tôi đã không hề có sự ngỡ ngàng nào về sự phân biệt tên gọi chả giò hay nem rán. Tôi chỉ nhớ khoảnh khắc nhìn thấy bánh tráng chuyển sang màu vàng trong chảo dầu, thì mùi thơm của chả giò khiến sự thèm thuồng trỗi dậy. Và chẳng cần ai nhắc, đứa trẻ ham chơi là tôi cũng tự động tham gia chuẩn bị rau sống và nước mắm. Giai đoạn bao cấp rất khó khăn, miếng chả giò của má tôi chỉ cuốn có một con tôm bé xíu, nhưng vẫn mang lại cho tôi sự ngon lành suốt thời thơ ấu.
Thỉnh thoảng hồi tưởng, tôi vẫn hình dung rõ nét bàn tay ân cần của má tôi mỗi lần làm chả giò bên ngọn lửa lò than chờn vờn quen thuộc lúc chạng vạng. Phải chăng tình thương cũng là một thứ gia vị?
Hiện nay chả giò được thưởng thức phổ biến khắp nơi. Lâu lâu đi công tác ngoài Hà Nội, tôi vẫn được bạn bè mời đi ăn chả giò, đặc trưng hương vị miền Nam, nghĩa là chả giò có nhân thịt có chút dẻo bùi của khoai môn. Bè bạn đất Bắc ban đầu tỏ ra ngạc nhiên không hiểu vì lẽ gì lại cho khoai môn vào chả giò, để rồi chính họ lại thừa nhận chính cái dẻo, cái bùi của khoai môn lại kích thích vị giác và hình thành sự đậm đà rất khó quên. Quả thật, dù được làm với nhân thịt, tôm hay cua, mực, nhưng không có khoai môn thì sức hấp dẫn của chả giò miền Nam giảm đi đáng kể.
Nhiều người thường ăn chả giò như món khai vị. Chấm miếng chả giò nóng giòn vào sốt mayonnaise và tương ớt, sau đó bỏ vào miệng nhai chầm chậm sẽ nhận ra một cách đầy đủ những chất liệu làm nên món ăn này. Có lẽ những ai tinh tế sẽ hiểu rằng, ăn chả giò không phả chủ yếu để no bụng. Ăn chả giò còn có cái thú phân biệt nơi đầu lưỡi vị mặn mòi của trứng, vị hăng hăng của hành khô, vị ngòn ngọt của mộc nhĩ và tất nhiên là không thể hiếu vị dẻo bùi của khoai môn.
Má tôi kể, ngày mới về làm dâu, bà nội tôi chỉ cần nhìn má tôi cuốn chả giò đã gật gù nói với cha tôi: “Tốt phước, cưới được người đảm đang!”. Bây giờ giá trị tiện ích được đề cao, chả giò cuốn sẵn bán đầy các siêu thị, chắc hiếm cô gái nào được dịp trổ tài khéo léo. Tuy nhiên, khi mường tượng từng miếng chả giò chín dần trên chảo dầu đang sôi, tôi vẫn thấy hiện lên ở đấy đôi mắt vừa hồi hộp vừa hân hoan của một phụ nữ mong muốn có ngon cho chồng con, tôi vẫn thấy hiện lên ở đấy vẻ đẹp một khuôn mặt phụ nữ biết vun vén hạnh phúc gia đình.
Lê Thiếu Nhơn
Phụ nữ Thủ đô
Bức vẽ trên iPad là phác thảo hoàn chỉnh nhất
Submitted by nlphuong on Fri, 02/12/2011 - 11:52Máy tính không chỉ phát huy hiệu quả trong các công việc về thiết kế mà thậm chí còn có thể vẽ tranh với hiệu quả không thua kém so với các cách thức thông thường. Họa sĩ Lương Minh Hòa - Giám đốc Học viện Thiết kế Hoa Lan (Hoalan Studies), một người đã quen với việc sử dụng máy tính bảng iPad cho công việc này chia sẻ:
Theo tôi, việc vẽ tranh trên môi trường máy tính và vẽ tranh theo cách thức thông thường cũng không có gì khác nhau lắm là người hoạ sĩ phải có ý tưởng. Chỉ có điều là ý tưởng đó được thể hiện ra trên môi trường là các phần mềm đồ họa nào đó chứ không phải là trên giấy, toan sơn với chì than, màu nước, sơn dầu… Ngay từ khi các thế hệ máy tính có cấu hình chạy được các phần mềm đồ họa xuất hiện ở Việt Nam, nhiều người trong đó có các hoạ sĩ đã có những thử nghiệm với môi trường này. Tuy nhiên, việc buộc phải sử dụng con chuột để vẽ là có phần không thuận lợi và phải tới khi có điện thoại di động iPhone với màn hình cảm ứng thì triển vọng này mới mở ra nhưng màn hình của iPhone vẫn là quá bé nên không đáp ứng được. Phải tới khi có máy tính bảng iPad thì mọi việc mới thuận tiện hơn. Người họa sĩ có thể phác thảo ra bức tranh của mình mọi nơi, mọi chỗ và không phụ thuộc vào việc phải có họa phẩm, giấy vẽ, toan sơn… Về cơ bản, việc sử dụng máy tính để vẽ tranh là có thể làm ra một phác thảo hoàn chỉnh trước khi chính thức thể hiện nó trên các chất liệu như sơn dầu, lụa, khắc gỗ…
Họa sỹ Lương Minh Hòa |
Bản thân tôi, bên cạnh các công việc làm về thiết kế đồ họa vẫn đang làm thì vẫn thường xuyên nhận được các yêu cầu vẽ minh hoạ của nhiều báo cho các truyện ngắn, thơ, bút ký… Theo quy trình, các hoạ sẽ sẽ được đọc trước nội dung của những tác phẩm này để từ đó nảy sinh các ý tưởng cho bức minh hoạ cần thiết. Đương nhiên là chúng tôi được đọc trước những nội dung này là qua mạng và gửi hình vẽ minh hoạ cho toà soạn cũng là qua mạng nốt sau khi thực hiện xong nó trên iPad của mình. Không chỉ là những bức minh hoạ theo yêu cầu của toà soạn, bản thân tôi và nhiều người còn gửi đăng báo những bức tranh do mình vẽ bằng công cụ iPad.
Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều hoạ sĩ đang thực hiện yêu cầu của các toà soạn qua thư điện tử. Vì thế, nếu không cho họ biết thì các toà soạn cũng không thể phân biệt được giữa bức vẽ bằng tay được chụp hình kỹ thuật số hay bức vẽ được thực hiện trên máy tính. Cũng phải nói thêm là với những bức vẽ đó, chúng tôi vẫn đưa vào môi trường Photoshop để hiệu chỉnh thêm một lần nữa và quả thực là sẽ khác rất nhiều so với bản gốc vẽ tay nếu có.
Có thể nói, với tuyệt đại đa số các hoạ sĩ trẻ thì máy tính đã trở nên thân thuộc với họ. Đó chính là một công cụ tốt cho công việc của người hoạ sĩ dù là để sáng tác hay làm các công việc về thiết kế đồ hoạ theo yêu cầu của khách hàng. Lời khuyên cho số đông này có lẽ không gì khác là hãy chủ động để làm chủ được các công cụ đó cho công việc của mình. Quan trọng là phải có ý tưởng sáng tạo để khai thác được công cụ chứ không phải là lệ thuộc vào nó. Tất nhiên, cũng có những người bảo thủ đã từ chối và tẩy chay việc sử dụng CNTT cho nghệ thuật. Thậm chí, họ còn chẳng cần biết đến việc sử dụng email để liên lạc, giao dịch. Tuy nhiên, phần đa những người này đều đã già và cũng không thể là trở ngại mãi tồn tại cho sự xâm nhập của CNTT vào môi trường nghệ thuật.
Nhân đây, tôi cũng xin đề cập thêm về thực tế là rất nhiều trẻ em dù chưa biết chữ nhưng cũng đã biết khai thác sử dụng iPhone và iPad của bố mẹ chúng, trong đó có việc vẽ tranh, chơi nhạc, chơi game. Đó là một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận về năng lực khai thác sử dụng CNTT cho trẻ em và phải có những công trình nghiên cứu một cách nghiêm túc cho vấn đề này để từ đó có thể đưa ra những cải tiến phù hợp cho giáo dục không chỉ với độ tuổi của chúng.
Những tác phẩm của họa sỹ Lương Minh Hòa |
Tân Khoa ghi
Tạp chí iPhone số 2 - XHTT cung cấp nội dung
Trò chuyện ban trưa với nhà văn Đoàn Lê
Submitted by nlphuong on Thu, 01/12/2011 - 06:41(ICTPress) - Càng nói chuyện cô Lê càng say và chúng tôi cứ cuốn hút theo những sáng tạo văn chương, hội họa, kịch bản phim mà tôi cảm nhận thấy trong con người bé nhỏ này một sức sáng tạo có lẽ là “khủng khiếp”.
Trong hơn 1 tháng gần đây, tôi có dịp đi Đồ Sơn mấy lần. Trước thời điểm này tôi cũng đã một số lần xuống Đồ Sơn. Hai chuyến gần đây tôi quyết định tìm một chỗ để lang thang và tìm hiểu. Đó là khu nhà có vườn rộng của hai chị em, nhà văn Đoàn Lê và nhà thơ Đoàn Thị Tảo mà tôi đã được xem trên một chương trình vô tuyến khá lâu rồi.
Tìm kiếm trên Google có rất nhiều bài viết về nhà văn Đoàn Lê và ngôi nhà ở Đồ Sơn của nhà văn nhưng tuyệt nhiên không có bài viết nào có địa chỉ. Xuống Đồ Sơn từ lần trước ra đường là hỏi thăm nơi ở của nhà văn Đoàn Lê nhưng những người tôi đã từng gặp từ bác lái taxi, xích lô, người dân địa phương đều lắc đầu không biết. Lần này xuống, ăn học ở khu Bưu điện lại tiếp tục tìm kiếm và hỏi thăm. Tối hôm đầu tiên ở Đồ Sơn trong chuyển đi này tôi cùng hai đồng nghiệp tiếp tục hỏi những người dân địa phương mà chúng tôi gặp nhưng vẫn không có kết quả. Sáng sớm chúng tôi lại lên mạng tìm nhưng vẫn chưa ra một manh mối nào.
Trưa hôm sau, khi đang ăn cơm trưa chúng tôi hỏi một chị ở nhà điều dưỡng và chị ấy cho biết chỉ cách đây 300m. Chị cho biết thêm thỉnh thoảng chị vẫn thấy cô nhà văn đi chợ. Nhanh chóng chúng tôi kết thúc bữa ăn, lang thang đi tìm ngay. Chúng tôi theo chỉ dẫn đi dọc bên phải đường Lý Thánh
Tông được 300m rồi ghé vào một cơ quan lớn có bảo vệ ở cổng và hỏi nhưng vẫn nhận được câu trả lời không biết. Đi xuống nữa hỏi cũng không ai biết. Có đến cả gần 10 người được hỏi vẫn không ai biết. Chúng tôi bấm điện thoại hỏi 1080 Hải Phòng cũng nhận được một câu trả lời chủ nhà không đăng ký nên không biết. Đến lúc đang định quay về thì gặp một bác lớn tuổi, phi xe máy từ trong ngõ 15 Lý Thánh Tông ra, tôi liền hỏi thăm ngay. Tôi nghĩ người lớn tuổi này có thể có thông tin. Hy vọng của tôi được đền đáp. Bác bảo có 3 ngõ có thể vào nhà là 15, 29 và 45 và nói leo lên xe máy chở đến ngõ dễ tìm nhất là ngõ 45. Tôi bảo bạn đồng nghiệp nam lên xe và tôi cùng bạn còn lại theo sau ngay.
Chúng tôi hỏi thăm thêm một nhà nữa trong ngõ 45 và cũng đến được khu nhà của nhà văn Đoàn Lê. Ra đón chúng tôi là em gái nhà văn Đoàn Lê, nhà thơ Đoàn Thị Tảo.
Tôi đăng tấm ảnh bên cạnh đây có số ngõ 29 số nhà 16 hoặc ngõ 45 số nhà 17 để mong rằng những ai có cơ hội xuống Đồ Sơn muốn ghé thăm nhà văn Đoàn Lê và nhà thơ Đoàn Thị Tảo không phải mất nhiều thời gian như chúng tôi đã trải qua.
“Tổ cò” của nhà văn
Tôi bắt đầu biết đến nhà văn Đoàn Lê, không phải qua văn chương hay hội họa, điện ảnh hay với vai trò đạo diễn mà là ngôi nhà được truyền hình giới thiệu cách nay khá lâu. Không gian rộng rãi luôn là niềm mong ước của tôi hay mỗi người dân đô thị. Hơn nữa trong không gian sống có không gian cho làm việc, viết lách, suy ngẫm và thưởng thức.
Tôi cũng đã ngắm nhìn, tìm hiểu không gian sống của nhà văn Đoàn Lê và dự định viết để chia sẻ với bạn đọc. Nhưng khi về nhà đọc phần giới thiệu không gian sống của nhà văn Đoàn Lê của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ở lời tựa “Đọc truyện ngắn Đoàn Lê” trong cuốn “Đoàn Lê - Tác phẩm chọn lọc” do Nhà Xuất bản Phụ nữ vừa được phát hành trong quý 3/2011 do nhà văn Đoàn Lê tặng chúng tôi, tôi không viết nữa mà trích phần giới thiệu rất đầy đủ gửi đến bạn đọc.
“Tôi nghĩ không gian sống rất ảnh hưởng tới văn chương của con người. Đó là một khu đất chừng 400m2, thuộc thị xã Đồ Sơn, cách biển vài trăm mét, dựa lưng vào quả núi Mẫu, Xóm Núi đó lại gần đường ô tô. Ra khỏi ngõ chừng vài chục mét là đến phố. Có thể nói ngôi nhà Đoàn Lê vừa quê, vừa tỉnh, lại vừa biển.
Căn hộ có hai ngôi nhà A và B. A sát ngõ vào đó là xưởng vẽ và phòng viết của nhà văn. B là nhà khách và nhà ăn, cũng là nơi ở của đứa cháu gái.
Vì đất ở đây thấm nước rất nhanh, không thể đào ao được nên nhà văn xây một cái bể xi măng chừng 20m2, vừa dùng làm ao thả cá vàng, vừa dùng làm chỗ nuôi những con ếch nhái, ễnh ương để chúng hót vang đêm khuya những đêm mưa dầm. Nó cũng là nơi dụ dỗ mấy con chim bói cá thỉnh thoảng bay đến rình bắt những chú cá vàng.
Khu vườn trồng nhiều hoa. Bụi tầm xuân lấp ló bên cửa sổ. Hoa tigôn đỏ ối góc vườn. Rồi mẫu đơn đỏ, mẫu đơn vàng nở rực rỡ. Mẫu đơn trắng thơm kín đáo thỉnh thoảng lại lan tỏa vào bên trong xưởng vẽ. Còn phải kể đến những cây hoa trắng thơm ngát những sớm mai mùa hạ.
Người ta bảo cây rất thân với người. Cây cảm nhận được tình cảm của con người. Cây và người tác động qua lại với nhau.
Ngoài những cây hoa ấy ra, tôi xin kể thêm hai cây đặc biệt. Hai cây này thân gỗ, có bóng mát, cao tới 5 - 6 mét và 7 - 8 mét.”
Những giàn hoa như thế này rất nhiều trong khu vườn "rừng" |
Còn tôi, giây phút ban đầu khi đến khu nhà của nhà văn Đoàn Lê là khi đi qua cổng sau, băng qua nhiều cây bụi ngả nâu và những chùm dây leo lòng thòng đổ thẳng xuống gần mặt đất, bước qua những viên gạch rêu phong, những chiếc lá vàng đã lụi, cảm giác rất là lạ, như không có người chăm sóc. Sau này khi nói chuyện lâu hơn ở nhà B rồi nhà A, tôi bắt đầu xung sướng vì cảm giác như được ngồi dưới một khu rừng nguyên sơ, cây cối mọc um tùm tự nhiên như vốn có, một thế giới hoàn toàn khác chỉ cách đó vài chục mét.
Cô Lê cho chúng tôi biết, cô có bệnh tiểu đường di truyền đã 26 năm nên ngoài việc cần một không gian sống cho làm việc, cô cần một không gian cho sức khỏe, không khí biển và thức ăn hải sản là rất phù hợp nên cô đã chọn thị xã biển Đồ Sơn. Hơn nữa, khu nhà cô xây là theo mong muốn của mình, không ngăn buồng và để rộng. Đây cũng là không gian chủ nhà dành cho bạn bè viếng thăm, có nơi rộng có chỗ cho ăn đêm và ngủ lại.
Khu nhà nằm dưới những tán cây trong nắng trưa |
Không gian làm việc của cô là khu nhà A làm chúng tôi mê mẩn với những bức tranh thiếu nữ nude với hoa sen, hoa quỳnh, tigôn… và rất nhiều bức từ chính khu vườn “rừng” và cổng nhà. Đó là bức tranh “Nắng” được lấy làm bìa cho cuốn tiểu thuyết “Tiền định”, “Hoa bèo”, “Cổng hoa, “Sân trưa”…
Tiểu thuyết “Tiền định” hay là hình ảnh của chính nhà văn với ảnh bìa lấy từ bức tranh “Nắng” do nhà văn vẽ |
Trò chuyện ban trưa về những sáng tạo không ngừng
Chúng tôi đến nhà cô vào đúng buổi giữa trưa, chẳng hiểu vì sao và có lý do gì thôi thúc. Cũng có thể đã nhiều thời gian tìm kiếm mà chưa gặp nên tôi vẫn cố nốt thời gian ít ỏi còn lại ở Đồ Sơn. Đón chúng tôi ở cổng là cô Tảo, em cô Lê (tác giả bài thơ “Cho một ngày sinh”, ca từ cho bài hát “Chị tôi”. “Chị tôi” chính là nhà văn Đoàn Lê). Chúng tôi đi vào ngôi nhà B trước, cô Tảo gọi cô Lê ra trò chuyện cùng chúng tôi. Câu chuyện giữa cô Lê và chúng tôi nhanh chóng đề cập đến các sáng tác trong ngôi nhà với những tia nắng vàng cuối thu nhảy nhót, rọi thẳng vào phòng khách một cách duyên dáng. Cô Tảo mời chúng tôi uống nước và gọt cam ăn nhưng cả cô Lê và chúng tôi đã quên mất cả điều đó và thời gian.
Càng nói chuyện cô Lê càng say và chúng tôi cứ cuốn hút theo những sáng tạo văn chương, hội họa, kịch bản phim mà tôi cảm nhận thấy trong con người bé nhỏ, còn đang hơi chút mệt trong mấy ngày gần đây một sức sáng tạo có lẽ là “khủng khiếp”.
Cô cho biết cô vừa hoàn thành xong một kịch bản phim về đề tài người mẹ Bác Hồ dài 3 tập. Hiện nay, kịch bản đang chờ kinh phí để thực hiện. Được biết kịch bản đầu tiên của cô là tác phẩm “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Thành công của bộ phim này như các bạn đã biết là rất thành công. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đánh giá “Đó là bộ phim hay về Nam Cao”, “kịch bản tốt tạo điều kiện cho đạo diễn thành công”. Nhà văn Đoàn Lê đã viết nhiều kịch bản, đạo diễn nhiều phim được chú ý như “Bình minh xôn xao”, “Người về”, “Người cầu may”, “Vua Minh Mạng”...
Nói đến dự định hội họa, cô Lê cho biết sẽ làm một cuộc triển lãm vào dịp ngày quốc tế phụ nữ sang năm. Cô cũng đã có kế hoạch thử sức ở một đề tài, hướng vẽ mới và dự định phải có khoảng 10 bức tranh mới để triển lãm. Nhưng những tháng cuối năm này, nhà văn cho biết sẽ dành trọn thời gian để hoàn thành 1 cuốn tiểu thuyết mới, một số truyện ngắn và các bài viết cho các báo Tết đã “đặt hàng” và “giục giã” nhà văn.
Cô còn cho chúng tôi biết cô còn rất nhiều dự định văn chương mà phải viết nhanh, viết ngay vì không còn nhiều thời gian. Càng nghe những dự định của cô, tôi càng thấy “choáng” vì sức làm việc và tính thời đại của nhà văn U70. Đọc ngốn ngấu tập truyện ngắn nhà văn tặng chúng tôi trong tối qua và chút sáng nay để biết hơn về cô, tôi càng nhận thấy nhận thấy điều này. Những truyện ngắn của cô liên tục xuất bản và mang tính thời sự như “Hợp đồng đã thanh lý”, “Nhân bản”, “Xóm chùa thời ung thư”, “A Tourisme xóm chùa”, “Thành hoàng làng xổ số”... không giống như cái vẻ bề ngoài yếu đuối và đã lớn tuổi của cô.
Tạp chí nghiệp đoàn xuất bản về Tuyển tập Đoàn Lê xuất bản ở Mỹ đã khẳng định “… Đoàn Lê được ghi nhận ở phong cách đa dạng và sức sáng tạo tươi mới”. Nhà văn Hồ Anh Thái thì nhận xét “… Đoàn Lê U70 lại viết như U30”.
Khi được hỏi hội họa và nghề viết bổ sung cho nhau như thế nào? Cô cho biết nghề viết, viết văn, kịch bản, thơ viết ra đã có sự kiểm duyệt của chính mình và nhiều không đủ diễn tả mọi xúc cảm. Niềm đam mê hội họa giải phóng những thôi thúc khi không viết được. Những cảm xúc, những vẻ đẹp không thể diễn tả thành lời thì tôi tìm đến hội họa. Nhờ tranh mà những truyện ngắn hay kịch bản phim của tôi cũng có bố cục chặt chẽ hơn và nhiều người nhận ra sự cân đối, hài hòa.
Ngôi nhà A là xưởng vẽ và phòng viết của nhà văn |
Cô và chúng tôi còn lan man nhiều chuyện, nhưng càng nói về sự sáng tạo, Cô dường như càng khỏe lên, ánh mắt và gương mặt bừng sáng. Nếu Cô không mệt, chúng tôi còn trò chuyện thêm chắc chả biết dừng.
Chia tay nhà văn dưới dàn hoa tím |
Ngồi càng lâu trong không gian sáng tạo ấy và lúc ra về ngắm dàn hoa tím ở cổng chính, tôi lại cảm nhận thêm sự nhẹ nhàng, tinh tế từ người phụ nữ đa tài và ngôi nhà tạo nên các tác phẩm sáng tạo.
Linh@
Cầu cảng Sydney - vẻ đẹp của cuộc sống sôi động
Submitted by nlphuong on Wed, 30/11/2011 - 06:15(ICTPress) - Nhà hát Sydney và cầu cảng Sydney chỉ là bắt đầu của câu chuyện. Những hình ảnh của tiêu biểu của Sydney đã nổi tiếng thế giới nhưng Sydney còn là một thành phố sống động.
Cảng Sydney là nguồn sống của thành phố này. Những người thường xuyên đi lại bằng xe bus thường tập trung ở bến phà, bốc dỡ hàng hóa ở bến tàu Circular Quay. Cách đó vài trăm mét, những con tàu thả neo và đưa chở những du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Cảng Sydney cũng là một nơi để nghỉ ngơi. Tàu thuyền đi qua các vịnh nhỏ, các khu công viên được bảo vệ và các khu vườn thực vật.
Và mặc dù các phong cách sống diễn ra ở các câu lạc bộ du thuyền và các lâu đài ngoài biển, cảng thuộc về tất cả mọi người. Người chạy bộ, người đi bộ và những người đạp xem thường dùng lối đi bộ và các đỉnh vách đá, các gia đình thường chơi ở các công viên ở bên bờ cảng.
Cảng Sydney đã làm rung động nhiều trái tim trong các dịp lễ như bắn pháo hoa tuyệt vời vào dịp Đón năm mới và các dịp lễ khác của Australia. Trong các ngày khác, cầu cảng lại có những cảm xúc, thanh bình và rực rỡ.
Khi buổi tối buông xuống hàng trăm con rơi bay thành đàn như một đám mây đen qua các vườn thực vật. Vào lúc hoàng hôn, những ánh đèn thành phố chiếu sáng cả bầu trời và nhiều người đến đầy các quán bar dọc vịnh, Cảng Darling và các vùng ngoại ô
Khi đêm đến, sự yên tĩnh và thanh bình trở lại. Cho đến khi bình minh lên, Sydney lại thức dậy một ngày mới trên cảng.
Các con thuyền đậu ở Circular Quay biến nơi đây trở thành phần bận rộn nhất của cảng |
Ngồi trên mạn thuyền và ngắm con tàu cao ở rất gần |
Thời gian cho hai con hươu cao cổ ăn ở vườn thú Taronga |
Vượt qua bãi biến Milk vào lúc hoàng hôn |
Hình bóng rực rỡ chụp từ một con tàu trên vịnh |
Mặt trời mọc ở Red Leaf Pool, một điểm bơi nổi tiếng gần thành phố |
Đi dạo dọc theo các tảng đá bên cảng, ngắm cầu vồng khó nắm bắt |
Đường tàu một ray chạy qua Pyrmont Footbridge, Darling Harbour, khi Venus xuất hiện trên bầu trời |
Cầu cảng Sydney chụp từ nhà hàng Ripples ở điểm Milson |
Bến phà bận rộn, Circular Quay |
Minh Quang
Theo CNNGo
Thưởng thức phim và văn hóa Đan Mạch tại Hà Nội và TP. HCM
Submitted by nlphuong on Tue, 29/11/2011 - 06:23(ICTPress) - Từ ngày 1-6/12 tại TP. HCM và từ 2-7/12 tại Hà Nội, Tuần lễ phim Đan Mạch do Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam sẽ được tổ chức. Đây là một phần trong các hoạt động giao lưu văn hóa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đan Mạch và Việt Nam.
Trong tuần lễ này, những tác phẩm điện ảnh của Đan Mạch từng đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế như “Trong một thế giới tuyệt hơn” (In a better world) của đạo diễn Susanne Bier giành giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2011, bộ phim là tác phẩm đỉnh cao của đạo diễn Susanne – nữ đạo diễn xuất sắc nhất của điện ảnh Đan Mạch và các tác phẩm “Điều không ai biết” của đạo diễn Søren Kragh-Jacobsen (2008), “Năm trở ngại” (2003) của đạo diễn Lars von Trier và Jørgen Leth sẽ được trình chiếu.
Cảnh trong phim "Trong một thế giới tuyệt hơn" |
Tuần lễ phim cũng sẽ giới thiệu đến khán giả Việt Nam bộ phim kinh dị “Ứng cử viên” của Kasper Barfoed (2008), “Pelle người đi chinh phục” (1987) của đạo diễn Bille August và phim hoạt hình “Quả táo và Chú sâu” (2009) của đạo diễn Anders Morgenthaler.
Nhân dịp này, ban tổ chức cũng đã mời đạo diễn Đan Mạch - Jørgen Leth sang thăm Việt Nam. Đây là đạo diễn có những kiệt tác điện ảnh được công nhận trên thế giới. Khán giả Việt Nam sẽ có cơ hội gặp gỡ ông trong buổi khai mạc của Tuần lễ phim và buổi trình chiếu bộ phim của ông với tiêu đề “Năm trở ngại”.
Tại Hà Nội, phim sẽ được chiếu tại trung tâm TPD, 22A Hai Bà Trưng từ ngày 2 đến 7/12 lúc 19 giờ và 21 giờ. Vé xem phim được phát miễn phí tại trung tâm.
Tại TP. HCM, các phim sẽ được chiếu tại phòng chiếu phim của Idecaf, 31 Thái Văn Lung, quận 1 từ ngày 1 đến 6-12 lúc 19 giờ. Vé xem phim được phát miễn phí tại Idecaf.
Ngoài Tuần phim, các hoạt động văn hóa trong các lĩnh vực âm nhạc, triển lãm, sân khấu, nghệ thuật đường phố, văn học, mỹ thuật… sẽ được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, sự kiện được chờ đón là dự án âm nhạc “Vọng Nguyệt 2011” (sự kết hợp một lần nữa của bộ ba Niels Lan Doky (Đan Mạch) - Quốc Trung - Thanh Lam).
Mai Vân
Những “kho báu” của Tây Tạng vào mùa Đông
Submitted by nlphuong on Wed, 23/11/2011 - 06:22(ICTPress) - Tây Tạng có vẻ như rất khác vào mùa Đông khi ít hàng quán hơn, cuộc sống sinh vật hoang dã di cư và núi non tuyệt đẹp khi ngắm nhìn vào mùa này. Yao Minji của Tân Hoa Xã đã có những thông tin về "các kho báu" của Tây Tạng vào mùa Đông.
Phần lớn khách du lịch đến Tây Tạng, phía Tây Trung Quốc vào mùa hè từ tháng 7 đến tháng 9, được xem là mùa tuyệt vời nhất ở Tây Tạng. Thời tiết lý tưởng, có nhiều ô xy hơn, núi non xanh mướt hơn mùa khác trong năm. Và có một số lễ hội Tây Tạng lớn như Lễ hội Shoton (Phật giáo, đua ngựa và bò Tây Tạng) và Lễ hội đua ngựa cũng diễn ra vào mùa hè.
Nhưng lễ hội lớn nhất trong năm là ngày lễ năm mới diễn ra theo lịch âm, là vào mùa Đông và năm 2012 là vào ngày 5/3. Khách du lịch ba lô và những người ưa thích khám phá có kinh nghiệm đều thích khám phá vùng đất này vào mùa Đông. Vào dịp này, nơi đây được trang trí đầy màu sắc truyền thống và mặt nạ, thể hiện diện mạo thực sự - tự nhiên, đích thực, không có thương mại và lộn xộn.
Gala mừng năm mới ở Tây Tạng (Ảnh: blog du lịch) |
Mùa Đông thời tiết lạnh lẽo hơn, nhưng không quá lạnh để đi du lịch một số địa điểm thuộc Tây Tạng. Ở Lhasa, nhiệt độ trung bình từ 10 - 15oC, và lúc lạnh nhất là dưới 5oC lúc sáng sớm và ban đêm.
Những người Tây Tạng, dù là di cư hay là nông dân, không làm nhiều trong thời tiết lạnh giá, và thường trở về nhà để chuẩn bị năm mới và hành hương. Khách du lịch đến đây có thể chứng kiến cuộc sống thường nhật và các phong tục truyền thống của người Tây Tạng.
Sân Barkhor bao xung quanh đền Jokhang ở Lhasa là một trong những khu vực đông người và thương mại nhất, thường thì chật kín người đọc kinh, khách du lịch và thầy bói.
Bạn sẽ thấy rất tuyệt vời khi chứng kiến sự hòa trộn các yếu tố tinh thần và thương mại ở cùng một nơi nhưng tuyệt vời hơn khi nhìn diện mạo nguyên sơ nơi đây vào mùa Đông, khi đó là dịp hành hương rất nổi tiếng ở Tây Tạng.
Năm mới ở Tây Tạng, hay còn gọi là Losar, thường diễn ra trong 15 ngày với nhiều hoạt động văn hóa và tôn giáo. Losar có nghĩa là “năm mới” ở Tây Tạng và là những lễ lớn nhất của người Tây Tạng. Người Tây Tạng chuẩn bị cho dịp này cả tháng trước đó.
Theo truyền thống, tất cả đàn ông cạo râu và phụ nữ gội đầu. Ngay trước ngày năm mới, đàn ông cưỡi ngựa đến các ngọn núi gần nhà để gom củi đốt hàng ngày và cầu nguyện và phụ nữ chuẩn bị những món ăn truyền thống và tinh thần của người Tây Tạng.
Nhà cửa được dọn sạch sẽ trong năm mới, tất cả các gia đình đổ rác và rơm, đôi khi ném rơm lên mái nhà. Sáng sau những cọng rơm sẽ được đốt khi mọi người đều cầu nguyện cho năm mới.
Vào ngày 29/12 theo lịch Tây Tạng, có nhiều nghi lễ và vũ điệu được thực hiện để đuổi ma quỷ và tà ma.
Vào mùa Đông, không khí có ít ô xy nhưng thời tiết khô hơn và ít ẩm ướt, làm cho ánh sáng mặt trời rõ và thẳng hơn. Điều này làm cho màu sắc rực rỡ hơn, bầu trời xanh thẳm, mây trắng và đất nâu.
Quận Nyingtri ở phía Đông Nam có thời tiết ấm áp, ẩm và nhiều rừng hơn các vùng khác trong khu vực Tây Tạng, tạo cảm giác sáng khoái hơn ngay cả trong mùa Đông. Vùng này rất đẹp vào bất cứ mùa nào trong năm nhưng lại ít có khách du lịch vào mùa Đông.
Vào mùa Hè, vùng này đặc biệt xanh tốt nhưng có nhiều mưa nên đường xá lầy lội và đi lại rất khó khăn. Vào mùa đông, trời ít mưa hơn và đường xá sạch sẽ, việc lái xe, tản bộ thuận tiện hơn nhiều. Thời tiết cũng ấm hơn ở Lhasa.
Mùa thu vàng ở quận Nyingtri |
Ở Tây Tạng, Nyingtri có nghĩa là “ngai vàng của mặt trời” và đối với những người khác ở Tây Tạng, đây là nơi mặt trời mọc. Vùng này cao 3.000 m so với mặt nước biển, thấp hơn phần còn lại của Tây Tạng, nên cũng rất thuận lợi cho khách du lịch sợ độ cao.
Tây Tạng cũng là một bảo tàng tự nhiên ảo và bảo tồn tự nhiên, là vùng rừng lớn thứ ba ở Trung Quốc với 46% diện tích là rừng. Rừng ở đây có hơn 3.500 loại cây, cây bụi và nhiều loại thực vật, cỏ và hoa, một số loài riêng chỉ có ở đây.
Vùng này còn có các địa điểm là Karub và Lessor Enda từ thời kỳ đồ đá mới hay cuối thời kỳ đồ đá khoảng 5000 năm trước. Cuối những năm 1970, 1980 các nhà khảo cổ học đã khám phá ra vùng đất này đã được trồng trọt, kê được trồng và lợn được nuôi bởi những người dân thời kỳ đầu. Họ cũng đi săn cáo, cừu đen và hươu đỏ để bổ sung vào thực đơn hàng ngày.
Vào mùa Đông, những du khách khám phá vẻ đẹp rõ ràng của núi Namchabawa, một trong những núi đẹp nhất ở Trung Quốc, vào mùa Hè ở đây hay mưa và sương mù nhiều nên khó thưởng ngoạn ngọn núi này.
Namcha Barwa được chọn là một trong 10 ngọn núi đẹp nhất ở Trung Quốc do Hội địa lý Trung Quốc bầu chọn. Ở Tây Tạng, tên của ngọn núi này có nghĩa là “ngọn giáo hướng lên bầu trời” và cao 2.782m là một trong 15 ngọn núi cao nhất thế giới. Vào mùa Đông, việc ngắm cảnh ở đây rất rõ ràng trong khi mùa Hè trời mưa và mù sương và tầm nhìn bị hạn chế.
Thời tiết quá lạnh để ở lại vào ban đêm tại trại cắm trên núi Everest, nhưng có thể ngắm “mây hình cờ” trên đỉnh núi. Hình ảnh này chỉ xuất hiện sau tháng 10 khi bầu trời quang hơn và cực kỳ đẹp và mùa Đông.
Everest nhìn từ Tây Tạng (Ảnh: wikipedia) |
Do các điều kiện thời tiết và gió, mây mở rộng hình dáng của chiếc cờ hay cờ đuôi nheo. Người dân địa phương đôi khi nhìn mây để dự báo thời tiết, khi cờ chỉ phía Bắc là sẽ có tuyết.
Cũng chỉ duy nhất vào mùa Đông khách du lịch mới có thể nhìn thấy sự di cư của những sinh vật hoang dã như linh dương, sếu cổ đen Tây Tạng, hai loài này chỉ có ở Tây Tạng. Đôi khi bạn có thể thấy những sinh vật này dọc theo đường tàu Thanh Hải - Tây Tạng đi qua phía Nam khu bảo tồn tự nhiên Sanjiangyuan của tỉnh Thanh Hải.
Khách du lịch nước ngoài bị cấm đi tự do trong khu vực Tự trị Tây Tạng, cũng như các vùng Tây Tạng ở tỉnh Yunnan và Sichuan. Bạn phải đăng ký đi vào nơi này trước từ Văn phòng Du lịch Tây Tạng.
Bảo Ngọc
Gặp gỡ đam mê của những điệu nhạc swing
Submitted by nlphuong on Mon, 21/11/2011 - 16:11(ICTPress) - Trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc châu Âu từ 17 đến 28/11/2011, ngày 22/11/2011 lúc 20h00 tại Nhà hát Tuổi trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm sẽ diễn ra buổi biểu diễn của nhóm Swing Quartet.
Sau thành công của lần giao lưu đầu tiên giữa tổ chức Culture&Flonsflons của thành phố Lille (Pháp) và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhân dịp kỉ niệm Nghìn năm Thăng Long Hà nội, hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ từ năm 2011 và cho ra mắt nhóm Swing Quartet. Đây là cuộc gặp gỡ đầy đam mê của những điệu swing giữa Bắc Âu và Đông Nam Á.
Nhóm Swing Quartet sẽ chơi những bản swing Pháp gắn liền với tên tuổi những nghệ sỹ lớn về jazz, accordéon và âm nhạc quần chúng của Pháp như Django Rheinardt và Stéphane Grapelli, Yves Montand, Georges Brassens…
Buổi biểu diễn có sự tham gia của các nghệ sỹ: hristophe Hache (Pháp) chơi bass; Thibault Dille (Bỉ) chơi accordion; Nguyễn Tiến Mạnh (giảng viên khoa jazz Học viện Âm nhạc Việt Nam), chơi piano; Nguyễn Hùng Cường, giảng viên khoa jazz Học viện Âm nhạc Việt Nam chơi trống.
Vào cửa miễn phí. Thông tin thêm về Liên hoan Âm nhạc châu Âu xem tại đây.
Bảo Ngọc
Đêm rock Nhật Bản và Việt Nam tại Hà Nội
Submitted by nlphuong on Mon, 21/11/2011 - 06:40(ICTPress) - Sự kiện này sẽ cống hiến cho khán giả ba ban nhạc Rock đình đám nhất của Nhật Bản là Okamoto's, Electric Eel Shock, Molice và những ngôi sao trẻ tuổi và sáng tạo của làng nhạc Rock Việt Nam là Ngũ Cung và Rosewood.
Để thúc đẩy sự phục hồi của đất nước Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 vừa qua và để tôn vinh sự đoàn kết khăng khít giữa hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản, ngày 3/12, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp cùng C.A.M.A. tổ chức Đại nhạc hội Rock Nhật Việt có tựa đề: “Go! Go! ★ Japan!” tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam 148 Giảng Võ, Hà Nội.
Sự kiện này sẽ cống hiến cho khán giả ba ban nhạc Rock đình đám nhất của Nhật Bản là Okamoto's, Electric Eel Shock và Molice.
Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Bladerunner cho đến Manga hay The Catcher in the Rye, hai album đầu tay của Molice đã giới thiệu đến khán giả dòng âm nhạc bùng nổ như Headphone và Romancer cũng như thể hiện âm thanh punk trở chiều tương tự như Talking Heads hay Franz Ferdinand, trong khi Electric Eel Shock, Quán quân cho Ban nhạc xuất sắc nhất của năm tại giải thưởng âm nhạc NEO Music Awards, sẽ khiến chúng ta bất ngờ với những giai điệu rock đầy phấn khích.
Điểm nhấn của đại nhạc hội lần này là Okamoto’s, một trong những ngôi sao đang lên nhanh nhất trong làng âm nhạc Nhật Bản. Trẻ trung, năng động và tài năng, họ sẽ mang đến cho chúng ta một ấn tượng mạnh mẽ với những âm thanh đầy chất pychedelic/garage rock.
Ban nhạc Ngũ Cung |
Bên cạnh đó, Ngũ Cung và Rosewood, những ngôi sao trẻ tuổi và sáng tạo của làng nhạc Rock Việt Nam, sẽ mang lại cho chúng ta tinh thần văn hóa trẻ đầy nhiệt huyết cho đêm đại nhạc hội này.
Đại nhạc hội Rock “Go! ★Go! Japan!” sẽ được diễn ra từ 18h00 Thứ 7 ngày 3/12/2011. Vé mua trước (60.000 và 80.000 đồng) tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, 27 Quang Trung, Hà Nội (04-3944-7419) và các địa điểm: các nhà hàng Highway 4 số 3 Hàng Tre/ 25 Bát Sứ / 31 Xuân Diệu / 54 Mai Hắc Đế/ 575 Kim Mã; Các nhà hàng Al Fresco 19 Nhà Thờ / 23L Hai Bà Trưng / 98 Xuân Diệu / 108 K1 Láng Hạ; các nhà hàng Pepperoni 13 Huỳnh Thúc Kháng / 15 Nguyễn Du / 24 Nguyến Chí Thanh / 37 Trần Đăng Ninh; Holygon Musik, 67A Núi Trúc và Holyland Café, 105 D7, Ngõ 4D, Đặng Văn Ngữ.
Thu Hà