Cảm xúc tháng 4 trên quần đảo Trường Sa

(ICTPress) - Chúng tôi, những nhà báo Thông tin và Truyền thông, may mắn được thăm quần đảo Trường Sa đúng vào dịp 37 năm ngày giải phóng Trường Sa 29/4/1975 - 29/4/2012. Ra khơi, ra với biển và Trường Sa để thấy thêm tự hào về tổ quốc mình, thêm yêu quân và dân trên quần đảo Trường Sa kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió.

Tự hào biển Việt Nam

Mỗi một năm tôi ao ước ra biển một lần có thể chỉ một ngày nhưng với chuyến công tác gần nửa tháng trên biển làm tôi phấn chấn vô cùng. Nhiều giờ trên biển mênh mang tôi càng tự hào sâu sắc biển Việt Nam.

Theo công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông (cả Biển Đông gần 3,5 triệu km2). Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển của đất nước, có vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông đất nước. Một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

Vẻ đẹp của biển Đông

Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực.

Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú. Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2000 loài khác nhau, trong đó có trên 100 loài có giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã có 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó có 12 bãi cá phân bổ ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi được xác định. Nguồn lợi giàu có này của biển khơi được tôi cảm nhận qua những lúc đứng trên boong tàu hay lúc tàu neo đậu. Những đàn cá to bơi thành đàn hay những mẻ cá tươi ngư dân đánh bắt được tặng các chiến sỹ ở các đảo có thêm thực phẩm và những nơi nhiều cá đến nỗi nhiều người ví như “Ao cá Bác Hồ”.

Nhà báo Hoàng Liên Sơn, Thông tấn Xã Việt Nam một lần trò chuyện cho tôi biết trước đây anh không thích biển, nay ra biển mới thấy biển đẹp và kì vỹ nhường nào. Đất nước mình có những vùng biển đáng tự hào. Tự hào về ông cha mình từ thời Chúa Nguyễn đã đi thuyền ra khai thác các sản vật trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.

Trường Sa thân yêu

Có đi Trường Sa, tôi mới ngấm và thấm hơn câu “Trường Sa thân yêu”. Trường Sa thân yêu đối với tôi bắt đầu từ màu xanh của cây cối. Từ xa trước khi tàu cập cảng Trường Sa lớn hay sau đó là trước khi vào các đảo nổi, đảo chìm, màu xanh trên các đảo làm chúng tôi thấy thân thương, gắn bó như ở đất liền, như trở về với quê nhà.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả cuốn “Đảo chìm” nổi tiếng, từng là người lính ở Đảo Thuyền Chài cho biết trước đây bóng của đảo là bóng của người lính. Bây giờ Trường Sa mát mẻ, trù phú như công viên sinh thái. Cây cối mỡ màng.

Ở những đảo nổi, ấn tượng nhìn từ xa nhìn vào là tràn ngập màu xanh của phong ba, bàng vuông, tra, dừa… vững chãi, còn khi vào sâu hơn trong đảo nổi cũng như đảo chìm, chúng tôi ấn tượng bởi những vườn rau xanh. Các chiến sỹ ở đảo đã phủ xanh mọi ngóc ngách có thể để tạo không gian mát mắt giữa nắng, gió biển khơi và để có rau ăn. Tôi còn ấn tượng bởi cứ mỗi lần chúng tôi vào đảo nào, con tàu đưa chúng tôi đến với Trường Sa lại thông báo với chúng tôi tổng kết năm 2011 các chiến sỹ trên đảo trồng được hàng ngàn kilogram rau. Nhiều đảo chìm một năm đã tăng gia được gần 2500 kg rau như Đảo Núi Le, Đảo Thuyền Chài… Đảo An Bang, một đảo có điều kiện tự nhiên đặc biệt, khắc nghiệt, các vườn rau phải xoay theo chiều sóng và chiều gió theo hai mùa trong năm, nhưng các chiến sỹ đã trồng được rau ăn dư dả.

Vườn rau xanh mướt trên đảo An Bang

Ấn tượng tiếp theo trước khi vào đảo còn là những chiếc chong chóng gió, những tấm pin mặt trời. Đâu phải là chàng Đông Ki-sốt trong truyện của Đại văn hào Xécvantec, mà những chiếc chong chóng gió được các nhà khoa học, kỹ thuật viên của Quân chủng Hải quân và cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa hỗ trợ kinh phí và công nghệ, đã bắt nắng, gió, những nguồn năng lượng thiên nhiên ưu đãi cho Trường Sa để chuyển hóa thành điện năng. Hơn hai năm thi công lắp đặt công trình, để đến hôm nay tất cả các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn có điện 24/24 giờ chạy bằng năng lượng mặt trời phục vụ quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Buổi tối Trường Sa sáng lung linh giữa biển khơi. Trường Sa đang thức, hướng về đất liền.

Đón chúng tôi ngày đầu tiên ở trên quần đảo Trường Sa là quân và dân Trường Sa lớn. Những cái bắt tay, những lời hỏi thăm và cả những cái ôm chầm như những người ruột thịt lâu ngày gặp lại. Cảm xúc cứ dâng trào như những đợt sóng không ngừng mà đợt sóng cao nhất là những lúc chúng tôi đứng ở cột mốc và dưới ngọn cờ Tổ quốc, được xem diễu binh của các lực lượng trên đảo. Ai ai cũng mong chụp được tấm hình ở cột mốc, nhưng với tôi và với nhiều người thăm quần đảo Trường Sa, cột mốc Tổ quốc đã vĩnh viễn ở trong trái tim và trong tình cảm của mỗi người.

Diễu binh trên đảo Trường Sa lớn

Đón chúng tôi, các chiến sỹ ở các đảo còn dành cho chúng tôi những chậu nước ngọt các anh luôn phải chắt chiu, tằn tiện. Những thau nước đầy để ngay cầu tàu, bên cạnh là những bánh xà bông, những chiếc khăn lau trắng dành cho khách rửa tay, rửa mặt sau những giờ trên biển có hơi nước biển mặn dính vào người.

Nhưng trên tất cả với tôi là những cảm xúc về những con người kiên cường ở Trường Sa. Con người tạo nên tất cả, con người tạo nên Trường Sa như hôm nay. Thăm 12 điểm đảo và một nhà giàn, chúng tôi trước chuyến đi tâm niệm là thăm, là chia sẻ, động viên những con người giữa trùng khơi nhưng không phải vậy. Họ, những con người ở biển khơi, lại củng cố niềm tin ở chúng tôi.

Anh Nguyễn Huy Lương, đội trưởng đội đảm bảo không quân trên đảo Trường Sa lớn, còn rất trẻ, khảng khái và quyết tâm khi thấy chúng tôi bịn rịn chia tay: Đất liền cứ yên tâm, không phải lo lắng, ngoài đảo Trường Sa, lực lượng trẻ với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần tự hào của dân tộc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển đảo, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ lãnh hải, đảm bảo cho bà con ngư dân ra đánh bắt cá.

Những ngày sau đó và ở các điểm đảo khác, chúng tôi luôn nhận thấy bầu nhiệt huyết, tinh thần dân tộc nơi các anh, những chiến sỹ biển đảo, nhiều người còn rất trẻ.

Tại đảo Đá Tây, chúng tôi gặp anh Hồ Anh Tuấn, đảo phó mới ngoài tuổi 30, người Yên Thành, Nghệ An. Anh cho biết vợ mới sinh con gái thứ hai được một tháng rưỡi. Anh chưa được gặp mặt con, được xem hình ảnh đứa con gái yêu quý. Anh gần hết một tăng công tác nữa trên đảo, tháng 7 này sẽ về gặp vợ con luôn thể.

Hoàn thành nhiệm vụ trước tiên cũng là quyết tâm của các anh Nguyễn Văn Quyết, đảo Phan Vinh hay Thượng úy Phạm Quốc Phương, Điểm trưởng điểm đảo Tốc Tan C. Anh Quyết có con bị bệnh bẩm sinh chậm phát triển, nay con đã 22 tháng tuổi nhưng đặt đâu nằm đó. Chúng tôi hỏi nếu được tạo điều kiện anh có muốn về sớm với vợ con không? Người chiến sỹ đã từng ở đảo Sinh Tồn, Nam Yết cho biết sẽ hoàn thành nhiệm vụ rồi sẽ trở về. Hàng ngày, anh gọi điện động viên vợ. Thiếu úy Phạm Quốc Phương có con nhỏ vừa mất vì bạo bệnh. Anh không về được. Cảm xúc anh dâng trào khi chúng tôi hỏi thăm nhưng anh vẫn vững vàng qua ánh mắt anh sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Hình ảnh thanh bình ở đảo Trường Sa lớn

Quần đảo Trường Sa với những con người kiên cường như vậy nên tôi đã hiểu tại sao tôi lại có cảm nhận cuộc sống thanh bình quá đỗi ngay từ ngày đầu chúng tôi đặt chân lên đảo. Tôi vẫn nhớ như in, trong buổi chiều gió mát ở Trường Sa lớn sau một cơn mưa bất chợt, hình ảnh người bố đẩy xe đưa hai con vòng vòng và những em bé ở các gia đình nô đùa, tinh nghịch trước cửa chùa Trường Sa lớn. Cũng tại đây, chúng tôi có những giây phút đàm đạo với Đại đức Thích Ngộ Thành. Thầy mới ra đảo nhưng thầy đã thấy nơi đây thân thuộc và thầy cho biết sau khi nói chuyện với chúng tôi thầy còn đi chuẩn bị để trình bày một tiết mục văn nghệ trong buổi giao lưu văn nghệ vào buổi tối giữa đoàn công tác chúng tôi với quân và dân trên đảo. Trong gió biển ban chiều mát rượi, tôi bỗng nhìn thấy cầu vồng bừng lên từ trên gác mái chùa Trường Sa lớn.

Cầu vồng bừng lên trên chùa đảo Trường Sa lớn

Tôi đã về với đất liền nhưng những gì ở Trường Sa trong tháng 4 này đã ở lại trong tôi và sẽ cùng theo tôi mãi mãi. Ở đâu đó quanh tôi câu “đảo là nhà biển cả là quê hương” vẫn luôn ngân vang.

Lan Phương

Tin nổi bật