Mùa Vọng ở thành phố biển

(ICTpress) - Chỉ còn mươi ngày nữa là đến lễ Giáng sinh. Sẽ thật là thiếu nếu cảm nhận không khí của Mùa Vọng và Giáng sinh mà không đến…

Tháng 12 ở Nha Trang không hề lạnh, nhiệt độ loanh quanh 25oC vừa đủ cho áo khoác, áo len, khăn quàng có dịp e ấp ra phố đi bên cạnh váy ngắn, quần sóc tung tăng trở về sau những cuộc rượt đuổi cùng sóng và cát; đối với những người Nga và châu Âu đang tấp nập đến du lịch thì thời tiết nơi đây quá ấm áp. Khác với những thành phố phía Bắc đang chùm kín trong gió mùa đông bắc, Sài gòn và Nha trang cứ bước sang tháng 12 là rộn ràng không khí đón Giáng sinh, đây là thời gian của Mùa Vọng.

Cây Noel trước cửa khách sạn

Mùa Vọng theo tiếng Anh là "Advent", có nghĩa là "sự đến" và trong tiếng Việt thì Vọng là mong chờ, đón đợi điều sắp đến. Theo Thiên chúa giáo thì Mùa Vọng đươc Giáo hội ấn định 4 tuần lễ trước lễ Giáng Sinh (ngày 25 tháng 12) để chuẩn bị  mừng Chúa Giesu ra đời, như thế Mùa Vọng được bắt đầu từ cuối tháng 11 hàng năm. Bốn tuần lễ của Mùa Vọng được biểu tượng bằng vòng tròn kết bằng cành lá xanh, trên vòng lá đặt 4 cây nến. Hình tròn của vòng lá nói lên sự vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận, màu màu xanh lá là màu của hy vọng, bốn cây nến bao gồm ba cây màu tím - màu của Mùa Vọng, một cây màu hồng là màu của Chúa Nhật Vui mừng. Vòng lá xanh và bốn cây nến được gọi là vòng lá Mùa Vọng và trong 4 tuần trước Noel thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để nhắc nhở mọi người về lễ Giáng sinh sắp tới. Vào ngày chủ nhật đầu tiên của Mùa Vọng, một cây nến tím được thắp lên tượng trưng cho sự chuẩn bị đón đợi, sự phồn thịnh và niềm tin; chủ nhật tiếp theo cũng là màu tím. Cây nến hồng được thắp vào chủ nhật thứ ba của Mùa Vọng để thể hiện mừng vui và hân hoan cho việc mong chờ sắp tới. Cây nến tím cuối cùng sẽ được thắp lên vào chủ nhật thứ tư của Mùa Vọng biểu tượng cho sự phồn thịnh và niềm tin mãi mãi. Giờ đây, Mùa Vọng và lễ Giáng sinh không chỉ dành riêng cho người theo đạo Thiên chúa mà đã trở thành một lễ hội lớn cuối năm của tất cả mọi người.

Chuyến bay lúc cuối chiều đưa tôi đến Nha Trang khi thành phố đã lên đèn. Phố biển lộng lẫy hơn bởi những cây thông cao ngất được trang hoàng rực rỡ trước cửa các khách sạn bốn sao, năm sao. Phía trước một siêu thị, tranh thủ lúc bố mẹ bận rộn mua sắm, các cô bé cậu bé tranh nhau chui vào chui ra căn nhà gỗ xinh xắn như trong cổ tích. Ngay cả lối đi và những chiếc ghế xích đu đặt trước sảnh các quán café cũng được kết dây kim tuyến lóng lánh. Buổi sáng các cửa hàng tập nập không khí đón Giáng sinh, mấy cậu nhân viên tranh thủ lúc vắng khách mang cây thông ra sửa sang, trang trí cho thêm phần hoành tráng hơn so với cây thông bên hàng xóm. Cửa hiệu nào có cây thông bé hơn thì dựng thêm một chú người tuyết hoặc hẳn một ông già Noel đứng trước cửa để chào đón khách. Không khí đón Giáng sinh tràn sang cả những con đường phía ngoại vi thành phố. Dọc con đường nhỏ lòng vòng qua sườn dốc dẫn vào khu tắm bùn và suối khoáng, thấp thoáng giữa các ngôi nhà nho nhỏ là những vòng lá xanh cùng tiểu cảnh hang đá trang hoàng đèn nến mô tả cảnh Chúa sinh ra đời.

Ngôi nhà cổ tích

Sẽ thật là thiếu nếu cảm nhận không khí của Mùa Vọng và Giáng sinh mà không đến một Nhà thờ thiên chúa. Bước chân lãng du đưa tôi về ngã sáu, nơi hội tụ những con đường lớn của thành phố biển và là nơi Nhà thờ chánh tòa Nha trang tọa lạc. Nhà thờ chánh tòa Nha trang còn có tên gọi dân dã là Nhà thờ Đá vì được xây bằng đá, hay Nhà thờ Núi vì được xây trên một mỏm núi nhỏ - Núi Bông, hay Nhà thờ ngã sáu vì  tọa lạc cạnh nút giao lộ của sáu con đường. Được xây dựng từ năm 1928 trên mỏm núi Bông có độ cao khoảng 12m, nhà thờ  có phong cách kiến trúc phương Tây vươn cao nổi bật giữa trời xanh với bố cục vững chãi của những hình khối lập thể khỏe khoắn làm từ chất liệu đá. Ðiểm cao nhất là nơi đặt thánh giá trên đỉnh tháp chuông, cao 38 mét, tính từ mặt đường. Bước vào trong nhà thờ, không gian vời vợi của mái vòm bằng đá và những cây cột đá cao vút trang trí giản dị mà hết sức tinh tế khiến người ta ngạc nhiên về kỹ thuật xây dựng cách đây gần một thế kỷ. Gác chuông và những cánh cửa gỗ chắc nịnh càng tăng thêm vẻ trang trọng. Hoa văn trên kính cùng những dãy ghế với chỗ quỳ gối được bọc da êm tạo nên cảm giác nhẹ nhàng và gần gũi hơn. Khác với những rực rỡ, rộn ràng nơi phố phường vào Mùa Vọng, nhà thờ điềm tĩnh và trang nhã trong màu xám của đá, màu xanh của lá cây, chỉ một chút ríu ran ở một nhóm các bạn trẻ đang hẹn thời gian tập hát thánh ca cho lễ Giáng sinh. Ven theo tường nhà thờ là lối đi lát đá thoai thoải với tượng các thánh ẩn hiện giữa những vòm lá rung rinh. Một không gian kiến trúc hoàn hảo để người đến đó được cảm nhận sự thanh thản của chốn tôn nghiêm.

Nhà thờ Đá

Nhìn ra phía ngoài hàng rào nhà thờ, tôi bất chợt gặp Mùa Vọng về trên nóc một ngôi nhà nhỏ: cạnh bức tường gạch xây dở là tượng Đức Mẹ  chắp tay nguyện cầu giữa những cành lá xanh tươi và một chú hươu con đang hướng về… Mùa của ước vọng và Giáng sinh đang đến.

Vòm mái và cột trong Nhà thờ Đá
Trang hoàng đón Giáng sinh ở một cửa hàng

 Hiền Minh

Tin nổi bật