Làm thế nào khi không có người đón ở sân bay Trung Quốc

(ICTPress) - Trong bài viết “Vũ Hán - những khoảnh khắc bình yên” các bạn đã biết một Vũ Hán yên bình và tôi đã có nhiều kỷ niệm. Nhưng tôi còn có một kỷ niệm hay một kinh nghiệm quý báu khi đi nước ngoài nói chung hay Trung Quốc nói riêng để chia sẻ với bạn đọc.

Bắt đầu hành trình từ nhà lên sân bay Nội Bài trong một buổi sáng sớm một ngày mùa hè cuối tuần với những tia nắng đầu tiên nhảy nhót. Phố xá còn còn im lìm vì ai nấy còn chìm trong một giấc ngủ sớm mai mát lạnh. Đã lần thứ mấy đi Trung Quốc rồi nên tôi không còn cảm xúc háo hức quá như lần đầu nhưng nghĩ đến những người ở nhà chưa một lần bay quốc tế nên cũng thấy phấn chấn hơn phần nào. Nhưng thời điểm đó cũng bắt đầu một hành trình dài, nhiều kỷ niệm, trải nghiệm đến thế.

Dịch vụ chỉ dẫn và chuẩn bị nhân dân tệ

Một góc sân bay Quảng Châu

Để đến được Vũ Hán tôi phải bay hai chuyến: chuyến quốc tế Nội Bài - Quảng Châu và chuyến nội địa Trung Quốc là Quảng Châu - Vũ Hán. Chuyến bay từ Hà Nội - Quảng Châu mất gần 2 giờ cũng qua nhanh nhờ cuốn truyện “Nhóc Nicholas: Những chuyện chưa kể”. Từ Quảng Châu bay đến Vũ Hán, tôi chỉ có 1 giờ 30 phút để làm để làm mọi thủ tục lấy hành lý, hải quan. Các bạn có thể băn khoăn tại sao 1 giờ 30 phút lại không đủ nhưng các thủ tục hoàn tất thủ tục kiểm tra nhập cảnh nội địa, tìm được chỗ lấy đồ để chuyển sang một chuyến bay khác trong cái sân bay quốc tế mênh mông Quảng Châu đã lấy mất của tôi 1 giờ đồng hồ. Nửa tiếng còn lại là phải tìm được cửa ra máy bay nội địa. Còn đang dò dẫm, nghển cổ xem bảng điện tử và bắt đầu lo cuống vì sợ chậm giờ vì phải còn làm thủ tục lên chuyến bay nội địa thì một cô bé áo đỏ người Trung Quốc từ đâu vụt đến, hỏi còn bao nhiêu thời gian và kéo tôi đi sềnh sệch không kịp thở ra chỗ kiểm tra an ninh (security) nội địa và cửa bay. Quáng quàng vài phút rồi tôi đã có vé lên máy bay.

Xong xuôi mọi việc cô bé quay ra đề nghị trả tiền dịch vụ. Một chút ngỡ ngàng, rồi tôi cũng hiểu ra vấn đề. May quá là tôi đã chuẩn bị ít tiền lẻ nhân dân tệ. Chắc đã có nhiều người như tôi nên đã có dịch vụ không phải do sân bay làm này. Mà cũng cần phải có dịch vụ này thật ở một sân bay rộng lớn đi cả ngày cũng không hết như sân bay Quảng Châu.

Không có người đón tìm đường cách nào

Từ Quảng Châu đến Vũ Hán mất hơn 1 giờ 30 phút nữa. Xuống sân bay lấy đồ rồi nhanh chân ra cửa sân bay tìm kiếm xem có ai ra đón và dơ biển tên lớp học mà tôi tham dự như những lần đi học trước đây. Nhưng 10 phút rồi nửa giờ trôi qua vẫn lặng tăm không thấy bất cứ một tín hiệu nào. Ra đứng ở cửa sân bay vẫn tiếp tục nháo nhác tìm, và hỏi. Nhưng đáp lại chỉ là những cái lắc đầu không hiểu tiếng Anh.

Sân bay Vũ Hán nhìn từ trên cao

Lếch thếch kéo hành lý lên quầy thông tin ở tầng 2. Dơ tất cả giấy tờ, địa chỉ tiếng Anh mà tôi đã in ra rồi nói, thể hiện ngôn ngữ bằng chân tay, tất cả cái gì có thể để nhờ giúp đỡ từ mấy cô xinh đẹp ở quầy. May quá họ có thể nói chút tiếng Anh. Họ giúp tôi thông báo trên loa liên tục cả cái sân bay của Vũ Hán. Tuy nhiên, không một bóng người đến tìm. Họ lại tiếp tục giúp tôi gọi điện theo số điện thoại tôi in ra. Nhưng một kinh nghiệm nữa xin chia sẻ là bạn phải xin số điện thoại di động của người mà bạn trao đổi trước chuyến đi là sẽ ra đón bạn. Tôi đến Vũ Hán vào ngày chủ nhật và số điện thoại cần gọi là số cố định cơ quan không có người trực nên các cô ấy “bó tay”.

Quầy Thông tin (Information) cho tôi biết, tôi chỉ còn cách tự đến chỗ tôi học mà không nên chần chừ đợi thêm nữa vì chỗ đó ở rất xa sân bay, trời thì cứ chiều tối dần. Đi đến đó tôi cần cũng phải mất khoảng 2 giờ đi taxi nữa. Họ đã viết địa chỉ và tên trường ra tiếng Trung trên trang giấy tôi in ra trước chuyến đi để tôi có thể bắt taxi.

Theo hướng dẫn được tôi hỏi ký là giá taxi không được quá 140 tệ. Xem trên mạng trước chuyến đi tôi biết taxi ở Vũ Hán là rẻ nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thời điểm kinh tế khó khăn này, taxi Vũ Hán chắc đã cao hơn đôi chút. Nói chuyện với lái xe lại một lần nữa tay, chân tôi cứ múa loạn để ra hiệu, thể hiện ngôn ngữ. Ngồi trên xe suốt gần 2 tiếng là run vì thấy đi mãi mãi mà chẳng thấy đến. Đúng 6 giờ 30 chiều rồi tôi cũng đến được cổng của địa điểm!. Nhìn vào Viện thì thấy quá “choáng” vì có đến cả chục đường rẽ, cả chục khu học mênh mông, biết rẽ đường nào. Anh lái xe taxi cũng nhiệt tình, biết tôi khó khăn đã không bỏ tôi mà cùng tôi lòng vòng đến cả chục lần, hỏi đến cả tá người để hỏi địa chỉ đến Trung tâm Fiber Home, nơi tôi sẽ học trong 2 tuần. Đáp lại chúng tôi là những cái lắc đầu không hiểu tiếng Anh và không biết trung tâm đó ở đâu. Trời thì tối quá rồi. Tôi bắt đầu cuống cuồng và nghĩ đến tình huống xấu nhất là đêm đó ngoài vỉa hè.

Nhưng đến lúc cùng cực vì lo vì mệt thì nhìn thấy một cô bé đang đi về hướng mình, đành cố lê ra hỏi nốt. Nói được một chút tiếng Anh và hiểu vấn đề của tôi, cô bé gọi điện hỏi bạn bè chứ cô cũng chưa định hình được chỗ đó ở đâu, rồi dẫn tôi đến Fiber Home. Sau này mới biết là cô bé biết chút tiếng Anh là vì vừa đi làm. Sau khi hỏi được thông tin từ người bạn, cô dẫn tôi đến được Fiber Home. Fiber Home vắng hoe, tôi chạy riết khắp nơi để hỏi thì cũng tìm được một thanh niên nói được chút tiếng Anh. Lại một lần nữa rất nhiều cuộc điện thoại và hỏi han tiếp, thì cậu ấy nói là sẽ đưa tôi ra khách sạn cách đó 15 phút đi taxi, ở và học ở đấy luôn. Ui trời! thế là mình đến nơi rồi à. Cảm giác lúc đó muốn ngất có lẽ vì vừa mừng và vừa mệt. 10 phút nữa là 9 giờ tối.

Ở lớp học trong những ngày sau đó, tôi còn biết một đồng nghiệp lớn tuổi ở Papua New Ghinea còn có một hành trình khó quên hơn tôi. Bác ấy cũng không ai đón ở sân bay, đi nhầm đường, hỏi đường tiếng Anh nhưng không ai hiểu, mãi đến ngày học thứ hai của lớp thì bác ấy mới xuất hiện. Trong suốt thời gian học tập tại đây, tôi có nhiều dịp trò chuyện với đồng nghiệp lớn tuổi này. Bác ấy cũng luôn hỏi tôi ở Việt Nam vỏ hộp, túi thức ăn có tiếng Anh không, có dễ hỏi đường không?.

Hôm tôi về Việt Nam, trời mưa to. Ra sân bay Vũ Hán lại mất gần 2 giờ đi ô tô nhưng cảm giác không còn lo lắng như ngày đầu đặt chân tới Vũ Hán. Thay vào đó là tâm trạng thời gian trôi qua nhanh thật!.

Linh@

Tin nổi bật